Tứ chúng Làng Mai trong những ngày qua đã có những giây phút có mặt, chia sẻ với nhau trong không khí của xuân Nhâm Dần. Mỗi người là một sự tiếp nối đẹp của Thầy qua từng bước chân, hơi thở chánh niệm và những lời chúc yêu thương đầu năm mới.
Không có sinh diệt, chỉ có sự tiếp nối
(Lời tâm tình gửi Thầy trước ngày Trà Tỳ)
Kính lạy Thầy!
Xin cho con đem hết lòng biết ơn và kính mến dâng lên Thầy trong giờ phút linh thiêng này.
Thầy đã nuôi dưỡng con qua những bài pháp thoại, giúp con thấy rõ thêm con đường và những pháp môn mà Thầy đã thực tập và chỉ dạy cho chúng con. Những tuệ giác thâm sâu trong đạo Bụt, trong những truyền thống khác, trong những khám phá mới của nhân loại, Thầy luôn tìm cách trao truyền cho chúng con.
Thầy đã nuôi dưỡng con trong những bước chân của Thầy, được đi bên Thầy con nuôi dưỡng được sự vững chãi thảnh thơi trong con.
Thầy đã nuôi dưỡng con, đem con trở về với giây phút hiện tại để con được sống, được tiếp xúc với những nhiệm mầu của cuộc sống này, được thấy rõ sự có mặt của những người con thương mà không còn lang thang như một con người đi trong cõi mộng.
Thầy đã nuôi dưỡng con những lúc chúng con ngồi đưa võng cho Thầy. Thầy nhìn lên những chiếc lá bạch dương đang bay theo chiều gió. Chúng con đã thay nhau hát cho Thầy nghe. Có lúc Thầy nhìn chúng con mỉm cười mà không cần nói năng chi.
Thầy đã nuôi dưỡng con những lúc được Thầy nắm tay đi thiền hành, Thầy bóp tay con nhè nhẹ mỗi lúc và con biết rõ là Thầy đang nhắc con trở về hơi thở và tận hưởng giây phút bên Thầy.
Thầy đã nuôi dưỡng con khi Thầy dẫn đại chúng đi thiền hành, các em thiếu nhi hồn nhiên, trong sáng bao quanh Thầy, Thầy nắm tay từng đứa bước thong dong.
Thầy đã nuôi dưỡng con trong tư thế ngồi vững chãi, an nhiên của Thầy. Thầy ngồi thiền với Tăng thân, Thầy ngồi ăn cơm với chúng con, Thầy ngồi trên bãi cỏ, trên đồi cao, bên mé rừng, nơi vườn Bụt hay giữa đại lộ trong một buổi đi cho hòa bình. Thầy trò ngồi trong bình an, ‘như chưa bao giờ từng có cơn bão lửa’ nào xảy ra.
Thầy đã nuôi dưỡng con khi được đi theo Thầy hay dõi theo Thầy trong những chuyến đi hoằng pháp, biết bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình được học nếp sống tỉnh thức, được hóa giải những khổ đau, làm mới lại cuộc đời. Biết bao nhiêu nhà chính trị, tôn giáo được tiếp xúc và thấy được những giá trị đích thực trong các công trình hoằng pháp ấy của Thầy. Thầy đã chỉ ra những hướng đi mới, lành mạnh để xây dựng một xã hội từ bi hơn.
Thầy đã nuôi dưỡng con khi Thầy dẫn chúng con đi trên những con đường huyền thoại trong các Xóm, đi dạo trong rừng bạch dương, rừng tùng, rừng mai khi mùa xuân về hoa nở trắng xóa, rừng sồi đỏ khi mùa thu về lá đua nhau cho những sắc màu mới.
Thầy đã nuôi dưỡng con khi Thầy tự tay nấu những bữa cơm với măng kho, những bữa sáng với bánh mì và tàu hũ giã nhuyễn đem ninh với một ít gia vị. Tự tay Thầy rót những ly trà cho chúng con mỗi khi đến thăm Thầy.
Thầy đã nuôi dưỡng con khi Thầy đưa Tăng thân đi qua những cơn bão tố. Những lúc khó khăn ập đến trong bản thân và gia đình, Thầy luôn là người có mặt và lắng nghe chúng con.
Thầy đã nuôi dưỡng con mỗi khi Thầy “cạo gió” hay cho con được sám hối những vụng dại. Những lời chỉ dạy của Thầy chưa hề có một cảm xúc giận nào trong con và trong lời nói, nét mặt của Thầy. Sau mỗi lần vấp ngã, Thầy vẫn luôn cho chúng con thêm niềm tin để đứng lên và dù có thêm nhiều lần vấp ngã nữa con tin Thầy vẫn kiên nhẫn cho đến lúc nào chúng con tự đứng vững được trong sự thực tập.
