Phỏng vấn thầy Pháp Trạch

Thầy Pháp Trạch là một vị giáo thọ trẻ của Làng, thầy được truyền đăng đắc pháp trong đại giới đàn mùa đông 2007-2008 và mùa thu năm 2008 thầy được Sư Ông tấn phong trụ trì Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu, nước Đức. Bài phỏng vấn rất thân tình này do sư cô Châu Nghiêm thực hiện, BBT xin được trân trọng chia sẻ như là một món quà nhỏ giành cho những ai muốn tìm hiểu thêm về con đường của người xuất sĩ trẻ.

 

Hỏi: Xin thầy chia sẻ cho chúng con một vài kỷ niệm đẹp về đạo Bụt trong thời thơ ấu của thầy được không ạ? Những kinh nghiệm gì hoặc những điều kiện gì đã tưới tẩm hạt giống muốn trở thành người tu trong thầy?

Thầy P.Trạch: Hồi nhỏ tôi thường được mẹ dẫn theo tới chùa. Lúc tôi theo ba và anh trai rời Việt Nam trên một chiếc thuyền, chúng tôi đã đến tị nạn tại Hồng Kông. Ba tôi lúc đó là một Phật tử rất thuần thành, sinh hoạt rất năng nổ trong tổ chức Gia Đình Phật Tử, vì vậy ông đã giúp để bắt đầu thành lập tổ chức GĐPT trong cộng đồng người Việt đang tị nạn tại Hồng Kông. Ba tôi luôn dẫn theo anh em chúng tôi đến chùa vào mỗi ngày Chủ Nhật liên tục trong 3 năm liền. Tuy đó là một ngôi chùa Trung Quốc, nhưng chúng tôi đã cùng tụng kinh theo nghi thức Việt Nam. Ngôi chùa nằm rất cao trên núi, để đến được ngôi chùa đó, chúng tôi phải đón xe buýt và rồi phải đi thêm một đoạn đường bằng xe lửa. Chúng tôi phải leo lên những bậc thang khoảng một nghìn nấc. Bạn thử tưởng tượng một nghìn nấc thang đối với một đứa trẻ sáu, bảy tuổi thì nó nhiều kinh khủng đến thế nào. Hơn nữa, tôi còn nhớ vào những năm thơ ấu thì thường hay có quý thầy đến thăm và ở lại nhà tôi. Và có thể chính những vị đó đã tưới tẩm những hạt giống xuất gia trong tôi. Nhìn họ tôi luôn cảm được một năng lượng thật thảnh thơi và tự tại. Họ không có nhiều thứ để lo lắng. Tôi cảm thấy rất có cảm hứng từ các vị ấy. Tôi chỉ đơn giản cảm thấy là mình thích con đường mà quý thầy đang đi. Hồi còn nhỏ tôi  đã từng nghĩ là:“Ồ, nếu mà mình không còn gì để làm nữa thì mình sẽ trở thành một ông thầy tu”.

 

Hỏi: Thưa thầy, lúc đó thầy bao nhiêu tuổi?

Thầy P.Trạch: Mười hai, mười ba tuổi gì đó. Tôi đã nghĩ rằng: “Nếu mình không thành công trong cuộc sống thì mình sẽ chọn con đường xuất gia”. Tuy nhiên, cũng đã có lúc tôi tự nói với mình là: “Tôi sẽ trở thành một triệu phú khi tôi đến tuổi ba mươi”. Thật ra, chúng ta thường để cho cuộc sống cuốn chúng ta đi, và từ từ chúng ta đang rời xa nguồn cội tâm linh của mình.

