Người vô sự – Lâm Tế Lục – bình giảng phần Đối trị căn cơ

NGƯỜI VÔ SỰ
_________________________________

Thích Nhất Hạnh – Phần bình giảng Lâm Tế Ngữ Lục
_________________________________

Đối Trị Căn Cơ

Đối trị căn cơ tức là tùy theo trường hợp, tâm lý và hoàn cảnh đặc biệt của người thiền sinh mà đưa ra những biện pháp để giúp người đó tháo gỡ những bế tắc của họ cũng giống như một vị y sĩ. Khi người bệnh tới, vị y sĩ phải biết rõ tình trạng của người bệnh rồi đưa ra những phương dược để trị cho người đó, đó là đối trị căn cơ. Mỗi người có một căn cơ khác nhau: người thì chậm, kẻ thì mau, người thì bị kẹt nhiều, kẻ thì bị kẹt ít. Người có bản tính chậm không có nghĩa là người đó khó, đôi khi họ chậm nhưng họ lại tới trước những người đi mau. Đối với những người chậm, ta có phương pháp giúp cho những người chậm; đối với người những mau, ta có phương pháp giúp cho những người mau; đối với những người có sầu khổ nhiều, ta có những phương pháp khác; đối với những người ham chơi, ta còn có phương pháp khác nữa. Chúng ta phải thấy được căn và cơ của người đó. Căn cơ của một người tức là trường hợp của người đó, tình trạng sức khỏe của người đó, hoàn cảnh của người đó và tình trạng tâm lý (mentality) của người đó nữa.

Quan Phủ Thường Thị họ Vương cùng với các quan thỉnh thiền sư lên pháp tọa. Thiền sư bước lên nói: ‘Hôm nay vì việc bất đắc dĩ thuận theo nhân tình cho nên tôi mới lên ngồi trên pháp tòa này. Nếu nói đến chuyện chính thức đề xướng việc lớn của truyền thống tổ tông Thiền, tôi sẽ không thể mở miệng ra được và quý vị cũng sẽ không biết đặt chân vào đâu. Nhưng hôm nay vì quan Thường Thị cứ thỉnh cầu mãi thì làm sao tôi còn có thể dấu kín được tông chỉ cương yếu của Thiền? Vậy thì có vị chiến tướng nào muốn phất cờ mở trận thì hãy xin ra đối diện với đại chúng đây để nêu ra vài chứng cứ xem sao?

Có một vị xuất gia bước ra hỏi :

– Đại ý của Phật pháp là gì?

Thiền sư hét.

Vị xuất gia kia lạy.

Thiền sư nói:

– Ông thầy này có thể nói chuyện được đấy.

Quan Phủ Thường Thị họ Vương cùng với các quan thỉnh thiền sư lên pháp tọa. Thời gian này có một nhà chính trị – quan phủ họ Vương – ông rất hâm mộ và thường lui tới với những nhà chức trách khác để cùng học đạo với thiền sư Lâm Tế. Chữ Thường Thị có nghĩa là cố vấn bình thường (ordinary adviser to the King). Ông là quan phủ nhưng cũng có thể làm tai mắt cho vua, cố vấn cho vua về tình trạng địa phương của ông.

Quan Phủ Thường Thị họ Vương cùng với các quan thỉnh thiền sư lên pháp tọa. Thiền sư bước lên nói: Hôm nay vì việc bất đắc dĩ thuận theo nhân tình cho nên tôi mới lên ngồi trên pháp tòa này.

Nghĩa là tôi không muốn lên trên này ngồi đóng vai thiền sư, tôi không thích như vậy. Vì thuận theo nhân tình, tại vì người ta đòi như vậy, cho nên tôi phải làm như vậy. Tại sao ta là thầy tu mà ta không muốn thuyết pháp? Có lẽ vì sự trông chờ, đòi hỏi của người ta mà ta biết là ta không thể thỏa mãn họ được. Không phải vì ta không có khả năng, không có kiến thức, nhưng những cái họ đòi ta không cung cấp được. Thí dụ như họ đòi hỏi kiến thức Phật pháp, mà ta thì đã chán ngấy kiến thức Phật pháp rồi. Ta biết rằng, họ có học thêm bao nhiêu đi nữa thì những tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến của họ cũng trơ trơ không thay đổi. Thành ra ta có lên giảng thêm một giờ đồng hồ nữa cũng không ích lợi gì. Do đó, vị thiền sư không thích. Quý vị có hiểu được tâm trạng của Tổ hay không? Có biết bao nhiêu người trong thời của Tổ đang đánh mất thời gian của họ và đánh mất thời gian của những người tới học với họ. Thuận theo nhân tình tức là vì người ta muốn nên ta phải làm, bất đắc dĩ mà làm nhưng trong bụng không thích. Tại vì có cầu mới có cung và có cung mới có cầu. Cầu tức là những đòi hỏi để được thỏa mãn, và cung là những cái được sản xuất ra để thỏa mãn những đòi hỏi đó. Quần chúng đòi hỏi cái này, ta phải cung cấp cái này. Nhưng trong trường hợp của Tổ, Tổ không muốn cung cấp những cái người ta cầu, vì Tổ biết rõ cái cung cầu đó không đưa người ta đi tới đâu hết. Nói như thi sĩ Lưu Trọng Lưu: Vô ích! Vô ích! Vô ích!

Hôm nay vì việc bất đắc dĩ thuận theo nhân tình cho nên tôi mới lên ngồi trên pháp tòa này. Nếu nói đến chuyện chính thức đề xướng việc lớn của truyền thống tổ tông Thiền, tôi không thể mở miệng ra được.

Chuyện đáng nói, cần nói là đề xướng việc lớn của truyền thống Thiền, tôi không làm được, không nói được, vì chuyện đó không thể thực hiện được bằng nói năng, ngôn ngữ, tại vì mở miệng ra là sai, cho nên tôi chỉ có thể ngồi yên và mỉm cười thôi. Tôi không thể mở miệng ra được và quý vị cũng sẽ không biết đặt chân vào đâu. Quý vị cũng sẽ luống cuống không biết đặt chân vào đâu, vì đây không phải là lĩnh vực của sự học hỏi, đây không phải là lĩnh vực của sự nghiên cứu. Đây là lĩnh vực của giác ngộ, của sự sống. Đây là chuyện thở, chuyện đi, chuyện ăn cơm, chuyện sống mỗi giây phút trong Tịnh Độ, trong an lạc, chứ không phải chuyện để nói và để nghe. Chuyện nói và chuyện nghe là để cho các trường đại học. Các trường đại học có khả năng cấp phát những bằng tiến sĩ Phật học. Nếu muốn chuyện đó, quý vị có thể đi sang trường Harvard hay trường Oxford. Ở đây, tại thiền viện Lâm Tế không làm chuyện đó, không có cung cấp những nhu yếu đó.Vì vậy cho nên tôi mở miệng không được mà quý vị cũng sẽ không biết đặt chân vào chỗ nào. Chỉ khi nào là tri kỷ với nhau, quý vị mới có thể tham dự vào chuyện này được. Còn đòi hỏi điều này, còn cần cung cấp cái kia, quý vị còn đi vòng ngoài thôi. Nhưng hôm nay vì quan Thường Thị cứ thỉnh cầu mãi, làm sao tôi có thể dấu kín được tông chỉ cương yếu của Thiền? Tôi phải làm cái gì đó. Thấy tội không?

Vậy thì có vị chiến tướng nào muốn phất cờ mở trận thì hãy xin ra đối diện với đại chúng đây để nêu ra vài chứng cứ xem sao?

Tức là mở ra một cuộc đối thoại. Có thể trong cuộc đối thoại đó có một ánh lửa xẹt ra, và ánh lửa đó có thể đốt cháy được màn vô minh đang che lấp tâm của ta. Đây gọi là những thiền chiến (Zen battle). Thiền sư sắp mở một trận chiến về thiền. Cuộc chiến là một cuộc đối thoại. Trong những cuộc thiền chiến đó, có khi hai bên đều thua xiểng liểng, có thể trầy da, tróc vẩy, dập đầu, u trán như chơi. Quý vị nào đã từng hành nghề tâm lý trị liệu, quý vị chắc cũng có một ít kinh nghiệm. Đôi khi phải đánh giặc với người kia. Đôi khi cần phải đánh đấm, vật lộn với nhau thật chứ không phải chỉ bằng lời nói thôi. Vậy thì có vị chiến tướng nào muốn phất cờ mở trận. Ta là tướng quân muốn xông ra vòng đạn. Trong trận Thiền chiến là một cuộc đọ sức ngang ngữa giữa thiền sư và thiền sinh, giữa thiện tri thức và học nhân.Vậy thì có vị chiến tướng nào muốn phất cờ mở trận thì hãy xin ra đối diện với đại chúng đây để nêu ra vài chứng cứ xem sao? Ở ngoài đời, khi muốn hỏi một câu gì, ta giơ tay lên ta hỏi. Hỏi xong thì được trả lời. Nếu anh chỉ dùng trí năng để hỏi, để góp nhặt một vài kiến thức, đó là chuyện ở trường học, nhưng trong thiền không phải như vậy. Ở đây, mục đích của ta không phải là đi kiếm chác một ít những kiến thức Phật pháp mà là chiến đấu với thiền sư. Ở Làng Mai, trong những buổi vấn đáp, trên bục giảng thường có để hai chiếc ghế, thầy ngồi một ghế và người hỏi phải lên ngồi một ghế đối diện, đó là thiền chiến. Ta nên đưa ra câu hỏi có thể giúp ta vượt thoát khỏi tình trạng bế tắc và tuyệt vọng; còn nếu ta lên hỏi một câu có tính cách bác học, tìm hiểu một vài ý niệm về Phật pháp thì chỉ làm mất thì giờ của thầy, làm mất thì giờ của ta và làm mất thì giờ của đại chúng. Đây không phải là trường học, không phải là Phật học viện, không phải là trường Cơ Bản Phật học cũng không phải là trường Cao Cấp Phật học, đây là một thiền viện, và đây là một cuộc chiến. Hỏi câu nào phải có khả năng phá vỡ được tù ngục, phải là câu hỏi sống chết, nếu không đừng có lên hỏi. Đừng có hỏi những câu như ‘Bát Chánh đạo là gì?’, tại vì những câu hỏi như vậy chỉ cần mở Phật học tự điển ra xem là được rồi. Tại sao phải lên hỏi thầy chứ? Vì vậy cho nên, nếu không có câu hỏi thì đừng có lên hỏi. Nếu có hỏi, câu hỏi của ta phải có khả năng xé toang màn vô minh và giải phóng được không phải chỉ cho riêng ta mà đôi khi giải phóng được cho thầy và cho cả đại chúng đang cùng ngồi đó nghe nữa. Cái đó là thiền chiến. Vậy thì có vị chiến tướng nào muốn phất cờ mở trận thì hãy xin ra đối diện với đại chúng đây để nêu ra vài chứng cứ xem sao? Nêu ra những kinh nghiệm của ta, những đau nhức của ta, những thất vọng của ta, những vết thương cũ chưa lành của ta… Đem sự sống ra đây, đừng có đem trí năng, vô ích !

Có một vị xuất gia bước ra hỏi: Đại ý Phật pháp là gì? Thiền sư hét. Chữ đại ý Phật pháp dịch đúng chữ là ‘the great idea of the Buddhism’. Chữ đại ý cũng có nghĩa là ý chính (main idea), là cốt lõi, là tinh ba, hay là trái tim của Phật pháp. Có thể vị xuất gia này đã học xong chương trình Phật Pháp Cơ Bản, hay vị này có thể đã học xong Trung Cấp Phật học và đang lên Cao Cấp Phật Học, và thấy rõ những năm học đó không có dính líu gì tới ta hết. Nếu cần đăng đàn thuyết pháp, vị xuất gia này cũng có thể nói về Phật pháp một giờ, hai giờ. Nhưng vị này đang bị lúng túng, không biết cốt lõi của Phật pháp thực sự. Tất cả chúng ta người nào cũng có thể cho một bài pháp thoại về đại ý Phật pháp, về tinh ba của Phật pháp. Chúng ta có thể nói như thế này: ỀPhật pháp là phương pháp giúp cho ta sống tỉnh thức, an lạc trong giờ phút hiện tại, để ta có định, có tuệ, có khả năng tiếp xúc sâu sắc và hiểu thấu được tính chất bất sinh, bất diệt của thực tại và để ta vượt thoát được những sầu đau, lo sợ.Ể Nói như vậy cũng được. Nhưng nó có ích lợi gì cho người kia hay không? Người kia đem những gì ta nói về có xài được không? Có sử dụng được hay không? Có nhiều khi ta đem hết trái tim của ta ra trình bày một vấn đề, đến khi người đó đứng dậy hỏi thêm một câu, ta rất là tuyệt vọng! Té ra hồi nãy đến giờ, ta cho cả một trái tim, người đó không nhận được một chút tối thiểu nào cả. Chúng ta đã từng biết như vậy, đã từng thấy như vậy, cho nên mới hiểu được Tổ Lâm Tế khi bị hỏi một câu như ‘Đại ý Phật pháp là gì? ’. Thay vì than ‘trời đất ơi!’, thiền sư hét. Bây giờ quý vị hiểu chưa? Thiền sư hét. Tức là lấy gươm chặt nó đi. Anh cần cái đó hả? Cái đó có thể giúp được anh hay không? Anh đã có bao nhiêu là định nghĩa về đại ý Phật pháp rồi, bây giờ anh còn muốn có thêm một cái để so sánh với những cái anh đang có hả? Đó không phải là công việc của tôi, tôi không phải là người đi bán những ý niệm, anh đừng hòng mua được một cái từ nơi tôi, tôi không phải là người bán hàng. Tiếng hét đó có nghĩa như vậy. Tiếng hét đó là một lưỡi gươm có khả năng chặt đứt khuynh hướng đi tìm tòi bằng trí năng và chất chứa kiến thức của ta.

Vị xuất gia kia lạy. Vị xuất gia này có hiểu hay là không hiểu, điều đó ta không biết được, vì ta không có trực tiếp biết về người đó. Thành ra, cái lạy đó có thể là một sự giác ngộ, cái lạy đó có thể là sợ.

Thiền sư nói: Ông thầy này có thể nói chuyện được đấy. Đây rất là từ bi. Ví dụ như có một người vừa lên hát cho ta nghe, không hay lắm, nhưng ta cũng nói khá hay để khuyến khích người đó. Ví dụ này có thể giúp cho quý vị hiểu được câu nói của thiền sư. Quý vị muốn tìm hiểu tư tưởng uyên áo gì ở trong này? Trong này có ẩn chứa một tư tưởng uyên áo gì hay không? Ông thầy này là ai vậy? Ông có mặt ở trong đại chúng này không? Có thể ông là ta. Vì vậy cho nên khi đã học phần Dạy Chúng (Khai Thị) rồi, chúng ta mới có cơ hội để có thể hiểu được những mẩu đối thoại như vậy.

Trong các buổi Đối Trị Căn Cơ này, phần lớn những người tới hỏi đều đứng hết, chỉ trừ những vị trưởng lão, hay những vị khách quý như quan Thường Thị họ Vương mới được ngồi.

Một vị khác hỏi :

– Thiền sư xướng lên khúc hát của truyền thống nào, và tiếp nối tông phong của ai ?

Sư đáp :

– Ngày xưa hồi tôi còn ở với thầy Hoàng Bích, ba lần tôi đặt câu hỏi, ba lần bị đánh.

Vị này suy nghĩ. Sư liền hét. Sau đó sư còn đánh thêm cho một cái và nói :

– Thầy đừng có mong đóng cọc trong hư không.

