Mặc cảm hơn, kém, bằng
Trích vấn đáp ngày 14.6.2014 tại xóm Hạ, Làng Mai, trong khóa tu 21 ngày (được chuyển ngữ từ tiếng Anh)
Câu hỏi: Bạch Thầy, trong mỗi buổi tụng kinh trước pháp thoại, chúng con được nghe lời quán niệm trong đó hướng dẫn thực tập buông bỏ cái tôi để vượt thoát mặc cảm hơn người, mặc cảm thua người và mặc cảm bằng người. Những người bạn Mỹ của con rất hoang mang và khó chịu về “mặc cảm bằng người”, vì họ luôn ca tụng sự bình đẳng và hy vọng được bình đẳng. Bình đẳng không chỉ được luật pháp công nhận mà còn là thuật ngữ thông thường được các phong trào nhân quyền sử dụng. Con xin thầy chỉ dạy cho con và các bạn phương pháp thực tập để xử lý những mặc cảm đó.
Thầy trả lời:
Mặc cảm bằng người có thể đem lại rất nhiều đau khổ. Sự bình đẳng không đem lại khổ đau nhưng mặc cảm bằng người sẽ gây ra đau khổ. Chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa của chữ “bình đẳng“. Đạo Bụt dùng chữ “xả“. Trong tiếng Pháp có chữ “tự do, bình đẳng“. Người ta nghĩ rằng bình đẳng là bằng nhau, là một đức tính.
Chúng ta biết rằng mặc cảm hơn người làm cho ta và làm cho người khác khổ và mặc cảm thua người (mặc cảm tự ti) có thể là một trong những nguyên do gây ra các chứng bệnh tâm thần. Vì vậy chúng ta nghĩ rằng sự bình đẳng là một giải pháp, là quyền được bằng nhau. Nhưng trong đạo Bụt thì sự thực tập đi sâu hơn. Ta khổ tại vì ta so sánh mình với người khác. “Tôi hơn người kia“, đó là mặc cảm hơn người. “Tôi tệ hơn, tôi không theo kịp người kia“, đó là mặc cảm thua người. “Tôi bằng người kia“, đó cũng là một mặc cảm. Ta cố gắng để được bằng người kia, ta tranh luận để được bằng người kia và ta vẫn còn khổ.
Theo giáo lý đạo Bụt thì không có “cái tôi“, cho nên không có sự so sánh và điều đó làm cho mình hoàn toàn hạnh phúc. Ta thấy rằng: “Em là anh mà anh cũng là em. Đau khổ của em là đau khổ của anh, hạnh phúc của em là hạnh phúc của anh“. Cái thấy này sâu sắc hơn. Vì vậy tuệ giác rất là quan trọng. Khi quán chiếu ta thấy rằng chúng ta chỉ có thể tương tức với nhau, ta không thể tự mình mà có, ta phải “cùng có“ (inter-be) với người khác. Vì vậy cho nên ở Làng Mai chúng tôi nói:“Anh có đó cho nên tôi có đây“ (You are, therefore I am), chúng ta tương tức. Vì vậy ta không thấy có người nào khổ riêng một mình hay hạnh phúc riêng một mình. Một cặp sống hòa hợp với nhau là vì người này thấy hạnh phúc của người kia là hạnh phúc của mình, đau khổ của người kia là đau khổ của mình. Sự hòa hợp là căn bản của bình an và hạnh phúc mà sự hòa hợp có được là nhờ tuệ giác tương tức.
Trong sự thực tập chánh niệm, không những ta phải lấy đi mặc cảm hơn người, mặc cảm thua người mà còn phải lấy đi cái mặc cảm bằng người:“Tôi giỏi bằng anh“. Ta đòi cái quyền được giỏi bằng người kia, như vậy thì vẫn còn một “cái tôi“ và vẫn còn sự so sánh. Khi nào còn sự so sánh thì ta còn khổ. Với tuệ giác tương tức ta không còn so sánh nữa tại vì ta là người kia và người kia là ta. Ta có sự hòa hợp, sự bình an và hạnh phúc.