Chuyển hóa trong mỗi phút giây

(Phiên tả Pháp thoại ngày 08 tháng 02 năm 1998, tại xóm Thượng, Làng Mai, Pháp) 

Tại Làng Mai, chúng ta thường nói về danh từ chuyển hóa (transformation). Tu là để chuyển hóa những tập khí tiêu cực và những khổ đau trong ta. Nhưng có nhiều khi chúng ta đợi hoài, cố gắng nhiều lắm mà vẫn không chuyển hóa và có thể ta đâm ra nghi ngờ phương pháp thực tập không có hiệu quả. Nhưng chuyển hóa cũng giống như độ chín của trái cây. Thử tưởng tượng, một trái cam mới nhú ra nhỏ bằng đầu ngón chân, chúng ta không thể ép trái cam chín ngay được. Trái cam phải lớn từ từ, có nắng mưa đi ngang qua, đợi tới tháng Bảy, tháng Tám thì mới có thể chín được. Chúng ta cũng vậy, không thể nóng nảy, không thể ép buộc. Chúng ta thực tập trong đời sống hằng ngày cho đàng hoàng thì sự chuyển hóa đó sẽ xảy ra một cách tự nhiên mà không bị gò ép. Nếu chúng ta thúc đẩy, ép buộc quá thì nó có thể hư hoại. 

Có một thiền sinh ở xóm Thượng rất ghét sự chuyển hóa, anh ta nói rằng: “Tôi không cần chuyển hóa, tôi chỉ cần tiếp xúc với tánh Bụt, với bản tánh trong tâm là tôi có hạnh phúc”. Anh ta không cho rằng sự thực tập hàng ngày là quan trọng, ví dụ ái ngữ, hơi thở có chánh niệm hay thiền hành,… Anh ta không hạ thủ công phu, và nghĩ rằng chỉ cần tiếp xúc với bản tâm thanh tịnh thì mọi sự mọi vật sẽ tự hoàn thành. Nhưng vì anh đang ở trong tăng thân xóm Thượng, mọi người đi thiền, thở chánh niệm, ăn cơm im lặng,… nên cố nhiên anh bắt buộc phải làm theo. Tuy không muốn chuyển hóa, nhưng sau một vài tháng anh đã chuyển hóa rất nhiều. Trong một buổi thiền trà, người ta nói rằng anh rất lạ, ai cũng thấy được sự chuyển hóa của anh rất lớn. Anh ta tỏ ra không thích và nói: “Tôi đâu có dính líu đến công việc (business) chuyển hóa của quý vị, tôi có muốn chuyển hóa bao giờ đâu.” Ấy vậy mà sự thật là anh đã chuyển hóa rất nhiều. Có thể là do anh không cố tâm chuyển hóa, không thúc đẩy chuyển hóa nên sự chuyển hóa đó đến một cách tự nhiên.

Chúng ta rút ra bài học từ câu chuyện trên là đừng đè nén, đừng áp bức, đừng gò ép, đừng thúc đẩy sự chuyển hóa quá. (Don’t work too hard for your transformation, allow it to take place naturally). Cũng đừng sử dụng phương pháp khổ sai (hard labor) để đi tới chuyển hóa. Hãy đặt mình vào một khung cảnh thuận lợi để quá trình chuyển hóa từ từ xảy ra một cách tự nhiên. Đừng dùng sức mạnh của vai u thịt bắp mà phải dùng sự thông minh của ta để thực tập. 

Thế Tôn đã dạy ta phải thực tập một cách thông minh trong nhiều kinh điển. Công phu không phải là hành trì một cách mỏi mệt, không phải là làm cho nhiều, cho mạnh, cho hết hơi sức mà làm cho thông minh. Nếu thông minh, chúng ta tốn rất ít hơi sức mà vẫn đạt được kết quả lớn. Nếu không thông minh, chúng ta tốn rất nhiều năng lượng nhưng đem lại kết quả rất ít. Ví dụ chúng ta không biết đường hướng vận hành của tâm mình, để rồi cố gắng quá sức, tự ép mình quá; sau một thời gian khiến ta ngã quỵ hoặc bứt ra và bỏ cuộc. Trong khi đó, nếu ta biết đường hướng vận hành của tâm thức, khéo léo đi theo, nâng đỡ nó thì ta không cần dùng sức nhiều mà vẫn đạt tới những thành quả rất tốt đẹp. Tất cả chúng ta đều có những điểm tiêu cực trong thân cũng như trong tâm và muốn chuyển hóa. Thân ta có thể có những thói quen xấu, những tật bệnh, những nội kết về phương diện thân. Ví dụ chúng ta bị bệnh đường ruột, bệnh tim, nhức đầu, dị ứng, thấp khớp, chóng mặt, huyết áp cao, hay bệnh ung thư,… Những căn bệnh này làm ta khổ sở và chúng ta muốn chuyển hóa, nhưng chuyển hóa bằng cách nào? 

