Học trong niềm vui
(Phiên tả Pháp thoại ngày 01 tháng 02 năm 1998, tại xóm Thượng, Làng Mai, Pháp)
Học chữ Hán rất vui. Cách ta học tiếng Hán hay tiếng Pháp tại tu viện không giống như ta học ở trường hay học khoa cử, càng học càng vui, đâu cần phải tiêu hóa gì. Học ở trường là học gạo, học để thi. Ta đâu có học gạo, ta chỉ học chơi thôi, nhưng chính nhờ học chơi cho nên dễ tiếp thu hơn. Ngoài đời có nhiều người học không vào vì học theo cách nhồi nhét. Cách thầy dạy học chữ Hán, học tiếng Pháp là học được chút nào thì hay chút đó và học trong niềm vui. Càng vui chừng nào thì càng thấm chừng đó. Ta học đâu phải để thi. Thầy đọc chính tả chữ Hán để chơi vậy thôi. Học chữ Hán hay tiếng Pháp cũng giống như ta ngồi chơi vậy. Trong khi học có thể có rất nhiều niềm vui, có thể cười, có thể chơi, có thể nuôi dưỡng tình anh em, chị em. Giống như ta đánh cờ hay chơi bóng chuyền vậy, học một giờ chữ Hán hay tiếng Pháp cũng là một giờ vui, cái học này không cần có sự tiêu hóa. Học tiếng Việt cũng thế.
Thầy dạy Phật pháp cũng vậy, thầy đâu có bắt các con phải học như ở ngoài trường lớp. Học Phật pháp, quý vị ngồi nghe đâu cần ghi chép, thấm được chừng nào thì thấm, thầy không bắt buộc mọi người phải thâm nhập vài “ký lô” những điều được nghe. Ta ngồi đó, mở tấm lòng ra, như đất mở lòng ra đón mưa rơi xuống, thấm được bao nhiêu thì thấm. Vì vậy, cái học của ta, kể cả học Phật pháp, cũng không cần tiêu hóa, cứ mở lòng ra để nó vào được bao nhiêu thì vào. Vấn đề học ở đây không phải là học để tiêu hóa. Học ở đây là chơi thôi. Nếu học được theo tinh thần đó thì ta không cảm thấy bị miệt mài, bị gò bó, ép uổng. Học phải có niềm vui.
Nghe nói có một hôm sư chị Viên Quang xuống bếp lấy muỗng, chén, vá,… tất cả dụng cụ làm bếp lên, rồi đưa cho cô Ashia và yêu cầu cô dạy “Hãy gọi đúng tên tôi”, cái muỗng thì phải gọi là cái muỗng. Học tiếng Pháp như vậy rất vui và bổ dưỡng. Chữ Hán cũng vậy. Chúng ta đừng coi cái học này là phải học kiểu “đèn sách” ở trường. Phải học chơi mới được. Chính Phật pháp cũng học như vậy chứ đừng nói là những môn khác. Chuyện tu của ta cũng vậy, chúng ta tu chơi thôi, chớ không tu thiệt, và càng tu thì càng vui. Tu như vậy mới thấm. Khi dạy thầy cũng dạy chơi thôi, thầy không dạy thiệt.