Ngày đông tuyết phủ
Mùa Đông năm nay tuyết phủ trắng núi đồi, tuyết trắng xóa cành cây, tuyết rải trên mọi nẻo đường làm cho Làng như mới lạ. Ngày tuyết rơi đầu tiên ở Làng đã làm cho mọi người cảm nhận không khí Noel đang về… Đúng vào hôm Quán Niệm thì tuyết rơi, cả tăng thân tham gia ngày Quán Niệm như một lễ hội. Trong khí trời giá lạnh, mọi người nhắc nhở nhau mặc áo đủ ấm chưa? Nét mặt ai cũng hớn hở khi gặp lại bà Chúa Tuyết sau một năm ngủ vùi. Tuyết cười cùng mọi người, mọi người cười cùng vui với tuyết. Đoàn xe Xóm Mới từ từ lăn bánh chầm chậm trên con đường tuyết phủ như đang đi thiền hành.
Quang cảnh hai bên đường đẹp như một bức tranh. Đang “enjoy” sự chăm sóc ân cần của bà chúa tuyết thì đoàn xe phải dừng lại vì đường trơn trợt. Mọi người xuống xe mới nhận ra đi trên tuyết thật là khó! “Oạch”, một sư chị, sư em đã chụp ếch rồi! Các sư em nhỏ được gặp tuyết lần đầu thì tha hồ phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của màu tuyết trắng. Trong giây phút đó thì hai sư cô lớn hội ý rồi quyết định nên trở về xóm cho an toàn. Vậy là mọi người đi bộ về nhà, một đoàn áo nâu thiền hành giữa cánh đồng tuyết phủ, mỗi bước chân đặt lên nền tuyết trắng cẩn trọng như dấu ấn của một vị quốc vương, lúc này hơi thở và bước chân hợp nhất để trở thành đôi bạn thân dìu dắt thân thể trong khí trời rét buốt.
Không lâu sau đó, sư cô Tùng Nghiêm đã quay đầu được một chiếc xe và cẩn thận đón từng tốp nhỏ về nhà. Về đến nhà, ai cũng thở phào và vẫn muốn tiếp tục tham dự Ngày Quán Niệm nên liền nối mạng trực tuyến để được tiếp tục nghe pháp thoại Sư Ông. Trong thoáng chốc, mọi thứ đã sẵn sàng cho mọi người cùng nhau nghe pháp thọai tại văn phòng, ngoài kia tuyết vẫn đang rơi, những bông tuyết nhảy dù thiệt duyên dáng.
Kết thúc giờ pháp thoại, mỗi người một tay chuẩn bị buổi cơm trưa, chỉ một giờ đồng hồ sau, cơm canh đã lên bàn. Ngoài kia tuyết vẫn rơi đều, trong nhà ăn, bên bếp lửa, đại chúng ngồi quây quần ăn cơm thật đầm ấm. Nhiều vị cư sĩ biểu lộ niềm vui khi cảm nhận không khí gia đình đến thật bất ngờ. Những tấm ảnh kỉ niệm ghi lại cái khoảnh khắc đáng nhớ của mùa đông trong ngôi nhà tăng thân kì diệu. Chúng tôi thấy như đang cùng ba xóm bốn chùa ăn cơm chung và dự ngày Quán Niệm chung mà không thấy riêng lẻ tí nào. Và thật sự cảm nhận có lẽ giờ phút này, tăng thân khắp nơi cũng đang có một ngày Quán Niệm như thế. Thật sự vui mừng khi đầu mùa An cư, sư cô Mai Nghiêm, sư cô Đào Nghiêm