Thầy đã nuôi dưỡng con khi con quỳ gối trước Thầy để xin làm mới thân tâm, phát nguyện buông xuống những khó khăn mà bấy lâu nay con chưa buông xuống được. Lòng biết ơn trong con đã giúp cho con có thêm động lực để con buông xuống. Vì rằng đó là cách đền đáp ân đức mà Thầy đã nuôi lớn con trong đời sống tâm linh này.
Thầy đã nuôi dưỡng con khi Thầy ngồi đó nhìn chúng con chơi, có khi Thầy cùng chơi và khuyến khích chúng con đi ra chơi với nhau. Thầy thích được thấy huynh đệ chúng con đến chơi với nhau, bỏ ngoài những cái lo lắng, dị biệt. Thầy thích thấy chúng con cười và hạnh phúc. Thầy là bếp lửa sưởi ấm của mùa đông, là hồ sen thơm mát vào những ngày hạ.
Thầy đã nuôi dưỡng con trong những bức thư pháp chứa đựng những tuệ giác, sự nhắc nhở khéo léo mong chúng con để lòng thực tập.
Thầy đã nuôi dưỡng con mỗi khi có người quỳ trước Thầy xin xuất gia, quyết rũ bỏ những bụi trần để cùng Thầy đồng hành trên con đường tu học và giúp người. Những lúc Thầy trao ngọn đèn chánh pháp, những bài kệ truyền đăng chứa đựng thật nhiều tuệ giác và sự tin cậy nơi mỗi chúng con.
Thầy đã nuôi dưỡng con khi con được tiếp xúc với các sư anh, sư chị, sư em trong Tăng thân hay với những người bạn đồng tu ở các truyền thống khác, những người thiền sinh đã từng đến tu học với Tăng thân hay chỉ biết Thầy qua một bài pháp thoại trên mạng, đọc được một cuốn sách của Thầy. Họ luôn luôn nuôi lớn con trong niềm tin nơi Thầy và trên con đường thực tập này.
Thầy đã nuôi dưỡng con trong những cái mới và đẹp của tình thầy trò, sự quý giá của tình huynh đệ, sự quý trọng và nâng đỡ giữa những người xuất gia, sự thương yêu, tha thứ cho nhau trong gia đình. Sự hòa giải trong những cộng đồng quốc tế. Trong những lúc thế giới chao đảo, đứng trong một đất nước tràn ngập những sự hận thù, bạo động và nghi ngờ lẫn nhau, Thầy đã nói lên tiếng nói chân thật, tiếng nói của sự hiểu biết thấu tận nguồn cơn của những khổ đau ấy, dù Thầy và Tăng thân có thể gặp những gian nguy.
Thầy đã nuôi dưỡng con khi con nhận ra được rằng, cái quý giá mà Thầy trao cho chúng con là nếp sống tỉnh thức trong đời sống hàng ngày. Cách chúng con đến với nhau, tiếp xử với nhau, kính trọng, thương yêu, nâng đỡ và tha thứ cho nhau, giúp cho nhau cùng đi như một Tăng thân. Nhìn vào đâu chung quanh con, trong các xóm của Làng Mai hay những nơi mà có những người đang học hỏi và thực tập theo lời Thầy dạy, con thấy được cái năng lượng tuyệt đẹp ấy. Cái năng lượng ấy mỗi khi có người chạm tới thì thấy rằng mình đang được về nhà, dù cho có khác nhau màu da, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ. Cái nếp thực tập để giữ gìn được cái năng lượng ấy Thầy đã đem hết tâm lực của mình cùng Tăng thân xây dựng, giữ gìn trong cả cuộc đời của Thầy. Nhìn vào đâu, con cũng Thấy nó phản chiếu được được những tuệ giác tương tức, vô ngã, hiện pháp lạc trú mà Thầy đã trao truyền.
Thầy đã nuôi dưỡng con khi con nhớ đến Thầy, cho con thêm nhiều niềm tin, sự vững bước và sự cố gắng khôn cùng trên con đường phụng sự. Dù quá khứ, dù hiện tại hay nghĩ về tương lai trong một trăm năm, một ngàn năm nữa, niềm tin, lòng biết ơn và kính mến của con không hề vơi.
Thầy đã nuôi dưỡng con, Thầy đã nuôi dưỡng hàng nghìn, hàng triệu triệu những đứa con như thế khắp nơi trên quả địa cầu này, chúng con cũng sẽ tiếp tục đem nếp sống đẹp này nuôi dưỡng hàng nghìn, hàng triệu triệu người nữa, thì làm sao Thầy có thể chết được. Thầy là một bông hoa bồ công anh. Một sự ẩn tàng cho muôn triệu tiếp nối mầu nhiệm khác.