Đứng về phương diện thân, mỗi người có ít nhất một, hai vấn đề muốn chuyển hóa. Chúng ta muốn sức khỏe toàn hảo thì không bao giờ có. Chúng ta phải thông minh, biết rõ bản thân mình bằng những kinh nghiệm đã đi qua trong quá khứ, đừng nghe ai nói nên uống thuốc nào là lập tức uống thuốc đó, điều này có thể làm cho tình trạng sức khỏe xấu đi. Ví dụ khi mùa xuân tới, ta biết ta đau khổ mỗi khi cơn dị ứng nổi dậy. Ta cũng biết rằng có những điều nếu ta chịu khó không làm thì cơn dị ứng sẽ nhẹ hơn và có những điều ta nên làm thì sự đau khổ do dị ứng sẽ vơi bớt. 

Người nào cũng có kinh nghiệm về nỗi đau khổ của mình. Những kinh nghiệm đó ta phải học, phải nhớ, ít ra ta có một ít vốn liếng kinh nghiệm đối với bệnh tật. Nếu quyết tâm dùng sự thông minh để thực tập thì những đau khổ sẽ nhẹ đi một phần rất lớn và ta có thể sống hòa bình, an lạc, thân hữu với chứng bệnh của ta. Có người nói rằng chừng nào chứng bệnh này còn thì tôi không có hạnh phúc. Một là tôi có mặt, hai là bệnh có mặt, chứ không thể nào sống chung được. Đó là những người đau khổ nhất. Vấn đề là ta phải chấp nhận sự yếu kém của thân, chấp nhận và tập sống hòa bình với bệnh. 

Kinh nghiệm trong quá khứ có thể dạy ta nên làm gì, không nên làm gì để có thể sống hòa bình, an lạc với chứng bệnh của ta. Ví dụ vì có bệnh thấp khớp, ta đau nhức vô cùng. Nếu ngây thơ tin tưởng rằng có một thứ thuốc chữa dứt hoàn toàn chứng thấp khớp, điều này có thể làm ta đau khổ, bởi vì ta đang không thể nào có được thứ thuốc đó. Ta phải có những phương pháp sống, biết nên sống ở đâu, không khí ẩm thấp hay khô ráo, nên ăn uống gì, nên tắm giặt như thế nào,… Tất cả những điều đó ta đều đã có kinh nghiệm, ta nên rút ra những kinh nghiệm cho mình và kiên quyết sống theo thì tự nhiên ta ít đau khổ hơn nhiều và có thể sống hòa bình an lạc với căn bệnh. Bệnh đường ruột cũng vậy, ta đã từng đau khổ với căn bệnh này, vậy ta biết nên ăn gì, uống gì, nên kiêng cữ như thế nào. Nếu ta đã thực tập nhịn đói mười ngày hay mười lăm ngày và tình trạng đường ruột của ta chuyển hóa tốt đẹp thì tại sao thỉnh thoảng ta không thực tập như vậy. Do đó, ta luôn cần học từ những kinh nghiệm đã có và áp dụng lại một cách thông minh. 

Chúng ta sử dụng những kinh nghiệm, sử dụng ý chí và biết sử dụng cả tăng thân vì tăng thân có thể giúp ta làm được những điều cần làm. Tăng thân đóng một vai trò rất lớn, có thể tạo ra được một khung cảnh để những người như ta sống và trị liệu, giúp ta thành công dễ dàng hơn. Một bên là tự lợi, một bên là lợi tha. 

Những người bị huyết áp cao cũng vậy, họ biết một số phương pháp, biết chuẩn bị những gì để khi thấy có dấu hiệu của cơn huyết áp cao thì đem hết những thứ đó ra áp dụng. Đời sống và sinh hoạt hằng ngày như thế nào, ăn uống như thế nào, giữ gìn như thế nào,… họ đã có kinh nghiệm và bác sĩ của họ đã cho biết những phương pháp chăm sóc tự thân phù hợp với tình trạng của họ. Phải đặt mình vào tình trạng báo động và có sự yểm trợ của những người trong nhà. Người nhà khi biết ta lâm vào tình trạng báo động sẽ đem hết khả năng để giúp cho ta, không để ta rơi vào biến cố hiểm nguy. 

