Nếu bạn quên mật khẩu, chúng tôi có thể tạo mật khẩu mới cho bạn.
Mùa an cư đầu tiên
Nếu bạn quên mật khẩu, chúng tôi có thể tạo mật khẩu mới cho bạn.
Lễ đối thú khai mạc Khóa An Cư Kiết Đông 2012 – 2013
Trước ngày đối thú an cư, quý thầy quý sư cô đi khóa tu, lo công việc Phật sự hoặc việc gia đình… cũng đã về Làng đông đủ để chuẩn bị bước vào mùa An Cư Kiết Đông. Năm nay, mùa an cư bắt đầu sớm hơn thường lệ để sau an cư Đại chúng có thể đón quý thầy quý sư cô từ Học Viện Ứng Dụng Châu Âu (EIAB) và từ Thiền đường Hơi Thở Nhẹ ở Pari về đón Tết và tham dự khóa tu xuất sĩ tại Làng. Các công việc chuẩn bị cho mùa an cư đều đã được hoàn tất.
Tại các xóm, sinh hoạt đổi phòng hàng năm đã được diễn ra trước ngày bắt đầu mùa an cư ít nhất là một tuần để quý thầy quý sư cô có thời gian sắp xếp lại phòng ở, phòng học… trao truyền và chia sẻ kinh nghiệm về tu học cũng như về những trách nhiệm trong chùa. Mỗi xóm đều có một ban chăm sóc mới (CTC) để chăm sóc cho những sinh hoạt của Chúng. Và mỗi mùa đông thì có thêm ban tổ chức ngày xuất sĩ do quý thầy, quý sư cô giáo thọ phụ trách để chăm sóc cho ngày xuất sĩ và chiều Thứ Năm. Bất cứ sự thay đổi nào cũng cần thời gian để thích nghi và làm quen. Năm nào, thành viên của các xóm cũng có thay đổi. Có quý thầy quý sư cô rời Làng vài năm đến các trung tâm khác như EIAB, Bích Nham, Lộc Uyển, Thái Lan, Việt Nam… nay về Làng an cư. Lại có những quý thầy quý sư cô lần đầu tiên tới làng. Nghe nói mùa đông lạnh lắm nên chuẩn bị đồ ấm cùng với sự háo hức sẽ được thấy tuyết rơi và được an cư cùng Sư Ông và đại chúng. Mỗi tuần đều được nghe Sư Ông giảng kinh bằng tiếng Việt và tham dự ngày xuất sĩ ở Sơn Cốc.
Mùa an cư bắt đầu bằng Lễ đếm thẻ tại các xóm vào tối ngày 06.11.2012 để kiểm đếm số lượng Tỳ Kheo,Tỳ Kheo Ni, Thức Xoa Ma Na, Sa di, Sa di ni, và Ưu bà tắc, Ưu bà di có mặt suốt trong ba tháng an cư. Trong kỳ An Cư Kiết Đông năm nay ở chùa Pháp vân Xóm Thượng kể cả Sơn Hạ có 49 vị tỳ kheo, 21 vị sadi và 26 vị cận sự, tất cả đều sẽ an trú, tu tập miên mật trong 90 ngày. Nếu cộng vào một thẻ cho đức Bổn sư và một thẻ cho Sứ Giả Giám Trai thì tổng cộng là 96 thẻ. Chùa Từ Nghiêm Xóm Mới có 40 vị tỳ kheo ni, 6 vị thức xoa ma na, 11 vị sadi ni và 5 thẻ cho cư sĩ, và cộng với một thẻ cho Đức Bổn Sư, một thẻ cho Sư Ông và Sứ Giả Giám Trai, tổng cộng là 65 thẻ. Chùa Cam Lộ Xóm Hạ năm nay có 40 vị tỳ kheo ni, 1 vị thức xoa ma na, 6 sadini và 1 cận sự, cộng với một thẻ cho Sư Ông, một cho Bụt và một cho Sứ Giả Giám Trai và… cư sĩ, tổng cộng là 52 thẻ. Tổng cộng số người an cư tại đạo tràng Mai Thôn là 213 vị.
Ngày 07.11.2012, đại chúng vân tập về thiền đường Nước Tĩnh xóm Thượng để làm Lễ Đối Thú. Tại Làng Mai mỗi buổi lễ thường được bắt đầu bằng một thời ngồi thiền khoảng 15 phút. Trong không khí thanh tịnh và trang nghiêm, ba hồi chuông trống bát nhã được dóng lên mở đầu cho mùa an cư hùng tráng.
Sư Ông dâng hương bằng tiếng Việt.
Tác pháp yết ma (Sanghakarman) được cử hành bằng hai thứ tiếng, tiếng Anh và tiếng Việt. Năm nay: Thầy Yết Ma là Thầy Thích Chân Pháp Đăng (Tiếng Việt)/ Thầy Thích Chân Pháp Dung (Tiếng Anh) và Sư cô thủ chúng là Sư cô Thích Chân Không Nghiêm (Tiếng Việt) / Sư cô Thích Chân Diệu Nghiêm (Tiếng Anh).
Thầy Yết Ma: Đại chúng đã tập họp đầy đủ chưa?
Thầy Thủ chúng: Thưa, đại chúng đã tập họp đầy đủ.
Thầy Yết Ma: Có sự hòa hợp không?
Thầy Thủ chúng: Thưa, có sự hòa hợp
Thầy Yết Ma: Đại chúng tập họp hôm nay để làm gì?
Thầy Thủ chúng: Thưa, đại chúng tập họp hôm nay để thực hiện yết ma đối thủ an cư khai mạc khóa tu an cư kiết đông năm 2012-2013
Thầy Yết Ma: Kính thưa Sư Ông và đại chúng, xin các vị tôn đức khất sĩ nam và nữ lắng nghe, hôm nay ngày mồng 07 tháng 11 năm 2012 là ngày được chọn để làm Lễ Đối Thủ An Cư khai mạc Khóa tu An Cư Kiết Đông năm 2012-2013 được tổ chức tại đạo tràng Mai Thôn. Đại chúng đã tập họp đúng giờ giấc và chúng ta đồng ý sẵn sàng cử hành Lễ Đối Thủ An Cư trong tinh thần hòa hợp, như vậy việc đối thú an cư là hợp pháp, đây là lời tác bạch, bạch như thế thì phép tác bạch có rõ ràng và đầy đủ hay không?
Đại chúng: Rõ ràng và đầy đủ.
Sau khi Tác pháp yết ma đã thành. Sư Ông cùng ba vị trụ trì của ba chùa là Thầy Thích Chân Pháp Hữu (trú trì chùa Pháp Vân), Sư cô Thích Chân Diệu Nghiêm (trú trì chùa Cam Lộ) và Sư cô Thích Chân Linh Nghiêm (trú trì chùa Từ Nghiêm) ra trước đại chúng để làm lễ nương tựa.
Ba vị trú trì đối thú với Sư Ông
Thầy Thích Chân Pháp Hữu: Kính bạch Sư Ông, xin Sư Ông lắng nghe cho chúng con. Chúng con là những Tỳ Kheo, Sadi và Ưu bà tắc ở chùa Pháp Vân. Chúng con mong muốn được nương tựa chùa Pháp Vân và nương tựa Sư Ông, là bậc thầy của chúng con. Chúng con cảm thấy mình vô cùng may mắn có được Sư Ông là thầy dạy dỗ chúng con, đươc tu học với Sư Ông tròn ba tháng, không đi đâu cả và có được sự yểm trợ hàng ngày của Sư Ông. Là những tế bào của tăng thân, chúng con biết rất rõ rằng: sự thực tập, hạnh phúc và thành công của chúng con cũng là hạnh phúc và thành công của Sư Ông. Chúng con là sự tiếp nối của Sư Ông. Đó cũng là tâm nguyện của chúng con để có thể tiếp nối Sư Ông ngay trong giờ phút hiện tại và trong cả tương lai. Chúng con biết rõ, tăng thân của chúng con không phải là một đoàn thể hoàn hảo, vì vậy mỗi ngày chúng con nguyện sẽ thúc liễm thân tâm, làm tăng trưởng tình huynh đệ, làm cho quan hệ giữa chúng con tốt hơn. Có Sư Ông là Thầy hướng dẫn, dạy dỗ mỗi ngày, chúng con biết chúng con sẽ có thể đi rất là xa. Năm nay chúng con có nhiều thay đổi, có nhiều bùn, nhưng đồng thời chúng con cũng thấy có nhiều sen, và có được cơ hội thực tập chung trong Khóa An Cư Kiết đông này, chúng con xin làm mới lại hạnh nguyện và Tâm Bồ Đề của mình để có thể tiếp tục đi tới như một dòng sông, thực tập với nhau như là một đại gia đình tâm linh. Chúng con xin Sư Ông làm chỗ nương tựa cho chúng con và hướng dẫn chúng con.
Xin Sư Ông chấp nhận lời thỉnh cầu của chúng con.
Xin Sư Ông chấp nhận lời thỉnh cầu của chúng con.
Xin Sư Ông chấp nhận lời thỉnh cầu của chúng con.
Sư cô Thích Chân Linh Nghiêm: Nam mô Đức Bổn Sư Bụt Shakyamuni. Kính bạch Sư Ông, chúng con là tỳ kheo ni, thức xoa ma na, sadi ni, cận sự nữ của chùa Từ Nghiêm. Chúng con rất là hạnh phúc được an cư trong 90 ngày tại chùa Từ Nghiêm cùng với tăng thân và Sư Ông. Chúng con nguyện sẽ an cư cho hết lòng. Chúng con xin thực tập cho có hạnh phúc với sự chánh niệm và thảnh thơi. Con đi xa về, con thấy mỗi giây phút rất là quý báu nên con và các sư chị, sư em con sẽ cố gắng thực tập trân quý mỗi giây phút đó cùng với sự hiện diện của Sư Ông. Chúng con hứa sẽ không coi thường những giây phút có mặt cho nhau. Chúng con sẽ thực tập như một gia đình tâm linh để hiểu nhau, thương nhau và xây dựng tình huynh đệ. Chúng con biết, chúng con thực tập được ngày hôm nay, chúng con sẽ có Sư Ông ở trong chúng con mãi mãi. Và mỗi bước chân, mỗi hơi thở chúng con đang thực tập cho Sư Ông và Sư Ông cũng đang thực tập cho các con của Sư Ông. Chúng con xin Sư Ông chứng minh và làm chỗ nương tựa cho chúng con trong ba tháng An Cư Kiết Đông.
