Giữ gìn tự do – bảo vật của người xuất gia

Câu hỏi: Con là một tỳ kheo trẻ mới thọ Giới Lớn, tâm bồ đề và lý tưởng tu hành vẫn còn mạnh mẽ trong con. Gần đây có một cô bé tỏ lời yêu thương con dù là chỉ mới gặp có một lần, kiểu như “tình yêu sét đánh”. Cô ấy nói là có tình cảm với con rất nhiều. Con không yêu cô bé đó, con chỉ coi cô ấy như em gái. Con đã giải thích như thế nhiều lần nhưng cô ấy không tin con. Con không muốn quay lại sống cuộc sống thế tục. Làm thế nào để con vẫn đi tiếp con đường lý tưởng của mình mà không làm tổn thương cô bé ấy?

Chia sẻ của một thầy Làng Mai:

Sư em thương quý, lắng nghe những lời chia sẻ của sư em, sư anh thấy quý sư em vô cùng. Có thể nói sư em là một người xuất gia trẻ có tâm hồn cởi mở, có khát khao muốn thực tập để làm mới chính mình, có lý tưởng của người xuất gia. Và điều khiến sư anh quý sư em hơn cả là sự thực tập trở về nương tựa Tăng thân. Sư em đã can đảm đặt câu hỏi này và xin sự soi sáng từ Tăng thân để giúp sư em thấy rõ những gì nên hay không nên làm khi gặp khó khăn. Thực tập nương tựa Tăng, một trong Ba Ngôi Báu thiết thực cho chúng ta quay về nương tựa.

Sư em, là con người ai cũng có nhu cầu thương, được thương và được người khác quan tâm. Hạt giống tình cảm đó không phải tự mình có, nó đã được trao truyền từ cha mẹ, tổ tiên huyết thống, cũng như đã được huân tập từ môi trường và xã hội nơi mình đang sống. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có những hạt giống tốt khác như hạt giống thương yêu hiểu biết, hạt giống trí tuệ và tự do đã được trao truyền từ Bụt, từ Thầy Tổ và huynh đệ của chúng ta. Nhận diện được nguồn gốc của những hạt giống đó sẽ giúp sư em đi ra khỏi mặc cảm và biết được hạt giống nào nên tưới tẩm và hạt giống nào nên chuyển hóa để thân tâm được nhẹ nhàng hơn.

Sư em, chuyện xảy ra ngoài ý muốn của sư em, không ai muốn mình bị như vậy, đúng không? Tuy nhiên mình cũng cần nhìn lại, tâm mình chứ đâu phải là cánh cửa tự động, ai vào ra cũng mở. Cái gì cũng có nguyên nhân từ hai phía và người tu thì phải dứt khoát. Khi biết cô bé đó có tâm ý không lành mạnh thì sư em phải dừng lại sự liên hệ ngay. Đừng bao giờ xem thường bất cứ chuyện gì và cho đó là bình thường. Sư anh tin là sư em biết mình nên làm gì. Tình thương mà cô bé đó đang có với sư em là tình thương có sự chiếm hữu và trói buộc, sư em có muốn mình bị chiếm hữu, bị trói buộc trong tình thương nhỏ hẹp ấy không?

Dù cô bé “có tình cảm rất nhiều” thiệt thì một người đã phát nguyện đi xuất gia rồi, phát nguyện THƯƠNG YÊU LỚN và phát nguyện đi theo LÝ TƯỞNG THANH CAO rồi thì có nên để cho chuyện tình cảm lôi kéo mình đi không? Những câu hỏi đặt ra không chỉ cho sư em mà bất cứ ai lâm vào tình trạng này cũng cần nhìn lại. Nếu sư em dứt khoát không liên lạc, buông bỏ mối liên hệ ấy bằng cách trở về phòng hộ sáu căn thì những lời dụ dỗ ngon ngọt êm tai ấy không thể lôi kéo sư em được.

