Ngọn nến mỉm cười – phần II

Ôm đứa con tật nguyền

Hồi đó tôi có làm nội trú (internship) ở bệnh viện Kikuyu Hospital ở nước Kenya, Phi châu và đã chứng kiến một phụ nữ trẻ chỉ mới 18 tuổi sinh đứa con đầu lòng. Thường thì các nước nghèo không có chương trình chăm sóc phụ nữ trước khi sinh, và họ cũng không hề đi bác sĩ để khám thai thường xuyên. Hôm đó cô ta sinh rất khó nên chúng tôi phải mổ để lấy đứa bé ra, và chúng tôi thấy đứa bé đã bị bệnh tràn dịch não (hydrocephalus). Có nghĩa là não thất bị chặn và dịch thủy không thể lưu thông bình thường và do đó, đầu đứa bé đã bị nở lớn ra.

Đứa bé được sinh ra với một cơ thể có kích thước bình thường nhưng với một cái đầu lớn gấp ba lần, trông rất kỳ quặc, dễ sợ, và khủng khiếp; khi tôi mới nhìn đứa bé đó, tôi cũng phải giật mình. Nhưng tôi thấy cô gái mười tám tuổi này đã nâng đứa con đầu lòng của cô lên một cách vô cùng trìu mến và nhẹ nhàng. Cô ôm đứa bé vào lòng, cô nâng niu và đỡ cái đầu kỳ dị của con mình lên rồi dịu dàng áp má cô vào đó. Mặc dù cô biết đứa bé này không thể sống lâu nhưng cô ta vẫn hết lòng yêu thương đứa con tật nguyền này khi nó đang còn đó.

Bạn có thể ôm ấp niềm khổ đau của bạn như thế không? Như ôm ấp đứa con riêng của bạn, như một cái gì đó mà bạn có thể chăm sóc, có thể có mặt với nó? Chúng ta không thể ruồng bỏ khổ đau, bạn biết chứ? Nhiều người nói rằng họ chỉ muốn quên đi nỗi khổ của họ. Nhưng nếu bạn quên đi khổ đau, có nghĩa bạn phải bị bệnh mất trí nhớ (dementia, amnesia), hoặc bị một vật gì đó đập mạnh vào đầu làm bạn tạm thời mất trí nhớ. Có những người thậm chí còn tìm cách phát minh ra loại thuốc có thể chích vào máu để ngăn chặn sự ghi nhận của một dữ kiện vào bộ nhớ, hoặc xóa bỏ một ký ức nào đó trong bộ nhớ.

Nhưng thuốc nào có thể chỉ xoá đi những ký ức bạn không muốn có? Bạn có thật sự muốn xóa bỏ trí nhớ của mình không? Chúng ta tu học là để đừng quên lãng; chúng ta không tu học để có thể quên hoặc trở nên vô cảm. Chánh niệm hàng ngày là để có thể giúp chúng ta ôm ấp những đau nhức và khổ đau của mình, dù là ở phương diện thể chất hay tinh thần. Chúng ta có thể làm theo cách mà người phụ nữ trẻ Kenya đã ôm ấp đứa con của mình với tất cả sự dịu dàng và kiên nhẫn. Cô ta đã thật sự chấp nhận và thương yêu đứa con mình!

Mối tình cho sự sống

Tôi đến nước Mỹ lúc tôi 16 tuổi rưỡi và tôi không nói được tiếng Anh ngoại trừ “How are you?” và “I am fine, thank you.” Lúc đó, tôi đang học lớp ngôn ngữ ESL (English as a Second Language) và có anh bạn trẻ hỏi tôi: “What are you doing?” (Cô đang làm gì vậy?), tôi đáp: “I am fine, thank you!” (Tôi khoẻ, cảm ơn). Năm phút sau tôi mới nhận ra lỗi của mình và tôi mắc cở đỏ mặt cả ngày hôm đó mỗi lần tôi thấy anh ta. Tôi đã dành nhiều năm để cố gắng học tiếng Anh, để học xong trung học, lên học Đại học, và vào trường Y. Do đó, thực sự tôi không có thời gian để chú ý đến thiên nhiên và trân quý thiên nhiên. Nhưng tôi đã may mắn có những người bạn rất yêu thiên nhiên và đã nhiều lần đưa tôi đi dạo chơi hoặc cắm trại trong các khu rừng; và đó là món quà lớn nhất mà những người thương tôi đã trao tặng cho tôi.

