Có nên vứt bỏ tình cảm trai gái để đi tu
Con xin được hỏi:
Con đang là sinh viên, sắp ra trường. Con đã yêu đơn phương một người con gái. Sau nhiều ngày suy nghĩ con đã viết thư cho cô ấy để bày tỏ tình cảm của mình. Nhưng cô ấy nói rằng cô ta đã yêu một người và không thể yêu người khác được. Sau khi nhận được bức thư ấy, con không hờn giận, không khổ đau nhiều. Con đã hứa với cô ấy là sẽ trở thành bạn thân với nhau. Nhưng con vẫn hy vọng sau này cô ấy sẽ suy nghĩ lại ( Con nghe người ta nói cô ta đã chia tay với người yêu cũ).
Con đã đọc rất nhiều sách về tình yêu thương, con được đọc sách của Sư Ông và bắt đầu tìm hiểu về Phật Giáo và thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Nhưng đọc những cuốn sách ấy chưa đủ để con đối mặt với thứ tình cảm đang tồn tại trong con. Con không biết có nên vứt bỏ tình cảm trai gái để đi tu theo Phật hay không? Con phải làm cách nào để thoát ra khỏi tình trạng này. Con rất muốn đọc Kinh và sách Phật nhưng không biết nên đọc những cuốn nào trước. Kính xin quý thầy, quý sư cô chỉ dẫn cho con.
Sư cô Lĩnh Nghiêm xin chia sẻ:
Bạn thân mến!
Qua những dòng tâm sự gởi đến BBT, tôi thấy bạn có một tấm lòng thật đôn hậu, trái tim của bạn rất nhân ái, bao dung. Tuy bị khước từ tình cảm nhưng bạn đã cư xử rất mực thước với người mình yêu mà không oán trách, giận hờn, … Trái lại bạn đã hết lòng giúp đỡ khi cô ấy cần đến mà không tránh né, trốn chạy mặc dù điều này làm khơi dậy nỗi đau trong lòng bạn. Tôi cảm thông với tình cảnh của bạn và xin được chia sẽ đôi điều, mong rằng bạn sẽ tìm được hướng giải quyết có tình có lý nhất trong vấn đề tình cảm và nhận diện rõ được lý tưởng đích thực của chính mình.
Bạn có nói rằng, lúc này trong tâm bạn đang mang nhiều nỗi bất an, day dứt. Một mặt bạn muốn quên cô ấy để trở về với những tháng ngày bình an, vô tư trước đây của mình mà tập trung vào việc học hành. Mặt khác, bạn vẫn cố hy vọng rằng biết đâu cô ấy sẽ nghĩ lại, sẽ cho bạn một cơ hội. Chính điều này đã tạo nên sự giằng xé nội tâm khiến bạn mất hết năng lượng, bạn cảm thấy mệt mỏi và không học hành gì được. Thật tội nghiệp.
Trước hết, bạn không cần phải cố gắng quên cô ấy, cũng không nên cố hy vọng. Đừng có cố cái gì hết. Chính vì cố níu giữ hay cố xua đuổi đã khiến bạn bị căng thẳng. Cứ để cho mọi việc diễn ra một cách tự nhiên. Bạn chỉ cần theo dõi hơi thở và nhận biết rõ ràng những gì đang diễn ra trong tâm mình thôi. Tức là khi tâm bạn khởi lên niềm hy vọng thì bạn nhớ duy trì hơi thở và biết là trong tâm mình đang mang một niềm hy vọng. Khi bạn cố quên cô ấy thì bạn cứ nắm lấy hơi thở và biết là mình đang cố quên cô ấy. Cái “biết” đó chính là năng lượng chánh niệm. Năng lượng chánh niệm này có tác dụng ôm lấy cảm xúc đang diễn ra trong bạn, cảm xúc ấy có thể là nhớ, là buồn, là căng thẳng, giận hờn, bực bội, thất vọng…Và năng lượng chánh niệm sẽ làm yếu dần những cảm xúc tiêu cực ấy, giữ cho tâm của bạn không bị nhấn chìm trong vũng lầy vọng tưởng.
Sau đó bạn làm thanh tịnh tâm mình bằng cách tìm đọc những cuấn sách có nội dung trong sáng, hướng thượng. Nếu bạn đã có cảm tình với đạo Bụt và với tác giả là Thầy của chúng tôi, thì tôi xin mạn phép giới thiệu với bạn một vài cuấn sách rất phù hợp với những người mới tìm hiểu đạo Bụt như: “Đường xưa mây trắng”, “An lạc từng bước chân”, “Chỉ nam thiền tập cho người trẻ”, “Tuổi trẻ tình yêu và lý tưởng”, “Ước hẹn với sự sống”, “Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy”… Những cuấn sách đó sẽ giúp bạn tìm lại được sự bình yên trong tâm hồn. Khi năng lượng bình an tăng tiến thì bạn sẽ bình tĩnh và sáng suốt hơn. Tình cảm trong bạn vẫn còn đó nhưng đồng thời sự vững vàng cũng hiện diện song hành để bạn không bị rơi vào sự căng thẳng.
