Phỏng vấn sư cô Trai nghiêm – chiếc vĩ cầm của Tăng thân

Khóa tu tiếng Pháp.3

 

BBT: Những ai đã từng đến Làng Mai tu tập hoặc đã từng có cơ hội nghe quý thầy quý sư cô trì tụng danh hiệu Bồ Tát Quan Thế Âm trước giờ pháp thoại của Sư ông, thì hẳn là quý vị sẽ nhận ra Sư cô Trai nghiêm trong vai người nghệ sĩ violông, đóng góp những làn âm thanh du dương, trầm bổng vào bản đại hòa tấu của Tăng thân.

Sư cô là một người trẻ rất nhiệt tình và chân thành mang đậm phong vị Nhật Bản-quê hương thân yêu của sư cô và đồng thời rất năng động và cởi mở của nét văn hóa Tây Phương được thấm nhuần trong những tháng ngày sư cô du học và làm việc tại nhiều nước Âu Châu. Sư cô được xuất gia trong gia đình cây Sen Hồng năm 2009 cùng với các anh chị em mang nhiều quốc tịch khác nhau như Pháp, Hồng Kông, Mỹ và Việt. Hai năm sa di là những tháng ngày trong nôi, sư cô đã chứng tỏ mình là một người xuất sĩ có hạnh phúc và sống hòa hợp với đaị chúng. Trong đại giới đàn Tình Huynh Đệ sắp tới sư cô sẽ tiếp nhận giới thức xoa ma na, hiện sư cô đang hết lòng chuẩn bị thân tâm thanh tịnh, sẵng sàng để đón nhận giới pháp, chúng ta hãy hướng về và thực tập hơi, thở bước chân an lạc cùng với sư cô Trai Nghiêm nhé!

Và dưới đây là câu chuyện trao đổi thân mật giữa anh em trong nhà để từ đó giúp đại gia đình tâm linh rộng lớn của chúng ta hiểu sâu sắc hơn về sư cô Trai nghiêm.

Hỏi: Sư cô và gia đình trước đây có phải là Phật tử?

Sc Trai Nghiêm: Dạ thưa, gốc gia đình con là Phật tử, tuy nhiên không có sự tu tập. Ở Nhật người ta gọi là “Đạo Phật cho tang lễ”. Hầu hết người ta đến chùa lần đầu khi lo cho tang lễ của người thân trong gia đình.

Năm con hai mươi tám tuổi, mẹ con qua đời vì bệnh ung thư. Trước đó, con đã từng quán chiếu về vô thường và về cái chết, thế nhưng thực tế hoàn toàn khác khi có một người thân qua đời. Cái thế giới thong dong mà con sống trước đó sụp đổ phần nào. Chính sự ra đi của mẹ đã thực sự đưa con đến với đạo Bụt.

Hỏi: Là một nghệ sĩ vĩ cầm chuyên nghiệp, âm nhạc đã tạo cảm hứng cho sư cô như thế nào?

Sc Trai Nghiêm: Con muốn sáng tạo ra cái gì đó thật đẹp và thử xem mình có thể vươn tới bao xa trong thế giới âm nhạc cổ điển với tư cách là một nghệ sĩ vĩ cầm chuyên nghiệp. Con mong muốn trở thành một thành viên của dàn nhạc giao hưởng thế giới và con đã thực sự tận hưởng những năm tháng được đi trình diễn khắp nơi cùng với dàn nhạc giao hưởng Mahle Chamber. Đó quả là những kinh nghiệm rất đẹp đối với con.

Hỏi: Hồi đó sư cô có nghi ngờ gì về việc âm nhạc có thể đưa sư cô đi xa như thế nào không?