Xin Sư Ông chấp nhận lời thỉnh cầu của chúng con.
Xin Sư Ông chấp nhận lời thỉnh cầu của chúng con.
Xin Sư Ông chấp nhận lời thỉnh cầu của chúng con.
Sư cô Thích Chân Diệu Nghiêm: Kính bạch Thầy, chúng con rất hạnh phúc được tu tập Khóa An cư Mùa đông cùng với Thầy, với các huynh đệ và các bạn thiền sinh. Chúng con ý thức rằng trong khóa An Cư Kiết Đông năm nay, ngoài lễ Giáng Sinh và Tết Tây sẽ có ít lễ lược hơn mọi năm. Đối với nhiều người trong chúng con, đây là lần đầu tiên có được kinh nghiệm này, do vậy chúng con rất mong được có mặt với nhau, thực tập cùng nhau và trân quý thời gian quý báu này. Trứoc đó, các sư cô ở chùa Cam Lộ đã cùng nhau ngồi lại xem mình có tâm nguyện gì cho khóa An Cư Kiết Đông này. Và chúng con đều muốn tập trung vào việc nuôi dưỡng tình huynh đệ và cùng nhau làm tâm Bồ Đề của mình hùng hậu thêm lên. Khóa tu mùa Đông này chúng con còn muốn dành thì giờ cho nhau một cách có phẩm chất và có niềm vui. Cho nên chúng con sẽ không lên internet trước giờ họp chúng vào buổi sáng, và sau 7giờ 30 tối, ngoại trừ khi cần làm việc cho chúng, với sự cho phép của ban Giáo Thọ. Chúng con thích học tập nhưng cũng muốn tìm sự cân bằng giữa việc ngồi vào bàn học và chia sẻ thời gian cho nhau. Năm nay, cũng giống như năm ngoái, chúng con muốn thực tập tham gia tất cả các sinh hoạt của tăng thân, kể cả các sinh hoạt buổi chiều trong các ngày Quán Niệm ở xóm mình cũng như ở các xóm khác và ở Sơn Cốc.
Chúng con ý thức rằng việc xây dựng tăng thân và thực tập tất cả các pháp môn một cách hết lòng và với tâm hoan hỷ, chúng con sẽ có thể tiếp nối Thầy một cách thật tốt đẹp trong tương lai. Chúng con tri ân Thầy thật sâu sắc, và chúng con nguyện sẽ gìn giữ những pháp môn cùng sự thực tập thật sống động cho nhiều thế hệ tương lai. Chúng con biết rằng đó là cách hay nhất để bày tỏ lòng biết ơn của chúng con đối với Bụt, Tổ, Thầy và tăng thân. Chúng con xin Thầy và tăng thân yểm trợ cho chúng con để chúng con có thể hoàn thành chí nguyện của mình.
Cuối cùng, cũng giống như mùa đông năm ngoái, chúng con thành kính mời Thầy ghé xóm Hạ để cùng ăn trưa và uống trà với chúng con.
Sư Ông Làng Mai: Kính thưa quý vị trụ trì, kính thưa các thầy các sư cô và quý vị Phật tử cư sĩ. Trong giờ phút này Thầy cảm thấy có niềm biết ơn. Trước hết là biết ơn Đức Bổn Sư đã cho mình cái cơ hội được mỗi năm ở nhà, không đi đâu hết để thực tập với nhau. Sang năm sẽ là một năm Thầy đi nhiều, thành ra năm nay mình phải biết thừa hưởng cái giờ phút được ở nhà và thực tập với nhau. Trước Khóa An Cư Kiết Đông thì Thầy đã được sống một tháng rưỡi ở tại Làng rồi và Thầy rất là hạnh phúc. Thầy thấy Thầy rất cần tăng thân, cần nương tựa tăng thân. Thầy nghĩ rằng sau bao nhiêu năm tu học mà thầy còn thấy cần tăng thân như vậy thì tất cả mọi chúng ta ai cũng cảm thấy như vậy. Tại vì nếu mà không có tăng thân thì không có đủ vững chãi và không thể đi xa được. Cho nên nương tựa tăng thân là thực tập căn bản của chúng ta.
Điều thứ hai, Thầy thấy rằng, tu tập là để có hạnh phúc chứ không phải tu tập là để có hạnh phúc trong tương lai, mà chúng ta phải có hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Vì vậy cho nên mùa an cư năm nay thầy muốn chúng ta làm thế nào để trong khi mình ngồi thiền cũng có hạnh phúc, trong khi đi thiền hành cũng có hạnh phúc, trong khi rửa bát hay là nấu cơm cũng có hạnh phúc, mình tiếp xúc được với cái mầu nhiệm của sự sống, tiếp xúc được với thảnh thơi, an lạc và niết bàn ngay trong giờ phút hiện tại chứ không phải đợi tới tương lai. Thành ra Thầy đề nghị, Thầy có nhiều đề nghị, nhưng mà cái đề nghị mà Thầy muốn đưa ra sáng hôm nay "Trong suốt ba tháng an cư này, khi mình đi thì mình không nói chuyện". Mỗi buổi sáng, sau giờ ngồi thiền thì mình nên đọc lại câu đó để nhắc nhở đại chúng về chuyện đi, "thiền đi". Nói như vậy không có nghĩa là mình cấm không được nói chuyện, mình muốn nói gì thì mình phải dừng lại và nói cho xong rồi thì mình mới đi. Điều này sẽ trở thành ra một tập khí rất là tốt, và nhờ sự thực tập này mà mình thưởng thức được từng bước chân. Thường thường 100% thực tập rất là dễ, còn thực tập sáu, bảy chục phần trăm thì không có dễ, cho nên cái chuyện thiền đi là mình phải thực tập 100%. Vì vậy quý vị sẽ thấy rằng nó dễ, dễ hơn nhiều nếu mình muốn thực tập 100%, và khi có một vị huynh đệ nào mà quên chuyện thực tập đó thì mình phải nhắc. Vì vậy Thầy đề nghị là mỗi buổi sáng, sau khi công phu xong thì mình phải nhắc hai chuyện đó. Hôm nay chúng ta thực tập thiền đi cho vững chãi 100%. Nội một chuyện đó không đã mang lại hạnh phúc rất là nhiều cho cá nhân mình và cho đại chúng.
Thầy rất mong các thầy, các sư cô đi giảng dạy trong những tháng vừa qua có thì giờ để chơi với các sư em, dạy dỗ các sư em như là các thầy lớn dạy dỗ các thầy trẻ trong thời của Bụt. Bụt nhìn ra thấy các thầy lớn chăm sóc dạy dỗ các thầy trẻ Bụt rất là hạnh phúc, Thầy cũng muốn được hạnh phúc như Bụt vậy.
Sau khi Thầy và ba vị trú trì làm lễ tác bạch nương tựa Thầy. Tiếp theo đại chúng đứng dậy để làm lễ tác bạch với ba vị trú trì.
Thầy Thích Chân Pháp Đăng đại diện cho đại chúng chùa Pháp Vân dâng lời tác bạch:
Kính bạch Sư Ông, kính thưa thầy trú trì, xin thầy lắng nghe cho chúng con. Chúng con là Tỳ kheo, sa di và cư sĩ nam của chùa Pháp Vân của trung tâm tu học Làng Mai. Chúng con xin nương tựa Sư Ông, nương tựa chùa Pháp Vân và nương tựa nơi thầy trú trì trong ba tháng An Cư Kiết Đông 2012-2013. Chúng con xin hết lòng nương tựa tăng thân và nơi thầy trú trì để làm thanh tịnh thân tâm, chuyển hóa phiền não và làm tăng trưởng niềm vui, hạnh phúc và an lạc của chúng con trong giờ phút hiện tại.
Xin thầy chấp nhận lời thỉnh cầu của chúng con.
Xin thầy chấp nhận lời thỉnh cầu của chúng con.
Xin thầy chấp nhận lời thỉnh cầu của chúng con.
Sư cô Thích Chân Bích Nghiêm đại diện cho chùa Cam Lộ và Sư cô Thích Chân Không Nghiêm đại diện cho chùa Từ Nghiêm dâng lời tác bạch:
Kính bạch Sư Ông, kính thưa sư cô trú trì, xin sư cô lắng nghe cho chúng con. Chúng con là Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na, sadini và cận sự nữ của chùa Cam Lộ/Chùa Từ Nghiêm. Chúng con xin nương tựa Sư Ông, nương tựa chùa chùa Cam Lộ/Chùa Từ Nghiêm và nương tựa nơi sư cô trú trì trong ba tháng An Cư Kiết Đông 2012-2013. Chúng con xin hết lòng nương tựa tăng thân và nơi sư cô trú trì để làm thanh tịnh thân tâm, chuyển hóa phiền não và làm tăng trưởng niềm vui, hạnh phúc và an lạc của chúng con trong giờ phút hiện tại.
Xin sư cô chấp nhận lời thỉnh cầu của chúng con.
Xin sư cô chấp nhận lời thỉnh cầu của chúng con.
Xin thầy chấp nhận lời thỉnh cầu của chúng con.
Thầy Thích Chân Pháp Hữu: Kính bạch Sư Ông, kính thưa quý vị Tỳ Kheo, sadi và các bạn. Con cũng vậy, con cũng nương tựa nơi quý vị và chùa Pháp Vân trong ba tháng an cư mùa đông. Con sẽ thực tập để nương vào tăng thân và con sẽ thực tập hết lòng để có đủ vững chãi, để có thể yểm trợ tất cả mọi người.