Người xuất gia thì phải luôn biết hộ trì sáu căn mà Giới luật là nền tảng cho sự thực tập này. Khi hướng dẫn cho các vị khất sĩ biết cách phòng hộ sáu căn, Bụt đã dùng hình ảnh của biển: “Này các vị khất sĩ, mắt là một đại dương sâu, trong ấy có đầy những loài thủy quái, có đầy những con nước xoáy và những đợt sóng ngầm rất nguy hiểm. Nếu không đi trong chánh niệm, chiếc thuyền của quý vị sẽ bị những loài thủy quái, những con nước xoáy và những đợt sóng ngầm ấy làm cho đắm chìm trong biển sắc. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý của quý vị cũng là những đại dương sâu, trong ấy có đầy loài thủy quái…”

Mình có thể bị những hình ảnh âm thanh làm cho tâm mình chao đảo và bị chìm đắm nếu không biết cách phòng hộ sáu căn. Chiếc thuyền của sư em đang bị lâm vào tình trạng ấy đó, hãy trở về nắm lấy hơi thở chánh niệm như nắm vững tay chèo để vượt qua giai đoạn sóng gió này sư em nhé. (Sư em tìm đọc chương “Chim Cút Và Chim Ưng” trong sách Đường Xưa Mây Trắng của Sư Ông Làng Mai).

Là người xuất gia trẻ, chúng ta có rất nhiều thứ cần đầu tư vào phải không sư em. Mới thọ Giới Lớn thì mình cần nương Thầy bạn để học những Giới luật, Uy nghi của một vị Tỳ kheo để hành cho đúng pháp. Một vị Tỳ kheo thì đâu được phép liên lạc và nói chuyện riêng với một người khác phái không phải là mẹ hay chị em ruột của mình. Theo pháp môn Làng Mai, các thầy các sư cô mỗi khi đi đâu ra ngoài hay tiếp chuyện với người khác phái đều có đệ nhị thân (thân thứ hai) là người bạn đồng tu với mình đi chung. Đi hai người với nhau mình sẽ được bảo hộ, được chăm sóc kỹ hơn. Ai muốn gặp mình hay mình muốn gặp ai, muốn nói điều gì thì huynh đệ mình có mặt đó để yểm trợ cho mình khỏi rơi vào những lời nói, cử chỉ hay hành động thiếu Uy nghi. Đi một mình thì nguy hiểm lắm, nhất là khi sự thực tập của mình chưa đủ vững chãi, chánh niệm của mình chưa đủ lớn, mình sẽ bị những cái bên ngoài lôi kéo đi.

Điều thứ hai là một người tu sĩ trẻ mà dùng điện thoại di động và điện thư (email) riêng thì rất nguy hiểm. Nói vậy không có nghĩa người lớn dùng thì không nguy hiểm. Nếu không biết cách phòng hộ sáu căn, không thực tập uy nghi giới luật đàng hoàng thì đều nguy hiểm cả. Vì vậy sư anh khuyên sư em nên thực tập không sử dụng điện thư (email) và điện thoại di động riêng nếu sư em đang dùng, nhất là trong thời gian này. Các tin nhắn qua điện thoại hay những cuộc nói chuyện qua chat hoặc email sẽ kéo mình đi ra khỏi đời sống hiện tại của một người xuất gia và dìm mình vào thế giới của những tình cảm vướng mắc, đánh mất thì giờ tu học của mình.

Có khi nào sư em ngồi yên và tự hỏi với chính mình rằng: Uy nghi giới luật mình đã học và thực tập tới đâu; bước chân mình đi đã vững chãi chưa; mình ăn cơm có chánh niệm không; những pháp môn căn bản của người xuất gia liên quan như thế nào đến đời sống hàng ngày của mình; mình đã có mặt đích thực cho Thầy và huynh đệ của mình bao nhiêu phần trăm (%) trong ngày; sự thực tập của mình có ảnh hưởng gì đến sự chuyển hóa của gia đình mình không; mình có đích thực là một người tu thiệt, thực tập có đàng hoàng và có tự do không?… Đặt những câu hỏi đó với chính mình để giúp mình nhìn lại sự tu tập của mình lâu nay, sư anh cũng hay tự hỏi mình như vậy.

Vấn đề “tình yêu sét đánh” thì sư em cần phải xem lại. Sét đánh hay chính mình sẽ đánh mất mình? Nếu mình đi sâu vào chuyện vướng mắc tình cảm, mình sẽ đánh mất thì giờ tu học, sự có mặt của mình trong giây phút hiện tại với mọi người, đánh mất giấc ngủ sâu, bát cơm ngon, đánh mất con người thật của chính mình và có nguy cơ mình sẽ sống với những ảo tưởng không thật, vẽ vời đủ thứ. Mình sẽ đánh mất những gì trước đây mình có: tự do, niềm vui và cuộc sống nhẹ nhàng v.v.

