KHI NHÌN VÀO TRANG GIẤY mà bạn đang đọc, có thể bạn nghĩ rằng tờ giấy này không có mặt trước khi nó được làm ra ở xưởng giấy. Thế nhưng tờ giấy đã có mặt từ lâu trong nhiều hình thái khác nhau.
Nếu bạn có tâm hồn thi sĩ khi nhìn vào một tờ giấy, bạn sẽ thấy một đám mây bay trong ấy. Không có mây thì không có mưa, không có mưa thì cây cối không mọc được, và nếu không có cây thì làm sao có tờ giấy này trong tay bạn? Cho nên tờ giấy có mặt là vì đám mây có mặt, không có mây thì không có tờ giấy. Đám mây và tờ giấy phải nương vào nhau để hiện hữu, cái đó gọi là tương tức (inter-being).
Tờ giấy này có mặt trước khi nó được sinh ra hay không? Nó từ không mà trở thành có? Không, không có bất cứ cái gì có thể từ không mà trở thành có cả. Tờ giấy “tương tức” với ánh nắng, cơn mưa, đất đai, nhà máy, người công nhân, thức ăn mà người công nhân tiếp nhận mỗi ngày. Bản chất của tờ giấy là tương tức. Nếu ta tiếp xúc với tờ giấy thì mình cũng tiếp xúc được với cả vũ trụ. Trước khi tờ giấy được sinh ra trong nhà máy, tờ giấy đã là ánh nắng mặt trời, là cây cối. Cái được gọi là ngày sinh của tờ giấy chỉ là “ngày tiếp nối” của nó mà thôi. Chúng ta không nên bị hình tướng lừa gạt. Chúng ta biết rằng tờ giấy chưa từng được sinh ra. Thật thế. Nó đã có mặt ở đó trước rồi, bởi vì tờ giấy không thể nào đến từ không. Làm thế nào chúng ta có thể đột nhiên từ không trở thành có được? Làm thế nào mà từ không gì cả, chúng ta có thể đột nhiên trở thành một người nào đó được? Chuyện ấy là không thể.
Bạn cũng có thể cho rằng khi bạn chào đời, bạn đột nhiên trở thành có và trước đó bạn không là gì cả. Nghĩa là từ không là ai, bạn đột nhiên trở thành một ai đó. Thế nhưng, thực ra giây phút bạn ra đời chỉ là một khoảnh khắc của sự tiếp nối mà thôi, bởi vì bạn đã có mặt sẵn trong bụng mẹ hơn chín tháng rồi. Điều đó có nghĩa là ngày sinh trong giấy khai sinh là không chính xác; bạn phải lùi ngày ấy về chín tháng trước.
Có thể bạn cũng nghĩ rằng khi bạn được tượng hình trong lòng mẹ là lúc bạn bắt đầu tồn tại. Nhưng nếu ta tiếp tục nhìn sâu, ta thấy rằng phân nửa của bạn đã có trong cha, và phân nửa kia đã có trong mẹ. Do đó, thậm chí thời điểm bạn tượng hình cũng là thời điểm của sự tiếp nối. Thiền tập là nhìn sâu vào trong tự thân để thấy bản chất đích thực của ta, bản chất của không sinh không diệt.
Hãy tưởng tượng đại dương với vô vàn con sóng. Tất cả những con sóng đều khác nhau, có những con sóng lớn, có những con sóng nhỏ, có những con sóng đẹp hơn những con sóng khác. Bạn có thể diễn tả sóng bằng nhiều cách, nhưng khi tiếp xúc với sóng bạn luôn luôn tiếp xúc được với một thứ khác nữa: đó là nước.
Hãy hình dung bạn là một con sóng trên mặt đại dương. Khi con sóng – là bạn – được tạo ra: bạn dâng lên cao, dừng lại một chút rồi hạ xuống đại dương trở lại. Bạn biết rồi sẽ có một thời điểm mà bạn kết thúc. Nhưng nếu bạn biết cách tiếp xúc với nền tảng của con sóng – là nước – thì tất cả các sợ hãi của bạn sẽ tan biến. Bạn sẽ thấy, là một con sóng, cũng như mọi con sóng khác, sự sống của bạn chính là nước. Đây là bản chất của tương tức. Khi ta chỉ sống như là một con sóng và không có khả năng sống như là nước, ta sẽ rất đau khổ. Trên thực tại, mỗi giây phút chính là giây phút của sự tiếp nối. Bạn tiếp nối sự sống trong một hình thức mới. Chỉ vậy thôi!
Khi một đám mây sắp rơi xuống thành mưa, mây không sợ hãi vì nó biết rằng làm một đám mây thong dong trên bầu trời rất tuyệt vời, nhưng là một cơn mưa, rơi xuống đại dương và tưới mát ruộng vườn cũng tuyệt vời không kém. Đó là lý do tại sao giây phút mây trở thành mưa không phải là giây phút của cái chết, mà là giây phút của sự tiếp nối.
Có những người nghĩ rằng họ có thể làm mọi thứ trở thành hư không. Họ nghĩ là họ có thể tiêu diệt những người như John F. Kennedy, Martin Luther King hay Mahatma Gandhi… với hy vọng là các vị ấy sẽ vĩnh viễn biến mất. Nhưng thật ra khi một người bị giết, có thể người đó sẽ trở nên mạnh hơn lúc trước.
Thậm chí ngay cả trang giấy này cũng không thể bị biến thành không. Bạn đã từng thấy chuyện gì xảy ra khi ta dùng que diêm đốt cháy một tờ giấy. Tờ giấy không hề biến mất: nó tiếp tục trong hình thức của hơi nóng, của than và của khói. Một phần của tờ giấy đã trở thành khói hòa vào với đám mây. Có thể ngày mai chúng ta sẽ gặp lại nó trong hình thức của một giọt mưa. Đó chính là bản chất đích thực của tờ giấy. Khó mà nắm bắt sự đến đi của một tờ giấy. Ta nhận ra rằng một phần của tờ giấy vẫn còn đâu đó trên bầu trời dưới hình thức một đám mây. Vì vậy, ta có thể nói với tờ giấy: “Hẹn gặp lại bạn ngày mai nhé!”
VẤN ĐÁP VỚI THIỀN SƯ
Tuổi già và cái chết
BÉ: Sư Ông bao nhiêu tuổi ạ?
SƯ ÔNG: Con nói cho Sư Ông biết trước, con bao nhiêu tuổi?
BÉ: Dạ! con 6 tuổi, gần 7 tuổi rồi ạ.
SƯ ÔNG: Con nghe này, Sư Ông sẽ cho con một câu trả lời thiệt hay. Sư Ông là sự tiếp nối của Bụt cho nên Sư Ông 2.600 tuổi rồi.
BÉ: Ồ!
SƯ ÔNG: Sư Ông cũng là sự tiếp nối của cha mình nên Sư Ông đã được 110 tuổi. Con cũng là sự tiếp nối của Sư Ông và con có Sư Ông trong con, cho nên Sư Ông cũng 6 tuổi như con. Đó là sự thật, bởi vì Sư Ông đã được sinh ra trong con. Con sẽ đem Sư Ông về tương lai. Vì vậy, Sư Ông còn trẻ lắm. Sư Ông mới 6 tuổi thôi. Nếu con nhìn xung quanh, con sẽ thấy Sư Ông ở khắp nơi. Sư Ông có nhiều tuổi khác nhau. Con có thấy như vậy không?
VƯỢT THOÁT TỬ SINH
BÉ: Tại sao một ngày nào đó mình phải chết?
SƯ ÔNG: Con thử tưởng tượng trên đời này chỉ có sinh ra mà không có chết đi. Một ngày nào đó, sẽ khó mà tìm trên trái đất một chỗ trống để cho người ta đứng. Chết nghĩa là để lại một
chỗ trống cho con cháu của mình. Mà con cháu của mình là ai? Chính là mình chứ ai.
Con cháu của mình là một biểu hiện mới của mình. Con là sự tiếp nối của cha. Người cha, khi nhìn con mình, sẽ thấy là mình không chết bởi con của mình vẫn còn đó để tiếp nối mình. Có cái thấy ấy, mình sẽ thấy là mình không hề chết, bởi vì mình đang tiếp tục trong con của mình. Con mình cũng không chết vì được tiếp nối trong cháu chắt. Thiền tập của đạo Bụt giúp ta nhìn sâu để thấy không có cái chết thật sự mà chỉ có sự tiếp nối không ngừng trong những hình thái khác nhau.
Con hãy nhìn đám mây trên trời. Có thể đám mây đang sợ phải chết đi, nhưng có một lúc nào đó, mây sẽ phải trở thành mưa. Nhưng đó không thật sự là cái chết. Đó chỉ là sự thay đổi hình thái mà thôi. Đám mây trở thành mưa, đám mây đã được tiếp nối bằng mưa. Nếu con nhìn sâu vào trong mưa, con có thể nhìn thấy đám mây. Không có cái chết thật sự. Con sẽ tiếp tục có mặt trong rất nhiều hình thức khác. Đám mây cũng có thể tiếp tục dưới hình thức tuyết, dòng sông hay nước đá. Một ngày nào đó, đám mây cũng có thể sẽ trở thành kem. Nếu đám mây không chịu thay hình đổi dạng thì làm sao có kem cho chúng ta ăn?
Sư Ông không sợ chết vì Sư Ông thấy Sư Ông trong các đệ tử, và trong con. Con đã đến đây để học hỏi từ Sư Ông thì con đã có Sư Ông trong con rồi. Sư Ông đã trao truyền chính Sư Ông cho con. Nếu con tiếp nhận được một chút hiểu, chút thương, chút tỉnh thức từ Sư Ông thì Sư Ông được tiếp nối trong con. Sau này, nếu có người muốn đi tìm Sư Ông, họ chỉ cần đến gặp con họ sẽ thấy Sư Ông. Sư Ông không chỉ ở đây [Sư Ông chỉ vào mình] mà còn ở đây nữa [chỉ vào bé]. Sư Ông thích điều này nhất trong thiền tập của đạo Bụt. Thiền tập đạo Bụt giúp ta vượt thoát ý niệm về cái chết.
Con nên biết cái chết rất cần cho sự sống, cho sự tiếp nối của chúng ta. Trong cơ thể của chúng ta, mỗi phút có rất nhiều tế bào đang chết để nhường chỗ cho những tế bào mới được sinh ra. Sự sống và cái chết đang diễn ra từng phút trong thân ta. Nếu không có sự chết, cơ thể ta sẽ không thể nào tiếp tục được. Cho nên cái chết và sự sống có liên hệ mật thiết với nhau. Nhờ có chết mà có sự sống, nhờ có sự sống mà có sự chết. Nếu mình khóc mỗi khi một tế bào trong cơ thể mình chết đi thì mình sẽ không còn nước mắt để khóc nữa. Nếu mình tổ chức đám tang mỗi lần có một tế bào chết đi thì mình sẽ phải dùng tất cả ngày giờ của mình để làm đám tang. Do đó, ta phải thấy sự sống và cái chết đang diễn ra từng phút từng giây trong chính bản thân ta. Đó là lý do tại sao vai trò của cái chết rất là quan trọng. Đó là câu trả lời thứ nhất của Sư Ông. Nhưng câu trả lời thứ hai còn hay hơn. Nhìn sâu, con sẽ thấy không có sống mà cũng không có chết: chỉ có sự tiếp nối mà thôi. Càng học con sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn.
KHÔNG TRƯỚC, KHÔNG SAU
BÉ: Con gà và cái trứng, cái nào có trước ạ?
SƯ ÔNG: Con gà hay cái trứng có trước? Đây là một câu hỏi rất thú vị. Nhưng vì con là một thiền sinh, con phải cẩn thận, đừng trả lời câu hỏi này quá vội. Con phải nhìn thật sâu mới thấy câu trả lời. Có những thời gian nhất định trong năm, nhìn lên cây chanh, con chỉ thấy cành lá thôi chứ không hề có cái hoa hay quả chanh nào cả. Nhưng đó là khi con chưa biết nhìn bằng cặp mắt thiền quán. Còn nếu con là một thiền giả giỏi, biết nhìn sâu thì khi nhìn cây chanh – dù nó chưa ra hoa và chưa có quả – con vẫn có thể thấy hoa và quả chanh ở đó rồi. Hoa chanh, quả chanh chưa biểu hiện vì chúng còn chờ thêm vài điều kiện như thời gian, mưa và sức nóng mặt trời. Cho nên mình không thể nói là trái chanh không có đó. Nó chỉ đang ẩn mình thôi. Cây chanh, cành lá, hoa chanh và trái chanh – tất cả đều đang cùng có mặt. Mình không thể nào nói cái nào có trước, cái nào có sau được. Thời điểm chúng biểu hiện có khác nhau, nhưng chúng đã luôn có mặt ở đó rồi. Con thấy không?
Khi nhìn một bông hoa, con chỉ thấy hoa là hoa thôi. Nhưng kỳ thực rác đã có sẵn trong bông hoa rồi. Rác và hoa luôn đi đôi với nhau. Nếu con không cắm hoa vào trong nước thì chỉ trong vài hôm bông hoa sẽ trở thành một cọng rác. Nếu con là một thiền giả giỏi thì con sẽ thấy rác hiện giờ đang có trong hoa. Nói rác chưa có trong hoa là không đúng. Rác đang có trong hoa. Chỉ cần một hay hai điều kiện nữa thôi là nó sẽ biểu hiện. Và nếu con nhìn thật sâu vào rác, con sẽ thấy hoa đang chờ đợi để biểu hiện trở lại.
Vì thế, câu trả lời của đạo Bụt cho câu hỏi của con là cái trứng đang có trong con gà và con gà có trong cái trứng. Không có cái nào có trước, không có cái nào có sau.
TƯƠNG TỨC
CHUẨN BỊ: Đưa các em đi thăm nơi bảo vệ và chăm sóc thú nuôi trong nhà (bị bỏ bê hoặc đi lạc). Nếu có thể nên chọn một nơi cho phép các em được vuốt ve chó con hoặc mèo con. Hoặc sắp xếp để đem một con chó đến lớp học (lý tưởng nhất là một con chó được cứu hộ và không thuần chủng). Sẽ rất có ích nếu cho các em xem hình của chính các em khi còn bé. Hoặc bạn có thể sử dụng các loại hạt và tùy nghi áp dụng phần thảo luận về tương tức cho thích hợp.
Chúng ta sẽ được vuốt ve chú cún con (hay chú mèo con) này, nhưng trước tiên các em có muốn xá chào chú một cái không?
[Dạ có] Tại sao?
[Để cho thấy là mình biết chú cún cũng có tính Bụt; để bày tỏ tình thương và sự kính trọng]
Nhắc các em để ý đến âm thanh nào mà chú cún hay mèo con phát ra. [Có khi các em đồng ý với nhau lấy meo meo hay tiếng sủa của cún con làm tiếng chuông chánh niệm.] Làm mẫu cho các em thấy nên làm thế nào để vuốt ve một con thú: xá xuống, rồi một tay nâng nó, một tay vuốt thật nhẹ. Sau đó, mời các em xá và vuốt ve chú chó hoặc mèo con. Cho các em đủ thời gian để chơi, vuốt ve, nói chuyện và ôm các con vật.
Trả các con thú trở lại giỏ hoặc chuồng.
Chú cún con đến từ đâu nhỉ? [Từ chó mẹ ạ]
Chú cún được sinh ra phải không? [Dạ]
Chó con được sinh ra khi chui ra từ chó mẹ có phải không? [Dạ]
Cô/thầy không nghĩ vậy! Sinh ra nghĩa là từ không mà trở thành có. Có phải chú cún con này không có mặt trước khi chui ra từ bụng chó mẹ không?
[Không ạ, chú đã có trong bụng chó mẹ rồi ạ]
Chúng ta đã khám phá ra rằng không chính xác lắm khi nói chú cún con được sinh ra khi nó chui ra từ bụng chó mẹ, vì mình biết rằng cún con đã có sẵn trong bụng của chó mẹ trước đó rồi. Mình có thể nói là chú cún con đã có mặt trước khi nằm trong bụng chó mẹ không?
[Dạ được ạ]
Mình có thể nói là cún con đã sống một phần trong chó mẹ và một phần trong chó cha không?
[Dạ được ạ]
Các em có nghĩ là điều đó cũng đúng cho con người không? Hãy nhìn vào chính chúng ta nào. Mời các em nhìn vào tấm hình của chính mình hồi các em còn bé xíu. Ngày nào là sinh nhật của em? Cho các em nói ngày sinh của mình.
Tại sao mình gọi ngày đó là ngày sinh?
[Bởi vì ngày đó là ngày em chui ra khỏi bụng của mẹ]
Nếu nói ngày em ra khỏi bụng mẹ là ngày sinh của em thì cũng giống như mình nói rằng: cún con đã được sinh ra khi nó chui ra từ bụng chó mẹ. Và chúng ta đã biết là điều đó không đúng.
Trước khi được sinh ra từ bụng mẹ, em không là gì cả, phải vậy không?
[“Dạ không! Em đã có mặt khi em nằm trong bụng mẹ. Mẹ em nói là mẹ có thể nghe và cảm nhận những cử động của em khi em nằm trong bụng mẹ.]
Vậy em là gì trước khi em nằm trong bụng mẹ? Em không là gì cả hay sao?
[“Dạ không! Em là một ý tưởng đang chờ để biểu hiện!”, “Em là một cái trứng bé nhỏ”, “Em chưa bao giờ không là một cái gì”]
Vậy thì em ở đâu trước khi nằm trong bụng mẹ?
[“Một phần của em nằm trong mẹ và một phần nằm trong cha”, “Em có trong ông bà của em”, “Khoan đã, kiểu này thì mình có thể đi lui hoài không bao giờ dứt”]
Có thể thấy rằng các em chưa bao giờ không là một cái gì! Bởi vì “sinh ra” nghĩa là từ không mà trở thành có. Nhìn sâu, ta có thể nói rằng, giống như chú cún con này, ta chưa bao giờ được sinh ra! Hoặc chúng ta có thể nói chúng ta luôn được sinh ra. Chúng ta lúc nào cũng là một cái gì đó; chúng ta chưa bao giờ không là cái gì cả.
Có khi ta là một ý niệm; có khi ta là một phần của người khác, có khi ta lại là ta như bây giờ. Rất có thể mình đã từng là một đámmây, một bông hoa hay một dòng sông. Sư Ông nói có thể mình nên gọi ngày sinh nhật là Ngày Tiếp Nối là hay hơn cả. Tại sao Sư Ông lại dạy mình như vậy nhỉ?
[“Để nhắc nhở là chúng ta không bao giờ được sinh ra”, “Chúng ta luôn đã là một cái gì trước đó rồi”, “Chúng ta tiếp nối cái mà ông bà, tổ tiên đã tiếp nối”]
Lần tới, nếu các em tổ chức tiệc sinh nhật thì các em hãy mời các bạn hát “Mừng ngày tiếp nối của em” nhé!
Nếu em không bao giờ sinh thì em có bao giờ chết không? [Không ạ]
Làm sao chúng ta có thể sống hoài hoài được nhỉ? Làm sao để chúng ta không bao giờ chết?
[Bởi vì cô biết em. Em là một ý tưởng của cô/thầy. Chừng nào cô/thầy còn sống thì em còn sống, vậy nên em sẽ tiếp tục sống trong tất cả những người cô/thầy quen biết”; “Khi em có con cháu, em sẽ là một phần của con cháu”; “Có phải là em có mặt trong tất cả mọi thứ không? Em nghĩ vậy”; “Này, kiểu này thì mình cứ tiếp tục hoài hoài.”]
Tại sao biết mình không bao giờ sinh không bao giờ chết là một điều quan trọng nhỉ?
[“Vì nếu em bị bệnh phải vào bệnh viện, và bác sĩ bảo là em sắp chết, em có thể nói con sẽ không bao giờ chết”; “Rồi khi người nhà em đến thăm và buồn khi nhận tin này, em có thể bảo họ: Đừng buồn. Con sẽ không bao giờ chết”; “Bởi vì nếu có ai đó nóirằng em sẽ chết, em sẽ không sợ nữa, em đã biết điều đó không phải là sự thật”; “Bởi vì khi biết rằng mình đang còn sống trong những người khác thì mình sẽ quan tâm chăm sóc người đó tốt hơn”; “Con cũng cần chăm sóc cho chính mình nữa, vì nếu bạn con có trong con, thì chăm sóc cho mình cũng chính là chăm sóc cho bạn”.]
Cho nên biết rằng mình chưa bao giờ từng sinh ra mà cũng không bao giờ chết đi, ta sẽ không còn buồn, còn sợ nữa, ta sẽ biết cách an ủi bạn bè và gia đình. Điều này cũng nhắc ta quan tâm chăm sóc cho những người khác bởi vì ta có trong họ, đồng thời nhắc ta nên chăm sóc cho chính mình bởi vì những người khác cũng có trong ta. Biết được là ta không sinh cũng không bao giờ chết giúp ta có hạnh phúc và ta sẽ làm cho những người khác có hạnh phúc.
MỘT HÔM, BỤT vào rừng thiền hành, trên đường về Người nhặt một nắm lá simsapa. Tại cửa rừng, Người gặp một nhóm các vị khất sĩ. Người mỉm cười và đưa nắm lá simsapa lên hỏi: “Các vị khất sĩ! Lá trong tay tôi nhiều hay lá trong rừng nhiều?” Các vị khất sĩ trả lời, “Lá trong tay Bụt thì ít mà lá trong rừng thì nhiều”.
Bụt nói: “Cũng như thế đó, các vị khất sĩ! Những điều tôi biết do sự thực chứng thì nhiều, nhưng những điều tôi đem ra dạy quý vị thì ít. Tại sao thế? Tôi chỉ muốn trình bày cho quý vị những gì thật sự có ích lợi cho công trình tu tập của quý vị mà thôi”.
Tương tự như vậy, trước tiên chúng ta nên dạy những gì có thể đáp ứng cho nhu cầu thiết yếu của các em học sinh và nếu có thời gian, thì dạy thêm những kiến thức khác. Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo và Bộ Giáo dục xem xét lại vấn đề này. Quý vị nên biết rằng giáo viên bị áp lực thời gian vì chương trình dạy quá nặng. Khi học sinh có nhiều đau khổ vì bạo lực, tuyệt vọng, giận dữ và thiếu tình thương thì các em không thể học tập tốt được. Đây là một vấn đề nền tảng mà các nhà giáo dục cần giải quyết.
Tất cả chúng ta ai cũng có những nhu yếu sâu sắc của mình. Mà nhu yếu sâu sắc nhất là thương yêu và được thương yêu. Chúng ta phải tìm cách chạm vào những hạt giống thương yêu của học sinh. Thương yêu là một nghệ thuật. Nếu nhà giáo dục biết cách thương yêu thì người đó sẽ có khả năng dạy cho học sinh của mình biết cách thương và cách tiếp nhận tình thương.
Nhu yếu sâu sắc thứ hai là nhu yếu hiểu. Khi ta tò mò muốn tìm hiểu thì ta sẽ thích học hỏi. Vì vậy, nếu ta có thể khơi dậy hạt giống tò mò muốn tìm hiểu trong học sinh, thì các em sẽ ham học. Khi đó ta không cần ép các em mà việc dạy và học sẽ trở thành một niềm vui.
Tôi luôn luôn cảm thấy vui sướng mỗi khi bước vào lớp học. Nhìn các em tôi thấy hạnh phúc và các em cũng hạnh phúc vì cả thầy lẫn trò đều có cùng một ước muốn. Chúng ta phải làm cho đối tượng của việc dạy và học trở thành vui tươi, có thể đánh thức hạt giống thương yêu và tâm muốn tìm hiểu nơi học sinh cũng như nơi thầy cô giáo.
Chuyện này chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được không những cho học sinh mà còn cho cả chúng ta – những giáo viên, bởi vì ai cũng đều có nhu yếu muốn hiểu và được hiểu, muốn thương và được thương. Chúng ta không chỉ cần được học sinh hiểu, mà cũng cần đồng nghiệp và ban lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo ngành giáo dục hiểu. Nếu không được hiểu thì chúng ta không thể nào có hạnh phúc và không thể hoàn thành trách nhiệm của mình. Những vị làm việc trong ngành giáo dục cần phải học cách lắng nghe nhau và thực tập ái ngữ để nói cho người khác hiểu được những khó khăn và khổ đau của mình. Trường học có thể được vận hành như một tăng thân, một cộng đồng thực tập của những nhà giáo dục. Chúng ta có thể đến để chia sẻ với nhau những băn khoăn và cái thấy của mình, đồng thời giúp người khác ý thức về khó khăn mà mình đang gặp phải.
Nhiều người trong chúng ta có đủ năng lực để tổ chức những buổi lắng nghe sâu sắc trong lĩnh vực giáo dục. Ta cần bầu ra một số thành viên trong cộng đồng giáo dục để nêu lên những mối quan tâm lo lắng của chúng ta. Ta phải mời được những nhà chức trách trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm những nhà làm luật và quan chức chính phủ, đến nghe ta nói. Đây là sự thực tập giới thứ tư, ái ngữ và lắng nghe như một tập thể. Trên khắp đất nước có nhiều bậc nhân sĩ có khả năng lắng nghe, họ là những học giả, nhà báo, thi sĩ, chính trị gia…, ta có thể mời những người đó đến tham gia thực tập lắng nghe chúng ta. Buổi thực tập chia sẻ và lắng nghe đó có thể được phát sóng trên vô tuyến truyền hình cho cả nước theo dõi.
Chia sẻ
MỘT GIÁO VIÊN CHIA SẺ KHÓ KHĂN CỦA MÌNH
Trích từ buổi thực tập lắng nghe sâu trong khóa tu do Thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn
Tôi là một giáo viên dạy lớp 3 và lớp 4 sống tại Brooklyn, New York. Tôi rất lo lắng cho các học sinh của mình. Các em rất hay lo và suy nghĩ quá nhiều. Còn tôi thì không thấy có cách nào để giúp các em đi ra khỏi những sợ hãi và lo lắng ấy.
Những khi lớp học cực kỳ mất trật tự và lộn xộn, tôi chỉ cần dừng lại và nói với các em: “Chúng ta cần dừng lại một chút”. Tôi tắt hết đèn trong lớp rồi hỏi: “Có chuyện gì vậy các em? Tại sao các em lại ồn ào quá như vậy?”. Khi đó các em sẽ cho tôi biết: “Đêm qua, em không ngủ được bao nhiêu”; “Khu chung cư của em thật ầm ĩ”; “Em thức chờ mẹ. Đến tận nửa đêm mẹ mới đi làm về”; “Sáng nay, em chưa ăn sáng”. Trò chuyện với các em về những chuyện đó thật sự hữu ích và sau đó lớp học trở lại bình thường… Tôi nhận ra rằng nếu tôi bỏ qua, không để ý gì đến sự bất an của các em, hoặc chỉ nói: “Chúng ta phải học cho xong tiết toán này đi đã” thì tiết học cũng sẽ chẳng được gì, mà cơ hội để hiểu thêm về các em cũng trôi đi.
Các bậc phụ huynh thân mến, tôi mong rằng quý vị có thể dành thời gian nhiều hơn cho con cái. Là một giáo viên, tôi nghĩ rằng điều hay nhất phụ huynh có thể làm để giúp đỡ học sinh là lắng nghe một cách tận tường những gì đang xảy ra cho các em. Các em rất lo lắng cho cha mẹ và cho chính bản thân. Chúng ta, phụ huynh và giáo viên cần phối hợp để cùng nhau dạy dỗ các em. Chúng ta nên tạo điều kiện để các em có thể bộc lộ cảm xúc của mình. Phương pháp thực tập lắng nghe sâu chính là một lối thoát.
Lớp học là một gia đình
Thiền tập không còn là sự thực tập của một cá nhân. Chúng ta cần thực tập chung với nhau như một tăng thân hay một đoàn thể. Năm phép thực tập chánh niệm (hay còn gọi là “Năm Giới”[1] trong đạo Bụt) cần được thực tập chung trong tinh thần của một quốc gia. Trong lớp học, giáo viên cần có thời gian lắng nghe những khổ đau và khó khăn của học sinh. Khi được lắng nghe, các em sẽ thấy nhẹ lòng hơn và nhờ đó mới có tinh thần để học tập và tiếp thu những gì ta muốn trao truyền. Các em cũng cần có cơ hội tìm hiểu những nỗi khổ tâm và khó khăn của thầy cô giáo. Giáo viên nên chia sẻ những khó khăn cũng như những ước nguyện sâu sắc của mình với học sinh. Một giáo viên hay một học sinh lớp lớn có thể đóng vai trò người điều phối để tổ chức một buổi chia sẻ và lắng nghe sâu. Bằng cách này chúng ta có thể biến lớp học thành một tăng thân, một cộng đồng, một gia đình.
Giáo viên và học sinh có thể tổ chức những buổi sinh hoạt trong đó thầy trò chơi với nhau, cùng thưởng thức âm nhạc, đi bộ, hoặc ăn chung như trong một gia đình. Chúng ta có khả năng tổ chức để biến lớp học thành một gia đình. Trong không khí gia đình đó ta mới có thể tạo điều kiện để mọi người hiểu và cảm thông sâu sắc cho nhau. Niềm đau nỗi khổ trong mỗi người nhờ đó mà được vơi nhẹ đi. Điều này sẽ làm cho việc dạy và học trở nên vui vẻ hơn. Dù lương tháng chẳng là bao nhưng sự nghiệp trao truyền tuệ giác và tình thương của một nhà giáo mang lại cho chúng ta rất nhiều hạnh phúc, rất nhiều niềm vui.
Chúng ta cần phải làm gì để giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc trong lớp học? Đây là công án, là đề tài thiền quán cho mỗi người – làm sao để các em cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nghĩ đến trường lớp? Làm sao để giáo viên cảm thấy hứng khởi khi nghĩ đến lớp học của mình? Giáo viên có thể vận dụng tài năng và sức sáng tạo của mình, kết hợp với tài năng và sức sáng tạo của học sinh để làm cho lớp học trở thành một môi trường tuyệt diệu cho cả thầy lẫn trò. Điều này chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được.
Nhóm tương thân tương ái
Trong lớp học, nếu các em có nỗi khổ nào đó thì giáo viên có thể giúp các em thành lập các nhóm tương thân tương ái để tìm hiểu và giúp chuyển hóa khổ đau đó. Giáo viên cùng các em học sinh có thể chọn 2 – 5 học sinh vào nhóm. Mục đích của nhóm là thực tập bình an để làm cho tất cả các học sinh và các thầy cô giáo hạnh phúc. Sau khi nhóm khởi đầu đã có một vài kinh nghiệm thực tập lắng nghe sâu, những em khác có thể thay phiên nhau tham gia vào nhóm để học hỏi phương pháp thực tập này. Rất nhiều khổ đau của các em là do hiểu lầm mà ra. Vì vậy, thường thường các em cảm thấy người khác không nghe mình, không hiểu mình. Qua sự thực tập lắng nghe sâu và nhìn sâu, con đường thoát khổ sẽ tự hiển bày. Sự thực tập lắng nghe và nhìn sâu vào bản chất của khổ đau có thể làm cho lớp học trở nên hạnh phúc và hòa hợp.
Để chuyển hóa những khó khăn trong lớp học, nhóm tương thân tương ái có thể tổ chức một buổi thực tập lắng nghe sâu với tâm thương yêu. “Thưa thầy/cô, chúng em muốn tổ chức một buổi thực tập lắng nghe sâu để mọi người có thể nói ra tất cả những khổ đau, khó khăn của mình. Nhiều bạn có khổ đau trong gia đình, nhiều bạn gặp khó khăn trong lớp học, chúng em rất mong được thầy/cô hiểu những khổ đau, khó khăn của chúng em”. Đây là một yêu cầu rất chính đáng. Khi bạn lắng nghe những tâm tư tình cảm của học sinh là bạn đã thực tập lời Bụt dạy: nhìn sâu vào bản chất của khổ đau. Ban giám hiệu nên cho phép giáo viên tổ chức những buổi lắng nghe như thế để giáo viên ngồi lắng nghe thật hết lòng những khổ đau, khó khăn của học sinh mình.
Trong một khóa tu mùa hè tại Làng Mai, có một em gái khoảng 7, 8 tuổi. Em khóc rất nhiều. Em không biết tại sao mỗi ngày thầy/cô của em lại làm khổ em nhiều như thế; em không biết tại sao thầy/cô ấy lúc nào cũng nhắm vào em, và em không biết làm sao để thầy/cô ấy đừng làm như vậy nữa. Em không muốn đến lớp chút nào, nhưng em vẫn phải đi học mỗi ngày. Khi tăng thân nghe em kể, nhiều người, kể cả người lớn đã khóc. Nhiều người trong chúng ta đã phải trải qua những khổ đau tương tự.
Nếu trong lớp học bạn phụ trách có một nhóm tương thân tương ái thì những em trong hoàn cảnh khó khăn tương tự như em gái này có thể đến chia sẻ với nhóm, “Mình khổ quá, các bạn giúp mình với”. Cả nhóm sẽ ngồi lại và nói: “Chúng mình rất sẵn lòng nghe bạn nói. Có chuyện gì vậy?”. Và tất cả mọi người lắng nghe câu chuyện của em ấy.
Nhóm tương thân tương ái có thể tìm cách giúp cho nỗi khổ của bạn mình vơi nhẹ. Nhóm có thể đề cử một hay hai thành viên đến gặp thầy/cô giáo có liên quan để nói cho thầy/cô giáo ấy biết về khó khăn của bạn mình. “Thưa thầy/ cô, chúng em không biết tại sao ngày nào bạn ấy cũng khóc, bạn ấy cho chúng em biết là thầy/cô làm bạn ấy khổ. Bạn ấy thật sự là rất khổ, bạn ấy không hề có ý trách móc thầy/cô, bạn ấy chỉ không muốn khổ như vậy nữa mà thôi. Xin thầy/ cô chỉ dạy cho chúng em cách giúp bạn ấy bớt khổ”. Khi nhóm tương thân tương ái đến thưa với thầy/cô giáo như vậy, tôi tin là thế nào giáo viên ấy cũng sẽ tìm cách thay đổi tình trạng.
Dĩ nhiên nếu em học sinh có đủ can đảm thì em có thể đến nói chuyện trực tiếp với thầy/cô giáo. “Thưa thầy/cô, em không biết tại sao thầy/cô lại tập trung vào em mỗi ngày làm em rất khổ sở. Em không biết mình đã làm gì sai. Nếu em có điều gì làm cho thầy/cô không vui, xin thầy/cô cho em biết, em sẽ cố gắng hết sức để thay đổi”. Học sinh có thể chia sẻ bằng những lời dễ thương như vậy. Trong trường hợp, học sinh không đủ tự tin để chia sẻ trực tiếp với thầy/cô giáo thì nhờ nhóm tương thân tương ái giúp. Đó là một cách xử lí rất hòa ái.
Giáo viên cũng nên nói cho học sinh biết là mình cũng có những nỗi khổ riêng trong gia đình và nếu có thêm những nỗi khổ trong lớp học thì có thể hơi quá sức cho mình. Nếu trong lớp có một Nhóm tương thân tương ái thì các em học sinh nên tìm cách động viên thầy cô giáo của mình nói ra được những khó khăn trong lòng. Khi các em đã hiểu những khó khăn của thầy cô giáo thì các em sẽ hành xử dễ thương hơn, sẽ hợp tác và biết cách yểm trợ cho thầy cô giáo.
Nếu giáo viên và học sinh không bắt được nhịp cầu cảm thông sâu sắc cho nhau thì cả thầy lẫn trò không thể nào có hạnh phúc. Thầy cô chẳng có hứng thú giảng dạy mà trò cũng chẳng có hứng thú để học.
HOẠT CẢNH VỀ GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN
Mời một em kể chuyện về mâu thuẫn nào đó từng xảy ra giữa em với người khác. Nếu thấy câu chuyện phù hợp, bạn cho các em khác diễn lại câu chuyện này. Sau đó, cho các em thảo luận để tìm ra cách giải quyết mâu thuẫn đó một cách hài hòa và có chánh niệm hơn.
Nhắc các em quay về với hơi thở và ý thức về cảm xúc của mình. Khuyến khích các em rời khỏi nơi xảy ra mâu thuẫn càng sớm càng tốt nếu có thể, trước khi sự việc trở nên trầm trọng. Hoặc nên rời khỏi khi các em cảm thấy hơi nguy hiểm. Khi các em có đủ bình tĩnh để chia sẻ với người kia về những khó khăn của các em, dạy các em dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất (con, tôi, mình, em…) để các em có trách nhiệm hơn về cảm xúc của mình. Tránh nói với ý than phiền, trách móc hay lên án người kia. Khuyến khích các em miêu tả cụ thể hành động và lời nói nào của người kia đã làm em buồn[2]. Ví dụ, em thấy tổn thương và giận vì chị đã hứa cho em chơi chung đồ chơi với chị nhưng sau đó chị lại nuốt lời. (Thay vì các em nói: chị là kẻ nói xạo, chị chỉ biết hứa suông mà không làm!)
Cho các em diễn lại cảnh xung đột này một lần nữa. Lần này các em sử dụng những phương pháp mà các em đã nghĩ ra ở trên. Nếu có nhiều ý hay thì có thể tổng hợp lại thành một màn kịch để biểu diễn.
Hoạt cảnh về giải quyết mâu thuẫn cũng có thể rất hữu ích khi có sự tham gia của cha mẹ và con cái, hoặc giáo viên với học sinh. Diễn cảnh xung đột thật trước (ví dụ cảnh thức các con dậy vào buổi sáng để đi học, cảnh giáo viên tìm cách làm học sinh tập trung khi các em liên tục nói chuyện trong lớp học), sau đó diễn lại cùng hoàn cảnh nhưng cách xử lí đã khác hơn khi cả hai bên đã hiểu được những nhu yếu của nhau. Nhiều khi để cho người khác diễn vai về mình trong hoàn cảnh khó khăn lại giúp cho ta hiểu thêm được vấn đề.
Có khả năng lắng nghe chính mình và lắng nghe người khác là một điều rất quan trọng. Chỉ khi nào chúng ta có thể thực sự lắng nghe bản thân thì chúng ta mới có thể lắng nghe người khác. Lắng nghe bản thân có nghĩa là gì?
[Lắng nghe cơ thể của chúng ta, khi mệt thì phải lên giường nghỉ ngơi, không ép uổng thân thể mình, tôn trọng giới hạn của bản thân…]
Lắng nghe người khác thật sâu sắc chính là món quà đích thực có tác dụng trị liệu rất lớn. Các em có nhớ những lần các em được ai đó thật sự lắng nghe mình hay không? Các em cảm thấy thế nào khi được lắng nghe như vậy? Làm thế nào các em biết là người kia thực sự lắng nghe các em? Người ấy đã tỏ lộ sự cởi mở và tiếp nhận những gì các em chia sẻ ra sao?
Viết lên bảng những phẩm chất của lắng nghe sâu mà các em định nghĩa. Ngoài ra, có một số phẩm chất quan trọng như: không ngắt lời người khác, lắng nghe bằng cả tấm lòng, không phê phán hoặc so sánh, không nhận xét, liên tưởng này nọ trong đầu khi nghe những điều người kia nói. Nếu không nghe các em nhắc đến các phẩm chất này thì gợi ý và nói cho các em biết tầm quan trọng của những điều đó. Nhắc các em rằng trong việc lắng nghe sâu, chúng ta lắng nghe với một mục đích duy nhất là giúp cho người kia cảm thấy được lắng nghe và chấp nhận.
Để giúp cho các em thực tập lắng nghe, cho các em bắt cặp với nhau. Chỉ định em nào nói trước. Bạn có thể viết ba đề tài lên bảng để các em chọn một. Ví dụ: các em có thể nói về một khó khăn gần đây; hoặc các em đang háo hức chờ đợi một điều hay một sự kiện gì đó sắp xảy ra; hoặc ngay bây giờ các em cảm thấy thế nào. Hướng dẫn các em:
Bây giờ, chúng ta sẽ chia sẻ thật lòng, cố gắng không cần che giấu điều gì. Các em nghĩ như thế nào thì chia sẻ như thế về đề tài mà em chọn. Mỗi em có từ hai đến ba phút. Trong khi em thứ nhất chia sẻ thì các em khác chỉ cần lắng nghe thật hết lòng, bỏ qua những suy nghĩ hay nhận xét đi lên trong đầu để có mặt hoàn toàn cho bạn kia. Thỉnh chuông để bắt đầu và kết thúc. Bây giờ hãy đổi vai với nhau.
Khi cả hai bên đã chia sẻ, mời các em trở lại nhóm lớn để chia sẻ trải nghiệm của các em khi thực tập lắng nghe và chia sẻ. Đối với các em, lắng nghe và chia sẻ khó hay dễ? Các em có cảm thấy mình thật sự được lắng nghe không? Nếu được lắng nghe thật sự, các em cảm thấy như thế nào trong thân và trong tâm?
Trị liệu trong môi trường học đường
Có thể chúng ta cần tổ chức những buổi lắng nghe sâu ở phạm vi rộng hơn chứ không chỉ trong lớp học. Giáo viên lắng nghe học sinh của mình, và nếu một buổi lắng nghe không đủ thì chúng ta tổ chức buổi thứ hai, thứ ba để lắng nghe tất cả những gì học sinh cần chia sẻ. Chúng ta có thể mời những giáo viên khác tham gia và thực tập nghệ thuật lắng nghe sâu với học sinh. Chúng ta cũng có thể mời hiệu trưởng đến để cùng chúng ta lắng nghe các em học sinh.
Học sinh cần phải chuẩn bị kỹ càng để diễn đạt ý mình một cách rõ ràng, mạch lạc. Các em cần cảm thấy đủ an toàn để nói ra tất cả những nỗi khổ của các em ở nhà và ở trường. Nếu các em cảm thấy có quá nhiều bài tập về nhà, các em nên nói ra cho thầy cô giáo và những người khác đang lắng nghe biết. Trọng tâm của giáo dục không nên hy sinh hiện tại để đạt được một điều gì đó trong tương lai, mà làm sao cho giáo viên và học sinh có niềm vui ngay trong giây phút hiện tại. Nếu ta không có hạnh phúc trong hiện tại thì tương lai cũng khó có thể hạnh phúc. Trách nhiệm của giáo viên là hiểu được những khó khăn, khổ đau và nguyện vọng của học trò. Có thể giáo viên cần tổ chức nhiều buổi thực tập lắng nghe mới có thể hiểu hết học sinh của mình. Và ban giám hiệu nên cho giáo viên thời gian để làm chuyện đó. Đây đích thực là đạo đức của nghề giáo.
Các em học sinh cũng nên bày tỏ nguyện vọng được lắng nghe thầy cô giáo của mình bởi vì giáo viên cũng có nỗi khổ trong gia đình và trong trường học. Nhiều giáo viên đã phải rơi nước mắt vì học sinh quá ngỗ ngược. Nhiều em có năng lượng bạo động rất lớn và hiếp đáp bạn bè mình để tiêu khiển. Đôi khi các em này cũng làm như thế với thầy cô giáo của mình. Nếu các em thấy được yếu điểm của giáo viên thì các em càng thích chí trong việc gây khó dễ. Đó là lý do tại sao nhiều buổi lắng nghe sâu cần được tổ chức để lắng nghe nỗi khổ, niềm đau của cả thầy lẫn trò.
Chia sẻ
TẠO MÔI TRƯỜNG AN TOÀN VÀ TIN CẬY TRONG LỚP HỌC
Chia sẻ của cô Bonnie Sparling và cô Uri Wurtzel, giáo viên trường Paideia, Hoa Kỳ
Lớp học của chúng tôi là lớp tổng hợp gồm 30 học sinh, trong đó một số có trình độ lớp Bảy và một số khác trình độ lớp Tám. Ngày nào chúng tôi cũng dạy từ 3 đến 4 tiếng cho 30 em học sinh đó. Triết lý dạy học của chúng tôi là mọi chương trình học đều lấy học sinh làm trọng tâm, từ đó xây dựng các chủ đề giúp các em có cái thấy rộng hơn, sâu hơn về chính mình. Dù chủ đề là gì – văn học, xã hội học, đạo đức hoặc viết lách – chúng tôi muốn các em tự cảm thấy việc học môn đó là quan trọng và có ý nghĩa cho chính mình.
Các học sinh tìm thấy ý nghĩa khi tự điều động cuộc thảo luận, và hỏi nhau những câu hỏi vừa có tính cách chất vấn phản biện vừa có tính cách riêng tư. Các em công khai thảo luận về vấn đề bắt nạt học đường do ham muốn nổi tiếng trong trường. Các em cùng nhìn xem những ai có khả năng/quyền lực làm cho người khác sợ hãi, và thảo luận để tìm ra phương pháp đối trị một cách có đạo đức.
Gia đình, đời sống xã hội và nhu yếu khẳng định bản sắc cá nhân là những mối quan tâm hàng đầu của các em độ tuổi thiếu niên. Do đó, các em đặt những đề tài này vào phần trọng tâm trong chương trình học. Qua nhiều năm, các em phát triển chương trình viết và hệ thống tòa án lớp học giúp các em làm sáng tỏ nhiều phương diện trong đời sống; đạt được một cách giải quyết mâu thuẫn giúp các em hạnh phúc hơn.
Chương trình viết tập trung chủ yếu vào những câu chuyện cá nhân của từng học sinh, đòi hỏi sự thành thật trong cảm xúc và ý hướng muốn trưởng thành của chính các em. Các em viết câu chuyện về chính cuộc đời của mình để chia sẻ cho nhau biết mình là người như thế nào. Bởi vì khổ đau và mâu thuẫn thường là những nhân tố giúp trưởng thành và có ý thức hơn, cho nên các em đã tổ chức những buổi chia sẻ với giáo viên hoặc với các bạn mà các em tin tưởng để công khai đối diện với những cảm xúc của mình. Những chiếc mặt nạ phòng thủ của các em bắt đầu rơi xuống. Đằng sau gương mặt giận dữ là sự tổn thương. Và tổn thương được chuyển hóa thành tình thương. Những buổi chia sẻ này giúp các em có được một cái nhìn mới và sáng tỏ về điều mà trước đó có thể bị che lấp dưới những cảm xúc hỗn độn.
Khi viết xong, những câu chuyện của các em được đọc lên cho cả lớp nghe trong không khí ăn mừng nhiệt liệt. Sau đó, các em thảo luận về câu chuyện vừa được chia sẻ và những gì trong câu chuyện mà các em cảm thấy gần gũi với chính mình. Sinh hoạt theo cách thức như vậy giúp các em xây dựng được một đoàn thể trong đó có sự tin tưởng lẫn nhau và hiểu nhau hơn.
Để các em cảm thấy đủ an toàn đối với những bạn đồng trang lứa mà mở lòng ra chia sẻ, các em phải xây dựng niềm tin đối với nhau. Trong việc này, các em đã xây dựng những quy định, luật lệ và một hệ thống xét xử để giúp các em chịu trách nhiệm với nhau trong trường hợp niềm tin bị rạn nứt. Các em giúp nhau tìm hiểu động cơ phía sau các hành vi gây rạn nứt niềm tin, rồi cùng tìm ra cách giải quyết. Hệ thống xét xử này hoạt động như một công cụ đắc lực để bảo đảm an toàn và công bằng, san bằng mọi khác biệt về “địa vị” và sự “nổi tiếng” giữa các học sinh.
Không hành xử thô tháo trong lớp học, không nói những lời làm người khác tổn thương, và không vi phạm nguyên tắc bảo mật thông tin là ba trong hai mươi điều luật mà các em học sinh đã đề ra và tuân theo rất nghiêm túc. Các em rất cố gắng giữ gìn hệ thống này, để bảo vệ lẫn nhau, không để cho bất cứ một hành vi nào có thể làm cho các bạn trong lớp cảm thấy mất an ninh mà từ đó không dám chia sẻ với các bạn khác về những vấn đề mà các em đang phải vật lộn. Khi một em nào đó bị cáo buộc là đã vi phạm điều luật, em đó có thể công nhận hay không công nhận mình phạm lỗi. Sau đó bị cáo và công tố viên sẽ ra trước hội đồng xét xử do một số các em học sinh đảm trách. Cả lớp sẽ ngồi lắng nghe hai phía trình bày và đặt câu hỏi để tìm hiểu rõ ràng động cơ và gốc rễ của tình trạng xung đột. Thường thì sự thật phía sau một mâu thuẫn phức tạp và có nhiều sắc thái hơn ta tưởng lúc ban đầu. Có thể một câu nhận xét không dễ thương của một em gái trong tiết học Đại số bắt nguồn từ mặc cảm kém toán của chính em. Hoặc một học sinh nam tẩy chay một bạn chăm học trong lớp bởi vì chính em ấy đã bị tẩy chay khi mới vào tiểu học.
Khi các thành viên trong lớp học hưởng được sự an ninh, tin cậy và cơ hội do hệ thống này mang lại, các em không còn nhìn nó như một sự trừng phạt từ bên ngoài nữa, mà là một công cụ giúp cho các em cảm thấy cởi mở, thoải mái và gần gũi. Thật tuyệt khi được chứng kiến ý thức cộng đồng, sự tự do thể hiện con người thật của mình, cơ hội để vui vẻ với nhau và sức mạnh của lòng cảm thông mà các học sinh đạt được qua thời gian.
Đối với nhiều em học sinh, tuổi dậy thì đồng nghĩa với những biến động. Nhưng vì các em học sinh tự tạo ra chương trình học nên rất nhiều vấn đề đi kèm với lứa tuổi này đã được giải quyết. Đây là một minh chứng về những gì mà các em thật sự quan tâm: phát triển tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, kỹ năng giải quyết xung đột, tinh thần chia sẻ và gần gũi, có đầu óc nhạy bén, muốn tìm hiểu, và làm việc với một tinh thần đạo đức nghiêm túc nhưng cũng rất tự nhiên.
Khi học sinh đến tuổi lên trung học, chúng tôi rất hãnh diện và mừng cho các em. Các em có một tinh thần vững vàng hơn về chính bản thân, có khả năng yêu thương, mạnh mẽ và thoải mái khi đối diện với những gì dễ tổn thương. Ngoài ra, các em còn có một sự liên hệ sâu hơn, có chánh niệm hơn với các bạn học của mình.
Chia sẻ
TỪ ÁI TRONG LỚP HỌC
Chia sẻ của cô giáo Susanna Barkataki, trường Sequoyah, Hoa Kỳ
Đây là cách tôi bắt đầu một ngày dạy học cho các em học sinh lớp Năm và lớp Sáu của mình. Tôi bắt đầu bằng việc quay về với hơi thở. Sau đó, tôi hình dung mình đang cắm rễ thật vững vàng và định tĩnh vào lòng đất, đầu chạm bầu trời xanh vô tận và tiếp xúc với năng lượng yêu thương từ vũ trụ. Tôi cảm thấy tĩnh lặng, tự do, biết ơn và tràn đầy hạnh phúc. Sau đó, tôi gửi năng lượng này đến các em học sinh của mình. Tôi nhìn các em, thầm gọi tên các em và gửi đến các em những lời nói từ ái. Tôi áp dụng các câu thực tập lòng từ ái truyền thống mà tôi đã học được, đôi khi tôi cũng sửa lại một chút cho phù hợp với hoàn cảnh khi cần thiết: “Mong cho Miro hạnh phúc. Mong em khỏe mạnh. Mong em có tự tin. Chúc em chiều nay chơi bóng rổ vui”. Tôi đem sự chú tâm của mình đến từng em một: “Mong cho Latika được hạnh phúc. Mong em không còn khổ đau và tìm lại được bình an trong tâm hồn”.