Một vị khác hỏi: Thiền sư xướng lên khúc hát của truyền thống nào, và tiếp nối tông phong của ai? Tức là muốn hỏi về bối cảnh và gốc gác của pháp môn, là muốn hiểu về tổ tiên, nguồn gốc của giáo pháp và sự thực tập của Tổ Lâm Tế. Cũng như người ta hỏi ta là đạo Bụt gì: truyền thống Vipassana, hay truyền thống thiền Lâm tế, hay truyền thống thiền Tào Động. Họ muốn dán cho ta một cái nhãn hiệu. Này là thiền Lâm Tế, tôi biết thiền Lâm Tế. Này là thiền Tào Động, tôi biết thiền Tào Động. Đây là Vipassana, tôi biết truyền thống Vipassana. Thành ra, chúng ta đã có sẵn những nhãn hiệu, chỉ việc lấy ra dán vào đây một cái, dán vào kia một cái. Đó là thói quen của chúng ta. Đây là người Mỹ, dán nhãn hiệu Mỹ; đây là người Hòa Lan, dán nhãn hiệu Hòa Lan; đây là người Mễ Tây Cơ, dán nhãn hiệu Mễ Tây Cơ. Làm như là chúng ta đã biết Mỹ là cái gì rồi, Hòa Lan là cái gì rồi, và Mễ Tây Cơ là cái gì rồi vậy. Thật ra chúng ta không hề biết một tí gì về những người đó. Đây là người Cộng sản, đây là người Tư bản, đây là người chống cộng, đây là người theo cộng. Chúng ta đã có sẵn những nhãn hiệu để dán lên cho người ta. Chúng ta thương hay chúng ta ghét là do chúng ta thương cái nhãn hiệu đó, hay chúng ta ghét cái nhãn hiệu đó mà thôi. Chỉ khi nào tôi dán cho anh nhãn hiệu là quân phiến loạn, là quân khủng bố (terrorist), khi đó tôi mới có khả năng bóp cò súng để cho anh chết. Tôi mới có thể nói rằng ‘anh không có trên cuộc đời này thì cuộc đời này sẽ đẹp thêm’. Còn nếu tôi thấy được anh là con người có đau khổ, có lo lắng, có vợ, có con cần phải chăm sóc, thì tôi đâu có thể bắn anh. Tất cả đều là vấn đề dán nhãn hiệu. Khi nào chúng ta thấy được con người đích thực ở trong mỗi một con người, lúc đó chúng ta sẽ không làm cái chuyện đi dán nhãn hiệu nữa. Dán nhãn hiệu để chúng ta tôn sùng, hay dán nhãn hiệu để chúng ta tiêu diệt. Vì vậy mục đích của Tổ Lâm Tế là đi tìm con người, chứ không phải là đi dán nhãn hiệu, dù đó là nhãn hiệu Cơ Đốc giáo, Phật giáo, Thiền hay Tịnh Độ. Trong túi của chúng ta có rất nhiều nhãn hiệu. Không biết lấy ở đâu mà chúng ta có nhiều nhãn hiệu quá như vậy, rồi chúng ta đem ra dán. Như vậy là chúng ta hoàn toàn tự cô lập ta. Chúng ta không tìm thấy được con người đích thực. Chúng ta phần lớn đều làm công việc dán nhãn hiệu. Tổ Lâm Tế nói: ‘Đừng làm như vậy con. Đừng có dán nhãn hiệu, phải để cho ta được tự do để có cơ hội tiếp xúc với con người thật.’ Thiền sư xướng lên khúc hát của truyền thống nào và tiếp nối tông phong của ai? Nghĩ rằng khi có được những câu trả lời, chúng ta có thể sẽ hiểu được thiền sư hơn. Chúng ta có sẵn một cái khuôn khổ rồi đặt thiền sư vào trong khuôn khổ đó cho dễ nhận diện hơn. Khuynh hướng và thói quen đi dán nhãn hiệu biểu hiện rất là rõ qua câu hỏi này. Nhưng thiền sư là một con người đích thực, thiền sư là một chân nhân. Chân nhân, dịch tiếng Anh là true human being. Muốn nhét một con người đích thực vào bất cứ một cái khuôn nào cũng không có được.

Thiền sư xướng lên khúc hát của truyền thống nào và tiếp nối tông phong của ai? Sư đáp: Ngày xưa hồi tôi còn ở với thầy Hoàng Bích, ba lần tôi đặt câu hỏi, ba lần bị đánh.

Tổ trả lời như vậy, chúng ta thấy thương quá. Không phải thương vì Tổ bị đánh mà thương vì cái cách của Tổ nói với người kia. Đáng lý Tổ phải nói rằng: Anh có muốn bị đánh không mà hỏi câu đó? Hỏi như vậy là đáng lý bị ăn đòn. Đi hỏi chuyện dán nhãn hiệu, tìm danh từ, bị ăn đòn là phải rồi. Nhưng Tổ không đánh. Tổ nói: ‘Ngày xưa tôi cũng làm như anh vậy, ba lần hỏi ba lần tôi bị thầy tôi đánh.’ Vị này suy nghĩ. Suy nghĩ tức là vẫn sử dụng cái đầu của ta như thường. Câu nói của Tổ đáng lý phải làm bung ra một cái thấy, nhưng nó đã thất bại. Nó không làm bung ra một cái thấy, vì ông này lại níu vào câu nói của Tổ, ông tiếp tục suy nghĩ. Sư liền hét, tức là thiền sư hét. Thiền sư dùng tới vũ khí thứ hai. Ban đầu, dùng câu trả lời rất nhẹ nhàng, nhưng đã thất bại, bây giờ dùng biện pháp mạnh hơn là hét một tiếng để cho người kia ngưng suy nghĩ. Cái sào đầu tiên đưa cho người kia nắm lấy để đừng chết đuối, nhưng người kia chụp không được, bây giờ đưa ra cái sào thứ hai, đó là tiếng hét. Sau đó sư còn đánh thêm cho một cái, tức là cái sào thứ ba. Ban đầu là một câu nói rất dễ thương, thất bại rồi cho thêm một tiếng hét, tiếng hét cũng không thành công, mới đánh một cái. Ba lần đều thất bại. Đây là sự thất bại của ai? Có rất nhiều mẩu đối thoại như thế này chứng tỏ là có sự thất bại. Có hết đâu, Tổ còn nói thêm: Thầy đừng có mong đóng cọc trong hư không. Ta đóng một cái cọc vì ta muốn có một chỗ vững chãi để cột một con lừa, hay cột một con bò, hay giăng một cái lều. Phải vậy không? Muốn cắm lều thì phải đóng cọc vào trong đất, chứ đóng vào trong nước thì không được, đóng vào hư không cũng không được. Chúng ta muốn tìm một căn cứ vững chãi để chúng ta nương tựa. Nhưng nếu chúng ta đi tìm những thứ đó trong lĩnh vực của suy tư, của khái niệm, thì chẳng khác gì chúng ta đang đóng cọc trong hư không. Người đóng cọc trong hư không đó là ai? Có phải là ông thầy đó hay là chính ta đây? Hãy thử tự hỏi ta: Lâu nay ta có đang đi tìm cọc để đóng, hay là chỉ đóng cọc trong hư không? Chưa bao giờ ta có một chỗ an tâm lập mạng cho vững chãi, thành ra ta đừng bỏ phí thì giờ đóng cọc trong hư không.

Có vị tọa chủ lên hỏi :

– Giáo lý của ba thừa và của mười hai thể tài không lý không làm sáng lên được tính Bụt trong ta ?

Thiền sư nói :

– Cỏ hoang của (vườn tâm) thầy, thầy chưa từng xới.

Tọa chủ thưa :

– Không có lý Bụt lại đánh lừa người ?

Sư hỏi :

– Bụt ở đâu ?

Vị tọa chủ không nói được.

Sư bảo :

– Có quan Thường Thị ở đây mà thầy lại muốn gạt ông thầy tu già này hả ? Rút lui mau, rút lui mau ! Để chỗ cho người khác hỏi.

Thiền sư lại nói :

– Vì việc lớn cho nên chúng ta mới thiết lập ra buổi tiệc pháp hôm nay. Còn ai muốn hỏi hay nói gì nữa không ? Hãy mau ra đây. (Tôi nói trước cho quý vị biết) khi quý vị vừa mở miệng ra, thì quý vị đã đánh mất cái liên hệ rồi. Tại sao ? Quý vị có nghe đức Thế Tôn nói rằng ‘pháp không dính tới văn tự, không thuộc nhân cũng không do duyên’ hay không ? Chỉ vì đức tin của quý vị nơi tự thân còn chưa tới, cho nên hôm nay chúng ta chỉ có được những giây leo ký sinh (những lời nói lẻ), chỉ có tác dụng làm ủng trệ cái tâm của quan Thường Thị và của các quan khác, và làm cho Phật tính của quý vị ấy thêm lu mờ. Tốt hơn là nên rút lui.

Rồi thiền sư hét lên và nói : ‘Những người niềm tin bạc nhược kia ơi, bỏ ra cả ngày để chỉ nói qua nói lại như vậy cũng vô ích thôi ! Quý vị đứng lâu mỏi chân rồi, vậy xin tạm biệt !’

Có vị tọa chủ lên hỏi (tọa chủ ở đây là một vị giáo thọ, dharma teaher): ‘Giáo lý của ba thừa và của mười hai thể tài không lý không làm sáng lên được tính Bụt ở trong ta ?’

Đây là nghề của chàng. Nghề của chàng là đi giảng (dharma teacher). Ta đi giảng pháp thì ta phải tin rằng pháp có khả năng làm sáng lên Phật tánh trong con người ta và trong những người nghe. Nếu ta không tin như vậy, ta sẽ không đi giảng. Nếu người ta không tin như vậy, ai tới nghe lời giảng của ta. Ai lại chịu đi mua một cái vé để tới nghe pháp nếu họ không tin rằng pháp có thể làm sáng lên tâm Bụt ở trong ta. Cả hai bên, giáo thọ và người tới nghe giáo thọ, đều phải tin như vậy. Vị tọa chủ nói như vậy rất hợp lý, nhưng cái lý của vị tọa chủ với cái lý của tổ Lâm Tế rất khác nhau. Giáo lý ba thừa là Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa và Bồ Tát thừa. Giáo lý đó được diễn đạt bằng mười hai thể tài, tức là mười hai cách: chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tụng, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sinh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghị. Giáo lý ba thừa được diễn bày qua mười hai thể tài đó, không lý không có ích lợi gì hết sao? Tức là muốn vấn nạn (challenge) Tổ: ‘Thầy nói sự học hỏi không có ích lợi gì hết sao? Đó là nghề của con, không lý con không được đi hành nghề sao?’ Giáo lý của ba thừa và của mười hai thể tài không lý không làm sáng lên được tính Bụt ở trong ta? Thiền sư nói: ‘Cỏ hoang của (vườn tâm) thầy, thầy chưa từng xới.’ Tổ nói ta giảng giải thao thao về giáo lý ba thừa, mười hai thể tài (thập nhị bộ kinh), nhưng những phiền não, đam mê, giận hờn, nghi ngờ, ganh tỵ… còn y nguyên thì ta giảng làm cái gì chứ? Chúng ta nghe giảng để làm gì nếu cái chuyện nghe giảng không dính líu gì tới hạnh phúc, đời sống của chúng ta. Cỏ hoang của (vườn tâm) thầy, thầy chưa từng xới. Quý vị phải biết thở, phải biết nắm lấy bước chân, phải biết nắm lấy tâm ý, phải biết nhận diện những tâm hành của ta và có sự giải thoát. Đó là ý của Tổ. Cỏ hoang của (vườn tâm) thầy, thầy chưa từng xới. Quý vị để gai góc, cỏ hoang mọc đầy trong vườn tâm của ta thì làm sao tánh Bụt ở trong quý vị sáng lên được? Do đó, anh có giảng dạy Phật pháp ba mươi năm cũng vậy, chị có đi nghe giáo lý ba mươi năm cũng vậy. Câu Cỏ hoang của (vườn tâm) thầy, thầy chưa từng xới, rất là hay. Nếu có sự giác ngộ, câu này đủ để cho ta xài rồi, ta nên lạy xuống một cái rồi đi về. Nhưng vị tọa chủ này cứng đầu, còn ráng hỏi thêm một câu. Tọa chủ thưa: Không có lý Bụt lại đánh lừa người? Tức là Bụt có diễn thuyết, có giảng dạy, và những lời giảng dạy của Bụt có ghi vào Tam Tạng kinh điển rõ ràng, không lý tất cả những cái đó đều vô ích, không lý Bụt đi bán hàng giả, đánh lừa người ta. Ông giáo thọ (hay cô giáo thọ) này cứng đầu thiệt!

Sư hỏi: ‘Bụt ở đâu ?’ Tọa chủ vừa nói đến Bụt, Tổ hỏi liền: Bụt ở đâu? Bụt là một thực thể ngoài thầy hay ở trong thầy? Thầy biết gì về Bụt mà nói. Cũng như trong công án, thoại đầu ‘niệm Phật thị thùy’, rất nổi tiếng, hiện bây giờ còn được thực tập ở Trung Quốc, ở Đại Hàn và các nước Phật giáo. Niệm Phật thị thùy, dịch là ‘Ai là người đang niệm Bụt?’ Ai là người đang tụng kinh? Ai là người đang ngồi thiền? Đó là câu hỏi. Câu hỏi đó là một sự mời mọc: mời chúng ta đi trên một chuyến tham khảo và khám phá. Khám phá cái gì? Khám phá ta là ai, người đang niệm Bụt. Đó là một công án thiền, một thoại đầu thiền. Mục đích của công án là giúp cho ta tìm ra mặt mũi ta là ai. Hầu hết những người thực tập công án đó, hay thoại đầu đó, đều vướng vào một cái mà họ không biết. Chuyện niệm Bụt: Nam mô A Di Đà Phật (Namo Amita Fo), đang xảy ra. Khi có niệm là có năng niệm và sở niệm, người niệm và người bị niệm. Có phải vậy không? Sự kiện gì cũng bao gồm năng và sở, nói một cách khác là có chủ thể và đối tượng. Chủ thể niệm và đối tượng niệm. Chủ thể niệm là ai? Ai là người đang niệm Phật? Câu thoại đầu này mời ta đi một chuyến du hành để có thể tìm ra được người đang niệm Bụt là ai. Thoại đầu này sở dĩ có một địa vị quan trọng vì nó đóng vai trò bắt một chiếc cầu giữa Thiền và Tịnh. Tại sao trong thiền lại nói chuyện niệm Bụt làm chi? Tại vì người đề xướng ra thoại đầu thấy rõ ràng là người niệm Bụt cũng có thể hành thiền được. Có những người vừa hành thiền vừa hành Tịnh Độ. Vì vậy cho nên câu thoại đầu này đánh động được sự tò mò không riêng gì người tu thiền mà kể cả người tu Tịnh Độ nữa. Trong Thiền có truyền thống thiền thất, tức là bảy ngày tu thiền liên tiếp. Trong Tịnh Độ có truyền thống Phật thất, tức là niệm Bụt luôn bảy ngày (hiện đang thịnh hành ở Việt Nam). Thoại đầu ‘Ai là người niệm Phật?’ có mục đích giúp cho ta khám phá bản thân ta là ai. Phần đông chúng ta tưởng ta biết ta là ai rồi. Câu thoại đầu này có ý nói ‘Anh chưa biết anh là ai đâu, anh phải đi tìm anh mới được.’ Thế là chúng ta đổ xô đi tìm năng niệm (ai) mà quên là trong câu thoại đầu này còn có sở niệm, tức là Bụt. Chúng ta làm như chúng ta biết Bụt là ai rồi vậy. Cái chìa khóa của thoại đầu này là ở chỗ đó, chữ Bụt. Ai là người niệm Bụt? Câu này có năm chữ, phần lớn mũi dùi chĩa về chữ Ai, ít khi chĩa về chữ Bụt, tại vì mọi người đều tự cho là ta biết Bụt là ai rồi.