Về phía cô bé đó cũng vậy. Một người yêu mình đích thực thì người đó sẽ biết yêu luôn lý tưởng của mình và biết tôn trọng mình. Có phải lâu nay sư em đã bị quấy rầy lắm không? Sư anh nói thật với sư em, sỡ dĩ cô bé đó thương sư em vì sư em là người xuất gia, có phong cách nhẹ nhàng, hiền lành và nét đẹp được tỏa chiếu từ sự hành trì Giới luật và Uy nghi, khác với những chàng trai bên ngoài. Nếu sư em không phải là người xuất gia, không thực tập Uy nghi Giới luật thì sẽ không có sự tỏa chiếu thảnh thơi, không có cái sáng của một con người giải thoát. Một khi sư em không tiếp tục hành trì Giới luật, Uy nghi mà để cho những tình cảm kéo đi thì ánh sáng đó cũng sẽ tắt dần thôi. Uy nghi giới luật của người xuất gia quan trọng và thiết thực lắm cho mình và cho mọi người. Sư em đang được thử thách và sư anh có niềm tin vào sự thực tập của sư em.

Sư em, đi xuất gia mình không chỉ tu cho riêng mình mà mình còn tu cho cả cha mẹ và tổ tiên. Sư em muốn mang cha mẹ, tổ tiên và Thầy tổ đi về nẻo sáng thì sư em nên chấm dứt sự liên lạc ngay bây giờ. Sư anh biết người xuất gia thì không bao giờ muốn làm tổn thương ai dù là con sâu con kiến. Cô bé đó chưa biết thực tập, chưa biết trân quý và giữ gìn cho người xuất gia, chỉ muốn chiếm hữu sư em thì sư em phải thực tập thay cho cô bé đó, giữ gìn và bảo hộ cho người xuất gia bằng cách tự bảo hộ cho chính mình. Sư em không cần “đối phó”, sư em chỉ cần nhận diện những gì đang xảy ra trong tâm sư em bằng cách trở về nắm lấy hơi thở sâu để làm lắng dịu những tâm hành lao xao trong mình và mỉm cười với chúng.

Có mặt với hơi thở trong những lúc cảm thọ phát khởi sẽ giúp sư em dừng lại tất cả những gì xảy ra trong tâm mình. Phải bám lấy hơi thở và có mặt với hơi thở liên tục, dùng hơi thở để cột tâm mình lại với chính mình trong giờ phút tâm mình bị chao đảo, như người đi thuyền nắm vững tay chèo trong khi gặp sóng gió để thuyền không bị đắm chìm. Thở vào thì biết là mình đang thở vào, thở ra thì biết là mình đang thở ra. Sự thực tập tuy đơn giản nhưng đem lại kết quả rất lớn. Hoặc sư em có thể thực tập với những câu: “Thở vào, tôi biết mắt tôi đang bị những hình ảnh sắc dục lôi kéo. Thở ra, tôi mỉm cười với hình ảnh sắc dục đó và nguyện trở về sống trong chánh niệm; Thở vào, tôi biết tai tôi đang nghe những âm thanh đầy quyến rũ ngon ngọt êm tai. Thở ra, tôi mỉm cười và trở về có mặt đích thực với hơi thở của chính tôi; Thở vào, tôi biết những hình ảnh âm thanh đó chỉ là những ảo ảnh, giả tạo không thật có làm mất thì giờ tu học của tôi. Thở ra, tôi nguyện sống thật với chính tôi trong giây phút hiện tại; Thở vào, tôi làm lắng dịu những lao xao. Thở ra, tôi cảm thấy nhẹ nhàng.”

Sư anh chỉ đưa ra vài câu ví dụ như vậy, sư em có thể đặt ra cho mình thêm những câu tương tự và thực tập ngồi yên để giúp làm lắng dịu thân tâm. Thực tập theo Kinh Quán Niệm Hơi Thở hay sách thiền hướng dẫn Sen Búp Từng Cánh Hé của Sư Ông Làng Mai sẽ giúp mình làm lắng dịu những cảm thọ khi chúng phát khởi. Sư anh rất mừng khi sư em bảo rằng lý tưởng tu hành vẫn còn mạnh mẽ, hạt giống Bồ đề vẫn còn trong sư em. Hai yếu tố đó sẽ giúp sư em xác định rõ hướng đi của mình.

