Chương 6: Câu hỏi của người trẻ
82. Đức Phật là ai?
H. Đức Phật là ai?
Tl. Đức Phật là một con người như tất cả chúng ta. Ngài là một thái tử tên là Tất Đạt Đa (Siddhartha), sinh ra tại xứ Nepal cách đây 2.600 năm. Thái tử có một cuộc sống rất đầy đủ. Cung vàng điện ngọc, giàu sang, của ngon vật lạ và rất nhiều quyền lực. Mùa đông có biệt thự mùa đông. Mùa hè có biệt thự mùa hè. Thái tử rất thông minh và học rất giỏi. Khi đến tuổi trưởng thành, thái tử kết hôn và sinh được một con trai. Nhưng thái tử không mấy hạnh phúc. Thái tử thấy dường như vẫn còn thiếu một cái gì đó rất quan trọng trong cuộc đời. Mặc dù vua cha đã cố tìm cách che giấu không cho Ngài thấy những đau khổ của con người, nhưng thái tử Tất Đạt Đa vẫn nhận ra con người có biết bao nhiêu khổ cực. Và cho dù phụ vương của Ngài có rất nhiều quyền lực nhưng vẫn không giúp được cho dân bao nhiêu.
Vua cha muốn Ngài kế vị ngôi vua nhưng Tất Đạt Đa lại không thích. Ngài quyết định trở thành một vị tu sĩ để có thể giải thoát khổ đau cho mình và có thể giúp đỡ cho những người khác. Một đêm Ngài rời cung điện, rời vợ con, đi vào rừng tu tập trong nhiều năm. Cuối cùng Ngài đã giác ngộ thành Phật, nghĩa là trở thành một người hoàn toàn tỉnh thức. Sau đó, Ngài bắt đi đầu đi giáo hóa. Ngài giảng dạy trong suốt 45 năm và đã giúp cho rất nhiều người, giàu cũng như nghèo, tất cả mọi thành phần trong xã hội, có được một cuộc sống hạnh phúc. Ngài đã thành lập được một tăng đoàn với rất nhiều đệ tử. Ngài thị tịch ở tuổi 80. Giáo pháp của Ngài đã được truyền đạt qua rất nhiều thế hệ, và bây giờ đây, chúng ta đang là những học trò của Ngài.
Bụt đã dạy rằng mỗi người trong chúng ta ai cũng có khả năng trở thành Phật như Ngài. Nếu chúng ta có thương yêu, hiểu biết, và bình an, nếu chúng ta biết chuyển hóa hờn giận, ganh tỵ trong ta thì ta có thể trở thành một vị Bụt như Ngài. Trong thế gian này còn có rất nhiều vị Bụt khác nữa. Ở đâu mà có con người thì ở đó sẽ có một hay nhiều vị Bụt xuất hiện.
83. Sao gọi là Pháp?
H. Sao gọi là Pháp?
Tl. Pháp là con đường thực tập hiểu và thương. Pháp có thể được trình bày dưới hình thức một bài Pháp thoại hay một cuốn sách. Nhưng Pháp hay nhất là Pháp sống động, Pháp được hiển lộ nơi một người đang thực tập. Nhìn một người đang thực tập ta có thể thấy được phong thái bình an, hiểu biết thương yêu nơi người ấy. Đó là Pháp sống động. Khi chúng ta thực tập hơi thở chánh niệm, an tịnh tâm hành, an tịnh cảm thọ thì đó là Pháp sống động.
Bụt đã trao truyền Pháp qua nhiều thế hệ. Bây giờ chúng ta là những người đang tiếp nối Bụt. Nhờ sự thực tập của chúng ta mà Pháp được trường tồn để chúng ta trao truyền cho các thế hệ mai sau. Pháp là tinh hoa của Bụt. Nhờ Pháp mà chúng ta bớt đau khổ và có thể sống hạnh phúc, thương yêu. Nếu Bụt không có Pháp trong tự thân thì Bụt không phải là Bụt. Nếu Tăng không có Pháp trong tự thân thì Tăng không phải là Tăng. Sự thực tập của chúng ta là giữ cho Pháp còn mãi, sống động và ngày càng lớn mạnh để cho bản thân ta và cả người khác được hạnh phúc. Khi chúng ta thể hiện được Pháp như thế thì chúng ta có “Pháp thân”.
