Quê mẹ vẫn tỏa ngát hương thơm
Hành trình Triển lãm thư pháp và sách của Sư Ông Làng Mai tại Việt Nam
Hơn một thập niên qua, những cuộc triển lãm thư pháp của Sư Ông Làng Mai đã bao lần được tổ chức thành công, thu hút rất nhiều sự quan tâm từ giới trí thức cho đến giới truyền thông quốc tế tại các nước như Pháp, Đức, Canada, Mỹ, Thái Lan, Đài Loan và Hồng Kông. Nhưng mãi đến năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử Làng Mai, sau bao năm tháng ấp ủ, cuộc triển lãm thư pháp và sách của Sư Ông đã được chính thức diễn ra tại quê hương Việt Nam. Triển lãm bắt đầu ở thành phố Hồ Chí Minh, do Công ty TNHH Phan Lệ & Friends (Phanbook) đăng cai, đã chính thức mở cửa tại nhà sách Hải An (2B Nguyễn Thị Minh Khai, Đa Kao, Quận 1) từ ngày 27 tháng 3 đến ngày 5 tháng 4 năm 2021. Triển lãm được tiếp tục ở thủ đô Hà Nội, tại không gian triển lãm trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội), do Công ty cổ phần Văn hóa An Lạc tổ chức từ ngày 14 tháng 4 đến ngày 26 tháng 4. Cũng nhân dịp này, cuốn sách thư pháp đặc biệt Hương thơm quê mẹ được ra mắt (Phanbook & NXB Phụ nữ ấn hành, 2021).
Sứ mạng Sư Ông giao phó
Vào cuối mùa xuân năm 2014, sau khi dưỡng bệnh ở Sơn Hạ một thời gian, tôi lên Sơn Cốc thăm Sư Ông. Sư Ông dạy: “Này con, vào đây thầy có chuyện này vui nói với con. Thầy đang có ý tưởng tổ chức triển lãm thư pháp của thầy ở Việt Nam qua tính cách văn hóa. Thầy đã viết sẵn cho con một bộ thư pháp để dành triển lãm ở Việt Nam. Bây giờ thầy giao trách nhiệm này cho con. Con bàn lại với Sư cô Chân Không và các sư anh, sư chị để đi lo việc này cho thầy vào mùa xuân năm tới”. Tình thương của Sư Ông lúc nào cũng dành trọn cho quê hương. Bảy năm sau, nhân duyên đầy đủ, cuộc triển lãm lịch sử ấy được tổ chức.
Thông điệp của triển lãm
Ban tổ chức đã chọn chủ đề “Hương thơm quê mẹ – Thể hiện nếp sống tỉnh thức qua nghệ thuật thư pháp” cho cuộc triển lãm tại Việt Nam kỳ này. Hơn 145 đầu sách tiếng Việt và 100 tác phẩm thư pháp với nhiều ngôn ngữ khác nhau của Sư Ông được trưng bày một cách tinh tế, độc đáo, phong phú và đầy thiền vị. Bên cạnh đó, một số pháp khí mà Sư Ông đã dùng để chuyển tải giáo pháp cũng được trưng bày rất tao nhã. Mục đích của triển lãm kỳ này là tạo cơ hội cho người xem thưởng thức và tiếp xúc với gốc rễ di sản văn hóa dân tộc và nếp sống tỉnh thức qua thư pháp và sách của Sư Ông. Trong mỗi người chúng ta ai cũng có một quê hương để hướng về – nơi đó chúng ta được sinh ra, được dạy dỗ và được chở che. Quê hương đó là Việt Nam, là nơi chứa đầy những giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc và truyền thống cao đẹp ngàn đời của ông bà tổ tiên. Quê hương chúng ta cũng là trái đất, là hành tinh xanh xinh đẹp này.
Hơn thế nữa, chúng ta phải thực tập để khám phá và tiếp xúc cho được với quê hương đích thực qua đường hướng tâm linh. Quê hương đó đang có mặt ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta có thể tiếp xúc được với quê hương, trong cuộc sống hàng ngày qua từng hơi thở và bước chân. Chúng ta thực tập như thế nào để mỗi hơi thở, mỗi bước chân đều có thể đưa ta trở về với quê hương đích thực – nơi bình an, nơi chúng ta không còn bôn ba ngược xuôi tìm kiếm.
