Phật giáo Việt Nam ngày nay qua cái nhìn tương tức


Phật giáo Việt Nam ngày nay qua cái nhìn tương tức
Ngày 18.01.2005 tại viện Nghiên Cứu Tôn Giáo – Hà Nội



Lời giới thiệu của ban tổ chức

Kính thưa Hòa thượng Thích Nhất Hạnh và quý vị tăng thân Làng Mai. Hôm nay chúng tôi có mời các nhà chuyên môn của viện Nghiên Cứu Tôn Giáo, viện Sử Học, viện Văn Học, viện Hán Nôm, viện Triết Học. Chúng tôi cũng mời một số các nhà chuyên môn ở các cơ quan khác, các viện có liên quan đến tham dự buổi nói chuyện của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh với chủ đề: Phật giáo Việt Nam ngày nay qua cái nhìn tương tức. Chúng tôi xin phép thay mặt toàn thể cán bộ của Viện Nghiên Cứu Tôn giáo cám ơn Hòa thượng về buổi thuyết trình ngày hôm nay, xin chúc Hòa thượng có một chuyến đi Việt Nam thật là phấn chấn, sức khỏe và đạt những thành quả lớn cho công việc của giáo hội cũng như trong nghiên cứu khoa học. Bây giờ tôi xin trân trọng nhường lời lại cho Hòa thượng Thích Nhất Hạnh.


Thiền sư Nhất Hạnh thuyết giảng

Kính thưa ông Viện trưởng,
kính thưa quý vị Học giả, Nhân sĩ.

Phái đoàn chúng tôi tới đây với hai trăm người cám ơn thịnh tình của quý vị đón tiếp chúng tôi ngày hôm nay.
Các thầy, các sư cô Làng Mai hôm nay sẽ niệm danh hiệu đức Bồ Tát Quan Thế Âm bằng tiếng Phạn, Namo Avalokiteśvara. Đức Quan Thế Âm biểu trưng cho tình thương và khả năng lắng nghe. Khi có khả năng lắng nghe thì mình có thể làm vơi bớt khổ đau của người. Người kia có những nỗi khổ niềm đau, có những khó khăn, ước vọng mà không nói ra được, nếu là Bồ Tát Quan Thế Âm thì mình có khả năng lắng nghe với lòng từ bi, với tâm không thành kiến. Tri giác của mình có thể sai lầm và chính vì tri giác sai lầm mình đã tạo ra sự sợ hãi, nghi kỵ, hận thù. Luyện tập để có khả năng lắng nghe là một thực tập rất quan trọng.

Nam mô Bồ Tát Quan Thế Âm! Quan có nghĩa là lắng nghe, quán chiếu. Thế Âm tức là tiếng kêu thương của cuộc đời. Quan Thế Âm biểu trưng cho khả năng lắng nghe với tâm từ bi. Bồ Tát Quan Thế Âm cũng có khi được gọi là Avalokiteśvara Boddhisattava, vị Bồ Tát của lòng đại bi. Trong khi niệm danh hiệu Namo Avalokiteśvara thì lòng mình phát khởi tâm từ bi và mình có thể nhìn những người khác bằng con mắt từ bi. Trong kinh Pháp Hoa có câu: Từ nhãn thị chúng sinh tức là nhìn mọi người bằng cặp mắt thương yêu, chấp nhận chứ không phải kỳ thị, căm thù.

Trong khi lắng nghe các thầy và các sư cô xướng tụng danh hiệu đức Bồ Tát Quan Thế Âm, chúng ta ngồi cho thật thẳng, ngồi cho thoải mái, đừng suy nghĩ về quá khứ, đừng suy nghĩ về tương lai, đừng suy nghĩ về những đề tài triết học, để cơ thể buông thư cho năng lượng từ bi của đức Bồ Tát thấm vào trong người của mình.

Nếu chúng ta có những đau nhức, bệnh hoạn chúng ta cho cơ thể thư giãn để năng lượng của Bồ Tát Quan Thế Âm đi vào, sẽ có sự thuyên giảm trị liệu. Nếu chúng ta có những nỗi khổ niềm đau, uất ức chưa biểu lộ ra được, chúng ta mở lòng ra cho năng lượng của đức Quan Thế Âm đi vào sẽ cảm thấy nhẹ trong lòng. Trị liệu và chuyển hóa chỉ là sự thực tập.

Tăng thân Làng Mai sẽ niệm danh hiệu đức Bồ Tát Quan Thế Âm bằng tiếng Phạn. Xin quý vị buông thư, coi như không có chuyện gì cần phải làm, chỉ ngồi đó để đón nhận năng lượng từ bi. Năng lượng đó có trong mỗi con người, chúng ta có thể đón nhận năng lượng đó từ khắp nơi trong vũ trụ.

Hy vọng quý vị thấy khỏe trong người hơn sau khi nghe niệm danh hiệu đức Bồ Tát Quan Thế Âm. Ở Tây phương, ngoài tiếng Việt, chúng tôi tụng kinh bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Đức, tại vì đa số thiền sinh tới tu tập là người ngoại quốc. Những bài kinh tiếng Hán Việt phần lớn đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức để tụng.

Xin mời mọi người ngồi xuống nghe cho thoải mái. Hôm nay sư cô Đẳng Nghiêm là người thông dịch cho các thiền sinh Tây phương, sư cô là bác sĩ y khoa tốt nghiệp trường đại học Hoa Kỳ, cô thấy đi tu giúp được nhiều người hơn nên phát tâm đi tu. Ở đây cũng có một thầy tên Pháp Liệu, thầy là bác sĩ chuyên về tim, chữa cho rất nhiều người bị bệnh tim nhưng trái tim của thầy thì phải tới chùa mới chữa được.

Việt Nam Phật Giáo Sử Luận

Kính thưa quý vị, tôi ít khi tự nhận mình là nhà học giả, tôi chỉ cho mình là một hành giả. Lý do khiến cho chúng tôi viết cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Luận rất là buồn cười, tại vì lúc đó tôi không có chủ ý viết sử.

Hồi đó tôi rời đất nước để đi kêu gọi chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam, điểm đầu tiên trong năm điểm mà tôi đề nghị tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ là phải chấm dứt tất cả những cuộc oanh tạc ở miền Bắc cũng như ở miền Nam Việt Nam, án binh bất động và thương thuyết để chấm dứt chiến tranh… Sau khi chúng tôi đã nói lên tiếng nói của đại đa số Phật tử Việt Nam, không muốn cuộc chiến tranh này tiếp diễn, muốn người Mỹ phải rời khỏi đất nước Việt Nam thì ông Thiệu, ông Kỳ 1* không cho tôi về nước nữa.

Trong thời gian lưu vong, tôi mới tìm cách chia sẻ, trao truyền pháp môn thực tập. Tôi không có ý muốn đi hoằng pháp tại Tây phương, không có ý muốn làm giáo sĩ, nhưng trong khi vận động hòa bình, mình phải kết hợp với các bạn trong giới trí thức, tôn giáo, nhân bản để làm việc với nhau. Mình là người tu, cố nhiên trong sự sống hàng ngày mình biểu lộ được sự tu học, sự thực tập của mình. Ví dụ như khi đi, tôi đi như một nhà tu, nghĩa là mỗi bước chân có ý thức, không đi như bị ma đuổi, đó gọi là thiền hành, tiếng Việt gọi là thiền đi. Khi đi mình phải ý thức từng bước chân đi, bước những bước an lạc, thảnh thơi, vững chãi trên mặt đất. Tâm của mình ở với thân của mình, chứ không bay đi nơi khác, không bị lôi về quá khứ, cũng không bị cuốn bởi tương lai. Mình an trú trong phút giây hiện tại, mình đi như một con người tự do.

Tôi còn nhớ một Linh mục tên là Daniel Berigan 2*, sau khi nghe tôi nói chuyện, ông cũng quyết định đứng lên chống cuộc chiến ở Việt Nam, không đồng ý với chính quyền Mỹ về việc tiếp tục cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tôi cũng đã nói chuyện với mục sư Martin Luther King, người lãnh đạo phong trào nhân quyền ở Hoa Kỳ, ông cũng đứng ra để chống đối việc Mỹ can thiệp vào Việt Nam, gây ra cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Linh mục Berigan là một thầy tu dòng Tên, rất thông minh, là một thi sĩ đã xuất bản nhiều tập thơ. Một lần đi trong công viên Central Park ở New York, tôi mời ông đi chơi với tôi. Tôi có dặn trước: Đi không có nói chuyện nhé! Vì mỗi bước chân mình phải tiếp xúc với đất trời, với sự an lành, đẹp đẽ và mầu nhiệm của đất trời. Mình biết rằng khi tiếp xúc được với những gì mầu nhiệm, đẹp đẽ và an lành thì mình có thể chuyển hóa và trị liệu những nỗi buồn lo của mình. Ông ta đồng ý, nhưng ông ta có tập khí đi nhanh. Tôi mới bước đi một bước thì ông đã bước đi ba bước rồi, nhưng tôi cứ giữ tốc độ của tôi. Ông đi được chừng mười bước, thấy không có ai đi bên cạnh, ông dừng lại, chờ tôi đi tới rồi hai người lại tiếp tục đi, nhưng tôi mới đi độ chừng ba bốn bước nữa thì ông đã đi xa năm sáu bước. Đó là một ví dụ, khi mình ở đâu, mình ảnh hưởng đến hoàn cảnh chung quanh hoặc mình bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh chung quanh. Tôi cương quyết không để bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh chung quanh. Tôi muốn giữ vững được sự thực tập của tôi cho nên trong khi đi, đứng, làm việc, nói, cười tôi duy trì sự thực tập đó.

Ở bên Mỹ, suốt một tháng trời tôi đi diễn thuyết kêu gọi chấm dứt cuộc chiến ở Việt Nam. Sau đó, sang Âu châu đi một vòng các nước ở Âu châu, rồi tôi đi Tân Tây Lan, Úc, Nhật Bản và các nước ở Á châu. Đi tới đâu cũng với một thông điệp: Yêu cầu Hoa Kỳ phải ngưng oanh tạc Việt Nam, bắt đầu thương thuyết về việc rút lui khỏi Việt Nam. Năm điểm đó đã được ghi vào trong lịch sử, trong công báo của Quốc hội Hoa Kỳ, hình như là ngày 11 hay là ngày 12 tháng sáu năm 1966. Dân biểu John Down của tiểu bang New York đã đặt năm điểm đề nghị của tôi vào trong công báo Quốc hội. Ở bên Pháp tôi còn tàng trữ những tài liệu đó.

Sau chuyến đi vận động, tôi trở về Pháp. Giáo sư Paul Demiéville 3* là một nhà học giả Phật học rất nổi tiếng, đề nghị mời tôi vào trong trường để dạy. Khi rời quê hương, tôi không còn cơ hội đi dạy nữa (hồi trước tôi dạy ở trường đại học Văn Khoa và đại học Vạn Hạnh. Đại học Vạn Hạnh là do chính tôi thành lập). Vì nhớ trường, nhớ lớp học cho nên khi ông ta đề nghị tôi bằng lòng ngay. Tôi được mời vào phân khoa Bác Ngữ Học và Sử Học. Để khỏi tốn thì giờ, tôi dạy về lịch sử Phật giáo Việt Nam. Giáo sư Demiéville cho tôi mượn bộ Việt Nam Thập Vấn Tuần San của trường Viễn Đông Bác Cổ mà ông có. Tôi sử dụng những tài liệu đó để giảng dạy trong trường đại học. Tôi có giúp cho một số sinh viên làm luận án về những đề tài Phật học Việt Nam, ví dụ như Đời Sống và Giáo Lý của thiền sư Thích Huyền Quang (ngài Huyền Quang là đệ tam tổ của tôi).

Trong khi giảng dạy tại Đại học Paris, tôi khám phá được một số dữ kiện về lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tôi đã may mắn tìm ra được tên của Tuệ Trung Thượng Sĩ là Trần Quốc Tung, tìm ra sự kiện Tuệ Trung Thượng Sĩ là anh ruột của tướng Trần Hưng Đạo. Nhờ giảng dạy về môn lịch sử Phật giáo nên tôi có cơ hội thu thập một ít tài liệu và sử dụng những tư liệu này cho các tăng sinh ở bên nhà học hỏi. Hồi ở nhà, tôi đã giúp đào tạo nhiều thế hệ tăng sinh, ni sinh trẻ tuổi nên có viết Việt Nam Phật giáo Sử Luận I, sau đó tôi viết quyển Việt Nam Phật giáo Sử Luận II. Ở bên Pháp trong thư viện quốc gia có rất nhiều tạp chí Việt Nam được tàng trữ, trong đó tôi tìm thấy tạp chí Tiếng Chuông Sớm do chùa Bà Đá phát hành, tìm thấy Đuốc Tuệ, Từ Bi Âm và rất nhiều tư liệu để viết tiếp Việt Nam Phật Giáo Sử Luận II và Sử Luận III 4*. Trường Viễn Đông Bác Cổ có rất nhiều Microfilm lưu trữ những tác phẩm cổ có liên hệ tới Phật giáo Việt Nam. Ông giám đốc rất dễ thương, ông vui lòng cho tôi sử dụng những Microfilm đó.

