Đi đâu rồi cũng về
Xóm Mới 18.01.2013
“Đi đâu rồi cũng về, trong Tăng thân, anh em ta về, ngồi bên Thầy, rong chơi ngày nắng đầy…”
Lời bài hát cứ ngân lên trong con khi cầm bút viết cho Thầy.
Thầy ơi, con đã về rồi trong Tăng thân, về bên Thầy, và đang rong chơi những ngày thật đẹp.
Con rất thích không khí tĩnh lặng đầu ngày, trong khung cảnh đó con thấy mình dễ yên lắng để trở về với mình hơn. Thắp lên ngọn bạch lạp tự nhiên con thấy vui và trân quí. Một đời bạch lạp cũng như một kiếp sống, từ giây phút được thắp lên cho đến lúc kết thúc, mỗi giây phút đều là những giây phút của sự hiến tặng, hiến tặng ánh sáng, hiến tặng niềm vui, không đòi hỏi, không kỳ thị. Con cũng muốn sống như ngọn bạch lạp kia trong Tăng thân, tuy nhỏ nhoi nhưng hạnh phúc và không suy tính.
Khi còn nhỏ, nhà hàng xóm bên cạnh nhà con thường mở nhạc rất lớn. Có những bài hát không hiểu sao lại mang âm điệu buồn bã khôn nguôi. Và vô tình những lời nhạc đó đã đi vào trong tâm thức non nớt của bọn con nít chúng con vẫn hay vui chơi trong xóm, thỉnh thoảng lại cùng nhau hát nghêu ngao mà chẳng có đứa nào hiểu “mô tê” gì.
Bây giờ con vẫn nhớ vài câu như:
hay:
Hồi đó, con thấy khó hiểu quá. Tại sao người ta lại buồn quá như vậy, tại sao lại muốn bỏ ngang đời, và tại sao cuộc đời lại làm cho người ta sợ hãi? Trong khi mình đi học, chơi đùa với bạn bè lại thấy vui ghê. Lâu lâu được bố dẫn đi xem phim và ăn kem thì thấy sướng ơi là sướng.
Nhưng rồi năm tháng lớn lên trong Tăng thân, con dần hiểu hơn những gì ngày xưa còn thơ bé con chưa hiểu được.
Con may mắn năm 16 tuổi được đọc quyển sách “Nói với người xuất gia trẻ tuổi” của Thầy. Những lời Thầy dạy như những hạt mưa xuân tưới lên hạt giống bồ đề vô tình ngủ quên trong con, nhờ đó mà con đã trở thành một vị xuất sĩ hạnh phúc như ngày hôm nay.
Trong môi trường Tăng thân, được hành trì giới luật và uy nghi, mỗi ngày đều thực tập ngồi sao cho vững, cho buông thư, đi đứng sao cho có bình an nhẹ nhàng, nói năng hành xử như thế nào cho có từ ái bao dung, làm việc gì cũng phải cẩn trọng để đem lại niềm vui cho mình và cho người. Cho nên, đâu cần làm gì cũng đã được che chở và nuôi dưỡng rồi.
Bạn bè con bên ngoài, phần lớn đều đã lập gia đình. Mỗi lần có cơ hội gặp lại, người thì than thở khổ quá vì đời sống miếng cơm manh áo, chẳng còn thì giờ đâu nữa mà nghĩ đến chuyện thương ai, lo cho ai ngoài bản thân mình. Người thì đầy đủ của tiền sung túc mà vợ chồng lại không muốn nhìn, không nói chuyện được với nhau. Người khác, nếu không muốn ràng buộc trong mối quan hệ lứa đôi, thì lại thấy mệt mỏi vì áp lực công việc và những xã giao, đối đãi trong cuộc sống… ít ai có khả năng dừng lại để tiếp xúc và tìm được niềm vui từ những điều nhỏ nhặt xung quanh mình. Đôi khi người ta biết là khổ đó, lao đao đó, nhưng mà người ta vẫn không dám buông bỏ, để rồi cứ lặn ngụp trong “thú đau thương” hoài. Vì vậy, mỗi lần nghe Thầy giảng về thức thực trong kinh Tử Nhục là con thích và “thấm” lắm lận.
Mùa đông này trong pháp thoại, Thầy đưa ra hình ảnh về “con bò”, loại động vật ưa nhai lại. Con bò gặm cỏ để dành, rồi lại ợ lên nhai đi nhai lại. Thầy hỏi mình thấy mình có giống con bò không, có thường nhai đi nhai lại những giận hờn, buồn tủi, chán nản của mình không, mình có khá hơn con bò không…?
Chúng con nghe Thầy hỏi, mắt mở to, thật sự chấn động và mắc cỡ vô cùng, vì thật sự con thấy mình thỉnh thoảng cũng giống y chang những chú bò kia, cứ ưa nhai tới nhai lui toàn những chuyện đâu đâu.
Sau buổi pháp thoại đó, lúc đi thiền hành, con nhủ lòng phải quyết tâm thực tập cho đàng hoàng, từ ngày đó đến giờ con thấy mình có khá hơn, con vui lắm Thầy.
Con trân quý từng ngày được sống ở Làng, bên Thầy, trong Đại chúng lớn, đây quả thật là thời kỳ vàng son trong đời tu của con. Tăng thân mình trải rộng khắp nơi, hôm nay mình ở đây, nhưng ngày mai có thể mình sẽ đến nơi khác. Ý thức đó giúp cho con luôn sống hết lòng và thương mến những gì đang có.
