Chương 5: Chủ trương của những bộ phái phát sinh từ Ðại Chúng Bộ

Nếu chúng ta nghĩ rằng Đại Chúng Bộ đã phát triển để trở thành Phật giáo Đại thừa là chúng ta sai lầm. Có sự phân phái ra thành Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ. Đại Chúng Bộ có khuynh hướng tiến bộ, không bảo thủ, nên chúng ta tưởng Đại Chúng Bộ sau này sẽ trở thành Đại thừa. Đó là một sự sai lầm. Đại Chúng Bộ cũng như một số bộ phái phát sinh từ Đại Chúng Bộ có cung cấp một số tuệ giác cũng như tư tưởng, ý kiến có thể giúp cho sự xuất hiện của Đại thừa. Nhưng những tông phái đó không trở thành Đại thừa. Sau khi Đại thừa được thành lập, những tông phái đó vẫn tiếp tục con đường của họ. Không những các tông phái của Đại Chúng Bộ đóng góp vào việc làm phát sinh và lớn mạnh Phật giáo Đại thừa mà những tông phái của Thượng Tọa Bộ cũng vậy. Trong tình trạng trăm hoa đua nở thì những tông phái của Thượng Tọa Bộ cũng có đóng góp nhiều nguyên liệu, nhiều yếu tố cho sự thành lập Phật giáo Đại thừa. Khi Phật giáo Đại thừa đã xuất hiện và lớn mạnh thì Thượng Tọa Bộ, Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ và các bộ phái khác vẫn tiếp tục con đường của họ.

ĐA VĂN BỘ

Hôm nay chúng ta bắt đầu đọc về những chủ trương của Đa Văn Bộ (Bahuśrutīya). Śru là nghe, là học. Đa Văn Bộ là một bộ phái phát xuất từ Đại Chúng Bộ. Đa văn là học hỏi, nghiên cứu thật nhiều. Thanh văn có nghĩa là học trò, là người tìm tới nghe Bụt giảng dạy (student).

1. Vị Phật ngũ âm thị xuất thế giáo: nhất, vô thường; nhị, khổ; tam, không; tứ, vô ngã; ngũ, Niết bàn tịch tĩnh. Thử ngũ năng dẫn xuất lý đạo cố.

Năm sự thuyết giảng sau đây đích thực là giáo lý xuất thế của Bụt: đó là vô thường, khổ, không, vô ngã và Niết bàn. Chúng có công năng đưa tới giải thoát.

The Teachings of the Buddha on the following five themes are the supermundane Teachings, the true teachings of the Buddha because the Teachings on these five themes lead a man to the attainment of the path of emancipation: 1st, impermanence; 2nd, suffering; 3rd, emptiness; 4th, non-self; 5th, nirvana.

Il y a cinq enseignements du Bouddha qui peuvent être décrites comme supramondaines: 1. l’impermanence, 2. le malêtre, 3. le vide, 4. le non-soi, 5. le nirvana quiétude. Ces cinq enseignements ont le pouvoir de nous montrer la voie supramondaine.