Có phải bạn nghĩ rằng nếu có được tình yêu của cô ấy thì bạn sẽ hạnh phúc không? Điều này tôi không dám chắc đâu nhé. Vì hễ có ràng buộc là có hệ lụy. Cho nên, biết bao người mới yêu nhau được vài tháng đã vội vã chia tay, lấy nhau được vài năm đã nhanh chóng ly dị. Giả sử bây giờ cô ấy nhận lời yêu bạn thì bạn lại khổ sở vì rất nhiều chuyện khác: Bạn sẽ lo lắng mỗi khi cô ấy gặp chuyện buồn, sẽ bất an khi cô ấy hờn giận, sẽ phiền lòng vì ghen tuông mỗi lần thấy cô ấy cười rất tươi hay trò chuyện một cách cởi mở với một người khác giới nào đó dù rằng trong tâm cô ấy hoàn toàn trong sáng. Bạn sẽ không thể chịu đựng nổi nếu cô ấy vô tình nhắc tới người yêu cũ của mình hay lấy người ấy ra để so sánh với bạn. Và bạn cũng dễ hờn trách cô ấy. Bởi vì trong tình yêu nam nữ, người ta có cái ảo tưởng rằng người ta là chủ sở hữu người mình yêu nên người ta nắm giữ chặt quá đôi khi làm cho người kia ngạt thở và chính người ta cũng sẽ bị ngộ độc bởi những tư tưởng ích kỷ, hay bởi những cái thấy sai lệch của chính mình.
Có rất nhiều người từng thất điên bát đảo trong tình yêu, bởi vì họ đã không biết cách thể hiện cũng như đón nhận tình yêu. Tình yêu- bản chất của nó không phải là xấu. Nếu biết cách yêu cho đúng thì tình yêu sẽ giúp cho đời sống của hai người thăng hoa. Yêu đúng có nghĩa là tình yêu đó phải chứa đựng bốn yếu tố: Từ, Bi, Hỷ, Xả.
1. Từ là ban tặng niềm vui, sự có mặt của mình cho người ấy phải là sự tươi mát, ngọt ngào mà không phải là những giận hờn, trách móc. Giữa hai người yêu nhau luôn có những dằn dỗi, hơn giận, nhưng đừng có để cho những tự ái, những ích kỷ, hẹp hòi xây nên địa ngục cho nhau. Ban tặng niềm vui cũng có nghĩa là phải hiểu được ước mơ, hoài bão của người ấy để sẻ chia, khích lệ
2. Bi là làm vơi nỗi khổ. Phải thấy được những khó khăn của người ấy để có thể cảm thông, giúp đỡ. Mà muốn giúp người khác thì mình phải có đủ nội lực, đủ bình an, nếu không thì chính mình cũng sẽ bị khó khăn của người kia nhấn chìm. Và cả hai cùng kéo nhau vào ngõ cụt
3. Hỷ là chấp nhận và bao dung những vụng về, khiếm khuyết của người yêu. Nếu người ấy có những thói quen không tốt thì mình nên tìm cách nhẹ nhàng khuyên nhủ mà không ép uổng người ấy phải thay đổi theo ý muốn của mình. Bởi vì chính mình cũng có những yếu kém cần được người ấy chấp nhận, nâng đỡ
4. Xả là tạo không gian cho nhau. Tình yêu không phải là tất cả, tình yêu chỉ là một phần của cuộc sống thôi. Ngoài tình yêu ra chúng ta còn có gia đình, bạn bè, sự nghiệp, sở thích cá nhân, hoạt động xã hội. Chúng ta phải cân bằng, đừng coi trọng tình yêu quá mức. Có những người họ chỉ biết chú trọng tới tình yêu thôi, nên khi mất đi tình yêu thì họ chới với, tuyệt vọng
Thực tập từ bi hỷ xả trong tình yêu thì phải là sự thực tập từ cả hai phía, nếu một bên cứ cho và một bên chỉ biết nhận thôi thì sự mất cân bằng ấy không sớm thì muộn sẽ gây ra đổ vỡ.
