Chương 17: Thuyền nhân
Tháng 12 năm 1976, khi đang dự Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới về Hòa Bình (World Conference on Religion and Peace – WCRP) ở Singapore với 300 nhà lãnh đạo tôn giáo, Thầy được một số phụ nữ Việt Nam đến xin gặp và báo tin hiện đang có hàng ngàn và có thể hàng chục ngàn người Việt bị nhốt ở những trại tị nạn ở Thái Lan và Mã Lai, không hy vọng gì được chấp nhận đi định cư ở bất cứ nước nào. Ở Singapore thì có rất ít người tị nạn vì chính sách của chính phủ này là đẩy tất cả thuyền nhân ra biển trở lại, không cho tị nạn dù là ở tạm, dù là thuyền hư, kể cả nếu thuyền nhân có chết họ cũng không cần biết. Nếu một thuyền đánh cá nào lỡ vớt một thuyền nhân thì người chủ tàu phải đóng thế chân 10.000 dollars Singapore hay 4.000 mỹ kim cho mỗi thuyền nhân mà họ vớt, và chỉ được hoàn lại tiền khi nào người thuyền nhân đó bị đẩy ra biển lại. Các chị mời Thầy chịu khó đi thăm 9 thuyền nhân vừa được tàu đánh cá Singapore vớt và sắp bị đẩy ra biển. Các chị người Việt lấy chồng Mỹ định cư tại Singapore thường tìm cách cứu người tị nạn bằng cách cho mỗi người đánh cá 100 đô khi họ báo tin vớt được một thuyền. Họ lặng lẽ báo tin cho các chị, chờ đến giữa khuya các chị đem những thuyền nhân vừa được vớt, âm thầm giúp họ lọt vào bên trong khuôn viên Sứ Quán Pháp, dĩ nhiên là có một nhân viên trong sứ quán lặng lẽ đồng lõa. Ngày hôm sau Đại Sứ nước này có bổn phận báo cho chính quyền Singapore rằng họ đang có năm người hay bảy người đang xin tị nạn ở lãnh thổ Pháp và như thế Pháp chịu trách nhiệm cho việc định cư của những người này vào nước Pháp. Cảnh sát Singapore sẽ đến bắt và nhốt những người này cho tới khi họ có giấy tờ đi Pháp. Tuy bị bỏ tù trong khi chờ đợi nhưng như thế là số mạng họ an toàn. Trong khi đó còn rất đông thuyền nhân, không được ai giúp lọt được vào Sứ Quán nào nên cũng bị Cảnh Sát Singapore bắt giữ nhưng không biết số mạng họ ra sao. Có thể bị thủ tiêu hay thảy ra biển.
Cứu người bằng bài thơ đánh thức lòng từ bi của mọi người
Các chị đã chở Thầy tới thăm chín người thuyền nhân vừa được vớt mà không biết số phận sẽ ra sao vì chưa đem được tới Sứ Quán nào. Thầy quá cảm động, tối hôm đó đã viết một bài thơ ngắn tả về số phận của 9 người này và đi gặp ngay giáo sư Yoshiaki Iisaka, người chịu trách nhiệm chương trình hội nghị ngày thứ ba của Đại Hội. Thầy Nhất Hạnh báo cho ông biết tin về thảm trạng của thuyền nhân và xin giáo sư thêm vào chương trình ngày thứ ba của hội nghị Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới Á Châu một mục mới là chương trình Cứu Thuyền Nhân (Rescue Boat People) do thiền sư Nhất Hạnh Phó Chủ Tịch Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới đưa ra. Giáo sư đồng ý, nên bài thơ mới có tựa đề là: Anh sẽ không ngủ được đêm nay Yoshiaki Iisaka. Bài thơ đã thức tỉnh cả hội nghị 300 người lãnh đạo tôn giáo và các ký giả có mặt hôm ấy khiến cho Thông Tấn Pháp (Agence France Presse) và thông tấn UPI (United Press International) đã gửi điện thư đăng trọn vẹn bài thơ của Thầy.
Bạn sẽ thức suốt đêm nay, bạn tôi ơi. Điều này tôi biết rõ, vì giờ này bao nhiêu thuyền nhân không làm sao đi ngủ được giữa nước trời mênh mông
Tôi nghe tiếng kêu thương của họ qua tiếng gió hú từng cơn, quanh tôi tất cả đều dày đặc một màu đen
Mới hôm qua đây, họ đành phải đặt xác chết con thơ và người thương vào lòng biển cả
Nước mắt của họ thêm một lần, làm đầy thêm đại dương đau thương
Thuyền các em tôi đang trôi lạc về đâu trong giây phút này đây?
Bạn không ngủ được đêm nay
Bởi vì có biết bao nhiêu thuyền nhân trong giờ phút này đây, đang lạc loài trên biển rộng, cô đơn đang tự hỏi không biết rằng loài người còn có mặt hay không? Bởi vì niềm cô đơn của họ quả thật mênh mông
Bóng tối và đại dương thành một
và đại dương, một sa mạc mênh mông
Bạn sẽ thức suốt đêm nay Yoshiaki Iisaka, vì loài người trong toàn cầu đang nương vào khả năng thức tỉnh của bạn.
Nhờ thế, ngày hôm sau những tờ nhật báo lớn của Tân Gia Ba và của nhiều nước cũng đăng nguyên bài thơ trên. Tuy nhiên báo nào cũng nghĩ tác giả là giáo sư Yoshiaki Iisaka! Vì bài thơ được đề “Anh sẽ không ngủ được đêm nay Yoshiaki Iisaka”.
To Yoshiaki Isaka
You stay up late tonight my brother– this I know
because these boat people on the high sea,
never dare to go to sleep
I hear the cry of the wind
around me
total darkness
Yesterday they threw the dead bodies
of their babies and children in the water.
Their tears once again fill up the ocean of suffering.
In what direction are their boats drifting at this moment?
You stay up very late tonight, brother
because these boat people on the high seas
are not certain at all that Mankind exists
because their loniness
is just immense
The darkness has become one with the ocean
and the ocean, an immense desert
You stay up all night, brother,
and the whole universe
clings to your being awake.
Sáng hôm đó, trong Đại Hội, sau khi nghe thầy Nhất Hạnh trình bày thảm kịch của chín thuyền nhân ngồi trên một chiếc thuyền bé, máy đã hỏng, sắp chết chìm mà vẫn không có quyền cập bến bất cứ nước nào, chưa biết phải trôi dạt về đâu và kết thúc bằng bài thơ xé lòng, cả hội trường như rúng động trước những tin tức rất khó tin về cách hành xử không có tình người của các nước Singapore, Mã Lai, Thái Lan, Hồng Kông đối với thuyền nhân. Hiện tại đang có một chiếc tàu Nhật tên Yokohama chở hàng hóa đi lại từ Yokohama đến Singapore. Lần hành trình này, trên đường đến Singapore giao hàng, chiếc Yokohama lỡ vớt 92 thuyền nhân nên vừa tới bến Singapore, chủ thuyền phải đóng 920.000 dollars thế chân mới được cập bến để giao hàng. Giao hàng xong, chính quyền Singapore đếm còn đủ 92 thuyền nhân thì họ mới chịu trả tiền lại cho chủ tàu. Cuối cùng Đại Hội đã đề nghị mời thiền sư Nhất Hạnh đại diện cho toàn đại hội đứng ra tổ chức một chương trình cứu vớt thuyền nhân đang chơi vơi trên biển. Nhóm WCRP chi nhánh Nhật long trọng tuyên bố sẽ ủng hộ Chương trình 60.000 mỹ kim. Thầy nói “Tôi chỉ có thể nhận thực hiện chương trình này với tư cách Giám Đốc Điều Hành, xin nhờ giáo sư Yoshiaki Iisaka làm Giám Đốc Quản Trị, ông Willie Tay San và Mahaver Singh làm thủ quỹ. Xin Đại Hội đồng ý cử cho tôi một phó giám đốc điều hành Chương Trình là giáo sư Cao Ngọc Phượng vốn là một phụ tá giỏi ở Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội ngày xưa.” Đại Hội chấp thuận và đề nghị Chương Trình đánh điện, gửi vé máy bay sang Pháp ngay để tôi có thể bay qua Singapore bốn ngày sau. Thầy cũng trình bày là theo Thầy vừa được báo cáo thì hiện tại có hơn bốn mươi ngàn người tị nạn ở Mã Lai, hơn sáu mươi ngàn ở Thái Lan, hai mươi ngàn ở Hồng Kông, hơn hai mươi ngàn thuyền nhân ở Phi Luật Tân và Indonesia mà Hoa Kỳ chỉ còn nhận 1.000 thuyền nhân mỗi năm. Nghĩa là có tất cả khoảng 150.000 thuyền nhân trong sáu nước, mà mỗi nước mỗi tháng chỉ có thể nhận 12 visa trong số mấy chục ngàn thuyền nhân đang cho tạm trú. Trong khi đó số thuyền nhân cập bến các nước tiếp tục tăng mỗi ngày. Có lẽ vì lý do ấy mà các nước Phi, Mã, Thái, Sing, Indo và Hương Cảng từ chối nhận thêm thuyền nhân, không phải họ xấu nhưng vì sức mỗi nước có giới hạn.
Ngày hôm sau, WCRP tổ chức một cuộc họp mặt mời ông Giám đốc Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị Nạn (UNHCR), Đại Sứ sáu nước láng giềng trên, Bộ Nội Vụ Singapore và nhiều đại sứ các nước như Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Sỹ và các nước Bắc Âu. Mục đích là yêu cầu các vị đại sứ các nước vui lòng trình lên chính quyền nước họ về thảm trạng này và xin mỗi nước ra tay tế độ. Ông đại sứ Hoa Kỳ cho biết vì năm 1975 Hoa Kỳ đã cho vào Mỹ hơn 150.000 người tị nạn rồi nên không thể cho thêm, Hoa Kỳ còn phải lo chỗ ăn ở cho 150.000 người đó nên chỉ có thể cho tối đa 1.000 người mỗi năm kể từ 1976.
Thầy hỏi ý các đại diện tôn giáo có mặt hôm đó là nếu các nước vẫn chưa có chính sách gì rõ rệt thì có lẽ Chương trình sẽ phải mướn hay mua một chiếc tàu, chở vài trăm thuyền nhân đi thẳng sang tận đảo Guam, lãnh thổ Hoa Kỳ gần Việt Nam nhất, đồng thời cũng mướn một tàu khác vớt thuyền nhân và chở đi Perth ở Úc Châu để kêu gọi sự chú tâm của hai chính quyền này và mời báo chí tới viết bài tường thuật để gây áp lực cho chính sách giúp thuyền nhân được mở ra. Ông Samtap Kumar, Giám Đốc UNHCR (Cao Ủy về Người Tị Nạn của Liên Hiệp Quốc), thay vì mừng có thêm đồng minh là chương trình Cứu Thuyền Nhân của Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới, đã mỉm cười không tin tưởng nói: “Quý vị có biết tiền mướn một chiếc tàu chở khách khoảng hơn vài trăm người là mười ngàn mỹ kim mỗi ngày, đó là chưa kể tiền lương cả ê kíp lái tàu và tiền dầu không?” Phái đoàn Nhật bèn nói: “Chúng tôi bảo đảm sẽ lạc quyên đủ và gửi ngay 60.000 mỹ kim, đủ tiền thuê vài ngày một chiếc tàu như thế, rồi Hội Đồng Tôn Giáo các nước khác lại tiếp trợ tài chính thêm vài ngày và vài ngày nữa… đủ để đánh động lương tâm thế giới?” Ông Samtap Kumar mỉm cười khinh khi, nghĩ là các ông thầy tu này không làm được đâu. Vấn đề thuyền nhân khó vô cùng, không phải chỉ có 80.000 hay 100.000 mỹ kim là đủ. Có lẽ UNHCR cũng đã năn nỉ các nước cho visas nhưng không được nên nghĩ là WCRP càng không thể làm gì hơn.
