Cánh cửa mầu nhiệm

Bạn trẻ thân mến;

Thu Hương hỏi:

Thầy ơi! Thầy nói về ‘hành thiền’ nhưng sao thầy chỉ nói về pháp môn Làng Mai không ạ? Con muốn học pháp môn Miến Điện. Khóa tu Làng Mai không còn hấp dẫn người hành giả, lý do là vì khóa tu nào cũng nói nhiều, chia sẻ nhiều, ca hát nhiều, còn phần thực tập thì quá ít. Con hỏi như vậy, mong thầy đừng buồn nhé, hihihi.

Bạn Hương,

Cám ơn bạn đã đặt vấn đề về pháp môn và cách tổ chức khóa tu.

Thầy có buồn không? Không đâu!

Thầy không buồn về nhận xét của bạn. Ai cũng có quyền nhận xét về pháp môn tu học và cách tổ chức của một khóa tu, từ đó bạn mới chọn đúng pháp môn và thấy thích hợp với lối tu tập. Sau các khóa tu ở Tây phương, tăng thân Làng Mai thường mời thiền sinh cho feedback, nghĩa góp ý về các sinh hoạt trong khóa tu. Chi phần Trạch pháp trong Bảy giác chi có nghĩa là bạn phải quyết trạch, chọn lựa pháp môn để có thể nếm cho được vị giải thoát, tự do.

Thầy hơi bỡ ngỡ không biết phải trả lời như thế nào cho bạn. Nói thật với bạn, thầy chỉ biết pháp môn chánh niệm của Bụt do bổn sư, tức là Sư Ông Làng Mai trao truyền thôi. Chánh niệm là tỉnh thức, tiếng Anh gọi là moment to moment awareness, biết rõ từng phút giây. Biết rõ bạn đang làm gì, đang suy nghĩ gì, có cảm giác gì? Ăn biết bạn đang ăn, đi biết bạn đang đi, cúi xuống biết bạn đang cúi xuống là chánh niệm.

Sư Ông dạy: “Chánh niệm là trái tim của thiền tập đạo Bụt.” Theo thầy, chánh niệm là trái tim của cả kho tàng giáo pháp. Trong 37 phẩm trợ đạo, chánh niệm được Bụt nói tới cùng khắp. Thời bây giờ, chánh niệm là pháp môn được giới trí thức Tây phương học hỏi, nghiên cứu và thực tập nhiều nhất. Các nhà khoa học dùng chánh niệm trong các lĩnh vực y khoa cho việc giảm stress, trị liệu…

Sự thật, tất cả pháp môn đều do Bụt thuyết giảng, chứ không có pháp môn Làng Mai, không có pháp môn Miến Điện, không có pháp môn Nhật Bổn, không có thiền tông, tịnh độ tông, mật tông… Các danh từ này, các tên gọi này do người sau đặt ra. Có thể mỗi vị đạo sư hiểu, tiếp nhận, thực hành và trình bày giáo pháp của Bụt khác nhau, nhưng tất cả pháp môn đều phát xuất từ Thế Tôn. Pháp môn nghĩa là cánh cửa giáo pháp. Bụt thuyết vô lượng giáo pháp, do thế pháp môn cũng nhiều vô lượng, mà trong kinh thường nói tới con số tượng trưng là tám vạn bốn ngàn pháp môn.

Các pháp môn khác, thầy không biết rõ lắm. Thầy có nghiên cứu với ngài Mahàsi, nhưng thầy chưa có cơ hội thực tập nơi trung tâm của Ngài. Hay hơn hết, con nên hỏi người nào đã từng thực tập với truyền thống Miến Điện.

Truyền thống của ngài Mahàsi được truyền qua Tây phương với tên là Vipassanà meditation, hay còn gọi Transcendental meditation, nghĩa là thiền vượt lên thế giới bình thường. Loại thiền này rất nổi tiếng. Một số nhà khoa học lâm sàng, não bộ như John Kabat Zinn, Richard Davidson có nói về thiền Transcendental meditation như pháp thiền trị liệu cao nhất, bởi vì họ chú trọng tới trạng thái tâm thức không còn suy nghĩ (level of cognition is zero) như hai tầng thiền cuối của Tứ thiền và Tứ vô sắc định. Lúc ấy, hypothalamas và amygdala là hai trung tâm trong bộ não tạo ra cảm xúc, sự căng thẳng ngưng hoạt động.

Không suy nghĩ có mặt trong các truyền phái của thiền. Bản chất của chánh niệm là ánh sáng, vì thế nó không phải là sự suy nghĩ, dù suy nghĩ về giáo lý. Chánh niệm chiếu soi ngay trên mọi hoạt động của tâm ý kể cả suy nghĩ. Khi suy nghĩ trong ánh sáng chánh niệm, thì nó được gọi là chánh tư duy. Do vậy tư duy có giá trị của nó, chứ thiền tập không phải lúc nào cũng cần loại bỏ nó. Khi cần tư duy, thì bạn tư duy, biết chọn tư duy nào đưa tới hiểu biết, tha thứ, yêu thương. Khi không cần tư duy, thì bạn ngưng nó lại để thưởng thức sự sống.