Hành trình chuẩn bị với nhiều thử thách và cả những mầu nhiệm
Đầu năm 2019, sau khi đi tìm hiểu vài nơi trong nước, sư cô Thoại Nghiêm và tôi nhận thấy Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai nơi có nhiều điều kiện nhất để tổ chức triển lãm. Các anh chị trong tăng thân Vô Sự và Quê Lụa đã hết lòng tạo mọi điều kiện thuận lợi để chúng tôi có thể tổ chức sự kiện lịch sử này tại quê nhà, đặc biệt là trên mảnh đất thủ đô.
Tháng Tư năm 2019, sư cô Thoại Nghiêm và tôi bay về Pháp để soạn lại và vận chuyển bộ thư pháp mà Sư Ông đã chuẩn bị chu đáo. Trở lại Việt Nam, chúng tôi bắt tay ngay vào công việc. Trước tiên là việc xin giấy phép. Đơn xin giấy phép đã bị khước từ vài lần. Sau nhiều khó khăn và thử thách, cuối cùng Bộ Văn hóa Thông tin cũng hoan hỷ chấp thuận. Nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát ngay sau đó, cuộc triển lãm buộc phải hoãn lại. Mỗi lần hoãn thì phải xin giấy phép lại từ đầu. Chúng tôi gần như hết hy vọng vì nơi tổ chức triển lãm không còn thời gian trống nào trong năm 2021 sau ba lần hoãn.
Vài ngày sau, chúng tôi báo tin cho nhà sách Phanbook biết để họ cũng hoãn lại việc phát hành cuốn sách thư pháp Hương thơm quê mẹ, vì chúng tôi muốn để dành cuốn sách này chỉ cho cuộc triển lãm. Chị Hà Thảo, người thiết kế và đại diện từ Phanbook hỏi tôi: “Thầy có nghĩ tới việc tổ chức ở Sài Gòn không?” Tôi trả lời: “Có, nhưng không tìm được địa điểm thích hợp và chuyện xin giấy phép khá phức tạp”. Chị cười: “Phần xin giấy phép thì thầy để chúng con lo. Thầy an tâm!” Chỉ trong ba hôm chị Hà Thảo gọi lại và báo cho tôi biết tin vui là đã tìm được chỗ triển lãm như nhu cầu của chúng tôi. Sau đó thầy Pháp Khâm và tôi bay ngay vào Sài Gòn gặp chị Lệ và anh Hải, chủ nhà sách Hải An, để xem xét địa điểm. Lịch trống của phòng triển lãm là tuần cuối của tháng Ba năm 2021. Tôi bảo anh Hải: “Một cuộc triển lãm quy mô như thế này cần nhiều công sức và sự chuẩn bị, nếu tổ chức chỉ có một tuần thì uổng quá. Phải ít nhất ba tuần đến một tháng thì mới đủ thời gian cho nhiều người đến thưởng lãm”. Anh Hải gọi điện thoại cho những người đã đặt phòng triển lãm trong thời gian trước và sau tuần thứ ba của tháng Ba và thuyết phục được họ dành cho chúng tôi trọn vẹn hai tuần từ ngày 23 tháng 3 đến ngày 6 tháng 4 mà không lấy một đồng xu nào. Biết ơn anh Hải rất hết lòng yểm trợ, nhưng trong bụng tôi vẫn còn đang phân vân về việc có làm kịp hay không? Vì từ đây tới đó chỉ còn hơn ba tuần. Tôi quay qua chị Lệ và hỏi: “Nếu quyết định tổ chức trong thời gian này thì chúng ta cần có giấy phép trong mười ngày tới, chị nghĩ có thể xin được không?” Chị Lệ từ tốn đáp: “Dạ, con sẽ cố gắng”. Chuyện xảy ra ở Sài Gòn xem như có hy vọng. Một điều mầu nhiệm khác nữa xảy ra sau đó. Tôi nhận được tin nhắn của anh Vũ Huy Thông, người đại diện cho việc thuê phòng triển lãm tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết có người đã hủy bỏ cuộc triển lãm, nên bây giờ phòng triển lãm có thời gian trống từ ngày 9 tháng 4 đến ngày 27 tháng 4. Anh Thông bảo tôi: “Quý thầy cân nhắc và thông báo quyết định sớm để nhà trường sắp xếp.” Tôi mừng quá vì thời gian ăn khớp với thời gian triển lãm ở thành phố Hồ Chí Minh. Nếu ở thành phố Hồ Chí Minh không xin giấy phép được thì ít nhất cũng có thể tổ chức được ở Hà Nội vì giấy phép tại Hà Nội đã có rồi. Việc này xảy ra ngoài sự mong đợi của chúng tôi.
