Thiên đường cạnh sông Marne

“Thiên đàng hay Thiên đường (thiên: trời, tầng trời, cõi trời; đường hay đàng: cái nhà, cõi) là khái niệm về đời sau được tìm thấy trong nhiều tôn giáo và tác phẩm triết học” (Trích Wikipedia). Tuy nhiên thiên đường mà mình muốn chia sẻ với các bạn hôm nay không phải là một quan niệm trong Thiên chúa giáo, hay truyền thuyết về một nơi sung sướng hạnh phúc nào đó sau khi thoát khỏi kiếp khổ dưới trần gian hạ giới. Thiên đường mình muốn nói tới ở đây chỉ đơn giản là một ngôi nhà nhỏ trên mặt đất, mà khi đặt chân đến người ta cảm thấy bình tâm, yên ổn, sống với tình thương, tình yêu và hạnh phúc tràn ngập. Khi rời chân đi thì thiên đường cũng đi theo vì nó đã có ở trong mình.

Những nơi như thế, thực sự có thật, không chỉ một mà là có vô vàn. Tuy nhiên không phải lúc nào việc tìm thấy thiên đường trên mặt đất cũng hiển nhiên. Mình còn nhớ hôm thứ Sáu, lúc nhỏ bạn rủ: “Mình đi lên thiên đường, bạn đi với mình không?” mình đã phì cười, trong đầu nghĩ là nó bị cái quái gì vậy? Rồi trí tò mò thúc đẩy và vì mình cũng rảnh rang quá, không có việc gì làm, mình tìm tới thiên đường.

Thức dậy sớm thì lúc nào tinh thần mình cũng rất phấn chấn, hát hò nhảy múa, tỉnh táo vui vẻ. Vì mình hay ồn ào vậy nên bị nhỏ bạn nạt hoài. Mình tới ngôi nhà ở cạnh sông Marne từ sáng sớm, cùng với 3 đứa bạn. Lúc đó nhìn nó cũng chẳng có gì đặc biệt dù đó là một ngôi nhà khá đẹp, lại có vườn cây rộng nữa.

Mọi người đang tập Taichi trên bãi cỏ. Lúc đến thấy hơi ngại, không biết nói gì, cũng không biết chào ai vì tất cả đều có vẻ đang tập trung vào việc mình làm. Chào thì vô duyên mà không chào thì cũng vô duyên, không biết nên xưng hô với mọi người thế nào, anh chị em hay thầy cô. Thế là cứ chui vào đó đứng tập thôi. Mình hơi ngạc nhiên vì thấy mọi người khá tự nhiên và thoải mái. Mình cứ mải để ý hết cái này đến cái khác, nghiêng ngó hết bên này đến bên nọ. Đến lúc tập một động tác giữ thăng bằng, phải nhắm mắt, giang tay, co chân lên, mình làm không được. Mình bực mình mà lại nóng vội, cứ chực ngã lại co chân lên để lấy lại thăng bằng.

 

Cứ … chui vào tập thôi

Thầy dạy Taichi (tên là Thanh Trúc hay còn gọi là anh Bamboo) bảo là phải bình tĩnh lại, tập trung vào trục thăng bằng của người, đừng vội co chân nhắm mắt lại ngay mà nên làm từ từ để có thời gian thích nghi. Mình làm theo lời hướng dẫn, và kì lạ thay, mình đã giữ được thăng bằng lâu hơn một chút (vài giây thôi hehe), nhưng cảm thấy hiệu quả hơn rất nhiều. Và vì việc tập lúc đó bắt đầu trở nên thú vị, mình chẳng để ý gì đến xung quanh nữa và nhận ra rằng mình có thể làm tốt hơn mình tưởng rất nhiều!

Sau đó mình ăn sáng và ngồi chơi với các anh chị. Mọi người lần lượt tự giới thiệu tên của chính mình.Vì là người cuối cùng, mình đã tự đặt ra thử thách cho mình là đọc lại tên tất cả những người đằng trước (làm việc gì có thử thách cũng rất vui). Chắc tại tính mình còn trẻ con, thích được chơi, nên thấy rất vui!

Thích nhất là được nghe pháp thoại. Lúc đầu thầy (Pháp Niệm) kể về một người bạn, mình ngồi nghe rất chăm chú. Càng nghe càng bị cuốn theo, cả lời thầy nói với những suy nghĩ của mình. Khi ngồi học cũng vậy, ở trên lớp mà học toán mình cũng hay bị cuốn theo những suy nghĩ của mình lắm! Và lúc thầy giảng về hạnh phúc… mình thấy thực sự rất tuyệt. Thầy càng nói, mình càng thấy yêu đời, trong tiếng chim hót và hoa nở rực rỡ…

Phải nói là… mình rất may mắn. May mắn không kể xiết. Mình không nhớ từng câu từng chữ, cũng như thứ tự trong bài pháp thoại. Mình sẽ không thuật lại nó như thầy đã kể mà sẽ thuật lại theo suy nghĩ và cách nhìn của mình cho các bạn nghe. Mình nghĩ như thế này: thật tốt khi là một con người. Một con người được tạo nên từ những hạt như bao vật thể khác, như là cái máy tính mình đang gõ hay như bầu không khí mình đang hít thở. Và dĩ nhiên, mình tương tác với những hạt này cũng như với môi trường xung quanh…

 

Người trẻ tại thiên đường bên sông Marne

Thông thường nếu nghĩ bị thầy giáo coi thường, dĩ nhiên mình sẽ rất cay cú, còn được bạn bè quý mến thì sẽ rất vui. Thế nhưng mình lại quên mất rằng mình không chỉ tương tác với xã hội loài người mà còn với tất cả những thứ xung quanh nữa! Thế nên việc hôm nay lúc đi chơi trời nắng đẹp cũng có thể làm mình vui, việc đi chơi về trời mưa mát rượi cũng làm mình vui, đi thi trời mưa quên không mang ô cũng có thể làm mình buồn một tí. Mà nhận ra việc có một cái ô cũng rất vui, khi người ta chưa có cái ô thì thật là bất tiện. Còn bây giờ ngồi gõ lạch cạch và nhận ra việc có một cái máy tính cũng rất là vui. Xung quanh mình toàn là niềm vui. Thế nên kết luận số một của mình là: môi trường vật chất xung quanh cũng tương tác tới mình như môi trường xã hội con người!

Người bi quan sẽ nói: Như vậy chứng tỏ môi trường vật chất cũng có thể làm tổn thương mình, làm đau mình y chang xã hội con người. Thật là một khám phá đáng thất vọng! Thực ra… ở một mặt nào đó, buồn cũng là vui mà vui cũng là buồn. Giống như động năng, thế năng, nhiệt năng, … đều là năng lượng! Phật dạy, khi nào bị buồn quá, không nên thử các biện pháp hắt hủi nó, ruồng bỏ nó, cố gắng quên nó đi, hay cố gắng làm mọi việc khác để chôn vùi nó chìm nghỉm trong những niềm vui thay thế khác (Tệ nhất là khi niềm vui thay thế khác chưa hẳn đã là niềm vui nếu nó là rượu, là thuốc lá, là những đêm thác loạn tới sáng).

Thực ra sử dụng niềm vui để quên đi nỗi buồn cũng là một cách, nhưng hơi tốn năng lượng! Nếu chỉ làm như vậy không thôi, sử dụng những năng lượng khác để chiến thắng nỗi buồn thì chúng ta sẽ bị thiệt thòi rất nhiều! Phải cùng lúc biết cách sử dụng nỗi buồn đó nữa. Ví dụ như đi trên biển, bị gió cản lại, thật là ghét, đang đi mà cứ bị thổi đi đâu. Nhưng nếu biết biến gió đó thành gió có lợi và lợi dụng sức gió thì tuy đi ngoằn nghèo hơn một xíu mà lại đi nhanh hơn. Người ta cũng chuyển hóa những năng lượng đón nhận được thành năng lượng có ích. Nỗi buồn cũng vậy, nó rất tốt đấy chứ nếu mình biết biến nó thành động lực.

Hôm đó mình bị suy sụp tinh thần vì bị trả nhiều bài kinh khủng (kiểm tra viết trên lớp). Trả cùng lúc cả hai môn lý lẫn hóa mình đều đứng gần bét lớp. Trước đó cũng là một khoảng thời gian dài mình suy sụp. Một phần cũng vì mình rất quý anh trợ giảng mà lại không làm gì để khiến anh ấy đánh giá cao và ấn tượng, một phần vì anh ấy rời đi rồi, không còn ai làm mình thấy “thích học” Vật lý nữa. Ngày xưa hay nghĩ, trời ơi, nếu không có anh thầy này chắc tôi bỏ Vật lý từ lâu rồi. Nếu không có anh ấy, lúc nào tôi cũng chỉ thấy nó nhàm chán và đâm đầu vào một đống bài giảng nhàm chán, may mà có anh ấy khai sáng cho tôi. Lúc nào cũng cảm thấy, chỉ có sự hiện diện của anh thầy thì Vật lý mới hay. Sau đó thì bị điểm kém nữa, liên tục học kém, buồn lắm lắm luôn.

Trên lớp thầy cô và mọi người đều căng thẳng, cô mắng mọi đứa dù là bị gọi lên bảng hay là tự nguyện xung phong lên bảng nếu như đến giờ này vẫn còn gây những lỗi lầm khó chấp nhận. Trưa hôm đó mình quay về phòng khóc nức nở luôn. Chiều đi học một, hai tiếng gì đó, rồi mình lại quay lại phòng. Bố mẹ dặn là phải bình tĩnh lên, không được áp lực nữa, hãy quên chuyện đó đi. Mình quay về một cái là lại bắt đầu nghĩ quẩn rồi khóc.Chiều hôm đó kiểm tra hai môn Lý và tiếng Anh. Vừa mới gặp thầy, thầy chưa hỏi gì đã muốn khóc rồi, và sau đó cũng làm bài rất tệ.

Bố mẹ lúc này thực sự lo sợ, khuyên rằng nên nghỉ ngơi cho thoải mái, chơi đàn, hát hay là thêu thùa gì đó cho quên đi. Mình cũng làm, nhưng rồi đàn cũng chẳng tập trung được vào đàn mà thêu cũng chẳng có ý tưởng gì trong đầu. Ăn tối xong, mình tắt đèn, và nằm đó, nhắm mắt. Mình định ngủ, nhưng không ngủ, mình vẫn bị ám ảnh bởi chuyện học rất dốt Lý. Mình lúc đấy cảm thấy thất vọng, như là bị một anh chàng, anh chàng Vật lý, quay lưng lại với mình vậy. Rồi tự hỏi tại sao cứ ép mình phải khổ thế, theo đuổi một anh chàng tới cùng? Rồi tới lúc này mình mới, thay vì nghĩ về chuyện học kém thế nào, quay ra nghĩ việc anh ta đẹp đến thế nào. Rồi tự dưng lại cảm thấy muốn yêu, muốn thương, và cũng muốn được yêu, được thương. Mình bật dậy, và khi cái môn học này làm mình khổ sở nhất, thay vì nghe theo lời khuyên của tất cả mọi người tránh xa anh chàng làm mình khổ đau đó ra, mình lại ngồi nghĩ. Mình nghĩ về một bài Vật lý chất lỏng, hôm qua có làm thử nhưng không làm được nên rất nóng giận, vội vã hấp tấp mà ghét nhất là phải học cái chương này, lúc nào làm cũng hỏng… nhưng hôm nay làm cũng vui. Vì nó không giản đơn nên nó mới cuốn hút. Cảm giác yêu rất là vui, và những cô gái khi yêu là những cô gái hạnh phúc nhất.

Ngày hôm sau, mình giơ tay lên bảng. Vào cái thời giờ mà cô giáo cực kì nghiêm khắc như thế này thì xung phong lên bảng được mọi người cho rằng chẳng khác gì tự sát. Mình cũng đùa, ừ thì, khi tuyệt vọng người ta cũng hay tự sát mà. (Đùa thôi, đừng ai làm thế nhé, cuộc sống rất đẹp). Dù sao mình cũng đã xung phong lên bảng, và làm bài đó với một nụ cười. Lúc đó có làm những chỗ không được rõ ràng, cô nói, mình nhận ra ngay, rồi thốt lên, tự cốc đầu mình, mình ẩu thật, sửa lại làm lại và quay ra cười. Cô cảm thấy rất vui, và mình cũng rất vui, có cảm giác như đã chuyển hóa được năng lượng tiêu cực thành năng lượng có ích, nỗi buồn của mình lại là niềm vui của mình.

Thầy nói phân rác là chất thải có hại nhưng những bông hoa đẹp cũng nở từ phân mà! Con người không mắc lỗi nhàm chán lắm, không có những lúc buồn không biết trân trọng niềm vui, nếu cái gì cũng dễ hiểu dễ thương thì nhàm lắm!

Nhưng theo định luật cơ bản thứ hai của nhiệt động lực học thì có một thứ gọi là… entropy (tiếng Pháp: entropie). Thứ này hay lắm, nó tương đương với một năng lượng trên nhiệt độ. Entropy của một hệ bao gồm entropy trao đổi với môi trường bên ngoài và entropy được tạo ra. Là được tạo ra như vậy luôn, không có sự chuyển hóa nào hết. Năng lượng trao đổi với môi trường bên ngoài thì chuyển hóa được nên entropy cũng vậy. Còn entropy được tạo ra bởi bản thân thì không cần một nguồn entropy nào khác, cứ tự tạo ra thôi. Và vì được tạo ra nên nó luôn dương, nó không tuân theo những quy luật bảo toàn thông thường.

