Phải mất bao lâu mới có thành công trong sự thực tập?
(Trích từ cuốn “Sống tự do bất cứ nơi nào, ở đâu” – Sư Ông Làng Mai)
Thiền sinh: Thưa Thầy, phải mất bao lâu mới có thành công trong sự thực tập?
Sư Ông Làng Mai: Không phải vấn đề thời gian. Nếu bạn thực tập đúng và có niềm vui, bạn sẽ thành công nhanh. Tuy nhiên, nếu bạn mất nhiều thời giờ nhưng không thực tập đúng, có thể bạn sẽ không thành công được. Cũng giống như hơi thở trong chánh niệm. Nếu bạn thở đúng, hơi thở vào đầu tiên đã có thể đem lại khỏe nhẹ và niềm vui. Nhưng nếu bạn làm không đúng, ba hay bốn tiếng đồng hồ cũng không đem lại kết quả mong muốn. Tốt nhất là có một người bạn, một người anh hay người chị đã thành công trong sự thực tập, giúp bạn và nâng đỡ bạn.
Bạn cũng có thể thực tập một mình. Khi bạn thở vào, hãy để cho hơi thở đi vào một cách tự nhiên. Hãy chú tâm đến hơi thở vào. Khi bạn thở ra, hãy để cho hơi thở đi ra một cách tự nhiên. Bạn chỉ cần nhận biết hơi thở ra.
Ðừng xen vào nó. Ðừng ép nó. Nếu bạn để cho hơi thở đi vào đi ra một cách tự nhiên và bạn nhận biết hơi thở ấy, thì sẽ có tiến bộ trong vòng mười lăm hay hai mươi giây. Bạn sẽ bắt đầu cảm thấy thích thú trong khi thở vào thở ra.
Có một lần tôi tổ chức khóa tu ở Montreal, Canada. Sau lần thiền hành đầu tiên, một bà đến hỏi tôi: “Thưa Thầy, con có thể chia sẻ thực tập thiền hành với người khác không?” Trong bảy năm từ ngày bà đến xứ này, bà chưa bao giờ được bước đi với nhiều thảnh thơi và an lạc như bà cảm thấy sau chỉ một lần thiền hành ở khóa tu. Nó đem lại sự hàn gắn, sự tươi mát cho bà nên bà muốn chia sẻ sự thực tập đi trong chánh niệm này với các bạn. Tôi trả lời: “Ðược chứ!” Bà tin tưởng rằng sau một tiếng đồng hồ đi thiền hành, người ta có thể cảm thấy nhẹ khỏe và có niềm vui. Nhưng đừng đo lường bằng thời gian. Dù là thở trong chánh niệm, đi trong chánh niệm, ăn trong chánh niệm hay làm việc trong chánh niệm, khi bạn cảm thấy có hiệu quả ngay tức khắc, và khi sự thực tập có vui thích, là bạn đã thực tập đúng.
Thiền sinh: Tôi nên dành bao nhiêu thời giờ cho sự thực tập?
Sư Ông Làng Mai: Cách thiền mà tôi giới thiệu có thể được thực tập bất cứ lúc nào. Khi bạn đi từ chỗ này đến chỗ khác, bạn có thể áp dụng phương pháp đi trong chánh niệm. Khi bạn làm việc, bạn có thể dùng phương pháp làm việc trong chánh niệm. Khi bạn ăn, bạn có thể ăn trong chánh niệm. Bạn không cần phải xếp đặt một thời gian cố định nào cho sự thực tập; bạn có thể thực tập bất cứ lúc nào trong ngày.