Sc Trai nghiêm: Khi còn ở trường trung học, con đã tình cờ đọc được những trích dẫn sau của Plato: “Không phải vì người đó sáng tạo ra được một cách hòa âm rất hay và đẹp với đàn Lia hay những nhạc cụ khác mà mọi người công nhận đó là một nhạc sĩ thực thụ. Một nhạc sĩ thực thụ là người có thể tạo ra một sự hài hòa lý tưởng cho cuộc sống của mình bằng việc thống nhất trong những cảm xúc, lời nói và hành động.” Những lời nói đó làm con choáng váng, sửng sốt. Tự trong lòng mình, con biết rằng con không phải là một nghệ sĩ vĩ cầm thực thụ như con mong muốn. Dẫu là con đang tận hưởng những thành công trong sự nghiệp cũng như nếp sống hiện tại là phong cách sống mà con đã ao ước từ lâu, tuy nhiên con cảm thấy bế tắc. Lối thoát duy nhất là phải hoàn toàn buông bỏ những thứ đó. Con đã gặp lại mẫu giấy đó lúc đang dọn dẹp căn hộ để chuẩn bị đi xuất gia. Lần này con mỉm cười khi đọc lại những dòng ấy. Bây giờ con vẫn còn giữ mẫu giấy đó bên mình.

Hỏi: Những nhân duyên nào đã đưa sư cô đến Làng Mai?

Sc Trai nghiêm: Khi còn trẻ hơn bây giờ, con thấy ý chí phản kháng hay đi ngược lại dòng chảy của đời sống là một điều hay. Nhưng sau khi mẹ con qua đời, con đã không còn năng lượng để chống đối nữa, con để dòng chảy của cuộc đời đưa con đi và quan sát những gì xảy đến. Thời gian đó những quyển  sách của Thầy đã bước vào cuộc đời con, an ủi con rất nhiều. Con đến Làng lần đầu vào mùa đông 2007 và lập tức cảm thấy rằng đây là nhà của mình.

Hỏi:Cảm giác đó giống như mình đang ở trên thiên đàng phải không sư cô?

Sc Trai nghiêm: Thành thật mà nói thì hồi đầu con không thể nào đứng chung với đại chúng để hát những bài thiền ca như “thở vào, thở ra”. Khi quý thầy, quý sư cô lên tụng kinh thì lạc điệu nhiều lắm! Nhưng con nhận thấy trong bài tụng có một cái gì đó khác nữa – đó chính là chất liệu ngọt ngào và ấm áp.

Trước khi đến Làng, con đã tham dự vài khóa tu thiền và khóa học Yoga. Nhưng dường như tất cả chúng ta đều bị kẹt vào chính mình, vào những theo đuổi riêng tư bất kể là chúng ta đang cố gắng đạt được cái gì. Trong khi ở Làng Mai, chỉ là một nhóm người sống giản dị, cư xử dễ thương với nhau, cứ như đó là cái cách mà con người cần phải như vậy. Con đã phải lòng điều này.

Hỏi: Và đối với những bài hát cũng vậy phải không?

Sc Trai nghiêm: Thưa, không phải liền ngay lập tức… nhưng sau con nhận ra rằng đó là sự thực tập của con. Con thấy rằng con cần thực tập buông bỏ những phán xét, phân tích, cái tâm chê bai chỉ trích của mình để chỉ thưởng thức giây phút hiện tại. Bây giờ con nhận thấy thiền ca là một trong những phương pháp thực tập tài tình nhất trong truyền thống của Làng. Những lúc con thấy mình trong tâm trạng sa sút, ủ dột thì một bài hát như “Ta hạnh phúc liền giây phút này…” có thể đến để cứu nguy cho con. Chúng ta hát những bài hát này mỗi ngày cho nên chúng được ấn sâu vào tàng thức và trở nên hiệu quả ngay những khi chúng ta bị sự thất niệm lôi kéo. Khi ý thức được hiệu quả trị liệu rất mạnh của thiền ca, bây giờ mỗi lần hát, con để hết lòng mình theo từng lời hát, từng cử chỉ, từng điệu bộ của bài hát ấy.