Khi thực tập như vậy trong lớp học, tôi luôn nở một nụ cười với từng em. Thường thì các em có vẻ cảm được năng lượng này và mỉm cười đáp lại dù tôi chỉ nói những lời ấy trong tâm mà thôi. Ở nhà, tôi thường không thể ngăn được nụ cười khi hình dung lại từng gương mặt của học trò. Tôi cứ mong tới lúc quay lại lớp. Đôi lúc tôi bị căng thẳng hoặc buồn, khi ấy sự thực tập có khó hơn. Vì vậy, tôi quay lại gửi năng lượng thương yêu đến chính mình trước. Nếu tôi không thể chế tác được đủ niềm vui để đi ra khỏi tình trạng thì tôi biết mình cần phải nghỉ ngơi và chăm sóc thêm cho bản thân.
Sự thực tập gửi năng lượng thương yêu đến các em học sinh giúp tôi nhớ vai trò chính yếu của mình với tư cách một giáo viên và giúp tôi bước vào một ngày mới với năng lượng thương yêu, chăm sóc. Học sinh cũng có khả năng hiến tặng tình thương. Tôi đã chứng kiến các em trở nên tươi tắn và mạnh mẽ khi các em liên hệ với nhau trong tinh thần thương yêu. Tất cả chúng ta đều có thể hiến tặng tình thương và niềm vui như thế cho chính mình, rồi từ đó chia sẻ với người khác cũng như mở lòng ra để đón nhận tình thương.
Chia sẻ
ÔM ẤP NHỮNG HỌC SINH CÁ BIỆT
Angela Bergmann, Đức
Lớp học nào cũng có vài em cá biệt, và chúng ta phải luôn tìm cách để giúp các em. Tôi đã tìm ra hai phương pháp hữu hiệu cho mình:
Trước hết, tôi tìm ra một điểm mà tôi thích nơi em học sinh đó: một điều mà em ấy có khả năng, hoặc một điểm nào đó giống tôi. Nói chung là bất cứ một điểm gì giúp tôi kết nối với em. Tôi thấy nếu tôi tìm ra được điểm đó thì thế nào tôi cũng có thể tạo được sự liên hệ với em. Tôi cố gắng kết hợp điểm nối kết đó vào phương pháp giảng dạy của mình. Ví dụ tôi và một em học sinh cùng gu âm nhạc, do đó tôi khuyến khích em mang âm nhạc ( những loại nhạc được phép chơi tại trường học) vào mở trong giờ thể thao, để giờ học trở nên thú vị hơn.
Điều thứ hai, tôi tìm một nhân viên trong trường thực sự thương em học sinh đó để tìm hiểu thêm những tính cách tích cực của em. Nếu vị này đồng ý thì tôi mời vị ấy đến lớp để giúp tôi hướng dẫn cho em. Điều này có thể làm thay đổi cảm giác của học sinh khi ở trong lớp học. Các em học sinh có thể nhận ra mỗi khi tôi gặp khó khăn với các em, và điều này tạo ra căng thẳng ở cả giáo viên lẫn học sinh. Việc mời một người thích em học sinh ấy đến và tham gia với lớp mang đến cho chúng tôi một cách làm việc mới với nhau.
Chia sẻ
KHI MỌI VIỆC TRỞ NÊN KHÓ KHĂN
Tineke Spruytenburg, Hà Lan
Bất cứ ai đã từng làm việc với trẻ em đều có thể nhớ lại một số em không dễ cho chúng ta hướng dẫn. Dưới đây là một vài ý tưởng có thể giúp các bạn trong những trường hợp như thế.
Duy trì tâm từ bi: Không có học sinh khó, chỉ có học sinh trong tình trạng khó khăn mà thôi. Hoàn cảnh riêng của các em trong quá khứ hoặc hiện tại khiến các em trở nên sợ hãi và căng thẳng, khó cho các em nghe lời chỉ dạy và tham gia cùng các bạn.
Tạo cho học sinh cảm giác thuộc về: Thường thường chỉ cần gọi em đến ngồi gần bên, trong khi đặt tay lên vai hay lưng của em đã đủ để tạo nên một cảm giác an ổn; hơi thở chánh niệm và những lời an ủi của bạn là đã đủ. Những em đang gặp khó khăn thường có tâm lý muốn tìm một nơi nương tựa. Bạn hãy giao các em làm một công việc đặc biệt – ví dụ như thỉnh chuông – để các em cảm thấy mình được trân quý, hữu dụng và được chấp nhận.
Sử dụng câu khẳng định: Chúng ta rất hay nhắc nhở các em không được làm cái này hay cái khác. Và trong rất nhiều trường hợp, các em không chịu thực hiện những việc giáo viên yêu cầu. Có thể là do các em không rõ chúng ta muốn các em làm gì.
Cho nên, thay vì yêu cầu các em không được leo tường, ta có thể yêu cầu các em đứng yên trên mặt đất. Cần một thời gian thực tập thì ta mới quen với cách sử dụng ngôn ngữ như thế này, nhưng hiệu quả của nó thì rất lớn.
Khen ngợi công khai, phê bình riêng tư: Khi cần sửa lỗi của học trò, chúng ta nên có thái độ khách quan và công bằng. Cho các em cơ hội để giải thích nguyên nhân dẫn đến sự việc đó. Thông thường, các em có thể tự mình nhận lỗi và sửa lỗi. Khi các em có trách nhiệm với những hành động của mình, chúng ta nên có lời khen đồng thời tìm cách giúp các em giải hòa với những người đã làm em tổn thương.
Đối với nhóm học sinh gây mất trật tự, hãy công nhận cảm giác không thoải mái của các em và nhờ các em cùng giúp cải thiện tình hình: Chúng ta có thể yêu cầu các em nghĩ ra một sinh hoạt khác mà các em thích. Tôi còn nhớ lần đó trong chương trình trẻ em tại Làng Mai. Ngày đầu, cả nhóm ngồi trong phòng sinh hoạt để chia sẻ và chơi một vài trò nhẹ nhàng như: làm tóc cho nhau, hát, vẽ, tô màu… Một nhóm các bạn nữ không thèm tham gia. Những tình nguyện viên trong chương trình không có cách gì để làm cho các em hứng thú với sinh hoạt của nhóm. Các em này cũng biết được là các tình nguyện viên không cảm thấy thoải mái với cách hành xử của các em. Hai ngày sau, một sư cô (có trách nhiệm hướng dẫn chương trình thiếu nhi) vào phòng sinh hoạt của các em trong giờ nghỉ ngơi buổi chiều vì sư cô biết là thế nào các em nữ cũng đang chơi trong phòng. Sư cô tham gia làm đồ trang sức với các em, sư cô vừa chơi vừa chia sẻ cho các em biết cảm nhận của mình và mời các em chia sẻ cảm giác của các em về những sinh hoạt trong mấy ngày qua. Sau buổi chia sẻ đó, các em nữ đã có thể hòa chung với mọi người để tập một màn văn nghệ cho buổi tối Tết Trung Thu.
[1] Đây là một trong Năm Giới – năm phép thực tập chánh niệm theo truyền thống đạo Bụt. Có thể xem nội dung của Năm Giới tại đường link này: https://langmai. org/phat-duong/tung-gioi/van-ban-5-gioi-tan-tu/
[2] Có thể tìm đọc thêm những tác phẩm về Giao tiếp bất bạo động với trẻ em của tác giả Marshall Rosenberg.
[3] Đây là bài thực tập rất tốt cho các em thiếu niên, chúng ta cần điều chỉnh cho phù hợp với trẻ em độ tuổi dưới 12.
CHÚNG TA THƯỜNG BỊ KẸT vào một ý niệm nhất định về hạnh phúc. Ta nghĩ rằng nếu không đạt được, hay thay đổi được cái này hay cái kia thì mình không thể nào hạnh phúc được, và vì thế hạnh phúc sẽ mãi mãi không đến được. Chính vì bị kẹt vào ý niệm về hạnh phúc ấy mà chúng ta không an. Ta cứ cố gắng làm cái này, thực hiện cái kia, nhưng có thể hạnh phúc đã sẵn có rồi. Tất cả những điều kiện để bạn hạnh phúc đã có sẵn đây rồi. Bạn chỉ cần nhận diện chúng mà thôi. Nhưng làm thế nào để nhận diện chúng nếu bạn không thực sự có mặt và tỉnh thức?
Có thể bạn không nhận ra rằng mặt trời trên không là một điều kiện cho hạnh phúc của bạn. Chỉ cần một giây để nhìn thôi, bạn sẽ thấy rằng sự sống trên Trái đất có được là nhờ ánh nắng Mặt trời. Tất cả thức ăn đều nhờ ánh nắng, nhờ Mặt trời mới có được. Và khi bạn nhìn Mặt trời như vậy, bạn sẽ thấy rằng Mặt trời chính là cha, là mẹ của bạn, đang nuôi dưỡng bạn mỗi ngày. Mặt trời luôn có mặt đó cho bạn. Có thể bạn nghĩ rằng: “Chẳng ai quan tâm đến mình, chẳng ai thương mình cả”, nhưng sự thật là Mặt trời đang nuôi dưỡng bạn trong từng giây, từng phút. Đất đai, cây cối, nước, không khí, người nông dân, chim muông, côn trùng, tất cả đều đang có mặt đó cho bạn.
Người nào biết cách dừng lại và an trú trong giây phút hiện tại sẽ có thể tiếp xúc với những điều kiện hạnh phúc sẵn có, bây giờ và ở đây. Chúng ta nhận ra rằng mình không cần gì thêm nữa, vì những điều kiện này quá đủ để cho ta có hạnh phúc. Sự thực tập dừng lại rất quan trọng. Chừng nào chúng ta còn rong ruổi thì khó mà có hạnh phúc. Dừng lại thì thân tâm ta sẽ được nghỉ ngơi. Dừng lại, ta sẽ nhận diện được những điều kiện hạnh phúc đang có sẵn.
Thực tập chánh niệm giúp ta sống hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta không cần phải chờ đợi mười năm sau mới có hạnh phúc. Ngay khi ta thở vào trong chánh niệm, ta sẽ cảm thấy an tĩnh, tươi mát và vững chãi tức thì. Ta không cần chờ đợi. Chánh niệm giúp ta có hạnh phúc ngay bây giờ, ngay hôm nay.
Gieo trồng hạnh phúc
CHO HẠNH PHÚC MỘT CƠ HỘI ĐỂ LỚN LÊN
DỤNG CỤ: Chuẩn bị cho mỗi em: 1 hũ trong, có miệng rộng hoặc một ly nhựa trong (hoặc cắt ngang, bỏ ¼, chỉ lấy phần dưới của một chai nhựa trong đựng nước), 1 cái khăn giấy, đất và 8 hạt đậu trắng lớn; 1 cây bút lông (loại không phai màu) cả lớp dùng chung[1].
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng gieo những hạt đậu này.
Lưu ý: Hướng dẫn và giúp đỡ các em làm theo chỉ dẫn sau:
Chúng ta hãy đặt tên cho những hạt đậu của mình. Một số hạt đậu sẽ là những Hạt đậu Hạnh phúc; các em sẽ đặt tên cho các hạt đậu theo những gì làm cho các em thật sự hạnh phúc. Ví dụ như khi người khác mỉm cười với em, em có hạnh phúc không? Khi em mỉm cười với người khác, em có hạnh phúc không? Nếu có, em có thể đặt tên cho một hạt đậu của em là “Cười!” Những hạt khác có thể là Chánh niệm, Rộng lượng, Tự do, An toàn, Thương yêu, Hy vọng hoặc Chia sẻ.
Điều gì làm các em thực sự hạnh phúc?
[Khi chơi với chú chó cưng của em, lúc chơi với bạn bè, chia sẻ, hoa diên vĩ (Iris)]
Những hạt đậu còn lại sẽ là những Hạt đậu Không Hạnh phúc; các em sẽ đặt tên các hạt đậu ấy theo những gì làm các em không vui. Ví dụ, em có thấy không hạnh phúc khi bị một người quen nổi giận với em không? Nếu cái giận làm em không hạnh phúc, em có thể đặt một hạt đậu tên là “Giận”. Em có thể đặt tên cho những hạt Không Hạnh phúc khác là Ích kỷ, Sợ hãi, Buồn, Thiếu kiên nhẫn, Vội vã và Ganh tỵ.
Điều gì làm em không hạnh phúc?
[Đánh nhau, Chiến tranh, Trộm cắp, Không sẻ chia]
Lót mặt trong của ly bằng khăn giấy. Cẩn thận cho đất vào ly, trong lòng khăn giấy, khoảng 3/4 ly. Đặt 4 hạt đậu vào khoảng giữa khăn giấy và thành ly. Nhớ chừa khoảng cách rộng rãi giữa những hạt đậu. Cũng giống như chúng ta, các hạt đậu cũng thích được tự do.
Lưu ý: Dùng ly nhựa trong và khăn giấy để các em có thể quan sát hạt đậu nảy mầm và lớn lên như thế nào.
Dùng bút lông viết bên ngoài thành ly tên của những hạt đậu.
Trong tất cả chúng ta, ai cũng có những hạt giống của hạnh phúc và ai cũng có những hạt giống của giận hờn, ích kỷ, sợ hãi, thiếu kiên nhẫn, vội vã, hiếu chiến, trộm cắp và ganh tỵ (cùng rất nhiều những hạt giống không hạnh phúc khác!). Ta không cần phải phán xét hay xua đuổi chúng đi mà chỉ cần nhận diện và ý thức về chúng một cách đơn thuần.
Khi điều kiện thuận lợi thì những “hạt giống” của ta cũng sẽ lớn lên. Cũng như những hạt đậu, nếu ta cung cấp cho hạt giống hạnh phúc đủ đất, không khí, ánh sáng và nước thì chúng sẽ lớn lên. Dĩ nhiên nếu ta cung cấp cho những hạt giống không hạnh phúc những cái chúng cần thì chúng cũng lớn lên. Cũng như những hạt đậu, chính ta là người quyết định cho hạt giống nào lớn lên hay không lớn lên trong ta.
Cung cấp không khí cho hạt giống trong ta, nghĩa là gì? [Tự do, không gian, thời gian]
Cung cấp ánh sáng cho hạt giống trong ta, nghĩa là gì?
[Để ý đến các hạt giống, soi ánh sáng vào nó]
Bằng những cách nào chúng ta có thể tưới tẩm (và không tưới tẩm) những hạt giống trong ta?
Sau khi được hướng dẫn, các em đã chia sẻ một số thực tập để tưới tẩm hoặc không tưới tẩm các hạt giống như sau:
THỰC TẬP: “Một cách để tưới tẩm hạt giống tươi cười là thường xuyên mỉm cười.”
Ý THỨC: “Tưới tẩm hạt giống hào phóng bằng cách khi nào mình hào phóng, mình ý thức là mình đang hào phóng.”
KHÔNG ĐỂ TÂM: “Một cách để không tưới tẩm hạt giống giận là biết mình đang giận nhưng không để tâm vào cơn giận.”
KIỂM TRA LẠI NHẬN THỨC CỦA MÌNH: “Tự hỏi ‘mình có chắc không?’ khi bắt đầu thấy mình ganh tỵ với bạn. Có chắc rằng mình muốn có cái bạn mình đang có hay không?”
DỄ THƯƠNG: “Muốn tưới tẩm hạt giống thương yêu, mình có thể nói cho các bạn mình biết là mình rất thương các bạn.”
ĐỌC KỆ: “Để tưới tẩm hạt giống biết ơn, ta có thể đọc Lời quán nguyện trước khi ăn.” (xin xem trang 201)
THỞ VÀO VÀ THỞ RA: “Một cách để không tưới tẩm hạt giống sợ hãi là để ý đến hơi thở vào ra.”
KHÔNG XEM CÁC CHƯƠNG TRÌNH TI-VI, VIDEO HOẶC KHÔNG NGHE NHẠC KÉM LÀNH MẠNH TRÊN ĐÀI PHÁTTHANH: “Một cách để không tưới tẩm hạt giống không dễ thương là chỉ xem những chương trình dễ thương và lành mạnh.”
TẬP HIỂU: “Khi bắt đầu cảm thấy bực bội với gia đình, em cố gắng tìm hiểu xem cái gì đã khiến cho em bực bội.”
BA BƯỚC THỰC TẬP ĐỂ KHÔNG TƯỚI TẨM HẠT GIỐNG BUỒN:
Tận hưởng những gì đang làm em hạnh phúc.
Ý thức rằng em đang buồn.
Khi đã hết buồn, suy ngẫm về điều làm em buồn, cố gắng tìm hiểu để nếu nó xảy ra trong tương lai thì sẽ không bị nó làm buồn nữa.”
Dạy các em bài hát Hạnh phúc bây giờ (Bạn có thể tìm thấy trên Trang nhà Làng Mai hoặc quét QR-code phía dưới):
Cho các em mang các hạt giống đã gieo về nhà để chăm sóc.
ĐIỀU GÌ LÀM CHO MÌNH HẠNH PHÚC?
DỤNG CỤ: Tạp chí cũ có hình, kéo, keo dán, bút chì màu, bút viết bảng, phấn màu hoặc màu vẽ, và mỗi em vài tờ giấy.
Có thể nói rằng trên đời có hai loại hạnh phúc: hạnh phúc đến từ bên ngoài và hạnh phúc đến từ bình yên bên trong. Loại đầu tiên đến từ các phần thưởng bên ngoài, chẳng hạn như đồ chơi mới hoặc một miếng bánh. Loại hạnh phúc thứ hai đến từ một tâm trí hoàn toàn bình yên, như khi các con cảm thấy mình được người lớn yêu thương.
Loại hạnh phúc đầu không thật vì nó không kéo dài, và có khi cuối cùng nó còn mang lại đủ thứ phiền phức. Loại hạnh phúc thứ hai chân thực, rộng và sâu hơn, giống như một đại dương.
Cắt hình từ tạp chí và dán thành một bức tranh tổng hợp bao gồm những điều làm các em hạnh phúc, ví dụ như ăn kem hoặc ôm những người thân trong gia đình. Nếu các em không tìm được bức hình thích hợp, các em có thể tự vẽ. Các em có thể tô màu cho nền của bức tranh với những kiểu trang trí vui tươi hạnh phúc.
Khi các em đã hoàn tất bức tranh, hãy làm hai danh sách: niềm vui ngắn hạn và niềm vui dài hạn. Hạnh phúc của em thuộc vào danh sách nào? Sử dụng một tờ giấy mới và vẽ lên đó một bức hình lớn hơn để diễn tả niềm hạnh phúc mà em thích nhất.
Dạy cho các em bài hát Cười với thênh thang (Great Big Smile) (Bạn có thể tìm thấy trên Trang nhà Làng Mai hoặc quét QR-code phía dưới):
SỰ MÃN NGUYỆN
DỤNG CỤ: Chuẩn bị cho mỗi em một miếng trái cây, một ly nước nhỏ, giấy và bút chì.
Mãn nguyện nghĩa là gì? Mãn nguyện nghĩa là mình cảm thấy thỏa mãn và biết ơn với những gì mình đang có. Có sự mãn nguyện, ta có thể thong thả thưởng thức những điều rất đơn sơ; ví dụ như thưởng thức một ly nước lọc như thể đang uống một thứ nước ngon lành và đắt tiền nhất trên đời.
Còn ngược lại với sự mãn nguyện là bất mãn. Là khi mình luôn muốn có nhiều hơn nữa, giống như khi mẹ đã kể cho em nghe hai câu chuyện rồi, nhưng em lại muốn mẹ kể thêm câu chuyện thứ ba. Hoặc khi em đã được cho một miếng bánh sô cô la ngon tuyệt mà em lại muốn đòi thêm.
Hãy ăn một miếng trái cây thật chậm rãi và cẩn trọng, để ý đến hương vị, hình dáng và màu sắc của miếng trái cây. Khi uống một ly nước, cũng thực tập tương tự như vậy. Sau đó, hãy viết xuống trải nghiệm của em.
Khi đã viết xong, các em hãy làm một bài thơ, trong đó có dùng chữ “mãn nguyện” và một vài từ trong bài viết miêu tả trải nghiệm của em.
HẠNH PHÚC BỀN LÂU VÀ SỰ TỈNH THỨC
DỤNG CỤ: Giấy trắng cho mỗi em, bút chì, bút bi, bút viết bảng, bút chì màu hoặc màu vẽ, kéo và giấy thủ công bìa cứng để làm huy hiệu (không bắt buộc).
Tất cả chúng ta – bạn, tôi, mọi người, và ngay cả một chú côn trùng nhỏ xíu – cũng đều có cơ hội nuôi dưỡng cho hạnh phúc bền lâu. Ai cũng có thể trở thành một vị Bụt bởi vì ai cũng có tính Bụt – hạt giống tỉnh thức trong tâm.
Vẽ một số hình dạng và hoa văn tượng trưng cho “tính Bụt” trong em, đó là những gì tốt đẹp nhất trong em như: sự rõ ràng, sự có mặt, tình thương, sự bình an (dù nhiều khi mình quên là mình có những phẩm chất ấy). Sau đó, các em cũng có thể dựa trên bức vẽ, thiết kế một huy hiệu đeo trên áo để tự nhắc nhở là mình có tính Bụt trong lòng!
Chia sẻ
LÒNG BIẾT ƠN
Eric Reed
Tôi là một tình nguyện viên chương trình thiếu nhi trong một khóa tu mùa hè tại Làng Mai. Hôm đó, một em gái khoảng 7 tuổi xin phép lên thiền đường để ngồi thiền thay vì ra chơi với các bạn. Tôi đồng ý. Khoảng nửa giờ sau, em quay trở lại, tinh thần rạng rỡ. Tôi hỏi em đã làm gì trong thời gian lâu như thế. Em nói rằng em đã ngồi và gọi tên tất cả những gì mà em cảm thấy biết ơn. Tôi hỏi em đã dùng toàn bộ thời gian vắng mặt để làm việc ấy có phải không. Em thưa phải và bắt đầu chia sẻ với tôi về tất cả những gì mà em thấy biết ơn. Tôi cảm thấy xúc động vô cùng.
Ôm ấp khổ đau
Trong rất nhiều kinh, Bụt dạy rằng hoa sen chỉ có thể nở trên bùn. Nhìn vào một hoa sen đẹp, thơm và tinh khiết, ta có thể thấy bùn. Chúng ta không thể trồng sen trên cẩm thạch. Ta cần bùn để trồng sen. Cũng như thế, bạn có thể sử dụng những yếu tố tiêu cực trong tâm thức của mình để nuôi dưỡng tâm từ bi và thương yêu. Đây là cách nhìn của đạo Bụt. Nếu bạn chưa bao giờ bị đói, bạn sẽ không thể nào trải nghiệm được niềm vui khi có một cái gì đó để ăn. Nếu bạn chưa bao giờ bị khổ đau, làm thế nào bạn có thể nhận diện niềm vui và hạnh phúc khi chúng có mặt? Vì vậy, khổ đau đóng một vai trò rất quan trọng trong hạnh phúc của bạn. Nhờ khổ đau mà chúng ta có thể phát triển được hiểu biết và thương yêu trong ta. Nếu bạn chưa bao giờ đau khổ, bạn sẽ không có khả năng thấu hiểu được khổ đau của con người và bạn không thể nào có được tư bi.
Chúng ta không nên quá sợ hãi khổ đau, mà nên biết cách học hỏi từ khổ đau. Như thế ta sẽ biết cách giữ gìn, không để cho khổ đau nhấn chìm mình. Có khổ đau thì mới có hiểu có thương. Bụt nói “Cái này có vì cái kia có”. Nếu không có trái thì không thể có phải. Nếu không có bùn thì không thể có sen. Thật ngây thơ nếu ta muốn tìm một nơi không có khổ đau. Thiên quốc hay Tịnh độ không phải là một nơi không có khổ đau, mà chính là một nơi có tình thương và hiểu biết. Mà nếu có hiểu, có thương thì ắt phải có sự hiện diện của khổ đau. Nếu không thì đối tượng của hiểu biết và thương yêu là gì?
Sở dĩ tôi có thể chế tác tự do, thương yêu, hiểu biết là vì tôi đã từng khổ đau. Nếu chưa từng biết khổ, tôi sẽ không có tự do, hiểu biết và thương yêu như bây giờ. Và tôi sẽ không thể có gì để dạy lại cho các đệ tử của mình. Vì vậy, ta hãy nhìn sâu vào bản chất của khổ đau chứ không nên sợ hãi. Khổ đau có thể dạy cho chúng ta rất nhiều và giúp ta vun trồng hiểu biết thương yêu. Chúng ta đừng trốn chạy khổ đau. Tất cả những người làm vườn giỏi đều biết là họ cần phân hữu cơ để trồng hoa và trồng rau. Cho nên nếu có khổ đau, ta biết là ta đang có điều kiện cơ bản để làm nên hạnh phúc.
Hạnh phúc vẫn có thể hiện diện ngay khi tinh thần ta đang u ám. Điều này cũng đúng đối với thân thể, bởi vì chúng ta không bao giờ có một sức khỏe hoàn hảo về thể chất và tinh thần. Thậm chí khi có bệnh về thân hay về tâm, chúng ta vẫn có thể sống hạnh phúc với căn bệnh ấy. Khi ném một hòn đá xuống sông, dù hòn đá có nhỏ đến đâu, nó cũng sẽ chìm xuống đáy. Nhưng một chiếc thuyền có thể chở nhiều tảng đá nặng mà không bị chìm. Chiếc thuyền của ta chính là một cộng đồng, một đoàn thể tu học và nó chứa đựng sự thực tập của từng cá nhân. Nếu chúng ta thực tập tốt, sự thực tập của chúng ta có thể ôm ấp và chuyên chở khổ đau.
Khi còn là một giáo thọ trẻ ở Việt Nam trong thời gian đất nước đang có chiến tranh, ngày nào tôi cũng bị sốt mà không hề có thuốc men để chữa trị. Vậy mà tôi chưa bao giờ bỏ một buổi dạy nào. Lúc ấy tôi dạy cho các tăng ni trẻ. Mong ước sâu sắc nhất của tôi là xây dựng một thế hệ tăng ni trẻ có khả năng cung cấp cho xã hội một đạo Bụt mới mẻ, thiết thực hơn để đối trị hiệu quả hơn với những khổ đau hiện thực trên đất nước.
Tôi rất vui khi dạy những thầy, những sư cô trẻ ấy. Dù bị sốt, tôi vẫn có thể dạy. Hạnh phúc của tôi đủ lớn để ôm ấp cơn bệnh. Cho nên dù đang bị khổ mà có niềm vui của sự thực tập và có sự nâng đỡ của tăng thân, ta có thể “nổi trên mặt nước” cả về tinh thần lẫn thể chất. Ta không sợ bị chìm xuống đáy.
Hãy cho phép khổ đau có mặt trong mình. Đừng vội xua đuổi nó. Ta chỉ cần nhận diện và cho phép nó có mặt đó trong khi ta nuôi dưỡng một sự thực tập và hạnh phúc mới. Rồi một ngày nào đó, khi sự thực tập và hạnh phúc của ta đủ mạnh, ta sẽ lấy lại được thăng bằng. Ban đầu có thể hơi khó một chút nhưng với sự yểm trợ của tăng thân, dần dần chúng ta sẽ cảm thấy dễ dàng hơn. Ta có thể xin tăng thân giúp ôm ấp nỗi khổ, niềm đau và sự u ám trong tâm. Một ngày kia, ta sẽ lấy lại cân bằng. Cả hai loại cảm giác tích cực và tiêu cực đều có tính chất hữu cơ. Do đó, sự phát triển của cái này nghĩa là sự yếu đi của cái kia. Chỉ cần nuôi lớn những điểm tích cực một cách đơn thuần mà không cần phải cố gắng thay đổi những điểm tiêu cực, sự chuyển hóa sẽ xảy ra.
Chia sẻ của học sinh về hạnh phúc và lối sống đơn giản:
“Hạnh phúc không nhất thiết phải dựa trên của cải vật chất. Bằng lối sống đơn giản, chúng ta cũng có thể thư giãn và tận hưởng cuộc sống.”
“Em có thể sống với rất ít thiết bị điện tử.”
“Các nguồn tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận; chúng ta cần bảo vệ hành tinh của mình.”
“Chúng ta không cần phức tạp hóa cuộc sống; ta có thể cho dành cho bản thân nhiều thời gian tĩnh tâm để suy ngẫm về cuộc sống.”
“Ta có thể giảm thiểu việc sử dụng những đồ dùng gây ô nhiễm môi trường.”
“Sống đơn giản chính là hạnh phúc đích thực.”
Chia sẻ
VỮNG CHÃI NHƯ NÚI XANH
Terry Cortes-Vega, Master School, Hoa Kỳ
Trong một khóa tu cuối tuần, anh Chân Huy, một giáo thọ của Làng Mai, ngồi trước mặt 60 người lớn và 6 thiếu nhi lứa tuổi từ 2 đến 14.
“Các con đến ngồi đây.” Anh nói và ra hiệu mời các em nhỏ với một nụ cười. Các em đến ngồi quanh anh trong tiếng cười khúc khích.
“Hôm nay các con có vui không?”, Chân Huy hỏi.
“Có tuyết!”, bé Julia Kate 6 tuổi, hăng hái báo tin này cho anh. “Con gọi cái đó là tuyết sao?”, Chân Huy cười, “Ít quá!”
“Nhưng nó là tuyết đấy ạ”. Bé Julia khăng khăng, “Con đã nặn một cục tuyết để ném Alex đấy.”
“Ồ, vậy à”. Chân Huy cười với các em và hỏi: “Hôm nay các con có câu hỏi nào cho chú không?”
“Con muốn biết”, bé ngần ngừ một chút rồi nói tiếp, “Mình phải làm sao khi bị người ta chế giễu về văn hóa của mình?”. Anh Chân Huy nhìn bé, im lặng một hồi lâu.
“Chú đang cố nhớ lại lần cuối cùng chú bị chế giễu”, Chân Huy lên tiếng. Các em ngồi yên lặng, nhìn vào mắt anh và kiên nhẫn chờ cho anh nhớ lại.
Một lát sau Chân Huy nói: “Chú không nhớ ra lần cuối cùng chú bị chế giễu là hồi nào. Nhưng các bạn chọc ghẹo con như thế nào?”, Chân Huy hỏi Eliana. Em kéo xếch hai đuôi mắt lên. “Như thế này ạ”, em thì thầm. Những người lớn có mặt trong phòng cảm thấy lòng se lại.
“Con làm gì khi bị các bạn chế giễu như vậy?”, Chân Huy hỏi. “Con cố gắng không để ý đến”, em bé nói, “nhưng không dễ tí nào ạ.”
“Hmmm”, Chân Huy ngừng lại một chút rồi hỏi tiếp: “Bây giờ, con đang ở trong khóa tu, con nghĩ con sẽ phản ứng ra sao nếu các bạn chế giễu về văn hóa của con?”
Eliana suy nghĩ một hồi. Những người lớn chúng tôi cũng suy nghĩ. Tôi nên làm gì để giúp em bé dễ thương này? Tôi nên khuyên em điều gì? Cả căn phòng im lặng để tìm kiếm một câu trả lời từ trái tim.
Và rồi Eliana nói thật nhỏ nhẹ, “Con nghĩ con sẽ hát bài Thở vào, thở ra”. Những người lớn thở phào nhẹ nhõm. Vài người cố cầm nước mắt.
“Vậy bây giờ con có muốn hát bài đó không?”, Chân Huy nhẹ nhàng hỏi. Eliana gật đầu. Chân Huy tháo chiếc micro nhỏ đang đeo trên ngực áo và rồi giữ nó trước miệng em bé. Em bắt đầu hát. Những người lớn hát theo nho nhỏ để yểm trợ cho em.
Vấn đáp với thiền sư
HÃY LÀ ĐÓA HOA: Giúp các em đối trị khi bị chế giễu và hiếp đáp
CÂU HỎI CỦA CÁC EM: Thưa Sư Ông, chúng con nên làm gì khi bị các bạn chế giễu?
SƯ ÔNG: Có rất nhiều cách để thực tập. Nếu con là một người thực tập giỏi thì con có thể trở về với hơi thở và chỉ mỉm cười với người bạn đang đùa giễu mình. Con không nổi giận, con chỉ nhìn bạn ấy và nở một nụ cười. Làm như vậy, con cho bạn ấy biết là con không bị ảnh hưởng bởi cách hành xử của bạn ấy. Dù con không nói gì nhưng thông điệp của con rất rõ ràng: Tôi có bình an trong tâm, tôi không nổi giận đâu. Và đó cũng là một bài học cho bạn ấy. Con chỉ có thể làm được điều này nếu con đã biết thực tập từ trước. Ở nhà, nếu có ai làm gì khiến con bực bội, con trở về với hơi thở. “Thở vào, mỉm cười. Thở ra, lắng dịu”. Con chỉ nhìn người kia và thầm nói, “Tại sao bạn lại làm như vậy?”. Con không cần nói lớn câu này. Con chỉ nhìn và mỉm cười với người đó, trong lòng con có tình thương. Con sẽ thấy rằng vì người kia không hạnh phúc cho nên người ấy tìm cách để xả cái bực bội và bạo động ra ngoài. Những người có hạnh phúc không làm cho người khác khổ đau.
Mỗi khi thấy trong lòng bực bội, con đừng nói gì và làm gì cả. Chỉ trở về với chính con và thực tập hơi thở chánh niệm. “Thở vào, tôi thấy an tĩnh. Thở ra, tôi không nổi giận đâu”. Con hãy mỉm cười như một đóa hoa và người kia sẽ từ bỏ ý định khiêu khích hay chọc ghẹo của mình. Người ấy sẽ học hỏi từ cách hành xử của con. Hãy là một đóa hoa!
Khi con chọc tức một đóa hoa, khi con gọi đóa hoa bằng những từ không đẹp, đóa hoa sẽ làm gì? Nó sẽ tiếp tục mỉm cười với con. Hãy là một đóa hoa! Khi có ai đó chọc phá con, con chỉ cần thực tập: “Thở vào, tôi là hoa tươi mát. Thở ra, tôi là núi vững vàng”. Trong con có hoa và có núi.
Tất nhiên là ai cũng bị tổn thương khi người khác nói những lời không dễ thương với mình. Đó là một chuyện tự nhiên. Hãy tận dụng các phẩm chất của hoa và núi trong con, con sẽ không bị ảnh hưởng bởi những lời nói của người khác. Nếu con bắt đầu thực tập điều này từ khi còn nhỏ, con sẽ trở thành một người thực tập giỏi trong tương lai, và con sẽ có thể giúp được cho rất nhiều người, trong đó có con cháu của con nữa.
Đương nhiên giữ sự bình an không có nghĩa là mình không biết chăm sóc hay không biết cách bảo vệ bản thân. Trái lại, con nên chăm sóc và bảo vệ cho chính mình. Một điều quan trọng là nếu con sợ hãi khi ở trường, con bị ai đó đe dọa hoặc đụng chạm thân thể con một cách bất thường thì con phải hành xử khác hơn là chỉ yên lặng thở! Con cần phải được an toàn và biết tự chăm sóc cho bản thân dù bất cứ nơi nào. Quan trọng là con phải biết bảo hộ cho chính mình, ví dụ như là chạy đến một nơi an toàn và báo ngay cho người lớn biết chuyện gì đã xảy ra. Nói chuyện với người lớn mà con tin cậy để được giúp đỡ.
Giấc ngủ bình an
CÂU HỎI CỦA CÁC EM: Con có hai câu hỏi. Con phải làm gì khi gặp ác mộng và con rất sợ phải ngủ lại? Câu thứ hai là nhiều lúc con nằm mãi mà không ngủ được?
SƯ ÔNG: Sư Ông có vài đề nghị, tuy nhiên câu trả lời chưa được hoàn chỉnh lắm. Khi con thức dậy vì một cơn ác mộng, con không nên ngủ tiếp mà nên ngồi dậy để xoa bóp một chút. Hoặc là con đứng dậy tập vài động tác chánh niệm để máu lưu thông rồi hãy đi ngủ lại. Con cũng có thể uống một ly nước nóng.
Con nên cẩn thận khi xem truyền hình. Rất nhiều hình ảnh trên truyền hình có thể gây ra ác mộng. Do đó, chúng ta cần cẩn thận khi chọn chương trình truyền hình để xem. Ngoài ra, ta cũng không nên nghe những câu chuyện chứa nhiều sợ hãi, bạo động dễ gây ác mộng.
Đề nghị thứ ba là con nên học cách buông thư trước khi ngủ. Nằm xuống, theo dõi hơi thở, thở theo bài hát Thở vào, thở ra để cho toàn thân được thư giãn. Đó là phương pháp gửi tình thương đến cho thân và tâm của mình.
Một đề nghị nữa là người lớn có thể sắp xếp cuộc sống hàng ngày như thế nào để có thể thư giãn hơn trong cách nói năng, hành xử. Nếu trẻ em được sống trong một môi trường an lành, yêu thương và không bị tiếp xúc với các yếu tố bạo động và sợ hãi trên ti-vi, trong sách báo, truyện, chuyện trò thì phẩm chất giấc ngủ của các em sẽ tăng lên.
Ôm ấp cảm xúc
NHẬN DIỆN CẢM XÚC
Người hướng dẫn bắt đầu bằng những câu sau đây và các em lần lượt điền vào các chỗ trống để hoàn thành bài tập.
Giây phút hạnh phúc nhất của em trong ngày hôm nay là… Nếu có ai đó viết thư cho em, người đó sẽ là… Em hạnh phúc khi… Em buồn khi… Em biết ơn khi… Em giận khi… Em bình an khi… Em sợ hãi khi…
NHỮNG TẤM THẺ DIỄN TẢ CẢM XÚC
DỤNG CỤ: Chuẩn bị 8 – 15 tấm thẻ nhỏ làm bằng bìa cứng, bút chì màu, bút màu sáp, bút viết bảng hoặc bút bi.
Trên một mặt của tấm thẻ, các em vẽ một hình miêu tả một cảm xúc. Mỗi em có thể chọn một cảm xúc để vẽ: hạnh phúc, nỗi buồn, sự ngạc nhiên, sợ hãi, tổn thương, tò mò, trầm tĩnh… (Tốt nhất là nên có bảng danh sách những loại cảm xúc để các em tham khảo). Sau khi các em vẽ xong, thu những tấm thẻ lại.
Mỗi em nhận một tấm thẻ và diễn tả bằng điệu bộ cho cả nhóm đoán đó là cảm xúc gì. Hoặc mỗi em chọn một tấm thẻ và giải thích vì sao em chọn tấm thẻ đó. Có thể là hôm nay em đang cảm thấy như vậy. Người hướng dẫn cũng có thể đọc từng tấm thẻ và yêu cầu tất cả các em cùng diễn tả cảm xúc đó.
Chăm sóc “cái thất” của mình
Tôi sống trong một cái thất nhỏ ở miền quê nước Pháp. Một buổi sáng, tôi quyết định đi chơi trong cánh rừng gần đó trọn một ngày. Thế là tôi chuẩn bị một cái bánh mì sandwich, một chai nước lọc, một cái mền nhỏ để làm gối ngồi thiền. Trước khi đi, tôi mở tất cả các cửa sổ và cửa chính với hy vọng là ánh nắng mặt trời sẽ làm cho mọi thứ trong thất được khô ráo. Tôi đã thưởng thức cả buổi sáng hôm đó trong rừng. Nhưng khoảng ba giờ chiều, trời bỗng nổi gió và mây đen bắt đầu vần vũ.
Tôi biết là mình phải về thất gấp vì cửa chính và cửa sổ đều đang mở. Vừa về tới nơi, tôi thấy cái thất của mình đang ở trong một tình trạng thật là thê thảm. Gió đã thổi giấy tờ trên bàn bay đi tứ tung. Không khí trong thất lạnh ngắt, tối thui, rất khó chịu. Nhưng tôi không hề lo lắng. Tôi biết rất rõ mình cần làm gì. Trước hết, tôi đi đóng cửa chính và tất cả các cửa sổ lại. Để có ánh sáng, tôi thắp cây đèn dầu lên bởi vì trong thất không có điện. Tôi nhóm lò sưởi và thu nhặt những tờ giấy nằm vương vãi xung quanh rồi đặt chúng ngay ngắn lên bàn.
Khi tôi quay lại lò sưởi thì lửa đang cháy thật đẹp. Cái thất bây giờ ấm áp và thật dễ chịu. Tôi ngồi yên trước lò sưởi, thưởng thức hơi thở. Ngoài trời gió vẫn thổi mạnh, những hàng cây ngả nghiêng trong gió, nhưng bên trong thất, tôi cảm thấy ấm cúng, dễ chịu và hạnh phúc.
Có những ngày chúng ta cảm thấy lòng không ấm áp, không vui, giống như ta đang ở trong cái thất bị gió thổi vào làm mọi thứ bên trong vung vãi khắp nơi. Ta muốn nói cái gì đó để cải thiện hoàn cảnh nhưng lại làm cho tình trạng xấu thêm. Ta nghĩ: “Hôm nay xui xẻo quá”.
Giống như những gì tôi đã làm khi trở về thất của mình trong cơn bão, sự thực tập của chúng ta cũng vậy: phải khép tất cả các cửa sổ và cửa chính lại. Các cửa sổ chính là đôi mắt, đôi tai, cái miệng. Phải đóng tất cả lại. Khi nào cảm thấy khổ sở, bạn hãy làm như tôi đã thực tập với cái thất của tôi. Bạn cần khép tất cả các cửa sổ của mắt, của tai lại. Đừng nhìn, đừng nghe hay làm gì nữa. Rồi thắp lên một ngọn đèn, ngọn đèn của ý thức, của chánh niệm. Thở vào, thở ra. Chánh niệm là một ngọn đèn mà ta có thể thắp sáng trong chính tự thân mình. Có thể bạn cũng thích nhen một bếp lửa ở bên trong để sưởi ấm. Ai trong chúng ta cũng có một cái thất, đi bất cứ nơi nào ta cũng có thể mang cái thất đó đi theo. Khi ta cảm thấy khổ sở, ta thực tập trở về với cái thất, chăm sóc nó. Đóng tất cả các cửa sổ và cửa chính. Nhen lửa và dọn dẹp.
Chúng ta có thể tìm lại bình an và hạnh phúc bằng hơi thở chánh niệm và bước chân ý thức. Thành công được một lần, ta sẽ có tự tin và lần tới ta sẽ không bị rơi vào trạng thái đó nữa, ta sẽ biết phải làm gì để vui hơn và thoải mái hơn. Hình hài của ta chính là cái thất. Tâm của ta cũng là cái thất. Sẽ thật đáng tiếc nếu ta không biết cách sử dụng cái thất ấy để bảo hộ, trị liệu và thưởng thức.
Thở bụng
Khi cảm giác buồn, tuyệt vọng và giận khởi lên, chúng ta nên dừng lại cái ta đang làm để trở về ngôi nhà của tự thân và chăm sóc chính mình. Ta có thể ngồi hoặc nằm xuống và bắt đầu thực tập hơi thở chánh niệm. Thực tập hơi thở mỗi ngày có thể rất hữu ích. Một cảm xúc mạnh giống như một cơn bão. Và khi bão sắp nổi lên, chúng ta phải chuẩn bị đối phó với nó. Ta không ở trên đầu – trên bình diện suy tư – mà nên đem sự chú tâm xuống bụng. Ta có thể thực tập thở bằng chánh niệm và để ý đến sự phồng xẹp của bụng. Thở vào, ý thức bụng đang phồng lên; thở ra, ý thức bụng xẹp xuống. Phồng, xẹp. Ta ngưng sự suy tư lại vì suy tư làm cho cảm xúc càng mạnh hơn.
Ta nên biết cảm xúc chỉ là một cảm xúc mà thôi; nó đến, trụ lại một thời gian, rồi sẽ đi. Giống như cơn bão. Ta không nên chết chỉ vì một cảm xúc. Chúng ta nên nhắc nhở những người trẻ điều này. Chúng ta là một cái gì đó lớn hơn những cảm xúc và ta có thể chăm sóc chúng dù cho đó là cảm xúc giận dữ hay tuyệt vọng. Ta không suy nghĩ nữa mà để hết 100% sự chú ý vào sự phồng lên, xẹp xuống của bụng. Làm được như vậy thì trong giây phút đó ta sẽ được an toàn. Cảm xúc của ta có thể kéo dài khoảng 5 hay 10 phút, nhưng nếu ta tiếp tục thở vào, thở ra, ta sẽ được an toàn bởi vì ta được bảo hộ bởi năng lượng chánh niệm. Chánh niệm chính là đức Bụt trong ta, giúp ta thực tập hơi thở bụng.
Chúng ta giống một cái cây trong cơn bão. Nếu nhìn lên ngọn cây, ta sẽ có cảm tưởng là cái cây có thể thổi bay đi hoặc các cành cây có thể bị gãy bất cứ lúc nào. Nhưng nếu đem sự chú ý xuống thân cây và ý thức là rễ cây đang cắm sâu vào lòng đất, ta thấy được sự vững vàng của cây. Tâm ta là ngọn cây cho nên đừng trụ nơi đó, hãy đem tâm ta xuống thân cây. Bụng ta chính là thân cây cho nên phải trụ nơi đó, thực tập thở sâu với chánh niệm thì cảm xúc sẽ dần tan đi. Khi bạn đã vượt qua được một cảm xúc, bạn sẽ biết làm gì trong lần tới khi có một cảm xúc mạnh phát khởi. Bạn sẽ lại vượt qua. Nhưng đừng đợi đến khi có một cảm xúc mạnh đi lên mới thực tập. Thực tập hơi thở chánh niệm hàng ngày rất quan trọng. Sau khoảng hai mươi mốt ngày thực tập, khi có một cảm xúc mạnh đi lên, ta sẽ nhớ thực tập một cách rất tự nhiên.
Nếu như ta trao truyền sự thực tập này cho một người trẻ thì có khả năng ta cứu vớt được cuộc đời của họ. Nếu các thầy cô giáo biết cách xử lí cảm xúc thì các thầy cô giáo có thể giúp cho học sinh xử lí cảm xúc của các em. Một số học sinh bị những cảm xúc đau buồn chiếm ngự nên không học được. Hướng dẫn các em một buổi buông thư trong lớp, dạy phương pháp thở bụng và giúp các em học cách đối phó với cảm xúc rất là thiết yếu. Tôi hy vọng rằng sự thực tập này có thể được nhân rộng trong hệ thống giáo dục.
Chia sẻ của học sinh về chăm sóc cảm xúc mạnh:
“Em học được cách thư giãn đầu óc, giải tỏa căng thẳng và năng lượng tiêu cực, em thấy phấn chấn hơn.”
“Khi cảm xúc không ổn định, em sẽ nhớ thực tập thở thật sâu và trở về với chính mình.”
“Em có thể cười thoải mái mỗi ngày để thư giãn thân tâm”. “Em học cách biết ơn để có thể hạnh phúc.”
“Khi tức giận, em sẽ tìm đến một nơi yên tĩnh và nhắm mắt lại, thả lỏng tâm trí cũng như cơ thể mình và nhìn lại những gì vừa xảy ra.”
“Em tự tin hơn vào bản thân. Mỗi khi mệt mỏi hoặc ưu phiền, em có thể lấy lại bình tĩnh
và để ý đến hơi thở của mình.”
THỰC TẬP THỞ BỤNG THEO CẶP
Bằng cách diễn đạt của mình, bạn hãy chia sẻ với các em cách chăm sóc “cái thất” của mình và cách thở bụng như
trên. Sau đó, bạn hỏi các em: “Các em đã từng trải qua cơn bão
cảm xúc mãnh liệt như vậy bao giờ chưa? Các em đã xử lí nó như thế nào? Đã bao giờ các em chứng kiến người khác trải qua một cơn bão cảm xúc chưa? Họ đã đối phó với nó như thế nào? Bây giờ, chúng ta sẽ học cách thở để làm lắng dịu các cảm xúc mạnh trong ta nhé”.
Cho các em thực hành theo cặp. Một em nằm xuống, em kia ngồi gần bên, nhẹ nhàng đặt tay lên bụng của bạn mình. Hai em cùng nhận diện hơi thở vào – ra, có thể đếm hơi thở đến một con số nhất định. Sau đó, hai em đổi vị trí
cho nhau. Khi hai em đã hoàn thành, hỏi “Các em cảm thấy như thế nào khi thở theo cách này?”.
Bây giờ, mời các em nằm xuống, đặt tay lên bụng mình để có thể cảm nhận sự phồng xẹp của bụng rõ ràng hơn. Hoặc các em có thể đặt một quyển sách hay một vật nặng tương đương để cảm nhận vật ấy, và cả sự phồng xẹp của bụng trong khi thở. Sau vài phút, cho các em ngồi dậy. Hỏi
“Các em có thể duy trì sự chú tâm nơi bụng và ý thức về hơi thở không? Có gì khác nhau khi thực tập với một người bạn?”.
Nếu các em thực tập hơi thở bụng thường xuyên, khi cảm xúc mạnh biểu hiện, các em sẽ thực tập một cách dễ dàng hơn.
Theo sự quan sát của tôi trong những năm gần đây thì nhiều trường học theo Cơ đốc giáo chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức tôn giáo mà không chú ý mấy đến khía cạnh tâm linh của giáo viên và học sinh. Do đó, vào năm 2008, trung tâm nghiên cứu Cơ đốc giáo (Centre for Catholic Studies) đã yêu cầu tôi tiến hành nghiên cứu về mặt giáo dục tâm linh. Tôi nghĩ, tại sao chúng ta không tận dụng cơ hội này để bồi dưỡng giáo viên và học sinh bằng cách giới thiệu những phương pháp thực tập có khả năng biến đổi giáo dục tôn giáo?
Tôi tiến hành đề án bằng cách giới thiệu trước tiên ba truyền thống chiêm nghiệm của Cơ đốc giáo (dòng Thánh Francis, dòng Thánh Benedict và dòng thánh Ignatius). Sau đó, tôi trình bày phương pháp tu tập chánh niệm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Có khoảng 30 giáo viên tham dự nửa ngày, trọn một ngày, hoặc ở lại qua đêm. Họ đã có cơ hội thư giãn, chiêm nghiệm và được nuôi dưỡng về tâm linh. Sự thực tập gây cảm hứng cho các thầy cô giáo và họ đã học phương pháp áp dụng sự thực tập vào trong trường học của họ.
Hai năm sau, chúng tôi thấy đề án này đã cho hoa trái. Trong năm học 2009-2010, đã có thêm tám trường (Tin Lành, Cơ đốc giáo và một số phi tôn giáo khác) tham gia. Hơn 40 giáo viên mới được huấn luyện. Đề án càng lúc càng phát triển.
Christine Cheung, giáo viên của một trong các trường Cơ đốc giáo, người giới thiệu về chương trình giáo dục tâm linh này đã viết như sau:
“Chúng tôi nhận thấy các em học sinh có thể lắng lại và thích sự yên tĩnh hơn. Cả giáo viên lẫn học sinh đều rất cần những giây phút thảnh thơi và vô sự như vậy. Người trẻ sử dụng phần lớn thời gian rảnh rỗi của họ trên các thiết bị điện tử làm cho cả thân lẫn tâm của các em rất mệt mỏi. Chương trình này đã cho các em cơ hội nghỉ ngơi và tiếp xúc với tâm hồn mình.
Trong các buổi sinh hoạt, chúng tôi không giảng dạy, cũng không hề có các tài liệu học thuật. Chính học sinh là tài liệu giảng dạy. Chúng tôi giúp cho các em ý thức về hơi thở, thân thể, bước chân, lời nói và cảm xúc. Sau đó, chúng tôi cho các em không gian để cảm nhận trạng thái buông thư, thoải mái và bình an. Sự chuyển hóa đến từ sự tự ý thức. Nhiều học sinh chia sẻ rằng sau khi tham dự chương trình, các em đã biết là nên đi ngủ sớm và thức dậy sớm; học cách buông thư và phương pháp giảm thiểu những lời nói có tính tiêu cực.”