Lúc này là tháng 11 năm 1976, vậy mà nước Úc và các nước Âu Châu, chưa nước nào có chính sách tiếp nhận thuyền nhân hết. Thầy chúng tôi nói: Trên chiều hướng đó, nhân danh Chương trình Cứu Thuyền Nhân của Hội Đồng Các Tôn Giáo Thế Giới, chúng tôi hôm nay xin long trọng thỉnh cầu chính quyền Hoa Kỳ tăng quota (chỉ tiêu) nhận thêm thuyền nhân gấp, và cũng kêu gọi chính quyền Úc nên mở rộng từ tâm chấp nhận ngay thuyền nhân vì nước này dân ít đất rộng. Thầy nói “tôi biết rất đông công dân Hoa Kỳ đã từng giang tay ra nâng đỡ bao nhiêu người đi tìm tự do, thì không có lý do gì chính phủ Hoa Kỳ không nhận thêm thuyền nhân Việt Nam. Tôi cũng biết nhiều tấm lòng nhân hậu trong nhiều nước Âu Châu, Á Châu, Úc Châu nếu biết có những người đã trốn gông cùm một nước độc tài, đã vượt đại dương mênh mông, đã lãnh chịu đủ gian truân về đói khát, giông tố, hải tặc để đi tìm tự do thì thế nào họ cũng yêu cầu chính phủ nước họ mở ra một chính sách nhận thuyền nhân vào nước họ. Trong khi chờ đợi thì chúng ta, người có tôn giáo, đại diện cho lương tâm nhân loại nên thức tỉnh mọi người dậy bằng cách mướn một chiếc tàu lớn, vớt và chở chừng 200 thuyền nhân, không chờ visas, cứ đi thẳng luôn sang đảo Guam thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ và một chiếc khác đi Úc Châu để quần chúng Hoa Kỳ và quần chúng Úc có dịp thúc đẩy chính quyền họ tăng quota nhận người vào hai nước này. Mọi người im lặng, không chắc WCRP làm được gì nhưng để chờ xem.
Thầy trò chúng tôi vào việc
Vừa bay tới Singapore ngày 3 tháng 12 năm 1976, tôi điện thoại ngay cho các Hội Đoàn đã từng giúp Việt Nam như Hội Comittee for Helping Children in Vietnam của Kirsten Roep, Comité pour les enfants du Vietnam của Pierre Marchand, Third Way in Vietnam… Các em nghe tiếng gọi của tôi liền gửi ngay không do dự, hội này bảy chục ngàn, hội kia năm chục ngàn mỹ kim cho Willie Tay Kim San thủ quỹ chương trình. Tôi cũng mời tại địa phương Singapore cô Nancy Chng, bác sĩ Choy Leng, Bob Allan, chị Diễm Trang và chồng là anh Luke Fogarty, anh Vương Hồ (người Campuchia) giúp. Tôi điện thoại mời Mobi Warren sang Singapore và Kirsten Roep nữa. Tôi có mang theo một ít tiền. Chúng tôi nhờ anh Luke Fogarty giúp tìm ngay vài chiếc tàu nhỏ để đi vớt thuyền nhân. Anh Luke là chồng chị Diễm Trang, một trong những phụ nữ lưu trú tại Singapore đã cầu cứu Thầy giúp thuyền nhân khi Thầy mới đến. Anh Luke là chủ một công ty chuyên mua tàu chở dầu cũ sửa lại và bán. Anh báo tin Chương trình có thể mướn tạm chiếc Roland từng chở hàng hóa ngày xưa và chiếc tàu chở dầu Leapdal. Cả hai đều là tàu chưa từng chở hành khách nên chẳng có giường và nhiều toilets như tàu chở khách. Luke cũng đề nghị mướn thêm chiếc Saigon 200, tàu nhỏ, chạy nhanh có thể tìm vớt thuyền nhân để đem tới cho một trong hai chiếc lớn là tàu Roland hay Leapdal. Thầy đồng ý và nói cứ dùng tạm để cứu gấp thuyền nhân, rồi khi tìm ra tàu tốt sẽ chuyển qua. Trước nhất đã có một số thuyền nhân mà Singapore vừa đẩy ra. Tàu Roland vớt ngay 9 người ấy và vì thế phải cắm neo ngoài khơi vì Singapore không cho nhập bến khi trên tàu có thuyền nhân. Tàu Leapdal vừa mướn được thì Mobi cũng vừa bay tới. Chúng tôi cho Mobi lên đường hướng về phía Thái Lan với thuyền trưởng là Vương Hồ người Campuchia.
Ngay ngày hôm sau, Thầy và Luke Fogarty mướn ngay một phi cơ nhỏ bay ngang dọc trên biển Nam Hải hay dọc theo bờ biển Thái Lan, Mã Lai, Indonesia. Đi suốt một ngày mà không thấy chiếc ghe nào vì bị phụ thuộc vào thời tiết. Nếu trời quang đãng sáng sủa không có sương mù, Thầy và Luke ngồi trên phi cơ mới có thể thấy rõ bên dưới có thuyền nào đang bơ vơ ở hướng nào thì mới ra lệnh cho chiếc Saigon 200 đi về hướng đó mà vớt.
Song song với việc Thầy bay với Luke Fogarty tìm thuyền nhân, tôi rủ chị Battick Mai và chị Trang Fogarty đi dọc theo bờ biển Mã Lai tìm thuyền nhân. Nghe nói có 21 thuyền nhân lên được đảo Pulau Tioman ngoài khơi Mersing, một thành phố nhỏ bên bờ biển Mã Lai, chúng tôi ra thăm và được biết họ đã đến đây hơn 1 tháng mà không có thức ăn, phải hái rau rừng ăn đỡ đói, không hề có nhân viên của Cao Ủy LHQ về Người Tị Nạn đến phỏng vấn chi cả. Thấy họ chờ đợi mỏi mòn như thế, chúng tôi quyết định cho tàu Saigon 200 đến rước họ đưa lên chiếc tàu Roland đang đậu ngoài khơi. Nghe tin ấy ông Samtap Kumar rất giận, điện thoại hỏi vì sao Thầy cướp thuyền nhân của UNHCR? Thầy hỏi “làm sao anh lại nhận đó là thuyền nhân của UNHCR? Cả tháng qua, anh không cho họ một phần ăn nào, không thăm viếng họ. Họ không biết loài người còn có mặt trên đời này hay không. Chúng tôi đem thức ăn cho họ, lo cho họ thuốc men, ghi tên họ và tìm cách lo chỗ định cư cho họ.” Ông Samtap Kumar nói: “Nhưng chúng tôi có tên của họ trong sổ những người tị nạn”. Thầy hỏi: “Thế nếu ai cho UNHCR tên tất các vì sao trên trời, các anh cũng nghĩ những vì sao ấy là của các anh hay sao?” Đó là cách UNHCR làm việc lúc ấy, nghĩa là vô sổ tên các thuyền nhân nhưng không thăm viếng, không cung cấp thức ăn từ quỹ của UNHCR, không xin được visa nào cho họ. Thế thì việc làm của chúng tôi đáng lẽ phải được hội này mang ơn vì đã bổ túc cho việc làm của họ, nhưng ngược lại, vì thấy chúng tôi làm được việc, Samtap Kumar ganh tị và tìm cách đánh phá chương trình.
Chỉ trong vòng năm tuần lễ mà chiếc Roland đã vớt được 281 thuyền nhân và chiếc Leapdal vớt được 285 người. Chúng tôi mướn thêm được chiếc black mark, một thuyền máy nhỏ xíu dùng để chở thực phẩm, thuốc men và đưa bác sĩ Choy Leng ra khám bệnh cho thuốc cho đồng bào mỗi ngày. Dưới đây là hình chiếc Leapdal đang có 285 thuyền nhân và chiếc Roland có 281. Ngày 30 tháng 1 năm 1977, một bé gái ra đời trên chiếc Roland, tôi đi theo chiếc black mark ra tận tàu Roland để thăm bé và mang theo bài thơ của Thầy tặng bé.
Chúng ta hãy trả lời
Một bông sen nở trên đại dương,
Bé sinh ra, giữa muôn trùng sóng nước
Khuya đêm ba mươi tháng Giêng
Hai trăm tám mươi mốt người trên thuyền lặng im
Nghe sóng đêm cầu nguyện
Tám người thủy thủ im lặng cho thuyền hướng về phương Nam
Nước uống đã cạn rồi
Tàu chạy về gần cù lao Tiên An Môn
Cầu cứu
Biển đêm, sóng vỗ mạn thuyền, trăng lặn lâu rồi
Ánh sao soi đường cho bé vào đời,
Dưới kia nhấp nhô đầu sóng bạc
Một bà mẹ nằm trên boong tàu, chuẩn bị cho bé vào đời
Cả thuyền không có một phòng riêng;
Người bác sĩ cũng là giới lênh đênh bèo nước
Tiếng khóc chào đời của bé bị át đi trong tiếng gió
Người mẹ mỉm nụ cười yếu ớt, bác sĩ đứng lên loan báo tin mừng
Hai trăm tám mươi mốt người vỗ tay
Vị thuyền trưởng hô to:
Chúng ta đi về phương Nam
Dân số chúng ta trở thành 282
Xin mọi người cảm ơn trời Phật
Chiếc máy điện thoại nối liền
Chuyển niềm vui lên lục địa
Khuya nay trên đất liền có người hay tin bé đã chào đời
Bé Rolanda Nguyễn Thị
Bé từ đâu tới nhỉ?
Và bé đang đi về đâu?
Tại sao lại chọn nơi ra đời giữa đại dương trên chiếc thuyền lưu lạc?
Bé không hỏi
Nhưng chúng ta hãy trả lời
Ai nỡ để bông sen nở nửa đêm
Chìm sâu lòng đại dương
Bạn ơi hãy trả lời cho chúng tôi
Chúng ta phải đem bé đi về hướng nào?
Tôi cần bàn tay bạn.
Hãng Jean’s Lewis kêu gọi được 2.000 cái quần Jean’s cho thuyền nhân. Họ nhắn chúng tôi cho người tới mà đem cho thuyền nhân. Tôi chợt nhớ tới em Antoine, một em con lai Pháp được Pháp bảo lãnh ở trại tị nạn ở Troyes gần Phương Vân Am. Tuy là con lai, Antoine lại rất Việt Nam, lớn lên ở Việt Nam nên giờ đây sang Pháp em nhớ nước Việt lắm. Mỗi lần gặp tôi ở Phương Vân Am em hay nói huyên thuyên, than vãn Cộng Sản, than thở tình trạng đất nước nhưng ăn nói không đầu không đuôi. Nhiều lần, không ai mời, em vẫn đứng lên một mình tự hát các bài ca của Ngọc Cẩm Nguyễn Hữu Thiết, đứng múa và làm hoạt cảnh các bài nhạc quê hương… Hình như tinh thần em không được ổn định. Tôi nghĩ thay vì mướn người Singapore xếp quần Jean’s cho mình, tôi sẽ trả vé máy bay cho Antoine qua Singapore, nhờ Antoine sắp xếp lại 2.000 quần Jean’s Lewis để phân phối cho thuyền nhân hay nhờ em cùng với anh Mừng đi mua thức ăn cho đồng bào trên biển, theo chiếc black mark của chúng tôi chở thức ăn ra chiếc Leapdal hay Roland đang neo tàu ngoài khơi, hay nhờ em lo những chuyện nhẹ nhàng khác. Tôi nghĩ cho Antoine sang, em sẽ thấy em hữu ích cho đồng bào thì sẽ giúp ổn định lại tinh thần của em.