Có một thầy, người Đại Hàn, đậu bằng tiến sĩ của trường đại học Luân Đôn, kiến thức Phật học rất thâm uyên.. Hôm đó, tại trường đại học Đông Quốc ở Hán Thành, tôi có giảng về đề tài này, ‘Ai là người niệm Bụt?’. Tôi có nói một câu bằng tiếng Anh rất đơn sơ làm thầy lúng túng, dịch không được. Chúng ta không thể nào nói tiếng Anh của thầy không giỏi, tại vì thầy đã có bằng tiến sĩ của Anh. Tôi nói như thế này: ‘If you think you know who the Buddha is, you are wrong.’ Thầy lúng túng, thầy không dịch được. Không phải vì câu đó có gì khó mà vì thầy bị bất ngờ. Ai cũng nghĩ rằng ta biết Bụt là ai rồi, ta chỉ chưa biết ta là ai thôi. Quả thật, nếu ta biết Bụt là ai rồi thì ta cũng biết ta là ai. Con đã tìm ra Thế Tôn, con đã tìm ra con… Hai câu đó phải đi đôi với nhau. Hễ con tìm ra con thì con tìm ra Thế Tôn. Hễ con tìm ra Thế Tôn thì con tìm ra con. Bụt không phải là một thực thể ở ngoài mà ta có thể đi tìm cầu. Cho nên Tổ có ý dạy thầy tọa chủ vì thầy có biết gì về Bụt đâu mà thầy nói. Sư hỏi: Bụt ở đâu? Vị tọa chủ không nói được. Không nói được, vì đây không phải là lĩnh vực của sự tư duy nữa. Xáp trận với thiền sư thì con đường tư duy bị cắt đứt (the path of thinhking is blocked). Trong thiền gọi là ngôn ngữ đạo đoạn, tức là con đường ngôn ngữ bị cắt đứt. Người kia đâu còn làm ăn gì được nữa. Họ đã quen tung hoành trong lĩnh vực của ngôn ngữ và tư duy, đến khi tới với thiền sư Lâm Tế, thiền sư cắt đứt con đường đó, thành ra họ đâu có nói cái gì được nữa.Vị tọa chủ không nói được. Sư bảo: Có quan Thường Thị ở đây mà thầy lại muốn gạt ông thầy tu già này hả? Rút lui mau, rút lui mau! Để chỗ cho người khác hỏi. Anh giỏi Phật pháp lắm, anh thao thao bất tuyệt, nhưng chỗ này không phải để cho anh diễn võ dương oai, để khoe khoang kiến thức Phật giáo của anh. Đây là chỗ làm thế nào cho lửa trí tuệ xẹt ra để đốt cháy bức màn vô minh, chứ không phải chỗ để trình diễn kiến thức, thông minh của anh. Rút lui mau! Thầy làm tôi mất thì giờ, thầy làm đại chúng mất thì giờ. Rút lui mau! Để chỗ cho người khác hỏi. Thiền sư lại nói: ‘Vì việc lớn cho nên chúng ta mới thiết lập ra buổi tiệc pháp hôm nay’. Có ý định thết đãi vì có quan Thường Thị. Nhà chính trị đâu có thì giờ nhiều. Họ tới đây, ta muốn đãi họ ăn ngon, chứ ta đâu có muốn dọn ra rác rưới. Vì việc lớn cho nên chúng ta mới thiết lập ra buổi tiệc pháp hôm nay. Còn ai muốn hỏi hay nói gì nữa không? Hãy mau ra đây! Đâu dám nữa. Nghe Tổ nói như vậy là sợ quýnh lên rồi, đâu dám ra nữa. (Tôi nói trước cho quý vị biết) khi quý vị vừa mở miệng ra, thì quý vị đã đánh mất cái liên hệ rồi. Tại sao? Quý vị có nghe đức Thế Tôn nói rằng ‘pháp không dính tới văn tự, không thuộc nhân cũng không do duyên’ hay không? Những lời khuyên giải, những lời đàm luận của quý vị không phải là pháp. Pháp không dính tới văn tự, không thuộc nhân cũng không do duyên, nghĩa là Pháp không phải là cái mà ta có thể tìm cầu được. Không phải như gieo một hạt bắp thì được một trái bắp, Pháp không phải như vậy. Pháp không có nhân cũng không có duyên. Pháp là một sự thật, hoặc nó biểu hiện hoặc không biểu hiện mà thôi. Chỉ vì đức tin của quý vị nơi tự thân còn chưa tới, cho nên hôm nay chúng ta chỉ có được những giây leo ký sinh (những lời nói lẻ), chỉ có tác dụng làm ủng trệ cái tâm của quan Thường Thị và của các quan khác, và làm cho Phật tính của quý vị ấy thêm lu mờ. Tốt hơn là nên rút lui.

Chỉ vì đức tin của quý vị nơi tự thân còn chưa tới. Chữ tin này nên dịch là confidence, không nên dịch là faith. Đây là niềm tin nơi khả năng tự thân, nơi khả năng Phật tính của ta, nơi hạt giống giác ngộ đang có. Nếu biết tin vào điều đó thì đâu có đi tìm con đường kiến thức khái niệm. Ta sẽ không nghĩ rằng Bụt là một thực thể bên ngoài, còn ta là một con số không. Vì vậy cho nên tin nơi Phật tính của ta, nơi khả năng giác ngộ của ta, là nền tảng của thành công. Nếu thiếu đức tin đó, ta chỉ là một người ăn mày. Ta không thể nào thành công được khi còn ăn mày trí tuệ, ăn mày từ bi và ăn mày hạnh phúc. Tại vì chúng ta không có niềm tin đó, cho nên chúng ta mới đi tìm cầu như vậy. Rốt cuộc những gì chúng ta chế tác ra chỉ toàn là những giây leo ký sinh. Danh từ thiền là ‘cát đằng’, ở đây dịch là những lời nói lẻ. Trong những buổi pháp đàm, những buổi pháp thoại, chúng ta có thể đưa ra toàn những lời nói lẻ (cát đằng), không ích lợi gì cho ta, không ích lợi gì cho người khác. (Những lời nói lẻ) chỉ có tác dụng làm ủng trệ cái tâm của quan Thường Thị và của các quan khác, và làm cho Phật tính của quý vị ấy thêm lu mờ. Tốt hơn là nên rút lui. Buổi tiệc Pháp này hoàn toàn thất bại. Khi đọc đoạn này, ta có thất bại hay không? Thất bại với ai? Có thể khi đọc những đoạn này, ta đạt tới những gì mà đương sự đã không đạt tới được. Tổ đang nói với ta, ta đang ở trong Pháp hội của Tổ; Tổ đang hét, Tổ đang trợn mắt nhìn ta. Ta đã không tiếp nhận những cát đằng (giây leo), và ta có thể thành công. Ta có thể làm ăn hay hơn ông tọa chủ (dharma teacher) này. Sướng hơn nữa là ta đang được ngồi, tại vì trong Pháp hội của Tổ, mọi người đều phải đứng.

Rồi thiền sư hét lên (tiếng hét cuối cùng của buổi tham vấn) và nói: ‘Những người niềm tin bạc nhược kia ơi, bỏ ra cả ngày để chỉ nói qua nói lại như vậy cũng vô ích thôi! Quý vị đứng lâu mỏi chân rồi, vậy xin tạm biệt!’ ‘Tạm biệt’ được dịch từ chữ nho là trân trọng, tiếng Anh là take good care of your self.

Xin quý vị để tâm bình an theo dõi đoạn này. Chúng ta có thể theo dõi bằng mắt. Đừng sử dụng trí năng lý luận để đọc, có như vậy thì trong khi đọc chúng ta xem chúng ta có cái thấy gì không. Giống như đi vào một phòng triễn lãm tranh, chúng ta trực tiếp với những bức tranh, nếu không có người hướng dẫn và cắt nghĩa. Đừng đợi người hướng dẫn đến cắt nghĩa cho ta. Hãy trực tiếp với bức tranh, coi thử ta có thấy cái gì không, có cảm cái gì không. Hãy đọc bằng tâm trạng đó.

Có lần thiền sư đến Hà phủ. Quan Thường Thị họ Vương thỉnh thiền sư lên pháp tòa.

Lúc bấy giờ có thầy Ma Cốc bước ra hỏi :

– Trong ngàn mắt ngàn tay của đức Đại Bi, con mắt nào là con mắt chính ?

Thiền sư nói :

– Trong ngàn mắt ngàn tay của đức Đại Bi, con mắt nào là con mắt chính ? Nói mau, nói mau !

Ma Cốc kéo thiền sư xuống tòa rồi tự ngồi lên trên tòa. Thiền sư đến gần, nói : ‘Không hiểu’. Ma Cốc còn đang lưỡng lự thì thiền sư kéo Ma Cốc xuống, rồi tự ngồi lên. Ma Cốc đi ra khỏi pháp đường. Thiền sư cũng đi xuống.

Ai thấy gì không, giơ tay lên nói thử! Chữ ‘Không hiểu’ được dịch từ chữ ‘bất thẩm, bất thẩm’. Ở đây, chúng ta có thể hiểu như là một câu hỏi thăm: ‘Anh có mạnh giỏi hay không?’. Cho nên ta sửa chữ ‘Không hiểu’ thành ‘Thượng tọa mạnh giỏi không?’ Đây là một vở kịch. Ta là Ma Cốc hoặc là Lâm Tế, ta ở trong cuộc chứ không phải đứng ngoài để quan sát.

Từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ thứ XXI, không biết bao nhiêu người đã đọc đoạn này rồi. Có thể nó không có nghĩa gì hết. Có thể căn cơ ta vừa chín tới nên đọc ngang đây ta thấy một cái gì đó. Đây là một bản nhạc, nếu tôi có nói cái gì đi nữa thì cũng như tôi chơi một bản nhạc khác, chứ không phải bản nhạc của tôi là để giải thích bản nhạc này. Bản nhạc không phải dùng để giải thích. Mục đích của một bản nhạc là để đi vào lòng người chứ không phải để giải thích những bản nhạc khác. Để xem quý vị có cơ hội thứ hai không, có thấy một cái gì ở trong bản nhạc hay không. Sau này, nếu con cháu chúng ta hỏi nội dung vở kịch này muốn nói gì, thì chúng ta ít nhất cũng bắt được một bản nhạc khác lên cho họ nghe.

Có lần thiền sư đến Hà Phủ. Tức là thiền sư được mời tới trụ sở của quan phủ tỉnh. Quan phủ tỉnh Thường Thị họ Vương có sắp đặt một pháp đường trong phủ, và mời thiền sư lên pháp tòa. Cố nhiên, thầy Lâm Tế có một số thầy khác đi theo, trong đó có thầy Ma Cốc. Ma Cốc là tên của một ngọn núi, trên đó có rất nhiều cây gai (loại dệt bố). Tên của thiền sư là Bảo Triệt, Ma Cốc Bảo Triệt, là con cháu của thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất. Ta gọi thầy với cái tên của một ngọn núi là để tránh gọi thẳng tên của thầy, nếu không thì có vẻ bất kính đối với thầy. Thầy Ma Cốc là một thầy lớn, có thể bằng tuổi thầy Lâm Tế hoặc có thể hơn. Lúc đó thầy Ma Cốc bước ra hỏi: ‘Trong ngàn mắt ngàn tay của đức Đại Bi, con mắt nào là con mắt chính?’ Đức Đại Bi đây là đức Bồ Tát Quan Thế Âm. Đức Quan Thế Âm được mô tả là có ngàn cánh tay, ngàn con mắt. Ngàn con mắt để thấy được tất cả mọi khía cạnh và thấy được xa. Ngàn cánh tay để có thể cứu độ được nhiều trường hợp trong cùng một lúc. Câu hỏi là: Trong ngàn con mắt đó, con mắt nào là con mắt chính? Trong câu hỏi có ý phân biệt: chính và phụ. Thay vì đưa ra một câu trả lời, thiền sư Lâm Tế hỏi lại câu hỏi đó để cho người hỏi có thể tự tìm ra được câu trả lời mà không cần phải một người khác. Trong này hàm ý rằng: ‘Tại sao phải hỏi tôi? Ông có Bụt trong lòng, có tuệ giác trong lòng, tại sao không tự hỏi lại đi hỏi tôi? Hỏi tôi, tôi lại sử dụng biện pháp gì đó để trình bày ra cái thấy của tôi, rồi ông kẹt vào cái thấy đó, ông kẹt vào biện pháp đó, chỉ có hại cho ông thêm. Tại sao ông không tự tìm lấy, vì ở trong ông đã có sẵn tuệ giác đó rồi.’ Chúng ta có thể nói những điều này vì nó phù hợp với những lời dạy của Tổ Lâm tế trong những phần đã học. Tức là chúng ta phải có đức tự tin là chúng ta có tuệ giác đó trong con người của ta. Tại sao chúng ta không trở về với con người của ta để tìm, để tự thấy, mà lại vận dụng những ngôn từ và khái niệm để đi tìm cầu từ một người khác? Vì vậy cho nên Tổ lấy câu hỏi của thầy Ma Cốc mà hỏi ngược lại chính thầy. Chúng ta phần lớn đều làm biếng. Chúng ta ưa hỏi thầy, ưa đi tìm hỏi một người khác. Cố nhiên chúng ta tin thầy của ta cho nên chúng ta mới hỏi. Nhưng thầy không thể trao truyền trực tiếp tuệ giác của thầy cho chúng ta được, thầy chỉ có thể dùng một mớ ngôn từ để diễn đạt, và chúng ta có thể kẹt vào mớ ngôn từ đó rồi cũng không giải quyết được gì. Người nào cũng phải qua cầu rồi mới biết. Giống như có đứa nhỏ thấy lửa đẹp quá, nó đưa tay vào rờ lửa, thì tay nó bị phỏng. Lần sau, nó không dám đưa tay vào sờ lửa nữa và nó cũng sẽ hiểu được vì sao người lớn không bao giờ sờ tay vào lửa hết, người lớn lúc nào cũng lấy một cây sắt để xử lý củi và lửa. Khi chưa có kinh nghiệm về lửa, nó có thể hỏi: Tại sao người lớn làm vậy? Và người lớn có thể cắt nghĩa. Nhưng cắt nghĩa không bằng chính nó tự kinh nghiệm lấy. Khi chúng ta tự kinh nghiệm lấy thì không cần hỏi và không cần sự giải thích nữa. Chúng ta đã đi qua cái cầu đó, đã từng khổ đau và đã thực chứng được điều đó, nhưng con em chúng ta thì chưa. Chúng ta rất muốn trao truyền kinh nghiệm của ta, nhưng chúng ta không làm được. Những bậc làm cha mẹ, những bậc làm thầy, thường thường có kinh nghiệm này. Ta thương con, ta trao truyền kinh nghiệm của ta, nhưng con ta không tiếp nhận được. Nếu có, con ta chỉ là tiếp nhận vài ý niệm mơ hồ mà thôi. Nó phải chạm vào lửa, có phỏng tay rồi, nó mới kinh nghiệm trực tiếp được những gì người lớn đã nói. Vì vậy cho nên thủ thuật dùng câu hỏi của người đó để hỏi lại người đó cho người đó tự tìm, rất là phổ thông trong nhà thiền. Nếu đọc ở trong các bộ ngữ lục, chúng ta sẽ thấy phương pháp này được sử dụng bởi rất nhiều thiền sư. Sau này nếu có người hỏi, chúng ta cũng có thể lặp lại câu hỏi đó và hỏi thẳng người đó. Người đó có thể thấy được câu trả lời, và cám ơn ta. Nếu họ tự trả lời được, cái hiểu của họ sâu hơn, thật hơn là khi họ tiếp nhận câu trả lời từ ta. Câu trả lời của người khác phải đi qua trung gian của khái niệm và ngôn từ, thành ra ta tưởng là ta tiếp nhận tuệ giác của người đó rồi, kỳ thật ta chỉ tiếp nhận được một mớ khái niệm và một mớ danh từ, ta chưa có tuệ giác thật sự. Ta đã từng làm thầy, ta rất thương đệ tử; ta đã từng làm cha mẹ, ta rất thương con; ta rất muốn nó tiếp nhận, nhưng trao bằng lời chưa đủ. Phải đợi nó vấp ngã, bị trầy da, phỏng trán, nó mới nhận ra được tình thương đó, sự trao truyền đó. Vì vậy cho nên dùng ngay câu hỏi của người đó hỏi lại người đó, để họ tự tìm ra. Biện pháp đó phù hợp với những điều Tổ vừa mới dạy trong những đoạn văn mà chúng ta đã học. Chúng ta phải có đức tin nơi khả năng hiểu và chứng đạt của ta, và đừng luôn luôn đi tìm cầu ở một người khác. Nhiều khi người đó thương ta nên khai thị cho ta, nhưng ta lại kẹt vào những kiến giải, những ngôn từ của người đó, thì cũng như không. Trong văn học Thiền, phương pháp lặp lại câu hỏi cho đương sự tự nhìn lại được sử dụng rất nhiều.

Thiền sư nói (hỏi trở lại): Trong ngàn mắt ngàn tay của đức Đại Bi, con mắt nào là con mắt chính? Nói mau, nói mau! ‘Nói mau, nói mau!’, Tức là đừng sử dụng trí năng (intellect) của ta, lý luận của ta mà hãy sử dụng trực giác hay tuệ giác của ta để thấy. Con đường suy luận không đưa tới sự thật. Nói mau, nói mau! là không cho thời gian để suy nghĩ. Tức là câu trả lời không phải là một ý niệm, một tư tưởng. Tuệ giác không phải là những tư tưởng. Nói mau, nói mau! tức là một là thấy, hai là không thấy. Cũng như khi ta nghe đàn một bài nhạc. Có người hỏi: Bài nhạc làm sao? Rồi ta ngồi suy nghĩ thì không được. Bản nhạc đó là chỉ trực tiếp, phải vậy không?