Trong buổi thực tập “Buông thư và giảm áp lực căng thẳng” đầu tiên có 120 học sinh, với sự hỗ trợ của thầy cô giáo, các em đã có thể tìm thấy sự tĩnh lặng và thư thái. Các em đề nghị trường học tổ chức những buổi thực tập như vậy thường xuyên hơn. Trong nhật ký của học sinh viết cho chương trình, chúng ta có thể thấy ước vọng sống có ý nghĩa của các em[3].
[1] Nếu không tìm được các hạt đậu thật thì bạn có thể cho các em vẽ các hạt đậu ra giấy. Mỗi em sẽ cần một tờ giấy và một cây viết. Cho các em vẽ một vòng tròn biểu tượng cho tâm của các em và vẽ các hạt giống bên trong vòng tròn đó biểu tượng cho các cảm xúc. Sau đó, các em có thể đặt tên cho các hạt giống. Bạn có thể linh hoạt điều chỉnh bài tập này cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
[2] Cha Kwan là một linh mục Cơ đốc giáo tại Hồng Kông. Sau khi tu tập ở Làng Mai, trở lại Hồng Kông, Cha đã bắt đầu dạy cho các tín đồ Cơ đốc trong giáo phận của Cha về sự thực tập chánh niệm, cũng như đem sự thực tập này vào trường học.
[3] Nhiều chia sẻ của các học sinh tham gia Chương trình Giáo dục Tinh thần tại Hồng Kông được trích dẫn trong sách này.
CHÚNG TA CÓ THỂ DẠY CHÁNH NIỆM cho trẻ em ở độ tuổi rất nhỏ. Ta có thể hướng sự chú ý của các em vào những gì đẹp, tươi mát và có tính trị liệu. Nếu chúng ta thật sự có chánh niệm và chú tâm vào một cái gì đó, các em sẽ làm theo và cũng hướng sự chú tâm của các em vào đó.
Trẻ em có khả năng thấy được vẻ đẹp của một bông hoa, một giọt sương, hoặc một chiếc cầu vồng. Các em dễ có mặt ở hiện tại hơn người lớn. Các em không suy nghĩ quá nhiều về tương lai hoặc quá khứ như chúng ta, vì thế chúng ta có thể dễ dàng hướng sự chú ý của các em vào một cái gì đó trong hiện tại. Bạn có thể nắm tay con mình và hướng sự chú ý của bé vào hai bàn tay đang nắm chặt vào nhau đó. Bàn tay bạn có thể to hơn rất nhiều và bàn tay của bé thì nhỏ xíu. Bạn và bé có thể chỉ cần thích thú ngắm nhìn bàn tay của hai mẹ con hay hai cha con thôi.
Tổ chức trò chơi
Trò chơi là phần rất căn bản trong bất kỳ chương trình trẻ em nào. Điều mà các trung tâm thực tập chánh niệm của chúng tôi thường chú ý đến là làm thế nào để nuôi dưỡng trẻ em thông qua các trò chơi, mang lại cho các em niềm vui, sự kết nối, sự nhẹ nhàng và tinh thần sẻ chia. Chúng tôi không quan tâm nhiều đến sự thắng thua và cạnh tranh quyết liệt. Trước khi chơi, chúng tôi tập hợp các em lại và nhấn mạnh đến mục đích của trò chơi là để cho vui, để phát triển kỹ năng và thưởng thức sự có mặt của nhau.
Khi chuẩn bị các trò chơi, bạn có thể chọn những hoạt động mà bạn thích thú phù hợp với năng lượng của các em lúc ấy. Nên uyển chuyển, linh động và chuẩn bị khoảng ba hoặc bốn trò chơi, dù cho sau đó bạn chỉ chọn một trò để sử dụng. Như thế bạn có thể chọn trò chơi nào thích hợp nhất tùy theo thời điểm. Đừng ngần ngại điều chỉnh cho phù hợp với nhóm trẻ của bạn. Hãy đặt các em và nhu cầu của các em lên hàng đầu trong bất kỳ hoạt động nào. Đôi khi, lắng nghe sâu và nói lời yêu thương, sự quan tâm và tử tế còn mang nhiều lợi ích hơn là trò chơi.
Các trò chơi tập thể
CÁC TRÒ CHƠI ĐỂ NHỚ TÊN NHAU
DỤNG CỤ: Một quả bóng nhỏ hoặc một cuộn dây.
KHOAI TÂY NÓNG: Đi quanh vòng tròn và yêu cầu mỗi người nói tên của mình. Sau đó, đưa ra một quả bóng, nói rằng nó là một củ khoai tây nóng. Lượt chơi đầu tiên, bạn phải nói tên mình và ném quả bóng đến cho người khác càng nhanh càng tốt, ai bắt được nó phải nói tên mình ra và chuyền đi, cũng càng nhanh càng tốt. Khi tất cả mọi người đều đã có một lượt chơi, bạn phải làm trò chơi khó lên bằng cách nói tên của người mà bạn ném quả bóng đến, người đó bắt bóng và phải ném đi thật nhanh đến người khác và nói tên người đó ra. Phải đảm bảo là mỗi người đều có một lượt chơi.
LUYỆN TRÍ NHỚ: Lần lượt từng người trong vòng tròn nói tên của mình và một thứ mà mình thích có cùng chữ cái đầu tiên với chữ cái trong tên của bạn, ví dụ “Tôi tên là Nga và tôi thích ngô”.
Bây giờ, thì sẽ chơi trò chơi luyện trí nhớ, người sau sẽ dựa trên cái mà người trước nói để lặp lại tên của tất cả mọi người và những gì họ thích. (Ví dụ “bạn ấy tên Nga và bạn ấy thích ngô. Bạn ấy tên Trung và bạn ấy thích trứng. Bạn ấy tên Hương và bạn ấy thích hoa)”.
TRÁI BÓNG TƯỞNG TƯỢNG
Mời các em đứng thành vòng tròn. Các em có một trái bóng tưởng tượng, một trái bóng năng lượng có thể biến thành bất cứ một cái gì mà các em muốn. Người quản trò bắt đầu bằng cách giữ trái bóng năng lượng trong hai tay và biến đổi nó thông qua chuyển động và cử chỉ thành bất cứ cái gì mà người đó thích (ví dụ như đang chơi một nhạc cụ, chơi thể thao, làm một con thú nào đó hay đang làm một hoạt động mà mình yêu thích). Trong khi làm những hành động, dấu hiệu, người đó không được nói. Sau đó, người quản trò chuyển cái mà mình thích trở lại thành trái bóng năng lượng, giữ nó trong hai tay và ném nó cho người kế tiếp trong vòng tròn, người này phải bắt trái bóng và sau đó lại chuyển nó thành cái mà người đó thích. Người này lại chuyền nó cho người kế tiếp cho đến khi tất cả mọi người đều có lượt. Trò chơi này được chơi trong yên lặng. Chúng ta chỉ thể hiện qua cử chỉ mà không phải qua lời nói.
SUY NGẪM: Các em cảm giác thế nào khi “chụp” được “quả bóng” của người khác và biến hóa nó thành cái mà mình yêu thích?
CHÂN DUNG GIA ĐÌNH
Đây là trò chơi có thể giúp mọi người hiểu hơn về gia đình của nhau. Đề nghị các em hồi tưởng về thời điểm hạnh phúc nhất của các em với gia đình và chụp một tấm ảnh về giây phút đó trong tâm trí. Sau đó, em nhờ các em khác lần lượt đóng lại vai của những người trong bức ảnh. Em đó sẽ chọn một em làm cha, một em làm mẹ, các em khác làm anh chị em, và một em khác nữa làm chính mình trong bức ảnh. Mỗi em sẽ đứng yên trong một tư thế để thể hiện hoạt động mà người trong gia đình thật đang làm tại thời điểm đó. Khi bức tranh đã hoàn thành, em đó có thể chia sẻ với mọi người trong nhóm về khoảnh khắc hạnh phúc nhất của em. Phải bảo đảm là tất cả các em đều có cơ hội làm điều này.
SUY NGẪM: Cảm giác của em thế nào khi đóng vai gia đình của người khác? Và em cảm thấy thế nào khi nhìn hình ảnh gia đình mình qua sự diễn đạt của các bạn?
LĂN BI
DỤNG CỤ: Lõi giấy vệ sinh cho mỗi em; mỗi nhóm có một hòn bi.
Các em đứng thành hàng, gần với nhau. Mỗi em cầm trên tay một lõi giấy vệ sinh. Em đứng ở đầu hàng đặt viên bi vào trong lõi giấy và nghiêng nhẹ nó sao cho viên bi lăn vào lõi giấy của em đứng cạnh. Mục đích là để cố gắng di chuyển viên bi từ người đầu hàng đến người cuối hàng mà không làm rơi viên bi. Không được phép dùng tay để bắt! Nếu ai đó đánh rơi viên bi, các em phải bắt đầu lại từ đầu hàng.
SUY NGẪM: Điều gì giữ cho viên bi tiếp tục lăn? Điều gì làm cho viên bi ngừng lăn?
Tập trung mọi giác quan
Những trò chơi và suy ngẫm sau đây giúp phát triển chánh niệm và sự tập trung.
TÔI LÀ AI?
Chia các em ra thành hai hoặc nhiều nhóm, mỗi nhóm có 3-5 em. Một nhóm đứng phía sau rèm. Một em trong nhóm chỉ để lộ ra bàn tay, hoặc một ngón tay, hoặc một nắm tay, hoặc các ngón chân, hoặc chỉ nói một từ. Em ấy cũng có thể hát một câu, hoặc huýt sáo, hoặc vỗ tay. Những em ở phía ngoài rèm phải đoán xem em nào “đang diễn”. Những em khác đứng sau rèm lần lượt làm như vậy. Sau đó, các nhóm đổi chỗ cho nhau.
SUY NGẪM: Làm sao các em biết bạn nào đang diễn phía sau rèm? Các em đã sử dụng giác quan nào để khám phá ra điều này? Các em có thể nhận ra đó là bạn nào khi nghe giọng nói của bạn ấy không? Các em có thể nhận biết đó là ai khi chỉ nghe bạn đó huýt sáo hoặc hát không?
BẠN LÀ AI?
DỤNG CỤ: Một tấm vải bịt mắt.
Một em bị bịt mắt. Những em khác đứng yên ở một nơi nào đó gần bên. Em bé bị bịt mắt di chuyển chậm rãi trong phòng cho đến khi chạm được ai đó. Em chỉ được dùng tay để cảm nhận và đoán bạn đó là ai.
SUY NGẪM: Giác quan nào giúp em nhận ra người bạn mình đang chạm vào? Em cảm thấy thế nào về trò chơi này?
MÁY ẢNH BẰNG NGƯỜI
Cho các em ghép cặp với nhau: Một em làm máy ảnh, một em làm nhiếp ảnh gia. Nhiếp ảnh gia đi phía sau “máy ảnh” của mình, đặt tay lên vai của “máy ảnh” trong khi máy ảnh nhắm hai mắt lại. Nhiếp ảnh gia hướng dẫn đường đi cho “máy ảnh” một cách cẩn trọng. Em sẽ có cơ hội chụp ba tấm ảnh. Em có thể hướng dẫn “máy ảnh” của mình đứng vào đúng điểm chụp, bằng cách chỉnh đầu “máy ảnh” lên hoặc xuống để lấy đúng góc chụp. Khi đã sẵn sàng để chụp hình, em siết nhẹ vai của người bạn cùng chơi. Người bạn có thể mở mắt ra và có thể “chụp ảnh”. Sau đó “máy ảnh” phải nhắm mắt lại ngay. Sau 3 kiểu chụp, các em đổi vai cho nhau.
SUY NGẪM: Các em đã chụp hình những gì? Các em cảm giác như thế nào khi được làm nhiếp ảnh gia hay khi làm máy ảnh? Vai nào các em thích nhất? Tại sao?
THIỀN ĐÁM MÂY
Nằm trên đất và ngắm nhìn mây trôi. Thong thả ngắm, không cần vội. Sử dụng trí tưởng tượng và sáng tạo của mình. Tưởng tượng đến các nhân vật và các cuộc phiêu lưu.
SUY NGẪM: Các em nhìn thấy gì? Câu chuyện nào nảy ra trong tâm trí các em? Các em có cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới khác không? Đám mây giữ được hình dạng đó trong bao lâu? Thư giãn và thở sâu xuống bụng. Hãy cảm nhận sự nâng đỡ của mặt đất dưới lưng các em, hãy nghĩ xem em có phải là một phần của đám mây, của đất, của tất cả mọi thứ ở xung quanh em không.
DỤNG CỤ: Những viên đá có kích cỡ tương đương nhau, sao cho mỗi em được một viên (kích cỡ các viên đá nên vừa lòng bàn tay của các em).
Cho các em ngồi thành vòng tròn, bảo các em nhắm mắt lại, sau đó đưa cho mỗi em một viên đá để các em cảm nhận viên đá trong lòng bàn tay khoảng một phút. Hết một phút, bạn thu hồi các viên đá lại, trong khi các em vẫn đang nhắm mắt. Bạn đặt tất cả các viên đá vào chính giữa vòng tròn. Bây giờ, các em được phép mở mắt ra và đi tìm viên đá của mình.
Biến thể: Sau khi các em đã có một phút để cảm nhận viên đá của mình, thu hồi các viên đá lại trong khi các em vẫn còn nhắm mắt. Bắt đầu chuyền các viên đá quanh vòng tròn để các em cảm nhận trong khi mắt vẫn nhắm cho đến khi tìm thấy viên đá của mình.
SUY NGẪM: Các em cảm thấy thế nào khi chơi trò này? Làm thế nào các em nhận ra hoặc không nhận ra hòn đá của mình? Bàn tay của các em cảm thấy thế nào?
EM NHÌN THẤY GÌ?
DỤNG CỤ: Khay, khăn giấy hoặc khăn nhỏ, 10 – 15 vật dụng nho nhỏ hàng ngày, dễ nhận diện.
Tập hợp các vật dụng như kéo, cuộn băng keo, đĩa CD, đồng hồ đeo tay, cái ly, cái nĩa, trái cây, kẹp giấy, cây thước, bông hoa, hoặc một túi trà lọc. Bỏ tất cả lên khay và dùng khăn đậy lại.
Khi các em đã sẵn sàng, bỏ khăn ra trong vòng 20 – 30 giây (tùy thuộc vào số lượng đồ vật trên khay và vào độ tuổi của các em). Sau đó, phủ khay trở lại và xem mỗi em nhớ được bao nhiêu vật. Trò này cũng có thể chơi theo đội. Mỗi đội viết xuống các món đồ mà các em nhớ được, cố gắng nhớ càng nhiều món càng tốt.
SUY NGẪM: Các em sử dụng những cách thức nào để nhớ các món đồ? Cách nào có hiệu quả, cách nào không hiệu quả?
EM NGỬI THẤY GÌ?
DỤNG CỤ: Một khay nhỏ; năm hoặc sáu món có mùi hương ví dụ như một thanh quế, một quả chanh, lá bạc hà và những thứ rau thơm có mùi mạnh hay các loại hương liệu; khăn bịt mắt cho mỗi em.
Bịt mắt các em lại và đặt một món có mùi hương trên khay rồi chuyền theo vòng tròn. Các em chỉ được cầm khay mà không được nhặt món đó lên (trừ khi đó là hương liệu được bỏ trong lọ). Yêu cầu các em đoán thầm trong đầu xem món đồ đó là gì mà không tháo khăn bịt mắt. Khi ai cũng đều được chuyền khay, các em có thể cho nhau biết mình đoán gì. Sau khi tất cả các món có mùi hương đều đã được chuyền, các em có thể tháo khăn bịt mắt ra.
SUY NGẪM: Các em đã nhận diện ra những món nào? Các em có cảm giác thế nào khi ngửi mà không nhìn thấy?
EM CHẠM ĐƯỢC GÌ?
DỤNG CỤ: Vài đồ vật với kết cấu bề mặt khác nhau, ví dụ: cuộn bông, quả thông, giấy nhám, hòn đá nhẵn; khăn bịt mắt cho mỗi em.
Bịt mắt các em lại và chuyền quanh một trong những vật đó, bắt đầu bằng một vật mềm, ví dụ như cuộn bông. Yêu cầu các em đoán xem đó là gì. Sau đó, chuyền quanh một vật có gai như quả thông, rồi đến một vật thô như giấy nhám.
Cuối cùng, chuyền đến một vật nhẵn như miếng gỗ đã bào, hay hòn đá. Yêu cầu các em đoán thầm xem đó là gì khi các em sờ vào đồ vật, nhưng không tháo khăn bịt mắt ra. Khi đồ vật đã được chuyền hết vòng tròn, các em có thể chia sẻ về thứ các em đoán ra. Khi tất cả các vật đã được chuyền hết vòng tròn, tháo khăn bịt mắt ra và cho phép các em thấy những phỏng đoán của các em có khớp với thực tế không.
SUY NGẪM: Các em cảm thấy thế nào? Các em làm thế nào để đoán ra?
EM NẾM THẤY GÌ?
DỤNG CỤ: Nhiều loại trái cây khác nhau được cắt thành miếng nhỏ.
Chuẩn bị những loại trái cây khác nhau, với số lượng đủ để chia cho các em. Cho các em ăn trái cây khi đang bị bịt mắt hay chỉ cần nhắm mắt. Sau khi tất cả các em đều được ăn trái cây, yêu cầu các em đoán xem đó là loại trái cây nào.
SUY NGẪM: Các em có ngạc nhiên không? Các em có thấy sự khác biệt nào so với khi ăn mà mở mắt không?
EM NGHE THẤY GÌ?
DỤNG CỤ: Sưu tập nhiều loại đồ vật khác nhau mà bạn có thể tạo nên những âm thanh nghe vui tai, ví dụ như chuông và dùi, còi, hòn đá dùng để ném xuống nước, một tấm bảng dùng để cào lên, hai mảnh giấy nhám dùng để chà vào nhau, một cái búa để đóng đinh; khăn bịt mắt cho mỗi em (không bắt buộc).
Yêu cầu các em nhắm mắt (hoặc bịt mắt các em), sau đó tạo ra âm thanh bằng một trong những đồ vật đã chuẩn bị. Yêu cầu các em nhận diện xem đó là tiếng gì. Sau khi tạo ra âm thanh của vài đồ vật, bạn hãy tự tạo ra một vài âm thanh, như vỗ tay, hắng giọng, ho, chép miệng hoặc huýt sáo. Các em nhận diện âm thanh, sau đó bắt chước tạo ra âm thanh tương tự. Một em có thể tạo ra âm thanh cho các em khác nhận diện.
SUY NGẪM: Âm thanh nào các em dễ đoán ra? Âm thanh nào các em khó đoán ra?
NHÌN! NGHE! NGỬI! CHẠM! NẾM!
Cho các em ngồi yên vài phút. Yêu cầu các em để ý xem có bao nhiêu thứ mà trong một phút các em có thể nhìn, nghe, chạm, nếm, hoặc ngửi được. Sau một phút, yêu cầu các em chia sẻ kinh nghiệm của mình. Các em cũng có thể viết lại kinh nghiệm của mình.
SUY NGẪM: Các em chú ý đến những gì? Các em có nhận thấy là một giác quan của mình trội hơn các giác quan khác hay không?
ĐẾM TỚI 10
Cho các em ngồi hoặc đứng thành vòng tròn. Các em đếm từ 1 đến 10. Bất cứ em nào cũng có thể nói ra một con số, nhưng nếu hai em cùng lúc nói cùng một con số thì tất cả phải chơi lại từ đầu. Có thể trò này sẽ hơi khó chơi, nhưng nếu kiên trì có thể giúp rèn luyện khả năng tập trung, hòa hợp và chú ý đến nhau. Đây cũng là một trò chơi rất tốt để giúp các em yên lại. Đôi khi trò chơi sẽ dễ chơi hơn nếu bạn cho các em đứng trong một vòng tròn sát nhau, vai kề vai và nhắm mắt lại.
SUY NGẪM: Các em học được gì qua trò chơi này? Chiến thuật nào giúp chúng ta đếm được đến 10?
Kết nối với thiên nhiên
TRUY TÌM KHO BÁU
Sinh hoạt này có thể được thực hiện theo cá nhân, theo nhóm, hoặc trong gia đình. Đưa cho mỗi người, một nhóm, hoặc một gia đình một xấp thẻ nhỏ trên đó có viết sẵn những cặp đối lập. Ví dụ như: mềm và cứng; mới và cũ; hoang dã và thuần hóa; quen và lạ; tối và sáng;… Yêu cầu người chơi đi tìm những món tương ứng với tấm thẻ. Khuyến khích tất cả mọi người – cha mẹ và con cái – cùng chia sẻ về món đồ mình tìm được.
Trong buổi thiền hành, hoặc buổi đi bộ, mời các em tìm một chỗ ở ngoài trời mà các em thấy thích. Yêu cầu các em tiến lại gần nơi đó trong im lặng và xin phép được ngồi hoặc có mặt ở đó. Các em lắng nghe xem thiên nhiên trả lời thế nào. Câu trả lời có thể là “được” hoặc “không”. Nếu câu trả lời là “không”, các em có thể tìm một địa điểm khác và xin phép lại. Bạn có thể giải thích cho các em rằng thiên nhiên đôi khi cho chúng ta câu trả lời “không” vì nơi đó không an toàn cho chúng ta, hoặc ở đó có một cái gì cần được bảo vệ. Nếu các em nhận được câu trả lời “được”, các em ngồi im lặng trong vài phút ở nơi mà các em đã chọn. Tập hợp các em lại và mời các em chia sẻ về trải nghiệm của mình. Điều gì đã thu hút các em đến với nơi đó? Làm thế nào các em cảm nhận được câu trả lời của thiên nhiên?
Một số dấu hiệu thể hiện câu trả lời “được” của thiên nhiên theo lời chia sẻ của các em là một làn gió nhẹ, tiếng chim hót, hoặc cảm giác ấm áp trong lồng ngực. Những người khác cho biết thiên nhiên trả lời “không” là vì có một âm thanh chói tai hay một tiếng động đột ngột, hoặc cơ thể có một cảm giác không thoải mái như bị cỏ ngứa chích hay bị gai đâm. Không có kinh nghiệm nào là đúng hay sai. Sinh hoạt này chỉ đơn giản là để xây dựng ý thức và trau dồi tinh thần tôn trọng thiên nhiên, đồng thời cũng giúp ta nhận ra rằng chúng ta là một phần của thiên nhiên chứ không phải là chủ nhân của nó.
Đưa trẻ em đến một địa điểm ngoài trời và yêu cầu các em nhìn xung quanh để tìm ra những gì các em cảm thấy đẹp. Mời các em chọn một thứ trong không gian đó – có thể là một cái cây, quả thông, ngọn núi, đám mây, một con thú, một người, hay một làn gió mà các em trân quý.
Đưa cho mỗi em một mẩu giấy nhỏ và một cây bút. Mời các em viết xuống: “Em thích… [cái ở ngoài thiên nhiên mà các em chọn] bởi vì…”. Hoặc “… [cái ở ngoài thiên nhiên mà các em chọn] đẹp vì…”. Các em có thể viết một hoặc hai câu rất đơn giản. (Ví dụ: “Em yêu cây bách vì nó khỏe mạnh, có hương thơm, hùng dũng và cảm thấy thoải mái với chính nó”).
Khi các em đã viết xong, yêu cầu các em lật qua mặt giấy bên kia và viết lại một câu y hệt vậy, chỉ thay thế điều mà em chọn ngoài thiên nhiên bằng “chính em” (vậy câu ở trên có thể viết lại là “Em yêu chính em vì em khỏe mạnh, có hương thơm, hùng dũng và cảm thấy thoải mái với chính mình”). Sau đó, các em có thể suy ngẫm về cảm giác của mình khi nhận ra trong mình những phẩm chất mà các em trân quý ở thiên nhiên.
Đây có thể là một đề tài rất hay để ta suy ngẫm và thấy được mối liên hệ tương tức, không thể tách rời giữa ta với thiên nhiên.
BÀN THỜ THIÊN NHIÊN
Cùng các em đi dạo và đề nghị các em nhặt lên một thứ từ thiên nhiên mà các em cảm thấy thích, hoặc đối với em, vật đó tượng trưng cho cái đẹp, sự vững chãi, hay cái thiện lành. Đó có thể là một hòn đá, chiếc lá, quả thông, bông hoa, hay bất cứ vật gì từ thiên nhiên. Sau khi trở lại phòng sinh hoạt, mời các em chia sẻ lý do các em nhặt vật đó và ý nghĩa của nó đối với các em. Sau đó, các em có thể đi một cách chánh niệm đến bàn thờ và đặt các vật đó lên. Nên chia sẻ một chút về ý nghĩa hay mục đích của một bàn thờ và hỏi xem các em có bàn thờ ở nhà không. Từ nay, mỗi khi các em bước vào phòng sinh hoạt (phòng học), các em có thể chắp tay xá trước bàn thờ và cảm thấy được truyền cảm hứng bởi vật mà các em đã đặt lên bàn thờ.
TÌM CÁI CÂY ĐẶC BIỆT CỦA MÌNH
Cùng đi dạo ngoài thiên nhiên với các em, nhìn ngắm tất cả cây cối trong khu vực. Đề nghị mỗi em tìm một cây đặc biệt đối với mình. Khi các em đã tìm được cây đặc biệt cho mình, các em tự giới thiệu mình với cây đó, và cho cây biết vài phẩm chất đặc biệt của em. Sau một lúc, các em có thể nói với cây những phẩm chất đặc biệt của cây mà các em nhận thấy. Sau đó, các em có thể chia sẻ lại với các bạn. Khuyến khích các em nương tựa vào cái cây đó bất cứ khi nào các em cần và đến thăm cây hàng ngày. Đó là một nơi an toàn để các em có thể là chính mình, thư giãn và trở về với tự thân.
CÂY THÂN MẾN, TÊN BẠN LÀ GÌ?
Lắng nghe và nhìn một cách sâu sắc, có mặt với cái cây, thấy được tất cả những phẩm chất tuyệt vời của nó, sau đó các em hãy yên lặng xem cái cây có cho em biết nó tên gì hay không. Hoặc các em có thể đặt tên cho cây. Sau đó, các em có thể mời một người bạn đến để làm quen với cây. Các em có thể chia sẻ (với người bạn ấy) tất cả những phẩm chất tốt của cây và tại sao các em lại thích nó.
CÂY THÂN MẾN, BẠN ĐÃ NÓI GÌ?
DỤNG CỤ: Giấy và bút chì cho mỗi em.
Mời các em ngồi ở gốc cây đặc biệt của mình, lắng nghe thông điệp từ cây và từ những viên đá, côn trùng, rêu, vỏ cây và những chiếc lá xung quanh. Các em viết thông điệp này lên một mảnh giấy, hoặc vẽ ý nghĩa của thông điệp. Sau đó, các em đi truyền thông điệp này đến cho cái cây của bạn mình.
ĐỨNG NHƯ MỘT CÁI CÂY
Thực tập tư thế cái cây như trong yoga. Đứng thẳng người trên một chân, chân kia cong gập lại, bàn chân đặt lên phần đùi của chân còn lại; chắp tay lại và đặt trước ngực, hoặc nếu có thể giữ thăng bằng được thì đưa lên phía trên đầu. Lưu ý đến sự khác biệt khi bàn chân cắm rễ vào mặt đất (thậm chí nếu các em chỉ tưởng tượng nó thôi).
Lưu ý xem chuyện gì xảy ra khi mắt em nhìn tập trung vào một điểm cố định ở phía trước. Em nào không thể đứng trên một chân có thể đưa hai cánh tay cao lên, hai bàn tay chắp lại phía trên đầu và hình dung mình là một cái cây. Chuyện gì xảy ra khi các em tập trung vào hơi thở hay vào vùng bụng? Khi nào thì các em giữ thăng bằng tốt nhất?
CÁC HOẠT ĐỘNG DẠO CHƠI TRONG THIÊN NHIÊN
ĐI PICNIC: Tất cả mọi người mang một phần nhỏ để góp thành buổi picnic.
CUỘC DẠO CHƠI KỂ CHUYỆN: Mời một người có khả năng kể chuyện cùng đi và thường xuyên cho nhóm dừng lại để nghe một phần chuyện kể. Hoặc dừng lại chỉ một lần lâu hơn để kể cho các em toàn bộ câu chuyện. Hoặc cho các em kể câu chuyện về thiên nhiên mà các em đã chuẩn bị sẵn mỗi khi dừng lại.
ĐI BỘ VÀ THU NHẶT: Đi dạo và thu thập những vật đặc biệt từ thiên nhiên để trang trí cho bàn thờ thiên nhiên, hay cho một tấm panô, để làm thiệp hay để vẽ đá.
ĐI DẠO BỊT MẮT: Một em mở mắt dẫn một em đang bị bịt mắt. Sau đó, các em đổi vai cho nhau. (Hướng sự chú ý của các em vào ánh sáng và bóng tối; phương hướng, lên và xuống dốc,…) Người dẫn đường cũng có thể dẫn người bạn đang nhắm mắt chạm vào một vật trong thiên nhiên và đoán xem đó là gì trong khi vẫn đang nhắm mắt.
LẮNG NGHE: Tất cả cùng đứng im, nhắm mắt và lắng tai. Các em nghe thấy gì? Sau đó, hãy tạo lại âm thanh mà mình đã nghe được – tiếng xe cộ, bò, quạ, ong, chim, tiếng người, tiếng gió…
ĐI CHÂN TRẦN: Đi chân trần và để ý đến lòng bàn chân mình tiếp xúc với mặt đất. Đây là cách rất vui để giới thiệu cho các em về thiền hành.
NHỮNG VÒNG TRÒN MẠN ĐÀ LA THIÊN NHIÊN:Đi dạo và chọn một nơi để ngồi xuống. Chú ý đến mọi thứ xung quanh. Sau một lúc, hãy tạo thành một vòng tròn mạn đà la (mandala) sử dụng những vật thiên nhiên xung quanh: đá, lá cây, hoa, cỏ và đất. Khi mọi người đã hoàn tất, mời các em đi một vòng để xem các tác phẩm nghệ thuật của những em khác. Hoặc cho tất cả các em cùng làm một vòng tròn mandala lớn, chia vòng tròn thành các phần nhỏ để mỗi em có thể trang trí một phần, sử dụng các vật liệu từ thiên nhiên.
Nói lời tạm biệt
MẠNG LƯỚI CUỘC SỐNG
DỤNG CỤ: Một cuộn len.
Cho các em ngồi thành một vòng tròn. Bạn giữ cuộn len trong tay, rồi chia sẻ một điều quan trọng nuôi dưỡng bạn trong thời gian sinh hoạt cùng nhau. Rồi bạn ném cuộn len cho một em trong vòng tròn nhưng tay bạn vẫn giữ mối dây. Em đang giữ cuộn len sẽ bắt đầu chia sẻ. Tiếp tục như thế đến em cuối cùng. Khi tất cả mọi người đều đã nắm trong tay mối len, người hướng dẫn sẽ nói một vài câu, ví dụ như:
Dù cho tất cả chúng ta đều trở về nhà, chúng ta sẽ vẫn tiếp tục kết nối với nhau giống như sợi dây đang kết nối chúng ta trong giây phút này. Chúng ta sẽ mang thời gian có nhau này về nhà, về trường và mỗi người trong chúng ta sẽ tạo nên một mạng lưới của sự thực tập trong gia đình. Vì vậy, từ mạng lưới lớn này những mạng lưới nhỏ hơn sẽ hình thành từ mỗi chúng ta.
Sau đây là một số đề tài chia sẻ khác có thể sử dụng trong buổi sinh hoạt cuối cùng: Một chuyện vui mà em từng có là… Em nhớ khi… Em rất biết ơn vì…
Sẽ rất tuyệt vời khi các em chia sẻ về những điều các em thích và không thích trong chương trình để chúng ta có thể rút kinh nghiệm. Bạn cũng có thể yêu cầu các em chia sẻ cái mà các em sẽ mang theo khi trở về nhà, những thực tập nào hoặc những điều gì các em đã học được. Bạn có thể kết thúc bằng một cái ôm tập thể và cùng hát với nhau một bài.
[1] Tham khảo trong sách Everyone Wins!: Cooperative Games and Activities, tác giả Josette Luvmour.
[2] Hoạt động này được trích từ sách The Web of Life Imperative: Regenerative Ecopsychology Techniques that Help People Think in Balance with Natural Systems, tác giả Michael J. Cohen.
[3] Hoạt động này được trích từ sách The Web of Life Imperative: Regenerative Ecopsychology Techniques that Help People Think in Balance with Natural Systems, tác giả Michael J. Cohen.
“Con xin hứa mở rộng lòng thương và tìm cách bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài, cỏ cây, cầm thú và đất đá.
Con xin hứa mở rộng tầm hiểu biết để có thể thương yêu và chung sống với mọi người, mọi loài, cỏ cây, cầm thú và đất đá.”
– Hai lời hứa
TRÊN ĐÂY LÀ HAI LỜI HỨA, một phép thực tập chánh niệm dành cho trẻ em. Để thương, bạn cần phải hiểu, bởi vì tình thương được làm nên bởi sự hiểu biết. Nếu bạn không hiểu một ai đó, bạn không thể thương được. Thiền tập là nhìn sâu để hiểu những nhu yếu, những niềm đau, nỗi khổ của người kia. Khi bạn cảm thấy mình được hiểu, bạn cũng sẽ thấy tình thương thấm vào trong bạn. Đó là một cảm giác rất tuyệt vời. Tất cả chúng ta ai cũng cần được hiểu, được thương.
Mỗi người trong chúng ta thường có những sở thích khác nhau. Ví dụ như sau khi tan trường, bạn và một người bạn của mình muốn cùng làm một cái gì đó. Bạn ấy muốn chơi tennis, bạn lại thích đọc sách. Nhưng vì bạn muốn làm bạn mình vui, bạn đặt sách qua một bên, ra ngoài chơi tennis với cậu ấy. Khi bạn làm như thế, bạn đang tập hiểu đấy. Qua cái hiểu, bạn làm cho bạn mình vui. Khi bạn làm cho cậu ấy vui, bạn cũng vui lây. Đây là một ví dụ của sự thực tập hiểu và thương.
Bất cứ khi nào bạn đọc hai lời hứa này, bạn nên tự hỏi mình: “Từ khi mình tiếp nhận hai lời hứa này, mình có cố gắng học hỏi, có cố gắng thực tập những điều này không?”. Bạn không cần phải trả lời là có hay không. Thậm chí nếu bạn cố gắng học và thực tập hai lời hứa này thì cũng vẫn chưa đủ đâu. Cách trả lời hay nhất là mở lòng mình ra để cho những câu hỏi này thấm sâu vào toàn thể con người của bạn trong khi bạn thở vào, thở ra trong chánh niệm. Chỉ mở lòng ra thôi và các câu hỏi sẽ tự chúng làm việc âm thầm bên trong bạn để có câu trả lời.
Hiểu và thương là hai điều quan trọng nhất mà Bụt đã dạy. Nếu ta không cố gắng để mở lòng, để hiểu sự khổ đau của người khác, ta sẽ không thể thương và sống hòa thuận cùng nhau được. Chúng ta cũng nên cố gắng hiểu và bảo vệ sự sống của các loài động vật, cỏ cây và đất đá để chung sống thuận hòa với chúng. Nếu ta không hiểu thì ta không thể thương được. Bụt dạy ta đem đôi mắt hiểu thương để nhìn tất cả mọi loài. Và điều quan trọng là ta nên học cách để thực hành lời dạy ấy.
Tiếp nhận hai lời hứa
Trong các khóa tu do tăng thân Làng Mai hướng dẫn, trước khi người lớn tiếp nhận Năm giới, các em có cơ hội tiếp nhận Hai lời hứa trong một buổi lễ chính thức. Các em sẽ được nhận một pháp danh và một điệp hộ giới để nhắc nhở các em về những lời hứa ấy.
Trước đó, các em sẽ được yêu cầu viết xuống những ước nguyện của mình và cho biết tại sao các em lại muốn nhận Hai lời hứa. Sau đây là một vài câu trả lời của các em[1]:
Con muốn nhận Hai lời hứa vì nó sẽ giúp con có chánh niệm hơn và mọi người xung quanh con sẽ hạnh phúc hơn. Con cũng nghĩ là nó sẽ giúp con bớt sợ hơn đối với những người mới gặp lần đầu. – Joanna S., 12 tuổi.
Con hy vọng là Hai lời hứa sẽ giúp con hiểu nhu cầu của gia đình con hơn. Con cũng hy vọng là con có thể tự rèn luyện để có từ bi cho người khác và cho chính con. – Siena D., 11 tuổi.
Con muốn có nhiều từ bi hơn. Con muốn hiểu chính mình và hiểu người khác nhiều hơn. – Djuna W., 10 tuổi
Hai lời hứa sẽ giúp con tiếp xúc với mọi người dễ dàng hơn, làm cho con sống hạnh phúc hơn. – Nguyen An L., 7 tuổi
Con muốn có một kỷ niệm với Sư Ông vì Sư Ông rất dễ thương. Sư Ông chơi với trẻ con rất vui, và con thích hát và cầu nguyện nữa. – Max M., 7 tuổi.
Con thật sự muốn hiểu và giúp cho các loài. Con muốn ăn chay để bảo vệ các loài động vật. Con muốn chắc chắn không còn những người săn thú trộm nữa; con muốn trồng thật nhiều cây, gieo thật nhiều hạt và giúp người ta bớt khổ. – Maeve K., 7 tuổi
Con muốn nhận Hai lời hứa vì nếu có hiểu biết con sẽ biết kính trọng, dễ thương, có ích và biết chia sẻ. Nếu con có lòng từ bi, con có thể thương những người thân của con nhiều hơn và con cũng sẽ có thể lắng nghe người khác hay hơn. – Rayah B. , 11 tuổi.
Con muốn nhận Hai lời hứa vì nó sẽ giúp con hiểu khi nào thì con tưới những hạt giống giận, vui và từ bi trong anh và em gái của con, con sẽ sống hòa bình hơn với anh em của con. – Hylan K., 12 tuổi.
Con muốn nhận Hai lời hứa để học cách thương người khác sâu sắc hơn. – Mary Ann N., 11 tuổi.
CHIA SẺ VỚI CÁC EM VỀ HAI LỜI HỨA
Trong mỗi khóa tu, chúng tôi đều chia sẻ với các em Hai lời hứa có ích lợi như thế nào trong đời sống của chúng ta.
Để giúp các em khám phá ý nghĩa của HIỂU BIẾT, chúng tôi bắt đầu bằng các câu hỏi:
Đối với các em, hòa bình/bình an có ý nghĩa như thế nào?
Làm thế nào để ta có thể hiểu và chung sống hòa bình với người khác?
Với động vật?
Với cỏ cây và với Trái đất?
Các em sẽ bắt đầu liên hệ đến hoàn cảnh thực tế mà các em đã hoặc đang trải nghiệm. Có nhóm các em ít nói hoặc không đáp ứng lại các câu hỏi. Trong trường hợp đó, chúng ta có thể chia sẻ những ví dụ về chính cuộc sống của mình để minh họa cho ý nghĩa của hiểu biết và thương yêu đích thực. Nên chuẩn bị sẵn vài câu chuyện để kể cho các em nghe khi chia sẻ về sự thực tập này. Chúng ta cũng có thể kể về cách quan tâm chăm sóc cho môi trường và đất Mẹ khi nói về sống chung an lạc với đất đá. Thường thường các em có rất nhiều ý tưởng trong việc bảo vệ môi trường.
Và tiếp theo chúng ta có thể tìm hiểu về ý nghĩa của TỪ BI:
Đối với em, thương yêu có nghĩa là gì?
Mình làm gì để thể hiện là mình thương ai đó, hay là cái gì đó, ví dụ như cha, mẹ, con mèo, con chó hoặc cỏcây?.
Làm thế nào để bảo vệ những người, hay những gì mình thương yêu, bao gồm động vật, cỏ cây và đất Mẹ?
Và nếu mình thương bạn bè thì làm thế nào mình bày tỏ tình thương đó? Những người khác bày tỏ tình thương của họ đối với mình như thế nào?
Khi các em đã có thể nhận ra được những cái đẹp và tầm quan trọng về những phẩm chất của tình thương và lòng từ bi, bạn có thể giới thiệu về Hai lời hứa cho các em. Cho các em nghe bài hát Hai lời hứa (Bạn có thể tìm xem bài hát ở QR-code sau):
Sau mỗi lời hứa, ta thở vào – thở ra ba lần (um….ahh… ba lần), bởi vì ta cần sức mạnh và chánh niệm để giữ lời hứa của mình. Các em rất thích làm động tác trong khi hát. Bạn cũng có thể cho các em điền vào tờ giấy thực hành Hai lời hứa để hiểu sâu hơn và tìm thấy ví dụ cụ thể của riêng mình. Các em cũng có thể thích vẽ những hình ảnh tượng trưng cho cách mà các em thường biểu hiện tình thương và lòng từ bi trong đời sống thường nhật. Bạn cũng có thể trưng bày một tấm poster về Hai lời hứa trong lớp học để các em dễ nhớ. Cho các em trang trí tấm poster ấy.
TỜ THỰC HÀNH HAI LỜI HỨA
Bạn có thể hướng dẫn trẻ làm một tờ thực hành Hai lời hứa với các nội dung như trang bên:
Câu hỏi về muỗi
CÂU HỎI: Kính bạch Sư Ông, con hay bị muỗi cắn và con không muốn muỗi cắn con nữa. Mỗi ngày con có thể giết vài con muỗi được không ạ?
SƯ ÔNG LÀNG MAI: Con muốn giết bao nhiêu con muỗi?
BÉ: Chắc là mỗi ngày một con ạ.
SƯ ÔNG LÀNG MAI: Con có nghĩ như vậy là đã đủ rồi không?
BÉ: Dạ, đủ ạ.
SƯ ÔNG LÀNG MAI: Hồi nhỏ, Sư Ông cũng từng đặt ra câu hỏi như vậy. Sau này, Sư Ông phát hiện ra rằng loài muỗi cũng cần thức ăn để sống. Muỗi luôn cố gắng tìm kiếm thức ăn, cũng như loài người chúng ta vậy. Ta tìm kiếm thức ăn khi đói và đó là một điều rất tự nhiên.
Sư Ông nghĩ ta có nhiều cách để bảo vệ mình khỏi bị muỗi chích. Ở Việt Nam, ai cũng thường giăng mùng ngủ mỗi đêm để tránh muỗi. Nếu không có mùng thì chắc họ phải thức cả đêm để đập muỗi. Không chỉ một vài con, vì sau khi con giết một con thì con khác sẽ đến. Con có thể thức trắng đêm chỉ để đập muỗi. Vì vậy, giết muỗi không phải là giải pháp. Sư Ông nghĩ ở Làng Mai có một số mùng. Con chỉ cần hỏi các thầy, các sư cô để mượn một cái, như vậy con có thể cứu được mạng sống nhỏ nhoi của mấy con muỗi.
Lâu lâu Sư Ông thấy một con muỗi đáp xuống và Sư Ông tạo ra một trận bão nhỏ bằng cách phẩy nhẹ cánh tay cho nó bay đi. Sư Ông làm vậy mà không có chút bực bội nào. Sư Ông chỉ không cho nó đốt mình thôi.
Chuyện kể về mối liên hệ với động vật
Đây là hai câu chuyện có thật mà bạn có thể đọc cho các em nghe để tạo cảm hứng cho các em thảo luận về Hai lời hứa và bảo vệ cầm thú[2]. Bạn hãy mời các em kể những câu chuyện mà các em biết về động vật.
CÂU CHUYỆN VỀ VỊ BỒ TÁT Ở PARIS
Malakoff, một chú chó to lớn giống Newfoundland, là chú chó giữ nhà cho một thợ kim hoàn ở Paris. Một trong những người học nghề tại tiệm kim hoàn có tên là Jacques rất ghét Malakoff, bởi vì có lẽ chú chó này đã đánh hơi thấy nơi người đàn ông này một cái gì đó mà nó không tin tưởng.
Jacques lập mưu giết Malakoff.
Cùng với vài đồng bọn, Jacques dắt chú chó ra sông Sein, buộc một cục đá vào cổ nó và ném nó xuống dòng sông đang chảy xiết. Malakoff vùng vẫy để sống sót, bơi và vật lộn để vào bờ. Nó bơi thật hăng dù có một cục đá đang neo vào cổ và cuối cùng nó đã gắng vào được gần bờ. Bỗng nó nhìn lại phía sau và nhận ra người tấn công nó, Jacques, cũng đã bị rơi xuống nước và đang sắp chết chìm. Anh ta chới với trong nước, cố vươn lên để thở nhưng lại không biết bơi. Anh ta quá hoảng loạn và bắt đầu chìm xuống. Thấy vậy, Malakoff quay đầu lại và bắt đầu bơi về hướng Jacques. Mặc cho sức nặng quanh cổ, Malakoff vẫn bơi, thở hồng hộc và kiệt lực đến nơi người mưu sát nó đang vật lộn. Trong cơn tuyệt vọng, anh ta bíu lấy lông của Malakoff. Bây giờ, con chó đã quá yếu sức không thể chống lại dòng nước xiết để kéo anh ta lên bờ, nó dùng hết sức bình sinh chỉ để nổi theo dòng nước cùng với hai khối trọng lượng, của cục đá và của người đàn ông đang hoảng loạn. Con chó đã giữ cho Jacques nổi trên mặt nước đến khi mọi người đến kịp để cứu hộ.
Khi cả chó và người đều đã an toàn trên cạn, người học việc hối hận ôm con chó khóc sướt mướt xin nó tha thứ cho mình.
Câu chuyện về chú chó anh hùng này đã được lan truyền khắp Paris. Malakoff trở thành một biểu tượng của lòng dũng cảm. Khi Malakoff mất, hầu như toàn thể những người thợ học việc ở Paris đều đến đưa tang chú.
NHỮNG CHÚ CÁ HEO TỐT BỤNG
Tháng 6 năm 1971, Yvonne Vladislavich đang lênh đênh trên chiếc du thuyền giữa Ấn Độ Dương thì thình lình con thuyền nổ tung. Cô bị văng ra khỏi thuyền, may mắn là không bị thương tích gì nghiêm trọng. Thế nhưng con thuyền đã bị chìm và cô hoàn toàn không có nơi bám víu giữa đại dương. Cô không còn chút hy vọng được cứu thoát vì đang ở vùng không có tàu bè qua lại.
Hoảng kinh hồn vía, cô chỉ còn biết bập bềnh trong nước để chờ chết mà thôi. Nhưng rồi, Vladislavich thấy ba chú cá heo đang tiến lại gần. Trước sự kinh ngạc của cô, một chú cá heo lặn vòng phía dưới và dùng thân hình to lớn của nó để nâng cô lên. Vô cùng cảm kích, cô bám vào thân hình mềm mại bóng mượt của chú cá heo. Hai chú cá heo còn lại bơi vòng quanh cô để bảo vệ cô khỏi những con cá mập.
Những chú cá heo bảo vệ và đưa cô đi qua nhiều vùng biển nước ấm trong nhiều tiếng đồng hồ cho đến khi chúng đưa cô đến được dải phao cứu hộ trên biển. Các chú cá heo đặt cô lên phao và không lâu sau đó cô đã được một chiếc tàu đi ngang nhìn thấy và giải cứu.
Tính ra thì từ nơi có phao nổi đến vị trí thuyền cô bị nổ, các chú cá heo đã bảo vệ và đưa cô đi một khoảng cách 200 dặm (hơn 300 km) qua vùng biển hiểm nguy.
Những câu hỏi gợi ý cho các em cùng suy ngẫm về hai câu chuyện:
Trong hai câu chuyện trên, em thấy hành động nào là hành động của hiểu biết và từ bi?
Theo em thì làm thế nào mà những chú cá heo lại có mặt đúng lúc đúng nơi để cứu giúp cho cô gái ấy?
Theo em thì tại sao các con vật trong hai câu chuyện này lại muốn giúp những người chúng không quen biết, mà thậm chí còn giúp cho người đã cố tình hại chúng?
Em có biết câu chuyện có thật nào về các con vật giúp người hoặc giúp con vật khác hay không?
Làm thế nào để chúng ta có thể bảo vệ động vật trong môi trường chúng ta đang sống?
Ăn trong chánh niệm
ĂN VỚI LÒNG TỪ BI
Việc ăn uống của chúng ta có thể rất bạo động cho chính bản thân và cho thế giới. Nếu chúng ta không biết thực tập ăn uống trong chánh niệm, có thể chúng ta sẽ đưa vào thân tâm rất nhiều độc tố và năng lượng bạo động. Đọc sách và xem ti-vi cũng có thể rất bạo động. Do đó, chúng ta phải học cách tiêu thụ trong chánh niệm. Chánh niệm có thể hướng dẫn và bảo vệ cho thân tâm ta, cho gia đình ta và tất cả mọi người, mọi loài trên Trái đất. Cả gia đình nên ngồi lại để cùng nhau thảo luận làm thế nào áp dụng sự thực tập bất bạo động trong cuộc sống hàng ngày qua việc ăn uống và giải trí.
Ăn uống có thể là một hành động tâm linh sâu sắc. Chúng ta có thể ăn như thế nào để nuôi dưỡng được tình thương và sự hiểu biết. Ta chỉ đưa vào cơ thể ta những gì nuôi dưỡng và trị liệu. Ăn như thế nào để năng lượng tình thương trong ta phát khởi và lớn lên. Đây là một sự thực tập rất sâu sắc. Khi chúng tôi tổ chức một buổi thiền trà tại Làng Mai hoặc thiền nước chanh cho thiếu nhi, hành động uống trà hay uống nước chanh trong tình thân hữu, trong niềm vui và hòa ái mang đậm tính tâm linh.
Ngồi xung quanh bàn ăn, một em có thể đọc Lời quán nguyện trước khi ăn. Em ấy có thể chỉ vào từng món ăn trên bàn và nói cho mọi người biết về nguồn gốc của thức ăn đó – để trồng được thức ăn đó, liệu người ta có phải làm tổn hại sinh mạng của nhiều loài sinh vật hay không, những cách thức sản xuất thực phẩm có đem lại sự hòa hợp và từ bi hay không.
Chúng ta phải ăn với một nhận thức sáng tỏ và trong chánh niệm để có thể thấy rõ ràng và gìn giữ lòng từ bi của mình. Suốt cuộc đời mình, tôi đã kinh nghiệm rằng một người không có từ bi là một người không thể có hạnh phúc. Không có năng lượng từ bi, ta sẽ bị cắt lìa khỏi thế giới. Ta không còn liên hệ gì với các loài khác. Vì vậy, ta ăn như thế nào để từ bi có mặt. Với ý thức về thiên nhiên và những loài khác trên trái đất, ta có thể học cách sản xuất thực phẩm và ăn như thế nào để sự sống trong và ngoài ta có thể tồn tại. Khi ta nuôi lớn ý thức này mỗi ngày, ta có thể ăn điểm tâm như thế nào để lòng thương của ta lớn lên và năng lượng nóng giận trong ta bắt đầu tan biến.
QUÁN NGUYỆN TRONG KHI ĂN
Thức ăn này là tặng phẩm của cả vũ trụ: đất, bầu trời, cơn mưa và ánh nắng mặt trời.
Chúng con xin cảm ơn những người đã làm ra thức ăn này, đặc biệt là người làm vườn, người đi chợ và người nấu ra thức ăn này.
Chúng con chỉ lấy đủ lượng thức ăn mà mình có thể ăn.
Chúng con nguyện nhai thật kỹ và thưởng thức từng muỗng thức ăn trước khi nuốt.
Chúng con nguyện ăn như thế nào để có thể nuôi dưỡng lòng từ bi, bảo vệ sự sống của các loài sinh vật, bảo hộ đất Mẹ và chuyển ngược quá trình hâm nóng địa cầu.