Về phương diện thể chất, ta có những đau khổ nào, những bất như ý nào, ta phải biết tìm cách sống hòa bình với nó. Ta phải biết cách nắm vững những phương pháp hành trì mỗi khi triệu chứng đó bắt đầu báo động. Cùng với sự yểm trợ của những người xung quanh, ta biết những điều cần làm và không nên làm để dễ dàng vượt qua giai đoạn khó khăn. Khi đã vượt qua được một lần thì ta có niềm tin và không sợ hãi, ta sẽ sống hòa bình, an lạc được với những yếu kém, bệnh tật, nội kết của ta, và lần sau, nếu có dấu hiệu báo động, cứ làm theo đúng phương pháp đã làm, ta sẽ vượt qua thêm lần nữa.  

Không hẳn không có bệnh tật thì ta mới hạnh phúc. Những người bệnh ung thư, hay AIDS cũng có thể sống an lạc, hạnh phúc trong giây phút hiện tại nếu họ biết thực tập những gì cần thực tập và những người xung quanh yểm trợ để họ có thể sống theo đường lối đó. Vì vậy, ta phải nắm cho được pháp môn, đó là sống hài hòa, sống hòa bình, an lạc với bệnh tật của ta. Có nhiều người bệnh ung thư nhưng không chết vì ung thư, mà chết vì nỗi lo sợ, hoặc chết vì những bệnh lặt vặt như bệnh cảm. Khi bị ung thư thì cơ thể trở nên yếu đi, bệnh cảm trở thành nguy hiểm. Do đó, phải giữ gìn sức khỏe đến mức tối đa. Khi cơn cảm đến thì nó không trở thành nặng và không vật ngã ta được. Ta phải biết ăn, uống, nghỉ ngơi cho có điều độ, biết săn sóc thân thể để đừng bị xâm chiếm bởi những tật bệnh nhỏ, nhờ vậy ta có thể sống rất lâu dù có bệnh ung thư. 

Khi có một nội kết trong thân, ta phải tìm hiểu cho thật sâu sắc bản chất của nội kết đó, phải nắm cho được một pháp môn để chăm sóc căn bệnh. Phải có một “cẩm nang chữa trị”, surviving kit, để đem ra thực tập 100% khi cơ thể báo động. Lúc có báo động thì tình trạng có thể trở thành nguy hiểm. Khi cây kim chỉ gần đến lằn đỏ báo động, ta phải chăm lo ngay, đừng để vượt qua mức báo động. Nếu chúng ta không đem cẩm nang chữa trị ra để thực tập, để áp dụng thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng ta, đến hạnh phúc của những người thân trong gia đình và đoàn thể của ta. Sau khi đã viết xuống những điều ta và những người sống chung với ta phải làm để có thể giúp ta vượt qua giai đoạn khó khăn đó thì chúng ta mới yên tâm. Ta phải có một chiến thuật để sống an lạc, hòa bình với căn bệnh của ta. Ta có thể sống rất lâu mà căn bệnh đó không làm gì ta được.

Đứng về phương diện tâm lý cũng vậy, ta có những nội kết, là cơn giận, sự tuyệt vọng, nỗi cô đơn, cơn trầm cảm, uất ức, những giây phút ganh ghét, thù hận,… Những lúc đó ta thấy khó sống quá, muốn nổ tung, muốn bỏ đi, muốn trừng phạt những người thương của ta, hay thậm chí có những ý định điên rồ, muốn tự tử. Những lúc đó nguy hiểm không khác gì khi ta bị tăng huyết áp hay bị trụy tim. Vì vậy, chúng ta phải biết những điểm yếu, những nội kết trong tâm mình. Nó cũng có lằn mức báo động của nó. Những lúc cảm thấy tâm tư bất an, đau khổ và ý thức được cây kim đang chỉ tới lằn đỏ, biết tình trạng có thể trở thành nguy hiểm, ta phải lập tức đem “cẩm nang chữa trị” ra để thực tập. Phép cứu mạng đó do chính chúng ta chuẩn bị sẵn bằng sự thông minh của mình và bằng cách thâu thập những kinh nghiệm đã có trong quá khứ. Trong quá khứ có thể ta và những người sống chung với ta đã lầm lỡ, dại dột để cho tình trạng trở nên tệ hại. Tất cả những kinh nghiệm đó ta phải học và hiểu tường tận để khi cây kim lên tới gần lằn đỏ thì chính ta và những người xung quanh ta sẽ không dại dột lặp lại những lỗi lầm. Nếu cần, ta thay đổi môi trường, xin nhập thất, xin chuyển chỗ ở hoặc thay đổi hoàn toàn nếp sống hằng ngày để có thể chăm sóc tâm mình với sự yểm trợ của những người thương.