Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời tham vấn

Làm sao để giữ được tính thiện trong môi trường kinh doanh khốc liệt?

(Trích phần vấn đáp trong buổi nói chuyện với doanh nhân tại công viên Văn Thánh, Sài Gòn, ngày 15.03.2007)

 Câu Hỏi:

Thưa thầy, sự cạnh tranh gay gắt trong giới kinh doanh khiến người ta ví thương trường như chiến trường. Vậy doanh nhân phải làm gì để có thể giữ được tính thiện và sống đúng theo Năm Giới trong một môi trường kinh doanh đầy khốc liệt này?

Sư Ông trả lời:

Tờ báo Fortune ở Mỹ mỗi năm đều đưa ra danh sách một trăm doanh nghiệp đứng đầu mà mình có thể đầu tư vào. Khi nghiên cứu thì người ta thấy rõ điểm chung của tất cả một trăm doanh nghiệp đó là họ biết lo lắng và chăm sóc cho những người làm trong doanh nghiệp như trong một gia đình. Trong những doanh nghiệp ấy có yếu tố của tình thương, yếu tố của trách nhiệm và yếu tố của tình huynh đệ. Hạnh phúc và sự thành công của doanh nghiệp không phải chỉ là lợi nhuận mà còn là tình thương và hạnh phúc của các cá nhân trong doanh nghiệp ấy. Không phải tại vì có tình thương mà doanh nghiệp của mình sụt xuống hàng thứ ba, thứ tư, hay thứ năm. Chính vì có tình thương mà doanh nghiệp mình lên hàng đầu trong số một trăm doanh nghiệp được chọn lựa, phải nhớ như vậy.

Khi mình có tình thương rồi thì mình có khả năng sống đúng theo năm giới của đạo Bụt, trong đó có giới bảo vệ sự sống. Nếu chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà khai thác thiên nhiên đến mức làm cho hư hoại môi trường sinh sống của mọi loài thì tức là mình không có tình thương. Mình ý thức được là mình gây ra sự giết chóc, hủy hoại môi trường. Cái đó trở thành một nút thắt nằm trong đáy lòng mình, khiến cho tâm mình không an. Tuy có thêm lợi nhuận nhưng mình biết trong thâm tâm rằng mình đang phá hoại môi trường, phá hoại sinh mạng của những người khác. Vì vậy trong những giấc mơ và khi mình về già, và lớn tuổi thì mình sẽ ăn năn, hối hận và không thể nào có hạnh phúc được.

Có tình thương trong doanh nghiệp thì thế nào mình cũng tránh được hành động hủy hoại môi trường và hủy hoại sinh mạng của những loài khác. Khi ý thức được rằng tuy đang có lợi nhuận nhưng mình đang sát sinh quá nhiều, thì tâm mình không an. Nếu tiếp tục như vậy thì cái không an của tâm sẽ càng ngày càng lớn lên và một ngày nào đó, sẽ đánh mất hạnh phúc hoàn toàn. Vì vậy mình nên có can đảm để thay đổi doanh nghiệp. Thay vì phải sát sinh nhiều thì mình đi tìm một loại doanh nghiệp nào mà có thể bảo hộ được sinh mạng, bảo hộ được môi trường. Sự thực tập đó trong đạo Phật gọi là chánh mạng.

Chánh mạng (right livelihood) tức là một nghề nghiệp sinh sống chân chính, không tàn hại môi trường, không tàn hại sinh mạng của những loài khác. Sinh sống một cách chân chính là một trong tám con đường của Bát Chánh Đạo. Khi nhận thức được doanh nghiệp của mình tuy làm ra tiền nhưng lại đang hủy hoại sinh môi, làm hao tổn sinh mạng của những loài khác thì mình hãy lập tức nói với mình rằng “doanh nghiệp này không có đủ tình thương! Mình không muốn tiếp tục như vậy. Mình sẽ tìm cách thay đổi doanh nghiệp để trở thành một doanh nghiệp mà trong đó mình có cơ hội bảo hộ được môi trường và bảo hộ được sinh mạng”.

Có những doanh nghiệp như vậy. Trong một trăm doanh nghiệp được báo Fortune nêu danh mỗi năm thì tất cả đều có xu hướng bảo vệ môi trường, bảo hộ sự sống, giúp đỡ cho những người hiểu biết và giúp đỡ những người trong doanh nghiệp. Nếu làm doanh nghiệp đúng theo tinh thần của tình thương thì mình thành công nhiều hơn. Không những thế mà mình còn không có mặc cảm tội lỗi và sau này mình sẽ không phải trả một cái giá rất đắt cho nó.

Trong thương trường có sự tranh đấu, hình như là đó là sự tranh đấu không nương tay, không có tình thương. Nhưng mục đích của mình là gì? Mục đích của mình là hạnh phúc chứ không phải chỉ thành công về hình thức. Mình có thể có rất nhiều tiền, có rất nhiều quyền lực, nhưng mà mình có thể đau khổ vô cùng. Cho nên mình phải xét lại điều này. Đây là điều rất quan trọng. Mục đích của mình là có hạnh phúc, hạnh phúc cho bản thân, và hạnh phúc cho những người thương. Mình biết rằng tình thương là yếu tố căn bản của hạnh phúc đó. Khi mình có hạnh phúc và tình thương rồi thì mình không nỡ lòng nào gây tàn hại và hủy hoại môi trường sinh sống của các loài khác.