Con người là một tạo phẩm rất đặc biệt, nó có một tâm hồn và có khả năng tạo ra niềm vui của riêng mình. Vậy nên niềm vui là entropy của mình. Khi biết tạo ra entropy ấy và trao entropy cho những người khác, mình cũng sẽ rất vui. Nhưng làm thế nào để tạo ra entropy? Phải biết yêu thương bản thân mình trước. Bởi vì nó được tạo ra bởi chính hệ đó. Mỗi sáng ngủ dậy nè, rửa mặt đánh răng, ngoài yêu dòng nước mà thiên nhiên đã ban tặng, hãy yêu cả bản thân mình.

Sư thầy có nói, rửa mặt tới đâu, chạm tới đâu là yêu mình tới đó, yêu vầng trán cao và cái đầu suy nghĩ thông suốt, yêu đôi mắt sáng nhìn thấy cuộc đời, yêu cái miệng cảm nhận đủ các vị ngon, yêu làn da cảm thấy nước trôi qua mát rượi. Mình cứ hay rửa mặt nhoằng nhoằng như mèo để đi học cho nhanh, sáng nay cũng vậy (quên mất T_T) mà quên không biết yêu quí nó. Nếu yêu quý nó cả ngày sẽ rất sảng khoái, không có những lúc ngủ gà gật. Rồi yêu cả cơ thể mình, khi nó nhảy theo điệu nhạc hay khi nó lăn ra giường ngủ. Nếu không lạm dụng cơ thể trong những buổi chơi thâu đêm hay thuốc lá rượu chè, nó cũng sẽ đáp trả bằng cách biến một ngày của mình trở nên tươi đẹp hơn nhiều. Lúc đó cảm nhận được những hạnh phúc vô cùng đời thường luôn. Thầy có nói, đó là những hạnh phúc vô điều kiện. Entropy cũng vô điều kiện, dưới một cách nào đó…

Bởi vì cảm nhận của mỗi người về hạnh phúc khác nhau và khác với bản thân của hạnh phúc. Hạnh phúc bị hiểu lầm và thất vọng. Cứ bị áp lực phải vào một trường tốt, điểm số, mà quên mất… bị điểm kém mới vui! Bị điểm tốt cũng vui, nhưng nói chung bài càng khó thì càng vui. Gì cũng vui hết, nếu mình nhìn nó một cách đúng đắn. Đôi khi các bạn mình cứ sợ không có thời gian học này học kia, học mãi không hết mà không dám một lần bỏ thời gian để nghĩ tới một bài toán hóc búa. Mình thích toán vì nó không trần như nhộng, mà kín đáo, ẩn mình, đẹp. Những lúc được làm những cái chưa biết, được học hỏi thêm những cái mới. cảm giác rất đẹp. Sự nhai đi nhai lại làm mình phát ngấy.

Mấy lần này đi thi, cứ đi ra mà khoe với các bạn: “Nó hay quá. Cái đề nó hay quá!” là chúng nó lại lắc đầu ngán ngẩm: “Nghe cậu nói là tớ biết thừa cậu cũng chẳng làm được nhiều rồi.” Nhưng mình quan trọng là thấy vui, đôi khi việc rơi trúng cái mình đã biết rồi và luyện đề học tủ làm đi làm lại trăm lần nó cũng có cái ngưỡng của nó, đôi khi lại cảm thấy thất vọng nhiều hơn là hí hửng vì may mắn. Nói hơi buồn cười nhưng một trong yếu tố chọn trường của mình là đề thi. Cùng về một vấn đề, có những trường có thể làm nó trở nên rất hay. Phải quan sát, phải suy nghĩ, phải cảm nhận nó bằng tất cả các giác quan của mình, phải nhớ ra tất cả những kỉ niệm, kinh nghiệm của mình, mình đã trông thấy thứ này thứ kia như thế nào. Vật lý là vậy. Có những trường đã vứt bỏ vẻ đẹp này bằng những phép tính toán nặng nề và vô nghĩa. Và hạnh phúc không điều kiện là có thể theo đuổi những vẻ đẹp ẩn giấu ấy, vì Phật nói, thương là hiểu, hiểu là thương. Khi chưa hiểu được những vẻ đẹp ẩn sâu trong Vật lý, lại buộc tội nó là môn học nặng nề nhàm chán. Đừng để những từ vựng và những ký hiệu che giấu mất vẻ đẹp của nó.

Tóm tắt lại nè:

1. Yêu môi trường xung quanh, những con người xung quanh mình có may mắn được gặp CŨNG NHƯ những vật chất xung quanh mình có may mắn được sở hữu, tham quan, tiếp xúc và cảm nhận
2. Hãy chuyển đổi nỗi buồn, áp lực thành niềm vui chứ đừng lảng tránh nó. Hãy tìm ra ở mỗi thứ một vẻ đẹp ẩn sâu trong nó, phải biết hiểu nó mới thương nó.
3. Hãy yêu bản thân mình, hiểu và trân trọng bản thân mình để tìm ra những hạnh phúc vô điều kiện, để thay đổi cách nhìn mỗi ngày

Hẹn một ngày không xa gặp lại các bạn ở sông Marne hay ở một thiền đường khác. Khi ta hiểu được ta, ở đâu cũng là thiên đường.

Vân

Lễ Phật đản tại thiền đường Hơi Thở Nhẹ

Con kính chào tăng thân,

Ngoài trời đang mưa to và có gió. Con mở cửa sổ ra để được nghe tiếng gió, tiếng mưa và tiếng chim hót gần hơn. Nơi con ở là vùng ngoại ô nên rất yên tĩnh. Chỉ thỉnh thoảng có tiếng máy bay ù ù thôi. Tự nhiên con có cảm hứng viết lách một chút. Hôm trước con có nói với bạn Trúc Thanh là con sẽ viết bài tường thuật cho trại hè mà không viết, bây giờ thì quên hết rồi, chắc không thể viết được nữa.

Ngày hôm qua Thiền Đường tổ chức lễ Phật Đản. Con chưa bao giờ dự một lễ Phật Đản nào nên cũng tò mò. Thực sự thì cho đến bây giờ con vẫn chưa thấy có sự gần gũi nào với hình ảnh của Bụt. Con chỉ biết Bụt qua sách Đường xưa mây trắng của Sư Ông và rải rác ở một vài nơi khác. Hình ảnh Bụt trong con rất mờ nhạt. Sáng thứ Bảy con mở một bài pháp thoại của Sư Ông ra nghe, bài “Thiền đi và người đi vòng quanh” qua DVD. Sư Ông có đọc bài thơ Tìm nhau. Con đã đọc bài thơ này lâu rồi, cũng đã nghe hát nhiều lần qua video, hồi Tết về Làng lại được nghe Sư Ông đọc trực tiếp, rồi còn được nghe các thầy, các sư cô hát nữa, nhưng con không thấy xúc động mấy. Chắc vì con không đủ sâu sắc để hiểu, cũng không thấy Bụt gần gũi. Nhưng hôm thứ Bảy nghe Sư Ông đọc thơ con thấy hay lắm, có một chút gì rung động. Sau đó các sư cô lên hát, hát chay thôi mà hay tuyệt vời. Con vẫn chưa thấy Bụt ở đâu cả, nhưng hình như Bụt đang có mặt trong các sư cô. Các sư cô đang sống động thật trước mắt con, Bụt chính là các sư cô đây chứ còn đâu nữa. Rồi con nghĩ đến những sư cô của mình ở Thiền Đường, những thầy, những sư cô khác ở Làng mà con đã được gặp. Con thấy quả thật các thầy, các sư cô đang làm cho Bụt sống động, chứ không phải là Bụt qua hình ảnh hay sách báo mà con chưa bao giờ thấy gần gũi và rõ nét.

Tuy nhiên con vẫn chỉ đến dự lễ Phật Đản ở Thiền Đường với tâm tò mò thôi, chứ không có một sự xúc động hay cảm xúc sâu sắc nào cả. Bước vào cổng Thiền Đường, thấy các sư cô trang trí đẹp quá. Nào hoa, nào đèn lồng, nào giấy mầu (con không biết đó là cờ hay là giấy trang trí thôi). Con và anh Bình đến muộn do đi đường mới bị lạc. Khi tới nơi thì mọi người đang ngồi thiền. Con vào ngồi và theo dõi hơi thở, thấy thật là khoẻ nhẹ. Chim hót líu lo, gió thổi và có cả tiếng máy bay ầm ì nữa. Sáng nay trời âm u, đầy mây, cứ tưởng là sẽ mưa nhưng lúc con ngồi nhắm mắt hít thở, thấy một bên má có cảm giác âm ấm thật thích là con biết mặt trời đang ló ra khỏi mây rồi. Chắc do đi đường con ngắm hoa nhiều quá nên lúc ngồi theo dõi hơi thở con chỉ toàn thấy hình ảnh hoa hiện ra trước mắt thôi.

Đến khi các sư cô cho nghe bài hát thu âm sư cô Chân Không hát mừng Phật Đản, con nhắm mắt lại thưởng thức, tiếng đàn tranh hay tuyệt vời, tiếng hát sư cô Chân Không nhẹ nhàng. Trước mắt con chỉ hiện ra hình ảnh của những cánh hoa màu trắng phớt hồng rất mềm mại, mỏng manh, rung nhè nhẹ như có gió. Giữa bài hát có một bất ngờ thích thú, đó là đoạn tụng danh hiệu Phật Thích Ca và Phật Di Lặc rất trầm hùng, con nhận ra tiếng Sư Ông. Một sự kết hợp quá hay! Tiếng đàn tranh, tiếng chuông làm nhịp, giọng sư cô Chân Không mềm mại thanh thoát, giọng Sư Ông và quý thầy trầm hùng mạnh mẽ. Một bản thu hoàn hảo. Các sư cô lúc ăn trưa có chia sẻ là khi sáng làm lễ nghe bản thu này như được thấy Sư Ông và Sư Cô có mặt ngay tại đây với mình dù về địa lý thì cách rất xa. Hay quá! Sau đó con được nghe sư cô Vịnh Nghiêm chúc tán Tổ sư, giọng sư cô lại vang như tiếng khánh, trước mắt con hiện ra hai hàng hoa xanh rất sáng rất vui. Con thấy sung sướng lắm vì được thưởng thức bao nhiêu là cái đẹp thế này.

Khi đến nghi lễ tắm Bụt, con lăng xăng chụp ảnh vì đẹp quá. Hình ảnh những sư cô trang nghiêm trong màu y vàng dẫn hai hàng người chắp tay thành kính, niệm danh hiệu đức Bụt Thích Ca đi qua hàng trúc xanh, hình ảnh bàn thờ Bụt được các sư cô trang trí hoa lá cỏ rất giản dị, tự nhiên, đầy tính nghệ thuật, hình ảnh vườn Lâm Tỳ Ni nở rộ hoa đủ màu sắc có đức Bụt Đản Sanh, tất cả đều đẹp như “trong truyện cổ tích”. Con chưa từng dự một lễ Phật Đản nào nên không biết những nơi khác trang trí ra làm sao, nhưng con thích “vườn cổ tích” này quá. Rất giản dị, nhiều không gian, nhiều hoa lá, không một chút cầu kỳ, phô trương nào hết. Nhẹ nhàng mà trang nghiêm. Mặc dù con đến dự Phật Đản mà trong lòng không xứng là người Phật tử, chỉ là vì tò mò và ham vui, nhưng con cũng cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Đến nỗi hình như vui hơi thái quá.

Buổi chiều trong thời khoá dành cho các bạn trẻ, mọi người được chơi hai trò chơi rất vui. Được trở lại làm trẻ con, mặt ai cũng cười tươi rạng rỡ như trẻ con thật. Rồi sư cô Vịnh Nghiêm hướng dẫn cách thỉnh chuông để mọi người biết bắt đầu một ngày mới trong tỉnh thức. Khi sư cô nói là khi ngủ dậy mình vẫn còn đang mơ màng, tinh thần vẫn còn mông lung, mờ mịt, nghe tiếng chuông như được gọi về tỉnh thức, về với hiện tại, con rất thích. Tiếng chuông phải hùng, phải dứt khoát, khoảng cách giữa mỗi tiếng chuông là 3 hơi thở thật yên, thật nhẹ và sâu. Như thế sau 3 tiếng chuông và 9 hơi thở thì mình sẽ thật sự tỉnh thức và bình yên. Rồi mỗi người được thực tập thỉnh chuông một lần. Con thỉnh sai bét hết nhưng thấy cũng thú vị, chắc có lẽ sẽ phải mượn chuông của bạn Trúc Thanh để thử vài lần nữa cho thích.

