Nắng Pháp (Khóa tu tiếng Pháp năm 2012)

Khóa tu tiếng Pháp vừa kết thúc hôm 4 tháng 5 với nhiều niềm vui, gắn liền với những kỷ niệm, những hình ảnh khó quên qua một tuần cùng sống, cùng thực tập và làm việc với các bạn thiền sinh nói tiếng Pháp.

Ngày mở đầu khóa tu vẫn còn bỡ ngỡ với những cơn mưa đầu xuân, bộn bề công việc dọn dẹp, chuẩn bị phòng ốc nhà cửa để đón chào các bạn thiền sinh. Đại chúng chấp tác cả ngày để chuẩn bị, ngày quán niệm bình thường cũng xin được nghỉ buổi chiều để dành cho chấp tác. Nào là cắt cỏ quanh chùa để thiền sinh dựng lều và cho thiền sinh có chỗ rửa chén, rửa nồi, ăn cơm và pháp đàm, chuẩn bị thiền đường… và học tiếng Pháp. Ai cũng ý thức là mỗi một khóa tu là cơ hội để mang hạnh phúc tới cho nhiều người nên các công việc cũng được làm trong niềm vui và bình an. Một cuộc họp toàn chúng đã được ngồi lại sau khi nhận được bảng tự nguyện đăng ký công việc cho khóa tu. Đây là gia đình cắt gọt, đây là gia đình làm vệ sinh, đây gia đình dọn dẹp, rửa nồi, làm vườn và chuyển hóa rác, khử trùng chén bát hay chăm sóc thiền đường. Gia đình nấu ăn do quý thầy hoặc quý sư cô đảm trách, mỗi đội 3 đến 4 người nấu cho hơn 200 người. Gia đình chuẩn bị cho bữa ăn sáng cũng chia thành 2 nhóm để các bạn thiền sinh có cơ hội đi ngồi thiền. Mỗi người một tay giúp khóa tu vận hành tốt đẹp… Thiền sinh ở 4 xóm đã không có chỗ, có vị xin cắm lều dù mùa này trời cứ mưa lai rai. Thế là tổng cộng ở bốn xóm đã có hơn 650 thiền sinh kể cả chúng thường trú ở làng là hơn 800 người. Thường ngày đi đâu cũng thấy bóng áo nâu thấp thoáng, vậy mà khi khóa tu bắt đầu thì chừng đó quý thầy quý sư cô vẫn còn quá ít. Nhiều gia đình chỉ có một thầy hay một sư cô chăm sóc cho 15 tới 20 thiền sinh.

Thiền hành với Sư Ông tại xóm Mới

Buổi pháp thoại mở đầu khóa tu tiếng Pháp diễn ra hôm 29.04.2012 đã làm thiền đường Trăng Rằm của Xóm Mới quá tải. Dòng người nhích từng bước chân để được vào thiền đường còn quý thầy quý sư cô thì từ từ tiến lên phía trên để niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm (Avalokiteshvara) mở đầu cho khóa tu như thường lệ. Hai dòng người gặp nhau hòa vào làm một, tiếng niệm Bồ Tát của dòng người áo nâu đã giúp các bạn thiền sinh yên lặng tìm một chỗ ngồi hay đứng yên tại chỗ dù mình chưa vào được thiền đường. Sau khi tận dụng tất cả những khoảng trống có thể, gần 500 thiền sinh đã được ngồi trong thiền đường nghe pháp thoại trực tiếp bằng tiếng Pháp, số còn lại lui về một bên hông thiền đường để nghe pháp thoại qua chiếc loa được quý sư cô đưa ra ngoài. Nhóm tiếng Anh đã nhường chỗ bằng cách ngồi ngoài lều nghe sư cô Tùng Nghiêm thông dịch, còn nhóm tiếng Việt ngồi nghe Pháp thoại trong Phật đường qua lời thông dịch của sư cô Chân Không. Thật may thay, sau mấy ngày mưa liên tiếp làm trở ngại giao thông nên nhiều thiền sinh không về dự khóa tu được mà sáng nay trời ưu đãi một chút nắng đầu xuân rực rỡ. Có thiền sinh chia sẻ tuy không vào được thiền đường để nghe tụng kinh nhưng đứng ở cửa thiền đường nghe tiếng niệm Bồ Tát với ánh nắng rọi vào lưng, cô thấy thật ấm áp và bình an. Trong buổi pháp đàm buổi chiều cùng ngày, nhiều thiền sinh nói họ đã khóc rất nhiều vì cảm nhận được năng lượng bình an và thương yêu trong khi nghe niệm danh hiệu Bồ Tát. Còn quý sư cô đứng ở bên trên nhìn xuống thấy nhiều thiền sinh nam cũng như nữ nước mắt tuôn ra và họ cứ để nước mắt chảy dài trên gương mặt như vậy để khổ đau theo nước mắt vơi đi. Sau pháp thoại đại chúng được theo Sư Ông thiền hành lên đồi. Ngày đầu nắng ấm báo hiệu cho một khóa tu có nhiều hạnh phúc cho người dân bản xứ và cho cộng đồng nói tiếng Pháp vì tất cả các pháp thoại đều được Sư Ông nói bằng ngôn ngữ chính của họ.

Ngày thứ hai tại xóm Hạ, do xe buýt không tới sớm được nên khóa tu năm nay pháp thoại bắt đầu lúc 9 giờ 45 phút. Thiền sinh có một tiếng thư thả tập thể dục từ 6 giờ tới 7 giờ (Khí công, Yoga, tập gậy hay chạy bộ – xóm Mới may mắn còn có Sư cô Chân Không qua dạy năm động tác Suối nguồn tươi trẻ mà Sư Cô đã tập đều đặn mỗi ngày nhiều năm qua). XómThiền sinh Tây Phương rất thích tập thể dục và coi đó như một món ăn không thể thiếu mỗi ngày. Thiền sinh cũng được chấp tác nhẹ rất thảnh thơi. Thiền đường Hội Ngàn Sao dù lớn vậy mà cũng chật kín chỗ, nhưng cũng đủ cho tất cả mọi người ngồi ở trong. Trời tiếp tục mưa nên sau pháp thoại là thiền sinh và quý sư cô xóm Mới lên xe buýt để đi về xóm ăn trưa. Còn thiền sinh và quý Thầy xóm Thượng thì đi bộ về.

Giữa khóa tu có một ngày làm biếng, trời hửng nắng nên thiền sinh rủ nhau đi bộ và ra bãi cỏ tắm nắng bù lại những ngày mưa dầm. Còn quý sư cô thì tranh thủ cắt cỏ vì mấy ngày trước khóa tu mưa quá nên không kịp cắt. Cỏ gặp mưa lên xanh tốt nên gây nên nhiều khó khăn cho việc đậu xe cho thiền sinh. Xung quanh các xóm, các bác nông dân Pháp cũng tranh thủ trời nắng đi cắt cỏ nên giữa giờ pháp đàm mà cũng nghe tiếng máy cắt cỏ chạy đều, phải lắng nghe lắm mới có thể nghe được. Quý thầy, quý sư cô thì nghe và hiểu bằng trái tim để cảm nhận những điều thiền sinh chia sẻ vì hầu hết thiền sinh đều nói tiếng Pháp (chỉ có 1 gia đình nói tiếng Anh) nên nghe để hiểu qua thông dịch từ tiếng Pháp qua tiếng Anh với quý thầy, quý sư cô Việt Nam mới sống ở làng có một vài năm thì thật là khó. Nhưng sự có mặt bình an và tươi mát của quý thầy, quý sư cô cũng giúp cho thiền sinh rất nhiều.

Ngày thứ 4, Sư Ông cho Pháp thoại ở xóm Thượng. Thiền đường Nước Tĩnh mới xây lại hai năm trước cho rộng rãi vậy mà khóa tu này không đủ chỗ cho thiền sinh nói tiếng Pháp nên một số thiền sinh cũng nghe pháp thoại ở bên ngoài. Ôi chao, nhu cầu thực tập cùng tăng thân luôn vượt ngoài dự kiến của quý thầy, quý sư cô. Thiền sinh thật dễ thương đã vui vẻ chấp nhận những điều kiện vật chất hạn chế ở làng để được ở lại tu học một tuần. Thật may mắn là mấy ngày còn lại trời đều nắng nên đại chúng vừa được thấm mưa Pháp vừa được hưởng nắng Pháp (nắng ở Pháp). Cũng trong ngày làm biếng các thành viên của dòng tu tiếp hiện có một buổi tụng giới chung tại xóm Hạ. Mười bốn giới tiếp hiện tân tu là món quà lớn cho chúng Tiếp Hiện. Các vị giáo thọ cư sĩ hẹn nhau về trong khóa tu 21 ngày năm nay.

Nắng sân chùa

Để rồi sau một tuần thực tập chánh niệm, nét mặt tươi vui, nụ cười rạng rỡ của các bạn thiền sinh đã biểu hiện sau những căng thẳng của những ngày đầu. Mọi người quấn quýt bịn rịn khi ngày cuối chia tay. Giờ Be-in (có mặt cho nhau) vào đêm cuối cùng của khóa tu đã đến. Mỗi gia đình làm việc vui cùng những vật dụng làm việc của mình. Đây gia đình thiền đường cùng nhau tập hát: “Thở vào, thở ra” với  tọa cụ bồ đoàn, đây gia đình dọn dẹp hát bài: “Thở vào, thở ra” khi lau chùi nồi niêu soong chảo, khi khiêng cái nồi to đùng dưới trời mưa… Đây gia đình làm vườn hạnh phúc khi chăm sóc vườn rau organic mới… Bài pháp thoại của Thầy về 16 phép quán niệm hơi thở, chế tác niềm vui an lạc và nhận diện tâm hành khi làm việc khi ngồi thiền, khi im lặng, khi ăn cơm… đã giúp các thiền sinh xích lại gần nhau, cởi mở chia sẻ những khó khăn cũng như những niềm vui đơn giản. Niềm vui lớn nhất của các bạn là được gieo những hạt giống an lành, hiểu biết, thương yêu và cảm thông. Niềm vui được luân hồi để hiến tặng cho nhau trong những buổi pháp đàm, làm mới, be-in, ăn cơm với gia đình… Chỉ 5 phút trình diễn cho mỗi gia đình, nên gia đình nào cũng hăng hái muốn nói ra niềm vui trong những ngày sống và làm việc cùng nhau. Chuyện hai cây rau giận nhau vì không được tưới nước cũng đã biết nhường nhịn cảm thông cho nhau làm mọi người xúc động. Gia đình người trẻ trình bày hiến tặng đại chúng nếp sống tiêu thụ của người trẻ hiện nay khi vừa đi vừa làm việc, vừa gọi điện thoại, vừa nghe nhạc, uống rượu, sử dụng ma túy… đã làm nhiều người gục ngã, họ đã đánh mất tuổi trẻ mà không hay. Nhưng nhờ thực tập tiếng chuông chánh niệm giúp họ dừng lại khi nghe tiếng chuông, tiếng chim hót… Và có lúc họ chợt thức tỉnh lúc đang say sưa, lúc đang giận hờn, lúc đang tuyệt vọng… Họ tìm về tăng thân, nuôi dưỡng lại mình, gieo trồng thêm những hạt giống an lành… Và Hiệp ước sống chung an lạc đã được in ra để các bạn có thể đem về nhà thực tập khi hạt giống giận hờn xuất hiện.

