Phương Khê Nội Viện
Thư gửi các con Bát Nhã và các con khác của Thầy ở xa và ở gần.
Con Ong Chúa
Khóa tu bảy ngày dành riêng cho người Xuất sĩ tại Làng Mai đã chấm dứt nhưng dư âm cũng như năng lượng hạnh phúc của nó vẫn còn vang vọng và kéo dài. Tăng thân ở Thiền đường Hơi Thở Nhẹ ở Paris cũng như ở Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu ở Waldbroel đã rời khoá tu và về lại trú xứ của mình. Tại Làng Mai, đại chúng đang được thực tập mười ngày làm biếng. Có vị súc ruột, có vị nhịn ăn, có vị nhập thất, có vị viết thư hay đọc sách. Tại Nội Viện, Thầy đang có dịp hoàn tất bản dịch Kinh Nghĩa Túc. Ở đây cũng đang có mười vị nhập thất. Thầy mong rằng ở đâu các con của Thầy cũng đã theo dõi được khóa tu, nghe được các bài pháp thoại, các buổi vấn đáp, các buổi pháp đàm, và các tin tức cũng như hình ảnh của khóa tu. Như các con đã biết, chủ đề của khoá tu là “Làm mới lại Tâm Bồ Đề“.
Làm mới lại Tâm Bồ Đề? Chắc các con ai cũng cảm thấy là Tâm Bồ Đề của mình còn mới tinh. Những biến cố xảy ra trong năm qua cũng đã giúp chúng ta nhìn lại và thấy được cái sơ tâm ấy vẫn còn nguyên vẹn, đã không bị tổn thất mà còn trở nên vững mạnh hơn. Sơ tâm là cái quý giá nhất. Còn sơ tâm là còn tất cả. Chúng ta còn sơ tâm mà cũng còn nhau. Chúng ta vẫn còn nhau như một tăng thân dù bị ly tán. Ta không có cảm giác bị ly tán bởi vì sơ tâm còn đó trong mỗi chúng ta. Sơ tâm là con ong chúa. Tất cả đàn ong nhờ có con ong chúa nên bao giờ cũng có cơ hội trở về với nhau, bằng cách này hay bằng cách khác, dưới hình thức này hay hình thức khác. Thầy không lo lắng và Thầy muốn các con cũng đừng lo lắng. Hãy mỉm cười và thấy mình đang có dịp để lớn lên.
Dòng Chảy
Trong khóa tu đại chúng đã nghe và thực tập pháp môn ” Thấy mình là một dòng chảy.” Khi lễ lạy, ta có thể ý thức được sự có mặt của Cha và Mẹ trong ta, Bụt, Tổ và Thầy trong ta. Và qua các vị ấy, ta tiếp xúc được với hai dòng tổ tiên tâm linh và huyết thống trong ta. Ta thoát ra khỏi cái vỏ bản ngã nhỏ hẹp tạo nên bởi tập khí vô minh. Ta thấy ta là sự tiếp nối của tổ tiên, ta là một dòng chảy chứ không phải là một ao hồ nằm nguyên tại chỗ. Ta cũng thấy được sự có mặt của các em của ta trong ta, cũng như sự có mặt của con em các vị ấy trong ta. Ta đang tự trao truyền ta cho các em và các người trẻ mà ta đang chăm sóc và giáo dưỡng, dù là xuất sĩ hay cư sĩ. Ta thấy họ trong ta và ta trong họ. Ta đang có cơ hội trao truyền những gì tốt đẹp nhất, lành mạnh nhất của ta cho các vị ấy, và đó là một niềm vui, một sự mãn nguyện. Mỗi cái lạy, mỗi hơi thở, mỗi bước chân, mỗi nụ cười đều có giá trị tiếp nhận và trao truyền, giúp ta thấy ta đang là một dòng chảy. Trong những giây phút như thế, vô ngã không còn là một ý niệm mà là một thực tại sống động: ta, tổ tiên ta và con cháu ta đang hợp nhất trong một dòng chảy. Không còn sự ngăn cách, sự hối tiếc, không còn sự cô đơn. Và ta cảm thấy thông suốt, rỗng rang, thư thái và khỏe mạnh.
Cây Anh Đào
Sáng nay khi đi thiền hành bên bờ suối Phương Khê, Thầy thấy mình cũng có thể thực tập như một cây anh đào, một cây táo, hay một cây bưởi. Ở Phương Khê không có bưởi nhưng có táo và anh đào. Chỉ vài tuần lễ nữa thôi là những cây này sẽ nở hoa. Hồi đại chúng ăn Tết thì trời còn rét lắm, sương tuyết vẫn còn nhiều. Nhưng bây giờ thủy tiên ở xóm Thượng đã bắt đầu nở và những nụ hoa ngọc lan ở Phương Khê đã bắt đầu lớn dậy. Hoa anh đào màu trắng và hoa táo màu hồng. Ta thực tập như một cây anh đào hay một cây táo. Khi ngồi thiền, đi thiền, tập thở, chấp tác, pháp đàm, ta nuôi dưỡng ta như cây anh đào đang tiếp nhận ánh sáng, sức ấm mặt trời, mưa, nắng, những chất bổ dưỡng trong lòng đất và trong không khí để cây anh đào chuẩn bị làm lá, làm hoa, làm trái. Để ta có hoa trái của chánh niệm, của hiểu, của thương mà trao truyền lại cho các thế hệ tương lai. Quá trình là một quá trình tiếp nhận, hiến tặng và trao truyền. Cây anh đào làm như thế thì ta cũng làm như thế. Cây anh đào có niềm vui khi làm như thế thì ta cũng có nhiều niềm vui khi làm như thế. Nhìn cây táo rực rỡ với hàng vạn khóm hoa màu hồng chuẩn bị cho sự ra đời của những trái táo tròn trĩnh và trĩu nặng, ta nghe tiếng hát của cây táo. Nhìn một người tu đang tiếp nhận và trao truyền hoa trái của sự thực tập, ta thấy đời người tu cũng là một bài hát.