Sư cô Thích Chân Linh Nghiêm/ Sư cô Thích Chân Diệu Nghiêm: con kính thưa quý sư cô, các vị cận sự nữ đang cùng an cư ba tháng với con. Con cũng an cư nơi đây và cũng nương tựa vào đại chúng ở đây. Con sẽ cố gắng tu tập hết lòng để làm chỗ nương tựa cho quý sư cô và quý vị cận sự nữ.
Buổi lễ kết thúc bằng một hồi chuông trống Bát Nhã và tụng bài Hồi hướng.
Sau buổi lễ, đại chúng được ăn trưa picnic trong nắng thu rất đẹp rồi trở về xóm của mình để ngày mai lại có mặt ở Xóm Hạ dự ngày Quán niệm đầu tiên của mùa an cư. Ai cũng đầy năng lượng và mang trong lòng lời dặn dò của Thầy: "tu tập là để có hạnh phúc ngay trong hiện tại và nhắc nhở nhau để có thể thực tập 100% đi không nói và nói không đi.
Các Phật tử tham dự Tùng Hạ Tại Gia cũng xin nhớ lời Sư Ông dạy, cùng thực tập nương tựa Tăng thân để yểm trợ cho nhau và có thể tận hưởng được từng bước chân an lạc và thảnh thơi. Sư Ông mời quý vị Phật tử lên mạng Tụng Năm Giới với với Sư Ông và Tăng Thân Làng Mai mỗi tháng ít nhất một lần.
An cư bên Thầy
Trong An Cư Kiết Đông này Sư Ông sẽ giảng Trung Quán Luận vào các ngày quán niệm Thứ năm và Chủ nhật, và Kinh Vị Phạm Chí cho chúng xuất sĩ vào ngày thứ ba tại Sơn Cốc.
Lễ Xuất Gia – Gia Đình Cây Kim Ngân Hoa (Honey Suckle)
Ngày 5.11.2012 lễ xuất gia cho gia đình Cây Kim Ngân Hoa (Honey Suckle) được tổ chức tại thiền đường Nước Tĩnh, Xóm Thượng Làng Mai, Pháp Quốc và Xóm Trời Quang, tăng thân Pakchong, Thái Lan. Không khí của những ngày trước buổi lễ xuất gia thật là hào hứng. Các vị xuất sĩ cũng như cư sĩ đang có mặt đều hồi hộp chờ đợi sự tái sinh và biểu hiện của 16 cây Kim Ngân Hoa với bốn sư chú và mười hai sư cô mới. Đại chúng Làng Mai chuẩn bị quà để đón mừng sự tiếp nối của Tăng đoàn áo nâu.
Hơn một tuần trước đó, bốn em tập sự nam người Mỹ được đại chúng tu viện Bích Nham cho phép theo y chỉ sư là Thầy Thích Chân Pháp Vũ về Làng để được thọ giới trực tiếp với Thầy. Và các em tập sự nữ từ ba miền đất nước Việt Nam cũng quy tụ tới tăng thân Pakchong tại Thái để được yểm trợ năng lượng tái sinh trong gia đình tâm linh mới.
Các sư em tương lai cùng đại chúng ở Pakchong
Từ ngày quán niệm chủ nhật (28.10.2012) đại chúng tại làng được chiêm ngưỡng hình ảnh bốn chú tập sự người Mỹ trong màu áo tràng lam ngồi thiền ngay hàng đầu chờ đợi để được gặp Thầy trước giờ pháp thoại khiến bất cứ ai cũng cảm thấy hạnh phúc quá chừng. Được biết các chú tập sự tuổi còn trẻ (tuổi chưa tới hai mươi) lại là người gốc Tây Phương nên Quý thầy, quý sư cô nào cũng tò mò muốn lên trên xem mặt bốn Sư em tương lai. Thầy mỉm cười rất hiền khi người bước vào thiền đường và nhìn thấy bốn chú tập sự, mặt rất sáng, mắt rất trong, trên môi luôn nở nụ cười rạng rỡ, chờ đón ngày được làm sư con của Thầy.
Lễ dẫn thỉnh thại Thiền đường Trăng Rằm Xóm Mới
Thứ năm, ngày 1.11.2012 tại thiền đường Trăng Rằm, Chùa Từ Nghiêm, Xóm Mới Thầy cho lễ dẫn thỉnh và dặn dò các sư em tương lai giữ gìn sự thực tập chánh niệm trước ngày xuất gia. Từ sau lễ dẫn thỉnh, không khí của ngày xuất gia đã bắt đầu ấm lên trong đại chúng. Ai cũng ý thức là mình sắp có sư em mới, giống như mình sắp được xuất gia lại cùng các sư em, tâm bồ đề được hâm nóng trong mỗi công việc chuẩn bị đón sư em.
Lễ dẫn thỉnh tại Thái Lan
Sáng thứ hai, ngày 5.11.2012 đại chúng ba xóm bốn chùa tại Làng Mai tập trung về thiền đường Nước Tĩnh, Xóm Thượng để yểm trợ năng lượng cho lễ xuất gia. Đó là một ngày mùa thu, trời nắng ấm bầu trời cao và trong sáng. Sau tiếng chuông báo hiệu thời khóa, bốn chúng vào thiền đường, ngồi thiền hợp nhất thân tâm, tập trung định lực hộ niệm cho lễ xuất gia. Không khí thiền đường trang nghiêm và thanh tịnh. Sau khi Tác pháp yết ma thành công, Thầy cho các giới tử lạy tạ bốn ơn đã tác thành cho các em có cơ duyên gặp Tam Bảo và thực tập pháp Bụt cao siêu mầu nhiệm. Ơn thứ nhất là ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dạy, ơn thứ hai là ơn thầy cô giáo, rồi đến ơn bạn bè thiện tri thức, y chỉ sư và cuối cùng là tạ ơn mọi loài chúng sanh.
Lúc này, bên ngoài nắng đã lên rất ấm. Giây phút long trọng đã đến, đại chúng hợp xướng bài Đầu Cành Dương Liễu hùng tráng trong khi Thầy rưới nước cam lộ tẩy sạch bụi trần cho các giới tử. Nhìn về hướng cha mẹ, người thân của các em đã tháp tùng theo từ Mỹ về làng dự lễ xuất gia đã thấy những giọt nước mắt hạnh phúc lăn tròn và những nụ cười cũng được nở ra. Thầy cho các em đọc bài thi kệ:
“ Cạo sạch mái tóc
Nguyện cho mọi người
Dứt hết phiền não
Độ thoát cho đời”
Khi giây phút linh thiêng mầu nhiệm đó được diễn ra trong thiền đường thì bên ngoài bỗng nhiên những giọt mưa nhè nhẹ rơi trong ánh nắng vàng, phải chăng đất trời cũng đang muốn tẩy sạch bụi trần cho các em! Bốn em nam được Thầy trực tiếp xuống tóc và 12 em gái ở thiền đường Trời Phương Ngoại, Thái Lan thì được thầy trước Giác sau Viên và các sư anh, sư chị lớn xuống tóc.
Lễ xuất gia ở thiền đường Trời Phương Ngoại – Pak Chong
Giới tử lạy tạ ba lạy trước khi nhận mười giới quý báu. Thầy truyền giới cho các em bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Sau mỗi giới được truyền, bốn sư em nam tiếp nhận rất rõ ràng và mãnh liệt “ Yes, I do” ( Dạ thưa có!) đồng thanh, to rõ khiến cả đại chúng ngồi chứng minh vui vẻ mỉm cười lòng càng hoan hỷ. Năng lượng tiếp nhận giới của các giới tử thật là mạnh.
Lễ xuất gia tại thiền đường Nước Tĩnh – xóm Thượng – Làng Mai
Trong bốn sư chú mới, có một sư chú xin được xuất gia theo chương trình năm năm, nên bài kệ nhận Y của các sư em được Thầy cho như sau:
“Đẹp thay áo giải thoát
Áo ruộng phước nhiệm màu
Con cúi đầu tiếp nhận
Luôn ghi nhớ ơn sâu
Bao nhiêu trần lụy tiêu tan hết, đàn tràng thanh tịnh ở ngay đây
Giây phút hồi hộp và thú vị nhất là giây phút Thầy đặt tên. Tên của các sư em cũng chính là tình thương của Thầy gởi gắm và hạnh nguyện của các sư em trong lá thư xin xuất gia và những gì các em muốn thực hiện trong cuộc đời tu học của mình. Mỗi cái tên cũng có thể là đề tài quán chiếu cho các sư em tu học cả đời. 16 pháp danh trong gia đình Hoa Kim Ngân thật đẹp:
- Sư cô Chân Trăng Hồng Ân
- Sư cô Chân Trăng Thong Dong
- Sư cô Chân Trăng Lý Tưởng
- Sư chú Chân Trời Giải Thoát
- Sư cô Chân Trăng Thành Tựu
- Sư cô Chân Trăng Hạnh Nguyện
- Sư cô Chân Trăng Thường Trú
- Sư cô Chân Trăng Chiếu Diệu
- Sư cô Chân Trăng Cơ Duyên
- Sư chú Chân Trời Quán Chiếu
- Sư chú Chân Trời Hiện Tại
- Sư cô Chân Trăng Chí Thành
- Sư chú Chân Trời Bồ Đề
- Sư cô Chân Trăng Lưu Ly
- Sư cô Chân Trăng Sáng Soi (Minh Chiếu Nguyệt)
- Sư cô Chân Trăng Tỏ Tường (Hạo Nhiên Nguyệt)
Sư út Chân Trăng Tỏ Tường năm nay chỉ mới 12 tuổi là đệ tử xuất gia thứ 788 của Thầy. Vậy là các giới tử đã được Thầy truyền giới, xuống tóc và tiếp nhận mười giới sadi quý báu, chính thức bước vào tăng đoàn áo nâu Làng Mai.