Vẫn còn đó nhiều niềm vui khi được ngồi nghe những bạn lần đầu ao ước được về làng gặp Thầy, gặp tăng thân, được đi trên con đường huyền thoại… Những cuốn sách của Thầy đã giúp các thiền sinh đi qua nhiều khó khăn… và các bạn mong có ngày được sống chánh niệm cùng tăng thân để học hỏi với hy vọng có thể áp dụng chánh niệm nhiều hơn vào đời sống hàng ngày. Nhiều người chia sẻ hạnh phúc khi khóa tu tiếng Pháp năm nay Thầy dạy những điều căn bản về hơi thở và tâm hành… và họ cảm thấy rất sâu, rất cần thiết khi sống và làm việc chung với quý thầy, quý sư cô.

Vì ba ngày đầu trời mưa rất nhiều, nên quý thầy quý sư cô cũng như thiền sinh ở lâu ở làng cũng như các thiền sinh đã thực tập lâu ở làng đã hết lòng yểm trợ nhau để tạo không khí ấm áp cho các thiền sinh mới tới. Năng lượng khóa tu rất nhẹ nhàng và dễ chịu. Trời mưa nhiều thiền sinh cắm lều ở xóm Hạ được vào trong thiền đường Cam Lộ để ngủ nên họ chia sẻ họ ngủ rất ngon vì có nơi khô ráo và ấm áp để ngủ qua đêm. Ban tri khách Xóm Thượng cố gắng sắp xếp để thiền sinh cắm lều có được nơi khô ráo. Vì đồng quê nhiều sình lầy, có nhiều thiền sinh lái xe từ xa về không quen nên bị sa lầy, quý thầy phải lái máy cày ra kéo xe ra khỏi ruộng nho. Thiền sinh cắm lều xóm Mới được thông báo có thể vào thiền đường Mây Thong Dong để ngủ. Ngày đầu tiên sau buổi sáng nắng đẹp, chiều trời mưa trở lại. Xóm Mới bị hư cánh cửa trên nóc thiền đường, trong khi thợ sửa không tới được vì đúng vào dịp nghỉ lễ 1-5 mà quý thầy thì ở xa. Thương thiền sinh bị lạnh khi thực tập thiền nằm nên quý sư cô đã lặng lẽ leo lên mái nhà để đóng cánh cửa lại. Nhiều thiền sinh chia sẻ mưa nhiều không phải là trở ngại cho thời gian họ ở Làng, mà họ lại cảm thấy nhiều sự yểm trợ và nâng đỡ. Sư chú Chân Trời Tự Tại là người Pháp, lần đầu tiên được tham dự khóa tu tiếng Pháp như là một vị xuất gia chia sẻ: Ban đầu con có hơi lo lắng vì những điều kiện ban đầu không được tốt lắm. Thiền sinh cũng khá căng thẳng. Nhưng sau hai ngày thiền sinh bắt đầu mở lòng chia sẻ và tham dự các sinh hoạt của đại chúng. Nhờ năng lượng đó mà sư chú cảm thấy bình an. Tất cả các thành viên trong gia đình của sư chú đều phát nguyện thọ nhận 5 giới làm sư chú rất ngạc nhiên vì sư chú nghĩ chắc chỉ có vài người thôi. Sư chú rất biết ơn quý thầy Việt Nam đã giúp các công việc để khóa tu thành công tốt đẹp và thiền sinh đi về trong niềm vui. Thiền sinh rất thích các món ăn do quý thầy quý sư cô trong đội nấu ăn nấu. Ngày cuối họ vào nhà bếp cám ơn và xin được thiền ôm để bày tỏ niềm biết ơn làm đội nấu ăn có người “bỏ chạy” vì không quen. Có một số quý thầy, quý sư cô thì đứng lại thiền ôm với thiền sinh làm họ rất hạnh phúc. Thiền sinh xóm Hạ còn chia sẻ là họ rất hạnh phúc với bản thông báo sau giờ ăn chiều mỗi ngày như chờ một lá thư mới. Vì sư cô Sứ Nghiêm (người Pháp) viết thông báo rất hay và dễ thương.

Ngồi thiền tại sân chùa Sơn Hạ

Một món quà nữa dành cho cộng đồng nói tiếng Pháp là cuốn sách Quan Âm Thị Kính vừa được dịch qua tiếng Pháp (Chú Tiểu – Câu chuyện về tình thương đích thực). Các thiền sinh vui mừng đón nhận cuốn sách được thầy trực tiếp viết theo thể loại văn chương chứ không phải là sách phiên tả từ pháp thoại. Điều đặc biệt cho khóa tu tiếng Pháp năm nay là nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Làng Mai nên có buổi Triển lãm thư pháp của Sư Ông Làng Mai tại chùa Sơn Hạ. Công việc chuẩn bị cho buổi triển lãm của quý thầy, quý sư cô ở làng được bắt đầu từ khá lâu. Dù khóa tu đang diễn ra những quý thầy và quý sư cô vẫn dành thời gian thiết kế phòng trưng bày thật đẹp. Quý Thầy lo sơn sửa nhà cửa, đóng kệ. Còn quý Sư cô giúp cắm hoa thiết kế không gian. Chùa Sơn Hạ như đẹp hẳn lên với không gian yên tĩnh cùng nắng xuân hòa vào tiếng đàn phong cầm, vĩ cầm cũng do quý thầy, quý sư cô trình diễn. Mọi người được Sư Ông dẫn đi thiền hành từ xóm Thượng xuống Sơn Hạ và được ngồi quay quần bên nhau nghe hòa nhạc, coi triển lãm thư pháp, ăn trưa píc nic… và chơi tới chiều mới trở về xóm của mình. 

 

Huynh đệ hợp tấu

Thiền sinh chơi ở sân chùa Sơn Hạ



Bàn viết thư pháp


Sư Ông với triển lãm thư pháp

 



Một ngày vui, hai, ba, bốn rồi sáu ngày đi lại các xóm, đại chúng di chuyển bằng xe buýt. Với các bạn thiền sinh đã từng về Làng vào khóa tu mùa hè thì ngồi thiền trên xe buýt đã trở nên quen thuộc. Ngồi trên xe, đi qua những con đường làng quen thuộc với nắng mưa, với cánh đồng hoa cải vàng ươm, những thảm cỏ xanh non, những rừng cây đang thay lá mới, những cánh đồng nho đang vươn lên mạnh mẽ từ những thân cây trơ trụi sau mùa đông, và những cánh đồng lúa mì dập dờn trong gió… thật nhiệm mầu.

Ngồi thiền trên xe buýt

Cánh đồng hoa cải vàng

Niềm vui đong đầy như thế cho đến ngày cuối (04.05.2012), lễ truyền năm giới được tổ chức chung tại thiền đường Hội Ngàn Sao của xóm Hạ. Gần 200 thiền sinh đã quỳ xuống tiếp nhận năm giới quý báu với ước nguyện đời sống chánh niệm sẽ giúp cho các bạn có một đời sống tốt đẹp hơn, bình an hơn. Các bạn chia tay nhau với lời hẹn cùng nhau thực tập ôn tụng năm giới, thực tập sám pháp địa xúc qua mạng và hẹn năm sau lại về có mặt cho nhau. Hẹn gặp lại các bạn trong các khóa tu sau.

Lễ truyền giới tại thiền đường Hội Ngàn Sao – xóm Hạ

Tin vui cho những ai chưa có dịp tham dự khóa tu tiếng Pháp là triển lãm thư pháp vẫn còn mở cửa trong khóa tu sức khỏe: vào ngày quán niệm thứ 5 (17/5) và trong khóa tu 21 ngày (từ ngày 1 đến ngày 21 tháng 6) cũng như trong khóa tu mùa hè sắp tới.

Sinh hoạt năm 2012

Lễ xuất gia cho 27 cây Đoàn (Linden tree)

Ngày 8.12.2013 – Gia đình Cây Đoàn chào đời

6 giờ sáng ngày 8.12.2013, tứ chúng Làng Mai vân tập về thiền đường Nước Tĩnh, Xóm Thượng để yểm trợ năng lượng cho lễ xuất gia của 27 em trong gia đình Cây Đoàn (cây Linden) – trong đó 8 em được xuất gia tại Làng Mai và 19 em được xuất gia tại Trung tâm Làng Mai Quốc tế Thái Lan. Toàn bộ buổi lễ được truyền trực tuyến đến Thiền đường Trời Phương Ngoại, Thái Lan qua mạng Internet.

Lễ xuất gia tại Thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng, Làng Mai

Buổi sớm mai hôm ấy, trong lòng ai cũng cảm thấy háo hức, chờ đợi được chứng kiến giờ phút chào đời của 27 vị xuất sĩ mới trong gia đình Áo Nâu. Thiền đường lúc đó trở nên sáng rực bởi màu y vàng của quý thầy, quý sư cô. Tất cả cùng hòa điệu niệm Bụt và tụng Bát Nhã Tâm Kinh, tạo thành một nguồn năng lượng tâm linh hùng hậu, yểm trợ cho giới tử trong giờ phút xuống tóc và tiếp nhận giới pháp.

