Nếu bạn quên mật khẩu, chúng tôi có thể tạo mật khẩu mới cho bạn.
Lễ hằng thuận
Nếu bạn quên mật khẩu, chúng tôi có thể tạo mật khẩu mới cho bạn.
Khi người ta trẻ…
Tuổi trẻ, tình yêu, lý tưởng
Trại hè đã qua được gần một tuần nhưng giờ em mới có thể đặt bút viết về bốn ngày đã qua ấy. Bốn ngày màu xanh với rất nhiều cảm xúc, với rất nhiều trải nghiệm.
Kết thúc trại hè, khi lên Facebook, thấy ảnh và statut của các sư huynh, sư tỉ, sư muội, của các bạn người Pháp nữa, em thấy vui lắm. Em đã cười và like ảnh của mọi người đến mỏi cả tay. Nhưng em thấy hơi lạ một chút khi nhìn vào bên trong mình. Sao năm nay, khi đi trại hè về, trong em lại không có những cảm xúc dạt dào để háo hức kể, háo hức khoe, háo hức chia sẻ. Và những lời cảm ơn cũng chưa được nói hết, chưa được gửi hết đến mọi người. Bây giờ, có một chút thời gian nhìn lại, em nghĩ có lẽ trại hè đã mang lại cho em nhiều điều quá nên cái đầu nhỏ bé của em vẫn chưa thể xử lý hết được thông tin. Nó vẫn cứ hỗn độn. Những gì thu nhận được vẫn cứ bay vòng vòng. Xong, có một điều rất lạ là trái tim thì có vẻ ngược lại, nó đập rất bình an. Em biết trái tim của em đã ở đó, và bây giờ vẫn ở đây với em. Em nhớ trong buổi chia sẻ đầu tiên, sư cô đã nói, hơi thở giống như một người bạn. Hôm nay, nghe Thầy giảng, em biết thêm rằng trái tim cũng là một người bạn thân thiết cần được mình yêu thương, quan tâm, chăm sóc.
Trại hè năm nay là trại hè thứ ba em được tham gia. Có lẽ vì vậy nên em không còn cảm giác háo hức như trẻ nhỏ nữa, thay vào đó là một trải nghiệm sâu lắng hơn, nhưng không hề thiếu niềm vui.
Chủ đề của khóa tu năm nay là “Tuổi trẻ, tình yêu và lý tưởng”. Lạ một điều là năm nay em đã được sống trọn vẹn trong chủ đề ấy, không chỉ qua những bài pháp thoại, mà qua chính cả những quán chiếu của mình, của bạn bè xung quanh, và qua cả những câu chuyện hành lang, được truyền tai nhau như ngoại sử vậy. Thật là vui.
Tuổi trẻ
Khi nào thì người ta còn trẻ? Câu hỏi này em nghĩ cũng đơn giản nên chưa bao giờ em tìm cho mình một câu trả lời. Em vẫn cứ nghĩ là mình còn rất trẻ, vì diện mạo bên ngoài, vì tính cách, vì tuổi tác. Nhưng qua khóa tu em đã nhận ra.
Hình như tuổi trẻ không có đơn giản như vậy. Nhìn vào người chị lớn, người bạn lớn của mình đã đem năng lực chuyển ngữ ra để giúp mọi người hiểu nhau, giúp xóa đi sự ngăn cách của tiếng nói mà thấy được tiếng lòng của nhau; nhìn vào người anh của mình, vì tâm niệm mong muốn mọi người được hiểu nhau, gắn kết với nhau, đã đem hết sự nhiệt huyết làm hoạt náo viên cho mỗi buổi chuyện trò; nhìn những người bạn nhỏ tóc đen trò chuyện, cười, chơi với những người bạn cao lớn tóc vàng, mắt xanh… Nhìn vào những điều đó, em thấy tuổi trẻ.
Khi người ta trẻ, người ta sẵn sàng vượt thoát mọi rào cản, vượt thoát mọi phân biệt để mà được hiểu thêm, được biết thêm về nhau, về con đường mà mỗi người đang tìm kiếm và để có thể chia sẻ với nhau những ấp ủ của riêng mình. À, vậy là tuổi trẻ là cái tuổi mà người ta hành động để tìm thấy niềm vui cho mình, và đem tặng niềm vui cho người khác. Vậy em tự thấy, mình giống một người già giữa khóa tu người trẻ. Nhận ra điều ấy, thú nhận điều ấy em cảm thấy không dễ, nhưng vui. Vui vì em biết rằng, sau khóa tu này, mình đã học cách để trẻ ra đúng với tuổi của mình. Và cứ sống trẻ như vậy thì sẽ rất vui.
Tình yêu
Tình yêu! Một chủ đề mà ai cũng muốn được hiểu nữa, hiểu mãi. Đi tu về, em cũng cất được cho mình một đôi điều. Thầy Pháp Tiến có chỉ cho mọi người một bí quyết, ấy là muốn tìm được một người yêu lý tưởng, thì rất đơn giản.
