Điểm đến của nền giáo dục hiện đại

Khóa tu dành cho giáo chức 11-16.08 tại đại học Brock, Toronto, Canada

Sư Ông Làng Mai cùng gần 30 quý thầy quý sư cô rời phi trường Bordeaux ngày 08.08.2013 để tới Toronto, Canada bắt đầu cho chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ kéo dài gần ba tháng với sự mong đợi của các thầy các sư cô ở các tu viện Lộc Uyển, Bích Nham và Mộc Lan cũng như rất nhiều các tăng thân cư sĩ người Việt, người Mỹ và người Canada. Trong Tăng đoàn đi Bắc Mỹ có các vị đệ tử lớn của Người như sư cô Chân Không, thầy Pháp Đăng, thầy Pháp Niệm, thầy Pháp Dung, sư cô Thoại  Nghiêm, sư cô Định Nghiêm, sư cô Tuệ Nghiêm, sư cô Bích Nghiêm, sư cô Thanh Ý… và cũng có các thầy, các sư chú, các sư cô trẻ khác cùng đi.

Khoá tu dành cho giáo chức và sinh viên với chủ đề: Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới có 1326 thiền sinh trong đó có tới 780 nhà giáo dục và 931 thiền sinh mới dự lần đầu tiên. Ba tu viện của Làng ở Mỹ đã đề cử hơn một nửa quý thầy, quý sư cô thường trú (hơn 30 vị) đến Toronto để cùng Sư Ông hướng dẫn cho khóa tu này. Trong đó có Sư cô Trung Chính, sư cô Giới Nghiêm, sư cô Thệ Nghiêm, sư cô Kính Nghiêm, thầy Pháp Hải,… Các sư chú mới xuất gia trong gia đình cây Kim Ngân Hoa (tháng 11/2012) cũng được cùng các sư cha, sư mẹ đi hướng dẫn khóa tu. Sư cô Linh Nghiêm (Làng Mai Thái Lan) và sư cô Châu Nghiêm (Học viện EIAB – Đức) cũng có mặt để yểm trợ. Trong khóa tu này có tới 55 gia đình pháp đàm trong đó có những nhóm dành riêng cho giáo sư đại học, giáo sư trung học… sinh viên và có chương trình thanh thiếu niên và chương trình dành cho trẻ em (có khoảng 45 em). Thiền sinh tới từ Mỹ, Mexico, Canada,… ai cũng khao khát tu học, hết lòng thực tập và trông cậy vào sự thực tập Chánh Niệm như một hướng đi cho tương lai của ngành giáo dục hiện đại.

Niệm danh hiệu Bồ Tát Avalokiteshvara

Ngày 11/08, sau lời khai thị của Sư Ông, quý thầy quý sư cô đã niệm danh hiệu Bồ Tát Avalokiteshvara để mở đầu cho khóa tu rất trang nghiêm và cảm động. Sư Ông bắt đầu buổi hướng dẫn tổng quát với những lời hướng dẫn ngắn gọn về thiền hành trong khoảng 15 phút: Thiền hành là một phương pháp thực tập mầu nhiệm để có thể sống một cách sâu sắc trong giây phút hiện tại, trong đời sống hàng ngày. Mỗi bước chân đều có thể đưa chúng ta trở về với ngôi nhà đích thực của mình ngay bây giờ và ở đây. Trở về để cảm nhận những màu nhiệm của sự sống. Trở về để tiếp xúc với những yếu tố trong lành xung quanh để có thể được nuôi dưỡng và trị liệu. Điểm đến của chúng ta là trong mỗi bước chân. Mỗi chúng ta đều ý thức rằng, quá khứ đã đi qua và tương lai chưa tới. Chỉ có một giây phút duy nhất mà sự sống tồn tại. Về với giây phút hiện tại không phải là một tuyên ngôn mà là sự chứng nghiệm.

Với phong cách giảng hóm hỉnh chứa đựng đầy tình thương, Sư Ông từ bi nhắc lại những các thực tập thở như thế nào khi đi. Kết hợp bước chân và hơi thở: Thở vào bước 2 – 3 bước: đã về, đã về; thở ra bước 3 – 4 bước: đã tới, đã tới, đã tới. Làm sao để có thể về trong từng bước chân của mình và bước đi như một con người tự do. Mỗi bước chân đều có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu. Mỗi bước chân có thể chế tác được vững chãi và tự do. Chỉ cần thực tập thiền hành, mỗi chúng ta đã có thể tự trị liệu. Sư Ông luôn luôn gây cảm hứng thực tập cho các Sư con của mình cũng như thiền sinh trên khắp thế giới bằng chính niềm vui, hạnh phúc, sự vững chãi trong mỗi bước đi.

