Người thầy của tỉnh thức và thương yêu
- Bạn đọc đang có trên tay một cuốn sách rất thú vị Người Thầy của tỉnh thức & thương yêu.
Đây là tập hợp một số bài báo trong hàng vạn bài viết về Thiền sư Thích Nhất Hạnh của các cây bút nổi tiếng trên thế giới. Có thể xem cuốn sách này như một tập chân dung về Thiền sư Thích Nhất Hạnh được “ký họa” ở nhiều góc độ khác nhau, dưới con mắt quan sát, qua “cái thấy” của người nước ngoài. Vì thế, đây là cuốn sách quý, rất quý.
Với đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, từ lâu, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được xem là một trong số ít những vị lãnh tụ tinh thần nổi tiếng nhất thế giới. Người Phương Tây thường gọi ông một cách giản dị và kính trọng là “Thầy”, với hàm nghĩa Thiền sư là người thầy tâm linh, trong khi người Việt Nam lại trìu mến, thân thương gọi ông là “Sư Ông Làng Mai”. Rất nhiều Phật tử coi ông như một vị Bụt sống. Ông là tác giả của hàng trăm cuốn sách, trong đó có rất nhiều cuốn được xếp hạng best sellers như An lạc từng bước chân, Phép lạ của sự tỉnh thức, Bụt ngàn đời Chúa ngàn đời,… đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Ông còn có hàng ngàn buổi thuyết pháp bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, được lưu truyền trên khắp hành tinh. Từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, ông đã là ứng cử viên của giải Nobel Hòa bình. Và thực sự, ông là một sứ giả của hòa bình.
- Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất an. Chiến tranh, khủng bố, bạo lực. Sự suy thoái kinh tế, suy thoái đạo đức diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Cái đẹp mong manh luôn bị dồn đuổi, trong khi cái ác lại lộng hành lên ngôi. Cuộc sống của chúng ta nhiều lúc ngột ngạt và nóng đến mức, có cảm giác chỉ sơ ý đánh rơi một tàn lửa là cả hành tinh đã bùng cháy thành một Hỏa Diệm Sơn khủng khiếp.
Liệu có cách nào cứu được không?
Có đấy. Ngay từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhà văn nổi tiếng thế giới M. Dostoevky đã phát hiện ra một phương thuốc hữu hiệu: “Chỉ có tình yêu mới cứu được thế giới”. Tình yêu ở đây không chỉ là tình yêu lứa đôi mà rộng hơn, cao hơn, đó là tình yêu thương của con người với con người. Chỉ tình yêu thương ấy mới cứu rỗi được thế giới. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng quan niệm như vậy. Ông cho rằng, chỉ có tình thương yêu mới xóa bỏ được mọi hận thù. Không thể có hạnh phúc từ những cuộc tranh giành. Sự thành công của mình không thể lại được xây đắp bằng máu, nước mắt và sự thất bại của kẻ khác. Làm thế nào để tôi thành công và anh cũng thành công thì hạnh phúc của ta mới lớn hơn, trọn vẹn hơn. Hạnh phúc không bao giờ bắt nguồn từ quyền lực, danh vọng và tiền bạc. Hạnh phúc đích thực chỉ có khi chúng ta có tình yêu thương và sự hiểu biết. Nếu tất cả mấy tỷ người trên thế giới này hàng ngày nói với nhau bằng ngôn từ hòa ái, nếu tất cả các vị lãnh đạo trên thế giới này ứng xử bằng cái tâm chứa đầy Hiểu và Thương thì tất cả chúng ta sẽ trở thành những vị Bồ tát và hành tinh của chúng ta sẽ tràn ngập hạnh phúc, tình yêu thương. Đó đích thị là Niết bàn, là Thiên đường. Ở đó, sẽ không có chiến tranh, không có bạo lực, không có những kiếp người bị đọa đày.
Suốt mấy chục năm qua, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã cần mẫn gieo hạt mầm yêu thương như thế trên khắp thế giới. Trọn một đời tu hành, ông luôn hướng chúng ta đến cõi thiện, giúp chúng ta có được sự an lạc, thảnh thơi giữa đời sống bộn bề lo toan, hờn trách. Ông chỉ bày cho chúng ta cách có thể đứng vững trước bao nhiêu bon chen, đố kỵ, những mưu ma, chước quỷ của con người. Vì thế, mỗi bước chân của ông là bước chân của an lạc, thương yêu. Mỗi hơi thở của ông là hơi thở của từ bi, bác ái.