Sư em, một khi lý tưởng và tâm muốn tu học của mình còn nóng hổi thì mình không sợ bất cứ khó khăn nào cả, mình sẽ vượt qua được mọi chướng ngại trên đường tu học. Nuôi lớn lý tưởng và gìn giữ Bồ đề tâm là điều rất cần thiết của người xuất gia. Là người tu hay người ngoài đời ai cũng có đôi lần gặp những khó khăn trong cuộc sống, cho nên khó khăn mà sư em đang gặp phải cũng chỉ là chuyện bình thường thôi. Bụt cũng đã từng bị Ma vương quấy nhiễu, mình là con của Bụt, có gặp chuyện đó cũng chẳng sao, miễn là đừng quên LỜI NGUYỆN NĂM XƯA, ĐỪNG PHẢN BỘI LẠI LÝ TƯỞNG CỦA MÌNH là được rồi. Vậy sư em đừng quá lo lắng nhé. Hãy xem đây là một bài học “kinh nghiệm xương máu” để sau này cảm thông cho các sư em hay đệ tử của mình khi họ gặp khó khăn và hướng dẫn họ tu tập một cách thực tế hơn.

Nhớ thực tập hết lòng và đừng bỏ cuộc nửa chừng nhé. Khi nào buồn, sư em nên đến chơi với các huynh đệ để được nuôi dưỡng. Nếu biết mình gặp nguy hiểm mà tự mình khó vượt qua được thì phải cầu cứu ngay với thầy mình để được che chở và bảo hộ mà không nên che giấu thầy hay bạn đồng tu bất cứ điều gì. Nếu có gì không ổn thì gởi thư ngay về Làng để được giúp đỡ thêm. Sư anh chia sẻ nhiều như vậy, nhưng đơn giản nhất là sư em nên cắt đứt sự liên lạc là xong. Chúc sư em thực tập thành công. “Thấy chân tướng ái dục/ Tâm ái dục không sinh/ Tâm ái dục không sinh/ Ai cám dỗ được mình.” (Kinh Tuổi Trẻ và Hạnh Phúc)

Thân chúc sư em thực tập thành công.

Rất tin ở sư em.

Sư anh.

Chia sẻ của một sư chú:

Sư anh thương kính,

Sư em rất vui mừng nhận được những chia sẻ của sư anh, bởi vì nó cho thấy là tâm bồ đề của sư anh còn rất mạnh, và sư anh quyết tâm để đi ra khỏi hệ lụy có thể trông thấy đó để tiếp tục đi trên con đường đẹp mà sư anh đã chọn lựa, cũng như sư em đã chọn lựa.

Thưa sư anh, sư em đã quán chiếu thật kỹ để chia sẻ với sư anh bằng một cái tâm thật khiêm cung và lân mẫn của một huynh đệ đang cùng sư anh đi trên con đường sáng này. Vì vậy xin sư anh hoan hỷ cho sư em.

Trước hết, sư em tập quán chiếu là nếu chuyện này xảy ra cho chính  bản thân mình thì mình sẽ làm gì? Việc đầu tiên mà sư em sẽ làm là  nhìn lại cái tâm mình cho thật kỹ. Sư em xuất gia vì cái gì, tâm ban đầu của sư em như thế nào, nếu không tu nữa ra đời thì sư em có hạnh phúc hay không? Sư em cũng sẽ thật trung thực với chính mình để thấy là mình có nhu cầu tình cảm hay không. Sau khi đã nhìn thấy rõ mình rồi thì quyết định của mình sẽ sáng suốt hơn.

Khi một người tu giữ gìn giới hạnh, oai nghi thật đàng hoàng thì người tu đó rất là đẹp, đó là một cái đẹp có được nhờ tinh thần thoát tục, và vì thế người khác dễ cảm được vẻ đẹp đó. Khi người tu đó ra đời, không còn giữ giới hạnh uy nghi nữa thì cái đẹp đó cũng biến mất đi, và người xuất gia đó sẽ trở nên một người thanh niên như bao người thanh niên khác (nếu cũng còn đẹp thì sẽ là một vẻ đẹp rất là khác). Sư em chắc sư anh cũng đồng ý với sư em ở điểm này.

