Cùng lên đường chuyển hóa

Mỗi chúng ta đều có một sư anh, sư chị, sư em để chăm sóc. Tất cả chúng ta đều là đệ nhị thân của một người nào đó. Khi chăm sóc đệ nhị thân, ta phải thông minh, khéo léo tìm hiểu, phải có một cái thấy rõ ràng, phải biết người đó đang ở trong tình trạng nào. Nếu đệ nhị thân ta đang ở trong tình trạng báo động, hiểm nghèo thì ta phải biết ta cần làm gì, cần cầu cứu ai để giúp người đó không đi sâu vào tình trạng nguy hiểm. Nếu ta không biết được những điểm yếu kém và tích cực của đệ nhị thân thì ta không thể nào chăm sóc cho đệ nhị thân. Cũng như một bác sĩ, nếu không biết gì về bệnh nhân của mình thì không thể giúp được bệnh nhân. 

Chúng ta không nên chỉ thực tập về phương diện hình thức. Ta phải đem hết tâm hồn mình ra để nghiên cứu, tìm hiểu, quán chiếu và giúp đỡ đệ nhị thân của mình. Như thế mới gọi là tu. Sẽ rất đáng tiếc nếu đệ nhị thân của ta đang lâm vào tình trạng hiểm nghèo, cây kim đã vượt lên quá mức lằn đỏ mà ta vẫn nhởn nhơ, không hay biết. Vậy thì làm sao gọi ta là người chăm sóc đệ nhị thân được. Cho nên, cùng với đệ nhị thân của mình, ta phải ngồi xuống, bàn luận, phải giúp đệ nhị thân tìm ra một pháp môn để tự chăm sóc, tự bảo vệ khi người đó gặp hoàn cảnh khó khăn. Nếu cần, ta có thể cầu viện sư anh, sư chị để có thể làm việc này một cách đàng hoàng, nghiêm túc. Chúng ta không thể nào làm sơ sơ, hình thức, nửa vời. Lương tâm không cho phép chúng ta làm như vậy. Chăm sóc đệ nhị thân chu đáo cũng là ta đang chăm sóc chính mình. Nếu tất cả mọi người trong tăng thân đều biết chăm sóc đệ nhị thân một cách chu đáo thì tăng thân sẽ có bình an và hạnh phúc. 

Ví dụ có một người dễ bị rơi vào tình trạng tuyệt vọng, dễ bị thất vọng. Ta biết rằng trong người đó có hạt giống của sự tuyệt vọng và mỗi khi hạt giống tuyệt vọng bừng dậy thì người đó không còn chút năng lượng nào nữa, chỉ muốn bỏ cuộc, ra đi. Đối với người đó, đầu hàng, bỏ cuộc là giải pháp duy nhất bởi vì người đó có nhiều đau khổ. Nhưng như vậy không có nghĩa là trong con người đó chỉ có hạt giống của tuyệt vọng. Người đó có thể có những hạt giống rất tốt như tình thương, niềm vui, sự hiểu biết, lòng hy sinh, và đầy đủ các hạt giống tốt khác bởi vì trong quá khứ, người đó đã từng rất thương anh, thương chị, thương em, rất có hạnh phúc, biết hy sinh và biết lo lắng cho tăng thân. Ấy vậy mà khi hạt giống tuyệt vọng bùng lên thì tất cả những điều đẹp lành kia bị che lấp hết, người đó để cho bản thân bị kéo đi bởi năng lượng của sự tuyệt vọng. Trong trường hợp gặp chuyện bất như ý, ta có tri giác sai lầm rằng ở đây ta chịu không nổi nữa, muốn sống sót thì phải bỏ chỗ này mà đi.Thế là hạt giống tuyệt vọng biểu hiện và trùm lấp tất cả, không cho ta nhìn thấy bất cứ điều tốt đẹp nào khác nữa. Cũng như khi ta mở đài số 3 thì đài số 3 trùm lấp, không thể thấy được những đài số 2, số 1, số 10, hay số 15,… Cũng vậy, khi tâm hành của sự chán nản biểu hiện, ôm trùm thì tất cả những tâm hành khác đều lặn xuống. Ta để cho tâm hành chán nản kéo ta đi vào những nẻo đường tăm tối. Đó là thời điểm rất nguy hiểm. Bản thân ta, người chăm sóc ta và tăng thân phải có một pháp môn để đối trị. Ba cái đó hợp lại thì có thể cứu vãn được tình thế một cách rất mau chóng, có thể trong vòng vài giờ đồng hồ. 

