Phỏng vấn Thượng Tọa Lệ Trang

 

Thượng tọa Lệ Trang xuất gia từ năm 1973 với Hòa thượng Vĩnh Đạt tại chùa Hương, Sa-Đéc, Đồng Tháp. Hiện nay, Thượng tọa đang trụ trì chùa Định Thành, TP. HCM. Thượng tọa là Thầy chủ sám trong Đại trai đàn chẩn tế tại chùa Vĩnh Nghiêm (SG) trong chuyến về Việt Nam năm 2007 vừa qua của Sư Ông và Tăng thân Làng Mai. Thượng tọa cũng là người đầu tiên ở Việt Nam đưa kinh Nhật Tụng Thiền Môn 2000 vào thời công phu chiều để hành trì tại chùa Viên Giác. Khóa tu mùa đông 2007 – 2008 vừa qua, Thượng tọa đã về Làng tu học với Sư Ông cùng đại chúng và Thượng tọa đã hướng dẫn vài nét về nghi lễ, cách thức tán tụng theo nghi thức miền Nam cho đại chúng Làng Mai. Thượng tọa là một người vui tính và dễ gần gũi nên rất được đại chúng Làng Mai thương kính. Để hiểu rõ thêm về Thượng tọa cũng như về nghi lễ miền Nam, xin mời các bạn cùng theo dõi phần phỏng vấn dưới đây:

tt.le_trang.jpg1. Kính thưa Thượng tọa, trong cuộc đời xuất gia, Thượng tọa đã từng gặp Ma Lăng Già chưa? Làm thế nào Thượng tọa khắc phục Ma Lăng Già?

Thượng tọa trả lời: (Cười) Khi nói đến Ma Lăng Già, chúng ta nhớ đến chuyện Lăng Nghiêm, Ngài Tôn Giả A Nan bị chú thuật của Ca Tỳ Ma La Phạm Thiên nên Ngài mất chánh niệm và bị năng lực đó lôi đi. Sau khi được đức Phật dạy Ngài Văn Thù đến cứu, Ngài trở về và đã được đức Phật khai thị. Sau này, mỗi khi đề cập đến câu chuyện đó, Tăng Ni bao giờ cũng hỏi về vấn đề Ma Lăng Già. Thực ra mà nói, ma có hai nghĩa:

Nghĩa thứ nhất nói về sắc ma, tức là nam nữ. Và nghĩa thứ hai là: ma ngũ ấm, ma phiền não, tử ma, thiên ma. Nếu nói trong cuộc đời của tôi mà không có thì không đúng, có nhiều lắm nhưng cũng may là chỉ có một lần thôi. Có một lần nọ, anh nhà báo hỏi tôi: “Thầy đi xuất gia, nghe đâu đời sống xuất gia trong Tu viện không có gia đình. Xin hỏi Thầy, Thầy cũng như bao con người khác, về trường hợp nhu cầu sinh lý thì các thầy phải xử lý như thế nào?” Khi mình có mặt trên cõi đời này, mang thân xác này thì trời đã phú cho mình những khả năng làm cha, làm chồng và mình cũng có tâm sinh lý như bao người khác. Cũng may là chúng tôi ở chùa, chúng tôi được học giáo lý của đức Phật, chúng tôi có lý tưởng. Nghĩa là, nếu mình quan hệ, mình sinh hoạt như cuộc sống thế gian thì điều đó sẽ trói buộc mình. Như vậy, bao nhiêu lý tưởng tươi đẹp, bao nhiêu hạnh nguyện độ sanh đó rốt cuộc chỉ độ được một người. Những hạnh nguyện đẹp đó không còn khả năng để làm những công việc mà tâm nguyện chúng tôi muốn làm. Chính lý tưởng đó hướng chúng tôi đi và chúng tôi không kẹt lại ở vấn đề như cuộc sống thế gian. Chúng tôi chuyển hóa những sinh lực đó bằng cách tập trung vào sự tu tập và năng lực đó được chuyển hóa thành trí tuệ. Nếu như suốt ngày chúng ta chỉ ngồi đó than mây với gió, chỉ nghĩ đến tóc dài tóc ngắn thì nhiều khi sẽ bị nó thôi thúc, rồi dục hỏa sẽ làm chảy tan tinh túy của con người. Mình dùng công phu tu tập không dừng lại một chỗ mà còn chuyển hóa nó, chuyển hóa thành trí tuệ. Đem năng lực đó cống hiến cho đời mà trước tiên là chuyển hóa cuộc sống của mình, nhờ vậy mà mình vượt qua được. Nếu hỏi có Ma Lăng Già không, thì câu trả lời là có, có thể họ thương mình, thư từ chưa nhận được nhưng không biết trong ánh mắt có gởi gắm gì hay không ? Chắc có, chứ không phải không. Nếu chúng ta trụ lại ở hai chiều thì chết. Vì vậy mình không trụ lại, mình sẽ vượt qua. 
 