Buổi ngồi chơi nói chuyện cũng rất vui. Lúc đầu mọi người ngồi ở ngoài vườn cho “mát”, thoáng đãng, lại được nghe tiếng suối reo. Nhưng một lúc sau thì trời mưa nên chuyển vào trong phòng, có nến, có trà bánh rất ấm cúng. Hôm nay thật là hay. Có bạn Lan Anh đi xa nay về lại. Các sư cô nói đùa là bạn Lan Anh và Thiền Đường như Ngưu Lang, Chức Nữ, một năm gặp nhau có một lần. Bạn cười rất tươi như mùa thu toả nắng. Bạn nói bạn đang có cảm giác được trở về nhà. Có bạn Hạnh từ Anh sang, vừa dự khoá tu sức khoẻ ở dưới Làng lên. Bạn chia sẻ về buổi pháp đàm có thầy Pháp Đăng như một vị Bồ tát với hạnh lắng nghe đầy tình thương và hiểu biết. Có em Hoa “kết” Thiền Đường từ buổi gặp đầu tiên ở trại hè hai tuần trước. Dự trại hè về em có đầy năng lượng để xử lý một tuần khủng khiếp, nay lại đến để được xạc thêm năng lượng bình an. Có em My lần đầu tiên đến và hát về Hà Nội rất dễ thương, có anh Bình với một bài vọng cổ trứ danh và còn các gương mặt quen thuộc khác của Thiền Đường nữa. Cuối buổi ngồi chơi mọi người cùng nhau hát bài Thiền sinh ru nội kết có tiếng guitar đệm của bạn Thanh lớn. Mở đầu bài hát là “Mưa rơi nhè nhẹ bên trời…” vì ngoài kia trời đang mưa. Sư cô Văn Nghiêm nói sư cô rất thích bài hát này, vì nó làm nỗi buồn lênh đênh khi nhìn mưa Huế được chuyển hoá trở thành niềm vui.

Còn nhiều câu chuyện nữa rất hay do các bạn chia sẻ, nhưng con sợ thư dài nên không viết ra đây.

 

Nguyễn Thị Thúy Nga

Một số hình ảnh của Lễ Phật Đản tại thiền đường Hơi Thở Nhẹ 2013


 

 

 

Lịch sinh hoạt tại Thiền đường Hơi Thở Nhẹ tháng 5 tới tháng 9 năm 2013

Tháng 5

Thứ 4, 08/05/2013: 17h Tụng kinh tiếng Việt

Thứ 7, 11/05/2013: Lễ sám hối 19h30 (Công phu chiều chủ nhật – Nhật tụng thiền môn)

Chủ Nhật, 12/05/2013: Ngày tụng giới

-10.00: Lễ tụng giới
-15.00: Học về 16 Phép Quán Niệm Hơi Thở.

(Theo phương thức: một vị có kinh nghiệm trình bày rồi sau đó đại chúng cùng nhau chia sẻ việc áp dụng sự thực tập ý thức hơi thở, bước chân, lời nói, hành động, tâm ý hay làm sao ngồi thiền, tụng kinh và thực tập các pháp môn sao cho có thêm an lạc trong đời sống hàng ngày; chúng ta sẽ cùng nhau tu học vui và giúp nhau từ từ đi ra những khó khăn…)
Thứ 4, 15/05/2013: 17h Tụng kinh tiếng Việt

Chủ Nhật, 19/05/2013: Lễ Phật Đản bắt đầu lúc 10h

Thứ 4, 22/05/2013: 17h Tụng kinh tiếng Việt

Chủ Nhật, 26/05/2013: Ngày Quán Niệm

– 10.00: pháp thoại của Thầy (giảng các bài kinh, bộ Công Phu Nở Đóa Sen Ngàn Cánh)
– 15.00: pháp đàm về sự học hiểu và áp dụng về bài kinh được học buổi sáng

Thứ 4, 29/05/2013: 17h Tụng kinh tiếng Việt

 

Tháng 6

Chủ Nhật, 02/06/2013: Ngày sinh hoạt dành cho các bạn trẻ hai tăng thân Pháp và Việt.

Thứ 4, 05/06/2013: 17h Tụng kinh tiếng Việt

Thứ 7, 08/06/2013: Lễ sám hối 19h30 (Công phu chiều chủ nhật – Nhật tụng thiền môn)

Chủ Nhật, 09/06/2013: Ngày tụng giới

-10.00: Lễ tụng giới
-15.00: Học về 16 Phép Quán Niệm Hơi Thở.

(Theo phương thức: một vị có kinh nghiệm trình bày rồi sau đó đại chúng cùng nhau chia sẻ việc áp dụng sự thực tập ý thức hơi thở, bước chân, lời nói, hành động, tâm ý hay làm sao ngồi thiền, tụng kinh và thực tập các pháp môn sao cho có thêm an lạc trong đời sống hàng ngày; chúng ta sẽ cùng nhau tu học vui và giúp nhau từ từ đi ra những khó khăn…)
Thứ 4, 12/06/2013: 17h Tụng kinh tiếng Việt

Thứ 4, 19/06/2013: 17h Tụng kinh tiếng Việt

22/06 – 23/06/2013: Khóa tu hai ngày dành cho người Việt (quý thầy, quý sư cô từ Làng Mai lên tham dự để yểm trợ cho sự tu học)

– 10.00: pháp thoại của Thầy (giảng các bài kinh, bộ Công Phu Nở Đóa Sen Ngàn Cánh)
– 15.00: pháp đàm về sự học hiểu và áp dụng về bài kinh được học buổi sáng

Thứ 4, 26/06/2013: 17h Tụng kinh tiếng Việt

Tháng 7 (cập nhật ngày 04/07/2013)

Thiền đường sẽ đóng cửa từ 05.07.2013 đến 21.07.2013 (Quý Sư cô về Làng tham dự khóa tu mùa hè)
và làm biếng từ ngày 12.08.2013 đến 24.08.2013

Chủ Nhật, 21/07/2013: Ngày sinh hoạt dành cho các bạn trẻ Việt Nam (sẽ thông báo thời khóa sau).

Thứ 4, 24/07/2013: 17h Tụng kinh tiếng Việt

Chủ Nhật, 28/07/2013: Ngày Quán Niệm

– 10.00: Nghe Pháp thoại của Thầy giảng Kinh Kim Cương Gươm Báu Cắt Đứt Phiền Não ( Công phu nở đóa sen ngàn cánh)
– 15.00: Thực tập Ba Cái Lạy và pháp đàm (ngắn)

Thứ 4, 31/07/2013: 17h Tụng kinh tiếng Việt

 

Tháng 8

Chủ Nhật, 11/08: Tụng giới

– Sáng: Tụng giới

– Chiều: Trình bày và thực hành niệm thân (hơi thở thứ 3 và 4 của Kinh Quán niệm Hơi Thở)

Chủ Nhật, 25/08:quán niệm tháng

– Sáng : Nghe Pháp thoại của Thầy giảng Kinh Kim Cương Gươm Báu Cắt Đứt Phiền Não ( Công phu nở đóa sen ngàn cánh)

– Chiều:  Pháp đàm

*15/09:tụng giới

– Sáng: Tụng giới

– Chiều: Trình bày và thực hành niệm hơi thở (hơi thở thứ 5 và 6 của Kinh Quán niệm Hơi Thở)

Tháng 9:

Chủ Nhật, 22/09: ngày người trẻ Việt(sẽ thông báo thời khóa sau)

Chủ Nhật, 29/09: quán niệm tháng

– Sáng : Nghe Pháp thoại của Thầy giảng Kinh Kim Cương Gươm Báu Cắt Đứt Phiền Não ( Công phu nở đóa sen ngàn cánh)

– chiều: Tụng kinh (30 phút) và Thực tập Thiền Lạy

Chủ Nhật, 13/10:tụng giới

– Sáng: Tụng giới

– Chiều: trình bày và thực hành niệm hơi thở( hơi thở thứ 7 và 8 của Kinh Quán niệm Hơi Thở)

Chủ Nhật, 27/10: quán niệm tháng

– Sáng : Nghe Pháp thoại của Thầy giảng Kinh Kim Cương Gươm Báu Cắt Đứt Phiền Não ( Công phu nở đóa sen ngàn cánh)

– Chiều:  Pháp đàm tổng kết Kinh Kim Cương.

“Tăng thân an lạc sống tươi vui

mọi giới quy y thêm phước tuệ”

 

Phiên chợ mừng Xuân

Chủ nhật mùng bảy tháng tư,

Chợ phiên không dự về nhà không yên.

Món ăn từ khắp mọi miền,

Thêm phần văn nghệ tưng bừng vui thay!

Hằng năm, cứ mỗi khi tổ chức Tết vừa xong là các sư cô của Thiền đường Hơi Thở Nhẹ lại tất bật chuẩn bị cho Ngày Chợ Phiên liền ngay sau đó khoảng một tuần. Năm nay vì có Khóa tu Xuất Sĩ một tuần lễ tiếp theo những ngày Tết ở Làng, lại thêm một số các anh chị đi hành hương Ấn Độ đến gần cuối tháng ba mới về và nhất là thời tiết năm nay hơi lạ, đã sắp sang xuân rồi mà tuyết vẫn còn rơi, nên các sư cô đành phải hoãn ngày Chợ Phiên vào đầu tháng tư.

Chủ nhật mùng bảy tháng tư đã được loan truyền nhanh đến tăng thân. Mọi người ghi danh nhận làm món ăn mình sẽ bán và chuẩn bị mua sắm vật dụng từ tuần lễ trước. Các sư cô trẻ rất tích cực, tháo vát và làm việc thật đồng bộ, nhịp nhàng, vén khéo. Sư cô Cảnh Nghiêm phụ trách việc các cô chú đăng ký bán các món ẩm thực trong ngày Chợ Phiên. Thực đơn vô cùng hấp dẫn: bánh cuốn Hậu Giang, bò pía Triều Châu, chả giò Sa Đéc, xôi vò Hà Nội, pâté chaud, cà ri Lào, bánh bao Chợ Lớn, bánh crêpe France, cà phê Việt Nam, chè ba màu, bánh xèo, mắm thái Bến Tre (mắm thái ngon nổi tiếng của cô Bảy)… và còn rất nhiều món ăn khác nữa mà chúng tôi nhớ không hết.

Món ăn từ khắp mọi miền…

Ngay từ tờ mờ sáng, các sư cô đã cho đặt các quầy hàng ở sân gỗ của Thiền đường. Mỗi quầy là một tấm ván dài độ một thước vuông vức, đủ để cho người bán bày thức ăn của mình lên phía trước và ngồi bán ở phía sau, rất gọn gàng, ngăn nắp. Đúng 10 giờ sáng, các hàng quán đã được bày biện gần như đầy đủ. Ngay ở đầu cổng đi vào Chợ Phiên, cạnh những cây trúc xinh có đặt một bàn để bán vé cho khách du xuân. Muốn mua quà hoặc đồ ăn thức uống, du khách phải trả bằng vé, mỗi vé có giá trị tương đương với 1€. Sư cô Phùng Nghiêm phụ trách quầy bán vé với niềm hạnh phúc được thể hiện trên gương mặt rạng rỡ, tươi cười.

Ngoài ra còn có quầy hàng bán kinh sách Phật, gối ngồi thiền… được bày ở khu vườn phía trước sàn gỗ. Cạnh bên là quầy “mực tàu giấy đỏ” của cụ đồ Phùng Nghiêm với áo dài thâm đen đang ngồi cho chữ khách qua đường. Nét đặc biệt của cụ đồ này là viết bằng tay trái song nét chữ vẫn đẹp như phượng múa rồng bay. Từ cổng ngoài đường đi vào, phía bên trái, nơi có vườn hoa nhỏ xinh xinh được sư cô Văn Nghiêm dựng một quán trà thật thơ mộng và thiền vị. Chỉ riêng nơi quán trà thiền vị này, du khách được thoải mái ngồi thưởng thức hương vị thơm tho của trà thật sảng khoái, tận hưởng cái thanh thản nhẹ nhàng, an lạc mà không phải trả một vé nào cả. Sư cô baby Nguyệt Nghiêm là sư em nhỏ nhất nên được giao nhiệm vụ trợ giúp sư mẹ và các sư chị mỗi khi có việc cần.

Thỉnh thoảng, một hồi chuông được thỉnh lên. Đại chúng cùng im lặng trở về với hơi thở và nhận diện cái hạnh phúc dịu dàng, đằm thắm đang lan tỏa khắp chung quanh. Trời hôm ấy sao bỗng dưng đẹp lạ lùng. Ánh nắng chan hòa, chim chóc hót vang, tăng thân khắp nơi đổ về, người quen kẻ lạ nhưng trong ánh mắt tràn đầy tình thương. Các cháu sinh viên xa nhà chắc cũng thấy ấm lòng khi được đắm mình trong không gian thương yêu, đầy tình quê hương dân tộc.

Đúng 10 giờ, các sư cô mời tất cả mọi người cùng tập trung phía trước cổng Chợ Phiên chờ đợi. Một cụ già Tây phương thật phúc hậu với chiếc áo dài vàng cổ truyền Việt Nam, hai tay dắt hai em nhỏ đang từ từ tiến ra cổng để khai mạc phiên chợ. Đây chính là Sư cô Giác Nghiêm, sư cô trụ trì người Pháp thật đáng kính của Thiền đường Hơi Thở Nhẹ.

Sư cô Giác Nghiêm, trú trì Thiền đường Hơi Thở Nhẹ

Sau đó là bắt đầu các trò chơi nhân gian như thi đua thổi bong bóng xem ai thổi to nhất. Song hấp dẫn nhất là trò chơi nhảy sạp bằng những khúc tre dài đập vào nhau cho mọi người nhảy qua. Tiếng cười lại vang lên khi có những người nhảy sai bị tre đập vào chân hoặc nhảy lung tung, không theo đúng luật nhảy. Những thiền sinh Tây phương rất thích thú với trò chơi nhảy sạp này, có một cô người Pháp vừa bế con nhỏ vừa nhảy rất phấn khởi, vui vẻ…

Rồi bỗng xuất hiện Ban đàn ca tài tử với chú Tấn Long chơi guitare làm nhạc trưởng, các ca sĩ là những cô chú lớn tuổi cùng nhau hợp ca để đón xuân. Không khí tưng bừng, nhộn nhịp hẳn lên. Như có khí thế, mọi người lại cùng hát vang lên bài Việt Nam. Tiếp sau đó là những bài tình ca về quê hương, đất nước cứ rộn rã ngân dài, vang vọng.