Phật ngũ âm thị xuất thế giáo có nghĩa là có năm giáo lý được gọi là giáo lý xuất thế, còn tất cả những giáo lý khác đều có thể xem là giáo lý nhập thế. Giáo lý nhập thế là giáo lý ứng dụng trong đời sống hàng ngày để làm cho người ta bớt khổ. Giáo lý xuất thế có thể giúp người đi tới giải thoát hoàn toàn. Năm giáo lý (ngũ âm) đó là: vô thường, khổ, không, vô ngã và Niết bàn. Như vậy Đa Văn Bộ chủ trương có năm pháp ấn thay vì ba pháp ấn. Trong Phật giáo Nam tông, hệ phái Theravāda hiện bây giờ còn tồn tại ở Tích Lan, có nói tới ba pháp ấn là khổ, vô thường và vô ngã. Trong Hán tạng, chỉ có một kinh trong Trung A Hàm nói có ba pháp ấn là vô thường, vô ngã và Niết bàn; còn trong các kinh khác thì có thêm khổ vào: khổ, vô thường, vô ngã và Niết bàn. Trong kinh A Hàm nói trên ba danh từ vô thường, vô ngã và Niết bàn được lặp lại đến bốn lần. Theo tôi thì đó đúng là ba “pháp ấn”. Pháp ấn là chữ ký của Bụt. “Đây là giáo lý của tôi! Giáo lý nào không mang ba dấu ấn của vô thường, vô ngã và Niết bàn thì giáo lý đó không phải là do tôi dạy.” Ấn là con dấu, là chữ ký. Thầy Long Thọ (Nāgārjuna) ở thế kỷ thứ hai, trong tác phẩm Đại Trí Độ Luận (Mahāprajñapāramitā-śāstra) cũng nói tam pháp ấn là vô thường, vô ngã và Niết bàn.

Thật ra, nếu cho ba pháp ấn là khổ, vô thường và vô ngã thì còn thiếu. Ba pháp ấn là vô thường, vô ngã và Niết bàn là đầy đủ nhất. Nếu nói có năm pháp ấn là vô thường, khổ, không, vô ngã và Niết bàn thì cũng được. Thỉnh thoảng chúng ta có nghe tới “Tứ pháp ấn” và “Ngũ pháp ấn”, bốn hay năm pháp ấn đều được, miễn là trong đó có pháp ấn Niết bàn. Nếu không có Niết bàn thì không đầy đủ, nếu không có Niết bàn thì chỗ nào để cho vô thường và vô ngã trở về? Bụt dạy vô thường và vô ngã nhưng Bụt cũng dạy Niết bàn vì Niết bàn là nền tảng của tất cả.

Ví dụ chúng ta có một đồng euro, có mặt trái và mặt phải. Cả hai mặt dựa trên chất kim khí mà biểu hiện. Nếu không có chất kim khí thì mặt trái và mặt phải dựa vào đâu, làm sao mà có được? Ở đây, vô thường, vô ngã là sự biểu hiện của thực tại và thực tại đó chính là Niết bàn. Cũng như sóng dựa lên nước mà có, nếu không có nước thì sóng trở về đâu? Giáo lý mà không có Niết bàn thì cũng giống như bốn Diệu đế mà mất đi Diệu đế thứ ba. Sự thật thứ ba là Niết bàn, là giải thoát, là sự vắng mặt của khổ đau, của phiền não. Chúng ta có thể nói rằng tại vì người ta bị ám ảnh quá nhiều bởi sự thật thứ nhất là khổ nên đã đưa giáo lý khổ vào trong Tam pháp ấn. Đưa khổ hay đưa không vào cũng không sao nhưng lấy Niết bàn ra thì chắc chắn không đúng.

Chúng ta có thể nói, vô thường và vô ngã thuộc về thế giới của hiện tượng và thế giới hiện tượng đó dựa trên nền tảng bản thể là Niết bàn, cũng như tất cả các sóng đều dựa trên nước. Sự vật có sinh, có diệt, có một, có nhiều, có tới, có đi. Sống trên bình diện tích môn, người ta có thể bị kéo đi bởi thế giới hiện tượng, người ta lo sợ, tuyệt vọng. Nhưng nếu tiếp xúc được với bản môn, với Niết bàn thì tất cả những lo sợ, tuyệt vọng đó tan biến. Cũng như sóng: Sóng có lên, có xuống, có lớn, có nhỏ và sóng đau khổ vì sự lên, xuống, lớn, nhỏ đó.