Trường hợp ma thứ hai, (ma tiếng Phạn là mala), có nghĩa là những cái gì làm cho pháp lành của mình bị khựng lại, không tăng trưởng được. Cái đó gọi là ma. Ví dụ: Đến giờ ngồi thiền nhưng còn muốn nướng cho vàng, cái đó là ma. Nghe chuông thức chúng mà chưa chịu đi, cho đến khi tới giờ vác áo chạy, đó cũng là ma. Muốn làm việc gì cao đẹp nhưng bị việc chung quanh làm cho ta bỏ đi không thực hiện được, cái đó cũng là ma.

Ngạ quỷ là một chúng sanh, do nghiệp của họ tạo tác bất thiện nên họ phải đến một cảnh giới thấp hèn, đau khổ. Trong cuộc sống hàng ngày, nếu ta có pháp nhãn, tuệ nhãn ta sẽ nhìn thấy họ đang ở chung quanh mình, họ đang ngồi đây, họ có mặt trong cuộc sống của mình. Thánh phàm đồng cư, thành phần lẫn lộn, chẳng qua mình và họ hai nghiệp khác nhau, không vướng mắc nhau nên mình không tiếp chạm, không thấy mà thôi. Lúc nhỏ tôi rất sợ ma nhưng nhờ tu học thì mình có thể thấy và hiểu, nên tự nhiên thấy ma là một chúng sanh đáng thương hơn là đáng sợ hãi. Vì họ khổ nên khi họ thấy mình vui, họ không bao giờ để cho mình yên ổn. Có một ngôi chùa ở Việt Nam nhờ tôi lập đàn chẩn tế dùm. Mấy sư cô trong chùa tối ngủ bị kéo chân và bị hất xuống. Tôi hỏi qua, các sư cô nơi đó cho biết mỗi buổi chiều đều có cúng thí thực nhưng công việc đó giao cho mấy chú tiểu làm. Tôi nói: “Nếu tôi đến giúp cho Ni sư cũng được nhưng Ni sư hiểu cho là chẩn tế cũng giống như ăn cỗ, còn thí thực hàng ngày giống như ăn cháo húp. Nếu chỉ ăn được một bữa cỗ no nê, sau đó nhịn đói ba năm rồi mới được ăn nữa thì không ai chịu hết. Chẳng thà mỗi ngày có tô cháo húp mà no. Bây giờ, Ni sư chuyển cách cúng thí đó lại. Không ai bắt mình làm, không ai bắt mình phụng sự nhưng ta làm bằng tình thương. Khi đọc một câu chú, hay một bài kệ bằng tất cả tình thương, bằng tâm của mình, lúc đó mới có đạo lực chuyển hóa được. Nếu các vị coi thường thì sẽ bị họ phá cho nên các vị nên coi lại cách cúng của mình thì sẽ yên.” Và sau đó, không biết có yên hay không mà không thấy họ đến mời tôi nữa. Do đó, đối với vấn đề sợ ma thì mình nên giữ tâm thật tĩnh, vấn đề là ta tiếp xúc với họ bằng nguyện lực chứ không phải bằng nghiệp lực. Nếu tâm mình có Phật, Phật sẽ hiện ra, ngược lại nếu tâm mình có ma thì ma sẽ hiện lên. Vì vậy, không thể phủ nhận thuyết chết là hết nhưng có thể họ ở cảnh khác, cõi giới khác đau khổ hơn. Cho nên đừng sợ ma, chỉ sợ mình không đủ đạo lực giúp cho họ. Họ đến thật ra không phải để nhát mình, còn nếu có là do mình “tự kỷ ám thị”. Có câu chuyện ở miền Tây, có ông cố đi chơi về được người ta cho một nải chuối chín. Ông vác trên cây gậy, kéo lon ton đằng sau. Ông cứ nghĩ ai đi đằng sau, càng về khuya ông lật đật vừa đi vừa sợ, về tới nhà nhánh chuối rụng hết chỉ còn cái cùi. Đó là do nhiều khi tự mình nghĩ như vậy, mình hốt hoảng, mình thấy ngọn tre, mấy tàu lá chuối mà tưởng đó là ma.

2. Xin Thượng tọa chia sẻ làm sao có thể luyện giọng trong khi đọc kinh, tán tụng mà không bị đứt hơi?

Thượng tọa trả lời: Thật ra, trước giờ chưa ai dạy tôi điều đó. Mấy thầy lớn chỉ dạy tán như vậy, để hơi cho thật già dặn, nói theo cách miền Nam: “Để cho nó có góc, có cạnh, để hơi thật là già.” Nhưng theo tôi, hằng ngày mình phải hành trì luyện tập hơi thở thật sâu và thật đều. Đó là một cách luyện cho mình có chất giọng khi tụng kinh hoặc tán.

