Thiền tập
Bạn trẻ thân mến;
Hành thiền có thể gọi cho dễ hiểu là thiền tập, tức là hành trì thiền định, thực tập chánh niệm, bởi thế sự thực hành mới là quan trọng hơn lý thuyết suông. Các bạn trẻ Việt Nam thích qua tu tập ở Miến Điện, bởi người ta chú trọng về sự thực hành hơn. Trong các trung tâm Miến Điện, các bạn thấy có nhiều người khắp nơi trên thế giới cùng tu tập chung.
Phật giáo Miến Điện có gì hấp dẫn người khắp nơi như thế? Phật giáo Miến Điện thuộc về truyền thống Nam tông, Theravada tradition, như các nước lận cận là Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Srilanka… Pháp môn thiền tập ở Miến Điện cũng là thực tập chánh niệm, nhưng sao nó có năng lực thu hút nhiều người khắp nơi trên thế giới như thế? Bởi người ta chú trọng tới sự thực tập, đặc biệt là sự thực hành của giới cư sĩ. Tu sĩ thực tập chánh niệm, thiền định là việc bình thường. Tu sĩ không thiền tập, tụng kinh, bái sám mỗi ngày, mới là chuyện không bình thường. Cư sĩ với bao nhiêu công việc, lo toan, bận rộn, mà họ thực hành thiền tập, mới thật là đáng kính phục. Điều này chứng minh rằng giáo pháp của Bụt rất thiết thực, có thể áp dụng cho mọi tầng lớp.
Một trong những vị đạo sư nổi tiếng thời cận đại của Miến Điện là Ngài Mahàsi. Ngài hướng dẫn thiền Minh sát rất cụ thể, rõ ràng. Minh sát dịch từ chữ ‘Vipassanà’ gọi là thiền quán. Minh sát có nghĩa là ánh sáng để quán sát. Cái tâm sáng suốt của chánh niệm có khả năng quán sát, chiếu soi mọi hiện tượng. Quán sát dịch ra tiếng Anh là observe, nghĩa là chỉ nhìn mà không xen vào, không đánh giá, không uốn nắn.
Người Miến Điện có các khóa tu im lặng bảy ngày, nửa tháng… Và người cư sĩ cũng thực tập ngồi thiền, thiền hành, im lặng không khác gì cácthầy Tỳ Kheo. Có người cư sĩ để hết thời giờ còn lại của cuộc đời cho việc thiền tập, cho nên nó tạo thành một nguồn năng lượng thiền tập cộng đồng, thu hút mọi người khắp bốn phương. Cũng như người Tây Tạng và người Phù Tang, họ thực tập giáo pháp của Bụt thật hết lòng, do thế nếp sống của họ thật là quân bình. Họ chú trọng tới hạnh phúc, an lạc nơi đời sống tâm linh hơn là đồng lương, tiền bạc, vật chất.
Thiền định, chánh niệm và trí tuệ là pháp môn căn bản, nền tảng, nòng cốt của đạo Bụt, gọi là Tam vô lậu học, tức là ba phương pháp thực tập để chuyển hóa phiền não, làm cho phiền não không còn rỉ ra. ‘Vô lậu’ không nên hiểu là hết phiền não, mà phải hiểu là phiền não không còn rỉ ra. Phiền não là những ma lực, năng lượng làm cho bạn phiền muộn, bất an, đau khổ, sợ hãi, cho nên nghe lý thuyết về Tam vô lậu học không đủ sức để chuyển hóa phiền não, mà phải có năng lượng, sức mạnh của thực hành. Nói lý thuyết về bản nhạc không thể tạo ra một bài ca hùng hồn; người ca sĩ phải tập luyện nhiều năm mới có thể hát với tất cả tâm hồn của mình. Nói suông về món ăn không thể nào thưởng thức được hương vị thơm ngon của nó, mà bạn phải dùng hai bàn tay vào công việc nấu nướng… Thiền tập là thực tập, tập luyện, sống chánh niệm.
Bụt nói tới những phương pháp thực tập cụ thể như niệm thân, tức là chú ý tới thân thể với từng bộ phận, tình trạng, hoạt động, cử động của nó. Niệm thọ là để ý tới cảm thọ dễ chịu, không dễ chịu, trung tính. Niệm tâm là thấy những hiện tượng tâm ý như tham, sân, si, bất an, phóng dật, vui mừng, từ bi… Niệm pháp là quán chiếu về mọi hiện tượng như năm uẩn, sáu căn, sáu trần… Bụt còn chỉ cách thực hành về bốn phương pháp ngăn ngừa bất thiện pháp và phát triển tưới tẩm thiện pháp gọi là Tứ chánh cần. Bụt nói tới năm nhà máy, cơ chế (ngũ căn) tạo ra năm nguồn năng lượng (ngũ lự) trong thân tâm gọi là tín, tấn, niệm, định, tuệ. Bụt nói tới chánh kiến, chánh tư duy, chánh tinh tấn, chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh niệm, chánh định.
Vậy, thiền trong đạo Bụt là những phương pháp cụ thể, rõ ràng, thực dụng chứ không phải những cái gì trừu tượng, triết lý siêu hình.
Thiền là thở, biết rõ bạn đang thở. Thiền là đi, ý thức rõ mỗi bước chân đi. Thiền là nhìn, biết rõ bạn đang nhìn. Thiền là nói, biết rõ lúc nào cần nói, lúc nào không cần nói. Thiền là suy nghĩ, biết rõ bạn đang suy nghĩ gì…