84. Muốn giác ngộ phải làm gì?
H. Muốn đạt được giác ngộ, việc quan trọng nhất là phải làm gì?
Tl. Giác ngộ không phải là chuyện quá xa vời. Chúng ta không cần phải thực tập rất lâu để đạt được giác ngộ. Chúng ta có thể giác ngộ một phần nào đó ngay bây giờ và ở đây. Điều này cũng giống như sức khỏe và đời sống an lành của chúng ta vậy. Khi uống trà, chúng ta biết mình đang uống trà, uống trong sự chú tâm và cảm thấy thích thú khi uống trà. Uống trà trong chánh niệm như thế đã là một sự giác ngộ. Có nhiều người uống trà mà không biết rằng mình đang uống trà. Họ chìm đắm trong sự hờn giận, sợ hãi, lo lắng, và những dự án trong tương lai nên không ý thức là mình đang uống trà. Sống chánh niệm với những gì đang xảy ra ngay bây giờ và ở đây là một sự giác ngộ. Khi đi mà chúng ta không ý thức là mình đang đi, đi như người mộng du thì ta không có sự giác ngộ. Còn nếu đi trong chánh niệm và an vui trong từng bước chân của mình là có sự giác ngộ. Khi ăn, chúng ta ăn trong chánh niệm cũng là một sự giác ngộ. Chánh niệm là khởi đầu của sự giác ngộ. Nếu chúng ta sống có chánh niệm trong từng giây phút hàng ngày thì chánh niệm của chúng ta càng thêm vững mạnh. Vì vậy, ta có câu: “Không có con đường đưa đến giác ngộ, giác ngộ chính là con đường.” Giác ngộ phải là giác ngộ ngay bây giờ và tại đây. Chúng ta uống trà, đi đứng, thở, giặt giũ như thế nào để có hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Đó là sự thực tập của chúng ta.
85. Phương pháp thiền tập nào tốt nhất?
H. Phương pháp thiền tập nào tốt nhất?
Tl. Chúng ta có thể thực hành thiền trong tư thế ngồi, nhưng cũng có thể thiền khi đi hay khi đứng. Thiền tập không cần phải bó buộc theo nghi thức. Ví dụ như khi xếp hàng lấy thức ăn ta có thể theo dõi hơi thở vào ra, trong niềm an vui cùng với những người xung quanh. Khi chạy xe đạp, nếu ta có niềm vui theo dõi hơi thở vào ra thì đó cũng là thiền tập. Khi rửa bát nếu ta biết thưởng thức hơi thở và mỉm cười thì việc rửa bát sẽ rất dễ chịu. Vậy thì ta có thể thực tập thiền trong bất cứ tư thế nào, nằm, ngồi, đi, đứng hay làm việc. Bất cứ làm gì nếu làm trong chánh niệm thì đó là thiền tập.
86. Làm thế nào để vượt qua sự sợ hãi?
H. Làm thế nào để vượt qua sự sợ hãi?
Tl. Trước hết ta phải xem xét sự sợ hãi của ta có phải là do tri giác sai lầm hay không. Thực tập hơi thở chánh niệm vào ra, sâu chậm, giúp ta nhìn sâu vào bản chất và gốc rễ của sự sợ hãi. Người ta thường sợ chết, sợ già, sợ bơ vơ, sợ bị bệnh, sợ mất đi những gì mình trân quý, sợ mất người thương, sợ mất việc, v.v. Bụt khuyên ta không nên trốn tránh sự sợ hãi. Trái lại, hãy nhớ lại cái cảm giác sợ hãi đó và nhìn sâu vào nó. Hầu hết chúng ta cố tìm cách che lấp sợ hãi, không dám nhìn thẳng vào nỗi lo sợ của mình. Thay vì ta tìm cách trốn tránh, hay không để ý tới sợ hãi, Bụt khuyên ta nên mời nỗi sợ hãi ấy lên, dùng chánh niệm để nhận diện và ôm ấp nó. Ngồi yên đó với nó để có thể chuyển hóa nó, thay vì xua đuổi hay khỏa lấp nỗi lo sợ của ta. Điều này đúng cho tất cả mọi trường hợp, sợ ít hay sợ nhiều của chúng ta. Đừng tự cho là mình không sợ. Đừng cố tìm cách kháng cự hay khắc phục. Sau một thời gian ta sẽ thấy khi cơn sợ xuất hiện trở lại, nó sẽ yếu hơn một chút.