Sư út Chân Trăng Tỏ Tường
Cha mẹ, dì và anh chị, bạn bè của các sư chú mới được quý thầy cho phép cùng cạo tóc cho con. Cha của sư chú Trời Quán Chiếu xuống tóc cho con mà không kìm được sung sướng đã khóc trong nụ cười. Bốn sư em nam và mười hai sư em nữ hiện ra với những chiếc đầu được cạo sạch tóc thanh thoát, khoác lên trên mình chiếc áo nhật bình nâu giản dị, khiêm cung, kết thúc viên mãn chuyến lâm bồn thành công của Thầy. Ở tuổi 87 Thầy vẫn hạ sinh 16 sư con khỏe mạnh và dạt dào năng lượng từ bi.
Nếu không khí của buổi xuất gia thật trang nghiêm và hùng tráng, thì không khí của bữa cơm trưa đón chào sư em mới thật đầm ấm, vui tươi và không thiếu phần sâu lắng. Người mẹ của sư chú Trời Quán Chiếu chia sẻ, cách đây ba năm, trong một lần viếng thăm tu viện Bích Nham, cô đã đem về cho con trai thông tin về khóa tu Wake Up. Đó là nhân duyên ra đời sư chú bây giờ. Ngay ngày đầu tiên chú đến thực tập với chương trình Wake up, tối đó liền điện thoại về báo cho gia đình rằng chú rất hạnh phúc. Mẹ của sư chú cũng chia sẻ, từ ngày cô sinh con trai và sống với con trai đến bây giờ mới thấy được con mình hạnh phúc đến như vậy. Còn người cha thì không kìm được nước mắt khi chia sẻ trước đây giữa cha con đã mất truyền thông rất lớn, nhưng nhờ con trai đọc sách của Thầy và thực tập chánh niệm mà hai cha con đã làm mới lại được mối quan hệ và thương yêu nhau như bây giờ. Cả gia đình rất biết ơn Thầy.
Sư chú Trời Giải Thoát là sư anh lớn nhất trong bốn sư chú hân hoan giới thiệu chị gái của mình bằng thông tin rất hài hước: “Con cảm ơn chị của con đã gây ra khổ đau cho con, và đó cũng chính là người yểm trợ cho con đi xuất gia. Cảm ơn sư ông đã khai mở đời sống tâm linh cho con”. Còn sư chú út Trời Bồ Đề trong lúc chia sẻ thì liên tục đưa tay xoa cái đầu mới của mình và nói tự do thật rồi, quá chừng hạnh phúc.
Sư chú Chân Trời Bồ Đề
Trong buổi thiền trà, thầy dạy các sư em mới khi về lại tu viện Bích Nham tu học cùng đại chúng hãy nhớ học thêm kinh điển và sống tận hưởng đời sống xuất sĩ thật trọn vẹn. Thầy còn chia sẻ cho bốn chúng rằng chúng ta cần đưa pháp môn thực tập hướng đến phi tôn giáo, bất cứ ai cũng có thể thực tập chánh niệm, sống ý thức trong mỗi phút giây. Và cách hành trì chương trình xuất gia năm năm dành cho những người trẻ, Thầy gọi là chương trình xuất gia và phụng sự. Nếu bạn đủ điều kiện bạn sẽ được thực tập và xuất gia, trong ba năm đầu sẽ được làm sadi, hai năm sau được thọ giới lớn và nếu sau năm năm tu học có nhiều hạnh phúc thì tiếp tục sống đời sống xuất sĩ, nếu không thì vẫn có thể tiếp tục thực tập trên con đường làm giáo thọ cư sĩ tu học và phụng sự.
Thầy dạy, với người Việt Nam, xuất gia suốt đời là điều rất bình thường, nhưng với các bạn tây phương, đó là nếp sống mới lạ, nên Thầy đã mở một cánh cửa từ bi để đón chào các bạn phương tây bước vào và nếm pháp lạc của sự tỉnh thức. Sau lễ xuất gia, bốn sư em được về lại Bích Nham để kịp vào an cư cùng đại chúng. đại chúng Làng Mai cũng được nghỉ ngơi một ngày trước ngày làm lễ đếm thẻ và làm đối thú an cư Kiết Đông.
Một vài hình ảnh
Lễ xuất gia ở thiền đường Trời Phuong Ngoai – Pak Chong
Sư chú Chân Trời Quán Chiếu Sư chú Chân Trời Hiện Tại
Xuống tóc ở Thiền đường Nước Tĩnh Ngồi chơi với Sư Ông
Cây Kim Ngân Hoa ở Thái Lan cùng Sư Bá Sư Út nhận quà trong thiền trà sau khi xuống tóc
An Cư Kiết Đông 2012-2013 – Chúng ta có phải là tri kỷ của Bụt hay không?
Ngồi chơi bên thầy trước giờ thiền hành ở Xóm Thượng
Chuẩn bị cho mùa an cư, từ 2 tuần nay bốn xóm của Làng đã họp chúng để chuyển phòng, đổi đội luân phiên và chọn cho mình một công việc để chăm sóc (tri). Không khí thật rộn ràng và náo nức. Quý Thầy, Quý Sư cô đi khóa tu Canada; Australia; England… cũng lần lượt trở về làng. Đây cũng là cơ hội để chúng xuất sĩ thực tập buông bỏ, buông bỏ những đồ dùng không cần thiết cho đời sống xuất gia và buông bỏ cả những buồn rầu, lo lắng, bất an để chuẩn bị thân tâm cho một mùa an cư hạnh phúc. Anh chị đã phát nguyện thực tập gì cho mùa an cư năm nay? Những tập khí nào cần chuyển hóa, những lời nguyện nào cần làm lớn mạnh thêm? An cư cũng là lúc toàn chúng ngồi lại để thực tập soi sáng, để mỗi người có thể hiểu mình hơn, hiểu anh chị em của mình hơn và cùng nâng đỡ nhau trên con đường chuyển hóa. Bạn đã viết lá thư tự soi sáng cho mình chưa?
Trong bài pháp thoại ngày 18 tháng 10 năm 2012 tại thiền đường Nước Tĩnh Xóm Thượng, Sư Ông Làng Mai đã mời quý vị cư sĩ về Làng tham dự an cư kiết đông (7/11/2012 – 7/2/2013) với tứ chúng tại Đạo Tràng Mai Thôn. An cư là truyền thống của đạo Bụt từ 2600 về trước dành cho các vị xuất sĩ tại Châu Á trong ba tháng mùa mưa. Các vị xuất sĩ sẽ ở tại tu viện để tu tập mà không đi ra ngoài. Và an cư cũng là để tránh dẫm đạp trên côn trùng trên đường đi. Hồi Bụt còn tại thế, trong ba tháng an cư, các vị cư sĩ cũng có thể tới tu viện tu tập trong những ngày quán niệm. Còn tại Làng Mai, không những thiền sinh tới tu học với quý thầy, quý sư cô trong những ngày quán niệm mà mỗi năm còn có nhiều vị cư sĩ về an cư trong suốt ba tháng. Những ai không về Làng an cư được cũng có thể nghe các bài pháp thoại trực tuyến nhưng nghe pháp thoại thì chưa đủ, vì mình phải tu với Tăng thân để được yểm trợ và nâng đỡ. An cư tại gia mình dễ bị lôi kéo bởi chuyện này chuyện kia, còn tu với chúng thì chúng làm cái gì mình làm cái đó nên 90 ngày công phu quan trọng lắm.
Đề tài của khoá tu mùa đông này là: “Chúng ta có phải là tri kỷ của Bụt hay không?” Tri kỷ là soulmate. Vì Bụt bị nhiều người hiểu sai. Ngay cả những đệ tử của Bụt cũng hiểu lầm Bụt. Mình sẽ đi sâu vào thực tập để thấy con người đã hiểu lầm Bụt như thế nào? Cho nên mình tri kỷ của Bụt thì mình phải hiểu những điều rất là thâm sâu mà Bụt muốn truyền trao cho mình. Đôi khi mình nghe Bụt nói và mình có tri giác, một cái tưởng là Bụt nói vậy mà sự thực thì không phải vậy. Có nhiều học giả nói thông thạo tiếng Phạn tiếng Trung Quốc nhưng vẫn không hiểu Bụt, họ giải thích rất là cạn và rất là sai. Không phải mình thạo rất nhiều ngôn ngữ là mình có thể hiểu được những giáo lý mà Bụt dạy. Có khi Bụt nói cũng bị hiểu lầm, mà khi Bụt im lặng Bụt cũng bị hiểu lầm. Cho nên mới có một kinh là Kinh người bắt rắn. Nếu quý vị không biết cách bắt rắn thì sẽ bị rắn cắn. Bụt dạy: pháp môn của người cũng giống như vậy, nếu mình không biết cách học và hiểu những lời Bụt dạy thì mình sẽ làm hại chính mình. Hiểu và hành trì sai những lời Bụt dạy không những làm ảnh hưởng tới Bụt và không tốt cho chính bản thân của người hành giả. Trong khóa tu mùa đông này, chúng ta sẽ đi sâu vào khá nhiều bài kinh từ Tạp A Hàm đến nhiều kinh ở Trung Quán Luận, tuy ngắn nhưng rất quan trọng. Những kinh mà xưa nay chúng ta ít được nghe nhiều vị tổ sư hay quý thầy lớn nhắc đến.
Thứ 2, ngày 5 tháng 11 sẽ có lễ xuất gia cho 16 vị thuộc gia đình cây Hoa Kim Ngân tại Xóm Thượng; Trân quý mời quý cô, quý bác, các anh chị và các bạn tới tham dự để yểm trợ năng lượng cho các sư cô, sư chú. Mừng ngày tiếp nối của Tăng thân xuất sĩ.