Trong quá trình vận động hòa bình, chúng tôi làm quen với rất nhiều người trong giới trí thức, tôn giáo và thanh niên, những thanh niên trẻ rất có lòng. Tôi còn nhớ hồi đó ở tại văn phòng của chúng tôi ở Paris, có rất nhiều người trẻ, đủ các quốc tịch tới giúp chúng tôi làm những công việc thiện nguyện. Chúng tôi đã vận động bảo trợ cho trên 8000 cô nhi nạn nhân của chiến cuộc ở Việt Nam. Chúng tôi không chủ trương thành lập những cô nhi viện mà chủ trương đem mỗi cô nhi đặt vào gia đình ông chú, bà thím và nâng đỡ cho gia đình đó để họ có thể nuôi cho em bé ăn học. Chúng tôi nhờ các bạn của chúng tôi trong giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đi thăm để biết chắc rằng các cháu được ăn và được đi học đàng hoàng, tại vì chúng tôi không muốn số tiền đó lọt vào chỗ khác.

Đạo Bụt đi vào cuộc đời

Năm 1964 chúng tôi có thành lập tại miền Nam Việt Nam một trường gọi là Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Trường đào tạo các vị tu sĩ Phật giáo trẻ tuổi, tăng cũng như ni và các thanh niên nam nữ. Những người trẻ của trường sau khi đào tạo, được gởi về các miền quê để giúp dân quê tổ chức lại đời sống trong thôn xóm. Trước khi thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, chúng tôi có nghiên cứu những phong trào Kitbutz 5*, phong trào phát triển nông thôn Philippines và nhiều nơi khác. Khóa đầu chúng tôi đào tạo 300 sinh viên, sau trở thành tác viên xã hội, những khóa sau chúng tôi đều tiếp tục huấn luyện như vậy.

Chúng tôi nghĩ rằng, từ bi không là một lý thuyết mà từ bi phải được thực hiện ngay trong đời sống hàng ngày. Trong đất nước chiến tranh, có nhiều tai nạn, nhiều nghèo khổ, nhiều áp bức thì người tu phải làm cái gì đó để làm vơi bớt khổ đau cho đất nước của mình. Cho nên các thầy, các sư cô trẻ tuổi, cũng như các thanh niên Phật tử trẻ tuổi, ngoài những giờ ngồi thiền, thiền hành và học hỏi giáo lý cũng phải dành thời giờ để đi ra cứu trợ, băng bó vết thương, cho các cháu ăn cơm, uống thuốc. Chúng tôi đã thành lập được nhiều trung tâm định cư cho đồng bào tị nạn chiến tranh. Đó mới đích thực là đạo Bụt dấn thân 6*, tiếng Pháp gọi là Bouddhisme engagé, tiếng Anh gọi là Engaged Buddhism. Danh từ đạo Bụt đi vào cuộc đời, hiện bây giờ người Tây phương rất thích, có cội nguồn từ Việt Nam.

Người ta hay hỏi: Thế nào là đạo Bụt đi vào cuộc đời? Tôi nói rằng: Khi ngồi trong thiền đường để nhất tâm, để tĩnh niệm mà nghe tiếng bom nổ, đạn rơi ở ngoài, tiếng kêu thương của người lớn cũng như của con nít thì làm sao mình có thể ngồi tiếp tục được, mình phải đi ra để giúp người thôi! Trong khi tìm cách giúp người mình đừng để đánh mất sự thực tập của mình. Nếu đánh mất sự thực tập thì mình giống như những tác viên xã hội ở ngoài đời thôi, không khác gì hết. Sự thực tập không phải chỉ nằm ở trong chùa, trong thiền đường mà cũng có thể ở bên ngoài trong khi mình làm việc phụng sự con người.

Khi đi mình phải đi thiền, khi ăn cơm phải ăn cơm thiền, khi uống nước phải uống nước thiền. Giữ cho mình có sự vững chãi, thảnh thơi và nuôi dưỡng lòng từ bi mình mới có thể tiếp tục lâu dài công việc của mình được. Nếu không, sau một thời gian thì mình mệt mỏi, mình hết xí quách, mình burn out, mình không thể tiếp tục được nữa. Danh từ Đạo Phật đi vào cuộc đời, Đạo Phật dấn thân có dính líu tới cụm danh từ Nhân gian Phật giáo mà bên Trung Quốc người ta có nói đến. Tôi đã từng được hiệp hội Phật giáo Trung Quốc mời qua giảng dạy (sách của chúng tôi đã được ấn hành rất rộng rãi, khoảng gần bốn chục cuốn đã được in và hiện giờ đi vào nhà sách nào cũng có thể mua được sách của Nhất Hạnh). Trong khi giảng dạy, viết lách, tôi sử dụng thứ ngôn ngữ có thể trao truyền được kinh nghiệm và nội dung thâm sâu nhất của đạo Phật cho giới trẻ. Họ tiếp nhận được một cách dễ dàng và có thể đem ra áp dụng dễ dàng vào trong đời sống hàng ngày của họ.

Chúng tôi làm việc ở hải ngoại mà vẫn tiếp tục phục vụ được bên nhà là nhờ sự có mặt của Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã hội, nhờ lòng nhiệt thành của các tác viên xã hội xuất gia cũng như tại gia. Chúng tôi đã làm được những công việc đáng kể như nuôi dưỡng cho ít nhất là 8000 cô nhi, thiết lập không biết bao nhiêu nhà trẻ và rất nhiều khu định cư ở khắp nơi. Chúng tôi còn nhớ, có một làng nằm gần khu phi quân sự ở Quảng Trị. Hồi đó chiến cuộc rất tàn khốc. Chúng tôi gởi tác viên tới để giúp cho dân làng tái thiết lại vì bị bom đạn làm hư hoại. Sau khi tái thiết được rồi thì làng lại bị dội bom trở lại và cứ như vậy làng bị phá hủy tới lần thứ tư. Các bạn tác viên xã hội hỏi: Bạch thầy mình có nên tái thiết lại không? Đây là vấn đề tâm lý, mình không thể chịu thua được, vì chịu thua thì sự tuyệt vọng sẽ đi vào trong trái tim của mình. Đó là chuyện rất nguy hiểm cho nên chúng tôi quyết định tái thiết lại làng Trà Lộc, làng tự nguyện của chúng tôi. Những việc mà chúng tôi thực hiện được là nhờ những tác viên xã hội làm việc hết lòng, không có tiền lương, chỉ đủ tiền túi để sống và làm việc. Lúc đó, chúng tôi có gần mười ngàn tác viên xã hội làm việc ở miền Nam. Có thể nói rằng: Đó là đạo Phật dấn thân, đạo Phật đi vào cuộc đời chứ không phải là một đạo Phật chỉ nằm ở trong chùa.

Có một anh tác viên, anh đi ra ngoài làm việc rất giỏi, một bà cụ hỏi: Cậu lãnh lương bao nhiêu mà cậu làm giỏi như vậy, nhà nước trả cho bao nhiêu? Cậu ta nói: Chúng con đâu có lãnh lương gì đâu, chúng con đi làm công quả mà! Công quả ở miền Nam nghĩa là đi làm việc để có công đức. Bà cụ hỏi: Thường thường người ta làm công quả trong chùa chứ ai ra ngoài này làm công quả? Cậu ta nói: Thưa bác trong thời đại này người ta đau khổ quá, chính Phật cũng đi ra ngoài này để cứu đời, huống hồ chúng con. Vì vậy chúng con theo Phật ra ngoài này làm công quả chứ không có làm trong chùa. Đó là một lý thuyết, một sự diễn bày rất đơn sơ của một tác viên xã hội tự đặt ra nhưng có thể đã phản chiếu được tinh thần của đạo Bụt dấn thân.

Tại sao dùng chữ đạo Bụt ?

Sở dĩ chúng tôi dùng chữ đạo Bụt mà không dùng chữ đạo Phật, vì chúng tôi nghĩ rằng chữ Bụt có tính dân tộc hơn chữ Phật. Các nước chung quanh chúng ta đều còn gọi Buddha là Bụt. Dân Việt Nam cho đến thế kỷ thứ XIII- XIV vẫn còn gọi Buddha là Bụt. Chỉ từ khi quân Minh sang chiếm nước ta, chúng ta mới bắt đầu bắt chước họ gọi là Phật thôi. Nếu quý vị đọc Đắc Thú Long Tuyền Thành Đạo Ca của vua Trần Nhân Tông, quý vị thấy rằng ngài vẫn dùng chữ Bụt. Tổ thứ ba của phái Trúc Lâm ngài Huyền Quang cũng dùng chữ Bụt.

Thiền sư Khuy Cơ là đệ tử lớn của Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang nói: Chữ Buddha đáng lý phải dịch là Bụt Đà nhưng người ta đã dịch lầm là Phật. Chính những vị cao tăng bên Trung quốc đời Đường đã thấy. Như vậy sự sai lầm của một nước không có lý gì một nước khác cũng phải sai lầm theo? Chúng tôi đã cương quyết sử dụng chữ Bụt và đạo Bụt. Nếu chúng ta cần dùng danh từ Hán Việt thì chúng ta dùng Phật giáo, còn nếu đạo là đạo Bụt. Ngày Phật đản hay là ngày đản Bụt, Phật tử hay là con Bụt. Như vậy ngôn ngữ của chúng ta được giàu có thêm lên vì chúng ta không bỏ chữ Phật mà chúng ta phục hồi được chữ Bụt. Trong tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng, chúng tôi sử dụng chữ Bụt và chữ Bụt có vẻ thân thương, gần gũi hơn chữ Phật nhiều lắm. Chắc quý vị cũng biết rõ là trong kho tàng truyện cổ tích, ca dao của nước ta, dân chúng vẫn còn duy trì cách gọi Buddha là Bụt.

Là hoa tươi mát – Là núi vững vàng

Năm mười hai tuổi, tình cờ thấy được trên bìa một tờ tạp chí Phật giáo có vẽ hình của đức Bụt đang ngồi trên bãi cỏ. Ngài ngồi rất thảnh thơi, rất nhẹ nhàng và miệng ngài mỉm cười nên tôi rất thích. Tự nhiên trong trái tim của cậu bé có ước muốn: Sau này mình lớn lên mình sẽ làm được như ông này, cũng ngồi nhẹ nhàng, thảnh thơi, an lạc và từ bi. Đó là hạt giống đầu tiên trong trái tim cậu bé được tưới tẩm. Tôi còn nhớ, chùa đầu tiên mà tôi đi vào là chùa Đại Bi ở Thanh Hóa, nơi đây có một vị cao tăng xuất thân từ chùa Từ Hiếu ở Thừa Thiên, Huế. Đến năm mười sáu tuổi thì tôi được xuất gia ở chùa Từ Hiếu, pháp danh của tôi là Trừng Quang và bổn sư của tôi có pháp danh là Thanh Quý. Chữ Thanh, Trừng được lấy từ trong bài kệ nói lên sự truyền thừa từ thế hệ này đến thế hệ khác, thuộc về dòng Liễu Quán của tông phái Lâm Tế. Phật giáo mà chúng tôi theo để thực tập là Phật giáo Thiền nhưng chúng tôi cũng được trao truyền cho Pháp môn Tịnh Độ nữa. Lúc đó tôi mới mười sáu tuổi thành ra chưa biết được gì nhiều chỉ có tâm niệm là rất muốn tu thôi.

Cuốn sách đầu tiên mà tôi được học là cuốn Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu, có khoảng năm chục bài kệ và mình phải học thuộc lòng. Lúc đầu tôi nghĩ, học thuộc lòng không phải là cách hay lắm. Nhưng sau này mới thấy, nhờ học thuộc lòng những bài kệ mà mình có thể thực tập chánh niệm được dễ dàng hơn. Khi múc nước để rửa tay, tôi nguyện rằng tất cả chúng sanh đều có hai bàn tay trong sạch, có thể nắm giữ được Phật Pháp cho lâu dài. Bài kệ ngày xưa tôi được học toàn bằng chữ Hán:

Dĩ thủy quán chưởng
Đương nguyện chúng sanh
Đắc thanh tịnh thủ
Thọ trì phật pháp

Khi cài nút áo cũng có một bài kệ, khi đánh răng súc miệng cũng có một bài kệ. Nghĩa là tất cả mọi hành vi trong đời sống hàng ngày của mình đều phải được thực tập theo một bài kệ để cho tâm của mình luôn luôn ở với thân của mình, mình luôn luôn nắm được tâm ý của mình, đó gọi là thực tập chánh niệm. Hồi mười sáu tuổi thọ giới sa di, tôi đã bắt đầu học như vậy rồi. Khi mình uống trà, mình cũng có cơ hội thực tập thiền. Sự thực tập này gọi là uống trà trong chánh niệm 7*.