Khi tôi về Làng Mai, Thầy của chúng tôi đã tiếp tục tưới tẩm hạt giống yêu thiên nhiên trong tôi. Trong cộng đồng chúng tôi có nhiều thầy và sư cô cũng yêu thiên nhiên, vì vậy chúng tôi giúp nhau phát triển tình yêu này. Thầy đã nói nhiều về Đất Mẹ và Cha Trời trong các bài kinh, bài tụng mới. Những gì tôi học được giúp tôi tiếp xúc sâu sắc hơn với tình yêu và lòng biết ơn của tôi đối với thiên nhiên.

Trong gần 2 năm qua tôi bị bệnh Lyme, và chứng bệnh mãn tính (chronic illness) làm tôi rất mệt mỏi. Đôi khi tôi rất vui vẻ, hạnh phúc và có nhiều năng lượng, rồi chỉ vài phút sau là tôi đã thấy mệt, mất sức và không thể làm gì được. Tôi như một quả bóng đã bị xì hơi và xẹp xuống. Những khi tôi quá mệt mỏi và phải nằm xuống, tôi thích để màn cửa sổ kéo sang một bên để tôi có thể nhìn ra bên ngoài và thấy bầu trời, thấy mây và cây cối, và điều này giúp tôi nhớ rằng sự sống vẫn đang tiếp diễn. Dù tôi mạnh khỏe hay ốm đau, đang ngủ hay đang thức, hiện hữu hay không hiện hữu, sự sống vẫn tiếp tục không ngừng.

Cuộc đời rất đẹp, và tôi luôn nhớ nghĩ điều này. Khi thấy tuyết rơi đầy trời và phủ kín mọi vật, tôi thì thầm: “Mẹ ơi, mẹ vừa khoác lên một chiếc áo choàng màu trắng tinh khôi xinh đẹp và thanh lịch! Cảm ơn mẹ cho con thưởng thức được điều đó.” Ngày qua ngày, tôi học cách tiếp xúc sâu sắc hơn với cái đẹp của sự sống, với mối tình tôi dành cho sự sống. Những khi nằm xuống, tôi thường nói: “Đất Mẹ thân yêu, xin hãy ôm ấp con, tiếp nhận những đau nhức trong cơ thể con, và giúp con ôm ấp chúng,” “Xin giúp con chăm sóc những niềm đau này và chấp nhận như chúng đang là.” Khi bạn có thể giao phó khổ đau của mình cho một cái gì đó bao la vĩ đại hơn so với cái thân hình trên dưới 1mét 7 này, bạn sẽ không còn cảm thấy quá cô đơn hoặc bị vướng mắc vào niềm đau nỗi khổ. Bạn sẽ không còn cảm thấy quá giận dữ hay thất vọng, vì bạn đã giao phó nó cho Đất Mẹ, cho Cha Trời, cho Bụt Tổ. Vì bạn là một phần của sự sống nên dù có gì xảy ra đi nữa, bạn vẫn sẽ tiếp tục hành trình với sự sống.

Vào đêm Giao thừa năm nay, đại chúng xuất sĩ và cư sĩ huân tập để nghe lời cầu nguyện và thực tập Sám pháp địa xúc để tạ ơn Đất Mẹ. Trên đường trở về phòng, một cái thấy đã đến với tôi. Nhiều năm về trước, khi tôi còn nhỏ, tôi đã bước trên lưng mẹ tôi và tôi không hề quan tâm đến cơ thể của mẹ, không màng đến sự đau đớn của mẹ. Nhưng giờ đây tôi là một người đã trưởng thành, có học thức, có hiểu biết, nếu tôi đi bộ trên mặt đất và không biết rằng mình đang đi bộ trên mặt đất thì chẳng khác gì tôi của mấy chục năm về trước, đi trên lưng Mẹ mà không biết là đang đi, đang dẫm đạp lên cơ thể Mẹ, đang gây nhiều đau đớn cho Mẹ mà không hề biết đến điều đó.

Trái đất là Mẹ của chúng ta. Một số người trong chúng ta chưa bao giờ được gặp mẹ và một số khác đã mất mẹ khi còn nhỏ hoặc khi đã lớn; nhưng chúng ta luôn luôn tìm kiếm mẹ. Ngay cả khi bạn còn có mẹ bên mình, có thể bạn vẫn không thấy hạnh phúc, không hài hòa với mẹ. Hoặc có thể là bạn không thể tha thứ cho những vụng về của mẹ, những nỗi khổ đau và buồn phiền mà mẹ đã trao truyền cho bạn. Vì thế, bạn hãy tiếp xúc với Đất Mẹ tuyệt vời này. Đất Mẹ có thua kém gì mẹ của bạn không? Người ta định nghĩa “mẹ” như thế nào? Đất Mẹ cung cấp tất cả mọi thứ, ngay cả cơ thể của chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta hàng ngày, và cả không khí để chúng ta thở. Khi người mẹ ruột sinh ta ra, dây rốn đã được cắt ngay sau đó; nhưng với Đất Mẹ, dây rốn không bao giờ bị cắt. Tại sao? Bởi vì chúng ta vẫn còn nằm trong tử cung của Mẹ, trong vùng khí quyển bao la này, phải không? Ra khỏi bầu khí quyển là bạn mất hết mọi thứ, và không thở được là đời bạn chấm dứt! Vì vậy, chúng ta vẫn còn trong tử cung của Đất Mẹ chúng ta.