Các sự kiện và chương trình diễn ra trong thời gian triển lãm
Lễ khai mạc tại thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu vào lúc 5 giờ chiều, ngày 26 tháng ba năm 2021 trên sân thượng nhà sách Hải An với hơn 250 khách mời, trong đó có chư vị Tôn túc, lãnh đạo nhà nước, giới truyền thông, văn nghệ sĩ và các đại sứ ngoại giao nước ngoài. Chương trình do hai MC trẻ Lê Quý và Liên Thảo dẫn dắt và được trang nhà Đạo Phật ngày nay phát sóng trực tiếp. Bắt đầu là thiền ca, tiếp đó quý thầy quý sư cô xướng tụng danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm bằng tiếng Phạn, rồi xem đoạn video ngắn của Sư Ông chia sẻ về nghệ thuật viết thư pháp. Chị Phan Lệ đại diện công ty Phanbook và Sư cô Chân Không giới thiệu ra mắt quyển sách thư pháp Hương thơm quê mẹ, cúng dường âm nhạc và kết thúc với phần chia sẻ về đề tài nghệ thuật thư pháp trong chánh niệm của quý thầy Pháp Ứng, Pháp Niệm và Pháp Khâm.
Phòng triển lãm được chính thức mở cửa sau ngày khai mạc. Mỗi ngày có hơn 1000 người đến thưởng lãm, đa phần là giới trẻ. Trong kỳ đại dịch này mà tại thành phố lại có một sự kiện như vậy cho người trẻ quay về để học hỏi phương pháp thực tập chánh niệm giúp cân bằng cuộc sống, kết nối với chính mình và những người xung quanh, chiêm ngưỡng nét văn hóa dân tộc, và khám phá nếp sống tỉnh thức thật là một điều hiếm hoi. Các nhân viên nhà sách Hải An cũng được thay phiên nhau lên thưởng lãm mỗi ngày và giao lưu với quý thầy, quý sư cô. Họ cho biết từ ngày nhà sách mở cửa đến giờ chưa có một sự kiện nào tại đây có thể thu hút lượng người quan tâm đông đảo đến thế.
Không gian triển lãm được quý thầy, quý sư cô và các anh chị em cư sĩ trong tăng thân địa phương thiết kế theo phong cách Nam bộ một cách tinh tế, độc đáo. Hương thơm quê mẹ của miền Nam là cánh đồng lúa chín, là lũy tre, là con đê, là cây cầu dừa, là nải chuối buồng cau, là con xuồng ba lá,… Tất cả những thứ ấy đã được quý thầy, quý sư cô trưng bày hòa điệu với hoa lá, cỏ cây, sỏi đá và ánh sáng, làm nổi bật không gian triển lãm đậm chất thiền. Bài viết Ngát hương thơm quê mẹ đăng trên báo Giác Ngộ của tác giả Giải Hạnh đã diễn tả: “… Mọi thứ được xếp đặt không chỉ với mục đích trình diễn hay thiên về việc thưởng lãm. Ở đó, những người tổ chức đã tạo nên một không gian bình yên, thư thả. Khách có thể đến trong yên lặng và về cũng trong yên lặng. Mạch kết nối duy nhất giữa không gian, tác phẩm và con người chính là những rung động trong sâu thẳm tâm hồn”. Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện ở Viện nghiên cứu Hán Nôm chia sẻ: “Đi ngang những bức thư pháp và các cuốn sách ấy, nếu chỉ cưỡi ngựa xem hoa thì thật có lỗi, bởi đây là dụng công rất công phu và tinh tế, đầy sáng tạo của những người tạo ra triển lãm này”.