Lễ Đếm Thẻ
Nghi Thức Phát Thẻ và Kiểm Thẻ
Trước Ngày Đối Thú An Cư
Đại chúng vân tập tại thiền đường
- Ngồi thiền: 10 phút
- Dâng hương – Lạy Bụt
- Khai kinh – Tụng Bát Nhã Tâm Kinh
Tác pháp yết ma:
Duy Na tác bạch: Hôm nay, một ngày trước ngày đối thú an cư, xin phát thẻ để kiểm điểm số lượng Tỳ Kheo/Tỳ Kheo Ni, Thức Xoa Ma Na, Sa di/Sa di ni, và Ưu bà tắc/ Ưu bà di có mặt suốt trong ba tháng an cư. Giờ này, đã được chỉ định là giờ phát thẻ và kiếm điểm số thẻ. Bạch như thế thì phép tác bạch có rõ ràng và đầy đủ hay không?
Đại chúng: Rõ ràng và đầy đủ.
Bốn vị Tỳ Kheo, (Tỳ Kheo Ni) xuất ban trình diện trước Tam Bảo, nghe chuông lạy xuống ba lạy
Bốn vị Tỳ Kheo, (Tỳ Kheo Ni) nâng khay tiến đến trước mặt vị Duy Na
Duy Na: Chắp tay đợi vị nâng khay có thẻ tiến tới trước mặt rồi đọc kệ:
Hạnh phúc thay được sống
Cùng tăng đoàn an cư
Thẻ này là chứng tích
Chín mươi ngày công phu. (rồi xá)
Vị nâng khay có thẻ tiếng lên bàn Bụt. Đặt khay xuống, lấy một cái thẻ, hai tay nâng lên trán, bạch:
“Đây là thẻ đầu, xin dâng lên đức Bổn Sư. Chúng con rất hạnh phúc có đức Bổn Sư cùng an cư với chúng con”.
Bạch xong, đặt thẻ xuống bàn Bụt bằng hai tay. Lạy xuống một lạy, rồi nâng mâm thẻ rút lui, tới chỗ vị Tỳ Kheo Ni có hạ lạp lớn nhất.
Vị nâng khay không có thẻ tiến lên, lạy một lạy, rồi nâng thẻ của Bụt lên, bỏ vào mâm không của mình, lạy một lạy và rút lui.
Cứ thế, từ Bụt đi đến vị Thượng Tọa có hạ lạp lớn nhất, qua đủ các vị Tỳ Kheo/Tỳ Kheo Ni, rồi qua Thức Xoa Ma Na, rồi qua Sa di/Sa Di Ni, rồi qua các vị Ưu bà tắc/Ưu bà di.
Thẻ cuối cùng sẽ dâng lên Sứ Giả Giám Trai, chúng con rất hạnh phúc có Sứ giả cùng an cư với chúng con. (Sau đó xá một xá)
Sau đó, bốn vị đếm thẻ trong mâm thu được: bao nhiêu TK/TKN, bao nhiêu TXMN, bao nhiêu SD/SDN và bao nhiêu Ưu bà tắc/Ưu bà di. Cộng thêm thẻ của Bụt và thẻ của Sứ Giả Giám Trai thành ra tổng số là:…….. (nên bó thẻ lại cho khỏi nhầm lẫn). Trở vào thiền đường hai vị công bố:
Hai vị Tỳ Kheo/ Tỳ Kheo Ni bạch: (Tiếng Việt và Tiếng Anh)
Hôm nay ngày,…..tháng…..năm…………….,trong kỳ an cư kiết đông này, tại đạo tràng Mai Thôn, chùa Từ Nghiêm số người an cư có tất cả là:…..TKN, ….TXMN,….SDN, và ….Ưu bà di. Cộng lại tất cả là……..vị an trú tu tập miên mật trong 90 ngày. Thêm vào đây là một thẻ của đức Bổn Sư, một thẻ của Sứ Giả Giám Trai và một thẻ của Sư Ông, tổng cộng là……..thẻ. chúng con xin trình để đại chúng biết rõ.
Vị Duy Na: Xin cám ơn đại chúng.(Chuông)
Bị chú: Thẻ từ tiếng phạn Sálakà, phiên âm là Xá la, dịch tiếng Hán là Trù, có nghĩa là: Cái thẻ đếm. Có thể chẻ một ống tre để làm thẻ. Thẻ dài là của TK/TKN, thẻ vừa là là của TXMN, và ngắn hơn là của SD/SDN, ngắn hơn nữa là của cận sự. Nên bỏ thành bốn bó để đừng nhầm lẫn.
Mùa Thu Bên Thầy
Xóm Mới, Làng Mai, 04 tháng 10 năm 2012
Ở làng mùa này, thu về trên lá rồi đó bạn à. Các sư chị, sư em mang những chiếc lá Phong sắc thu vàng tươi, đỏ thắm ép vào tập vở cho món quà giáng sinh mùa đông. Gió thu ở trên chiếc khăn choàng cổ mỗi sớm mỗi chiều. Mây trắng đã gói nắng hè cất cho mùa tới. Độ này lại đang tròn trăng, ánh vàng tỏa khắp sân chim, bãi cỏ, tháp chuông, mái ngói và trăng vào tận ô cửa sổ phòng mình. Buổi sớm khuya thức dậy, mình còn ngắm được trăng và nhâm nhi tách trà nóng cho ấm người trước giờ thiền tập.
Bạn biết không, mình gọi mùa thu ở làng là mùa Nội Viện. Vì sau những khóa tu lớn của mùa hè, những chuyến hoằng hóa của Thầy ở Châu Âu, đại chúng được trở về thưởng thức những ngày làm biếng, mùa duy nhất trong năm không có thiền sinh. Có những đêm trăng chị em mình kéo nhau ra hồ Sen đốt lửa cho ấm, uống trà, kể đủ thứ chuyện, hát cho nhau nghe, và vẽ tiếp bức thư pháp Tình Huynh Đệ. Chiều nào từ Phật đường cũng đều đặn vang ra những tiếng Chuông, tiếng Mõ, tiếng Linh, tiếng Tang và những bài xướng tụng của các sư cô mới xuất gia tập tành nghi lễ, sư chị bày sư em học, trao truyền cho sư em những gì đã được thầy dạy. Đội luân phiên nấu ăn cũng được làm biếng nên chị em mình tự do trổ tài ẩm thực những món ruột, từ Á đến Âu, từ cầu kỳ cho đến “ bai ô” ( BIO) nhất, vui lắm.
Mận làng chín dòn và ngọt quá chừng, bữa nọ chị em rủ nhau ra vườn hái mận thì Thầy đến. Thầy nghe tin hái mận nên Thầy đến. Thầy cầm một khúc tre dài, một đầu có gắn hộp nhựa cho dễ hái và đựng mận. Ban đầu chúng mình chia ra từng nhóm nhỏ, vừa hái vừa rung, mận rụng xuống những tấm lưới được giăng phía dưới giống như là mưa…mận vậy đó, thích lắm. Có Thầy tới thì ai cũng chạy về phía Thầy, tạo thành một dòng chảy trong vườn mận, đi theo Thầy vừa được hái mận vừa được đi chơi với Thầy. Cả buổi sáng hôm đó thầy trò cùng hái mận đến quá giờ cơm trưa mà chẳng thấy mệt. Thầy kể cho nghe chuyện gốc mận có thể sống rất lâu, lúc nó già nó làm thành trà mận thật đặc biệt.
Những cây mận này đã cùng tu học với đại chúng bốn mùa, đại chúng đã ngồi thiền bên gốc mận, chế tác bước chân chánh niệm, thở cười cùng mận suốt năm đó bạn ạ. Có một cây mận còn sai trái, Thầy đến hái, Thầy khen cây mận này dễ hái và trái nhiều quá, sư chị thị giả cầm nón cho Thầy đựng mận đứng bên cạnh thì thầm: “Bạch Thầy, vì cây mận này ít ngọt ạ”. Thầy vẫn hái tiếp tục, mấy chị em mình thì dừng lại đợi Thầy nhưng không hái. Lúc sau, Thầy nói thật khẽ mà ai cũng phải cúi đầu, Thầy dạy: “kỳ thị”. Mận được hái làm mứt, sấy khô, mùa đông này bạn về làng ăn mận nhé.
Cùng thầy hái mận
Mỗi ngày luân phiên có ba chị em trong đại chúng được đưa cơm qua cốc cho Thầy, được dùng cơm với Thầy, được nghe Thầy kể chuyện. Thầy biết hết những thử thách của đời tu mỗi chị em nên đó là cơ hội rất quý giá để được Thầy dạy cho riêng từng người. Có khi Thầy nhìn mặt mình là Thầy biết bên trong mình ra sao, bụng dạ mình thế nào rồi. Có khi chưa kịp tham vấn, Thầy đã cho thuốc đúng bệnh, mình ngạc nhiên quá đỗi, giống như Thầy có thần thông, Thầy đi guốc trong bụng mình vậy đó. Bạn biết không, bữa phiên mình đem cơm cho Thầy, Thầy dạy rất kỹ những điều mình cần thực tập cho mình và cho mẹ của mình. Thầy dạy bữa trưa, bữa chiều Thầy dặn lại một lần nữa sâu hơn, rồi hôm đi hái mận Thầy lại hỏi thăm “Con bắt đầu viết thư cho mẹ chưa?”. Bạn thấy không, tình thương của Thầy lúc nào cũng đầy ắp và luôn có mặt.