Ánh mắt sáng ngời, nét mặt rạng rỡ, đó là hình ảnh của 27 giới tử đến từ các quốc gia khác nhau (Mỹ, Canada, Úc, Pháp, Tây Ban Nha, Thái Lan và Việt Nam). Không hẹn mà gặp, những người trẻ cùng chung lý tưởng này đã tìm về dưới mái nhà tâm linh, quyết tâm buông bỏ mọi ràng buộc để cùng đi trên con đường hiểu biết và thương yêu. Năng lượng của Tâm Bồ Đề dũng mãnh và tinh khôi đã lan tỏa và làm xúc động tất cả mọi người có mặt trong buổi lễ xuất gia hôm ấy.

Lễ xuất gia tại Trung tâm Làng Mai Quốc tế Thái Lan

Giây phút Sư Ông Làng Mai đặt tay lên đầu các em để xuống tóc là 7 giờ sáng, tính theo giờ của Pháp. Đó cũng là lúc mặt trời hồng tỉnh thức bên ngoài đã nhô lên khỏi sườn núi, rừng cây, tỏa ánh sáng xuống mặt đất còn đang phủ một lớp mỏng của băng đá đêm qua, tạo nên sự phản chiếu lung linh như pha lê. Một thứ ánh sáng huyền diệu. Đất và trời đang cùng hòa quyện và hiến tặng cho các vị xuất sĩ mới một không gian đẹp nhất, sáng nhất, mát dịu nhất. Tịnh Độ là bây giờ và ở đây.

Sư em Trăng Ưu Bát  đang được Thầy xuống tóc

Đại chúng cùng nhất tâm xướng bài Đầu cành dương liễu và niệm danh hiệu Bồ tát Quan Thế Âm để hộ niệm cho các giới tử trong giờ phút xuống tóc. Rất nhiều thiền sinh Tây phương lần đầu được chứng kiến một buổi lễ xuất gia theo truyền thống đạo Bụt đã không kiềm được cảm xúc ấn tượng. Hai bàn tay họ chấp trước ngực rất lâu như để công nhận và hiến tặng đóa sen lòng thành kính dâng lên những con người đã, đang và sẽ giữ gìn đời sống tâm linh cho dòng chảy cuộc sống. Người thân của các giới tử cũng đều ứa ra những giọt lệ dâng trào trong giờ phút quý báu của con mình.

“Sáng nay cạo sạch mái tóc

Mở thêm rộng lớn con đường

Phiền não vô biên nguyện đoạn

Một tâm mà động mười phương…”

Ba mươi năm rồi, vườn cây Tăng thân đã được Thầy trồng đủ loại hoa trái. Giờ đây Thầy còn cho chúng tôi thêm 27 cây Đoàn tỏa hương thơm ngát. Mỗi cây được Thầy đặt cho một cái tên rất dễ thương, mang bao tình thương và sự gửi gắm của Bụt, của Thầy và Tăng thân:

Trăng Diệu Viên, Trăng Diệu Âm, Trời Nguyện Lực, Trời Hy Mã, Trăng Ưu Bát, Trăng Tịnh Độ, Trời Linh Quang, Trời Đạt Nguyện, Trăng Uyên Nguyên, Trăng Phương Khê, Trời Nhất Tâm, Trăng Tào Khê, Trời Hướng Thượng, Trăng Hoa Lâm, Trời Liễu Ngộ, Trời Định Lực, Trời Niệm Lực, Trăng Thiên Trúc, Trời Kỳ Diệu, Trời Ngộ Đạt, Trời Tuệ Giác, Trời Tuệ Minh, Trăng Mãn Khai, Trời Định Hướng, Trời Bằng Hữu, Trăng Nến Ngọc, và Trăng Hàm Tiếu.

19 em trong Gia đình Cây Đoàn tại Thái Lan

Hôm đó cũng là ngày quán niệm nên ngay sau buổi lễ xuất gia, các sư em trong gia đình cây Đoàn được ra trình diện đại chúng trước giờ pháp thoại. Vừa mới được cạo sạch mái tóc với chút ngại ngùng còn vương, mặc vào chiếc áo nâu giản dị, trông các sư em sao mà đẹp, mà lành! Khuôn mặt ai cũng sáng rạng rỡ, tươi mới như ánh ban mai.

Ai nói rằng cạo tóc đi tu là “hủy hình”, là làm cho hình tướng của mình xấu đi? Phải chăng là ngược lại mới đúng: Đi tu là làm cho tướng mạo và tâm hồn của mình ngày càng đẹp hơn?

Các sư chú Trời Bằng Hữu, Trời Nguyện Lực, Trời Linh Quang và Trời Hy Mã

Hòa làm một với dòng sông Tăng thân

Trong bài pháp thoại sáng hôm ấy, ngọn lửa của lý tưởng, của bồ đề tâm lại một lần nữa được khơi dậy và thắp sáng trong lòng mỗi chúng tôi khi Thầy chia sẻ về ý nghĩa và sứ mạng của một người xuất gia:

“…Khi mình xuất gia – từ xuất gia tiếng Anh là going forth – tức là mình rời bỏ một gia đình nhỏ để tham dự vào một gia đình mới. Gia đình mới này có một sứ mạng. Đây là gia đình tâm linh do Bụt Sakya tạo dựng nên, có sứ mạng đem giáo pháp để giúp cho xã hội, cho con người chuyển hóa, chế tác thêm niềm vui và chuyển hóa bớt những khổ đau. Vì vậy cho nên xuất gia là có một sứ mạng. Và muốn làm tròn sứ mạng đó thì mình phải sống một cuộc sống đơn giản, không cần nhiều tiện nghi vật chất và sống độc thân, như vậy mới có thì giờ và có năng lượng để giúp đời.

Khi đã xuất gia, mình có một đời sống hoàn toàn mới. Trong thời của Bụt đã có định nghĩa xuất gia như thế này: Ví dụ có nhiều con sông với những cái tên khác nhau, như là sông Yamuna, sông Aciravati, sông Gomati, sông Saraya, hay sông Niranjara…Những dòng sông này khi chảy vào sông Hằng (Ganga) thì không còn giữ cái tên riêng của mình nữa. Chúng bỏ cái tên cũ. Không những bỏ cái tên mà thôi, chúng còn bỏ luôn những cái khác nữa, ví dụ như dòng giống, hay giai cấp, màu da, chủng tộc. Ví dụ như mình là một vị Thái tử, một vị Bộ trưởng, khi đi xuất gia thì mình bỏ hết những cái đó. Mình trở thành một với Tăng thân. Nếu xuất gia rồi mà còn cứ nói: Tôi ngày xưa là Bộ trưởng, tôi ngày xưa là con vua thì không được. Đi xuất gia là phải bỏ hết những cái đó để trờ thành một với dòng sông. Là Thái tử con vua, khi đi xuất gia anh cũng trở thành một thành phần của Tăng đoàn xuất gia. Là một người đi gánh phân trong xã hội, khi xuất gia anh cũng trở thành một thành phần của Tăng đoàn xuất gia.

Hôm trước, khi đưa các em đi thiền hành, tôi có dạy: khi mình xuất gia, mình phải buông bỏ hết. Mình tham dự vào Tăng đoàn và  không còn nghĩ tới một tương lai riêng của mình nữa. Tương lai của mình là tương lai của Tăng đoàn. Sự nghiệp của mình là sự nghiệp của Tăng đoàn. Những khó khăn của mình trở thành những khó khăn của Tăng đoàn. Những thành đạt của mình trở thành những thành đạt của Tăng đoàn. Và ngược lại, những khó khăn của Tăng đoàn trở thành những khó khăn của mình, và những thành đạt của Tăng đoàn cũng trở thành những thành đạt của mình. Mình không có một cái ta riêng nữa, không có một tương lai riêng nữa. Mình có một tương lai chung.

Khi một người con gái đi lấy chồng thì phải lấy tương lai của chồng làm tương lai của mình. Nếu hai vợ chồng muốn tát biển Đông thì phải tát chung với nhau. Vì vậy cho nên trong Tăng thân, mình không đi tìm một tương lai riêng. Mình có chung một tương lai. Và sự nghiệp của Tăng thân là sự nghiệp của mình. Đó là sự nghiệp độ sinh và làm tiếp nối dòng sinh mạng của đạo pháp. Vì vậy cho nên mình có bổn phận phải chăm sóc tất cả những thành phần khác của Tăng thân. Đó là những sư anh, sư chị và sư em của mình.

Đại chúng ngồi chơi với các sư em trong Gia đình Cây Đoàn

Cũng như năm ngón tay của một bàn tay: những khổ đau của một ngón cũng là khổ đau của cả năm ngón và sự thoải mái của một ngón cũng là sự thoải mái của cả năm ngón. Không còn cái ta riêng biệt nữa. Thành ra xuất gia rất khác với đời sống tại gia. Mình tu học để xóa bỏ cái ngã, để trở thành một sự sống mới. Và mình trở thành sự tiếp nối của Tăng đoàn nguyên thủy, trở thành sự tiếp nối của Bụt. Tiếp nối dở hay tiếp nối hay cũng là tiếp nối. Mình tiếp nối hay thì Bụt nhờ, mà mình tiếp nối dở thì Bụt cũng chịu, tại vì mình là con của Bụt, mình là đệ tử của Bụt. Mình là sự tiếp nối của Bụt, đó là chuyện dĩ nhiên không ai chối cãi.

Trong một buổi giảng tại Hoa Kỳ năm nay, tôi có nói: ở Làng Mai, chúng tôi đào tạo các vị xuất sĩ, và chúng tôi cũng đào tạo các vị cư sĩ, tại vì nhu yếu tu học càng ngày càng lớn. Và vì vậy cho nên các vị giáo thọ xuất sĩ không đủ để làm thỏa mãn nhu cầu tu học của xã hội bên ngoài. Cho nên chúng tôi phải đào tạo luôn các giáo thọ cư sĩ. Chúng tôi đã đào tạo cả ngàn vị như vậy, nhưng mà không thấm thía vào đâu. Các vị cư sĩ còn phải bận lo cho gia đình của họ, thành ra mức độ đóng góp của họ cũng có chừng mực thôi. Và muốn đóng góp nhiều, đóng góp hết sức mình thì một người xuất gia có nhiều thì giờ hơn.