Mình cần là mình trước đã, cần yêu mình trước đã. Một khi vườn tâm của mình được chăm sóc sao cho cẩn thận, sao cho khéo, sao cho tươi mát thì khuôn mặt, cử chỉ của mình cũng là một bông hoa, một ngọn gió hè. Tươi mát vậy thì người nào gần mình cũng thương được mình. Nhìn sâu vào mình, họ sẽ nhận ra được sự tươi mát ấy. Điều thầy chia sẻ làm cho em nhớ tới một câu em vừa được đọc trong một cuốn sách về hạnh phúc: Bạn hạnh phúc vì bạn có nhiều bạn bè, hay chính vì bạn hạnh phúc nên bạn có nhiều những người bạn tốt? Có lẽ tình yêu đâu có phức tạp đến độ không thể có một định nghĩa cho nó.
Khóa tu cho em định nghĩa về tình yêu như thế này: Bạn thương ai đó và khi ai đó thương bạn, bạn gặp người đó, và người đó gặp bạn, bạn biết bạn thảnh thơi và người đó cho bạn biết họ cũng tự do, bạn thấy hoa nở xung quanh bạn, mây trắng trên cao, chim hót bên tai, và người đó cho bạn biết rằng, họ cũng nghe, cũng thấy được những điều ấy, rất thật, và họ mong bạn biết rằng họ hạnh phúc khi được cảm nhận những điều tuyệt vời ấy cùng với bạn, và bạn cũng tha thiết mong họ thấy được bạn cũng cảm thấy y như vậy. Hoặc đơn giản hơn, tình yêu đó là trở thành người thương của nhau, và xá chào nhau bằng ngôn ngữ của loài kiến, chạm râu vào nhau để truyền cho nhau những thông tin về thức ăn, hoặc về những mối hiểm nguy. Hoặc đơn giản hơn nữa, là khi bạn có thể bám vào hơi thở, vượt qua cảm thọ mặc cảm, tự ti, ghen tị đang lên trong bạn, để có thể cùng chia sẻ với người ấy điều tuyệt vời đang diễn ra. Hình như tình yêu có thực và trải khắp mọi trái tim.
Lý tưởng
Tuổi trẻ không chỉ là khi ta là một “vận động viên chạy vượt rào”, mà còn là một vận động viên chạy đường dài nữa. Theo kinh nghiệm của một nhà văn mê chạy đường dài mà em đọc được, người chạy đường dài cần có sức bền, sự dẻo dai, sự nhẫn nại. Mỗi lần bắt đầu chạy, niềm vui trong họ sẽ nảy nở trong mỗi bước chân, chứ không nằm ở vạch đích. Cái mà họ tìm kiếm là giới hạn của bản thân, và mỗi lần đường chạy ấy dài ra, cảm nhận về giới hạn bên trong mình của họ cũng theo đó mà lớn lên. Việc tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp những người bạn trong khóa tu đã cho em thấy, người trẻ cũng có thể là một vận động viên chạy đường dài. Người trẻ luôn đi tìm kiếm chính mình.
Em đã được nghe chị của mình chia sẻ về việc kiếm tìm điều gì mà mình thực sự muốn làm, nghe bạn của mình chia sẻ con đường mà cô ấy đã quyết tâm theo đuổi, chứng kiến công cuộc nuôi dưỡng tâm bồ đề của một người bạn thương, được nghe kể về cuộc đi tìm kiếm sự thật đích thực của một nhà triết học trẻ, và cả cuộc tìm kiếm của chính mình nữa. Qua tất cả những câu chuyện ấy, em hiểu được rằng, điều hay nhất của tuổi trẻ đó là những cuộc tìm kiếm. Khi người trẻ quyết định bắt đầu một cuộc tìm kiếm, cũng chính là khi người trẻ bắt đầu nhìn vào trong mình, lắng nghe mình, và nhìn ngắm thế giới. Khi ấy người sẽ để tất cả các giác quan của mình trong cả hai thế giới, bên trong và bên ngoài, để có thể tìm những điểm tương đồng giữa hai thế giới ấy, và nỗ lực tạo ra sự liên kết. Khi người trẻ tìm kiếm, là khi họ bắt đầu lên đường.
Nhưng trên con đường ấy, khi đã gặp được lý tưởng, không phải lúc nào người trẻ cũng giữ vững được lý tưởng ấy, mà sẽ đôi lúc cảm thấy khó khăn, cảm thấy nghi ngờ, cảm thấy rời xa lý tưởng của mình. Điều đó hẳn làm cho người trẻ trăn trở rất nhiều. Có một bạn người Pháp đã chia sẻ trong khóa tu, rằng cô ấy đang thực hiện lý tưởng sống sao cho sâu sắc. Nhưng càng nhìn sâu vào gốc rễ của những thức ăn, cô ấy thấy con người đang hủy hoại thiên nhiên bằng thuốc trừ sâu, phân bón, bằng thực phẩm biến đổi gen.v.v.. Điều đó làm cô ấy đau khổ. Và không phải lúc nào cô ấy cũng có thể mua được những thực phẩm sạch. Càng nhìn sâu, cô ấy càng thấy bế tắc.