Sáng thứ hai, tôi, Antoine, chị Mai Battick và Nancy lại mướn taxi đi dọc theo bờ biển Mã Lai lần nữa. Vừa tới bờ biển Mã Lai đầu tiên, không xa thị trấn Mersing là mấy, chúng tôi mừng rỡ thấy một nhóm đồng bào thuyền nhân. Cảnh sát đuổi chúng tôi ra nhưng chị Mai đã khéo léo dúi vào tay Cảnh Sát Mã Lai một ít tiền. Chúng tôi được phép tới gần và nghe họ vừa khóc vừa kể rằng họ được cập bến này cách đây ba hôm, thuyền họ rớt mất bánh lái; đồng thời cũng có một chiếc thuyền khác có 61 người như thuyền họ, đã cập bến trước đó lâu hơn vì nghe nói thuyền đụng đá ngầm thủng nhiều chỗ. Cảnh Sát Mã Lai cho người tới sửa chữa chiếc tàu ấy và đẩy 61 trở ra biển. Chiếc này chỉ mới rớt bánh lái nên Cảnh Sát cho ráp bánh lái lại và đuổi ra biển ngay tức thời. Vừa ra khơi, chiếc thuyền kia do chỉ được sửa tạm quá sơ sài, gặp một con sóng không lớn lắm chụp xuống liền chìm hẳn, 61 người trên thuyền chết trước mắt họ. Tiếng kêu cứu xé lòng nhưng thuyền họ 62 người cũng quá đầy, có thể chìm bất cứ lúc nào nên không vớt được ai. Quá hoảng hốt họ đành quay trở lại đây lúc hai giờ sáng và đốt ngay thuyền của họ để không bị xô ra biển nữa! Người già trẻ và trẻ em nằm thoi thóp, phơi nắng, những người đàn ông ngồi nhìn ra khoảng không, khóc không ra tiếng. Họ cầu cứu chúng tôi. Chúng tôi điện thoại nhiều lần cho chiếc Saigon 200 đến đón họ nhưng điện hoài không bắt được sóng. Chúng tôi hứa sẽ cố gắng nhưng biết sự việc không dễ. Không khéo ông Samtap Kumar lại nói chúng tôi dành thuyền nhân của UNHCR, nhưng cũng không biết UNHCR có được chính quyền Mã Lai cho phép nhận 62 người này không. Chúng tôi hứa là sẽ can thiệp cho họ. Trước hết là gọi cho Giám Đốc UNHCR Samtap Kumar, nếu không được thì sẽ gọi chiếc Saigon 200.
Chiều hôm đó về lại Văn Phòng Chương Trình, tôi điện cho Samtap Kumar hoài mà không ai bắt máy. Chị em báo cáo cho Thầy tin 61 người mới bị đắm trên biển và nhóm 62 người mới đốt xong thuyền, hiện đang ở bờ biển Mersing mà không biết ngày mai của họ ra sao. Mặt bốn chị em chúng tôi như mới đi đám tang tập thể về. Tâm người nào cũng chìm đắm trong đau thương. Đáng lẽ tất cả nên đi ngồi thiền rồi đi ngủ là hay nhất. Nhưng tôi chợt nhớ là từ hôm qua, anh Willie Tay thủ quỹ Chương trình cứ càu nhàu mấy người đi mua thức ăn cho thuyền nhân mà không bao giờ đem biên nhận về cho anh cả. Tôi quay sang chị Mai Battick đề nghị là với số tiền 300 mỹ kim Willie Tay đưa cho chị hôm qua, xin chị làm ơn ra chợ xin cái ông đã bán cho mình năm cần xé hột vịt và năm cần xé bắp cải biên cho chị, bằng tiếng tàu viết tay cũng được, một tờ giấy ghi có bán từng ấy thức ăn, giá từng ấy tiền, kẻo ông Willie Tay than khó làm việc thủ quỹ. Tôi hết sức ngạc nhiên thấy chị Mai Battick bỗng nổi giận. Ban đầu tôi ngạc nhiên sao chị Mai lại nổi cơn thịnh nộ một cách bất ngờ như thế, nhưng nhìn sâu tôi thấy là tại mình vụng về, nhắc làm chi chuyện biên nhận tiền bạc trong khi tâm tư ai cũng đang trĩu nặng. Chị nói: “Hồi cô chưa sang đây, tôi bỏ ra một hai trăm đô cứu nhóm thuyền nhân này, hai ba trăm đô cứu nhóm thuyền nhân khác, có đòi biên nhận đâu? Còn cả tuần nay tôi mua bao nhiêu là cải bắp, hột vịt, su hào, cà rốt, rau muống, hết cần xé này đến cần xé khác, chở đi ngờ ngờ ai cũng thấy, cần gì biên nhận. Cô không thấy sao mà lại đòi tôi cho biên nhận? Sao cô hồ đồ thế? Thằng nào đòi Battick Mai biên nhận, cô biểu nó tới đòi con nầy nè? – Chị vỗ ngực bình bịch – Còn số tiền 200.000 đô cô lạc quyên đó, có ai đòi biên nhận của cô không?” Tôi muốn trả lời đó là tiền mướn chiếc Saigon 200, chiếc Roland, chiếc Leapdal, có biên nhận hẳn hoi cho anh thủ quỹ Willie Tay, nhưng tôi biết có giải thích bây giờ chị cũng không hiểu vì tâm chị đã quá trĩu nặng khi nghe tin 61 người vừa chết chìm trên biển rồi. Chị Mai là người rất chơn chất như những bà mẹ Việt Nam: mua cả chục cần xé thức ăn ai cũng thấy, cần gì biên nhận? Tôi biết ngày mai, sau khi chị ngủ được một giấc, khi biết tôi liên lạc được với chiếc Saigon 200 đi đón 62 bạn kia ở Mersing, chị sẽ vui lại và nghe lời tôi ngay. Nhưng bây giờ thì tôi không nên cãi lại, chỉ nên vào phòng nằm nghỉ thôi. Bởi vì Thầy tôi vẫn dạy: Khi một bên đang giận thì cách hay nhất là bên kia im lặng thở và đừng đổ thêm dầu vào lửa.
Khi vào phòng, lòng tôi bình an và rất thương chị Mai vì tôi biết chị cũng bức xúc như tôi, nhưng tôi thì có pháp môn trở về hơi thở, quay về hải đảo tự thân, còn chị chỉ mới gặp Thầy trong hoàn cảnh bức xúc của thuyền nhân, chưa được Thầy dạy đạo lần nào.
Sáng hôm sau, Luke báo tin tìm ra chiếc Koojara có thể chở 1.000 thuyền nhân với giá 200.000 mỹ kim. Tôi nghĩ có thể dễ dàng lạc quyên thêm 100.000 mỹ kim nữa và cho thuyền xuống đón 282 người ở chiếc Roland cùng 285 người trên chiếc Leapdal rồi đi sang Perth (Úc) gấp. Nhưng ngày hôm sau nữa, Luke lại báo tin vì tàu nằm trong ụ lâu năm quá chưa ra khơi, cần phải đưa lên dry dock (tức là cho vào xưởng tàu, đưa lên cao khô để xét từng phần bên dưới xem chỗ nào rỉ nước, chỗ nào cần siết bù lon v.v.. thì mới được phép ra khơi) và phải chờ sớm nhất là hai tháng!!
Trong buổi họp đầu tiên với WCRP, Thầy dặn dò WCRP chúng ta phải thực hiện chương trình rất im lặng, vì mục đích của chúng ta là cứu thuyền nhân đang bơ vơ lạc trên biển và đánh thức lương tâm nhân loại giúp đỡ thuyền nhân đang ứ đọng gần 150.000 người ở các nước Đông Nam Á, chứ không khuyến khích người Việt liều lĩnh bỏ nước ra đi. Nếu báo chí đăng tin đang có hai chiếc tàu vớt người trên biển thì e rằng đồng bào ở Việt Nam sẽ ùn ùn bỏ nước ra đi. Ai cũng đồng ý, nhưng Phái Đoàn Nhật Bản vừa tặng 60.000 nên đã hưng phấn, quên hẳn lời Thầy căn dặn lúc đầu, tiết lộ với báo chí nhiều quá. Thầy trò chúng tôi phải đổi văn phòng để họ không biết chỗ mà điện thoại liên hồi ngày cũng như đêm. Dầu thầy trò làm việc im lặng nhưng lại quên căn dặn ông thủ quỹ Chương Trình, chúng tôi vẫn phải yêu cầu ông chi tiền mướn tàu Saigon 200, rồi mướn chiếc Roland rồi chiếc Leapdal, rồi thức ăn cho thuyền nhân. Ông này thì sẵn sàng cung cấp hết chi tiết! Thế là đài BBC và đài VOA tiếng Việt báo tin: Có một chiếc tàu đang cứu người trên biển và sẽ đưa thuyền nhân tới Úc hay tới Hoa Kỳ mà không chờ visas. Từ các trại tị nạn, thuyền nhân đã chờ đợi mỏi mòn từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 1 năm 1977, vừa nghe tin ấy họ mừng rỡ đánh liều mướn thuyền trở ra biển để được lên tàu của chúng tôi. Có nhóm trốn ban đêm, có nhóm phải lo lót các ông trại trưởng trại tị nạn để được rời trại đi ra biển bằng thuyền cũ đã được sửa chữa. Điều đó càng làm cho UNHCR điên tiết lên. Đã nhiều lần chúng tôi ngọt ngào giải thích với ông Samtap Kumar là việc chúng tôi làm sẽ gián tiếp giúp ông có thêm thị thực cho người tị nạn, ông nên xem Chương Trình này như ông “ác” để cho ông “thiện” là UNHCR có nhiều thị thực. Ông Ác và ông Thiện là hai cánh tay của bồ tát Quan Âm. Samtap Kumar vẫn không chịu nghe, vẫn điên tiết, vẫn hối thúc Homer Jack đẩy cái “ông thầy tu điên này” (this crazy monk) đi và chấm dứt Chương Trình.