Có lần thầy dạy cho một thiền sinh bên Mỹ, nên làm một tấm card dày, nhỏ cỡ thẻ tín dụng (credit card), luôn để trong túi. Trên tấm card viết ba câu giúp ta thực tập quán chiếu. Khi giận quá, đau khổ quá, thấy không sống sót được trong hoàn cảnh này, phải ly dị, phải bỏ đi, phải trở thành ma đói mới sống được, thì ta lấy tấm card đó ra, thở và nhìn sâu.

Câu đầu là: “Tôi đang giận. Giận cũng được chứ sao.”  (I am angry. It’s ok to be angry). Ai cũng giận, ta là con người nên ta cũng có quyền giận.

Câu thứ hai: “Nhưng không có nghĩa rằng trên đời này không có ai thương tôi hết.” (But that doesn’t mean there’s no one loves me). Câu thứ hai này là một sự thật mà ta thường không nhớ được. Cũng như khi đài số 3 đang chiếu một bộ phim rất tồi tệ, khiến ta xem thấy bực tức, muốn lấy búa đập nát máy truyền hình. Ta nghĩ rằng truyền hình chỉ có đài số 3, nhưng kỳ thực nếu bấm nút chuyển kênh thì đài số 3 biến mất và đài số 2 xuất hiện, có thể đang chiếu những chương trình rất nhẹ nhàng, tươi vui về động vật hay thiên nhiên. Tâm ta là đài truyền hình có muôn ngàn kênh, ta bấm kênh nào là kênh đó biểu hiện. “Nhưng không có nghĩa rằng trên đời này không có ai thương tôi hết.” Đây là một sự thật. Trong tăng thân, trong gia đình có những người rất thương ta, có những sư anh, sư chị, sư em rất thương ta dầu ta còn nhiều yếu kém. Ta có thể kiểm chứng được điều này. Trong quá khứ ta có những giây phút yếu đuối, có những giây phút không xứng đáng, nhưng những người anh, chị, em đó vẫn thương yêu, chấp nhận, ôm ấp, tha thứ cho ta. Cho nên, ta không thể nói là không có ai thương ta. Vì vậy, hành xử theo kiểu dại dột, u mê, vô trách nhiệm tức là đang phụ bạc tình thương yêu của những người khác. Anh, chị, em của ta nghĩ thế nào nếu ta hành động như vậy? 

Anh, chị, em thương và chấp nhận ta, nhưng ta có thương, có chấp nhận họ hay không? Vì vậy câu thứ ba là: “Vấn đề bây giờ là tôi có tự thương tôi được không, và tôi có tự chăm sóc cho mình được hay không để đáp lại tình thương của những người khác?” (The matter is whether I love myself, I know how to take care of myself in moments like this?) Như vậy, ta thấy bổn phận của ta, thấy hành động dại dột của ta sẽ làm cho ba mẹ, thầy, anh, chị, em ta đau khổ. Ta cư xử như một người vô tình. Ta không đáp ứng được tình thương, sự chấp nhận, ôm ấp của mọi người.

