Đối diện với năng lượng bất an
Hỏi: Kính thưa Thầy, con thấy sự thực tập dừng lại và an trú trong giây phút hiện tại đối với con khó quá. Xin Thầy hướng dẫn thêm cho con để con có thể thực tập thành công.
Thầy: Trong ta có một nguồn năng lượng luôn thúc đẩy ta đi về phía trước, đó là năng lượng của tập khí. Năng lượng này rất mạnh, nó đã được huân tập từ nhiều đời nhiều kiếp của thế hệ tổ tiên. Ta đã thừa kế năng lượng ấy từ ông bà tổ tiên, cha mẹ ta. Bất cứ ở đâu, làm việc gì ta cũng bị năng lực tập khí này khống chế, nó thúc đẩy ta làm những điều ta không muốn làm, nói những điều ta không muốn nói; nó làm cho ta bất an và luôn chạy như bị ma đuổi. Vì vậy ta tới khóa tu là để tập thở, tập đi, tập ngồi và tập ăn cơm trong chánh niệm để có cơ hội dừng lại cái tập khí chạy như bị ma đuổi ấy.
Trong khi ăn, ta hãy tập ăn như thế nào để có thể thưởng thức trọn vẹn từng miếng cơm hoặc miếng bánh mì mà ta đang nhai. Nếu thực tập thành công trong miếng cơm đầu thì ta có thể thực tập thành công trong miếng cơm thứ hai, thứ ba và trong suốt bữa ăn. Thực tập ăn trong chánh niệm, đi trong chánh niệm có thể giúp ta dừng lại tập khí rong ruổi lâu đời của ta. Nếu khi nào quý vị cảm thấy trong người bất an, lăng xăng, quý vị có thể trở về với hơi thở, thực tập đi từng bước khoan thai, vững chãi và thảnh thơi. Nếu bước đầu đem lại cho quý vị sự vững chãi và an lạc, thì những bước kế tiếp cũng sẽ được như vậy.
Năng lượng của sự bất an trong ta có thể rất mạnh. Như tôi đã trình bày, nếu ta bị bối rối hoặc cảm thấy bất an, không biết cách đối phó với năng lượng tập khí mỗi khi nó phát khởi và hoành hành ta, thì ta nên thực tập nhận diện và gọi đúng tên của nó. Thở vào, quý vị có thể thầm nói: ”Chào anh bạn bất an. Tôi biết anh rồi.” Dùng hơi thở vào và hơi thở ra có ý thức để nhận diện sự có mặt của nó và mỉm cười với nó.
Có vài người đã rời bỏ khóa tu vì họ thực tập chưa thành công trong các phép tu căn bản của chánh niệm. Trong những ngày đầu của sự thực tập, ta thường cảm thấy khó chịu; điều này rất tự nhiên. Song, nếu ta biết nương vào đại chúng, thì ta sẽ thừa hưởng được năng lượng chánh niệm hùng hậu của đại chúng, được đại chúng nâng đỡ, dìu dắt và sự thực tập của ta trở nên dễ dàng hơn. Chắc chắn tới cuối khóa tu, tất cả chúng ta sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt, đạt được nhiều chuyển hóa, an lạc và hạnh phúc.
Điều quan trọng là ta phải có niềm tin nơi sự thực tập. Ta thực tập ăn cơm như thế nào để có an lạc, hạnh phúc trong mỗi miếng ăn, ta thở và đi như thế nào để có an lạc và thảnh thơi trong từng hơi thở và bước chân của ta. Qua bước chân, hơi thở và miếng cơm ta nhai trong chánh niệm, ta đã có thể tái lập lại được niềm tự do mà ta đã đánh mất. Bất cứ ta đang ở trong tư thế sinh hoạt nào dù đó là công việc chùi nhà, rửa bát hay bước một bước, ta đều thực hành trong chánh niệm, thân tâm hoàn toàn tự do. Làm được như thế, ta sẽ không còn là nạn nhân của năng lượng tập khí bất an nữa.
(Trích từ tác phẩm “Hơi thở nuôi dưỡng, Hơi thở trị liệu” – Sư Ông Làng Mai)