Sau khi bạn đã đi qua những thăng trầm và đau khổ của cuộc đời, bạn mới thấm thía rồi tự hỏi chính mình: “Cuộc đời này có gì đáng làm nữa không ngoài việc lập gia đình, trở thành một người thành đạt, đến sở làm việc, và sử dụng tất cả thời gian, năng lượng của mình cố gắng, cật lực để được giàu có? Còn có cái gì khác nữa không?” Chính khi bạn nếm đủ mùi khổ đau thì ngay lúc đó bạn chợt bừng tỉnh, bạn dừng lại và cật vấn lại mình: Hình như có một cái gì đó sai lệch. Một cái gì đó đang mất dần trong cuộc sống. Bạn bắt đầu nghĩ rằng chắc phải có một huớng nào đó khác để làm mọi việc chứ. Và có lúc tôi đã đầu hàng chính tôi. Tôi đã không thực sự có được một con đường, một hướng đi. Tôi trở nên thất vọng, chán nản. Vào các ngày cuối tuần, tôi thả mình trong những buổi tiệc, những cuộc liên hoan hay đi đến các sòng bạc. Tôi tiêu phí thời gian và năng lượng của tôi trong những chuyện như vậy. Tôi cũng đã chia tay với bạn gái trong thời điểm đó. Cô ấy đã rất lo ngại cho tôi. Tôi không có hạnh phúc và không hài lòng với chính mình. Vì vậy, tôi đã chạy trốn chính tôi trong cờ bạc và trong những trò chơi giải trí không lành mạnh khác.

Vào một ngày nọ, tôi đã bỏ nhà ra đi, tôi chạy trốn khỏi ngôi nhà của mình. Tôi không muốn về nhà nữa. Tôi không muốn đối diện với những khó khăn của chính tôi. Gia đình tôi đã đi tìm tôi, họ gọi cho cảnh sát, cố gắng tìm kiếm tôi khắp mọi nơi rồi cuối cùng họ tìm thấy tôi trong một sòng bạc. Gia đình tôi đã rất khổ đau về điều này. Chính thời điểm đó tôi bắt đầu một ngã rẽ mới trong cuộc đời mình.

Một thời gian sau, Thầy đến hướng dẫn một khoá tu ở Key West, bang Florida-Mỹ. Anh trai tôi đã biết Thầy rồi và anh ấy cũng biết ít nhiều về sự thực tập. Anh dẫn tôi, em trai tôi và em gái tôi tới gặp Thầy và đại chúng. Tôi gặp được nhiều thầy, nhiều sư cô, cùng các thiền sinh đến tham dự trong khóa tu. Họ đều đang đi rất chậm rãi. Một không khí thật thanh tịnh và đầy bình an. Tôi được tiếp xúc với một số thầy và quý thầy đã chỉ cho tôi cách thực tập.

Thầy, Sư cô Chân Không cùng quý thầy, quý sư cô đang diễn một vở kịch về các vị sa di đang ngủ và rồi một tiếng chuông được thỉnh lên cho mọi người thức dậy. Vở kịch rất tuyệt vời, tôi cảm được không khí gia đình thật sự. Nó đã cho tôi cảm hứng để nhìn lại con đường mà tôi đang đi hay cũng chính là con đường mà tôi đã được tưới tẩm từ thời thơ ấu. Kinh nghiệm đó đã làm cho tôi muốn thay đổi cuộc đời tôi. Tôi thực sự muốn thay đổi cách hành xử cũng như cách tiêu thụ của mình. Điều đó đã ảnh hưởng đến quyết định muốn trở thành một người xuất gia của tôi. Tôi đã cố gắng thực tập và thực sự nó đã mang lại cho tôi nhiều bình an

 

Hỏi: Như là ngồi thiền vậy thưa thầy?

Thầy P.Trạch: Tôi đã thực tập ngồi thiền, thiền hành cũng như đã đọc rất nhiều sách của Thầy để tưới tẩm những hạt giống đẹp, lành và tích cực.Tôi cảm thấy rất rõ là thân và tâm mình có nhiều thay đổi, nhiều bình an hơn . Trước đây tôi đã được học rất nhiều điều về Bụt và những phép thần thông của Bụt. Nhưng điều đó không đánh động nhiều đến tôi. Tôi muốn biết nhiều hơn về khía cạnh con người, cái chất con người ở trong Bụt. Chính cái chất con người của Bụt mới gây được cảm hứng và nuôi lớn ước nguyện xuất gia của tôi.