Ở châu Âu, nước nào cũng “đòi” có một khóa tu mỗi năm. Đòi hỏi như vậy không phải là quá đáng. Vậy mà chúng tôi vẫn chưa có thể thỏa mãn được. Ở châu Âu chỉ có 3 nước là có khóa tu hằng năm thôi, đó là Pháp (có khóa tu tiếng Pháp mỗi năm), rồi đến Đức và Hà Lan. Còn những nước khác, chẳng hạn như Italia thì hai năm mới có một khóa tu. Có những nước 3-4 năm mới có một khóa tu, thật là tội nghiệp. Mà nhu yếu tu học càng ngày càng đông. Đó là chưa kể những nước ở Bắc Mỹ và châu Á. Ấn Độ muốn mỗi năm một khóa tu mà cũng không thể có được. Thái Lan thì may mắn nhờ có Làng Mai Thái Lan, thành ra mình có nhiều khóa tu hơn. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, v.v. đều cần có một khóa tu mỗi năm.

Tại Làng Mai, tuy rằng trong mấy chục năm qua, mình đã làm lễ xuất gia cho cả ngàn người rồi, nhưng số lượng các vị xuất sĩ vẫn không thấm thía gì. Những người xuất gia mang pháp hiệu là Pháp và Nghiêm, hay Trời và Trăng là cả ngàn người. Riêng các em có pháp hiệu bắt đầu bằng Trăng và Trời là đã 180 em.

Chỉ cần xuất gia vài ba tháng là đã có thể bắt đầu giúp các sư anh, sư chị mình để tổ chức khóa tu rồi. Đó là một cách học. Mình không chỉ học lý thuyết mà thôi, mình yểm trợ các sư anh, sư chị tổ chức những khóa tu, những ngày quán niệm. Và mình học hỏi được rất nhiều trong sự thực tập đó. Tại vì cái học ở Làng Mai không phải chỉ là học lý thuyết như trong các Phật Học Viện.

Trong buổi giảng tại Hoa Kỳ đó, tôi có nói: Nếu quý vị không có chuyện gì thích thú để làm ở ngoài đời thì nên đi xuất gia đi, tại chúng tôi cần lắm. Chúng tôi cần thêm ít nhất là 1000 người xuất gia thì mới có thể tạm cung cấp cho nhu yếu tu học bây giờ.

Có nhiều người trẻ bây giờ không biết mình sống để làm gì, và họ có sự trống vắng ở trong lòng. Vì vậy cho nên các thầy, các sư cô giáo thọ Làng Mai đã bắt đầu tổ chức những khóa tu Wake Up cho người trẻ ở khắp nơi trên thế giới, ở Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia,v.v. Sang năm, mình sẽ có một phái đoàn đi Hoa Kỳ, để giảng dạy cho các em người Việt sinh ra ở bên Mỹ. Các em đông lắm. Khi mình tiếp xúc với các em, mình có thể cho họ một lý tưởng. Là một người xuất gia mang lý tưởng cứu độ thế gian, mình có thể có rất nhiều hạnh phúc. Được sống trong một tăng đoàn, được tham dự vào sự sống của tăng đoàn, ngày nào mình cũng được thực tập, ngày nào mình cũng được phụng sự.

Cho nên những năm gần đây, Làng Mai có mở ra một cánh cửa mới, đó là chương trình xuất gia 5 năm – 5 năm xuất gia và phụng sự. Đó là một cánh cửa mới và đã có nhiều người trẻ Tây phương đi vào cánh cửa đó – xuất gia 5 năm (3 năm sa di và 2 năm thọ giới lớn). Nếu hạnh phúc nhiều thì sẽ tu luôn. Và nếu thấy còn nhu yếu thành lập gia đình thì có thể trở về đời để tiếp tục thực tập như một người cư sĩ và trở thành một vị giáo thọ cư sĩ sau đó mấy năm.

Tôi nhắc điều này để cho quý vị suy nghĩ. Nếu mình có một lý tưởng, có một con đường thì tâm mình trở nên bình an và mình sẽ có nhiều hạnh phúc”.

Đại chúng nhất tâm hộ niệm cho các giới tử

Sư Ông Làng Mai rưới nước cam lộ trước khi xuống tóc cho các giới tử

Cạo sạch mái tóc, nguyện cho mọi người, dứt hết phiền não, độ thoát cho đời

Đã thấy đời cơn huyễn mộng, chân tâm một quyết lên đường

Quý thầy, quý sư cô trao y và điệp hộ giới cho các giới tử

Đây là giây phút hạnh phúc!

Mái tóc vốn màu gỗ quý, nay dâng thành khói trầm hương

 

Con đã về, con đã tới!

Trong vòng tay thương yêu của gia đình tâm linh


– Xem thêm hình xuất gia của Gia đình Cây Đoàn tại Thái Lan

Xem thêm hình ảnh Lễ xuất gia tại Làng Mai

– Bài hát: Mở thêm rộng lớn con đường

Lễ Đối thú khai mạc khóa an cư kiết đông 2013-2014

Ngày nay bên nhau

Ngày 15.11.2013, vào lúc 9h00 sáng, tứ chúng Làng Mai đều vân tập về thiền đường Nước Tĩnh xóm Thượng để làm Lễ Đối thủ An cư năm 2013 – 2014. Buổi lễ bắt đầu bằng một thời ngồi thiền khoảng 15 phút. Trong không khí thanh tịnh và trang nghiêm, ba hồi chuông trống bát nhã được gióng lên mở đầu cho một mùa an cư ấm áp và hùng tráng.

Mùa an cư năm nay, tại xóm Thượng và Sơn Hạ có 46 vị tỳ kheo, 28 vị sadi, 35 vị cận sự nam, tổng cộng là 109 vị; tại xóm Hạ và xóm Trung có 47 vị tỳ kheo ni, 4 vị thức xoa ma an, 7 vị sadi ni và 3 vị cận sự nữ, tổng cộng là 61 vị; tại xóm Mới có 43 vị Tỳ kheo ni,10 vị Thức xoa ma na, 14 vị Sa di ni và 7 vị cận sự nữ, tổng cộng là 74 vị. Như vậy, số người an cư tại đạo tràng Mai Thôn trong mùa an cư kiết đông năm nay là 244 vị, tất cả đều sẽ an trú, tu tập miên mật trong 90 ngày.

Trong lễ đối thủ an cư, Thầy Pháp Đăng, sư cô Diệu Nghiêm và sư cô Định Nghiêm thay mặt cho đại chúng – các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, thức xoa ma na, sadi, sadi ni, cận sự nam và cận sự nữ – của chùa Pháp Vân (xóm Thượng), chùa Sơn Hạ (Sơn Hạ), chùa Cam Lộ (xóm Hạ), chùa Mai Hoa (xóm Trung) và chùa Từ Nghiêm (xóm Mới) – thỉnh cầu Thầy Làng Mai làm chỗ nương tựa cho đại chúng trong ba tháng an cư kiết đông.

Dưới đây là lời tác bạch của sư cô Diệu Nghiêm đại diện chùa Cam Lộ và chùa  Mai Hoa (được chuyển ngữ từ tiếng Anh):

“Chúng con là tỳ kheo ni, thức xoa ma na, sadi ni và cận sự nữ – của chùa Cam Lộ (xóm Hạ) và chùa Mai Hoa (xóm Trung). Chúng con rất hạnh phúc được tham dự khóa an cư kiết đông năm 2013 – 2014 với sự có mặt của Thầy, của các huynh đệ và các bạn thiền sinh. Năm nay, Thầy đã dạy cho chúng con câu thần chú "Có Bụt trong xe không?" để làm mới sự thực tập chánh niệm khi lái xe hoặc ngồi trên xe. Thầy luôn biết cách làm thế nào để giữ được sự tươi trẻ trong trái tim mình. Thầy còn năng động hơn các đệ tử, luôn không ngừng làm mới sự thực tập của mình. Chúng con ý thức rằng chúng con rất may mắn được làm đệ tử của Thầy và Thầy vẫn đang còn đó cho chúng con.

Chúng con xin được nương tựa nơi Thầy và nguyện hết lòng thực tập để nhận diện và chuyển hóa những tập khí không nuôi dưỡng chúng con trên con đường thực tập, đặc biệt là những tập khí liên quan đến việc sử dụng Internet, e-mail cá nhân, facebook hoặc các thiết bị điện tử,v.v.

Trong mùa an cư này, mỗi tuần đại chúng chùa Cam Lộ (xóm Hạ) và chùa Mai Hoa (xóm Trung) sẽ có một ngày không sử dụng máy tính, đó là ngày Chủ nhật trong tuần. Chúng con muốn thực tập sâu sắc những lời Thầy dạy và xin nguyện nuôi dưỡng thân tâm bằng cách thực tập các pháp môn của Làng Mai mà không tìm cách chạy trốn hoặc khỏa lấp những khổ đau trong tự thân bằng những thiết bị điện tử.

Chúng con cũng thực tập không sử dụng điện trong 3 giờ đồng hồ mỗi thứ Tư hàng tuần để nâng cao ý thức bảo vệ trái đất khỏi hiện tượng nóng lên toàn cầu và nuôi dưỡng thói quen tiết kiệm điện trong đại chúng.

Chúng con cũng xin thực tập để nhận diện tính tương tức của bốn khía cạnh: tu, học, làm việc và chơi. Chúng con mong muốn hiến tặng niềm vui cho nhau bằng sự thực tập: tu cũng là chơi, học cũng là chơi, làm việc cũng là chơi, mà…họp cũng là chơi.

Lòng biết ơn của chúng con đối với Thầy và Tăng thân rất sâu sắc. Chúng con nguyện hết lòng nương tựa vào Thầy và Tăng thân để tu tập cho thân tâm thanh tịnh, phiền não chuyển hóa và pháp lạc tăng trưởng. Xin Thầy chứng minh và làm chỗ nương tựa cho chúng con”.