Từ ngày qua Làng tâm con cởi mở hơn, chuyển hóa được một ít tập khí, học hỏi thêm được nhiều điều, nhưng mà trong con vẫn còn tồn tại nhiều thói quen chưa đẹp lắm. Bên cạnh niềm vui được sống và tu tập giúp đời cùng các anh chị em, năm vừa rồi con cũng có một vài “trục trặc” trong lòng với một sư chị của con.
Con nghĩ thiệt là xấu hổ với Thầy quá, là người tu mà con cứ ôm ấp sự buồn phiền, giận hờn hoài thì đâu có được, con phải cố gắng thương sư chị con. Nhưng rồi con nghĩ lại, mình làm sao mà cố gắng thương, cố gắng chấp nhận hay tha thứ được. Tình thương không thể nào gượng ép, kể cả sự tu tập chuyển hóa cũng vậy. Cách hay nhất là con nên trở về với chính mình, làm lắng dịu lại thân tâm, thở cho bình an và thực tập nhìn sâu để có thể hiểu được bản chất của mọi sự, chỉ có vậy con mới có khả năng thương được con và thương được người. Khi lòng an bình hơn con viết vào nhật ký như thế này:
“Thầy ơi, dần dà rồi con bỗng nhiên quen mặt hơn với nỗi buồn, dù đời sống với tất cả những gì đẹp đẽ vẫn đang mời gọi cho con bước vào sâu hơn với niềm vui.
Mùa xuân đẹp hơn bất cứ một cuộc tình nào, và đất trời đã lại tha thứ cho con thêm một lần. Những mỏi mệt đã được rũ xuống như một ngày không cần ai đến thăm.
Có gì đã cho đi, có gì còn giữ lại, để ngày tháng cứ xoay vần với những nỗi nhớ thương không hiện hình. Bạn bè còn bao phủ quanh đời líu lo những lời tình nghĩa, để một lúc nào đó lặng nhìn thấy mình phản chiếu trong nhau với biết bao nỗi niềm tin yêu lẫn thất vọng. Nhưng dù sao cuộc đời vẫn còn nhiều ngày rất đáng sống, và phải sống cho đẹp. Đẹp hơn.
Đó không phải là bổn phận hay trách nhiệm, lẽ tự nhiên khi đã hồn nhiên sinh ra trong đời để tự nguyện thương nhau.
Sáng làm biếng, ngủ vùi trong chăn ấm cũng vui, mà thức dậy sớm để thấy những vì sao lấp lánh đang mỉm cười thì cũng chẳng phí chút nào, nếu không muốn nói là quá thú vị. Một góc ngồi nhỏ nhắn, một góc đời bình yên để lặng nhìn mình và… nhìn gì tùy thích. Một buổi sáng như vậy ai cũng có như một đặc ân của đất trời không thiên vị riêng ai. Một buổi sớm ngon lành quá đỗi, lẽ nào không dọn dẹp lòng mình cho sạch sẽ và tươi mới hơn.
Con đang sống những ngày khá vui với tuổi con, độ tuổi không còn quá nhỏ dại để hấp tấp vội vàng trong mọi việc, nhưng dường như cũng chưa đủ lớn để khôn ngoan trong mọi quyết định của đời mình. Nhưng dù sao đó cũng là tuổi con và con đang sống vui trong đó.
Còn vài ngày nữa là Thầy và một số quý thầy quý sư cô sẽ đi Anh cho khóa tu bên đó. Con thấy thương Thầy vì nhiều lẽ như đã thương chị rất nhiều cho một hướng đi chung.
Con sẽ viết cho Sư chị vài dòng để buông bỏ đi những buồn phiền trong con. Một lá thư đủ để nói những điều cần nói, sẽ không có chút giận hờn trách móc nào. Giận và trách nhau làm gì nữa, khi nhìn lại có ai buồn ai vui hơn ai đâu. Những ân tình dù sao cũng nặng lòng hơn những vụng về đã có. Đời sống đã đủ mệt, xin hiến tặng cho nhau thêm niềm vui. Hãy giữ gìn cho nhau những góc lành lặn trong tâm hồn và nếu được, xin nguyện không làm khổ nhau thêm. Mùa xuân đang về và hãy để những chú chim bay đi, như những niềm đau xin gởi về cho sông núi.
Một buổi sớm như mọi buổi sớm xin lòng mới lại.”
Viết xuống được những dòng đó, lòng con nhẹ hẳn và con viết thư cho Sư chị con. Sau lần đó con học được rằng chỉ cần lòng mình an bình thì mọi thứ sẽ đến với mình rất nhẹ nhàng.
Lần nào viết thư cho Thầy con cũng viết dài hết, không biết Thầy đọc có mệt không? Con mừng vì con may mắn còn có đôi bàn tay khỏe mạnh, lành lặn để giặt áo, nấu cơm, chơi cầu lông và viết thư cho Thầy.
Ông bà tổ tiên, Bụt và Thầy đã trao truyền cho con một đời sống tâm linh thật đẹp, con rất biết ơn và nguyện sẽ giữ gìn đời sống đẹp đẽ này cho con và cho mọi người.
Cám ơn Thầy và Tăng thân đã chấp nhận yêu thương và kiên nhẫn dạy dỗ cho con lớn lên.
Kính thương,
Con
Chân Uyển Nghiêm