Thức ăn này cho chúng con thêm năng lượng để sống dễ thương và hiểu biết hơn.
Chúng con xin tiếp nhận thức ăn này để có thể khỏe mạnh, hạnh phúc và để thương yêu nhau như một gia đình.
Trong các khóa tu của chúng tôi, các em thích đọc những lời quán nguyện này cho cả tăng thân trước khi bắt đầu một bữa ăn. Các em cũng rất thích đọc và thực tập những lời quán nguyện trước khi ăn ở nhà hoặc ở trường.
THIỀN ĂN QUÀ
DỤNG CỤ: Thức ăn nhẹ, khay hoặc bát, khăn giấy; mỗi em một ly nước táo; chuông và dùi chuông.
Nên cho các em ăn các loại quà vặt lành, chẳng hạn như trái cây tươi hoặc khô, hạt, bánh bích quy làm từ các loại ngũ cốc lứt (không có nhiều chất phụ gia hoặc đường). Có thể cho các em uống nước táo trong loại ly có thể sử dụng nhiều lần để tránh xả rác, đồng thời chuẩn bị các thau nước để sau đó các em tự rửa ly của mình.
Sắp thức ăn nhẹ và khăn giấy trên khay hoặc trong bát. Chuyền khay một vòng để các em có thể tự lấy một ít. Sau đó, chuyền từng ly nước táo đến mỗi em.
Bây giờ, chúng ta có cơ hội thực tập thiền ăn. Khi các em chuyền khay đi, các em nâng khay để bạn ngồi bên có thể lấy thức ăn. Bạn ấy sẽ xá xuống trước khi lấy một khăn giấy và lấy thức ăn để lên đó. Sau đó, bạn ấy xá xuống một lần nữa rồi tiếp lấy khay để xoay qua bạn kế bên cho bạn ấy lấy khăn và thức ăn. Cứ như thế ta tiếp tục chuyền đi cho đến khi ai cũng có thức ăn.
Khi nâng khay cho bạn lấy thức ăn, các em nên thật sự nhìn vào mắt của bạn mình và thấy hạnh phúc với sự có mặt của bạn ấy. Xin các em chờ cho tất cả mọi người ai cũng có thức ăn rồi chúng ta sẽ cùng ăn và uống nước với nhau. Chúng ta sẽ ăn trong yên lặng để thực sự nếm và thưởng thức thức ăn.
Sau khi tất cả mọi người đều lấy thức ăn và nước, mời một em thỉnh chuông.
Nào, bây giờ chúng ta hãy cùng nhau thưởng thức bánh và nước trong yên lặng nhé.
Nếu thích, bạn có thể chuyền thức ăn thêm một vòng nữa.
Chúng ta cùng nhìn sâu vào miếng thức ăn này nhé. Các em cảm thấy như thế nào khi ăn trong im lặng?
[Thấy kỳ quá; em thích lắm ạ; buồn cười quá.]
Ăn trong im lặng khác thế nào với vừa ăn vừa xem ti-vi, vừa nghe nhạc hoặc làm bài tập?
[Ăn thế này em thấy mình có thể thưởng thức hơn.] Tại sao các em thích những thức ăn này?
Trong thức ăn này, các em thấy thành phần nào cần thời gian dài nhất để trồng trọt?
Thức ăn nào phải đi một quãng đường xa nhất mới đến được với chúng ta?
Các em có nếm được hương vị của mặt trời trong thức ăn không? Ngoài ra, các em còn nếm được những hương vị nào khác nữa?
[Mưa,người lái xe tải, những con giun đất đã làm cho đất trở nên tơi xốp.]
Vì thế, tất cả những cái đó đều làm nên thức ăn và nước trái cây, và những cái đó cũng trở thành một phần của ta khi ta ăn và uống nước trái cây.
Chúng ta hãy nhìn vào ly nước táo này. Một trái táo phải mất bao lâu để lớn lên?
[Từ mùa xuân tới mùa thu; vài tháng].
Về mặt kỹ thuật thì chỉ cần vài tháng để một bông hoa táo phát triển thành một trái táo, nhưng trước đó thì cây táo cần nhiều năm để lớn lên. Năm đầu tiên, cây táo không ra trái. Chúng ta cũng có thể nói rằng trái táo có vài năm tuổi, chứ không phải chỉ vài tháng tuổi.
Và trước khi “cây táo mẹ” có mặt phải có “cây táo bà”, vì vậy có thể nói rằng trái táo có tuổi bằng với tuổi của cây táo bà, và cứ như thế ta có thể đi ngược lại đến cây táo đầu tiên.
Vì thế, thực ra trái táo mà ta đang ăn có hàng ngàn năm tuổi! Nhìn trái táo theo cách này ta sẽ thấy thật là đặc biệt khi được ăn một trái táo! Qua bao nhiêu năm dài như vậy mới có mặt một trái táo, vậy mà chúng ta chỉ ăn nó trong một vài giây.
Vì trái táo đã đi qua một thời gian dài như vậy mới đến được với chúng ta, sẽ dễ thương hơn nếu ta thưởng thức nó một cách thong thả. Chúng ta có thể học ăn tất cả các thức ăn theo cách này.
Khi chúng ta thiết lập được cách ăn này như một nghi thức và lập lại một cách thường xuyên thì các em sẽ quen dần và chính các em sẽ muốn làm như thế. Đó là thời gian mọi người lắng xuống trong ngày, thời gian mà ta sẽ tận hưởng sự có mặt của nhau cùng với năng lượng định tâm. Khi được hỏi điều gì các em thích nhất trong chương trình thiếu nhi, vài em đã cho biết các em thích nhất là thiền ăn quà.
Quán chiếu của các học sinh lớp 9 về thiền ăn cam[3]
YEON JU: “Lúc đầu con không hiểu tại sao mình phải tốn nhiều thời gian như thế để chỉ suy nghĩ về một trái cam. Đơn giản là có người hái trái cam, người nông dân, người bán cam ở chợ. Nhưng rồi nhớ lại bài thơ của Sư Ông mà chúng con đọc trong lớp nhắc đến việc để làm nên trang giấy này, mưa phải rơi xuống cho cây cối lớn lên, con đã có thể tập trung vào ý nghĩa sâu sắc hơn của sự thực tập này. Nghĩa là vượt ra khỏi suy nghĩ rằng trái cam này là một vật đơn giản, nó có trên tay con một cách tự nhiên mà không phải đi qua một quá trình có dính líu tới cả ngàn chuyện khác. Trước khi có người hái cam, hay thậm chí người trồng cam, phải có sự tồn tại của Trái đất. Nghe có vẻ hơi cường điệu khi phải đi ngược lại đến thời tiền sử chỉ để nói đến việc xuất hiện của một trái cam. Nhưng cũng như toàn thể loài người, để có sự tồn tại của chúng ta vào thời điểm này, cũng cần một thời gian dài không kém.
Tóm lại, con đã học được rằng chúng ta không nên nghĩ rằng mọi thứ là điều dĩ nhiên, chúng ta nên nghĩ đến thời gian và quá trình hình thành nên nó, bao nhiêu công sức và thời gian đã bỏ ra chỉ để làm nên một vật đơn sơ. Qua đó, con đã học biết ơn, biết quan tâm và ý thức hơn về những cái xung quanh”.
AKASH: “Ở nhà con, khi ăn chẳng ai nghĩ đến những gì người khác trải qua để ta có thể thưởng thức thức ăn mà mình có. Khi chúng ta bắt đầu thiền ăn cam, con đã nghĩ đến những gì mà người ta đã làm, lần đầu tiên trong đời con đã gửi lòng biết ơn đến những người mà con không hề quen biết. Điều đó làm con nhận ra sao mình may mắn đến như thế. Nó cũng làm con nghĩ đến tất cả mọi thứ mà con ăn, uống đều có vẻ như là chuyện không đáng kể nhưng chúng ta lại phải phụ thuộc vào rất nhiều người khác để có được thực phẩm cần dùng.”
THIỀN NHO
DỤNG CỤ: Chuẩn bị cho mỗi em một hạt nho khô hoặc một miếng trái cây cỡ nhỏ.
Có rất nhiều cách thiền tập. Bây giờ, chúng ta sẽ có cơ hội được thực tập thiền ăn nho khô.
Chuyền nho khô cho các em. Mỗi em chỉ lấy một hạt, cầm trong tay nhưng không ăn.
Các em hãy giữ hạt nho khô trong tay. Hãy ngửi hạt nho. Chú ý đến màu sắc của hạt nho. Cảm nhận hạt nho trong tay (dẻo, khô, săn chắc, mềm…). Các em nhắm mắt lại và thở trong khi cô/ thầy thỉnh một tiếng chuông nhé.
Nhấp chuông và thỉnh một tiếng.
Các em tiếp tục nhắm mắt nhé và các em hãy thong thả ăn hạt nho khô trong yên lặng. Để ý đến tất cả các cảm giác: để ý đến hương vị của hạt nho khô. Dừng lại một chút. Để ý đến lưỡi của các em, chỗ nào trên lưỡi các em cảm thấy vị nho. Dừng lại một chút. Các em để ý đến lúc mình đang nhai hạt nho khô giữa hai hàm răng rồi từ từ trôi xuống cổ họng. Dừng lại một chút. Các em có cảm nhận được nho khô đang nằm trong bụng mình không?
Khi thấy các em đã hoàn tất phần thực tập, bạn thỉnh một tiếng chuông nữa.
Bây giờ, các em có thể mở mắt ra. Các em có nhận xét gì? Các em cảm thấy thế nào khi ăn một cái gì đó thật là chậm và với tất cả sự chú tâm của mình? Nó khác với cách ăn thông thường của các em như thế nào? Giờ thì mình đã ăn xong hạt nho khô rồi, hạt nho khô đã trở thành cái gì? Hạt nho khô đã đi đâu rồi?
Hạt nho khô được làm bằng những yếu tố nào? Viết những câu trả lời của các em lên bảng. Giúp các em thấy được tính tương tức của hạt nho khô – nó được làm bằng mưa, mây, ánh nắng và những người hái nho. Sau đó, hướng dẫn các em nhìn vào tự tánh tương tức của chúng ta qua câu hỏi Còn chúng ta thì sao; chúng ta được tạo bằng những yếu tố nào? Và cũng viết lên bảng những câu trả lời của các em.
[Chúng ta được tạo nên bởi cha mẹ, thức ăn mà ta ăn, sách mà ta đọc, không khí mà ta thở, nước mà ta uống]
Hãy tìm ra những mối liên hệ kết nối giữa chúng ta và hạt nho. Khuyến khích các em viết một bài thơ về hạt nho khô, sử dụng những từ ghi trên bảng.
Ngoài ra, có thể thêm bất cứ vật liệu nào sau đây cũng được: quế, nho khô, hạt bí, sôcôla vụn, dừa khô vụn, chà là khô, hạt hạnh nhân cắt nhỏ.
Nếu có em bị dị ứng với đậu phộng thì ta có thể thay thế bằng bơ hạt hướng dương.
DỤNG CỤ: Một tô lớn, giấy nướng bánh hoặc khay nướng, khăn giấy cho mỗi em, và tủ lạnh (nếu muốn).
Trước tiên, chúng ta cần phải rửa tay cho sạch sẽ. Có hai bài thơ ngắn chúng ta có thể đọc khi rửa tay.
Đọc bài kệ lên trong khi các em rửa tay.
Vặn nước
Nước từ nguồn suối cao
Nước từ lòng đất sâu
Nước mầu nhiệm tuôn chảy
Ơn nước luôn tràn đầy.
Rửa tay
Vặn nước để rửa tay
Xin nguyện cho mọi người
Có đôi bàn tay khéo
Gìn giữ Trái đất này.
Cách thực hiện bánh viên bi bơ đậu phộng
Trộn tất cả các nguyên liệu lại với nhau. Thêm yến mạch khô vào để làm hỗn hợp thêm đặc, hoặc cho thêm mật ong để hỗn hợp bớt đặc. Nếm thử xem đã vừa miệng chưa. Cho thêm những nguyên liệu mà bạn thích.
Khi bột vừa dẻo, lấy một miếng nhỏ và vo vo giữa hai lòng bàn tay để tạo thành một viên tròn cỡ quả bóng bàn. Làm ướt tay để không bị dính bột. Các em có thể tự đặt ra một bài kệ làm bánh. Bỏ bánh lên miếng giấy nướng. Khi tất cả đã được vo viên, đặt khay bánh vào tủ lạnh cho đến giờ ăn.
Công thức thay thế: Bánh viên bi bằng cà rốt, yến mạch, hạt carob và nho khô
NGUYÊN LIỆU: 1 cup[4] yến mạch, 1 cup cà rốt đã bào thành sợi nhỏ, ½ cup bột carob/bột cacao, ½ cup nho khô, nước táo, hạt đã được xay nhuyễn thành bột (hạt gì cũng được), dừa khô sấy dùng để rắc lên bánh (coconut flakes).
Gọt vỏ và bào cà rốt thành sợi nhỏ. Bỏ tất cả các nguyên liệu khô vào trộn đều, trừ dừa khô (coconut flakes). Đổ nước táo vào vừa đủ để hỗn hợp ráo và dính lại với nhau nhưng không quá khô. Nặn thành các viên bi tròn. Rải dừa khô xay nhuyễn lên một cái đĩa. Lăn các viên bi qua để dừa bám đều lên viên bi. Có thể để dành lại một vài viên bi không lăn trong dừa để cho những ai không thích dừa.
Các em có thể thấy đám mây trong các viên bơ đậu phộng không? Có thấy một chiếc xe tải lớn không? Các em có thể thấy rất nhiều người trong viên đậu phộng không? Nếu các em nhìn sâu, các em có thể thấy tất cả các thứ đó – và nhiều thứ khác nữa. Cô/thầy sẽ giúp các em nhé. Bơ đậu phộng làm bằng gì nào?
[Bằng đậu phộng]
Đậu phộng đến từ đâu? [Từ cây đậu phộng]
Cây đậu phộng cần gì để lớn lên? [Cần mưa]
Mưa đến từ đâu? [Từ mây]
À, thế nghĩa là có mây trong các viên bơ đậu phộng đúng không các em? Ta không thể có được những viên bơ đậu phộng này nếu không có những đám mây, phải không nào? Cô/thầy còn thấy cả một chiếc xe tải lớn trong những viên bơ đậu phộng này nữa đó. Các em có thấy nó không? Các em có thể giải thích làmthế nào mà chiếc xe ấy lại có mặt trong đó không? (Công nhận tất cả các câu trả lời nào nói lên tính tương tức, ví dụ như “chiếc xe tải phải chuyên chở đậu phộng từ nông trại đến cửa hàng).
Các em còn thấy thêm gì nữa? Đây có thể là một cuộc thảo luận rất sôi nổi. Dĩ nhiên, không có cái gì mà không có mặt trong các viên bơ đậu phộng. Vì vậy, tất cả các câu trả lời đều đúng!
[Em thấy nước Brazil vì cacao được trồng ở đó. Em thấy ánh nắng vì hướng dương cần nắng. Em thấy những người hái đậu.]
Tiếp tục cuộc thảo luận cho đến khi không ai có ý gì nữa, hoặc đến khi có em nhận ra rằng tất cả mọi người và mọi vật đều nằm trong mọi người và mọi vật, đó là tất cả ở trong một.
Tạo sao chúng ta cần phải biết rằng mọi người và mọi loài có mặt trong nhau? Tại sao chúng ta cần phải thấy đám mây, chiếc xe tải, mọi người và mọi vật, trong đó có cả chính bản thân mình đang có mặt trong viên bơ đậu phộng và trong nhau?
[Để chúng ta nhớ quan tâm chăm sóc cho tất cả mọi thứ. Để chúng ta không cảm thấy cô đơn nữa. Để chúng ta thấy yêu thương tất cả mọi người.]
VẼ SỰ TƯƠNG TỨC
DỤNG CỤ: Giấy, bút màu.
Có thể vẽ riêng hoặc vẽ theo nhóm. Bạn có thể làm một tấm poster, ở chính giữa bạn vẽ một cái bánh bích quy, một trái táo, hạt nho khô, hoặc thức ăn nhẹ mà bạn thường ăn. Cho các em vẽ xung quanh tất cả những thứ làm nên thức ăn đó: mặt trời, mưa, đại địa, cây cối, người nông dân, động vật… Sau đó, trưng bày tấm poster trong phòng học để nhắc nhở mọi người về tự tính tương tức của thức ăn.
[1] Trích từ cuốn sách I Have Arrived, I Am Home: Celebrating Twenty Years of Plum Village Life, Thích Nhất Hạnh (Berkeley, CA: Parallax Press, 2003).
[2] Trích từ tác phẩm Peaceful Kingdom: Random Acts of Kindness by Animals (tạm dịch: Vương quốc bình an: Những hành động đầy từ bi của các loài thú) của tác giả Stephanie Laland (Newburyport, MA: Conari Press, 2008).
[3] Các học sinh của lớp cô Meena Srinivasan, trường American Embassy tại Delhi, Ấn Độ.
NẾU BẠN GIEO MỘT HẠT BẮP và tưới nước cho nó, trong vòng một vài tuần hạt bắp sẽ nảy mầm và lớn lên. Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn cúi thấp xuống và trò chuyện với cây bắp. Bạn hỏi cây bắp: “Này bạn bắp con thân mến, bạn có nhớ hồi bạn còn là một hạt bắp không?” Nếu có thể nói được, cây bắp con sẽ trả lời như thế này: “Tôi hả, tôi mà là hạt bắp đó hả? Tôi không tin đâu!” Có thể cây bắp đã quên bẵng rằng mình đã từng là một hạt bắp. Vậy nên, bạn nói cho cây bắp con biết: “Này bắp con thân mến, tôi biết rõ lắm. Chính tôi là người trồng bạn trong cái chậu này. Tôi chắc chắn rằng bạn đã từng là một hạt bắp. Tôi tưới nước cho bạn mỗi ngày, và một ngày kia bạn đã nảy mầm và mọc lên những chiếc lá non đầu tiên.” Giả dụ rằng bạn tả lại cái gì đã xảy ra cho cây bắp, có lẽ bạn ấy sẽ nhớ lại mình tới từ đâu.
Chúng ta cũng giống như cây bắp con đó. Khi mẹ bắt đầu mang thai, chúng ta cũng là một cái hạt nhỏ xíu nằm trong bụng mẹ, nhỏ hơn hạt bắp nhiều lắm. Cái hạt ấy chứa trong nó cả cha lẫn mẹ. Chúng ta là sự tiếp nối của cha mẹ, nhưng ít ai trong chúng ta còn nhớ điều ấy. Sau khi đậu thai, cái hạt giống bé xíu ấy bắt đầu nhân ra rất nhanh. Trong một tiếng đồng hồ đầu tiên sau khi thụ thai, cái hạt giống ấy được nhân lên thành một ngàn tế bào. Và chúng ta tiếp tục lớn lên từ từ theo cách đó.
Phần đông chúng ta đã có một quãng thời gian tuyệt vời trong bụng mẹ. Môi trường ở đó thật là hoàn hảo! Chúng ta ở một nơi thật êm ái, được nước bao bọc và ta bập bềnh trong đó rất thoải mái. Mẹ thở cho ta, ăn cho ta và mỉm cười cho ta. Ta chẳng cần phải làm bất cứ một điều gì, ta chỉ tận hưởng mà thôi.
Trong tiếng Việt có một danh từ rất đẹp để diễn tả, đó là “tử cung”, tức là cung điện của đứa con. Chúng ta được ở trong “cung điện” đó khoảng chín tháng, không cần phải lo lắng gì cả. Ở đó không hề có lo lắng, sợ hãi, tham vọng – đó đích thực là một thiên đường.
Nhưng đến khi chúng ta được sinh ra, mọi thứ hoàn toàn thay đổi. Trước đó, chúng ta được gắn liền với mẹ qua sợi dây rốn, qua đó ta nhận được không khí và dưỡng chất từ mẹ. Khi ta ra đời, cái dây rốn bị cắt đi và ta phải tự lập. Đó là một giây phút khó khăn và nguy hiểm, bởi mẹ không còn thở giùm ta nữa. Ta phải tự thở. Khó khăn lắm ta mới thở được vì có chất lỏng trong phổi. Ta đã phải cố gắng đẩy nó ra ngoài để hít vào một hơi thở đầu tiên. Khi có thể thở được, ta biết rằng mình sẽ tồn tại. Ta sợ rằng mình không thể sống sót. Đó là lần đầu tiên ta trải qua nỗi sợ hãi.
Sau khi lọt lòng mẹ, chúng ta không thể làm bất cứ cái gì cho chính mình. Người khác phải chăm sóc cho ta. Chúng ta không có khả năng làm gì cả. Ta có tay, có chân nhưng lại chưa biết cách sử dụng chúng. Ta phải nương vào cha mẹ và chúng ta bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Cùng với nỗi sợ hãi nguyên thủy là một khát khao đối với sự sống. Đó chính là khát khao đầu tiên. Khi lớn lên, ta có những khát khao khác, nhưng chúng chỉ là sự tiếp nối của sự khát khao nguyên thủy – khát khao được sống.
Có thể chúng ta cũng hành xử như hạt bắp kia. Ta quên mất rằng mình đã từng nằm trong bụng mẹ. Chúng ta rất ngạc nhiên khi biết mình đã từng là một hạt giống nhỏ xíu. Có thể chúng ta chưa hoàn toàn quên hết, ta chỉ gần như quên hết cái thuở vô cùng thoải mái trong cung điện của bé thơ, trong cái thiên đường đó. Có đôi khi ta cảm thấy một cái gì như nỗi nhớ thiên đường, khi ấy ta biết mình vẫn chưa hoàn toàn quên cái thiên đường ta đã từng cư ngụ trong chín tháng.
Có một điều mà ta nên nhớ. Đó là chúng ta đã bắt đầu từ một hạt giống nhỏ xíu và cái hạt đó có chứa cha mẹ và cả ông bà, tổ tiên. Cũng tương tự như cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp.
Chúng ta là sự tiếp nối của cha mẹ. Đó là một sự thật. Nếu chúng ta nhìn nhận sự thật cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp thì chúng ta cũng chấp nhận sự thật mình là tiếp nối của cha mẹ hay của người nuôi dưỡng ta (những người này có thể không phải là cha mẹ ruột nhưng là những người đã nuôi dưỡng ta).
Bạn có thể đến bên cha mình, nhìn cha và nói như thế này: “Cha ơi! Cha có biết rằng con là sự tiếp nối của cha không?” Thực ra khi bạn là sự tiếp nối của một người thì bạn không hẳn là một thực thể hoàn toàn khác biệt với người đó. Cây bắp con không thể nói: “Tôi không biết gì về hạt bắp. Tôi hoàn toàn khác với hạt bắp đó”. Đó không phải là sự thật bởi vì cây bắp từ hạt bắp mà ra. Cây bắp là một với hạt bắp. Cây bắp nhìn không giống hạt bắp nhưng nó lại là sự tiếp nối của hạt bắp.”
Khi một cô bé giận cha của mình thì điều gì xảy ra? Cô bé ấy thực ra đang giận chính mình, bởi cô bé là sự tiếp nối của cha. Khi thiền tập, chúng ta nhận diện được cha ở trong ta và cha có mặt nơi mỗi tế bào cơ thể của ta. Thở vào, ta chào cha trong từng tế bào của cơ thể ta. Thở ra, ta mỉm cười với mẹ trong từng tế bào của cơ thể ta. Trên thực tế, mỗi tế bào trong cơ thể của ta chứa đựng sự có mặt của cha mẹ và ông bà, tổ tiên. Ta chỉ là sự tiếp nối của của các vị ấy mà thôi.
Khi ta giận mẹ thì cũng giống như ta đang giận chính mình. Không thể nói mẹ của bạn và bạn là hai người khác nhau. Nhưng chúng ta cũng không thể nói rằng mẹ của bạn và bạn cùng là một người. Bạn và cha bạn không hẳn là một người, nhưng bạn cũng không hoàn toàn khác với cha của bạn. Đó gọi là “không một, không khác”. Đó chính là giáo lý của Bụt.
Khi nhìn vào album hình của gia đình và thấy tấm hình của mình hồi còn 5 tuổi, chúng ta tự hỏi: “Có phải tôi vẫn chính là em bé 5 tuổi trong hình này không?”. Giờ đây, chúng ta đã 30, 40 tuổi, chúng ta trông rất khác với cậu bé hay cô bé trong hình. Nói rằng mình vẫn là em bé đó thì khó tin quá, nhưng thật ra mình chính là sự tiếp nối của em bé đó. Thân thể, cảm thọ, tri giác của chúng ta giờ đây đã khác đi nhưng chúng ta lớn lên từ em bé đó.
Nếu có ai hỏi bạn, bạn có phải là một với em bé đó không, bạn có thể trả lời rằng: “Dạ, có vẻ như tôi không hoàn toàn giống với em bé đó vì giờ đây hình dáng, cảm xúc của tôi khác xưa. Nhưng tôi và em bé đó cũng không phải là hai người hoàn toàn khác biệt đâu, bởi vì em bé đó đã trở thành tôi, tôi chính là sự tiếp nối của em bé đó”. Đây chính là cái mà Bụt gọi là Trung Đạo – nghĩa là ta và em bé không phải là một người, cũng không phải là hai người. Đây là giáo lý “không một, không khác”. Bạn nên dành thời gian để chia sẻ với cha mẹ của bạn về điều này. Sự thật là nếu bạn giận cha thì cũng như là bạn đang giận chính mình. Không có cách nào để bạn tách cha hay mẹ ra khỏi bạn được. Đó là lý do tại sao ta nên thực tập hòa giải với cha mẹ trong bản thân mình.
Có một bạn trẻ rất giận cha, anh tuyên bố: “Cái ông đó, tôi không muốn dính líu gì đến ông ấy cả”. Thế nhưng anh không thể nào lấy cha ra khỏi mình được, không có cách nào cả bởi anh chính là sự tiếp nối của cha. Mẹ của ta chính là ta, đó là sự thật. Cha của ta cũng chính là ta. Đó là một sự thật. Tôi không phải là một thực thể hoàn toàn tách rời cha, tách rời mẹ. Chính Bụt đã nhắc nhở chúng ta điều này. Vậy khi nào bạn có khó khăn với cha hay với mẹ, hãy suy nghĩ lại. Hãy nhìn sâu và cố gắng giải quyết khó khăn dưới ánh sáng của những lời Bụt dạy. “Không một, không khác” là một giáo lý rất thâm sâu của Bụt.
Chúng ta có thể nghe và tập hát bài Tưới tẩm hạt giống tốt (Bạn có thể tìm thấy trên trang nhà Làng Mai hoặc quét QR-code sau):
Bài hát này giúp ta thấy rằng ta là sự tiếp nối của cha mẹ và các thế hệ tổ tiên. Đây là một bài tụng do tôi sáng tác và các học trò đã phổ nhạc.
Bài tụng bắt đầu như sau:
Con có cha, có mẹ
Cha mẹ có trong con
Nhìn mẹ cha con thấy
Có con trong cha mẹ.
Nuôi dưỡng lòng từ bi và ý thức cộng đồng
THỰC TẬP LÀM MỚI TRONG GIA ĐÌNH
DỤNG CỤ: Chuông, dùi chuông, một bình hoa.
Tại Làng Mai trong các khóa tu, trước ngày thực tập Làm mới, chúng tôi hướng dẫn các em làm thiệp để tặng cho cha mẹ (hoặc người thân đi cùng). Các em trang trí thiệp cho thật đẹp và viết vào đó tình thương của mình dành cho cha mẹ, về những điều mình trân quý nơi cha mẹ. Các em sẽ tặng thiệp này cho cha mẹ hoặc người thân trong giờ thực tập Làm mới. Chúng tôi cũng thông báo cho phụ huynh biết trước để họ mang đến buổi Làm mới một món quà tự làm, sử dụng vật liệu từ thiên nhiên. Món quà này thể hiện những phẩm chất mà họ trân quý nơi con em của mình.
Sự thực tập này giúp phụ huynh và các em biết trân quý lẫn nhau. Một cậu bé 4 tuổi cảm ơn mẹ đã luôn rửa bát đĩa cho cả nhà. Một bà mẹ quỳ một cách nghiêm trang khi lần lượt bày tỏ lòng trân quý với từng đứa con đang ngồi trước mặt mình. Đây là một thực tập rất đẹp và cảm động cho bất kỳ ai đến tham dự.
Nếu có thời gian, chúng ta có thể khuyến khích các em làm vài món đặc biệt để đãi phụ huynh khi bắt đầu buổi thực tập Làm mới. Nếu không thì một khay bánh ngọt, trang trí cho đẹp mắt là được. Bắt đầu buổi Làm mới bằng cách nhẹ nhàng chuyền khay bánh đến từng người và mời mọi người im lặng thưởng thức bánh trong vài phút.
Sắp xếp buổi thực tập Làm mới giống như buổi Làm mới của người lớn (xin tham khảo chương 3). Mọi người ngồi thành vòng tròn, phần lớn các em muốn ngồi gần ba mẹ hay người thân. Giữa vòng tròn, ta đặt một bình hoa. Các em sẽ mang bình hoa đến đặt trước mặt người mà các em muốn làm mới, vì vậy tốt nhất bình hoa nên nhỏ và gọn để các em dễ cầm và mang đi.
Ta có thể bắt đầu bằng một bài hát. Rồi khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, một em nhỏ có thể thỉnh ba tiếng chuông trước khi chúng ta hướng dẫn về cách thực tập Làm mới.
Những điểm cần nhắc đến khi hướng dẫn về phương pháp Làm mới:
Sự thực tập chính yếu trong phương pháp Làm mới là bày tỏ sự trân quý của mình đối với những người mà mình thương yêu và xin lỗi về những vụng về, thiếu sót mà mình đã gây ra. Trong cuộc sống hàng ngày, khi ta không thực tập hai điều này một cách thường xuyên thì quan hệ của ta với người khác sẽ trở nên bế tắc. Sự truyền thông trở nên khó khăn vì những tổn thương chồng chất theo năm tháng. Ta không còn tươi mát, hạnh phúc khi những cái đẹp, sự khéo léo và tài năng của chúng ta không được trân quý và nuôi dưỡng. Chúng ta cần phải thực tập hai điều này một cách thường xuyên, tốt nhất là mỗi tuần một lần. Tối thứ Sáu có vẻ là thời gian thích hợp nhất để sau đó cả nhà có thể cùng nhau tận hưởng những ngày cuối tuần.
Bày tỏ sự trân quý của mình là thực tập “tưới hoa”, bởi vì ai trong chúng ta cũng đều có một đóa hoa – đó là sự tươi mát, hài hước, vui vẻ và vô tư trong ta. Chúng ta cần phải giúp tưới tẩm những đóa hoa đó, giữ cho đóa hoa đó tươi tắn mãi trong những người ta thương yêu. Thông thường chúng ta chỉ nói ra những điểm tiêu cực khi có vấn đề, nhưng chúng ta lại quên không để ý đến bao nhiêu điều tích cực đang diễn ra hàng ngày. Con cái của chúng ta đang khỏe mạnh, người bạn đời của ta luôn giúp ta quán xuyến việc nhà. Ta không nên chỉ than phiền khi mọi việc không suôn sẻ, mà nên dành thời gian để nhận diện tất cả những điều tốt đẹp mà ta tri ân. Khi hoa của ta được tưới thường xuyên, ta sẽ dễ chấp nhận những đóng góp xây dựng từ người khác và ta sẽ vui vẻ thay đổi cách hành xử của mình để cho gia đình được hạnh phúc hơn.
Sự thực tập Làm mới có thể giúp ta nuôi dưỡng cách nhìn tích cực và lạc quan đối với những người mình thương yêu. Khi hoa của một người được tưới, ai cũng sẽ cảm thấy như hoa của chính mình được tưới.
Sau khi hướng dẫn cách thực tập Làm mới, người chủ tọa nên thực tập tưới hoa trước để làm mẫu cho mọi người.
Chúng ta có thể mời các em đọc nội dung đã viết trong tấm thiệp nếu các em thấy thích, còn không thì các em chỉ cần trao tấm thiệp cho cha mẹ hoặc người thân. Sau khi tất cả các em đã thực tập Làm mới xong, phụ huynh có thể tặng món quà làm từ thiên nhiên cho các em và bày tỏ cho các em biết món quà đó đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp nơi các em như thế nào.
Nếu còn thời gian, chúng ta có thể mời phụ huynh chia sẻ thêm về những điều cụ thể họ có thể làm để gia đình thêm hạnh phúc. Đây là một cách tích cực để chia sẻ về sự hối tiếc và quyết tâm làm hay hơn trong tương lai. Vài phụ huynh chia sẻ mong muốn làm việc ít lại để dành thời gian nhiều hơn cho con, hoặc kiên nhẫn hơn và chăm sóc bản thân tốt hơn để bớt bực bội và cáu gắt đối với con cái. Một số phụ huynh khác chia sẻ mong muốn tôn trọng con cái hơn và cho con nhiều không gian để chúng được là chính mình. Và sau đó thì các em có thể chia sẻ. Thông thường, các em chia sẻ rất dễ thương và đưa ra những giải pháp rất cụ thể. Vài em thì hứa sẽ cố gắng chú ý lắng nghe khi cha mẹ yêu cầu làm việc gì, mà không cần đợi cha mẹ phải nhắc đi nhắc lại hàng chục lần rồi mới làm. Một số em khác bày tỏ sự ăn năn vì các em đã không dễ thương với các anh chị em của mình. Các em mong muốn chia sẻ nhiều hơn và ít đánh lộn với anh chị em của mình.
Nếu những người tham dự cảm thấy thoải mái, ta có thể kết thúc buổi Làm mới bằng cách mời mọi người thực tập thiền ôm với nhau.
THIỀN ÔM
Đứng đối diện với một người thân trong gia đình. Nhìn vào mắt người đang đứng đối diện (nếu người lớn quá cao so với các em thì người ấy có thể quỳ gối). Chắp tay lại và xá chào nhau. Nhẹ nhàng và chậm rãi ôm người kia vào lòng. Thở ba hơi thở vào ra trong khi ôm nhau. Với hơi thở đầu, chúng ta ý thức rằng mình đang còn sống. Với hơi thở thứ hai, chúng ta ý thức rằng người kia vẫn đang còn sống, còn có mặt đó cho mình. Với hơi thở thứ ba, chúng ta cảm thấy hạnh phúc và biết ơn được ôm người ấy trong vòng tay của mình. Sau đó, hai người nhìn nhau và chắp tay búp sen để xá chào nhau lần nữa.
THỰC TẬP TƯỚI HOA
DỤNG CỤ: Bút màu, bút chì hoặc bút viết bảng; và mỗi em được một tấm giấy vẽ sẵn một bông hoa lớn có nhụy là một vòng tròn làm tâm điểm, số cánh hoa bằng với số người trong vòng tròn chia sẻ.
Mọi người ngồi thành vòng tròn, mỗi em viết tên của mình trong vòng tròn tâm điểm. Sau đó, viết bất kỳ một phẩm chất tốt đẹp hoặc một điểm mà các em thích nơi chính mình lên một cánh hoa. Nếu em nào không viết được nhiều thì khuyến khích các em vẽ vào cánh hoa một cái gì đó hoặc người nhà có thể giúp ghi lại lời của các em.
Tất cả mọi người chuyền bức tranh của mình cho người ngồi bên trái. Sau đó, mọi người điền vào cánh hoa kế tiếp trong bức tranh một phẩm chất tốt đẹp của người có tên trên bức tranh đó. Kết thúc buổi sinh hoạt, ai cũng nhận được một bông hoa đầy phẩm chất tốt đẹp của chính mình do từng người trong nhóm tặng.
Bạn có thể sử dụng bài thực tập tương tự để nói lên điểm mạnh của các em bằng cách cho mỗi em vẽ một mặt trời với các tia sáng tỏa ra. Dán ảnh của các em, hoặc cho các em tự vẽ khuôn mặt của chính mình nơi mặt trời. Và mỗi người có thể viết vắn tắt phần tưới hoa cho các em trên một tia sáng.
Bạn cũng có thể thực hành bài tập này mà không cần hình vẽ, chỉ cần tạo cơ hội cho các em “tưới hoa” cho từng bạn trong vòng tròn. Các em có thể khen ngợi, cảm ơn hoặc lưu ý tới những điểm tích cực của bạn mình.
Có một cô giáo dạy lớp năm ở Đức phát cho mỗi học sinh trong lớp cô dạy một tờ giấy, trên đó ở cột bên trái có ghi tên tất cả thành viên trong lớp (và cả tên của cô nữa). Mỗi học sinh viết một câu cạnh một tên, nói lên sự cảm kích của mình đối với thành viên đó. Sau đó, cô giáo thu lại những tờ giấy và cẩn thận cắt tất cả những câu tích cực dành cho một học sinh rồi dán chúng vào một tờ giấy khác, copy nó rồi phát ra cho mỗi thành viên trong lớp. Làm như thế hơi tốn công một chút, nhưng cô để ý thấy sau đó không khí trong lớp học trở nên ấm áp và cởi mở hơn.
TIẾP XÚC VỚI TÍNH BỤT TRONG TA
Chúng ta biết rằng trong mỗi chúng ta đều có một vị Bụt. Vị Bụt đó dĩ nhiên không phải là một người đã sống cách chúng ta hàng ngàn năm, cái mà chúng ta muốn nói đến là tính Bụt – bản chất của một vị Bụt. Tính Bụt có trong mỗi chúng ta. Theo các em thì tính Bụt là gì?
Nếu các em cần sự giúp đỡ để có thể nêu ra những đức tính đẹp, bạn có thể đề nghị như thế này:
Hãy nghĩ đến một người mà các em vô cùng thương mến. Thỉnh thoảng em có thấy tính Bụt nơi người ấy hay không? Người đó làm gì để cho em thấy tính Bụt của người ấy?
Thường thường thì mình dễ thấy tính Bụt nơi người mà mình thương. Nhưng tính Bụt có trong tất cả mọi người, ngay cả những người mình thấy không thích gì cả. Các em hãy nghĩ đến một người mà các em không thích gì mấy. Có khi nào các em thấy tính Bụt của người ấy xuất hiện dù chỉ một chút thôi?
Tính Bụt ấy ra sao?
[Người ấy mỉm cười; có lần người ấy nói một điều gì đó dễ thương với một người bạn của em; người ấy thích con mèo của em]
Tại sao ta cần nhận ra tính Bụt trong ta và trong những người xung quanh?
[Để ta có thể thương chính mình và thương người khác; Để ta có hạnh phúc và làm người khác hạnh phúc; để tất cả chúng ta đều có bình an]
Cái gì có thể giúp tính Bụt của ta lớn hơn, đẹp hơn? Khi các em ngồi thở trong chánh niệm, khi em đi trong chánh niệm và ăn trong chánh niệm, em có cảm thấy tính Bụt trong em trở nên sống động hơn không?
XÁ CHÀO NHAU
DỤNG CỤ: Bút lông đủ màu.
Xá chào là một hình thức truyền thông rất sâu sắc. Trong truyền thống đạo Bụt, một cái chắp tay xá chào có thể được dùng để thể hiện một lời chào hỏi, cảm ơn, tạm biệt hoặc xin lỗi. Tuy nhiên, xá chào không chỉ là vì lịch sự. Xá chào còn là một cách để công nhận và trân quý tính Bụt, hay sự tỉnh thức trong mỗi chúng ta. Ta chắp hai tay lại thật trang trọng tạo thành một búp sen trước ngực. Rồi ta nhìn vào mắt của người kia và mỉm cười. Thở vào, ta nói thầm “Sen búp xin tặng bạn”, thở ra, ta xá xuống “Một vị Bụt tương lai”. Sau đó, ta thẳng người lên và nhìn vào mắt của người kia, mỉm cười. Đó chẳng phải là một món quà sẵn có để tặng người khác hay sao? Bây giờ, các em có thể thực hành với một bạn khác.
Cho phép mỗi em đủ thời gian để thực tập xá chào bạn. Thay vì sử dụng hình ảnh búp sen, các em cũng có thể tặng một cái gì khác cho một người bạn hay một người thân trong gia đình. Ví dụ như chắp hai tay lại, nhìn vào mắt của người kia, bạn có thể nói thầm “Quả táo xin tặng bạn, một vị Bụt tương lai” hay “Một ngày nắng đẹp xin tặng bạn, một vị Bụt tương lai”, hoặc “Một
nụ cười tặng bạn, một vị Bụt tương lai”, rồi xá xuống.
Cho các em đủ thời gian để mỗi em đều được thực tập xá với một bạn khác và với bạn – người hướng dẫn, và “tặng” bất kỳ cái gì mà các em thích.
Em cảm thấy như thế nào khi xá một vị Bụt trong người khác? [Em thấy vui, cũng giống như khi em tưới những hạt giống
hạnh phúc trong bạn em vậy]
Em cảm thấy thế nào khi người khác xá chào em?
[Em thấy vui, biết ơn, và cảm thấy mình được thương yêu]
Khi nào có dịp, các em cũng có thể thực tập xá chào những người thân trong gia đình theo cách mình vừa học nhé.
Mời các em vẽ những khuôn mặt đơn giản trên hai ngón tay cái của bạn mình bằng bút màu. Những anh bạn “Ngón cái” này có thể thực tập xá chào nhau một cách kính cẩn, có thể nói chuyện với nhau hoặc hát cho nhau nghe.
Ta cần chia sẻ cho các em biết là chúng ta có thân thể này, nhưng bây giờ, với hệ thống đệ nhị thân, chúng ta sẽ có một thân thể thứ hai. Ta sẽ quan tâm đến một người khác trong nhóm giống như quan tâm đến chính bản thân ta. Ta sẽ chăm sóc, lo lắng cho thân thứ hai của ta với tất cả thương yêu. Nếu ta đi chơi hay tham gia một sinh hoạt ở trường, ta sẽ làm sao để đệ nhị thân của ta cũng tham gia cùng với ta mà không bị bỏ lại phía sau. Trước khi cả lớp cùng đi đâu đó, giáo viên có thể cho học sinh “kiểm tra đệ nhị thân”. Nếu đệ nhị thân không có mặt, học sinh phải báo cho giáo viên biết bạn mình đang ở đâu (đang ở trong nhà vệ sinh hay bị bệnh…). Như thế, mỗi em học sinh sẽ quen dần với việc chăm sóc một bạn khác và cũng quen với việc nhận sự chăm sóc từ một người khác.
Nếu đệ nhị thân của ta buồn, bệnh hay có chuyện phiền lòng, ta sẽ cố gắng giúp đỡ, hoặc nhờ người khác giúp. Nếu đệ nhị thân của ta phải nghỉ học, ta cố gắng giúp bạn theo kịp bài vở. Thỉnh thoảng ta cũng có thể làm những việc nho nhỏ để cho đệ nhị thân của ta được hạnh phúc, ví dụ như nói một điều dễ thương với bạn ấy, hoặc bày tỏ sự quý mến của ta cho bạn ấy biết, hoặc rủ bạn ấy chơi cùng. Thực tập này giúp cho lớp học trở thành một môi trường gia đình.
Ta chăm sóc cho một người, nhưng có một người khác (người thứ ba) sẽ chăm sóc cho ta. Ta có một đệ nhị thân, nhưng ta đồng thời cũng là đệ nhị thân của một ai đó. Cùng nhau ta tạo nên một chuỗi mắc xích để ai cũng được chăm sóc. Nếu đệ nhị thân của ta bệnh hoặc phải vắng mặt một thời gian, ta cũng sẽ chịu trách nhiệm cho đệ nhị thân của bạn ấy, như thế thì sẽ không có ai bị bỏ quên. (Nếu muốn, ta có thể gọi đây là sự thực tập của những “Thiên thần bảo hộ”. Tất cả các em đều có ai đó bảo hộ và đồng thời cũng được bảo hộ bởi thiên thần của chính mình). Thực tập này đã rất nhiều lần giúp chúng tôi tránh khỏi việc bỏ một ai đó lại phía sau trong khi đi chơi. Khi các em thật sự thực tập phương pháp này, nó có thể là một bài học rất hay cho các em về mối liên hệ gắn kết giữa các em với mọi người.
Sau khi giải thích về sự vận hành của hệ thống đệ nhị thân, một học sinh có thể bắt đầu chọn một em khác làm đệ nhị thân của mình. Khuyến khích em chọn một bạn mà em ít chơi cùng, nhưng bạn ấy cũng không quá khó để em chăm sóc (có thể đó là một bạn ngồi gần em trong lớp). Sau đó, em thứ hai chọn em thứ ba, em thứ ba chọn em thứ tư,… đến em cuối cùng sẽ chọn em thứ nhất. Nếu việc chọn bạn làm cho một số em thấy tổn thương thì cũng có những cách chọn ngẫu nhiên khác nữa. Ví dụ như bốc một mẩu giấy có tên sẵn từ trong cái nón. Hoặc, cho cả lớp đứng thành vòng tròn mà không cần giải thích trước gì cả. Sau đó, bạn đề nghị mỗi em sẽ chăm sóc cho người đứng bên tay phải. Yêu cầu một em học sinh vẽ sơ đồ, hay vẽ một tấm tranh của vòng tròn đệ nhị thân và dán nó trong lớp học để học sinh có thể nhớ ai là đệ nhị thân của mình.
Nếu thích hợp với các em trong lớp của bạn, bạn có thể cho các em đứng thành một vòng tròn và cho các em xoa bóp vai đệ nhị thân, đồng thời được xoa bóp từ đệ nhị thân của mình. Đây là một cách tuyệt vời để tạo năng lượng và sự gắn kết cho cả lớp trước khi xuất hành cho một chuyến đi dã ngoại. Cần hướng dẫn các em xoa bóp cho bạn một cách nhẹ nhàng bằng chánh niệm và sự tôn trọng.
BA CÂU THẦN CHÚ
Bạn có thể đọc hay tóm tắt lời chia sẻ này cho các em:
Khi ta thương yêu ai đó, ta muốn hiến tặng cái này hay cái khác cho người đó. Ta có thể làm một cái bánh hay tặng hoa cho người ấy. Nếu ta quá bận rộn, ta có thể cho người đó tiền. Nhưng cái hay nhất, món quà đẹp nhất mà ta có thể tặng những người ta thương yêu chính là sự tươi mát của ta. Nếu bạn thở vào và trở thành một bông hoa, thở ra, bạn tươi mát, thì sự có mặt của bạn chính là một món quà tuyệt diệu nhất.
Ví dụ như bạn nói với mẹ: “Mẹ ơi, con có một món quà cho mẹ đây”. Mẹ bạn sẽ hỏi: “Quà ở đâu nào?”. Khi ấy bạn có thể chỉ vào mình và nói: “Con chính là món quà ấy đây”. Bạn tươi mát như một bông hoa. Bạn vững chãi như là một trái núi. Bạn yên, lặng,bình an như mặt nước tĩnh lặng. Bạn thảnh thơi như không gian. Đó là cái mà bạn muốn hiến tặng cho người bạn thương yêu. Nếu bạn không có một chút gì là tươi mát, vững chãi, thảnh thơi, bình an thì bạn không có gì để hiến tặng cho người bạn thương. Để có tươi mát, vững chãi, thảnh thơi, bình an, bạn cần phải thực tập. Bạn không thể mua các thứ đó ở trong siêu thị. Vì vậy, nếu bạn muốn bày tỏ tình thương yêu của mình, bạn biết món quà quý nhất mà bạn có thể làm để tặng cho người bạn yêu thương chính là sự có mặt tươi mát, vững chãi, bình yên và thảnh thơi của bạn. Thương nghĩa là có mặt đó cho người mình thương. Làm sao có thể thương nếu bạn không có mặt?
Bạn chỉ cần thở vào, khoảng ba giây thôi, là có thể đem tâm trở về với thân để có thể thật sự có mặt cho người mình thương. Thở vào chánh niệm, bạn trở nên tươi mát, tĩnh lặng, bạn đến bên người mình thương và đọc câu thần chú này: “Mẹ ơi, cha ơi, con đang có mặt đây cho mẹ, cho cha”. Sự có mặt của bạn tươi mát, bình an, đó là lý do bạn có thể hiến tặng rất nhiều hạnh phúc. “Quà của con cho mẹ, cho cha là sự có mặt của con. Con có sự tươi mát, vững chãi, bình an và thảnh thơi để tặng cho cha mẹ”.
“Con có mặt đây cho cha, cho mẹ” là câu thần chú thứ nhất. Bạn có thể thực tập câu thần chú này bằng ngôn ngữ của bạn, bạn không cần phải đọc nó bằng tiếng Phạn, tiếng Pāli, hay tiếng Tây Tạng. Các bạn từ các truyền thống tâm linh khác cũng có thể thực tập câu thần chú thứ nhất này. Đó chính là sự thực tập chánh niệm giúp bạn trở nên có mặt ngay bây giờ và ở đây, sẵn sàng hiến tặng sự có mặt ấy cho người thương của bạn.
Nếu người thương của bạn không ở cạnh bạn, bạn có thể gửi một email hoặc dùng điện thoại để thực tập câu thần chú thứ nhất. Bạn hãy gọi điện cho cha và nói: “Cha ơi, cha có biếtgì không? Con đang có mặt cho cha đây.” Trong giọng nói của bạn có chứa niềm vui, hạnh phúc, tình thương, sự tĩnh lặng, và điều đó sẽ làm cho cha của bạn hạnh phúc. Nếu muốn, bạn có thể thực tập câu thần chú này ngay trong ngày hôm nay, thậm chí là nhiều lần khác nữa.
Câu thần chú thứ hai là nhận diện rằng người thương của bạn rất quý giá đối với bạn. Bạn thở trong chánh niệm cho đến khi thấy mình thật sự có mặt, khi ấy bạn đến với người mình thương, nhìn vào mắt người ấy và đọc câu thần chú thứ hai: “Mẹ ơi, con biết mẹ đang còn đó cho con, và con sung sướng vô cùng”. Bạn có thể nói câu này với mẹ, cha hoặc bất cứ ai mà bạn vô cùng thương mến. Thử tưởng tượng bạn sẽ ra sao nếu mẹ hay cha của bạn không còn nữa. Bạn sẽ rất đau khổ. Vì vậy, câu thần chú thứ hai giúp bạn trân quý sự hiện diện của những người bạn thương yêu. Nếu người thương của bạn lơ là hay không để ý gì đến bạn, bạn sẽ thấy người đó không thương mình. Còn nếu người thương của bạn có chánh niệm, biết đến sự có mặt của bạn, bạn sẽ hạnh phúc. Khi bạn thực tập câu thần chú thứ nhất và thứ hai với người lớn, ngay lập tức những người ấy sẽ hạnh phúc và chính bạn cũng thấy hạnh phúc. Vì vậy, ngay ngày hôm nay hãy thực tập câu thần chú thứ hai với tất cả trái tim bạn.
Bạn sẽ cần đến câu thần chú thứ ba nếu người thương của bạn không khỏe lắm, đang đau khổ hay buồn giận. Khi bạn tươi mát như một bông hoa và bình an như mặt nước tĩnh lặng, bạn hãy đến với người mình thương và đọc câu thần chú thứ ba: “Cha ơi, con biết cha đang có chuyện buồn nên con có mặt cho cha đây”. Khi bạn thực tập câu thần chú này, người thương của bạn sẽ thấy khỏe hơn ngay lập tức. Thậm chí trước khi bạn làm một cái gì đó để giúp đỡ, người ấy đã thấy nhẹ hơn bởi vì bạn có đó chongười ấy. Người ấy không còn cảm thấy lẻ loi nữa. Bạn có thể thực tập hai câu thần chú đầu tiên hàng ngày, còn câu thần chú thứ ba là để khi nào bạn thấy người thương của bạn khổ đau.
VIẾT BA CÂU THẦN CHÚ BẰNG THƯ PHÁP
DỤNG CỤ: Giấy, bút viết bảng, bút chì màu hoặc màu nước, bút lông viết thư pháp có sẵn mực để các em thực tập viết các câu thần chú bằng thư pháp.