Kinh Kim Cương có nói là mình cần phải xét lại ý niệm của mình về “Ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả”.”Nhân” ở đây có nghĩa là con người. Theo đạo Phật con người được làm bằng những yếu tố không phải người. Con người xuất hiện trên trái đất này muộn hơn so với các loài sinh vật khác. Nếu không có các loài khoáng vật, thực vật và động vật thì con người không thể nào sống được. Bảo hộ cho các loài khoáng vật, các loài thực vật và động vật tức là bảo vệ con người. Bảo vệ những yếu tố không phải người tức là bảo vệ yếu tố người. Đó là văn kiện về bảo hộ sinh môi sớm nhất trong lịch sử văn học của nhân loại. Theo Kinh Kim Cương, muốn bảo hộ con người phải bảo hộ những yếu tố làm ra con người, đó là: “đất đá, thực vật, và các loài sinh vật khác”.

Tình thương có thể đi đôi một cách toàn hảo với sự thành công của doanh nghiệp. Nó có thể giúp cho nhà doanh thương thành công hơn những nhà doanh thương không có tình thương. Vì vậy thực tập tình thương thì mình thực tập bảo hộ sinh mạng, bảo vệ môi trường. Khi mình thấy những nhà doanh thương khác không để ý đến điều đó, mình cũng có lòng thương đối với họ. Mình thấy tội nghiệp cho họ, vì họ chỉ biết chạy theo tiền tài và uy quyền. Họ là những người không có hạnh phúc. Mình sẽ tìm mọi cách để có thể giúp được những người đó. Cách hay nhất là giúp họ thấy những điều đó qua đời sống của chính mình. Họ thấy có lòng từ bi như vậy mà mình vẫn thành công, mình còn thành công nhiều hơn họ nữa. Từ đó họ sẽ thay đổi. Đừng thấy họ tranh đua một cách không nể nang và không tôn trọng một cái gì hết mà mình cũng bị kéo theo, và phải đi theo cách đó. Mình đi theo cách khác, cách của tình thương. Tại vì mình đã được học bài học rồi. Chỉ có tình thương mới có thể xây dựng được truyền thông tốt giữa người với người, giữa người với những chủng loại khác, trong đó có các loài thảo mộc, các loài cầm thú và các loài khoáng vật.

 

Tăng đoàn Làng Mai hướng dẫn thiền hành cho các doanh nhân tại Salesforce

 

Câu Hỏi :

Thưa thầy khi quản lý một doanh nghiệp con luôn luôn phải vươn tới lương lai và phải đặt nhiều tham vọng. Tất cả các đối thủ đều như vậy, nếu con không như vậy thì con sẽ tụt hậu. Làm sao con có thể an trú trong giây phút hiện tại được? Theo thầy, đối với doanh nghiệp thì như thế nào là đủ?

Sư Ông trả lời :

Làm giàu không phải là chuyện xấu. Nhưng mình nên biết rằng mình muốn giàu là tại vì mình muốn hạnh phúc. Nếu giàu mà không có hạnh phúc thì giàu để làm gì? Khi mình hạnh phúc rồi thì tiền bạc đó sẽ tạo thêm hạnh phúc cho những người xung quanh mình. Khi xung quanh mình người ta hạnh phúc thì hạnh phúc của mình cũng tăng lên.

Chúng ta hay lo lắng cho tương lai, lo lắng cho sự thành công của tương lai, chúng ta lại hay sợ hãi về tương lai. Nhưng trong tuệ giác của đạo Bụt thì tương lai được làm bằng hiện tại cũng như hiện tại được làm bằng quá khứ. Nếu mình biết quản lý hiện tại với tất cả khả năng của mình tức là mình đã làm tất cả mọi cái cho tương lai rồi. Còn ngồi đó mà tiêu phí năng lượng trong sự lo lắng và sợ hãi thì chỉ làm hư tương lai thêm.

Mình có quyền thiết kế tương lai nhưng mà mình phải thả neo trong giây phút hiện tại. Mình vẫn an trú trên mảnh đất của thực tại để thiết kế tương lai, có nghĩa là mình đừng đánh mất mình trong sự lo lắng, sợ hãi về tương lai. Lo lắng và sợ hãi không có ích lợi gì cho tương lai hết mà còn làm hại cho tương lai nữa. Vấn đề không phải là lo lắng, sợ hãi cho tương lai mà là ngồi thật vững trong hiện tại để nếu cần thì thiết kế cho tương lai. Trở về với giây phút hiện tại, mình chăm sóc được thân và tâm của mình. Có những căng thẳng, đau nhức trong thân. Nếu mình cứ tiếp tục sống như lâu nay thì những căng thẳng, những đau nhức đó càng ngày càng bị dồn nén và nó sẽ sinh ra đủ thứ bệnh.

Căng thẳng (stress) cũng đã sinh ra đủ thứ bệnh cho thân và tâm của ta. Trong tâm có những buồn khổ, những lo lắng, những bực dọc. Khi trong tâm có căng thẳng và bực bội thì những tư tưởng, lời nói, cử chỉ và hành động của mình sẽ trở nên bạo động. Vì chúng bị thúc đẩy bởi những khổ đau, những lo lắng và những sợ hãi kia. Điều này tạo ra nhiều đổ vỡ trong bản thân, trong gia đình và trong doanh nghiệp của mình.