Đứng yên ngoài hàng dậu,
em mỉm nụ nhiệm mầu.
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát,
lời ca em thiên thâu.
Ta sụp lạy cúi đầu.
Đó là bài thơ của một thi sĩ trẻ tên là Quách Thoại mà Thầy đã được gặp lần đầu ở chùa Giác Nguyên, Khánh Hội, năm 1949. Bài thơ ấy có tên là Hoa Thược Dược.
Thầy đang hình dung các con là những đóa hoa đang đứng mỉm cười bên hàng dậu của quê hương và đang hát bài ca của Chánh Pháp. Cái quan trọng là bông hoa không ngưng lại lời hát ca.
Bây Giờ Rõ Mặt
Tháng sáu năm 2008, Thầy đã kết thúc chuyến đi viếng thăm và hoằng pháp của Thầy tại quê hương bằng ba tuần lễ sống và thực tập với các con Bát Nhã của Thầy. Trong suốt ba tuần lễ, bắt đầu từ cuối tháng năm dương lịch, Thầy và các con Bát Nhã của Thầy đã được sống chung và thực tập với nhau tại tu viện Bát Nhã. Về nội dung thì đây đích thực là một khóa tu xuất sĩ rất miên mật: sáng nào cũng có ngồi Thiền, hôm nào cũng có pháp thoại, thiền hành, và ăn cơm im lặng trong thiền đường Cánh Đại Bàng. Chiều nào cũng có pháp đàm hay thiền trà. Có khoảng ba mươi vị xuất gia từ Châu Mỹ và Châu Âu có mặt với Thầy, cùng với tăng thân Bát Nhã, chúng ta sinh hoạt như một gia đình tâm linh khoảng 450 người. Mình không gọi nó là một khóa tu nhưng đó là khóa tu miên mật nhất, sâu sắc nhất, và tràn đầy năng lượng tình huynh đệ, tình thầy trò. Có những dấu hiệu cho Thầy biết đây là lần cuối Thầy sống và tu với các con của Thầy ở Bát Nhã, cho nên Thầy đã sống hết lòng với Bát Nhã và với tăng thân đang ở Bát Nhã. Thầy đã nghĩ rằng có thể chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi thì mình phải rời khỏi Bát Nhã. Nhưng sự thực thì mãi đến mười bốn tháng sau người ta mới trục xuất được mình. Những hôm đi thiền hành tại khuôn viên Bát Nhã, Thầy để ý đến từng tảng đá, từng cây mít, từng bụi sim, và biết rất rõ rằng đây là lần cuối Thầy tiếp xúc với chúng. Thầy mỉm cười với bất cứ cái gì Thầy thấy và Thầy tiếp xúc. Thầy nói: Bây giờ rõ mặt đôi ta. Đây không phải là một giấc chiêm bao. Đây là một sự thật. Thầy cảm thấy tiếc. Không phải tiếc cho Thầy mà tiếc cho Thầy Đức Nghi và tiếc cho cây cỏ núi rừng ở đây sẽ không còn cơ duyên làm trụ xứ cho một tăng thân như tăng thân Bát Nhã. Thầy nhớ lại hôm Thầy Đức Nghi từ chối không làm giấy bảo trợ cho Thầy Pháp Khâm để Thầy Pháp Khâm có thể xin gia hạn thị thực. Nghe Thầy Pháp Khâm thuật lại thì hôm ấy Thầy Đức Nghi nằm quay mặt vào vách và không nói gì. Đó là một trong những dấu hiệu giúp Thầy biết rằng Thầy trò chúng ta sẽ không được tiếp tục ở Bát Nhã. Và Thầy biết trước Bát Nhã sẽ trở thành huyền thoại.
Bát Nhã Trong Tâm
Trong thời gian mà khoảng 200 vị thuộc tăng thân Bát Nhã đang tị nạn tại chùa Phước Huệ ở Bảo Lộc, các em Sa di cũng đã làm được một số báo Thềm Trăng Sa di, có ghi ngoài bìa: ấn bản mùa loạn lạc. Có một bài trong tờ báo ấy nói về chuyện hai sư em vì nhớ Bát Nhã đến đứt ruột nên đã trốn tăng thân lén về thăm Bát Nhã. Các em này vì là dân địa phương nên đã tìm về được Bát Nhã một cách không khó khăn gì. Nhưng khi về tới, các em lại cảm thấy rất bơ vơ, rất buồn khổ. Cũng cảnh vật ấy, nhưng nó lạnh lùng, trống vắng và điêu tàn làm sao! Cũng như Kim Trọng sau khi hộ tang Chú, trở về thăm nhà Viên Ngoại họ Vương. Kiều đã bán mình, đi lưu lạc. Cha mẹ và hai em đã phải dời đi nơi khác, may thuê, viết mướn kiếm ăn lần hồi.