Trong giáo lý của Tổ Lâm Tế, ta thấy có chủ và khách. Người hỏi có vị trí của học nhân, tức là thiền khách. Người trả lời có vị trí của thiện tri thức, tức là thiền chủ. Người tới tham vấn là khách, người trả lời tham vấn là chủ. Khách là học trò, chủ là thầy. Một bên là học nhân, một bên là thiện tri thức. Vậy thì, thầy Ma Cốc (người hỏi) là khách. Đáng lý thiền sư Lâm Tế phải trả lời (tức là đứng trong địa vị người chủ), thì thiền sư Lâm Tế lại đi hỏi lại. Như vậy, thiền sư Lâm Tế từ địa vị chủ sang đóng vai trò của khách. Anh hỏi tôi, tức là anh đang đứng vị trí của người khách (học nhân). Bây giờ tôi hỏi lại anh câu đó, nghĩa là tôi bắt anh phải đứng ở vị trí của người chủ, còn tôi đứng vai trò của người khách. Bắt buộc anh phải làm chủ và tôi làm khách. Chính vì vậy cho nên thầy Ma Cốc nói: ‘Tại sao thầy đang làm chủ, bây giờ thầy bắt tôi làm chủ? Mà tôi làm chủ thì tôi phải lên ngồi trên tòa’. Cho nên thầy Ma Cốc liền kéo thiền sư Lâm Tế xuống và lên ngồi. Đó là ngôn ngữ của thiền: thầy bắt tôi đứng ở vị trí chủ, thì tôi phải ngồi chỗ này mới đúng. Lúc đó, đáng lý thiền sư Lâm Tế hỏi lại câu hỏi của thầy Ma Cốc: ‘Trong ngàn mắt ngàn tay của đức Đại Bi, con mắt nào là con mắt chính?’ để đóng vai trò khách, nhưng thiền sư không hỏi như vậy mà lại hỏi: ‘Thầy có khỏe không?’ Làm cho Ma Cốc ngạc nhiên! Ngạc nhiên quá đi! Thành ra, thầy Ma Cốc lưỡng lự, thầy không ngờ tình trạng xoay lại như vậy. Thiền sư không hỏi câu đó nữa mà hỏi câu hỏi khác là để đánh lạc hướng tất cả, để lật ngược lại thế cờ. Và thầy Ma Cốc đã không đóng vai trò thiện tri thức được, tại vì thầy Ma Cốc lưỡng lự. Thầy Ma Cốc không biết thầy này đang muốn nói cái gì nên không trả lời được. Thiền sư không cho thầy Ma Cốc thì giờ ngồi đó để suy nghĩ câu ‘Tại sao ông nói câu đó?’, tại vì suy nghĩ như vậy thì hóa ra là đang sử dụng trí năng (intellect). Đó là sự thất bại của thầy Ma Cốc. Vì vậy cho nên, trong khi thầy Ma Cốc còn đang lưỡng lự, thiền sư Lâm Tế đã kéo thầy Ma Cốc xuống và ngồi lên tòa lại. Tức là, anh đang ở vai trò khách, tôi nhường anh đóng vai trò chủ để tôi đóng vai trò khách mà anh làm chủ không được, vì vậy cho nên tôi lấy lại vai trò chủ của tôi. Lúc đó là một sự thất bại: thầy Ma Cốc rời khỏi, thầy Lâm Tế cũng rời khỏi.

Đó là một vở kịch, một màn kịch. Đoạn này có liên hệ tới giáo lý Tứ Tân Chủ (bốn trường hợp Khách và Chủ). Ta là khách, nhưng có thể trong một trận chiến, ta bắt buộc phải đứng vào vị trí chủ. Ta là chủ mà đôi khi ta bị dồn vào thế phải đứng vào là khách. Từ học nhân, ta có thể trở thành vị thiện tri thức. Từ vị thiện tri thức, ta phải trở về đóng vai trò của vị học nhân.

Nếu không muốn dùng câu hỏi đó để hỏi lại, ta vẫn có thể dùng phương tiện quyền xảo khác. Nếu không muốn đưa ra một câu trả lời vì sợ người ta nắm lấy câu trả lời đó, hoặc vì người ta chỉ có được kiến thức và khái niệm về câu trả lời đó, thì ta cũng có thể hỏi một câu hỏi khác. Câu trả lời cũng có thể nằm dưới dạng của một câu hỏi. Ví dụ khi nghe thầy Ma Cốc hỏi: ‘Trong ngàn mắt ngày tay của đức Đại Bi, con mắt nào là con mắt chính?’, thiền sư Lâm Tế có thể hỏi lại một câu hỏi khác: ‘Mắt nào mà không phải là mắt chính?’ Tại vì trong câu hỏi đó có ý phân biệt rằng trong ngàn con mắt đó, thế nào cũng có con mắt quan trọng hơn. Thành ra có sự phân biệt, có sự kỳ thị trong câu hỏi của thầy Ma Cốc. Vì vậy cho nên chúng ta có thể trả lời bằng cách hỏi lại như: ‘Mắt nào mà không phải là mắt chính?’ Hoặc là: ‘Đây là ở đâu mà nói chính với không chính?’…, những câu như thế đều có thể sử dụng được hết. Vị thiền sư có thể dùng vô số phương tiện quyền xảo để giúp người kia đập vỡ câu hỏi của họ, để họ thấy rằng con đường tìm cầu bằng khái niệm, bằng lý luận không bao giờ đưa tới giác ngộ. Khi quán chiếu, chúng ta thấy được tính tương tức của vạn pháp: cái một chứa đựng được cái tất cả, cái tất cả có thể thấy được trong cái một, lúc đó ý niệm về ta, về người, về chính, về phụ, sẽ tan biến. Đó là vấn đề quán chiếu mà không phải là vấn đề lý luận. Quán chiếu về vô thường, vô ngã và tương tức là những pháp quán chiếu căn bản. Còn thiền công án (hay thoại đầu) có thể đưa người ta đi lạc, tại vì trong đời sống hàng ngày, họ sẽ không được thắp sáng bởi sự quán chiếu về vô thường, vô ngã, nhân duyên và tương tức.

Một hôm thiền sư lên pháp đường nói :

– Trên đống thịt đỏ au này có một con người thật không có vị trí, thường đi ra đi vào ngay trước cửa mặt của quý vị. Ai chưa thấy được thì hãy nhìn kỹ xem, nhìn kỹ xem !

Lúc bấy giờ có một vị xuất gia đi lên, hỏi :

– Con người thật không có vị trí là gì ?

Thiền sư từ thiền sàng bước xuống, nắm lấy vị ấy, bảo :

– Thầy nói đi, thầy nói đi (con người thật không có vị trí là gì ?)

Vị ấy lưỡng lự. Thiền sư bèn thả vị ấy ra rồi nói :

– Con người thật không có vị trí là cái cọng cứt khô gì ?

Nói xong liền quay về phương trượng.

Đoạn này rất nổi tiếng, tại vì có ‘cứt khô’ ở trong.

Ngày xưa vua Trần Thái Tông có tham cứu về công án này. Và vua đã làm ra một bài kệ kiến giải trong bài Phổ Khuyến Sắc Thân Khóa Hư Lục:

Vô vị chân nhân xích nhục đoàn

Hồng hồng bạch bạch mạc tương man

Thùy tri vân quyện trường không tỉnh

Thúy lộ thiên biên nhất dạng sơn.

Dịch là:

Vô vị chân nhân thịt đỏ au

Hồng hồng trắng trắng khéo lừa nhau

Ai hay mây cuốn trời quang tạnh

Hiện rõ bên trời dáng núi cao.

‘Vô vị chân nhân thịt đỏ au’, tức là con người thật không có vị trí nằm trên đống thịt đỏ au. ‘Hồng hồng trắng trắng khéo lừa nhau’: Màu hồng và màu trắng của xương thịt có thể đánh lừa ta, có thể cho ta ý niệm ta là sắc thân này. ‘Ai hay mây cuốn trời quang tạnh’: Gió thổi cuốn hết tất cả mây, trời sáng, không có mưa. ‘Hiện rõ bên trời dáng núi cao’: Nhìn về phương Đông và phương Tây, ta thấy hiện ra dáng núi rất rõ, tại vì không còn mây che phủ nữa. Ta thấy được sự thật. Ta thấy được con người thật của ta. Đây là một bản nhạc của vua Trần Thái Tông. Nếu có một thiền sinh, một người khách hỏi về đoạn này, chúng ta có thể ngồi yên. Ngồi yên cũng là một bản nhạc. Chúng ta có thể đánh một khúc nhạc khác để giúp cho người đó có cơ hội thấy và chạm được con người thật của họ, không có nghĩa là bản nhạc đó là một lối để giải thích cho bản nhạc kia. Ta phải có bản nhạc của chính ta.

Một hôm thiền sư lên pháp đường nói. Lúc này không có ai hỏi hết, thiền sư tự nói. Tức là thiền sư đưa ra một thoại đầu, một công án, một chủ đề, một đối tượng để quán chiếu. Thể tài này gọi là ‘vô vấn tự thuyết’. ‘Vô vấn tự thuyết’ là không có ai hỏi mà ta tự nói. Trong kinh Kim Cương, thầy Tu Bồ Đề hỏi: ‘Những người con trai, những người con gái nhà lành nên dựa vào đâu mà phát khởi tâm bồ đề, mà hàng phục tâm?’ do câu hỏi này nên Bụt nói kinh Kim Cương. Có những kinh, như kinh A Di Đà, thì không có ai hỏi cả. Bụt tự gọi các thầy đến mà nói: ‘Từ đây đi về phương Tây có một cõi như vậy…’, đó gọi là ‘vô vấn tự thuyết’. Ở đây cũng vậy, đoạn này là ‘vô vấn tự thuyết’. Không có thiền sinh nào lên hỏi, Tổ tự nói thôi. Tổ nói rằng: Trên đống thịt đỏ au này có một con người thật không có vị trí. Đó là bốn chữ ‘vô vị chân nhân’. Vị tức là địa vị, hay là vị trí. Chữvị này có người hiểu là nấc thang địa vị ở trong xã hội: giám đốc, phó giám đốc, nhân viên, thiếu tá, đại úy, hay là lính. Đây là chữ của thiền sư đặt ra mà không dùng danh từ Phật học. Cũng như Làng Mai đặt ra những chữ để sử dụng, như là Tăng Nhãn, hoặc là Làm Mới, hoặc là Soi Sáng, những chữ này không có trong tự điển Phật học. Tổ Lâm Tế cũng vậy. Tổ đặt ra những chữ mới, tại vì chữ cũ đôi khi đã bị lờn, bị bệnh, làm người ta hiểu lầm. Những chữ mới, nếu sử dụng không khéo, mai mốt cũng bị nhiễm trùng (virus), cũng đau, cũng ốm như thường, và ta lại phải tìm những phương pháp để diệt trừ những con vi-rút đó. Nếu chữa không được, ta phải đặt ra chữ mới. Chân nhân là con người thật. Hai chữ này rất quan trọng. Con người thật không có vị trí này, ta không thể đi tìm trong không gian hay trong thời gian mà được. Sắc thân này, ta có thể tìm vị trí của nó trong cái khung không gian và thời gian. Giống như chiếc thuyền trên biển gặp nạn, căn cứ vào tọa độ của chiếc thuyền đang ở độ mấy, góc mấy, người ta tìm tới và cứu giúp. Nhưng với con người thật không có vị trí này, chúng ta tìm không được ở trong không gian và thời gian. Con người thật này, nó có đó chứ không phải không có. Nhưng nếu chúng ta muốn nắm lấy con người thật này bằng những phạm trù không gian, thời gian, có và không, tới và đi, sanh và diệt, thì không được. Chữ ‘vô vị’ ở đây là không có vị trí, nghĩa là ta không nắm bắt được. Đó là chữ rất hay của Tổ Lâm Tế để thay cho chữ ‘bất khả đắc’. Bất khả đắc tức là không thể nắm bắt được, không thể ghì chặt được. Cũng như hạt điện tử của khoa học Vật Lý mới. Một hạt điện tử, chúng ta nắm không được. Chúng ta có thể nắm bắt một con thỏ, một con mèo, nhưng với hạt điện tử thì chúng ta không thể quy định được vị trí, thời gian của nó. Nó như một con ma. Vì vậy cho nên nếu dùng phương pháp bắt thỏ, bắt mèo thì không thể nào nắm được hạt điện tử. Các nhà khoa học vật lý biết rõ điều này. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta là người tu, là thiền giả, chúng ta cũng biết rõ là chúng ta không thể nắm bắt được Bụt.

Chúng ta nhớ lại câu chuyện của thầy A Nậu La Độ bị một số các du sĩ ngoại đạo hỏi: ‘Đức Thế Tôn sau khi chết là còn, hay không còn, hay vừa còn vừa không còn, hay vừa không còn vừa không không còn?’ Phải để đức Thế Tôn vào một trong bốn phạm trù đó thì họ mới có thể nắm được đức Thế Tôn. Cũng may là thầy A Nậu La Độ nói rằng: ‘Tôi chưa từng nghe đức Thế Tôn nói là có thể đi tìm đức Thế Tôn ở trong bốn phạm trù đó (còn, không còn, vừa còn vừa không còn, vừa không còn vừa không không còn). Đó là những tọa độ, những vị trí mà chúng ta dùng để đi tìm đức Thế Tôn. Sau khi thầy A Nậu La Độ trở về thuật lại câu chuyện đó với đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn hỏi thầy rằng: ‘A Nậu La Độ, thầy có thể tìm được Như Lai trong cái sắc thân này hay không?’ Thầy nói: ‘Không! Như Lai không phải là sắc thân này’. Sắc thân tức là đống thịt đỏ au như máu, như huyết, như xương, như tủy. Đống thịt đỏ au đó đâu phải là Thế Tôn. Vua Trần Thái Tông cũng nói là ‘hồng hồng trắng trắng khéo lừa nhau’ (hồng hồng bạch bạch mạc tương man). Phần lớn chúng ta có khuynh hướng đồng nhất ta với cái sắc thân này. Đức Thế Tôn cũng hỏi như vậy: ‘Này A Nậu La Độ, con có nghĩ rằng thầy là cái sắc thân này không?’ Thầy nói: ‘Thưa không phải, đức Thế Tôn không phải là sắc thân này. Tại vì sắc thân này có đó, nhưng mai mốt nó cũng tàn hoại. Vì vậy cho nên không thể đồng nhất hóa đức Thế Tôn với sắc thân của Ngài.’ Bụt lại hỏi: ‘Như vậy có nên đi tìm Như Lai ngoài sắc thân này hay không?’ Thầy nói: ‘Thưa không được’. Phi tức phi ly, nghĩa là không phải nó cũng không phải ngoài nó (not identical but not something different). ‘Tức’ được dịch là identical, something different là ‘ly’. Rồi đức Thế Tôn hỏi thêm: ‘Không thể tìm Như Lai nơi sắc thì tìm nơi thọ có được không?’ Và cứ như thế, Bụt lần lượt đi qua các uẩn còn lại. Thầy A Nậu La Độ thấy rõ là không thể đồng nhất hóa đức Thế Tôn với một trong năm uẩn, cũng không thể nói đức Thế Tôn tồn tại ngoài một trong năm uẩn. Rốt cuộc không tìm được đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn cười nói: ‘Như Lai đang ngồi đây mà thầy tìm còn không được. Đợi đến lúc xác thân này tan rã rồi thì làm sao tìm được.’ Vì vậy cho nên bản chất của đức Thế Tôn là không thể nắm bắt. Chúng ta không thể nào nắm bắt thực tại bằng khái niệm, bằng những phạm trù không gian và thời gian. Đó là giáo lý Bất Khả Đắc. Đó là vô vị. Ta phải hiểu chữ vô vị là không có vị trí trong không gian và thời gian. Chữ vô vị không có trong kinh, là do Tổ đặt ra, và nó trở thành hai chữ rất quan trọng. Con người thật không phải là năm uẩn cũng không phải ngoài năm uẩn. Nhưng trong đời sống hằng ngày, chúng ta u mê, cho nên chúng ta mới đồng nhất chúng ta với sắc thân này. Người ta khen sắc thân này đẹp, chúng ta nghĩ là ta đẹp; người ta chê sắc thân này không đẹp, chúng ta có mặc cảm ta không đẹp. Như vậy mà chúng ta bị lên xuống hoài. Đối với thọ, tưởng, hành và thức, chúng ta cũng đồng nhất ta với những uẩn đó. Khi buồn, chúng ta nói là ta buồn; khi vui, chúng ta nói ta vui. Chúng ta buồn hay vui, con người thật của chúng ta không phải là những cảm thọ cũng không phải là cái gì khác hơn những cảm thọ. Chúng ta có con người thật của ta, nhưng chúng ta không sống được với nó. Chính vì không nhận thức được con người thật, cho nên chúng ta cứ phải sống với những cái chúng ta tưởng là con người thật của ta, nhưng kỳ thực là không phải. Và chúng ta đã và đang để hết cả cuộc đời của ta sống trong sự u mê đó. Cho nên tu nghĩa là phải làm thế nào để thấy được con người thật của ta. Con người thật không có vị trí. Con người thật không bị những phạm trù có, không, tới, đi, sanh, diệt… điều kiện hóa. Nếu thấy được con người thật rồi, chúng ta rất khỏe. Chúng ta không còn lên xuống nữa, cho dù các uẩn của ta có lên và xuống.

