Làm thế nào để thương yêu chính mình?
(Trích phần vấn đáp trong khóa tu mùa hè ở Làng và khóa tu dành cho người nói tiếng Đức và tiếng Hà Lan năm 2014 – được chuyển ngữ từ tiếng Anh)
Câu hỏi: Con thường cảm thấy buồn và cô đơn. Con ghét chính bản thân mình, vì vậy mà con đã tàn hại thân tâm của con. Con phải làm thế nào để chăm sóc và thương yêu chính mình khi mà đau buồn đã trở thành tập khí sâu dày trong con? Con phải làm thế nào để buông bỏ những tri giác sai lầm về bản thân mình?
Thầy trả lời:
Câu hỏi này phải được đặt ra cho các bậc cha mẹ và các thầy cô giáo. Nếu để ra một ít thì giờ để quán chiếu thì cha mẹ và thầy cô giáo sẽ thấy được rằng chính môi trường sống đã làm cho người trẻ rơi vào tình trạng đó.
Trước hết là trong gia đình, có thể các em không có cơ hội được học cách thương yêu và chăm sóc cho bản thân mình. Nếu cha mẹ biết thương yêu và chăm sóc cho chính mình thì đương nhiên con cái sẽ học được từ cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ cũng chịu trách nhiệm trong chuyện này. Có những gia đình, cha mẹ có khổ đau mà không biết cách xử lý khổ đau của mình. Cha mẹ làm khổ nhau, vì vậy cha mẹ đã tạo ra một môi trường gia đình mà trong đó con cái không được nuôi dưỡng và có nhiều vết thương trong lòng.
Khi các em đến trường, các thầy cô giáo cũng không giúp được cho các em, vì có thể thầy cô cũng có những khó khăn ở nhà như các bậc cha mẹ. Và họ mang theo những khó khăn đó đến trường. Ở nhà họ có khó khăn với con cái và khi đến trường, họ có khó khăn với học sinh. Nếu các thầy cô giáo không biết xử lý khổ đau, không biết thương yêu và chăm sóc cho chính mình thì làm sao có thể giúp được cho học sinh? Nếu có được các thầy cô giáo hạnh phúc, những người biết cách thương yêu và chăm sóc cho chính bản thân thì người trẻ sẽ có một cơ hội thứ hai. Cơ hội đó là học đường, một môi trường mà trong đó các thầy cô giáo có sự bình an và có khả năng thương yêu. Nhưng nếu thầy cô giáo không biết cách xử lý khổ đau của chính họ thì người trẻ sẽ không có cơ hội thứ hai.
Những vị làm trong Bộ Giáo dục phải thấy rằng môi trường học đường và môi trường gia đình hiện nay không đem lại sự bình an, sự tôn trọng lẫn nhau, sự hiểu biết và thương yêu cho các em học sinh. Họ cần tìm cách thay đổi hệ thống giáo dục và đưa vào trường học những phương pháp thực tập giúp các em học sinh biết cách thương yêu, chăm sóc, trị liệu cho chính mình. Khi đã biết thực tập, các em sẽ mang sự thực tập này về giúp cho cha mẹ.
Tuy nhiên, người trẻ cũng có thể giúp thay đổi tình trạng. Người trẻ có thể nói lên những khó khăn, khổ đau của mình. Ví dụ như sáng hôm nay khi con đặt câu hỏi này thì con đã giúp cho cha mẹ và thầy cô thấy được tình trạng. Có thể chúng tôi đã quá bận rộn với khổ đau, với cái giận và những khó khăn của chính mình nên chúng tôi không có thì giờ lắng nghe con. Con có mặt ở đây và đặt câu hỏi giúp cho chúng tôi ý thức được cái gì đang xảy ra. Nhờ vậy chúng tôi có cơ hội tìm cách thay đổi hướng đi của mình để cho con có được cơ hội thay đổi tốt hơn.