Tất cả đại chúng đều xúc động khi được nghe những lời chia sẻ và sách tấn của Thầy cho mùa an cư năm nay:

"Thường thường chúng ta nói rằng ngày Tự tứ là ngày vui nhất của Đức Thế Tôn. Nhưng theo Thầy, ngày vui nhất của Đức Thế Tôn là ngày đối thú an cư, tại vì ngày đó mình thấy rõ ràng trước mặt mình có tới 90 ngày để sống chung với nhau và thực tập chung với nhau. Vì vậy ngày hôm nay Thầy có một niềm biết ơn rất sâu sắc đối với Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn đã chế tác ra mùa an cư mỗi năm để chúng ta có cơ hội đó, nếu không thì Thầy sẽ đi suốt năm và không có thì giờ để ở với quý vị, không có thì giờ để ngồi ăn cơm, đi thiền hành, chia sẻ với quý vị. Thành ra, Thầy rất biết ơn chư Tổ, biết ơn Đức Thế Tôn đã chế tác ra tục lệ an cư ba tháng.

Chúng ta là những người may mắn, tại vì ở châu Âu hay châu Mỹ, ít nơi nào có thể tổ chức được ba tháng an cư và có tăng thân tu học đông đảo như ở Làng Mai, cho nên đây là một hạnh phúc rất lớn mà Thầy trò mình được hưởng. Trong mùa an cư này, chúng ta phải xây dựng lại sức khỏe tâm linh cũng như sức khỏe thể chất. Chúng ta làm như vậy không chỉ là cho riêng chúng ta, mà làm cho tất cả mọi người. Tại vì nếu chúng ta không có một sức khỏe tâm linh và sức khỏe thể chất thì chúng ta không đi xa được.

Vì vậy cho nên trong ba tháng này, thầy trò mình phải buông bỏ hết tất cả những cái như Internet, facebook để tập trung vào chuyện làm lại sức khỏe tâm linh và sức khỏe thể chất. Mình cần phải dồn tất cả năng lượng của mình để làm lại một sức khỏe như vậy, không tìm cách khỏa lấp những cô đơn của mình bằng cách chạy theo những tiếng gọi bên ngoài. Thành ra trong ba tháng an cư này, chúng ta sẽ lấy việc phục hồi sức khỏe của mình làm đối tượng tu tập."

Chuẩn bị cho mùa an cư, từ hai tuần nay các xóm của Làng Mai đã họp chúng để chuyển phòng, đổi đội luân phiên và chọn cho mình một công việc để chăm sóc (tri). Không khí thật rộn ràng và náo nức như ngày Tết. Các thầy, các sư cô lớn đã về lại Làng đông đủ sau chuyến đi hoằng pháp ba tháng ở Bắc Mỹ. Ngoài ra còn có các thầy, các sư cô từ các trung tâm khác của Làng Mai như Mỹ, Đức, Australia, Hồng Kông, Thái Lan,…cũng về Làng an cư, khiến cho năng lượng của đại chúng trong mùa đông này càng thêm ấm áp và hùng hậu.

Đại chúng còn hạnh phúc hơn nữa khi biết rằng trong mùa an cư này, Thầy sẽ dạy về Duy biểu học bằng tiếng Việt vào thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần. Đây là cơ hội để đại chúng được học hỏi sâu hơn về sự vận hành của tâm thức thông qua tác phẩm Duy Thức Tam Thập Tụng của Thầy Thế Thân (Vasubandhu; 320 – 400).

Nếu quý vị không có điều kiện về Làng an cư thì vẫn có thể nghe các bài pháp thoại tại Pháp đường trực tuyến: http://www.youtube.com/plumvillage

 

Để xem lại các pháp thoại đã phát, xin vào:
http://new.livestream.com/plumvillageonline
https://vimeo.com/thuvienlangmai
http://vimeo.com/plumvillage/videos

Làng Mai mùa Đông

Lễ Đối thú khai mạc khóa an cư kiết đông 2013-2014
“…Thường thường chúng ta nói rằng ngày Tự tứ là ngày vui nhất của Đức Thế Tôn. Nhưng theo Thầy, ngày vui nhất của Đức Thế Tôn là ngày đối thú an cư, tại vì ngày đó mình thấy rõ ràng trước mặt mình có tới 90 ngày để sống chung với nhau và thực tập chung với nhau. Vì vậy ngày hôm nay Thầy có một niềm biết ơn rất sâu sắc đối với Đức Thế Tôn…”

Lễ giỗ Tổ sư Khương Tăng Hội

Bàn thờ Tổ Khương Tăng Hội ở giữa, bên trái là bàn thờ Thân mẫu của Sư Ông Làng Mai

Hằng năm, cứ mỗi độ thu về, nhằm ngày rằm tháng chín âm lịch (15/9 AL), anh chị em chúng con thuộc tứ chúng Làng Mai trở về chùa Pháp Vân – Xóm Thượng để cùng có mặt và ôn lại những công hạnh của Sơ Tổ Thiền tông Việt Nam Khương Tăng Hội. Riêng năm nay, Lễ giỗ được tổ chức tại xóm Mới, vào ngày chủ nhật ngày 20/10 vừa qua. Tứ chúng Làng Mai đã có mặt bên nhau trong bầu không khí ấm áp và trang nghiêm để cùng tưởng nhớ đến Sư Tổ. Ngày này cũng là ngày giỗ Thân mẫu của Thầy chúng con (Sư Ông Làng Mai).

Một vài nét về Tiểu sử và công hạnh của Tổ Tăng Hội

Thiền sư Tăng Hội là Tổ sư của Thiền tông Việt Nam. Thân phụ của thầy là người Khương Cư (Sogdiane, Bắc Ấn), mẹ thầy là người Việt. Khi thầy mới hơn mười tuổi thì cả cha và mẹ đều qua đời. Sau tang lễ, thầy xuất gia và tu học rất tinh tiến.

Thầy Tăng Hội là một mẫu người lý tưởng cho giới xuất gia thời đó, bởi vì ngoài Phật học, thầy còn tinh thông Nho học, Lão học và những khoa học khác như đồ vỹ, thiên văn, địa lý, v.v.

Thầy đã thiết lập đạo tràng, huấn luyện đồ chúng và phiên dịch kinh điển tại Giao Chỉ. Tại đây, thầy Tăng Hội đã viết bài tựa cho Kinh An Ban Thủ Ý, cũng như biên tập Lục Độ Tập Kinh. Trung tâm hành đạo của thầy có thể đã được thiết lập ở chùa Diên Ứng, còn gọi là chùa Dâu hay chùa Pháp Vân, ở thủ phủ Luy Lâu, tức phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Thầy Tăng Hội đã sử dụng những kinh căn bản về thiền tập như kinh Quán Niệm Hơi Thở và đã dạy cho mọi người thực tập những kinh điển nguyên thỉ về thiền theo phương thức thực tập của đại thừa. Nội dung thực tập mà thầy Tăng Hội dạy là phép an ban thủ ý. An ban thủ ý là phép quán niệm hơi thở, và hơi thở được thực tập chung với bốn lĩnh vực quán niệm là tứ niệm xứ.

Không những là Sơ Tổ của Thiền tông Việt Nam, thiền sư Tăng Hội còn là người đầu tiên đem thiền học phát huy ở Trung Hoa, vì vậy thầy cũng là Thiền tổ của Trung Hoa. Khoảng giữa thế kỉ thứ 3, thầy đã sang nước Ngô để dạy thiền. Trong Cao Tăng Truyện có ghi rõ là khi thầy Tăng Hội sang nước Ngô thì bên đó chưa có tăng sĩ Phật giáo. Chính thầy Tăng Hội đã tổ chức đàn truyền giới đầu tiên cho những người Ngô trở thành những vị xuất gia đầu tiên. Ngôi chùa mà thầy Tăng Hội thành lập có tên chùa Kiến Sơ – ngôi chùa đầu tiên, tại Kiến Nghiệp, kinh đô nước Ngô.

Sự nghiệp của thiền sư Tăng Hội rất lớn lao. Nhờ vào những trước tác của thầy, ta biết được hành tướng của sự thực tập thiền tại trung tâm Luy Lâu (Việt Nam) và tại trung tâm Kiến Nghiệp (Trung Quốc) ngày xưa. Tư tưởng Thiền của thầy Tăng Hội là tư tưởng thiền Đại Thừa, đi tiên phong cho cả tư tưởng Hoa Nghiêm và Duy Thức. Tuy nhiên, thiền pháp của thiền sư Tăng Hội rất thực tiễn, không hề để thiền giả bay bỗng trong vòm trời lý thuyết. Căn bản của thiền pháp này vẫn là sự thực tập hơi thở ý thức và pháp quán chiếu về bốn lĩnh vực hiện hữu gọi là tứ niệm xứ và các pháp quán tưởng căn bản đã được nêu ra trong các thiền kinh nguyên thỉ.

Nhân cách của thiền sư Tăng Hội là một nhân cách vĩ đại. Ta chỉ cần đọc bài kệ mà Tôn Xước, một người trí thức trong hoàng gia Đông Ngô đề lên tranh tượng của thầy sau đây thì đủ thấy được nhân cách ấy:

Lặng lẽ, một mình,
đó là khí chất
tâm không bận bịu
tình không vướng mắc
đêm đen soi đường
lay người thức giấc
vượt cao, đi xa
thoát ngoài cõi tục.

Nguyện nắm giữ và bồi đắp không ngừng gia tài tâm linh của chư Tổ

Chúng con thành kính tri ân

“Chúng con ý thức được cây có cội, nước có nguồn. Chúng con biết Bụt và các thế hệ tổ sư là cội nguồn của chúng con và chúng con là sự tiếp nối của liệt vị. Chúng con nguyện tiếp nhận tuệ giác, từ bi và an lạc mà Bụt và chư tổ đã trao truyền; nguyện nắm giữ và bồi đắp không ngừng gia tài tâm linh quý giá ấy.

Chúng con nguyện tiếp tục thực hiện chí nguyện độ sinh của liệt vị, nguyện chuyển hóa những khổ đau trong chúng con, giúp được người đương thời chuyển hóa những khổ đau của họ và mở ra cho các thế hệ tương lai những pháp môn thích hợp có khả năng giúp họ đem đạo Bụt áp dụng được vào trong mọi lĩnh vực của sự sống…”

Đó là lời khấn bạch mà tứ chúng Làng Mai đã dâng lên chư Tổ trong ngày giỗ Tổ sư Khương Tăng Hội và giỗ thân mẫu của Thầy chúng con.