87. Làm gì khi đang có cơn giận?
H. Khi đang cơn giận thì phải làm gì?
Tl. Đôi khi ta giận nhưng ta không chấp nhận là mình đang giận. Trong trường hợp ấy ta cần có một người bạn đủ thành thật để nói với ta: “Bạn ơi, bạn đang giận đấy.” Nhưng nếu là một người có tu tập thì ta không cần đến một người bạn, bởi vì nhờ có thực tập chánh niệm mà ta biết những gì đang xảy ra bên trong mình. Khi giận ta biết là ta đang giận. Ta thực tập hơi thở chánh niệm và nhủ thầm,
Thở vào, tôi biết là tôi đang giận.
Thở ra, tôi chăm sóc cơn giận đang có mặt trong tôi.
Không nên nói gì hay hành động gì khi ta đang giận bởi vì sẽ gây ra sự đổ vỡ. Trở về với mình, thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm để ôm ấp, nhận diện và làm giảm nhẹ cơn giận. Hãy nhìn sâu vào cơn giận và tự hỏi là nguyên nhân gì đã gây nên cơn giận dữ như vậy.
Chính ta có thể là nguyên nhân chính gây nên sự buồn giận, bởi vì hạt giống giận trong ta đã quá lớn. Ngay khi mới nghe qua, hay nhìn thấy một điều gì không vừa ý thì hạt giống giận trong ta bị tưới tẩm và khiến ta nổi giận ngay. Cho nên cơn giận đến từ bên trong ta chứ không phải từ một ai khác. Người kia chỉ là nguyên nhân phụ mà thôi. Hãy nhìn cho sâu để thấy rằng sự giận hờn là do nhận thức, do tri giác sai lầm, và hiểu lầm. Khi nhận rõ được điều ấy cơn giận của ta sẽ được chuyển hóa.
88. Lo lắng nhiều quá
H. Con lo lắng nhiều quá đến nỗi chẳng làm được việc gì. Làm thế nào để ngừng lo lắng?
Tl. Sự thực tập của chúng ta là học cách để chăm sóc phút giây hiện tại. Đừng để đánh mất mình trong quá khứ hay tương lai. Xử lý hiện tại cho tốt thì ta có thể chuyển hóa được những tiêu cực trong quá khứ hoặc chuẩn bị tốt cho tương lai. Chúng ta có xu hướng lo cho tương lai nhiều quá. Sự thực tập của chúng ta là trở về với hiện tại, đưa tâm trở về với thân, chăm sóc cho cảm thọ, ý thức được những gì đang xảy ra bên trong ta cũng như xung quanh ta. Khi ta thở vào thở ra trong chánh niệm, thân và tâm ta hợp nhất, chúng ta sẽ thật sự có mặt để xử lý hiện tại. Nếu có bức xúc, có căng thẳng thì hơi thở chánh niệm sẽ giúp ta thư giãn. Nếu trong thân có đau nhức, chánh niệm sẽ ôm ấp cảm thọ đau nhức ấy. Điều cốt yếu là ta phải thật sự có mặt trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, để chăm sóc cho tự thân và cho những gì đang xảy ra. Không nên suy nghĩ quá nhiều về tương lai, về những gì có thể xảy ra trong tương lai và không vướng bận quá nhiều về quá khứ. Phải tập luyện để thành thói quen. Phải học cách an trú trong giây phút hiện tại, ngay bây giờ và ở đây, để có thể chăm sóc tốt cho thân tâm và cảm thọ của ta ngay trong giây phút hiện tại. Đó là cách hiệu quả nhất để xử lý những lo âu.
Khi ta học được cách xử lý giây phút hiện tại, ta biết chăm sóc cảm thọ của mình và chăm sóc những gì đang xảy ra xung quanh, ta càng thêm tin tưởng vào khả năng xử lý hoàn cảnh của mình, nhờ đó mà ta có thêm tự tin. Khi sự tự tin của ta càng lớn thì ta sẽ không còn là nạn nhân của lo âu nữa.