Chánh niệm được dịch từ chữ smrti trong tiếng Phạn. Chánh niệm là năng lượng giúp cho mình biết được cái gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Trong giây phút hiện tại mình đang uống trà mà biết rằng mình đang uống trà tức là uống trà trong chánh niệm. Trước hết mình phải thật sự có mặt, khi thật sự có mặt rồi thì trà mới thật sự có mặt được và mình mới có thể uống trà trong chánh niệm được. Ví dụ chúng ta đang đứng với nhau và nhìn về phía mặt trời lặn. Mặt trời lặn rất huy hoàng diễm ảo nhưng nếu chúng ta cứ nghĩ về quá khứ, lo lắng về tương lai, nghĩ về những dự án hay cái đầu của chúng ta bị kéo đi rồi thì cảnh mặt trời lặn diễm ảo huy hoàng như vậy không phải là của chúng ta nữa. Chúng ta không có khả năng tiếp xúc với cái đẹp của thiên nhiên trong giây phút mặt trời lặn, tại vì tâm của ta bị quá khứ níu kéo, bị tương lai xô đẩy hoặc là bị những lo lắng ưu tư chiếm cứ, ta không phải là con người tự do. Chánh niệm là khả năng giúp cho chúng ta trở về trong giây phút hiện tại để thật sự có mặt trong giây phút hiện tại.

Có một kinh tên An Ban Thủ Ý dạy về quán niệm hơi thở, trong đó đức Thế Tôn chỉ dạy mười sáu phương pháp thở để thực tập chánh niệm. Bài tập đầu hết sức là đơn giản:

Thở vào tôi biết là tôi đang thở vào
Thở ra tôi biết là tôi đang thở ra

Nghĩa là trong khi thở vào để hết tâm ý vào hơi thở vào, trong khi thở ra để hết tâm ý vào hơi thở ra. Không nghĩ tới quá khứ, không nghĩ tới tương lai, không nghĩ tới dự án, chấm dứt tất cả mọi suy tư, chỉ để ý duy nhất một điều đó là hơi thở vào và hơi thở ra. An Ban Thủ Ý, thủ ý nghĩa là nắm lấy tâm ý của mình, lúc đó mình trở thành một với hơi thở vào và hơi thở ra.

Trong đời sống hàng ngày có nhiều khi chúng ta phóng tâm đi quá xa. Hình hài của chúng ta ngồi đây nhưng mà tâm của chúng ta bị những hối tiếc, những âu sầu về quá khứ chiếm cứ hoặc bị sự lo lắng hay sự sợ hãi về tương lai kéo đi, chúng ta không có thể có mặt thật sự trong giây phút hiện tại. Hơi thở có ý thức, hơi thở chánh niệm có khả năng giải phóng chúng ta, giải thoát chúng ta ra khỏi tình trạng bị lôi về quá khứ, bị kéo bởi tương lai, để chúng ta có thể trở về trong giây phút hiện tại, trở thành một con người tự do, tiếp xúc được với tất cả những mầu nhiệm của sự sống đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở, em bé đang ngồi trước mặt là những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt trong giây phút hiện tại. Nếu chúng ta bị quá khứ, tương lai, những dự án, sự buồn giận, nỗi thất vọng của chúng ta kéo đi thì chúng không thực sự có mặt trong sự sống, chúng ta đánh mất sự sống.

Hiện tại đẹp tuyệt vời

Trong kinh có câu: Quá khứ đã đi qua và tương lai thì chưa tới, chỉ có giây phút mà ta có thể thật sự sống là giây phút hiện tại. Phần lớn chúng ta đều nghĩ rằng hạnh phúc chắc chưa có trong giây phút hiện tại vì còn thiếu một vài điều kiện nào đó và nếu trong tương lai đạt tới được những điều kiện đó thì mình mới thật sự có hạnh phúc. Trong khi đó, nếu trở về trong giây phút hiện tại mình có thể khám phá ra không biết bao nhiêu điều kiện hạnh phúc đang có mặt, đủ để mình có thể có hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Bụt Thích Ca nói rằng: Chúng ta có thể sống hạnh phúc được ngay trong giây phút hiện tại. Câu nói đó, cụm từ đó là Hiện Pháp Lạc Trú (tiếng Phạn là Dristadharmasukhavihara) 8*. Hiện pháp tức là những gì xảy ra trong giây phút hiện tại. Lạc trú là sống hạnh phúc.

Trong kinh dạy cho ông trưởng giả Cấp Cô Độc và khoảng bốn trăm thương gia khi họ gặp đức Thế Tôn, ngài đã dạy cho các vị đó nghệ thuật sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại và ngài đã dùng cụm danh từ đó tới năm lần. Hiện Pháp Lạc Trú nghĩa sống an lạc hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Rất tiếc, giáo lý đó chúng ta không thực tập nhiều trong cộng đồng Phật tử mà chúng ta lại mơ ước về một cõi Thiên Đường, Cực lạc trong tương lai!

Ví dụ, chúng ta thực tập:

Thở vào, tôi ý thức về hai mắt của tôi, tôi biết hai mắt của tôi còn sáng và thở ra tôi mỉm cười với hai mắt còn sáng của tôi.

Đó là một bài tập nằm trong khuôn khổ của sự thực tập quán thân tâm của kinh Tứ Niệm Xứ. Khi mình chú ý tới sự kiện mình còn đôi mắt và đôi mắt mình còn sáng, tự nhiên hạnh phúc tới một cách rất là dễ dàng. Có những người không còn thấy được. Khuôn mặt của người mình thương ra sao mà mình cũng không còn nhớ thì mình phải đưa hai tay để sờ khuôn mặt đó để nhớ lại một đôi chút. Thường thường sau khi đánh mất những điều kiện của hạnh phúc rồi thì chúng ta mới biết là chúng ta đánh mất, chứ khi những điều kiện hạnh phúc đang còn thì mình quên lãng, mình không biết trân quý. Ví dụ trái tim của chúng ta không có vấn đề, đó là một điều kiện rất là căn bản của hạnh phúc. Có nhiều người bị bệnh tim và họ không biết bị đứng tim lúc nào thì mơ ước sâu sắc nhất của họ là có một trái tim bình thường như là trái tim của mọi người.

Thở vào, tôi có ý thức về trái tim tôi
Thở ra tôi mỉm cười và biết ơn trái tim tôi.

Đó là thực tập thiền, nhận diện một điều kiện hạnh phúc đang có mặt. Chúng ta có không biết bao nhiêu điều kiện của hạnh phúc ở trong ta và xung quanh ta. Người thương của ta, người bạn hôn phối của chúng ta còn sống, những đứa con của chúng ta đang còn xinh đẹp, đang còn mạnh khỏe. Tất cả những cái đó có thể vì bận rộn, vì lo lắng mà chúng ta không nhận diện được, chúng ta bỏ quên cho nên hạnh phúc không đến được. Trở về giây phút hiện tại, nhận diện được những điều kiện hạnh phúc đang có mặt là một trong những sự thực tập rất là quan trọng trong đạo Bụt và hạnh phúc có thể tới liền. Ví dụ bây giờ có người hỏi: Giờ phút tuyệt vời nhất trong đời của ông, của bà đã xảy ra chưa? Mình trả lời ra sao? Mình có khuynh hướng trả lời rằng: Hình như chưa xảy ra nhưng mà tôi tin chắc là thế nào cũng phải xảy ra. Nhưng nếu mình sống một cách quên lãng như mấy chục năm vừa qua thì mấy chục năm sắp tới nó cũng vậy và giờ phút đó nó sẽ không bao giờ xảy ra hết.

Bí quyết của sự thực tập thiền là làm thế nào để cho giây phút hiện tại này trở thành giây phút tuyệt vời nhất của đời mình thì giây phút tới cũng sẽ là giây phút đẹp tuyệt vời. Có những nguồn năng lượng giúp cho mình thực hiện được điều đó: nguồn năng lượng đầu là Niệm, nguồn năng lượng thứ hai là Định. Niệm là năng lượng giúp mình biết rằng cái gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Hiện tại tôi đang thở vào, hai mắt tôi còn sáng, trái tim tôi còn tốt, những đứa con tôi còn mạnh khỏe và tụi nó còn đang ở với tôi. Chiều nay quý vị hãy về thí nghiệm phương pháp này:

Thở vào tôi biết rằng tôi đang còn sống đây
Thở ra tôi mĩm cười với sự sống trong tôi và chung quanh tôi

Nhìn vào hai mắt của người mình thương (người đó có thể là người bạn hôn phối của mình, đứa con của mình, hay là người mẹ của mình) rồi mình nói như thế này: Mẹ ơi, con biết là mẹ đang còn đó, con hạnh phúc vô cùng! Mẹ đang còn sống là một hạnh phúc rất lớn, đó là chánh niệm.

Tôi đã viết đoản văn Bông Hồng Cài Áo (không có danh từ Phật pháp) dạy cho những người trẻ biết trân quí sự có mặt của mẹ mình. Có biết bao nhiêu cái mà mình cần phải trân quí. Mỗi giây phút của đời sống là một tặng phẩm rất lớn của đất trời và nếu mình để tâm chạy theo quá khứ, chạy theo tương lai, chạy theo những mơ ước viễn vông thì rất là uổng. Chúng tôi đã học được bí quyết của thiền tập là làm thế nào mình trở về trong giây phút hiện tại, nhận diện được những gì đang xảy ra, nhận diện được những điều kiện hạnh phúc mà mình đang có thì tự nhiên mình sẽ dừng lại sự rong ruỗi, sự chạy đua và hạnh phúc có được liền.

Tôi xin đề nghị với quý vị là có một lúc nào đó, lấy một tờ giấy, một cây bút và ghi xuống những điều kiện hạnh phúc mà mình đang có. Quý vị sẽ rất ngạc nhiên khi thấy rằng với hai trang giấy không đủ để ghi những điều kiện hạnh phúc mà mình đang có, đó là sự thực tập thiền. Những đứa con đang sống với mình, ngày mai nó có thể đi lấy chồng hay cưới vợ và nó sẽ sống riêng một nơi khác nhưng hôm nay nó đang còn đó thì mình phải nhìn để thấy được nó, để có thể nói được với nó (nói trong tâm tưởng): Con ơi, bố biết là con đang còn sống với bố, bố rất là hạnh phúc! Anh ơi, em biết rằng anh đang còn sống đó với em, em rất là trân quí sự có mặt của anh, mai này nếu anh không còn ở đây nữa thì em sẽ rất bơ vơ! Đó là ý thức, là chánh niệm, là hạnh phúc của đời mình.

Mỗi hơi thở một nụ cười

Hồi còn mười sáu tuổi, thực tập những bài kệ đó, tôi không biết đó là phương pháp thực tập chánh niệm để nhận diện những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Sau này tôi phát kiến ra được đó là sự thực tập căn bản. Sự thực tập để có thể an trú trong giây phút hiện tại, để tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống, để mình được nuôi dưỡng, được trị liệu. Có một bài tập trong kinh An Ban Thủ Ý được đem ra sử dụng rất nhiều trong các bệnh viện ở Âu châu và Mỹ châu:

Tôi thở vào và ý thức được toàn thân của tôi
Tôi thở ra và buông thư toàn thân của tôi.

Trong người có sự căng thẳng, bức xúc, toàn thân buông thư, thư giản là một yếu tố rất quan trọng của sự trị liệu. Những bác sĩ ở Tây phương đã nhận ra điều này, đã tập cho các bệnh nhân của họ tập buông thư. Chúng ta có thể sử dụng thuốc men nhưng nếu chúng ta không biết buông thư thì sự trị liệu sẽ chậm chạp hoặc không hiệu quả. Hơi thở chánh niệm có thể giúp cho mình buông thư. Khi mình có một nỗi khổ niềm đau, một cảm xúc thì nỗi cảm xúc đó cũng có thể được làm cho thư giản. Chánh niệm là khả năng có thể nhận diện được, ôm ấp được và làm nhẹ đi những cảm xúc của mình. Cũng giống như bà mẹ, khi nghe tiếng đứa con khóc, bà mẹ chạy tới nâng nó lên, ôm vào lòng với tất cả sự nhẹ nhàng và trìu mến. Năng lượng nhẹ nhàng, trìu mến của bà mẹ đi vào trong thân hình của em bé và em bé cảm thấy dễ chịu.

Ở đây, sự giận dữ, sự buồn phiền, sự bực tức hay sự lo lắng của mình là em bé của mình mà nếu mình biết chế tác ra năng lượng chánh niệm bằng hơi thở ý thức thì mình sẽ sử dụng năng lượng chánh niệm đó nhận diện ôm ấp nỗi khổ niềm đau đó. Nếu thực tập như vậy trong ba phút, mười phút thì tự nhiên có sự thuyên giảm và làm vơi đi những nỗi khổ, niềm đau cũng giống như bà mẹ ôm lấy em bé. Nếu tiếp tục lâu hơn mình có thể nhìn vào trong nỗi khổ niềm đau, nhận diện ra được, hiểu ra được gốc rễ của nỗi khổ niềm đau thì mình có thể chuyển hóa được nỗi khổ niềm đau đó.