Khi bạn thực sự tiếp xúc với Đất Mẹ và ý thức điều đó mỗi ngày, bạn sẽ không còn cảm thấy buồn khổ và cô đơn. Bạn sẽ không nói: “Tội nghiệp cho tôi, tôi không có mẹ.” “Tội nghiệp cho tôi, tôi đã mất cha khi còn nhỏ dại.” Hoặc: “Thật khổ cho tôi, cha mẹ tôi quá thô bạo.” Hãy nhớ rằng Đất Mẹ và Trời Cha luôn luôn có mặt đó cho chúng ta. Như vậy, khi đang đi trở về phòng, tôi bỗng nhận ra rằng bây giờ chưa phải là quá muộn để chăm sóc những gì đã thành quá khứ. Hồi đó tôi không nghĩ gì đến cơ thể và cơn đau của mẹ tôi, nhưng bây giờ tôi ý thức được cơ thể và sự đau đớn của Đất Mẹ nên tôi có thể hết lòng chăm sóc Đất Mẹ, hết lòng sống một cuộc sống đẹp nhất, sống một cách bình an, thanh thản nhất, để có thể bước trên thân Mẹ những bước nhẹ nhàng và đầy chánh niệm. Như vậy, một ngày nào đó, tôi sẽ không nhìn lại quá khứ và hối tiếc, nhất là vào thời điểm cuối cùng của cuộc đời, tôi sẽ không phải nói rằng: “Tôi đã không biết sống cuộc đời của tôi, tôi đã không tiếp xúc được với tình yêu trong cuộc đời.”

Nhiều người đã thực sự khóc lóc hay gào thét trong giờ phút cuối cùng của họ; tiếng kêu gào của họ nghe rất rùng rợn, kinh khiếp. Tôi đã nhiều lần nghe các bệnh nhân nguyền rủa các bác sĩ và y tá và họ cứ la la hét hét mãi vì họ quá sợ hãi. Tôi cũng đã thấy nhiều bệnh nhân khi nằm trên giường bệnh, họ chỉ nhìn ra ngoài cửa phòng để chờ một ai đó đến; nhưng ngày này qua ngày khác vẫn không có người nào đến, thậm chí vợ chồng hoặc con cái của họ. Như thế, họ cứ lặng lẽ chìm dần vào niềm tuyệt vọng sâu thẳm trong những giây phút cuối cùng của đời họ, thật thê thảm và tội nghiệp.

Nỗi khổ đau to lớn của tôi!

Chúng ta thường ao ước rằng chúng ta có thể tìm thấy một người nào đó yêu thương chúng ta, một người hoàn hảo, tương hợp (compatible) và người đó có thể chăm sóc chúng ta. Nhưng bao nhiêu người trong chúng ta đã tìm được một người lý tưởng như vậy? Dù có tìm được, liệu chúng ta có đủ khả năng để duy trì được tình yêu đó và chăm sóc người đó nếu chúng ta không biết có mặt với chính mình, không biết chăm sóc và trân quý cơ thể của chính mình? Nếu bạn không biết chăm sóc bản thân mình như vậy, thì ngay cả khi bạn tìm thấy một người hoàn hảo nhất – ví dụ như Đức Bụt hay Đức Chúa Trời – bạn cũng sẽ làm hư hỏng con người tuyệt vời ấy và biến họ thành một kẻ hay tức giận, lo lắng và ganh tị.

Ngay cả khi người hoàn hảo ấy đến với bạn, nhưng nếu bạn không có mặt với chính mình, thì trong những giờ phút khó khăn, bạn sẽ đẩy người đó ra, không để họ gần gũi chăm sóc cho bạn. Khi không biết chăm sóc mình, chúng ta chỉ muốn sống co rút lại với những nỗi khổ niềm đau của riêng mình và chúng ta không tiếp xúc sâu sắc được với ai khác. Bạn có kinh nghiệm này không?

Bạn chỉ muốn tránh xa những gì tốt đẹp để có thể ôm chặt những khổ đau này lại với mình. Như vậy, chúng ta thấy có nhiều cách để xử lý khổ đau. Người thiếu phụ trẻ Kenya đã ôm ấp đứa con tật nguyền của cô với sự dịu dàng hiếm thấy. Nhưng nhiều người trong chúng ta không biết làm thế nào để đối xử với những khổ đau của mình. Một là chúng ta chạy xa nó, chúng ta chối bỏ nó ngay cả khi nó có ở đó. Một cách khác là chúng ta bám víu vào nó để nó luôn là bóng ma che mờ hiện tại.