cùng một số giáo thọ cư sĩ và tập sự giáo thọ cư sĩ đã có dịp ngồi lại để tổ chức chương trình An cư liên mạng. Mỗi tuần, mọi người cùng gặp nhau một lần tại các tăng thân địa phương, cùng chia sẻ về một đề tài pháp đàm thực tế trong đời sống hằng ngày, như thực tập thi kệ mở cửa, thi kệ thức dậy .v.v.. Khi tham dự chương trình này, các thiền sinh ý thức là mình đang An cư nên sắp xếp thời gian để nghe được tất cả các bài pháp thoại của Thầy trong suốt ba tháng mùa Đông, họ còn khuyến khích nhau không xem ti vi, không đi chơi nhiều, thường liên lạc với tăng thân… Qua những tuần đầu đã có khoảng 400 thiền sinh ở 40 tăng thân khắp nơi (đa phần là người nói tiếng Pháp, ngoài ra còn có một số thiền sinh Tây Ban Nha, Thuỵ Sĩ, Canada và châu Phi nói được tiếng Pháp cũng cùng tham gia). Sau bốn tuần cùng thực tập chung, mọi người cảm thấy rất lợi lạc, họ thiết lập được mối liên hệ gần gũi và hưởng được năng lượng thực tập của một tăng thân. Niềm vui được nhân lên khi mạng lưới thông tin đã đóng góp thành tựu của công nghệ hiện đại và tình thương của ngôi nhà tâm linh đã giúp mọi người có cơ hội ngồi lại bên nhau cùng xây dựng và chia sẻ cho nhau niềm tin có một con đường vui qua mạng. Lúc này lời dạy của Thầy lại về: “Noel là dịp để chúng ta trở về nhà” đã thật sự đến trong lòng mỗi đứa con.
Mùa An Cư còn là một mùa đặc biệt dành cho gia đình xuất gia, các sư cha, sư mẹ, sư anh, sư chị về Làng cùng sinh hoạt với các sư em, cùng nhau học những kinh rất hay, chia sẻ những kinh nghiệm tu học và có một ngày Monastic Day vào thứ ba hàng tuần. Hai chúng tăng ni lại quây quần trong một ngôi nhà nhỏ, cùng nghe pháp thọai của Thầy, nghe Thầy chia sẻ những niềm vui từ những “bức thư tình” của những người trò nhỏ trên con đường học đạo, nghe Thầy dạy những kinh nghiệm trong chúng và dạy cách nuôi dưỡng con đường lý tưởng mà mình đang theo đuổi.
Bài pháp thoại “Ngày tôi biết thở”, Thầy đã hỏi các sư con của mình: “ Mình có còn nhớ hơi thở đầu tiên Thầy mình trao cho mình hay không? Hơi thở đầu trong đời sống tâm linh là ngày nào? Ai đã dạy cho mình cách thở? Mình đi tu là mình được tái sinh. Và mầu nhiệm là khi mình tái sinh thì thầy tổ, ông bà, cha mẹ đều được tái sinh“: “Tái sinh trần tạ ân người từ bi”. Cho nên mình đừng chết trong thất niệm, bởi vì sự thực tập của mình có tính chất rất là hệ thống. Lời dạy của Thầy cùng những buổi pháp đàm của gia đình xuất sĩ đã làm cho mùa Đông năm nay thật đầm ấm.