Trong thời gian mở cửa, quý sư cô và các em tình nguyện viên chia ca ra trực mỗi ngày để giúp giải đáp những điểm mà người thưởng lãm chưa hiểu và để nhắc mọi người thong thả thưởng thức trong yên lặng. Nếu ai cần tham vấn, cần được lắng nghe thì cũng có thể xin gặp riêng quý thầy, quý sư cô. Thỉnh thoảng quý sư cô thỉnh lên một tiếng chuông cho đại chúng dừng lại thở. Điều này cũng được tác giả Giải Hạnh miêu tả thật đúng mức: “Một tiếng chuông ngân lên, những cuộc trò chuyện tạm dừng, những bước chân cũng tạm dừng, những nghĩ suy cũng tạm dừng,… chỉ có hơi thở và sự sống tiếp diễn. Giây phút ấy, phòng triển lãm trở thành một thiền đường đúng nghĩa, điều mà có lẽ chưa một triển lãm nghệ thuật nào tại Việt Nam từng thực hiện và thực hiện được. Giây phút ấy, cái đẹp sâu sắc nhất ẩn chứa trong những bức thư pháp của Thiền sư Nhất Hạnh bất chợt biểu hiện thật rõ ràng và sinh động”.
Nói đến đây, tôi nhớ có một lần tôi cho một em trai tham vấn. Sau khi chia sẻ với em, tôi nói: “Thầy muốn giới thiệu cho em một tấm thư pháp”. Tôi nhẹ nhàng đưa em đến trước tấm thư pháp Ta đã làm chi đời ta? và nói: “Bây giờ em hãy đứng đây cho thật yên, đọc lời chú giải ở dưới, nhìn vào tấm thư pháp này để chiêm nghiệm và quán chiếu về ý nghĩa của nó cũng như về cuộc đời của em”. Em nhìn tấm thư pháp sững sờ trong tâm trạng rất xúc động. Tôi nhẹ chân lùi bước để em có không gian riêng cho chính mình. Mỗi ngày có rất nhiều bạn trẻ đến thưởng lãm. Có bạn một ngày đến hai hoặc ba lần, vì ở đây các bạn tìm được sự bình an và tình huynh đệ.
Ngoài việc mở cửa cho quần chúng đến thưởng lãm, mỗi ngày đều có chương trình chia sẻ theo chuyên đề (workshop) với những đề tài khác nhau do các vị giáo thọ xuất sĩ và cư sĩ của Làng hướng dẫn như Phép lạ của sự tỉnh thức, Thầy cô giáo hạnh phúc – Thế giới hạnh phúc, Giận – Phương pháp điều phục cảm xúc, Quyền lực đích thực, Tuổi trẻ – tình yêu và lý tưởng,… Các buổi sinh hoạt, gồm có thuyết trình; vấn đáp; tương tác giữa người hướng dẫn và thính chúng làm cho cuộc triển lãm có nhiều lợi lạc, giàu có về nội dung, đa dạng, phong phú và mang nhiều ý nghĩa. Mỗi buổi chiều, người đến thưởng lãm có thể tham dự buổi sinh hoạt theo chủ đề trên sân thượng hay ghé qua tận hưởng một cốc trà trong tình huynh đệ nơi quán trà đạo do tăng thân Thong Dong cúng dường. Không khí ở đây như một ngày hội.
Chương trình và thời khóa của cuộc triển lãm tại Hà Nội cũng tương tự và thu hút đông đảo quần chúng như ở thành phố Hồ Chí Minh. Lễ khai mạc diễn ra tại sân trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam vào lúc 5 giờ chiều, ngày 13 tháng 4 với hơn 400 khách mời tham dự. Chương trình được MC Phan Anh hướng dẫn gồm có: xem phim viết thư pháp của Sư Ông; cúng dường âm nhạc của các ca sĩ Mỹ Linh, Lô Thuỷ, Ngọc Mai; và kết thúc bằng bài tụng danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm bằng tiếng Phạn của quý thầy, quý sư cô Làng Mai. Hôm đó, anh Nguyễn Xuân Diện cũng chia sẻ: “Phần khai mạc không có diễn văn, nhưng cũng đủ giữ chân gần 400 khách mời yên lặng theo dõi, dưới vòm lá xanh ngăn ngắt của khuôn viên Đại học Mỹ thuật, trong một chiều cuối xuân thật đẹp. Sự tĩnh lặng đến nỗi mấy trăm người nghe rõ tiếng hót của con chim tử quy trên cao đúng giờ tan tầm náo nhiệt trên đường Yết Kiêu”.