Vội qua vườn Thúy dò la.
Nhìn ra phong cảnh nay đà khác xưa.
Đây vườn cỏ mọc, lau thưa.
Song trăng lạnh lẽo, vách mưa rã rời.
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
Xập xòe én liệng lầu không
Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày
Cuối tường gai góc mọc đầy.
Đi về này những lối này năm xưa.
Chung quanh lạnh ngắt như tờ.
Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?
Các sư em cũng đã gặp Thầy Đồng Hạnh hôm ấy. Thầy đang bận rộn đi chăm sóc và thu hoạch trà và cà phê. Các em thấy Thầy Đồng Hạnh không còn là thầy Đồng Hạnh năm xưa của các em. Cũng như các cư xá Bếp Lửa Hồng, Mây Đầu Núi, Rừng Phương Bối, v,v… cũng không còn là các cư xá ấy của năm xưa. Bụt ngồi một mình trong thiền đường Cánh Đại Bàng, trong ấy không còn gì cả, kể cả tọa cụ, mõ, chuông, hương đèn. Bàn thờ Phật cũng không có. Bát Nhã không còn là Bát Nhã. Linh hồn của Bát Nhã, tăng thân Bát Nhã, đã lìa khỏi cái xác Bát Nhã. Bát Nhã bây giờ chỉ là một cái xác không hồn. Cho nên hai sư em đã hối hận. Mình đã đi tìm về Bát Nhã nhưng mình đã không gặp được Bát Nhã, dù Bát Nhã đang sờ sờ trước mặt. Đừng về mà hay hơn. Thì ra Bát Nhã nằm trong tâm của mình chứ không phải ở ngoài.
Tiếc Thương
Có một sư em Bát Nhã đến tham vấn Thầy về vấn đề hiện pháp lạc trú, nói rằng vì cái tiếc thương Bát Nhã còn nặng quá trong em, nên em không thật sự thừa hưởng được cái vui đang có trong giây phút hiện tại. Thầy đã nhìn em với thật nhiều thiện cảm và Thầy nói: Con là một người còn nhiều may mắn, bởi vì con có một cái để tiếc thương. Có những người bất hạnh hơn con nhiều: họ không có gì để tiếc thương cả. Họ chỉ có khổ đau, hệ lụy và hận thù.
Trong thời gian tị nạn ở Phước Huệ, một số không ít các con Bát Nhã của Thầy đã nổ lực thực tập để sống cho được tròn đầy những ngày ở đấy. Thời khoá các con rất miên mật, dù các con biết tình trạng rất bấp bênh, và các con cũng có thể sẽ bị đánh đuổi khỏi Phước Huệ một ngày nào đó như đã bị đánh đuổi khỏi Bát Nhã trước đó. Thay vì ngồi thiền một ngày hai thời, các con đã ngồi tới bốn thời. Thầy Thái Thuận trú trì Phước Huệ đã thấy được giá trị của sự thực tập ấy nên Thầy đã đem hết lòng thương yêu và bảo hộ cho các con. Vì các con tới tị nạn tại chùa Thầy cho nên Thầy đã có cơ hội biết các con là ai. Chứ trước đó Thầy cũng chỉ có một ý niệm không rõ ràng về các con, và cố nhiên là không chính xác bằng ý niệm Thầy có bây giờ. Có hiểu mới có thương nghĩa là như thế. Cơ hội để hiểu và để thương là một điều may mắn lớn. Mà muốn hiểu thì phải buông bỏ thành kiến và buông bỏ mọi ý định chiếm hữu của mình. Mình là con người, mình có quyền tiếc thương, nhưng mình có thể đi xa hơn. Mình tự đặt câu hỏi: tôi tiếc thương cái ấy vì cái ấy không còn nữa, nhưng trong khi cái ấy đang còn, tôi đã sống hết lòng với cái ấy hay chưa? Cái yếu kém của phần lớn chúng ta là không trân quý và sống hết lòng với những gì ta đang có: một con người, một khung cảnh, một cơ hội. Và đến khi vô thường xảy đến thì ta tiếc thương. Tiếc thương như thế là đã quá muộn: người ấy đã đi rồi, hay đã qua đời. Cảnh vật ấy không còn nữa. Sở dĩ Thầy Bát Nhã của các con không tiếc thương Bát Nhã bởi vì trong ba tuần lễ sống với các con Bát Nhã của Thầy ở đấy, Thầy đã sống hết mình. Thầy đã nhìn từng bông hoa, từng bụi trúc. Thầy đã hỏi: bây giờ rõ mặt đôi ta. Cho nên Thầy không còn tiếc thương. Tiếc là tiếc cho ai đó, thế thôi. Nếu các con đã sống hết lòng với Bát Nhã như Thầy thì các con sẽ không còn tiếc thương Bát Nhã đến nỗi không có khả năng sống an lạc được trong giây phút hiện tại.
Vậy thì trong khi thực tập, ta phải hỏi ta câu ấy: ta đã hết lòng sống với Bát Nhã trong giờ phút Bát Nhã đang biểu hiện hay không? Và ta sẽ đạt được khá nhiều tuệ giác khi ta tự hỏi ta câu hỏi ấy.