Trong bài pháp thoại buổi sáng, sư cô Từ Nghiêm (người Mỹ) đã chia sẻ với đại chúng, trong đó có các bạn thiền sinh đến Làng tu học, về phương pháp thực tập mà Tổ Tăng Hội đã dạy cho mọi người từ thế kỷ thứ III, đó là phương pháp quán niệm hơi thở và tứ niệm xứ – đây cũng là phương pháp thực tập căn bản mà tứ chúng Làng Mai đã và đang thực tập trong bao nhiêu năm qua. “Ngày xưa khi tôi nắm được kinh Quán Niệm Hơi Thở thì giờ phút đó giống như tôi bắt được bảo bối. Tôi cảm thấy rất vui mừng, rất hạnh phúc. Tại sao? Tại vì hồi chúng tôi còn nhỏ, các thầy không trao truyền lại, các thầy không dạy. Trong khi đó thì đây là một kinh hết sức căn bản và quan trọng của thiền tập.– đó là lời chia sẻ của Thầy Làng Mai.

Sau lễ giỗ, đại chúng được ngồi ăn cơm vòng tròn trong thiền đường như một gia đình. Ai cũng ý thức rằng Tổ Tăng Hội và thân mẫu của Thầy chúng con cũng đang có mặt và ăn cơm im lặng cùng với con cháu trong giờ phút này. Chắc chắn là Tổ và mẹ của Thầy chúng con rất lấy làm hạnh phúc khi thấy con cháu ngồi với nhau, ăn cơm với nhau và xây dựng tình huynh đệ.

Chia sẻ về công hạnh của Tổ Tăng  Hội và Thân mẫu của Thầy chúng con

Tứ chúng Làng Mai trong ngày giỗ

Lễ dâng trà cúng dường

Các bài liên quan khác:

– Cảm niệm Sơ tổ Thiền tông Việt Nam>>

– Thông bạch của Thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh về thiền sư Khương Tăng Hội >>

– Sách Thiền sư Tăng Hội >>

– Sách Việt Nam Phật giáo sử luận >>

– Kinh Quán Niệm Hơi Thở >>

– Nhạc Thiền sư Khương Tăng Hội >>

Mừng ngày Tiếp nối của Thầy năm 2013

Lời nhắn nhủ của Thầy trong ngày Tiếp Nối năm 2012

(Trích Thông bạch Ngày Tiếp nối 2012)

Ở Làng Mai, chúng ta không nói “Mừng ngày sinh nhật” mà nói “Mừng ngày tiếp nối” (Continuation Day). Tiếp nối cái gì? Và ai tiếp nối ai? Hôm nay chúng ta quán chiếu về sự tiếp nối của Thầy trong Thầy và trong các con của Thầy, xuất sĩ cũng như cư sĩ. Các con tiếp nối Thầy nghĩa là sao? Sự tiếp nối có hai phần, nơi thân tâm mình và nơi thân tâm những người được tiếp nhận những gì mình truyền trao. Bụt có dạy về trao truyền như sau: người trao truyền, người nhận trao truyền và vật được trao truyền là một, tam luân không tịch. Không có chủ thể trao truyền, không có người nhận trao truyền, chỉ có sự trao truyền, thế thôi.

Các con phải thực sự tiếp nối Thầy trong từng hơi thở và từng bước chân. Suốt sáu mươi năm qua Thầy đã liên tục trao truyền những kinh nghiệm, những thao thức và những hoài vọng của Thầy cho bao nhiêu người qua cách Thầy nói năng, đi đứng, ăn uống và chấp tác trong chánh niệm, qua những cuốn sách Thầy đã viết, qua những lời Thầy thuyết giảng, hoặc trước quần chúng đông đảo, hoặc cho từng nhóm nhỏ hoặc cho từng người. Các con đã tiếp nối Thầy được đến bao nhiêu rồi?

Hôm nay chúng ta hãy sống với nhau cho có hạnh phúc, hãy đi đứng, nói cười và tiếp xử với nhau cho có hạnh phúc thì đó mới chính là good continuation. Điều đó phải xảy ra từng ngày. Đám mây sẽ không có đau buồn gì khi nó không còn mang hình tướng của đám mây tại vì nó biết rằng nó đã thành mưa, mà thành mưa thì nó vẫn tiếp tục đời sống phụng sự của nó. Và khi đám mưa không còn nữa thì mình lại thấy có dòng suối và dòng suối lại tiếp tục sứ mạng của cơn mưa. Và vì vậy cho nên không có cái gì chết, không có cái gì mất đi cả.

Chúng ta thường kẹt vào hình tướng quen thuộc. Do vậy ta hay khóc thương khi thấy cái hình thức quen thuộc ấy không còn nữa. Khoa học bây giờ có thể dùng phép cloning để có thể tạo ra một ngàn đứa bé giống hệt như hồi Thầy còn bé. Chỉ cần lấy ra vài ngàn tế bào của Thầy là làm được chuyện này. Một ngàn đứa bé ấy sẽ giống nhau như đúc và giống như Thầy hồi còn bé…Các vị có thể thích thú nhìn các cậu bé ấy chơi đùa, nói cười rất giống Thầy hồi còn bé. Nhưng những cậu bé ấy không phải đích thực là Thầy, dù trong mỗi đứa cũng có những hạt giống tốt và những hạt giống không tốt của Thầy. Nếu chúng không gặp minh sư, không có môi trường tu học, không đi qua những thử thách như Thầy thì chúng cũng không phải là sự tiếp nối đích thực của Thầy. Nhưng nếu quý vị, trong mỗi bước chân, trong mỗi hơi thở mà có pháp lạc của Thầy thì quý vị trên hình thức tuy mặt mũi không giống Thầy mà trong nội dung lại là sự tiếp nối đích thực của Thầy. Cho nên pháp môn vô tướng trong tam giải thoát môn là rất quan trọng để chúng ta nhận diện được thế nào là sự tiếp nối đích thực.

Đại chúng Làng Mai mừng Ngày Tiếp nối của Thầy năm 2013

Tay Thầy trong tay con

Thầy thương kính của chúng con!

Ngày Thứ Năm 10/10/2013, anh chị em chúng con ở Làng Mai đã có một ngày quán niệm đầy ý nghĩa tại xóm Mới để mừng Ngày Tiếp nối của Thầy (11/10). Chúng con luôn ý thức rất rõ chính sự tu học tinh tấn của chúng con mới là một món quà lớn để dâng lên Thầy. Tuy thế, Thầy luôn dạy chúng con phải tu, học, chơi và làm việc trong tình huynh đệ. Chơi cũng trong tinh thần tu học, và tu học cũng là chơi. Ý thức như vậy nên ngày hôm đó chúng con đã tu học và ngồi chơi với nhau trong một bầu không khí thật ấm cúng.

Buổi sáng chúng con được xem pháp thoại của Thầy qua DVD. Đó là một buổi pháp thoại vấn đáp. Mỗi câu trả lời của Thầy là một bài pháp thoại mini, mang đến nhiều lợi lạc cho thính chúng. Mỗi lần có câu hỏi, chúng con đều thử đoán Thầy sẽ trả lời thế nào nhưng bao giờ Thầy cũng mang đến cho chúng con sự ngạc nhiên thích thú. Bởi vì, Thầy luôn trả lời rất khác với những gì chúng con đoán, vừa dí dỏm vừa thú vị đến bất ngờ. Vì tất cả đều có sự khế hợp căn cơ với từng đối tượng.

Có những câu thật khó để trả lời, thí dụ như là câu của một thiền sinh nam đang làm việc cho Liên hiệp quốc. Công việc của anh là đến các vùng đã đi qua chiến tranh ở các nước Trung Đông và giúp những người đã từng tham chiến tái hòa nhập với xã hội. Tại Syria, nhiều người trẻ đi theo lực lượng vũ trang Hồi giáo Al Qaeda vì họ nghĩ rằng họ đang tranh đấu cho chánh nghĩa, ngoài ra họ còn nhận được sự yểm trợ về mặt tài chính từ Al Qaeda. Anh gặp khó khăn trong việc thuyết phục những người trẻ Hồi giáo này vì anh là người Tây phương. Vì vậy anh muốn xin Thầy một lời khuyên.

Thầy chia sẻ với anh rằng trước tiên anh phải có một tăng thân. Chúng con hiểu không nhất thiết phải là một tăng thân theo mô thức Làng Mai. Tăng thân của anh chính là những người bạn đồng nghiệp cùng có một cái nhìn và một lý tưởng như anh. Khi đó anh mới có đủ sức mạnh và trí tuệ để không bỏ cuộc, bởi vì đường đi chắc chắn thế nào cũng chông gai. Thầy nói rằng anh có thể tạo điều kiện để mời một vài bạn trẻ đến một nơi nào đó để sinh hoạt một thời gian, nơi ấy là một nơi mà mọi người không coi trọng vật chất, nơi mà hạnh phúc chân thật được xây dựng bằng tình huynh đệ và niềm bình an trong tự thân mà không phải bằng vật chất, danh vọng, tiền tài. Nơi ấy có thể là Làng Mai. Nếm mùi vị của hạnh phúc chân thật rồi, sau khi trở về họ có thể chia sẻ lại cho những người bạn khác. Bởi vì nếu mình nói cho họ là có một nơi như vậy họ sẽ không tin. Họ phải đến để mà thấy và trải nghiệm mà thôi.

Sau pháp thoại chúng con thiền hành lên đồi Dương Xuân, xuyên qua đồi mận. Con đường thiền hành này chúng con đã được cùng Thầy đi biết bao lần. Ngày hôm ấy chúng con ý thức rằng chúng con đang đi bằng đôi chân của Thầy. Chúng con đã về đã tới trong mỗi bước chân.