Và rồi phiên chợ bắt đầu với xôn xao hàng quán.

Các cô chú bán hàng mặt tươi như hoa, nụ cười “la vache qui rit” (con bò cười) luôn nở trên môi, hớn hở chào đón khách. Tiếng rao hàng thỉnh thoảng vang lên: “Bánh bao nóng hổi vừa thổi vừa ăn đây”, cô Huệ vừa rao vừa bán.

“Cà phê giúp trí nhớ, uống vào một ly nhớ mãi không thôi”, chú Đức cũng không quên quảng cáo cho cà phê của mình.

Cô Hiệp phụ họa rao theo: “Bánh cuốn Hậu Giang ngon thơm nổi tiếng, 3 đồng một đĩa bà con ơi”.

“Chè xôi ngon thơm béo bổ, nhanh chân thì còn, chậm chân… cũng vẫn còn”.

Đặc biệt năm nay có gian hàng cà phê do chú Đức ngồi pha và phục vụ khách hàng. Vì là “gươm lạc giữa rừng hoa” nên thật tội nghiệp cho chú! Quầy hàng của chú chỉ vỏn vẹn có cái ghế nhỏ đủ để vài ly cà phê mà thôi. Mặc dù vậy, đây lại là gian hàng thu hút đông đảo khách đến. Tuy không phải là cô hàng cà phê xinh đẹp như trong bài hát “Cô hàng nước”, song cái duyên dáng, dí dỏm, tươi vui của chú cũng làm “say đắm” biết bao khách hàng đang ghiền cà phê. Đã có hơn 70 lượt khách hàng đã ghé qua gian hàng này, sắp hàng chờ đợi đến phiên mình để được hạnh phúc thưởng thức cái hương vị đậm đà của cà phê Việt Nam.

Món xôi vò nổi tiếng tơi ngon, mềm và dẻo là của cô Mộc Duyên. Vì có việc quan trọng ở nhà nên cô đã nhờ chú Đức bán hộ. Thế là ngoài việc bán cà phê, chú Đức lại kiêm cả bán xôi vò. Cả hai món đều được khách chiếu cố khá nhiều, nên trong lúc lo phục vụ cà phê cho khách hàng, không để ý đến hàng xôi vò, bỗng chốc nồi xôi biến mất. Khổ thân cho chú! Chú Đức bỗng thất thanh kêu lên với cô Hiệp (bà xã của chú) đang ngồi bán bánh cuốn bên cạnh: “Em ơi! Sao bỗng dưng nồi xôi vò của anh biến mất rồi! Khách lại mua chè xôi mà bây giờ không có xôi để bán! Làm sao đây?”

Cô Hiệp vội ngừng tay bán bánh cuốn và ngồi yên đảo mắt qua một vòng. Thôi, đích thị “thủ phạm” đây rồi! Cô Bích chè nhà ta vì thấy xôi vò ngon quá mà bạn bè trong Tăng thân bận lo hàng quán, không có thời giờ đi mua để thưởng thức nên đã vội vàng không kịp báo cho khổ chủ biết, từ bi xớt nhẹ nồi xôi đem cho bà con nếm qua hương vị xôi vò ăn với hành phi. Cô Hiệp được một phen cười như nắc nẻ, vừa thương, vừa tội cho “người yêu” của mình. Vì quá mê say việc nước nên đã quên để ý đến việc nhà (là nồi xôi vò). Và cứ thế đó đây vang lên những âm thanh rao hàng, hòa với tiếng ca của đoàn hát rong đang trình diễn giúp vui cho phiên chợ.

Khi mới bắt đầu dọn hàng, nhìn thấy quá nhiều hàng quán với la liệt những thức ăn, mọi người đều tỏ vẻ lo sợ thức ăn bị ế, vì người bán nhiều hơn người mua. Nhưng sau đó thì mọi người đều thở phào nhẹ nhõm vì khách hàng đến càng ngày càng đông, có những người mới đến lần đầu và nói nhờ xem internet nên biết hôm nay có chợ phiên và đến xem thử.

Cô Anh Thư đang vui mừng nhảy múa theo nhịp đàn và hãnh diện báo tin: “Bò bía em bán hết ráo trọi!” Cô Huệ cũng thong dong ca hát vì đã hết bánh bao. Chè cô Bích, xôi vò cô Mộc Duyên cũng không còn. Pâté chaud của cô Ngọc Anh, cơm rang Tỷ muội của cô Mai, mắm thái cô Bảy, bánh cuốn cô Hiệp đều bán sạch trơn. Năm nay, cô Hiệp làm đến ba hộp đầy bánh cuốn song bán cũng không đủ. Những khách hàng đến muộn đều tiếc rẻ vì không được thưởng thức món bánh cuốn đặc biệt chỉ có ở Hơi Thở Nhẹ.

Sư cô Cảnh Nghiêm đã cho biết tất cả các thức ăn đều hết sạch, vì mãi đến chiều khách vẫn đến viếng và mua các thức ăn còn lại. Như vậy là chúng ta đã gặt hái tương đối khả quan. Sau khi hàng quán đã đóng cửa, mọi người vào Thiền đường nghỉ ngơi, uống trà và trò chuyện thân mật.

Triển lãm thư pháp

Trong chương trình buổi chiều, đại chúng được xem triển lãm thư pháp và thưởng thức văn nghệ. Thư pháp của Sư Ông được trưng bày ở Chánh Điện. Nhìn vào nét chữ, ta hình dung được hình ảnh một người Thầy, một người cha thật đáng kính đang để hết tâm huyết của mình dặn dò học trò và con cháu nghệ thuật sống cho có hạnh phúc:

Bien venue au pays de l’instant Présent 

Bois ton thé

Je suis là pour toi

Je suis amoureuse de la terre mère

Hoặc :

Chẳng biết rong chơi miền Tịnh độ

Làm người một kiếp cũng như không.

Tất cả thư pháp được các sư cô sắp xếp một cách hài hòa, mỹ thuật, trong không gian thư giãn, thảnh thơi khiến ai ai cũng cảm nhận hạnh phúc, an lạc.

Tiếp theo là phần văn nghệ cây nhà lá vườn nhưng cũng khá phong phú về chất lượng với tài điều khiển chương trình của MC Vịnh Nghiêm. Ngoài những tài năng cũ như giọng ca ngọt ngào Nam bộ của cô Bích, tài đạo diễn chuyên nghiệp của cô Kim Chính, màn song ca thật độc đáo của hai anh chị Ứng Long, Ngọc Anh thì Thiền đường Hơi Thở Nhẹ lại mới “khai quật” thêm một giọng ca vọng cổ thật mùi của một bạn trẻ. Cùng với ngón đàn tranh réo rắt của cô Mỹ Vân là một tay đàn vừa piano vừa guitare rất tài năng của cháu Thanh nhỏ. Bên cạnh đó là một giọng ca mới khá hay của một bác lớn tuổi nhưng tâm hồn vẫn rất trẻ trung qua hai bài hát Chân quêHoa tím ngày xưa (hai bài hát thật lãng mạn và thơ mộng của giới trẻ). Trong tương lai, văn nghệ của Thiền đường Hơi Thở Nhẹ sẽ rất phong phú, đa dạng và có nhiều triển vọng vì càng ngày càng “khai quật” thêm nhiều tài năng mới.

Cuối chương trình là phần đi thiền hành ở bờ sông Marnes để nếm được những bước chân thảnh thơi nơi cõi Tịnh. Toàn thể đại chúng đã ra về trong niềm bình an, hạnh phúc.

Trên đường về nhà, chúng tôi chợt nghĩ: “Nếu không có Tăng thân thật dễ thương, mỗi khi hữu sự là nhiệt tình chung lưng góp sức, không nề hà gian khó, nếu không có các cháu trẻ đến Thiền đường sinh hoạt để thổi vào luồng gió tươi mát trẻ trung cho tăng thân, nếu không có các sư cô trẻ với tràn đầy nhiệt huyết và lý tưởng phụng sự, làm sao chúng ta có được ngày chợ phiên ấm áp nghĩa tình như hôm nay!”

Xin cám ơn những tấm lòng, những đóng góp quên mình của các sư cô, các bạn và các cháu thương yêu, cám ơn những giận hờn nho nhỏ để làm nên tình thương sâu nặng, những tình cảm ngày càng bền chặt trong tim của từng người.

Và có lẽ tình huynh đệ lại thắm thiết hơn qua mỗi buổi chợ phiên.

Chợ phiên chủ nhật đã xong

Mà bao kỷ niệm trong lòng còn vương.

Một ngày nắng đẹp đầu xuân.

Chân Bảo Nguyện


Mời các bạn xem mội vài hình ảnh về Phiên chợ ngày Xuân:

Bánh crape                                                                        Cà ri Lào                                          Quán bán chè

 

Quán lưu niệm                                                               Quán trà                                      Nụ cười cho nhau

 

Nhảy sạp                                                                      Ông Đồ                                         Dân ca quê hương

Đọc thêm: Lịch sinh hoạt tại thiền đường Hơi thở nhẹ tháng 5 tới tháng 7 năm 2013

Ngôi nhà bên dòng sông Marne

Cả nhà thương quý,

Tết này cả nhà mình tại Paris đã dắt nhau về Làng ăn Tết, vui xuân. Có lẽ hương vị Tết vẫn còn đọng lại trong cảnh sum vầy nghe pháo nổ, trong lời chúc mừng một năm mới an lạc, thảnh thơi. Đâu đó như vẫn còn nghe giọng ngâm Kiều của cô Hiệp, tiếng đàn tranh của Quỳnh Lan, dàn hợp ca của các bạn trẻ, của cả nhà và câu hò của cô Bích  cùng điệu múa minh họa… nụ cười tuổi thơ xuất hiện khi được cùng ngồi bên “bếp lửa thầy trò”, được Thầy thắp sáng Niềm Vui Sống trong mái nhà huynh đệ sum vầy, trong từng bước chân về tới quê hương, chạm vào thực tại này. Hôm nay cả nhà mình đã về lại thành phố, hẳn mỗi cô, bác, anh chị và bạn trẻ vẫn còn giữ hơi ấm từ bếp lửa Thầy trao mang về sưởi ấm và chia sẻ cùng nhau. Và Chủ Nhật 17/03/2013 vừa qua, cả nhà mình đã gặp mặt đầu xuân tại Thiền đường Hơi Thở Nhẹ. Đây cũng là buổi Tụng giới đầu tiên của năm Quý Tỵ. Chúng ta về đây cùng làm mới tự thân cho một mùa xuân mới.

Đón Tết ở Làng

Ngày quán niệm 31/03/2013, chúng ta đã được nghe một bài pháp thoại rất hay về Chánh Ngữ. Sau pháp thoại, có nhiều vị rất tâm đắc với những lời dạy của Sư Ông, chắc hẳn đã đánh động sâu sắc đến tình trạng và đưa đến những cái nhìn mới mẻ hơn, tươi sáng hơn cho từng thành viên. Những vị không có cơ hội tham dự ngày quán niệm thì xin nghe pháp thoại tại đây:
Đồng thời trong những lần pháp đàm trước đây, chúng ta đã có cơ hội chia sẻ khá nhiều về sự thực tập ái ngữ và lắng nghe đối với người khác. Lần này chúng con xin mời đại chúng nhìn sâu hơn vào sự thực tập sử dụng ái ngữ và lắng nghe hướng về chính bản thân mình. Dù ở bất kì độ tuổi nào đi chăng nữa thì những niềm vui sướng, những sầu muộn, những thao thức, những nỗi ước mong còn đang dở dang hay cả những thành công tạm có trong cuộc đời này… tất cả đang hiện hữu và cần được chúng ta lắng nghe.

*Mở rộng: xin mời đại chúng chọn cho mình một sự thực tập cụ thể về đối tượng mà mình muốn lắng nghe: nghe một lời nói dễ chịu, nghe một lời nói gay gắt, nghe sự nghi ngờ về chính bản thân, nghe sự phấn khởi đang dâng lên, hay nghe một cảm xúc đang bốc hỏa… Chỉ nghe thôi mà không can thiệp vào sự diễn biến của tâm thức, nghe bằng ý thức sáng tỏ và lòng thương yêu (danh từ chuyên môn là nhận diện đơn thuần). Chúng ta chỉ cần chọn một đề mục và thực tập liên tục suốt tuần hay ít nhất ba bốn ngày.

Đây là một mẩu chuyện nhỏ trên bước đường thực tập

s’il vous plaît ”

Xe tôi đổ xịch trước chỗ đậu xe của bưu điện và một xe đến sau đỗ ngay lối ra vào, hơi bực mình, nhưng vẫn ý thức đến lời hứa thực tập Giới Ái ngữ lắng nghe trong tuần này nên tôi xuống xe, đến chiếc xe vừa đậu chắn lối vào nhẹ nhàng chào hỏi và xin dời xe ra chỗ khác để sau khi tôi nhận bưu kiện xong có thể lái xe ra được. Thở phào vì mình đã thực tập dừng cái giận lại một chút !