Tôi điện thoại lạc quyên thêm được 100.000 dollars nữa từ Ủy Ban Hà Lan giúp trẻ em Việt Nam ngày trước, định để mua một chiếc tàu chở khách theo lối tàu Koojara, chiếc nào xài ngay được, không phải chờ duyệt xét. Lần gửi 100.000 này, tôi gửi qua Luke Fogarty chứ không qua WCRP Willie Tay Kim San nữa vì tôi có linh cảm là chương trình này táo bạo quá, Cao Ủy Liên Hiệp Quốc và các tòa đại sứ Hoa Kỳ và Úc đang liên kết nhau chống Chương Trình Máu Chảy Ruột Mềm của thầy trò chúng tôi khá ráo riết. Họ liên lạc với mục sư Homer Jack là Chủ Tịch Toàn Thế Giới WCRP tìm cách đẩy Thầy ra khỏi chương trình và hứa với mục sư Homer Jack sẽ cho WCRP vào NGO (Non-Governmental Organisation – Tổ chức Phi Chính Phủ ở Liên Hiệp Quốc) nếu Thầy nghe lời UNHCR dẹp Chương Trình Máu Chảy Ruột Mềm này. Homer Jack nói lại với Thầy như thế. Họ hứa với mục sư Homer Jack sẽ cấp 600 visas cho gần 600 thuyền nhân mà chúng tôi vừa vớt được. Họ khuyên Homer nên chấm dứt chức vụ Giám Đốc Chương Trình Máu Chảy Ruột Mềm của Thầy nếu Thầy không đồng ý từ bỏ ý định táo bạo là chở thuyền nhân đi Úc không có visas. Thầy nói với Homer: “Bác tin UNHCR nhưng tôi thì không tin họ sẽ xin được 600 thị thực. Hiện tại, họ đang chăm sóc gần 150.000 thuyền nhân mà chỉ xin được có 1.000 visas mỗi năm đi Hoa Kỳ, còn Úc vẫn chưa cho, Âu Châu chưa cho. Làm sao mà họ xin được 600 visas cho 600 thuyền nhân mình vớt?” Mục sư Homer Jack tuy rất thích được vào NGO, thích được làm người quan trọng ngang với các ông Đại Sứ Úc, Hoa Kỳ (UNHCR đã tưới tẩm đúng cái “ngã” của ông), nhưng thật tình không dám theo lời UNHCR vì Thầy vừa là Phó Chủ Tịch của Hội Đồng WCRP toàn cầu, vừa được đại hội WCRP Á Châu bầu lên làm Giám Đốc Chương Trình chứ không phải cá nhân ông bầu Thầy lên. Homer chỉ còn một cách chót là báo tin cho Công An Singapore biết: với tư cách chủ tịch WCRP, ông sẽ không xin gia hạn cho Thầy ở thêm Singapore nữa. Tối hôm đó có năm thuyền nhân cập bến Singapore. Các chị Trang, Mai, Rose Marie bàn hoài mà chưa tìm ra Sứ Quán nước nào có tay trong chịu lén mở cửa rào như các Sứ Quán Pháp và Hoa Kỳ. Chị Trang đến báo tin và xin Thầy cho 5 anh em thuyền nhân mới tới ở tạm văn phòng Chương Trình. Thầy tuyệt đối không cho. Chị Trang và tôi ngồi khóc. Dù có niềm tin lớn nơi Thầy, tôi vẫn nghĩ là Thầy quá khắt khe. Không ngờ, tuệ giác của Thầy lớn thật. Đúng hai giờ khuya đêm ấy, năm người Cảnh Sát Singapore bắt chúng tôi mở cửa và vào lục soát rất kỹ, thêm bốn người nhảy lên nóc nhà để phòng hờ thuyền nhân trốn trên đó. Dù không có chứng cớ nào chứng tỏ chúng tôi phạm pháp, họ vẫn giữ travel document tị nạn của Thầy và trả lại passport Hà Lan của Kirsten, passport Pháp của tôi, của Antoine, passport Singapore của Nancy và passport Mỹ của Bob. Họ báo tin Thầy phải rời Singapore chậm nhất trong 48 giờ và họ sẽ hoàn lại travel document (giấy thông hành) cho Thầy tại phi trường!
Muốn được an lạc, thì nên an lạc ngay
Trời ơi, thế thì chết mất rồi! Thầy là chủ tịch Chương Trình mà bị đuổi ra khỏi Singapore trong khi Chương Trình đang cưu mang 567 thuyền nhân lênh đênh trên biển. Chiếc Koojara thì không thể có giấy phép seaworthy (có quyền xuống biển sau khi đã dry dock) trước hai tháng nữa. Thầy trò chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Trên bàn thờ ở văn phòng chúng tôi, Thầy có viết bốn chữ: Dục An Đắc An (muốn an lạc thì được an lạc). Thầy muốn viết để tự nhắc và nhắc chúng tôi tập giữ tâm cho an trong từng phút từng giây, dù tình trạng chương trình cứu thuyền nhân chúng tôi đang thực hiện lúc nào cũng như dầu sôi lửa bỏng. Khi Công An Singapore đi rồi, thầy trò chẳng bàn cãi chi cả. Thầy, Kirsten, Bob, Nancy, Antoine và tôi bắt đầu ngồi yên thật lâu. Sau đó Thầy đứng dậy đi thiền hành, chúng tôi cũng đứng dậy đi theo. Từng bước và từng bước thật chậm và thật sâu. Rồi lại ngồi thiền thật lâu và lại đi thiền hành từng bước, từng bước…
Đi mãi, đi mãi đến 6h00 sáng, Thầy tìm được một lối ra. Thầy gọi tôi chuẩn bị đi thật sớm cùng Thầy đến gặp ông Đại Sứ Pháp Jacques Gasseau. Ông này thật nhân hậu. Chúng tôi đã từng nghe chị Rose Marie nói về ông khi chị thuật cho Thầy nghe chị đã lặng lẽ giữa đêm đưa vào khuôn viên Sứ Quán Pháp ba nhóm thuyền nhân, ông biết là có người bên trong Sứ Quán đồng lõa mà vẫn làm ngơ.
Hôm ấy là sáng thứ bảy. Bên Sứ Quán Pháp không làm việc nhưng Sở Lưu Trú Singapore còn làm việc sáng thứ bảy. Mới bảy giờ rưỡi sáng thầy trò chúng tôi đã gõ cửa nhà ông Jacques Gasseau. Ông niềm nở tiếp Thầy và sẵn sàng thảo một bức thư rất mạnh cho chính quyền Singapore. Ông nói “ông thầy tu này là một người trí thức tiếng tăm trong xã hội Pháp, không hề phạm một lỗi lầm nào của Singapore, xin cho chúng tôi biết tại sao ông ấy bị đuổi ra. Nếu ông ấy không có tội mà quý vị đối xử tệ với một con người như thầy Nhất Hạnh tức là quý vị khinh thường nước Pháp và những nước trên thế giới đã ký Công Ước 1951, vì quí vị đã không tôn trọng quyền làm người của người tị nạn mà thiền sư Nhất Hạnh là một.” Sau đó, thầy trò chúng tôi đến ngay sở Lưu Trú Singapore. Đọc thư Đại Sứ Pháp xong, nhân viên sở lưu trú cho biết họ cần đưa lên cấp trên. Chờ từ 8h30 sáng đến 11h30 mà chưa có tin. Tôi tới hỏi. Họ nói có cuộc họp mặt các vị bộ trưởng Singapore để giải quyết về vấn đề của Thiền Sư Nhất Hạnh. Một mặt, chính quyền Singapore không thích thuyền nhân. Sự hiện diện của Thầy tại đây như một cái gai với chính sách dẹp thuyền nhân của nhà nước này. Họ lại bị áp lực từ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị Nạn, áp lực từ Sứ Quán Úc Châu, Sứ Quán Hoa Kỳ đã xem ông thầy tu này là một người điên quá táo bạo khi có dự định đưa thuyền nhân mà Chương Trình vớt được đi trực tiếp sang Úc và Hoa Kỳ mà không cần visa. Và cái lý do mạnh nhất là Homer Jack nhân danh WCRP đã nói nhỏ với họ rằng ông không bảo trợ cho Thầy nữa. Nhưng mặt khác, bức thư của Đại sứ Pháp quá mạnh, tuyên bố như chính quyền Singapore đang qua mặt Pháp và thế giới nếu đuổi một người không có lỗi gì hết đang được chính phủ Pháp che chở. Họ cũng sợ Pháp có thể họp báo tố cáo việc này và kêu gọi các nước đã ký kết Công Ước 1951 về Vị Thế Người Tị Nạn lên tiếng. Thầy Nhất Hạnh đang cầm travel document thay cho hộ chiếu của những người tị nạn nằm trong Công Ước 1951 này. Họ điện thoại cho Đại Sứ Pháp biết là Homer Jack không chịu bảo trợ cho thầy Nhất Hạnh nữa, nhưng Đại Sứ Pháp quả quyết là Pháp chịu trách nhiệm về Thầy. Cuối cùng họ đành cho phép Thầy ở thêm hai tuần vì có sự can thiệp của Đại Sứ Pháp, có nghĩa là thay vì bị đuổi ra khỏi Singapore trong vòng 48 giờ, Thầy được ở thêm hai tuần nữa, đủ để quán chiếu và quyết định lo cho thuyền nhân như thế nào cho gọn và nhanh. Thầy quyết định không mua chiếc tàu lớn Koojara nữa và đành phải cho hai chiếc Roland và Leapdal đi thẳng sang Úc. Tôi đi mua thêm vải, dây để căng màn, bô vệ sinh để làm nhiều nhà vệ sinh dã chiến cho hai chiếc tàu, mua thêm thuốc men và khăn vệ sinh cho phụ nữ. Chị Mai, anh Mừng, Antoine thì đi mua thêm nhiều thức ăn và nhiều bi đông to nước uống cho hai tàu Leapdal và Roland. Thầy dự định ngày Thầy phải rời Singapore thì tôi cũng chuẩn bị cho hai chiếc tàu đầy thuyền nhân của mình lên đường. Tôi sẽ bay trước tàu đến từng bến mà tàu sẽ đến như Jakarta, Bali, Papoo để tiếp tế thêm thức ăn cho thuyền nhân và dầu cho tàu từng chặng. Thầy sẽ có mặt ở Perth trước để quấy động dư luận báo chí Úc. Ngày hôm sau, sáu thầy trò đi thăm hai chiếc Roland và Leapdal, tặng tiền lì xì Tết cho thuyền nhân và hẹn gặp tại Úc. Khi rời chiếc Roland, chị Kirsten và tôi không cầm được nước mắt. Thầy phát cho mỗi người một bài thơ mới của Thầy nhưng không ký tên Thầy và căn dặn họ phát cho báo chí khi đến đất mới:
Lênh đênh ngoài sóng gió
Thuyền nhỏ giữa đại dương
Quyết tâm tìm đất sống
Đói lạnh bao ngày đường.
Chúng tôi là bọt biển
Trôi giạt giữa mênh mông
Chúng tôi là hạt bụi
Trong không gian vô cùng
Tiếng chúng tôi lạc mất trong gió rít từng không
Trên thuyền không nước uống
Trên thuyền hết thức ăn
Con chúng tôi kiệt sức khóc rã và lịm dần
Chúng tôi khao khát Đất
Nhưng chẳng được tới gần
Mặc sức mà kêu cứu
Tàu bè vẫn dửng dưng.
Bao nhiêu thuyền đã lật
Vì sóng gió bất thần
Bao nhiêu là mạng sống
Đã chìm lòng đại dương.
Chúa Ki Tô có nghe, lời nguyện cầu rướm máu?
Phật Quan Âm có nghe, lời kêu cứu không ngừng?
Loài người ơi có nghe, tiếng gọi từ hố thẳm?
Đất liền ơi có biết, tâm sự này hay không?
Xin loài người có mặt
Xin đất liền giang tay
Cho chúng tôi tìm thấy
Hy Vọng trên đất này!
Bản tiếng Anh để trao cho báo chí là:
Lost in the tempest
out on the open seas
our small boat drift
we seek for land
suring endless nights
We are the foam
floating on the vast ocean
we are the dust
wandering in endless space
our cries are lost
in the howling wind
Without food, without water
our children lie exhausted
until they cry no more
We thirst for land
but are turned back from every shore
our distress signals rise and rise again
but the passing ships do not stop
How many boat have perished
how many families lie beneath the waves
Lord Jesus, do you hear the prayer of our flesh?
Lord Buddha, do you listen to our cries?
fellow humans, do you hear our voice
from the abyss of death?
solid shore
we long for you!
We pray for Mankind to be present today!
