Tìm cách thực dụng

 

Đạo Phật Ngày Nay – Tìm cách thực dụng

Nhận thức rằng đạo Phật là một thực tại linh động ta phải nghiên cứu đạo Phật trong quá trình lịch sử của nó. Điều quan trọng không phải là tách rời ra khỏi dòng sinh hoạt Phật giáo một ít hiện tượng để phân tích, suy luận, mà là cố gắng nhận thức được bản chất của đạo Phật trong suốt dòng liên tục lịch sử của đạo Phật. Có như thế ta mới mong đạt đến những nguyên lý Phật giáo làm chất liệu cho dòng sinh hoạt hai ngàn năm trăm năm lịch sử kia.

Chân lý, trước hết, là những nguyên lý mà ta phải hành động cho phù hợp, nếu ta muốn đi đến thành công. Thành công ở đây có nghĩa là đạt tới sự an lạc và trí tuệ, hiểu theo nghĩa đạo Phật. Nhưng nếu bối cảnh hành động không đâu giống đâu, chủ thể hành động không ai giống ai, điều kiện hành động không lúc nào giống lúc nào, thì, để phù hợp với những nguyên lý ấy, con người phải linh động trong khi đạt đến mục đích của hành động chứ không phải chấp chặt vào những hình thái của hành động. Chấp chặt như thế, kết quả có khi về trái ngược với ý nguyện. Cho nên, chân lý là những gì hết sức linh động và cũng hết sức thực dụng, nói như William James. Căn cứ trên nhận định đó, đức Phật đã thành lập một nền đạo lý hướng dẫn, nhắm mục đích giúp đỡ và dìu dắt con người trên quá trình hành động, chứ không ngây thơ đặt ra những giáo điều cứng nhắc để mong có thể áp dụng hoàn mỹ cho tất cả mọi con người, mọi căn cơ, mọi thời đại. Cố nhiên mỗi căn cơ hay mỗi thời đại cần phải xây dựng cho mình những giáo điều phù hợp với chính mình để đối trị thích ứng với trường hợp mình, xây dựng bằng những nguyên lý hướng dẫn linh động ấy. Và vì vậy, Phật Pháp có thiên hình vạn trạng. Các câu nói bất hủ : “Phật Pháp thị thế gian pháp” (Phật Pháp là thế gian pháp), “Phật Pháp thị bất định pháp” (Phật Pháp là bất định pháp), “Phật Pháp tại thế gian bất ly thế gian giác” (Phật Pháp ở trong thế gian và không ly khai với những điều giác ngộ của thế gian), “Nhất thiết thế gian pháp tức thị Phật Pháp” (tất cả các thế gian pháp đều là Phật Pháp) đều để phát huy và diễn tả ý niệm trên. Đạo Phật có đến “tám vạn bốn nghìn” pháp môn khác nhau để đối trị với “tám vạn bốn nghìn” căn cơ khác nhau. Con số “tám vạn bốn nghìn”, trước sau, chỉ là một con số tượng trưng.

