Học tiếng Việt

Sư cô Trăng Hiền Nhân, người Pháp, xuất gia năm 2018 trong gia đình cây Dẻ Gai. Sư cô có nhiều cảm hứng và yêu thích học tiếng Việt từ khi bước vào Tăng thân. Bài viết dưới đây do sư cô viết trực tiếp bằng tiếng Việt.

Con kính bạch Thầy,
Con kính thưa quý thầy, quý sư cô và đại chúng,

Năm nay con xin phép được chia sẻ về một chủ đề thú vị lắm. Chủ đề này là “học tiếng Việt”. Thực sự, học tiếng Việt ở đây không phải là học tiếng Việt, cho nên mình được nói “học tiếng Việt”. Có phải đủ thú vị chưa?

Trong đời xuất sĩ của con, học tiếng Việt là một hạnh phúc lớn. Trong cái học đó, con và em bé trong con được sống với nhau những giờ phút đẹp trong đời, với năng lượng trị liệu và thương yêu. Con không học với các cuốn sách. Hoặc là khi con có đọc một cuốn sách để học tiếng Việt, thì cuốn sách đó không ngừng lại ở việc chỉ là một cuốn sách thôi mà đã trở nên một người bạn rồi. Tâm con là như thế với vấn đề học tiếng Việt.

Hai năm về trước, khi mới xuất gia, con trở nên rất quan tâm đến vấn đề học hỏi văn hóa Việt Nam. Nhưng con muốn vừa học vừa chơi. Vì vậy cho nên, con vào thư viện và đã tìm thấy một cuốn sách trong đó có vài bài hát Việt Nam, như “Sài Gòn đẹp lắm” hay “Ly rượu mừng” (nói về ngày Tết) và may mắn cho con, trong sách đó cũng có một cái đĩa CD để nghe được các bài hát. Con học và nghe các bài hát đó thôi.

Rồi một buổi tối, lúc con đang hát “Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!” thì con gặp sư cô Thanh Ý (lúc đó sư cô là y chỉ sư của con). Sư cô tỏ ra ngạc nhiên lắm và sư cô chia sẻ một chút với con về bài hát đó cũng như về bối cảnh chính trị lúc đó. Con hiểu ra rằng con nên hát các bài về sự thực tập thay vì các bài khác.

Trong con, có một em bé vẫn còn đang tìm kiếm một gia đình có nhiều tình thương để được nương tựa. Con học tiếng Việt tức là con học nghe em bé trong con, con học hiểu, học ôm ấp và chơi với em bé.

 

Với em bé trong con, thì quý sư cô, các sư chị người Việt là hình ảnh của một gia đình có sự ôm ấp, có tình thương, có sự tươi mát, có cái đẹp của một trái tim đơn giản và trong trắng. Em bé trong con thấy quý sư cô đẹp như các thiên thần và hiền lành như một cánh đồng hoa.

Con học tiếng Việt, tức là con mở lòng ra và để năng lượng của quý sư cô, các sư chị, sư em đi vào trong con và ôm ấp các vết thương trong con. Học tiếng Việt tức là ngồi chơi, đi bộ, uống trà, chia sẻ, sống gần với quý sư cô. Con thì không cố gắng chăm học gì hết. Con chỉ muốn mở lòng ra để được trị liệu.

Sự thật là con rất nhạy, nhất là với vấn đề liên hệ giữa người với người. Cho nên đó là lý do tại sao học tiếng Việt mà con không thể nói tiếng Việt. Con có thể đọc, viết hoặc nghe tiếng Việt, nhất là đọc thơ và nghe các buổi pháp thoại của Sư Ông trong khi con ngồi một mình ở bàn học của con. Nhưng với vấn đề nói, thì con như bị đóng băng (freeze). Một điều nữa là con không có lỗ tai sành nhạc nên con không có khả năng phát âm tiếng Việt cho đúng cách .

Dù vậy con vẫn rất biết ơn sự có mặt của quý sư cô từ Việt Nam qua. Thật sự con thấy văn hóa Việt Nam có rất nhiều điều đẹp để hiến tặng xã hội Tây phương, để xã hội Tây phương có cơ hội được trị liệu, học lại cách sống vui và đơn giản. Nói như vậy không có nghĩa là con thấy văn hóa Tây phương không có nhiều cái hay. Có, vốn có nhiều lắm, nhưng hiện nay, xã hội đang bị bệnh và đang mất đi những nét đẹp ấy của mình.

Con nhớ năm ngoái, có dịp nọ con đi bộ với một sư cô người Việt. Đang đi, con ngây thơ hỏi sư cô: “Thưa sư cô, ở quê của sư cô, người ta thường đi bộ không?” Sư cô trả lời rằng không thường lắm, tại vì ở quê thì mọi người bận làm việc ở đồng ruộng. Sư cô nói rằng làm ở đồng ruộng thì mọi người làm chung, các trẻ em cũng phụ và có nhiều tình huynh đệ, niềm vui và sự ôm ấp, che chở. Con vừa nghe sư cô vừa nhìn các vườn nho xung quanh mình. Có cái gì đi lên trong con và con cảm thấy vui quá đi! Con nói với sư cô: “Sư cô có biết không? Ngày xưa, ở Pháp cũng vậy. Cả gia đình, cả làng đều làm chung ở ruộng nho và dịp này ai cũng hạnh phúc lắm! Mọi người làm chung, ăn chung, làm xong thì nhảy múa và hát nghêu ngao đến đêm khuya. Dịp này con nhớ nó đặc biệt lắm”.

Vì vậy, tiếp xúc được với quý sư cô người Việt giúp con tìm thấy những nét đẹp trong các nền văn hóa mà con chưa có được nhiều kinh nghiệm trong xã hội hiện tại. Với con, tuệ giác của Sư Ông không phải chỉ là mang đạo Bụt đi vào xã hội Tây phương giúp trị liệu những thương tích khổ đau trong xã hội này. Tuệ giác của Sư Ông cũng là để chia sẻ các gia sản quý giá của văn hóa Việt Nam với thế giới Tây phương.

Con chia sẻ như vậy để nói lên lòng biết ơn của con. Quả thật trong đời sống hàng ngày, con chưa biểu lộ được nhiều niềm biết ơn này. Con vẫn bị ảnh hưởng bởi các vết thương của quá khứ. Cho nên, để con có thể biểu lộ lòng biết ơn, con thường vào thiền đường và thực tập Sám pháp địa xúc hoặc là con viết một cái gì đó trong quyển sổ công phu thôi.

Để kết thúc, con xin chia sẻ một bài thơ “con cóc” mà con đã tập làm trong thời gian học tiếng Việt (cụm từ “bài thơ con cóc” con không thể nào nhớ để viết được nên con đã nhờ các sư cô viết cho con qua tiếng Việt trong khi con nói tiếng Anh).

Học tức là tu chơi
Chơi học yêu cuộc đời
Yêu đời nở nụ cười
Thở cười bước thảnh thơi

Nhưng tâm con thì nhỏ
Thảnh thơi rồi bối rối
Lo, nghĩ, hết rong chơi
Vậy thì nên tu chơi

Chơi, con lại hài lòng
Vui rồi tiếp học hỏi
Học nhiều xong mệt mỏi
Mệt mỏi nên nghỉ ngơi
Học tức là ham chơi!