Thầy đang có mặt đó, rất rõ ràng. Thầy là một bông tuyết rất đẹp. Đám mây chưa bao giờ chết. Không có cái diệt, không có cái sinh, cũng không có sự ẩn tàng, không có sự biểu hiện, chỉ có sự tiếp nối, tiếp nối liên tục từ ngàn xưa cho đến ngàn sau.
Thầy kính thương, con nguyện đồng hành cùng Thầy và Tăng thân trên con đường thực tập này.
Con, Chân Minh Hy
Điện thư từ chùa Hương Sen
Phát biểu của đại diện phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam
Trong Lễ tưởng niệm Thiền sư Thích Nhất Hạnh
(Thành phố Huế, ngày 29 tháng 1 năm 2022)
Xin cảm ơn quý vị đã mời tôi đến đây và cho tôi niềm vinh dự cũng như đặc ân được chia sẻ đôi điều trong lễ tâm tang của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thay mặt cho Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam và người dân Hoa Kỳ, tôi xin được gửi lời chia buồn chân thành tới tăng thân Làng Mai và chùa Từ Hiếu, cũng như tất cả các đệ tử và tín đồ của Thiền sư trước sự ra đi của Người. Quả thực đây là một sự kiện đau buồn, nhưng đây cũng là một cơ hội cho tôi được vinh hạnh thay mặt chính phủ và người dân Hoa Kỳ bày tỏ lòng thành kính đối với Thiền sư.
Sự ra đi của Thiền sư sẽ khiến cho nhiều người trên khắp thế giới đau buồn thương tiếc, đặc biệt là ở Hoa Kỳ nơi suốt cuộc đời mình, Thiền sư đã ảnh hưởng sâu sắc và tác động đến cuộc sống của nhiều người thông qua những lời dạy của mình, cũng như nuôi dưỡng các mối liên hệ gắn kết với các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo trong hơn sáu mươi năm qua. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã gặp gỡ rất nhiều quan chức của chính phủ Hoa Kỳ trong cuộc đời mình, bao gồm cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, nay là Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara, và nhiều quan chức khác. Trong tất cả những cuộc gặp gỡ này, Thiền sư luôn là người ủng hộ can trường cho hòa bình và hoạt động bác ái. Thầy đã để lại một di sản mạnh mẽ và đáng kính về đấu tranh bất bao động và tôn giáo dấn thân ở Hoa Kỳ, bao gồm ba tu viện theo pháp môn Làng Mai ở New York, California, và Mississippi Hoa Kỳ. Thông điệp hòa bình của Thiền sư cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc chữa lành cho hàng nghìn cựu chiến binh đã từng tham gia cuộc chiến tranh khốc liệt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, những người phải chịu đựng chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và căng thẳng tinh thần. Thông điệp đó còn góp phần mang lại sự hòa giải giữa hai dân tộc, mà năm vừa qua đã đánh dấu 25 năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Cuối cùng, Thầy là một trong những người đầu tiên đem pháp môn chánh niệm tặng cho người dân Hoa Kỳ. Giờ đây, sự thực tập chánh niệm đã trở nên phổ cập trong các lĩnh vực y tế, tâm lý học, giáo dục, và trong cuộc sống hàng ngày của hàng nghìn người dân trên đất nước chúng tôi.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được nhớ đến nhiều nhất với sự đấu tranh không mệt mỏi cho tự do tôn giáo, nhân quyền, bất bạo động và thông điệp về chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày. Mặc dù tầm ảnh hưởng của Người không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tôn giáo, Thiền sư đã để lại một di sản với tư cách một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo có ảnh hưởng nhất trong lịch sử hiện đại. Thiền sư có lẽ sẽ được nhớ đến nhiều nhất như là ánh sáng soi đường trong các cuộc đối thoại liên tín ngưỡng, liên tôn giáo. Trong cuốn sách “Bụt trong ta, Chúa trong ta”, Thiền sư đã viết rằng “Khi sống sâu sắc và thực tập nhìn sâu, những người theo đạo Ki-tô giáo và những người theo Phật giáo sẽ không cho rằng những người theo các tôn giáo khác đang đi lầm đường. Trải nghiệm tôn giáo là một trải nghiệm nhân bản. Trải nghiệm này liên quan đến ý thức của con người, cả trên phương diện cá nhân hay tập thể”. Thông qua những cuộc đối thoại và các mối quan hệ rộng mở của Thiền sư, mọi người từ tất cả các tôn giáo đã học hỏi rất nhiều từ nhau.