Sư em nghĩ một người khi đi xuất gia là đã có một tâm nguyện phụng sự, tự độ, độ tha, đó là hạt giống bồ đề như sư anh đã nhắc đến. Sư em tin là sư anh xuất gia là vì không muốn trái tim của mình thuộc về một người, mà sư anh muốn trái tim càng ngày càng rộng để có thể thương được rất nhiều người. Mà nếu mình muốn đi trọn con đường phụng sự này thì mình phải là một người tự do. có tự do thì trái tim mình mới ôm được muôn người, mới “ôm trọn dược cả thái hư”, sư anh có nghĩ vậy không ạ?

Sư Ông Làng Mai hay dạy “Mắt là đại dương sâu, có những loài thủy quái, có những đợt sóng ngầm”,  vì vậy nên “thuyền tôi đi trong chánh niệm, xin nguyện nắm vững tay chèo, để không đắm chìm trong biển sắc mênh mông”. Tai cũng là đại dương sâu, có thể làm mình đắm chìm trong biển âm thanh mênh mông, các uẩn khác của chúng ta cũng vậy, cũng đểu là những đại dương có các đợt sóng ngầm mà nếu mình không cẩn thận, không đủ chánh niệm, mình sẽ bị chìm trong các đại dương đó một cách dễ dàng.

Vì vậy sư em mong sư anh sau khi nhìn lại tâm mình thật kỹ có thể dừng lại không liên lạc với cô bé đó nữa, và thật sự phải quyết tâm làm như vậy, để tự bảo hộ cho mình, và giúp cho cô bé đó đừng dấn sâu vào chuyện này thêm nữa. Nếu sư anh tiếp tục giữ liên lạc, và tiếp tục giải thích thì đó chỉ là điều kiện để làm cho sự liên lạc kéo dài mà thôi. Cô ấy lại không nghe những gì sư anh giải bày nên càng kéo dài thì điều kiện để cho mình bị đắm chìm trong mấy cái đại dương đó càng lớn mạnh lên hơn. Bụt có nói là cái gì mà mình không cung cấp thức ăn nữa thì cái đó sẽ không sống được, tình yêu của cô bé đó cũng vậy. Nếu sư anh dừng lại sớm, cô bé ấy rồi sẽ không sao đâu.

Ngày xưa cô Prakiti (Ma Đăng Già) thương thầy Anan đã được Bụt giáo hóa và trở nên một vị nữ khất sĩ. Cô ấy đã nhận ra rằng khi mình thương một người, mình phải thương luôn lý tưởng của người đó và yểm trợ cho người đó đi trọn con đường lý tưởng, sư anh có nhớ câu chuyện ấy không? Sư anh có thể đọc lại câu chuyện này trong sách Đường Xưa Mây Trắng của Sư Ông Làng Mai và gửi cho cô bé đó đọc như là một phương tiện giúp em ấy đi ra khỏi sự vướng mắc đó, tưới tẩm tâm bồ đề của chính em ấy. Sau đó thì sư anh nên kiên quyết không hồi đáp gì em ấy nữa. Có như thế sư anh mới có thể bảo hộ được mình và giúp được cho cô bé ấy.

 

Sư em cũng đề nghị sư anh nên phát lộ chuyện này với bổn sư, một tôn túc, hay một y chỉ sư để vị ấy làm chỗ nương tựa cho sư anh. Sư anh cần có một huynh đệ có thể làm người bảo hộ cho sư anh khi sư anh liên lạc với cô bé ấy. Bên Làng Mai có phương pháp thực tập đệ nhị thân rất hay và hiệu quả. Thư của mình viết hay nhận đệ nhị thân sẽ cùng coi với mình. Mình có thể cho cô bé ấy biết là thư này của cô bé không phải chỉ mình mình coi, và cô bé sẽ thấy không thể tiếp tục được nữa. Sư anh đừng sợ sẽ làm tổn thương cô bé bởi vì cô bé cần phải biết là người xuất gia thì có phép tắc như vậy.

Sư em kính chúc sư anh thực tập thành công và cầu chư Bụt, chư Tổ bảo hộ cho sư anh để chúng ta cùng đi trọn con đường sáng đẹp mà chúng ta đã chọn, đời này và nhiều đời sau nữa.

Kính quý và tin cậy

Sư em.