Tìm con đường giác ngộ

Con xin được hỏi:

Con năm nay 25 tuổi. Tuổi thơ con có nhiều buồn đau và chán đời, nhưng ba mẹ chỉ có một mình con, vì vậy con luôn tự nhủ rằng phải cố gắng sống đến khi nào ba mẹ qua đời thì con sẽ đi tu. Gia đình con là đạo Cao Đài nên mẹ cũng muốn con theo đạo, nhưng con lại luôn nghĩ là con sẽ theo đạo Phật. Gần đây con có quen một người bạn và người này đã giúp con hiểu biết thêm về đạo Phật. Con đã được đọc nhiều sách (như Đường Xưa Mây Trắng, Hành Trình Về Phương Đông…) và cảm thấy đời sống tu hành thật an lạc, từ đó con muốn tìm một con đường giác ngộ. Có nhiều người cũng nhận ra cuộc sống vô thường, nhưng tại sao họ không thể bỏ tất cả để đi trên con đường giác ngộ? Có phải vì không có người hướng dẫn? Có nhiều người vào chùa tu nhưng tâm họ chưa thật sự vứt bỏ thì sẽ khó giác ngộ? Con kính mong quý thầy, quý sư cô có thể lắng nghe và hướng dẫn để giúp con tìm được con đường giác ngộ một cách đúng đắn.

Thầy Tâm Quả chia sẻ:

Mình rất vui khi được chia sẻ với bạn bằng sự hiểu biết và sự thực tập của mình.

Mình có cơ duyên trở thành người xuất gia trẻ và đã được nuôi dưỡng, bảo hộ bởi môi trường và tăng thân. Cho nên mình đã lớn lên trong môi trường đó. Do vậy, mình cảm thấy rất hạnh phúc và biết ơn đến Thầy và tăng thân. Bạn biết không? khi nào chúng ta còn duy trì và thực tập lòng biết ơn, thì lúc đó ta còn có hạnh phúc. Hạnh phúc của người xuất gia đến từ lòng biết ơn và sự thực tập, chứ nó không đến bằng sự quyền hành, tiền tài hay danh vọng.

Tiếng Phạn gọi là Buddha, trung Hoa dịch là Phật Đà và tiếng Việt gọi là Bụt Đà – có nghĩa là người tỉnh thức hay giác ngộ. Nếu chúng ta muốn tỉnh thức hay giác ngộ như Phật thì chúng ta phải có chánh niệm trong cuộc sống. Nghĩa là, chúng ta biết được những gì đang xảy ra trong thân ta và chung quanh ta. chúng ta phải biết ôm ấp và chuyển hóa những cảm xúc mỗi khi chúng trào lên. Ví như, khi giận, chúng ta biết rằng chúng ta đang giận; khi có niềm đau, nỗi khổ, chúng ta biết chúng ta đang có khổ đau và chúng ta trở về để chuyển hóa và trị liệu nó. Chúng ta phải thừa nhận, những hạt giống giận hờn và khổ đau đang có mặt trong ta, để ôm ấp và chuyển hóa nó. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng công nhận rằng mình cũng có những hạt giống tốt như là hạnh phúc, tha thứ, hiểu biết và bao dung, nhưng vì chúng ta không biết nuôi dưỡng nên nó không mọc tốt tươi và đơm hoa kết trái. Cho nên bây giờ mình muốn chia sẻ với bạn một phương pháp thực tập để nuôi dưỡng những hạt giống hạnh phúc đó trong bạn. Từ bây giờ trở đi, mỗi buổi mai thức dậy, bạn đừng xuống giường liền, như thói quen hằng ngày và đọc thầm bài thơ này:

“Thức dậy miệng mỉm cười,
Hai mươi bốn giờ tinh khôi,
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời”.

Bạn thấy không, chỉ cần một bài thơ nho nhỏ này thôi chúng ta đã có thể chế tác được hạnh phúc và có thể nở được nụ cười rồi. Mặc dù cuộc đời có nhiều khổ đau, thì nụ cười này sẽ là nền tảng để nuôi dưỡng hạnh phúc trong ta và mọi người chung quanh ta. Khi chúng ta có hạnh phúc trong lòng thì chúng ta cảm thấy cuộc đời rất là mầu nhiệm, và chúng ta nhận ra rằng: “À, thì ra trong cuộc sống, nó có nhiều liên hệ với nhau và nương nhau mà tồn tại chứ nó không thể tồn tại độc lập một mình.”. Với cái thấy như vậy thì chúng ta mới có thể sử dụng được mắt thương để nhìn cuộc đời. Nguyện sống với lòng biết ơn sâu sắc, trọn vẹn với mọi người chung quanh ta. Cho dù bên cạnh chúng ta còn có một vài khổ đau và khó khăn, nhưng không phải vì vậy mà chúng ta không có hạnh phúc, bình an và lòng tự tin. Nếu bạn thực tập được như vậy một cách miên mật thì bạn sẽ trở nên người có tự do và hạnh phúc.

Chúc bạn thành công!