Hỏi: Điều gì đã thu hút sư cô trở thành một vị xuất sĩ?

Sc Trai nghiêm: Con luôn thấy thú vị với những gì thuộc về đời sống tâm linh. Nhưng con không thể nào tưởng tượng rằng mình có thể từ bỏ được cuộc sống quá tuyệt vời của một nhạc công chuyên nghiệp. Con cũng không muốn làm những người chung quanh con thất vọng. Con đã có một buổi tham vấn với một sư cô trong lần đầu tiên đến thăm Làng Mai, sư cô đó nói: “Em không cần phải nghĩ về điều đó bây giờ, bởi vì khi nào đến lúc thì em sẽ ắt biết.”

Ba tháng sau, có một khóa tu ở Roma (Ý) và may mắn thay là con đang làm việc ở Ý vào thời điểm đó, vì vậy con đã tới khóa tu. Vào ngày cuối khóa tu, con lấy xe lửa để quay về chỗ làm việc và nhận được một cuộc điện thoại từ Nhật nói rằng cha con đang bệnh rất nặng và đã được nhập viện. Vì thế, con đã hủy bỏ công việc của mình để quay về Nhật với cha.

Mùa hè năm đó cha con qua đời. Con có quá nhiều thứ phải làm để lo cho đám tang của cha cũng như cho công việc của con. Con cảm thấy như con cứ chạy, cứ chạy và không thể dừng được. Con biết rằng con không thể tiếp tục như vậy lâu dài mà không bị gục ngã hoàn toàn. Vì thế, con quyết định thương mình hơn và đăng ký tham dự An cư kiết đông. Con tự nhủ rằng, con không cần phải làm bất cứ một cái gì cả mà chỉ để cho mình được nghỉ ngơi. Mỗi buổi tối, con ngồi rất lâu trong Phật đường, một mình. Con thèm sự yên tĩnh. Không âm nhạc, không nói chuyện. Sau khoảng 1 tháng sống cùng với quý sư cô Xóm Mới, con biết được “nó đây rồi” (this was it). Cái câu hỏi: “Mình có muốn bỏ việc và trở thành một sư cô không ?” không còn nữa bởi vì con đã đứng trên con đường đó rồi, cho dù con chưa được làm lễ xuống tóc.

Hỏi: Liên hệ của sư cô với âm nhạc như thế nào khi sư cô trở thành một tập sự xuất gia?

Sc Trai nghiêm: Một buổi tối, con đang ngồi và lần đầu tiên con chợt hiểu ra rằng: “Không có nơi nào cần phải đi, không có gì cần phải làm” (Nowhere to go, nothing to do) có nghĩa là như thế nào. Và con nhận ra : “Ồ, con đang buông bỏ tất cả mọi thứ mà trước đó đã từng có ý nghĩa rất nhiều với con.” Con không có cái ước muốn nghe nhạc kể từ khi con đến Làng, nhưng bất chợt, con muốn nghe một bản giao hưởng Brahms. Trên giường, con mở Ipod của mình lên để nghe và nước mắt con cứ tuôn chảy. Con nhận ra rằng đây là cái thế giới mà con đang sống trong đó và con chưa bao giờ trân quý nó theo cái cách con có thể có. Con đã sống trong cái thế giới âm nhạc lạ thường này từ khi con lên năm. Bây giờ, con đang nghe nhạc và âm nhạc này đang đi vào con theo một cách hoàn toàn khác. Con biết rằng âm nhạc đang có trong con, nhưng đồng thời con đã đứng bên ngoài cái thế giới mà con vẫn thường sống trước đó rồi. Con biết rằng sẽ không có chuyện quay trở lại. Con nhận thấy mình quá may mắn đã có được âm nhạc trong suốt cuộc đời để chỉ lối và làm chỗ nương tựa cho con.

Hỏi: Sư cô có thấy được sự tương đồng giữa việc là một sư cô và là một nghệ sĩ âm nhạc?