Khi cây kim nằm dưới lằn đỏ nguy hiểm thì phải đem ra sử dụng ngay. Điều ta cần ghi nhớ là đừng bao giờ để cho cây kim vượt qua lằn đỏ rồi mới hành động. Khi trong lòng ta bắt đầu có năng lượng của sự chán nản, bực tức thì ta đừng tiếp tục chịu trận, đừng ráng nuốt xuống, đừng gồng mình, đừng đè nén. Làm như vậy là không thông minh. Ráng nuốt xuống và chịu trận không phải là pháp môn đức Thế Tôn dạy, đức Thế Tôn dạy phương pháp thông minh chứ không phải phương pháp lao tác cực nhọc. Vì đè nén, gồng ép, nuốt xuống thì cây kim sẽ vượt lên lằn đỏ rất mau. Ta không nên áp dụng cách ấy mà nên dùng sự thông minh, kinh nghiệm và cầu cứu đến tăng thân. Tăng thân sẽ hiểu, sẽ ôm ấp, sẽ cho ta một cơ hội, một hoàn cảnh, một phương pháp để ta có thể trở về trạng thái bình thường trong thời gian nhanh chóng. Một bên là sự cố gắng thực tập của cá nhân, một bên là sự thực tập của tăng thân thì sẽ tạo ra hoàn cảnh rất bình yên. 

Thỉnh thoảng trong tăng thân xảy ra trường hợp một người lâm vào tình trạng khủng hoảng, nhiều khi một năm, hai năm mới xảy ra một lần. Và mỗi khi xảy ra điều này thì tất cả mọi người trong chúng đều bị dao động, khổ sở. Do đó, ta phải thực tập như một tăng thân, phải quán chiếu chung với nhau để ngăn ngừa tình trạng, đừng để nó xảy ra rồi mới tìm cách chữa trị. Chúng ta luôn phải có một phong vũ biểu để mỗi khi lằn mức của sự báo động bắt đầu hiện ra thì phải lập tức hành động, đừng để tình hình trở nên quá nghiêm trọng. Điều này không chỉ là sự thực tập của đương sự mà là của cả tăng thân. Ta phải học chăm sóc mọi thành phần của tăng thân theo phương pháp này. Ta phải trình bày hoàn cảnh của ta cho tăng thân biết. Đứng về phương diện thân, ta có những báo động nào về cơ thể, về bệnh tật, chứ không thể một ngày nào đó tuyên bố: “Tôi bị thấp khớp, tôi phải đi liền bây giờ!”. Ta bị thấp khớp trong năm năm hay bảy năm mà tăng thân không hề biết gì hết. Ta không nên hành động như vậy. 

Có một sư anh kể rằng, với bệnh dị ứng của mình, sau khi áp dụng phương pháp ăn uống mới, là không sử dụng thực phẩm từ sữa thì những cơn đau do dị ứng bớt đi đến 70%. Đó là một bước tiến lớn và mọi người đều mừng cho sư anh. Những người đang đau khổ vì dị ứng tại sao không thử phương pháp này. Chúng ta sẽ yểm trợ cho những người đó, như trong bữa ăn thì ta đừng để người đó phải ăn thức ăn có thành phần từ sữa và ta tìm những món khác thay thế. 

Tất cả những điều này thuộc về sự thực tập của tăng thân. Mỗi cá nhân phải trình bày cho tăng thân biết những điểm yếu nào về phương diện cơ thể và những điểm yếu nào về phương diện tâm. Ta chia sẻ cho tăng thân biết, mỗi khi lâm vào tình trạng khó khăn về thân hay về tâm thì ta thực tập như thế nào và tăng thân có thể giúp ta như thế nào? Mỗi người phải có bản đồ, có cẩm nang chữa trị rất rõ ràng mà tăng thân phải biết. Khi chăm sóc đệ nhị thân, ta phải hỏi han, phải biết về chuyện đó. Nếu hoàn toàn mù tịt thì người đó đâu phải là đệ nhị thân của ta nữa. Đệ nhị thân của ta phải chia sẻ với ta. Đôi khi ta không giỏi, nhưng ta vẫn chăm sóc được, bởi vì ta có sư anh, sư chị, những người biết rõ về phương diện này hơn ta, và ta có thể đến cầu cứu. Tuy người này là đệ nhị thân của ta nhưng cả đại chúng đều phải chăm sóc người này. Chúng ta phải đưa sự thực tập của mình đến sự chín chắn chứ đừng chỉ làm nửa vời, đừng làm một phần tư, một phần năm, một phần ba. Ta phải tự nhắc mình và tăng thân phải nhắc giúp ta là bệnh tật đó, buồn đau đó chỉ là một phần nhỏ của toàn thể sự thật. 