Tính cách linh động ấy của những nguyên lý Phật giáo lại đồng thời chứng minh một cách rõ rệt tính cách thực dụng căn bản của đạo Phật. Đạo Phật nhắm đến những vấn đề thực tại của sự sống con người, chứ không nhắm đến sự biện giải những vấn đề siêu hình, những thiết tưởng huyền đàm không thể kiểm nhận bằng thực nghiệm. Biết bao nhiêu lần các vị đệ tử của Phật đã đặt những câu hỏi siêu hình, nhưng Ngài đều không nói. Ngài không muốn đệ tử Ngài đắm chìm trong những suy luận siêu hình, mất thì giờ, không bổ ích. “Này các vị, đừng thắc mắc rằng thế giới này là hữu hạn hay vô hạn, cõi đời này là hữu cùng hay vô cùng. Dù nó là hữu hạn hay vô hạn, hữu cùng hay vô cùng, thì điều mà các vị phải thừa nhận trước hết vẫn là : Cuộc đời đang dẫy đầy những đau khổ” (Kinh A Hàm). Cuộc đời khổ đau, bất tịnh, vô thường, vô ngã. Hãy chuyển hóa cuộc đời, hãy chuyển hóa bản thân, hãy giải thoát vô minh dục vọng để đạt đến an lạc và trí tuệ. Đừng mong đạt tới chân lý tuyệt đối khi mà công cụ trí tuệ còn yếu đuối, mờ ám, vô năng. Giải thoát trí tuệ ra khỏi vô minh và dục vọng, phát triển trí tuệ đến trạng thái vô lậu (trạng thái không còn bị rơi vào mê lầm nữa) thì tự nhiên chân lý hiển lộ. Việc cần thiết và cấp bách là thoát khỏi vô minh dục vọng, thoát khỏi khổ đau. Một người bị trúng tên độc phải rút ngay mũi tên ra để mà buộc thuốc, chứ không nên chần chừ mà nói : “Khoan nhổ mũi tên đã ! Hãy chỉ cho tôi biết ai đã bắn mũi tên đó, tên họ là chi, có vợ con chưa, bao nhiêu tuổi…”. Chỉ có người ngu muội mới hành động như vậy, và thái độ của kẻ không chịu giải quyết thực tế những vấn đề hiện thực mà cứ hay phiêu lưu vô vọng trong thế giới suy tưởng siêu hình cũng không khôn ngoan hơn. Một hôm đức Phật từ trong rừng trở về tịnh xá, tay cầm một nắm lá Simcapa. “Này các vị, Ngài đưa nắm lá lên cao, các thầy nghĩ sao ? lá Simcapa trong tay ta nhiều hay là lá Simcapa ở trong rừng nhiều ? – Bạch đức Thế Tôn, lá trong tay Ngài ít, lá trong rừng nhiều. – Cũng như thế đấy, các vị; những điều ta đã chứng ngộ thì quả thực là nhiều như lá trong rừng, nhưng những điều ta đem ra chỉ bảo cho các vị thì ít như lá trong tay ta đây. Tại sao ta không dạy tất cả các điều kia ? Vì những điều kia vô ích, không giúp các vị tiến tới giải thoát. Ta chỉ dạy những điều có thể giúp các vị giải thoát mà thôi”. Tất cả những giáo lý đạo Phật đều mang màu sắc thực dụng. Những hệ thống triết lý hướng dẫn được hoàn thành trong quá trình truyền giáo, như hệ thống Pháp tánh và hệ thống Duy thức, tuy đôi khi có mang màu sắc siêu hình học, nhưng không phải là những hệ thống lý luận siêu hình (systèmes logico – métaphysiques) mà là những hệ thống tâm lý siêu hình (systèmes psycho – métaphysiques) bắt nguồn từ nhận thức tâm lý để đi sâu vào thực nghiệm tâm linh và thực chứng bản thể. Trong triết học Tây phương, ta không bao giờ thấy có một sự dung hợp lạ kỳ giữa tâm lý, tâm linh và thực nghiệm siêu hình như ở Duy Thức Học đạo Phật chẳng hạn.

Nhưng các hệ thống triết học kia không phải được dựng nên để giải đáp các thắc mắc siêu hình, mà là để hướng dẫn. Đó là những “ngón tay chỉ mặt trăng”. Đó là những “ảnh tượng chân lý”, nói như Thái Hư Pháp Sư, mà không phải là chân lý. Nương vào ảnh hưởng của chân lý là để đạt đến chân lý; mà ta chỉ đạt tới khi ta rời bỏ được ảnh tượng. Các hệ thống kia có giá trị như những đồ án dùng để đi tìm chân lý; chấp vào đồ án thì không bao giờ thấy được chân lý, mà bỏ đồ án đi thì cũng vô vọng (y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan; ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết). Cho nên ở bất cứ một giáo hệ nào của Phật giáo, ta cũng thấy rõ tính cách thực dụng linh động của đạo Phật. Ta không bao giờ thấy những câu như: “Chân lý là thế nầy, chân lý là thế kia”, mà chỉ thấy tinh thần của những câu như : “Nếu làm như thế nầy, ta sẽ đến chỗ nầy, nếu làm như thế kia; ta sẽ đạt đến chỗ kia”, hay “Nếu muốn đi đến đó thì phải hành động như thế này, nếu muốn đi đến chỗ kia thì phải hành động như thế kia”. Lìa tính cách thực dụng ấy, tất cả những lý thuyết nào dù được mệnh danh là Phật giáo đều không phải đích thực là Phật giáo. Chân lý Phật học, để kết luận, bao giờ cũng linh động và thực dụng, và như thế con người một mặt phải thực tế và thành khẩn, một mặt khác phải khai thác khả năng nhận thức khoáng đạt của nội tâm mới mong bắt gặp được nó. Sự hiển lộ của chân lý chỉ có thể thực hiện khi ta đã phủi bỏ những cố chấp hình thức, và chỉ khi nào chân lý hiển lộ ta mới tìm thấy lẽ sống chân thực và ý nghĩa.