Tuy nhiên, dù cho tình yêu nam nữ có đẹp đến mấy, người kia có tuyệt vời đến nhường nào, thì nó vẫn làm mình mất tự do, bị ràng buộc. Vì hạnh phúc hay khổ đau của mình bị phụ thuộc vào người kia. Tôi xin đưa ra một ví dụ nhỏ. Đó là tình mẫu tử. Khi một người mẹ yêu đứa con nhỏ của mình, thì tình cảm ấy rất thiêng liêng, cao thượng. Thế nhưng thứ tình đó chứa rất nhiều hệ lụy và người mẹ vẫn bị lên xuống. Người mẹ rất hạnh phúc khi con khoẻ mạnh vui cười nhưng sẽ sợ hãi, lo lắng mất ăn, mất ngủ khi con bị bệnh. Sẽ nhớ con phát điên lên mỗi khi phải xa nó. Sẽ đau khổ tột cùng nếu vô thường ập tới và đứa con vĩnh viễn lìa xa. Bởi vì tình yêu đó là tình yêu dính mắc. Thương yêu kiểu đó thì càng thương yêu càng khổ đau. Vì hạnh phúc của mình bị cột chặt vào người khác. Có một thứ tình thương mà không có dấu vết của khổ đau. Ai mà có tình thương đó trong trái tim thì rất hạnh phúc. Càng thương càng hạnh phúc, mà niềm hạnh phúc ấy còn lớn hơn cả niềm hạnh phúc do tình yêu nam nữ hay tình mẫu tử đem lại. Đó là tình thương vô lượng, tình thương mà có trí tuệ ở trong. Nói ngắn gọn đó là lòng từ bi. Tôi chia sẻ với bạn điều này vì bạn có thổ lộ rằng bạn cũng có ý muốn đi tu. Đức Bụt dạy, nếu đi xuất gia thì sẽ có mười lăm ưu đểm sau:
1. không có cơ hội làm việc xấu (ví dụ: buôn lậu, tham nhũng, làm hàng giả, trộm cướp…)
2. Có nhiều cơ hội học hỏi đạo lý và thời gian thiền tập
3. Không vất vả làm việc và say đắm theo đời sống vật chất
4. Không khởi niệm tranh chấp với đời
5. không vương vấn tình cảm nhỏ hẹp
6. Được đi trên con đường đạo pháp nên tâm từ bi ngày càng lớn rộng
7. chuyển hoá được những nghiệp xấu đã từng gây ra trong nhiều đời, nhiều kiếp
8. Chấm dứt được hận thù và ân oán đối chéo nhau
9. Sống đời sống thanh bạch, tao nhã, an vui và thảnh thơi
10. Trí tuệ được vun bồi và phát triển nhanh chóng
11. Tâm từ bi rộng mở
12. Sống vì lợi ích tất cả
13. Sớm lìa xa mọi khổ đau
14. Thoát khỏi sáu nẻo luân hồi
15. Chóng thành tựu sự nghiệp trí tuệ.
Đó là những lợi ích khi đi xuất gia. Tuy nhiên, việc xuất gia là một việc lớn bạn phải tìm hiểu cho thấu đáo. Bạn phải tự hỏi mình rằng tại sao bạn lại muốn đi xuất gia? Có phải vì bạn muốn vất bỏ thứ tình cảm nhỏ hẹp, vấn vấn vương vương đầy hệ lụy để đi theo lý tưởng tình thương rộng lớn, muốn cởi bỏ những sợi dây trói buộc của thói ích kỷ, tham lam, tranh giành để làm lớn lên lòng vị tha, tâm từ ái. Muốn xa lìa những lo toan tầm thường để có nhiều thời gian quan tâm giúp đỡ những người xung quanh hay là trong chuyện tình cảm hiện tại đang làm bạn bất an và bạn chợt khởi tâm đi xuất gia một cách nhất thời? Hãy dành thời gian học hỏi đạo Bụt cho sâu sắc, đừng có hấp tấp, vội vàng. Chỉ khi nào bạn thấy rõ rằng chính những mối dàng buộc đã cột chặt người ta lại, khiến người ta mất tự do. Và nếu may mắn có được sợi dây trói êm ái thì cũng vẫn là bị trói. Chỉ khi nào bạn khao khát thoát khỏi sự ràng buộc để được thảnh thơi dùng toàn bộ thời gian của mình phục vụ chúng sinh. Khi ấy thì dù có giữ bạn lại bạn vẫn quyết chí xuất gia. Dù cho cha mẹ, người yêu, anh em bạn bè ngăn cản, sự nghiệp níu bước cũng không làm tâm bạn thối chuyển. Khi ấy, tất cả mọi thứ cộng lại cũng không thể giữ được bạn. Chừng ấy bạn mới có thể xuất gia được, và xuất gia với tinh thần đó thì sự nghiệp tu hành mới đi xa.
Chúc bạn sớm tìm lại được sự thanh thản trong tâm hồn, có cái nhìn chín chắn về lý tưởng của cuộc đời mình.