3. Làm sao để lập trình cho mình một thời khóa tu tập?

Thượng tọa trả lời: Đối với quý thầy, quý sư cô còn trẻ hay mới tập sự nên nương tựa vào y chỉ sư, cho dù mình đã thọ giới khất sĩ rồi cũng phải theo Thầy học hỏi. Theo Thầy để học luật, học những uy nghi, những điều hiểu biết mà những điều hiểu biết đó được rút từ kinh nghiệm của Thầy truyền trao. Đến một lúc nào đó, mình tự vỗ cánh bay, những hình ảnh sinh hoạt của Thầy đã ấn tượng sâu vào trong tâm thức của mình. Lúc đó, những điều gì Thầy đã truyền trao trước đây mình nên đem ra ứng dụng. Cho nên, thời khóa mình không chủ động được. Ở Việt Nam, thời khóa khác hơn so với Làng Mai. Từ ngày tôi qua bên đây đến nay đã được 28 ngày. Thật sự mà nói, tôi thấy mình thảnh thơi, hay nói vô sự thì đúng hơn. Tại vì, chúng ta không bị chi phối bởi những công việc phải giúp đỡ, phải đáp ứng cho tín đồ hay cá nhân của họ, nếu có chăng là do sinh hoạt của đại chúng hay do những khóa tu. Còn bên kia, mới chuẩn bị lạy Phật thì có một chú đến thưa: “Bạch thầy! Bà Hai vừa mới mất, nhờ thầy coi dùm ngày nhập quan.” Rồi nếu mình nói: “Thôi! Thầy bận tụng kinh” thì coi sao được. Mới hôm qua bà cúng dường bao gạo, cho nên mình không thể nào từ chối được. Cho nên, gấp y lại, coi ngày, rồi đi nhập quan. Nếu mình không suy nghĩ kỹ, mình cũng sinh ra bực bội cho thời gian của mình. Xét cho cùng: “Ăn cơm chúa thì múa tối ngày.” Những cung phi mỹ nữ trong cung được vua cho nào là phấn, son, áo quần… Nhưng vua nói: “Múa” thì ta phải múa. Do đó, ăn cơm của tín thí, ta không thể nào nói “Thôi!” Đây là nói về sinh hoạt ở Việt Nam. Vì vậy, nếu ta không biết điều chỉnh cho chính mình thì giống như người đếm tiền suốt ngày trong ngân hàng, tiền nhiều lắm nhưng về nhà phải lo tự chạy gạo mà ăn. Như nhơn sổ tha bảo, kỷ vô bán phân tiền, cũng như đếm của báo cho người khác, bản thân mình không có đến một xu. Như vậy, chúng ta phải làm sao? Chúng ta phải quân bình mọi thời gian đều là khóa tu của mình. Nhựt nhựt thị hảo nhật, thời thời thị hảo thời. Giờ nào, ngày nào, công việc gì cũng là thời khóa của chúng ta. Tụng kinh cũng ở trong chánh niệm, lạy Phật cũng ở trong chánh niệm. Nếu có tiếp khách cũng tiếp khách trong chánh niệm, mang chuông mõ đi đám cũng trong chánh niệm. Được như vậy, tôi nghĩ công việc đó không phải là của người ta mà cũng là công việc của chính mình. Do đó mình sẽ được an lạc, vì người ta hết khổ mình mới ăn cơm được. Cái khổ của người ta mà mình dửng dưng thì coi không được, nhất là nói: “Pháp môn xin nguyện học. Ân nghĩa xin nguyện đền. Phiền não xin nguyện đoạn. Quả Bụt xin chứng nên.” Chúng ta làm sao đem đạo lý tỉnh thức thắp sáng hiện hữu, tạo nên định lực, đưa đến tuệ giác. Từ nền tảng đó mà làm việc và tu tập thì sẽ thành công.
 