Nhưng nếu sóng biết sóng chính là nước thì dù có lên hay xuống nó cũng vui. Vì vậy, Tam pháp ấn phải diễn bày được hai mặt của thực tại là tích môn và bản môn. Tích môn là thế giới của hiện tượng (phénomènes) và bản môn là thế giới của bản thể (noumène). Tam pháp ấn chính xác nhất là vô thường, vô ngã và Niết bàn. Bỏ Niết bàn ra là một sự thiếu sót. Giáo lý mà không có Niết bàn thì không có giải thoát, giáo lý đó không mang chữ ký của Đức Thế Tôn.

Một trong những giáo lý căn bản của đạo Bụt là giáo lý Tứ diệu đế. Tứ diệu đế bắt đầu bằng khổ và phần lớn trong chúng ta bị trói buộc vào danh từ. Bụt đã nói khổ rồi thì chúng ta phải tìm cách chứng minh rằng cái gì cũng khổ, đời là bể khổ, để chứng tỏ là Bụt nói đúng. Đói cũng khổ, no cũng khổ, bận rộn cũng khổ, rảnh rang cũng khổ, tất cả đều phải khổ hết, nói như thế thì mới đúng theo lời Bụt dạy. Như vậy chúng ta không phải là học trò thông minh của Đức Thế Tôn. Bụt dạy cái khổ có mặt đó nhưng chúng ta phải nhìn vào cái khổ đó để tìm ra được sự thật thứ hai là tập đế, tức là nguyên nhân đưa đến cái khổ. Nếu chúng ta chạy trốn khổ đau thì không bao giờ chúng ta tìm được nguyên nhân, chúng ta không bao giờ chuyển hóa được khổ đau. Khổ là một sự thật và là một sự thật rất cao quí, không có khổ thì chúng ta không thể nào chế tác cái hiểu và cái thương được.

Người ta nói, khổ thì có gì là cao quí mà gọi là diệu đế, mà gọi là thánh đế? Nhưng không có khổ thì làm gì có hiểu và thương? Chúng ta đã từng nghe nói rằng là người tu mình phải tự nhắc lại hoài câu “đời là khổ” để giúp mình đừng lảng vảng tới những khu vực của đam mê và dục vọng mà rước khổ vào thân. Nhưng nếu chúng ta thiếu thông minh thì điều đó có thể thành ra một giáo điều.

Đặc tính của thế giới hiện tượng là vô thường và vô ngã. Khi tiếp xúc được tính vô thường và vô ngã một cách sâu sắc thì ta tiếp xúc được Niết bàn. Niết bàn không phải là cái gì đi ngược lại với vô thường và vô ngã. Cũng như khi tiếp xúc được với sóng thì ta tiếp xúc được với nước, bỏ sóng đi thì không có nước. Tu học không có nghĩa là vất bỏ vô thường và vô ngã để đi tới Niết bàn, vì Niết bàn nằm ngay trong vô thường và vô ngã, cái không sinh diệt nằm ngay trong cái sinh diệt. Đó là một pháp ấn. Vì quá chú trọng tới ý niệm khổ, vì nghĩ rằng Tứ diệu đế là giáo lý căn bản của đạo Bụt nên người ta không thể không lấy khổ làm một pháp ấn. Đọc kinh A Hàm hay kinh Nikaya chúng ta thấy khổ đi đôi với vô thường và vô ngã.

Chúng ta nói bản chất của một cái bàn hay của một bông hoa là vô thường và vô ngã thì rất đúng. Nhưng nói bản chất của chúng là khổ thì rất khó hiểu. Khổ là gì? Khi sự vật là vô thường mà ta cho chúng là thường thì ta khổ. Khi chúng là vô ngã mà ta cho chúng là có ngã thì ta khổ. Khổ không phải là bản tính của sự vật mà là kết quả của nhận thức sai lầm, của vô minh. Vì vậy gán cho thực tại thuộc từ khổ thì rất là ngây thơ. Thật ra, đem khổ vào như một trong những pháp ấn thì cũng không sao, miễn là chúng ta đừng lấy Niết bàn ra khỏi pháp ấn.

