Bước chân không biết thở
Trịnh Thanh Thủy
Có thiếu đi một phần nào thân thể của mình mới biết thượng đế kỳ diệu, sinh con người, lại ban tặng đầy đủ các cơ quan cần thiết, hữu dụng trong mọi trường hợp. Đôi khi vì cuộc sống, vì mưu sinh tất bật mà chúng ta quên chăm sóc chính ta, lơ đãng với phần tinh thần, không biết chính cái phần ấy đã điều khiển mọi sinh hoạt sinh lý hằng ngày trên cơ thể ta.
Từ ngày đến với Phật Pháp, thọ ngũ giới và sinh hoạt với tăng thân xóm Dừa (Nam California), tôi như được dọn sang căn nhà mới. Căn nhà có những cánh cửa kính thông suốt, tôi có thể nhìn ra khắp bốn phương bằng những bước chân thiền học. Những buổi sáng để tâm bình yên theo nhịp thở. Tiếng chim hót líu lo bên muôn ngàn tiếng động ngoài kia không làm tôi bận rộn. Những ngày hè, nắng rực, tập cười trong thảnh thơi, tôi thấy mình như đứa bé không nghĩ ngợi, đắn đo, lo lắng, tâm trắng như tờ giấy. Bất chợt tôi ngây thơ, vô tội, hiền hòa.
Tôi được học cười, thở, bước, đi, trở về trong an lạc. Trong căn nhà thương yêu ấy, lúc nào cũng rộn vang tiếng cười nói ân cần, lời chia sẻ những kinh nghiệm tu tập quý báu. Tôi yêu nhất là giờ pháp thoại. Có mỗi bài học Chánh Niệm, tôi học hoài mà thực tập vẫn không thông. Thở ra, thở vào dễ thế mà đôi lúc trong cơn giận dữ tôi quên thở, để tạp niệm lấn chiếm tâm hồn. Học bước vững chãi mà lúc lái xe thì không chú tâm lái xe, đầu óc ở đâu đâu. Mê đọc sách như một quán tính, đến nỗi vừa đi vừa đọc, ít chú tâm vào bước mình đi, quên phắt thiền hành. Và thế là bước chân thiếu chánh niệm xảy ra.
Ngày đó đến, 22 tháng 4, tôi té vì chân bước hụt một bậc cửa phía sau nhà khi mắt mải đậu trên cửa gara. Cú ngã khá nặng, tuy không gãy xương nhưng quẹo mắt cá chân, khiến tôi không thể đứng dậy sau 20 phút. Chỉ nội trong vài tiếng đồng hồ bàn chân tôi đã sưng vù, chân trái tôi trở nên bất khiển dụng. Tôi chỉ còn biết nằm một chỗ đắp đá, đặt chân lên cao cho máu bớt dồn xuống, cho bớt sưng. Lần đầu tiên trong đời phải dùng nạng đi lại, thật khó khăn và bất tiện biết bao nhiêu. Khi ấy, mắt nhìn, đầu nghĩ, muốn lấy cái này, làm cái kia mà bất lực, mới biết bất cứ cái gì trên người mình cũng cần. Tôi không còn đổ thừa cho điềm xui mà tự trách mình thiếu thực tập chánh niệm. Lời Sư Ông còn vang vất đâu đó: “Bước vững chãi, đi trong chánh niệm”, làm tôi xấu hổ. Ngay đến nghĩa đen của sự bước, tôi còn chưa vững chãi nói gì đến nghĩa bóng.
Ngày đó, 22 tháng 4, ngày của Mẹ Đất, ngày chân tôi đặt lên Đất Mẹ một cách lơ là nên hụt hẫng. Cũng là ngày quốc tế dành cho trái đất (Earth Day), ngày được dùng để truyền cảm hứng cho nhận thức và đánh giá cao môi trường tự nhiên của Đất Mẹ. Ngày mà nhân loại tạm gác lại những công việc hàng ngày, những lo lắng, buồn phiền để suy nghĩ và hành động cho thế giới tự nhiên mà chúng ta đang sống. Ngày mùa đông vừa chấm dứt chuyển sang xuân, cây cối nẩy chồi ra lá mới, ngày mọi người thường tổ chức các hoạt động nhằm mục đích bảo vệ môi trường hoặc tổ chức trồng cây xanh, thu gom rác thải sao cho môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Thật xấu hổ cho tôi, Mẹ Đất cho tôi một chỗ đặt chân bình an đến thế mà tôi cũng không đặt cho đúng chỗ. Bài Sám Pháp Địa Xúc tôi đọc mỗi lần họp mặt, đọc đó mà như không. Thiêng liêng là vậy, đẹp đẽ là vậy mà mỗi lần lạy xuống, tiếp xúc với Đất để tiếp nhận năng lượng vững chãi và vô úy của Đất mà như không. Thiêng liêng là vậy, đẹp đẽ là vậy, mỗi lần lạy xuống, tiếp xúc với Đất để tiếp nhận năng lượng vững chãi và vô úy của Đất. Đất ôm lấy mình và giúp chuyển hóa vô minh, khổ đau và tuyệt vọng, thế mà tôi như không học. Sư Ông đã dạy: “Thở đi con”, “Tập thở vào, ý thức về cơ thể mình và nhìn sâu vào cơ thể để thấy rằng mình là Trái Đất, và tâm thức mình cũng là tâm thức của Trái Đất”.
Có lẽ từ hôm nay, sau lần bước hụt tôi phải tập đi, bước những bước chân vững chãi trong chánh niệm, những bước chân biết thở.