Thầy Về

thay-o-phi-truong

 

Hai tháng rưỡi đã trôi qua, kết thúc chuyến hoằng pháp tại Đông Nam Á của Thầy. Mấy ngày nay chúng tôi háo hức chờ đợi ngày Thầy về. Từ tuần trước, các thầy, các sư cô của các xóm đã tới Sơn Cốc để quét tước, dọn dẹp, người cắt cỏ, cào cỏ, tưới cây, tỉa cành, lau nhà, lau cửa kính… không khí thân thương đến lạ.

 

Ngày 15.11 thầy về, đón thầy tại sân bay ai cũng mừng vì chuyến đi này Thầy khỏe và vui. Xuống sân bay, thầy trò ngồi chơi bên nhau dăm phút, thầy kể chút ít chuyện về khóa tu cho đại chúng ở nhà nghe. Đóa hoa thiền tông Việt Nam đã tỏa hương ở khắp phương trời Tây, nay lại tiếp tục bung ở trên mảnh trời Châu Á. Năm nước thầy qua, người dân địa phương cũng như các giới chức, chính quyền đều hết lòng yểm trợ nên khóa tu diễn ra rất tốt đẹp, có lẽ vì thế mà thầy vui và tăng lên được 2 kg.

 

24 giờ ngày 15.10 Thầy về tới Sơn Cốc, vừa bước xuống xe, đã có một số sư cô chờ sẵn ở cửa đón đợi. Thầy cười thật tười đưa mắt ngắm nhìn các học trò của mình rồi dịu dàng xoa đầu từng người một, khẽ hỏi: “ở nhà vui không con?”, “có nhớ thầy không con?” khiến cho ai cũng cảm nhận được tình thương đủ đầy của Thầy. Các sư cô âm thầm chia nhau công việc: người dọn thức ăn, người khiêng đồ, người hút bụi những căn phòng mà khi đi khóa tu Thầy đã cẩn thận khóa lại. Còn Thầy lặng lẽ bước vào phòng làm việc của mình, tới bên bàn thờ Bụt Người lạy xuống ba lạy, trang nghiêm và cung kính.

 

Sáng hôm nay nắng vàng đổ ngập cả đất trời, thời tiết thật lý tưởng cho một buổi thiền hành. Đại chúng vừa xếp lại những cuốn thiền ca chuẩn bị cất bước thì nghe thấy tiếng xe, ai cũng đưa mắt nhìn ra và vui mừng khẽ reo: “Thầy tới”. Từ trên xe, Thầy bước xuống, những ánh mắt mừng vui hướng về phía Thầy. Thầy cười và đưa tay vẫy : “lại đi chơi với thầy, các con”. Buổi thiền hành chợt biến thành buổi đi chơi với Thầy. Thầy trò tới bên ba bức tượng Bụt mới được thỉnh về từ Indonesia. Từ đêm qua, khi vừa về tới nhà, thầy đã nói: “ngày mai thầy sẽ qua Xóm Mới xem tượng Bụt và tìm chỗ đặt tượng”. Ngắm nghía những bức tượng, thầy giải thích thế ngồi của các vị Bụt: “đây là Bụt chuyển pháp luân, đây là Bụt địa xúc, đây là Bụt thiền định.” Thầy trò đi tới bên vườn Bụt, Thầy quan sát và nói nhỏ: “Mình sẽ đặt ba bức tượng ngồi bằng nhau, các con nhé. Bụt chuyển pháp luân sẽ ngồi giữa, hai Bụt ngồi hai  bên. Nhưng Bụt ngồi giữa sẽ ngồi lùi lại một chút theo hình chữ V chứ không ngồi thẳng hàng. Các con thấy được không?” – Thầy quay ra hỏi ý kiến mọi người. Rồi tiếp: “Các con muốn Bụt ngồi giữa ngồi lùi lại sau hai Bụt bên cạnh hay Bụt ở giữa ngồi trước và hai Bụt bên cạnh ngồi lùi lại phía sau? Cho thầy ý kiến đi”. Các sư cô người thì nương tựa hoàn toàn vào cái thấy của Thầy, người thì tiếp thu câu hỏi và đang quán chiếu xem cách nào thì hợp lý hơn cả. Thấy mọi người im lặng, thầy nói: “Thầy thì Thầy thấy Bụt ở giữa ngồi sau hai Bụt bên cạnh thì hay hơn. Mình cứ thử nhé, nếu không thích thì sau này mình thay đổi lại, có sao đâu”. Các sư cô mỉm cười, có người cất tiếng nói: “Con kính bạch Sư Ông chúng con nương theo Sư Ông”.