Ở Làng Mai, chúng ta được học cách trở về để ý thức rằng mình đang có một hình hài và hình hài đó là một mầu nhiệm, một kiệt tác của vũ trụ. Các nhà sinh học và các nhà khoa học thần kinh não bộ cũng có cùng cái thấy với chúng ta. Chúng ta phải biết cách trân quí, bảo vệ và giữ gìn kiệt tác của vũ trụ này. Nếu biết thực tập, chúng ta có thể bảo hộ và trị liệu để hình hài trở thành suối nguồn của niềm vui cho ta và cho những người khác.
Chúng ta cũng được học những phương pháp cụ thể như phương pháp làm lắng dịu hình hài. Ở Làng Mai mình học cách thở và đi như thế nào để làm thư giãn những căng thẳng, đau nhức trong thân. Mình cũng được học cách làm lắng dịu những cảm xúc mạnh để có bình an. Cha mẹ và thầy cô không dạy cho chúng ta điều này nhưng bây giờ chúng ta có may mắn học được. Vì vậy có rất nhiều thứ mà người trẻ có thể học để trước hết làm cho mình trở nên dễ chịu hơn. Chúng ta cũng được học là hình hài của chúng ta được trao truyền từ các thế hệ tổ tiên. Tổ tiên của ta không chết, tổ tiên vẫn còn sống trong ta. Vì vậy, nếu ta đối xử tàn tệ với hình hài cũng có nghĩa là ta đối xử tàn tệ với tổ tiên. Cha mẹ cũng đang có mặt trong hình hài của ta, ta là sự tiếp nối của cha mẹ. Chúng ta cần thực tập nhìn lại hình hài của mình để biết trân quí, giữ gìn và bảo hộ nó.
Năm giới là những phép thực tập cụ thể giúp ta làm được điều đó. Sống theo Năm giới thì ta bảo hộ được cho chính mình. Ta không để cho thân và tâm của mình bị tàn hoại bởi môi trường sống. Nếu ta không tôn trọng thân của ta thì người khác cũng không tôn trọng thân của ta. Nếu ta không tôn trọng chính mình thì người khác cũng không tôn trọng ta. Vì vậy điều đầu tiên mà chúng ta cần làm là phải tôn trọng chính mình. Năm giới không phải là sự ép buộc! Vì có tuệ giác nên mình biết là mình không muốn sống một lối sống như trước nữa, một lối sống luôn tàn hoại thân và tâm của mình. Mình nhận ra rằng sống theo Năm giới thì mình có thể tự trị liệu được nên mình thực tập hết lòng để có thể trị liệu cho mình, đồng thời giúp được cho gia đình và cộng đồng.
Ở Làng Mai chúng ta cũng học phương pháp quay về nương tựa tăng thân. Tăng thân là một nhóm nguời gồm những cá nhân biết cách thực tập chế tác sự bình an và niềm vui. Mỗi người trẻ trong chúng ta phải có được một chỗ như thế để nương tựa. Trong một số truyền thống, trẻ em đều có cha mẹ đỡ đầu để các em có thể được giúp đỡ mỗi khi có khó khăn. Ở Làng Mai chúng ta có sự thực tập đệ nhị thân. Mỗi người đều có một đệ nhị thân. Khi có khó khăn ta có thể tìm đệ nhị thân để xin được giúp đỡ. Đó là thiên thần hộ mạng của mình. Đệ nhị thân có thể là một thầy, một sư cô hay là chú, là cậu, là một người bạn của mình, một người có đủ vững chãi, bình an, niềm vui và sự tự do. Mỗi người trẻ phải có một đệ nhị thân như vậy. Bất cứ lúc nào khi gặp khó khăn chúng ta cũng có thể tìm tới người đó để được che chở và giúp đỡ. Vì vậy những người trẻ phải tìm cho mình một nhóm người, một tăng thân như tăng thân Làng Mai. Các em có thể thành lập một tăng thân tại địa phương của mình để làm nơi nương tựa. Mỗi khi có nỗi khổ niềm đau thì các em có thể quay về để được an ủi và bảo hộ. Ai trong chúng ta cũng cần một người hay một tăng thân để nương tựa.