Sau khi được ăn cơm trưa pic nic, đại chúng có một buổi Ngồi chơi bên nhau (Be-In) trong thiền đường Trăng Rằm. Buổi Be in này được tổ chức để mừng ngày tiếp nối của Thầy nên đại chúng được đãi bánh nướng. Đại chúng cùng nhau thưởng thức trà và bánh trong im lặng vài phút. Sau đó mọi người được coi một đoạn video ghi lại những sinh hoạt của Tăng thân trong mùa Thu này khi Thầy vắng nhà. Có những khoảnh khắc thật ngộ nghĩnh mà người quay phim đã nhanh tay ghi lại được làm cho đại chúng thật bất ngờ.

Tiếp theo sau đoạn Video clip là những tiết mục văn nghệ cúng dường Thầy. Chúng con ý thức là Thầy đang có mặt với chúng con nên chúng con đã thưởng thức thật hết lòng. Mọi người đều tin tưởng vào tài quay phim của “camera nun”, sư cô Trăng Chùa Xưa, đang đứng máy một cách thật chánh niệm để thu lại những tiết mục này làm thành một DVD dâng lên Thầy làm quà ngày tiếp nối. Đây cũng là cơ hội để đại chúng được thưởng thức những tài năng tiềm ẩn của anh chị em trong Tăng thân.

Quý sư cô xóm Mới cúng dường Thầy bài hát You Are a Buddha To Me. Nghe đâu quý sư cô chỉ được tập hát một lần trước buổi họ chúng chấp tác, vậy mà khi lên hát cũng được đại chúng khen hay. Đại chúng bao giờ cũng rất yểm trợ tài năng. Nhưng có lẽ một phần cũng nhờ sự góp phần hết lòng của sư chú Trời Đại Định (chơi trống) và sư cô Trăng Hải Ấn (đàn ghita).

Bài hát “You Are a Buddha To Me”

Vở kịch của các anh chị em Tây phương với chủ đề Hạnh phúc chân thực đã phản ánh một cách thật dí dỏm và xác thực tâm tư của nhiều người trẻ. Vở kịch đã nói lên được sự chuyển hóa của các bạn trẻ khi gặp được đạo Bụt, gặp được Thầy và Tăng thân. Các anh chị em Tây phương hóa trang và diễn kịch thật tài tình, mang lại cho khán giả những tiếng cười thật vui nhưng cũng rất sâu lắng.

Bài múa Tây nguyên của xóm Mới đã đưa đại chúng về với Tây nguyên, nơi đó có những chàng trai, cô gái không chỉ giỏi việc làm rẫy, làm nương mà họ còn là những người rất yêu đời, yêu ca hát. Các bạn thiền sinh cũng rất ấn tượng với màn múa nón của xóm Hạ. Điều hạnh phúc nhất là có hai sư cô Trăng Tam Muội – người Anh và Trăng Diệu Lý – người Đức cùng lên múa nón.

Sư cô Trăng Diệu Lý đã làm cho đại chúng, hết sức ngạc nhiên đặc biệt là quý thầy. Vì sư cô múa võ quá hay! Chỉ với một đôi đũa thôi mà sư cô đã khiến cho đại chúng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bàn tay của sư cô thật dẻo, sự di chuyển thật nhanh nhẹn, đúng là con nhà võ. Không chỉ có đôi đũa mà với cả cái vá để quấy đậu hủ và cây quét màng nhện sư cô cũng cho nó biến thành … khí cụ. Cùng với sư em Trăng Diệu Lý, sư cô Thúy Nghiêm từ Việt Nam mới qua cũng biểu diễn hai bài võ mà sư cô đã được học ở Diệu Trạm, do thầy Từ Tế dạy. Qua đây đại chúng thấy rõ rằng quý sư cô không chỉ giỏi việc nấu nướng, trang trí mà còn có thể xuất chiêu khi cần nữa.

Các bạn thiền sinh cũng đóng góp vào ngày vui này bằng sự có mặt hết lòng và những bài hát mà các bạn tự sáng tác. Xen kẽ với các tiết mục văn nghệ là những lời chia sẻ của quý thầy, quý sư cô. Những lời chia sẻ thật chân tình, xuất phát từ tận đáy lòng đã làm xúc động người nghe. Tâm tư ấy được thể hiện qua những vần thơ chân chất, mộc mạc nhưng thể hiện rõ lòng biết ơn đối với Thầy, với tình huynh đệ.

Ta hạnh phúc liền giây phút này

Để kết thúc, thầy Pháp Thạnh, MC đã thay mặt toàn chúng nói lên lời tri ân đối với Thầy. Chúng con thật là may mắn và có nhiều phước duyên vì có được một vị Thầy vừa cao tuổi đời vừa cao hạ lạp hướng dẫn dìu dắt chúng con trên đường tu tập…

Sau buổi Be-In, đại chúng xóm Thượng và xóm Hạ được mời ở lại ăn cơm chiều ở xóm Mới. Đội nấu ăn đã đãi đại chúng món lẩu thật là ngon.

Thầy kính thương!

Trong hơn bảy mươi năm qua, Thầy đã không ngừng xây dựng tăng thân, dìu dắt, dạy dỗ các con xuất gia, tại gia và những người không là Phật tử ở khắp mười phương. Thầy có mặt khắp nơi trong mỗi chúng con, từ bất kỳ một góc nhỏ trên một đất nước xa xôi nào cũng có dấu ấn của Thầy. Chúng con là sự tiếp nối của Thầy. Chúng con còn hạnh phúc nào hơn thế nữa?

Chúng con kính dâng lên Thầy những dòng tâm sự còn nhiều vụng về này để Thầy cùng vui với chúng con. Chúng con thật hạnh phúc khi được là con của Thầy. Chúng con ý thức rằng chúng con đang sống những tháng ngày hạnh phúc bên nhau trong tình huynh đệ và đó là món quà mà chúng con muốn dâng lên Thầy trong Ngày Tiếp Nối.

Chúng con kính chúc Thầy luôn có nhiều sức khỏe để Thầy có mặt cho chúng con. Chúng con nguyện sẽ tu học tinh tấn, thương yêu nhau như anh em ruột thịt để mãi là sự tiếp nối xứng đáng của Thầy.

Kính thư

Các con của Thầy.



Một ngón chân nhúc nhích…

Thứ năm ngày 3 tháng 10 năm 2013, chúng xuất sĩ ba xóm tại Làng được chơi Olympic Games. Các bạn thiền sinh cũng được tham dự. Một buổi chiều tràn ngập tiếng cười và biết bao chuyện vui để kể…

Các trò chơi đã được Ban tổ chức chuẩn bị chu đáo. Con thấy sư chị, sư em mình đi chặt tre, kiếm chai, kiếm cây từ mấy ngày trước đó. Nhìn sư chị, sư em làm việc con chỉ biết thầm cám ơn. Con không phải làm gì cả, con chỉ cần chơi thôi.

Đại chúng được chia làm năm đội với những cái tên thật hay, thật lạ, đó là: Sao băng, Lắng nghe sâu, Voi con, Nắng mai và Kiến càng. Quân số mỗi đội hơi đông nhưng không sao, càng đông lại càng vui.

Đầu tiên là trò chơi Kiến tha mồi. Mỗi đội sẽ được chia theo cặp. Hai người phải dùng miệng ngậm hai đầu sợi dây có buộc cây bút chì ở giữa, rồi cùng tha tới chỗ cái chai và khéo léo đưa cây bút chì vào chai mà không được sử dụng tay. Trò chơi này cần phải có tinh thần đồng đội. Thời gian thi đấu là năm phút. Chỉ có năm phút thôi nên đòi hỏi người chơi phải nhanh và khéo. Dù là chơi không cần thắng, chỉ cần vui nhưng ai cũng hồi hộp, gần như nín thở để theo dõi cuộc chơi. Khi trọng tài thông báo hết giờ thì không gian như vỡ òa. Có cả những cái bắt tay để chúc mừng.

 

tro tha moi

Trò chơi “Kiến tha mồi”

Trò tiếp theo là trò Truyền tin.Trò này rèn luyện cho chúng ta khả năng lắng nghe sâu. Cả đội đứng thành một hàng, người đầu tiên sẽ lên nhận tin từ Ban tổ chức rồi về truyền lại cho các thành viên trong đội qua cái ống tre và chỉ được nói thì thầm thôi kẻo đội khác nghe thấy.

Vì trong lúc chơi, người này truyền tin cho người kia mà không được nói lớn mà lại nói qua một ống tre, tin lại vừa bằng tiếng Anh và tiếng Việt, nên cuối cùng kết quả  thật buồn cười. Mẫu tin cho cả năm đội là: “Một ngón chân nhúc nhích, that is enough to make me happy” (một ngón chân nhúc nhích cũng đủ làm ta vui rồi), nhưng kết quả thu được lại là “có một ngón chân là cũng đủ hạnh phúc rồi” hay là “có một cái cây nào cho mình hạnh phúc”, “look is love is make me happy” hay chỉ đúng một chữ “bus enough heavy”… Đại chúng được một trận cười sảng khoái.

Trò chơi này đã chứng minh rất rõ là các thầy, các sư cô cũng như các bạn thiền sinh, tất cả đã chơi với nhau thật dễ thương, không hề có khoảng cách, không có sự phân biệt quốc tịch và màu da. Có những bạn thiền sinh Tây phương không biết tiếng Việt, cũng như nhiều người Việt không biết tiếng Anh, thế mà cuối cùng trò chơi vẫn thành công. Con cũng thật bất ngờ.

 

tro truyen tin

Trò “Truyền tin”

Sau hai trò khởi động này, tinh thần đại chúng đi lên phới phới. Trời nắng đẹp nên cả đại chúng ra hết tháp chuông để chơi tiếp. Thiền đường bỗng nhiên không một bóng người chỉ còn lại vài vị khán giả vì lí do tuổi tác và sức khỏe được Ban tổ chức nhờ ở lại trong thiền đường ….”bảo vệ” quà tặng.

Trò tiếp theo là Tìm báu vật. Những tờ mật thư đã được phát ra, các đội cùng nhau giải đáp. Trên bãi cỏ xanh lúc này xuất hiện từng nhóm người ngồi lại với nhau thành vòng tròn, họ đọc một mẩu giấy rồi xì xầm, bàn tán với nhau. Nếu ai đó vừa mới đến, nhìn vào thì sẽ không biết là họ đang làm gì. Sau một hồi hơi căng thẳng thì mật thư đã được giải và nụ cười đã trở lại trên môi mỗi người. Nhưng đó mới chỉ là một phần ba chặng đường.