Sau này người ta lại cho thêm pháp ấn không vào. Trong Phật giáo bộ phái, lúc ban đầu người ta chưa khai thác đủ ý niệm về không. Có một số kinh nói về không. Trong Trung Bộ có hai kinh nói về không, nhưng giáo lý về không chưa được khai thác trong Thượng Tọa Bộ và trong những năm đầu của Đại Chúng Bộ. Mãi cho đến khi Hữu Bộ xuất hiện với chủ trương “chỉ có ngã là không còn các pháp đều là có” thì lúc đó Đại thừa mới phản ứng lại rất mạnh và bắt đầu đề cao giáo lý pháp không. Đó là lý do khiến cho các kinh đại thừa xuất hiện lúc ban đầu là những kinh Bát nhã, vì chủ lực của các kinh Bát nhã là giáo lý không (śūnyatā). Khi thấy Đại thừa rầm rộ nói về không thì các bộ phái cho không vào, thành ra ta có tới năm pháp ấn. Có sự ảnh hưởng lẫn nhau và bộ phái này học được từ các bộ phái khác. Đó là một loại trăm hoa đua nở.

Khi thấy một chủ trương như vậy thì chúng ta phải hiểu nó trong ánh sáng của sự chuyển biến và phát triển của tư tưởng Phật giáo. Chỉ cần đọc một chủ trương thôi, chúng ta đã có thể biết được đại khái tông phái đó xuất hiện vào thế kỷ nào và chịu ảnh hưởng của những tông phái nào.

2. Như Lai dư âm thị thế gian giáo.

Những thuyết giảng khác của Phật là giáo lý nhập thế.

The Teachings of the Tathāgata on the themes other than above are mundane Teachings.

Les autres enseingements peuvent être décrit comme enseignements mondaines.

Những giáo lý khác của Như Lai thì thuộc về giáo lý nhập thế. Giáo lý nhập thế là những giáo lý giúp cho loài trời và loài người sống hạnh phúc hơn nhưng không đưa những loài đó tới được lãnh vực xuất thế gian (lokottara). Tư tưởng này trái chống với tư tưởng của Đại Chúng Bộ lúc ban đầu, tức là chủ trương thứ năm của Đại Chúng Bộ, “Thế Tôn sở thuyết vô bất như nghĩa”: Tất cả những gì Đức Thế Tôn nói, không có gì là không có tính chất xuất thế gian.

Ban đầu người ta nghĩ rằng bất cứ cái gì Đức Thế Tôn dạy cũng là chân lý tuyệt đối, nhưng vì người nghe có thể tiếp nhận một cách khác nhau nên chia ra thành giáo lý thế gian hay giáo lý xuất thế gian. Bây giờ người ta đi tới quan niệm rất rõ rệt là có những kinh có khả năng đưa mình tới lãnh vực xuất thế gian và có những kinh chỉ đem lại lợi lạc và hạnh phúc cho người trong thế gian mà thôi. Những giáo lý như vô thường, khổ, không, vô ngã và Niết bàn có mục đích đưa con người tới lãnh vực xuất thế. Còn những giáo lý không nói đến vô thường, khổ, không, vô ngã, Niết bàn là những giáo lý nhập thế, chúng có khả năng làm vơi bớt khổ đau và đem lại hạnh phúc cho con người.

Tu học ở Làng Mai khi đọc những câu này chúng ta phải có cái thấy của riêng mình: giáo lý vô thường và vô ngã cũng có thể giúp được người đời. Nếu thực tập vô thường và vô ngã cho đúng mức thì mình đạt tới giải thoát hoàn toàn. Nhưng nếu thực tập vô thường và vô ngã tới một mức nào đó, thấy được sự vật là vô thường và vô ngã, thấy được hạnh phúc không phải là một cái gì riêng biệt, thì ta cũng bớt khổ và thấy rằng giáo lý vô thường và vô ngã cũng là giáo lý nhập thế chứ không phải chỉ là giáo lý xuất thế gian mà thôi. Phân biệt có năm giáo nghĩa là xuất thế gian còn những giáo nghĩa khác là thế gian thì có hơi gò ép.