Viết các câu thần chú lên bảng, hoặc lên một tờ giấy cỡ lớn để các em dễ thấy. Bắt đầu bằng cách mời các em thảo luận
về các câu thần chú. Khi nào thì các em nghĩ là mình có thể sử dụng một trong ba câu thần chú, và sử dụng với ai? Trước nay có
ai nói những câu tương tự như vậy với em chưa? Em cảm thấy như thế nào về các câu thần chú ấy? Mời hai em cùng lên một lần để thực tập từng câu thần chú với nhau.
Nếu bạn có các bản thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh hoặc của các nhà thư pháp khác, cho các em xem nhiều kiểu thư pháp khác nhau.
Hỏi các em: Các em cảm thấy thế nào khi nhìn các bức thư pháp? Theo em, tại sao các nhà thư pháp lại viết chữ theo phong cách đó? Họ cố gắng chuyển tải thông điệp nào đến chúng ta?
Thảo luận về truyền thống thư pháp trong văn hóa các nước châu Á và sự quan trọng trong việc trưng bày các câu chữ có ý nghĩa và tuệ giác xung quanh để nhắc nhở ta trở về với chánh niệm và tiếp xúc với những hạt giống tỉnh thức trong ta. Nếu có thể, mời một người có kỹ năng viết thư pháp đến chia sẻ với các em một số kỹ năng viết thư pháp đơn giản như một sự thực tập chánh niệm.
Cho các em viết ba câu thần chú thật đẹp lên một tờ giấy, hoặc mỗi câu viết trên một tờ. Các em có thể thử nghiệm nhiều phong cách thư pháp khác nhau. Khuyến khích các em trưng bày thư pháp tự viết ở nhà để các em nhớ thực tập. Bạn cũng trưng bày thư pháp của các em xung quanh phòng học.
THIỀN LẠY CHO TRẺ EM
DỤNG CỤ: Chuông và dùi chuông.
Thiền lạy (hay “Địa xúc”) là một phương pháp thực tập được Thiền sư Thích Nhất Hạnh chế tác ra để giúp ta tiếp xúc với các yếu tố làm nên con người của mình: gia đình huyết thống, gia đình tâm linh, quê hương đất nước, cũng như các loài cỏ cây, cầm thú và đất đá. Nếu trong phòng có một bàn thờ hay một nơi thiêng liêng trang trọng, chúng ta cho các em lạy hướng về đó. Thực tập ngoài trời, lạy trực tiếp trên mặt đất cũng tạo năng lượng rất hùng hậu. Bạn có thể sử dụng đoạn văn dưới đây:
MỞ ĐẦU: Thiền lạy là một phương pháp thực tập mang lại cho ta rất nhiều lợi ích. Phương pháp này giúp ta tiếp xúc với bản chấttương tức, đó là tính “không một, không khác” giữa ta với cha mẹ, bạn bè cùng mọi loài. Khi ta cảm thấy bất an hay thiếu tự tin, buồn giận, hay không có hạnh phúc, ta có thể lạy xuống, tiếp xúc một cách sâu sắc với đất Mẹ như tiếp xúc với người bạn thân nhất của mình, hay tiếp xúc với một cái gì mà mình yêu thích nhất.
Đất Mẹ đã có mặt từ lâu lắm rồi. Đất là Mẹ của tất cả chúng ta và cái gì Mẹ cũng biết. Trước khi thành đạo, Bụt đã trải qua sự hoài nghi và sợ hãi, vì vậy Ngài đã nhờ đất Mẹ làm nhân chứng – chứng minh cho sự tỉnh thức, giác ngộ của Ngài. Đất hiện ra trước Ngài như một người mẹ hiền xinh đẹp, trong vòng tay Mẹ có hoa thơm trái lành, chim bướm và muông thú để hiến tặng cho Ngài. Sự hoài nghi và lo sợ của Bụt tan biến ngay lập tức.
Mỗi khi em cảm thấy buồn khổ trong lòng, hãy đến với đất Mẹ để xin sự nâng đỡ. Hãy tiếp xúc sâu sắc với đất Mẹ như Bụt đã từng làm. Rồi tự nhiên em cũng sẽ thấy đất Mẹ biểu hiện với hoa thơm, trái ngọt, cây lành cùng chim, cùng bướm và muông thú. Mẹ đem tặng tất cả những thứ ấy cho em đó.
Em có nhiều cơ hội để có hạnh phúc hơn là em tưởng. Đất Mẹ luôn thương yêu và kiên nhẫn đối với em. Khi đất Mẹ thấy em khổ đau, Mẹ sẽ nâng đỡ và bảo hộ em. Khi ta rời cuộc đời này, Mẹ lại đón chúng ta về trong vòng tay từ mẫu. Với đất Mẹ, em rất an toàn. Mẹ luôn có mặt đó, qua tất cả những biểu hiện mầu nhiệm như cây cối, hoa lá, bướm chim và ánh nắng mặt trời. Khi em mệt mỏi và không có hạnh phúc, hãy thực tập tiếp xúc với đất Mẹ, Mẹ sẽ chữa lành và giúp em tìm lại niềm vui sống.
Em hãy thực tập như một cây con được trồng vào lòng đất trong bài kệ (bài thơ ngắn) dưới đây:
Tôi gửi tôi cho đất
Đất gửi đất cho tôi
Tôi gửi tôi nơi Bụt
Bụt gửi Bụt nơi tôi.
Bắt đầu thực tập thiền lạy, em chắp tay thành một búp sen đặt trước ngực. Thở vào, em đưa hai tay búp sen lên ngang trán, rồi hạ xuống ngang ngực (đưa tay lên ngang trán và đi ngang qua bình diện trái tim ngụ ý đem cả tim và óc mình mà tiếp xúc với đất Mẹ). Thở ra, mở hai tay ngửa ra và lạy xuống, chạm gối trước, sau đó chạm trán xuống sàn (giống như tư thế em bé trong yoga), hoặc nằm sấp cả người trên sàn, nghiêng đầu qua một bên. Từ từ mở hai lòng bàn tay ngửa lên, đây là một biểu hiện của sự mở lòng để tiếp nhận và phó thác. Trong tư thế địa xúc, ta hoàn toàn buông thư và để cho lời tâm tình của ta với đất Mẹ thấm thật sâu vào thân tâm. Chúng ta sẽ nghe 3 tiếng chuông.
Thức chuông và thỉnh ba tiếng chuông, giữa hai tiếng chuông nên có khoảng dừng đủ dài cho ba hơi thở vào-ra. Sau đó, nhấp chuông và nói:
Tiếp xúc với đất, con thấy mình là một đứa con của đất.
Thỉnh một tiếng chuông, các em lạy xuống.
Đất giống như một người cha hay người mẹ của con. Từ đất, con đã tiếp nhận các thức ăn ngon lành – lúa mì để làm ra bánh mì, lúa gạo, đậu, táo, cà rốt, thậm chí cả sôcôla được làmtừ các hạt cacao. Đất cung cấp cho chúng ta bông vải và len để làm nên quần áo, gỗ và đá để xây nhà. Đất chăm sóc con thật chu đáo. Con rất hạnh phúc được sống trên mặt đất.
Con cảm nhận thân thể mình hiện đang nằm trên mặt đất. Con cảm thấy hai cánh tay, hai chân mình và trán mình đang tiếp xúc với nền đất. Con cảm thấy đất thật vững chãi và có thể nâng đỡ con. Con thấy đất đang được bao phủ bởi muôn vàn cây cối và hoa lá để cho không khí con thở được trong lành. Thở vào, con cảm thấy không khí tươi mát, trong lành tràn ngập toàn thân. Thở ra, con cảm thấy bình yên và thư giãn. Con thấy mình được an toàn và hạnh phúc khi sống trên Trái đất.
Thỉnh một tiếng chuông, các em đứng dậy.
Tiếp xúc với Đất, con thấy mình rất gần gũi với cha mẹ.
Thỉnh một tiếng chuông, các em lạy xuống.
Con là con của cha mẹ, dù có thể bây giờ con đang sống chung hay không còn được ở cùng với cha mẹ nữa. Con đang mỉm cười với cha mẹ trong giờ phút này. Con muốn cha mẹ được hạnh phúc, an toàn và không còn bất cứ một lo lắng nào nữa cả.
Đôi lúc, cha mẹ giận con và con cảm thấy tổn thương. Có khi cha mẹ quá bận rộn nên không còn thời gian cho con nữa, con rất buồn. Nhưng những lúc khác, cha mẹ chăm sóc con và cả nhà ta chơi đùa vui vẻ với nhau. Cha mẹ dạy cho con rất nhiều điều, như là dạy con đọc, hát, hoặc dạy con làm toán,dạy con làm bánh. Con biết ơn cha mẹ. Con biết rằng cha mẹ cũng đã từng là một em bé. Cũng có lúc cha mẹ cũng thấy buồn và tổn thương giống như con bây giờ. Con biết cha mẹ đã trải qua nhiều khó khăn trong đời nên con không thấy hờn giận gì cha mẹ cả.
Nghĩ về cha mẹ, con cảm thấy được tình thương và sự bảo bọc của cha mẹ dành cho con, con cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Con biết sự tươi mát và nụ cười của con cũng là điều làm cho cha mẹ hạnh phúc.
Thỉnh một tiếng chuông; các em đứng dậy.
Tiếp xúc với đất, con cảm thấy hạnh phúc được là chính mình.
Thỉnh một tiếng chuông; các em lạy xuống.
Con là một cậu bé, một cô bé đang sống trên Trái đất này. Đôi khi con thấy mình nhỏ bé như một con kiến hay một con cánh cam đang vô tư bò trên ngọn cỏ. Có khi con lại thấy mình to lớn, như một cây cổ thụ. Cành nhánh của con vươn cao chạm tới những đám mây và rễ của con đâm thật sâu vào lòng đất, hút nước từ mạch nước ngầm.
Có khi con thấy hạnh phúc như một tia nắng, và con đem nụ cười đến trên khuôn mặt của mọi người. Lại cũng có khi con buồn bã và cô đơn như bầu trời âm u, xám xịt, chỉ muốn trốn vào một gốc cây để khóc. Nhưng khi con khóc, những giọt nướcmắt của con lại như một cơn mưa mát dịu trong buổi chiều nóng bức, và sau đó, con lại trở nên tươi mát. Con biết bất cứ khi nào con cảm thấy buồn, sợ hãi và giận hờn, con cũng có thể đến với đất Mẹ, và Mẹ sẽ luôn có mặt đó cho con. Đất đá và cầm thú, cây cối và hoa lá, mặt trời và bầu trời đầy sao, tất cả đều đang có đó cho con. Con thở vào năng lượng mát lành của đất. Con thở ra tất cả những sợ hãi, buồn tủi, giận hờn. Con chấp nhận chính mình. Con chấp nhận mình khi vui và hạnh phúc, con cũng chấp nhận mình khi có khó khăn, buồn giận. Con mỉm cười với chính mình, và con thấy con là một bông hoa kỳ diệu trên Trái đất này. Con là một phần của đất và đất là một phần của chính con.
Thỉnh một tiếng chuông; các em đứng dậy.
CÂU CHUYỆN VỀ BỤT VÀ MA VƯƠNG
Do sư cô Châu Nghiêm, Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu kể
Câu chuyện này cũng có thể được dùng để giới thiệu về thực tập thiền lạy ở trên. Bạn có thể đọc câu chuyện này cho các em nghe.
Bụt là một con người, cũng như thầy/cô và các em vậy. Trước khi đạt đạo, Ngài tên là Siddhartha Gautama và sống ở một vùng nằm ở phía Bắc của Ấn Độ và phía Nam của Nepal vào khoảng 2.500 năm trước. Siddhartha có mọi thứ mà chàng muốn, nào là cung vàng điện ngọc, tiền bạc của cải, sơn hào hải vị, các chuyến nghỉ mát sang trọng và rất nhiều quyền lực. Nhưng Siddhartha lại không cảm thấy hạnh phúc. Chàng cảm thấy cuộc đời mình còn thiếu một thứ gì đó rất quan trọng. Chàng vẫn chưa có khả năng điều phục nội tâm, chàng chưa học được cách để có bình an, hạnh phúc và tự do. Giận hờn, sợ hãi và hoang mang làm chàng không thực sự có hạnh phúc.
Vì vậy, Siddhartha đã quyết định trở thành một người xuất gia, chàng đã vào sống và tu tập trong rừng. Chàng đã tu tập sáu năm mới cảm thấy mình gần chạm được tới sự giải thoát. Càng lúc chàng càng cảm thấy có nhiều bình an, càng có ý thức về những suy tư và cảm xúc của mình hơn. Chàng thấy hạnh phúc hơn với cuộc sống giản đơn. Và giờ đây, chàng đang tiến dần đến việc vượt thoát tất cả những khổ đau để đạt tới sự tự do và hạnh phúc hoàn toàn. Đêm ấy, ngồi dưới cội Bồ Đề, chàng nguyện sẽ không đứng lên khi chưa đạt được sự giác ngộ hoàn toàn.
Nhưng thường thường khi ta muốn làm một việc gì đó rất hệ trọng thì ta luôn phải đối diện với nhiều thử thách. Siddhartha đang an trú rất sâu trong thiền định dưới cội Bồ Đề, và thử đoán xem ai đang đến quấy phá chàng? Ma Vương! Ma Vương là sự đối lập với Bụt; Ma Vương là sự vắng mặt của giác ngộ. Nếu Bụt là hiểu biết, thì Ma Vương là sự thiếu hiểu biết, còn nếu Bụt là từ bi thì Ma Vương là hận thù, giận dữ. Nếu ta không hiểu Ma Vương là gì, thì ta cũng không biết Bụt là gì. Ma Vương có trong mỗi chúng ta, cũng như Bụt có trong mỗi chúng ta.
Ma Vương quyết tâm ngăn cản không cho Bụt đạt tới sự giác ngộ hoàn toàn. Hắn đã đưa những người con gái đẹp đến nhảy múa và những nhạc sĩ tài hoa nhất đến để đàn hát cho Siddhartha. Nếu các em là chàng Siddhartha trẻ tuổi đang ngồi đó thì Ma Vương sẽ gửi đến một xe kem, hoặc là một chương trình truyền hình, phim hoặc trò chơi điện tử mà các em yêu thích. Ma Vương có thể ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau. Khi nào mình muốn thật sự tập trung vào một việc gì đó – như là làm bài tập về nhà, hoặc xây một cái gì đó – Ma Vương có thể làm mình phân tâm, sẽ cố lôi kéo mình, không cho mình làm xong chuyện đó. Nhưng các em biết Siddhartha đã làm gì không? Chàng tiếp tục ngồi một cách bình yên, hoàn toàn tập trung vào hơi thở vào, hơi thở ra.
Hay chúng ta cùng ngồi thật đẹp như Siddhartha, yên lặng thở vào, thở ra để giúp Siddhartha đối trị với Ma Vương nhé?
Và các em biết gì không? Những cô con gái xinh đẹp nhảy múa, những nhạc công, chiếc xe kem và chương trình truyền hình biến mất. Đó chính là sự thách đố đầu tiên của Ma Vương: sự phân tâm và lòng tham ái.
Thế nhưng, các em biết rồi đó, Ma Vương đâu dễ dàng bỏ cuộc như vậy. Tiếp đó, hắn lại gửi đến một đội quân gồm cả bộ binh lẫn kỵ binh, vũ trang bằng giáo mác và cung tên. Họ đứng sắp xếp đội hình và tất cả đều nhắm vào Siddhartha. Siddhartha vẫn ngồi vững vàng, không sợ hãi trong khi giáo mác cung tên xé gió lao tới với vận tốc của ánh sáng. Kỳ diệu thay, khi những cung tên giáo mác lao đến gần Siddhartha thì bỗng dưng chúng biến thành những bông hoa rơi xuống chân chàng.
Chúng ta hãy cùng Siddhartha thở vào, thở ra ba lần để giúp chàng giữ sự định tĩnh các em nhé.
Và các em biết chuyện gì đã xảy ra không? Tất cả binh lính đã biến mất. Khi chúng ta có sự định tĩnh, bình an, và tâm chúng ta trong sáng, khi ta có tình thương trong trái tim thì sự không dễ thương của người khác sẽ không làm mình đau. Cũng không thể gây tổn thương, làm mình tức giận hay buồn khổ được. Những mũi tên của sự nhẫn tâm, ganh tị và thiếu bao dung thật ra là do hiểu lầm và khổ đau của họ gây ra mà thôi. Thấy được như vậy, ta sẽ không bị những mũi tên ấy bắn trúng. Thay vào đó, những mũi tên ấy sẽ trở thành những bông hoa rơi xuống chân ta. Đó chính là thách đố thứ hai của Ma Vương: sợ hãi.
Nhưng Ma Vương vẫn chưa chịu để Siddhartha yên, bởi vì chắc các em đã biết, khi mình muốn làm một cái gì thật quan trọng, bao giờ những thử thách mà mình phải đối diện cũng gian khó cả. Lần này Ma Vương đem ra sử dụng vũ khí lợi hại nhất mà hắn vẫn còn cất giấu đến bây giờ: sự nghi ngờ.
Ma Vương đích thân đến trước mặt Siddhartha, đứng chống nạnh, hất đầu và la lớn: “Cái gì khiến nhà ngươi nghĩ là nhà ngươi sẽ hoàn toàn giác ngộ? Ngươi là ai chứ? Ngươi chẳng là ai cả!”
Thật không dễ thương chút nào khi làm cho một người trở nên nghi ngờ chính họ. Chúng ta phải cố gắng hết sức để lời nói của chúng ta có thể đem lại cho người khác niềm tự tin. Quay lại chuyện Ma Vương, các em có biết Siddhartha đã làm gì khi bị Ma Vương vặn vẹo như thế không ? Chàng không hề nao núng. Chàng đã ngồi thật yên, một bàn tay chạm đất.
Nào, bây giờ chúng ta hãy cùng làm như thế ; các em ngồi với một bàn tay đặt trên lòng, và một tay chạm đất. Hãy cùng thở với Siddhartha để yểm trợ cho chàng đi qua thử thách lớn lao này.
Siddhartha nói một cách điềm đạm: “Đất này sẽ chứng minh là ta có thể thành đạo”. Và ngay khi ấy, Trái đất rúng động, Bồ tát Thanh Lương Đại Địa với ánh sáng và vẻ đẹp rực rỡ từ dưới đất bỗng xuất hiện. Ngài đặt một bàn tay lên vai Siddhartha với tất cả tình thương và sự yểm trợ, Ngài nhìn Ma Vương một cách nghiêm nghị và nói: “Đừng nên nghi ngờ. Siddhartha sẽ đạt tới giác ngộ và sẽ giúp cho tất cả chúng sanh tìm thấy sự an lạc, thảnh thơi”. Nghe nói vậy, Ma Vương biến mất, từ đó về sau không ai thấy tăm dạng Ma Vương đâu nữa cả.
Và quả thật là như thế, sáng hôm sau, khi sao Mai vừa mọc, Siddhartha hoàn toàn giác ngộ, trở thành bậc tỉnh thức toàn vẹn. Ngài thấy rằng ai cũng có khả năng tỉnh thức, giác ngộ trong mình nhưng họ không biết điều đó. Nghĩa là các em và thầy/cô cũng thế. Câu chuyện này nhắc cho chúng ta nhớ rằng đất Mẹ luôn có mặt đó cho ta, sẵn sàng nâng đỡ khi ta gặp khó khăn.
Bây giờ, chúng ta sẽ thực tập địa xúc để tiếp xúc với những ai và những gì luôn thương yêu và nâng đỡ chúng ta. Đất Mẹ thật to lớn và hùng mạnh nên chúng ta chỉ cần tựa đầu lên đất, nghỉ ngơi và buông thư, ta sẽ cảm thấy năng lượng và sức mạnh của đất Mẹ thấm vào ta. Bất cứ khi nào các em cảm thấy cô đơn, buồn giận, sợ hãi, hoặc hoang mang, hãy đến với đất Mẹ. Hãy buông hết những cảm xúc của mình xuống đất và mở lòng ra mà đón nhận sự yểm trợ và năng lượng trị liệu của đất Mẹ.
MÌNH ĐƯỢC LÀM BẰNG GÌ?
DỤNG CỤ: Mỗi em cần có một cuộn giấy khổ lớn, chiều rộng ít nhất là 60 cm, và đủ dài để vẽ chính em bằng người thật, từ đầu cho đến chân; bút vẽ hoặc màu; tạp chí cũ, các vật liệu từ thiên nhiên, keo dán (không bắt buộc); kéo (để giáo viên sử dụng).
Đây có thể sẽ là một bài tập lý thú giúp các em quán chiếu về liên hệ tương quan và tương tức. Sau khi thực tập Địa xúc hoặc Làm mới, bạn có thể cho các em thảo luận về tất cả mọi thứ đã làm nên con người của mình và cái gì chúng ta cần để có thể sống còn.
Cũng có thể hỏi các em về những điều các em thích (thức ăn, âm nhạc, thể thao, nghệ thuật, bạn bè, nơi chốn) và cho các em tìm hiểu xem những cái mà ta thích đã góp phần làm nên con người của ta như thế nào.
Cho các em làm việc chung theo từng đôi bạn. Mỗi đôi bạn trải một tấm giấy dài ra rồi một em sẽ nằm dài xuống. Sau đó, bạn dùng kéo cắt ngang tấm giấy sao cho chiều dài vừa với chiều dài của em, chỉ chừa ra một chút. Em còn lại lấy một cây bút chì, hoặc bút màu vẽ thân hình của bạn đang nằm xuống giấy. Sau đó, đôi bạn đổi chỗ cho nhau. Sau khi cả hai em đều đã có thân hình của mình vẽ trên giấy, bạn yêu cầu các em vẽ lên bức hình những gì làm nên em ấy: mặt trời, nước, đất, động vật, cây cối, cha mẹ, thức ăn, sách, trò chơi… Ngoài ra, các em còn có thể thu nhặt các thứ khác từ thiên nhiên, từ nhà, hoặc cắt tranh ảnh từ các tạp chí để dán lên bức vẽ.
Một cách khác nữa bạn có thể dùng là cho các em quán chiếu về thời kỳ mà các em còn nằm trong bụng mẹ, nối liền với mẹ qua sợi dây rốn. Khi các em ra đời, sợi dây rốn bị cắt lìa, nhưng các em vẫn còn được nối liền với cha mẹ qua một sợi dây rốn vô hình. Và các em không những vẫn còn kết nối một cách mật thiết với cha mẹ, mà các em còn được kết nối với mặt trời, sông ngòi, cây cối, động vật và không khí. Không có cây cối, chúng ta sẽ không có oxy để thở. Không có sông ngòi, chúng ta sẽ không có nước để uống, do đó sự thật là có một sợi dây rốn vô hình kết nối ta với tất cả mọi thứ trong vũ trụ. Mời các em vẽ trên một trang giấy khổ A4 hình các em khi còn là một em bé có nhiều sợi dây rốn kết nối với tất cả mọi thứ đang giúp duy trì sự sống của các em. Bạn có thể tạo cảm hứng cho các em bằng cách đọc câu chuyện nói về lúc các em là một hạt giống bé tí còn nằm trong bụng mẹ ở phần mở đầu của chương này.
[1] Có một phương pháp thực tập tương tự, có tên là “Secret Friends” (Người bạn bí mật). Bạn hãy viết tên của mỗi học sinh trong lớp trên một mảnh giấy và gấp lại làm bốn. Sau đó, đề nghị mỗi em bốc lấy một mảnh giấy, trong đó có tên một người bạn trong lớp. Người bạn có tên được viết trên mảnh giấy đó sẽ trở thành “Người bạn bí mật” của em trong một tuần. Các em phải bí mật làm những hành động dễ thương đối với “Người bạn bí mật” mà không để bạn ấy nhận ra. Cuối tuần, bạn hãy hỏi các em trong lớp xem các em có đoán ra được mình là “Người bạn bí mật” của ai không.
NHIỀU NĂM VỀ TRƯỚC, chúng tôi đã tổ chức một khóa tu cho thiếu nhi tại Santa Barbara, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Có hàng trăm thiếu nhi tham gia khóa tu và cha mẹ các em cũng đi theo hỗ trợ. Trong khóa tu này, chúng tôi đã sáng chế ra pháp môn thiền sỏi.
THIỀN SỎI
Bạn có thể thực tập thiền sỏi dưới một gốc cây, trong phòng khách hoặc bất cứ nơi nào bạn thích, miễn là nơi đó yên tĩnh. Bạn cần có một cái chuông nhỏ. Bạn có thể chọn ra một người để hướng dẫn buổi thiền sỏi này và người được chọn nên biết cách thỉnh chuông.
Mỗi người nhặt bốn viên sỏi từ thiên nhiên. Bạn có thể may một cái túi nhỏ để đựng sỏi. Nếu muốn, bạn cũng có thể mời bạn bè hoặc người thân trong gia đình cùng thực tập. Mọi người tham gia cùng ngồi lại thành vòng tròn. Ở giữa vòng tròn, bạn hãy đặt một bình hoa cho đẹp mắt. Sau khi xá bình hoa, hãy ngồi thật đẹp trong tư thế hoa sen (hai chân bắt chéo, chân này đặt lên bắp đùi chân kia và ngược lại) hoặc tư thế nửa hoa sen (chỉ đặt một chân này lên đùi chân kia). Bạn cũng có thể ngồi theo tư thế nào mà mình thích, điều quan trọng là bạn cảm thấy thoải mái.
Hãy để bốn viên sỏi sang bên cạnh, phía tay trái của bạn. Nhặt một viên đầu tiên lên, nhìn viên sỏi một chút, rồi đặt nó lên lòng bàn tay trái, để bàn tay trái lên lòng bàn tay phải và mình thực tập:
Viên sỏi đầu tượng trưng cho một bông hoa. “Thở vào, tôi thấy tôi là một bông hoa. Thở ra, tôi cảm thấy tươi mát. Là hoa, tươi mát”. Ta thở vào – thở ra ba lần. Thở vào, nhủ thầm “là hoa”, thở ra, nhủ thầm “tươi mát”. Trong khi thở vào, ta thực sự thấy mình là một bông hoa dễ thương, tươi mát. Phải thực sự thấy như vậy, không phải chỉ là tưởng tượng. Ai trong chúng ta cũng là một bông hoa trong vườn hoa nhân loại. Ai cũng có thể trở thành một con người đáng yêu và tươi mát. Khi có “tính hoa” này, ta nhẹ nhàng hơn, dễ thương hơn và ta có thể hiến tặng sự dễ thương, nhẹ nhàng ấy cho mọi người xung quanh và cho thế giới.
Khi Thầy nhìn một em bé, Thầy luôn thấy em bé là một bông hoa. Gương mặt em bé đích thực là một bông hoa. Bàn tay nhỏ xíu, bàn chân nhỏ xíu của em bé đích thực là một bông hoa. Bông hoa ngủ cũng đẹp mà bông hoa thức cũng đẹp. Em bé chính là hoa. Mình ao ước em bé sẽ là bông hoa mãi mãi. Thiền tập giúp ta duy trì được sự tươi mát. Nhiều người lớn đã đánh mất “tính hoa”, đánh mất sự tươi mát của mình. Họ khóc và đau khổ nhiều. Khi mình khóc than, khổ đau, giận dữ, buồn phiền, mình không còn tươi mát nữa. Không dễ coi chút nào hết.
Một trong những cách giúp mình tươi tắn trở lại, đó là thực tập “Thở vào, tôi thấy tôi là một bông hoa”. Đừng tưởng tượng, tại vì mình là hoa thiệt mà, mình có hạt giống hoa trong mình. Khi mới sinh ra, ai trong chúng ta cũng là một bông hoa và mình muốn mình là hoa cả đời luôn. Thầy đã già rồi nhưng Thầy vẫn cố gắng để giữ cho Thầy tươi trẻ. Nhiều trẻ em thích tới ngồi với Thầy là vì Thầy biết nuôi dưỡng bông hoa trong Thầy luôn tươi mới.
Trong bốn hay năm giây thở vào, thở ra, ta mỉm cười và buông thư mọi căng thẳng, nhờ vậy mà ta có thể khôi phục lại bông hoa trong mình. Mỉm cười đâu có gì khó, đâu có tốn nhiều thời gian. Mình chỉ cần mỉm cười một hay hai giây thôi là hàng trăm bắp thịt trên gương mặt mình sẽ được buông thư. Làm sao bạn biết được mình thực tập thành công hay chưa? Nếu trong khi thiền tập, bạn có thể thấy mình như một đóa hoa và bạn cảm thấy tươi mát thì bạn đã thành công rồi đó. Đây là bài thực tập với viên sỏi đầu tiên. Khi làm xong, bạn hãy đặt nó sang phía bên phải của mình.
Bây giờ, bạn hãy lấy viên sỏi thứ hai. Viên sỏi thứ hai tượng trưng cho một trái núi. “Thở vào, tôi thấy tôi là một trái núi. Thở ra, tôi cảm thấy vững vàng. Là núi, vững vàng”. Hãy nói thầm như vậy trong khi bạn thở vào, thở ra ba lần.
Trong chúng ta có một trái núi, dù bạn có tin điều đó hay không. Bạn hãy ngồi trong một tư thế vững vàng, giữ lưng thẳng nhưng buông thư. Tư thế tốt nhất cho bài tập này là tư thế hoa sen hay nửa hoa sen, vì đó là tư thế khiến bạn rất vững chãi. Dù có ai đó tới đẩy bạn hay khiêu khích bạn thì bạn vẫn ngồi rất vững. Bạn không bị giận hờn, lo lắng hay tuyệt vọng kéo đi. Trước những khiêu khích hay đe dọa, bạn vẫn vững vàng. Không còn ai có thể làm cho bạn lo sợ được nữa. Điều này rất quan trọng cho hạnh phúc của bạn. Sự vững vàng mang lại cho ta hạnh phúc. Người nào không vững chãi thì không thể là một người hạnh phúc được. Khi bạn vững chãi, bạn trở thành chỗ nương tựa cho những người khác. Khi có một người thân vững chãi, ta biết rằng ta có thể nương tựa nơi người ấy. Do đó, sự vững chãi là món quà mà ta có thể hiến tặng cho những người mà mình thương yêu, cũng giống như sự tươi mát vậy.
Viên sỏi thứ ba tượng trưng cho mặt nước tĩnh lặng. “Thở vào, tôi trở nên mặt nước tĩnh. Thở ra, tôi im lặng phản chiếu trời mây, đồi núi. Nước tĩnh, lặng chiếu”. Nếu bạn đã từng nhìn thấy một mặt hồ rất tĩnh lặng, bạn sẽ thấy nó phản chiếu trời mây, núi xanh và cây cối trong đó. Nếu ta chụp hình mặt hồ lúc ấy, ta sẽ thấy là những hình phản chiếu của trời mây, núi xanh và cây cối trên mặt hồ cũng y chang như trời mây, núi xanh bên ngoài.
Khi ta trầm tĩnh, lắng dịu, ta sẽ thấy mọi thứ đúng như nó đang là. Ta không bóp méo sự vật, hiện tượng và ta không trở thành nạn nhân của những tri giác sai lầm khiến ta sợ hãi, giận hờn và tuyệt vọng. Khi tâm ta không tĩnh lặng thì ta nhìn thấy sự vật bị méo mó, ta lẫn lộn mọi thứ; ta hiểu nhầm chính bản thân, hiểu lầm người khác. Ta tạo ra những sai lầm khiến cho ta khổ và người khác cũng khổ. Nếu ta có đủ bình an và tĩnh lặng, thì ta sẽ bớt có những tri giác sai lầm. Với viên sỏi thứ ba này, ta muốn nuôi dưỡng sự tĩnh lặng trong ta. Ai trong chúng ta cũng cần có sự lắng dịu, tĩnh lặng để có thể thực sự hạnh phúc, vì vậy ta cần viên sỏi thứ ba tượng trưng cho nước tĩnh, lặng chiếu. Mỗi ngày, ta cần thực tập “nước tĩnh, lặng chiếu” để làm lắng dịu thân tâm.
Viên sỏi cuối cùng, tượng trưng cho không gian và sự tự do. “Thở vào, tôi trở nên không gian bao la. Thở ra, tôi cảm thấy tự do thênh thang. Không gian, thênh thang”. Không gian chính là sự tự do, mà tự do là nền tảng của hạnh phúc. Không có tự do thì hạnh phúc không thể nào được trọn vẹn. Nhưng tự do thoát khỏi cái gì? Tự do khỏi sợ hãi, tham đắm, giận hờn, tuyệt vọng. Tự do khỏi những dự án, lo lắng. Bụt là người hoàn toàn tự do cho nên Bụt có hạnh phúc lớn. Thở vào, tôi hiến tặng nhiều không gian cho chính tôi. Thở ra, tôi hiến tặng nhiều không gian cho những người tôi yêu thương.
Khi ta thương ai, ta hãy cho người ấy thêm nhiều không gian bên trong cũng như bên ngoài. Làm như thế, người ấy sẽ rất hạnh phúc. Trong nghệ thuật cắm hoa Ikebana, người ta chỉ cần vài bông hoa và tạo thật nhiều không gian cho hoa được tỏa rạng vẻ đẹp của nó. Con người cũng vậy. Ai cũng cần có không gian bên trong lẫn bên ngoài để có thể thực sự hạnh phúc. Nếu ta thương ai đó thì ta nên biết cách làm thế nào để cho người đó có đủ không gian bên trong cũng như bên ngoài.
Nhưng nếu ta không có không gian thì làm sao ta có thể hiến tặng không gian cho người mình thương? Do đó, điều thiết yếu là chúng ta phải biết cách chế tác tự do cho bản thân, khi có tự do rồi, ta mới có thể hiến tặng tự do cho người thương, đó là tình yêu đích thực. Chúng ta đừng giam hãm chính mình, đừng giam hãm người mình thương. Chúng ta có tự do trong lòng và chúng ta có thể hiến tặng tự do đó cho người mình thương.
Sự thực tập thiền sỏi giúp nuôi dưỡng sự tươi mát, vững chãi, tĩnh lặng và tự do cho trẻ em lẫn người lớn. Chúng ta có thể thực tập thiền sỏi ở bất cứ nơi đâu.
Những bài thực hành về thiền sỏi
THỰC HÀNH THIỀN SỎI KẾT HỢP VỚI VẼ TRANH
DỤNG CỤ: Chuông và dùi chuông, một tờ giấy gấp làm bốn, bốn viên sỏi cho mỗi em, bút dạ màu, màu sáp, phấn màu, bút chì màu hoặc màu nước.
Lưu ý: Bạn có thể tự mình đi nhặt sỏi hoặc yêu cầu các em tự nhặt cho mình.
Trẻ em hoàn toàn có khả năng tự hướng dẫn buổi thiền sỏi và các em rất thích được thỉnh chuông. Một em có thể hướng dẫn trọn bài hoặc cho các em thay phiên nhau hướng dẫn một trong bốn phần của bài tập. Tùy vào thời gian và năng lượng của các em mà bạn có thể chia bài thực hành này ra thành một, hai hay nhiều buổi. Có khi bạn phải mất bốn ngày để hoàn thành bài thực hành này, mỗi ngày cho trẻ thực hành với một viên sỏi mà thôi. Bạn có thể cho các em thực hành thiền sỏi 5 đến 10 phút vào đầu ngày hoặc cuối ngày. Bạn cũng có thể bắt đầu bằng bài hát Thở vào, thở ra (tham khảo phần hướng dẫn Thiền sỏi của sư cô Đăng Nghiêm tại đường link này: https://www.youtube.com/ watch?v=81K3Hxj-fsk hoặc dùng điện thoại quét theo mã QR-code sau:
Phần chữ in nghiêng dưới đây là những điều bạn cần hướng dẫn cho trẻ.
Chúng ta cùng hát bài “Thở vào, thở ra” để giúp mình thực tập thiền sỏi nhé.
Bây giờ, mình cùng thở vào, thở ra theo tiếng chuông; thở ba lần nhé.
Nhấp chuông và thỉnh ba tiếng tròn đầy, mỗi tiếng chuông cách nhau ba hơi thở.
Bây giờ, các em lấy bốn viên sỏi ra và đặt sang phía bên trái của mình. Sau đó, các em mở tờ giấy đã được gấp làm bốn ra. Chúng ta sẽ vẽ hình ở bốn phần của tờ giấy. Ở phần đầu tiên, các em hãy vẽ một bông hoa, bất cứ loài hoa nào mà các em yêu thích. Trong khi vẽ, các em nhớ đừng quên hơi thở nhé.
Sau khi các em đã vẽ xong, chúng ta nói:
Bông hoa tượng trưng cho sự tươi mát trong ta. Ai cũng có khả năng tươi mát; nếu chẳng may đánh mất thì ta có thể thực tập thở vào, thở ra để tươi mát trở lại. Các em cũng là một bông hoa và trong các em có yếu tố tươi mát của một bông hoa. Mỗi khi các em tươi mát, các em rất đẹp.
Bây giờ, các em dùng hai ngón tay lấy một viên sỏi đặt vào lòng bàn tay trái. Nhìn ngắm viên sỏi với đôi mắt thật tươi mới. Viên sỏi này tượng trưng cho một bông hoa. Đặt bàn tay trái trên lòng bàn tay phải, các em hãy thực tập:
Thở vào, tôi thấy tôi là một bông hoa
Thở ra, tôi cảm thấy tươi mát
Là hoa, tươi mát.
Nhẹ nhàng lặp lại từ khóa “Là hoa, tươi mát” trong ba hơi thở vào, thở ra. Mỗi lần đọc lên như vậy là chúng ta đang lấy lại sựtươi mát trong ta. Sau ba hơi thở, các em nhìn và mỉm cười với viên sỏi, sau đó đặt viên sỏi qua phía bên phải của mình.
Hình thứ hai mà các em sẽ vẽ là một ngọn núi. Nhớ thở vào, thở ra và mỉm cười trong khi các em vẽ ngọn núi nhé.
Sau khi các em vẽ xong, chúng ta nói:
Ngọn núi tượng trưng cho sự ổn định và vững chãi. Khi ta thực tập ngồi trong chánh niệm, đi trong chánh niệm tức là ta đang nuôi lớn chất liệu ổn định, vững chãi trong tự thân. Đó là ngọn núi trong ta. Sự ổn định, vững chãi rất cần thiết cho hạnh phúc của chúng ta.
Bây giờ, chúng ta nâng viên sỏi thứ hai trên tay và nhìn vào viên sỏi. Viên sỏi này tượng trưng cho trái núi. Đặt viên sỏi vào lòng bàn tay trái, lòng bàn tay phải đặt dưới bàn tay trái, chúng ta thực tập:
Thở vào, tôi thấy tôi là một trái núi
Thở ra, tôi cảm thấy vững vàng
Là núi, vững vàng.
Nhẹ nhàng lặp lại các từ khóa “Là núi, vững vàng” trong khi thở vào thở ra ba lần. Ta có một ngọn núi trong ta, ta có khả năng sống vững chãi. Sau đó, đặt viên sỏi qua phía bên phải.
Hình thứ ba, chúng ta sẽ vẽ là mặt nước tĩnh lặng, một hồ nước chẳng hạn. Chúng ta vừa theo dõi hơi thở vào ra vừa vẽ mặt nước này nhé.
Sau khi các em đã vẽ xong, chúng ta nói:
Mặt nước tĩnh lặng phản chiếu được bầu trời, những đám mây và núi đồi. Nó phản chiếu được mọi vật mà không làm cho hình ảnh ấy bị méo mó đi. Một mặt nước tĩnh lặng thì rất đẹp. Khi chúng ta học cách thở vào, thở ra trong chánh niệm, chúng ta trở nên an tĩnh hơn, lắng yên hơn; ta không còn là nạn nhân của những tri giác sai lầm hay những ảo tưởng của chính mình. Ai trong chúng ta cũng có khả năng lắng yên, đó chính là nước tĩnh lặng chiếu trong mỗi người. Các em hãy nâng viên sỏi thứ ba trên tay và nhìn vào viên sỏi nhé. Viên sỏi này tượng trưng cho nước tĩnh lặng chiếu. Đặt viên sỏi vào lòng bàn tay trái, đặt bàn tay trái lên trên lòng bàn tay phải, chúng ta thực tập:
Thở vào, tôi trở nên mặt nước tĩnh
Thở ra, tôi im lặng phản chiếu trời mây đồi núi
Nước tĩnh, lặng chiếu.
Nhẹ nhàng lặp lại các từ khóa “Nước tĩnh, lặng chiếu” trong khi thở vào, thở ra ba lần. Ta có nước tĩnh lặng trong ta, ta có khả năng sống trầm tĩnh, sáng trong và yên lắng. Sau đó, đặt viên sỏi qua phía bên phải.
Hình thứ tư mà chúng ta sẽ vẽ là không gian. Các em có thể vẽ một bầu trời, một cánh đồng bao la hay một cánh chim đang sải cánh bay trên bầu trời. Chúng ta vừa vẽ vừa theo dõi hơi thở vào ra nhé.
Sau khi các em vẽ xong, chúng ta nói:
Chúng ta cần không gian trong lòng thì mới cảm nhận được niềm vui sống và tự do. Nếu không có không gian trong lòng,ta không thể hạnh phúc, cũng không thể bình an được. Khi nhìn vào cái bàn, ta nghĩ rằng cái bàn được làm bằng gỗ nhưng nếu ta nhìn kỹ hơn, ta sẽ thấy rằng cái bàn được làm bởi rất nhiều không gian. Khối lượng gỗ để làm nên cái bàn thực sự không nhiều đâu. Cơ thể và tâm thức của ta cũng vậy. Có thể chúng ta nghĩ rằng mình chỉ được làm bằng cái thân vật chất này thôi, nhưng nhìn kĩ thì ta thấy mình được tạo thành bởi tâm thức và rất nhiều những thứ khác nữa. Thở vào, thở ra, ta có thể nhận diện được rất nhiều không gian trong tự thân. Khi thực tập như vậy, ta đang mở rộng không gian có trong mình rồi, ta sẽ cảm thấy tự do và hạnh phúc hơn.
Bây giờ, chúng ta nâng viên sỏi trên tay và mỉm cười với viên sỏi nhé. Viên sỏi này tượng trưng cho không gian. Đặt viên sỏi vào lòng bàn tay trái và đặt tay trái trên lòng bàn tay phải. Ta bắt đầu thực tập với viên sỏi thứ tư này:
Thở vào, tôi trở nên không gian bao la
Thở ra, tôi cảm thấy tự do thênh thang
Không gian, thênh thang.
Nhẹ nhàng lặp lại từ khóa “Không gian, thênh thang” ba lần. Không gian ở bên trong chúng ta. Khi chúng ta nuôi lớn không gian bên trong lẫn bên ngoài, ta có thể chấp nhận và bao dung cho những người mà mình yêu thương. Cũng giống như vầng trăng đi ngang qua bầu trời khuya, khi mình có không gian, có tự do trong lòng thì đi đâu mình cũng cảm thấy thoải mái. Nếu không có tự do thì ta không thể nào có hạnh phúc. Nếu tiếp xúc được với không gian bên trong thì ta có tự do. Bây giờ, chúng ta đặt viên sỏi này qua bên phải nhé.
Với bốn viên sỏi, chúng ta đã thực tập được tất cả là 12 hơi thở vào và ra. Nếu thích thì các em có thể thực tập lại một lần nữa. Khi làm xong, các em hãy cất bốn viên sỏi vào túi đựng. Để kết thúc buổi thực tập thiền sỏi này, chúng ta cùng lắng nghe thêm một tiếng chuông và theo dõi ba hơi thở vào ra nhé.
Thức chuông và thỉnh một tiếng tròn đầy.
Bây giờ, chúng ta hãy nhìn nhau và mỉm cười, vì chúng ta đã hoàn thành một buổi thiền tập thật tuyệt vời. Các em hãy cúi chào nhau và đứng dậy nào.
TỜ GIẤY THỰC HÀNH THIỀN SỎI
DỤNG CỤ: Chuẩn bị trước cho mỗi em một tờ giấy thực hành thiền sỏi (cỡ A4) theo mẫu dưới đây, cùng với bút viết, bút chì, bút màu hoặc sáp màu.
Sau khi các em đã thực tập thiền sỏi, hãy mời các em điền vào tờ giấy thực hành. Cho các em hoàn thành những câu sau để phản ánh chính xác ý nghĩa của mỗi viên sỏi. Dưới mỗi từ khóa cho mỗi viên sỏi, ta dành một khoảng trống đủ rộng ở phía dưới (có thể là nửa trang giấy) để các em có thể vẽ hình chính mình đang làm những hoạt động mang lại cho các em sự tươi mát, vững chãi, tĩnh lặng và tự do. Những câu trong ngoặc vuông [ ] dưới đây chỉ là những ví dụ.
LÀ HOA TƯƠI MÁT
Mình cảm thấy tươi mới, năng động, vui vẻ khi:
[Khi đi bơi, đi tắm, sau giấc ngủ trưa, chơi với các bạn, đạp xe đạp…]
(Hoàn thành câu trên và vẽ hình mình đang làm hoạt động khiến mình tươi mát như một bông hoa)
LÀ NÚI VỮNG VÀNG
Mình cảm thấy vững chãi, mạnh mẽ, tự tin khi:
[Có thể giúp đỡ bạn khi bạn đang buồn; khi chơi thể thao giỏi; khi giúp được cho anh chị em của mình…]
(Hoàn thành câu trên và vẽ hình mình đang làm hoạt động khiến mình trở nên vững chãi)
NƯỚC TĨNH LẶNG CHIẾU
Mình cảm thấy lắng yên và tập trung khi:
[Khi học giỏi trong lớp; khi vẽ hoặc viết bài; khi hát; khi đi bộ…]
(Hoàn thành câu trên và vẽ hình mình đang làm hoạt động khiến mình trở nên tĩnh lặng)
KHÔNG GIAN THÊNH THANG
Mình cảm thấy tự do, nhẹ nhàng và thư giãn khi:
[Khi chơi với bạn bè hoặc cha mẹ; khi làm một hoạt động gì mà mình ưa thích; chạy lên đồi; ngồi chơi trên xích đu; nựng con chó cưng…]
(Hoàn thành câu trên và vẽ hình mình đang hoạt động khiến mình thấy tự do, nhẹ nhàng)
LÀM TÚI ĐỰNG SỎI
DỤNG CỤ: Len, màu nước hoặc màu vẽ vải, bút dạ, ruy-băng, chỉ thêu, kéo cho trẻ em, nút áo, hạt và các món trang trí khác, một miếng vải hình tròn, đường kính 20 cm, vải mỏng và mềm, màu trắng hoặc màu sáng cho mỗi em. (Đối với các em nhỏ, bạn cũng nên đục sẵn các lỗ nhỏ quanh viền miếng vải cho các em, các lỗ này cách viền túi khoảng 2,5 cm và cách nhau khoảng 1,5 cm.)
Sau khi các em đã biết thực tập thiền sỏi và đã nhặt bốn viên sỏi vừa ý, chúng ta cho các em làm một cái túi nhỏ để đựng sỏi. Các em có thể dùng những vật liệu đã chuẩn bị trước đó để trang trí lên mảnh vải. Nếu các em dùng màu nước hay sơn nước, nên cho các em nhiều giờ hơn để hong cho khô mảnh vải. Sau phần trang trí, dạy cho các em cách xỏ dây len vào những lỗ đã có sẵn trên vải. Sau đó, chỉ cho các em cách rút hai đầu dây lại để làm thành chiếc túi. Sau khi đã hoàn tất một chiếc túi, các em có thể cất sỏi vào túi này để có thể thực tập vào lần tới.
Thiền tập trong suốt một ngày
LÀM THIỆP VỀ THIỀN SỎI
Bạn có thể cắt phần Thiệp thiền sỏi ở cuối sách, hoặc hướng dẫn các em tự làm một tấm thiệp cho chính mình. Các em có thể mang tấm thiệp này về nhà để mời người thân trong gia đình và bạn bè cùng thực tập. Nếu bạn chỉ in trắng đen, các em có thể tô màu cho tấm thiệp đó.
THIỀN SỎI VỚI NĂM NGÓN TAY
Mike Bell, Vương quốc Anh
Ta bắt đầu với ngón trỏ của tay trái đặt trên cổ tay phải (hoặc ngược lại), ngay dưới ngón cái. Thở vào, di chuyển ngón trỏ từ cổ tay lên đầu ngón cái. Thở ra, di chuyển ngón trỏ từ đầu ngón cái xuống kẻ tay giữa ngón cái và ngón trỏ. Cứ như vậy, ta thực tập với bốn ngón còn lại. Một cách khác, đơn giản hơn: ta lấy bàn tay này nắm lấy một ngón tay của bàn tay kia trong một hơi thở vào và ra. Với ngón cái, ta chỉ ý thức về hơi thở vào, ra. Bốn ngón còn lại, ta quán tưởng về bốn hình ảnh trong thiền sỏi.
THIẾT LẬP MỘT PHÒNG THỞ
Thật tuyệt vời biết bao nếu mỗi gia đình có một nơi để thực tập thiền sỏi. Ta có thể gọi đó là phòng thở hoặc phòng thiền. Ở nhà chúng ta đều đã có phòng khách, phòng ngủ, phòng xem ti-vi nhưng ta lại chưa có không gian dành để nuôi dưỡng sự yên bình và đời sống tinh thần của mình. Vì vậy, mỗi nhà nên có một phòng thở, đó là lãnh địa của Bụt, của sự bình an ngay trong nhà mình.
Căn phòng này là một nơi thiêng liêng. Ta không cần bày biện nhiều thứ, chỉ cần vài cái gối ngồi thiền, một bàn thờ (hay chỉ một cái bàn) với một bình hoa tươi. Nếu có một cái chuông nhỏ để thực tập thiền thở thì càng tốt.
Mỗi sáng, trước giờ đi học hoặc đi làm, thật tuyệt khi cả gia đình có thể cùng nhau thực tập toàn bộ hoặc một phần bài thiền sỏi. Đó là cách rất hay để bắt đầu một ngày mới. Mỗi khi thấy trong lòng xáo động, ta vào phòng thở. Ngồi xuống và lắng nghe chuông để lấy lại sự bình an trong tự thân.
Một khi đã ngồi trong phòng thở thì đâu còn ai la mắng mình nữa. Những người thân trong gia đình nghe tiếng chuông vang lên từ phòng thở thì biết rằng mình đang thực tập để làm lắng dịu thân tâm. Và mọi người sẽ tắt ti-vi hoặc nói nhỏ lại để yểm trợ thêm cho mình. Khi trong gia đình có chuyện không vui, người này la mắng hay buồn giận người kia, ta có thể tìm lại sự định tĩnh, sáng suốt của mình trong phòng thở này. Sau đó, ta biết rõ là mình nên làm gì và không nên làm gì trong tình huống đó. Sự thực tập của mỗi người là một đóng góp rất quan trọng cho sự bình yên trong gia đình.
Một góc nhỏ yên ắng trong lớp học cũng có thể được dùng để làm phòng thở, nơi học sinh tìm đến mỗi khi cần bình tĩnh lại và trở về với chính mình. Đó có thể là một góc nhỏ của lớp học, có bàn bao quanh để tạo thành một vành đai. Bạn có thể đặt ở đó vài cái ghế hoặc một tấm thảm để ngồi hoặc nằm.
Nhiều trường công tại Đức có dành những phòng riêng cho các em thực tập thiền (có hướng dẫn). Các em nằm trên sàn có trải thảm, ánh sáng đèn dịu nhẹ và phòng có mở nhạc thư giãn. Tại trường học gần thành phố Austin của bang Texas, Hoa Kỳ, các em nhỏ đã tự dựng lên một “gazebo” (vọng lâu hay lầu đón gió) và gọi đó là trung tâm tĩnh lặng. Các em mang ghế cũ và ghế dài có nệm từ nhà lên và để trên sàn mấy cái gối. Rất nhiều trẻ em và nhân viên đến đó để nghỉ trưa, đọc sách, buông thư và làm lắng dịu cảm xúc. Chúng ta cũng có thể thiết lập một phòng thở như vậy tại nơi làm việc của mình.