Ra khỏi bưu điện, tôi vác thùng bưu kiện ra thì chiếc xe kia vẫn còn đó, hơi bực mình, nhưng vẫn ý thức mình sẽ thực tập ái ngữ. Bỗng dưng tôi nghe tiếng la lối của một người đàn ông từ một chiếc xe khác nữa vì không lái xe ra được, vậy là họ muốn xấn lại, ẩu đả nhau. Tôi đành chạy lại xe đang chận lối ra vào để nhờ người vợ can thiệp chồng cô ấy và người đàn ông nọ. Nhưng không may cả ba người lao vào cuộc với những lời lẽ thô tục. Tôi bối rối vác cái thùng lại đứng giữa và chỉ nói được s’il vous plaît “,s’il vous plaît ” vì chữ nghĩa bay hết !!! Thế rồi tự dưng mọi người nhìn tôi với cái thùng to mà chỉ lặp đi, lặp lại : “làm ơn “,  ” làm ơn đi mà ! ” chắc họ cũng mắc cười nên giản ra và trở về xe. Sau đó xe chận lối vào đã dời bánh, và hiện trường được phong tỏa. Tôi thở nhẹ vì đã không có gì đáng tiếc xảy ra và vui vẻ lái xe về nhà.

Buổi thuyết trình và pháp đàm về Giới thứ tư: Ái ngữ và lắng nghe vẫn còn đó với những chia sẻ chân thành và nụ cười gần gũi khi nói cho nhau nghe những kinh nghiệm thực tế nho nhỏ trong nhà ngoài phố. Để rồi Ngày Tụng Giới tháng tới, buổi chiều chúng ta sẽ lại có cơ hội thuyết trình và chia sẻ cùng nhau Giới cuối cùng trong Năm Giới.

Vậy là Tăng thân mình đã có những ngày cùng nghe pháp thoại, đi thiền hành, tụng giới, tụng kinh, ăn cơm, chia sẻ và tu học bên nhau. Trong giờ pháp đàm, đầu xuân, đại chúng đã có dịp đóng góp ý kiến cho chương trình tu học thời gian tới. Nhìn chung, hầu hết mọi người đều muốn học hỏi sâu hơn về các bài kinh trong Nhật Tụng Thiền Môn và thao thức thực tập miên mật 16 phép quán niệm hơi thở. Bên cạnh đó, chú Vũ đưa ra một đề nghị có thêm giờ “làm biếng” để có thể uống trà tâm sự với từng thành viên trong tăng thân, có nhiều người chúng ta quen biết đã lâu nhưng chưa có dịp trò chuyện thân mật, vì dường như thời khóa tu học của chúng ta hơi kín. Chị Ngọc Lợi mong mỏi được thưc tập Năm Cái Lạy chung với đại chúng để có thể  tiếp xúc sâu sắc hơn với gia đình tâm linh và huyết thống, để nuôi lớn tình thương và gởi năng lượng bình an đến mọi loài.

Thiền hành bên dòng sông Marne

 

Dưới đây là chương trình tu học trong ba tháng tới:

Sinh hoạt thường kỳ

*Chủ Nhật, tuần thứ 1 hàng tháng: Ngày sinh hoạt dành cho các bạn trẻ hai tăng thân Pháp và Việt.

*Chiều Thứ Tư hàng tuần: Tụng kinh Tiếng Việt lúc 17h

*Thứ Bảy (trước ngày Tụng Giới): Lễ Sám hối lúc 19h30

*Chủ nhật tuần thứ 2 của tháng: Ngày Tụng Giới

-10.00: Lễ tụng giới
-15.00: Học về 16 Phép Quán Niệm Hơi Thở.

*Chủ nhật tuần thứ 4 của tháng: Ngày Quán Niệm
– 10.00: pháp thoại của Thầy (giảng các bài kinh, bộ Công Phu Nở Đóa Sen Ngàn Cánh)
-15.00: pháp đàm về sự học hiểu và áp dụng về bài kinh được học buổi sáng

*Chủ Nhật, tuần thứ 3 của các tháng lẻ 1,3,5,7,9,11 là ngày sinh hoạt dành cho các bạn trẻ Việt Nam.


Các khóa tu:

Bên nhau cùng pháp đàm

  • Trại hè quốc tế Hơi Thở Nhẹ: 04 – 05/05/2013

Đây là điểm hẹn hàng năm của các bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia (Việt Nam, Pháp, Bỉ, Mỹ, Đức…), nơi chúng ta được quý thầy và quý sư cô – học trò của Thiền sư Thích Nhất Hạnh – hướng dẫn thực hành các pháp môn thiền tập đơn giản mà sâu sắc, để ứng dụng vào đời sống một cách hữu ích và thực tế.

Các bạn được mời đến từ chiều Thứ sáu 3/5 để điểm danh và giúp chuẩn bị lều trại sau đó có thể tham dự ngồi thiền sau bữa tối. Xem chi tiết và đăng ký tại:  http://traihe.hoithonhe.org/vn/

  • Khóa tu hai ngày dành cho người Việt: 22/06 – 23/06/2013 (Có quý thầy, quý sư cô từ Làng Mai lên tham dự để yểm trợ cho sự tu học)

Trên đây là chương trình ba tháng mà không  phải là cho cả năm vì trong thời gian sinh hoạt chúng ta còn tùy nghi điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh của tăng thân nữa.  Có thể những nguyện vọng (chưa biểu hiện trong thời gian này) này sẽ từ từ được biểu hiện khi hội đủ nhân duyên, kính mong đại chúng vui vẻ  hòa cùng nhịp chảy với dòng sông Hơi Thở Nhẹ.

Thương quý: Các sư cô thiền đường Hơi Thở Nhẹ

Từ Hoa Quỳnh đến Hơi Thở Nhẹ

ww.maisondelinspir.over-blog.com

Đến trung tâm Hơi Thở Nhẹ, vùng phụ cận Paris, ta có cảm giác như được sống trong khung cảnh vào thời Bụt còn tại thế. Bởi vì vào những ngày quán niệm như thứ Năm và Chủ Nhật, mỗi thiền sinh đến sinh hoạt đều mang theo thực phẩm đến cúng dường. Đến giờ cơm trưa, họ đặt những món ăn đó lên bàn để cùng chia sẻ với nhau. Nếu có 40 người đến tham dự, sẽ có gần 40 món ăn khác nhau: nào là bánh quiche, nui tây, pizza, spaghettis, xà lách trộn, bánh ngọt… Ngoài những món ăn nấu sẵn, họ còn đem cúng dường rau cải, trái cây và những thức ăn khô như gạo, bột, đường, muối, v.v… Vì vậy ở trung tâm này không cần phải có vị tri khố như những trung tâm khác của Làng Mai. Có một lần, không ai bảo ai vậy mà các bạn cư sĩ đã đem đến cúng dường 15 loại bánh ngọt do họ tự làm, khiến các thiền sinh trẻ đã phải đến ‘ăn phụ’ dù ngày đó không phải là ngày quán niệm cho những người trẻ.

Không những vậy, họ còn đóng góp rất nhiều vật dụng cần thiết trong nhà, từ chén bát cho đến tủ kệ. Có một cô người Pháp sau khi bán nhà đã cúng dường những chiếc kệ sách và bàn ăn bằng gỗ rất trang nhã. Để giúp trang hoàng thiền đường mỗi ngày một đẹp hơn, cô Kaiko (người Nhật) mỗi tuần tự làm một bình hoa hay một chiếc đĩa gốm đem đến cúng dường. Cô là một nhà nghệ sĩ chuyên làm đồ gốm, vì vậy những gì cô làm để cúng dường cho thiền đường không tìm mua được ngoài chợ đâu. Trong thời gian các sư cô ở Làng tạm trú nơi đây như sư cô Tú Nghiêm, Sùng Nghiêm, Chí Nghiêm, Hướng Nghiêm, Cẩn Nghiêm và sư cô Báo Nghiêm, thì các cô chú người Pháp đã đến tận trung tâm để hết lòng dạy các sư cô học tiếng Pháp mỗi tuần hai lần. Bây giờ các sư cô này đã có thể tự đi chợ và thăm hỏi các thiền sinh người Pháp được rồi. Về mặt sức khỏe, có cô bác sĩ Hạnh và cô nha sĩ  Mỹ Dung chăm sóc tận tụy các thầy các sư cô không khác chi bác sĩ Jivaka vào thời Bụt vậy.

Vào ngày 18 tháng 2 năm 2008, 3 thầy và 3 sư cô đã được Tăng thân Làng Mai chính thức đề cử đến chăm sóc trung tâm tu học này. Như một số quý vị đã biết, Thiền đường Hơi Thở Nhẹ là hậu thân của Thiền đường Hoa Quỳnh. Thiền đường Hoa Quỳnh theo thời gian đã trở nên cũ kỹ và nền móng bắt đầu xiêu vẹo, không đủ an toàn để cho mọi người tiếp tục sinh hoạt ở đó nữa. Và thiền đường Hoa Quỳnh đã phải đóng cửa một thời gian chờ điều kiện hội tụ để khởi công xây dựng lại. Trong thời gian đó, những thiền sinh của thiền đường vẫn giữ lấy nhịp độ sinh hoạt thường xuyên của họ, không hề gián đoạn. Họ đã tổ chức tại Evry để họp mặt sinh hoạt theo định kỳ hàng tháng. Qua đó, cái ao ước có các thầy, có các sư cô cùng tu tập chung với họ như thời còn thiền đường Hoa Quỳnh mỗi lúc mỗi cấp thiết và lan rộng. Chính vì vậy mà trải qua một thời gian không lâu sau đó, những bức tường của ngôi nhà cũ đã được đập phá xuống để xây lại. Khi cánh cổng của ngôi nhà mới được dựng lên chưa lâu, nền xi măng vẫn chưa khô, thì 2 giờ khuya hôm đó, các thầy các sư cô từ Làng Mai sau 8 giờ đồng hồ lái xe đã đến trước cổng. Khuya hôm đó các thầy các sư cô đành phải trèo qua cổng! Người trong kẻ ngoài chuyền những thùng đồ qua cổng. Đống gạch vụn từ ngôi nhà cũ trộn lẫn với đất cát và nước mưa đã hình thành lên một con đường gồ ghề và phủ bùn dày đặc từ cổng vào đến cửa của ngôi nhà mới. Các thầy các sư cô đã phải úp ngược nhiều chậu xô lót đường để có thể bước đi trên con đường trơn trợt sình lầy đó.

Khiêng hết đồ đạc từ xe vào căn nhà chính xong thì trời bắt đầu hừng sáng. Lúc đó, các thầy các sư cô mới được đặt lưng xuống nghỉ một chút. Trời mùa Đông giá buốt, căn nhà mới xây lại chưa có sưởi và nước nóng, cho nên các thầy và các sư cô cũng đã phải vất vả nhiều trong những ngày đầu mới dọn vào.

Tăng thân cư sĩ ở Paris, người Việt cũng như người Pháp, đều đã hết lòng đóng góp vào việc phụ dọn dẹp, sửa sang và cúng dường vật dùng cần thiết từ cái chén cho đến cái chảo. Ai nói người Tây Phương chưa quen truyền thống cúng dường và công quả? Nhờ sự đóng góp hết lòng ấy nên chỉ trong vòng vài tuần thôi mà mọi chuyện đã được ổn định. Thế là trung tâm Hơi Thở Nhẹ ra đời và bắt đầu mở cửa tiếp đón khách thập phương đến tu học, không những từ Paris và những vùng lân cận mà còn từ nhiều vùng xa của nước Pháp như Lyon, Marseille, Dijon, Bretagne cho đến các nước như Thụy Sĩ, Hòa Lan, Bỉ, v.v…

Chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn, trung tâm Hơi Thở Nhẹ đã trở thành một nơi nghỉ ngơi thoải mái (oasis) cho những ai không thể về tu học tại Làng Mai. Sau một tuần làm việc mệt mỏi, các bạn cư sĩ thường về thiền đường vào tối thứ Sáu để tham dự trọn vẹn hai ngày sinh hoạt thứ Bảy và Chủ nhật. Cũng có những người sau một ngày căng thẳng tại sở làm, họ ghé đến trung tâm để uống chén trà và buông thư nửa giờ đồng hồ trước khi về nhà. Chuyện lạ nhưng có thật, đó là có những bạn người Pháp thích đến thiền đường vào chiều thứ Bảy chỉ để được tham dự lễ cúng cô hồn hàng tuần! Cũng có người quá bức xúc hay quá đau khổ nhưng vì không đủ phương tiện để về thiền đường, dù chỉ một buổi, thì qua đường dây điện thoại họ đã được Sư cô Trụ Trì (sư cô Giác Nghiêm, người Pháp) an ủi, vỗ về và hướng dẫn thực tập thế nào để tự cứu vớt mình qua những cơn giông tố. Sư cô Giác Nghiêm nổi tiếng là một vị chuyên viên tham vấn viễn liên!

