Độ nhất thiết khổ ách

 

Thói thường con người hay cắt xén thực tại ra từng mảnh nhỏ tách biệt, ít thấy liên quan duyên khởi của các hiện tượng. Thấy được tất cả trong cái một, thấy được cái một trong tất cả là phá được một thứ cố chấp lớn mà Đạo phật gọi là ngã chấp. Chấp ngã tức là chấp vào sự có những thực thể bất biến, những mảnh nhỏ rời rạc khô chết biệt lập với nhau. Phá được cái chấp ấy thì thoát ra ngoài mọi sợ hãi. Bát nhã tâm kinh nói rằng : “Khi Bồ Tát Quan Thế Âm quán chiếu về hợp thể ngũ uẩn và phát hiện ra cái trống rỗng của tự ngã thì tức khắc Ngài vượt thoát ra ngoài mọi khổ đau. ách nạn. Thiều cũng vậy, tôi cũng vậy, các tác viên khác cũng vậy. Nếu chúng ta thực tập quán niệm một cách dũng mãnh, tinh tiến thì chúng ta cũng thoát ra được mọi khổ đau ách nạn, nhất là mọi sự sợ hãi. Bổ Tát Quan Thế Âm thường được mô tả như một sự chuyên môn đi hiến tặng sự không sợ hãi (vô úy thí). Tặng phẩm ấy có chi là lạ. Đó là phương pháp quán duyên khởi nơi ngũ uẩn. Điều quan trọng là nếu người tặng đã tặng hết lòng thì người nhận cũng phải nhận hết lòng, như thế thì tặng phẩm mới có thể tới tay.

Hành giả phải tháo gỡ mọi bưng bít để sự sống của mình hòa vào sự sống của đại thể. Con người không phải là những đơn vị đóng kín trong một lớp vỏ dày và đang chu du trong không gian và thời gian. Sống kiếp trăm năm hay sống ngàn muôn kiếp trong chiếc kín (cái hũ) không phải là sống, mà cũng không phải là chuyện có thể có được. Sự sống của mình có mặt nơi những thực thể khác và những thực thể khác lại có mặt nơi mình. Mình là sự sống và sự sống không có biên giới. Có như thế thì mình mới sống được cái sống của vũ trụ, của người anh em, vui được cái vui của người anh em. Sự sống của mình đã không có biên giới thì sự còn mất của một hợp thể ngủ uẩn nào có nghĩa gì. Sự thăng trầm và tính cách vô thường của vạn hữu, sự đắc thất không còn lung lạc được mình nữa. Bởi vì hễ thấy được lẽ duyên khởi thì những thứ ấy không còn khống chế được mình và mình thoát ra được mọi khổ não. Ta hãy ngồi lại trong tư thế kiết già, điều phục hơi thở và hơi Nhất Chi Mai.

Quán duyên khởi phải quán cho chuyên cần. Trong lúc thiền tọa ta đã quán thành mà trong lúc giao tiếp công tác thường nhật ta cũng phải quán, phải thấy được người đối diện là mình và mình là người đối diện. Phải thấy được quá trình duyên khởi của mọi sự đã, đang và sẽ xảy ra.