Trung thu, Xóm Thượng có bánh trung thu, đó được xem là món quà quý hiếm ở xứ sở này cho nên ba xóm bốn chùa quyết định tập trung về Xóm Thượng chia bánh, ngắm trăng, tin mừng là sẽ có Thầy. Từ sáng hôm đó, ở Xóm Mới đại chúng tập trung đầy đủ để làm lồng đèn. Chị em thi nhau sáng tạo ý tưởng cho lồng đèn của mình. Có người ban đầu dự định làm lồng đèn trái bí, sau nhiều bận chỉnh sửa lồng đèn qua nhiều hình dáng khác nhau và cuối cùng lại thành lồng đèn ông vua. Có lồng đèn làm xong không biết là giống con gì, cái đầu giống con này nhưng cái đuôi giống con kia, ai cũng chọc là giống con quái vật làm khổ chủ suốt buổi phải giải thích là không phải con quái vật, nhưng là con gì thì cũng không biết. Cuối cùng thì mỗi sư cô đều làm được lồng đèn cho mình, nào là lồng đèn ông sao, con cá, con voi, búp bê, mèo Kytti, bàn tay…
Tết trung thu rước đèn đi chơi
Những chiếc lồng đèn đã được hoàn tất trước 4 giờ 30 để kịp cho Quý Sư cô lên xóm Thượng đón Trăng. Còn ai chưa kịp làm cũng được một Sư mẹ thương yêu để dành cho một cái lồng đèn bằng giấy để đi chơi. Còn trong ngày làm biếng nên Xóm Thượng thật yên tĩnh. Hồ sen vẫn còn cho những bông sen trắng thật tinh khiết. Lễ Trung Thu bắt đầu bằng bữa cơm chiều picnic. Chị em ríu rít chuyện trò hỏi thăm nhau sau những ngày làm biếng. Mùa làm biếng ở Làng thật đặc biệt, ai cũng biết cách hoặc đã được trao truyền cách tận hưởng ngày làm biếng cho thật trọn vẹn. Nhập thất, thực tập im lặng, súc ruột, ở yên, lên núi, vào rừng, đi bộ… để cảm nhận đời sống sâu sắc và ý nghĩa hơn. Nên ai cũng có nhiều chuyện để kể. Thầy đi dạo một vòng để thăm các Sư con sau mùa làm biếng.
Bạn ơi, từ khi đi xuất gia mình hạnh phúc nhất là có đủ thời gian cho hiện tại, cho chính mình và rất là biết cách tận hưởng. Em bé trong mình lại được thưởng thức trung thu. Tối đó, đại chúng tụ họp ở cốc của Thầy, rước đèn đi quanh cốc và hát “Tết trung thu em rước đèn đi chơi…”. Thầy cũng rước đèn với các sư con, anh chị em mình hát hết những bài hát tết trung thu tặng Thầy, chia bánh trung thu cho nhau, vui thiệt là vui. Mình ý thức là có Thầy ở đó, có sư anh, sư chị, sư em mình đó, có trăng, có nến, có bánh, có lồng đèn và có những tiếng hát, tình thương và sự có mặt. Trung Thu, Trăng lên muộn, nên trăng chưa lên mà Quý Sư cô đã lên xe để về lại xóm, nhưng ai cũng rạng ngời niềm vui. Chúng mình còn mãi hồn nhiên, bạn nhỉ?
Vui trung thu bên Thầy
Ngày mai (5/10/2012) các xóm sẽ lại mở cửa đón thiền sinh về, bạn ạ. Khóa tu mùa thu cho các bạn thiền sinh sẽ bắt đầu từ ngày mai. Quý thầy, quý sư cô tiếp tục phụng sự và tu học cùng bốn chúng. Có phải bạn cũng đang đợi những bài pháp thoại mới của Thầy không?
Ngày 20 tháng 10 này Xóm Mới sẽ có lễ Open House vào buổi chiều cho tới tối. Mời bạn về chơi với Quý Thầy, Quý Sư cô cùng thưởng thức những món ăn từ những bàn tay khéo léo. Món nào cũng có hương vị của tình thương và niềm vui, và để mình cùng trân quý và biết ơn những tháng ngày được sống bên nhau.
Chỉ còn một tháng nữa là An Cư Kiết Đông bắt đầu rồi. Có một điều đặc biệt là năm nay sẽ không có đại giới đàn nên cách giới tử đang chờ thọ giới Thức Xoa Ma Na và Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni sẽ có thêm một năm nữa để trau dồi nội lực. Các vị giáo thọ tập sự biết tin này thì thở nhẹ vì sẽ được tập sự lâu hơn trước khi nhận ngọn đèn Thầy trao. Bạn đã biết chủ đề của khóa tu mùa đông này chưa? Hôm hái mận Thầy đã bật mí cho mình rồi, nhưng mình sẽ bí mật với bạn cho đến đầu mùa đông, có được không?
Boong Boong
Đèn trung thu
Giới thiệu sách : “Thích Nhất Hạnh bỏ túi”
Giới thiệu: The Pocket Thich Nhat Hanh
Đây là bài tựa sách The Pocket Thich Nhat Hanh (Thích Nhất Hạnh bỏ túi) do nhà Shambala ấn hành. Bài này do Melvin Mcleod chủ bút của các tạp chí Shambala Sun và Buddadharma viết. Bản dịch là của Trang Nhà Làng Mai. Đây là một cuốn sách mà người Phật tử nào cũng cần có và luôn luôn mang theo mình. Bạn có thể đọc khi ngồi chờ máy bay, khi ngồi trên xe buýt hay xe lửa, khi ngồi đợi ở phòng khám bệnh, hay bất cứ lúc nào. Không cần đọc ngấu nghiến cho mau hết sách, mà chỉ cần đọc mỗi lần một chương nhỏ và đọc lại nhiều lần, bao nhiêu lần cũng được. Đây không phải là một cuốn sách để tiêu khiển mà để thực tập sống cho hạnh phúc. Sách bán giá Mỹ kim là 7$45, tiền Canada là 8$95. Hy vọng sẽ có bản tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Hoa sớm. Địa chỉ mua sách là www.shambala.com
LỜI GIỚI THIỆU CỦA NGƯỜI BIÊN TẬP
Melvin McLeod – Chủ bút các tạp chí The Shambhala Sun
và Buddhadharma: The Practitioner’s Quarterly
Chúng ta đánh giá tầm vóc của những bậc thầy tâm linh bằng chiều rộng, chiều sâu và hiệu quả của giáo lý của các bậc ấy, và bằng thân giáo của họ. Xét theo tiêu chuẩn ấy thì Thích Nhất Hạnh là một trong những bậc thầy tâm linh hàng đầu của kỷ nguyên chúng ta. Sự thật là, trong tương lai khi đến lúc phải phân xét những điều này, tôi tin rằng thầy Thích Nhất Hạnh sẽ được công nhận là một trong những bậc thầy lỗi lạc nhất của lịch sử Phật giáo.
Giáo lý của Thầy sâu và rộng như một dòng sông hùng mãnh. Làm thế nào để diễn tả được cái chiều sâu của một nền giáo lý? Cái sâu sắc ấy, mình phải tự mình chứng nghiệm mới được chứ không thể nào diễn tả. Ngôn từ không đủ sức đo được chiều sâu của giáo lý này. Tất cả những gì mà tôi có thể nói về giáo lý của Thầy là các bạn đừng bị đánh lừa bởi cái bề ngoài. Tính cách đơn giản bề ngoài của giáo lý này, tính cách thiết thực, trực tiếp và khế cơ của những điều Thầy dạy không có nghĩa là trong đó không có một chiều sâu triết lý huyền nhiệm. Phải tu học lâu năm chầy tháng với nhiều nỗ lực, người ta mới có thể đạt tới một cái nhìn sáng sủa như thế, trong ấy những vấn nạn của sự sống được giải đáp bằng một thứ ngôn ngữ đơn giản và thiết thực, có khả năng mang những sự thực sâu sắc ấy đến cho tất cả những ai muốn tìm cầu. Cái ngôn ngữ trong sáng và đơn giản này là chứng tích của một tuệ giác sâu sắc đích thực, chứ không phải là một điều gì trái lại. Trong cuốn sách này, tôi đã cố gắng trích dẫn từ những tác phẩm đã được xuất bản của Thầy Thích Nhất Hạnh, những tác phẩm đã nói lên được chiều sâu của những gì Thầy dạy, chọn những đoạn văn mà tôi nghĩ là có thể tập trung thể hiện được một cách có hiệu quả nhất những tuệ giác và giáo chỉ của Thầy. Nếu kinh nghiệm của bạn về những giáo lý ấy sẽ có tính cách cá nhân và chủ quan thì kinh nghiệm của tôi cũng thế. Tôi đã nghiêu cứu học hỏi và thực tập theo đạo Bụt bao nhiêu năm rồi, vậy mà tôi thấy tất cả những gì tôi có thể làm ở đây là chọn những đoạn sách đã đánh động tới trái tim tôi, đời sống tôi và sự thực tập của tôi một cách sâu sắc nhất. Mục đích của người biên tập thật ra chỉ là làm công việc ấy. Điều tôi mong ước là những gì tôi trích trong sách này cũng sẽ đánh động được trái tim bạn như chúng đã đánh động trái tim tôi.
Chỉ cần quán chiếu về chiều rộng của giáo lý Thầy cũng đã là một công việc có tính cách thách thức rồi. Không có vị đạo sư Phật giáo nào – có thể nói là không có vị đạo sư của bất cứ tôn giáo nào – trong thời đại chúng ta mà những điều giảng dạy đã đề cập tới mọi vấn đề quan trọng nhất của sự sống, từ vấn đề cá nhân cho đến vấn đề trái đất.
Thích Nhất Hạnh đã viết trên 70 cuốn sách và đã giảng dạy trực tiếp (trong nhiều khóa tu và trong các Phật học viện) trên sáu chục năm rồi. Những gì Thầy viết bao gồm từ những tác phẩm khảo luận sâu sắc về triết lý đạo Bụt cho đến những tác phẩm có tính cách đại chúng về sự thực tập đạo Bụt trong các lĩnh vực chính trị, tâm lý, thi ca, lịch sử, văn học và thiếu nhi.