89. Kiến thức có bị mất sau khi ta chết không?
H. Khi một người chết đi thì kiến thức của người ấy có mất luôn không?
Tl. Theo lời Bụt dạy thì không có gì mất đi cả. Tuy hình hài chúng ta tan rã nhưng chúng ta vẫn còn. Thể xác này chỉ là một phần rất nhỏ của chúng ta mà thôi. Trong đời sống hàng ngày, con người chúng ta đã tạo tác ra lời nói, ý nghĩ và hành động, đó là những sự tiếp nối của chúng ta. Trong đạo Bụt gọi đó là Nghiệp. Nghiệp là hành động, hành động bằng ý nghĩ, bằng lời nói và bằng những tạo tác. Ngay khi ta khởi lên một ý nghĩ thì ý nghĩ ấy tức thời có ảnh hưởng lên ta và lên cả thế giới. Ý nghĩ đó là sự tiếp nối của ta. Ý nghĩ ấy là ta. Một ý nghĩ thương yêu, tha thứ và hiểu biết sẽ có tác dụng tốt lên thân, tâm chúng ta và lên cả thế giới. Một ý nghĩ giận dữ, thù ghét, hay tàn bạo sẽ có tác dụng xấu lên thân, tâm chúng ta và lên trên thế giới. Đó không phải là một tiếp nối đẹp. Sự thực tập của chúng ta là chế tác được những ý nghĩ tốt đẹp như ý nghĩ thương yêu, hiểu biết và tha thứ. Bụt gọi đó là sự thực tập chánh tư duy. Những gì ta chế tác ra mỗi ngày như ý nghĩ, lời nói và hành động sẽ tác động ra ngoài thế giới mặc dù có thể ta không thấy. Cũng giống như hơi nước, chúng ta không thấy hơi nước nhưng chúng ta biết hơi nước có ở đó. Những ý nghĩ, lời nói, và hành động của ta chính là sự tiếp nối của ta. Cho nên khi nhìn vào thân thể, ta phải tập thấy thân thể này chỉ là một phần rất nhỏ của ta. Cũng giống như một đám mây ở trên trời đang nhìn xuống và thấy một phần của chính mình đã biến thành dòng sông và mỉm cười nói: “Chúc lên đường vui nhé, hẹn gặp nhau sau.” Ta cũng như đám mây kia nhìn lại một phần của mình đã đi về tương lai và nói: “Chúc lên đường vui nhé, hẹn gặp nhau sau.” Bao nhiêu trí tuệ, thương yêu, hờn giận, an vui, đau khổ của ta không chỉ có ở đây trong hiện tại, mà còn có ở tương lai như là sự tiếp nối của ta.
90. Làm gì khi bị bạn bè chọc ghẹo?
H. Con phải làm gì khi bị bạn bè chọc ghẹo?
Tl. Khi bị bạn bè chọc ghẹo, ta có thể nổi giận và nói lời không đẹp, hay có ý muốn trừng phạt, nhưng làm như vậy là không tốt. Là một người có thực tập, ta nên trở về với hơi thở vào, ra, giữ bình tĩnh và nói với chính mình: “Đây là một sự thử thách. Nếu ta giữ bình tĩnh được thì ta là người thực tập giỏi. Còn nếu ta phản ứng lại một cách hung dữ thì ta sẽ đau khổ và như vậy ta thực tập không giỏi.” Vì vậy, ta nên trở về với hơi thở, thở vào, thở ra nhẹ nhàng rồi mỉm cười với người bạn đã chọc ghẹo mình. Khi ta có khả năng nhìn người đó bằng ánh mắt thương yêu, ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Hãy hành động như một vị Bụt trẻ, phản ứng lại bằng nụ cười với tâm từ bi. Hành xử như thế, người bạn kia sẽ không còn muốn chọc ghẹo mình nữa. Nếu con làm được như vậy thì thật là một chiến thắng lớn.
91. Chế ngự tánh nóng giận
H. Làm sao để chế ngự tánh nóng giận?
Tl. Cách hay nhất là không nên tìm cách chế ngự mà là làm bạn với tánh nóng giận của mình. Nếu tìm cách chế ngự thì sẽ gây nên một sự xung đột giữa mình và tánh nóng giận đó. Vì vậy, cách hay nhất là không nên tìm cách chế ngự mà chỉ ôm ấp và chăm sóc nó. Cũng như khi ta đang tức giận hay sợ hãi, ta không chế ngự hay đấu tranh với cơn giận hay nỗi sợ hãi của mình mà chỉ ghi nhận là ta đang tức giận hay đang sợ hãi.
Thở vào, tôi biết là tôi đang giận.
Thở ra, tôi ôm ấp và ghi nhận cơn giận của tôi.
Tôi biết rằng tôi đang chăm sóc cho cơn giận của tôi.
Cách hay nhất để đối phó với tánh nóng giận là làm bạn với nó và chăm sóc nó, như một người anh lớn đang chăm sóc cho đứa em nhỏ mà không nên đàn áp. Trong truyền thống thiền tập của đạo Bụt, không có sự gây chiến, đàn áp mà chỉ có sự nhận diện, ôm ấp và nâng đỡ.