Có thể nói, một trong những công lao lớn nhất của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là đã hiện đại hóa đạo Phật, đưa đạo Phật vào cuộc đời và một trong những nét đặc sắc nhất trong sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của ông là đã dạy cho người đời cuộc sống có tỉnh thức bằng hơi thở, bước chân có chánh niệm. Nhờ thế, ông đã cứu rỗi được biết bao tâm hồn đau khổ, đã gột rửa những bụi bặm, bùn nhơ cho biết bao phận người, giúp họ tự giải thoát, và hơn thế, trở thành những vị Bồ tát giữa đời thường. Có lẽ cũng cần nhắc lại câu chuyện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh với một người lính Mỹ. Anh ta đã từng tham chiến ở Việt Nam. Trong một trận càn, anh đã vô tình giết năm đứa trẻ. Những đứa trẻ hoàn toàn vô tội. Anh ân hận, dằn vặt và đau khổ. Nhiều người lính khác cũng thế. Trở về Mỹ, họ mắc một căn bệnh – bệnh hội chứng chiến tranh Việt Nam. Có người bị tâm thần, không còn sống được bình thường, cũng không có bệnh viện nào chữa khỏi. Họ tìm đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh, học một khóa tu của ông. Thiền sư chia sẻ: “Thưa ông, sự thật là ông đã sát hại năm đứa trẻ vô tội trong cuộc chiến Việt Nam. Nhưng có những việc ông có thể làm để chuộc lại lỗi lầm ấy. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều đứa trẻ đang chết vì thiếu thức ăn, thiếu dinh dưỡng và thuốc men. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, mỗi ngày có khoảng bốn chục ngàn trẻ em trên thế giới chết vì đói và thiếu dinh dưỡng. Sao hôm nay ông không ra tay cứu giúp những đứa trẻ đang chết đói như thế, thay vì ngồi đó mà giam hãm mình trong cái ngục tù ký ức của khổ đau, tội lỗi về hành động sát hại năm đứa trẻ. Ông hãy thực tập làm mới trở lại, đem cuộc đời của mình để làm những điều ngược lại với những hành động thiếu hiểu biết, thiếu tình thương mà ông đã gây ra trong quá khứ. Ông hãy cố gắng hết khả năng của mình để tìm cách bảo vệ sự sống, cứu giúp những mạng sống của các em bé nghèo ở các nước chậm tiến. Hãy đi vào cuộc đời để cứu giúp những em bé bất hạnh. Vô số các em bé đang cần sự giúp đỡ, đang cần cánh tay từ bi của ông. Ông không nên ngồi đó mà tự giam hãm mình trong cái xiềng xích của tội lỗi, tuyệt vọng trong khi ông có thể sửa đổi được quá khứ.”.
Người lính ấy bỗng như được giải thoát. Anh đã khỏi hẳn bệnh, đã khỏe mạnh trở về với đời sống thường ngày. Rồi anh đi làm việc thiện. Không chỉ cứu được năm đứa trẻ thoát khỏi cái chết mà anh cứu được hàng trăm đứa trẻ bất hạnh ở Việt Nam và ở khắp nơi trên thế giới. Và thế là, từ một kẻ tội đồ, anh đã trở thành một vị Bồ tát nhờ biết tu tập và biết thương yêu.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là thế. Ông là một vị Bụt sống. Ông xuất hiện ở đâu là nơi đó thành ngôi chùa linh thiêng. Ngôi chùa ấy có tên là TÌNH YÊU THƯƠNG. Và ở đó chỉ có tình yêu thương ngự trị. Người Việt Nam chúng ta tự hào vì có ông. Ông là một trong những người Việt Nam đẹp nhất. Cả một đời tu tập chỉ để đem hạnh phúc, thương yêu đến cho mọi người.