Thiền tập có hai mặt: Chỉ và quán. Chỉ là ngừng lại, làm cho lắng dịu đi. Quán là nhìn sâu để tìm thấy bản chất của nỗi khổ niềm đau đó. Trong vòng bốn mươi năm qua chúng tôi đã cống hiến sự thực tập này cho rất nhiều người Tây phương, đã giúp họ làm vơi bớt những nỗi khổ niềm đau trong thân cũng như trong tâm. Tìm cách chỉ bày cho họ phương pháp lắng nghe, lắng nghe những nỗi khổ niềm đau của chính mình và của người khác. Người khác đó có thể là người hôn phối của mình, cha mẹ mình hay chính là con mình. Chúng tôi đã nói đến Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát của sự lắng nghe. Nhiệm vụ của các nhà tâm lý trị liệu bây giờ là phải lắng nghe nhưng các nhà tâm lý trị liệu đã không được học hỏi phương pháp này. Có những nhà trị liệu tâm lý có quá nhiều nỗi khổ niềm đau trong lòng mà họ lắng nghe những nỗi khổ niềm đau của họ còn không được thì làm sao có thể lắng nghe được những nỗi khổ niềm đau của người khác.

Tại Làng Mai mỗi năm chúng tôi có bảo trợ những nhóm người Do Thái và Palestine tới thực tập với chúng tôi để giúp cho họ. Những lúc đầu họ nhìn nhau không được, họ có rất nhiều căm thù, nhiều bạo động, nhiều hiểu lầm đối với nhau. Chúng tôi đem phương pháp này ra áp dụng để làm cho họ dịu đi những căng thẳng ở trong thân và trong tâm của họ. Chúng tôi tập cho họ tiếp xúc với những gì tươi mát lành mạnh có tính cách nuôi dưỡng ở trong họ và xung quanh họ để cho họ lấy lại niềm vui sống rồi chúng tôi tập cho họ lắng nghe nhau.

Một bên nói tất cả những khổ đau những uất ức của mình cho bên kia nghe, nhưng phải sử dụng lời nói như thế nào để người kia có thể tiếp nhận được. Bên kia chỉ thực tập lắng nghe thôi, không được trả lời, không được minh oan, không làm gì hết. Lắng nghe như vậy, từ ngày này sang ngày khác, lắng nghe theo kiểu Bồ Tát Quan Thế Âm. Khi lắng nghe như vậy thì mình thấy rằng bên kia cũng là nạn nhân của bao nhiêu hiểu lầm, bao nhiêu đau khổ, tự nhiên trong lòng mình nó trào lên chất liệu cảm thương của từ bi, mình có thể bắt đầu nhìn họ bằng con mắt từ bi hơn. Khi lắng nghe như vậy, mình có thể nhận diện ra rằng mình cũng có những tri giác sai lầm về chính mình và về họ. Từ từ mình cởi bỏ những tri giác sai lầm của mình và của họ.

Hai bên thực tập như vậy nhiều tuần lễ, cuối cùng họ trở thành bạn hữu với nhau. Họ cam kết rằng khi trở về Trung Đông thì họ sẽ thiết lập ra những đoàn thể tu tập như vậy để xây dựng tình huynh đệ và tìm cách chấm dứt chiến tranh. Đường lối chính trị và quân sự đang áp dụng đã đi qua không biết bao nhiêu là năm tháng mà nó chưa giải quyết được vấn đề. Chúng tôi đã giúp cho rất nhiều cặp vợ chồng, cha con hay mẹ con hòa giải được với nhau bằng phương pháp lắng nghe và ái ngữ đó. Đạo Bụt mà chúng tôi được nuôi dưỡng là Thiền và Tịnh. Sau này chúng tôi có cơ hội tiếp xúc với truyền thống Nam Tông và nhờ nghiên cứu những kinh bản bằng tiếng Pali chúng tôi có dịp so sánh với những kinh bản trong Hán tạng cho nên chúng tôi đã điều chỉnh được một số những sai lầm trong sự truyền thừa.

Sơ tổ của thiền tông Việt Nam

Vào thượng bán thế kỷ thứ ba tại Giao châu có thiền sư tên Tăng Hội, cha là người Khương Cư, Sogdiane 9*, Bắc Ấn Độ, mẹ là người Việt. Mới hơn mười tuổi thì cả cha mẹ đều qua đời, thầy được nhận vào chùa làm chú tiểu, được học kinh Phật bằng chữ Phạn lẫn chữ Hán. Khi thọ giới lớn, thầy không những đã tinh thông Phật học mà còn tinh thông cả Nho học và Lão học, giỏi cả Phạn ngữ lẫn Hán tự nữa. Thiền sư Tăng Hội không những là vị sơ tổ của Thiền Tông Việt Nam mà thiền sư cũng còn phải được xem là người đầu tiên đem Thiền học phát huy ở Trung Hoa nữa.

Vào khoảng giữa thế kỷ thứ ba, năm 247 thiền sư Tăng Hội đến Kiến Nghiệp, kinh đô nước Ngô (tức Nam Kinh bây giờ). Tại Kiến Nghiệp, thầy đã xây dựng trung tâm hoằng pháp Kiến Sơ (Kiến Sơ tức là ngôi chùa đầu tiên), tổ chức giới đàn và độ người xuất gia. Đây là lần đầu tiên tại Trung Quốc người bản xứ được phép xuất gia để thành sa môn. Cao Tăng Truyện nói rất rõ ràng là khi thầy Tăng Hội sang nước Ngô thì bên đó chưa có tăng sĩ Phật giáo.

Thiền sư Tăng Hội đã sử dụng những thiền kinh nguyên thủy theo tinh thần đại thừa như là kinh Quán Niệm Hơi Thở, kinh Niệm Xứ, Tứ Thập Nhị Chương để thực tập thiền. Trong bài tựa kinh An Ban Thủ Ý do thiền sư Tăng Hội viết chúng ta tìm ra một chứng cớ là thiền sư viết bài tựa này hồi thiền sư còn hành đạo ở Luy Lâu. Đó là chi tiết về ngài An Thế Cao ở kinh đô Lạc Dương: Các kinh ngài An Thế Cao dịch đã được những người Phật tử từ kinh sư Lạc Dương tới Giao Chỉ tỵ nạn mang xuống. Trong số những người Phật tử này có cư sĩ Trần Tuệ, học trò của An Thế Cao, người mà thiền sư Tăng Hội đã gặp và cùng cộng tác chú giải kinh An Ban Thủ Ý. Trong bài tựa nói tới Lạc Dương như là một kinh sư (kinh sư tức là kinh đô), tức là trước khi nhà Hán sụp đổ. Chúng ta biết rằng trước khi nhà Hán tan rã thì loạn lạc rất nhiều, khiến cho nhiều nhà trí thức ở nước Hán chạy về tỵ nạn ở Giao Châu (Giao Châu thời đó là vùng đất rất có an ninh). Sau khi nhà Hán sụp đổ, bị chia làm ba nước: Bắc Ngụy, Tây Thục và Đông Ngô. Lúc đó Giao Chỉ thuộc về Đông Ngô. Kinh sư không còn là Lạc Dương nữa mà là Kiến Nghiệp. Đó là một chứng cớ cho ta thấy rằng bài tựa kinh An Ban Thủ Ý được thiền sư Tăng Hội viết trước khi nhà Hán sụp đổ, tức trước thời Tam Quốc, có nghĩa là trước năm 229, lúc đó thì thiền sư còn hành đạo ở Giao Châu.

Mặc dù đã tiếp xúc được với truyền thống Phật giáo Nam tông, chúng tôi vẫn tiếp tục giảng dạy và xiển dương thiền học Việt Nam theo đúng tinh thần của thiền sư Tăng Hội. Nghĩa là căn cứ vào thiền kinh của Nam Tông để giảng dạy nhưng thực tập theo tinh thần rộng rãi và phóng khoáng của Bắc Tông. Nếu quý vị có tới Làng Mai để tu tập thì quý vị sẽ thấy rằng pháp môn của Làng Mai nối tiếp một cách rất trung thực và kỳ diệu với truyền thống của thiền sư Tăng Hội.

Thiền sư Tăng Hội lớn hơn thiền sư Bồ Đề Đạt Ma, sơ tổ Thiền tông Trung Quốc tới ba trăm tuổi. Như vậy trong các chùa của chúng ta, theo nguyên tắc thì phải thờ thiền sư Tăng Hội làm Thiền Tổ Việt Nam chứ không phải là thiền sư Bồ Đề Đạt Ma. Nếu quý vị là nhà học giả, nhà văn, hay họa sĩ thì phải vẽ ra hình ảnh của Tổ Sư Thiền đầu tiên của chúng ta là thiền sư Tăng Hội. Chúng tôi đã viết cuốn thiền sư Tăng Hội và cuốn sách này đã được phiên dịch ra nhiều thứ tiếng. Giới Phật tử lâu nay thường theo thiền Trung Quốc và Nhật Bản chưa có phản ứng vì cảm thấy rất lúng túng. Lâu nay họ đã lỡ tin Bồ Đề Đạt Ma là sơ tổ Thiền tông Trung Quốc và Việt Nam rồi. Bây giờ lại nghe nói thiền sư Tăng Hội mới chính là người đầu tiên đem giảng dạy thiền học tại Việt Nam và Trung Quốc thì điều đó họ chưa thể chấp nhận được.

Thiền sư Tăng Hội có kiến thức rất uyên bác về Lão giáo, Khổng giáo và Phật học cho nên đã thuyết phục được vua Ngô Tôn Quyền yểm trợ xây ngôi chùa đầu tiên ở tại nước Ngô. Sau đó, Tôn Hạo con của Tôn Quyền lên ngôi, nghe lời một số những người cộng sự, cho đạo Bụt là tà đạo từ ngoại quốc đem tới cho nên vua đã thẳng tay đàn áp đạo Bụt. Hầu hết các chùa đều bị phá bỏ và chùa Kiến Sơ bị làm khó dễ, nhưng cuối cùng vua đã bị thiền sư Tăng Hội thuyết phục và đã xin thọ tam quy, ngũ giới. Vua cho trùng tu lại chùa Kiến Sơ và cho phép tái thiết lại các ngôi chùa đã bị phá hoại. Chúng ta thấy khả năng hóa độ của thiền sư Tăng Hội rất lớn. Truyền thống thiền sư Tăng Hội thành lập đã là một thiền phái vững mạnh, tồn tại mãi tới đời Lý và sau đó đến đời Trần mới hòa nhập cùng các thiền phái như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường, v.v… Chúng tôi mong rằng cuốn sách Thiền Sư Tăng Hội (đã được dịch sang tiếng Anh) sẽ dịch được ra tiếng Trung Quốc trong một ngày rất gần.

Sen nở tự vườn tâm

Về phương diện Tịnh Độ, khi đọc Trần Thái Tông hay là Tuệ Trung Thượng Sĩ, chúng ta thấy cha ông của chúng ta trong truyền thống Phật giáo có cái nhìn khá sâu sắc, đúng mức về giáo lý Tịnh Độ. Tuệ Trung Thượng Sĩ nói: Di Đà vốn thật pháp thân ta. Cố nhiên khi những người chưa biết nhiều về đạo Bụt, những người sơ cơ, mới tu khi vào chùa nghĩ rằng Bụt ngồi trên bàn mới là tuệ giác, mới là hạnh phúc, còn mình là chúng sanh, là đau khổ, là vô minh. Nếu như mình được thầy đàng hoàng hướng dẫn tu tập thì sau một thời gian mình thấy rất rõ ngồi trên bàn không phải là Phật thiệt mà chỉ là tượng Phật bằng đồng, bằng xi măng, bằng đá, bằng ngọc thạch hay bằng vàng thôi. Bản chất của Bụt là sự tỉnh thức, trí tuệ tuyệt vời và tình thương không biên giới. Vua Trần Thái Tông là một nhà Phật học nhưng cũng là một hành giả rất tinh chuyên. Tuy làm vua, bận việc triều chính nhưng mỗi ngày vẫn để ra sáu lần trong một ngày để thực tập thiền. Điều đó chúng ta thấy trong tác phẩm Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi, mỗi ngày thực tập sáu lần.

Đức Di Đà không phải là một thực tại ở ngoài ta, tưới tẩm những hạt giống tốt sẽ giúp cho Phật tính ở trong người mình biểu hiện ra. Bây giờ có thể thấy người đó như một kẻ thù nhưng khi nhìn bằng con mắt của Bụt thì mình thấy trong con người đó có hạt giống của bạn và nếu khéo léo hơn một chút thì mình có thể chuyển thù thành bạn. Mình được học rằng đức Phật Di Đà đang ngự tại phương Tây nơi cõi Tịnh Độ và nếu mình thực tập cho đàng hoàng thì đến khi chết mình sẽ sinh sang bên Tây phương Cực Lạc, trong một hoa sen, sẽ được đức Di Đà thu nhận làm đệ tử, sẽ tu học với Ngài trong một thời gian rất lâu, cõi đó là cõi Vô Lượng Quang và cõi Vô Lượng Thọ. Chúng ta được dạy rằng, mỗi khi mình niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật tức là mình để cái tâm, để chánh niệm, đem sự chú ý của mình đặt lên đối tượng gọi là Phật. Niệm Nam Mô A Di Đà Phật thì một đóa sen được nở ra, được lú ra ở cõi Tịnh Độ nhưng mà đồng thời cũng được lú ra ở trong trái tim của mình và hễ mỗi lần niệm thêm một câu thì đóa sen nở lớn hơn một chút. Sinh ra trong hoa sen là một hình ảnh thi ca, rất đẹp. Ở trong đạo Phật tôi thấy toàn là hình ảnh thi ca nhưng phải qua hình ảnh thi ca mới thấy được bản chất, nội dung của giáo lý.