Quán chiếu tổng thể về nền văn học bao la của Thầy, nguyện vọng của tôi là cuốn sách nhỏ này sẽ giới thiệu được với bạn những chủ đề quan yếu nhất trong toàn bộ tác phẩm của Người, những chủ đề có liên hệ tới người hành giả và các độc giả nói chung. Sắp xếp và tổ chức những giáo lý này tất nhiên là một công việc cần tới một cái nhìn chủ quan. Trong khi học hỏi và thực tập theo giáo lý của Thầy, tôi tìm thấy rằng giáo lý ấy có thể được xếp vào trong bốn hạng mục: 1.chánh niệm; 2. tuệ giác; 3. cảm xúc và thâm tình; 4. hòa bình.
Phần đầu của tập sách này là Chánh niệm, được cấu thành bởi những lời giảng dạy đã làm cho Thầy nổi tiếng. Cũng như các vị đạo sư lớn khác của đạo Bụt, Thầy là một bậc thầy giảng dạy về thiền tập trước hết. Thầy chỉ cho chúng ta những phương pháp hành trì sâu sắc mà chúng ta có thể sử dụng trong những buổi công phu và trong đời sống hàng ngày. Những lời giảng dạy đó dù là bằng ngôn ngữ thi ca hay thông dụng đều có thể đánh động vào trái tim của sự sống. Làm theo được thật sự những lời dạy ấy, dù cho chỉ là trong chốc lát, ta có thể được chuyển hóa ngay tại chỗ, khiến cho đời sống của ta tràn đầy niềm vui, hạnh phúc và đức độ.
Từ nơi ấy, nơi mà Thầy Nhất Hạnh gọi là hải đảo tự thân, nhà, true home, Thầy đưa chúng ta đi tới một quá trình chuyển hóa còn sâu sắc hơn nữa, vào những chân nghĩa thâm uyên nhất của đạo Bụt. Vì vậy cho nên trong phần thứ hai của tập sách, phần nói về Tuệ giác, chúng ta có dịp học hỏi về con đường có thể giúp ta vượt thoát si mê, vật lộn và cả sinh tử. Đây là con đường đi tới giải thoát hoàn toàn mà chúng ta có thể bước được bước đầu ngay tự bây giờ. Trong phần này, ta thấy Thầy Thích Nhất Hạnh không phải chỉ là một vị Thầy giảng dạy nếp sống tâm linh cho đại chúng mà là một bậc thầy đã chứng đạt một cách sâu sắc, đang nói với chúng ta trực tiếp từ kinh nghiệm giải thoát đích thực của chính Thầy. Cũng như các bậc đạo sư khác của truyền thống đạo Bụt, Thầy nói với chúng ta bằng tiếng nói của Bụt.
Trong phần ba của sách, nói về cảm xúc và thâm tình, chúng ta trở về với đời sống hàng ngày trong thế giới ngày nay với những lên xuống, vui buồn và đau khổ mà ta gây ra cho kẻ khác và cho cả chúng ta. Tôi không biết vì sao mà vị thầy già người Việt này có thể hiểu được chúng ta (người Tây phương) một cách sâu sắc như thế, nhưng quả là Thầy đã đưa ra cho chúng ta nhiều pháp môn thực tế và hữu hiệu để chúng ta có thể chữa trị được những vết thương trong lòng và chuyển hóa những khó khăn ta đang có với những người khác. Với tuệ giác về tâm học của đạo Bụt, Thầy khai thị cho ta một con đường hùng tráng có khả năng chữa trị được cho những tâm lý đầy thương tích mới của chúng ta. Vì những thương tích trong ta là nguyên do và động lực tạo nên những thương tích nơi kẻ khác, cho nên con đường Thầy chỉ dạy cũng là con đường đi tới một liên hệ lành mạnh và thân tình với người ta thương. Đó cũng là con đường đi tới một xã hội lành mạnh và có thương yêu.
Trong truyền thống Phật giáo đại thừa nơi mà thầy Nhất Hạnh xuất thân, giải thoát cá nhân không bao giờ cho đủ. Khi người khác còn đau là mình còn đau. Đó là cách nhìn cuộc đời của một vị Bồ tát như Thầy Thích Nhất Hạnh. Thầy được biết đến như một người đã sáng lập ra phong trào Đạo Bụt Đi Vào Cuộc Đời (Engaged Buddhism), và vì vậy trong phần thứ tư của cuốn sách này, phần nói về Hòa bình, tôi đã trích dẫn những đoạn Thầy giảng dạy về chính trị, xã hội và môi trường. Những giáo lý ấy nhắm tới sự chế tác bình an giữa người với người, giữa tôn giáo với tôn giáo, giữa quốc gia với quốc gia, giữa con người với đất Mẹ. Và vì hòa bình phải luôn luôn bắt đầu từ bản thân cho nên sách này cũng có giới bản Năm giới rất nổi tiếng của Làng Mai, gọi là Năm pháp thực tập chánh niệm, một bộ môn thực tập nhắm tới sự thực hiện hòa bình, đạo đức, có khả năng chuyển hóa bản thân, gia đình và xã hội của ta.
Ngay chính cuộc đời của Thích Nhất Hạnh cũng đã là một nguồn cảm hứng. Đây là một con người đã để hết cuộc đời mình vào sự nghiệp hòa bình, đã dâng hiến tất cả những gì mình có để cho mọi người có được lợi lạc. Hồi còn là một ông thầy tu trẻ, Thầy đã nỗ lực cải tổ nền Phật giáo cổ truyền và cũng đã trở thành một người đi đầu của phong trào hòa bình ở Việt Nam. Chính trong thời gian tranh đấu cho hòa bình mà Thầy đã đặt được nền móng cho một Đạo Bụt Nhập Thế, một đạo Bụt đã tiếp tục gây niềm cảm hứng cho chúng ta cho đến ngày hôm nay, mặc dù công việc của Thầy đem lại cho Thầy nhiều hiểm nguy. Nỗ lực tranh đấu bất bạo động và không theo phe phái của Thầy đã làm cho các phía tham chiến giận dữ. Vì vậy cho nên năm 1966, khi Thầy qua Tây phương để vận động hòa bình, chính quyền miền Nam đã không cho Thầy về nước. Cái ông thầy ra đi đơn độc, lưu đày và không có một thước đất cắm dùi ấy, nay đã đánh động được trái tim của không biết bao nhiêu người. Hàng chục ngàn người trên thế giới tự nhận mình là đệ tử của Người. Những tác phẩm của Thầy đã gây cảm hứng cho hàng triệu độc giả và giúp tạo nên một đạo Bụt mới mà ta thấy hôm nay. Ảnh hưởng của Thầy rất sâu đậm. Cũng như nhiều Phật tử khác, tôi đã được thừa hưởng nhiều từ cuộc đời cũng như những lời giảng dạy của Thầy. Mong rằng những gì Thầy dạy cũng đem lại những lợi lạc như thế cho bạn đọc.
Dưới đây là nguyên bản lời giới thiệu của cuốn sách.
khai mạc EIAB 2012
Dân chúng thành phố Waldbroel có lẽ đã rất ngạc nhiên khi thấy những người áo nâu đầu cạo trọc tới cư trú tại tòa nhà Bundeswehr cổ kính ấy trong thành phố. Việc này đã xảy ra 4 năm về trước. Các thầy và các sư cô đã thiết kế một chương trình thật gan dạ. Họ muốn chuyển hóa một tòa nhà đang suy sụp trở nên một trung tâm tu học Phật giáo. Chắc họ đã phải tốn kém cả hàng triệu, nhưng hình như họ đã thành công. Ngày hôm nay Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (V.P.H.Ư.D.C.A.) được chính thức khai mạc. Vào buổi trưa hôm nay ở Waldbroel trong khi ba con lân đang nhảy múa thì một ông thầy tu nhỏ thó xuất hiện, đầu đội mũ len, mình mặc áo choàng. Mới nhìn bên ngoài thì con người này chẳng có dáng vẻ đồ sộ oai vệ gì cả. Nhưng qủa thật đây là ông thầy tu Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới, chỉ trừ đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngày hôm nay đệ tử ăn mừng thầy đã tròn 70 tuổi đạo. Ngày hôm nay thầy và ông thị trưởng thành phố Waldbroel làm lễ khánh thành V.P.H.Ư.D.C.A., một trung tâm Phật giáo được thiết lập tại một thành phố nhỏ mà không phải tại một đô thị lớn. Thiền sư đã trả lời câu hỏi của chúng tôi một cách rất thiền: “Chích thuốc dù chích vào vai hay chích vào mông thì thuốc cũng đều đi được vào cơ thể. Đó là câu trả lời của tôi.” Điều đó có nghĩa là dù dạy đạo Bụt ở đâu, ở Waldbroel hay ở Berlin, thì đạo Bụt cũng sẽ có ích lợi cho cả nước Đức.
Vào buổi sáng sớm trước giờ cử hành lễ khánh thành, đã có trên một ngàn người ngồi thực tập thiền chung với nhau trong một chiếc lều lớn và sau đó nghe thầy Thích Nhất Hạnh nói pháp thoại về đề tài sống chung an lạc. Ông thầy 86 tuổi này đại diện cho một đạo Bụt quốc tế có khả năng đối thoại với tất cả mọi truyền thống tôn giáo. Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã sử dụng tâm lý học Phật giáo để giúp người ta sống một đời sống chánh niệm và để phòng ngừa những khổ đau đổ vở và kình chống. Rất nhiều người ngồi trong thính chúng nói rằng đạo Bụt giúp cho họ để họ có thể tự tháo gỡ được nhiều khó khăn.
Một người nói: “ Khóa tu này là những ngày nghỉ ngơi cho tâm hồn. Giống như cơ hội để mình đổ đầy lại xăng nhớt chuẩn bị cho chuyến đi kế tiếp. Mình tiếp thu thêm một ít an bình, buông bỏ được một ít bực bội, nghĩa là có thêm được an lạc, có thêm được năng lượng để sử dụng cho thời gian sắp tới.”
Một người khác, “Đối với tôi, khóa tu đem lại bình an và giúp tôi có thêm khả năng để đối phó được với công việc hàng ngày.”