- Sẽ có nhiều cuốn sách viết về Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Song cuốn sách này sẽ mang đến cho chúng ta nhiều điều thú vị bởi chúng ta được chiêm ngưỡng ông qua con mắt thông thái của các nhà báo nước ngoài. Trước khi viết về ông, họ đã tham gia những khóa tu. Vì thế, họ ngắm ông không phải bằng con mắt của kẻ vãng lai mà là cái nhìn và sự thấu hiểu của người trong cuộc. Điều đặc biệt là qua những bài viết ấy, chúng ta phát hiện ra, người phương Tây tìm đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ để giãi bày, chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau, tìm lại niềm vui sống giữa đời mà họ còn tìm cầu tuệ giác của ông trong việc làm thế nào để điều hành doanh nghiệp tốt hơn, giảm bớt stress, căng thẳng, phát huy nhiều hơn nữa sự sáng tạo, trên cơ sở đó để tăng lợi nhuận. Họ là những CEO của các tập đoàn kinh tế khổng lồ như Google, Yahoo, Ngân hàng Thế giới (World Bank). Họ còn là những thượng nghị sĩ Mỹ, những ngôi sao Hollywood nổi tiếng, những chính khách lừng danh… Qua những cuộc gặp gỡ, trao đổi ấy, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chỉ bày cho họ hướng đi tâm linh trong đời sống, trong sự nghiệp cùng những phương pháp thực hành rất cụ thể. Nhờ thế, họ có thể xử lý những khổ đau do công việc và đời sống hàng ngày tạo ra. Nhờ thế, họ đã nhận ra được tầm quan trọng của việc đưa những giá trị tâm linh vào trong đời sống thường ngày.
Viết đến đây, tôi tự hỏi: Vì sao người phương Tây lại theo học Thiền sư Thích Nhất Hạnh đông như vậy? Theo tôi, sở dĩ người Tây phương theo ông học hỏi, thực tập nhiều vì ông không hiến tặng cho họ đạo Phật của đức tin, của cầu nguyện, của dâng sao giải hạn theo lối mê tín mà hiến tặng cho họ đạo Phật của sự thực tập kinh nghiệm. Bởi Đức Phật không phải là một đấng tạo hóa hay một vị thần linh mà đích thực là một con người, một người đã đắc đạo, có tuệ giác cao siêu nhờ tu tập. Đạo Phật là một phương pháp sống nương vào tự lực hơn là nương vào một quyền lực linh thiêng nhuốm màu mê tín ở bên ngoài, không giáo điều, không mặc khải, không xung đột báng bổ với bất cứ một truyền thống tâm linh nào và trong bản chất đích thực của nó cũng không xung đột với khoa học hiện đại. Tu tập theo ông, người ta sẽ thấy trí tuệ và lòng từ bi tăng trưởng, nhờ thế mà thân tâm họ an.
Một điều đặc biệt nữa là qua cuốn sách này, chúng ta thấy, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những người quan tâm nhất đến vấn đề môi trường, môi sinh và biến đổi khí hậu của trái đất. Từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước, Thiền sư đã chỉ ra rằng: Toàn thể nhân loại và muôn loài vật, cỏ cây… có một ngôi nhà chung là quả địa cầu. Vì vậy, các quốc gia đừng vì cái lợi trước mắt, cái lợi của riêng mình mà phá hủy môi sinh của núi rừng, biển cả, lớn hơn là của bà mẹ trái đất. Ông đã gióng tiếng chuông báo động về sự sụp đổ của nền văn minh nhân loại trong vòng một trăm năm tới do hậu quả của biến đổi khí hậu. Bằng tuệ giác siêu việt của mình, ông đã lý giải: Sở dĩ phần lớn chúng ta không hành động gì để đối phó lại trước nguy cơ trái đất bị hâm nóng, cho dù đã có vô số các chứng cứ khoa học, là vì chúng ta không có khả năng tự cứu mình khỏi những khổ đau của tự thân thì làm sao có thể lo lắng cho vận mệnh của đất Mẹ. Nếu nhận thấy tính tương tức của vạn vật trong vũ trụ, chúng ta sẽ vượt thoát ý niệm cho rằng, chúng ta là những thực thể tách biệt. Khi đó, tình thương, lòng từ bi trong ta sẽ trở nên rộng lớn và chính năng lượng đó thôi thúc ta hành động để bảo hộ đất Mẹ.
Khép lại trang sách cuối cùng, điều đọng lại trong tôi là hình ảnh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh hiện lên lồng lộng với một tâm hồn lớn, trí tuệ lớn, tình thương lớn. Tình thương ấy đủ rộng để ôm trùm tất cả muôn loài, muôn vật trong vũ trụ. Vì thế, với tôi, đây là một cuốn sách rất có giá trị. Và tôi tin, cuốn sách sẽ mang đến cho quý vị nhiều thông tin bổ ích và lý thú.
Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2019
Nhà thơ Trần Đăng Khoa