Cũng có những vị Tổ sư dạy cho chúng ta biết rằng, cõi Tịnh Độ không phải nằm ở phương Tây, nó nằm ngay trái tim của mình cho nên gọi là Duy tâm Tịnh Độ. Nếu phối hợp Thiền học với Tịnh Độ thành Tịnh Độ Bây Giờ và Ờ Đây. Nói theo tiếng Hán Việt là Tịnh Độ Hiện Tiền. Tham đắm, thèm khát, giận hờn, si mê làm cho cõi đất mất sự thanh tịnh và bị ô nhiễm và khi lấy những cấu uế ra khỏi trái tim của mình, nghĩa là khi sự thèm khát, kỳ thị, giận hờn, sợ hãi biến mất thì tự nhiên cảnh Tịnh Độ Hiện Tiền. Chúng tôi gọi đó là Hiện Pháp Tịnh Độ. Trong kinh Di Đà có nói rằng mỗi khi gió thổi qua hàng cây, nếu lắng nghe thì mình sẽ nghe tiếng thuyết pháp về tứ đế, ngũ căn, ngũ lực, thất Bồ Đề phần, bát chánh đạo phần và có những con chim ở cõi Tịnh Độ khi nó hót lên, mình cũng nghe những bài pháp như là tứ đế, ngũ căn, ngũ lực, thất Bồ Đề, bát chánh đạo phần. Nếu lấy con mắt thiền mà nhìn thì rõ ràng: Cõi Tịnh Độ đang có mặt ở đây. Bông hoa trước mặt quý vị đang thuyết pháp: Thuyết pháp về sự vô thường, vô ngã, về tương tức, về vô sinh bất diệt.

Bài pháp Vô Sinh Bất Diệt

Nhìn đám mây trên trời quý vị sẽ thấy rằng, tự tánh đám mây là vô sinh bất diệt. Với con mắt của người chưa tu, mình tưởng đám mây là có sinh (sinh là từ cái không mà thành cái có), có diệt (diệt là từ cái có trở thành cái không). Nhưng nếu là người đã tu, đã quán chiếu thì mình thấy tự tánh của đám mây là Vô Sinh Bất Diệt. Nhìn vào tờ giấy với con mắt thiền quí vị sẽ thấy rừng cây, sẽ thấy đám mây, sẽ thấy ánh sáng mặt trời ở trong này. Nếu không có đám mây làm sao có mưa, có ánh sáng mặt trời để cây rừng mọc lên được và có bột cây để làm giấy? Cho nên nhìn vào một cái mình thấy tất cả, đó là giáo lý Một Là Tất Cả ở trong kinh Hoa Nghiêm. Vì vậy giờ phút mà mình gọi là sinh không phải là giờ sinh của tờ giấy mà chỉ là giờ chuyển hóa của tờ giấy thôi.

Trước khi tờ giấy là tờ giấy nó đã là đám mây, đã là cơn mưa, đã là rừng cây, đã là người thợ làm giấy. Nếu mình có con mắt trí tuệ, nhìn vào tờ giấy mình phải thấy tất cả những cái đó. Khi đốt tờ giấy mình đừng tưởng rằng tờ giấy chết (chết trong đầu của mình có nghĩa là từ có mà trở thành không). Đố quý vị làm cho tờ giấy này từ có mà trở thành không được? Khi mình đốt, mình nhận thấy, tờ giấy sẽ đi luân hồi thành hơi nóng, luân hồi thành tro, luân hồi thành khói. Khói bốc lên trở thành mây, hơi nóng đi vào trong con người mình và tro rơi xuống đất để mai này luân hồi thành một bông hoa, một cọng cỏ. Vì vậy không thể nào từ có mà trở thành không được.

Quan niệm chết, nghĩa là từ có trở thành không là một quan niệm sai lầm. Đám mây bây giờ mình thấy, mai mốt có thể trở thành mưa, thành tuyết, thành nước đá hay thành một thứ gì khác nhưng không thể trở thành không được. Một đám mây, một cơn mưa hay một tờ giấy không thể nào chết được cũng như tướng Trần Hưng Đạo, không bao giờ chết được. Nếu có con mắt thiền thì chúng ta thấy tướng Trần Hưng Đạo đang còn với chúng ta trong những hình thái mới.

Khi một người thương của chúng ta qua đời, chúng ta tưởng người đó không còn nữa nhưng kỳ thực người đó đã mang những hình thức biểu hiện mới. Cũng như khi mình thấy đám mây không còn trên trời nữa thì mình khóc, trong khi đám mây đã trở thành mưa và nói: Anh ơi, tôi đang còn đây này, anh không thấy tôi sao? Tôi đang còn dưới một hình thái mới và tôi đang ca hát trong khi rơi xuống đất. Cũng vậy, nếu quý vị vừa mất một người thương thì quý vị đừng tưởng người đó đã từ có trở thành không, người ấy không còn nữa.

Nếu có con mắt thiền thì mình có thể nhận diện được người thương của mình. Nhìn vào hạt sỏi, tờ giấy, đám mây với con mắt thiền thì mình có thể thấy được tính vô sinh bất diệt của nó để mình có thể vuợt thoát khỏi những cơn xúc cảm, những nổi khổ, niềm đau của mình. Cũng như một đợt sóng, đứng về phương diện sóng, mình thấy có sự bắt đầu, sự chấm dứt. Mình thấy đợt sóng phát sinh đi lên, rồi đi xuống, đợt sóng đi xuống rồi, không thấy đợt sóng nữa, mình nói đợt sóng không còn, đợt sóng đã chết. Đứng về phương diện nước, mình thấy rằng nước đâu có đi lên, đi xuống gì đâu. Nếu đợt sóng biết nó là nước thì đi lên cũng vui, đi xuống cũng vui, đâu có gì phải sợ hãi.

Thực tập thiền là để cho chúng ta có cơ hội tiếp xúc được với chân tánh của chúng ta. Chân tánh, tự tánh đó là bất sinh và bất diệt. Tịnh Độ không phải là vấn đề tương lai, những mầu nhiệm của Tịnh Độ như là bông hoa, như là đám mây đang thuyết pháp: Tôi đang nói bài pháp Bất sinh bất diệt, nếu quý vị chịu khó nhìn tôi và quán chiếu thì sẽ thấy được tôi là một bài thuyết pháp. Vô thường, vô ngã, tương tức, một là tất cả, tất cả là một, bất sinh bất diệt, tất cả những giáo pháp vi diệu đó đang có mặt trong giây phút hiện tại.

Đứng về phương diện Tam thân (Ba thân) 10*: Hóa thân của đức Thích Ca tuy bây giờ mình không thấy nữa nhưng mà Pháp thân của đức Thích Ca vẫn còn có mặt. Bây giờ và hiện tại mình có thể tiếp xúc với đức Thích Ca bất cứ lúc nào mình muốn. Bông hoa đang thuyết pháp, Pháp thân đang thuyết pháp. Một hôm đức Thích Ca nghe tin một vị đệ tử tên là Vakali sắp từ trần, ngài tới thăm và hỏi: Thầy có còn tiếc nuối gì không? Thầy Vakali trả lời: Bạch đức Thế Tôn, con không còn tiếc nuối gì hết nhưng vì bệnh hoạn thành ra con không thể lên núi Linh Thứu mỗi tuần để được thăm và được nhìn đức Thế Tôn nữa. Đức Thế Tôn mới nói rằng: Nhục thân của tôi không quan trọng, hình hài của tôi không quan trọng, chính Pháp thân của tôi mới quan trọng. Thầy đã học, thầy đã thực tập là thầy đã có Pháp thân của tôi trong người của thầy rồi, đó là điều quan trọng nhất. Chữ Pháp thân được dùng ở trong trường hợp đó. Cho nên đứng về phương diện Hóa thân, mình thấy có không nhưng đứng về phương diện Pháp thân, luôn luôn nó trường tồn mãi mãi. Đứng về phương diện sóng, hình như mình thấy có sinh có diệt, nhưng bản chất của sóng là vô sinh bất diệt. Vì vậy nếu đợt sóng tiếp xúc được với tự tánh của nó là nước thì nó sẽ không còn sợ hãi lo lắng nữa. Chúng ta cũng vậy, chúng ta là con người, chúng ta nghĩ rằng chúng ta là nạn nhân của sinh của tử, chúng ta sinh ra rồi chúng ta phải chết đi. Thiền tập giúp chúng ta tiếp xúc được với tự tánh vô sinh bất diệt, khi tiếp xúc được với tự tánh vô sinh bất diệt, chúng ta sống an ổn, hạnh phúc, vô úy từng giây từng phút. Đó là hạnh phúc lớn nhất của đời người.

Có không còn mất chẳng băn khoăn

Khi đi chùa, mình có thể cầu nguyện, lễ lạy, cúng dường, nghe Pháp, có thể bớt đi rất nhiều niềm đau, nỗi khổ. Nhưng báu vật quí giá nhất, châu báu bậc nhất mà mình tìm thấy trong đạo Phật là mình có thể tiếp nhận, hành trì để mình có thể tiếp xúc được với tự tánh không sinh, không diệt của chính bản thân mình. Cái đó gọi là Niết Bàn, tiếng Phạn là Nirvana, có nghĩa là sự vắng lặng, sự tắt ngấm. Vắng lặng ở đây có nghĩa là sự vắng lặng của những ý niệm, trước hết là ý niệm sinh và diệt. Bản chất của sự vật là không sinh và không diệt nhưng mình nghĩ rằng chúng có sinh và có diệt. Bản chất của sự vật là không tới cũng không đi nhưng mình nghĩ là có tới, có đi.

Tôi xin cống hiến quý vị một phép thực tập, chúng ta cùng làm cho vui (còn những dữ kiện về lịch sử Phật giáo thì đâu có thì giờ mà nói cho nhiều). Ví dụ, bây giờ chúng ta nhìn vào hộp diêm này và nếu nhìn bằng con mắt thiền thì chúng ta thấy ngọn lửa (không đợi tôi quẹt que diêm lên mình mới thấy), ngọn lửa đã tiềm tàng trong những nguyên nhân của chúng nó. Đức Thế Tôn dạy rằng khi hội đủ những điều kiện thì cái đó phát hiện (phát hiện chứ không phải là sinh đâu nhé!). Nhìn kỹ cái hộp diêm này mình thấy rằng ngọn lửa trốn ở đâu đây, không phải chỉ ở trong hộp diêm mà nó ở ngoài hộp diêm nữa, ví dụ như là dưỡng khí ở ngoài. Nếu không có dưỡng khí thì đố mà ngọn lửa biểu hiện ra được. Tất cả những điều kiện để cho ngọn lửa phát hiện đầy đủ rồi, chỉ thiếu một điều kiện cuối là cử động của ngón tay thôi. Tôi nói: Này lửa ơi! Tôi biết em có đó, bây giờ em hãy biểu hiện đi. Ngọn lửa mới nói: Thầy giúp em một tay, Thầy quẹt một cái đi, em sẽ biểu hiện. Tôi mới quẹt và ngọn lửa bừng cháy. Ngọn lửa không phải từ không mà trở thành có đâu, ngọn lửa biểu hiện khi các điều kiện hội tụ, nhân duyên đầy đủ. Nhân và duyên đầy đủ thì nó biểu hiện, nhân duyên thiếu thì nó ẩn tàng. Bây giờ mình hỏi ngọn lửa: Ngọn lửa ơi, em từ đâu tới và em đã đi về đâu rồi? Nếu mình lắng nghe với con mắt thiền, mình sẽ nghe tiếng trả lời của ngọn lửa: Quý vị ơi, em đâu có từ đâu tới! Em không phải từ phương Nam, phương Bắc, cũng không phải từ phương Tây, phương Đông tới, hễ khi nào những điều kiện nó hội đủ thì em biểu hiện thôi! Đó là sự thật, một sự thật rất khoa học. Hồi nãy tôi mới thấy em đó, em đã đi đâu rồi ngọn lửa ơi? Ngọn lửa trả lời: Em đâu có đi đâu đâu. Em cũng không đi về miền Bắc, miền Nam, miền Tây, miền Đông. Khi nào điều kiện không hội đủ thì em không có biểu hiện nữa thôi, em không có đi đâu hết! Đó là sự thực không tới cũng không đi, vô khứ vô lai, bất sinh bất diệt. Đó là bốn ý niệm sinh diệt khứ lai. Bản chất của sự vật là vô khứ vô lai, mà mình cứ nói là có khứ có lai cho nên mình không tiếp xúc được với tự tánh Niết Bàn của nó.