Cách đây hơn một năm, chú Christian được Tăng thân Paris cho phép thọ giới Tiếp Hiện. Nhưng vì bệnh, chú đã không thể về Làng thọ giới được. Các thầy và các sư cô tại đây đã đại diện Sư ông và Tăng thân truyền giới cho chú. Thấy vậy, cô Clémence, vị hôn phối của chú cũng đã xin được thọ giới cùng với chú thay vì về Làng thọ Giới. Buổi lễ đã diễn ra rất cảm động. Ngoài ra, các thầy và các sư cô tại đây thường tìm đến những người nghèo khổ, những người vô gia cư để đem thức ăn và áo quần đến cho họ. Phần đông họ là những người sống dọc theo bờ sông Marne, nhiều lắm

Ai cũng thấy những năm gần đây, Tăng thân người Pháp đã lớn mạnh hơn bao giờ hết. Số người gia nhập dòng tu Tiếp Hiện đông hơn và được đào tạo kỹ hơn. Tất cả các anh chị tập sự Tiếp Hiện đều phải gặp nhau mỗi tháng để học và pháp đàm về 14 giới ít nhất trong vòng một năm dưới sự hướng dẫn của cô giáo thọ cư sĩ Minh Tri. Chương trình đào tạo Tiếp Hiện này của Tăng thân Paris đã gây nguồn cảm hứng đến các Tăng thân khác như Tăng thân Marseille, Lyon… Năm ngoái, Tăng thân Paris đã tìm ra một giải pháp cho những ai khao khát được tham dự khóa An cư kiết đông nhưng vì công ăn việc làm và gia đình, họ không thể vào sống trong chùa suốt 3 tháng được. Giải pháp đó là họ cam kết về trung tâm Hơi Thở Nhẹ mỗi tuần hai lần để cùng nghe Pháp thoại, cùng pháp đàm với các thầy các sư cô.

Mỗi tuần họ được Sư cô Tôn Nghiêm cho một đề tài thực tập để theo đó mà hành trì. Mỗi ngày, họ đều có kiểm điểm và ghi chép sự thực tập của mình vào sổ công phu. Theo thể thức ‘An cư tại gia’ này, họ đã tạo được rất nhiều hạnh phúc cho chính họ và cho gia đình, đã gặt hái được nhiều hoa trái trong sự thực tập. Tin vui đã được truyền đi và năm nay, con số những người an cư tại gia đã lên đến 120 vị từ nhiều Tăng thân trên toàn nước Pháp. Đầu khóa an cư, Sư Ông có dạy sự thực tập thi kệ. Thế là trong buồng tắm, nhà bếp, phòng ngủ, các bài thi kệ được dán khắp nơi. Có một chị cư sĩ buổi sáng mở mắt dậy, chị nhớ đến nỗi buồn vừa chia tay với người yêu hôm qua, chị cảm thấy chán đời và không còn hứng thú để làm gì nữa. Nhưng khi nghĩ đến 119 người đang thức dậy, thực tập bài kệ: ‘Thức dậy mỉm miệng cười, hăm bốn giờ tinh khôi…’, bỗng dưng chị cũng đọc theo và mỉm cười được. 120 thiền sinh này từ nhiều vùng khác nhau trên nước Pháp, họ không quen biết nhau nhưng mỗi khi nghĩ đến nhau, họ cảm thấy được nâng đỡ và có thêm năng lượng để thực tập. Đúng là sức mạnh của Tăng thân! Để yểm trợ cho họ cùng An Cư với những vị xuất sĩ, tất cả các bài giảng của Sư Ông bằng tiếng Việt với bảng dịch tiếng Anh và tiếng Pháp đều được cập nhật kịp thời ở trên mạng. Sang năm nếu có thêm các bạn từ những quốc gia khác cùng tham dự khóa an cư theo thể thức này thì sẽ vui lắm!

Mỗi hai tuần, vào sáng thứ Bảy, các vị Tiếp Hiện cư sĩ về đây để tụng giới. Họ lại thường giúp các thầy và các sư cô làm chủ tọa những buổi pháp đàm và hướng dẫn thực tập vào những ngày quán niệm. Những lúc các thầy các sư cô cần phải về Làng Mai dự lễ hay đi thăm gia đình, thì có giáo thọ cư sĩ Marc Puissant ở Lyon cùng với các bạn Tiếp Hiện như Christopher, Michelle, Annabelle ở Paris… đều đến thiền đường ngủ lại để thay thế chúng xuất sĩ mở cửa trung tâm, duy trì sinh hoạt và hướng dẫn tu học. Tại đây, hai chúng cư sĩ và xuất sĩ cùng nâng đỡ tu tập và nắm tay nhau làm việc trong hòa điệu. Chúng xuất sĩ đóng vai trò anh chị lớn dìu dắt Tăng thân cư sĩ lớn mạnh hơn. Và khi chúng xuất sĩ gặp khó khăn, như pháp nạn Bát Nhã vừa qua, các bạn cư sĩ từ khắp nơi đã và đang tìm đủ mọi cách để hết lòng giúp đỡ. Chúng thường trú bao gồm các thầy và các sư cô chỉ có từ 6 đến 8 vị thôi, nếu không có sự đóng góp tận tụy của chúng cư sĩ, làm sao họ có thể giúp được nhiều người và làm được nhiều việc đến thế?

Sự có mặt của một chúng xuất sĩ thường trú nơi đây tựa như một trái tim đang đập trong một cơ thể. Nhờ trái tim co đập mà cơ thể trở thành một sinh vật sống động. Với sự có mặt thường trực của các thầy và các sư cô nơi đây, chỉ trong vòng hai năm mà thiền đường Hơi Thở Nhẹ đã trở thành một căn nhà tâm linh ấm cúng, hướng dẫn được bao nhiêu là khóa tu và những ngày quán niệm cho giới trẻ cũng như giới trung niên và người lớn tuổi. Đây là nơi nương tựa của biết bao nhiêu người tìm đến để được nuôi dưỡng, để thâu nạp năng lượng và làm lắng dịu những niềm đau nỗi khổ trong lòng.

Trung tâm Hơi Thở Nhẹ còn có một cái tên rất ngộ nghĩnh là “Ngôi chùa của phi trường Charles de Gaulle” và là “Trạm tin tức” (centre d’information). Những ai ở Việt Nam qua, hay từ Hoa Kỳ, Úc châu hay Âu châu đến, và muốn về Làng cũng thường ghé lại đây để nghỉ chân. Tới đây ai cũng cảm thấy thoải mái, yêu thích nếp sống đơn giản và không khí gia đình. Ai cũng cảm nhận là các thầy và các sư cô nơi đây hết lòng tu tập, sống hạnh phúc và thương yêu nhau như anh chị em một nhà. Vào những ngày lễ lớn, bố mẹ, anh chị em hay bà con của các thầy các sư cô ở đây thường về trung tâm để dự lễ chung. Gia đình tâm linh và gia đình huyết thống sum vầy ấm cúng.

Thiền đường Hơi Thở Nhẹ

Từ Hoa Quỳnh đến Hơi Thở Nhẹ

Lịch sử hình thành thiền đường Hơi thở nhẹ

Ngôi nhà bên dòng sông Marne

Tóm tắt sinh hoạt đầu năm 2013 và Chương trình tu học trong tháng 4, tháng 5 và tháng 6 tại thiền đường hơi thở nhẹ

Lịch sinh hoạt tại Thiền đường Hơi Thở Nhẹ tháng 5 tới tháng 9 năm 2013

(cập nhật ngày 04/07/2013) Thiền đường sẽ đóng cửa từ 05.07.2013 đến 21.07.2013 (Quý Sư cô về Làng tham dự khóa tu mùa hè) và làm biếng từ ngày 12.08.2013 đến 24.08.2013

Thiên đường cạnh sông Marne

Bài viết của một người trẻ chia sẻ về những hoa trái thực tập của em sau khi dự khóa tu (còn được gọi là trại hè) cho người trẻ diễn ra vào hai ngày 5 và 6 tháng Năm 2013 tại thiền đường Hơi Thở Nhẹ, Paris.

Khóa tu cho người “Ít trẻ”

Khóa tu 22-23.06.2013 tại Thiền đường Hơi Thở Nhẹ

Tạ ơn Thầy trong mỗi bước chân đi

“…Chúng tôi cẩn trọng hơn trong từng bước chân, nhẹ nhàng và tỉnh thức để cảm nhận mình quá may mắn được bơi lội trong không gian trong lành, tĩnh mặc nơi đây. Bỗng nhớ đến bài thơ “Qua ngõ vắng” mà Thầy đã làm cách đây hơn 30 năm…Hóa ra Thầy đã đi những bước cẩn trọng và tỉnh thức cho dân tộc, cho nhân loại từ lâu, lâu lắm. Và Người đã ân cần nhắc nhở chúng ta phải đi như thế để tự nuôi dưỡng mình và nuôi dưỡng gia đình, tổ tiên, đồng bào…Vậy mà mãi đến bây giờ mới chợt hiểu ra, chúng tôi chỉ biết sụp lạy cúi đầu.” – Chân Bảo Nguyện

Tay Thầy trong tay con

Chân Bảo Nguyện

Phiên chợ ngày mưa

Chân Bảo Nguyện

Khi người ta trẻ…

Những chia sẻ sau khóa tu: “Tuổi trẻ, tình yêu, lý tưởng” tại thiền đường Hơi Thở Nhẹ, ngày 22 – 25/5/2015

Sức mạnh của tình thương

Tu viện Mộc Lan (Magnolia) một khu đất rừng bằng phẳng nhiều cây sồi cổ thụ xanh tốt cao vòi vọi. Diện tích khoảng trên hai trăm mẫu tây, đất phì nhiêu. Mộc Lan nằm trong Batesville, Mississippi, cách thị xã Batesville chừng hai mươi phút lái xe, cách thành phố Memphis chừng bốn mươi lăm phút. Mộc Lan là tu viện trẻ nhất thuộc hệ thống Làng Mai ở Hoa Kỳ, sau Lộc Uyển (Deer Park, Escondido, California) và Bích Nham (Blue Cliff, NY). Vị thế Mộc Lan nằm vào vùng trung nguyên của Hoa Kỳ. Nếu nhìn tổng thể vị trí của ba tu viện Làng Mai Hoa Kỳ chúng ta sẽ thấy một thế chân vạt vững vàng.

Du khách và thiền sinh đến Mộc Lan lần đầu tiên sẽ không khỏi ngạc nhiên nếu được cho biết đây là tu viện trẻ mới chưa được mười năm nay. Những cơ ngơi tu học cho các thầy các sư cô đã đầy đủ tiện nghi. Các ngôi nhà gỗ nhỏ xinh xắn mà mình hay gọi là cốc nằm rải rác trong các rừng cây cao. Khi mình nghe danh từ cốc thì hình dung những túp nhà lụp xụp, che tạm hay làm theo lối giả chiến, không có hàng lối trật tự. Ở đây “cốc” là một “bungalow” nhỏ cho vài ba thầy ở. Có hành lang phía trước, cửa kiếng thoáng mát, nhất là sàng gỗ vách gỗ được đánh bóng. Một dãy nhà tăng khách và thiền sinh đến tu học chứa khoảng vài trăm người. Khoá tu vừa qua tôi được nghe có khoảng một ngàn thiền sinh nhưng chỉ có vài căn lều rải rác trong rừng cho những người thích cắm trại. Điều muốn nói là là thiền đường Hải Triều Lên vừa xong, rộng mười ngàn square feet, vào bên trong còn ngửi được mùi gỗ mới. Trong khóa tu này Sư Ông đã cho treo hai câu kệ:

Nhìn Trúc Mộc Lên Xanh Nghe Hải Triều Lên Mấy Độ

Thấy Mai Lan Nở Rộ Nguyện Phát Túc Về Siêu Phương.

Thiền đường Hải Triều Lên là công trình kiến trúc của thầy Pháp Dung cùng tất cả phật tử địa phương và những phật tử từ phương xa đến như Florida, Texas…và đặc biệt nhất là hai anh chị Hoàng Trọng Nhân thiền sinh thuộc tăng thân Bồ Đề Toronto đã thường xuyên về đây chung tay xây dựng.

Tháp chuông An Trú là công trình kiến tạo của một thiền sinh trẻ. Anh đã đem công sức từ đầu đến khi hoàn tất. Tháp được dựng trên một nền móng cao, bốn trụ cột to bằng xi măng mới nhìn vào cứ tưởng là trụ bằng gỗ, lớp da bên ngoài không khác gì da gỗ, sơn màu huyết dụ.

Các cây sà ngang, kèo…đều bằng xi măng đúc với những đường nét cong chạm trổ tinh vi. Mái tháp là mái kép uốn cong. Dáng đứng của tháp chuông nhìn từ xa thật uy nghi với chiếc đại hồng chung được khắc những câu kệ chuông của Sư Ông. Trong khoá tu này tiếng đại hồng chung của tháp An Trú đã được Sư Ông thỉnh lên đầu tiên. Tháp tùng Sư Ông hôm đó hầu hết các thầy cô thường trú của tu viện và một số đông các thiền sinh về sớm tham dự.

Người xây dựng tháp chuông An Trú là một thanh niên trẻ, người nhỏ nhắn. Nhìn người rồi nhìn cái tháp đứng sừng sững chúng ta khó hình dung một con người nhỏ như vậy mà đã đúc những cột trụ, những mái rui kèo v.v.. đều có chạm trổ mỹ thuật theo dáng vẽ hoàn toàn Đông phương. Tôi đang đứng nhìn tháp chuông và suy nghĩ làm sao đưa những rui kèo to tướng đúc bằng xi măng, nặng hàng trăm ký lên đầu bốn cây trụ cột cũng bằng bê tông thì anh Nhân bạn đồng tu, thường xuyên làm việc với thanh niên này cho biết tất cả đều do sức lực của các thầy cô trong tu viện, mỗi người một tay cùng anh dựng nên, không thuê thợ ngoài.