3. Hữu A la hán vi dư sở dụ, do hữu vô tri diệc hữu do dự, tha linh ngộ nhập, đạo nhân thanh khởi.

Chủ trương thứ ba này chúng ta đã được học rồi, đó là năm khuyết điểm của một vị A la hán.

THUYẾT GIẢ BỘ

Sau đây là những chủ trương của Thuyết Giả Bộ (Prajñaptivāda). Thuyết Giả Bộ cũng là một tông phái phát xuất từ Đại Chúng Bộ. Prajñapti là giả, là giả danh, là ước lệ (conventionnal). Chúng ta ngồi đây ở bán cầu này thì đồng ý với nhau rằng phía này là trên còn phía kia là dưới. Những người đang ngồi ở bán cầu bên kia, theo ta thì hình như họ đang ngồi chổng ngược lại. Ý niệm về trên và dưới là do mình đồng ý với nhau (ước lệ) chứ không phải là sự thật tuyệt đối. Chữ giả danh dịch ra tiếng Pháp là désignation conventionnelle, tiếng Anh là conventional designation.

Nhìn bên ngoài ta thấy có hai người khác nhau, nhưng kỳ thực trong bản chất, con là sự tiếp nối của cha. Nhìn chậu hoa cúc chúng ta thấy cây cúc có chín chồi, ta tưởng là có chín cây cúc nhưng thật ra chỉ có một gốc cúc. Ta đặt ra “cha” và “con”, “tôi” và “anh”, hai người khác nhau. Đó là những ước lệ (convention), là những danh từ ta sử dụng vậy thôi chứ thật ra tuy nói là hai nhưng không phải là hai. Trong tuệ giác duyên sinh thì cái một chứa tất cả những cái khác. Trên phương diện thực dụng, ta phải gọi mỗi người bằng một cái tên. Ta thấy có vẻ như cha là một người hoàn toàn khác với con, nhưng kỳ thực con là sự nối tiếp của cha; tuy cây cúc có chín nhánh nhưng chín nhánh đó chỉ là một cây cúc. Những danh từ hay những ý niệm chúng ta đặt ra để gọi những hiện tượng, đó không phải là những thực tại riêng rẽ mà là những ước lệ. Bộ phái này chủ trương rằng tất cả các pháp đều chỉ là những ước lệ. Ta có thể dịch là giả danh (prajñapti). Ta cũng có thể gọi Thuyết Giả Bộ là Giả Danh Bộ.

1. Vị khổ phi uẩn.

Khổ không phải uẩn.

Suffering is not the skandhas.

La souffrance n’est pas un aggrégat.

Trước kia chúng ta đã nói năm ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là khổ. Hình hài là khổ, cảm giác là khổ, tri giác là khổ, tâm hành là khổ, nhận thức là khổ.

Thuyết Giả Bộ nói năm uẩn là vô thường, vô ngã, nhưng không phải là khổ vì ta bám vào năm uẩn, cho chúng là ngã nên ta khổ. Bản chất năm uẩn không phải là khổ.

Trong kinh Bảo Tích, một kinh Đại thừa xuất hiện khá sớm, có một ví dụ: Có một người đàn ông lượm một cục đất ném vào con chó. Con chó đau quá, giận dữ đuổi theo sủa cục đất. Con chó không biết rằng cái làm nó đau không phải là cục đất mà là người đàn ông đã ném cục đất.

