Sống chung an lạc với mẹ chồng
Hỏi: Kính thưa Thầy, khi lạy xuống, con có thể tiếp xúc được với tất cả các thế hệ tổ tiên của con và hòa nhập vào dòng sinh mạng của tổ tiên con. Nhưng khi thực tập như vậy đối với mẹ chồng, con cảm thấy không thành công lắm. Xin Thầy giúp con.
Sư Ông Làng Mai trả lời:
Tôi nghĩ cái cảm nhận ấy xuất phát từ sự thật là quý vị vẫn xem mẹ chồng của mình không phải là một người trong gia đình. Nếu quý vị không thay đổi cái nhìn ấy thì khó có thể chấp nhận, ôm ấp mẹ chồng của mình như đã làm đối với những người thân trong gia đình, dòng họ của mình. Phải thấy rằng dù muốn hay không, người ấy vẫn là mẹ chồng của mình, đó là một sự thật. Chồng của mình là một phần của bà và của dòng họ bà. Khi lập gia đình, quý vị đã cam kết sẵn sàng chia sẻ tất cả những hạnh phúc và khổ đau của chồng hay vợ mình; và mẹ chồng hay mẹ vợ mình là một phần của hạnh phúc và khổ đau ấy. Vì vậy, là vợ chồng, quý vị phải có khả năng chấp nhận, ôm lấy tất cả những hạnh phúc và khổ đau của mẹ vợ hay mẹ chồng mình với tâm không phân biệt. Đó là thực tập thương yêu theo tinh thần Xả, tức là tình thương độ lượng, bao dung và vô phân biệt.
Hạnh phúc của chồng mình hay vợ mình tùy thuộc rất nhiều nơi hạnh phúc của mẹ chồng hay mẹ vợ mình. Nếu chồng hay vợ quý vị không hạnh phúc, thì quý vị không thể hạnh phúc được. Vì vậy chăm sóc, thương yêu mẹ chồng hay mẹ vợ mình tức là chăm sóc cho hạnh phúc của chính mình và của chồng mình hay vợ mình.
Khi người Phật tử có người yêu khác tôn giáo, ví dụ như người Ki Tô giáo chẳng hạn, thì anh ta hoặc chị ta cần phải tìm hiểu, học hỏi về truyền thống Ki Tô giáo, phải tôn kính đức Ki Tô và vị Cha đạo của người ấy như mình tôn kính Bụt và thầy Bổn Sư tâm linh của mình. Bởi vì tình bạn rất quý giá và cần thiết cho hạnh phúc của ta và ta muốn trân quý, gìn giữ nó. Những gì thuộc về bạn mình cũng là thuộc về mình. Đó là điều tất nhiên. Những gì bạn mình yêu thích thì mình cũng yêu thích.
Tình thương và sự cam kết lâu dài rất quan trọng trong liên hệ vợ chồng, bè bạn hay thầy trò v.v… Quý vị phải thực tập chăm lo tất cả những gì thuộc về người bạn hôn phối của mình đứng về mọi phương diện, bởi vì quý vị quan tâm đến niềm vui và hạnh phúc của người ấy. Phải nhìn cho thật sâu và thấy cho được rằng tất cả mọi người, mọi sinh hoạt đều có liên hệ mật thiết tới mẹ chồng hay mẹ vợ của mình để quý vị có thể thật sự sống an lạc, hòa bình và hạnh phúc với bà; hạnh phúc của quý vị tùy thuộc vào hạnh phúc của mẹ chồng hay mẹ vợ của quý vị. Trước hết ta phải đối xử tử tế với bà. Mỗi khi quý vị tới nhà mẹ chồng, quý vị phải tử tế chào hỏi mẹ chồng và tất cả mọi người trong gia đình, bởi vì họ là những người thân của chồng mình. Dù bà có đối xử hơi lạnh lùng hoặc dễ thương hay không dễ thương, điều đó không quan trọng; quan trọng là mình vẫn giữ thái độ niềm nở, tôn kính, ôm ấp, chấp nhận và giúp đỡ mẹ chồng của mình với tâm độ lượng, bao dung, bởi vì điều ấy có liên quan đến hạnh phúc của mình và chồng. Càng nhìn sâu, càng hiểu và càng bao dung, độ lượng bao nhiêu thì cái bức tường ngăn cách giữa quý vị và mẹ chồng sẽ được xóa đi và quý vị sẽ có khả năng chấp nhận bà như một thành phần quan trọng trong dòng họ tổ tiên của chồng quý vị.
(Trích từ tác phẩm: “Hơi thở nuôi dưỡng và trị liệu” – Thiền sư Thích Nhất Hạnh)