Khi còn là sinh viên y khoa, tôi rất thích làm thơ nên thường đến dự những buổi đọc thơ tự do công cộng. Tôi nhớ một hôm có một người đứng lên đọc bài thơ của anh ta. Anh la lớn: “Nỗi khổ đau! Nỗi khổ đau to lớn của tôi! Nỗi khổ đau của tôi to lớn hơn tất cả khổ đau của bạn! Ôi, nỗi khổ đau của tôi!” Tôi không nhớ phần còn lại của bài thơ này mà chỉ nhớ “nỗi khổ đau to lớn” của anh ta thôi. Hầu hết chúng ta ôm giữ niềm khổ đau của chúng ta theo cách đó: “Nỗi khổ đau của tôi là như thế và không ai được chạm vào nó, hoặc nói về nó! Đừng làm bất cứ điều gì với khối khổ đau này vì nó là của riêng tôi.” Chúng ta ôm chặt lấy khổ đau như tình nhân tuyệt vời nhất của đời mình. Nếu tôi hỏi bạn thích tự do hay đau khổ? thì chắc chắn tất cả các bạn đều ngỏ ý thích tự do. Nhưng sự thật là chúng ta rất ghiền khổ đau! We are addicted to our own suffering. Dù trốn chạy nó hay ôm ghì nó, đó cũng chỉ là những phương cách để chúng ta giữ lấy khổ đau và nuôi dưỡng nó, vì nó là “của” chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải làm cách nào để tránh không bị vướng mắc với những niềm đau và nỗi khổ của chúng ta?

Niết Bàn hữu dư

Như một người đang quan sát chim bay lượn trên trời cao (a bird watcher), thở vào, bạn hãy ý thức hơi thở vào như nó đang là. Thở ra, bạn hãy ý thức hơi thở ra như nó đang là. Rồi để ý xem bạn có thể theo dõi hơi thở từ đầu đến cuối và có thể tiếp xúc với khoảng nghỉ (a pause) ở cuối hơi thở vào. Hãy mỉm cười ở khoảng nghỉ đó. Khi thở ra, bạn cũng theo hơi thở ra từ đầu đến cuối cho đến khoảng nghỉ. Khi đang ở trong khoảng nghỉ đó, hãy thư giãn toàn bộ thân và tâm của bạn. Tiếp tục theo dõi hơi thở vào, ra của bạn. Nếu một cảm xúc hoặc một ý nghĩ khởi lên, bạn chỉ cần đơn giản mỉm cười với nó. Bạn đừng để dính mắc vào nó nhưng cũng đừng xua đuổi nó; bạn chỉ cần mỉm cười với nó, thở nó ra, và neo tâm mình vào hơi thở chánh niệm.

Trong đêm Giao thừa dương lịch vừa qua, Thầy đã nói một bài Pháp thoại trong đó có nhắc đến Niết Bàn. Hầu hết khi nghe từ Niết Bàn, chúng ta nghĩ đến một nơi hay một trạng thái siêu nhiên phi thường. Nhưng Thầy đã cho biết rằng chữ “Niết Bàn” thực sự đã bắt nguồn từ một từ ngữ phổ biến của người dân nông thôn ở Ấn Độ để mô tả một ngọn lửa đã được dập tắt qua đêm, tro không còn nóng, và tất cả mọi thứ đang ở trong trạng thái mát mẻ (a state of coolness). Nếu bạn đặt bàn tay vào đó, nó sẽ không thiêu đốt bạn như trước, đó là Niết bàn. Vì vậy, Niết bàn được định nghĩa là trạng thái mát mẻ của tâm, khi tâm không còn phiền não và tri kiến sai lầm.

Khi bạn theo dõi hơi thở từ đầu đến cuối và tâm của bạn ngừng suy nghĩ, tâm có mặt với hơi thở thì đó là Niết Bàn, bạn thấy không? Bởi vì trong thời điểm đó, bạn đã thoát ra khỏi phiền não, thoát ra mọi tri kiến, chỉ còn có không gian bao la, sự tĩnh lặng và yên bình. Bạn không nghĩ về quá khứ và không bị những gì trong quá khứ níu kéo hệ luỵ. Bạn không nghĩ về tương lai và không bị tương lai nắm bắt, không tính toán âu lo. Bạn chỉ đơn giản có mặt trong hiện tại, thân và tâm là một với hơi thở vô biên. Vì bạn có chánh niệm, có sự dừng lại, nên trong một hơi thở, bạn có thể tiếp xúc và trải nghiệm Niết bàn. Theo dõi hơi thở vào từ đầu đến cuối, mỉm cười và buông thư trong khoảng nghỉ ở cuối hơi thở. Theo dõi hơi thở ra từ đầu đến cuối, mỉm cười và buông thư trong khoảng nghỉ ở cuối hơi thở. Bạn được giải thoát và hoàn toàn tự do trong thời điểm của khoảng nghỉ này. Có điều gì phi thường hơn mà bạn muốn nghe hoặc thấy ngoài điều bạn vừa trải nghiệm? Điều phi thường có ngay ở đó!