Một người khác nói rằng: “Khóa tu giúp tôi sống có ý thức hơn, có hạnh phúc nhiều hơn, có an lạc nhiều hơn, và buông bỏ được nhiều bực bội.”
Tại V.P.H.Ư.D.C.A. này, người Phật tử cũng như người của các tôn giáo khác đều có cơ hội đến để học những kỹ thuật để sống hạnh phúc hơn. Mỗi năm Viện cung cấp khoảng 100 lớp học và thực tập. Trong 4 năm, các nhà hảo tâm khắp trên thế giới đã đóng góp hàng triệu đồng để tái thiết lại tòa nhà từng được xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ trước. Người ta vẫn còn thấy được hình ảnh điêu khắc lưu lại từ thời Đức Quốc Xã. Nơi đây đã từng là một bệnh viện, và những người Đức Quốc Xã đã từng mang đi từ đây và giết hại cả 700 người khuyết tật. Tòa nhà vẫn còn in lại dấu tích nặng nề ấy của lịch sử. Ông Peter Koster, thị trưởng Waldbroel nói: “Chúng tôi đã mời được nhiều nhân vật từ các quốc gia khác tới đây. Họ cũng đã đi ngang qua những khổ đau của trận Đệ Nhị Thế Chiến. Tất cả đều đã có cơ hội thiền quán chiêm nghiệm để chuyển hóa những gì của quá khứ. Trách nhiệm lớn lao của chốn này là giúp chuyển hóa cho cả nhân loại.”
Chắc chắn rằng trong tương lai, cũng như ngày hôm nay, sẽ có rất nhiều người đến đây tại Waldbroel này, để cắm lều và học hỏi về đạo Bụt và về văn hóa Viễn Đông.
_______________________
xem bản tin (video) tại WDR
Hội thảo về Sức khỏe, Khoa học và Chánh niệm
Tiến trình hình thành và phát triển của 30 năm Làng Mai bằng cách áp dụng chánh niệm vào đời sống đã giúp nhiều bạn thiền sinh công nhận giá trị thực tiễn của việc chăm sóc hơi thở ý thức, bước chân ý thức… nhằm nâng cao phẩm chất sống lành mạnh và làm việc có hiệu quả hơn. Đó là hoa trái mà các bạn đã tự nguyện tham gia và nhanh chóng áp dụng vào nhiều lĩnh vực như: giáo dục, y tế, âm nhạc, mỹ thuật, gia đình, công sở và xã hội. Đặc biệt nhiều bạn thiền sinh Tiếp hiện làm trong lĩnh vực Y khoa đã hội ý xin được có một buổi hội thảo tại xóm Mới trong khóa tu 21 ngày với chủ đề: “Sức khỏe, khoa học và chánh niệm.”
Các bạn đề cập đến 4 chức năng chính của một cơ thể là: Nuôi dưỡng, truyền thông, vận chuyển và phản ứng. Bốn chức năng đó cần nhu cầu hiểu thương khi được bạn quan tâm đến nguyên nhân dẫn đến những triệu chứng nhiều hơn là việc báo cáo những triệu chứng đó cho bác sĩ. Việc bạn quan tâm chăm sóc và hiểu rõ những biến đổi trong thân tâm sẽ giúp bác sĩ xác định rõ ràng nguyên nhân chính dẫn đến bệnh trạng hơn là khai bệnh và cho toa. Bởi cơ địa mỗi bạn khác nhau không chỉ về thể chất mà còn liên quan đến cách bạn sinh hoạt hằng ngày như thế nào, cách an uống, ngủ nghỉ, làm việc, học hành, giải trí… đã ảnh hưởng tới tâm sinh lý của bạn như thế nào? Các bạn đã quan tâm đến việc điều trị bệnh nhân bằng cách áp dụng cái nhìn của Tứ Đế
- Đau
- Triệu chứng xuất hiện vào lúc nào trong sinh hoạt hằng ngày? Nguyên nhân dẫn đến triệu chứng đau
- Thử thay đổi tập khí, cách sinh hoạt có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh trạng trước khi cho toa và can thiệp bằng phẩu thuật.
- Đồng cảm bằng phương pháp lắng nghe cơ thể, lắng nghe khó khăn của bệnh nhân kết hợp với việc điều trị.
Ví dụ: Nếu mỗi lần giận làm bạn tăng áp huyết thì gốc rễ của vấn đề là bạn phải học cách bớt giận, buông bỏ phản ứng giận không cần thiết hơn là cứ mỗi lần giận bạn lại dùng thuốc khống chế phản ứng tăng áp huyết của cơ thể. Nếu bạn cứ dùng thuốc mà ngày nào bạn cũng giận thì ngày nào bạn cũng phải dùng thuốc hết và càng ngày càng tăng liều lượng, kết quả là bạn bị thuốc khống chế và càng ngày càng mất quyền tự chủ. Lời khuyên chân thành của những bác sĩ có tình thương đã giúp bệnh nhân tập làm phép so sánh một cách thực tế để bệnh nhân có quyền tự chọn cách điều trị cho mình. Các bạn Tiếp hiện đã chia sẻ điều này với bệnh nhân và đề nghị bệnh nhân của mình nhớ quay về tự hỏi: “Nên giận hay là không nên giận? Cơ thể bạn có thật sự cần cơn giận không? Và tin vui là bạn có thể kiểm soát cơn giận bằng hơi thở ý thức, bằng cam kết không nói và không làm gì cả chỉ đi thiền hành ngoài trời để chăm sóc cơn giận, ngừng suy nghĩ… Muốn biết rõ thêm bạn có thể tham khảo tài liệu Giận của Thầy Nhất Hạnh và nếu được bạn có thể đến Làng Mai thực tập thử một tuần….
Lại có một cô Tiếp hiện khác là y tá và trợ lý cho bác sĩ suốt 30 năm qua. Cô ấy chia sẻ rằng: cô ấy đã có cơ hội chăm sóc cho các bạn trẻ, và thường đặt câu hỏi cho các bạn trẻ: “Em nghĩ em có muốn hút thuốc suốt cả cuộc đời của mình không? Thay vì hỏi: “Tại sao em lại hút thuốc?” Để giúp các em trẻ mở lòng chia sẻ nguyên nhân vì sao mình hút thuốc lần đầu và sau đố cứ phải hút mãi, cô đã tập học cách đặt câu hỏi thể hiện sự quan tâm và đồng cảm… Từ sự mở lòng đó cô tạo cơ hội cho các em chia sẻ thêm về việc hút thuốc có lợi, có hại như thế nào và kết quả tồi tệ nhất do việc hút thuốc gây ra. Sau cùng cô đã đề nghị các em trẻ chăm sóc những tình trạng khó xử bằng cách tham gia vào trò chơi hơi thở ý thức, theo dõi sự phồng xẹp của bụng, để ý tới bước chân thay vì hút thuốc. Với các bạn nữ, cô thường đặt câu hỏi “em đã sẵn sàng có em bé chưa?”, “em sẽ xử lý những tình cảnh khi em bé ra đời, chăm sóc dạy dỗ chưa?” và cô còn đề nghị các bạn gái trẻ phòng bệnh hơn chữa bệnh”…
Bằng tất cả tấm lòng của một vị bác sĩ và tấm lòng của một người thực tập chăm sóc tình thương đích thực trên con đường phụng sự qua công tác chăm sóc các em tuổi mới lớn, các cô bác sĩ Tiếp hiện kêu gọi sự hợp tác của gia đình và trường học khẩn thiết dành chút thời gian quan tâm đến đời sống của các em để hiểu rõ các em và giúp các em đi ra tình trạng khó khăn trước khi đưa tới bác sĩ. Nếu được, chúng ta nên tạo không gian và thời gian cho các em học sinh, sinh viên chia sẻ những ưu tư, những khó khăn về gia đình, học đường và tâm sinh lý tuổi trẻ.
Một cô Tiếp hiện khác chia sẻ: “những điều tôi được lắng nghe từ bệnh nhân cũng chính là những điều tôi đã nghe trong gia đình. Cho nên việc thực tập lắng nghe cơ thể mình và lắng nghe những người trong gia đình là điều cần thiết giúp cho tôi giải quyết những khó khăn trong gia đình, nhờ đó con có thêm kinh nghiệm hiểu thêm về bệnh nhân.” Bởi cô là một bác sĩ tâm lý làm việc trong một môi trường có nhiều áp lực của những bệnh nhân nặng: có người đã chết lâm sàng và không còn ý thức được, hoặc giả có người bị nhiều thương tổn, họ không đối diện được với thực tại, không thiết sống nữa,… và họ thường rơi vào một trạng thái nhị nguyên đúng – sai rất trầm trọng. Quan điểm đúng – sai đã dần dần thu hẹp mối quan hệ gia đình, bạn bè và xã hội. Cảm giác cô đơn, nóng giận, khó chịu ngày một nhiều hơn… Đó là triệu chứng của căn bệnh. Cô chia sẻ: “nhờ cô thực tập pháp môn Làng Mai cùng bài học tương tức mà cô đã có thể sống và làm việc tốt hơn”. Cho nên cô khuyên bệnh nhân nên học cách sống bớt phân biệt, bớt suy nghĩ… Cô đã nhận thấy môi trường làm việc với những bệnh nhân của cô khiến cô dễ bị tưới tẩm hạt giống căng thẳng, nhưng nhờ có sinh hoạt định kỳ với tăng thân hằng tháng, nhờ có thực tập ngồi thiền, thiền hành mỗi ngày đã giúp cô quân bình lại, phục hồi năng lượng, có đủ bình an để tiếp tục công việc giúp bệnh nhân giảm bớt khổ đau.
Buổi chia sẻ lý thú với nhiều câu hỏi trao đổi hấp dẫn và cần thiết trong khóa tu 21 ngày năm nay đã giúp cho nhiều bạn có thêm cảm hứng sống và mạnh dạn áp dụng thiền tập vào cuộc sống. Hẹn các bạn đến hẹn lại về!