4. Trên con đường xuất gia của mình, Thượng tọa đã gặp những chướng duyên nào?

Thượng tọa trả lời: Trong kinh có nói một câu: “Vô ma chướng bất thành đại đạo.” Mình học tập, mình tu trì chưa biết đạo lực thâm hậu như thế nào, cao sâu như thế nào, nhiều khi gặp những chướng duyên như vậy để mình có cơ hội nhìn lại mình. Nhưng nên nhớ đừng đi tìm chướng duyên, đừng đi tìm nghịch cảnh. Phải chuẩn bị đạo lực, luyện tập nội công cho hùng hậu để một khi nghiệp duyên, chướng duyên đến thì mình có khả năng đối trị mà không xa lánh, không kỳ thị, không có cái nhìn cục bộ, cho đó là đối tượng làm mình khổ. Điều này trong kinh đức Phật nói: “Người nữ lớn hơn mình, mình coi đó là mẹ của mình, là chị của mình, là em gái của mình, mình sẽ thấy an lạc.” Nếu như phải gần gũi để giúp đỡ, việc làm đó rất thánh thiện. Nếu mình nhìn đối tượng đó một cách vẩn đục thì không được. Nếu thỉnh thoảng nó vẫn còn lóe lên thì mình nên tìm cách an trú trở lại nơi giới pháp của mình, hải đảo của chính mình, giới luật của mình. Hằng ngày tu học là để chế tác thêm nhiều đạo lực. Khi tiếp xúc với đối duyên hằng ngày thì đạo lực, tuệ giác sẽ giữ mình, nhờ vậy mình sẽ vượt qua được. Nhưng phải nỗ lực tu tập để có nhiều phước đức, nhiều trí tuệ. Cũng một bước đi như vậy mà các sư anh, sư chị đi qua an toàn nhưng đến mình đi thì trượt. Nếu nói cố ý thì cũng có, nhưng nên nghĩ là phúc của mình mỏng, nghiệp của mình dày nên bị trượt. Vì vậy, những thời khóa cho chính mình là thực tập thiền quán. Ngoài những thời khóa của đại chúng mình nên thiền quán thêm. Nếu các vị tu theo những pháp môn khác, đọc kinh lạy Phật, đó là những giây phút mình chế tác ra nhiều công đức. Chính cái phúc, cái đức đó giống như là áo giáp giúp cho mình, bao bọc lấy mình. Cho nên, đường gươm mũi đạn không đụng được đến thân mình, nó chỉ xước qua áo thôi. Thành ra “đa thiện căn đa phúc đức”. Điều này, mình phải nỗ lực tu tập, được như vậy tôi nghĩ chúng ta sẽ đi qua và đi đến trọn cuộc đời. Vấn đề là mình đừng sợ nó, mình phải đối diện. Hồi tôi khoảng hai mươi mấy tuổi, có một “cô”, không biết thích thiệt không! Nhưng thỉnh thoảng hay đến cho tôi khúc vải may áo. Thật sự lúc đó tôi nhát lắm. Hòa thượng ở nhà – Thầy tôi – giữ kẽ lắm, đi đâu cũng không cho đi, do đó tôi không dám lấy, muốn gì phải lên bạch với Thầy, lúc đó mới được nhận. Nhưng không biết họ có ý tứ gì không, chắc hình như có. Trong mấy chú ở chung, họ thấy cô đó đặc biệt, chăm sóc mình nhiều hơn. Nếu mình thấy sung sướng nhiều thì bị cái đó nhận chìm. Mình không chạy theo danh thì danh không hại mình, lợi cũng không nhận chìm. Vì vậy đừng bao giờ tự tin mình. Đức Phật dạy: “Các thầy đừng bao giờ tự tin mình, khi nào đã chứng quả A La Hán lúc đó mới dám tự tin mình.” Có nghĩa là mình tu tập chưa đi đến đâu mà mình tự thị, cho đó là xong, rồi mình xông pha nhiều, trong khi đạo lực mình chưa có thì rất nguy hiểm. Cho nên sinh hoạt với đại chúng, đi đâu cũng phải đi với Tăng thân. Các thầy giữ cho mình, mình giữ cho các thầy. Tôi thường dạy các chú ở nhà: “Ở đây, tôi giữ cho mấy chú, nhưng thật sự mấy chú giữ cho tôi.” Do đó, nếu có tiếp khách, chú thị giả phải ở bên cạnh, không nên tiếp khách một mình. Thứ nhất là để nhờ việc, nếu họ xin cuốn kinh thì mình đâu thể nói: “Ngồi đây nghen, để tôi chạy vô lấy.” Và thứ hai là để bảo hộ cho nhau. Thành ra, thầy nương trò, trò nương thầy. Chính vì vậy mà giờ này tôi còn ngồi ở đây, còn giữ được chiếc áo này. Còn nhiều khó khăn khác nữa, chi tiết lắm, mỗi người tự cảm nhận.

5. Thưa Thượng tọa, trong sự tu tập, làm sao mình vừa trì giới, vừa giữ uy nghi mà vẫn giữ được hồn nhiên, tươi trẻ, đó không phải là hai việc khác nhau, chống đối nhau? Trong sự trì giới mình vẫn có được sự liên hệ giữa bạn đồng tu với nhau hay giữa người tại gia và người xuất gia. Ví dụ:Như khi con được chứng kiến những buổi đại trai đàn chẩn tế,Thượng tọa luôn chú tâm vào những việc mình đang làm, Thượng tọa không phung phí một cái nhìn, dù là một lời nói mà tất cả Thượng tọa đều chú tâm vào đó. Đó là công phu, định lực Thượng tọa chế tác mỗi ngày sao cho nó nuôi dưỡng mình và những người khác mà không trở nên căng thẳng hay nghiêm trọng. Có những người trẻ cũng muốn đi con đường này nhưng nếu nó khó quá, làm sao Thượng tọa có được sự tiếp nối.