Tôi khát khao được thực tập. Cuộc sống trước đó của tôi, tôi thực không có một chút hứng thú nào để làm bất cứ điều gì. Trong xã hội hiện nay theo tôi biết, rất nhiều người trẻ chẳng màng làm gì hết, có thể họ đang đánh mất sự sống. Họ không biết phải làm gì với cuộc đời của họ. Một con đường, đó là những gì họ đang khao khát, như tôi đã từng khao khát. Giờ đây, tôi đã tìm ra con đường, tôi đang có một cơ hội, do đó tôi có niềm tin chắc chắn rằng những người khác cũng có thể có một cơ hội như tôi.

 

Hỏi: Thưa thầy, cái gì là khó khăn nhất mà thầy cần phải buông bỏ khi thầy trở thành một người tu?

Thầy P.Trạch: Cái tập khí đi tìm trò chơi giải trí. Lớn lên trên đất nước Mỹ, tôi luôn luôn bị “oanh tạc” bởi các trò chơi giải trí, phim ảnh và vô số những trò chơi điện tử khác… Cứ mỗi cuối tuần, tôi đi xem phim một lần ở rạp chiếu phim. Tập khí muốn đi tìm các trò chơi giải trí này mạnh lắm. Khi vào chùa, thời gian đầu làm sa di, tôi vẫn tiếp tục đi tìm kiếm những trò giải trí. Bây giờ, tập khí vẫn còn đó nhưng không còn quá mạnh. Thực ra thì không có gì sai trái với các trò chơi giải trí hết, nhưng chúng ta cần chuyển nó theo một hướng lành thiện.

 

Hỏi: Theo thầy, sự thực tập nào mà thầy thấy nó tự nhiên và có giá trị nhất, cũng như sự thực tập nào mà thầy thấy khó khăn và thử thách nhất, thưa thầy?

Thầy P.Trạch: Thiền thở và thiền đi là những pháp môn rất căn bản mà rất thâm sâu. Sự thực tập có mặt tiếp xúc với thân thể mình cũng rất quan trọng. Bất cứ ở đâu, tôi cũng đều trở về với thân thể tôi. Khi tôi làm được điều đó thì tôi có thể tiếp xúc được với giây phút hiện tại. Nó bắt đầu ở ngay đây. Ngay tại giây phút này, mình có cơ hội để nhìn vào chính mình, thấy được hoàn cảnh, môi trường xung quanh mình. Mình có thể buông bỏ bất cứ cái gì đang có trong tâm. Mình chỉ cần trở về với hơi thở. Mình chỉ cần thực tập an trú trong giây phút hiện tại một cách miên mật. Bất cứ cái gì sẽ xảy ra, hay đã xảy ra, nó không còn là một vấn đề to lớn nữa khi mà mình đang an trú, đang có mặt với chính mình. Cái cảm giác có mặt trọn vẹn cho sự sống, hạnh phúc khi mình đang còn sống và hạnh phúc với những gì mình có… cảm giác đó rất tuyệt vời, rất thâm sâu.

Tuy nhiên, sự thực tập khó nhất cho tôi là sự thực tập trở về với những gì giản đơn nhất. Tôi thường luôn phải tự nhắc nhở chính mình rằng: “Mình không cần phải đi tìm một cái gì khác thường đặc biệt hết, mình chỉ cần tận hưởng những điều bình thường thôi”. Đó là cái khó nhất để làm, bởi vì tâm mình như một con khỉ chuyền cành, luôn luôn đi tìm một cái gì đó khó, lạ và khác thường. Cái tập khí đó có thể thỉnh thoảng làm cho mình đánh mất chính mình. Tôi luôn tự nhắc nhở mình rằng: “Tất cả những gì mình cần đều có ở ngay đây. Và tất cả những gì mình đang làm trong giây phút hiện tại này cũng đã là một điều mầu nhiệm”. Thầy luôn nhắc nhở chúng tôi như vậy.

 

Hỏi: Năm 2008, Sư Ông đã yêu cầu thầy đến Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (EIAB) để làm trụ trì của chúng Tăng. Thầy cảm thấy thế nào ?