We pray for Land to stretch its arm to us
today, from this very Land!
Thầy dặn đồng bào giữ bài thơ cho tới khi đến Úc Châu hãy trao cho báo chí. Nhưng khi Homer Jack nắm giữ Chương Trình và chỉ xin được có 32 visas, 535 người còn lại tiếp tục lênh đênh trên biển thì họ đã trao bài thơ này cho nhiều người. Cuối cùng trong Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam có in bài thơ nhưng không ai biết Thầy là tác giả.
Thầy cũng viết ngay bài thơ Bắc một cây cầu tặng đại sứ Jacques Gasseau tại Singapore:
Có cây ngô đồng cho chim Phượng đậu,
Có người đứng đó cho tình thương sâu
Luật lệ nhiều khi như màn lưới sắt,
Giam người trong kiếp trầm luân thương đau
Nhưng lòng nhân ái như bàn tay Bụt
Phá tan địa ngục đập nát ưu sầu
Thành phố sáng nay nắng lên bát ngát
Có chim bồ câu bay liệng trời cao
Tôi nhớ tới người tấm lòng cương trực
Nụ cười mát dịu như nước nhiệm mầu
Trẻ thơ nhớ người như hoa nhớ nắng
Như nước nhớ nguồn, như trăng nhớ sao
Tâm đã quyết rồi hiềm gì bạo lực
Thân đi vào đời cưỡi trên ba đào
Bắc một cây cầu từ hang địa ngục
Lên tới cõi trời mở hội ngàn sao.
Khi Thầy rời Singapore, tôi được mục sư Homer Jack báo tin kể từ nay tôi không được quyền viếng thăm hai chiếc tàu Roland và Leapdal nữa. Tôi ngạc nhiên chống chế:
- Nhưng tôi phải đem thức ăn cho họ.
Ông nói:
- Đã có người lo, cô không được động tới số tiền của WCRP nữa.
Tôi bực tức:
- 000 dollars đó là do tôi lạc quyên, tôi là Phó Giám Đốc Chương Trình.
Ông ngắt lời:
- Khi thầy Nhất Hạnh rời Singapore, cô không còn trách nhiệm gì nữa!
Không kìm được cơn giận tôi đã dại dột thốt ra:
- Ông nghĩ là ông không cho tôi động tới một xu trong số tiền 200.000 dollars mà tôi lạc quyên đó thì tôi không thực hiện được chương trình đưa 567 người đi Úc sao? Tôi sẽ có 200.000 dollars khác và sẽ làm được!
Đó là lỗi lầm lớn nhất đã đưa tới hậu quả mà tôi không lường được. Mục sư Homer Jack đã báo tin và ngay tối hôm đó, Cảnh Sát Singapore đến tận văn phòng của Chương Trình, tịch thu hộ chiếu của tôi và báo tin tôi phải rời Singapore ngay ngày hôm sau, trong vòng 24 giờ thôi! Đất trời như sụp đổ quanh tôi, tôi ôm mặt khóc như trẻ con. Tôi nghĩ thà tôi ra tàu Roland hay Leapdal sống và chết với thuyền nhân còn hơn là lên máy bay bỏ lại 567 người đang bơ vơ trên biển giữa hải phận quốc tế mà tôi đang chịu trách nhiệm.
Ngồi yên và nhìn sâu tôi mới thấy rõ cái tai hại của cơn giận làm tôi mất khôn. Vì tôi báo tin sẽ tiếp tục chương trình nên Homer Jack mới báo tin cho Cảnh Sát Singapore đuổi tôi đi. Nếu tôi cứ im lặng như là vâng lời, nhưng lặng lẽ chuẩn bị cho chuyến hành trình như Thầy đã căn dặn, thuật cho thuyền nhân biết: “Dự tính đi thẳng Úc đã bị phá, rằng Thầy đã bị bắt buộc rời Singapore rồi, tôi cũng sắp bị đuổi, người nào liều lĩnh chịu đi thì cứ đi theo tôi, tôi sẽ bay theo trước từng hải cảng để cung cấp thêm thực phẩm, nước và dầu cho 2 tàu. Sang tới Úc đã có Thầy chờ sẵn với báo chí. Ông Homer Jack hiện đang lo cho chương trình sẽ bắt các bạn chờ thị thực đi chính thức, bạn nào tin thì cứ ở. Chính vì 150.000 thuyền nhân trong trại tị nạn trên sáu nước đã chờ đợi hơn một năm rồi mà Liên Hiệp Quốc chẳng xin được thị thực nào nên Thầy mới có chương trình táo bạo này để đánh thức lương tâm nhân loại. Nếu chỉ vài mươi người ở lại thì ở tạm trên chiếc Saigon 200. Còn nếu số người muốn ở lại nhiều thì để bớt lại một tàu lớn như Leapdal hay Roland.”
Nhưng tôi đã dại dột nói ra ý định của mình với Homer Jack. Tôi bị buộc phải rời nước này trong 24 giờ! Không thể nào làm gì được, tôi điện thoại cho Thầy ở Perth. Thầy biết không thể nào làm gì kịp nên ra lệnh cho tôi bay ngay đi Úc. Tôi chỉ kịp báo tin cho bác sĩ Choy Leng, Nancy, Antoine, Luke và Trang Fogarty, cho Antoine ít tiền và giao cho em một số sách của Thầy nhận được từ nhóm đệ tử của tiến sĩ Amdedkar ở Ấn Độ làm cách mạng cho 500.000 ngàn dân cùng đinh quy y Phật để thoát vòng giai cấp. Antoine nghe tôi bị buộc rời Singapore càng mất hồn hơn, về tới Pháp em bỏ mất hết hành lý trong đó có nhiều tài liệu quý bên Ấn Độ của Thầy mà tôi nhờ em mang về! (Thầy đi Ấn Độ giảng đạo do lời mời của nhóm người cùng đinh (intouchables) của tiến sĩ Ambedkar trước khi đi Singapore dự hội nghị WCRP)
Tôi bay tới Melbourne ngày hôm sau. Thầy quen được các vị Linh Mục Dòng Jesuits, bạn của Cha Berrigan nên thầy trò có chỗ tá túc khi ở đây. Các Cha tổ chức họp báo dùm tôi. May mắn là hai tờ báo lớn đều để hình tôi và bài viết về thuyền nhân trên nguyên một trang của nhật báo lớn đó nên có thể tiếng nói của tôi có tiếng vang đến chính quyền Úc. Mấy tuần sau Úc lên tiếng chịu mở cửa nhận thuyền nhân.
Mục sư Homer Jack đuổi được thầy trò chúng tôi rồi thì chuyến gian truân của ông bắt đầu. Liên Hiệp Quốc vẫn không xin được thị thực nào cho 567 thuyền nhân ông đang chăm sóc, trừ 32 visas nhân đạo của Áo cho người già cả và khuyết tật, 535 thuyền nhân còn lại vẫn tiếp tục lênh đênh ngoài biển cho tới hơn ba tháng sau mới được vào bờ Mã Lai và Thái Lan! Vào trại tị nạn chứ chẳng bay đi đâu cả như UNHCR đã hứa với Homer. Nhiều nhân vật quan trọng trong WCRP đã trách ông Homer Jack không che chở cho Thầy, để cho Chương Trình đổ vỡ như thế. Nếu để Thầy thực hiện chương trình đi Úc thì 567 người này đã đến nơi bình an. Để tự vệ, ông Jack đã bóp méo ra nhiều chuyện không thật như: “Mỗi thuyền nhân muốn lên tàu cứu trợ của chúng tôi phải trả cho người phụ tá của thầy Nhất Hạnh 800 dollars(!)” Thật ra khi chiếc Leapdal do Vương Hồ và Mobi Warren tới Thái Lan, nghe đài BBC và VOA nói đến 2 chiếc tàu vớt người của chương trình nên thuyền nhân đang nằm chờ mỏi mòn ở trại hơn một năm nay bèn ùn ùn xin đi ra biển để được vớt lên tàu. Cảnh Sát Thái bắt họ chi một ít tiền hối lộ mới cho rời trại ra đi. Mobi đang ở trên biển, thấy tàu tị nạn bấp bênh mong manh thì cứ vớt, nhưng khi lên thuyền họ mới tiết lộ là có một số từ trại tị nạn ra, và phải hối lộ tiền mới được rời trại. Mobi đã báo cáo rõ ràng lại với Thầy, tôi và Homer Jack là Cảnh Sát trại tị nạn ở Thái Lan lấy tiền lót của thuyền nhân mới cho rời trại, ai nghe cũng thương cho thuyền nhân và không thấy gì sai nếu họ ở trại hơn một năm mà không được đi đâu thì nay cho họ đi theo cũng tốt thôi. Homer Jack cũng biết điều đó. Nhưng khi bị thành viên WCRP trách là không che chở cho Thầy, không giúp hai chiếc tàu đi Úc thì ông ta phải bảo vệ mình bằng cách nói mập mờ phụ tá của Thầy ăn hối lộ! Phụ tá của thầy Nhất Hạnh là ai? Ít người biết đến Mobi Warren, em còn nhỏ quá, nên ai cũng nghĩ là tôi bán vé lên tàu!
Trong đời làm đệ tử của Thầy tôi đã bị oan nhiều lần. Như hồi cứu trợ nạn lụt ở Quảng Nam, bên Tổng Vụ Xã Hội GHPGVNTN ở Sài Gòn bảo Ban Cứu Lụt bên Đại Học Vạn Hạnh phải bỏ tiền vào quỹ Tổng Vụ Xã Hội, nhưng lúc đó, đầy bồ đề tâm, chúng tôi muốn làm cho rốt ráo nên không bỏ tiền vào quỹ chung và tự đi cứu trợ lấy. Tổng Vụ Xã Hội ra thông cáo nói Ban Cứu Trợ Đại Học Vạn Hạnh giữ tiền riêng không chịu bỏ tiền vào quỹ của Tổng Vụ Xã Hội, nếu tiền bạc lem nhem thì Tổng Vụ không chịu trách nhiệm. Chúng tôi, Ban Cứu Trợ Vạn Hạnh, đã làm xong thư giải thích, minh oan và mời mọi người đến xem sổ sách và công tác, nhưng thầy Nhất Hạnh nhất định không chịu. Thầy nói sự thật thế nào rồi cũng được phơi bày, oan ức không cần đính chính. Lần này cũng thế, các bạn ở Hoa Kỳ gửi cho chúng tôi bài báo của Washington Post và hỏi thăm. Thầy cũng dạy tôi im lặng. Sự thật thế nào rồi cũng được phơi bày.
Đúng như Thầy dự đoán, mặc dù Homer Jack đã thành công khi nói xấu thầy Nhất Hạnh ở nhật báo Washington Post, nhưng New York Times là tờ nhật báo lớn hơn, nổi tiếng tin tức liêm trực và đúng đắn, đã không vừa lòng với cách tuyên bố một chiều như vậy. Ký giả Henry Kamm tự ý mướn tàu nhỏ ra tận hải phận quốc tế phỏng vấn trực tiếp thuyền nhân. Ngày 16 tháng 6 năm 1977, Henry Kamm của New York Times viết: Hàng trăm thuyền nhân đã cười buồn hỏi tôi: “làm sao mà chúng tôi có nổi 800 dollars để “mua giấy” lên tàu? Chúng tôi đói khát, bị cướp bóc đâu còn gì để ăn để uống, may mà được vớt lúc đang lâm nguy. Nhưng trên tàu này quả thật có một số nhỏ thuyền nhân trước đó đã từng ở trại tị nạn, chờ đợi lâu quá nên khi nghe tin có tàu vớt họ phải tìm cách rời trại để lên tàu.” Những thuyền nhân từ trại tị nạn Thái nói tiếp: “Trước khi rời trại, vài gia đình còn một ít tiền phải gắng dúi năm ba chục đồng để cảnh sát cho phép rời trại. Còn như gia đình tôi đây, cơm không đủ ăn, thiếu thốn trăm bề, đã ở quá lâu trong trại tị nạn, nên không còn đồng nào để đút lót cảnh sát. Cuối cùng thì họ cũng tống khứ chúng tôi ra khỏi trại cho nhanh.”