Trong bài đầu ‘Thiền tập’, thầy có nói ngài Mahàsi Sayàdaw thực tập chánh niệm theo kinh Tứ niệm xứ, nhưng Ngài chuyên về Vipassanà, tức là quán chiếu vào một đối tượng. Từ đó hành giả dừng lại mọi suy nghĩ, vì thế chúng đệ tử của Ngài ngồi thiền thật nhiều giờ trong ngày. Ngài Mahàsi Sayàdaw từng chia sẻ trong một buổi pháp thoại như sau:

“Thực hành thiền Minh sát là cố gắng thấu hiểu rõ ràng và chính xác bản chất của những hiện tượng tâm-vật lý đang diễn tiến bên trong chính bản thân mình. Hiện tượng vật lý là những sự vật hay những gì quanh mình mà ta cảm nhận rõ ràng. Toàn thể châu thân của mình mà ta cảm nhận rõ ràng hợp thành một nhóm những tính chất vật lý (rùpa, sắc, hay phần vật chất). Hiện tượng tâm linh là những sinh hoạt của tâm, hay sự hay biết (nàma, danh, hay phần tinh thần). Ta cảm nhận rõ ràng những danh-sắc này mỗi khi thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ đụng, hoặc nghĩ đến. Phải giác tỉnh hay biết nó bằng cách quan sát và ghi nhận, "thấy, thấy", "nghe, nghe", "ngửi mùi, ngửi mùi", "nếm vị, nếm vị", "sờ đụng, sờ đụng" hoặc "suy tư, suy tư". Mỗi khi thấy, nghe, hửi, nếm, sờ đụng, hoặc suy nghĩ phải ghi nhận những sự việc này…

Khi thở thì bụng phồng lên và xẹp xuống. Ðó là cử động hiển nhiên. Ðó là tính chất vật lý, gọi là vàyodhàtu, nguyên tố di động trong vật chất [1], thường được gọi là nguyên tố gió. Nên bắt đầu ghi nhận di động ấy, tâm chăm chú theo dõi, quan sát bụng. Ta sẽ thấy bụng phồng lên khi thở vô và xẹp xuống khi thở ra. Trạng thái phồng lên phải được ghi nhận thầm, "phồng, phồng", và di động đến trạng thái xẹp xuống với ghi nhận, "xẹp, xẹp".

Trong trường hợp không thấy rõ ràng trong tâm cái bụng phồng lên và xẹp xuống bằng cách ghi nhận thầm thì hành giả có thể dùng hai bàn tay đặt lên bụng. Không nên sửa đổi lối thở, cứ thở tự nhiên như thường. Không nên thở chậm lại hay mau lên. Cũng không nên thở mạnh hay yếu hơn. Bởi vì khi thay đổi lối thở như vậy thì hành giả sẽ chóng mệt. Cứ thở đều đặn như thường và ghi nhận trạng thái phồng lên và xẹp xuống của cái bụng, ghi nhận thầm chứ không nói ra lời…”

(Thực tập thiền minh sát, Mahàsi Sayàdaw)

Cách thiền này là nhận rõ (noticing) và gọi tên thầm (naming) mọi thứ như vào vào, ra ra, phồng phồng, xẹp xẹp… Nếu tâm suy nghĩ, thì bạn nói thầm suy nghĩ, suy nghĩ. Nếu tâm phóng đi, thì bạn nói thầm phóng tâm, phóng tâm… Phương pháp này hơi giống pháp môn nhận diện đơn thuần mà Sư Ông Làng Mai thường dạy. Một số tu viện Miến Điện mở cửa cho mọi giới và có nhiều khóa tu im lặng dài ngày, dài tháng để thực tập minh sát (Vipassanà) với mục đích đạt tới cái thấy rõ ràng và chính xác về bản chất thực tại.

Sư Ông Làng Mai được giới Tây phương gọi là The father of mindfulness, cha đẻ của chánh niệm. Có lẽ, Sư Ông có công khai phá chánh niệm của Bụt đến mức thực tế, dễ hiểu, rộng rãi. Các đầu sách của Sư Ông chỉ nói về sự thực tập chánh niệm, và chúng đi vào dòng chính (main stream) của tư tưởng, trường học, đại học và thiền tập Tây phương.

Sư Ông chú trọng về sự thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày (mindfulness in daily life) bằng nhiều phương pháp nhưng hơi thở, bước chân là ưu tiên. Điều này có nghĩa là chánh niệm phải thực tập liên tục trong đời sống, chứ không phải chỉ có lúc ngồi, vì vậy Làng Mai mới có thiền đi, thiền ăn, thiền trà, thiền rửa chén…

Bạn nhận xét:

  • Khóa tu Làng Mai không còn hấp dẫn người hành giả nữa.