Theo chỉ dẫn của mật thư đầu tiên, tất cả các đội phải chạy một vòng từ tháp chuông xuống vườn Bụt để tìm cho ra thầy Từ Phước – người đang giữ mật thư thứ hai. Trước đó, Ban tổ chức đã chỉ định thầy Từ Phước leo lên cây và ngồi im trên đó để mọi người tha hồ mà tìm. Ai dè, chờ một hồi mà chẳng thấy ai, sợ đại chúng tìm mình không ra, thầy đã tự nguyện tụt xuống, ngồi dưới gốc cây và gọi to “Ê, tui ở đây nè!”. Rồi thầy trao cho mỗi đội bức mật thư kế tiếp.

Sau một hồi “căng óc” giải mã, các đội nhận được thông tin từ mật thư là: quay về …điểm xuất phát để tìm báu vật. Cứ tưởng rằng trò chơi đã kết thúc nhưng khi tìm ra báu vật giấu dưới hòn đá thì đó lại là một yêu cầu. Yêu cầu mà Ban tổ chức đưa ra thật dễ thương: “Mỗi đội chuẩn bị một tiết mục văn nghệ như múa, hát hay trình diễn thời trang, v.v…trong vòng 10 phút”.

van nghe

Tiết mục văn nghệ của đội Voi von

Bình thường để kêu gọi đại chúng tập văn nghệ thì phải mất rất nhiều công sức và thì giờ nhưng vừa mới đọc được yêu cầu thì các đội đã tập hợp nhau lại nhanh chóng, nghĩ ra cho đội mình một tiết mục gì đó vừa vui vừa ý nghĩa. Còn nhanh hơn mì ăn liền nữa! Các tiết mục đầy sáng tạo, tinh nghịch và vui tươi của các đội làm Ban tổ chức hết sức khó xử, không biết trao giải như thế nào cho xứng đáng.

Hấp dẫn nhất của các cuộc thi bao giờ cũng là phần trao phần thưởng. Không chỉ các đội được nhận quà mà ngay cả người quay phim, chụp hình, cổ động viên nhiệt tình nhất cũng được nhận quà. Có một phần quà to nhất mà không ai ngờ tới, đó là quà dành cho Ban tổ chức.Giải thưởng vừa được công bố thì các thành viên trong Ban tổ chức, mặt ai cũng đều hớn hở lên sân khấu và tự trao quà cho nhau, rồi tặng cho đại chúng một bài hát thật vui.

Mọi người xúm lại ăn liên hoan và nhớ lại những gì mới trải qua trong tiếng cười giòn giã. Con thấy tình anh chị em, tình bạn được biểu hiện thật rõ trong khi chơi cho tới bây giờ.

Một ngày quán niệm đầy ý nghĩ đã trôi qua. Ước mong sao những buổi chơi như vậy sẽ lại được tổ chức dài dài.

Tâm Liên Hòa

Rừng dương thay áo mới

Mùa thu đã bắt đầu trên màu vàng tươi của lá bạch dương trong rừng bạch dương xóm Hạ. Lá phong cũng bắt đầu đổi dần sang màu đỏ. Mùa thu còn gọi là mùa lá chín. Những bông sen cuối cùng đã khép cánh để nhường chỗ cho mùa thu. Mận làng đã chín và đang chờ những bàn tay hái về để sấy khô hay làm mứt dành cho mùa sang năm.

Làng Mai đã bắt đầu mở cửa để đón thiền sinh về tu học trong khóa tu mùa Thu từ hai ngày trước (3.09). Khóa tu mùa Thu sẽ kéo dài tới 15 tháng 11. Tuy không có Sư Ông ở nhà nhưng thiền sinh vẫn về tu học rất đông. Nhiều thiền sinh vẫn thích về Làng tu học để tận hưởng không khí yên tĩnh và đầm ấm trong các sinh hoạt bình thường hàng ngày cùng với quý thầy quý sư cô.

Xóm Hạ, Xóm Thượng, Xóm Mới và Sơn Hạ trong những ngày làm biếng thật yên tĩnh. Một số quý thầy xóm Thượng đi ngắm núi non hùng vĩ, hoặc đi biển để nghe tiếng hải triều và tắm mình trong nắng gió bao la. Quý sư cô Xóm Hạ cũng mới trở về từ chuyến đi núi 6 ngày. Quý sư cô xóm Mới chọn đi Tây Ban Nha vì được thiền sinh và tăng thân ở đó mời và cung cấp chỗ ở. Một số quý thầy quý sư cô khác hoặc nhập thất để hạ thủ công phu hoặc nghỉ ngơi tại xóm mình để học cách làm biếng… Sau những ngày làm biếng, ba xóm bốn chùa sẽ gặp mặt vào ngày quán niệm đầu tiên (5.09) tại xóm Mới. Tin vui là Thượng Tọa Minh Tuấn đã trở về làng và sẽ cho một thời pháp thoại vào lúc 9 giờ 30 sáng.

Buổi chiều của ngày quán niệm, trong lúc quý thầy quý sư cô giáo thọ ba xóm sẽ có buổi họp để thống nhất thời khóa chung cho hai ngày quán niệm vào mỗi tuần của khoá tu mùa Thu thì đại chúng còn lại sẽ được ngồi chơi (Be in) để chia sẻ về những niềm vui, những hoa trái trong thời gian làm biếng.

Cùng thời gian này, Sư Ông cùng gần 30 quý thầy quý sư cô đã đi được gần nửa chặng đường của chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ. Sư Ông khỏe và chia sẻ nhiều bài pháp thoại rất giàu có và đầy tuệ giác. Đầu tiên là cho giới giáo chức trong khóa tu “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới” tại đại học Brock, Canada.

Đối với một giáo viên, điều trước tiên cần phải làm là trở về và chăm sóc cho chính mình. Để có thể đi ra giúp mọi người, trước tiên ta phải biết trở về chăm sóc cho chính mình. Người giáo viên cần phải học cách chế tác niềm vui, niềm hạnh phúc, học cách xử lý một cảm thọ đau buồn, học cách lắng nghe khổ đau và làm phát sinh năng lượng hiểu biết, thương yêu để ôm ấp khổ đau đó. Đây là bước đầu tiên mà một giáo viên cần phải thực tập. Mình phải bắt đầu với chính mình trước tiên.” (Trích pháp thoại ngày 12.08.2013)

Gần đây là hai buổi sinh hoạt với chủ tịch và nhân viên của Ngân hàng thế giới (World Bank) tại Washington DC (08-09.09.2013). Sư Ông cùng tăng thân Làng Mai tới mang theo dòng nước mát của tình thương và tuệ giác.

Sư Ông đề nghị World Bank nên thành lập một ban lắng nghe sâu. Ban lắng nghe này có bổn phận và trách nhiệm lắng nghe với tâm từ bi về những khó khăn, khổ đau hoặc sợ hãi mà những công nhân viên đang đối diện. Tập lắng nghe như thế ta sẽ giúp được những người ấy vơi nhẹ được nỗi khổ niềm đau trong lòng của họ. Họ sẽ tự tin nơi chính mình, các bạn đồng nghiệp và công ty hơn. Nếu một người có niềm tin, có hạnh phúc thì sự đóng góp của người ấy sẽ có phẩm chất hơn. World Bank có thể gửi nhóm người trong ban lắng nghe này về Làng hoặc các trung tâm tu học của Làng tại Mỹ để được huấn luyện.

Sư Ông đưa nhân viên World Bank đi thiền hành trên đường phố WashingtonDC

Trong pháp thoại vào ngày quán niệm cho người việt tại Canada (8.08.2013), Sư Ông chia sẻ: “Thầy chỉ có một ước mơ là tạo ra một Đạo Bụt mới, phù hợp với người trẻ và người trí thức. Thầy đang thực hiện được mỗi ngày cái giấc mơ của thầy. Hiện tại bây giờ mình đang có một Đạo Bụt, một pháp môn tu tập rất là thích hợp với tuổi trẻ, đem ra để giảng dạy và để áp dụng ở Âu Châu và ở Mỹ Châu, người trẻ tuổi và người trí thức theo học rất là đông. Và đem về Á Châu, Thái Lan, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam thì tuổi trẻ, người trí thức cũng theo học rất là đông.” – Giấc mơ của Sư Ông đã được thành tựu rồi. Các bạn trẻ ở khắp mọi nơi đang thực tập theo pháp môn Chánh Niệm rất đông. Năm nay, tron khóa tu người trẻ tại Làng Mai, các bạn đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tập của mình. Có nhiều tăng thân nhỏ ở những thành phố ở khắp Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á. Mỗi một khóa tu Wake Up, các bạn đều trồng ít nhất là một cây xanh với ước mơ là giữ gìn cho đất mẹ và chữa lành những tổn thương mà con người đã vụng dại gây nên. Các bạn trẻ ngay sau khóa tu người trẻ đã cùng nhau thưa với ban tổ chức khóa tu là mỗi năm Làng Mai đều có khóa tu cho người trẻ chứ không phải là 2 năm một lần để có thể về cùng nhau vun đắp những yêu thương.

Còn bạn, ước mơ sâu sắc nhất của bạn là gì? Bạn có đang thực hiện nó hàng ngày không? Mời bạn về với mảnh đất của hiện tại bằng hơi thở chánh niệm và bước chân ý thức trong ngày quán niệm đầu mùa Thu (5.09.2013) cùng Tăng thân Làng Mai. Về đây để cùng dừng lại để khám phá lại chính mình. Dù bạn ở đâu: Việt Nam, Thái Lan, hay Pháp Quốc. Chỉ một hơi thở là bạn đã có thể trở về. Một ánh nắng mai, một bông hoa ven đường hay một giọt sương trên lá đều có thể là tiếng chuông tỉnh thức. Mình thường hay lạc lối vì vậy mà mình cần Tăng thân bao bọc. Thương chúc bạn mỗi ngày bước vững chãi trên con đường trở về với bình an của tự thân. Đất mẹ luôn chờ đợi và tình thương không bao giờ nói rằng đây là lần cuối.

Thương quý

BBT Trang nhà Làng Mai