Sc Trai nghiêm: Thưa, rất nhiều. Tăng thân giống như một dàn nhạc. Mỗi thành viên có một vai trò độc nhất và không thể thay thế. Người chơi bộ gõ có thể chỉ chơi duy nhất một nốt trong toàn bộ bản giao hưởng, trong khi người chơi vĩ cầm thì sẽ đàn liên tục suốt buổi không nghỉ. Chúng ta không bao giờ nghĩ đến việc phàn nàn rằng như vậy là không công bằng, bởi vì sự phối hợp đó làm cho bản nhạc hay và đẹp hơn nhiều. Để sống hạnh phúc trong tăng thân, chúng ta cũng phải chấp nhận mỗi người có một vai trò riêng của người đó. Một số việc cần nhiều thời gian hơn những việc khác, nhưng đó chỉ là nó cần phải như vậy. Chúng ta khổ khi kẹt vào cái mặc cảm bằng người. Khi cả dàn nhạc chơi hài hòa với nhau, chúng ta sẽ nghe thấy âm thanh của một tổng thể, như một nhạc cụ khổng lồ đang chơi. Nếu bạn nghe từng âm thanh riêng lẻ của mỗi người chơi vĩ cầm trong dàn nhạc thì sẽ không dễ chịu lắm. Chúng ta phải làm tan chảy những âm thanh cá nhân để hòa nhập thành một âm thanh tập thể, khi đó, không có sự phân biệt giữa “tiếng của tôi” và “tiếng của người khác” nữa.

Một lần, ông Colin Davis, một nhạc trưởng tuyệt vời người Anh, đã nói trong một lần tập dợt, khi mọi thứ khá rời rạc: “Bất cứ người nào muốn chứng tỏ mình đúng, sẽ là một kẻ khủng bố!” Và thật mầu nhiệm, chúng con đã chơi trong một sự hòa hợp hoàn hảo sau lời khuyến cáo này. Mỗi thành viên trong dàn nhạc đã là một nghệ sĩ trong chính con người mình, khi chúng ta còn cố gắng thuyết phục những người khác là việc đó nên làm thế nào thì nó sẽ không bao giờ có tiến triển tốt. Lời dạy này có thể được áp dụng rất đúng vào đời sống tăng thân. Để không phải tạo ra đau khổ cho chính mình và người khác, con phải không ngừng giám sát những ý nghĩ của mình, để thấy con có đang bị kẹt vào những ý kiến riêng của mình hay không.

Nếu tăng thân là một dàn nhạc, Thầy sẽ là nhạc trưởng. Một vị nhạc trưởng khéo léo không bao giờ cố kiểm soát những nhạc công trong dàn nhạc của mình. Ông chỉ để dàn nhạc chơi. Thầy làm chính xác những gì Thầy luôn nói với chúng ta: “Đi chơi!” Dịch từng chữ là: “go play!” Nhưng cũng có thể được dịch là : “đi thảnh thơi, cho vui” (go hang out and have fun). Thầy, chính thực là một nhạc trưởng khéo léo, đã tin tưởng vào đại chúng, và dựa trên niềm tin đó, Thầy có thể rút tỉa ra được những gì hay nhất, đẹp nhất trong mỗi thành viên của tăng thân.” Một lần có một vị cư sĩ đã hỏi con là tại sao trong những chuyến hoằng hóa Thầy cần đi với quá nhiều xuất sĩ như vậy? Con trả lời  rằng: “Thật không hợp lý nếu một vị nhạc trưởng đi biểu diễn hòa nhạc mà lại không mang theo dàn nhạc của ông ta. Chúng tôi tương tức với nhau mà.”