Sau ba tuần chia sẻ về ba đề tài lớn: hạnh nguyện của người tu, vấn đề sức khỏe và thực tập sử dụng máy móc điện tử như thế nào trong đời sống tâm linh? đã đúc kết lại những lời gửi gắm sau:
1. Hạnh nguyện của người tu là có được tình huynh đệ, thực tập làm lắng dịu cảm thọ, nuôi dưỡng hỷ lạc để sống có hạnh phúc thì sẽ tạo được cảm hứng cho người khác thực tập theo (mình phải là người có sự thực tập trước khi hướng dẫn cho người khác thực tập). Đừng quên hạnh nguyện của mình trước khi mình đi xuất gia và nhớ làm mới chí nguyện đó mỗi ngày, nhớ đừng đánh mất mình trong công việc, nhớ cân bằng thời gian thực tập, làm việc, học và chơi trong đời sống hằng ngày…
2. Vấn đề sức khỏe: tập thể dục và an tịnh tâm hành mỗi ngày để có đủ sức khỏe theo cùng tăng thân. Ăn chay có lợi cho sức khỏe, nhớ đừng ăn quá no và cùng một số gợi ý chi tiết khác… Còn “ai cần thuốc chánh niệm” thì xin được gặp Thầy (mọi người bất ngờ trước gợi ý của Thầy Pháp Dung nên cười …“Ồ!” )
3. Sử dụng máy móc điện tử: Theo thông lệ ở Làng, mỗi năm cứ bắt đầu mùa An cư là đại chúng mỗi xóm đều có một buổi thực tập buông bỏ và phát lộ. Vị nào đang sử dụng laptop, điện thọai, email, tài khoản… riêng đều xin phát lộ cho chúng biết và nêu lý do mình sử dụng máy đó vào việc gì cho đại chúng. Nếu lý do không chính đáng thì tăng thân đề nghị buông bỏ để đại chúng cùng dùng chung. Điều này giúp cho mọi thành viên trong tăng thân có cơ hội “thả bò” và ý thức hơn khi sử dụng máy móc.
Qua ba tuần thảo luận, những kinh nghiệm thực tiễn đã được trao đổi để bảo hộ thêm cho các sư anh, sư chị, sư em của mình trong đời sống tăng thân như: Nhớ thực tập trong chừng mực của chúng cho phép, khi sử dụng máy, nên cam kết giờ giấc cho tăng thân biết, có thể sử dụng câu kệ hay tiếng chuông (máy tính) để có cơ hội dừng lại mà không bị tập khí lôi kéo, nhớ thở và buông thư nhé! Không nên lưu trữ những tài liệu không nuôi dưỡng đời sống xuất gia… Có niềm vui trong khi sử dụng máy và cũng có niềm vui khi làm những công việc khác. Có thời khóa “check email”, đừng để tập khí không mở email là ngủ không được quấy rối… và nhớ theo thời khóa đầy đủ.
Lời đóng góp chân thành đó đã giúp chúng tôi thấy mình thật là may mắn khi ở trong vòng tay bảo hộ của tăng thân. Và tin rằng sau ba tuần pháp đàm sôi nổi sẽ giúp cho mỗi chúng tôi có cơ hội nhìn lại sự thực tập của mình.
Buổi chiều hôm tổng kết, chúng tôi lại có một buổi quây quần đố vui để học với những câu hỏi gần gũi, thiết thực về lịch sử Làng Mai, đời sống xuất gia, kinh văn cùng với những câu hỏi rất ư là nhí nhỏm.
Lễ Noel đi qua, Lễ Mừng Năm Mới đang đến, tuyết vẫn phủ trắng mọi lối đi. Ngày hôm qua ánh nắng lại về xuyên qua những cành cây trụi lá lấp lánh như những tia bạc trên nền tuyết trắng huyền diệu. Đây đó từng nhóm nhỏ nô đùa cùng tuyết hồn nhiên và tinh nghịch làm cho quang cảnh Làng thêm sinh động. Đây đó khắc ghi lại những bước chân tĩnh lặng rồi mỉm cười khi nghe tiếng sột soạt của tuyết dưới chân mình. Những bước chân ấy dừng lại bên một bức tượng Bụt bằng tuyết khá lớn được các thiền sinh nam xóm Thượng đắp nên. Bụt ngồi đó giữa trời tuyết phủ đã một tuần nay, bình an và thanh thản đến lạ. Sự hiện diện của bức tượng Bụt bằng tuyết làm cho mùa Đông năm nay thêm ý vị thì phải! Ngoài kia vẫn còn tuyết phủ, trong thiền đường, lời Thầy càng ấm áp như nhen lên trong lòng mỗi người một ngọn lửa thiêng (ngọn lửa tâm linh) sưởi ấm cho mùa đông giá lạnh.