Hoặc khi bạn thấy một cái gì đó như thị, bạn cũng đang trải nghiệm Niết bàn, bởi vì bạn đã thoát ra khỏi các kinh nghiệm quá khứ, thoát ra khỏi các thể loại đã thiết lập mã hóa trong não bộ, và bạn thấy nó đang là ngay trong giây phút này, đó là Niết bàn. Mặc dù vẫn còn những khổ đau trong thân và tâm, vẫn có những điều đang thiêu đốt chúng ta (hữu dư nghĩa là vẫn còn những phiền não – with residues or remnants), nhưng trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn có thể tiếp xúc với sự tự do, thanh thản, với sự mát mẻ của Niết bàn; đó là Niết bàn hữu dư. Chúng ta vẫn có thể tiếp xúc với niềm vui và sự linh thiêng khi chúng ta biết trở về với hơi thở và hình hài 5 uẩn, khi chúng ta biết có mặt với sự sống như nó đang là.

Một tích tắc do dự

Khoảng 2 tháng trước khi tôi về Làng Mai để xuất gia, một hôm tôi lái xe đến bệnh viện để trả sách và cũng để nói đôi lời tạm biệt với các bạn đồng nghiệp và ông giám đốc của bệnh viện. Trên đường về, trong khi lái xe trên xa lộ, có một bà đang lái xe song song với tôi đã đưa tay vẫy vẫy và chỉ vào trước xe tôi; tôi thấy đầu xe của tôi đang bốc khói. Tuy kiến thức về xe cộ của tôi rất ít ỏi, nhưng khi đó tôi cũng biết là mình phải tìm một Exit để ra khỏi xa lộ và ngừng xe lại. Nhưng khi tôi đạp nhẹ thắng để vào Exit, chiếc xe vẫn chạy nhanh; tôi đạp mạnh hơn nhưng nó vẫn tiếp tục chạy rất nhanh, và cuối cùng tôi đạp hết cỡ vào thắng nhưng xe vẫn lao nhanh vào Exit.

Trong giây phút đó, vô số hình ảnh đã xuất hiện trong tâm trí tôi. Tôi nhìn vào những hình ảnh đang liên tiếp lật qua trong đầu tôi, trong khi hai tay tôi vẫn bám chặt vào tay lái. Không phải trí năng của tôi, mà từ một nơi sâu xa của tâm thức cho tôi biết đây là những hình ảnh của cuộc đời tôi, những khoảnh khắc khác nhau mà tôi đã sống qua, và tuy những hình ảnh liên tục hiện ra như tia chớp, tôi “biết” rõ ý nghĩa của mỗi hình ảnh.

Tôi tiếp tục nhìn những hình ảnh và chỉ có một ý nghĩ duy nhất khởi lên trong tôi: “Bạn của tôi đã chết rất đẹp, nhưng tôi, tôi sẽ chết với đầy bạo động.” Tay tôi vẫn bám chặt cứng vào tay lái trong khi chiếc xe lao nhanh vào cuối đường exit, băng qua trục giao thông, qua đèn xanh đèn đỏ và tất cả mọi thứ cho đến khi nó hết đà và dừng lại ngay giữa một con đường vắng vẻ. Tôi bước ra khỏi xe, đi bộ khoảng 15 phút đến cửa hàng gần nhất để mua vài thùng nước để đổ lên đầu xe đang bốc khói; khi đó tôi mới nhận ra rằng tôi không thể xách các thùng nước này trở lại xe vì chúng quá nặng đối với tôi.