Thượng tọa trả lời: Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Đức Lục Tổ có nói: “Tâm tịnh hà lao trì giới, tánh định bất đải tu thiền.” Vì tâm mình không tịnh, nó như con ngựa, con khỉ. Nó cứ rong ruổi ngoài đồng, nó cứ phan duyên, nhíu nhánh cho nên phải tìm phương tiện khống chế nó. Đầu tiên tạm gọi là khống chế nó. Các Tổ lập thanh quy, đức Phật chế giới luật cũng không ngoài ý nghĩa đó, là để cho tâm tịnh lại. Nếu lúc nào tâm mình tịnh thì không cần phải nhập trì giới; tánh định rồi thì không cần phải tọa thiền. Như vậy, tọa thiền để tâm mình lắng yên và làm chủ được nó. Mình thấy được những gì mầu nhiệm đang có mặt trong cuộc sống của mình. Nhờ giới đưa mình vào quỹ đạo của Bụt. Nếu mình không lăng xăng thì những bước chân đã trì giới rồi. Trì như thế nào để thấy mình không trì, niệm đến lúc thấy mình không có niệm, không có trì; mình là nó, nó là mình. Mình sống với nó, chính nó, bằng nó cho nên mình không có cái gì khó chịu. Trì giới không có nghĩa là xa cách đại chúng, trở thành người khô khan. Mình tu học sao cho mình dễ thương. Không biết mấy bữa nay tôi qua đây có dễ thương hay không nhưng mà tôi rất sợ bị dễ ghét. (Cười) Mình trì giới không phải là cách ly với đại chúng, mình cô lập hóa mình, không phải vậy đâu. Mình trì giới với đại chúng để những lời nói, ý nghĩ, hành động không còn bị lửa phiền não thiêu đốt. Cho nên “Giới” còn được dịch là Ca Thi La, còn gọi là Biệt Giải Thoát. Mình hiểu nhau nên trong lời nói không còn vướng mắc hay hiểu lầm. Như vậy trong lời nói của mình là giới rồi. Hiểu như vậy, dù cho có bao nhiêu giới, dù cho mình không thuộc lòng số mục của giới nhưng tự nhiên tất cả những sinh hoạt của mình đã đi vào giới.
Trong trai đàn phải làm việc như vậy thôi, nhưng những việc đó cũng từ nền tảng của công phu tu tập. Hiểu được như vậy mình sẽ không ràng buộc vào hình thức. Cái sợ nhất của người tu học là mình để sự tu học đó làm khổ mình. Ví dụ có cặp vợ chồng nọ ở Mỹ, hôm anh chồng về chùa thăm và nói chuyện với tôi. Anh ấy hỏi một câu: “Không biết trong Phật giáo có cách tu như thế nào và dạy dỗ như thế nào, mà từ khi vợ con đi chùa cho đến nay không làm tròn trách nhiệm với con? Đến chùa lúc nào cũng thầy, cái gì cũng thầy nhưng về nhà thì bỏ bê việc gia đình nên con rất buồn. Chúng con sống hạnh phúc từ khi gặp nhau cho đến bây giờ, con cái cũng đã lớn. Nhưng thời gian sau này, từ khi đi chùa đến nay con thấy vợ con làm sao đó”. Tôi nói: “Thôi được, anh cho tôi gặp vợ anh, có một buổi nói chuyện riêng, rồi sau đó tôi sẽ gặp hai người.” Thế là tôi nói chuyện với cô đó một buổi. Tôi nói: “Thật ra, mình đi tu là để làm sao cho bản thân mình dễ thương và về nhà, chồng thấy mình là một người vợ đảm đương hơn, con cái thấy mình trở thành một người mẹ mẫu mực hơn. Tự lợi và lợi tha, mình phải Phật hóa mình trước. Vai trò của cô, trách nhiệm của cô là phải cùng tu với anh ấy. Nếu cô chỉ tu một mình thôi thì cô không có bạn đồng hành. Cô về nhà thì dù đến giờ tụng kinh, ông chồng mà không chịu thì cô cũng không nên tụng. Khi nào cô xuất gia, đời sống của cô sẽ khác đi, còn ở tại gia thì đời sống khác. Cô phải làm thế nào để điều phối lại cho quân bình. Bổn phận, nghiệp duyên của mình còn phải chăm sóc, lo lắng nên mình không thể nào làm khác đi. Mình trốn nó thì cũng giống như sợ cái bóng mà mình cứ chạy ngoài nắng hoài thì không thể nào mất cái bóng đó”. Sau khi nói chuyện xong, tôi có dẫn năm giới của Sư Ông đưa vào. Mấy bữa sau, hai người lên gặp tôi và chia sẻ: “Mấy ngày nay tụi con sống với nhau rất hạnh phúc. Con và cô ấy cùng tụng kinh, chứ mấy ngày trước chỉ có một mình vợ con tụng thôi”. Thành ra, chẩn tế cũng là một công việc. Nếu hiểu theo nghề nghiệp, nghề đi cúng, thì chẩn tế cũng là một công việc, nhưng nếu đứng về hạnh tu nó cũng là một công phu. Tại vì hằng ngày mình cũng phải làm công việc tu tập để có khả năng chuyển hóa mình và giúp cho người khác. Trai đàn chẩn tế cũng vậy, nếu hiểu theo nghĩa Nôm, giống như tu tập hàng ngày, như mình ăn cơm ba bữa hằng ngày nhưng trai đàn giống như ăn cỗ vậy thôi. Nó không khác nhau ở hình thức nhưng nội dung phải làm sao cho tốt. Vì vậy trong vấn đề trì giới và làm Phật sự, không có cái gì khác nhau, phải từ nền tảng đó mà làm.