92. Thiên Chúa giáo là tôn giáo đích thực?
H. Con học ở một trường công giáo. Một vài người bạn nói với con rằng Thiên Chúa giáo là tôn giáo đích thực duy nhất. Làm thế nào để con chỉ cho họ biết rằng Thiên Chúa giáo không phải là con đường duy nhất đưa đến chứng ngộ tâm linh.
Tl. Trên thế giới có nhiều truyền thống tâm linh. Truyền thống tâm linh này không loại trừ truyền thống tâm linh kia. Tất cả đều thuộc về gia tài tâm linh của nhân loại. Chúng ta phải trân quý tất cả. Cũng giống như chúng ta có một giỏ trái cây. Nếu mình thích ăn cam thì cứ tự do ăn cam, không ai cấm mình thưởng thức táo, đào, hay mận. Còn nếu chỉ ăn có trái cam thôi thì uổng quá. Nhiều người thích thực tập đạo Bụt, nhưng cũng thích giáo lý của Hồi giáo, Kitô giáo, Do Thái giáo, v.v. Những người cho rằng truyền thống của họ là truyền thống duy nhất thì cũng giống như những người chỉ biết ăn một thứ trái cây. Thật buồn cho họ. Chúng ta phải giúp họ để họ có thể nhận thấy rằng họ có thể hưởng được nhiều tuệ giác từ nhiều truyền thống tâm linh khác nhau nếu họ biết cởi mở hơn. Với lòng kiên nhẫn, và với tâm từ bi chúng ta có thể giúp họ mở rộng tấm lòng hơn.
93. Nhớ lại kiếp trước
H. Chúng ta có thể nhớ lại kiếp trước hay không?
Tl. Khi quán chiếu sâu sắc vào tự thân, Thầy thấy trong quá khứ Thầy đã từng là đá, là cây, là con sóc, con chim, con cá, là đám mây, dòng sông. Và nếu tiếp tục nhìn sâu, Thầy vẫn tiếp tục thấy như vậy. Chúng ta nghĩ mình là một con người, nhưng nhìn cho sâu chúng ta sẽ thấy rằng cùng lúc chúng ta là bao nhiêu thứ khác nữa. Hãy thử nghĩ đi. Ta có thể tin rằng đám mây kia chỉ ở trên trời, nhưng kỳ thực mây cũng đang có ở trong ta. Khi uống một tách trà trong chánh niệm, uống cho thật sâu sắc, ta sẽ thấy là ta đang uống mây. Mây trở thành mưa, mưa trở thành trà, và bây giờ ta đang uống mây dưới hình dạng trà. Nhờ thực tập nhìn sâu, chúng ta có thể thấy được những kiếp sống trước, và thấy rằng ta tiếp tục mang những kiếp trước của ta trong hiện tại. Kiếp trước không phải là tưởng tượng. Chúng ta tiến hóa từ đá sang nước, sang sinh vật đơn bào rồi thành con người. Chúng ta đã đi qua nhiều kiếp sống, và vẫn tiếp tục tương tức với những kiếp sống xa xưa.
94. Sau khi Sư Ông tịch
H. Sau khi Sư Ông tịch, các Thầy, các Sư cô và tăng đoàn sẽ ra sao?
Tl. Thầy sẽ luôn luôn còn đây. Thầy đã đem hết khả năng của mình trao truyền sở đắc cho tất cả mọi người. Thầy không ở ngoài con, thầy ở trong con. Một tăng thân đích thực, nghĩa là một tăng thân có tu tập, luôn luôn có Phật, có Pháp, và có vị Thầy hiện hữu. Cho nên dù bất cứ ta ở đâu ta cũng cảm thấy có Phật, có Pháp, có Tăng trong ta, không có sự xa cách. Càng thực tập ta càng cảm nhận Phật, Pháp, và Tăng trong tim ta. Chỉ cần thực tập một ít thời gian để khám phá ra điều ấy. Khi lạy Bụt có thể chúng ta nghĩ là Bụt đang ngồi trên bàn thờ. Nhưng Bụt không có trên bàn thờ; Bụt ở trong tim ta. Bởi vì Bụt là khả năng chánh niệm, tỉnh thức, khả năng thương yêu, chấp nhận, và chúng ta biết rằng trong tim ta cũng có những khả năng ấy. Nếu chúng ta tu tập giỏi thì những khả năng ấy ngày càng phát triển. Và ý niệm bên trong, bên ngoài sẽ trở nên rõ ràng sáng tỏ hơn. Phải nhìn cho sâu để thấy rằng vị thầy mà ta thương mến và kính ngưỡng đã thật có trong ta.