Lối Này Năm Xưa
Câu hỏi kế tiếp: khung cảnh trong đó bây giờ ta đang sống có phải là một thứ Bát Nhã hay không? Con đang ngồi ở đâu? Miền Nam, miền Bắc, miền Trung, Lộc Uyển, Bích Nham, Pháp, Đức, Hoa kỳ, Thái Lan, Hồng Kông, hay Ấn Độ? Có thể con đang ngồi trong một Bát Nhã với huynh đệ, với người thương. Nếu trong giây phút này mà con không sống thật lòng, không sống hết mình, không trân quý được những gì đang có đó cho con thì con biết là sau này con sẽ tiếc nuối cái phút giây này, cái khung cảnh này và những người đang có mặt với con trong lúc này. Và lúc ấy con sẽ tiếc thương cái giây phút này, vì giây phút này lúc ấy đã trở thành huyền thoại.
“Đi về này những lối này năm xưa.” Những lối đi này năm xưa, mình đã đi với huynh đệ, với Thầy, mình đã tận hưởng. Vì vậy mình không hối tiếc. Ngày mai dù mình có trở về được với lối đi này, lối đi này cũng không còn là lối đi này nữa, bởi vì huynh đệ không còn đó và Thầy cũng không còn đó. Chính mình cũng không còn đó, dù là mình đang bước đi trên lối đi ấy. Cho nên mình không nhận ra lối đi ấy. Nó đã đi vào huyền thoại, lối đi bây giờ chỉ còn là một cái xác không hồn.
Nếu đọc những dòng này mà con giật mình tỉnh thức dậy được thì con sẽ thấy Bát Nhã vẫn còn đó, vẫn chưa trở thành một huyền thoại, vẫn còn sống động trong con. Con đang mang Bát Nhã trong trái tim và nơi con đang ngồi, đang đứng, đang nhìn trong giây phút hiện tại này nó cũng đang là Bát Nhã. Dù nơi con đang ngồi là miền Trung, miền Bắc, Mỹ, Pháp, Đức, Thái Lan,v.v… Bát Nhã của chúng ta thật đẹp, con ơi, và không có ai có thể cướp đoạt được. Không một quyền lực nào có thể làm được chuyện ấy.
Nếu con thức dậy được thì lập tức trú xứ của con bây giờ sẽ trở nên Bát Nhã dù bên con chỉ có ba người huynh đệ. Bụt dạy Tăng ít nhất phải có bốn người. Con đã học phép dựng Tăng, thế nào con cũng sẽ thành lập được một tăng thân có tu, có học, có niềm vui, có lý tưởng, có tình huynh đệ. Ngày Thầy rời quê hương năm 1966, Thầy chỉ đi một mình. Đi một mình rất nguy hiểm. Nếu mình bị tách ra khỏi tăng thân thì mình sẽ khô héo lại như một con ong không tìm được đường về tổ ong. Mình sẽ chết như một tế bào bị lấy ra khỏi cơ thể. Nhưng Thầy đã không khô, không chết. Tại vì lúc ấy Thấy đã mang tăng thân trong lòng. Thầy đi để vận động dư luận thế giới chấm dứt chiến tranh ở quê hương. Và Thầy bị lưu đày, không được phép trở về. Tất cả bạn bè, công việc và tăng thân bên đó tự nhiên Thầy phải bị xa cách hết. Cho nên khi được biết tin là mình đang lâm vào một hoàn cảnh như thế, Thầy lập tức tìm cách dựng tăng. Thầy đã nhìn xung quanh để nhận diện những yếu tố nào mà mình có thể sử dụng để thành lập một tăng thân. Cuối cùng Thầy đã lập ra được một tăng thân, và tăng thân ấy hiện đang có mặt trên 45 nước.
Các con là sự tiếp nối của Thầy, thầy tin các con sẽ dựng được tăng thân khắp nơi bằng cách này hay cách khác, bằng danh xưng này hay danh xưng khác, miễn đó là một tăng thân đích thực, gọi là chân tăng, có chánh niệm, có tình huynh đệ, có sức sống, có lý tưởng độ đời. Thầy có niềm tin nơi tuổi trẻ, và đây là một trong những yếu tố làm nên hạnh phúc của Thầy. Hễ là chân tăng thì Pháp sẽ có mặt, Bụt sẽ có mặt, và Thầy cũng sẽ có mặt.
Thiên Đường Của Tình Huynh Đệ
Trong khoá tu dành riêng cho người xuất sĩ vừa mới hoàn tất tại xóm Thượng, phần lớn các sinh hoạt cộng đồng đều được diễn ra trong thiền đường Nước Tĩnh. Thiền đường này trong hình thức cũng như trong nội dung chứa đựng bao nhiêu là tình huynh đệ. Bữa cơm cuối cùng trước khi chia tay, một Thầy xóm Thượng đã phát biểu: xin Sư Ông thay vì gọi thiền đường này là “Thiền đường Nước Tĩnh” thì gọi nó là “Thiên đường Nước Tĩnh”. Đúng rồi, đây là một thiên đường của tình huynh đệ. Nếu mình quả thật muốn thì thiên đường sẽ có mặt đó cho mình ngay trong giây phút hiện tại. Paradise is now or never. Tịnh độ là đây, đây là Tịnh độ.