 

ngồi chơi bên thầy

 

Lúc này Thầy mới quay lại nhìn kỹ khuôn mặt từng sư cô và thăm hỏi mọi người, với mỗi người Thầy đều tới bên xoa đầu và nói với vị ấy điều gì đó:

– Biểu Nghiêm, con có nhớ thầy không? – Sư cô Biểu Nghiêm đỏ mặt gãi đầu

– Lĩnh Nghiêm, thầy có gặp bố mẹ con đấy. Bố mẹ con viết thư cho thầy và khoe là lần đầu tiên được xuất ngoại.

– Tại Nghiêm, con dịch bài hay lắm, thầy đọc bài của con rồi.

Biết sư cô Sinh Nghiêm mới từ Úc về, thầy hỏi: “Ở Úc con có nhớ thầy không?”
Sư cô Sinh Nghiêm trả lời:

– Bạch Thầy, dù ở Úc nhưng con luôn cảm nhận rất rõ rằng Thầy như đang có mặt tại đấy.

– Ừ, có chứ, thầy có ở Úc mà. Lúc con ở Úc thầy nhớ con lắm.

Mỗi khi thầy nói rằng “nhớ con” chúng tôi luôn hiểu câu nói ấy là “thầy thương con lắm”. Tình thương của thầy luôn sâu rộng và công bằng. Ai thầy cũng thương như nhau. Thầy trò dạo bước tới tháp chuông và ngồi xuống. Thầy nói: Tôn Nghiêm, Sĩ Nghiêm, Hành Nghiêm đã kể chuyện về chuyến đi cho các con nghe chưa?

– Dạ chưa – một người cất tiếng.

– Chưa à? Phải kể chứ, có nhiều chuyện để kể lắm.

Rồi thầy như hồi tưởng lại những chuyện đặc biệt diễn ra trong khóa tu, nhớ gì thầy kể cái đó. Ngưng một lát thầy ngắm nhìn những chiếc lá dâu chín vàng. Lá trên cây đã rụng xuống phân nửa, những chiếc lá to bản màu váng óng nằm sát bên nhau trên nền đất thành một tấm thảm lá vàng ươm. Nhìn những chiếc lá thầy nói: “Có một ông thi sĩ người Pháp nói rằng, vào mùa thu mỗi chiếc lá đều trở thành một bông hoa. Nói hay con nhỉ?” Có cảm hứng, sư cô Văn Nghiêm xin đọc cúng dường Sư Ông một bài thơ của sư cô. Sư cô Sinh Nghiêm cũng hát cho Sư Ông nghe một bài mà khi ở bên Úc sư cô được sư cô Thuần Tiến dạy. Thầy trò ngồi bên nhau, khi thì lặng yên, khi thì nhỏ to kể chuyện, khi thì có nhạc, có thơ. Phút giây ấy là những phút giây ngập tràn hạnh phúc của cả thầy lẫn trò. Buổi trưa, Thầy cùng quý sư cô dùng cơm tại nhà ăn của Xóm Mới, sau đó Người mới trở lại Sơn Cốc.

Thầy về lại sau những ngày xa cách, không khí bỗng ấm cúng hẳn lên và mọi thứ cũng ngăn nắp một cách rất tự nhiên. Xóm nào cũng vui, thiền sinh cũng vui. Chỉ cần sự có mặt của Thầy ở đâu là ở đó năng lượng của đại chúng bỗng hùng hậu khác thường. Nhờ ơn chư Bụt, chư Tổ gia hộ nên thầy vẫn khỏe. Chúng con cảm ơn thầy, cảm ơn cuộc đời vì thầy vẫn còn đó cho chúng con.