95. Làm gì khi cảm thấy buồn?
H. Khi buồn con nên làm gì?
Tl. Nếu có cảm thấy buồn thì cũng không sao. Không nên chạy trốn, cứ để cho nỗi buồn ở đó một lúc. Rồi với sự thực tập ta có thể chuyển đổi tình trạng. Thật ra khi buồn ta vẫn có nhiều cách để đem tới niềm vui. Thiền sỏi là một phép thiền vui có thể thực tập một mình hay cùng với bạn bè.
Hơi thở chánh niệm cũng có thể giúp ta bớt buồn. Hơi thở vào, ra trong chánh niệm có năng lực làm cho thân tâm, và cảm thọ của mình trở nên lắng dịu. Trong khi thở và quán chiếu ta thấy mình là mặt hồ tĩnh lặng, yên tịnh. Vì vậy, buồn là cơ hội để ta thực tập chế tác năng ra lượng yên tịnh và bình an trong ta.
96. Con nít thích xem ti vi
H. Tại sao con nít hay thích xem ti vi?
Tl. Bởi vì cha mẹ bận việc quá nên ti vi đã trở thành người giữ em. Xem ti vi đôi khi cũng tốt bởi vì ti vi có nhiều chương trình hay, có thể học được nhiều điều hay, biết được nhiều điều hữu ích. Nhưng cũng có nhiều chương trình đầy bạo động. Có những chương trình khác chiêu dụ sự ham thích để mình đòi cha mẹ mua sắm thứ này thứ kia. Vì vậy, cho trẻ em xem ti vi nhiều quá là không tốt. Nếu người lớn không quá bận việc thì có thể dành nhiều thì giờ hơn để chơi với con cái, và trẻ nhỏ sẽ không phải xem ti vi nhiều quá. Có nhiều hoạt động rất hay có thể cho ta rất nhiều niềm vui mà không cần đến ti vi.
Có một dịp chúng tôi có một khóa tu có 300 em tham dự. Ban đầu có em phản đối vì không có ti vi và các trò chơi điện tử. Nhưng sau đó vì khóa tu vui quá nên các em đã quên mất ti vi và sinh hoạt cùng với nhau rất vui vẻ cho đến hết khóa tu. Vì vậy, chúng ta phải tìm cách thay thế ti vi bằng những thú tiêu khiển thích thú hơn.
97. Phật tử có được đi câu cá không?
H. Phật tử có được đi câu cá không?
Tl. Theo như Hai Lời Hứa (hai Thực Tập Chánh Niệm của thiếu nhi) thì chúng ta phải bảo vệ sinh mạng của con người, của thú vật, cây cỏ, và đất đá.
Con xin mở rộng lòng thương và tìm cách bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài, cỏ cây, cầm thú và đất đá.
Con xin mở rộng tầm hiểu biết để có thể thương yêu và chung sống với mọi người và mọi loài, cỏ cây, cầm thú và đất đá.
Vì vậy, nếu đi câu là phạm giới. Giả sử con là con cá đang bơi lội tung tăng bỗng nhiên bị sa vào lưới ông chài. Con sẽ không về được với ba cá, mẹ cá nữa. Chắc là con sẽ đau khổ vô cùng. Cho nên không đi câu cá là thực tập hạnh từ bi. Hãy để cho cá có cơ hội được sống.
Tuy nhiên sinh vật nào cũng cần kiếm thức ăn để sống. Vì vậy, thỉnh thoảng chúng ta phải đi câu cá, nếu không chúng ta sẽ chết đói. Nguyên tắc là khi ta không cần cá, không cần giết một sinh vật để có thức ăn thì ta không nên câu cá. Các loài động vật khác cũng làm như vậy. Một con sư tử chỉ đi săn mồi khi sư tử mẹ, sư tử con bị đói. Khi không đói thì sư tử không đi săn mồi. Loài người chúng ta phải học theo các loài thú. Các loài động vật không giết hại nhau trừ phi chúng cần thức ăn. Ngoài ra việc thực tập hai lời hứa sẽ đem lại hạnh phúc cho ta và cho các sinh vật khác nữa. Chúng ta sẽ cố gắng hết lòng dù không ai có thể giữ giới không sát sinh một cách toàn vẹn.