Thầy cũng vậy, thầy cũng cần một tăng thân. Thầy cũng thực tập quay về nương tựa tăng thân. Ở Làng Mai có những thầy, những sư chú, những sư cô trẻ dưới 20 tuổi. Họ thực tập giới luật và uy nghi để bảo hộ thân tâm nên họ trong sáng, tươi mát và vững chãi. Vì thực tập giới luật nên họ chế tác được chất thánh. Chất thánh là cái có thể có được. Thực tập Năm giới là chúng ta đang chế tác năng lượng của chất thánh, và năng lượng đó sẽ bảo hộ cho ta. Ở Làng Mai thầy thấy có những thầy, những sư cô và những Phật tử cư sĩ tuổi còn trẻ nhưng họ đã có khả năng chế tác năng lượng của chất thánh và thầy đã quay về nương tựa nơi họ. Chất thánh được chế tác ra từ năng lượng của niệm, định và tuệ cũng giống như chúa thánh thần trong Cơ đốc giáo. Nếu có chúa thánh thần che chở thì thân và tâm của mình sẽ được bảo hộ. Nếu có chất thánh của sự trong sáng, sự bình an và niềm vui thì mình sẽ được trị liệu một cách dễ dàng. Và khi mình khỏe mạnh, vui vẻ, có tình thương thì mình có thể giúp cho cha mẹ và thầy cô giáo. Vì vậy những người trẻ hãy tổ chức những nhóm tu tập để yểm trợ lẫn nhau trong sự thực tập nuôi dưỡng và trị liệu hàng ngày. Như vậy thì mình sẽ có được sự trị liệu như mong muốn.
Mình có tập khí để cho tham dục, giận dữ, sợ hãi, hận thù và tuyệt vọng lôi cuốn đi. Nhưng bây giờ mình bắt đầu chế tác năng lượng của những thói quen mới, năng lượng của chất thánh, của bình an, của chánh niệm và của tình huynh đệ có công năng trị liệu cho mình. Điều này mình có thể làm được nhờ giáo lý của Bụt mà mình được học ở Làng Mai.
Như chúng ta đã biết, Làng Mai là một nơi bình dị, không hào nhoáng nhưng là một môi trường lành mạnh trong đó có tình huynh đệ, có sự bình an, vì tất cả mọi người đều thực tập đi trong chánh niệm, ngồi trong chánh niệm, nói năng trong chánh niệm, tiêu thụ trong chánh niệm. Một môi trường như vậy có công năng đưa tới sự trị liệu. Những người trẻ phải tạo cho mình một môi trường như vậy và chúng ta cùng nhau tạo ra những môi trường như vậy trong trường học, trong gia đình. Một người có thể không làm được nhưng ba, bốn hay năm người sẽ cùng nhau làm được. Nếu mình có năng lượng tập thể của sự bình an, của tình huynh đệ thì đi tới đâu mình cũng đem năng lượng đó theo. Mình sẽ bắt đầu làm thay đổi con người và làm thay đổi bầu không khí của những nơi mình tới. Vì vậy mình đừng nên tuyệt vọng, mình có thể tạo ra những thói quen mới: thói quen thương yêu, thói quen có sự bình an. Mình có thể chữa trị được sự giận dữ, niềm tuyệt vọng trong mình. Mình không nên bỏ cuộc!
Thầy đề nghị là những người trẻ hãy ngồi lại chia sẻ với nhau để tìm cách tạo ra những thói quen mới, những thói quen tốt. Các em học lại cách đi như thế nào, ngồi như thế nào, ăn như thế nào, uống như thế nào, nói năng như thế nào để có được sự bình an, tình thương và tình huynh đệ. Thầy tin rằng những người trẻ có thể làm được. Chúc các con may mắn!