Cũng như trong một khu vườn, có một cái cây đang vàng úa, có thể chết, nhưng không phải vì cái cây đang vàng úa đó mà ta đau khổ, bỏ qua cả vườn cây. Ta phải thấy rằng ngoài cây chết đó ra, ta còn hàng trăm cây khác đang tươi tốt, xanh mát, đẹp đẽ nên ta không bao giờ bỏ vườn cây. Ta phải đưa mắt nhìn toàn thể vườn cây. Chúng ta cũng vậy, ta có một tâm hành tiêu cực, một nỗi khổ đau nào đó, nhưng đồng thời ta cũng có những tâm hành rất tích cực, những niềm vui, hạnh phúc lớn, vậy tại sao ta lại để tâm hành tiêu cực kéo ta đi. Đứng về phương diện cá nhân của hành giả, và đứng ở phương diện tăng thân, hai bên phải giúp nhau để thấy rằng, ta là một vườn cây xinh đẹp rộng lớn, chứ không phải chỉ là một cái cây hay một tâm hành nhỏ. 

Trong chúng ta có không ít những người có bản chất yếu ớt, không đủ vững chãi. Nếu đưa những người này ra ngoài cuộc đời thì họ rất khó sống, bởi vì yếu tố vững chãi trong họ không đủ để đứng vững trước cuộc đời đầy sóng gió. Nếu ta là một người như vậy nhưng khi sống trong tăng thân, biết đan mình vào trong mạng lưới của tăng thân thì tự nhiên có những yếu tố vững chãi nâng đỡ ta và ta được hưởng sự vững chãi của tăng thân, tự nhiên ta có hạnh phúc và sống được. Sự thông minh nằm ở chỗ ta chấp nhận điểm yếu của ta và biết đan những cái yếu của ta vào trong những cái mạnh khác để ta có thể sống với cái yếu mà cái yếu đó không ảnh hưởng xấu đến ta. Đây là một sự thực tập rất quan trọng.

Đứng về phương diện cơ thể cũng vậy, nếu ta biết một bộ phận nào đó trong cơ thể đang yếu, ta phải biết giữ gìn và chăm sóc những bộ phận liên quan còn khỏe mạnh. Nhờ vậy, bộ phận yếu đó cũng được chăm sóc để không trở nên quá trầm trọng. Trong y lý của Đông y, tâm, can, tỳ, phế, thận liên hệ với nhau rất mật thiết. Khi gan (can) yếu thì nó không nâng đỡ và nuôi dưỡng được tỳ, và gan lọc không được tốt thì sự tiêu hóa của ta cũng kém. Can nâng đỡ tỳ và tỳ là bộ phận căn bản nâng đỡ phế (phổi), cho nên tỳ yếu thì phế yếu, phế yếu thì thận yếu, và thận yếu thì tâm (tim) sẽ yếu. Nếu ta có một bộ phận yếu thì phải làm sao để hai bộ phận hai bên đừng yếu. Nó chưa yếu thì đừng làm cho nó yếu. Ví dụ khi tỳ yếu thì phải làm sao để gan, phổi đừng yếu. Nếu biết chăm sóc gan, đừng ăn những thức làm gan khổ sở nhiều quá, như chocolate, mỡ, uống những thuốc hại gan thì gan sẽ không đến nỗi nào. Trong khi tỳ đã yếu, mà ta cũng không biết chăm sóc gan cho đàng hoàng, thì gan sẽ không nâng đỡ được tỳ. Phế cũng vậy, ta cần phải làm gì đó để giúp cho hai lá phổi của ta, như mỗi ngày phải thiền hành cho nhiều, phải thở không khí trong sạch, không được hút thuốc. Khi ta chăm sóc tốt cho gan và phổi thì tuy tỳ yếu nhưng ta vẫn có thể sống tốt được. 