Chúng ta nhìn vào cậu con trai bằng con mắt thiền thì chúng ta thấy người bố, người mẹ trong cậu con trai, thấy đứa con là sự tiếp nối của cha, của mẹ. Cũng như khi nhìn vào cây ngô, chúng ta biết rằng cây ngô là sự tiếp nối của hạt ngô mà chúng ta mới gieo cách đây mấy tháng. Chúng ta thử hỏi hạt ngô năm xưa và cây ngô mà chúng ta đang thấy là một hay là hai cái? Nói hai thì không đúng, vì nếu không có hạt ngô thì làm gì mà có cây ngô, cây ngô là sự tiếp nối của hạt ngô. Nói một thì cũng không đúng tại vì hạt ngô có khác và cây ngô có khác. Vậy cho nên quan niệm một và quan niệm khác cũng không phù hợp với thực tại. Danh từ chuyên môn gọi là Phi nhất phi dị. Chúng ta quen suy tư với những phạm trù sinh diệt, tới đi, một khác và nhất là có không. Khi những điều kiện hội đủ, cái đó biểu hiện, ta gọi là có. Khi những điều kiện không đầy đủ cái đó không biểu hiện mà ta gọi là không thì điều đó không đúng. Ví dụ bây giờ trong phòng này, không có máy để tiếp nhận những luồng sóng điện từ đài phát thanh Hà Nội thì chúng ta không thể nói rằng những chương trình của đài phát thanh Hà Nội không có. Những âm ba của đài phát thanh đang có mặt đầy dẫy ở đây, chúng ta chỉ thiếu một điều kiện để có thể nhận thức được nó. Vậy khi nó chưa phát hiện mà nói là không thì không đúng và khi nó phát hiện rồi mà nói là có, cũng không đúng, tại vì có tức là sự trái chống lại của không. Cho nên sự thực vượt thoát cả hai ý niệm có và không.

Một thi sĩ Tây phương đã nói rằng: Có hay không đó là vấn đề (to be or not to be that is the question) 11*. Trong ánh sáng đạo Bụt thì: to be and not to be, being and non-being, hữu thể và vô thể đều là ý niệm. Niết Bàn là sự vắng mặt của tất cả các ý niệm. Niết Bàn là bản chất của thực tại, Niết Bàn không phải là một cõi mà sau khi chết mình đi vào, đó là một tư tưởng rất sai lầm. Nếu có cái nhìn sâu sắc của trí tuệ ta có thể tiếp xúc được Niết Bàn ngay trong giây phút hiện tại, đó là bản chất không sinh không diệt, không tới không đi, không một không khác, không có không không. Khi đạt tới cái đó là chúng ta thành công trong sự tu học, chúng ta vượt thoát tất cả những lo lắng, những sợ hãi và chúng ta có một trí tuệ lớn (gọi là đại trí). Tịnh Độ cũng vậy, Tịnh Độ có mặt bây giờ và ở đây. Đức A Di Đà nếu mình muốn ngài có mặt, mình có thể tiếp xúc được bây giờ và ở đây.

Bàn tay mẹ trong bàn tay con

Tôi có một người bạn họa sĩ, ngày xưa đã rời Việt Nam bằng một con đường rất là cực nhọc, đi làm bồi trên một chiếc tàu thủy để được qua bên Hoa Kỳ vì nghĩ rằng bên đó có cơ hội tiến thân hơn. Trước khi rời Việt Nam thì bà mẹ của anh vốn là một người không biết chữ, không biết triết học là gì có dặn một câu: Con ơi, khi con sang bên nớ, con nhớ mẹ, con hãy đưa bàn tay của con ra con nhìn thì con sẽ đỡ nhớ. Bà ta nói như vậy, giống như một nhà triết học. Trong những năm tháng lây lất ở quê người, mỗi khi nhớ mẹ, anh chàng họa sĩ đó đã đưa tay lên để nhìn cho đỡ nhớ mẹ. Trong quá trình tu học của tôi, tôi thấy rất rõ đây là một tuệ giác rất là lớn của những bà mẹ Việt Nam. Bàn tay này, mình nói là bàn tay của mình, cái đó cũng đúng nhưng kỳ thực bàn tay này cũng là sự tiếp nối của bàn tay mẹ, bàn tay cha cũng như cây ngô là sự tiếp nối của hạt ngô và hạt ngô là sự tiếp nối của cây ngô trước. Nhìn vào bàn tay của mình thì mình thấy bàn tay của mẹ, bàn tay của cha và bàn tay của tổ tiên đang có mặt trong bàn tay mình mà nói đây chỉ là bàn tay của riêng mình là không đúng, đây cũng là bàn tay của cha, của mẹ.

Hồi nhỏ khi còn thơ ấu có những lúc bị sốt, khát nước, khô cổ, nóng bức và khi mẹ đi vào, rồi để bàn tay của bà lên trên trán mình thì mình thấy dễ chịu một cách lạ kỳ. Đến khi mình lớn lên, mình rong ruỗi, mẹ không còn đó nữa, mỗi khi sốt, mình ao ước có bàn tay đó đặt lên trên trán. Theo tôi, bàn tay của mẹ vẫn còn, nếu mình muốn bàn tay đó đặt lên trên trán mình thì vẫn còn có thể được, dầu quý vị đã bốn mươi tuổi hay sáu mươi tuổi nhưng vẫn còn có bàn tay của mẹ. Quý vị chỉ cần đưa bàn tay lên và nhìn và thấy rằng: Mẹ ơi, con biết bàn tay tuy con nói là của con nhưng mà cũng là bàn tay của mẹ, nó là sự nối tiếp của bàn tay mẹ. Trong sự quán chiếu, trong sự thiền quán mình thấy rõ ràng bàn tay của mẹ đang còn có mặt cho mình. Trong tuệ giác đó, đưa tay lên mình thấy bàn tay của mẹ đang đặt trên trán mình một cách rất nhẹ nhàng và mình cảm thấy không khác gì bàn tay năm xưa.

Quý vị thử đi, quý vị sẽ thấy, tự tánh của mẹ mình là không sinh, không diệt. Mình đừng tưởng mẹ mình đã mất rồi, mẹ mình đang còn dưới những hình dạng mới và mình phải có tuệ giác mới có thể nhận diện ra được. Thiền tập có khả năng đưa tới trí tuệ để có thể vượt thoát những nỗi khổ, niềm đau trong đó có sự sợ hãi. Tuệ giác có thể giúp mình lấy đi hết tất cả những tri giác sai lầm của mình về mình và những tri giác sai lầm của mình về người khác, như vậy chúng ta tới gần nhau hơn và chúng ta không còn tiếp tục làm khổ nhau nữa. An lạc, hòa bình, hạnh phúc là chuyện có thể xảy ra một cách dễ dàng với trí tuệ đó.

Trong những năm tháng chúng tôi ở quê người chúng tôi đã từng tìm cách giảng dạy trao truyền kinh nghiệm, sự thực tập. Chúng tôi nghĩ rằng nếu người trẻ tuổi, những trí thức Tây phương có khả năng tiếp nhận và áp dụng trong đời sống hàng ngày của họ để chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau thì người trẻ tuổi Việt Nam, người trí thức Việt Nam cũng có thể áp dụng được, thừa hưởng được giáo lý đó. Tôi thấy thế hệ trẻ của chúng ta không có được nền tảng tâm linh vững chắc như thế hệ trước.

Quý vị đi chùa, quý vị sẽ thấy các bậc lớn tuổi, họ có niềm tin nơi nền đạo đức cổ truyền rất là vững chãi. Chính niềm tin giữ cho mình không bị rơi vào hầm hố của sự tham nhũng, sự hư hỏng, sự trác táng. Nếu người trẻ không có được vững chãi đó, niềm tin đó thì họ có thể trở thành nạn nhân của sự hư hỏng, sự tham nhũng, sự trác táng. Nhưng làm sao để thế hệ những người lớn tuổi có thể trao truyền lại được cái vốn liếng, cái gia tài tâm linh đó cho người trẻ? Nếu chúng ta thất bại trong sự trao truyền niềm tin đó cho thế hệ trẻ thì chúng ta đã có tội với tổ tiên, với đất nước. Chúng ta đã không trao truyền được những gì quí giá nhất mà tổ tiên tâm linh, tổ tiên huyết thống đã trao truyền cho chúng ta.

Hố ngăn cách giữa hai thế hệ chúng ta phải lấp đi, sự liên hệ giữa cha con và mẹ con cần phải được thiết lập trở lại để thế hệ này có thể trao truyền những gì quí giá nhất mà chúng ta đã tiếp nhận được từ các thế hệ trước. Đó là niềm ưu tư của chúng ta. Chúng tôi mong rằng các vị trong giới học giả, khảo cứu, các vị văn nghệ sĩ đóng góp vào một tay để chúng ta có thể bảo tồn được gia tài tâm linh quí giá của chúng ta. Gia tài đã làm cho nước chúng ta giàu mạnh, đứng vững và có khả năng đánh bại tất cả những cuộc xâm lăng của phương Bắc như đời Lý, đời Trần.

 

 

Vấn đáp

Hỏi:
Tôi hỏi một câu có thể là xa với chủ đề. Cuộc đời Thiền sư đã bôn ba rất nhiều ở các nước mà lại có thể truyền đạt được đạo Bụt cho nhiều người của các quốc gia trên thế giới. Thiền sư học ngoại ngữ như thế nào để giúp nhiều người hiểu được pháp tu của đạo Phật?


Thiền sư Nhất Hạnh:
Có rất nhiều người rất giỏi ngoại ngữ nhưng họ đâu có truyền đạt được gì, thành ra vấn đề không phải là vấn đề ngoại ngữ.

____________

Hỏi:
Xin Hòa Thượng cho biết sự khác biệt giữa thiền Việt Nam và thiền Trung Quốc.


Thiền sư Nhất Hạnh:
Chúng tôi đã nói ngay từ đầu, thiền Việt Nam nó phối hợp được với văn học, với truyền thống của đạo Bụt Nam Tông, với cái nhìn phóng khoáng của đạo Bụt đại thừa. Hơn nữa thiền Việt Nam có tính dấn thân hơn, thực tiễn hơn thiền Trung Quốc. Hiện bây giờ Tây phương có đủ các truyền thống Phật giáo, Theravada, Nam Tông, Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Miến Điện, Phật giáo Thái Lan, Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo Đại Hàn,… nhưng bất cứ ai tới với khóa tu do chúng tôi tổ chức ở Âu châu và Mỹ châu đều cảm thấy thoải mái, giống như họ về nhà vậy.

Phật giáo Việt Nam theo cách chúng tôi trình bày được sự kết hợp một cách kỳ diệu giữa các truyền thống Phật giáo, nhất là truyền thống Nam Tông và truyền thống Bắc Tông. Điều này không phải là một điều mới, ngay từ thế kỷ thứ ba thiền sư Tăng Hội đã làm như vậy. Đời Trần chúng ta cũng đã làm như vậy. Trước đó chúng ta có truyền thống Tỳ Ni Đa Lưu Chi, truyền thống Vô Ngôn Thông, truyền thống Thảo Đường, rồi truyền thống Lâm Tế, tất cả truyền thống đó vào nước ta, rốt cuộc xuôi chảy về một dòng sông, tổng hợp lại hết. Đời Trần chúng ta có một vị quốc sư gọi là Nhất Tông quốc sư, một vị thầy của cả nước nhưng dạy thứ thiền Phật giáo tổng hợp, đó là một đặc điểm của Phật giáo Việt Nam.

____________

Hỏi:
Thưa Thiền sư, có một số ý kiến cho rằng là Lục tổ Huệ Năng có thể là một vị tổ sư xuất thân từ người Việt Nam và gần đây trong một cuốn sách của Hòa thượng Trí Quang cũng nhắc đến vùng này. Là một người rất thâm sâu về lịch sử Phật giáo, xin Thiền sư cho biết vấn đề tổ Huệ Năng có phải là người Việt Nam hay không?


Thiền sư Nhất Hạnh:
Vùng đất gọi là Lĩnh Nam đó, không phải chỉ có Giao Châu mà thôi, nó gồm có những tỉnh miền Bắc nữa 12*. Điều chắc chắn nhất mà chúng ta có thể nói là Lục Tổ Huệ Năng là từ Lĩnh Nam.

____________

Hỏi:
Con là người nghiên cứu nước ngoài và cũng là một Phật tử, con rất là tâm đắc câu của ngài nói:
Nếu chúng ta không trao truyền được cho thế hệ trẻ Việt Nam những truyền thống tâm linh quý báu của tổ tiên là chúng ta có tội với đất nước. Con nghĩ rằng nếu như chúng ta có thể làm điều gì giúp cho mọi người Việt Nam cũng như thế hệ trẻ thật sự hiểu được luật nhân quả. Trong mục tiêu giáo dục của Thái Lan, mục tiêu nào người ta cũng nhắc đến luật nhân quả, vậy trong những ngày Thiền sư còn ở đây, xin Thiền sư góp ý cho vấn đề trên.

Thiền sư Nhất Hạnh:
Trong những tháng chúng tôi được viếng thăm quê hương, chúng tôi sẽ có cơ hội gặp gỡ các vị giáo sư Phật học, các tăng sinh Phật học. Chúng tôi sẽ đàm luận về nền giáo dục Phật giáo mới. Chúng tôi nghĩ rằng nếu không có những giáo lý mới, những giáo lý đổi mới và những phương pháp thực tập đáp ứng lại được những nhu yếu hiện đại của thanh niên, của người trí thức thì chúng ta không làm tròn được sứ mạng của chúng ta đối với con cháu chúng ta. Nếu chúng ta cứ để như thế này, nếu chúng ta tiếp tục giảng dạy và thực tập như cách chúng ta đang làm thì từ từ người trẻ, người trí thức sẽ vắng tới chùa và chúng ta sẽ chỉ có thể dạy những người lớn tuổi thôi.