Thầy P.Trạch: Tôi thích phiêu lưu, cho nên tôi chỉ cố gắng chấp nhận bất cứ cái gì đến, và đón nhận nó như là một cơ hội học hỏi. “Trụ trì” chỉ là một cái nhãn hiệu. Có những người cần cái nhãn hiệu đó. Cũng  giống như có ai đó đặt cho mình một cái tên và mình nhận lấy cái tên đó. “Được thôi, con sẽ nhận lấy cái tên đó và thực tập với nó”. Nhưng sống trong tăng thân, tôi vẫn là tôi. Tôi đóng góp, xây dựng bất cứ điều gì tôi có thể, trong bất cứ vai trò nào- trụ trì hay không trụ trì. Tôi chỉ làm những gì tôi có thể.

 

Hỏi: Thầy có cảm thấy áp lực khi ở vào vị trí một vị trụ trì, phải hành xử với tư cách là một trụ trì? Thầy có cảm thấy bị gò bó không?

Thầy P.Trạch: Đó là một thử thách khi nhận lấy cái nhãn hiệu đó, bởi vì ngay cả khi tôi không mong chờ nhiều từ chính tôi, người khác lại mong chờ mọi việc từ tôi, dù sự mong chờ đó có được nói ra hay không nói ra. Tôi thực tập tiếp nhận hết tất cả những sự mong đợi của mọi người, chấp nhận họ như họ đang là và cố gắng làm hết khả năng mình có thể để đáp ứng phần nào lòng mong đợi đó. Nếu tôi không thể làm tốt hơn được nữa, tôi chấp nhận giới hạn của mình, đó là sự thực tập của tôi. Với tôi, có những thử thách trong đời tu là rất tốt vì nếu thiếu chúng thì tôi sẽ không thể nào lớn lên được.

Là một người tu, tôi đã di chuyển rất nhiều, luôn luôn di chuyển, đi đây đi đó. Làm một vị trụ trì thì giúp tôi ổn định hơn, ở yên nhiều hơn. Đó là một lợi thế và cũng là một bài tập cho tôi. Tôi thích điều đó và tận hưởng nó. Nó cũng làm cho lời phát nguyện của tôi mạnh hơn, là ở yên một chỗ. Nó giúp tôi có trách nhiệm hơn trong Chúng- chỉ  cần có mặt đó, nhận lấy cái nhãn hiệu đó. Nó hướng cho tôi làm tốt hơn, học hỏi nhiều hơn và đầu tư sâu thêm về các pháp môn thực tập và để giúp đỡ những người trẻ.

 

Hỏi: Con tự hỏi là có lúc nào mà trong lòng thầy muốn làm cái gì đó như là một thầy Pháp Trạch bình thường, nhưng bởi vì thầy đang là một vị trụ trì nên thầy đã quyết định làm nó khác đi?

Thầy P.Trạch: Tôi rất thích được tháp tùng với đại chúng trong những khóa tu đây kia, có thể di chuyển từ tu viện này sang tu viện khác và không phải ở một chỗ cố định trong một thời gian dài. Nhưng là một trụ trì nên tôi phải ở nhà. Cũng giống như khi mình muốn làm cái gì đó, hay muốn đi nơi nào đó, nhưng rốt cuộc mình không đi đâu hết. Điều này đích thực là thử thách. Ví dụ như : “tôi được đề nghị đi khoá tu, tôi xứng đáng để đi trong chuyến đó”. Nhưng … chỉ có ở đó thôi, chỉ ở nhà… đó là giúp cho khóa tu rồi. Mình không cần phải đi khóa tu. Mình không cần phải có mặt với Thầy mới có hạnh phúc. Mình không cần phải đi chuyến Châu Á mới có hạnh phúc. Mình không cần phải làm những việc mà mình nghĩ là mình cần phải làm mới có hạnh phúc. Mình cũng có thể có hạnh phúc được ngay ở đây. Mình có thể luôn tìm thấy niềm vui, sự dễ chịu, thoải mái trong giây phút hiện tại. Khi mà mình chấp nhận được những việc đó thì rất nhiều cánh cửa mới được mở ra trong tâm mình. Và mình có thể tận hưởng những điều mới lạ đó.