THIỀN BUÔNG THƯ CHO TRẺ EM
Trong xã hội hiện nay, càng ngày càng có nhiều người bị căng thẳng. Ngay cả trẻ em cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng căng thẳng và nhịp sống quá nhanh của xã hội. Thiền buông thư là cơ hội cho cơ thể ta được nghỉ ngơi, trị liệu và phục hồi. Ta buông thư toàn thân, chú ý đến từng bộ phận trong cơ thể và gửi tình thương, sự quan tâm, chăm sóc đến từng tế bào trong cơ thể.
Nếu bạn bị khó ngủ, thực tập thiền buông thư sẽ giúp bạn đi vào giấc ngủ nhẹ nhàng hơn. Nằm trên giường, bạn hãy buông thư và theo dõi hơi thở. Dù không ngủ thì thực tập buông thư có tác dụng nuôi dưỡng bạn và cho phép bạn được nghỉ ngơi.
Chúng tôi hướng dẫn thiền buông thư cho người lớn và cả trẻ em. Đối với các em, chúng tôi có cách hướng dẫn riêng. Chúng ta có thể thực tập thiền buông thư cùng với gia đình trong phòng thở tại nhà hoặc thực tập chung với bạn bè ở trường. Bạn có thể đọc bài hướng dẫn này cho các em thực tập hoặc mời các em thay phiên nhau đọc cho các bạn khác thực tập. Các em lớn hơn rất thích làm việc này và thường thì các em làm rất tốt, chỉ cần nhắc các em đọc chậm và dừng lại sau mỗi câu hướng dẫn. Trong khi hướng dẫn, chúng ta có thể hát những bài hát ru. Ta không cần phải thực tập hết tất cả những gì được trình bày dưới đây, chỉ cần tập trung vào những bộ phận chính trong cơ thể. Nếu cần, chúng ta có thể thay đổi bài hướng dẫn cho phù hợp với các em.
Mời các em nằm xuống, nếu các em không thể nằm thì vẫn có thể thực tập trong bất kỳ tư thế nào các em cảm thấy thoải mái. Đọc chậm rãi phần hướng dẫn in nghiêng dưới đây. Nếu đoạn nào không cần thiết hoặc không phù hợp với các em trong hoàn cảnh đó thì ta có thể tùy ý bỏ qua. Sau khi hướng dẫn các em gửi tình thương và sự quan tâm lân mẫn đến những bộ phận của cơ thể, chúng ta có thể hát hoặc chơi những bài nhạc nhẹ có tác dụng buông thư.
Buôngthư là cơ hội cho thân ta được nghỉ ngơi. Khi thân được nhẹ nhàng, thoải mái thì tâm cũng sẽ được lắng dịu và bình an. Do đó, sự thực tập buông thư rất cần thiết để trị liệu cho thân tâm ta. Các em hãy thực tập thường xuyên và thực tập vào bất cứ lúc nào các em có thể làm trong ngày – thực tập năm đến mười phút sau khi thức dậy hoặc trước khi đi ngủ, trong giờ ra chơi hay trong một ngày bận rộn. Điều quan trọng nhất là chúng ta thích buông thư.
Bây giờ, các em hãy thư giãn nào. Nhắm mắt lại. Hai tay thả lỏng dọc theo thân người, hai chân duỗi thẳng và bàn chân mở ra một cách tự nhiên. Nếu không thoải mái thì các em có thể chọn cho mình một tư thế khác, miễn là các em cảm thấy thoải mái nhất.
Các em có biết các em là một điều kỳ diệu không? Toàn bộ cơ thể của các em đều là một điều kỳ diệu, từ tóc trên đỉnh đầu cho đến những ngón chân nhỏ xíu.
Bây giờ, đây chúng ta hãy chú ý đến hơi thở vào và hơi thở ra. Thở vào, cảm thấy bụng đang phồng lên. Thở ra, cảm thấy bụng xẹp xuống. Hơi thở đi vào và đi ra như những con sóng nhấp nhô trên đại dương, rất thư thái, rất bình an. Chúng ta hãy tiếp tục theo dõi sự phồng lên xẹp xuống của bụng qua vài hơi thở.
Khi thở vào, thở ra, ý thức toàn thân đang trong tư thế nằm; cảm nhận rõ rệt những phần của cơ thể đang tiếpxúc trực tiếp với sàn nhà: hai gót chân, mặt dưới của cẳng chân, mông, lưng, mặt dưới của hai cánh tay, bàn tay và đầu. Với mỗi hơi thở vào – ra, cảm thấy toàn thân mình buông thư sâu hơn, sâu hơn; nhẹ nhàng buông thả mọi căng thẳng, lo lắng.
Thở vào, chú tâm đến bàn hai tay của mình. Thở ra, thả lỏng hoàn toàn các cơ bắp trong hai bàn tay. Thở vào, cảm thấy mình thật may mắn có được hai bàn tay khỏe mạnh. Thở ra, mỉm cười với hai bàn tay. Hai bàn tay thật quý giá biết bao! Nhờ có hai bàn tay mà mình có thể xây lâu đài trên cát, vẽ tranh, tô màu, viết thư. Mình còn có thể sửa đồ đạc bị hư và vuốt ve con mèo cưng của mình. Nhờ có hai bàn tay mà mình có thể lái xe đạp, trèo cây, ném bónh tuyết. Có thể nắm tay bạn, có thể tự cột dây giày, có thể làm bánh, làm chả giò, làm mứt, chải tóc, còn nhiều thứ nữa mà nhờ có hai bàn tay mình mới có thể làm được.
Thở vào, duỗi hai bàn tay ra. Thở ra, buông thư hai bàn tay. Hai bàn tay là hai người bạn tốt, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ mình.
Thở vào, ý thức về hai cánh tay. Thở ra, cho phép hai cánh tay được buông thư hoàn toàn. Thở vào, cảm thấy hạnh phúc vì có hai cánh tay khỏe mạnh. Thở ra, thả lỏng tất cả những cơ bắp trên hai cánh tay; cảm thấy khỏe quá, nhẹ quá. Nhờ có hai cánh tay mà mình có thể ôm ba mẹ, ôm ông bà. Mình có thể chơi xích đu, đi bơi, ném banh. Bây giờđây mình có cơ hội nói lời cảm ơn đến hai cánh tay “cảm ơn bạn, nhờ có bạn mà mình làm được nhiều thứ lắm”.
Thở vào, duỗi hai cánh tay ra. Thở ra, để cho hai cánh tay được hoàn toàn nghỉ ngơi. Mỉm cười với hai người bạn tốt của mình.
Thở vào, hướng sự chú ý đến đôi bờ vai của mình. Thở ra, thả lỏng đôi vai và để cho gánh nặng trên hai vai được trút bỏ xuống sàn nhà. Thở vào, gửi tình thương của mình đến đôi vai. Thở ra, mỉm cười biết ơn. Mỗi lần thở ra, cảm thấy đôi vai mình được thả lỏng hơn.
Thở vào, đem sự chú tâm đến hai bàn chân. Thở ra, mỉm cười và nhúc nhích mười đầu ngón chân. Sướng quá, mình vẫn còn có hai bàn chân khỏe mạnh. Nhờ có hai bàn chân mà mình có thể chạy, có thể đi bộ, chơi thể thao, nhảy múa, đi xe đạp. Hai bàn chân mình thích được đi trên nền cát ấm. Mỗi khi trời mưa, hai bàn chân mình cũng thích lội trong bùn. Với đôi chân, mình tha hồ chạy nhảy, leo trèo và chơi nhảy dây. Mỗi khi mình mệt, đôi chân cũng thích được nghỉ ngơi. Cảm ơn đôi chân nhé!
Thở vào, co giãn hai bàn chân và các ngón chân. Thở ra, buông thư hai bàn chân. Mình thật là may mắn vẫn còn có hai bàn chân khỏe mạnh.
Thở vào, chú ý đến cẳng chân trái và phải. Thở ra, cảm thấy thích thú quá. Đôi chân này đã lớn lên từng ngày từkhi mình còn là một em bé sơ sinh nhỏ xíu. Đến bây giờ nó vẫn tiếp tục thay đổi. Đôi chân này giúp mình đứng thẳng và cao hơn mỗi ngày. Mình có thể ngồi xếp bằng hay làm động tác xoạc chân trên sàn. Mình có thể chơi đá bóng và đi cà kheo. Bước lên, bước xuống cầu thang, đi bộ từ nhà đến trường và từ trường về nhà, mình đã đi khắp mọi nơi bằng đôi chân này. Thật là sướng khi có đôi chân!
Thở vào, duỗi căng hai chân ra. Thở ra, buông thư hai chân. Đôi chân là một phép lạ, luôn luôn có mặt đó cho mình.
Thở vào, ý thức là mình đang có đôi mắt sáng. Thở ra, mỉm cười với đôi mắt. Thở vào, thả lỏng các cơ xung quanh mắt. Thở ra, gửi tình thương và sự quan tâm chăm sóc đến đôi mắt. Đôi mắt là một món quà của sự sống. Nhờ có đôi mắt mà mình có thể nhìn thấy mọi vật, thấy được gương mặt của những người thân yêu và thấy được chính mình nữa. Với đôi mắt, mình có thể ngắm nhìn những cánh chim thong dong trên bầu trời xanh, ngắm được ánh trăng sáng đêm rằm. Mình có thể đọc sách, viết bài và xem ti-vi. Mình có thể thấy đàn kiến đang xây tổ và có thể làm một phép chia thật dài. Khi buồn, mình có thể khóc và để nước mắt tuôn rơi. Đôi mắt là nơi biểu lộ tâm hồn mình.
Thở vào, nhắm chặt hai mắt lại. Thở ra, thả lỏng và để cho mắt được buông thư. Cảm ơn đôi mắt nhé. Cảm ơn bạn đã cho mình được nhìn thấy những cảnh vật thật đẹp xung quanh mình.Thở vào, mình tiếp xúc với lá phổi và cảm thấy hai lá phổi đang phình ra. Thở ra, cảm nhận hai lá phổi thu nhỏ lại.
Thở vào, cảm thấy hạnh phúc vì hai lá phổi của mình còn khỏe mạnh. Thở ra, mỉm cười với hai lá phổi. Hai lá phổi của mình thật kỳ diệu, nó giúp mình thở vào, thở ra ban ngày và cả ban đêm nữa. Khi mình đi ngủ, hai lá phổi vẫn phải làm việc. Hai lá phổi mang dưỡng khí vào cơ thể và cho mình sức để nói, để hát, để la hét khi chơi đùa cùng bạn bè, để huýt gió, để cười khúc khích, hay thậm chí là càu nhàu. Khi mới chào đời, việc đầu tiên mình phải làm là thở vào một hơi thật sâu. Kể từ lúc đó, hai lá phổi có mặt cùng với mình cho tới bây giờ, trong mỗi giây, mỗi phút của đời sống hàng ngày.
Thở vào, mình đưa không khí trong lành vào hai buồng phổi. Thở ra, buông thư và để cho hai lá phổi được nghỉ ngơi. Cảm ơn hai lá phổi nhé, cảm ơn bạn đã giúp cho mình được thở!
Thở vào, mình biết trái tim mình đang đập trong lồng ngực. Thở ra, mình cảm nhận từng nhịp đập và để tim được thư giãn. Với hơi thở vào, mình gửi tình thương đến trái tim. Với hơi thở ra, mỉm cười với trái tim. Nhờ có trái tim mà mình còn sống, trái tim luôn có mặt đó cho mình, trong mỗi giây, mỗi phút, và chưa bao giờ nghỉ ngơi.
Trái tim bắt đầu biết đập từ khi mình chỉ mới là bào thaibốntuầntuổitrongbụngmẹ.Đâylàmộtcơquan kỳ diệu, cho phép mình được làm tất cả những gì muốn làm trong ngày.
Thở vào, mình biết là trái tim cũng rất thương mình. Thở ra, mình hứa với trái tim là mình sẽ sống như thế nào để giữ cho trái tim luôn khỏe mạnh. Với mỗi lần thở ra, mình cảm thấy tim mình được thư giãn nhiều hơn và cảm nhận được từng tế bào trong tim mỉm cười với niềm vui. (Hãy hát hoặc mở nhạc vào lúc này)
Thở vào, mình chú ý đến dạ dày của mình. Thở ra, mình để cho dạ dày được buông thư. Thở vào, gửi tình thương đến dạ dày. Thở ra, mỉm cười với dạ dày. Mình biết là dạ dày đã làm việc vất vả vì mình. Mỗi ngày nó phải tiêu hóa bao nhiêu là thức ăn và cung cấp cho mình thật nhiều năng lượng. Bây giờ, mình để cho dạ dày của mình được nghỉ ngơi hoàn toàn. Trong khi thở vào, cảm thấy dạ dày mình khỏe nhẹ hơn, hạnh phúc hơn. Trong khi thở ra, gửi niềm biết ơn đến dạ dày.
Bây giờ đây mình đem sự chú tâm đến những vùng trong cơ thể đang bị bệnh hoặc đau nhức. Đây là cơ hội để mình ý thức về chỗ đau đó và gửi tình yêu thương chăm sóc cho nó. Thở vào, mình để cho chỗ đau được nghỉ ngơi. Thở ra, mỉm cười ưu ái với chỗ đau. Mình biết là những bộ phận khác trong cơ thể vẫn còn khỏe mạnh, do đó mình để cho năng lượng từ những vùng khỏe mạnh truyền đến và nâng đỡ cho vùng đang bị đau yếu. Mình cảm nhận năng lượng nâng đỡ và thương yêu của những bộ phận khỏe mạnh đang từ từ thấm vào vùng bị đau yếu, xoa dịu và chữa lành cho vùng bị đau yếu đó.
Thở vào, mình ý thức sự mầu nhiệm và khả năng tự trị liệu của cơ thể. Thở ra, mình buông bỏ mọi lo lắng, sợ hãi mà mình đã chất chứa trong cơ thể.
Thở vào, thở ra, mình mỉm cười đầy thương yêu và tin tưởng với những vùng đang yếu trong cơ thể.
Thở vào, ý thức là toàn thân mình đang nằm trên sàn nhà. Thở ra, mình thưởng thức cảm giác khoan khoái được nằm buông thư như vậy, rất dễ chịu, rất lắng yên. Với hơi thở vào và hơi thở ra, mình mỉm cười và gửi tình thương đến toàn thân. Mình cảm nhận từng tế bào trong cơ thể cũng đang mỉm cười với mình. Mình gửi lòng biết ơn đến từng tế bào trong cơ thể.
Thở vào, thở ra, cảm nhận bụng mình đang phồng lên, xẹp xuống nhẹ nhàng.
Đã hết giờ thiền buông thư rồi. Các em có thể nhẹ nhàng cử động bàn tay, bàn chân, duỗi căng nó ra từ từ, chậm chậm thôi. Rồi các em nghiêng người qua một bên và chống tay để nâng người ngồi dậy. Các em có thể mở mắt ra, từ tốn và nhẹ nhàng đứng dậy. Các em hãy mang năng lượng bình yên và chánh niệm này theo các em suốt thời gian còn lại trong ngày nhé.
Chúng ta có thể đọc cho các em đoạn văn hướng dẫn dưới đây để các em buông thư trước khi thực tập ngồi thiền.
Hãy tưởng tượng một dòng thác ánh sáng trắng xóa đang chảy xuống cơ thể mình. Ánh sáng ấy tuôn chảy xuống đầu, giúp cho tâm trí mình được buông thư. Mình cảm thấy tâm trí mình thư giãn, nhẹ nhàng hơn. Dòng thác ánh sáng chảy tràn xuống cổ và hai vai. Cổ và hai vai liền được buông thư; mọi căng thẳng, mỏi mệt được trút bỏ. Giờ thì dòng thác chảy xuống cánh tay. Mình cảm thấy hai cánh tay buông thả hoàn toàn. Dòng thác ánh sáng lại chảy xuống lưng, mình cảm thấy lưng được buông thư và nhẹ nhõm hơn. Dòng thác tiếp tục chảy xuống ngực và bụng, giúp cho hai bộ phận này được thư giãn, không còn vương chút giận hờn, tổn thương hay buồn tủi. Dòng thác chảy xuống hai cẳng chân và bàn chân; mình cảm thấy hai chân được nghỉ ngơi và thư thái. Giờ thì dòng thác ánh sáng ấy chảy tràn trên khắp cơ thể. Toàn thân mình cảm thấy bình an và lắng dịu. Hãy ở yên dưới dòng thác này một lúc và cảm nhận cách nó thư giãn và chữa lành cơ thể mình.
Vấn đáp với thiếu nhi
Trong các khóa tu, Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Sư Ông Làng Mai) luôn có một buổi vấn đáp để mọi người đặt câu hỏi. Trẻ em và các em tuổi thiếu niên (teen) thường được ưu tiên đặt câu hỏi trước. Dưới đây là một câu hỏi trong những buổi vấn đáp đó:
CÂU HỎI CỦA CÁC EM: Sư Ông thực tập thiền bao nhiêu giờ mỗi ngày ạ? Bao nhiêu giờ thực tập thiền ngồi và bao nhiêu giờ thực tập thiền đi (thiền hành)?
SƯ ÔNG TRẢ LỜI: Mỗi khi ngồi xuống, Sư Ông đều ngồi trong chánh niệm. Dù là trong tư thế hoa sen hay tư thế bán hoa sen, hay trong tư thế quỳ Nhật Bản thì Sư Ông
cũng đang thực tập thiền ngồi. Sư Ông không giỏi tính toán nên cũng không biết mình đã ngồi thiền được bao nhiêu tiếng một ngày. Sư Ông thực tập như thế này: mỗi khi ngồi xuống là Sư Ông ngồi trong chánh niệm. Sư Ông rất thích ngồi thật bình an, thật tĩnh lặng. Trong các buổi pháp thoại, dù Sư Ông phải nói nhưng Sư Ông cũng đang ngồi thiền. Sư Ông ngồi một cách vững vàng, bình an. Không phải chỉ ngồi trong thiền đường mới gọi là ngồi thiền, mình phải tính luôn những lần mình ngồi ở những nơi khác nữa. Ngồi trên cỏ, trên đồi thông, ở đâu cũng là ngồi thiền hết.
Mỗi khi chân con tiếp xúc với mặt đất và di chuyển từ nơi này đến nơi khác, con có thể thực tập phương pháp thiền đi. Ở Làng Mai, mọi người đều thực tập như vậy. Mình thực tập không chỉ trong một giờ hay một giờ rưỡi đồng hồ trong ngày mà mình thực tập cả ngày luôn. Mỗi khi cần bước đi, chúng ta nên đi trong chánh niệm, vì đi trong chánh niệm mang lại cho ta nhiều bình an, nhiều hạnh phúc hơn là khi mình đi trong sự quên lãng. Và ta cũng không nên vừa đi vừa nói chuyện. Khi đi, mình phải đầu tư toàn bộ con người mình vào chuyện đi mà thôi. Dành trọn 100% con người mình trong mỗi bước chân thì mình mới chế tác ra nhiều năng lượng bình an và vững chãi. Vừa đi vừa nói thì chúng ta không thưởng thức được bước chân của mình. Nếu cần lắng nghe ai đó thì ta dừng lại và lắng nghe người đó với trọn vẹn 100% sự có mặt của mình.
Tại Làng Mai, mọi người thực tập chánh niệm cả ngày, chứ không chỉ thực tập một vài giờ đồng hồ thôi đâu. Khi nấu ăn hay rửa bát, chúng ta đều có thể theo dõi hơi thở. Làm việc gì mà có chánh niệm tức là mình đang thực tập thiền rồi đó. Làm việc gì chúng ta cũng làm trong thảnh thơi. Lái xe, nói chuyện điện thoại, rửa nồi… mình đều có thể làm trong bình an. Những việc đó cũng quan trọng như giờ ngồi thiền. Sinh hoạt nào trong ngày cũng là cơ hội cho mình thưởng thức sự thực tập, thưởng thức sự sống.
Tập hợp cả nhóm đứng thành vòng tròn. Và đây là lời hướng dẫn:
Bây giờ, chúng ta sẽ cùng khám phá vẻ đẹp của cơ thể khi hoạt động trong hòa điệu nhé. Trước tiên, các em đứng thành một hàng và bắt đầu nối đuôi nhau di chuyển thành vòng tròn quanh phòng học nào. Các em bước đi như bình thường nhưng chú ý đến những chuyển động của thân nhé.
Cả nhóm đi như vậy một vài vòng.
Giờ thì các em đi chậm lại. Hãy cảm nhận sự tiếp xúc giữa bàn chân và sàn nhà, sự đong đưa của cánh tay, cảm nhận mọi thứ phối hợp với nhau một cách hòa điệu.
Bây giờ, hãy bước đi chậm nhất có thể. Hãy bước thật chậm để một bước chân kéo dài thật lâu. Ý thức từng cơ bắp trong cơ thể đang hoạt động như thế nào khi mình bước một bước chân.
Thực tập như vậy ba đến bốn phút.
Bây giờ, chúng ta dừng lại, buông thư và thở vài hơi.
Những hướng dẫn sau đây sẽ giúp các em chú ý đến chuyển động của cơ thể mình trong các tình huống khác nhau cũng như cách cơ thể truyền tải cảm xúc.
Hãy tưởng tượng các em đang bước đi trên một lớp tuyết dày, mỗi bước chân của các em in thật sâu trên nền tuyết. Tưởng tượng các em đang đi trên một lớp băng mỏng, phải cẩn thận từng bước nếu không thì lớp băng mỏng sẽ bị vỡ vụn ra mất. Tưởng tượng mỗi lần các em đặt chân xuống và nhấc chân lên thì một đóa sen xinh đẹp nở ra từ lòng đất và các em để lại cả một hàng hoa sen trên con đường mình đi.
Hãy bước đi như một doanh nhân bận rộn; như một quái vật đầy lông lá; như một quả bóng bay; như một người lính; một kẻ trộm, một con rô-bốt. Tưởng tượng các em đang đội trên đầu một vương miện hoặc một chiếc áo choàng. Tưởng tượng các em đang mang trên đầu một xô nước. Tưởng tượng các em đang vội vã. Hãy xem thử chuyển động của cơ thể các em thay đổi như thế nào.
Tưởng tượng các em bước qua một nơi thật đẹp, làm cho các em cảm thấy thật thoải mái, hạnh phúc. Tưởng tượng các em đi trong một con hẻm tối, có những âm thanh lạ khiến các em sợ hãi. Tưởng tượng các em đã xa nhà một tuần rồi, các em sẽ cảm thấy như thế nào khi được gặp lại gia đình?
Bây giờ, các em hãy bước từng bước dài, bước từng bước ngắn. Bước trên tuyết; băng qua một dòng sông nước chảy xiết; bước trên những hòn đá; lướt con sóng; băng qua cát nóng trên sa mạc; đi trên dây với đôi chân tưởng tượng như một đứa trẻ; đi trên than hồng; đi như một người trượt băng; đi như một người ngượng ngùng; đi như một người tự tin; đi như một chú voi; đi như một người già. Bây giờ, hãy bước đi chậm rãi và chú ý đến những chuyển động của cơ thể. Chú ý đến gót chân của mình, đến mũi chân mình chạm đất. Nhấc chân lên và di chuyển chân kia thật chậm rãi. Xem cơ thể mình giữ thăng bằng như thế nào. Hãy để cơ thể được thư giãn trong mỗi bước đi và dồn sức nặng của cơ thể lên đôi chân đang đứng. Thở thật sâu. Bây giờ, hãy thở vào mỗi khi nhấc chân lên và thở ra mỗi khi đặt chân xuống. Tiếp tục làm như vậy thêm một phút nữa.
GỬI NHỮNG LỜI ƯỚC NGUYỆN VÀO ĐẦU NGÀY VÀ CUỐI NGÀY
DỤNG CỤ: Chuông, dùi thỉnh chuông, nến, nhang, quẹt diêm (nếu phòng không thoáng khí hoặc có người trong nhóm bị dị ứng thì không cần thắp nhang và thay vào đó là một bình hoa hay một hòn sỏi nhỏ). Cách chúng ta tập trung các em lại vào buổi sinh hoạt đầu ngày và cuối ngày rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến cả nhóm cũng như những người lớn chăm sóc các em. Chúng ta nên bắt đầu ngày mới một cách tươi vui nhất có thể và khéo léo xoay chuyển cho những hoạt động được yên tĩnh hơn vào cuối ngày. Chúng ta có thể giúp các em thiết lập thói quen quay về với chính mình, tập quay về với không gian ấm áp và tươi sáng bên trong mình.
Thỉnh một tiếng chuông. Bạn có thể áp dụng bài thiền hướng dẫn sau để bắt đầu hoặc kết thúc một ngày:
Các em hãy ngồi xuống thật yên và đem thân tâm trở về với giây phút hiện tại. Trong giây phút yên lắng này, hãy cảm nhận nơi mà các em cảm thấy ấm áp nhất, thân thương nhất, thênh thang nhất bên trong mình. Đó có thể là nơi trái tim, nếu vậy các em đặt bàn tay lên trái tim nhé. Nơi đó cũng có thể là tâm trí của mình, vậy thì các em nhẹ nhàng ôm lấy cái đầu của mình bằng một tay hoặc cả hai tay luôn. Nơi thân thương nhất cũng có thể là một bộ phận nào khác trên cơ thể, các em hãy đặt bàn tay của mình lên chỗ đó. Chúng ta phải thực sự tập trung vào bộ phận đó để cảm nhận rõ ràng hơn tình yêu thương, sự ấm áp và rộng lớn của nó.
Và từ không gian bên trong đó, hãy cảm nhận lời cầu chúc hay ước nguyện đang phát khởi một cách tự nhiên và phát ra thành lời. Lời chúc đó là gì vậy? Đó có phải là lời chúc cho một người mà các em thương yêu? Hay đó là lời chúc cho nhiều người khác nữa? Đó có phải là lời chúc cho một ai đó mà các em không thích? Hay đó là một lời chúc cho chính các em? Hay đó là lời chúc cho những loài cỏ cây, cầm thú và đất đá?
Lúc này, hãy hỏi xem có em nào muốn chia sẻ cho mọi người biết lời chúc hoặc lời ước nguyện của mình. Có em nguyện cầu hòa bình cho thế giới, có em nguyện cầu hạnh phúc cho ba mẹ, hoặc cầu mong cho anh chị em trong nhà có thể hòa hợp với nhau hơn. Bây giờ, nhờ một em thắp nến lên, chúng ta sẽ gửi lời chúc, lời ước nguyện của mình vào ánh sáng và hơi ấm của ngọn nến. Nhờ một em khác thắp một nén nhang, nén nhang tượng trưng cho hương thơm và vẻ đẹp của lời ước nguyện.
Thỉnh một tiếng chuông khi nhang đã cắm vào bát, tất cả các em cùng chắp tay gửi lời nguyện ước của mình. Lời nguyện ước sẽ hòa quyện vào ánh sáng, vào hơi ấm và hương thơm của nén nhang lan tỏa khắp nơi.
Chia sẻ
THIỀN TẬP GIÚP CON NHƯ THẾ NÀO?
Sư cô Châu Nghiêm phỏng vấn bé Chiara (9 tuổi) và bé Siena (11 tuổi), tại Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu (EIAB), Đức
SC. CHÂU NGHIÊM: Con hiểu sự thực tập chánh niệm là như thế nào?
CHIARA: Đối với con, sự thực tập chánh niệm là một dạng buông thư, nhưng đó là cách mình cảm nhận hơi thở của mình. Cũng giống như khi cầu nguyện với Chúa, khi chúng ta lắng nghe hơi thở của mình là chúng ta đang cầu nguyện với Bụt. Khi nghe một tiếng chuông, chúng ta dừng lại và lắng nghe hơi thở của mình. Chúng ta dừng lại bởi vì Bụt nói với mình là: “Hãy dừng lại và lắng nghe hơi thở của con.” Con đã chia sẻ với các bạn của con như vậy đó.
Con cảm thấy thư giãn hơn mỗi khi con dừng lại để nghe chuông, nhưng không phải lúc nào con cũng dừng lại được. Ví dụ như khi con nghe chuông reo báo giờ vào lớp, con phải vào lớp ngay, nhiều khi con vừa chạy vừa nghe chuông. Con lắng nghe hơi thở của mình rất nhiều, ngay cả khi không có tiếng chuông. Con rất thích lắng nghe hơi thở của chính mình, vì nó giúp con chậm lại. Tiếng chuông còn báo cho con biết là nếu con đang sợ hãi thì con nên dừng lại.
SC. CHÂU NGHIÊM: Con có thực tập thiền không?
CHIARA: Con có thử thực tập thiền khi con không mệt mỏi. Con cố gắng giữ cho con được tỉnh táo khi con thực tập thiền. Đôi khi, thật tốt khi chỉ cần theo dõi hơi thở mà không suy nghĩ đến những chuyện khác. Nhưng đôi lúc con không thể ngồi yên, cái đầu con cứ suy nghĩ chuyện này chuyện nọ – chẳng hạn như “tối giao thừa mình nên làm gì nhỉ?” hoặc “mình có nên nói điều này, điều kia với bạn bè không?”
Khi thiền tập, con luôn làm mới hơi thở của mình. Con thiền tập mỗi giây. Con ngồi yên khi lắng nghe giáo viên giảng bài. Con không di chuyển hết chỗ này đến chỗ nọ. Khi con làm những bài toán khó, con thong thả tập thở bởi vì lúc đó đầu con đã bị đầy rồi, sau khi thở, con kiểm tra lại bài tập của mình. Chúng ta chỉ cần làm việc từ tốn lại. Đôi khi mọi người nói, “Nhanh lên nào, phải làm cho xong việc đi chứ,” nhưng dành thời gian tập trung vào hơi thở vẫn tốt hơn, vì sau đó ta có thể suy nghĩ thông suốt hơn.
SC. CHÂU NGHIÊM: Con có nghĩ rằng chánh niệm sẽ giúp con thông minh hơn?
CHIARA: Chánh niệm giúp ta trở nên khôn ngoan hơn vì ta có thời gian để suy xét mọi chuyện.
SC. CHÂU NGHIÊM: Sau khi thực tập chánh niệm, con và chị của con có hòa hợp với nhau hơn trước không?
CHIARA: Chị của con và con hòa thuận hơn trước rồi ạ, lâu lâu con giận chị ấy một chút xíu thôi. Con hơi nóng tính và dễ nổi giận cho nên con thích dừng lại và tập thở, bởi vì sau khi la hét với ai đó thì con lại cảm thấy áy náy. Con không cố ý gây chuyện nhưng nó cứ xảy ra như vậy thôi. Trước kia, nếu có chuyện gì không xảy ra theo ý con muốn, con sẽ nổi giận, sau đó con mới nghĩ lại và thấy mình sai. Nhưng giờ thì con đang cố gắng suy nghĩ cẩn thận trước khi nổi giận.
SC. CHÂU NGHIÊM: Con làm điều đó bằng cách nào?
CHIARA: Con tự hỏi mình tại sao lại buồn giận chuyện này? Nhiều khi con buồn giận những chuyện không đâu vào đâu. Cho nên con hỏi chính mình: “Tại sao mình lại buồn giận? Chuyện này nhỏ xíu mà cũng buồn giận sao?” Nghĩ như vậy giúp con lắng dịu lại.
Nhiều khi con chỉ muốn la hét thật to dù là chẳng có chuyện gì ghê gớm hết. Thiệt tình thì con không muốn vậy, la hét không tốt cho con. Mẹ của con đã cố gắng giúp con, mẹ hay cười lớn cho nên mẹ làm con cười theo. Mẹ nói: “Con làm lại cái mặt như lúc nãy đi, mẹ muốn nhìn cái mặt của con như lúc nãy đó.” Mẹ nói như vậy thôi mà đã giúp con hết la hét.
SC. CHÂU NGHIÊM: Con giải thích về thiền tập hay sự thực tập chánh niệm như thế nào?
SIENA: Trong phim hoạt hình, các nhân vật hay bay lên không trung nhưng đó không thật sự là thiền định. Thiền là trở về với những gì sâu bên trong, thực sự có mặt cho bản thân và nhận biết là mình đang cần gì. Hoặc có những sự thực tập khác như: cầu nguyện cho người khác, mong cho họ sớm khỏe lại.
SC. CHÂU NGHIÊM: Sự thực tập của con có giúp được cho bạn bè không?
SIENA: Dạ, có thể có. Con thấy một điều là càng lớn người ta càng dễ buồn giận. Có lần, một người bạn của con nổi giận với một người bạn khác. Để làm cho bạn bớt giận, con mời bạn đi dạo xung quanh sân bóng chuyền. Con không nói gì nhiều, chúng con chỉ đi bộ thôi. Con không biết bạn ấy đang nghĩ điều gì – có thể là nghĩ về người bạn đã làm cho bạn ấy giận, con chỉ nhìn xuống bàn chân con và nghĩ về bạn của con và người bạn đã làm bạn con giận. Con gửi cho cả hai người một lời cầu nguyện, chúc cho hai bạn được vui hơn. Có nhiều khi con để cho bạn được ở một mình, ở một mình cũng hay lắm. Người bạn của con cảm thấy vui hơn sau khi con làm như vậy. Bạn ấy đã xin lỗi người bạn kia và chúng con lại vui vẻ chơi đùa với nhau. Có thể bạn con không nói xin lỗi bằng lời nói nhưng mình cũng có thể thấy là bạn ấy đã hối lỗi rồi.
SC. CHÂU NGHIÊM: Con thực tập với em của con như thế nào?
SIENA: Mỗi lần cãi nhau, chúng con đứa nào đứa nấy về giường riêng. Khi em dọn phòng thì con đọc sách. Chị em con không nói chuyện với nhau và ai nấy tự tập thở. Có lúc em ấy ra ngoài ăn sáng. Con theo dõi ba hơi thở rồi đi làm chuyện khác, cũng có lúc con xin lỗi em ấy ngay. Con nghĩ lúc đó em cũng đang theo dõi hơi thở, con cũng không chắc lắm, vì lúc đó em ấy ở đầu này thì con ở đầu kia của phòng, nhưng ít ra thì em ấy cũng đang có ý thức về hơi thở của mình.
TIẾNG CHUÔNG LÀ TIẾNG GỌI CỦA BỤT. Trong mỗi chúng ta đều có một vị Bụt. Bụt chính là khả năng tỉnh thức, thương yêu và hiểu biết trong ta. Vì vậy, thực tập lắng nghe chuông là lắng nghe tiếng gọi của thương yêu và hiểu biết trong ta, nhắc ta trở về với tự thân, sống bình an với chính mình và với mọi người. Khi tâm tán loạn, ta cần tiếng gọi của Bụt để đưa ta trở về, Bụt gọi: “Về nhà đi con, đừng đánh mất mình trong giận hờn, buồn bực”.
Khi phải đi đâu xa một thời gian, ta khao khát được trở về nhà. Trong căn nhà của mình, ta cảm thấy bình yên, ta không còn phải rong ruổi, tìm kiếm gì nữa. Ta có thể buông thư và được là chính mình. Được là chính mình, đó là một hạnh phúc lớn. Bạn đã là cái mà bạn muốn trở thành. Bạn không cần phải trở thành một ai khác hay một cái gì khác. Hãy nhìn cây táo này, cây táo chỉ là cây táo thôi đã là một điều tuyệt vời rồi. Cây táo không cần trở thành một cây khác. Tôi chỉ cần là tôi và bạn chỉ cần là bạn thôi. Chúng ta chỉ cần cho phép bản thân mình sống tự nhiên với con người thật của mình. Khi thấy được điều đó, cảm nhận được điều đó thì ta đang ở trong ngôi nhà đích thực của mình. Ai cũng có một ngôi nhà đích thực trong tự thân để trở về.
Ngôi nhà đích thực luôn luôn gọi ta trở về, tiếng nói ấy rất rõ ràng, tha thiết, ngày cũng như đêm. Ngôi nhà đích thực gửi đến chúng ta những làn sóng yêu thương và quan tâm chăm sóc nhưng bởi vì chúng ta quá bận rộn nên chúng ta không nghe được tiếng gọi ấy. Khi nghe chuông, chúng ta hãy buông bỏ mọi thứ – mọi nói năng, suy nghĩ, chuyện trò, chơi đùa, hát ca – để ta trở về ngôi nhà đích thực.
Sở dĩ chúng ta dừng lại mọi suy nghĩ, nói năng và hành động của mình khi nghe chuông là vì chúng ta đang lắng nghe tiếng gọi của một người mà ta rất mực thương yêu và tôn trọng. Ta chỉ cần lặng yên, lắng nghe bằng tất cả trái tim mình và thưởng thức hơi thở trong suốt thời gian nghe chuông. Ta có thể nói thầm: “Thở vào, tôi thấy khỏe. Thở ra, tôi thấy hạnh phúc.” Thực tập chánh niệm cũng chỉ để giúp ta cảm thấy khỏe nhẹ và hạnh phúc, có phải vậy không? Bởi vì ước muốn sâu sắc nhất trong mỗi chúng ta là được hạnh phúc và mang hạnh phúc đến cho mọi người.
Thở theo tiếng chuông
DỤNG CỤ: Chuông nhỏ và dùi chuông.
Đối với các em nhỏ dưới 8 tuổi, bạn có thể chọn một hay hai hoạt động trong phần dưới đây để hướng dẫn cho một buổi sinh hoạt. Bạn có thể hướng dẫn một hoạt động vào đầu buổi sinh hoạt và lặp lại hoạt động đó vào cuối buổi để các em ghi nhớ sâu hơn. Hoặc, trong khoảng 5 – 10 phút đầu mỗi buổi sinh hoạt, bạn có thể giới thiệu với các em một bài thực tập thở hoặc nghe chuông khác nhau. Những lời hướng dẫn được in nghiêng. Câu trả lời của các em được đặt trong dấu ngoặc vuông [ ].
DỪNG LẠI KHI NGHE CHUÔNG
Khi đến trường học hay trong các khóa tu ở Làng Mai, trong buổi sinh hoạt đầu tiên với trẻ em, chúng tôi thường giới thiệu với các em phương pháp thỉnh chuông và nghe chuông.
Khi nâng chuông lên, ta hỏi: Các em có biết đây là cái gì không? Ở nhà các em có cái này không? Khi nghe chuông, các em làm gì?
Tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt hay tiếng gọi của một người rất thương mình, luôn mong cho mình được bình an và hạnh phúc (nếu mình không thoải mái với danh từ “Bụt” thì dùng từ “năng lượng của hiểu biết và thương yêu” hoặc danh từ “tình thương không điều kiện” hoặc “bản chất thiện lành trong ta” hoặc “Chúa hay thánh Allah”). Khi có tiếng chuông, chúng ta ngưng mọi nói năng và công việc đang làm, chỉ cần ý thức về hơi thở vào, hơi thở ra. Đó là cơ hội cho ta được nghỉ ngơi và có mặt cho chính mình.
Ta thỉnh chuông một vài lần cho các em thực tập nghe chuông.
Bây giờ, chúng ta sẽ cùng thực tập dừng lại khi nghe chuông nhé. Các em cứ đi lại trong phòng tự nhiên. Khi nghe tiếng chuông, các em hãy dừng lại và thở ba hơi cho khỏe. Sau đó, các em lại tiếp tục di chuyển, khi nghe tiếng chuông, các em dừng lại và thở.
NHẬN DIỆN HƠI THỞ VÀO VÀ HƠI THỞ RA
Để nhận biết rõ ràng hơn hơi thở của mình như thế nào, các em hãy đặt một ngón tay ngang dưới mũi của mình và cảm nhận hơi thở vào – ra. Hơi thở ra như thế nào nhỉ? Ấm và ẩm phải không? Các em cảm nhận được không? Hơi thở vào như thế nào nhỉ? Mát không? Lúc nào chúng ta cũng thở nhưng ít khi chúng ta ý thức là mình đang thở, mình cho đó là chuyện đương nhiên. Hơi thở quan trọng lắm! Nếu mình không thở được thì chuyện gì sẽ xảy ra các em nhỉ?
Bây giờ, chúng ta đặt một tay lên bụng và cảm nhận khi ta thở vào và thở ra thì bụng của ta như thế nào nhỉ?
[Khi thở vào thì bụng phồng lên, khi thở ra thì bụng xẹp xuống]
Chúng ta hãy cảm nhận nhịp điệu lên xuống của bụng trong vài phút im lặng nhé. Các em cảm thấy thế nào khi mình hoàn toàn chú ý đến hơi thở?
[Em cảm thấy bình an và lắng dịu hơn]
Sự thực tập chú ý đến hơi thở đã giúp thầy/cô vượt qua những giây phút khó khăn (bạn hãy đưa ra một ví dụ cụ thể, nếu được). Thở có ý thức, như cách chúng ta vừa thực tập, có
thể giúp ta làm lắng dịu những cảm xúc như buồn giận hay lo lắng. Hơi thở ý thức còn giúp ta tập trung hơn trong khi học và khi làm bài kiểm tra. Hễ khi nào ý thức về hơi thở, ta sẽ tiếp xúc với những gì đang xảy ra trong giây phút ấy sâu sắc hơn. Nếu ta đang hạnh phúc, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Nếu ta đang đau khổ, hơi thở ý thức giúp ta lắng dịu và thấy rõ sự việc hơn.
Ý THỨC CHIỀU DÀI HƠI THỞ
Bây giờ chúng ta hãy để ý xem hơi thở vào của chúng ta kéo dài bao nhiêu giây và hơi thở ra kéo dài bao nhiêu giây. Chiều dài hơithở của mỗi người sẽ khác nhau, tùy theo khả năng của lá phổi. Chúng ta để cho hơi thở được tự nhiên. Có thể hơi thở ra sẽ dài hơn hơi thở vào một chút. Chúng ta thở vào tự nhiên, và khi thở ra, ta đẩy hết không khí trong buồng phổi, đặc biệt là phần không khí dơ nằm ở dưới đáy buồng phổi, kéo dài hơi thở ra thêm một chút. Nhưng chú ý, đừng gò ép hơi thở. Khi thở, mình cảm thấy dễ chịu thì mới đúng. Các em cũng có thể kéo dài hơi thở vào thêm một chút, nếu thích. Các em cảm thấy thế nào khi hơi thở vào và hơi thở ra của mình dài hơn?
Chúng ta có thể đặt trước mặt các em một cái đồng hồ chỉ rõ kim giây, để các em có thể tính số giây hơi thở của mình. Đề nghị các em chia sẻ xem hơi thở của các em dài bao nhiêu giây. Các em có thể viết trên một mảnh giấy hoặc lên bảng để viết.
ĐẾM HƠI THỞ KHI NGHE CHUÔNG
Bây giờ, chúng ta sẽ nghe một tiếng chuông và chú ý xem mình thở được bao nhiêu hơi thở trong vòng một tiếng chuông. Chúng ta bắt đầu đếm hơi thở ra khi tiếng chuông được thỉnh lên, khi không còn nghe tiếng ngân của chuông nữa thì các em hãy giơ tay lên. Chúng ta có thể nhắm mắt hoặc mở mắt. Nhưng nếu nhắm mắt thì các em sẽ dễ tập trung hơn.
Nhấp chuông và thỉnh một tiếng tròn đầy. Khi chuông hết ngân hoàn toàn, ta hỏi các em: Các em dùng ngón tay để nói cho cô biết là các em thở được bao nhiêu hơi trong tiếngchuông vừa rồi. Sẽ không có ai giống ai vì dung tích phổi của mỗi người khác nhau.
Bây giờ, chúng ta hãy xem mình có thể đếm hơi thở ra từ một đến mười không nhé. Thở vào, thở ra, đếm 1. Các em chỉ cần đếm hơi thở ra thôi.
Khi các em đã thực tập xong, ta có thể hỏi: “Các em cảm thấy dễ hay khó khi thở theo phương pháp đếm từ 1 tới 10? Các em có bị phân tâm hoặc bị quên con số mình đang đếm trong khi thở không? Nếu các em bị phân tâm hay quên con số thì cũng không sao, các em chỉ cần tiếp tục thở và đếm lại từ đầu. Chúng ta thực tập thêm một lần nữa nhé.
THỰC TẬP NGHE CHUÔNG VỚI THI KỆ
Đây là một bài kệ hay còn gọi là bài thơ để thực tập khi nghe chuông:
Thở ra, ta đọc thầm: “Tiếng chuông huyền diệu đưa về quê hương”
Thầy/cô sẽ thỉnh lên một tiếng chuông, chúng ta cùng thở và đọc lớn bài kệ này nhé. Đọc lớn bài kệ sẽ giúp cho các em làm quen với việc tự đọc kệ trong khi thở vào, thở ra ba lần sau mỗi tiếng chuông.
Quê hương hay ngôi nhà đích thực của chúng ta là đâu? Trong mỗi chúng ta đều có một nơi luôn bình yên, tươi đẹp và an toàn.Nơi đó nằm trong tự thân của mỗi người và hơi thở chính là chiếc cầu đưa chúng ta về với nơi đó. Vì vậy, thực tập nghe chuông rất quan trọng. Khi nghe chuông, chúng ta có cơ hội tập thở và quay về với quê hương đích thực, với hải đảo tự thân để tiếp xúc với những gì bình an, trong sáng nơi mình. Các em cảm thấy mình “về nhà, về với quê hương đích thực” khi nào? Giây phút mà các em cảm thấy bình an, lắng dịu và sáng tỏ là khi nào? Ngoài tiếng chuông còn có những điều gì khác có thể giúp ta quay về với quê hương đích thực của mình?
Chúng ta có thể cho các em viết bài kệ nghe chuông trên giấy và trang trí bằng những hình ảnh mà các em nghĩ về quê hương đích thực hay ngôi nhà đích thực trong các em. Hoặc chúng ta chuẩn bị một tấm giấy khổ lớn đã có sẵn bài kệ, cho các em vẽ và trang trí ngôi nhà đích thực của mình lên đó. Treo hình vẽ hoặc tấm tranh lên một chỗ thích hợp để các em nhớ đến sự thực tập mỗi khi nghe chuông.
HỌC CÁCH THỈNH CHUÔNG
Nếu trong nhóm có vài em đã biết cách thỉnh chuông thì mời các em đó chia sẻ cách thỉnh chuông và mời em làm mẫu cho các bạn khác. Yêu cầu cả nhóm ngồi thẳng và đẹp như một vị Bụt. Các em có thể ngồi trên ghế hay trên sàn nhà, ngồi trong tư thế hoa sen hay quỳ gối, nhưng luôn giữ lưng thẳng và toàn thân buông thư.
Ta chỉ nên thỉnh chuông khi tâm ta có đủ bình an và lắng dịu, bởi vì tiếng chuông có khả năng phản ánh được trạng thái của tâm. Khi ta có bình an và lắng dịu thì ta mới có thể giúp cho người khác cũng làm được như vậy. Chúng ta đọc một bài kệ trước khi thỉnh chuông. Thở vào, ta đọc thầm:
Ba nghiệp lắng thanh tịnh.
Ba nghiệp là thân, miệng và ý. Câu này nghĩa là chúng ta có sự tập trung trong giây phút hiện tại. Khi thở ra, ta đọc thầm:
Gửi lòng theo tiếng chuông.
Câu này nghĩa là ta gửi tình thương đến với mọi người, mọi loài trên thế giới. Hơi thở vào tiếp theo, ta đọc thầm:
Nguyện người nghe tỉnh thức.
Tỉnh thức tức là chánh niệm, là không còn sống trong quên lãng. Tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt, giúp chúng ta quay về với giây phút hiện tại, quay về trong tỉnh thức. Hơi thở tiếp theo, ta đọc thầm:
Vượt thoát nẻo đau buồn.
Khi thỉnh chuông, nếu các em quên đọc kệ cũng không sao, nhưng cố gắng nhớ làm điều đó thì rất hay.
Chúng ta có thể dạy các em một bài kệ khác:
Thở vào, tâm tĩnh lặng.
Thở ra, miệng mỉm cười.
Nếu ta sử dụng bài kệ ngắn thì đọc hai lần. Nên cho các em thở vào, thở ra ít nhất là hai lần trước khi nâng chuông lên. Nếu có thời gian thì cho các em tự sáng tác bài kệ thỉnh chuông và nghe chuông để các em áp dụng dễ dàng hơn.
Vừa theo dõi hơi thở vừa đọc thầm bài kệ sẽ giúp cho thân và tâm chúng ta hợp nhất. Với sự chú tâm, chúng ta cầu chúc cho những ai nghe được tiếng chuông này có thể quay về với hơi thở và mỉm cười để thoát ra khỏi những buồn giận, khổ đau và lo lắng của họ. Thở vào, thở ra hai lần với bài kệ, các em có đủ phẩm chất để làm một vị thỉnh chuông giỏi, dù các em chỉ mới 6 hay 7 tuổi.
Chúng ta dùng từ “thỉnh chuông” chứ không dùng từ “đánh chuông” hay “gõ chuông”, vì ta tôn trọng chiếc chuông, ta biết là tiếng chuông có thể giúp ích cho rất nhiều người. Bây giờ, chúng ta chắp hai tay lại; thân và tâm hợp nhất, ta xá chuông để bày tỏ sự cung kính đối với chuông. Chúng ta đặt chuông trong lòng bàn tay duỗi thẳng, nâng tay lên ngang bình diện trái tim. Với tay còn lại, ta nhấc dùi chuông lên và nhấp chuông để báo cho mọi người biết là sắp có một tiếng chuông vang lên, để mọi người có thời gian dừng lại, chuẩn bị thân tâm để thưởng thức trọn vẹn tiếng chuông mà không bị bất ngờ. Sau khi nhấp chuông, ta thở vào, thở ra một lần trước khi thỉnh chuông. Tiếng chuông phải tròn đầy và rõ ràng. Nếu chúng ta lỡ thỉnh một tiếng chuông quá yếu thì ta nên thỉnh lại một tiếng chuông khác mạnh hơn. Chúng ta thưởng thức ba hơi thở vào, ra. Sau đó, đặt chuông xuống và xá.
Cho tất cả các em được lần lượt thỉnh chuông. Thông thường, các em rất thích thỉnh chuông và yên lặng thưởng thức hơi thở trong khi bạn khác thỉnh chuông. Chúng ta cần nhắc nhở các em nhớ nhấp chuông trước khi thỉnh vì các em thường hay quên nhấp chuông. Đôi khi các em lo lắng nên thỉnh chuông không đúng cách. Hãy nhẹ nhàng khuyến khích các em thỉnh lại một lần nữa. Chúng ta cũng có thể hỏi các em cảm thấy thế nào khi được thỉnh chuông. Chỉ cho các em biết là hơi thở của người lớn dài hơn của các em, vì vậy khi các em thỉnh chuông cho người lớn thì phải để thêm vài giây cho người lớn thở thong thả ba hơi.
Khi các em đã biết thỉnh chuông, chúng ta yêu cầu các em thỉnh chuông khi bắt đầu và kết thúc buổi sinh hoạt. Ta nhắc các em bình tâm và nhớ thở vào, thở ra hai lần trước khi thỉnh chuông. Khuyến khích các em nên có một cái chuông tại nhà. Mỗi khi không khí trong gia đình căng thẳng, bất hòa, giận hờn nhau, các em có thể thỉnh chuông để nhắc ba mẹ trở về với hơi thở. Nhiều em đã thực hành như vậy tại nhà.