Bát Nhã cũng là thiên đường, tại vì ở đấy Thầy trò ta đã sống hạnh phúc. Thiền đường Cánh Đại Bàng cũng có thể được gọi là ” Thiên đường Cánh Đại Bàng” vì nơi ấy đã có những giây phút hạnh phúc tràn đầy tình huynh đệ. Nhiều vị trong các con đã viết cho Thầy rằng chính trong môi trường Bát Nhã mà các vị ấy lần đầu đã được sống với con người thật của mình. Mình không cần phải che dấu những tư tưởng và những cảm nghĩ của mình nữa. Mình có thể nói thẳng với các huynh đệ. Các huynh đệ mình có khả năng lắng nghe, thông cảm, mình không sợ bị lên án là đánh mất lập trường, là có tư tưởng sai trái với đường lối đặt ra. Mình được chấp nhận. Ngoài kia, trong khung cảnh của xã hội, của học đường, của sở làm và ngay của gia đình, mình cũng không được sống với cái con người thật của mình. Cho nên ở đây mình cảm thấy thoải mái. Cái yếu tố hạnh phúc thứ hai mà mình tìm ra được ở đây là một môi trường sống lành mạnh. Ở đây không có rượu, không có ma túy, không có cờ bạc, không có hút sách, không có lang chạ tình dục, không có tham nhũng, không có lạm quyền, thù hận, ganh tỵ, và những độc hại của các trò chơi giải trí. Ấy vậy mà mình không cảm thấy thiếu, trái lại mình cảm thấy rất an toàn và được nuôi dưỡng. Môi trường Bát Nhã là môi trường lành mạnh nhất mà mình đã thấy, mình không còn sợ hãi lo âu khi được sống trong một môi trường như thế.
Cái yếu tố hạnh phúc thứ ba mà mình tìm ra được ở đây là tình huynh đệ. Đúng rồi! Tình huynh đệ. Rất nhiều người trong chúng ta đã đói khát về tình huynh đệ khi chúng ta chưa tới được Bát Nhã. Cái hấp dẫn nhất ở Bát Nhã là tình huynh đệ.Tìm ra được cái ấy rồi, ta làm sao có thể bỏ nó cho được? Ai sống mà không cần tình thương, không cần thương và không có nhu yếu thương? Tình huynh đệ lành mạnh và bền bĩ hơn tất cả mọi thứ tình.
Nhưng đã hết đâu. Tới với Bát Nhã là ta còn khám phá được con đường lý tưởng mà người trẻ đi tìm. Tại đây ta tìm ra được những pháp môn thực tập có công năng chuyển hóa và trị liệu. Và cũng ngay tại đây ta có dịp giúp cho những người khác đến để thực tập chuyển hóa và trị liệu, trong đó có rất nhiều người trẻ. Chính tại Bát Nhã mà ta đã thấy được nhiều cặp cha con, vợ chồng, anh em nhờ tu tập mà chuyển hóa được, và do đó mà đã hòa giải được với nhau, tái lập được truyền thông, phục hồi lại hạnh phúc. Có những khoá tu đông cả ngàn người. Và ta thấy nét hạnh phúc trên mặt họ khi họ thực tập thành công. Như vậy là ta đã có một con đường đi thật đẹp. Đó là lý tưởng đời ta. Ta thấy ta có cơ hội phụng sự , và cuộc đời ta bắt đầu có ý nghĩa và mục đích.
Bát Nhã cung cấp cho ta tất cả những điều kiện ấy của hạnh phúc. Bát Nhã vì thế là thiên đường của ta. Ta đã thấy, đã nghe, đã cảm nhận, đã sống với thiên đường Bát Nhã. Bát Nhã thực sự đang nằm trong ta chứ không phải nằm ngoài ta. Nếu Bát Nhã nằm trong ta thì đi đâu ta cũng có Bát Nhã, đi đâu ta cũng thiết lập được Bát Nhã. Thầy đã làm được như thế và Thầy tin chắc là các con của Thầy cũng sẽ làm được như thế. Phương Bối cũng như Bát Nhã đều nằm trong tâm ta bởi vì ta đã thấy, đã nghe, đã cảm nhận và đã sống với nó.
Máu Chảy Ruột Mềm
Trong những khi bị xua đuổi, phản bội và đe dọa, nếu ta biết thở và trở về với Bát Nhã trong ta thì ta sẽ được bình an. Nhiều Thầy và nhiều Sư Cô đã làm được như thế ở Phước Huệ và ở những nơi khác như Từ Đức, Đình Quán, Diệu Nghiêm. Thầy nhớ lại những năm như năm 1969, 1977 và những lúc Thầy bị xua đuổi, đe dọa và trục xuất, giống hệt như các con Bát Nhã của Thầy đã từng bị đe dọa, xua đuổi, và trục xuất ở Bát Nhã và Phước Huệ. Tháng 05 năm 1971 chẳng hạn, trong khi còn ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn để vận động hòa bình, Thầy được một phái viên tờ The Baltimore Sun gọi tới cho biết là chính phủ Việt nam (Cộng Hòa) vừa gửi điện văn thông báo cho ba chính quyền Hoa Kỳ, Pháp, và Anh là họ đã vô hiệu hóa hộ chiếu (passport) của Thầy và xin các nước ấy đừng công nhận nó là có hiệu lực nữa. Mục đích là để Thầy chấm dứt công việc chu du thế giới, kêu gọi đình chiến, đi tới thương thuyết hòa bình. Vị ký giả này đề nghị Thầy nên đi trốn (go underground), và ở ẩn một nơi không ai biết để khỏi bị dẫn độ (deportation) về nước và ở tù, vì đã dám đi kêu gọi hòa bình. Hồi ấy Thầy có một người bạn cũng đang hoạt động cho hòa bình như Thầy và cũng đã từng bị tù tội và cũng đã từng đi trốn để khỏi bị truy nã để đi ở tù thêm. Đó là Linh mục Daniel Berrigan, một vị linh mục dòng Tên, đồng thời cũng là một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Cùng các bạn, vị ấy đã có những hành động bất phục tùng như kêu gọi đốt thẻ trưng binh, lấy sơn đỏ giả máu đi vào những nơi chế tạo hay cất giữ các đầu đạn nguyên tử để trút lên các thứ vũ khí giết người ấy,v.v.. Họ hành động theo Thánh kinh dạy là lấy gươm giáo đúc thành lưỡi cày. Linh mục Berrigan đã từng qua Pháp chơi, ở lại và tu tập ba tháng với Thầy tại văn phòng Phái Đoàn Hòa Bình của Phật Giáo Việt Nam ở Paris (Sceaux) và ở Phương Vân Am (Fontvannes), và sau đó có trở lại nhiều lần. Tại Paris, Thầy đã nhường phòng Thầy cho Ngài và đi ngủ ở một phòng bên, và Ngài đã có dịp đọc kinh Pháp Hoa trên kệ sách của Thầy bằng Anh ngữ.