Chính ngay Bụt cũng không thể giữ giới thứ nhất một cách tuyệt đối, bởi vì Bụt phải đi đây đi đó, Bụt cũng cần thức ăn. Khi đi, Bụt có thể đạp chết sâu bọ dưới chân mặc dù Bụt không cố ý. Vào thời Bụt, Bụt và tăng đoàn đã an cư trong suốt ba tháng mùa mưa để tránh đi lại trong khoảng thời gian đó và tránh giẫm đạp lên các sâu bọ đang mùa sinh trưởng. Khi đi trên thảm cỏ rất có thể ta sẽ đạp lên trên các sinh vật sống trong cỏ. Có một bài thơ rất cảm động trong cuốn sách Bước tới thảnh thơi – tập sách Thầy đã viết cho các sa di. Con có thể dùng bài thơ ấy để thực tập thở vào, thở ra, hay khi thức dậy mỗi buổi sáng đặt chân vào dép, hay khi mang giày vào trước khi đi học.
Sáng, trưa, chiều và tối
Mọi loài hãy giữ gìn
Nếu dưới chân lỡ đạp
Xin nguyện chóng siêu sinh.
Ngay cả khi ăn chay ta phải luộc rau củ, khi luộc ta có thể đun sôi các loài sâu hay vi trùng sống trong rau quả. Cho nên một đĩa thức ăn chay không bao giờ hoàn toàn chay tịnh. Điều đáng nhớ là chúng ta nên cố gắng hết lòng mặc dù biết rằng ta không thể làm điều đó một cách trọn vẹn. Cố gắng hết lòng là tốt rồi. Không cần phải thực tập từ bi một cách tuyệt đối. Chỉ cần cố gắng mỗi ngày một chút trên đường thực tập từ bi là ta sẽ có bình an trong tâm, và ta đã đóng góp vào bình an cho toàn thế giới.
Đi về hướng tôn trọng sự sống là rất tốt, bởi vì ta đi về hướng cứu giúp mạng sống của mọi loài động vật, cỏ cây và đất đá.
98. Sống đời tâm linh hay gặp nạn
H. Jesu, Martin Luther King, Jr. và Gandhi bị ám sát. Tại sao các vị sống đời tâm linh lại hay gặp nạn dữ?
Tl. Khi trong tâm còn đầy hiểu lầm và sợ hãi người ta dễ làm những việc hung bạo. Họ cho rằng mục sư Martin Luther King, Jr. là một người nguy hiểm. Đó là một tri kiến sai lầm. Tri giác sai lầm là nguồn gốc của mọi sự sợ hãi và tức giận. Vì vậy, sự thực tập của chúng ta là tháo gỡ những tri giác sai lầm ấy. Những nhà lãnh đạo tâm linh như Gandhi và mục sư King không buồn giận khi bị giết. Trái lại các Ngài cảm thương cho những người đã giết các Ngài, bởi vì các Ngài biết rằng chính tri giác sai lầm, giận dữ, và sợ hãi đã đưa đến những hành động như thế. Thế giới chúng ta cần rất nhiều thương yêu và hiểu biết, và sự thực tập của chúng ta là làm sao để thương yêu và hiểu biết được thể hiện nhiều hơn.
Nhìn cho sâu chúng ta thấy rằng nếu xóa bỏ tri giác sai lầm thì hiểu biết và thương yêu sẽ hiển lộ. Tu tập giáo pháp, sử dụng ái ngữ và lắng nghe sâu, chúng ta có thể giúp nhau xóa bỏ tri giác sai lầm để không ai còn sợ hãi và sân hận. Đó là điều ta nên làm để chấm dứt chiến tranh, ngăn ngừa khủng bố, và xây dựng hòa bình.
Không thể nào ngăn chặn khủng bố bằng bom, bằng súng. Sử dụng bom và súng chỉ sinh ra thêm nhiều khủng bố và làm cho tình trạng khủng bố lớn mạnh hơn. Mỗi chúng ta đều có hạt giống của hiểu biết và thương yêu. Ta gọi đó là Phật tính. Sự thực tập là khơi dậy những hạt giống thiện căn ấy và giúp chúng phát triển lớn mạnh từng ngày.