Tháp An Trú

Ngoài công trình xây tháp anh còn đúc tượng Bụt, Bồ Tát và những hòn non bộ.. Tôi có đến cái láng làm việc của thanh niên này, ngỗn ngang những khuôn đúc, sạn cát xi măng…nhìn láng với mái bạt che tạm cũng đủ thấy công sức lao động của anh Bên cạnh tháp An Trú là một hồ sen. Sen đã mọc kín hết mặt nước. Hoa sen, ngó sen đang nở rộ vươn lên như đang cúng dường Bồ Tát Quan Thế Âm đứng hiền từ giữa hồ. Một chiếc cầu gỗ cong nối từ bờ vào hòn non bộ. Ven hồ vài cây liễu mọc cao rũ xuống đến tận mặt nước.

Rãi rác trong khuôn viên tu viện những tảng đá thật lớn được chở từ Colorado vì tại rừng Mộc Lan không có đá tảng.

Hôm nay, trong khoá tu Sức Mạnh Của Tình Thương tôi được về sống giữa một tăng thân mới mẽ, một tu viện trẻ trung nhưng phát triển mạnh và nhanh chóng đã cho tôi những suy nghĩ và những điều đáng nhớ.

Tôi phải dài giòng giới thiệu Mộc Lan để phần nào chứng minh những điều tôi suy nghĩ về Sức Mạnh Của Tình Thương. Ngày tôi về đây cùng sáu anh em tăng thân Toronto, vượt hơn ngàn cây số, lái xe trong mười sáu tiếng, Sư Ông và tăng đoàn Làng Mai vẫn còn ở Boston. Anh em chuẩn bị chiều hôm sau cùng đến phi trường Phoenix đón Sư Ông và tăng đoàn, nhưng lại đi đón trễ, đến nơi Sư Ông đã trên đường về Mộc Lan. Bù lại sáng hôm sau chúng tôi được ngồi ăn sáng với Sư Ông trong thiền đường mới Hải Triều Lên. Nhìn Sư Ông thật tươi thật khoẻ, mọi người đều ngạc nhiên bởi vì Sư Ông đã có hai tháng hoằng pháp ở các nước Á Châu. Tiếp đến khoá tu năm ngày cho hơn một ngàn hai trăm thiền sinh tây phương ngành giáo dục tại đại học Brock, St Catherine, Canada với chủ đề Happy

Teachers Can Change The World, một buổi chiều pháp thoại công cộng với chủ đề The Present Moment: Wisdom for Global Peace and Happiness, tại thính phòng Sony Center, cho năm ngàn người mà vé bán hết sạch.

Sư Ông không quên cộng đồng người Việt Canada đã hoan hỷ cho tổ chức một ngày quán niệm cũng tại Brock. University với trên một ngàn người tham dự. Trước khi đến Toronto các thầy ở tu viện Bích Nham cho hay có thể không có ngày quán niệm cho người Việt bởi sau thời gian hoằng pháp tại các nước Á Châu sức khoẻ Sư Ông rất kém. Và cũng nghe báo cáo khoá tu tại Đại Hàn đã làm sức khoẻ Sư Ông xuống thấp nhất. Vì vậy tăng thân Bồ Đề Toronto rất lúng túng với cộng đồng người Việt địa phương, tất cả chương trình và thông báo đã đăng tải, số lượng người ghi danh ngày càng cao với tốc độ nhanh. Thậm chí có những gia đình đăng ký cho con cái ở tận những tỉnh bang xa xôi phải đến bằng phương tiện máy bay. Tăng thân Toronto phải miễn cưỡng ra thông báo đình hoản ngày quán niệm. Các chùa địa phương cũng đã nhận thư cáo lỗi. May thay từ Làng Mai và Bích Nham có thư báo cho hay Sư Ông đã từ bi cho tổ chức ngày Quán Niệm như dự tính. Anh chị em tăng thân Bồ Đề thở những hơi thở nhẹ nhõm. Trong suốt khoá tu năm ngày, một buổi chiều pháp thoại công cộng, và ngày Quán Niệm Sư Ông rất tươi khoẻ đến ngạc nhiên, thậm chí anh chị em tăng thân được ngồi chung một bửa cơm chiều với Sư Ông và một số thầy cô tăng đoàn Làng Mai, cùng phần lớn các thầy trú trì các chùa địa phương. Trong bửa cơm chiều đó tăng thân được Sư Ông sách tấn tu học và nhắn nhủ duy trì tình huynh đệ, tặng cho hai thư pháp lớn: Tăng Thân Bồ Đề Toronto( Bodhi Community Of Mindfulness). Tất cả anh chị em Tiếp Hiện có mặt hôm đó rất cảm động và hạnh phúc. Sau mười ngày ở Toronto, thầy Pháp Chiếu ở tu viện Bích Nham, trưởng ban tiền trạm cho chuyến đi của Sư Ông cho anh em tăng thân biết Sư Ông rất hạnh phúc nhìn thấy sự tu học và tổ chức khoá tu. Cho nên, sức khoẻ Sư Ông đã tốt hơn trước khi đến rất nhiều.

Trời Mộc Lan buổi sáng thật mát. Đại chúng đã lần lượt kéo về tu viện ngày càng đông. Sư Ông và tăng đoàn Làng Mai đến từ Boston trước vài ngày khoá tu khai mạc. Sáng sớm khi sương còn trãi mỏng trên các ngọn sồi tôi đã thấy những bước chân thảnh thơi của Sư Ông và các thầy cô đi từ phía sau thiền đường Hải Triều Lên hướng lên đồi Tháp An Trú. Tiếng đại hồng chung được Sư Ông thỉnh trong sáng tinh sương. Không khí trong lành và yên tịnh của tu viện như có thêm sức mạnh chánh niệm từ tiếng chuông trầm hùng ấm áp. Con người và cảnh vật đều dừng lại. Tôi cùng đại chúng theo bước Sư Ông đi vòng quanh hồ sen nơi có tượng ngài Quan Thế Âm, mọi người lắng lòng cầu nguyện cho sự an lành.

Tăng đoàn Làng Mai bắt đầu khoá tu bằng bài Tụng Hồng Danh Đức Quan Thế Âm. Đại chúng nhiếp tâm lắng lòng cầu nguyện cho sự an lạc của tự thân và của mọi người. Bài pháp thoại đầu tiên Sư Ông nhắc nhở nhiều đến hơi thở chánh niệm. Hơi thở đưa tâm về với thân Tình Thương mới thể hiện. Tình thương ở đây không phải là tình thương mang đến hệ lụy cho nhau mà mang đến sự tươi mát, niềm vui, và lắng nghe những nỗi khổ niềm đau. Đó là Từ Bi Hỷ Xả. Người tu phải biết phát huy tâm từ bi bằng thực tập chánh niệm: Hơi thở chánh niệm, bước đi chánh niệm. Đứng trước người thương ta phải có mặt đích thực với người đó. Không có mặt thì đừng nói đến thương. Có mặt với cái tâm thất niệm thì cũng như không có mặt. Cho nên hơi thở chánh niệm quan trọng trong sự phát khởi tình thương.

PHÁT KHỞI TÌNH THƯƠNG

Bồ Tát Quán Thế Âm

Trong những bài pháp thoại Sư Ông đi sâu về các tâm hành. Chúng ta phải biết sự vận hành của các tâm sở, nhất là năm tâm sở biến hành Xúc Tác Ý Thọ Tưởng Tư. Năm tâm sở này luôn luôn xuất hiện trong tâm mình và chúng chi phối đời sống của mình. Trong năm tâm sở Sư Ông giảng kỷ về Thọ, Tưởng, Tư vì chính ba tâm sở này là điều kiện phát khởi tâm từ bi, tâm đem niềm vui và làm vơi nỗi khổ của người thân.Và cũng chính Thọ Tưởng Tư nếu ta không biết xử lý, sống trong thất niệm sẽ mang đến khổ đau cho mình và cho người thương. Trong trường hợp với người thân khi tiếp xúc có thể người đó nói năng không được dễ thương ta có một khổ Thọ phát sinh trong lòng vì chính mình nghĩ rằng người đó không dễ thương (Tưởng), rồi mình không thể gần gũi được và tìm cách xa lánh (). Nếu chúng ta không dùng chánh niệm để quán chiếu cho sâu tại sao người đó không ăn nói dễ thương với mình? Có khi mình hiểu lầm lời nói hay cử chỉ của người đó. Tai hại của sự hiểu lầm đánh mất cơ hội gần gũi để hiểu người đó, do đó tình thương không phát khởi ra được. Cho nên người tu phải luôn luôn tìm cách phát khởi tình thương bằng phương pháp Chánh Niệm, thở chánh niệm, đi trong chánh niệm, giữ gìn chánh niệm trong từng cử chỉ hành động.

Phương pháp phát khởi tình thương hay nhất Sư Ông giới thiệu với đại chúng là Năm Phương Pháp của Thầy Xá Lợi Phất. Thầy bày các bạn đồng tu rằng muốn phát khởi lòng thương đối với người mình nghĩ rằng người đó không thể thương được bằng năm phương pháp rất thực tế:

  • Một người hành động không dễ thương nhưng lời nói đễ thương thì mình cứ thương lời của người đó. Ví dụ như một miếng vải còn tốt bị dìm trong bùn hay phân trâu do bẩn. Nếu mình biết cách đem miếng vải về giặt sạch để dùng lại. (Vì ngày xưa có nhiều thầy mặc áo ca sa vá nhiều tấm (bá nạp). Đừng để tâm đến hành động mà chỉ nghĩ đến lời nói người đó.
  • Một người có hành động dễ thương nhưng lời nói không dễ thương dễ thương, thì mình nghĩ đến hành động người đó. Ví dụ một người đi giữa sa mạc khát nước, gặp một giếng nước rêu cỏ mọc đầy phía trên. Nếu người đó biết lấy tay vén cỏ thì sẽ thấy được nước trong phía dưới.
  • Một người hành động không dễ thương, lời nói cũng không dễ thương, nhưng trong tâm còn chút dễ thương, thì mình tìm cách thương chút dễ thương trong tâm người đó. Chẳng hạn như một người đi đường xa khát nước tình cờ thấy một lỗ chân trâu trong đó có một ít nước. Người đó chỉ cần quỳ gối xuống dùng chiếc lá múc chút nước trong lỗ chân trâu uống cho đở khát.
  • Một người hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không có chút dễ thương nào hết. Thì mình phải biết ngay rằng người đó vô cùng đau khổ, cô đơn. Vì vậy phải biết thương nỗi khổ đau của người đó. Ví dụ một người đi đường xa nơi hoang vắng mà bị bệnh không còn cách gì đi được nữa phải nằm giữa đường. May mắn gặp một người đi tới giúp đỡ dậy dìu đi đến thôn làng để cứu chữa. Vậy chúng ta gặp những người hoàn toàn không có chút dễ thương thì phải phát tâm thương để cứu vớt người đó ra khỏi nỗi khổ đau, cô đơn.
  • Một người mà hành động dễ thương lời nói dễ thương và tâm cũng rất dễ thương, nếu mình không thương được nguời đó chỉ vì mình ganh ghét với người đó. Một người đi giữa sa mạc lâu ngày nắng cháy khát nước nay gặp một hồ nước thật trong thật mát không bị cây cỏ che lấp, nếu người đó không chịu nhảy xuống tắm vục nước uống cho hết khát thì người đó là người ngu.
  • Năm phương pháp của thầy Xá Lợi Phất giúp chúng ta phát khởi tâm thương một cách thực tế, ai cũng có thể thực tập được.

    XỬ LÝ KHỔ ĐAU & CHẾ NGỰ NHỮNG CẢM XÚC MẠNH

    Khổ đau có thật, hiện diện trong đời sống. Khi có điều kiện nỗi khổ niềm đau xuất hiện. Nếu ta không biết cách xử lý niềm đau của chính mình cũng như của người chung quanh, ta chưa phải là người tu. Phải nhận diện khổ đau, đó là phương pháp Bụt dạy. Nhận diện để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của nó bằng chánh niệm tự nhiên những cảm xúc mạnh do nỗi khổ làm phát sinh từ từ lắng dịu bớt và tan biến từ từ. Cũng giống như người mẹ ôm con vào lòng khi con khóc không cần biết tại sao đứa bé khóc. Tình thương của người mẹ làm đứa bé nín. Cảm xúc mạnh của chúng ta chẳng khác gì đứa bé đang khóc.

    Trong xã hội không biết bao nhiêu trường hợp bạo loạn xảy ra, người trong gia đình giết nhau, học sinh mang súng vào trường bắn hàng loạt bạn học của mình bởi vì không kiềm chế kiểm soát được những cảm xúc mạnh do nỗi khổ niềm đau chất chứa trong lòng. Họ đi tìm những hành động bạo loạn để làm vơi đi nỗi khổ đau đang chất chứa lâu nay trong lòng. Chỉ cần biết phương pháp xử lý và nhận diện cảm xúc mạnh bằng phương pháp dùng hơi thở chánh niệm, bước đi trong chánh niệm chúng ta tránh được những tai họa.

    Con người tuy nhỏ bé so với vũ trụ đất trời nhưng con người có đời sống tâm linh rất lớn. Con người có đến năm uẩn: Sắc Thọ Tưởng Hành Thức. Mỗi uẩn là một vùng rộng lớn để sống để tư duy, để cảm xúc. Nếu không biết cách duy trì sự sống tỉnh thức thì khó có thể xử lý đúng những cảm xúc mạnh khi chúng nỗi lên.