Tuy nhiên, nếu hoàn cảnh cho phép, bạn có thể để ra một ít thời giờ để làm công chuyện riêng. Ví dụ thức dậy sớm hơn mười lăm phút để bạn có thể có thú vị ngồi thiền mười lăm phút. Hay trước khi ngủ – dù cho đèn đã tắt rồi – bạn ngồi trên giường để thực tập thở trong chánh niệm. Vì bạn có nhiều việc phải làm chung với người khác, nên có thể bạn không có thời giờ riêng để làm điều bạn muốn. Vì vậy còn tuỳ thuộc vào sáng kiến của bạn về sự xếp đặt thời giờ. Nhưng bạn nên nhớ, bạn có thể thực tập bất cứ lúc nào, dù là lúc bạn đi tiểu hay lúc bạn lau sàn nhà.
Bạn có thể lau nhà như một người tự do hay như một nô lệ, điều ấy tuỳ bạn. Ở đây, mọi người đều phải làm những công việc nhất định, nhưng bạn có thể làm những việc ấy như một người tự do. Bạn có thể nuôi dưỡng sự tự do cho lớn lên. Ðiều ấy sẽ đem lại cho bạn sự oai nghi và mọi người sẽ nhận thấy. Với sự thực tập, bạn thực sự là một người tự do, bất kể bạn đang sống trong hoàn cảnh nào.
Tôi đề nghị rằng mỗi lần bạn đi vào phòng vệ sinh, mỗi lần bạn đi đại tiện, đi tiểu tiện hay rửa tay, bạn hãy để hết 100 phần trăm của con người bạn vào động tác ấy. Hãy ngưng mọi suy tư. Chỉ cần làm động tác ấy với niềm vui. Bạn có thể cảm thấy thích thú. Trong vài tuần, bạn sẽ thấy hiệu quả tuyệt vời của sự thực tập này.
Thiền sinh: Xin Thầy nói rõ về chánh niệm. Làm sao chúng con có thể thực tập khi tâm trí bị phân tán?
Sư Ông Làng Mai: Tiếng Việt, “chánh niệm” có nghĩa là thực sự có mặt trong giây phút hiện tại. Khi bạn ăn, bạn biết là bạn đang ăn. Khi bạn bước, bạn biết là bạn đang bước. Ðối nghịch với chánh niệm là “thất niệm.” Bạn ăn nhưng bạn không biết là bạn đang ăn, bởi vì tâm trí bạn để ở đâu đâu. Khi bạn đem tâm bạn trở về với những gì đang xẩy ra bây giờ và ở đây, đó là chánh niệm, và chánh niệm có thể đem lại cho bạn sự sống, thích thú và niềm vui. Ví dụ đơn giản như ăn một trái cam trong chánh niệm có thể đem lại thích thú gấp ngàn lần hơn khi ăn cam mà bạn bị vướng mắc vào lo âu, sợ hãi hay tuyệt vọng. Vậy chánh niệm là năng lượng giúp bạn thực sự có mặt với những gì đang hiện hữu.
Ví dụ bạn nghe nhiều tiếng ồn chung quanh. Bạn có thể dùng tiếng ồn làm đối tượng của chánh niệm. “Thở vào tôi nghe nhiều tiếng ồn. Thở ra, tôi mỉm cười với tiếng ồn. Tôi biết rằng người làm ồn không luôn luôn có an lạc, và tôi cảm thấy có lòng từ bi đối với họ.” Vì vậy thực tập hơi thở có chánh niệm và dùng sự đau khổ quanh bạn làm đối tượng của chánh niệm sẽ giúp những năng lượng hiểu biết và thương yêu sinh khởi trong lòng bạn.
Ở một khóa tu, một bà than phiền rằng người bạn cùng phòng ngáy lớn quá làm cho bà không ngủ được. Bà sắp đem túi ngủ đi vào thiền đường, nhưng sực nhớ điều tôi dạy, nên bà ở lại. Bà dùng tiếng ngáy như một thứ chuông chánh niệm để làm phát sinh lòng từ bi. “Thở vào tôi biết có tiếng ngáy. Thở ra, tôi mỉm cười với tiếng ấy.” Mười phút sau bà đã ngủ ngon lành. Thật là một sự khám phá kỳ diệu cho bà ấy.