99. Giúp người khác vượt qua sợ hãi
H. Làm thế nào để giúp người khác vượt qua nỗi sợ đau nhức thể xác và sợ chết?
Tl. Trước hết, ta phải giúp được cho chính mình. Ta phải biết cách xử lý với sợ hãi và đau nhức của ta. Nói cho cùng, sở dĩ ta giúp người khác được là vì ta đã có kinh nghiệm trực tiếp về việc ôm ấp nỗi sợ hãi và đau nhức của ta. Đau khổ và sợ hãi không phải là kinh nghiệm riêng mình ta. Đau khổ và sợ hãi của ta cũng là đau khổ và sợ hãi của cha mẹ, bạn bè ta. Có anh trong tôi và có tôi trong anh. Nếu có điều gì đó tốt lành xảy đến cho tôi thì điều lành ấy cũng xảy đến cho tất cả chúng ta. Ngược lại, nếu có điều dữ xảy đến cho tôi thì điều dữ ấy cũng xảy đến cho tất cả chúng ta. Trong nghĩa đó, em bé là người lớn và người lớn là em bé. Câu trả lời này phát xuất từ tuệ giác vô ngã. Nhờ tuệ giác vô ngã mà ta thấy rằng hạnh phúc là hạnh phúc của cả tập thể. Không có sự tách biệt.
Giả thử ta đã thực tập buông thư được những căng thẳng trong thân tâm, làm lắng dịu những bức xúc, đau nhức và cảm thấy khỏe nhẹ hơn. Ta biết rõ cách thực tập như thế. Giờ đây, khi nhìn thấy một người đang căng thẳng, đau nhức thì ta có thể chỉ cách cho người ấy thực tập. Người ấy sẽ tin tưởng ta vì ta đã có kinh nghiệm trực tiếp. Vì vậy, ta phải tự mình làm được trước. Chỉ bằng cách ta sống, cách ta xử lý mọi tình huống cũng đủ để ta giúp ích cho người khác rồi. Những người khác khi nhìn thấy ta phản ứng một cách bình tĩnh và dễ thương họ sẽ bắt đầu học hỏi nơi ta.
100. Chuông chánh niệm
H. Chuông chánh niệm có nghĩa là gì?
Tl. Chuông chánh niệm giúp ta trở về với ta, trở về với hơi thở chánh niệm, để ý thức rằng ta đang còn sống, ta đang ở đây, đi đứng trên địa cầu xinh đẹp này. Tiếng chuông là tiếng gọi kêu ta trở về với giây phút hiện tại. Rất nhiều âm thanh có thể dùng làm tiếng chuông chánh niệm. Tiếng chuông chùa, tiếng chuông nhà thờ, tiếng chuông đồng hồ, và ngay cả tiếng chuông điện thoại cũng có thể xem như là tiếng chuông chánh niệm.
Thiền điện thoại là một phép thiền tuyệt vời. Trước khi ta nhấc điện thoại lên, điện thoại cầm tay hay điện thoại bàn, ta thở vào, thở ra để an tịnh thân tâm. Sau đó đọc thầm bài kệ:
Tiếng đi ngoài ngàn dặm
Xây dựng niềm tin yêu
Mỗi lời là châu ngọc
Mỗi lời là gấm thêu.
Ta thở vào, thở ra, đọc thi kệ, rồi bấm số điện thoại. Điện thoại đầu dây bên kia reo, nhưng người đầu dây bên kia cũng đang thực tập thiền điện thoại. Vì đang theo dõi hơi thở cho nên người ấy không trả lời điện thoại ngay mà đợi điện thoại reo ba lần.
Rồi người ấy nói thầm:
Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.
Trong khi đó ta vẫn tiếp tục thở vào, ra, thưởng thức từng hơi thở và chờ người bên kia trả lời. Khi người ấy trả lời thì chắc chắn cuộc đối thoại sẽ rất vui vẻ vì cả hai đã thực tập, đều đang bình tĩnh và mỉm cười. Đó là thiền điện thoại. Thầy có nhiều người bạn, có người là giám đốc hãng, họ rất thích thiền điện thoại. Họ cho Thầy biết rằng thực tập như thế họ cảm thấy vui hơn khi làm việc. Tại Làng Mai mỗi khi tiếng chuông điện thoại reo mọi người đều dừng lại, thực tập hơi thở chánh niệm. Cho nên tiếng chuông là một người bạn, một sáng kiến để giúp chúng ta thực tập. Khi sử dụng máy vi tính, ta có thể bị lôi cuốn và quên đi là mình đang còn sống. Cho nên ta có thể cài đặt tiếng chuông vào máy vi tính để cứ mỗi mười lăm phút máy sẽ phát ra một tiếng chuông để nhắc nhở ta trở về với mình, mỉm cười và thở trong chánh niệm trước khi tiếp tục. Nhiều người đã thực tập như thế. Tiếng chuông nhắc ta trở về để thưởng thức hơi thở là một cơ hội nghỉ xả hơi tuyệt vời./.