Có chắc không bạn? Bạn đã đi bao nhiêu khóa tu Làng Mai rồi? Khóa tu Làng Mai tổ chức theo quy mô của Làng Mai mà Sư Ông trui luyện ra. Mấy mươi năm nay, khóa tu càng ngày càng đông. Ở Việt Nam, các khóa tu cũng rất đông như thời ở Bát Nhã. Gần đây, nhà nước không cho Làng Mai sinh hoạt ở Việt Nam nữa, nên tăng thân dời qua Thái Lan và khóa tu vẫn đông như thường.

Cố nhiên, phần tổ chức có thể thay đổi cho thích hợp với căn cơ mỗi nơi. Ví dụ như khóa tu ở Huế, thầy luôn bỏ phần thực hành về phương pháp ‘làm mới’, vì người Huế rất ngại nói về những khó khăn trước mọi người, nhưng thầy khích lệ họ thực tập làm mới khi về nhà. Khóa tu cho gia đình có thể có những sinh hoạt ngoài sân, ca hát, chia sẻ, văn nghệ để các bạn trẻ khỏi chán. Khóa tu cho người tu lâu có thể có thêm giờ tọa thiền, thiền hành, tụng kinh. Khóa tu sức khỏe có những giờ thể dục, tập yoga, đi bộ. Khóa tu Wake Up cho người trẻ nên có những sinh hoạt trẻ trung, chia sẻ, hội thảo, thể thao, văn nghệ…

Trong mỗi khóa tu, Làng Mai luôn có giờ im lặng hùng tráng ở cuối ngày, nhưng ai cấm bạn giữ im lặng trong suốt khóa tu. Người Tây phương thực tập im lặng rất hết lòng, vì thế họ nếm được sự an lạc, thanh tịnh. Người Việt xưa nay không quen với nề nếp, kỷ luật cho nên một số bà con vẫn cứ nói chuyện trong giờ im lặng, do thế họ không nếm được sự an lạc, thanh tịnh của giờ chỉ tịnh.

Tóm lại, cách tổ chức có thể uyển chuyển, nhưng quan trọng vẫn là sự thực tập. Bạn có thực tập đúng kỹ thuật và hết lòng pháp môn chưa? Bạn thực sự bước được bước chân thiền hành chưa? Bước chân bạn chạm vào lòng đất chưa hay tâm ý bạn vẫn còn bay bổng trong hư không? Bạn thử thở những hơi thở có ý thức từ đầu đến cuối hơi thở đi. Thở và chú ý tới sự phồng lên xẹp xuống của bụng, thì tâm ý bạn mới dừng lại. Bạn thực sự uống trà trong chánh niệm chưa? Bạn ngồi yên để thưởng thức hương vị ngọt thơm của trà chưa?

Đó là lời mời gọi để bạn thực tập, chứ thầy không có ý ép bạn đâu! Thầy không có ý muốn thuyết phục bạn. Thầy không ưa ca ngợi một pháp môn, bởi pháp môn nào cũng đều do Bụt thuyết. Nếu chỉ ca ngợi một pháp môn thì vô tình thầy làm giới hạn các cánh cửa tuyệt vời khác của Bụt. Bạn có quyền chọn lựa pháp môn nào thích hợp với mình.

Thầy có niềm tin nơi pháp môn do Sư Ông trao truyền, nhưng thầy vẫn luôn lòng dặn lòng đừng cố chấp, hãy cởi mở để học hỏi thêm cái hay, cái đẹp nơi người khác, dù đó là một bạn trẻ. Chân lý không thuộc về riêng ai. Tâm ban đầu là tâm cởi mở để học mãi không nguôi, học từ mọi người, mọi hiện tượng trong sự sống. Bông hoa, hạt sỏi, ngọn lá đều ca lời ca về vô thường, tương tức, không kỳ thị, bất sinh, bất diệt. Bạn thử lắng tai nghe bằng chánh niệm, nghĩa là bằng sự nhạy cảm, sáng suốt, thẩm thấu đi.

Bạn phải nếm cho được hương vị của sự thực tập mà đừng chỉ nghe pháp thôi. Nghe pháp nhiều không có lợi ích lắm đâu! Nguyên tắc là khi nghe về Quán niệm hơi thở, thì bạn thực tập thở ngay. Hơi thở sẽ làm tâm ý bạn dừng lại, an ổn lại. Bảo đảm thế nào bạn cũng nếm được phần nào pháp lạc, pháp hỷ, có phải không bạn? Chúc bạn thành công.

Tâm thức là một dòng sông đang trôi chảy. Bạn không chận đứng dòng sông ấy mà chỉ ngồi trên bờ dòng sông. Bờ ấy chính là hơi thở ý thức.