6. Xin Thượng tọa bật mí làm sao trong buổi lễ đại trai đàn chẩn tế, Thượng tọa đã thuyết phục được Sư Ông mặc áo gấm?

Thượng tọa trả lời: Thật ra, khi thấy Sư Ông mặc, tôi rất cảm động. Sư Ông thương mấy anh em mà Sư Ông chiều theo. Thật sự, Sư Ông đã đạt đến cái nhìn cao lắm, làm, nhưng mà không vướng vào đó. Sư Ông mặc, quý thầy mặc, tôi cũng mặc ,cho dù nhiều khi mình không thích. Sư Ông mặc rồi thì Sư Ông vẫn là Sư Ông, không dính líu gì đến cúng hết. Đó là Pháp Y của nghi lễ. Do vậy tôi kính Sư Ông từ chỗ đó.

7. Lúc Thượng tọa mời những vong linh về dự trai đàn, những linh hồn không nơi nương tựa, không mồ mả, không thân nhân, chỉ là một mớ xương. Vậy khi xong lễ, Thượng tọa mời họ đi, họ đi đâu? Giả sử, họ về dự đàn tràng Vĩnh Nghiêm rồi, vậy đàn tràng ở Huế hay miền Bắc, họ có còn tới nữa hay không?

Thượng tọa trả lời: Hôm nay là thứ Năm, đến Chủ Nhật tôi sẽ về lại Việt Nam, tôi cũng lưu luyến lắm! Tôi lưu luyến như thế này: Hễ mà về Việt Nam, chỗ nào có ‘hơi hướng’ của Làng Mai, tự nhiên cuốn hút tôi đến. Thực ra, đứng về sự tướng mà nói, như hôm tuần trước, Sư Ông giảng kinh Hoa Nghiêm có nói về phần tục vọng, tức là đứng về mặt tương đối mà nói, chúng ta thấy có người tu tập, giác ngộ, an lạc, giải thoát. Cũng có những người không tu tập, phải đọa lạc đau khổ, cho nên cái sự thật tương đối này có oan hồn. Có những người đang lầm lũi trong bóng tối, đang bị không ai thừa nhận, không ai đoái hoài, không có kẻ hương khói nên mình gọi là cô hồn.

Còn tổ tiên là hương hồn tức có hương khói đàng hoàng. Ở trường hợp này, ta dùng tâm từ bi để nghĩ đến họ. Một khi mình nghĩ đến họ là họ đã có mặt. Tuy âm dương u huyễn nan thông nhiên Phật lực đề huề cự chí, dù âm dương có cách trở khó thông nhưng mình chỉ cần nương theo lời thề của đức Thế Tôn, của chư vị Bồ tát. Mình cũng nương vào bản thể đó để phát khởi tình thương và nghĩ đến họ. Mọi người trong pháp hội cũng nghĩ đến họ và năng lực đó lan tỏa trong khắp pháp giới. Họ cũng từ trong thể tính pháp giới đó mà mê lầm, đau khổ. Cho nên chỉ cần cảm ứng không mất thời gian, không tốn tiền vé, không có trải qua thời gian nhưng họ vẫn tiếp nhận được.

Ví dụ như trong buổi ăn cơm quá đường hôm nay, Sư Ông chỉ cần đọc tên cầu an hoặc cầu siêu lên như vậy thôi mà đại chúng lắng nghe bằng từ tâm thì đâu cần phải đem năng lượng đó chuyển máy bay để chạy về Việt Nam đến chỗ đó, mà ngay lúc đó họ vẫn cảm ứng với nhau. Cũng từ thể tính pháp giới đó mà chúng ta triệu họ đến, rồi cũng từ thể tính pháp giới đó họ trở về. Do đó, đứng về Sự mà nói, có đến có đi nhưng đứng về Lý mà nói thì không đi đâu cả. “Tích nhật như thị lai, kim triêu như thị khứ. Lai khứ tự như như, bất giả như lai xứ.” Đó là một bài pháp ngữ khai thị khi một vị Tăng viên tịch. Theo nghi lễ truyền thống Việt Nam, cần thỉnh một vị Thượng tọa chứng minh trước khi chuyển cửu. Hòa thượng đó cầm cây phất trần, đứng ở đầu quan tài và nói: “Lão thiện ông kim hữu đồng tông, pháp hữu vô vi liêu tạm tống biệt nhất ngôn. Duy nguyện lão thiền ông mặc nhiên, tịch tính thụ phấn triệt.” Bắt đầu cầm lại: “Tích nhật như thị lai, kim nhật triêu như thị khứ. Lai khứ tự như như, bất giả như lai xứ.” Nghĩa là: Ngày xưa thầy đến đây như thế nào thì ngày nay thầy về lại như thế ấy. Đến và đi không cần mượn chỗ của Như Lai, tự tại là như vậy. Dù thầy không phải bước, không phải mượn nhưng mà những bước chân của thầy bước là đang đi vào cảnh giới của Bụt, của Thế Tôn.