Trên đống thịt đỏ au này có một con người thật không có vị trí, thường đi ra đi vào ngay trước cửa mặt của quý vị. Ai chưa thấy được thì hãy nhìn kỹ xem, nhìn kỹ xem! Tức là hãy sống cho có chánh niệm. Hãy nhận diện con người thật của ta. Khi thấy được con người thật của ta, thì ta không bị trầm luân nữa. Chúng ta có thể nói con người thật đó là Bụt, Bụt của tự thân. Nếu chúng ta nói Bụt của tự thân không phải là sắc, thọ, tưởng, hành và thức, thì chúng ta sai; nhưng nói Bụt của tự thân nằm ngoài sắc, thọ, tưởng, hành, và thức, thì chúng ta cũng sai. Bởi vì nói như vậy nghĩa là Bụt tự thân có vị trí rồi. Tổ từng dạy chúng ta: Thần thông diệu dụng có ngay bây giờ, chúng ta có thể sử dụng được sáu đạo thần thông đó ngay trong giờ phút hiện tại. Thí dụ ta ngồi đây, ta biết là ta ngồi đây. Ta ngồi đây, ta biết rằng xung quanh ta là núi, và trên kia là trời xanh. Ta biết rằng, ta đang có mặt với Tăng Thân. Những cái đó là thần thông diệu dụng. Có những người sống một trăm năm, nhưng họ không bao giờ biết rằng họ đang có mặt. Vậy thì chánh niệm cho chúng ta biết rằng chúng ta đang có mặt. Và chúng ta đang có mặt trong sự liên hệ mầu nhiệm với vạn pháp. Chúng ta thấy mây ở trên trời, nhưng mây cũng ở trong mạch máu chúng ta. Chúng ta thấy ánh sáng ở ngoài nhưng chúng ta biết ánh sáng cũng đang ở trong ta. Đó là diệu dụng. Chúng ta biết là ta ngồi đây và tất cả các tổ tiên và con cháu của ta cũng đang ngồi đây. Cái thấy sâu sắc đó là diệu dụng. Có cái diệu dụng tức là có con người thật. Nhưng chúng ta không sống được với con người thật đó, với cái diệu dụng đó, vì chúng ta đã quen chạy theo những cái không phải là con người thật của ta lâu lắm rồi. Con người thật không phải là con người muốn làm gì thì làm: muốn ngủ trưa thì ngủ trưa, muốn chơi cờ tướng thì đánh cờ tướng, muốn trốn thiền thì không ngồi thiền. Những chuyện đó không phải là con người thật. Con người thật là con người mầu nhiệm, tức là sự sống mầu nhiệm phát hiện nơi ta. Năm uẩn của chúng ta có thể đóng vai trò giúp cho sự biểu hiện đó. Nhưng sự tan rã của năm uẩn không động tới được con người mầu nhiệm, tại vì bản chất của con người mầu nhiệm là vô sinh bất diệt. Là người tu, thành tựu lớn nhất là nhận cho ra con người mầu nhiệm đó. Nếu không làm được chuyện đó thì uổng một đời tu. Trong khi ngồi, trong khi đứng, trong khi đi, Tổ mỉm cười nhận diện được con người thật của Tổ, và Tổ muốn tất cả những đệ tử của Tổ cũng làm được như vậy. Thành ra Tổ nói: ‘Trên đống thịt đỏ au này có một con người thật không có vị trí, thường đi ra đi vào ngay trước cửa mặt của quý vị.’ Rất rõ ràng! Vậy mà chúng ta không thấy, vậy mà chúng ta vẫn không tiếp xúc được. Ai chưa thấy được thì hãy nhìn kỹ xem, nhìn kỹ xem! Tại vì suốt ngày chúng ta quen chạy đi tìm những cái mà chúng ta cho là hạnh phúc. Chúng ta không thấy được cái diệu dụng thần thông đó đang tỏa chiếu mỗi giây phút trong đời sống hàng ngày. Cái diệu dụng thần thông đó, nhiều khi ta tiếp xúc được. Ta biết rằng, cái diệu dụng thần thông có đó thì con người thật của ta có đó. Đó là lời mời mọc thắm thiết: ‘Này các con, các con đừng để cho ngày tháng trôi qua trong cuộc đi tìm những tiện nghi tầm thường, những lời khen ngợi không quan trọng. Các con phải làm thế nào để tiếp xúc được với tinh hoa của sự sống đang biểu hiện trong giây phút hiện tại. Nếu không có chánh niệm, không có tỉnh thức thì các con sẽ không tiếp xúc được, sẽ không thấy được, như vậy rất là uổng phí một đời người. Nếu các con chưa thấy được thì nhìn lại đi!’. Đó là một lời mời (invitation).

Có một thầy muốn đi tìm bằng trí năng, bước lên hỏi: ‘Con người thật không có vị trí là gì?’ Người này không có thói quen quán chiếu, vẫn có ý muốn Tổ nói cho ta biết con người thật là cái gì. Tức là cần thêm một cái định nghĩa nữa. ‘Tổ nói thêm đi, con người thật không có vị trí đó là cái gì? Tổ nói đi để cho con có thêm một mớ kiến thức, con có thể ghi chép lại rồi con nói lại với người khác’. Tổ đã mời như vậy thì ta nên ngồi quán chiếu, nhưng ta vẫn muốn đi tìm bằng trí năng. Khi nghe thầy này hỏi câu đó thì chúng ta đã thấy ‘hỡi ôi!’ rồi. ‘Chắc là thầy này muốn kiếm thêm những định nghĩa, những tư liệu, để ông viết luận án về con người thật không có vị trí cho văn bằng tiến sĩ.’ Thiền sư Lâm Tế thấy tội nghiệp quá. Cho nên phương pháp của thiền sư giúp thầy đó là bước xuống pháp tòa, đi tới nắm lấy thầy đó (tức là không có cho đường thoát nữa) và hỏi: ‘Thầy nói đi, thầy nói đi (con người thật không có vị trí là gì?)’. Thầy nói đi. Tại sao phải hỏi tôi? Tức là thiền sư Lâm Tế cho vị đó thêm một cơ hội. Quý vị có thấy không? Thiền có một ngôn ngữ, một phương pháp mà chúng ta có thể nhận diện được. Thiền không phải là sự suy tư. Thiền phải là một cái thấy trực tiếp không đi qua trung gian của suy luận và kiến thức thu lượm được trong khi học hỏi. Tổ không cho phép suy tư: thấy là thấy, không thấy là không thấy, chứ không phải nhờ suy tư mà thấy được. Vị ấy lưỡng lự. Lưỡng lự tức là không thấy. Đưa cho một cái sào, nắm lấy không được. Đưa cho cái sào thứ hai, nắm lấy cũng không được nữa. Đó là hai cái sào. Thiền sư bèn thả vị ấy ra, trong niềm thất vọng rất lớn thiền sư nói: ‘Con người thật không có vị trí là cái cọng cứt khô gì?’ Trong câu này có giọng hơi bực. Ngày xưa không có giấy đi vệ sinh, thành ra họ dùng cái que gỗ để chùi cho sạch sau khi đi cầu. Chùi xong, rửa cái que sạch lại để dùng cho lần khác. Nó rất là ‘sinh thái’, không phải phá rừng lấy cây làm giấy. Nhưng cọng cứt khô cũng có thể hiểu là ngày xưa không có nhà cầu nên đi cầu ở ngoài trời, đến khi trời nắng, phân khô lại thành cái cọng vậy thôi. Vậy ta có thể hiểu hai cách: cọng cứt khô, tức là cái que gỗ dùng thay giấy đi cầu, hoặc nó là cọng phân để nhiều ngày dưới nắng. Điều đó chứng tỏ sự thất vọng của vị thầy đến dường nào và cũng để cho người kia đừng bị kẹt thêm nữa. Nó còn có một điểm hay nữa là hình ảnh cọng cứt khô rất trái ngược với hình ảnh con người thật không có vị trí rất tinh khiết, rất cao cả. Khi đưa ra con người thật không có vị trí, người ta dễ bị kẹt vào cái gì thật là tinh khiết, thật là cao cả, tách rời ra những cái gì gọi là tầm thường. Thành ra hình ảnh cọng cứt khô là để trung hòa hóa. Nhưng đó chỉ là ý phụ. Ý chính là không thể đi tìm con người thật bằng kiến thức và khái niệm. Nếu chúng ta vẫn giữ lấy kiến thức và khái niệm của ta về con người thật, thì cái kiến thức và khái niệm đó chỉ có giá trị ngang bằng cọng cứt khô mà thôi.

Thiền sư vừa lên pháp đường thì có một vị xuất gia ra lạy. Sư hét. Vị xuất gia nói :

– Xin lão hòa thượng đừng thử con.

Thiền sư hỏi:

– Thầy nói tôi nghe đi, cái (tiếng hét) ấy đã rơi vào đâu?

Vị xuất gia liền hét.

Trong nguyên văn là một vị tăng ra lạy, nhưng nếu nói là một vị tăng thì không hay lắm thay vì để là một vị xuất gia. Tại vì chữ ‘tăng’ có nghĩa là đoàn thể, là sangha. ‘Một vị tăng’ thì nghe hơi kỳ, thành ra chúng ta phải học dùng chữ lại cho đàng hoàng. Cố nhiên là khi thiền sư lên pháp tòa thì có một vị xuất gia ra lạy thôi, chứ chưa hỏi gì hết. Chúng ta không biết được trong tâm vị xuất gia đó có câu hỏi hay không có câu hỏi, hay có mục đích gì khác, mà có thể vị thiền sư cũng không biết luôn, nhưng chắc chắn là có một động cơ nào đó thúc đẩy vị xuất gia này đi ra lạy. Sư hét. Tiếng hét này là để đối phó với cái động cơ đang có ở trong tâm vị xuất gia đó. Động cơ đó có thể là một câu hỏi, hay một ý định đôi khi muốn lên để được người ta thấy như vậy thôi. Có nhiều thiền sinh ở Làng cũng vậy, họ không có câu hỏi gì đặc biệt, nhưng thấy có cái ghế ngồi để gần thầy thì cũng muốn lên ngồi chơi vậy thôi. Thành ra có một động cơ gì đó trong tâm vị xuất gia, và thiền sư hét là hét cái đó. Chúng ta là những người đứng ngoài cuộc, chúng ta không biết vị xuất gia đó nghĩ gì, có ý định gì, nhưng chúng ta biết rõ là phải có cái gì đó cho nên vị xuất gia đó mới đi ra lạy. Tổ đã làm gì? Đó là tiếng hét để giúp cho đương sự nhìn lại cái động cơ (motivation) đã thúc đẩy ta, hay là câu hỏi của ta. Vị xuất gia thấy ngỡ ngàng. Chưa nói gì, ta chỉ mới lạy thôi mà đã bị hét. Vị xuất gia nói: Xin lão hòa thượng đừng thử con. Ta chưa đủ sức để đối phó với một mãnh lực tâm linh rất lớn, như đem vàng thử lửa. Thiền sư hỏi: Thầy nói tôi nghe đi, cái (tiếng hét) ấy đã rơi vào đâu? Tiếng hét của thiền sư rơi vào đâu? Nó có công năng gì hay không? Nó rơi vào trong phạm trù nào: đoạt nhân hay đoạt cảnh, hay là vừa đoạt nhân vừa đoạt cảnh? Bây giờ vị xuất gia hét trở lại. Vị xuất gia hét trở lại là vị xuất gia từ địa vị khách (học nhân) lên đóng vai trò chủ (thiện tri thức), và đối phó với câu hỏi kia của thiền sư. Chúng ta chỉ nên đọc như vậy thôi. Nếu chúng ta nhảy vào vòng chiến để trở thành đương sự thì trong tâm chúng ta có thể sáng ra và chúng ta thấy được một cái gì đó, còn nếu như không thấy gì hết thì chúng ta sẽ ‘ghi nhận và cho thông qua’.

Có một vị thầy khác lên hỏi :

– Đại ý của Phật pháp là gì ?

Thiền sư hét. Thầy ấy lạy. Thiền sư hỏi :

– Khuyết điểm là ở chỗ nào ?

Thầy ấy nói :

– Nếu tái phạm sẽ không tha thứ lần nữa.

Thiền sư liền hét.

Có một vị thầy khác lên hỏi: Đại ý của Phật pháp là gì?

Có hai câu hỏi người ta thường hay hỏi, đó là ‘Đại ý của Phật pháp là gì?’ và ‘Tổ Bồ Đề Đạt Ma qua đây có mục đích gì?’ (Tổ sư Tây lai ý). Trong các giới thiền gia có nhiều người nói như sau: ‘Mục đích của họ không phải đi tìm một câu trả lời, cũng không phải để tìm một sự thật khách quan. Mục đích của họ là để có một cơ hội được thầy nhìn thấy tâm của họ và làm cho cái tâm đó được sáng tỏ và bình an. Vì vậy cho nên điểm quan trọng ở đây không phải là câu hỏi mà là cơ hội được tiếp xúc với thầy và được thầy soi sáng cho tâm được an để thấy rõ con đường.’ Ở Làng Mai, chúng ta đã đề nghị một câu trả lời cho những câu hỏi đó là: mind your own business. Nếu có đệ tử tới hỏi: Bạch thiền sư, chủ đích của Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma qua bên Tàu là cái gì? Thì ta nói: Tại sao con không lo thở đi, không lo đi thiền hành đi, không lo tu tập đi, mà hỏi câu đó làm gì? Vì vậy cho nên ta có thể trả lời bằng câu ‘mind your own business’. Tức là lo phần ta đi, hỏi vớ vẩn làm gì. Đó là một trong những câu trả lời. Nó tiết kiệm cho chúng ta không biết bao nhiêu là thì giờ.

Có một vị thầy khác lên hỏi: Đại ý của Phật pháp là gì? Thiền sư hét. Tiếng hét này có thể có nghĩa là hỏi câu đó làm gì, có ích lợi gì cho thầy đâu mà thầy hỏi; tiếng hét đó có thể làm cho người kia thấy rằng giờ phút được tiếp xúc với thầy rất quý báu, đừng để thì giờ hỏi những câu hỏi có tính cách kiến thức khái niệm, rất uổng; tiếng hét đó có thể có dụng ý là: Tại sao không chịu đi con đường kinh nghiệm trực tiếp mà lại đi qua trung gian của suy luận, của tìm tòi như vậy để làm cái gì? Tiếng hét đó có thể có nhiều nghĩa. Thì thầy ấy lạy. Lạy xuống, như là đã hiểu được tiếng hét đó. Thiền sư thấy không có bảo đảm lắm. Thiền sư hỏi: Khuyết điểm là ở chỗ nào? Tức là thầy có lỗi gì mà bị hét, thầy nói thử ra coi. Thầy ấy nói: Nếu tái phạm sẽ không tha thứ lần nữa. Tức là lần sau con sẽ không làm như vậy nữa, hoặc con sẽ không hỏi những câu vớ vẩn như vậy nữa, hoặc con sẽ không có quen thói đi tìm kiếm bằng trí năng, bằng kiến thức khái niệm nữa. Khi thầy ấy trả lời như vậy, thiền sư liền hét một lần nữa. Chúng ta hãy coi như ta đang xem một vở kịch giữa hai người và chúng ta không biết hẳn cái gì đã xảy ra trong tâm của người này hay trong tâm của người kia, người thiện tri thức và người học nhân (chủ và khách). Nhưng trong trường hợp ta đang có một tâm ý gì tương tự, nếu tâm của ta là tâm của thầy (thiện tri thức) hoặc là tâm của học trò (học nhân), thì khi đọc ngang đây chúng ta có thể thấy được một cái gì đó, hoặc không thấy cái gì hết.