 

Hỏi: Thưa thầy, thầy đã học hỏi được những gì trong ba năm qua ở Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu về việc xây dựng tăng thân và sự yểm trợ tốt đẹp nhất cho chính thầy và cho những vị khác trên con đường này  như thế nào?

Thầy P.Trạch: Tôi thấy rằng tôi đã lớn lên rất nhiều, tôi học cách kiên nhẫn hơn và chấp nhận hơn những gì đến với mình. Phải mất rất nhiều thời gian để thích nghi được một môi trường mới, một hoàn cảnh mới, một nền văn hoá mới, với các sư anh sư chị sư em mới. Điều đó cũng dạy cho tôi tính kiên nhẫn, nó nói với tôi rằng: “thầy phải để cho tự thân thầy thích nghi với hoàn cảnh, với môi trường. Thầy cũng phải kiên nhẫn với các sư anh, sư chị, sư em của thầy, họ cũng cần thời gian để thích nghi với môi trường mới, với hoàn cảnh mới. Họ cũng có những khó khăn cần chuyển hóa. Thầy phải chấp nhận họ như họ đang là thôi”. Mọi thứ đều cần thời gian để thay đổi, để thích nghi. Vấn đề là sự thích nghi, chứ không phải chỉ là một sự thay đổi. Giống như đàn con kiến – khi tổ của nó bị khuấy động, nó cần thời gian để tái lập, để khôi phục trở lại. Lúc bắt đầu, chúng tôi không biết cần phải gì làm và phải làm thế nào để tổ chức, để xây dựng tăng thân mình.Nhưng khi mình cho nó không gian và thời gian thì mọi thứ tự nó chăm sóc lấy chính nó và dần dần đi vào ổn định.

 

Hỏi: Vậy thưa thầy, những gì là đặc biệt mà thầy đã thích nghi được ở Học Viện tại thị trấn Waldbroel nước Đức này, trong một toà nhà lớn thật lớn này với một cái quá khứ đầy bi thương của nó?

Thầy P.Trạch: Khi mình trở thành một người tu thì mình muốn sống một cuộc sống đơn giản, ở một nơi hẻo lánh, cách biệt. Tôi đã từng nghĩ rằng “thành một thầy tu – ở nơi đơn giản”. Khi đến đây thì ý niệm của tôi bị thay đổi. Tôi vẫn có thể sống một cách rất đơn giản ngay trong chính tòa nhà lớn này. Tôi đã học được một điều rằng sống đơn giản không phải là phụ thuộc vào cái nơi mà mình sống. Sống đơn giản nó nằm ở chính quan điểm và thái độ sống cũng như cách tiếp xử trong đời sống hằng ngày của mình. Ngay cả khi toà nhà này rất là lớn và rất là đặc biệt, nó giống như một cái lâu đài vậy và chúng tôi thì ở ngay cạnh thành phố nhưng điều đó không làm cho chúng tôi bị quyến rũ, bị hấp dẫn. Để giữ một quan điểm, một thái độ sống đơn giản, đó là một sự thử thách, nhưng chính thử thách đó làm cho sự thực tập của mình vững chãi hơn để trị liệu cho những khổ đau đã từng xảy ra ở đây trong quá khứ. Chính năng lượng tu học và chuyển hóa của tăng thân đang thay đổi những năng lượng không lành mạnh đã từng xảy ra trong quá khứ nơi đây. Sự đổi thay này đang làm đổi thay cái nhìn của mọi người về tòa nhà này. Tôi nghĩ điều đó rất tốt. Tôi hy vọng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tạo được cho nơi này một trang sử đẹp và tuyệt vời. Nó đã từng bị tiếng xấu trong một khoảng thời gian trước đây nhưng chúng tôi sẽ gây dựng lại phần đó. Bây giờ thì nó là một cái gì đó thật tuyệt vời và hiện đang có rất nhiều người được lợi lạc từ việc chúng tôi đến đây.

 

Xin kính cám ơn thầy.

 

*  BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh

nguồn: báo Mindfulness Bell.