Ông Homer Jack chắc cũng như đứng trên lửa sau khi chỉ nhận được 32 thị thực nhân đạo và biết rằng mình vẫn chịu trách nhiệm với 535 thuyền nhân lênh đênh trên biển. UNHCR không xin được thị thực nào nên ông phải lấy tiền chúng tôi lạc quyên cho chương trình để bay đi Paris, New York, Washington DC họp báo. Nhưng vì thiếu liêm trực, không nói thật nên sau bài báo của New York Times thì không báo nào khác chịu đăng tin của ông nữa. Nhưng hai bài báo Washington Post nói xấu và New York Times đính chính đã khiến chính quyền Hoa Kỳ chú ý và quyết định tăng quota nhận từ 1.000 người lên 8.000 người mỗi năm, rồi chỉ vài tháng sau lại tăng thành 15.000 người và sau đó 100.000 người. Thầy vui mừng cho tôi xem tin số quota nhận thuyền nhân vào Hoa Kỳ đã tăng lên 100.000 và nói: Thầy trò mình nhận rác oan ức để biến thành hoa sen là đạt được quota đón 100.000 thuyền nhân mỗi năm vào Hoa Kỳ. Con thấy không. Đâu có lỗ!
Một thế giới khác
Sau khi họp báo ở Úc tháng 3 năm 1977, thầy trò bay về Paris. Lên xe taxi về nhà anh Cao Thái để lấy chiếc xe hơi hai ngựa của tôi lái về Phương Vân Am, tôi đi như người mộng du. Thiên hạ thờ ơ quá, đi đứng, ăn uống nói cười bình thường như thuộc một thế giới xa lạ nào. Họ có biết rằng trong giờ phút này đây, có người cũng là con người như họ, cũng học hành làm việc tháo vát, tài ba và đảm đang như họ, nhưng đang chết chìm trên biển không? Có hàng chục ngàn người cũng giỏi dang như họ, tới bờ rồi nhưng vì thiếu một tờ giấy nhỏ, một thị thực, nên bị xua đuổi như chưa từng là một con người.
Phương Vân Am mùa xuân thật đẹp. Rừng sồi xanh rờn. Tôi đi thiền hành trong rừng dưới những tán lá xanh non. Nắng xuyên qua tán lá xanh non khiến không gian trong veo màu bích ngọc. Tôi tập an trú bám vào hơi thở. Khứu giác tiếp xúc mùi thơm lá non, mắt tiếp xúc với màu ngọc bích của không gian, với từng nụ hoa bé xíu dưới bước chân, tâm bám hoàn toàn vào phút giây hiện tại, mỉm cười với từng chiếc lá xanh, tai lắng nghe từng tiếng động nhỏ trong rừng cây trong phút giây hiện tại đó. Tâm tôi tạm thời được tách rời với nỗi bất công, bất hạnh của đồng bào và nỗi bất lực của thầy trò chúng tôi. Một chút an lạc tạm thời đó cũng giúp tôi bớt điên loạn được gần một tháng.
Duyên may gặp được vài cựu thuyền trưởng từng là thuyền nhân, vốn lái tàu rất giỏi và cũng là cựu sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa khiến tôi có sáng kiến làm một chương trình mới. Tuy Mùa Xuân Phương Vân Am đẹp, tuy tôi bớt khóc, nhưng hình ảnh bao nhiêu người lênh đênh trên biển vẫn còn trĩu nặng nên tôi xin phép Thầy được đi Thái Lan mua một chiếc thuyền đánh cá, giả dạng làm người đi lưới cá nhưng thực chất là đi lưới thuyền nhân. Chiếc tàu chúng tôi mua bằng gỗ, có tên là Shantisuk, 5 thước bề ngang và 32 thước chiều dài, có đầy đủ dụng cụ đánh cá. Được anh Sáu Cao Thái ủng hộ nên chúng tôi mua thêm một ca nô nhẹ bằng cao su chạy máy Yamaha vượt sóng rất nhanh, định sẽ tìm cách chạy nhanh tới vớt thuyền nhân khi ống nhòm tìm ra được tàu tỵ nạn.
Từ khi có chiếc Shantisuk, tôi, anh Sáu Cao Thái, anh Luke, Jean Pierre, Paul, Trung, anh Wisit, cô Loỏng – một sinh viên Thái từ Bangkok theo Wisit về thăm tôi và tình nguyện giúp chương trình “lưới thuyền nhân” của chúng tôi, ở trên thuyền nhiều hơn trên bờ. Chúng tôi chỉ ghé bờ để đổ dầu lái tàu, mua nước và thức ăn khô. Chúng tôi mua nhiều la bàn (compasses) và nhiều bình nước uống cùng thức ăn khô như mì gói để tặng thuyền nhân. Hầu như cả tháng tôi chỉ ăn mì gói. Khi nào nấu được nước sôi và bỏ vào vài cọng rau muống là thấy như “tiên trên đời”. Thỉnh thoảng khi cần ghé thuyền đổ dầu và mua thức ăn, ghé được bến nào chúng tôi cũng mua bún tươi, xì đầu ăn với rau sống thật là tuyệt. Bánh ngọt của Thái có khi giống bánh ngọt miền nam Việt Nam nên khi ghé bến tôi cũng hạnh phúc được ăn những loại bánh như bánh bò, bánh da lợn…
Tôi đang đứng bên trong cửa sổ nhìn qua ống nhòm tìm thuyền nhân, anh Cao Thái chuẩn bị đưa ca nô tới đón một ghe đang kêu cứu.
Công tác của chúng tôi là hễ gặp được thuyền thì tặng họ ngay một chiếc la bàn, nhiều bịch nước mưa và nhiều gói mì ăn liền, định hướng dùm họ và cho họ biết ở vị trí và thời điểm đó, nếu đi hướng 80 độ (ví dụ), thì sẽ tới trại tị nạn Trad trong hai giờ, nếu vì lẽ gì mà thuyền trôi xa thì lấy hướng 125 độ sẽ có gió đưa về Songkhla, mà phải đi ít nhất 6 giờ mới tới. Nhiều ngày chúng tôi chỉ ăn mì gói khô. Bắc nước sôi nấu mì khi tàu nhồi sóng sánh rất vất vả mất thì giờ. Anh Luke hay chịu khó luộc bún khô ăn với xì dầu. Có khi một con cá bay, nhảy tuốt lên boong thuyền, tôi thương định thả xuống nhưng các anh lái tàu không chịu, các anh đem chiên quách, tôi không vui nhưng vẫn phải chiều. Nhưng có những việc tôi không chiều được và các anh phải nghe lời tôi, như việc tôi nhất quyết không đồng ý cho các anh mua súng để bắn hải tặc. Tôi nói “Các anh nói các anh biết võ thì nếu cần, cứ dùng võ thuật, sao đòi bắn người ta? Các anh có biết là một mạng người quý lắm không? Dù là mạng người hải tặc. Một người hải tặc bị giết sẽ gây căm thù cho những người hải tặc khác, họ có thể đá thuyền nhân xuống biển vì bạn họ bị đánh, bị giết. Mọi sự việc đều tương tức rất thâm sâu, tâm bình thường của mình không thấy hết được đâu. Chuyến này rất hiểm nguy, mình phải giữ tâm cho thật từ bi thì mới tiếp xúc được với năng lượng của bồ tát Quan Âm, các anh ạ. Chỉ có tâm từ bi mới che chở cho mình được thôi.”
Thì giờ trên biển của tôi, các em Wisit, Loỏng, Paul, anh Cao Thái lúc còn ánh sáng là thay phiên nhau ôm ống nhòm tìm thuyền nhân. Khi trời bắt đầu hết ánh sáng, tôi hay ngồi yên tụng chú Chuẩn Đề và chú Vãng Sanh. Trước hết tôi cầu cho những người chết trên ghe, sau đó tôi chú nguyện cho những thuyền nhân đã chết trên biển. Tôi tụng chú Tiêu Tai Cát Tường cho những người còn bơ vơ trên biển và khấn nguyện những người đã chết chỉ đường cho thuyền bơ vơ được sớm gặp chúng tôi. Khi trở về, nghe tôi trì chú có tuần tự lớp lang như thế Thầy hay chế nhạo: Cái cô này tụng kinh trì chú mà cũng “ngoại giao chánh trị” dữ ha?
Cách trị bệnh say sóng
Dần dần tôi tìm ra cách không bị say sóng. Khi có cơn giông bão, tôi lập tức ngồi dậy ngồi thiền ngay. Hai tay tôi nắm chiếc đà ngang trên nóc thuyền. Mông tôi chỉ chạm nhẹ trên sàn thuyền. Sóng có nghiêng bên này ngả bên kia, lắc lư thì tôi cứ chủ động nhảy lên cao, hụp mình xuống cùng với sóng chứ không “bị” sóng nhồi, vì thế tôi khỏe như mới đi nhảy sóng chơi một hồi. Thấy em Loỏng ói ra mật xanh mà thương, tôi bày cách nhảy sóng như tôi nhưng em không làm theo, cứ nghĩ rằng nằm thì khỏe hơn.
Anh Sáu Cao Thái của tôi cứ chế nhạo tôi và về nhà thuật với mọi người: cái cô này (tức là tôi) lạ lắm, tức cười lắm, máy thuyền hư, tôi và các anh Luke, Jean Pierre, Paul… xanh mặt lo sửa máy muốn hết hơi, vậy mà cô ấy chỉ ngồi thiền(!) tỉnh bơ vậy đó. Tôi cười cười nhủ thầm: Cái cô này thì dốt đặc về máy móc, có chạy lăng xăng cũng chỉ làm phiền thiên hạ. “Nghề” của “cô này” là ngồi yên chú nguyện năng lượng thật lành của bồ tát Quan Âm đến chỉ cách cho anh Jean Pierre, anh Paul, anh Luke khéo tay hơn một chút để chữa máy cho đúng. Vậy là đóng góp nhiều lắm đó. Mà thật thế. Sau khi sửa máy xong chúng tôi chạy về Songkhla, vừa vào đến bến cắm neo các anh hô hoảng lên: Ủa? Sao cái bánh lái rơi đâu mất rồi? Lặn xuống biển chỗ gần bến Songhla khá cạn, nhưng tìm hoài không ra. Tôi cười tủm tỉm: Bánh lái chắc rớt ngoài hải phận quốc tế rồi, thuyền đi vào tận đây là do bồ tát Quan Âm lái chứ ai?