Kinh nghiệm của chúng tôi trong những năm giảng dạy ở Tây phương thì hầu hết tất cả những người đến thực tập với chúng tôi đều là người trẻ và người trí thức, tại vì chúng tôi đã tìm ra một thứ ngôn ngữ để có thể trao truyền được tuệ giác và những phương pháp thực tập để giúp cho người ta chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau ở trong lòng, để cho họ hòa giải được với cha mẹ, với người hôn phối, với con cái và với cộng đồng của họ. Vì vậy dù không quảng cáo, không quảng bá mà số thiền sinh tới tu tập trong các đạo tràng của chúng tôi càng ngày càng đông. Chúng tôi đã đào tạo ra mấy trăm vị giáo thọ có khả năng mở những khóa tu để trao truyền phương pháp thực tập này.

Trong chuyến đi này chúng tôi cũng có ý muốn mời một số các Phật tử Việt Nam tham dự vào công việc đó, nghĩa là đào tạo và đi giảng dạy, hướng dẫn thiền sinh Tây phương. Đây là cơ hội lớn để chúng ta có thể gieo trồng hạt giống Phật Pháp ở vùng văn hóa Tây phương. Sự đáp ứng lại của giới trẻ, giới trí thức Tây phương đối với đạo Bụt rất lớn. Chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có thể làm mới được sự giảng dạy và những phương pháp thực tập, để cho những lối giảng dạy đó, những phương pháp thực tập đó có thể làm thỏa mãn nhu yếu của con người hiện đại, nhất là người thanh niên, giúp họ chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau, giới trẻ sẽ trở lại với chùa và sẽ cộng tác để xiển dương, chấn hưng lại nền đạo học, chấn hưng lại truyền thống tâm linh của chúng ta. Chúng ta nên nhớ lại đời Lý, đời Trần, từ vua quan cho đến dân đều thực tập với tình huynh đệ cho nên đất nước chúng ta rất giàu mạnh.

____________

Hỏi:
Năm 2001 tôi có được mời sang Mỹ, được chứng kiến vụ 11 tháng 9. Điều đó làm cho tôi rất là kinh hoàng. Nhưng mà điều tôi và các bạn kinh ngạc hơn là ngay sau ngày 11 tháng 9, nghe tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đến ngay tại chỗ hai tháp đôi bị đánh sụp, giảng thuyết về thiền học. Người Mỹ đã đến, đông đến mức không có đủ vé để vào, sáu bảy tám ngàn người đã đến chỗ đó. Nghe nói là Thiền sư giảng về đề tài: Không thể dùng bạo lực để chống lại bạo lực. Vì ở quá xa tôi không thể bay đến để nghe Thiền sư giảng được, hôm nay muốn Thiền sư nói lại một chút là Thiền sư đã nói những gì và người Mỹ đã phản hồi như thế nào trong ngày hôm đó?

Thiền sư Nhất Hạnh:
Chúng tôi đang ở tiểu bang California, miền Tây Hoa Kỳ khi sự kiện đó xảy ra. Hai ngày sau đó chúng tôi phải diễn thuyết tại nhà hát cộng đồng Berkeley, một thành phố ở miền Bắc Cali. Khi nghe tin kinh hoàng đó, chúng tôi yêu cầu ban tổ chức đổi đề tài, vì đề tài cũ không còn thích hợp nữa. Hôm đó có bốn ngàn thính giả Hoa Kỳ tới nghe bài diễn thuyết đó. Chúng tôi đã bắt đầu bằng cầu nguyện cho nạn nhân của cuộc tấn công tại New York. Tôi nói rằng: Trong tình trạng hiện tại, xin các bạn đừng vội vàng tuyên bố hoặc hành động, vì lúc đó cảm xúc quá lớn, sự sợ hãi, sự lo lắng, sự giận hờn quá lớn. Mà trong trạng thái cảm xúc lớn, giận hờn lớn, lo lắng lớn như vậy mà mình nói và mình làm thì mình sẽ gây ra đổ vỡ. Đó là thiền chỉ. Chúng ta hãy nhìn lại tình trạng cho kỹ và đặt câu hỏi tại sao những người đó đã làm như vậy? Căn cứ trên những tri giác nào mà những người đó đã làm như vậy? Chúng ta đã làm gì để cho họ hiểu lầm chúng ta, để họ có niềm căm thù tới mức đó. Chúng ta phải thực tập lắng nghe.

Sau nhiều ngày thực tập hơi thở và làm êm dịu những cảm xúc, chúng ta mới có thể bắt đầu cuộc đối thoại: Này quý vị bên kia, chúng tôi không hiểu tại sao quý vị đã làm như thế? Có lẽ quý vị nghĩ rằng chúng tôi muốn tiêu diệt quý vị, muốn đàn áp quý vị, muốn tiêu diệt văn hóa, tôn giáo của quý vị. Nhưng kỳ thực chúng tôi không có ý niệm đó, chúng tôi muốn lắng nghe quý vị, xin quý vị nói cho chúng tôi nghe nhận thức nào, cảm xúc nào đã khiến quý vị tạo ra một bi kịch như vậy cho chúng tôi, trên đất nước chúng tôi? Chúng tôi đã làm những lầm lỗi nào, chúng tôi nên làm những gì và không nên làm những gì để khỏi phải bị đối xử như vậy? Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe! Đó cũng nằm trong phạm vi sự thực tập.

Trong khi lắng nghe, mình sẽ thấy được rõ ràng là họ có những tri giác nào về họ và họ có những tri giác nào về mình. Khi thấy được rồi, mình mới có khả năng giúp cho họ tháo gỡ những tri giác sai lầm. Nếu mình có tri giác sai lầm, mình cũng có thể tháo gỡ cho mình được. Tôi mới đề nghị cụ thể là ngay chính trong nước Mỹ cũng có những người họ cảm tưởng tuy họ là công dân Mỹ, nhưng họ cũng cảm tưởng họ là nạn nhân của sự kỳ thị, của sự đè nén áp bức, nhất là những giới da màu v.v… Trước hết quý vị phải lắng nghe ở trong châu thân của quí vị, những nỗi khổ niềm đau ở ngay trong đất nước Mỹ.

Quý vị phải triệu tập những nhân sĩ, những người có khả năng lắng nghe tới để tổ chức những cuộc lắng nghe tập thể như vậy và quý vị có thể truyền hình những buổi lắng nghe như vậy. Những người đó không cần phải là những nhà lãnh đạo chính trị. Họ có thể là những nhà nhân sĩ không có vai trò gì trong chính trị nhưng họ có khả năng lắng nghe, họ có đạo đức. Sau khi đã lắng nghe được nước Mỹ rồi thì quý vị sẽ lắng nghe những dân tộc khác mà quý vị nghi ngờ đã nhúng tay vào cuộc bạo động này.

Quý vị sẽ hỏi: Xin quý vị nói cho chúng tôi biết vì lý do gì mà quý vị đã gây ra một cuộc tàn sát như vậy? Chúng tôi đã làm nên những lầm lỗi gì? Nói đi để chúng tôi có thể hiểu và nếu quý vị có những nỗi đau khổ nào, những khó khăn nào chúng tôi cũng có thể giúp được cho quý vị. Nếu quý vị có tâm đạo đức, có khả năng quán chiếu thì quý vị có thể làm được việc đó. Trong bài diễn thuyết đầu tôi có nói rằng: Đừng bạo động, đừng hành động ngay lập tức một cách bộp chộp để gây ra các tai hại sau này. Sau đó một tuần lễ, tại New York, tôi được mời đi diễn thuyết tại nhà thờ lớn Riverside Church và buổi nói chuyện được thông báo trước trên tờ New York Time: Xin tới nghe Thiền sư Nhất Hạnh. Chiêm nghiệm về  tình trạng để biết con đường mình nên đi và những gì mình không nên làm. Trên báo cũng có đăng môt bài thơ của tôi:

Tôi ôm mặt trong hai bàn tay của tôi
Tôi ôm mặt không phải là để khóc
Tôi ôm mặt để cho ấm áp sự cô đơn
Hai bàn tay chở che,
hai bàn tay nuôi dưỡng,
hai bàn tay ngăn cản
Sự ra đi hờn dỗi của linh hồn.

Để đánh động tâm tư họ, để họ có ước muốn trở về với chính họ, để ôm ấp lấy nỗi khổ niềm đau của chính họ. Chúng tôi biết rằng trong khung cảnh đó, sự căm thù ngùn ngụt, ai cũng muốn đem bom đi bỏ liền lập tức những nước Ả Rập. Hồi đó, tăng thân đi theo tôi đông lắm, có nhiều người muốn tới để yểm trợ tôi trong buổi diễn thuyết đó như cựu đại sứ Andrew Young hay nhà doanh nghiệp Bill Ford,… nhưng mà họ cũng sợ, họ không dám tới hay tới trễ hơn sau khi tôi đã bắt đầu buổi nói chuyện. Trong tăng thân, nhiều người nói rằng: Thầy ơi, nguy hiểm lắm! Trong khi người ta sôi sục căm thù, Thầy kêu gọi từ bi, nói lên tiếng nói của trí tuệ, nó có thể đem súng đến bắn Thầy. Chuyện này đã xảy ra cho M. Luther King, cho Kennedy, Gandhi.v.v… khi mình nói sự thật, phải biết rằng có những người không chịu đựng nỗi được sự thật đó, họ sẽ ám sát mình. Tối hôm đó tôi nói: Trong tình trạng này, nếu người Mỹ bộp chộp có thể gây ra cuộc thế chiến thứ III, tan nát hết. Mình là người có tuệ giác, có từ bi, nếu sợ hãi không dám nói thì đâu còn xứng đáng làm thầy của quí vị nữa. Thà rằng nói mà bị bắn chết nhưng vẫn còn là thầy của quí vị. Nhát gan không dám nói, tuy còn sống, nhưng đâu còn xứng đáng là thầy của quí vị nữa. Nhiều người nghe thế đã khóc.

Tới Riverside Church, thấy bên trong đã đầy nghẹt người rồi mà bên ngoài còn đứng khoảng ba bốn trăm người. Hồi đó, tôi nói rất rõ ràng, bạo động không thể nào đáp lại bạo động, hận thù không có thể nào đáp lại hận thù. Đó là lời dạy của đức Thế Tôn. Khi mình dùng từ bi thì mình có thể dập tắt được hận thù và bạo động. Tôi tin rằng ở nước Mỹ có những người có khả năng thấy được điều này. Tôi yêu cầu những người đó hãy đứng ra hướng dẫn toàn dân đừng để cho nước Mỹ đi vào con đường của bạo động, của căm thù. Tôi nói như vậy, may mắn là không có gì xảy ra trong đêm hôm đó. Có ông lái xe taxi chở chúng tôi tới nên có được một chỗ ngồi trong nhà thờ, ông ấy là người Mỹ, người bình dân thôi. Sau buổi giảng tôi hỏi ông: Sao, anh thấy tôi nói như vậy có đúng không? Anh ta nói như thế này: Đó là điều chúng con cảm nhận nhưng không có ai trong chúng con dám nói ra điều đó ra hết. Nước Mỹ đã không nghe tiếng nói đó, nước Mỹ đã dấn thân vào cuộc chiến Iraq. Bao nhiêu sinh mạng của người Mỹ và người Iraq đã bị tàn hại, vì nước Mỹ quá căn cứ trên sức mạnh, vũ khí, tiền bạc của họ mà không biết sử dụng sức mạnh tâm linh mà nước Mỹ có. Có rất nhiều nhà đạo học, có nhiều nhà nhân bản trí thức ví dụ như là bà Susan Sontag 13* mà tôi được gặp hồi còn trẻ. Năm 1966 tôi qua New York để diễn thuyết kêu gọi chấm dứt chiến tranh Việt Nam, bà Susan Sontag đã tới yểm trợ, chúng tôi đã có thì giờ đàm luận với nhau rất lâu. Bà là nhà văn, một nhà nhân bản, bà mới qua đời cách đây độ chừng một hai tuần thôi.

Bà có nói như thế này: Khi người ta tấn công trung tâm thương mại quốc tế ở New York, không phải tấn công nước Mỹ mà tấn công vào ý niệm tự mình cho mình là lãnh đạo thế giới, tự mình cho mình là có quyền năng điều khiển thế giới. Chính họ tấn công vào cái ý niệm đó của người Mỹ, chứ không phải họ tấn công vào nước Mỹ. Khi bà nói ra như thế, biết bao nhiêu người phản đối nhưng bà đã có can đảm nói ra sự thật, tại vì sau khi Liên Bang Xô Viết giải thể rồi thì không còn có lực lượng tương đương để làm thăng bằng, nước Mỹ tự nhận mình như là lực lượng lãnh đạo thế giới và có thể can thiệp vào bất cứ một nước nào. Chính cái ý niệm đó làm người ta tấn công vào chứ không phải tấn công vào nước Mỹ như là một dân tộc, như là một quốc gia, bà nói như vậy.