Hôm ấy hai vị thủ tọa của hai thiền đường vừa thấy nhau thì đồng thời cùng hét. Có một thầy hỏi thiền sư:

– Trong trường hợp này có chủ có khách đàng hoàng không ?

Thiền sư nói:

– Chủ khách rõ ràng đó.

Và thiền sư nói:

– Đại chúng, nếu quý vị muốn biết về nguyên tắc tứ tân chủ thì hãy tới hỏi hai vị thủ tọa hai thiền đường.

Nói xong thiền sư bước xuống.

Hôm ấy hai vị thủ tọa của hai thiền đường vừa thấy nhau thì đồng thời cùng hét. Vị thủ tọa của Đông Đường và vị thủ tọa của Tây Đường, hai vị đi ra vừa gặp nhau đồng thời cùng hét. Thì có một thầy hỏi thiền sư Lâm Tế: Trong trường hợp này có chủ có khách đàng hoàng không? Người hét trước có thể là chủ hoặc là khách, và người hét sau cũng có thể là chủ hoặc là khách. Nhưng ở đây, cả hai người cùng hét một lần thì làm sao phân biệt được ai là chủ, ai là khách, tại vì phương pháp giáo hóa của thiền sư Lâm Tế là phân chủ khách đàng hoàng. Những câu đối thoại chúng ta nghe, chúng ta phải biết bên nào là chủ, bên nào là khách. Chủ là thầy, khách là trò; chủ là thiện tri thức, khách là người đến tham vấn. Có trường hợp chủ trở thành khách, khách đóng vai trò của chủ, và nó đã từng xảy ra trong Thiền tông.

Đông Đường thường thường là chỗ cho thiền sinh thường trú, còn Tây Đường là chỗ vừa có thường trú vừa có thiền sinh khách. Hai vị thủ tọa của hai thiền đường vừa gặp nhau là đồng thời cùng hét. Có một thầy hỏi thiền sư trong trường hợp này có chủ, có khách đàng hoàng không. Thiền sư nói: Chủ khách rõ ràng đó. Tức là trong trường hợp này vẫn có chủ, vẫn có khách. Rồi thiền sư nói: Đại chúng, nếu quý vị muốn biết về nguyên tắc tứ tân chủ thì hãy tới hỏi hai vị thủ tọa hai thiền đường. Nguyên tắc tứ tân chủ tức là nguyên tắc của bốn trường hợp chủ và khách. Đó là phương pháp tiếp xử; đó là phương pháp độ đời; đó là phương pháp học hỏi trong truyền thống Lâm Tế; đó là phương pháp của Tổ Lâm Tế. Tổ nói, muốn biết bốn trường hợp tứ tân chủ thì tới hỏi hai vị thủ tọa, tại vì họ là những đương sự, họ có những kinh nghiệm trực tiếp. Trong giây phút đó, có thể người nào cũng là chủ hoặc người nào cũng là khách, hoặc trong giây phút đó người nào cũng vừa là chủ vừa là khách.

Thiền sư lên pháp đường, có một vị xuất gia hỏi:

– Đại ý Phật pháp là gì ?

Thiền sư đưa phất trần lên. Vị ấy hét và bị thiền sư đánh cho một cái. Lại có một vị xuất gia khác lên hỏi :

– Đại ý Phật pháp là gì ?

Thiền sư cũng đưa phất trần lên. Vị ấy hét. Thiền sư cũng hét. Vị ấy do dự, liền bị thiền sư đánh. Thiền sư mới bảo :

– Này đại chúng, người vì pháp thì không sợ táng thất thân mạng. Hai mươi năm về trước hồi còn ở với tiên sư Hoàng Bích, ba lần tới hỏi về đại ý Phật pháp ba lần tôi được ban cho một gậy, cũng giống như được tiên sư sờ đầu bằng một cành ngải cứu (armoise) vậy. Đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ đến lần được Ngài đánh. Vậy thì ai có thể lên đây giúp tôi sống lại giây phút ấy ?

Lúc bấy giờ có một vị xuất gia rời chỗ ngồi trong chúng đi lên, nói :

– Con đây có thể làm được việc ấy.

Thiền sư cầm gậy đưa cho vị kia. Vị kia ngần ngại khi tiếp nhận cây gậy. Thiền sư liền đánh cho vị ấy một gậy.

Thiền sư lên pháp đường, có một vị xuất gia hỏi: Đại ý Phật pháp là gì? Thiền sư đưa phất trần lên. Vị ấy hét và bị thiền sư đánh cho một cái. Đưa phất trần lên cũng là một cách trả lời, và câu trả lời đó được đáp ứng lại bằng tiếng hét của vị thiền giả. Lại có một vị xuất gia khác lên hỏi: Đại ý Phật pháp là gì? Thiền sư cũng đưa phất trần lên. Vị ấy hét. Thiền sư cũng hét. Cùng một câu hỏi mà có hai cách trả lời: Trước, thiền sư đưa phất trần lên, thiền sinh hét và bị đánh; Sau, thiền sư cũng đưa phất trần lên, thiền sinh hét nhưng thiền sư không đánh mà lại hét. Chúng ta tưởng làm thế này thì thiền sư trả lời như thế này và làm thế kia thì thiền sư trả lời như thế kia. Kỳ thực, phương pháp đối trị không thể nào dò được, nó không phải là một cái máy: làm thế này thì cách trả lời là như thế này, làm thế kia thì cách trả lời sẽ như thế kia… Đôi khi đối với người khác làm như vậy thì phản ứng như thế này, đến khi ta cũng làm như vậy thì phản ứng có thể ngược lại. Đó gọi là ứng cơ, là tùy vào từng trường hợp và căn cơ của người hỏi.

Vị ấy do dự, liền bị thiền sư đánh. Có do dự, tức là người đó có hoang mang, không nắm được ý chỉ và không có cái thấy nào hết. Ví dụ như ta đang chết đuối, có người đưa cho cây sào nhưng ta nắm trật – đó là do dự – nếu nắm được, người trên bờ sẽ kéo lên bờ và ta khỏi chết đuối. Cũng vậy, khi thiền sư hét một tiếng hay nói một câu, cũng như là đưa cho thiền sinh nắm cây sào: một là nắm được, hai là không nắm được. Khi có sự do dự tức là chưa nắm đuợc. Tại vì cái hiểu ở trong thiền không đi qua trung gian suy luận mà là cái biết trực tiếp (trực giác), chứ không phải chờ suy nghĩ một hồi rồi có thể hiểu đuợc. Cái thấy, cái biết ở đây là trực giác và tuệ giác mà không phải là mớ kiến thức khái niệm do tư duy mà ra. Tuệ giác không thể do suy nghĩ mà có thể đạt đuợc. Tuệ giác đến tự nhiên và trực tiếp bằng trực giác.

Thiền sư mới bảo: Này đại chúng, người vì pháp thì không sợ táng thất thân mạng. Những người thật sự khao khát chân lý, những người đó không sợ chết, không sợ nặng nhọc, không sợ khổ đau, không sợ khó khăn. Người vì pháp thì không sợ táng thất thân mạng. Hai mươi năm về trước hồi còn ở với tiên sư Hoàng Bích, ba lần tới hỏi về đại ý Phật pháp ba lần tôi được ban cho một gậy, cũng giống như được tiên sư sờ đầu bằng một cành ngãi cứu (armoise) vậy. Đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ đến lần được Ngài đánh. Vậy thì ai có thể lên đây giúp tôi sống lại giây phút ấy? Nói như vậy thôi, lúc bị đánh Tổ cũng rất là hoang mang. Khi thầy Lâm Tế còn trẻ, có hỏi tổ Hoàng Bích về đại ý Phật Pháp. Lần đó, thầy thủ tọa ‘xúi’ thầy Lâm Tế: ‘Sư chú ở đây lâu rồi mà chưa được trực diện thầy, sư chú viện cớ lên hỏi đi.’ Thế là thầy Lâm Tế lên hỏi tổ Hoàng Bích về đại ý Phật Pháp. Hỏi một lần bị đánh, hỏi lần thứ hai cũng bị đánh, hỏi lần thứ ba cũng bị đánh, thầy chán nản xin đi. Thấy vậy, thầy thủ tọa lên bạch với tổ Hoàng Bích: ‘Sư chú đó thông minh, rất có lòng, có thể là một pháp khí trong tương lai. Lát nữa sư chú lên chào Thầy xin đi, xin Thầy nói cho một vài câu.’ Khi thầy Lâm Tế lên chào từ giã, tổ Hoàng Bích hỏi: ‘Đi đâu?’ Thầy nói: ‘Con chưa biết.’ Tổ Hoàng Bích dạy: ‘Thôi đi tới chỗ của thầy Đại Ngu đi.’ Và thầy Lâm Tế đã đến chỗ của thầy Đại Ngu. Khi bị đánh, Tổ không có hạnh phúc cho nên Tổ đã xin đi. Nhưng khi nói với đại chúng, Tổ nói tựa như được đánh là hạnh phúc lắm.

Tới thầy Đại Ngu, thầy Đại Ngu hỏi: Ở đâu tới vậy?

– Con ở đạo tràng của Thiền Sư Hoàng Bích.

– Tại sao bỏ nơi đó mà tới đây?

– Con ở đó mấy năm rồi mà không có cơ hội để tham vấn, cho nên con đã đánh liều lên tham vấn thầy con. Vừa hỏi xong là bị đánh. Hỏi ba lần, ba lần bị đánh, con chán nản và thất vọng quá nên xin đi. Thầy con dạy con tới đây.

Thầy Đại Ngu nói:

– Con thiệt là dại, lòng từ bi của thầy Hoàng Bích lớn như vậy mà không thấy được, dại quá đi!

Nhờ câu nói này, thầy Lâm Tế hiểu được. Và thầy Lâm Tế đã dám nói ra một câu rất gan: A! Hiểu rồi, thì ra Phật Pháp của thầy Hoàng Bích cũng không có gì ghê gớm lắm.

Thầy Đại Ngu nói: ‘Anh chàng này vừa than phiền là không hiểu, là khổ đau, là thất vọng, rồi bây giờ dám nói như vậy.’ Nghe như vậy, thầy Lâm Tế đánh thầy Đại Ngu ba cái. Tại sao phải đánh người đã khai ngộ cho ta thấy được cương lĩnh yếu chỉ và lòng từ bi của thầy ta? Nội dung của ba cái đánh này có thể ta chưa hiểu được, nhưng nhờ câu nói sau đây của thầy Đại Ngu, chúng ta mới biết được ba cái đánh này là ba cái đánh thương, tựa như công nhận thầy Đại Ngu là thầy, người đã khai mở tâm trí cho thầy Lâm Tế để có thể hòa nhập vào trong dòng mạng mạch của Phật Pháp. Sau khi thầy Đại Ngu nhận ba cái đánh đó, thầy nói:

– Ta không dính líu gì tới chuyện này, con là đệ tử của thầy Hoàng Bích chứ không phải đệ tử của ta.

Thầy Lâm Tế quay về chốn cũ. Thầy Hoàng Bích hỏi: ‘Ở đâu về đó?’

– Con từ Thầy Đại Ngu về.

– Thầy Đại Ngu nói gì?

Thầy Lâm Tế kể lại và nói: ‘Nhờ thầy Đại Ngu khai mở như vậy, cho nên con mới thấy rõ được tình thương của Thầy lớn như thế nào, mới thấy được ý chỉ Thiền Tông qua lời Thầy.’ Tổ Hoàng Bích nói: ‘Ừ, anh chàng đó chừng nào gặp ta sẽ biết tay.’ Lúc đó thầy Lâm Tế nói: ‘Đâu cần phải chờ, gặp liền bây giờ đây nè’, rồi đánh thầy mình ba cái. Đây là ba cái đánh tỏ tình. Lúc này thầy Lâm Tế đã thấy được ba cái đánh của thầy mình là tình thương mà không phải là ghét bỏ. Trước đó, ba cái đánh làm cho thầy bơ vơ, thầy bối rối, thầy muốn bỏ chùa đi, vì thầy tưởng đó là ghét bỏ, là không thương, nhưng sau khi bỏ đi năm lần, bảy lượt thì khám phá ra đó là thương yêu. Qua đoạn này, chúng ta thấy rõ là khi giận tưởng đó là roi là vọt, nhưng giác ngộ rồi mới biết đó là ngọt là bùi. Do đó, thiền sư Lâm Tế nói với đại chúng là tổ Hoàng Bích đánh ta ba cái đó như là lấy một cành ngải cú rờ vào đầu, rất là nhẹ nhàng. Đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ đến lần được Ngài đánh. Vậy thì ai có thể lên đây giúp tôi sống lại giây phút ấy? Tức là có ai lên đánh tôi được ba cái như là thầy tôi đã đánh không. Có một thầy dại dột nói lên: Con đây có thể làm được việc ấy. Và vị kia đi lên. Thiền sư cầm gậy đưa cho vị kia. Vị kia ngần ngại khi tiếp nhận cây gậy. Ngần ngại khi lấy gậy là chứng tỏ có sự do dự, không có khả năng làm thầy, không có khả năng đánh thiền sư ba cái. Thế là, thiền sư liền đánh cho vị ấy một gậy.

Đây là lần đầu tiên chúng ta nghe giải thích ba cái đánh đó là một cách tỏ tình (love declaration), vì chưa có vị nào chú giải Lâm Tế Lục như vậy cả. Nhìn quanh, chúng ta thấy số người học giáo lý đạo Bụt rất nhiều, người xuất gia cũng như người tại gia, nhưng họ học giáo lý chỉ để trở thành những nhà Phật học. Học nhiều như vậy đó, nhưng tánh tình của họ vẫn không thay đổi và những khổ đau của họ vẫn còn y nguyên. Tại vì họ không áp dụng được, không tiêu hóa được. Chúng ta hãy tưởng tượng con tằm ăn lá dâu mà không tiêu hóa được thì nó làm sao có thể làm ra những sợi tơ lụa óng ánh. Hầu hết chúng ta đều học Phật theo kiểu đó, cho dù chúng ta đang học Phật học cơ bản hay Phật học cao cấp. Nhét vào rất nhiều những kiến thức khái niệm, nhưng không tiêu hóa được, không giúp ích gì cho ta và không giúp ích gì cho người, trái lại ta dễ trở thành cao ngạo, dễ mắc chứng bệnh bế tắc. Trong bài kệ của ni sư Như Minh có nói về chuyện bế tắc, không tiêu (indigestion), và nhờ mận Làng Mai mới tiêu hóa được những thứ đã thâu lượm, đã tích tụ và làm độc trong người trong bao nhiêu năm qua. Bây giờ nhìn vào các cộng đồng Phật Giáo (ở Việt Nam, ở Pháp cũng như ở Mỹ), chúng ta thấy cái chuyện học Phật cũng còn y nguyên như vậy. Vì vậy cho nên thiền là một cách phản ứng lại với tư trào học Phật như vậy. Theo thiền, tuệ giác không cần phải đi ngang qua sự học hỏi giáo lý, và tuệ giác là sự nối tiếp giữa thầy và trò mà không cần phải đi ngang qua chữ nghĩa. Trong nhà thiền có câu giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự. Bất lập văn tự là không căn cứ trên chữ nghĩa. Câu này có nghĩa là thiền được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác mà không hề dính tới giáo lý. ‘Giáo ngoại biệt truyền bất lập văn tự’ là một phản ứng rất mạnh đối với những người học Phật không tiêu hóa được. Họ học chỉ để nói, để tích trữ, cho nên càng học tính kiêu mạn của họ càng lớn. Họ không chuyển hóa được bản thân, không giúp được người. Thành ra phản ứng đó rất tự nhiên.