Thoát nạn hải tặc
Một hôm thuyền chúng tôi ghé lại Trad để sửa máy và thay một số phụ tùng bị hư. Thuyền phải ở lại một tuần, anh Luke phải lên tận Bangkok rước thợ xuống Trad chữa giúp những hư hỏng nặng trong máy. Tôi có dịp lên bờ mua bún tươi, rau sống, đường, ớt, xì dầu, chanh… ôi là ngon! Nhớ mấy tuần trước chỉ ăn mì khô uống nước lạnh trên biển mà bây giờ có bún tươi ăn sau nhiều ngày nhảy sóng, thật tuyệt. Em Loỏng rất xinh nên được các anh Cảnh Sát Trad chú ý và tìm cách làm quen. Chiều hôm sau, em sinh viên Thái Lan này bỗng hoảng hốt về báo tin: “Cô ơi, anh cảnh sát trưởng báo cho em là anh ta được tin một toán cướp địa phương đã chực sẵn rồi, chỉ đợi thuyền chúng ta ra khơi họ sẽ nhào vô cướp của mấy người đàn ông và hãm hiếp hai phụ nữ (là tôi và Loỏng) trên tàu.” Hình như tin đó không sai lắm vì tối qua, khi các thuyền đánh cá ra khơi, chúng tôi vừa chuẩn bị xong tàu cũng định ra khơi, đang tiến về eo biển thì chợt thấy một thuyền đánh cá có vẻ không bình thường lắm xuất hiện phía tay phải eo biển, xăm xăm như chắn ngang lối chúng tôi. Anh Luke nhanh mắt vội bẻ lái quay trở về. Tàu chúng tôi sắp quay về thì thấy xuất hiện chiếc thuyền thứ hai từ phía trái, cũng như muốn chặn đầu thuyền chúng tôi càng khiến anh Luke thả hết ga quay ngay về bờ. Anh Luke rất tự tin và hay khoe là anh giỏi võ lắm. Anh cũng có tài bắn súng vèo ngang lỗ tai thiên hạ, đủ để họ khiếp vía mà không thèm giết. Anh cứ thuyết phục tôi cho tiền mua súng nhưng tôi kiên quyết không.
Tối đó về lại bến, anh Luke lại có dịp thuyết phục tôi cho phép anh mua súng, nhưng tôi nghĩ mình có thể làm hay hơn. Sau khi nghe em Loỏng báo cáo những gì cảnh sát nói, cả Loỏng cả Wisit đều hoảng hốt và đề nghị tôi nên lên Bangkok mướn cảnh sát chuyên môn kéo thuyền hư giữa biển để mình có thể rời eo biển Trad này một cách an toàn mà không bị cướp. Tôi bàn với riêng anh Luke: mình sẽ mời ông thợ sửa máy từ Bangkok xuống Trad lại, nhờ ông duyệt máy thêm một lần nữa. Khi ông sửa xong mình cho tiền ông đi về, đưa ông lên tận xe đò và dặn ông đừng cho ai biết thuyền chúng tôi đã sửa xong. Nhờ ông vui lòng loan tin ngoài bến xe đò là thuyền chúng tôi hư nặng lắm, cần sửa nhiều nên ông phải trở lên Bangkok mua thêm phụ tùng mới. Hai em Loỏng và Wisit đều theo ông mà về Bangkok luôn. Tôi ngờ rằng giữa cảnh sát và cướp biển có liên hệ với nhau nên hôm đó tôi đem bánh kẹo Sô Cô La và mua thêm một số quà nữa, đến gặp và tặng quà cho ông quận trưởng và ông cảnh sát trưởng, trình hộ chiếu Pháp của chúng tôi. Tôi thưa với họ chúng tôi là công dân Pháp, đại sứ Pháp ở Bangkok căn dặn chúng tôi đi tới đâu là phải đến thăm quận trưởng và cảnh sát trưởng để nhờ bảo vệ an ninh. Hai ông đều hỏi chúng tôi định ở bao lâu, tôi nói vì thuyền chúng tôi hư, chờ ông thợ máy lên Bangkok mua thêm phụ tùng rồi trở về đây, sửa xong chắc cũng mất hai tuần. Hai ông vui vẻ điện thoại khắp nơi, ra lệnh cho cảnh sát ven biển bảo vệ an ninh cho chúng tôi từ hôm nay cho đến hai tuần nữa, tới khi tàu chúng tôi sửa xong. Sáng hôm sau nữa, tôi ra chợ mua bún, rau sống, tàu hũ, rau cải như thường ngày và báo tin chắc còn ở đây lâu. Từ trên thuyền, anh Luke và anh Sáu hú giục tôi lên để đi dạo một vòng thử máy chơi. Tôi lên thuyền và chúng tôi ra đi giữa ban ngày. Thuyền giả bộ chạy vô chạy ra hai vòng, đến vòng thứ ba thấy vắng hoe không có thuyền nào ở eo biển, chúng tôi đi tuốt ra hải phận quốc tế và tiếp tục cuộc hành trình. Thế là thoát nạn hải tặc vì họ tưởng chúng còn hai tuần nữa mới đi!
Chuyến đó chúng tôi gặp một chiếc ghe tị nạn, chúng tôi không đưa la bàn cho họ nữa mà dặn họ chạy theo chúng tôi về thẳng trại tị nạn Songkhla. Thuyền đi hai ngày mới tới, thật bình an. Tôi điện thoại cho Thầy báo tin thoát nạn cướp, Thầy sợ quá buộc tôi phải đóng cửa chương trình trở về ngay, vì Thầy cũng vừa nghe chính phủ Chirac ở Pháp mới tài trợ một chương trình vớt thuyền nhân bằng một chiếc tàu lớn của Pháp đặt tên Ile de Lumière do bác sĩ Bernard Kouchner hướng dẫn. Tôi biết ông Đại Sứ Pháp Jacques Gasseau chắc chắn có đóng góp trong sự thúc đẩy này nhờ những báo cáo rất nhiệt tình của ông.
Khi về tới Pháp, tôi trình nhật ký thưa rõ cho Thầy những tin tức thuyền nhân trên biển. Toàn là những chuyệt nát lòng nên Thầy có sáng kiến viết những sự thật này dưới hình thức truyện ngắn “Hồng” – chuyện một cô bé trên thuyền tị nạn bị chết chìm và biến thành con cá Hồng. Đó toàn là chuyện thật do tôi báo cáo sau khi nghe thuyền nhân kể lại. Chuyến “lưới cá” cuối cùng này tôi liên lạc được với một số người đáng tin cậy (như thầy Từ Mẫn, chú Thanh Tuệ, anh Hoàng Văn Giàu) ở các trại như Trad, Songkhla, Ratchasima để khi về tôi sẽ gửi thư và tiền giúp đỡ cho các thuyền nhân nạn nhân hải tặc. Mỗi tuần tôi nhận hàng trăm bức thư cầu cứu, kể những chuyến gian truân trên biển của những gia đình nạn nhân hải tặc.
Lúc này có quá nhiều thuyền nhân bị hãm hiếp trên biển và người Việt nào cũng thù hằn hải tặc Thái Lan. Sau nhiều ngày quán chiếu, Thầy viết được ra bài thơ Hãy Gọi Đúng Tên Tôi, và Thầy nói nhờ quán chiếu và viết ra được bài thơ này, Thầy mới thấy trong lòng vơi nhẹ. Thầy nói rằng Thầy phải viết để các con phổ biến bài thơ này ngay để con người bớt căm thù nhau. Bài này chúng tôi được nghe Thầy dạy lần đầu trong một buổi thiền trà sáng.
Đừng bảo ngày mai tôi đã ra đi
Bởi vì chính hôm nay tôi vẫn còn đang tới
Hãy ngắm tôi thoát hình trong từng phút từng giây
Làm đọt lá trên cành xuân
Làm con chim non cánh mềm
Chiêm chiếp vui mừng trong tổ mới
Làm con sâu xanh trên cuống hoa hồng
Làm gân viên ngọc trắng tượng hình trong lòng đá
Tôi còn tới để khóc để cười, để ước mong để lo sợ
Sự xuất nhập của tôi là hơi thở
Nhịp sinh diệt của tôi cũng là tiếng đập một lần
Của hàng triệu trái tim
Tôi là con phù du thoát hình trên mặt nước
Và là con chim sơn ca mùa xuân về trên sông đón bắt phù du
Tôi là con ếch bơi trong hồ thu
Và cũng là con rắn nước trườn đi tìm cách nuôi thân bằng thân ếch nhái
Tôi là em bé nghèo Uganda
Bao nhiêu xương sườn đều lộ ra
Hai bàn chân bằng hai ống sậy
Tôi cũng là người chế tạo đạn bom
Để cung cấp kịp thời cho các dân tộc Á Phi
Tôi là em bé mười hai, bị làm nhục, nhảy xuống biển sâu
Tôi cũng là người hải tặc sinh ra với một trái tim chưa biết nhìn biết cảm
Tôi là người đảng viên cao cấp, cầm quyền sinh sát trong tay
Và cũng là kẻ bị coi là có nợ máu với nhân dân
Đang chết dần mòn trong trại tập trung cải tạo
Nỗi vui của tôi thanh thoát như trời xuân,
Ấm áp cỏ hoa muôn lối
Niềm đau của tôi đọng thành nước mắt, ngập về bốn đại dương sâu
Hãy nhớ gọi đúng tên tôi
Cho tôi được nghe một lần tất cả những tiếng tôi khóc, tôi cười
Cho tôi thấy được nỗi đau và niềm vui là một
Hãy nhớ gọi đúng tên tôi
Cho tôi giật mình tỉnh thức
Và để cho cánh cửa lòng tôi để ngỏ
Cánh cửa xót thương.
Sau khi đọc bài thơ này cho chúng tôi nghe, Thầy dạy “Nếu 20 năm trước thầy là một đứa bé ra đời mà không biết cha là ai, mẹ nó là một cô bé 15 tuổi chưa biết nuôi thân mà phải nuôi con nên cứ để cho nó đói. Khi đói bé xin ăn, không có nhiều người cho bé ăn nên nó phải ăn cắp. Người ta đánh đập nó vì nó ăn cắp. Cho đến năm 18 hay 20 tuổi nó chỉ được dạy bằng roi vọt, nó không biết thương là gì. Ở ngoài biển không có cảnh sát, không ai bắt, nó phải thử thời vận, cướp một ít vàng, một số dollars vì đó là dịp may duy nhất đời nó. Từ nhỏ đến tuổi ấy có ai dạy nó thế nào là tình thương đâu? Còn thầy là người quá may mắn, tuy sinh ra giữa thời chiến nhưng thầy có cha mẹ, có thầy tổ, có bạn, có điều kiện tốt để thành người như hôm nay. Thầy không có gì hãnh diện là mình hơn chú hải tặc 20 tuổi đó hết. Nếu các con quý thầy thì các con nên cám ơn những điều kiện giúp thầy nên vị thầy tử tế của các con. Nếu chú thanh niên hải tặc kia tàn ác, thì những người sống quanh chú ấy cũng có trách nhiệm, dù ít hay nhiều, về sự trưởng thành xấu xa của chú, và ngay cả chúng ta cũng có ít nhiều trách nhiệm.”
Chính bài thơ này cũng đem đến cho chúng tôi nhiều người tri kỷ. Nhiều vị mục sư hay linh mục đến ghi tên tham dự một khóa tu với Thầy và báo cáo rằng lý do họ đến với Thầy là nhờ đọc được bài thơ này. Nhạc sĩ Rashani và nhạc sỹ Joseph Eymet đã phổ nhạc bài thơ này bằng tiếng Anh, hai bản nhạc khác nhau. Nhạc sĩ Anh Việt phổ nhạc bài thơ này bằng tiếng Việt.