Con thấy khi toàn thể tăng thân ngồi thiền chung với nhau buổi sáng thì cũng giống như một dàn nhạc đang lên dây trước một buổi hòa nhạc. Con chưa bao giờ thử chơi vĩ cầm mà không lên dây. Vì thế, tại sao con không làm như vậy với thân và tâm con? Nếu con bắt đầu một ngày bằng việc “lên dây” chính mình cùng với tăng thân thì cả ngày hôm đó sẽ có rất nhiều sự hòa hợp và vui vẻ hơn.

Hỏi: Sư cô đã sống và làm việc ở nhiều nước. Điều đó dường như là sư cô đã định hướng cho mình một phong cách sống rất độc lập, tự chọn thời khóa riêng của mình. Còn trong tăng thân thì cách sống có nhiều lề lối hơn và nghiêm ngặt hơn. Sư cô cảm thấy điều đó như thế nào?

Sc Trai nghiêm: Con thường có ý niệm về một người xuất gia thì có nghĩa là như thế nào. Con đã kể cho những đồng nghiệp của mình rằng con đang dừng cái kiểu sống lãng du và bước vào một tu viện yên tĩnh ở Pháp và hai năm đầu tiên ở đó con sẽ không đi đâu cả. Nhưng đột nhiên Thầy nói: “Ok, con sẽ đi cùng chuyến đi này.” Và con đã nghĩ rằng việc này không khác gì lắm so với những gì con đã từng làm trước đây. Tuy nhiên, đó là điều làm cho Thầy là một thiền sư, bởi vì khi bạn càng nhanh chóng kẹt vào ý kiến của mình là việc đó nên là như thế nào, thì Thầy sẽ đưa cho bạn một cái gươm thiền với một nụ cười. Con đã kẹt vào quan niệm của mình là cuộc sống của một sadi thì phải như thế nào: một cuộc sống yên lặng, ở vùng nông thôn, chăm sóc vườn tược…

Thực ra, sự tu tập không phụ thuộc vào hình tướng bên ngoài chút nào. Không phải là bạn làm gì mà là bạn làm như thế nào. Nếu con chọn sự thực tập là hoàn toàn có chánh niệm khi đi du hóa và ra ngoài cho những khóa tu, thì con cũng có thể có tiến bộ trên con đường này. Nếu không có chánh niệm thì thật là phí thời gian để ngồi thiền, đi thiền chầm chậm và tụng học kinh sách, cho dù đang ở trong một tu viện. Bất kể làm gì, nấu ăn, rửa dọn, học tập hoặc đi khóa tu, con luôn nhắc nhở mình cần có chánh niệm và thưởng thức việc mình đang làm.

Hỏi: Điều gì là tốt nhất khi là một sadi?

Sc Trai nghiêm: Đó là việc được là một em bé trong gia đình, đang được chăm chút, bảo vệ. Có rất nhiều quý thầy và quý sư cô lớn chỉ dạy và hướng dẫn con bằng nhiều cách khác nhau. Con tận hưởng việc có không gian và có thể gây ra những  lầm lỗi. Con có tập khí muốn thành đạt một điều gì đó, vì thế con đang thực tập buông bỏ ý niệm của mình về việc một “sư cô giỏi” phải là như thế nào. Quan niệm của tập thể về việc một vị xuất sĩ giỏi là phải như thế nào thì cũng giống như sự tán thành của tập thể về một nhạc công giỏi là phải như thế nào. Nếu con cố gắng để trở thành một “sư cô giỏi”, con sẽ bị kẹt lại cùng vị trí mà con đã kẹt khi còn là một nhạc công chuyên nghiệp.

Khi con còn nhỏ, mỗi việc con làm, con đều làm khá tốt. Vì thế con vẫn còn cảm giác rằng bất kể cái gì con làm, con sẽ có khả năng làm tốt. Cho dù con có ý thức về tập khí này và cẩn thận giám sát nó bằng cách nhận diện động lực thúc đẩy trong những hoạt động của con, nhưng nó vẫn còn đó ở mức độ thâm sâu và đó là nguyên nhân gốc của vài căng thẳng đang nằm bên dưới.