Rất nhiều người tin rằng sự đạt đạo không phải là do chất chứa kiến thức, cho nên có một số người đã đi tới thái độ cực đoan là nhất định không đọc một câu kinh, không sờ tới một cuốn kinh, và nghĩ rằng sự chứng ngộ chỉ tới được bằng con đường tâm ấn. Tâm ấn tức là một sự trao truyền trực tiếp từ trái tim của thầy tới trái tim của người đệ tử mà không cần phải chữ nghĩa, không cần phải văn tự. Từ thái độ quá khích đó lại tạo ra một phản ứng khác, thành ra có hai phong trào đi song song với nhau: Thiền tông và Giáo tông. Thiền tông và Giáo tông là hai tông phái đối lập nhau: một bên căn cứ vào sự học hỏi giáo lý để có thể tu tập được, một bên cho sự học hỏi giáo lý là một chướng ngại. Ngay trong thời đại của tổ Lâm Tế đã có những bậc thầy, như thầy Tông Mật, đã nói thiền và giáo có thể đi đôi với nhau một cách tuyệt hảo. Nếu chúng ta học giáo lý với tâm không vướng mắc vào chữ nghĩa, vào khái niệm, thì giáo lý vẫn đi đôi tuyệt hảo với thiền. Đó là một sự thật. Bụt có nói: ‘Giáo lý của ta như là ngón tay để chỉ mặt trăng, đừng lầm ngón tay là mặt trăng.’ Nếu học giáo lý trong tinh thần đó, chúng ta có thể thấy được tuệ giác trong mỗi lời kinh. Hơn nữa, trong tam tạng kinh điển, nền văn học của Thiền rất lớn, những tác phẩm nói về thiền cũng như những ngữ lục rất nhiều. Sau này, Thiền tông cũng đã sử dụng những kinh điển Đại thừa như là kinh Kim Cương, kinh Bát Nhã và nhất là kinh Hoa Nghiêm, vì vậy mới có phong trào Thiền Giáo Nhất Trí (The Oneness of zen and teaching), tức là Thiền và Giáo đi đôi với nhau.

Trong Lâm Tế Lục, chúng ta thấy khuynh hướng ‘ruồng bỏ văn tự, chê trách sự học hỏi’ rất là rõ ràng. Pháp môn tu học cũng như những buổi đối đáp giữa thầy và trò biểu lộ rõ rệt cái ý thức là nếu kẹt vào văn chương, ngôn ngữ, giáo lý, thì người đó không thể có cơ hội nắm được chân lý, đạt tới tuệ giác. Với ý thức đó, chúng ta sẽ có cơ hội hiểu được Lâm Tế Lục nhiều hơn, hoặc những bộ Lục khác của Thiền tông. Con đường của chúng ta là con đường Thiền Giáo Nhất Trí. Chúng ta phải biết sử dụng giáo lý một cách thông minh để đừng bị lâm vào tình trạng khó tiêu và làm độc trong cơ thể của ta.

Thiền sư lên pháp đường, và khai thị :

– Một người đứng trên chót vót đỉnh cô phong không có đường ra, còn một người đứng giữa ngã tư không tiến thối được. Giữa hai kẻ ấy, ai tới trước, ai tới sau? Đừng giả bộ làm Duy Ma Cật cũng đừng đóng vai Phó đại sĩ. Xin chào quý vị.

Thiền Sư lên pháp đường, và khai thị. Pháp đường là nơi nói Pháp. Khai thị tức là giảng. Bài giảng này chỉ có một câu thôi, tiếp đó là một câu hỏi. Một người đứng trên chót vót đỉnh cô phong không có đường ra, còn một người đứng giữa ngã tư không tiến thối được. Giữa hai kẻ ấy, ai tới trước, ai tới sau? Đừng giả bộ làm Duy Ma Cật cũng đừng đóng vai Phó đại sĩ. Xin chào quý vị.

Một người đứng trên chót vót đỉnh cô phong không có đường ra. Đỉnh cô phong là một đỉnh núi đơn độc, chỉ có một ngọn núi nên không thể nhảy sang ngọn núi khác được. Đó là trường hợp của một người. Không biết làm ăn ra sao mà người đó tự nhiên thấy mình đang đứng trên một đỉnh núi đơn độc, nguy hiểm, không nẻo tiến thối. Còn một người đứng giữa ngã tư không tiến thối được. Một người khác cũng lâm vào tình trạng như vậy, đứng giữa ngã tư không biết đi về hướng nào, hoàn toàn bối rối. Câu hỏi: Giữa hai kẻ ấy, ai tới trước, ai tới sau? So sánh người nào tới trước và người nào tới sau. Nói xong, thầy Lâm Tế bước xuống pháp tọa và đi về phòng riêng để đại chúng muốn nghĩ sao thì nghĩ.

Trong đại chúng đây, có ai có cảm giác là ta đang ở trong tình trạng đó hay không? Tình trạng tiến thối lưỡng nan. Đó là một trong những bài hát của Trịnh Công Sơn, tiến thối lưỡng nan sau một trận bịnh rất nặng. Có thể ta đang ở trong trạng thái đó. Ta chịu trận, ta chịu chết, ta không có nẻo thoát. Đừng giả bộ làm Duy Ma Cật. Ông Duy Ma Cật rất có biện tài. Mà cũng đừng đóng vai Phó đại sĩ. Phó đại sĩ cũng là một vị cư sĩ rất nổi tiếng, một Duy Ma Cật của Trung Quốc sống vào cuối thế kỷ thứ năm, đầu thế kỷ thứ sáu. Đứng ở trong tình trạng đó, hoàn cảnh đó, tình huống đó, ta không cựa quậy được, ta chết cứng, ta không có nẻo ra. Vậy mà ta cứ khoác lác rằng ta thấy được con đường, ta đang giải thoát, ta đang đứng cao hơn tất cả mọi người. Kỳ thật, ta đang ở trong cái thế hoàn toàn bí.

Thiền sư lên pháp đường, nói :

– Có một người đang mãi mãi ở ngoài đường mà chưa hề lìa khỏi nhà cửa, có một người đã lìa nhà cửa, nhưng mà không đang ở ngoài đường. Trong hai người ấy, ai là kẻ đáng được thiên và nhân cúng dường ?

Nói xong liền bước xuống.

Thiền Sư lên pháp đường, nói: Có một người đang mãi mãi ở ngoài đường mà chưa hề lìa khỏi nhà cửa. Ở ngoài đường nhưng chưa rời khỏi nhà bao giờ. Còn có một người đã lìa nhà cửa, nhưng mà không đang ở ngoài đường. Ngộ chưa? Lìa nhà thì phải ở ngoài đường chứ? Ở đây nói lìa nhà rồi mà không phải ở ngoài đường, tôi biết ở đâu? Còn người đang ở ngoài đường mà thiệt chưa từng rời nhà. Trong hai người ấy, ai là kẻ đáng được thiên và nhân cúng dường? Trong hai người đó, người nào đáng được chư thiên và loài người cúng đường? Nói xong thiền sư bước xuống và đi về phương trượng. Phương trượng là chỗ ở của vị trụ trì hay vị tọa chủ.

Đoạn này chắc chắn nói về chuyện xuất gia. Đi ra ngoài đường tức là bỏ nhà, bỏ đời sống gia đình, bỏ đời sống hệ lụy để trở thành một người tự do, một người giải thoát. Xuất gia, tiếng Anh dịch là going forth nghĩa là lên đường. Đứng về phương diện hình thức, người xuất gia đang ở trên đường; đứng về phương diện nội dung, người đó chưa rời khỏi nhà, tức là người đó chưa xuất gia thiệt. Mang tiếng là người xuất gia, đầu cạo trọc, mặc áo nâu, nhưng kỳ thật không phải người xuất gia. Một người đang mãi mãi ở ngoài đường mà chưa hề lìa khỏi nhà cửa. Tức là tự nhận ta là người xuất gia, mang hình thức của người xuất gia mà chưa hề lìa khỏi nhà cửa vì vẫn còn đi tìm những tiện nghi vật chất, những tiện nghi tình cảm. Và có một người đã lìa nhà cửa, nhưng mà không đang ở ngoài đường. Có một người đang sống đời cư sĩ, không mang hình thức xuất gia, nhưng người đó đã xuất gia rồi, vì trong tâm người đó vắng lặng, đã buông bỏ tất cả và không còn ý niệm đi tìm cầu nữa. Trong hai người đó, người nào đáng được chư thiên và loài người cúng dường?

Bài giảng này có một câu thôi, nhưng các thầy và các sư cô đã thấy thấm lắm, phải không? Đâu cần nói nhiều, nói một câu như vậy đủ để cho các thầy, các sư cô ngồi suy nghĩ, xem thử ta đã xuất gia thiệt hay chưa? Còn đối với những người chưa xuất gia, họ có hơn ta hay không? Có thể họ đang hơn ta vì họ có nhiều thảnh thơi và tự tại. Xuất gia rồi nhưng bước chân của ta có thanh thản hay không? Hơi thở của ta có giúp ta an trú trong giây phút hiện tại không? Ta có đang đi tìm kiếm những gì mà người ngoài đời đang đi tìm kiếm hay không? Ta có xứng đáng làm chỗ nương tựa của loài người và loài trời hay không? Những câu hỏi đó có thể tự ta trả lời được. Ta đã thọ giới Sa Di hay Giới Lớn rồi, nhưng ta có nên cạo đầu lại lần nữa hay không? Đó là câu hỏi của thiền sư Lâm Tế.

Xuất gia có nghĩa là ra khỏi nhà. Nhà này là nhà phiền não, nhà đam mê, nhà tham dục, nhà hận thù, nhà u mê. Trong khi chưa xuất gia, ta có thể đang ở trong một tình huống rất khó khăn, không vùng vẫy được. Ta là ai? Ta là người vợ; ta là người chồng; ta là người cha; ta là người con. Ta kẹt cứng, không vùng vẫy được. Và ta mong ước có một hoàn cảnh khác, vì ta không hề có hạnh phúc. Ta đi tìm hạnh phúc trong sự mơ ước, trong mộng tưởng, tại vì thực tế rất phủ phàng. Giống như trường hợp của một đạo hữu, một thiền sinh đang có mặt ở đây:

‘Con và nhà con vừa mới ly thân, và nhà con đang mưu mô nói với cảnh sát là con đã đánh, đã dọa nạt, đã hành hạ bả. Bả nói láo như vậy để cho con không có quyền giữ con con và đi thăm mấy đứa con của con. Vì vậy cho nên con rất đau khổ. Con đang muốn làm tất cả những điều con có thể làm để chứng tỏ rằng bà ta là người có lỗi, bà ta nói dối, bà ta lừa gạt, bà ta đang đi theo một người đàn ông khác. Và hai đứa tụi con sẽ ra tòa. Bây giờ con đang ở đây, ở Lộc Uyển. Con làm thế nào để đối phó được với cái niềm đau nỗi khổ, cái chấn động đó khi mà bà ta đang nói dối, đang tìm đủ mọi cách để đem các đứa con con đi và không cho con có cơ hội để gặp con của con. (My wife and I just broke up and she is being very deceptive by telling the police that I have threatened and harrassed her. She has lied about this to prevent me from seeing my children. Of course this causes me much great pain. I am filled with desire to do everything I can to expose her to friends and family as a liar as well as a cheat, as she has been seeing another man. We’ll be going to court. How do I deal with the shock and hurt that she is lying to keep me away from the children?)’

Đây là một trong những tình trạng khó. Tình trạng này không khác gì với tình trạng đứng ở trên đỉnh núi cô phong, rất là cô đơn, không biết tiến thối thế nào, không biết phải làm gì. Nếu không có gì thay đổi, ta sẽ tiếp tục vùng vẫy như đã từng vùng vẫy trong quá khứ. Nhưng tình trạng bây giờ tiến thối lưỡng nan mà ta càng vùng vẫy thì càng lún sâu thêm nữa. Vậy ta có đường thoát hay không? Theo lời Bụt dạy, tình huống nào cũng có một lối thoát hết. Đừng nghĩ đó là tình huống của người tại gia thôi, thật sự người xuất gia cũng có thể bị kẹt, cũng có thể không biết đường đi, cũng có thể nằm trong sự tranh chấp, cũng có sự buồn giận, cũng có sự tuyệt vọng, cũng đang tìm cầu và không làm sao đứng yên được ở chỗ ta đang đứng, không ngồi yên được ở chỗ ta đang ngồi. Cho nên đây không phải chỉ là vấn đề của người tại gia mà thôi. Và có những người mang hình thức tại gia nhưng trong tâm họ đã xuất gia rồi, còn có những người hình thức là xuất gia nhưng trong tâm họ vẫn còn tại gia. Họ vẫn còn vướng víu, mắc kẹt. Họ ngồi ở chỗ đó như là ngồi trên đống lửa, ngồi trên than hồng, ngồi ở chỗ có gai góc, không cảm thấy thoải mái. Không cảm thấy thoải mái, không có an lạc, không an trú được trong giây phút hiện tại, tức là chưa xuất gia. Trong khi đó, có những người chưa xuất gia nhưng họ thảnh thơi, họ an trú được trong hiện tại, thì họ đã là những người xuất gia rồi. Trong bản chất, họ xứng đáng được loài người và chư thiên cúng dường.

Nếu quý vị hoặc là người xuất gia, hoặc là người tại gia đã từng tu học, đã từng đem áp dụng những pháp môn Bụt dạy, thầy dạy trong đời sống hằng ngày, nếu quý vị đã từng thực tập để thoát ra khỏi những tình huống khó khăn cho chính bản thân, thì khi có một người tới để nhờ quý vị soi sáng và tháo gỡ, như là vị thiền sinh trong lá thư này, thì quý vị sẽ giúp cho người đó như thế nào? Còn nếu quý vị chưa đem những điều mình học vào thực tập, chưa tháo gỡ được cho mình, thì làm sao khi có một người tới cầu xin quý vị giúp đỡ như trong trường hợp này mà có thể giúp đỡ được? Quý vị không thể được gọi là pháp khí. Và có thể là quý vị đang làm giống hệt như người này, quý vị cũng đang bí, cũng đang tranh đấu không ngừng, và càng tranh đấu càng lún xuống. Có thể trường hợp này là một tiếng chuông chánh niệm, trường hợp này đôi khi là trường hợp của chính ta. Trường hợp tôi đâu đến nỗi như vậy! Nhưng bản chất của nó có thể là như vậy, nó có cùng một bản chất. Giống như cái bánh to và cái bánh nhỏ có cùng một bản chất: chất bột và chất đường. Nếu quý vị có thể giải quyết được vấn đề đó trong tầm cỡ này, thì quý vị có thể giải quyết được vấn đề đó ở tầm cỡ lớn hơn.

Một người bạn tu có thể giúp ta thấy được tình trạng để biết rằng ta nên làm gì, hay là không nên làm gì trong tình trạng đó – tình trạng đứng một mình trên đỉnh cô phong không ai đưa tay ra đỡ ta, cứu ta. Trong tình trạng đứng giữa ngã tư đường và hoàn toàn mất phương hướng thì sự có mặt của một sư anh, một sư chị, một sư em, một vị thầy là để giúp ta đi qua trạng huống khó khăn vậy. Nhưng nếu trong trường hợp ta không có một tăng thân, không có một người anh, một người chị hay một người bạn tu, thì ai giúp ta đây? Ví dụ như Đức Thế Tôn ngồi dưới gốc cây Bồ Đề, ai đã giúp Ngài trong những lúc khó khăn? Năm người cùng tu với Siddhattha đã bỏ đi rồi, còn lại một mình dưới gốc Bồ Đề mà có những khó khăn thì ai giúp? Siddhattha phải tự nương vào mình, vì trong người Siddhattha có Phật tính, có khả năng, có con đường. Con đường đó tuy chưa được phát hiện nhưng đã có ở trong đó. Không có bài toán nào mà không có đáp số. Ra được một bài toán là thế nào cũng có đáp số. Đó là nguyên tắc của Tứ Diệu Đế, và sự thật thứ nhất là một bài toán.