Trở về Phương Vân Am
Chú Thanh Hương cần trình luận án nên phải về Paris, nhưng Phương Vân Am lại thêm bé Thủy, con anh Triết và bé Minh Tâm con của Trần Thị Hằng và Trần Quang Hải. Anh Triết ba bé Thủy và Hằng mẹ cháu Minh Tâm cần về Paris làm việc kiếm tiền nuôi con. Thế là tôi có thêm hai cháu để chăm sóc khi ba Triết của bé Thủy vắng mặt và mẹ của Minh Tâm đi Paris tìm việc. Bé Minh Tâm hay bị nhức chân, thấp khớp ở dưới mắt cá chân, tôi hay đem lá choux hơ nóng và đắp cho bé – chuyện này tôi quên lâu rồi nhưng chính bé nhắc hoài nên tôi mới nhớ! Bé Thủy nằm chiêm bao thấy má ở Việt Nam và khi thức dậy không thấy má nữa nên khóc nhớ mẹ, tôi ôm bé vào lòng cho bé đỡ nhớ. Tôi đưa cháu vào học trường mẫu giáo dưới xóm Fontvannes. Bé Thủy khiến cô giáo rất ngạc nhiên và cảm phục vì sau vài giờ học, khi các bạn ra sân chơi, bé xách chổi đi quét lớp và khi các bạn ra về, cháu xếp lại ghế bàn ngay ngắn rất cẩn thận. Buổi chiều, Sư Ông (là thầy chúng tôi, thầy ba mẹ các cháu) ngồi chơi và dạy các cháu nhiều điều mà chắc các cháu nhớ đời. Khi Sư Ông cho các cháu xem phim trên truyền hình, đến chỗ nào gay cấn, sợ hãi, Sư Ông dặn “Đừng sợ nghe các con, đây là họ chỉ đóng phim thôi, họ không chết thật đâu!” Minh Tâm nhớ rất giỏi, mỗi lần không có Sư Ông ở nhà, má tôi ngồi xem phim với cháu và bé Thủy, Minh Tâm nói: “Bà Ngoại đừng sợ nghe, họ đóng phim thôi đó bà ngoại, họ làm bộ chết đó!” khiến má tôi mới ở Việt Nam qua, nể quá hỏi “cháu này con nhà ai mà khôn ghê?”
Bé Minh Tâm hay đứng nhón chân, giang tay ra quay vòng tròn theo lối các vũ khúc ballets của Pháp, nhưng bé Thủy lại xòe hai tay ra múa dịu dàng theo lối rất Việt. Một hôm nhìn vào gương tôi chợt nói: ui chao, mới chưa đầy hai năm qua mà mình già nhanh quá. Bé Thủy dạy tôi: Cô Chín đừng lo, cứ mua cái cây son đỏ đỏ thoa lên là trẻ đẹp lại liền!! Tôi quá sức tức cười ôm cháu hôn và hỏi: Ai dạy con thế? – Con thấy má Thanh của con làm vậy! Có bữa cháu ôm tôi và nói: Cô Chín cưng con nhiều nhiều thật nhiều nghe cô Chín? – Đâu được, nếu Minh Tâm mà biết cô Chín thương con nhiều nhiều thật nhiều, Minh Tâm sẽ buồn lắm. Bé Thủy đáp: Thì cô Chín đừng cho ai biết hết, chỉ mình cô Chín và con biết thôi! Sư Ông bèn dạy: “Cô Chín sẽ thương con nhiều thật nhiều trong tình thương đối với bé Thủy, cô Chín cũng thương Minh Tâm nhiều thật nhiều trong tình thương đối với Minh Tâm. Giống như cô thương hoa tu líp nhất theo lối thương hoa tu líp mà cũng thương hoa hồng nhất theo lối thương hoa hồng. Hoa nào cô Chín cũng RẤT thương, giống như cháu nào cô cũng thương nhiều thật nhiều, không ai bằng ai, không ai hơn mà cũng không ai thua.” Tôi thầm cám ơn Thầy đã dạy cháu tình thương bất nhị, đơn sơ mà trẻ con nào cũng có thể hiểu được. Bốn chục năm sau, thầy chúng tôi có hơn 700 đệ tử xuất sĩ, trai và gái, mỗi vị mỗi khác, giống như hơn 700 loài hoa khác nhau, và Thầy chúng tôi làm được điều đó: Hoa nào Sư Ông cũng rất thương, thật nhiều, không như nhau, không thương ai hơn mà cũng không thương ai thua…
Lần đi Thái Lan chót của tôi quá lâu, nên ngày về, cả chín người trong Phương Vân Am đều lên tận Paris đón tôi. Khi xe đi ngang rừng Fontainebleau, rừng thu ôi là đẹp. Xe vừa đậu, mọi người đang dần dần đi thiền hành vào rừng, lá rừng thu vàng đỏ, tím, nâu rơi rơi, tôi hết sức ngạc nhiên nhìn bé Thủy sáu tuổi, giang tay ra chỉ những chiếc lá thu đang rơi và nói: “Thu hôm nay tôi đi trong rừng thu vàng óng ả này, ngắm từng chiếc lá vàng rơi…” và bé đọc dịu dàng ngọt ngào đoạn văn ngắn tả mùa thu của nhà văn Đinh Hùng “Đường này hiu hắt, tôi đem lòng về đây để gặp mùa thu thương nhớ cũ, chân ai đi xa vắng ngoài kia, hay đó chỉ là gió thoảng mong manh?” Tôi cảm động suýt rơi nước mắt: “Trời! Sao mà con giỏi thế. Con học hồi ở Việt Nam với má Thanh của con hả?” Bỗng tôi ngước nhìn lên thấy Thầy đang cười tủm tỉm, đi chầm chậm phía sau và tôi chợt biết ai là người dạy cháu. Cũng như hồi bé Minh Tâm mới hai tuổi rưỡi, ba mẹ đưa tới văn phòng Phái Đoàn chơi, Thầy đã bế cháu và dạy cháu nói câu tiếng Việt đầu tiên: Mùa thu lá đỏ đẹp. Mẹ cháu kể lại rằng khi cháu Minh Tâm đi thăm ông nội là giáo sư Trần Văn Khê, trước đó cháu chưa nói được câu nào mà lần này gặp ông nội, mẹ cháu dạy con nói gì cho nội nghe đi con, thì cháu nói: Mùa thu lá đỏ đẹp khiến ông nội cháu vô cùng thán phục: Ô cháu tôi nghệ sĩ quá!
Tháng 10 năm 1978, ba Triết của bé Thủy xin được thị thực đi Hoa Kỳ với con gái, tôi ôm cháu và khóc nhưng cũng mừng cho cháu sắp có một mái nhà ấm êm. Các cháu sống tạm với tôi như vậy chứ tôi phải lo việc “nước” hoài, không thể nào lo cho các cháu bằng tình mẹ.
Mỗi tuần tôi nhận hơn 300 bức thư cầu cứu của thuyền nhân, nạn nhân hải tặc. Tôi trả lời thư, báo tin đã đọc rất kỹ bức thư diễn tả nỗi khổ niềm đau của họ, đã cùng khóc với họ và xin gửi cho họ một chút lòng (5 mỹ kim hay 10 hay 15 hay 20, 30 mỹ kim tùy hoàn cảnh và số người trong gia đình). Sở dĩ tôi có tiền lập dự án lưới người trên biển bằng ghe đánh cá và tiếp tục gửi cho thuyền nhân là nhờ còn số tiền 100.000 mỹ kim tôi xin của Ủy Ban Hòa Lan cho thuyền nhân gửi qua Luke Fogarty ở Singapore thay vì qua Willie Tay. Khi chuyện không thành, Luke đã gửi số tiền đó đi Thái Lan để tôi tiếp tục lo cho thuyền nhân. Thư và tiền tôi nhờ ngân hàng ở Bangkok gửi qua người đại diện của tôi trong trại nên thuyền nhân viết thư cho tôi không thể nói không thật. Lúc này nhà đã có máy photocopy nên tôi viết một bức thư tay thật dễ thương chừng 2/3 trang và copy thành nhiều bản, đại ý là chia buồn, chia sẻ cho họ biết Phái Đoàn Phật Giáo mà thầy chúng tôi đại diện là ai, kể cho họ nghe chúng tôi đã đọc rất kỹ từng dòng chữ của họ, đã cùng xót xa khóc với họ vì những rủi ro bất hạnh của họ trên biển. Rồi với mỗi thuyền nhân tôi thêm một câu riêng cho đặc biệt khiến người nhận có cảm tưởng đây là bức thư chỉ viết riêng cho mình. Viết ba trăm bức thư mỗi tuần an ủi từng người, gửi một chút lòng là việc khá bận rộn. Nhưng điều đó cũng giúp lại tôi bớt tuyệt vọng, tôi vẫn thấy mình còn ích lợi cho một số người.
Một sáng nọ trong buổi trà sáng với Thầy, Thầy báo tin đêm qua Thầy mơ thấy mình ngủ trong ngôi nhà từ đường của gia đình Thầy, và khi thức dậy Thầy nghe khỏe nhẹ vô cùng, như vừa trút được một gánh nặng. Ngồi thiền để quán chiếu thêm về giấc mơ, Thầy chợt nhận ra rằng xưa nay mình vẫn đau xót thấy làm việc kêu gọi cho hòa bình hết lòng, giúp thuyền nhân hết lòng, làm việc 18 giờ trong một ngày không rời một phút giây thất niệm, ăn cơm gạo gãy cho chim ăn ở Pháp, nhịn đói mỗi tuần một ngày, đi cứu thuyền nhân thì ăn uống còn thanh bạch hơn, cơm trắng xì dầu rau muống luộc, cơm trắng xì dầu rau muống xào, cơm trắng xì dầu rau lang luộc, cơm trắng xì dầu rau lang xào, mới nhận lời dự một bữa tiệc tại nhà hàng chay do mẹ cô Nancy Chng đãi mà cũng mặc cảm tội lỗi, khi về nhà đêm đó bị tịch thu hộ chiếu nghĩ rằng mình tu chưa tinh chuyên – chắc tại đi ăn tiệm với gia đình cô Nancy Chng trong khi người ta chơi vơi ngoài biển cả – nên chuyện cứu vớt thuyền nhân không thành. Sau giấc mộng tối qua Thầy quán chiếu thấy rằng nghiệp cả toàn dân mình nặng quá – trong quá khứ đã thôn tính cả dân tộc Chàm, chiếm một phần lớn đất Campuchia – vậy thì mình là ai mà dám kê vai lên gánh cái cộng nghiệp của toàn dân năm sáu chục triệu người đó. Nghiệp lành mình còn quá mỏng, chưa gánh vác nổi cho nghiệp nặng của cả dân tộc nên mình chìm theo thôi, mỗi người một cách, chìm nhưng không chết để biến rác thành hoa… Việc mình làm là cộng nghiệp tốt nhưng cộng nghiệp này chưa đủ lớn để cứu bao nhiêu thảm trạng của đất nước. Thôi thì cứ giữ tâm thanh bạch trung kiên với lý tưởng từ bi. Mọi việc cứ để chư tổ tiên huyết thống, tổ tiên đất đai và tổ tiên tâm linh của toàn dân đưa tới kết quả thôi. Kết quả nếu mình nhận nhiều bùn thì cũng mở rộng lòng ra đón nhận, không mặc cảm tội lỗi, mà kết quả có nhiều hoa thì cũng nhẹ nhàng vui đón, không kiêu sa hãnh diện. Vì kết quả đó không phải thành quả của riêng mình. Đó chỉ là phước đức của cộng nghiệp của toàn dân. Quan trọng nhất là giữ bước chân cho chánh niệm, hộ trì gìn giữ cho toàn thân tâm có an bình, có tỉnh thức và một hơi thở nào, một khởi niệm nào, một lời nói nào, một hành động nào cũng phải là hành động của từ bi.