Nhiều giáo viên đã áp dụng thành công phương pháp thỉnh chuông tại lớp học. Chúng ta có thể cho các em được thay phiên nhau thỉnh chuông giữa các tiết học hoặc những lúc không khí trong lớp không được bình an. Nếu không có chuông, chúng ta có thể sử dụng những phương tiện khác thay thế cho tiếng chuông. Có những lớp học, giáo viên cử một học sinh trong lớp cứ mỗi mười lăm phút thì đứng lên vỗ tay ba lần thay cho tiếng chuông để giáo viên và các bạn dừng lại nghỉ ngơi và theo dõi hơi thở. Ngoài ra, các học sinh trong lớp cũng có thể đề nghị dùng một âm thanh khác mà các em thích.
LẮNG NGHE TÍNH BỤT TRONG TA
Các em có biết là Bụt đã gọi chúng ta từ lâu lắm rồi không? Hôm nay, chúng ta sẽ xem thử là mình có nghe được tiếng Bụt gọi không nhé. Hãy cùng lắng nghe nào, Bụt đang gọi chúng ta đó!
Đọc lớn bài kệ thỉnh chuông và thỉnh một tiếng chuông. Các em có nghe thấy tiếng Bụt gọi không? Khi nghe tiếng chuông, chúng ta đang lắng nghe tiếng gọi của Bụt! Đó là lí do vì sao chúng ta dừng lại và bày tỏ lòng thành kính của mình đối với Bụt trong tiếng chuông ấy. Chúng ta dừng lại mọi hành động, nói năng và cả suy tư của mình để lắng nghe tiếng gọi của Bụt. Tiếng gọi ấy không phải là tiếng gọi của một vị Bụt cách chúng ta hàng ngàn năm về trước mà chính là vị Bụt trong tự thân mỗi chúng ta, là tự tính của mỗi chúng ta. Chúng ta hãy mỉm cười khi lắng nghe tiếng Bụt gọi. Thở vào, ta nói với vị Bụt trong ta, “lắng lòng nghe, lắng lòng nghe”. Thở ra, “tiếng chuông huyền diệu đưa vềquê hương”.
Đôi khi tiếng gọi của Bụt là tiếng chuông. Đôi khi đó là tiếng chim hót trong vườn, có khi là tiếng khóc của một em bé hay tiếng điện thoại reo. Tiếng gọi của Bụt còn biểu hiện trong nhiều âm thanh khác mang lại cho ta cảm giác bình an và hạnh phúc mỗi khi nghe thấy. Các em có thể nghĩ ra âm thanh nào khác mà Bụt trong các em có thể sử dụng để gọi các em trở về với bản chất tốt đẹp bên trong các em không?
[Tiếng ba em gọi em; tiếng cười; tiếng đồng hồ báo thức; tiếng sấm chớp; tiếng gió lùa qua ngọn cây; tiếng gà gáy; tiếng suối chảy; tiếng máy bay bay ngang nhà em; tiếng còi xe; tiếng con mèo kêu meo meo…]
Những âm thanh ấy cũng là tiếng gọi của Bụt, là âm thanh của sự tỉnh thức giúp ta trở về với sự bình an và lắng dịu bên trong mỗi chúng ta.
Các em đã nghe được những âm thanh nào trong ngày và các em cảm thấy như thế nào khi nghe những âm thanh ấy? Âm thanh nào có thể giúp em trở về hơi thở của mình? Các em có thể nghĩ ra được cách nào khác ngoài âm thanh mà Bụt có thể sử dụng để gọi ta trở về với chính mình không? Những gì các em nhìn thấy, ngửi, hay xúc chạm có thể nhắc các em trở về với tính Bụt trong các em không?
[Cảnh hoàng hôn; tìm ra món đồ chơi bị thất lạc; một cơn bão; một đóa hoa; nấu bữa tối cho gia đình; con mèo cưng bò lên bắp đùi của em; con chó cưng của em vẫy vẫy cái đuôi; con thú nhồi bông yêu thích của em]
Tại sao các em nghĩ là Bụt trong các em – tính Bụt trong các em – muốn các em chú ý đến?
[Để nhắc nhở em sống vui vẻ hơn; để nhắc nhở em thương yêu những người xung quanh; để nhắc nhở em sống dễ thương hơn].
Dù các em đang ở đâu, thật tuyệt vời nếu các em có thể nhận ra tiếng gọi của Bụt qua những gì các em thấy, nghe và xúc chạm bằng các giác quan của mình.
Chia sẻ
CHUÔNG CHÁNH NIỆM Ở TRƯỜNG HỌC
Chia sẻ của E. D. Glauser, Georgia, Hoa Kỳ
Tôi là một chuyên gia tư vấn học đường tại một thị trấn thuộc tiểu bang Georgia, khu vực được gọi là “Vành đai Kinh Thánh” (Bible Belt), nơi có dân cư theo đạo Cơ đốc rất sùng tín. Tôi đã đem chuông chánh niệm vào lớp học và thỉnh chuông cho mọi người tập thở. Tôi nhận thấy rằng, trong những năm học vừa qua, cả giáo viên và học sinh đều rất yêu thích tiếng chuông, do đó chất lượng dạy và học của trường được cải thiện nhiều. Tiếng chuông chánh niệm còn góp phần làm giàu có thêm cho nếp sinh hoạt của cộng đồng nơi đây.
Tôi biết mình đã đi đúng hướng khi một học sinh lớp Hai tự hào khoe đã dạy em trai 2 tuổi của mình cách thở chánh niệm và nhớ nghĩ đến tiếng chuông khi có xung khắc với bạn bè trong lớp. Lần đó, cậu em trai bị bạn đập vào mũi nhưng thay vì đánh trả lại thì em theo dõi hơi thở và nghĩ đến tiếng chuông. Lần khác, một em học sinh lớp Bốn tìm đến văn phòng của tôi, em nói rằng em đang giận. Em chỉ muốn thỉnh chuông để thở. Cách này đặc biệt hiệu quả đối với em. Em thỉnh ba tiếng chuông và thở vào, thở ra. Em nói: “Em cảm ơn cô, em cảm thấy nhẹ hơn rồi”. Sau đó, em đã có thể quay lại lớp để tiếp tục bài học của mình.
Vào những tuần cuối của năm học, tôi nhận thấy có nhiều biểu hiện cho thấy tiếng chuông đã làm thay đổi bầu không khí trong trường. Trường hợp đầu tiên là một giáo viên nhờ tôi tải tiếng chuông chánh niệm trên trang nhà của cộng đồng thực tập chánh niệm thuộc tiểu bang Washington D. C. (mindfulnessdc.org) để mở cho cả trường nghe, để học sinh có thể thực tập dừng lại, tập thở và khôi phục lại sự tươi mát của mình.
Một trường hợp khác, hôm đó có một phụ huynh đến văn phòng để chia sẻ những bức xúc của mình. Trong lúc không khí đang nóng lên, tôi đã mở tiếng chuông chánh niệm được cài đặt trong máy vi tính của tôi. Cả hai bên cùng tạm ngừng và theo dõi hơi thở, sau đó vị phụ huynh đã chia sẻ nỗi bức xúc của mình một cách cẩn trọng và lễ độ hơn.
Cuối cùng, ông hiệu trưởng, một giáo sĩ đạo Baptist miền Nam Hoa Kỳ, đã nhờ tôi tải tiếng chuông chánh niệm vào máy vi tính cho ông. Ông đã đem theo tiếng chuông chánh niệm vào những cuộc họp với giáo viên để mọi người có cơ hội thở trong chánh niệm. Ông cũng thường nhắc nhở tôi nhớ đến tiếng chuông chánh niệm và nhắc tôi trở về theo dõi hơi thở mỗi khi bị căng thẳng.
Thật vui khi chứng kiến tiếng chuông chánh niệm và hơi thở ý thức có khả năng biến đổi không khí của một trường công lập thành một môi trường chánh niệm và tôn trọng cho tất cả mọi người, ngay cả trong một thị trấn nhỏ thuộc khu “Vành đai Kinh Thánh” ở Georgia. “Amen!”
ĐỂ CÓ THỂ CHIA SẺ sự thực tập chánh niệm với trẻ em, các thầy cô giáo cũng như các bậc phụ huynh cần phải thực tập trước tiên. Sự có mặt đích thực, sự bình an và lắng dịu của bạn là món quà lớn nhất mà bạn có thể hiến tặng cho học trò hay con em của mình. Khi bạn vững chãi, hạnh phúc và có nhiều tình thương thì tự nhiên bạn sẽ biết cách làm thế nào để xây dựng một gia đình hạnh phúc hay một môi trường học đường lành mạnh và nuôi dưỡng. Bạn cũng sẽ biết cách làm thế nào để tưới tẩm và nuôi lớn những phẩm chất tích cực nơi học trò hay con em của mình, nơi những thành viên khác trong gia đình hay nơi những đồng nghiệp của mình.
Tất cả chúng ta đều mang trong mình những vết thương, những niềm đau mà ta đã tiếp nhận từ hồi còn ấu thơ. Vì vậy, con đường trị liệu những vết thương này sẽ giúp chúng ta dễ dàng tiếp xúc, hiểu và thương được những đứa trẻ xung quanh ta. Nếu chúng ta không chuyển hóa được những vết thương đó thì chúng ta sẽ tiếp tục trao truyền cho con em của mình hoặc học trò của mình. Khi đó, khổ đau của chúng ta sẽ trở thành khổ đau của các em. Đó là lý do vì sao sự thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày lại quan trọng đến vậy. Sự thực tập chánh niệm không những giúp cho chúng ta có được sự bền bỉ, không bị kiệt sức, mà còn đồng thời giúp chúng ta chuyển hóa trong chiều sâu tâm thức.
Vì vậy, chương này có thể là chương quan trọng nhất trong cuốn sách. Nếu chúng ta không có đủ bình an thì làm sao chúng ta có thể trao truyền sự bình an cho học trò hay con em của mình?
Bước đầu tiên: Chăm sóc chính mình
Chúng ta phải học cách chăm sóc chính mình trong đời sống hàng ngày, trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, trong lúc ăn hoặc đánh răng. Con người chúng ta được tạo thành bởi năm yếu tố: hình hài, cảm xúc, tri giác, tâm hành và nhận thức. Năm yếu tố này là lãnh thổ vô cùng rộng lớn của chúng ta. Ta chính là vị quốc vương trên lãnh thổ ấy. Ta phải biết trở về và chăm sóc cho lãnh thổ của mình. Chánh niệm giúp chúng ta làm được việc ấy. Ví dụ như khi có một vùng nào đó trên cơ thể bị căng thẳng hay đau nhức, việc trước tiên ta nên làm là trở về và chăm sóc cho vùng đang bị thương tổn ấy. Ta hãy dành cho mình những giây phút lắng yên, trở về với hơi thở và thầm đọc:
Thở vào, tôi ý thức về toàn thân tôi
Thở ra, tôi buông thư toàn thân (buông bỏ hết những căng thẳng trong thân)
Khi đã biết cách chăm sóc cho thân, ta sẽ biết cách chăm sóc những cảm xúc trong ta. Với năng lượng chánh niệm, ta có thể làm phát khởi niềm vui và hạnh phúc trong ta; và khi một cảm xúc mạnh biểu hiện, ta có thể chăm sóc cho cảm xúc ấy. Ta có thể theo dõi hơi thở trong khi đọc thầm:
Thở vào, tôi ý thức về cảm xúc buồn đau trong tôi
Thở ra, tôi ôm lấy cảm xúc đó với tất cả sự dịu dàng.
Chúng ta không khỏa lấp khổ đau bằng cách tiêu thụ. Nhiều người trong chúng ta tìm cách trốn chạy khổ đau bằng cách đắm chìm trong phim ảnh, mạng lưới toàn cầu, rượu bia, sách báo, ăn uống, mua sắm, chuyện trò… Nhưng càng trốn chạy thì ta càng làm cho tình trạng khó khăn hơn mà thôi.
Bụt dạy rằng không có cái gì có thể sống sót nếu không có thức ăn. Sở dĩ niềm đau, nỗi sợ trong ta còn đó là vì ta cứ cho nó thức ăn. Một khi ta biết nhận diện và ôm ấp niềm đau, nỗi sợ thì nó lắng xuống. Nếu tiếp tục nhìn sâu, chúng ta sẽ nhận ra gốc rễ đồng thời thấy được những thức ăn nào ta đã cung cấp cho những niềm đau, nỗi sợ ấy mỗi ngày.
Nếu chúng ta khổ sở vì bị trầm cảm, chứng tỏ là ta đã sống, đã tiêu thụ như thế nào để đưa tới tình trạng trầm cảm. Bụt dạy rằng nếu chúng ta có thể nhìn sâu vào khổ đau của mình và nhận diện được nguồn thực phẩm nuôi dưỡng khổ đau, thì chúng ta đang đi trên con đường giải thoát.
Con em của chúng ta có thể đang tiếp nhận rất nhiều bạo động, sợ hãi và thèm khát. Khi xem chương trình truyền hình, các em phải chứng kiến vô số hình ảnh bạo lực, khiến cho hạt giống bạo động, thèm khát và sợ hãi lớn mạnh. Ngày nay, tình trạng bạo động trong giới trẻ ngày càng tăng, các em không biết cách chăm sóc khổ đau và những cảm xúc mạnh trong mình. Dân số nước Pháp không cao nhưng hàng năm có đến mười hai ngàn người trẻ tự tử. Các em là nạn nhân của cảm xúc mạnh, của sợ hãi, giận hờn, tuyệt vọng. Trong trường học, các em không được dạy phương pháp chăm sóc cảm xúc mạnh. Vì vậy, việc các phụ huynh và giáo viên học cách chăm sóc cảm xúc của bản thân để rồi trao truyền cho các em là điều rất quan trọng. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta đã nuôi dưỡng hạt giống sợ hãi, hận thù và tuyệt vọng thông qua cách chúng ta tiêu thụ. Vì vậy, tiêu thụ có chánh niệm là câu trả lời và sự thực tập của mỗi chúng ta. Chúng ta cần tiêu thụ như thế nào để không nuôi dưỡng những hạt giống tiêu cực trong ta.
Ngay cả tình thương cũng không thể lớn mạnh nếu thiếu thức ăn. Tình thương trong ta sẽ khô héo nếu không được nuôi dưỡng mỗi ngày. Do vậy, chúng ta cần nhận diện nguồn thực phẩm nào cần thiết để nuôi dưỡng những hạt giống thương yêu và hiểu biết trong ta.
Dưới đây là những phương pháp thực tập mà bạn có thể áp dụng để nuôi lớn năng lượng chánh niệm, giảm bớt căng thẳng và nuôi dưỡng niềm vui trong tự thân. Ban đầu, bạn hãy chọn một phương pháp thực tập và áp dụng vào đời sống hàng ngày của mình, rồi dần dần áp dụng thêm nhiều phương pháp khác. Bạn không cần phải thực tập chánh niệm một cách hoàn hảo thì mới có thể bắt đầu dạy cho học sinh hay con em của mình. Ngay khi bắt đầu thực tập, bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi nơi mình. Và sự thay đổi đó, dù chỉ là nhỏ thôi, sẽ rất có ích cho học sinh, cho con em và những đồng nghiệp của bạn.
THIẾT LẬP THÓI QUEN THỰC TẬP CHÁNH NIỆM HÀNG NGÀY
Bạn nên dành 5 đến 10 phút mỗi ngày để thực tập hơi thở chánh niệm, buổi sáng hay buổi tối đều tốt. Hãy cố gắng thực hiện bài tập này vào cùng một thời điểm mỗi ngày và chọn một nơi yên tĩnh để dễ dàng tập trung. Bạn có thể ngồi trên ghế hoặc trên sàn nhà với gối ngồi. Ngồi cho thoải mái, lưng thẳng mà buông thư. Mắt nhắm hoặc khép hờ. Bạn hãy đặt toàn bộ sự chú tâm của bạn vào hơi thở vào và hơi thở ra. Bạn có thể thực tập theo hướng dẫn dưới đây.
Bài thiền tập dưới đây có thể được thực tập trong tư thế ngồi, trong khi đi hoặc trong tư thế nằm trước khi ngủ. Bạn hãy thực hành ít nhất là mười hơi thở vào, mười hơi thở ra cho mỗi bài tập; nương vào những từ khóa (lời hướng dẫn được thu gọn) để giúp bạn tập trung hơn vào bài tập. Khi tâm bạn bắt đầu rong ruổi, bạn chỉ cần nhẹ nhàng đưa tâm trở về với hơi thở và từ khóa của bài thực tập.
1
Thở vào, biết là mình đang thở vào.
Thở ra, biết là mình đang thở ra.
VÀO
RA
2
Hơi thở vào càng sâu.
Hơi thở ra càng chậm.
SÂU
CHẬM
3
Thở vào, ý thức toàn thân.
Thở ra, buông thư toàn thân.
TOÀN THÂN
BUÔNG THƯ
4
Thở vào, an tịnh toàn thân.
Thở ra, lân mẫn toàn thân.
AN TỊNH
LÂN MẪN
5
Thở vào, cười với toàn thân.
Thở ra, thanh thản toàn thân.
CƯỜI
THANH THẢN
6
Thở vào, cười với toàn thân.
Thở ra, buông thả những căng thẳng trong thân.
Bên cạnh sự thực tập hơi thở chánh niệm, mỗi ngày bạn cũng có thể chọn thực tập ý thức trọn vẹn về một hành động nào đó của mình trong ngày. Mỗi khi lên xuống cầu thang, tôi đều thưởng thức từng bước chân. Thở vào, tôi mỉm cười và bước một bước. Thở ra, tôi tận hưởng bước chân ấy. Tôi đã ký một “thỏa thuận” với cầu thang trong thất của mình, cho nên lần nào bước lên cầu thang mà không có chánh niệm thì tôi bước xuống và thực tập lại. Nếu thích thì bạn cũng có thể ký “thỏa thuận” với cái cầu thang trong nhà hoặc đoạn đường ngắn từ nhà ra trạm xe buýt hay đoạn đường từ văn phòng ra bãi đậu xe.
Bạn cũng có thể chọn những hoạt động khác để thực tập như: đánh răng, đóng và mở cửa, bật đèn hay lái xe. Mỗi khi làm hành động này, bạn không để cho tâm rong ruổi ở một nơi nào khác hay đắm chìm trong những suy tư miên man, hãy chú tâm 100% vào hành động đó và biến nó thành một bài thiền tập.
Thi kệ là những bài thơ ngắn mà chúng ta có thể sử dụng để đem năng lượng chánh niệm vào trong những sinh hoạt thường ngày. Ta đọc thầm bài kệ trong khi thở vào, thở ra. Thở vào, ta đọc một câu; thở ra, ta đọc câu kế tiếp. Chúng ta có thể sáng tạo và tự làm ra những bài kệ để thực tập chánh niệm với những công việc mà ta muốn.
Thức dậy
Thức dậy miệng mỉm cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.
Sửa bài cho học sinh
Sửa bài cho các em
Tiếp xúc tâm học hỏi
Nguyện khéo léo chỉ bày
Với tất cả thương yêu.
THỰC TẬP NỤ CƯỜI HÀM TIẾU
Nụ cười rất quan trọng, chúng ta chớ quên mỉm cười nhé. Nụ cười của ta có khả năng mang lại rất nhiều niềm vui và thư giãn cho chính bản thân cũng như cho những người xung quanh. Cười là một phương pháp yoga miệng. Khi cười, hàng trăm bắp thịt trên gương mặt được buông thư, làm tiêu tan mọi căng thẳng. Ai nhìn thấy ta cười, kể cả một người lạ, cũng muốn mỉm cười đáp lại. Bằng nụ cười, ta khiến cho những ai tiếp xúc với ta cũng cảm nhận được niềm vui, đó là một thứ phản ứng dây chuyền cực kỳ mầu nhiệm. Nụ cười thực sự là đại sứ của thiện chí. Khi mỉm cười, chúng ta có thể thở vào, thở ra vài lần.
Thở vào, tôi mỉm cười
Thở ra, tôi thư giãn và cảm nhận niềm vui trong tôi.
NGÀY LÀM BIẾNG
Tại các trung tâm thực tập của Làng Mai trên khắp thế giới đều có ngày Làm biếng mỗi tuần. Trong ngày Làm biếng, ngoài các bữa ăn ra thì không có sinh hoạt gì. Nếu chúng ta biết sống sâu sắc, thì ngày làm biếng là một ngày rất tuyệt vời. Làm biếng không có nghĩa là không thực tập gì, mà làm biếng có nghĩa là tự mình thực tập. Trong ngày Làm biếng, không có chuông gọi mình đi sinh hoạt, ai cũng được tự do làm những gì mình thích, muốn ngủ thì ngủ, muốn đọc sách thì đọc sách. Ngày làm biếng là một ngày thiêng liêng, cũng tương tự như ngày Sabbath (ngày nghỉ ngơi) trong các truyền thống khác. Trong ngày này, chúng ta phải làm biếng càng nhiều càng tốt. Làm biếng tưởng vậy mà không dễ đâu nhé, vì chúng ta có thói quen phải động chân, động tay làm một việc gì đó mới chịu nổi.
Nếu thích, chúng ta có thể ngồi chơi trên võng, thiền hành hay ngồi thiền một mình hoặc đi dã ngoại. Tắt hết điện thoại và máy vi tính, hãy dành cho mình một ngày trọn vẹn để làm những điều mà ngày thường mình không thể, ví dụ như đi bộ một vòng dài, làm thơ, thưởng thức một ấm trà và ngắm trời xanh mây trắng hay ngồi chơi, có mặt trọn vẹn cho một người bạn. Làm gì cũng được, miễn là chúng ta làm trong chánh niệm, bởi chánh niệm giúp ta thưởng thức những gì mình làm một cách sâu sắc nhất.
Thực ra, làm biếng – không làm gì hết, chỉ thưởng thức sự có mặt của chính mình và những gì đang có mặt xung quanh, là một thực tập rất sâu sắc. Bởi vì luôn có một nguồn năng lượng bên trong thúc đẩy chúng ta phải làm cái này, phải làm cái kia. Ta không thể ngồi yên hoặc nằm yên để thưởng thức sự có mặt của chính mình hay để ngắm trời mây. Nếu không làm một cái gì đó thì ta chịu không nổi. Chúng ta cần thực tập để chuyển hóa thói quen này. Nếu chúng ta thực tập thành công thì ngày làm biếng trở nên giá trị vô cùng. Trong trường hợp ta không thể có được trọn vẹn một ngày làm biếng thì có thể dành ra nửa ngày, thậm chí một vài giờ đồng hồ trong tuần cũng là quý rồi.
Bước thứ hai: Chăm sóc các mối quan hệ giữa mình và mọi người
Sau vài tuần thực tập chăm sóc cho bản thân, chúng ta bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn. Khi đó, ta có thể thực hiện bước tiếp theo là thực tập chăm sóc cho vợ/chồng, con cái, bạn bè và đồng nghiệp của mình. Chúng ta chỉ có thể giúp cho người thương của ta bớt khổ khi ta đã biết chăm sóc cho bản thân mình.
Khi đã biết chăm sóc cho chính mình rồi, chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng hơn nỗi khổ, niềm đau của những người mình thương. Người thương của ta đang có những khó khăn riêng. Giúp đỡ vợ/chồng, con cái, bạn bè và đồng nghiệp đi qua khó khăn, khổ đau cũng là cơ hội để rèn luyện thêm cho chúng ta.
Nhiều người trong chúng ta đã đánh mất khả năng lắng nghe và sử dụng ái ngữ. Chúng ta cảm thấy cô đơn, lạc lõng ngay trong chính gia đình mình. Khi truyền thông bị cắt đứt hay bị bế tắc, chúng ta khổ đau. Khi không có ai lắng nghe và hiểu ta, ta sẽ trở thành trái bom sắp nổ. Lắng nghe với tâm từ bi mang đến cho ta nhiều trị liệu. Đôi khi, chỉ cần mười phút lắng nghe sâu là chúng ta có thể được chuyển hóa và có lại nụ cười trên môi.
Chúng ta cũng cần tập nói những lời từ ái (ái ngữ) để đem lại hòa điệu, thương yêu và hạnh phúc cho mọi người. Chúng ta đã đánh mất khả năng nói chuyện nhã nhặn, ôn hòa. Chúng ta dễ cáu kỉnh, bực bội. Có thể cả ta và vợ/ chồng hay người bạn thân của ta đều đã chịu nhiều khổ đau trong những năm qua. Cả hai bên dường như không còn khả năng lắng nghe nhau một cách sâu sắc. Vì có quá nhiều khổ đau, tổn thương và bạo động trong lòng, ta khó lắng nghe người kia với sự cảm thông và kiên nhẫn. Cái khối khổ đau quá lớn, cho nên dù rất muốn nói những lời yêu thương với người kia, ta cũng không làm được. Ta muốn nói chuyện với người kia một cách bình tĩnh, nhưng khi bắt đầu nói những điều trong lòng mình thì lời nói của ta lại chứa đầy cay đắng và phán xét, khiến cho người kia không thể tiếp tục lắng nghe. Vì vậy, chúng ta rất cần học cách lắng nghe như thế nào để giữ được sự bình tĩnh và lòng cảm thông, cũng như học cách nói những lời nhẹ nhàng, thương yêu. Đây là hai công cụ thiết yếu giúp chúng ta tái lập truyền thông.
Chúng ta cần thực tập hơi thở chánh niệm và nhìn sâu vào tình trạng để thấy rằng ta cũng góp phần tạo nên tình trạng khó khăn đó. Sau khi đã làm được như vậy, ta có thể đến với người kia. Bằng sự có mặt trọn vẹn và chân thành của mình, hãy dùng lời từ ái để nói với người ấy. Ví dụ người đó là người bạn đời của mình, ta có thể nói: “Anh biết là em đã đau khổ nhiều trong thời gian qua và anh thấy mình có một phần trách nhiệm. Anh đã không hiểu hết những khổ đau của em mà lại còn nói năng và hành xử không đúng cách. Chỉ vì anh không khéo léo, chứ thật tình anh không muốn làm em khổ. Anh chỉ muốn mang lại niềm vui cho em, nhưng vì chưa hiểu được hết những khó khăn của em nên anh đã làm cho em khổ thêm. Anh thật sự muốn lắng nghe nỗi lòng của em. Em hãy nói cho anh biết những đau khổ, khó khăn cũng như những ước mong sâu kín nhất của em. Xin hãy cho anh cơ hội để hiểu em, để chúng ta có thể trở lại cuộc sống hạnh phúc như xưa.” Nếu bạn có thể nói những lời như vậy thì trái tim của người kia sẽ từ từ mở ra.
Khi người kia mở lòng chia sẻ, hãy tự nhủ lòng rằng mục đích duy nhất của ta là lắng nghe để người kia bớt khổ, để người kia có cơ hội nói ra hết những khổ đau, uất ức trong lòng. Dù người ấy có nói gì đi nữa thì bạn vẫn cứ lắng nghe. Trong một mối quan hệ, chúng ta có thể có những tri giác sai lầm về nhau. Khi lắng nghe người kia chia sẻ, ta có thể nhận ra người kia có những tri giác sai lầm như thế nào về ta và chính ta cũng có những tri giác sai lầm về họ. Hãy đừng vội phản ứng. Vài ngày hoặc vài tuần sau, bạn có thể cung cấp thông tin để người kia thay đổi tri giác của họ, nhưng không phải là bây giờ. Nên nhớ là đừng chia sẻ quá nhiều một lúc, vì người kia có thể không tiếp thu hết được. Hãy chia sẻ từng chút một để họ có thể tiếp nhận và chỉnh sửa quan niệm sai lầm của mình.
Ngay cả khi trong lời nói của người kia chứa đầy cay đắng, phán xét và những tri giác sai lầm, bạn vẫn chăm chú lắng nghe. Giữ cho lòng từ bi có mặt trong suốt thời gian lắng nghe là một nghệ thuật. Để làm được điều đó, ta cần nhớ thực tập hơi thở chánh niệm. Một giờ thực tập lắng nghe có thể giúp cho người kia bớt khổ rất nhiều. Lòng từ bi bảo vệ cho ta, không để cho hạt giống bực bội, nóng giận trong ta bị tưới tẩm trong khi nghe người kia chia sẻ. Ta lắng nghe như một vị Bồ tát Đại bi. Bồ tát Đại bi không phải ở trên trời, Bồ tát Đại bi có mặt trong từng tế bào của cơ thể ta. Nếu ta biết cách tiếp xúc với năng lượng của Bồ tát thì Bồ tát sẽ hiển lộ và có mặt trong trái tim ta suốt thời gian thực tập lắng nghe sâu.
Khi chúng ta đặt trọn tâm ý để lắng nghe, chúng ta có thể lắng nghe tốt hơn cả một nhà tâm lý trị liệu. Nếu người thương của ta đang đau khổ thì ta không thể nào vui được, do đó, ta phải đầu tư hết một trăm phần trăm bản thân vào sự thực tập lắng nghe sâu. Hãy giữ cho lòng từ bi có mặt trong suốt thời gian lắng nghe. Nếu chúng ta cảm thấy những điều đang nghe quá sức chịu đựng thì cũng không nên ép bản thân. Chúng ta có thể nói cho người kia, “Em ơi! Hôm nay anh không được khỏe, ngày khác mình sẽ tiếp tục ngồi với nhau để anh có thể lắng nghe em trọn vẹn hơn nhé”. Sau đó, ta có thể đi ra ngoài và thực tập thiền hành để có thêm năng lượng.
Trong các mối quan hệ của mình, nếu không có chánh niệm, chúng ta có thể nói hoặc làm những điều gây khổ đau cho nhau. Có thể đó chỉ là một tổn thương nhỏ mà ta nghĩ chẳng đáng nói đến, nhưng suy nghĩ này vô cùng nguy hiểm. Ngày qua ngày, nỗi đau lớn dần lên, rồi đến một ngày kia bạn không thể vui vẻ nhìn người thương của mình nữa. Khi mới thương nhau, người ấy dễ thương quá chừng, bạn muốn được nhìn thấy người thương mỗi ngày. Chỉ cần nhìn thấy người ấy thôi bạn đã sung sướng biết nhường nào. Nhưng bây giờ bạn không còn muốn nhìn thấy người ấy nữa, không còn cảm thấy hạnh phúc với người ấy nữa. Thay vì nhìn nhau thì hai người nhìn về hướng cái ti-vi. Đó là một thất bại. Nhưng chúng ta luôn có thể làm gì đó để giúp nhau tìm lại tình yêu ban đầu.
Cách hay nhất để khuyến khích người khác thực tập ái ngữ là bạn hãy tự thực hành trước tiên. Khi nói lời yêu thương thì chính bạn là người cảm nhận được lợi lạc và niềm hạnh phúc, rồi từ từ người kia sẽ nhận ra sức mạnh và hiệu quả của sự thực tập này.
Khi đối mặt với tình trạng áp bức và bất công, chúng ta vẫn có thể sử dụng ái ngữ, bởi vì đó là thứ ngôn ngữ duy nhất có thể đi vào trái tim người khác. Nếu bạn lăng mạ, chỉ trích, lên án người khác thì họ sẽ không lắng nghe bạn nữa. Bạn hao tâm tổn sức mà lại chẳng đi đến đâu.
Chỉ khi nào chúng ta chuyển hóa thành công những năng lượng đau buồn, giận hờn, sợ hãi trong tự thân, ta mới có thể giúp được cho người mình thương. Trong quá khứ có thể bạn đã từng thử và thất bại, vì bạn chưa thật sự chuyển hóa trong tự thân. Giờ đây, khi đã thay đổi bản thân, bạn có thể gây cảm hứng cho người kia và giúp người kia cũng làm được như vậy. Mỗi khi về nhà hoặc gặp bạn bè, bạn có thể chia sẻ với họ niềm vui cũng như những khó khăn trong việc giáo dục. Người kia sẽ là người hỗ trợ, khuyến khích và nâng đỡ tinh thần trong công việc làm giáo dục của bạn.
THỰC TẬP LÀM MỚI
Làm mới là thành thật nhìn sâu vào bản thân mình, vào lời nói, hành động và suy nghĩ của mình trong quá khứ để tạo ra một khởi đầu mới cho bản thân cũng như cho mối quan hệ giữa mình và người khác. Chúng ta thực tập Làm mới để dọn sạch tâm trí mình và giữ cho mối quan hệ giữa mình và mọi người luôn tươi mới. Khi khó khăn bắt đầu nảy sinh trong mối quan hệ, khi một trong hai bên cảm thấy bị tổn thương hay buồn giận về nhau, ta biết đó là lúc ta cần thực tập Làm mới.
Sự thực tập Làm mới giúp ta biết lắng nghe với tâm thương yêu và nói năng bằng lời hòa ái. Trong sự thực tập này, chúng ta học cách công nhận và trân quý những yếu tố tích cực của mỗi cá nhân trong đoàn thể hay cộng đồng mà mình đang sống. Công nhận những điểm tốt đẹp nơi người khác sẽ giúp ta biết công nhận những điểm tốt đẹp của bản thân. Bên cạnh những phẩm chất tốt đẹp, ai trong chúng ta cũng còn có những phần yếu kém, ví dụ như khi giận, ta vẫn nói năng lớn tiếng hoặc ta vẫn còn mắc kẹt bởi những tri giác sai lầm của mình… Cũng giống như trong một khu vườn, khi ta tưới tẩm và chăm sóc cho những bông hoa thương yêu, tha thứ thì đồng thời những loài cỏ dại của hờn giận, ghen tị và hiểu lầm sẽ tự động giảm đi.
Chúng ta có thể thực tập Làm mới mỗi tuần. Nếu muốn, ta có thể chuẩn bị một bình hoa tươi và đặt ở trước mặt để nhắc nhở cho chúng ta về sự tươi mát có trong mỗi người. Sự thực tập gồm có ba phần: tưới hoa, thể hiện sự hối tiếc và nói lên nỗi thương tổn cùng những khó khăn của mình. Sự thực tập này giúp ta không để cho những tổn thương chất chồng hết ngày này qua tháng nọ và giúp cho sự truyền thông giữa mọi người trong đoàn thể hay cộng đồng trở nên dễ dàng hơn.
Ta bắt đầu bằng sự thực tập Tưới hoa
Khi nói, ta nói làm sao để lời nói của ta thể hiện được sự tươi mát như những bông hoa đang ở trước mặt ta. Trong khi “tưới hoa”, ta cần công nhận những phẩm chất tốt đẹp của người kia, đó không phải là sự tâng bốc hay nịnh bợ, chúng ta chỉ nói sự thật mà thôi. Mỗi người trong chúng ta đều có những điểm tốt đẹp mà nếu để ý ta có thể nhận ra ngay. Một điều quan trọng nữa là trong khi một người chia sẻ, ta không ngắt lời. Ta cho người đó đủ thời gian để chia sẻ hết những gì họ muốn nói. Trong thời gian người đó chia sẻ, ta cũng như những người khác có mặt đều thực tập lắng nghe sâu.
Chúng ta không nên đánh giá thấp bước thực tập đầu tiên này. Một khi chúng ta có thể chân thành công nhận những phẩm chất tốt đẹp nơi người khác, ta sẽ dễ dàng ôm ấp nỗi buồn giận trong lòng. Tự nhiên ta thấy lòng mình dịu lại và cách nhìn của ta về người kia sẽ thông thoáng hơn, bao dung hơn. Chúng ta không còn bị kẹt cứng trong những tri giác sai lầm, bực bội và phán xét của chính mình, từ đó chúng ta dễ dàng tìm ra phương cách để hòa giải.
Bản chất của sự thực tập này chính là khôi phục lại tình thương và sự thấu hiểu giữa ta và các thành viên khác trong gia đình, trong đoàn thể. Về hình thức thực tập, chúng ta nên áp dụng sự thực tập này sao cho thích hợp với hoàn cảnh và những người liên quan. Sẽ rất hữu ích nếu ta tham khảo thêm ý kiến của những người có kinh nghiệm trong sự thực tập này và đã từng trải qua những khó khăn tương tự để học hỏi từ trải nghiệm của họ.
Bước thứ hai: Ta tỏ lòng hối lỗi về những tổn thương đã gây ra cho người khác
Chỉ một lời nói thiếu suy nghĩ thôi cũng đủ làm tổn thương người khác rồi. Sự thực tập Làm mới là cơ hội để cho ta hối lỗi về những vụng dại đã gây ra và tìm cách sửa chữa những lỗi lầm đó.
Bước thứ ba: Chúng ta nói lên niềm đau, nỗi thương tổn trong lòng ta
Điều quan trọng là chúng ta nên chia sẻ bằng lời hòa ái. Ta muốn hàn gắn mối quan hệ của mình chứ không muốn làm tổn thương người kia. Do đó, chúng ta chia sẻ một cách chân thành, thẳng thắn, nhưng mang tính xây dựng mà không phải là để gây đổ vỡ. Lắng nghe sâu là một phần rất quan trọng của sự thực tập Làm mới. Khi ngồi giữa những người bạn đang lắng nghe sâu sắc, lời nói của ta sẽ dễ thương và có tính xây dựng hơn. Chúng ta nên tránh đổ lỗi hay tranh cãi trong khi Làm mới.
Trong phần này, lắng nghe với tâm thương yêu là điều vô cùng quan trọng. Chúng ta lắng nghe với mục đích duy nhất là giúp cho người kia nói ra được những nỗi khổ, niềm đau trong lòng họ, chứ không phải là để phán xét hay phản ứng. Dù có thể những điều người kia nói không phù hợp với sự thật, chúng ta vẫn tiếp tục lắng nghe để người kia có thể trút hết khổ đau và giải tỏa những căng thẳng trong lòng. Nếu chúng ta phản ứng hay tìm cách chỉnh lời của người ấy thì buổi Làm mới sẽ không thành công. Chúng ta chỉ cần lắng nghe thôi. Nếu cần nói cho người kia biết về những tri giác sai lầm của người ấy, chúng ta có thể làm điều đó sau vài ngày, một cách khéo léo và nhẹ nhàng. Trong buổi Làm mới tiếp theo, có thể người kia sẽ tự thừa nhận lỗi ấy và ta không cần phải nói gì nữa. Ta có thể mời mọi người cùng thở với nhau một vài phút hoặc hát chung với nhau một bài hát để kết thúc buổi thực tập Làm mới.
HIỆP ƯỚC SỐNG CHUNG AN LẠC
Giả sử một người mà ta yêu mến nói những lời không hay với ta và ta cảm thấy bị tổn thương. Nếu ta phản ứng ngay lúc đó thì có nguy cơ làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Có một cách hành xử khác, đó là ta dừng lại và theo dõi hơi thở vào, ra để làm lắng dịu thân tâm. Khi đã có đủ bình an trong tâm, ta mới nói với người kia: “Này em, điều mà em vừa nói thực sự làm cho anh tổn thương. Anh muốn nhìn sâu vào gốc rễ của vấn đề này và anh muốn em cùng thực tập với anh. Chúng ta có thể ngồi lại với nhau sau vài ngày nữa để nhìn về chuyện này.” Một trong hai người biết nhìn sâu vào gốc rễ của khó khăn là rất hay, nếu cả hai người cùng nhìn sâu lại càng hay hơn.
Có thể chúng ta đang “gây chiến” với chính mình, tự hủy hoại thân thể mình bằng rượu chè hoặc ma túy. Giờ đây, ta có cơ hội ký kết một bản hiệp ước sống chung an lạc với chính cơ thể và cảm xúc của mình. Một khi chúng ta có khả năng sống chung an lạc với chính bản thân, chúng ta sẽ có bình an và từ đó chúng ta có thể bắt đầu hòa giải với những người mà ta thương yêu. Nếu trong tâm còn chiến tranh thì chúng ta sẽ dễ dàng gây chiến với người mà mình thương yêu, chưa kể đến kẻ thù. Nếu vậy thì làm sao chúng ta có thể hy vọng về hòa bình trong các mối quan hệ, hòa bình cho đất nước và cho thế giới này?
Ai trong chúng ta cũng có hạt giống của tuệ giác. Chúng ta biết rằng trừng phạt sẽ không đưa tới đâu, vậy mà chúng ta vẫn muốn trừng phạt người kia. Khi người ta yêu mến nói hoặc làm điều gì đó khiến ta đau khổ, ta muốn trừng phạt họ. Ta tưởng rằng trừng phạt người kia thì ta sẽ bớt khổ nhưng kỳ thực khi đủ sáng suốt, ta thấy rõ rằng đó chỉ là một nhận thức ngây thơ, khờ dại. Khi ta làm cho người mình yêu thương đau khổ, có thể họ cũng sẽ quay lại trừng phạt ta, cứ như vậy sự trừng phạt ngày càng leo thang.
Theo Hiệp ước sống chung an lạc, bạn có thể chọn bất kỳ ngày nào trong tuần để ngồi lại với người kia, cùng nhìn sâu vào khó khăn của hai bên, nhưng nếu có thể thì hãy chọn tối thứ Sáu. Chúng ta chọn tối thứ Sáu để có thêm thời gian nhìn sâu và chăm sóc cho những tổn thương của mình. Nếu chúng ta còn tổn thương mà lại vội vàng thực tập Làm mới thì chúng ta có thể nói hoặc làm những điều gây đổ vỡ, khiến tình trạng nặng nề hơn. Cho đến tối thứ Sáu, bạn có thể thực tập nhìn sâu vào gốc rễ của khổ đau trong mình và người kia cũng vậy. Rất có thể, trước ngày thứ Sáu, một trong hai người hoặc cả hai đều đã nhìn thấy được gốc rễ của vấn đề và có khả năng tìm đến người kia để nói lời xin lỗi. Trong trường hợp đó, đến tối thứ Sáu, các bạn chỉ cần đơn giản uống với nhau ly trà và tận hưởng sự có mặt của nhau là đủ. Đó là thiền tập. Thiền là sự thực tập làm lắng dịu thân tâm và nhìn sâu vào bản chất của khổ đau.
Nếu đến tối thứ Sáu rồi mà nỗi khổ đau của bạn và người kia vẫn chưa chuyển hóa thì hãy thực tập hạnh lắng nghe của Bồ Tát Quan Thế Âm: một người chia sẻ, bộc bạch hết nỗi lòng mình và người kia thực tập lắng nghe sâu. Khi chia sẻ, ta có thể nói hết những gì trong lòng mình nhưng hãy sử dụng lời nói hòa ái, lời nói mà người kia có thể thấu hiểu và chấp nhận. Trong khi lắng nghe, ta ý thức rằng sự lắng nghe của ta phải có phẩm chất mới có thể giúp người kia bớt khổ. Khi mọi mâu thuẫn đã được giải tỏa trong tối thứ Sáu rồi, các bạn sẽ có được ngày thứ Bảy và Chủ nhật để vui vẻ bên nhau.
Hiệp ước sống chung an lạc là phương tiện giúp chúng ta chăm sóc cơn giận và trị liệu những thương tổn trong mối quan hệ giữa mình và những người mà mình yêu thương. Khi ký hiệp ước này, ta không chỉ cam kết sống chung an lạc với người khác mà còn cam kết sống chung an lạc với chính bản thân mình. Ta không nhất thiết phải yêu cầu người kia ký vào thì bản hiệp ước mới có hiệu lực. Chỉ cần một trong hai người bắt đầu thực tập theo những điều đó thì tình trạng đã thay đổi rất nhiều rồi. Trong một số khóa tu, chúng tôi có tổ chức một buổi lễ đặc biệt để các cặp vợ chồng cùng nhau ký vào bản hiệp ước trước sự chứng minh và yểm trợ của cả tăng thân.
Chỉ đọc bản Hiệp ước thôi là chưa đủ. Bạn hãy cố gắng ký vào bản Hiệp ước đó trước sự chứng kiến của người khác, hoặc trước sự hiện diện của gia đình và cộng đồng. Điều này củng cố cam kết của bạn và giúp bạn có thêm sự yểm trợ của nhiều người. Bản Hiệp ước sống chung an lạc được đăng trên trang nhà Làng Mai: https://langmai.org/tang-kinh- cac/tai-lieu/hiep-uoc-song-chung-an-lac/
VIẾT THƯ TÌNH
Nếu bạn gặp khó khăn với một ai đó, hãy dành một chút thời gian ngồi yên và viết cho người ấy một lá thư. Ta có thể viết thư cho một người mà ta gặp hàng ngày hoặc một người đã nhiều năm không gặp. Nhiều người thấy sự thực tập này cũng rất hữu ích khi viết thư cho một người thân đã khuất. Sự hòa giải là món quà tuyệt vời mà ta hiến tặng cho chính bản thân, cho người mình yêu thương cũng như cho ông bà, tổ tiên. Chúng ta hòa giải với mẹ trong ta, với cha trong ta, tha thứ và chấp nhận cha mẹ như chính con người thật của cha mẹ. Nếu ta cảm thấy khó khăn thì bài thực tập viết thư này sẽ giúp ta khám phá ra những phương cách khéo léo để hòa giải với cha mẹ. Mang lại niềm bình an và trị liệu cho gia đình huyết thống là việc rất quan trọng, chuyện ấy không bao giờ là quá trễ.
Bạn hãy dành ít nhất là vài giờ để viết một lá thư cho người mà mình thương yêu. Trong khi viết, bạn hãy thực tập nhìn sâu vào bản chất của mối liên hệ giữa mình và người ấy. Tại sao sự truyền thông giữa bạn và người ấy lại trở nên khó khăn? Tại sao bạn không hạnh phúc khi sống với người ấy?
Trong lá thư, bạn có thể:
Nhận diện nỗi khổ của người kia
Nhận diện phần lỗi của mình trong khổ đau của người kia
Xin người kia giúp mình
Nhận thấy rằng mình không thể hạnh phúc nếu người kia không hạnh phúc
Cam kết sẽ không gây khổ đau cho người kia nữa
Viết một lá thư tình, không có nghĩa là chúng ta không thể nói lên sự thật. Chúng ta có thể nói lên sự thật nhưng chúng ta nói bằng lời yêu thương. Trước khi viết thư, chúng ta phải thực tập nhìn sâu vào tâm thức của mình, nhìn sâu vào tâm thức người kia để thấy được khổ đau và khó khăn của họ. Nếu người kia thấy rằng bạn có thể hiểu những khổ đau và khó khăn của họ thì họ mới chịu đọc lá thư của bạn. Là con người, ai cũng thích đọc thư tình, không ai ghét thư tình cả. Bằng những lời yêu thương, chúng ta sẽ có thể truyền đạt được cho người kia tuệ giác cùng những ý kiến của mình.
Tôi có một vị đệ tử xuất gia. Ba của sư chú muốn con trai mình trở thành một bác sĩ, có thể kiếm ra tiền và nuôi sống gia đình. Việc sư chú đi xuất gia làm cho ba rất giận. Nhưng sư chú lại thấy rằng, làm một người xuất gia, sư chú có thể giúp được nhiều người hơn là làm một bác sĩ. Người ba giận đến nỗi không thèm nghe điện thoại hay trả lời bất cứ một lá thư nào mà sư chú gửi về.
Hôm đó tôi đã gợi ý vài lời cho sư chú viết trong lá thư. Sư chú đã viết: “Thưa ba, sống trong tăng thân, các anh em của con vẫn thường hay khen con có tính kiên trì, cẩn trọng và nói năng hòa ái. Lúc đầu, con không tin đó là sự thật, nhưng các anh em cứ nhắc đi nhắc lại hoài, rồi dần dà con cũng tin đó là sự thật. Nhìn cho sâu, thì con nhận ra rằng những đức tính tốt đẹp đó là do ba đã trao truyền cho con. Nếu không có ba, làm sao con có được những đức tính tốt đẹp đó? Con biết ơn ba mẹ và tổ tiên rất nhiều. Nhờ có ông bà, tổ tiên và ba mẹ trao truyền cho con những đức tính tốt đẹp đó mà các anh chị em trong gia đình tâm linh đã thương yêu và trân trọng con. Con viết lá thư này là để bày tỏ lòng biết ơn đến ba và ông bà, tổ tiên. Bây giờ, con rất muốn hiểu nhiều hơn về tổ tiên của mình. Ba kể cho con nghe về ông bà nội của con đi ba. Ba kể cho con nghe để con hiểu thêm về gốc rễ của mình, ba nhé!”
Sau khi đọc lá thư đó, ba của sư chú đã hồi đáp mười trang thư và tình cảm cha con đã được hàn gắn. Một lá thư có thể tạo ra phép lạ. Sự thực tập ái ngữ rất mầu nhiệm, nó đánh động vào trái tim của người kia, mang lại sự hòa hợp và xóa tan hiểu lầm. Chỉ cần thực tập ái ngữ trong vòng vài phút, bạn đã gặt hái được kết quả rồi.
Bước thứ ba: Chia sẻ sự thực tập chánh niệm cho cộng đồng
Khi chúng ta đã biết cách chăm sóc cho bản thân và giúp cho người thân cũng như đồng nghiệp của mình làm được như vậy thì chúng ta có thể tìm cách đưa sự thực tập chánh niệm vào trường học. Điều này cần được thực hiện với sự yểm trợ của bạn bè hoặc đồng nghiệp, ta không thể làm một mình. Với chánh niệm, chúng ta có thể nhận diện và học cách chăm sóc những khổ đau của học trò và đồng nghiệp. Chúng ta cần lắng nghe học trò hay đồng nghiệp của mình, rồi giúp họ học cách lắng nghe người khác sâu sắc hơn. Thực tập ái ngữ và lắng nghe sâu sẽ giúp chúng ta tái lập được truyền thông trong trường học và mối truyền thông tốt này sẽ nâng cao chất lượng dạy và học của cả trường. Khi trường học của chúng ta có hạnh phúc thì chúng ta mới chia sẻ được hoa trái này với những tập thể khác trong ngành giáo dục. Chỉ khi nào chúng ta thành công trong trường học của mình thì mới có thể giúp được cho hệ thống giáo dục trên cả nước.
Trong trường học, chúng ta cũng cần xây dựng một cộng đồng (hay tăng thân) các nhà giáo. Vị hiệu trưởng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức trường học như thế nào mà mọi người có thể đến với nhau thường xuyên để học hỏi và nâng đỡ nhau. Lập một tăng thân các nhà giáo là điều rất cần thiết vì theo kinh nghiệm của tôi thì khi thực tập chung với nhau, chúng ta sẽ có nhiều vững chãi, nhiều tự do và hạnh phúc hơn. Đây là nền tảng của công việc mà chúng ta muốn thực hiện. Ai cũng cần có tăng thân để được nuôi dưỡng và duy trì sự thực tập của mình. Mỗi ngày, chúng ta được nuôi dưỡng và trị liệu nhờ vào sự thực tập của cá nhân và của tăng thân.
Chúng ta thực tập không chỉ cho riêng bản thân ta mà còn để giúp cho những người khác trong tăng thân tìm lại được sự tươi mát và vững chãi của họ. Chúng ta phải biết giới hạn của mình, đừng nhận lãnh trách nhiệm quá khả năng cho phép. Dù nhu cầu từ bên ngoài rất lớn, chúng ta phải biết giữ gìn năng lượng cho bản thân. Chúng ta cần thời gian để tự nuôi dưỡng và phục hồi.
Nếu muốn đi đường dài, chúng ta cần phải biết chăm sóc bản thân. Đôi khi vì hoàn cảnh đòi hỏi, chúng ta dễ dàng đánh mất mình trong công việc. Nhưng khi chúng ta đánh mất mình, chúng ta bị kiệt sức, thì ta chẳng giúp được cho ai và những người đang cần đến sự giúp đỡ của ta sẽ khốn đốn. Vấn đề không phải là chúng ta làm được bao nhiêu, mà là chúng ta có thể tiếp tục làm những việc ấy đều đặn mỗi ngày hay không?
Nếu không có hạnh phúc và vững chãi nhờ sự thực tập thì ta chẳng có gì để hiến tặng cho người khác. Điều này không đơn thuần là chuyện làm việc (doing) hay hành động (acting), mà chính là phẩm chất của sự có mặt (being). Nếu muốn đem lại bình an cho một ai đó thì trước tiên ta phải có bình an trong ta. Nếu trong ta không có đủ bình an thì những gì ta làm cũng sẽ không có năng lượng bình an trong đó. Vì vậy, chế tác bình an trong tự thân là nền tảng để ta có thể làm những công việc cho hòa bình.
