Không làm gì cả
Bạn trẻ thân mến;
Sáng nào sư chú Thạch Lang (*) cũng dậy đúng giờ để ngồi thiền, mặc dù suốt hai tuần qua sư chú bị thức giấc giữa đêm do cơn ho. Mùa đông này, nhiều người bị bệnh cảm cúm. Con vi khuẩn này thật là mạnh, nó đã làm nhiều người ho nhiều ngày, có người ho suốt mùa đông. Sư chú cũng bị cúm một trận và cơn ho vẫn còn.
Sư chú không lo lắng, thế nào cơ thể cũng sẽ đẩy ra hết những con vi khuẩn cúm và trị lành phổi. Sư chú không muốn dựa vào thuốc Tây, mà muốn tập cho cơ thể tự trị liệu. Chỉ cần thở cho sâu giúp hai lá phổi làm việc, đưa máu vào phổi, thì tự động bạch huyết cầu sẽ tạo ra chất đề kháng để trị liệu.
Sáng nay, sư chú Thạch Lang ngồi thật yên. Bao nhiêu ý tưởng, bao nhiêu tư duy đều lặng xuống, dù ý tưởng, tư duy về thiền hay giáo lý. Ngồi thiền là để thở, mở tâm hồn để cảm nhận sự sống. Ngồi thiền không phải để tư duy.
Quán chiếu không phải là tư duy mà là quán sát, nhìn thấy sự hoạt động của tâm ý kể cả tư duy. Có một học giả hỏi Sư Ông: “Trong khi ngồi, Thầy làm gì?” Sư Ông trả lời: “Tôi không làm gì cả. Tôi chỉ thở.”
Sư chú Thạch Lang chú ý tới hơi thở. Sư chú không cố gắng thở mà thở tự nhiên, chỉ cảm nhận hơi thở. Sư chú không gọi tên vào, vào, vào, ra, ra, ra như theo kiểu thiền Minh sát mà chỉ nhận biết, cảm nhận hơi thở. Thực tập này gọi là tùy tức, tức là đi theo chiều dài của hơi thở, nhận diện hơi thở. Cảm nhận là to feel, nhận biết là to recognize.
Cảm nhận rõ ràng là chánh niệm rồi cần gì phải lặp tới, lặp lui mỗi chữ như thế. Nói lui tới như vào, vào, ra, ra, phóng tâm, phóng tâm, suy nghĩ, suy nghĩ để nhận diện tâm ý, trở về với hơi thở và sự phồng lên xẹp xuống có thể sử dụng cho người mới thực tập cho việc dừng tâm ý, chứ người thực tập lâu ngày nên bỏ hết từ ngữ, ý tưởng đi. Sư chú đâu phải là con robot bị người ta cài chương trình (programming) để tập nói. Sư chú là con người thật có khả năng nhận biết hơi thở, cảm nhận sự sống, nghe tiếng chim hót ngoài hiên. Sư chú cảm thấy tâm hồn yên lạ!
Sư chú không dám đánh giá phép thiền Minh sát, nhưng chẻ mỗi hành động ra nhiều giai đoạn, thì sư chú cảm thấy nó cứng cứng làm sao! Ví dụ:
“Khi đi chậm, tới lui trên đường kinh hành (cankama), mỗi bước phải được ghi nhận vào ba giai đoạn: dở chân lên, đưa chân tới, và hạ chân xuống. Hành giả bắt đầu với hai điểm ghi nhận, dở chân lên và hạ chân xuống. Phải hay biết rõ ràng cái chân dở lên. Cùng thế ấy, khi hạ chân xuống phải hay biết rõ ràng cái chân nặng nề đặt xuống.”
(Thực tập thiền minh sát, Mahàsi Sayàdaw)
Sư chú thích đi thiền tự nhiên, cảm nhận sự xúc chạm giữa bàn chân và lòng đất. Sự tiếp xúc ấy cũng đủ đưa tâm của sư chú trở về với đất mẹ, với hiện tại.
Sáng nay đáng lý mọi người phải lên xóm Thượng ngồi thiền cho trường đại học Hồng Kông quay phim. Sư chú cũng muốn yểm trở tăng thân, nhưng tới 6 giờ kém 15, sư chú mới ra tới nơi đậu xe nên không còn chiếc xe nào. Có lẽ, các sư em đã đi hết rồi! Sư chú định đi bộ lên xóm Thượng, nhưng 6 giờ đại chúng đã bắt đầu ngồi thiền. Sư chú có thể đi nhanh cho kịp giờ ngồi thiền, nhưng sư chú đổi ý. Tại sao phải đi gấp gáp để lên đó ngồi thiền? Lên đó ngồi thiền để được người ta quay phim sao, hay để mọi người thấy mình có tu tập? Sáng nào, sư chú cũng đều có ngồi thiền dù vào những ngày làm biếng. Sư chú đâu cần người khác chấm điểm. Sư chú cũng không ưa người ta quay phim. Bao nhiêu nhóm quay phim về Làng Mai muốn phỏng vấn sư chú, sư chú đều tìm cách từ chối.
Sư chú quyết định về phòng ngồi thiền. Sư chú pha một bình trà, rót một ly mời đức Thế Tôn và một ly cho mình. Vừa uống trà, vừa thở, sư chú thấy rõ tu tập chỉ cần đạt nội dung, tức là thắp được ánh sáng chánh niệm, nghĩa là tâm ý sáng lên, nhạy cảm, nhận biết mà không cần phải bị kẹt vào hình thức. Chú ý tới hành động rót trà, nâng ly lên, uống trà, mến hương vị trà đều là thiền. Có cái cảm nhận, có cái biết là có thiền rồi. Sư chú tiếp tục ngồi để nhìn vào dòng sông tâm ý. Sư chú vào được vùng yên tĩnh hoàn toàn mà không cần cố gắng mệt nhọc. Bao nhiêu tư duy đều được nhận rõ, bao nhiêu ý niệm đều buông bỏ. Ngồi như thế thật khỏe!
Ngoài hiên chim bắt đầu hót líu lo chào đón tia nắng đầu ngày. Sảng khoái quá, sư chú đứng dậy để đi dạo chơi trong thiên nhiên. Sáng nào cũng thế, sau buổi ngồi thiền, sư chú đều đi dạo chơi một vòng quanh chùa để cảm nhận sự yên tĩnh, mát lành của thiên nhiên. Sư chú thấy một điều quan trọng là sự sống luôn có mặt cho sư chú. Sự sống là người tình luôn đợi chờ, luôn dang hai cánh tay rộng lớn cho người yêu. Người yêu ấy là chính sư chú. Sư chú chỉ cần mở lòng ra để ốm lấy người tình thiên nhiên. Có sự sống, sư chú có tất cả. Tiếp xúc với sự sống như tia nắng, ngọn lá, bông hoa, tiếng chim ca, ly trà nóng, sư chú thực sự có cảm giác thỏa mãn lắm rồi.
Bạn có muốn mở cánh cửa tâm hồn để nhảy vào cánh đồng bao la của tâm không so đo, đánh giá, phán xét, phân biệt không? Nơi ấy có không gian, nắng ấm, hoa lá, tình bạn, cảm thông, sự trân quý.
(*) Thạch Lang là tên của tác giả.