Khi chúng ta mời họ đến không phải là để uống trà chơi mà chúng ta mời họ đến để tâm sự. Các vị thấy bài khấn nguyện của Sư Ông, bài đó rất thâm thúy. Chính vì không ai nói lên, nên làm cho người ta vẫn ngộ nhận, người ta cố chấp và vướng mắc, nhìn nhau không có thiện cảm, đùng, một tiếng chuông cảnh dương gióng lên để người ta thấy sự thật phải như vậy. Biết rằng bầu và bí có thể leo chung một giàn; gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau. Đại khái lời khấn nguyện của Sư Ông cũng giống như trong khoa giáo. Tức là mời họ đến để khai thị cho họ thấy rõ nguyên nhân mà các vị phải chịu đau khổ, đọa lạc. Mình chỉ cho họ một hướng đi, họ đi theo con đường này sẽ được an lạc và giải thoát. Như vậy là họ có đường đi, dù họ đi đâu đi nữa nhưng sự an lạc, giải thoát, ấm cúng vẫn có mặt, vì họ đã có khả năng tạo cho mình một thế giới Tịnh Độ. Họ có khả năng tạo cho họ một cảnh giới an lạc.

Cho nên: “Tín tâm tạo nghiệp như vân ế nhật, hậu tâm khai minh như chúc trừ ám.” Nghĩa là: Tâm niệm trước đã tạo tác những vọng động, những nhân tố xấu xa, bất thiện giống như mây che mặt trời. Nhưng nếu một tâm niệm sau biết giác ngộ, chuyển hóa được nó, cũng giống như thắp lên một ngọn đuốc và bóng tối biến mất. Họ có con đường để đi, chúng ta không cần chỉ dẫn nữa. Cho nên, về Lý và Sự, chúng ta thấy có đối tượng được mời đến và có chủ thể là mình đứng ra tiếp đãi. Nhưng đứng về thể tính pháp giới mà nói, họ có mặt trong tâm thức của mình, phiền não ngũ ấm. Đồng bào chúng ta đau khổ thì chúng ta không an, trên tinh thần đó mà Sư Ông làm chẩn tế, chuyển hóa. Có thể lấy công việc trai đàn đó để giải thích. Ngôi mộ đó chỉ là kỷ niệm, bàn thờ đó chỉ là kỷ niệm.

Chỗ ông bà tổ tiên ta thờ, không phải ông bà tổ tiên ta ngồi đó mà đó là tinh thần tổ khảo của chúng ta. Mình nương vào hàng chữ đó, nén hương đó để mình nhớ lại nguồn cội của mình. Trong một niệm, nếu mình lấy tâm thanh tịnh thì ba thời gian đều có mặt – quá khứ, hiện tại và tương lai đều có mặt ở đây. Tôi rất vui khi được nghe Sư Ông nói pháp thoại rằng: “Mình phải ăn cơm cho cha mẹ. Tu cho cha, tu cho mẹ mình.” Trở lại vấn đề này, nhiều khi có những chướng duyên, phiền não, có lúc muốn bỏ chùa ra đi. Lúc nhỏ, tôi cũng muốn bỏ Thầy ra đi nhưng mà khi nghĩ đến mẹ mình, tự nhiên mình không còn nghĩ lung tung nữa. Mình nghĩ đến người thân thương đã kỳ vọng nơi mình, đã chăm sóc cho mình, từ đó mình có sức mạnh. Do đó trong sự tu tập, chúng ta thấy rằng cô hồn thực ra không có khác. Nếu một niệm mình sống trong mê lầm thì lúc đó mình cũng đã là cô hồn sống rồi, như Sư Ông đã dạy.

8. Thượng tọa cho phép chúng con được hỏi câu hỏi cuối: Trước khi lập trai đàn chẩn tế, ban Kinh sư phải tịnh tâm trước thời gian đó bao lâu để có thể lên đàn? Thầy chủ sám ở trên phải rất chánh niệm, nếu vọng tâm sẽ bị vật ngã. Hơn nữa, chúng con được biết có những thầy trẻ cúng chẩn tế nhiều quá sức khỏe sẽ không tốt, có khi chết trẻ. Theo Thượng tọa có phải như vậy không? Xin Thượng tọa chỉ dạy cho chúng con được rõ hơn.

Thượng tọa trả lời: Chẩn tế cũng là hình thức ủy lạo, bố thí. Chẩn có nghĩa là đem của, đem tài vật chất của mình giúp cho người ta. Tế có nghĩa là giúp đỡ qua cơn đói khát, lạnh buốt. Chẩn tế có nghĩa là như vậy. Chúng ta đi ủy lạo cũng xuất phát từ tình thương, người làm công việc chẩn tế cũng không khác với công việc từ thiện. Nếu có, là khác ở chỗ: làm từ thiện giúp cho người dương, còn quý thầy ngồi đàn chẩn tế giúp cho người âm. Nếu như tôi lãnh công việc ủy lạo của đại chúng giao cho và thông tin đó đã được thông báo đến vùng đó. Đồng bào người ta đến, người ta chờ, người ta đợi nhưng không biết rằng số quà đó không đến tay họ được. Họ giận ai? Họ đâu có giận sư cô Chân Không đâu. Họ giận tôi vì họ biết tôi là người trưởng đoàn sẽ đem quà đến. Họ giận ít thì thôi mà họ giận nhiều quá thì coi chừng! Chẩn tế cũng vậy.