Thầy đã không nghe theo lời của vị ký giả tờ The Baltimore Sun. Thầy không muốn ở lại Hoa Kỳ và xin tị nạn ở đấy vì Hoa Kỳ đang tham chiến tại Việt Nam. Thầy quyết định về Pháp để xin tị nạn chính trị, và để cho trường hợp dẫn độ không xảy ra tại Paris, Thầy đã điện thoại cho các bạn ở Paris để họ tổ chức tiếp đón và họp báo ở phi trường. Nếu cần thì sẽ tuyên bố xin tị nạn ngay ở phi trường. Hồi đó Sư Cô Chân Không đang đi diễn thuyết vận động ở Trung Mỹ, Costa Rita. Sư Cô cũng được gọi về Paris cùng lúc để chuẩn bị. May cho Thầy là nước Pháp đã không dẫn độ mà sau đó còn cho Thầy tị nạn.
Năm 1976, trong khi điều khiển chương trình Máu Chảy Ruột Mềm để cứu trợ thuyền nhân, Thầy đã bị cảnh sát Singapore khám phá ra và buộc Thầy phải rời khỏi Singapore trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Họ đã đến vây quanh trụ sở của Thầy lúc hai giờ đêm, vào nhà và tịch thu thông hành của Thầy và bảo chỉ trả lại tại phi trường trước khi Thầy rời khỏi lãnh thổ của họ. Trong khi đó hai chiếc thuyền Leapdal và Roland đang chở đầy thuyền nhân, và kế hoạch chở thuyền nhân đi tị nạn ở Úc bị tiết lộ do sự tò mò của giới báo chí. Chiếc Saigon 200 có nhiệm vụ tiếp tế nước uống, thực phẩm, và y dược cho đồng bào thuyền nhân cũng bị bắt. Thêm nữa, một cơn bão đang xảy ra ở ngoài khơi và hai chiếc thuyền đầy thuyền nhân của Thầy (trên 589 người) không được phép ghé vào hải phận để tránh gió. Đêm đó Thầy có cảm tưởng là mình đang lênh đênh trên sóng gió với tất cả các thuyền nhân. Thầy đã ngồi thiền và đi thiền hành suốt đêm để tìm ra giải pháp. Thầy có đức tin nơi Tam Bảo, nơi tăng thân, và cuối cùng Thầy đã tìm ra được giải pháp. Thầy đã chờ tới sáng để đến nhờ ông đại sứ Pháp, ông Jacques Gasseau can thiệp với chính quyền Singapore cho thầy được ở lại thêm mười hôm nữa để kết thúc chương trình. Chính đêm ấy Thầy đã quán chiếu về công án “dục an đắc an.” Nếu thực sự muốn an thì có an. An ngay trong cơn nguy. Có tăng thân, có Tam Bảo, có con đường, có tình huynh đệ cho nên Thầy đã vượt được khó khăn.
Sư anh Nhất Trí của các con và nhiều anh chị em trong dòng tu Tiếp Hiện cũng như trong tổ chức TNPSXH ngày xưa cũng đã từng trải qua những giai đoạn như thế, cũng như các con đã trải qua kinh nghiệm Bát Nhã, Phước Huệ và hiện giờ. Thầy tin là ở trong tình huống nào các con cũng có khả năng thực tập “dục an đắc an.” Mình đã làm được ở Bát Nhã và Phước Huệ , thì mình cũng làm được ở đây bây giờ, tăng thân chúng ta vẫn còn nguyên vẹn và chúng ta vẫn mỗi người mang tăng thân trong lòng.