Lòng từ bi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đối với sự hòa hợp tôn giáo có thể thấy rõ nhất trong mối kết giao của Thiền sư với Mục sư Martin Luther King. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên vào năm 1996, Thiền sư đã nhận thấy tính Bụt nơi con người của vị mục sư Tin Lành này. Người đã nói với Martin Luther King rằng ông là một vị Bồ Tát. Khi đề cử Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho giải Nobel Hoà bình, Mục sư Martin Luther King đã đáp lại vinh dự đó, và gọi Thiền sư là “một tông đồ của hòa bình và bất bạo động”. Khi nhìn lại tổng thể cuộc đời và tầm ảnh hưởng của Thiền sư, tôi tin rằng còn có một danh hiệu khác để miêu tả Thiền sư, đó là “nhà tiên tri” (“prophet”). Theo kinh thánh, “nhà tiên tri” không phải là một người có thể dự đoán được tương lai, như người ta thường hiểu sai, mà là một người có thể giao tiếp với Đức Chúa trời, và sau đó có thể rao giảng những thông điệp của Đức Chúa trời cho những người khác. Những đấng tiên tri có tiếng nói quyền năng và rao truyền sự thật. Nhưng đôi khi, sự thật mà họ nói ra, dù cần thiết, lại không hề dễ chịu. Và dù Thiền sư nói lên sự thật, và nói với lòng từ bi tột cùng, lời nói của Người, cũng giống như những lời của người anh em Martin Luther King, không phải lúc nào cũng được đón nhận với tinh thần từ bi.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh suy ngẫm và nhìn sâu vào những câu hỏi muôn đời đặt ra về cuộc sống, về sự hiện hữu và ý nghĩa của hiện hữu. Thiền sư khiến chúng ta cũng phải suy ngẫm về những câu hỏi này. Thiền sư mời gọi chúng ta nhìn sâu vào cách hành xử của người khác. Theo bước chân của Chúa Giê-su và Martin Luther King, Thiền sư nói “Để yêu thương kẻ thù của mình, chúng ta phải thực tập nhìn sâu để hiểu người đó. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ có khả năng chấp nhận và yêu thương người đó. Ngay khi chúng ta chấp nhận và yêu thương, người đó sẽ không còn là kẻ thù của chúng ta nữa”.
Thế giới ngày nay của chúng ta ngập tràn thù hận. Sự nghi kỵ. Sự giận dữ. Sự cay độc. Sự chua cay tồn tại giữa tín đồ của các tôn giáo khác nhau, giữa những người không theo đạo và những người theo đạo, giữa những người có quan điểm chính trị khác nhau. Giữa những người có quốc tịch khác nhau, hay thậm chí giữa những người có quan điểm khác nhau về các sự kiện gần đây. Nhưng những đấng tiên tri như Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dạy tất cả chúng ta – những cá nhân, tổ chức và các chính phủ – phải yêu thương lẫn nhau. Có lòng từ bi với kẻ thù của mình. Cố gắng hiểu họ. Và cuối cùng, là yêu thương họ. Điều này rất khó nghe đối với một số người. Và để thực hiện thì còn khó khăn hơn. Thay vì hiểu kẻ thù của mình, chúng ta thường sợ họ.
Tiếng nói tiên tri của Thiền sư Thích Nhất Hạnh kêu gọi chúng ta hướng đến lòng từ bi, lòng khoan dung, sự thấu hiểu và chấp nhận những người mà chúng ta có sự bất đồng. Trong một buổi nói chuyện về sự sống sau cái chết, Thiền sư đã từng nói cuộc sống của chúng ta giống như những ngọn nến. Kể cả khi ngọn nến dần ngắn đi, chúng ta đang tỏa ra ánh sáng, hơi ấm và năng lượng. Ánh sáng, hơi ấm và năng lượng đó lan tỏa ra khắp thế giới, tác động đến cuộc sống của những người khác – bằng việc mang lại cho họ sự ấm áp và ánh sáng. Thiền sư đã nói rằng kể cả khi thân thể vật chất của chúng ta không còn, chân tâm của chúng ta đã được hiến tặng cho thế giới, và đó chính là sự tiếp nối của chúng ta. Năng lượng này cũng sẽ quay trở lại với chúng ta, đôi khi ngay lập tức, đôi khi rất lâu sau khi chúng ta đã rời xa. Đây không chỉ là ước muốn của tôi, lời cầu nguyện của tôi, mà còn là lòng tin vững chắc của tôi, rằng thông điệp về lòng từ bi, bất bạo động, tự do tôn giáo, nhân quyền và khả năng cùng chung sống trong hòa bình và tình yêu thương với những người xung quanh sẽ tiếp tục lan tỏa khắp thế giới và sẽ quay lại với chúng ta, và tiếp tục được truyền lại cho các thế hệ tương lai. Xin cảm ơn.
Điện thư từ GHPGVNTN Hải ngoại
Điện thư từ Tịnh xá Ngọc Hòa, Ngọc Minh
Điện thư từ Gia đình Phật Tử VN tại Hoa Kỳ
Điện thư từ Đạo tràng Phổ Từ, California
Điện thư từ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Điện thư từ Viện Phật Học Edmoton