PHẦN VẤN ĐÁP VỚI GIÁO VIÊN
HỎI: Tôi có cảm tưởng trường học của chúng tôi đang chạy theo đường hướng làm càng nhiều càng tốt. Mặc dù đã thực hiện nhiều chương trình rất có giá trị nhưng trường vẫn tiếp tục đòi hỏi giáo viên và học sinh phải cố gắng làm nhiều hơn thế nữa. Dù biết rằng những chương trình trên đánggiá nhưng mọi người phải làm việc quá nhiều để thực hiện cho được nhiều chương trình như thế. Vì vậy, tôi đã đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo về giá trị thực chất của những công việc mà chúng tôi đang theo đuổi. Tôi thấy chúng tôi cần thư giãn hơn, bình an hơn trong công việc giảng dạy thường nhật, nhưng dường như chỉ có mình tôi nhận thức như vậy. Tôi cũng sợ ban lãnh đạo trường cho rằng tôi là người ưa phàn nàn, ưa gây chuyện.Làm sao tôi có thể hòa giải được điều này trong lòng mình? Tôi nên im lặng và tiếp tục dấn thân vào vòng quay điên cuồng này? Nếu không bỏ công việc này, tôi phải thực tập thế nào để duy trì chánh niệm trong môi trường làm việc này?
THẦY: Cô có thể viết một lá thư cho hiệu trưởng và ban lãnh đạo của trường. Họ cũng có những khó khăn và khổ đau, vì vậy, ở đầu thư, cô nên nhận diện những khó khăn và khổ đau mà các vị ấy phải đối diện. Có thể chúng ta chưa nhìn thấy những khó khăn của các vị ấy. Có thể họ cũng bị cấp trên đòi hỏi. Có thể chúng ta có những tri giác sai lầm về ban lãnh đạo, do vậy, chúng ta không nên chắc mẩm rằng họ không có khó khăn, không có áp lực. Có thể họ đang có quá nhiều áp lực. Khi cô đã hiểu được hoàn cảnh của họ, những khó khăn, áp lực và khổ đau mà họ đang gặp phải, thì cô có thể viết một lá thư dễ thương mà không trách móc hay phán xét. Trong thư, cô có thể trình bày đầy đủ những cái thấy, những ý tưởng và nhu cầu của mình. Cô nên đưa lá thư đó cho vài đồng nghiệp khác để họ đóng góp thêm trước khi đệ trình lên ban lãnh đạo.
Chia sẻ của các giáo viên
CHÁNH NIỆM HÀNG NGÀY CHO GIÁO VIÊN
Tineke Spruytenburg, Hà Lan
Tôi là giáo viên dạy trẻ tự kỷ, học sinh của tôi từ 6 đến 7 tuổi. Đây là công việc thử thách nhất mà tôi từng đảm nhận. Nếu không duy trì việc thực tập chánh niệm mỗi ngày, tôi sẽ không thể nào làm nổi công việc này. Trước khi rời khỏi nhà, tôi ngồi thiền ít nhất 20 phút. Trên đường đến trường, tôi quán sát cái tâm rong ruổi, bận rộn của mình và đem tâm trở về với thân.
Chăm sóc cảm xúc của mình khi đang dạy trẻ là điều khó khăn nhất. Nhiều em phản ứng rất mạnh khi sợ hãi hoặc hoang mang mà không hề ý thức được hậu quả của nó. Tôi chẳng thể nào quên được lần đó, một bé trai 7 tuổi đá vào chân tôi một cú đau điếng và tôi phải đi gặp bác sĩ sau đó.
Nhìn lại sự việc hôm ấy, tôi thấy rằng cái chân tôi đau không phải vì sức mạnh của cú đá mà đau vì bị tổn thương tâm lí. Bây giờ, mỗi khi có sự việc tương tự xảy ra, tôi cho mình thời gian để thực tập. Nếu được, tôi sẽ rời khỏi phòng sinh hoạt và thực tập thiền hành ở hành lang hoặc vào nhà vệ sinh gần nhất để ngồi yên và theo dõi hơi thở trong vài phút.
Tâm lí sợ hãi, khó tập trung và không hiểu chuyện gì đang xảy ra là những khó khăn hàng ngày đối với trẻ tự kỉ. Tôi cho các em thực tập hơi thở chánh niệm vài lần trong tuần, thường là trước khi bắt đầu các bài tập vận động như yoga hoặc sau khi kết thúc. Tôi cũng hướng dẫn các em cách ăn cơm chánh niệm, dù không dùng chính xác tên gọi này, để giúp các em tập trung vào thức ăn. Chúng tôi ăn trong im lặng để các em có thể nghỉ ngơi sau khi đã tiếp nhận nhiều thông tin và sự kích thích qua các giác quan. Hầu hết các em thích những giây phút lắng dịu và yên ả này. Các em dễ dàng giữ yên lặng khi thấy tôi yên lặng. Chỉ cần tôi xao lãng và nhìn quanh hoặc làm việc gì khác thì ngay lập tức sự yên lặng bị phá vỡ.
Tôi còn hướng dẫn các em cách đi trong chánh niệm (thiền hành). Chúng tôi thực tập một vài phút trước khi bắt đầu một buổi học mới. Dù đã được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể nhưng các em vẫn dễ bị chi phối bởi những gì diễn ra bên trong mình và xung quanh mình. Một hôm, tôi cho các em bài tập: “Từ đây ra tới cổng trường, các em hãy hoàn toàn chú ý đến sự chuyển động của bàn chân khi nhấc lên, đặt xuống đất rồi lại nhấc lên khi chuẩn bị bước tiếp theo. Không suy nghĩ về bất cứ điều gì, chỉ tập trung quan sát bước chân mình đi như thế nào thôi. Khi đến nơi, chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ về kinh nghiệm thực tập của mình.” Cả lớp hưởng ứng lời đề nghị của tôi. Khi đến nơi, một em trai chia sẻ rằng, em cảm thấy rất nhẹ nhàng, như thể em đang ăn một món gì đó bằng tất cả sự chú tâm. Một em khác chia sẻ rằng em sẽ tập thiền hành khi tâm em huyên náo. Những giây phút yên lặng như thế giúp cho trẻ em cũng như người lớn khôi phục lại được năng lượng, mang mọi người đến với nhau và tạo ra năng lượng tập trung cho cả nhóm.
Chia sẻ
XÂY DỰNG TĂNG THÂN Ở TRƯỜNG HỌC
Một giáo viên tại Đức
Khi vừa được học phương pháp thực tập chánh niệm tại Làng Mai năm 2005, tôi thấy sự thực tập này sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc dạy học của mình (khi ấy tôi đang dạy ở một trường cấp ba). Nhưng tôi phải bắt đầu như thế nào đây? Thời gian đầu, tôi không đưa sự thực tập vào lớp học một cách rõ ràng, chính thức.
Dần dần, trong tôi bắt đầu có sự chuyển biến. Tôi tiếp nhận những đòi hỏi của công việc giảng dạy một cách nhẹ nhàng, tích cực mà không xem đó là một áp lực nặng nề như trước. Nếu có chuyện gì xảy ra không như kế hoạch đã định, tôi đã có một nơi để trở về nương tựa và tôi thường tự hỏi chính mình: Có cách hành xử nào đưa đến hiểu biết và thương yêu trong trường hợp này? Chẳng cần phải tranh đấu, chẳng cần phải điều khiển ai theo ý của mình, chẳng cần phải than trách về yếu kém của người khác – một cách hành xử khác với thói quen thông thường của tôi cũng như của những đồng nghiệp trong hệ thống giáo dục. Giờ đây, tôi đã có thể trở về với tự thân, thở và tự nhủ: “không sao hết, mình đã làm hết khả năng của mình. Mình cũng cần kiên nhẫn, cần hiểu và thương chính bản thân mình”.
Tôi đã đọc quyển Keeping the Peace: Mindfulness and Public Service (tạm dịch là Giữ gìn bình an: Chánh niệm và phụng sự xã hội), tôi không bao giờ quên một câu mà Thầy viết trong sách: “Nếu bạn muốn đem hoa trái của sự thực tập đến với nhiều người, bạn cần xây dựng tăng thân – đoàn thể gồm những đồng nghiệp có cùng ước muốn thực tập – để yểm trợ và nuôi dưỡng chí nguyện của bạn”.
Lúc đầu, tôi hơi e ngại khi chia sẻ với đồng nghiệp trong trường về con đường tâm linh của mình. Nhưng nhờ lời khích lệ của Thầy, tôi đã có thể nói ra. Mới đầu, tôi chia sẻ với mọi người rằng tôi đã đến với tăng thân và tham dự một khóa tu học. Mọi người có vẻ thích thú cho nên tôi chia sẻ thêm một chút về sự thực tập cũng như những lợi lạc mà tôi có được từ sự thực tập đó. Điều thú vị là không ai phản ứng tiêu cực với những gì tôi chia sẻ. Khi thấy các đồng nghiệp đều mở lòng tiếp nhận, tôi mời mọi người đến tham dự một buổi thực tập với tăng thân địa phương. Tôi đâu đã làm gì nhiều mà mọi chuyện vẫn diễn ra tốt đẹp. Tôi thấy đề nghị của Thầy có thể trở thành hiện thực.
Năm nay, tôi cùng ba đồng nghiệp tham dự khóa tu học dành cho giáo viên tại Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu (gọi tắt là EIAB) tại thành phố Waldbröl, nước Đức. Sau khi trở về từ khóa tu, chúng tôi đã lập ra một tăng thân tại trường học. Đây là những gì chúng tôi đã và đang thực tập:
Cứ hai tuần một lần, chúng tôi gặp nhau khoảng 1 tiếng 15 phút. Chúng tôi ngồi thiền 10 đến 15 phút sau đó chia sẻ với nhau về những gì đang xảy ra trong cuộc sống của mình, về những khó khăn và những niềm vui trong việc giảng dạy ở trường. Cuối buổi chia sẻ, chúng tôi đưa ra một vài đề nghị thực tập cụ thể cho hai tuần kế tiếp, cũng như trao đổi những điều liên quan đến sinh hoạt của tăng thân. Chúng tôi hát chung với nhau vài bài thiền ca, thực tập tưới hoa và bày tỏ lòng cảm mến cho
Mỗi ngày ở trường, chúng tôi tập trung vào một bài thực tập khác nhau như: thở, thiền hành, ăn trong im lặng, mỉm cười hoặc thực tập chấp nhận. Trong ngày, chúng tôi chỉ cần nhìn nhau và biết rằng người bạn của mình đang thực tập, đó cũng đã là một lời nhắc nhở cho chúng tôi quay về với tự thân để duy trì chánh niệm.
Chúng tôi đặt một bình gốm trên bệ cửa sổ trong phòng giáo viên, mỗi người đóng góp vào đó một tấm thiệp nhỏ có ghi một bài thi kệ hoặc những câu trích dẫn đầy cảm hứng từ Thầy. Mỗi khi cần đến năng lượng yểm trợ của tăng thân, chúng tôi có thể lấy trong bình ra một tấm thiệp rồi đọc và chuyền cho nhau. Điều đó rất là đẹp!
Chúng tôi còn có một nguồn vui lớn khác nữa, đó là hệ thống đệ nhị thân (xem trang 165). Chúng tôi cố gắng nâng đỡ đệ nhị thân của mình bằng nụ cười, bằng sự thăm hỏi, có khi chúng tôi dán một thông điệp lên hộp thư của vị ấy hay đặt lên bàn của vị ấy một đóa hoa tươi. Chúng tôi thường chuyền cho nhau những gì chúng tôi nhận được, ai nấy đều phấn khởi, do đó năng lượng của tăng thân rất thông thoáng và trôi chảy. Khi giáo viên này áp dụng những phương pháp thực tập mới cho học sinh, các giáo viên khác được vui lây và nguồn cảm hứng lan tỏa khắp tăng thân. Chúng tôi thấy rằng, khi được tăng thân nâng đỡ thì mình sẽ trao truyền sự thực tập cho học sinh dễ dàng hơn.
[2] Bạn có thể đọc thêm những bài thi kệ thực tập chánh niệm trong tác phẩm Từng bước nở hoa sen của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, hoặc xem tại đường link này: https://langmai.org/thien-duong/thi-ke/
“Tôi rất tin tưởng vào việc người trẻ có thể học được những điều không được dạy ở trường, như phương pháp thở trong chánh niệm, đi trong chánh niệm cũng như học cách nhìn sâu và chăm sóc cơn giận của mình.” – Thiền sư Thích Nhất Hạnh
HÀNG NĂM VÀO MÙA HÈ, có hàng trăm trẻ em đến Làng Mai – trung tâm thực tập chánh niệm của chúng tôi tại miền Tây Nam nước Pháp – để tham dự khóa tu dành cho gia đình. Các em đến từ hơn năm mươi quốc gia trên thế giới và nói nhiều ngôn ngữ khác nhau như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Do Thái… Các em chơi với nhau rất vui.
Tôi thích đi dạo với trẻ em (ở Làng Mai, chúng tôi có sự thực tập gọi là thiền đi hay thiền hành, nghĩa là đi trong chánh niệm). Giờ thiền hành nào các em cũng có mặt. Chúng tôi cùng nhau leo đồi, đi vào rừng và tận hưởng sự có mặt của nhau. Thiền hành được nửa đường, chúng tôi thường ngồi xuống và yên lặng tận hưởng vẻ đẹp của mùa hè. Các em luôn ngồi quanh tôi. Nhìn các em vui tươi, lắng dịu như vậy, tôi hạnh phúc lắm. Thiền hành là pháp môn tôi thích nhất, đặc biệt là khi có trẻ em đi cùng.
Điều đáng ngạc nhiên là trẻ em, ngay cả những em rất nhỏ, cũng thích tận hưởng sự yên lặng. Bởi đó không phải là một thứ im lặng nặng nề đáng sợ mà là một sự im lặng còn mạnh mẽ hơn cả lời nói. Ở Làng Mai, chúng tôi gọi đó là Im Lặng Hùng Tráng. Sự thực tập này có công năng nuôi dưỡng, trị liệu và mang lại sự bình an. Trẻ em cũng biết thiền hành trong im lặng, biết thưởng thức từng hơi thở chánh niệm. Chúng tôi cùng nhau chế tác năng lượng bình an và hạnh phúc. Không ai muốn xem ti-vi hay chơi điện tử cả và chúng tôi vẫn sống rất vui!
Các em thiếu nhi thích tới Làng không phải vì chúng tôi tổ chức giỏi. Không, chúng tôi không giỏi tổ chức đâu! Các em thích Làng là tại vì khi đến đây, các em được học về thiền hành, thiền tọa, tập thở trong chánh niệm. Cùng với nhau, chúng tôi chế tác năng lượng bình an, chánh niệm và vui tươi. Điều mà các em nhỏ được hưởng nhiều nhất khi đến Làng không phải là những bài pháp thoại hay những chương trình sinh hoạt mà chính là năng lượng tĩnh lặng, bình an của cả cộng đồng tu học nơi đây.
Phần chia sẻ
CẢ GIA ĐÌNH CÙNG THỰC TẬP CHÁNH NIỆM
Chia sẻ của sư cô Cúc Nghiêm, sư cô Anh Nghiêm, Làng Mai, nước Pháp
Tại Làng Mai, người lớn và trẻ em được học cách thực tập chung với nhau như một gia đình. Mọi sinh hoạt đều mở ra cho trẻ em, nhưng nếu thích thì các em có thể vui chơi ở bên ngoài. Ở Làng, chúng tôi không chỉ thực tập chánh niệm trong các sinh hoạt chính thức. Chúng tôi tạo ra nhiều phương tiện để giúp cho cả người lớn lẫn trẻ em thực tập dừng lại và trở về với giây phút hiện tại. Tại các trung tâm tu học của chúng tôi, chuông được thỉnh lên nhiều lần trong ngày và mỗi lần nghe chuông, mọi người có cơ hội dừng lại – dừng nói năng, dừng làm việc, dừng mọi sự di chuyển. Ngay cả các em nhỏ cũng học cách dừng lại khi nghe chuông, dù đang chạy nhảy và vui đùa với các bạn. Ai cũng quay về với hơi thở và đưa tâm về với thân trong giây phút hiện tại.
Khi người lớn dừng lại thì các em cũng theo đó mà dừng lại. Tất cả mọi người trong Làng đều dừng lại. Bạn hãy hình dung cảnh 500, 600 người cùng dừng lại để thở và buông thư cả thân tâm. Mọi người đều thực tập nên các em nhỏ dễ dàng hòa vào năng lượng thực tập ấy. Những giây phút như vậy diễn ra nhiều lần trong ngày và cứ như thế, sự thực tập chánh niệm trở nên rất đỗi tự nhiên, như không khí mà chúng ta thở và làm nên nếp sống của cộng đồng nơi đây.
Chúng tôi không hề có sự phân biệt giữa sự thực tập dành cho người lớn và sự thực tập dành cho trẻ em; bản chất của sự thực tập chánh niệm là như nhau đối với tất cả mọi người. Thông qua việc cùng nhau học hỏi và nuôi dưỡng năng lượng chánh niệm trong khóa tu, các gia đình có thể biết cách áp dụng sự thực tập vào đời sống hàng ngày ở tại nhà.
Tưới tẩm những hạt giống đẹp và lành
Trẻ em cũng có nhu yếu tâm linh. Các em hoàn toàn có khả năng học hỏi và lớn lên trong đời sống tâm linh ấy. Khi sự thực tập tâm linh được truyền đạt một cách đơn giản và dễ hiểu, các em sẽ nếm được niềm vui và cảm nhận được lợi ích của nó. Chương trình sinh hoạt dành cho thiếu nhi mà chúng tôi tổ chức tại các trung tâm thực tập chánh niệm của Làng Mai mang các em đến gần nhau hơn, tạo một cảm giác gắn kết và thân thiết hơn. Đó là nơi mà các em có thể cảm nhận được bầu không khí vui tươi và đầy tình thương, điều mà không phải lúc nào các em cũng có thể tìm thấy nơi trường lớp.
Đôi khi, có những bậc phụ huynh giao con cho chúng tôi như muốn nói, “Con tôi đây, thầy/sư cô chỉnh đốn nó giúp tôi với”. Nhưng chúng tôi không hề có ý định chỉnh đốn các em. Chúng tôi cho trẻ không gian để được là chính mình. Chúng tôi chia sẻ sự thực tập với các em, nhưng trên hết, chúng tôi cho phép các em được là chính mình. Khi cảm thấy chán, các em được học phương pháp thực tập như: “Thở vào, mình cảm thấy chán; Thở ra, cảm thấy chán cũng không sao hết”. Chúng tôi cho các em không gian để nhận biết những cảm xúc của mình và chấp nhận những cảm xúc đó như nó đang là.
Mục đích của chương trình sinh hoạt dành cho thiếu nhi là chăm sóc, chia sẻ và giúp các em gắn kết với nhau dựa trên chánh niệm, trí tuệ và tình thương.
Căn phòng bình yên: Thiết lập không gian sinh hoạt dành riêng cho các em
Khi đến một nơi, ta cảm thấy yêu thích nơi đó hay không tùy thuộc rất nhiều vào năng lượng mà nơi đó tạo ra. Có những căn phòng được trang trí rất đẹp nhưng không cho ta cảm giác gần gũi, ấm cúng. Nhưng lại có những căn phòng thiếu màu sắc, ít đồ đạc nhưng lại thông thoáng và giản dị, tạo cho ta cảm giác dễ chịu. Chúng ta có thể cùng các em thiết lập và trang trí một không gian sinh hoạt mà các em yêu thích. Làm sao để cho căn phòng đó thực sự là một nơi nương náu cho các em cũng như những người chăm sóc các em. Bất cứ lúc nào, các em đều có thể đến đó, ngay cả ngoài giờ sinh hoạt chính thức. Trong căn phòng đó, chúng ta có đầy đủ những dụng cụ, vật liệu để hướng dẫn cho các em vẽ, làm thủ công, chơi trò chơi hay kể chuyện cho các em nghe. Và thêm một yếu tố vô cùng quan trọng mà chúng ta cần tạo ra cho căn phòng này, đó là: sự bình an.
Muốn cho căn phòng trở thành một không gian thiêng liêng, ta có thể chọn một góc phòng để đặt một cái bàn và trên đó ta có thể bày một tượng Bụt, tượng Bồ tát hoặc một tấm thư pháp, một bát nhang, một hai cây nến, một bình hoa tươi hay một chậu cây nhỏ… Ngày đầu tiên của khóa tu, khi ba mẹ và các em bước vào căn phòng này, chúng ta mời mọi người để giày dép bên ngoài. Khi đã ổn định chỗ ngồi, chúng ta mời mọi người nhắm mắt lại và thử tưởng tượng chúng ta vừa bước vào một không gian mới, hoàn toàn không giống với không gian bên ngoài kia. Một nơi mà thời gian dường như chậm lại và con người cũng trở nên chậm lại. Họ bớt hối hả, bớt lao xao. Bước chân ai cũng trở nên thong thả hơn; họ lắng nghe sâu sắc hơn, lời nói cũng nhẹ nhàng hơn và không ai cần lớn tiếng với ai. Chúng ta có thể mời mọi người đến trước bàn thờ để xá Bụt hoặc đơn giản chỉ là để ngắm nhìn những đồ vật trên bàn thờ. Đôi khi, ta có thể hát chung với nhau vài bài trước khi bắt đầu buổi sinh hoạt để tạo không khí gần gũi, gắn bó.
Thắp lên một nén hương có thể làm cho không gian thêm phần đặc biệt và yên lắng. Ta có thể thắp một nén hương trước giờ sinh hoạt đầu tiên hoặc trước giờ sinh hoạt cuối cùng trong ngày để giúp các em tiếp xúc với năng lượng bình an của căn phòng. Sau đó, các em tha hồ chạy nhảy, chơi đùa trong căn phòng này. Ít nhất hai lần trong ngày, chúng ta hướng dẫn các em quay về và tiếp xúc với nguồn năng lượng bình an đó.
Các bạn có thể áp dụng những điều chia sẻ ở trên và điều chỉnh cho phù hợp để tạo một không gian bình an trong lớp học hay ở gia đình. Mỗi khi bước vào lớp, các em có thể thực hiện một nghi thức nhỏ để ý thức về cơ thể, về hơi thở cũng như tiếp xúc với sự bình yên trong tâm hồn. Thay vì cởi giày ra hay chắp tay xá chào Bụt, các em có thể vươn vai và thở ba hơi thật sâu trước khi ngồi xuống ghế. Hoặc các em có thể đặt trên bàn học của mình một viên sỏi, trước khi ngồi xuống ghế, các em có thể cầm viên sỏi lên và thở ba hơi. Các em cũng có thể hát chung với nhau một bài hát nhẹ nhàng nào đó.
Những ý tưởng để chuẩn bị một phòng sinh hoạt cho trẻ
Làm một tấm bảng hoặc tấm biểu ngữ chào mừng trên đó có đề tên tất cả các em và treo ngay cửa ra vào.
Treo một tấm bảng (hay poster) trong đó có Hai lời hứa lên tường ngay từ buổi sinh hoạt đầu tiên để các em thường xuyên nhìn và ghi nhớ sâu hơn.
Vẽ những bức tranh về thiền sỏi và treo lên tường để các em có thể ghi nhớ về bốn yếu tố: Hoa – tươi mát, Núi – vững vàng, Nước tĩnh – lặng chiếu, Không gian – thênh thang.
Dán lên tường Lời quán nguyện trước khi ăn dành cho thiếu nhiđể các em đọc thường xuyên.
Dùng giấy phủ kín nửa dưới của một hoặc nhiều bức tường để trẻ có thể trang trí lên đó trong suốt khóa tu. Đây là bức tranh tường chung do các em tạo ra.
Phần chia sẻ
CHƠI CÙNG TRẺ VỚI TÂM KHÔNG MONG CẦU
Thầy Pháp Dung, tu viện Lộc Uyển, Hoa Kỳ
Không có một lằn ranh rõ ràng giữa cái gọi là “thực tập (chánh niệm)” và “không thực tập”. Thực ra, cách hay nhất và hiệu quả nhất là chúng ta có mặt hết lòng với các em mà đừng mang theo tư tưởng là mình đang dạy các em về “thực tập”. Sự có mặt nhẹ nhàng, bình dị của chúng ta là yếu tố căn bản khiến cho buổi sinh hoạt trở nên vui vẻ, hứng thú. Cách ta giao tiếp và ứng xử với trẻ, phẩm chất của sự có mặt, lòng yêu thương và sự ấm áp của ta chính là những điều mang lại lợi ích cho trẻ nhất. Với sự thoải mái, không gắng gượng, chúng ta có thể chia sẻ với các em những điều kỳ diệu và niềm vui trong các sinh hoạt.
Chỉ cần có mặt
Sự thực tập căn bản của chúng ta là có mặt cho tự thân và cho những người xung quanh. Chánh niệm giúp chúng ta nhận diện những gì đang xảy ra trong ta và xung quanh ta. Khi chúng ta thực sự có mặt trong giây phút hiện tại, ta sẽ dễ dàng cảm nhận được trẻ và bầu không khí đang diễn ra. Có mặt như vậy là một điều kỳ diệu và cốt lõi của nó là sự thực tập không mong cầu (hay vô nguyện), đón nhận những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại với sự nhẹ nhàng, thoải mái.
Chúng ta bước vào không gian của trẻ và hòa mình vào vòng tròn của các em mà không đòi hỏi hay trông đợi bất cứ điều gì. Chúng ta dành cho các em thật nhiều không gian và thời gian, không có gì phải vội. Và rồi, từ một nụ cười, một lời chia sẻ cởi mở, mọi thứ tự nhiên diễn ra trôi chảy, nhịp nhàng.
Không có một quy tắc cứng nhắc nào có thể áp dụng khi vui chơi cùng trẻ em. Cũng không có một phương pháp cụ thể nào, ngoại trừ sự tò mò, hiếu kỳ như thể chúng ta đang tham dự vào một hành trình khám phá miền đất lạ, bằng tất cả sự chú tâm và năng lượng của mình, trong một trạng thái tỉnh thức, sẵn sàng khám phá.
Vì vậy, chơi cùng trẻ em chỉ đơn giản là có mặt trọn vẹn với các em. Hãy để cho các em được thể hiện bản thân như các em đang là, qua cách các em nói cười, đi đứng, chơi đùa, ước mơ… Chơi với trẻ cũng có nghĩa là mở lòng chấp nhận những gì xảy đến và khéo léo thích ứng để cho ta có thể giữ được năng lượng vui vẻ, đồng thời thể hiện được sự quan tâm, chăm sóc của mình đối với trẻ. Hãy để những tương tác giữa ta với các em linh động như là thiền tập.
Hợp nhất và đa dạng
Đôi khi chúng ta chia các em thành nhiều nhóm nhỏ theo độ tuổi hoặc theo ngôn ngữ, vì có thể các em cảm thấy thoải mái hơn trong những nhóm nhỏ. Tuy nhiên, một số em lại cảm thấy được chấp nhận và được ôm ấp khi sinh hoạt trong một vòng tròn lớn gồm nhiều bạn nhỏ thuộc nhiều độ tuổi và đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Đây cũng là cơ hội để các em trải nghiệm sự khác biệt về văn hóa và tuổi tác. Điều quan trọng là các em được chứng kiến sự hòa nhập của các bạn được coi là “hơi khó gần” hoặc “hơi khác biệt” và học được cách ôm lấy những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và tuổi tác.
Học và chơi một cách tự nhiên
Lên kế hoạch cho một hoạt động cũng rất hay nhưng đôi khi để cho hoạt động đó diễn ra một cách tự nhiên, linh hoạt cũng rất thú vị. Khi lên kế hoạch cho một buổi sinh hoạt, chúng ta cần đảm bảo là trong kế hoạch đó có sự linh hoạt. Tùy theo mức năng lượng của các em mà ta có thể điều chỉnh các sinh hoạt cho phù hợp. Ví dụ như, khi các em có nhiều năng lượng thì cho các em sinh hoạt ngoài trời. Đôi khi cho các em thực tập thiền buông thư lại là một phương án hay, vì tình trạng dư thừa năng lượng của các em có thể là dấu hiệu cho biết các em đang mệt. Khi các em có sự yên lắng và chú tâm, ta có thể tổ chức những hoạt động trong nhà như vẽ tranh, làm thủ công hoặc kể chuyện. Không có một công thức nào cho những sinh hoạt tự phát như vậy. Sự chú ý và sự linh hoạt, uyển chuyển của chúng ta là điều tối cần thiết để cho những khoảnh khắc tương tác và sáng tạo có thể xảy ra.
Phút giây thử thách: những mẩu chuyện cá nhân
Khi chơi với trẻ, mỗi người trong chúng ta đều có những giây phút mà ta cảm thấy gắn kết và học hỏi được rất nhiều từ trẻ. Những giây phút như thế đọng mãi trong ký ức của chúng ta, khiến cho việc chăm sóc các em trở nên thật ý nghĩa. Chính các em dạy cho chúng ta thấy rõ hơn về bản thân, về những tri giác và cả sự mong manh dễ thương tổn của chúng ta.
Đôi khi, chúng ta nghĩ rằng là người lớn thì phải luôn kiểm soát mọi chuyện và biết rõ việc mình đang làm. Chúng ta nghĩ mình không bao giờ nên để cho các em thấy được sự dễ tổn thương hay mất kiểm soát của mình. Thế nhưng, đôi khi phép mầu lại xảy ra khi người lớn bộc lộ những cảm xúc thật nhất và những điểm yếu của mình trước mặt các em trong giây phút ấy. Chúng ta có thể thành thật với chính mình, thành thật với những gì đang xảy ra và buông bỏ ý niệm là mọi việc lẽ ra phải như thế này, như thế kia. Ta chỉ cần ôm lấy giây phút hiện tại và hoàn toàn chấp nhận những gì đang diễn ra trong giây phút ấy như nó đang là. Khi bạn thực sự chấp nhận và ôm lấy giây phút hiện tại thì một sự chuyển biến sẽ xảy ra trong các em cũng như trong năng lượng chung của cả tập thể.
BỊ PHẢN BỘI
Chia sẻ của thầy Pháp Dung, tu viện Lộc Uyển, Hoa Kỳ
Lần đó, tôi đang hướng dẫn thiền sỏi cho một nhóm khoảng 40 đến 50 em và mọi chuyện đã diễn ra không như tôi dự tính. Các em thuộc đủ mọi lứa tuổi, từ chập chững tập đi cho đến các em tuổi thiếu niên (tuổi teen). Trong nhóm có 4 – 5 em trai tỏ vẻ không thích nghe hướng dẫn mà chỉ thích làm cho tôi mất tập trung. Tôi đã từng gần gũi, chăm sóc và chơi với các em trai này khi các em đến tu viện cùng gia đình. Nhưng giờ đây thật là khó xử khi các em cứ liên tục gây gián đoạn mỗi khi tôi chia sẻ. Việc này cũng làm ảnh hưởng đến các em khác. Trán tôi vã mồ hôi. Mọi người trong phòng cũng đã nhận thấy tình trạng khó khăn đó. Tất cả đều đang chờ xem liệu có ai đó có thể tái lập lại bầu không khí lắng dịu trong căn phòng hay không. Cũng bởi thân thiết với đám trẻ này, tôi không muốn người huynh đệ của tôi mời các em đó ra ngoài. Nhưng trong lòng tôi lại cảm thấy mình bị các em trai này phản bội. Các em làm tôi bẽ mặt trước mọi người. Tôi cảm thấy tổn thương và tức giận.
Khi tôi giơ viên sỏi lên lần thứ ba và nói: “Đây là viên sỏi đầu tiên tượng trưng cho bông hoa, là khả năng sống tươi mát trong ta”, thì sự quấy quá của các em lên đến mức không thể chịu đựng được nữa. Mồ hôi chảy trên mặt, tôi thả tay xuống, nhắm mắt lại và bắt đầu theo dõi hơi thở. Tôi buông hết mọi chuyện. Tình huống này vượt ngoài khả năng kiểm soát của tôi. Mọi người trong phòng ngồi im phăng phắc và chờ đợi tôi mở lời trở lại. Tôi cảm nhận hơi nóng trong mình từ từ dịu xuống khi tôi thừa nhận cơn giận và sự tổn thương của mình. Tôi nói: “Thở vào, tôi đang bị tổn thương. Thở ra, tôi chấp nhận mình đang bị tổn thương.” Một sư cô thỉnh lên một tiếng chuông. “Thở vào, tôi cảm thấy bị những người bạn của mình phản bội. Thở ra, tôi mỉm cười với những người bạn ấy với lòng thương yêu và hiểu biết.” Tôi cứ tiếp tục làm thiền hướng dẫn như vậy trong một lúc, thực tập nhận diện cảm xúc của tôi và đặc biệt là nhận diện những gì đang diễn ra trong căn phòng. Ai cũng biết chuyện gì đang diễn ra nhưng không ai biết nên làm gì.
Một khi ta tôn trọng và chấp nhận tình huống xảy ra thì mọi chuyện sẽ thay đổi. Theo lời dạy của Thầy[1] chúng tôi, ta cần gọi tên tình huống đó bằng “tên thật của nó”. Các em trai nhận ra ngay, rằng mọi người đang chú ý đến mình và các em cũng nhận ra mình đang làm gián đoạn giờ sinh hoạt của cả nhóm. Tôi cảm thấy các em hiểu ra điều này vì tư thế của các em bắt đầu thay đổi. Các em ngồi thẳng lưng lại, giữ im lặng và bắt đầu chú ý lắng nghe những gì đang diễn ra trong nhóm.
Vậy là buổi thực tập thiền sỏi sáng hôm đó đã chuyển thành buổi thực tập chăm sóc cảm xúc và đối diện với những thách thức. Chúng tôi đã hỏi cảm giác của các em như thế nào khi có ai đó làm cho mình mất tập trung và các em sẽ xử lí như thế nào khi cảm thấy buồn hay bực bội, khó chịu. Buổi chia sẻ đó hóa ra là một trải nghiệm quý báu cho tất cả mọi người trong nhóm.
Bây giờ, nhìn lại chuyện đã qua, tôi thấy lẽ ra tôi nên chia các em thành hai nhóm và xử lí các em trai làm ồn sớm hơn. Tôi cũng thấy rằng tôi đã bám chặt vào ý niệm sẵn có trong đầu là buổi sinh hoạt sáng hôm đó phải như thế này, như thế kia. Vì vậy, khi sự việc xảy ra, tôi kháng cự lại, cố gắng ép mọi thứ phải diễn ra theo ý mình. Tôi đã không tôn trọng cảm xúc của mình. Lúc đó, tôi có thể mời các em trai kia ra khỏi phòng và mọi thứ sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch. Tuy vậy, trải nghiệm này là một món quà cho bản thân tôi, bởi lẽ tôi nhận ra rằng khi tôi thành thật nhận diện và tôn trọng những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại, dù giây phút đó chứa đầy buồn giận hay cảm xúc gì đi nữa, thì có một sự chuyển biến xảy ra trong tâm thức tôi. Và sự chuyển biến đó cũng xảy ra trong tâm thức chung của cả nhóm.
BỒ TÁT BƯỚM TRẮNG
Chia sẻ của thầy Pháp Dung, tu viện Lộc Uyển, Hoa Kỳ
Buổi tối hôm đó, các em đang ngồi thành vòng tròn, vừa hát vừa múa thì có một chú bướm to màu trắng bay vào vòng tròn múa lượn cùng chúng tôi. Chú bướm đậu trên tấm thảm ngay cạnh tôi, tôi quỳ xuống chào người bạn mới. Tôi chỉ vừa nói: “Ồ hay chưa nè các em, một bạn bướm trắng xinh đẹp đang cùng hát múa với chúng ta đó”, thì một em trai tiến nhanh về phía trước và đạp mạnh lên chú bướm. Rồi vài em trai nữa xông tới xúm nhau giẫm đạp thêm. Một em gái hét lên hoảng hốt trước cảnh tượng đó, các em khác cũng bị sốc. Các thầy, các sư cô trong nhóm dỗ dành và trấn an các em. Tôi nhặt xác chú bướm tội nghiệp đem ra ngoài để trả chú về cho đất mẹ. Khi tôi trở lại, căn phòng im phăng phắc. Tôi bước vào giữa vòng tròn, ngồi xuống nhắm mắt lại và theo dõi hơi thở. Sư em tôi thỉnh lên một tiếng chuông.
Tôi bắt đầu cầu nguyện cho chú bướm đáng thương và bày tỏ sự hối tiếc về những vụng về, lầm lỡ của chúng tôi: “Bạn bướm trắng thân mến ơi, xin thứ lỗi cho chúng tôi vì đã không biết nhận diện vẻ đẹp của bạn, món quà mà bạn mang đến cho chúng tôi. Vì khờ dại, bạo động và vụng về mà chúng tôi đã đánh mất bạn. Nguyện cầu cho bạn được bình an và không quá đau đớn khi lìa xa nơi này. Chúng tôi cũng rất đau lòng vì những gì đã xảy ra. Bạn đến để chia sẻ với chúng tôi sự mầu nhiệm của bạn, hiến tặng điệu múa và tình thương của bạn. Vậy mà chúng tôi không nhận ra, mắt chúng tôi bị che mờ bởi sự phấn khích, bởi thói quen giết hại các loài sinh vật nhỏ bé và thiếu khả năng bảo vệ sinh mạng cho mọi loài. Đây không phải là lỗi của riêng một cá nhân nào, bởi lẽ mọi người đều có trách nhiệm trong chuyện này. Chúng tôi xin hứa lần sau sẽ làm tốt hơn. Chúng tôi hứa sẽ tôn trọng sự sống của mọi loài: cỏ cây, muông thú và cả những con sâu, con kiến bé nhỏ. Chúng tôi hứa sẽ không giết hại, không để năng lượng bạo động lấn át khiến chúng tôi tàn hại những gì đẹp lành trên thế giới này”. Sau đó, chúng tôi mời từng em chia sẻ cảm xúc của mình, để các em nói lên sự tổn thương, nói lời xin lỗi và xin chú bướm tha thứ cho lỗi lầm vụng dại của mình. Có em chia sẻ: “Cảm ơn bạn bướm trắng tới chơi với chúng em”, bạn nhỏ khác nói: “Xin lỗi bạn bướm nhé, chúng em làm bạn đau, làm bạn phải chết”, “Chúng em hy vọng bạn sẽ không sao cả”. Sau khi các bạn trai hối lỗi và từng em chia sẻ cảm xúc của mình, năng lượng của căn phòng bắt đầu thay đổi, các em gái cũng dịu lại và nín khóc.
Trải nghiệm này lại mở ra một cuộc thảo luận trong cả nhóm. Chúng tôi nói về loài muỗi, sâu, bướm, cũng như các sinh vật nhỏ bé đang có mặt quanh ta và cách chúng ta nên đối xử với các loài sinh vật đó. Các em cũng thấy rằng các loài sinh vật đều ham sống sợ chết như chính chúng ta. Buổi chia sẻ hôm ấy hóa ra lại là một trong những buổi chia sẻ sâu sắc nhất về Hai lời hứa mà tôi từng chứng kiến. Xin cảm ơn Bồ Tát bướm trắng, vì món quà mà bạn hiến tặng cũng như sự hy sinh của bạn.
MỘT CÁI ÔM
Chia sẻ của sư cô Anh Nghiêm, tu viện Bích Nham, Hoa Kỳ
James là một cậu bé 7 tuổi. Cậu ấy có hai người bạn thân là Paul (7 tuổi) và Yves (8 tuổi). Ba cậu bé này chơi với nhau rất thân. Trong nhóm còn có bốn em gái khác nữa. Khi nhóm sinh hoạt chung với nhau, chỉ có các em gái chịu nghe lời tôi, còn James và các cậu bạn lại ngầm “nổi loạn” và không chịu nghe theo những ý kiến hay đề nghị của tôi.
Khi cả nhóm đi dạo thì các em chạy đi, tự bày trò chơi một mình. Chúng tôi làm thủ công hay tô màu trong phòng thì các em lại chạy đùa bên ngoài. Chúng tôi chơi trò đóng kịch thì các em bày một trò khác. Cứ như vậy suốt một tuần. Tôi bối rối không biết phải làm gì. Tôi không muốn lớn tiếng và ép buộc các em phải làm điều này, điều kia, nhưng tôi thể hiện cho các em biết rằng khi nào các em thích sinh hoạt với nhóm thì các em vẫn có thể tham gia.
Vào buổi tối cuối cùng trong tuần, chúng tôi tổ chức lễ Bông hồng cài áo để tưởng nhớ công ơn cha mẹ. Cuối buổi lễ, hai mẹ con James đến bên tôi, cậu bé rụt rè nép sau lưng mẹ. Mẹ của James hỏi liệu James có thể ôm tôi một cái được không. Tôi quá sức ngạc nhiên. James bẽn lẽn bước đến gần tôi, trông không ra dáng thủ lĩnh của nhóm quậy phá chút nào. Ôm em vào lòng, tôi cảm thấy hạnh phúc ngập tràn và tôi cũng để ý không ôm em quá chặt. Sau ba hơi thở, James vẫn chưa rời tôi. Em càng ôm tôi chặt hơn nữa.
Lúc đó tôi mới nhận ra rằng James đã cảm nhận và tiếp thu hết mọi thứ trong suốt tuần vừa rồi. Điều James nhận được không phải các sinh hoạt chúng tôi tổ chức, mà chính là thái độ chấp nhận của tôi dành cho em và cho các bạn của em. Cách chúng ta sống, cách chúng ta tiếp xử với các em là điều các em ghi nhớ sâu đậm nhất.
HÁT LÊN MỘT CÂU CHUYỆN
Chia sẻ của một tình nguyện viên trong chương trình thiếu nhi
Hôm ấy, tôi ngồi chơi và bắt đầu kể chuyện cho một nhóm các em nhỏ 6 tuổi. Trong khi tôi đang kể chuyện, có một em trai cứ ngồi đó hát nghêu ngao một mình. Tôi ngừng kể chuyện và em vẫn tiếp tục hát. Tôi nhẹ nhàng hỏi em: “Cô kể chuyện tiếp được không?” Em không trả lời nhưng tỏ thái độ hơi lạ lùng. Rồi tôi tiếp tục kể chuyện, trong khi em ấy vẫn tiếp tục với giọng hát như đọc của mình. Đột nhiên tôi cảm thấy mình thích nghi với giọng của em và để giọng hát ấy dẫn dắt giọng kể chuyện của mình. Câu chuyện tôi kể bỗng mang nhiều màu sắc và xúc cảm mà tôi chưa từng trải qua. Tất cả chúng tôi đều như bị cuốn vào câu chuyện. Em trai này vẫn tiếp tục ngân nga trong hơn một tiếng tôi kể chuyện. Các giáo viên cảm thấy rất thú vị. Sau đó, tôi mới biết cậu bé ấy bị bệnh tự kỉ, em chẳng bao giờ lắng nghe câu chuyện nào quá mười phút. Dù sao tôi cũng thầm cảm ơn em vì bài học em đã dạy tôi hôm ấy.
GIEO TRỒNG HẠT GIỐNG BÌNH AN
Chia sẻ của sư cô Định Nghiêm
Trong những khóa tu mùa hè đầu tiên tại xóm Mới (Làng Mai), tôi thường chăm sóc các em nhỏ nói tiếng Pháp. Mỗi ngày, tôi được học hỏi và được nuôi dưỡng rất nhiều từ các em. Quả thật là chăm sóc các em cũng khá vất vả, vì các em có nhiều năng lượng lắm, nhưng đó cũng là phần thưởng cho tôi vì các em đón nhận tình thương của tôi rất dễ dàng và tôi cũng nhận được rất nhiều tình thương từ các em. Những gì tôi làm cho các em đều có thể cho hoa trái ngay lập tức. Các em chia sẻ với tôi niềm hạnh phúc khi ở Làng Mai dù chúng tôi chỉ có vài món đồ chơi đơn giản cho các em. Các em nói rằng các em vui vì khi ở Làng, cha mẹ của các em nói chuyện nhỏ nhẹ và cư xử nhẹ nhàng hơn khi ở nhà. Các em thích ở Làng vì thấy được sự thay đổi của cha mẹ mình.
Các em làm tôi bất ngờ mỗi ngày. Các em luôn luôn cựa quậy và lao nhao trong suốt giờ pháp thoại nhưng sau đó tôi hỏi câu gì liên quan đến bài pháp thoại thì các em đều biết. Khi trở về lại nhà, chính các em là người ghi nhớ và duy trì sự thực tập lâu hơn cả cha mẹ mình. Các em như một tờ giấy trắng vậy. Nhìn lại thời gian tôi được tới chùa lúc còn nhỏ xíu, hồi đó tôi cũng ghi nhớ mọi thứ. Khi chăm sóc cho các em tại Làng Mai, tôi thấy các em đích thực là tiếng chuông chánh niệm cho tôi, các em đã giúp tôi rất nhiều trong sự thực tập. Tôi làm gì, nói gì, các em đều ghi nhớ suốt mấy năm trời. Tôi chỉ muốn vẽ lên những trang giấy trắng ấy những gì đẹp và lành nhất mà thôi.
Tôi nhớ có một lần, các em cứ nhốn nháo gây ồn làm tôi mệt mỏi quá chừng. Chỉ sau một tuần, tôi bị mất tiếng luôn. Các em xúm nhau la hét, chạy nhảy, làm đủ thứ mà các em muốn. Quá mỏi mệt nên tôi nằm xuống đất, lúc đó, các em gái bảo các em trai: “Im lặng nào, nhìn sư cô Định Nghiêm nè, sư cô mệt vì chúng ta ồn ào quá.” Rồi các em tự lắng xuống mà chẳng cần tôi phải nói gì. Chúng tôi thương yêu nhau nên khi thấy tôi mệt là các em tự động tìm cách giúp tôi hết mệt.
Tôi nhận ra rằng điều quan trọng nhất mà ta có thể trao truyền cho các em chính là cách sống của chúng ta. Trẻ em rất nhạy cảm. Các em không sống bằng lý trí mà sống bằng cảm xúc. Vậy nên, sự có mặt trọn vẹn, lắng dịu, nhẹ nhàng và bình an là món quà quý nhất mà chúng ta có thể hiến tặng cho các em. Và chúng ta cần thực tập để có thể chế tác được những phẩm chất này.
Cách tốt nhất để trao truyền sự thực tập cho các em là kể chuyện và cho các em biểu diễn những câu chuyện ấy qua hình thức kịch. Các em cũng thích thực tập Làm mới và Thiền trà với ba mẹ. Vì vậy, sẽ rất hay nếu ta mời ba mẹ các em tới tham dự những buổi sinh hoạt này. Lần nào chúng tôi tổ chức các buổi sinh hoạt như vậy, cả ba mẹ và các em đều rất xúc động và hạnh phúc.
Có nhiều em mỗi năm đều về Làng, vì vậy, tôi được chứng kiến các em lớn lên. Mùa hè năm ngoái, tôi nghe nói các em nhỏ thành lập một tăng thân và thường xuyên liên lạc với nhau. Khi về Làng, các em cùng nhau tạo thành một nhóm, rồi chào đón các bạn mới, làm các bạn cảm thấy dễ chịu. Các em chơi với nhau rất vui vì vậy dù bước qua tuổi thiếu niên, nhiều em vẫn muốn ở lại trong chương trình trẻ em.
Nhìn các em, tôi có thể thấy được tương lai đạo Bụt ở phương Tây. Sự thực tập chánh niệm giờ đây đã trở nên thân thuộc, tự nhiên đối với các em. Vì đã được học từ khi còn nhỏ nên khi lớn lên, sự thực tập trở thành điều rất đỗi bình thường và là sự sống của các em. Các em nắm được tinh yếu của sự thực tập mà không còn bị mắc kẹt vào những lập luận của trí năng. Vì vậy, tôi tin là các em sẽ biết cách sáng tạo và làm cho sự thực tập chánh niệm phù hợp hơn với xã hội phương Tây trong tương lai.
LÀNG MAI: NGÔI NHÀ CHUNG CỦA CÁC EM NHỎ
Chia sẻ của Michele Hill, Hawaii, Hoa Kỳ
Hè năm nay, tôi đã bay nửa vòng Trái đất từ Hawaii đến đất Pháp để tham dự một khóa tu tại Làng Mai. Có lẽ điều ấn tượng nhất đối với tôi là vai trò của các em nhỏ tại trung tâm tu học này. Ở những trung tâm tu thiền mà chúng tôi theo học, hiếm khi nào thiền sinh dẫn con đến tham dự một khóa tu thiền. Những người chỉ ghé thăm trong thời gian ngắn thì phải tự lo chăm sóc con cái của mình trong thời gian ở tu viện. Ở Làng Mai, tôi nhận thấy các em nhỏ không đơn thuần là có mặt mà còn là trung tâm của cộng đồng. Các em cũng có công việc cụ thể trong thiền đường như thỉnh chuông, hướng dẫn thiền trà và tham gia vào các nghi lễ. Sinh hoạt nào các em cũng được tham dự và mọi người quan tâm đến các em một cách khá tự nhiên.
Trong nhiều buổi chia sẻ theo nhóm, Thầy – Thiền sư Thích Nhất Hạnh – đã mời mọi người cùng thảo luận về chủ đề: làm thế nào để trẻ em có thể cùng thực tập với người lớn. Trẻ em có vẻ thích các buổi lễ, các nghi thức, nhạc và trò chơi. Ba mẹ các em nói rằng chính các em là người luôn nhớ chắp tay thể hiện lòng biết ơn trước khi ăn, luôn biết nhận diện những cái đẹp trong những nghi thức nho nhỏ như xá chào khi bước vào thiền đường.
Thầy từng nói rằng nếu anh không giải thích được cho các cháu nhỏ hiểu anh đang làm gì thì có thể điều anh đang thực hành chưa phải là sự thực tập chân chính. Trẻ em cần hiểu và được tham gia vào những gì chúng ta đang thực tập, nếu đó là một đạo Bụt chân chính. Thầy cảm thấy trẻ em có thể hiểu được hết những ý niệm thâm sâu nhất của đạo Bụt, những ý niệm mà cốt lõi của nó thật ra vô cùng đơn giản và rõ ràng, chẳng hạn như “Bạn là tôi và tôi cũng là bạn”, “có hiểu mới có thương”, “khi một ngón tay bị đau thì cả bàn tay cũng đau theo”.
“Chúng ta phải tìm ra những phương pháp thực tập làm cho các em cảm thấy vui thích. Điều này rất quan trọng. Sẽ rất thiếu sót nếu các em không được tham gia thực tập cùng người lớn. Khi các em được tham gia thì cả gia đình có cơ hội thực tập chung với nhau, rất vui.” Những lời của Thầy thực sự để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Tôi thường nghe bạn bè mình than vãn rằng họ bị giằng xé giữa việc có mặt cho con cái và thiền tập. Có những phụ huynh mà công việc đòi hỏi phải vắng nhà nhiều, họ cảm thấy miễn cưỡng xa con vào buổi tối hoặc ngày cuối tuần để có thể thiền tập. Một số gia đình trong nhóm thiền tập của chúng tôi đã từng cố gắng nhưng họ không thành công. Tôi nghĩ rằng cho các em tham gia thực tập chung với người lớn là một giải pháp hay, có thể giải quyết được nhiều vấn đề và làm phong phú thêm trải nghiệm của tất cả chúng ta. Thầy từng nói: “Sự thực tập của chúng ta sẽ không thể thành tựu nếu không có sự yểm trợ của trẻ em. Nếu không có trẻ em cùng tham gia thì thiền tập của chúng ta chẳng khác nào một sự trốn chạy khỏi gia đình và xã hội.”
[1] Những từ Thầy viết hoa trong sách có ý chỉ Thiền sư Thích Nhất Hạnh. (BT)