Cũng vậy, nếu có những điểm yếu về tâm như dễ giận dữ, trầm cảm, tuyệt vọng thì ta phải biết đan điểm đó vào giữa những điểm khác và chăm sóc chúng cho vững thì điểm yếu đó sẽ không đến nỗi yếu quá và ta có thể sống được. Có những người có nhiều lo lắng, giận hờn, thiếu thảnh thơi, hoặc có một trong những điều đó, nhưng có sự thực tập, được sống trong sự nâng đỡ của tăng thân thì tuy rằng sự yếu kém vẫn còn nhưng người đó vẫn sống hạnh phúc như thường. Rất lạ. Không cần chuyển hóa ngay lập tức, cứ để nó ở đó mà ta vẫn đủ hạnh phúc. Tuy không đè nén, không gồng ép, không thúc đẩy nhưng sự chuyển hóa sẽ vẫn từ từ xảy ra một cách tự nhiên. Năm bảy năm sau có thể có sự thay đổi rất lớn, người đó tự nhiên trở nên bình tĩnh, vững chãi và thảnh thơi. 

Vì vậy sự thực tập của ta là biết chăm sóc và giữ gìn, phải để những yếu tố khỏe mạnh chăm sóc thêm những phần yếu kém, phải giúp những cái đẹp có cơ hội biểu hiện để từ từ ôm ấp và chuyển hóa được những yếu tố chưa đẹp. Theo sự thực tập này, mỗi chúng ta phải gọi được tên những điểm yếu kém cũng như những điểm không yếu kém về thân. “Thận của con tuy yếu, nhưng tâm và phế chưa đến nỗi nào. Con thường nuôi dưỡng tâm và phế để nâng đỡ thận. Đó là sự thực tập hằng ngày của con. Thầy, các anh chị thấy thế nào? Con có thể làm gì để sự thực tập được khá hơn lên?” hoặc: “Con có bệnh về đường ruột, vì vậy con biết con phải chăm sóc gan, phổi của con. Về gan thì con ăn uống, giữ gìn thế này, về phổi thì con thực tập thế kia, để gan, phổi đủ mạnh có thể nâng đỡ tỳ của con.” Ta phải biết và tăng thân phải biết. Đó là đứng về phương diện thân. 

Về phương diện tâm cũng vậy, ta phải gọi đúng tên những điểm yếu kém và không yếu kém. Ta trình cho thầy và tăng thân biết để thầy và tăng thân chỉ dạy, soi sáng thêm cho ta. “Con nghĩ là về phía con, con có thể làm những điều này…, về phía thầy và tăng thân có thể giúp con làm những việc kia,… Những lúc con khó khăn thì con mong tăng thân có thể làm,… hoặc không làm,…” Mỗi người phải nói ra rõ ràng như vậy, giấy trắng mực đen, và anh chị em nên biết để có thể giúp được. Tuy ta không thể chăm sóc tất cả các thân của ta, ta chỉ đang chăm sóc cho đệ nhị thân của ta, nhưng đệ nhị thân đang chăm sóc đệ tam thân, vì vậy ta đang sống như một mạng lưới của tăng thân.

Cuối cùng là công phu phải đều đặn, nghĩa là đừng đợi đến khi có vấn đề, đừng đợi đến khi cây kim lên đến lằn đỏ rồi mới thực tập; ta phải thực tập hằng ngày, một cách dễ chịu, tức là thực tập theo phương pháp hiện pháp lạc trú thì những yếu kém đó sẽ tự nhiên chuyển hóa dù ta không muốn chuyển hóa. Công phu phải đều đặn hằng ngày, không gồng ép, không dụng sức quá mức. Công phu phải nhẹ nhàng, tinh cần và hạnh phúc sẽ đưa sự chuyển hóa đi tới một cách tự nhiên. Mỗi khi pháp đàm, chúng ta phải chia sẻ để tìm ra cách có thể thực hiện được việc này. Mỗi chúng ta phải tự làm bác sĩ cho mình và phải thấy tăng thân có thể làm được gì để giúp ta cũng như ta có thể làm gì để giúp cho những thành phần khác của tăng thân. Chúng ta phải là một mạng lưới thì chúng ta mới thành công được.