Chúng ta làm công việc này để bố thí, trước tiên là để cho họ hưởng vật thực. Trước khi hưởng vật thực ta cho họ pháp thực. “Tài thí như đăng minh nhất thất. Pháp thí như nhật chiếu đại thiên.” Đem tiền bố thí là có phước nhưng phước đó nhỏ như ánh sáng một ngọn đèn, chỉ sáng trong căn phòng thôi. Nhưng Pháp thí là cho họ lời khuyên, giúp cho họ có hướng đi, giúp cho họ chuyển hóa cuộc sống đau khổ, công đức đó mới lớn, giống như ánh sáng của mặt trời. Cho nên, trong trai đàn đó vừa có pháp thí lẫn vật thí.

Nếu lên đàn không có chánh niệm, không có đạo lực hay nói cách khác mình không có tình thương, vẫn còn ganh tỵ, bon chen, hơn thua. Hay là đối với cha mẹ mình không có hiếu kính, đối với anh chị em không dễ thương, mà mình đi nói thương đồng bào, thương cô hồn thì họ nói anh này dối, họ sẽ không tin tưởng. Nếu chúng ta làm công việc đó, họ không nhận được thì hậu quả đó chúng ta phải lãnh lấy. Nếu chúng ta làm công việc đó mà họ đều hoan hỷ, đều tiếp nhận thì “vô bệnh trường thọ, thọ dụng đắc cụ túc.”

Vấn đề không phải là không có nhưng vấn đề có hay không? Ta phải nhìn lại việc làm của người đó. Nếu nói là trước khi lên đàn phải có thời gian bế quan để luyện công, thực ra đó chỉ là cách nói thôi. Ví như tôi học võ, tôi đi đường quyền hay nhưng học rồi tôi cất đó, khi nào giặc đến cổng rồi tôi mới múa, liệu có trị được giặc không? Nó đánh sau lưng mình cũng không hay. Do đó ta phải “nghiêm tinh luyện thục”, tức là ta phải nghiên cứu và luyện tập một cách thuần thục, chín mùi rồi mới dám làm công việc đó.

Như vậy, không phải đợi đến khi lên đàn, mới đóng cửa lại ngồi làm như vậy. Chúng ta phải tu tập hành trì như Sư Ông dạy, là phải tu tập hàng ngày. Nếu chúng ta hiểu như vậy, dù lúc ở không hay lên đàn đều là công phu. Dù chúng ta lên đàn hay ngồi trong phòng để tĩnh tâm hay làm công việc nào đó cũng từ nền tảng của từ, bi, trí tuệ đã thuần thục. Giống như lúc nào quý sư cô thỉnh Sư Ông cho pháp thoại thì Sư Ông đâu phải bế quan, phải luyện tập. Từ ở trong tâm thức của Sư Ông tuôn ra. Những cái đó từ trong máu, trong xương tuôn ra. Thành ra phong cách nào của Sư Ông cũng là Ấn, lời nói nào của Sư Ông bằng tình thương cũng là châm ngôn.

Hôm mới đến Làng, sáng sớm đang dùng cơm với Thượng tọa Minh Tuấn ở Trai đường thì Sư Ông xuống. Sư Ông rủ đi thiền hành, vừa đi mấy bước Sư Ông nắm tay tôi đi cho ấm. Đi một hồi, Sư Ông đưa tay lên và hỏi: “Đây là ấn gì?” Tôi cũng không biết đó là ấn gì. Sư Ông nói: “Đây là ấn huynh đệ.” Chúng ta thấy tất cả những cử chỉ nào xuất phát từ căn bản trí luôn xuất ra hậu đắc trí và tuôn chảy ra đại bi tâm thì những lời đó đều là châm ngôn, là thật ấn. Cho nên, những cách đó mình làm cho thuần thục, không phải nhất thiết đợi đến lúc đó mới đóng cửa bế quan và trị liệu. Chắc quý có nghe ở Vĩnh Nghiêm, trước đó một tuần tôi đóng cửa bế quan phải không? Thật ra là tôi có tung ra tin đó để tránh không tiếp xúc những người thắc mắc, đóng cửa lại để làm công việc cho xong. Đến giờ mình xuất chiêu là đã xong hết rồi. Đó là cách nói chứ không phải bế quan, trốn khách. (Cười)

Chúng con xin thành kính tri ân Thượng tọa đã hoan hỷ để thì giờ ra chia sẻ với chúng con những kinh nghiệm thực tập quý báu này.