Buồn Tủi Cô Đơn
Mới đây thôi, chừng mười hôm, trong một giấc mơ Thầy đã nằm thấy bạn Thầy, Linh mục Daniel Berrigan. Ngài bây giờ đã trên 90. Ngồi bên vị xuất sĩ can trường này, Thầy thấy đây là một vị tôn đức đáng kính, dù vị ấy không có cái tướng bên ngoài của một vị hòa thượng. Và Thầy đã đề nghị đại chúng có mặt đảnh lễ vị tôn đức ấy. Đại chúng còn chưa kịp chuẩn bị thì tự nhiên Thầy thấy Thầy đang ngồi một mình với Cha Berrigan ở một không gian thật trống vắng và thấy vị Linh mục này mở vòng tay ra ôm lấy Thầy. Thầy cũng dang tay ôm bạn vào lòng. Thầy ôm hết lòng và ôm thật sự theo phương pháp thiền ôm của Mai Thôn. Ban đầu chỉ có hạnh phúc và bình an của tình huynh đệ, nhưng sau đó không lâu, một năng lượng thổn thức chợt nẩy sinh trong Thầy. Năng lương của sự buồn tủi, đau xót và cô đơn. Thầy lấy làm lạ, nhưng vẫn có khả năng tiếp tục nhận diện và chấp nhận những tâm hành đó. Trước kia, mình đã tưởng rằng những tâm hành đó đã được chuyển hóa, và nếu còn thì cũng còn rất ít. Nhưng nó không ít, tại vì nó đã tạo ra được sự rung chuyển trong con người Thầy. Và vòng tay của Thầy đang chuyển sang cho người Thầy đang ôm cái năng lượng buồn tủi, đau xót và cô đơn ấy. Thầy cảm thấy rất rõ là vị kia cũng đã tiếp nhận và đã đáp ứng. Thời gian ôm kéo dài khá lâu và Thầy đã cho phép Thầy bộc lộ những đau buồn ấy một cách tự nhiên và chân tình. Khi thức dậy, Thầy biết giấc mơ ấy đã có lợi lạc cho sức khỏe của Thầy vì mình đã có dịp nhận diện và chia sẻ những đau buồn của mình cho một người bạn thân có khả năng hiểu được và thông cảm được những đau buồn ấy, vì chính người kia cũng đã từng đi qua những khó khăn, những tủi nhục, những cô đơn tương tự. Thầy nghĩ là trong đời những người mà mình có thể chia sẻ như thế là rất ít, dù trong truyền thống của chính mình. Khi ôm trong tay một người bạn huynh đệ hay một người đệ tử, mình chỉ muốn trao truyền năng lượng bình an và thương yêu, và người kia có thể nghĩ rằng mình chỉ có loại năng lượng đẹp đẽ và an lành ấy. Nhưng mình vẫn là con người, và dù năng lượng của buồn đau đã được chế ngự và chuyển hóa, nó vẫn còn có đó trong tính người của mình. Nó chịu ngủ yên là mình đã có đủ bình an rồi. Nhưng sự có mặt của nó cũng rất quan trọng. Nhờ nó mà mình nhận diện và thông cảm được những nỗi khổ và niềm đau của người khác, và cũng nhận diện được những may mắn và mầu nhiệm đang có mặt trong giây phút hiện tại trong mình và chung quanh mình.
Đóa Sen Trong Trái Tim
Trong hơn bốn thập niên, Thầy đã có cơ hội làm quen với một số các vị mà mình đã chấp nhận như là những người bạn tri kỷ. Có người ít ai biết đến mà cũng có người nổi danh. Trong số những người Thầy gặp có Bertrand Russell, Martin Luther King, Heinz Kloppenburg, Hannes de Graaf, Alfred Hassler, Arthur Miller, Heidi Vaccaro, v.v… những người đã rất sát cánh với Thầy trong công cuộc tranh đấu cho hòa bình, cho nhân quyền, cho tương lai trái đất. Thầy chưa có dịp ôm Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng nếu có dịp, và nếu Ngài không bị quần thần của Ngài đông đảo vây quanh thì có thể là trong khi ôm Ngài Thầy cũng có cơ hội chia sẻ năng lượng buồn tủi ấy, vì Thầy biết Ngài cũng đã đi qua những buồn đau tủi nhục tương tự. Ngày xưa, Đức Thế Tôn cũng đã có những niềm đau sâu sắc của Ngài và Ngài đã ôm ấp và chuyển hóa với cái năng lượng đại trí và đại bi của Ngài. Cuộc đời hoằng hóa của Bụt cũng có rất nhiều khó khăn, và Bụt cũng đã từng bị vu khống, xua đuổi và đàn áp. Sau ngày vua Ba Tư Nặc băng hà, vua Tỳ Lưu Ly bạo ngược đã đem quân lực qua tàn phá quê hương của Bụt và tàn sát dòng họ Thích Ca một cách hung bạo, chỉ vì vua đã có quá nhiều thù hận và mê lầm. Bụt đã làm tất cả những gì Ngài có thể làm để ngăn chận, nhưng kết quả cũng chỉ có giới hạn. Tổ Lâm Tế đã nói đến tính tương tức giữa Bụt và chúng sanh, và ta đã nghe câu: Phật sanh bất nhị. Hễ là con người thì mình có cơ duyên thành Phật, và thành Phật rồi mình vẫn còn được làm người. Vì vậy con đường của Bụt là một con đường nhân bản đích thực. Bụt có những người bạn hiểu Ngài sâu sắc và cũng có những người đệ tử hiểu Ngài sâu sắc. Bụt không cô đơn. Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng thế. Vua Trần Thái Tông cũng thế. Các con Bát Nhã của Thầy đã từng nếm trải những vu khống, những kỳ thị, những bạo động, những xua đuổi, nhưng các con đã hành xử với trái tim của người con Bụt chân chính, không hận thù, không kỳ thị, không tuyệt vọng. Đồng bào các giới trong nước và bằng hữu chúng ta ở ngoài nước may mắn thay đã chứng kiến được điều đó, đã đem lòng yêu thương các con và phát khởi ý nguyện bảo hộ cho các con. Chúng ta không cô đơn, chúng ta đã được biết tới, đã được hiểu và đã được thương. Các giới trí thức, nhân bản, trẻ tuổi, công nhân, tiểu thương, cũng như Chư Tôn Đức đã lên tiếng bảo hộ cho các con. Các con đã hiến tặng được, đã gây được một niềm tin nơi một đạo Phật tương lai cho đất nước, cho thế giới. Bát Nhã đã trở nên một đóa sen bất diệt trong lòng người. Đóa sen ấy mỗi chúng ta đang mang trong trái tim. Không một thế lực nào có thể tiêu diệt được đóa sen ấy. Nó sẽ làm phát hiện Bát Nhã ở khắp nơi, trong tương lai cũng như trong hiện tại. Nó là tình huynh đệ, nó là lý tưởng, nó là hạnh phúc, nó là tình đồng bào, tình nhân loại. Bụt không cô đơn, tăng thân trên núi Linh Thứu không cô đơn, dù vua A Xà thế chưa tỉnh giấc. Các con biết đấy, cuối cùng vua A Xà Thế cũng đã tỉnh thức và tìm về với Bụt. Đức Đạt Lai Lạt Ma không cô đơn dù đất nước Ngài chưa khôi phục lại được chủ quyền. Con đường của Ngài cũng là con đường của từ bi, của bất bạo động, của tình huynh đệ. Ngài cũng có đóa sen Bát Nhã trong trái tim Ngài. Ngài cũng đã từng lên tiếng bảo hộ cho tăng thân Bát Nhã. Chắc chắn là có những lúc tâm hành đau buồn tủi hận cũng phát hiện nơi Ngài, nhưng Ngài đã biết nhận diện, ôm ấp nó để cuối cùng nó nuôi dưỡng được cho ý chí của Ngài. Các con của Thầy cũng cần thực tập như thế.
Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ,
thiên hạ thùy nhân bất thức quân?
(Đừng buồn đường trước không tri kỷ,
thiên hạ ai người chẳng biết ta?)
Nếu cần vài ba phút để tiếc thương, để buồn tủi, thì con cứ tự cho phép mình vài ba phút ấy. Chúng ta là con người, chúng ta có quyền buồn tủi tiếc thương. Chúng ta nhận diện, ôm ấp và mỉm cười với cái chất người đó trong ta. Nhưng sau đó ta phải tiếp tục đi tới, bởi vì ta cũng có tính Bụt trong ta. Nếu những đóa sen tươi thắm kia cần có bùn đất mới biểu hiện được, thì những tiếc thương đau buồn kia cũng có thể nuôi dưỡng được Tâm Bồ Đề, được tâm ban đầu. Thầy biết Tâm Ban Đầu của các con còn vững mạnh lắm cho nên Thầy rất yên tâm.
Mộng Hay Thực?
Có đóa sen Bát Nhã trong lòng, con có thể mỉm cười và trở về với giây phút hiện tại. Con sẽ thấy Bát Nhã đang có mặt ngay nơi chỗ con ngồi. Con sẽ trân quý những gì con tiếp xúc được trong giây phút này. Đó là phép lạ của sự tỉnh thức. Với chánh niệm, cuộc đời có thể đẹp hơn cả những giấc mơ. Thầy nhớ cách đây chừng một tháng, Thầy có một giấc mơ rất bình thường nhưng rất đẹp. Thầy mơ thấy Thầy thức dậy ở một ngôi chùa hay một trung tâm thực tập nào đó mà cảm thấy không khí rất vui. Thầy hỏi một vị đang có mặt gần đấy: cái gì mà vui vậy hả con? Vị ấy trả lời: Bạch Thầy có mấy huynh đệ vừa về tới. Chúng con đang nấu một nồi cơm để ăn chung cho vui. Thầy ngồi dậy, bước ra sân chùa, đi thiền hành, nhận diện từng chậu lan, khóm trúc mà lòng vui như mở hội. Có gì đâu? Chỉ có vài huynh đệ mới về tới. Chỉ có một nồi cơm sắp chín để huynh đệ có dịp ngồi ăn với nhau. Chỉ có những chậu lan, khóm trúc ngoài sân chùa. Nhưng tại sao mà vui như thế? Tại vì chúng ta đang còn có nhau, tại vì chúng ta có tình huynh đệ. Một giấc mơ nhỏ, đơn sơ nhưng làm Thầy hạnh phúc trong bao nhiêu ngày. Nhưng đây đâu phải là một giấc mơ? Đây là sự thực mà. Thầy trò ta đang có nhau, huynh đệ ta đang có nhau. Dù có xảy ra chuyện gì đi nữa thì cái tình huynh đệ ấy vẫn không mất. Đó là thiên đường của chúng ta. Chúng ta chỉ cần nhìn cho kỹ người huynh đệ đang có mặt. Chúng ta chỉ cần nhìn kỹ chồi lan, khóm trúc, và đọc câu thần chú của thi hào Nguyễn Du: Bây giờ rõ mặt đôi ta. Ta thấy được mặt nhau một cách rõ ràng ngày hôm nay thì ngày hôm nay sẽ không bao giờ trở nên một giấc mơ nữa cả.
Thầy của các con,
Nhất Hạnh