Hỏi: Sự tự hào có phải là một vấn đề đối với sư cô không? Thỉnh thoảng điều đó có biểu hiện ra như là cảm thấy mình nổi trội hơn những người khác trong tăng thân không ?

Sc Trai nghiêm: Nó biểu hiện với việc con cảm thấy chán ghét chính mình. Đó có lẽ là một trong những điều xấu hổ nhất để thừa nhận. Nhưng cái mặc cảm hơn người thì cũng không có gì hơn mặt kia, là mặc cảm thua người. Chúng giống hai mặt của một đồng tiền. Bất cứ khi nào con ghi nhận rằng mặc cảm thua người đang biểu hiện, con sẽ tự nhủ rằng: “Tôi như vậy đủ rồi” (You ARE enough)

Thế nhưng, con vui sướng để chấp nhận rằng trong vòng 15 tháng kể từ khi xuất gia, con đã giảm được đáng kể mức độ chỉ trích và phê bình đối với bản thân và với những người khác. Những ý nghĩ tiêu cực như phê phán làm lãng phí rất nhiều năng lượng. Cũng như con quan tâm để không lãng phí nguồn năng lượng tự nhiên như nước và thức ăn, con cũng cố gắng gìn giữ năng lượng của chính mình để có thể sử dụng cho cái gì đó lợi lạc hơn. Tóm lại, con cảm thấy thư thái hơn trước đây nhiều và có nhiều người đến chia sẻ với con là họ ghi nhận được sự khác biệt đó. Nhờ có tăng thân, một điều mà con đã hết lòng học hỏi trong những năm sadi của mình là: dễ thương (tốt bụng) thì quan trọng hơn rất nhiều so với việc giỏi một điều gì đó.

Hỏi: Sư cô có một nguyện ước nào không ?

Sc Trai nghiêm: Sống hạnh phúc! Con đã luôn không có được một liên hệ tốt với cha mẹ mình, nhưng sau khi cha mẹ qua đời, con mới nhận ra rằng tình thương vô điều kiện mà cha mẹ dành cho con nhiều biết bao nhiêu. Bất kể những gì cha mẹ làm, con cảm nhận được một điều duy nhất là cha mẹ muốn con được hạnh phúc. Thế mà con đã không nhận ra được điều đó cho đến khi cha mẹ rời bỏ cái xác thân vật lý này. Đó là một điều đáng hối tiếc. Con muốn làm cho họ hạnh phúc hơn, muốn làm một điều gì đó cho họ. Bây giờ, con biết rằng cách trả hiếu cho cha mẹ con chỉ là sống sao cho hạnh phúc. Con đang thực tập với cha mẹ và cho cha mẹ.

Sau cái chết của cha mẹ, con cảm thấy có nhiều liên hệ với họ hơn. Điều này nghe có vẻ hơi tệ, nhưng con cảm thấy như cha mẹ đang hướng dẫn con mỗi phút giây. Con cảm nhận được sự có mặt của cha mẹ nhiều hơn trước đây con đã từng cảm nhận. Nếu con không biết làm gì, con sẽ nương tựa nơi cha mẹ con và để cha mẹ làm những việc đó. Nếu con lắng nghe cho sâu sắc, cha mẹ sẽ luôn dẫn dắt con đi đúng đường. Con thực sự cảm thấy cha mẹ con đã mang con về đúng lúc, trong đời sống này, ngay bây giờ. Và không chỉ cha mẹ con mà tất cả tổ tiên của con – kể cả tổ tiên huyết thống, tổ tiên đất đai và tổ tiên tâm linh. Điều đó không loại trừ tất cả những nhạc sĩ tài hoa tuyệt vời nhất mà con đã gặp được trong đời mình, như Bach và Mozart.

**Thầy Pháp Dung và thầy Pháp Lai phỏng vấn bằng tiếng Anh

Sư cô Duyệt nghiêm chuyển ngữ**