Sau đó, tôi thấy một người đàn ông rất cao lớn khoảng 40 tuổi đang đi tới và tôi liền hỏi ông ta: “Ông có thể giúp tôi không?” tôi nói với ông tất cả những gì vừa xảy ra. Ông đồng ý chở tôi cùng các thùng nước đến xe giùm tôi. Ông nhận xét tình hình xe và nói: “Nếu cô đổ nước lạnh lên cái động cơ đang nóng khủng khiếp này, nó sẽ bị rạn nứt. Bộ tản nhiệt đã bị hỏng, không làm mát được động cơ.” Sau đó, ông ta đã giúp tôi gọi người đến câu xe đi. Tôi lại hỏi ông: “Ông có thể lái xe đưa tôi đến ga xe lửa không? Bởi vì tôi cần tham dự buổi cúng thất của bạn tôi và bây giờ đã quá trễ. Tôi xin ông vui lòng đưa tôi đến ga xe lửa.” Ông nói ok và lái xe đưa tôi đi. Vì tôi vừa ra khỏi xa lộ để vào một exit lạ nên đây là thành phố nào và tôi đang ở đâu, tôi cũng không biết nữa. Vì vậy, khi ông lái xe, tôi chỉ ngồi và nói chuyện một cách rất thân tình với ông ta.

Là một bác sĩ trẻ mới ra trường, tôi đã không ngần ngại cho ông nhiều lời khuyên: “Ông biết đấy, ông hơi mập, ông cần ăn uống lành mạnh, ông cần phải tập thể dục nhiều hơn để được khỏe mạnh hơn.” Ông ấy kể với tôi rằng ông ta thường lái một chiếc mô-tô hạng nặng loại Harley Davison và ông có một cô con gái mà đã nhiều năm nay ông không được gặp. Tôi lại “giảng” tiếp: “Điều quan trọng là ông phải khỏe mạnh”- hồi đó tôi chỉ mới đi tu học có một lần, nhưng hình như ý niệm này đã có sẵn trong gene của tôi – “Ông phải chăm sóc tốt cho bản thân để ông có thể thực sự có mặt cho con gái của ông và ông nên cố gắng giữ liên lạc với cháu vì cháu rất cần một người cha. Tôi lớn lên không được gần cha mình nên tôi bị mất mát rất nhiều. Ông nên cố gắng tìm gặp con ông để con ông vui.” Như vậy là chúng tôi đã thành thật tâm sự với nhau một lúc khá lâu trong xe.

Bất chợt khi nhìn ra ngoài cửa xe, tôi rất ngạc nhiên và nhận ra rằng chúng tôi đang ở trong sa mạc, bởi vì tôi trông thấy rất nhiều cây xương rồng mọc rải rác khắp nơi. Tôi ngừng nói và giữ im lặng hoàn toàn khi tôi nhìn quanh và thấy xe đã chạy vào một con đường đất trông rất hoang vắng và xa lạ. Một lúc sau, xe đến một khu nhà di động trông tồi tàn, cũ nát, cách xa nhau. Ông ta ngừng xe trước một căn nhà như vậy và nói: “Tôi cần phải gọi điện thoại,” và ông lấy theo chìa khoá xe, đi vào nhà, để tôi ngồi trong xe một mình.

Tôi ngồi đó một lúc lâu nhưng cuối cùng tôi cũng bước ra khỏi xe, tôi bước lên thang cấp, nhìn vào và thấy ông ta đang đứng ngay tại một cái bàn nhỏ, kế bên là cái giường, và phần còn lại trong phòng thì tối thui. Tôi cảm được rằng ông ta đang đắn đo suy nghĩ không biết phải làm gì trong thời điểm đó; ông đang bị cấu xé và do dự trong tâm. Ông nhìn lên, tôi đứng thật yên, rồi tôi đi lùi vài bước và trở lại ngồi trong xe. Tôi biết tôi không thể chạy trốn và cũng không thể la lớn vì xung quanh tôi là sa mạc, hoàn toàn hoang vắng, không có một bóng người. Tôi không thể làm gì khác hơn là ngồi yên trong xe. Tôi rất biết ơn tổ tiên của tôi đã cho tôi khả năng này; trong những giây phút nguy hiểm của cuộc đời tôi, tôi rất bình tĩnh có mặt ngay trong giây phút đó, không suy nghĩ gì, và không làm gì cả. Thái độ bình tĩnh, im lặng này thực sự đã nhiều lần cứu tôi, và lần này là một. Tôi chỉ ngồi yên ở đó. Từ từ ông ấy bước ra khỏi nhà, mở cửa xe, leo lên và ông đóng sầm cửa lại. Rồi ông mở máy, lái xe đưa tôi ra khỏi khu vực hẻo lánh đó và đưa tôi đến ga xe lửa.