Tôi thấy sự hình thành của Liên Hiệp Châu Âu rất là quan trọng, tại vì trong mỗi nước, như nước Pháp, nước Đức, nước Anh luôn luôn có phe bảo thủ, họ muốn là nước của họ thôi, không muốn pha hợp với một số các nước khác để phải hy sinh một số điều mà lâu nay họ có, như đồng bạc riêng, biên giới riêng hay này kia, kia nọ. Các nước châu Âu tới với nhau để thành lập ra Liên Hiệp Châu Âu, theo tôi thấy đúng là sự thực tập vô ngã, mình phải xóa cái ngã của mình thì mình mới có một tập đoàn lớn cũng như Liên Hiệp Châu Âu được thành lập thì mới có một lực lượng đủ để tạo sự thăng bằng đối với người Mỹ.

Bây giờ đây thì Châu Âu sắp mở cửa để đón nhận Thổ Nhĩ Kỳ đi vào. Thổ Nhĩ Kỳ là một nước Hồi giáo và Châu Âu là những nước Thiên chúa giáo và sự chấp nhận một nước Hồi giáo vào trong Liên Hiệp Châu Âu là một cố gắng của trí tuệ. Những người Cơ đốc giáo ở Châu Âu sẽ tìm cách đối xử với những người Hồi giáo bằng tinh thần huynh đệ, để chứng tỏ cho thế giới biết rằng sự mâu thuẫn xung đột giữa Cơ đốc giáo và Hồi giáo là một sự không cần thiết. Chiến tranh bùng nổ nhiều có khi là do những xung đột giữa các ý thức hệ và các tôn giáo. Cũng như là cuộc chiến tranh Mỹ và Iraq, nhìn cho kỹ thì chúng ta thấy rằng một bên là nền văn hóa Cơ đốc giáo, một bên là nền văn hóa Hồi giáo.

Những người Iraq chết hàng ngày trong mặt trận Iraq, những người chống lại người Mỹ ở Iraq, họ nghĩ rằng nước Mỹ đang tiêu diệt văn hóa, tôn giáo của họ. Họ chết như vậy không những chết cho tổ quốc mà còn chết cho lý tưởng tôn giáo của họ nữa. Tôi nghĩ rằng với một thái độ, một niềm tin như vậy thì nước Mỹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tại vì khi người ta đem thân mạng của người ta ra để tranh đấu với niềm tin như vậy thì sức mạnh tinh thần của họ rất lớn. Cho nên nước Mỹ đang khổ đau, đang gặp rất nhiều khó khăn và rút ra rất khó. Tôi nghĩ nếu lãnh đạo Hoa Kỳ nghe và hiểu được những điều khuyến cáo của tôi lúc ban đầu thì bây giờ đã không bị sa lầy. Vì vậy thiền cần được áp dụng ngay trong lĩnh vực chính trị.

____________

Cảm nhận của một vị giáo sư:
Bạch thầy, bài thuyết trình Phật Pháp của thầy rất sáng tỏ. Hai tác phẩm của Thầy ở Việt Nam chúng tôi đã được đọc
An Lạc Từng Bước Chân Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức. Bài thuyết trình hôm nay nó làm sâu sắc thêm. Cho phép tôi nói một ứng dụng rất vui. Khi đi xe máy trên đường, tôi nghĩ rằng tôi cũng đang hành thiền, tôi cũng muốn An Lạc Từng Bước Chân, không vượt qua ai, thấy đèn đỏ dừng lại. Khi bị va quẹt, nhẹ nhàng khuyên bảo các cháu nếu rẽ trái phải có đèn signal, lần sau đi phải cẩn thận. Tôi nhận lại được những nụ cười và một lời xin lỗi, cảm ơn chú. Hôm nay với tư cách là một người chưa thể là Phật tử  xin cảm ơn Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có những tác phẩm để cho chúng tôi đọc và chúng tôi nghĩ rằng nhờ đọc tác phẩm của Thầy Nhất Hạnh mình tự hoàn thiện mình hơn về nhiều phương diện, mình trở thành ra một người lương thiện hơn. Rất tiếc, sách của Thầy khi đọc xong cũng phải chuyển giao cho người khác, có những cuốn nó đi mà không bao giờ trở lại (cười). Ví dụ như cuốn Trái Tim Của Bụt, Thả Một Bè Lau, đọc xong người ta thích quá nên cũng không bao giờ trở lại… Hy vọng những người ở Việt Nam sẽ được gặp gỡ Thầy nhiều hơn, đặc biệt là mong được đọc những tác phẩm mới của Thầy. Với tư cách là một người đọc sách của Thầy hôm nay, tôi xin tỏ lòng rất cảm ơn Thầy.

Thiền sư Nhất Hạnh: Xin cảm ơn. Chúng tôi biết rằng chúng tôi có rất nhiều tri kỷ ở đây, chúng tôi rất hạnh phúc. Nhà nước Việt Nam đã bắt đầu cho phép chúng tôi được xuất bản ở tại Việt Nam. Bốn cuốn sách đầu đã được in và hy vọng rằng những cuốn khác cũng sẽ được xuất bản.

Lời cảm tạ của ban tổ chức
Thưa Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thưa các vị tăng thân Làng Mai. Tôi xin được thay mặt anh chị em cán bộ của viện Nghiên Cứu Tôn Giáo, thay mặt cho các bạn đồng nghiệp, các nhà nghiên cứu, giới khoa học xã hội về dự buổi thuyết trình hôm nay cảm ơn Thiền sư Thích Nhất Hạnh về bài thuyết giảng. Chúng tôi cầu chúc Thiền sư và các vị tăng thân có nhiều sức khỏe và vui vẻ. Một lần nữa xin cảm ơn tất cả.

 

________________________________________
Chú thích

1* Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ: là nhũng người cầm quyền tại miền Nam, trong giai đoạn 1965-1975.
2* Daniel Berrigan, S.J. (born May 9, 1921) là nhà thơ, nhà tranh đấu cho hòa bình và cũng là một tu sĩ Ky Tô, dòng Tên. Ông cùng em là Philip đã tham dự nhiều cuộc phản kháng không bạo động chống chiến tranh (do Mỹ gây ra) nên có một thời cơ quan FBI đã ghi tên ông vào danh sách 10 người thường bị truy lùng nhất (FBI Ten Most Wanted Fugitives list.). Cùng tác giả với HT Nhất Hạnh: – The Raft Is Not the Shore: Conversations Toward a Buddhist/Christian Awareness, Daniel Berrigan (Co-author), Orbis Books, 2000.
3* Paul Demiéville (1894-1979) Nhà học Trung Hoa và  Đông Phương học, người Pháp. Ông học văn học sanskrit với Sylvain Lévi. Từng làm việc tại HaNoi l’EFEO (1919-1924). Đến năm 1946, P. Demiéville được bổ nhiệm vào Collège de France, giữ chức giáo sư ngôn ngữ và văn chương Trung Hoa, thừa kế vị tiền nhiệm là Henri Maspero.
4* Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – toàn bộ 3 tập. Tác giả Nguyễn Lang – Lá Bối Xuất bản. Nguyễn Lang là một trong nhiều bút hiệu của Hòa thượng Nhất Hạnh.
5* Kibbutz: Tổ chức cộng đồng của những người Israel tiền phong , sau đệ II thế chiến, chủ yếu là canh nông, tự túc kinh tế, lao động và sinh hoạt tập thể. Khởi đầu với các người Do thái từ Nga trở về Palestine, khoảng 1880’s đến đầu thế kỷ XX.
6* Engaged Buddhism – xuất hiện lần đầu trong quyển Vietnam: Lotus in a Sea of Fire. Bản tiếng Anh của Hoa Sen trong biển lửa
7* smrti (s) (p: sati); chính (chánh) niệm ; Niệm , sự tỉnh giác trong mọi hoạt động – (Tiếng Phạn là Smrti, tiếng Pali là Sati, tiếng Anh là Mindfulness, tiếng Pháp là Pleine conscience). Kinh Tứ Niệm Xứ (四 念 處). Niệm: Đó là năng lượng đưa tâm trở về lại với thân để thân và tâm hợp nhất (thân tâm nhất như), để thân tâm được thiết lập trong giây phút hiện tại. Ta có thể sử dụng hơi thở, bước chân hay nụ cười để làm phát hiện năng lượng ấy, ý thức ấy. Chánh niệm chính là ý thức ấy. Ý thức bao giờ cũng là ý thức về một cái gì (conscience est toujours conscience de quelque chose), chánh niệm cũng thế. Khi ta để ý tới hơi thở của ta thì đó là chánh niệm về hơi thở và hơi thở ấy được gọi là hơi thở có chánh niệm. Khi ta có ý thức về từng bước chân chúng ta đặt trên mặt đất, đó là chánh niệm về bước chân và bước chân ấy được gọi là bước chân có chánh niệm. Vì thế thực tập hơi thở có chánh niệm hoặc bước chân có chánh niệm là chế tác năng lượng chánh niệm và duy trì năng lượng chánh niệm. Chánh niệm còn được duy trì thì tâm còn có mặt với thân và ta (hành giả, người thực tập) đang có mặt trong giây phút hiện tại và có thể xúc tiếp với những gì đang có mặt trong hiện tại. (Chỉ Nam Thiền Tập), sáu phép lạ mầu nhiệm của năng lượng chánh niệm:
1. Chánh niệm giúp ta có mặt đích thực trong giờ phút hiện tại.
2. Chánh niệm giúp ta ý thức được sự có mặt của người ta thương và tất cả những gì mầu nhiệm đang xảy ra trong hiện tại.
3. Chánh niệm giúp ta tự nuôi dưỡng bằng những yếu tố đẹp đẽ và lành mạnh mà ta có thể tiếp xúc trong giây phút hiện tại.
4. Chánh niệm giúp ta ôm ấp và xoa dịu những khổ đau trong ta và nơi người khác.
5. Chánh niệm giúp ta nhìn sâu và quán chiếu vào tự tánh của những đau khổ trong ta.
6. Chánh niệm giúp ta chuyển hóa những khổ đau ấy bằng cái thấy do sự nhìn sâu và quán chiếu. (Tự điển Làng Mai)
8* Hiện Pháp Lạc Trú: Có khi gọi là hiện pháp lạc cư (tiếng Phạn là Dristadharmasukhavihara), có nghĩa là sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Trong kinh Người Áo Trắng (Ưu Bà Tắc kinh, Trung A Hàm 128) Bụt dạy cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm người bạn trong giới thương gia phương pháp sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại bằng cách thực tập ba quy, năm giới và các phép tùy niệm: Niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới. (TĐLM)
9* Sogdiane: là một vùng đất lịch sử bao gồm một phần lãnh thổ của các nước Ousbékistan, Tadjikistan và Afghanistan ngày nay trong đó có những thành phố lịch sử như Sarmacande và Boukhara. Người Sogdien nói thứ tiếng thuộc nhóm ngôn ngữ “đông Ba Tư”(Est Perse) cổ. Họ đã đóng một vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực thương mại dọc theo “con đường tơ lụa”.
10* Tam thân: Ba thân, (S) trikāya, (Hán) 三 身. Chỉ ba loại thân của một vị Phật, theo quan điểm (s: mahāyāna). Quan điểm này cho rằng: – Phật xuất hiện trên thế gian để hoằng hóa, tiếp độ chúng sinh. – Phật chính là biểu hiện của sự Tuyệt đối, của Chân như – Phật có khi hiện thân thành nhiều hình tướng khác nhau chỉ vì lợi ích của chúng sinh. Ba thân gồm:
1. Pháp thân (法 身; s: dharmakāya): là thể tính thật sự của Phật, đồng nghĩa với, là thể của vũ trụ. Pháp thân là thể mà Phật và chúng sinh đều có chung. Pháp thân cũng chính là (s: dharma), là qui luật vận hành trong vũ trụ, là giáo pháp do đức Bụt truyền dạy.
2. Báo thân (報 身; s: sambhogakāya), cũng được dịch là Thụ dụng thân (受 用 身): chỉ thân Bụt  xuất hiện trong các cõi.
3. Ứng thân (應 身; s: nirmānakāya, cũng được gọi là Ứng hóa thân hoặc Hóa thân): là thân Phật xuất hiện trên trái đất, với nhân trạng, với mục đích cứu độ con người. (Từ điển Phật Học – Chân Nguyên)
11* “To be or not to be, that is the question” trong vở kịch Hamlet, Prince of Denmark, Act III, scene I, của thi hào Anh W. Shakespeare
12* Ý của Thiền sư Nhất Hạnh thì Lĩnh Nam là vùng đất phía Nam núi Ngũ Lĩnh, thuộc Hoa Nam, Phía Nam của sông Dương Tử. Nay tạm xác định là địa phận các tỉnh Quí Châu, Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Hoa, ở trên phía Bắc của miền Bắc nước ta
13* Susan Sontag (1933-2004): Nhà văn, nhà phê bình, nhà làm phim, nhà tranh đấu. Bà là trí thức hàng đầu của nước Mỹ, nổi tiềng quốc tế. Đặc biệt, suốt đời bà đã tranh đấu không ngưng nghỉ cho nhân quyền.