Sư Ông còn kể một câu chuyện về một cô phóng viên tới Làng với dự định là viết một bài về thực tập Chánh Niệm. Cô ở lại xóm Mới hai tuần, và mặc dù cô đã nghe tất cả những lời hướng dẫn về thiền hành nhưng buổi đầu tiên khi cô thực tập, tâm cô đã “từ chối” không chịu đi thiền hành cùng với đôi chân của cô. Nhưng chỉ sau đó 15 phút, cô đã có thể đưa tâm trở về và tận hưởng từng bước chân của mình. Khi trở về cô đã viết một bài báo về Làng Mai với tựa đề: Xứ sở của giây phút hiện tại. Sư Ông khen bài báo đó rất hay vì nó đã được viết bằng chính kinh nghiệm thực tập của cô phóng viên.

 

Hướng dẫn tổng quát.jpg

Sư cô Tùng Nghiêm và Thầy Pháp Hải cho hướng dẫn tổng quát

Sau đó, Sư Ông mời thầy Pháp Hải tới từ tu viện Lộc Uyển (Mỹ) và sư cô Tùng Nghiêm tới từ Làng Mai Pháp Quốc lên chia sẻ về những thực tập cụ thể trong khóa tu. Trước khi đi nghỉ Sư Ông mời đại chúng sáng hôm sau đi thiền hành với Sư Ông vào lúc sáu giờ sáng trước buổi ngồi thiền.

Vì thiền sinh khá đông nên sáng hôm sau, ban tổ chức chia thành hai nhóm để đi thiền hành. Một nhóm do Sư Ông hướng dẫn và một nhóm do Sư cô Trung Chính (tu viện Lộc Uyển) hướng dẫn đi từ hai tòa nhà của đại học Brock. Khi sư ông ngồi xuống nghỉ thì nhóm do sư cô Trung Chính hướng dẫn nhập vào và sau khi ngồi thiền một vài phút, Sư Ông dẫn đại chúng về thiền đường rồi bắt đầu giờ thiền tọa.

Đi như một con người tự do

Trước khi đi Bắc Mỹ, thầy Pháp Dung đã gửi một lá thư cho Bộ trưởng bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam Phạm Vũ Luận để chia sẻ về ước mơ: Đem chánh niệm vào các lãnh vực giáo dục Việt Nam. Trong lá thư thầy Pháp Dung có chia sẻ: “Có thể Việt Nam đang nhìn về phương Tây để tìm kiếm một mô hình giáo dục cho đất nước mình. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng Việt Nam vốn là một đất nước giàu truyền thống văn hóa, trong đó giáo dục là một khía cạnh thiết yếu và quan trọng của nền văn hóa dân tộc. Lịch sử Việt Nam đã có biết bao vị thầy lỗi lạc đáng để chúng ta kính ngưỡng và học hỏi. Tình nghĩa thầy trò cũng là một di sản văn hóa quý giá và độc đáo của Việt Nam. Thật vậy, nghề giáo luôn được đánh giá cao và rất được quý trọng trong xã hội Việt Nam. Vào dịp lễ Tết, các bậc phụ huynh và học sinh đều đến thăm thầy cô giáo để bày tỏ tấm lòng quý kính và biết ơn của mình. Không những vậy, Việt Nam còn có ngày lễ truyền thống để tôn vinh các nhà giáo, đó là ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đồng thời nhận thấy rằng truyền thống giáo dục của Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn và thách thức trước tình trạng các trường học hiện chú trọng quá nhiều vào thi cử và bằng cấp, giáo viên và học sinh ngày càng bị áp lực căng thẳng và không có sự thực tập để giúp họ lắng dịu thân tâm và chăm sóc các cảm xúc mạnh. Chính vì vậy mà chúng tôi mong muốn cung cấp một chương trình đào tạo có khả năng đưa sự thực tập chánh niệm vào trong mô hình giáo dục hiện đại, đồng thời giúp duy trì và nuôi dưỡng tình nghĩa thầy trò trong trường học.” Lá thư đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của các bạn trẻ trong đó có giảng viên, sinh viên, học sinh tại Việt Nam.

 

14/08, khóa tu đã tới ngày thứ 4, các bài pháp thoại đã được đưa trên Pháp đường trực tuyến. Ngày mai, thiền sinh sẽ được đặt câu hỏi trực tiếp với Sư Ông. Ban biên tập sẽ chuyển ngữ những lời dạy của Sư Ông trong khóa tu này và đăng trong thời gian tới để chia sẻ với quý vị về những lời dạy của Người. Ước mong các thầy cô và các bạn sinh viên, học sinh Việt Nam có thể thừa hưởng được tuệ giác của Thầy và ứng dụng những thực chánh niệm vào trong việc giảng dạy cũng như học tập của mình.

Một số hình ảnh về khóa tu:

Niệm danh hiệu Bồ Tát (4).jpg

Niệm danh hiệu Bồ Tát như một cơ thể


Thiền hành (1).jpg

Từng bước chân thảnh thơi

Ngồi yên (1).jpg

Ngồi yên như núi