Suốt đoạn đường đi, ông và tôi không hề nói với nhau một lời nào. Tôi biết, vì một lý do nào đó, ông ấy đã tha cho tôi, không hành hạ hoặc xúc phạm đến tôi. Bạn biết không, tôi đã ôm người đàn ông cao lớn khổng lồ ấy, hai cánh tay tôi tuy không thể ôm hết vòng bụng của ông nhưng tôi ôm ông rất chặt – dù tôi chưa được học về phương pháp thiền ôm lúc đó! Nhưng đó là một cái thiền ôm thực sự bởi vì tôi đã có mặt ở đó, tôi biết ông ấy cũng có mặt ở đó, và tôi biết rất rõ tôi vẫn còn sống. Sau đó ông lái xe đi và tôi đã đến dự buổi lễ cúng thất cho bạn tôi. Tôi đã thoát chết hai lần trong một ngày, lần đầu khi xe của tôi lao vào Exit mà không có thắng, và lần thứ hai khi người đàn ông chở tôi vào sa mạc. Nhưng rồi chuyện này cũng rơi vào quên lãng vì tôi phải thu xếp nhiều việc trước khi về Làng.

Cho đến sau khi tôi xuất gia, một hôm trong buổi ngồi thiền những hình ảnh này đã trở về trong tâm trí và tôi nhận ra điều gì đã cứu tôi. Đó là bởi vì tôi đã đối xử với người đàn ông ấy như một con người, không hề có sự phân biệt kỳ thị, bởi vì tôi đã quan tâm đến hạnh phúc và khổ đau của ông ta như của chính tôi. Tôi thấy được một con người đẹp trong ông ta và tôi muốn ông được hạnh phúc, tôi muốn con ông được hạnh phúc. Vì vậy, mặc dù đã có những động cơ khác trong ông, ông đã không nỡ làm tổn hại tôi. Phật tánh trong ông đã được tưới tẩm và đã làm cho ông do dự (hesitated). Chỉ cần ông do dự trong một tích tắc mà mạng sống của tôi đã được bảo toàn.

Nụ cười đêm thâu

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể rất vụng về trong ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Chúng ta có thể vụng về, thiếu sót đối với bản thân, với những người thân yêu và nhiều người khác. Những người khác cũng có thể rất vụng về khi đối xử với chúng ta. Nhưng chúng ta có can đảm để có thể tiếp tục cởi mở với sự sống, tiếp xúc với mọi thứ như chúng đang là trong giây phút đó, không để chúng bị bóp méo bởi khung kính màu của quá khứ hay không?

Đối với tôi, đây là khả năng quý báu nhất khi chúng ta có thể có mặt với những gì xảy ra trong hiện tại, dù đó là niềm vui hay nỗi khổ, dù sự việc dễ dàng hay khó khăn. Chỉ cần có mặt với nó. Hơi thở và các bước chân ý thức sẽ giúp bạn; tâm an trú trong thân sẽ giúp bạn. Chúng giúp bạn sống giây phút hiện tại như nó đang là, thay vì sống như một nạn nhân của quá khứ hoặc của tương lai.

Ngay trong thời điểm này khi bạn tiếp xúc với sự vật như nó đang là (as it is), bạn đang thực sự chăm sóc và chữa lành quá khứ. Quá khứ vẫn còn sống động trong hiện tại, và quá khứ sẽ được chữa lành khi tâm của bạn tiếp xúc nó với sự thanh thản, với niềm vui và sự linh thiêng. Nếu bạn có thể tiếp xúc với sự thanh thản, với niềm vui và sự linh thiêng trong thời điểm hiện tại, bạn biết rằng tương lai cũng đang được chăm sóc, vì nền tảng của tương lai chính là hiện tại. Chúng ta thường muốn hy sinh giây phút hiện tại để cố gắng níu kéo quá khứ hoặc theo đuổi tương lai. Chúng ta thường nói: “Tôi không có thì giờ để thực tập, đó là một thứ xa xỉ!” hoặc giả “Để vài năm nữa rồi tôi thực tập.” Vâng, nhưng khi bạn già hơn, tâm của bạn có thể sẽ không còn sáng suốt như bây giờ để dễ dàng tu học.

Nếu bạn không tiếp xúc với thời điểm hiện tại như nó đang là, bạn vẫn phải đi qua những thời điểm đó, bạn không thấy sao? Bạn vẫn phải ăn, vẫn phải thở, vẫn phải đi bộ, vẫn phải dùng phòng vệ sinh, và vẫn phải làm việc, có gì khác đâu? Chúng ta thường hay hiểu lầm về sự thực tập chánh niệm và nghĩ rằng nó là một cái gì đó nằm ngoài cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nhưng sự thực tập không nằm ngoài cuộc sống, không nằm ngoài những sự bình thường và phàm tục. “Nó” nằm ngay trong thời điểm của bất cứ điều gì bạn đang làm, như đang ăn, đang thở, đang đi và đang làm việc; và “nó” có thể là khổ đau, “nó” có thể là một lỗi lầm, và “nó” cũng có thể là niềm vui và sự linh thiêng mà bạn đang tiếp xúc.