Phần thiết kế và trang trí tại Hà Nội hoàn toàn khác biệt với thành phố Hồ Chí Minh: rất đặc biệt và tinh tế theo phong cách Bắc bộ. Mỗi ngày có cả ngàn người đến thưởng lãm. Không như thành phố Hồ Chí Minh, tại Hà Nội người đến xem theo nhóm. Có lẽ các công ty, câu lạc bộ, trường học tổ chức cho nhân viên, thành viên, và học sinh đến thưởng lãm cùng một lúc với nhiều độ tuổi khác nhau. Ngày nào phòng triển lãm cũng đông nghịt người, vậy mà không gian vẫn yên lắng. Có những người đến từ những nơi rất xa. Một cụ trong dáng lưng khòm, với nụ cười rất hoan hỉ nói rằng: “Ôi quý quá! Thế là triển lãm của Thiền sư cuối cùng cũng được diễn ra tại quê hương. Tôi trông đợi ngày này lâu lắm rồi ạ”. Một người khác chia sẻ: “Lâu nay tôi có mặc cảm về chữ thư pháp viết bằng quốc ngữ, vì tôi nghĩ rằng thư pháp chỉ viết bằng chữ Hán mới đẹp. Nhưng sau khi đến đây thưởng lãm, nhìn thấy nét chữ thư pháp của Thiền sư và ý nghĩa của từng câu thư pháp, trong tôi trỗi dậy niềm tự hào dân tộc. Thế ra viết thư pháp bằng quốc ngữ của mình cũng đẹp biết bao”.
Có một điều đáng quý tại Hà Nội là buổi bế mạc được diễn ra rất trang nghiêm và tốt đẹp. Đây là điều mà ban tổ chức đã cố gắng sắp xếp nhưng không thực hiện thuận lợi tại thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã học hỏi và rút được nhiều kinh nghiệm từ cuộc triển lãm đầu tiên nên việc tổ chức tại Hà Nội có phần đơn giản, nhẹ nhàng, nhưng nội dung vẫn phong phú và giàu có.
Như một lời tri ân
Tuy cuộc triển lãm tại quê hương Việt Nam có nhiều thử thách, nhưng đó cũng là những bài học cần thiết để tiếp tục con đường hoằng pháp độ sinh. Nhờ có thử thách mà chúng tôi được rèn luyện ý chí. Cuối cùng rồi cái gì cũng qua và cuộc triển lãm tại hai miền Nam, Bắc cũng được hoàn mãn. Bao nhiêu năm đem chuông đi đánh xứ người, giờ đây mới thực sự có cơ hội đem chuông trở về thỉnh lên giữa lòng dân tộc và làm lợi lạc cho đồng bào quê hương. Không có hạnh phúc nào bằng khi một ước mơ đã trở thành hiện thực và lời hứa năm xưa của tôi với Sư Ông cũng được toại nguyện. Chúng tôi xin chân thành cảm tạ các nhà hảo tâm, những tấm lòng bác ái vị tha, các tăng thân địa phương từ Nam ra Bắc, quý đạo hữu xa gần đã từ bi giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi từ vật chất cho đến hành chính và tinh thần để chúng tôi có thể hoàn thành sứ mạng mà Sư Ông Làng Mai giao phó. Công việc hoằng pháp độ sinh là lý tưởng, là tinh thần cống hiến, là sứ mạng mà mỗi người Phật tử chúng tôi luôn luôn hướng tới. Để cho một sự kiện được hoàn thành viên mãn cần có nhiều bàn tay chung sức đóng góp. Đó là ý nghĩa của tăng thân, là tinh thần tương thân tương ái, là tánh tương tức tương nhập. Chúng tôi rất hạnh phúc được đóng góp một phần nho nhỏ của mình để quê mẹ vẫn tiếp tục tỏa ngát hương thơm. Chúng tôi biết Sư Ông rất hạnh phúc khi thấy các con đã hoàn thành được tâm nguyện cho Người.
( Thầy Chân Pháp Nguyện )