Năm uẩn không phải là cái làm cho chúng ta đau khổ. Chỉ vì ta vô minh, kẹt vào năm uẩn, không biết năm uẩn là vô ngã nên ta khổ. Kẻ thù của con chó không phải là cục đất, kẻ thù của nó là người đàn ông đã liệng cục đất. Tự thân của uẩn không phải là khổ. Ta khổ là tại ta không biết cách xử lý năm uẩn. Chính những tư tưởng này đã chế tác ra những ví dụ rất hay trong kinh Đại thừa.

2. Thập nhị xứ phi chân thật.

Mười hai xứ không phải chân thật.

The twelve āyatanas are not real (entities).

Les douze domaines ne sont pas des réalités achevées et complètes.

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp không phải là những gì có thật. Chúng chỉ là những giả danh nương vào nhau mà phát hiện. Đây là một câu trả lời cho Hữu Bộ. Hữu Bộ nói, chỉ có ngã là không có, còn tất cả các pháp đều là có thật. Chủ trương thứ hai của Thuyết Giả Bộ nói gần giống như Đại thừa: Tất cả các pháp mà các người cho là có đó, chúng cũng không có luôn.

3. Chư hành đãi triển chuyển hòa hiệp, giả danh vi khổ. Vô sĩ phu dụng.

Các hành triển chuyển đối chiếu với nhau mà giả danh là khổ, không có cái sĩ dụng ở đây.

The samskāras are provisionally called suffering, when two Saskāras combine with each other, they have no potent power to cause suffering.

Les composés qui évoluent en interdépendance, provisoirement appelés souffrance, n’ont pas de pouvoir pour causer de la souffrance.

Chủ trương này chẳng qua là sự diễn giải của chủ trương thứ nhất. Chư hành là tất cả những hiện tượng. Hành là formation, hình hài mình là một hành, cái bàn là một hành, bông hoa kia là một hành, tự chúng vô thường, vô ngã. Phiền não cũng là một hành gọi là tâm hành. Khi các hành phối hợp với nhau để chuyển biến thì người ta tạm gọi là khổ. Nhưng kỳ thực các hành ấy không có khả năng tạo ra cái khổ. Cái bàn, bông hoa, cục đất không có tác dụng gây đau khổ. Vô sĩ phu dụng là không có khả năng gây ra đau khổ.

Đa Văn Bộ chủ trương, các hành là vô thường, khổ, không, vô ngã và Niết bàn. Thuyết Giả Bộ đi tới một bước nữa và chủ trương: Nói các hiện tượng (hành) là vô thường, không, vô ngã, Niết bàn thì được, nhưng nói các hiện tượng là khổ thì không được. Những hiện tượng như sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có khả năng gây ra đau khổ. Đau khổ có là do vô minh của chúng ta. Chúng ta không biết xử lý sắc, thọ, tưởng, hành, thức; chúng ta bị kẹt, bị vướng mắc vào chúng, nhận chúng là ngã cho nên chúng ta mới đau khổ. Năm uẩn làm cho người ta điêu đứng tại vì người ta không biết cách xử lý năm uẩn. Biết cách xử lý năm uẩn thì chúng không làm mình đau khổ được. Chính sinh tử cũng vậy. Sinh tử có thể làm cho người ta điêu đứng, nhưng đối với người giải thoát thì sinh tử chỉ là một trò chơi thôi. Tuệ Trung thượng sĩ đời Trần nói: Sinh tử tương bức hề ư ngã hà thương, nghĩa là sinh tử không có thể ép uổng được ta đâu. Tùy theo cách ta nhìn sinh tử. Nếu ta có vô minh thì sinh tử sẽ làm cho ta sợ, nếu ta có trí tuệ thì sinh tử chỉ là một trò chơi. Bản chất của năm uẩn và của các hành là vô thường và vô ngã. Ta không cần phải chạy trốn chúng, ta khỏi cần phải chuyển hóa chúng. Nếu ta không bị vướng mắc, không kẹt vào sân hận và không sợ hãi thì năm uẩn và các hành không làm gì ta được. Đó là chủ trương thứ ba của Thuyết Giả Bộ.