Làm tri kỷ của chính mình

(Trích trong sách “Áo vách núi” – Chân Đẳng Nghiêm)

 


Khi có một người hiểu mình, thấu rõ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình thì người đó được gọi là “soul mate” hay “kindred spirit” trong tiếng Anh. Trong tiếng Việt con thấy có hai từ rất hay và rất nhiều ý nghĩa. Chúng ta gọi người đó là tri kỷ hay tri âm. Khi dùng tiếng Anh là soul mate hay kindred spirit, ta thường nghĩ đó là một người nào khác ở ngoài mình. Nhưng trong tiếng Hán-Việt, tri có nghĩa là hiểu, biết, nhớ, làm chủ; kỷ là chính mình. Vậy thì tri kỷ có nghĩa là hiểu mình, biết mình, nhớ đến mình và làm chủ được mình. Chúng ta đang nói đến một người biết mình nhiều đến nỗi người đó có thể hiểu mình, nhớ đến mình, và làm chủ được mình. Người này là ai nếu không phải là chính chúng ta? Nếu chúng ta không làm được cho chính mình thì ai làm được cho mình?

Nói một cách khác, ta có từ tri âmTri là để biết, để hiểu, để nhớ, để làm chủ. Âm là âm thanh; để biết các âm thanh, để biết tiếng nói của chính mình. Bạn có biết âm thanh của bạn? Bạn có biết giọng nói của bạn? Bạn có biết nguyện vọng của bạn? Bạn có biết nỗi buồn của bạn? Sự tức giận của bạn? Sự bồn chồn bất an của bạn? Bạn có biết đến và hiểu rõ những điều đó không? Bởi vì nếu chúng ta dành cả một đời để tìm kiếm một người nào đó có thể biết tiếng nói và âm thanh của chúng ta, để hiểu chúng ta, thì chúng ta sẽ thất vọng. Bởi vì có thể là những người đó cũng như chúng ta, không phải là “tri âm” và “tri kỷ” của chính họ. Điều này cũng giống như người mù dẫn đường cho người mù. Hai người cô đơn đến với nhau thì sẽ cảm thấy cô đơn hơn cả trăm ngàn lần.

Thiền sư Trí Bảo ở thế kỷ thứ 12 đã nói: “Tri thức mãn thiên hạ, tri âm năng kỷ nhân?” (Quen biết đầy thiên hạ, tri âm được mấy người?). Bao nhiêu người trong số đó là tri âm hay tri kỷ của mình? Đó là thế kỷ thứ 12, và thời đại bây giờ, với kỹ thuật tân tiến, chúng ta càng thật sự quen biết bạn bè khắp thế giới. Chúng ta có thể dùng fax, gởi e-mail, gọi điện thoại. Thật là dễ dàng để liên lạc với người khác, nhưng trong tâm ta vẫn bồn chồn bất an, luôn muốn liên lạc với một người nào đó hiểu, biết mình. Chúng ta có thể biết nhiều người trên toàn cầu, nhưng có lẽ chúng ta vẫn cảm thấy hoàn toàn cô độc. Chúng ta tự hỏi ai là người biết mình. Người luôn ở trước mặt mình, người thức dậy với mình – người đó có thật sự hiểu biết mình không? Chúng ta có dám đặt câu hỏi này không? Chúng ta có nơm nớp sợ câu trả lời không?

Trong sự tu tập, chúng ta học cách trở thành người tri âm, tri kỷ của chính mình. Mỗi ngày, chúng ta thực tập thiền hành. Các bạn có tiếp xúc được với những bước chân của mình không? Các bạn có thưởng thức những bước chân của mình không? Các bạn có cười với hoa không? Các bạn có ý thức được hơi thở không? Với ý thức sáng tỏ đó chúng ta đang tiếp xúc với thân ta, ta biết âm thanh của cơ thể mình, của hơi thở mình, ta thở ra sao, ta đi ra sao. Và như vậy mình đang là “tri kỷ” của mình. Bất kỳ chúng ta đang làm gì – ta đứng, ta đi, ta ngồi, ta nằm, ta nói, ta im lặng, hay ta đang ăn – bất kỳ đang làm gì, nếu tâm biết đến thân, có ý thức về những cảm thọ, tri giác, tâm hành, và tâm thức, thì khi đó chúng ta là tri âm, tri kỷ của mình. Đây là những điều chúng ta có thể học hỏi và trau dồi trong đời sống hàng ngày với sự thực tập chánh niệm. Khi biết rằng sự bồn chồn, trạo cử và những khao khát được có người hiểu mình vẫn còn trong tâm, chúng ta có thể trở về để thực hiện các khao khát đó. Những điều mình làm bên ngoài, dù thành công hay không có thể cũng không thành vấn đề; vì trước hết chúng ta phải hiểu rõ bản thân và thiết lập một liên hệ sâu sắc với chính mình.