Có một câu chuyện thiền nổi tiếng về một đệ tử hỏi vị Thiền sư: “Con có thể tìm Vô sinh và Bất diệt ở đâu?” và vị thiền sư trả lời: “Tìm vô sinh bất diệt ngay trong sinh diệt.” Như thế, trong truyền thống đạo Bụt, khi tìm hiểu về sự thực tập, chúng ta không nên tìm cầu những điều siêu nhiên hoặc huyền bí, mà chỉ cần làm lắng dịu thân và tâm để chúng ta có thể có mặt thật sự với cuộc đời của chúng ta.

Cây nến trước mặt tôi đã cháy gần một giờ, và khi sắp tắt nó sẽ bừng sáng lên một lần cuối rồi mới tắt. Ban đêm tôi thường thắp một ngọn nến và nằm xuống để thở, để làm giảm sự căng thẳng, đau nhức trong thân tôi, và xin Đất Mẹ ôm lấy chúng. Tôi nằm thở như thế rất lâu với ánh nến mờ nhạt ở phía sau tôi, nhưng đến một lúc nào đó đột nhiên nó bừng sáng lên và tôi biết rằng ngọn nến sắp tắt.

Một nén hương cũng vậy, nó sáng lên rồi mới tắt; và một sư anh của tôi nói đó là nén hương mỉm cười (the incense smiles). Nến cũng mỉm cười trước khi tắt. Chúng ta có thể mỉm cười như thế với cái chết trong giờ phút cuối cùng của đời mình, với cái chết mà hiện bây giờ đang có mặt trong từng giây từng phút? Bạn có thể mỉm cười mỗi khi bạn cảm nhận sự đau nhức và khổ đau trong thân tâm của bạn? Bạn có biết làm thế nào để thư giãn, để có mặt với những gì đang xảy ra như nó đang là? Chúng ta phải thực tập hàng ngày mới có được những khả năng này chứ không phải tình cờ mà có.

Cũng có những người không tu học theo một pháp môn nhất định nào, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, họ có những xu hướng bẩm sinh khiến họ sống hồn nhiên, hài hoà và tiếp xúc được với sự thiêng liêng của sự sống. Với năng lượng chánh niệm chế tác hàng ngày, chúng ta chắc chắn có thể tiếp xúc với hạnh phúc và sự thiêng liêng trong đoá hoa, ngọn cỏ, nụ cười của ngọn nến, của nén hương.

Khi tôi đang đi thiền hành trở về phòng sau buổi lễ mừng năm mới, tôi chợt hiểu rằng sở dĩ chúng ta rất sợ chết là bởi vì trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không tiếp xúc được với sự sống của chúng ta. Nếu tiếp xúc sâu sắc với sự sống, chúng ta sẽ thấy cái chết nằm ngay trong sự sống và nó luôn luôn có mặt ở đó. Chúng ta biết rằng mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta vẫn tiếp tục tái sinh và chết đi, tiếp tục sinh diệt. Khi bạn thở một hơi thở vào, cái gì đã xảy ra với hơi thở ra trong khoảng nghỉ trước đó để hơi thở vào này có thể xảy ra? Bạn phải buông hơi thở ra để hơi thở vào kế tiếp có thể xảy ra. Vì vậy, bạn có thể thực tập theo dõi hơi thở bất cứ nơi nào, khi bạn ngồi vào máy tính, khi lái xe, hoặc khi điện thoại reng và bạn thở, bạn sẽ tiếp xúc với cái đến và cái đi của sự sống và bạn cũng sẽ tiếp xúc với cái không-đến và không-đi, cái Vô sinh bất diệt của nó.

Bạn có thể thực tập thiền đi, thực tập trở về ngôi nhà đích thực trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Nhà là cơ thể của bạn, nhà là những gì bạn đang có bây giờ và ở đây, nhà là Đất Mẹ. Sau này bạn sẽ không phải sợ hãi khi bạn phải nằm xuống vì thân thể của bạn không thể làm gì khác nữa. Bạn sẽ không phải sợ hãi khi thở đến hơi thở cuối cùng của bạn bởi vì bạn đã biết cách trở về nhà trong mỗi phút giây. Chỉ có những người không chịu về nhà, cứ quanh quẩn bên ngoài và xa lạ với chính bản thân mình, chính những người đó mới có nhiều sợ hãi. Cây nến dạy chúng ta mỉm cười, nén hương cũng dạy chúng ta mỉm cười; đây là những bậc thầy của chúng ta. Đây cũng là những gì những người tu chúng tôi thực nghiệm trong sự tu học hàng ngày. Ngoài ra, chúng tôi không có gì phi thường hoặc siêu phàm hơn để có thể làm vui các bạn.