    NUÔI DƯỠNG TÂM TỪ BI

    Tình thương không phải lý thuyết mà phải biến thành hành động, cần phải thực tập miên mật và nuôi dưỡng ngày càng lớn càng mạnh. Sức mạnh của tình thương được làm lớn lên và nuôi dưỡng bằng phương pháp tu tập chánh niệm. Trước hết phải cần sự có mặt. Thương mà không có mặt cho nhau đó là lý thuyết, nói suông. Thương mà bỏ đi không phải là thương. Sự có mặt phải tươi mát, phải là bông hoa phải là núi vững chãi. Cho nên khi thở vào là hoa tươi mát, thở ra là núi vững vàng. Sự tươi mát và vững vàng làm cho người đối diện có niềm tin và họ được thừa hưởng sự tươi mát và vững chãi. Và nhờ đó những cảm xúc mạnh những nỗi khổ niềm đau dần dần được chuyển hoá, tan biến.

    Tình thương phải được nuôi dưỡng để thăng hoa thì Tình Thương mới có sức mạnh. Sự mầu nhiệm của tình thương là chuyển hoá được  những niềm đau nỗi khổ, những hiểu lầm, những giận hờn… và từ đó tránh được những tai hoạ. Phương pháp hay nhất để nuôi dưỡng  tình thương là đời sống tỉnh thức; luôn luôn giữ thân và tâm trong giây phút hiện tại bằng hơi thở và bước chân chánh niệm.

    Chân Tính Hải

    Nguồn: Phù Sa

    Khóa tu sức mạnh tình thương

    Tu Viện Mộc Lan là một tu viện thường trú còn gọi là Làng Mộc Lan, và tên khác là Magnolia Grove Mindfulness Practice Center. Tu Viện Mộc Lan ở thành phố Batesville, tiểu bang Mississippi, được thành lập do ước nguyện của một cộng đồng vì lòng Từ bi muốn xây dựng nên một trung tâm tu học theo phương pháp Chánh niệm của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.  Tu Viện Lộc Uyển và Tu Viện Bích Nham đã được thành lập ở Hoa Kỳ để duy trì phương pháp tu chánh niệm của Thiền sư, và bây giờ phương pháp ấy đang được cắm rễ tại Tu Viện Mộc Lan.

    Thương mời quý vị thân hữu về tham dự khóa tu dành cho người Việt với chủ đề: Sức mạnh tình thương cùng do Sư Ông Làng Mai và quý thầy quý sư cô tới từ Làng Mai và các tu viện của Làng Mai trên thế giới hướng dẫn. Về Mộc Lan cùng nhau tu tập, tận hưởng từng bước chân và hơi thở trong chánh niệm để tắm trong tình thương yêu chân thật.

    Sư Ông Làng Mai thường dạy: Điều quý giá nhất của khóa tu là năng lượng tập thể, nguồn năng lượng hùng hậu mà tự thân mỗi người không thể tự chế tác được. Với năng lượng thương yêu và bình an được chế tác từ sự thực tập của hàng trăm người đó, ta có thể nhìn thật sâu, thật rõ vào những khổ đau, ước vọng của mình để sống thực hơn với một trái tim mở rộng.

    Thiền sinh trong khóa tu được yêu cầu tham dự mọi sinh hoạt của thời khóa. Thiền tập sẽ được áp dụng trong mọi sinh hoạt hằng ngày như thiền hành, thiền tọa, tụng kinh, pháp đàm, nghe pháp thoại, tập hát, ăn cơm, uống trà, chấp tác (phụ bếp, tưới cây, rửa chén, quét dọn…).

    Các thiếu nhi (6-12 tuổi) và các thiếu niên (13-17 tuổi) sẽ có chương trình sinh hoạt riêng. Mong các bậc phụ huynh cùng về tham dự khóa tu với con em của mình.

    Nền tảng của một môi trường tu học là sự hành trì Năm Giới của mỗi cá nhân; xin quý vị cùng thực tập để giữ sự thanh tịnh và trang nghiêm trong suốt khóa tu.

    Kính mong quý vị cố gắng sắp xếp thời gian để cùng gia đình về dự khóa tu năm nay tại Mộc Lan. Với sự quyết tâm tu học và sự trợ lực của Tăng thân, nhất định quý vị và gia đình sẽ gặt hái được nhiều lợi lạc.

    Sen búp xin tặng người, những vị Bụt tương lai.

    Tăng thân Tu Viện Mộc Lan kính mời.

    Tu viện vẫn tiếp tục nhận đơn ghi danh cho khóa tu tiếng Việt. Xin quý vị đăng ký sớm. Quý vị có thể gởi đơn qua địa chỉ email của tu viện: office@magnoliagrovemonastery.org. Chỉ còn ít ngày nữa khóa tu sẽ bắt đầu. (Phòng ở, khu vực cấm lều và khách sạn vẫn còn cho thiền sinh đăng ký cho khóa tu “Sức Mạnh Tình Thương”). Để biết thêm chi tiết và tải đơn xuống để đăng ký, xin đọc thêm Khóa Tu Tiếng Việt

    Giờ ngày đến và ngày đi

    Xin quý vị sắp xếp để có mặt tại tu viện vào khoảng 1:00pm trưa đến 5:00pm chiều.  Đại chúng sẽ dùng tối với nhau vào lúc 5:30pm và chương trình hướng dẫn tổng quát sẽ bắt đầu vào 7:30pm tối. Khóa tu sẽ chấm dứt sau giờ dùng trưa vào lúc 1:30pm chiều vào ngày Chủ Nhật ngày 22/09/2013.

    Vấn Đề Di Chuyển

    Sân bay gần nhất tu viện là Memphis International Airport tại Tennessee.

    Đưa và đón từ sân bay/tu viện: Nếu quý vị cần giúp về việc đưa và đón thì xin viết thông tin chuyến bay của mình trong đơn ghi danh và tu viện sẽ sắp xếp với Maxwell Shuttle Service tại Memphis, TN để đưa đón quý vị. Để tiện cho việc đưa đón, nếu được khi mua vé may bay, xin quý vị mua vé đáp xuống sân bay Memphis trong khoảng thời gian 10:00am sáng đến 3:30pm chiều và rời sân bay Memphis vào ngày Chủ Nhật ngày 22/09/2013 vào khoảng thời gian 2:00pm chiều -5:00pm chiều.

    Chỗ ở và ăn uống

    Ban tổ chức sẽ cố gắng sắp xếp cho các vị trong cùng một gia đình ở chung một phòng. Mỗi phòng sẽ có từ 6 đến 10 người, tuỳ theo số người ghi danh nhiều hay ít. Xin ghi rõ nam/nữ và tuổi tác để tiện việc sắp xếp phòng ốc. Nếu quý vị nào thích ở lều thì xin đem lều riêng.

    Tất cả các phòng ngủ đều được sưởi ấm trong mùa lạnh và máy lạnh trong mùa hè.

    Ăn Uống

    Tu viện sẽ phục vụ 3 bữa ăn mỗi ngày. Các món ăn đều là món chay. Chúng tôi không thể cung cấp thức ăn riêng cho những người có nhu cầu đặc biệt về chế độ ăn uống hoặc y tế.

    Những gì cần mang theoPDFPrintE-mail
    Chuẩn bị đầy đủ các vật liệu cần mang theo

    Thiền sinh ngủ tại Mộc Lan được khuyến khích mang theo các vật liệu sau đây để được thoải mái hơn:

    • nước chai
    • đèn pin
    • đồng hồ báo thức
    • khăn tắm, khăn mặt
    • túi ngủ
    • vật dụng cá nhân
    • dầu gội đầu
    • xà phòng
    • dù
    • giày đi bộ /giày leo núi
    • quần áo rộng, thoải mái
    • quần áo đơn giản để làm việc chánh niệm
    • quần áo ấm và giày dép, đặc biệt vào mùa đông
    • mũ hay nón để che nắng trong mùa hè; mũ ấm vào mùa đông

    • khăn ăn bằng vải dùng trong các bữa ăn
    • Nên đem ống nghe và dây nối /Head phones and extension cord để nghe thông dịch qua tiếng Anh cho các em không hiểu tiếng Việt.
    • Nếu có thể, xin quý vị đem theo áo tràng.

     

    Không nên mang theo
    Xin đừng mang vào tu viện các trò chơi điện tử, xe đạp, thú vật, các thức ăn mặn, rượu, bia, thuốc lá và các nữ trang quý giá v.v…

    Các chuyến đi xuống  phố để mua sắm không được khuyến khích..

    Tu viện Mộc Lan

    Tu viện Mộc Lan là trung tâm tu học theo truyền thống Làng Mai, được thành lập bởi Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ngày 12.10.2005 Sư Ông đã cùng các vị thân hữu địa phương đi thăm một khu đất rộng hơn 120 mẫu tây. Đây là mảnh đất do một vài vị thân hữu và gia đình nhiệt tình đóng góp để mua. Với phong cảnh đẹp và hội đủ những điều kiện thuận lợi cho việc thành lập tu viện, tháng 10 năm 2010, Mộc Lan chính thức được khởi công xây dựng và trở thành một trung tâm tu học với sự chấp thuận của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đúng với mong ước và nguyện vọng của tăng thân địa phương. Hiện tại, đã có hơn 25 vị xuất sĩ thuộc tăng thân Làng Mai đến thường trú tại tu viện Mộc Lan.

    Sự thực tập chánh niệm

    Chánh niệm là năng lượng giúp ta tỉnh thức và có mặt thực sự trong giây phút hiện tại. Năng lượng tỉnh thức này giúp ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống và chuyển hóa những gốc rễ của khổ đau trong ta.

    Trong các tu viện theo pháp môn của Làng Mai, chúng tôi thực tập theo hướng đạo Bụt Dấn thân (Engaged Buddhism), hay còn được gọi là Đạo Bụt Ứng dụng (Applied Buddhism), nghĩa là tất cả những sinh hoạt của đời sống hàng ngày đều là cơ hội để chúng tôi thực tập, chuyển hóa và trị liệu. Chúng tôi không chỉ thực tập trong khi ngồi thiền mà còn trong lúc đi, lúc đứng, lúc ăn cơm, làm việc, hay trong lúc ngồi chơi, uống trà bên nhau. Vì vậy, các bạn thiền sinh khi đến tu học cùng chúng tôi đều được tham gia vào các công việc của tăng thân như rửa chén, quét dọn, làm vườn, v.v.. Đây là những cơ hội để các bạn thực tập áp dụng chánh niệm vào đời sống thường nhật. Trong thời gian ở lại tu viện, các bạn được khuyến khích tham gia tất cả các thời khóa của tu viện, dành tất cả thời gian của mình cho việc thực tập chánh niệm.

    Ngày quán niệm

    Hàng tuần, vào thứ Năm và Chủ nhật, tu viện Mộc Lan đều tổ chức Ngày Quán niệm cho tất cả mọi người đến tham dự. Ngày Quán niệm bắt đầu từ 8h30 sáng với thời khóa thiền hành, sau đó các bạn sẽ được nghe pháp thoại trực tiếp của một vị Giáo thọ ở Mộc Lan hoặc nghe pháp thoại của Thầy Làng Mai qua băng giảng CD/DVD. Bữa trưa, mọi người sẽ ăn cơm chung trong im lặng. Thời khóa buổi chiều có thể là pháp đàm (ngồi vòng tròn và chia sẻ với nhau về sự thực tập) hoặc tụng giới (tụng Hai lời hứa (cho trẻ em); 5 Giới, 14 Giới Tiếp hiện). Nếu các bạn muốn tham dự Ngày Quán niệm thì xin thu xếp thời gian để tham gia trọn vẹn thời khóa của một ngày quán niệm, nếu có thể. Các bạn không phải đóng tiền để tham dự Ngày Quán niệm, tuy nhiên nếu muốn, các bạn vẫn có thể cúng dường cho tu viện tùy vào lòng hảo tâm của mình.

    Cơ hội đến tu học tại tu viện

    Các bạn có thể đến tu học theo thời khóa hàng ngày cùng với chúng tôi tại tu viện vào bất kỳ thời gian nào trong năm, ngoại trừ những lúc có khóa tu đặc biệt. Xin lưu ý rằng chúng tôi chỉ có thể bố trí xe để đưa, đón các bạn vào ngày thứ Sáu trong tuần; và xin đến trước 17giờ 30 nếu có thể. Mỗi sáng thứ Bảy, chúng tôi sẽ có buổi hướng dẫn tổng quát dành cho các bạn thiền sinh mới đến – đây là một buổi rất quan trọng mà các bạn cần tham dự để biết cách thực tập như thế nào cho có nhiều lợi lạc trong những ngày tu học ở đây.

    Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu muốn đến tu học tại tu viện Mộc Lan thì nên sắp xếp để có thể ở lại đây ít nhất một tuần, để giúp các bạn có thời gian làm quen với sự thực tập chánh niệm và biến sự thực tập này trở thành một phần thiết yếu trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, nếu không thể ở một tuần, các bạn vẫn có thể tham dự chương trình tu học cuối tuần, bắt đầu từ tối thứ Sáu và kết thúc vào chiều Chủ nhật.

    Chúng tôi rất mong được đón tiếp và thực tập cùng với các bạn ở Xứ sở của Giây phút Hiện tại.

    http://www.magnoliavillage.org