Sự thật thứ nhất là Khổ đế. Đế là sự thật. Khổ đế là bài toán mà Đức Thế Tôn đã dạy chúng ta phải đọc và phải viết nó xuống cho rõ ràng. Bài toán của ta là bài toán nào? Ta nói ta khổ, nhưng phải biết ta khổ cái gì? Ta phải thấy được cái khổ của ta, ta phải nhận diện cho ra cái khổ của ta. Nếu ta nói ta khổ mà không biết là ta khổ cái gì thì đâu được. Cũng giống như khi ta đau, ta phải nói là tôi đau ở hông bên trái, hay là hông bên phải, đè chỗ này thì đau, đè chỗ kia thì không thấy đau. Vì vậy cho nên phải có một cái nhìn, một sự quán chiếu về cái đau của ta. Khi ra một bài toán, bài toán đó phải đầy đủ chi tiết, lúc đó ta mới tìm ra đáp số được. Cũng như vậy, ta có thể tự quán chiếu xem ta bịnh gì? Ta đau ở chỗ nào? Có những triệu chứng nào? Nếu ta mơ hồ với chính cái bịnh của ta, thì ông bác sĩ có thể đặt ra những câu hỏi để giúp ta thấy rõ bịnh trạng của ta hơn. Ông sẽ làm gì? Ông sẽ làm ba chuyện: Trước tiên là ông quán sát ta – là chuyện mà các bác sĩ ngày xưa hay làm nhất. Nhìn ta, ông đã có một ý niệm rồi. Đó là vọng. Vọng tức là nhìn, là quan sát. Rồi ông nghe ta kể lể, nghe ta than thở: Bác sĩ ơi, tôi đau ở chỗ này; tôi khạc ra cái này… Đó gọi là Văn, tức là ông lắng nghe ta nói. Nghe ta nói xong, ông nghe mạch của ta nhảy, rồi ông hỏi. Đó là vấn. Vấn là đặt câu hỏi. Ông hỏi những câu như: Đau từ hồi nào? Qua ba giai đoạn vọng, văn và vấn, ông bác sĩ có thể tìm ra chân tướng của cái bịnh. Ông quán sát, ông nghe ta than thở, ông đặt những câu hỏi và ông đi tới cái hiểu, rồi ông kết luận ta bịnh gì, sau cùng là ông làm ra bịnh án. Nương vào bịnh án đó ông đưa ra phương thuốc chữa trị, gọi là Thiết. Vọng, văn, vấn và thiết là bốn giai đoạn mà ông thầy thuốc phải đi qua. Nếu ta là người tu ta cũng làm giống hệt như vậy. Còn ta thấy trong người đau nhức, trong người khó chịu nhưng ta chỉ biết vùng vẫy, cựa quậy thì không có ích gì. Ta phải quán chiếu niềm đau nỗi khổ đó và phải gọi tên nó cho được. Đó là những loại đau khổ nào và nó có nguồn gốc từ đâu? Đó là sự thật thứ hai, tập đế. Tập đế tức là những nguyên do đưa tới khổ đau kia. Trường hợp này cũng là một thứ bịnh, một nỗi khổ, nhưng nếu ta chỉ biết nói khổ và vùng vẫy thôi thì không được. Ta phải nhìn cho kỹ cái khổ của ta. Ta phải tự hỏi tại sao chuyện ra cớ sự như vậy? Tại sao khi hai người mới cưới thì chuyện không có như vậy? Tại sao khi mới cưới, hai người có rất nhiều hy vọng, rồi hai người làm ăn ra làm sao mà bây giờ chuyện thành ra như vậy? Ta phải chịu trách nhiệm tới mức độ nào và người kia chịu trách nhiệm tới mức độ nào? Cách ta suy tư, cách ta nói năng, cách ta hành xử như thế nào? Cách người kia suy tư, nói năng, hành sử như thế nào? Cách ta phản ứng như thế nào? Cách người kia phản ứng như thế nào? Áp dụng vọng, văn, vấn và thiết để giải quyết khổ đau của ta. Nếu không ngồi yên lại để quán chiếu, để nhìn cho rõ, để đặt vấn đề, để đưa ra tất cả những chi tiết của bài toán thì không thể nào tìm ra được đáp án. Và vì vậy cho nên tự đặt ra những câu hỏi đó là quán chiếu về khổ, sự thật thứ nhất. Quán chiếu về sự thật thứ nhất để tìm ra được nguyên do của nó, đó là tập đế.

Ta đang có bất an, ta không có hạnh phúc, ta ngồi như ngồi trên đống lửa, ta không có khả năng an trú được, nhưng ta lại không tìm hiểu nguyên do vì sao. Ta có khuynh hướng nghĩ là tại vì ta chưa tới được chỗ đó, chưa làm được chuyện đó cho nên ta đau khổ chứ không biết rằng là khi đến được chỗ đó rồi, ta vẫn tiếp tục đau khổ như thường. Trong khi đang đau khổ ở đây, ta hay nghĩ rằng lúc này không phải lúc của ta, chỗ này không phải là chỗ của ta, nếu ta ở một chỗ khác, hay ở vào một thời điểm khác, thì có thể là nó sẽ không như vậy. Đó là sự tưởng tượng của ta. ‘Ở đây nếu không có hạnh phúc thì ta phải ở chỗ khác thôi’, ta nói một cách buông xuôi như vậy. Bây giờ không có hạnh phúc thì phải đợi tới tương lai mới có hạnh phúc, đó là cách suy nghĩ thông thường của con người.

Khi ông thầy thuốc đi qua bốn giai đoạn quán sát, nghe ngóng, tìm hiểu và nghiên cứu, tức là ông đi qua giai đoạn quán chiếu khổ đế và tập đế. Khi đã có đầy đủ dữ kiện, ông có cách chữa trị, gọi là đạo đế. Đạo đế tức là con đường để thay đổi tình trạng, chữa lành căn bịnh, chuyển hóa những khổ đau. Đó là đáp số của bài toán. Còn ở đây, đương sự đang đau khổ, đương sự đang lâm vào tình trạng tuyệt vọng, ấy vậy mà đương sự vẫn quyết định tiếp tục tranh đấu. Sự thật là càng tranh đấu thì càng lún xuống. Nếu ta khăng khăng tiếp tục tranh đấu thì ta càng sa lầy sâu hơn, tại vì ta không biết phương hướng thì làm sao ta thấy lối ra, làm sao ta biết rõ tình trạng của ta. Trong tình trạng của vị thiền sinh này, cũng như trong nhiều tình trạng khác cũng vậy, vấn đề không phải là ‘Phải làm gì?’ mà quan trọng nhất là không nên làm gì hết. Đó là câu trả lời đầu tiên. Không nên làm gì hết! Tại vì anh đang không phải ở trong tư thế để có thể làm bất cứ cái gì hết. Anh càng làm thì càng lún, vì vậy cho nên anh không nên làm gì hết; chị không nên làm gì hết. Đó là câu trả lời của Bụt. Chuyện đâu còn có đó. Án binh bất động. Phải ngồi cho yên. Vì vậy cho nên anh chọn lên ở Lộc Uyển là đúng, nhưng ở Lộc Uyển không phải để suy nghĩ là ta nên làm cái gì. Anh lên Lộc Uyển để được ngồi yên và đem hết tất cả con người, tâm tư của mình để ngồi yên cho được. Ngồi yên được thì khó lắm. ‘Con ngồi ở đâu cũng là ngồi trên đống lửa: ở dưới kia cũng là đống lửa, lên trên này vào ngồi trong thiền đường cũng là đống lửa, ngồi ăn cơm trưa với đại chúng cũng là đống lửa… Tình trạng của con như vậy, thầy đã không giúp còn bảo con phải ngồi yên, thì làm sao con ngồi yên đây?’ Trước hết, ta phải biết rằng, nếu cái tâm của ta đầy những hờn giận, đầy những thù ghét, đầy những tuyệt vọng, thì không có một hành động nào có thể cứu ta ra được cả, vì vậy cho nên ta phải an cái tâm lại. Đừng làm gì hết là một hành động đòi hỏi rất nhiều nghị lực và nhiều tuệ giác. Có tuệ giác mới có khả năng ngồi yên không làm gì hết trong tình huống gay go như vậy. Tuệ giác đó bắt đầu từ nhận thức là làm bất cứ điều gì trong tình trạng này cũng có thể gây thêm đổ vỡ. Bây giờ ta thấy người đó là kẻ thù và ta quyết một sống một chết với người đó. Nếu ta thắng ta thấy đã, và ta có mấy đứa con cho ta; còn người kia khổ nhiều chừng nào thì càng tốt chừng đó, tại người đó đã dám làm cho ta khổ. Đó là lề lối suy tư của ta đang đi về hướng đó. Người đàn bà đó là một người lăng loàn, là một người không có tình nghĩa, là một người phản phúc, dối trá; người đàn bà đó phải bị trừng phạt, và người đàn bà đó càng khổ nhiều càng tốt. Người đó càng khổ nhiều thì ta càng thấy đã chừng đó. Ta phải làm cho người đó thất bại hoàn toàn. Đó là tâm tư của ta. Với tâm tư đó, nhận thức đó, ta thất bại là thường, cho nên ta hãy lắng nghe xem Bụt dạy như thế nào. Bụt dạy rằng ta phải chiến thắng ta trước, tức là phải vượt thoát những căm thù, những vô minh trước. Ta phải là người chiến thắng, nhưng không phải chiến thắng người kia và làm cho người kia đau khổ mà chiến thắng những vô minh, những giận hờn, những tàn ác ngay trong ta. Ta làm như xưa nay ta chưa từng có vụng về, chưa có lỗi lầm và tất cả những đau khổ của ta là do người kia làm ra cả… Điều đó hoàn toàn không đúng. Ít nhất là ta cũng có một phần trách nhiệm trong sự đổ vỡ này, có thể là năm mươi phần trăm, có thể là nhiều hơn, nhưng không thể nói rằng ta hoàn toàn không có trách nhiệm. Ta phải thấy cho được những điều đó. Và những điều đó là những điều khó thấy. Trong liên hệ anh em, chị em, cha con, hay vợ chồng mà có những khó khăn thì đừng nói tất cả trách nhiệm là quy về người kia, nói như vậy là không đúng. Khi hai tay ta cầm một chiếc đũa, nếu ta muốn bẻ gẫy chiếc đũa đó thì rất dễ. Nhưng nếu chỉ có một tay cầm chiếc đũa thì dù nó có muốn bẻ gẫy bao nhiêu đi nữa mà tay kia không cộng tác thì không bao giờ chiếc đũa gẫy được. Chiếc đũa chỉ có thể bị gẫy khi có sự cộng tác của cả hai tay. Cũng vậy, tại ta cũng muốn bẻ gẫy liên hệ cho nên nó mới gẫy, nếu ta không muốn bẻ gẫy thì liên hệ sẽ không bao giờ gẫy. Tình trạng là như thế đó. Ta không nên hoàn toàn đổ lỗi cho người kia. Sự thật nó đơn giản tới cái mức đó. Anh cứ tới quỳ dưới đức Thế Tôn, rồi nhìn lên, anh thở, anh lắng nghe đi, thì anh sẽ nghe đức Thế Tôn nói:

– Con là một người đáng thương.

Đúng như vậy, anh rất cần tình thương của đức Thế Tôn. Nếu anh ngồi yên, anh thở và anh lắng nghe thêm, đức Thế Tôn sẽ nói:

– Mấy đứa con của con cũng đáng thương lắm, tội nghiệp chúng.

Đức Thế Tôn đã nói thì đúng thôi. Mà nếu anh ngồi lắng nghe thêm, anh sẽ nghe đức Thế Tôn nói:

– Người đàn bà mà con đang hận thù đó cũng rất đáng thương.

Những câu nói đó, nếu anh lắng nghe thì anh nghe được liền: ‘Con rất đáng thương, mấy đứa con của con cũng rất đáng thương và người đàn bà đó cũng rất đáng thương. Ta không muốn bất cứ đứa nào đau khổ cả; ta không muốn cho con đau khổ mà ta cũng không muốn cho người đàn bà đó đau khổ, và ta cũng không muốn cho những đứa con con đau khổ. Nếu con là đệ tử của ta, con phải phát nguyện thực tập như thế nào để con thương được cả ba: con, người đàn bà đó và những đứa con con.’ Nếu anh nghe được câu nói đó của đức Thế Tôn, chắc chắn anh sẽ lạy xuống cảm ơn Ngài: Con tìm ra đường rồi. Con sẽ sống và thực tập như thế nào để tình thương của con có thể ôm lại được con, con của con và cả người đàn bà đó thì con mới xứng đáng là học trò của đức Thế Tôn. Anh bắt đầu có con đường. Đạo đế hiển hiện. Đó là con đường dập tắt hận thù trong chính bản thân của ta và giúp dập tắt hận thù nơi đối tượng kia nữa. Con đường đó không phải là một sự mơ ước, con đường đó là một cách thực tập rất cụ thể. Có những cách suy tư thực hiện được việc dập tắt hận thù, đó là cách suy tư theo đường hướng của Từ, của Bi, của Hỷ và của Xả. Có những lời nói, những lá thơ, có thể đi theo đường hướng biểu lộ được Từ, được Bi, được Hỷ và được Xả; có những hành động nhẹ nhàng, chăm sóc, đầy từ ái, sẽ cứu anh, cứu được những đứa con của anh và cứu được người mà ngày xưa anh đã nguyện thương yêu. Vì anh đã thất bại, anh đã làm cho người thương trở thành kẻ thù, cho nên anh tới chùa để nghe cho được tiếng nói của đức Thế Tôn. Tiếng nói đó, nó có trong trái tim của mỗi người, tại vì đức Thế Tôn ở trong ta chứ không chỉ ở trên bàn thờ. Bụt ở trong trái tim, lắng nghe Bụt trong tim ta và tiếp nhận được thông điệp đó thì ta thấy được con đường. Thấy được con đường là khoẻ rồi, dù chưa đi bước nào nhưng đã khoẻ, đã giải thoát rồi. Khi anh đã biết nhìn anh bằng con mắt của từ bi và đã phát ra tâm từ bi, thì anh thương được người đó cũng như thương được những đứa con của anh và thấy rằng có một con đường có thể giúp ta ôm lấy cả ba để chuyển hóa, dù lúc đó anh chưa làm gì hết mà anh đã khỏe rồi. Anh bắt đầu có trí tuệ, có sự an tĩnh, và nếu anh chịu học hỏi, thì Tam Bảo sẽ soi sáng cho anh như những lời dạy trong kinh Diệt Trừ Phiền Giận, kinh Soi Gương. Tất cả những kinh như vậy là để soi sáng cho ta, đó là lời Bụt dạy. Tăng thân sẽ soi sáng cho anh. Có những thầy, có những sư cô, có những đạo hữu đã từng đi qua con đường đó, họ soi sáng cho anh, họ chỉ cho anh con đường Từ Bi, con đường của Bụt. Chỉ có Từ Bi mới đáp lại được hận thù thôi. Anh còn mang hận thù thì anh còn khổ và anh còn làm khổ người ta. Anh là người xuất gia cũng vậy; chị là người xuất gia cũng vậy. Đây không phải chỉ là sự thực tập của người tại gia mà thôi. Giáo pháp của đức Thế Tôn rất cụ thể. Tư duy như thế nào để khơi dậy được suối Từ Bi (khơi suối thương yêu). Khi suối thương yêu bắt đầu phun lên là ta đã bớt khổ rồi dù chưa làm gì hết. Thấy được con đường sáng thì thế nào ta cũng giúp được cho người khác. Quan trọng là ta có bớt khổ hay không. Còn đang bị lửa địa ngục đốt cháy thì ta làm gì đi nữa cũng chỉ gây thêm khổ đau cho ta và cho người khác. Vì vậy cho nên lời khuyên đầu tiên của Bụt là anh đừng làm gì hết. Nếu anh đang đứng trên một đỉnh núi cao và anh có lòng thương đó, thì đỉnh núi cao trở thành một chỗ rất thoải mái. Và nhờ đứng trên đỉnh núi cao đó mà anh thấy được rất nhiều cái đẹp, tuy chỗ đó là một cao điểm của đời anh nhưng nó không phải là chỗ bí nữa. Ta ngã ở đâu thì ta phải chống ở đó mà đứng dậy, đừng đi tìm kiếm ở những nơi khác mà lầm tưởng rằng những nơi đó sẽ không có vấp ngã. Sư cô cũng vậy. Sư chú cũng vậy. Đừng nghĩ rằng ta phải tới chỗ đó rồi mới có giải pháp hay ngày mai mới có giải pháp. Không! Giải pháp nằm ngay bây giờ và ở đây. Phải tìm lối thoát ngay trong lúc này và tại chỗ này. Nếu sư chú thất bại, nếu sư cô thất bại thì ngày mai cũng sẽ thất bại, tới được chỗ đó rồi cũng sẽ thất bại.

Giáo lý này dành cho cả giới xuất gia và tại gia, tại vì theo cái thấy của thiền sư Lâm Tế, một vị xuất gia chưa chắc đã xuất gia hoàn toàn và một vị tại gia có thể xứng đáng hơn một vị xuất gia nếu vị đó đã chấm dứt sự tìm cầu, có được thanh thản và an trú được trong giây phút hiện tại.