Nhưng quý thầy, quý sư cô, các bạn đồng tu đã giúp cô ấy hiểu ra rằng, khi nhìn cho sâu sắc, ta có thể thấy được những khổ đau, những xấu xí, nhưng đừng quên nhìn những điều tích cực và tốt đẹp đang hiện hữu. Cô ấy có thể nhìn thấy thuốc trừ sâu trong đĩa thức ăn của mình, nhưng cũng không nên quên là vẫn đang có rất nhiều những nông trại trồng trọt theo phương cách tôn trọng thiên nhiên đang được sinh ra và duy trì ngày một nhiều. Những mạng lưới cung cấp rau sạch đang ngày càng mở rộng. Và chính cô ấy cũng đang góp phần tạo nên những điều đẹp đẽ đó khi chọn lựa những sản phẩm lành, khi chia sẻ cách sống của cô ấy với những người xung quanh. Điều ấy nhắc nhở em rằng, thực tập nhìn sâu một cách có chọn lọc, nhìn sâu để nuôi mình bằng những điều tích cực là một cách giúp mình, và giúp cộng đồng đi theo những hướng đẹp và lành. Những điều đẹp, lành chính là thức ăn lý tưởng nuôi dưỡng tâm bồ đề của chính mình.
Em vui lắm khi có một người bạn đã chia sẻ điều này cùng với em. Em đã cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi cậu ấy chia sẻ với em rằng: “Để có thể trở thành một người tu, không phải là cứ chơi thật nhiều những thú vui ngoài đời, để thấy những thú vui ấy tạo ra đau khổ, thì mới đi tu. Làm thế chỉ khiến mình vướng mắc nhiều hơn vào những thú vui ấy. Còn muốn nuôi được tâm Bồ Đề vững mạnh, tớ phải tu sao cho thật vui, phải tạo ra được thật nhiều niềm vui trong khi thực tập, như thế mới tu lâu dài được”. Ôi, em yêu quá sự chia sẻ này!
Và thêm một bí kíp nhỏ để nuôi dưỡng tâm bồ đề (em coi tất cả những lý tưởng: bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật, bảo vệ trái tim và tâm hồn của con người là Tâm bồ đề) do thầy Nguyên Tịnh chia sẻ, đó là không nóng vội. Tâm bồ đề là hạt giống, mình phát nguyện làm theo một lý tưởng đẹp, lành là mình đã gieo vào đất tâm của mình hạt giống Bồ đề tâm đó. Công việc quan trọng nhất là tưới tẩm, chăm sóc hạt giống ấy hàng ngày. Ngày nào cũng vào thăm, chào hỏi, tưới tẩm cho tâm bồ đề trong khu vườn, thì mình sẽ không bao giờ sợ cái hạt giống ấy bị mất đi. Vì nó có bệnh mình sẽ biết, nó bị khô mình cũng sẽ cảm nhận được, và mình sẽ luôn chăm sóc được nó. Hạt cây nào được chăm chút và yêu thương sẽ không bao giờ từ chối nảy mầm và lớn lên.
Khóa tu tuy đã khép lại rồi nhưng như thầy Nguyên Tịnh chia sẻ, chúng con có đủ hạnh phúc, đủ củi để xài, có lẽ là cho rất nhiều mùa lạnh nữa.
Em viết thư gửi những người thương, nhưng cuối cùng lại lan man kể chuyện. Nhưng khi kể, em được sống lại thêm một lần nữa những ngày hạnh phúc ấy. Em không biết nói gì cả, chỉ là, em cảm ơn các anh, các chị, các bạn, các em, cảm ơn mọi người đã ở đó, thật trọn vẹn.
Con cảm thấy biết ơn rất nhiều!
(TB: Em biết là tiêu đề và bài viết không được liên quan lắm, nhưng cảm nhận của em về trại hè cũng có thể diễn tả qua cái tên ấy. ^^)
(Chia sẻ của bạn Tâm Thiện Hạnh)
Tình bạn, tình huynh đệ
Khi ngồi viết lại những dòng cảm xúc và kỷ niệm này thì cuộc sống thường nhật đã dần làm cho các chi tiết trong các câu chuyện không còn rõ ràng nữa. Nhưng có một điều vẫn còn rất đậm nét, đó chính là tình bạn, tình huynh đệ quý giá mà chúng tôi đã có được sau khóa tu.
Có lúc mọi người gọi là khóa tu, có lúc mọi người gọi là trại hè. Cũng đúng, vì đây là một khóa tu rất đặc biệt, dạt dào sức sống và có rất nhiều hoạt động sôi nổi bên cạnh những thiền tập lắng dịu khác. Khóa tu năm nay diễn ra vào dịp lễ Pentecote (lễ Hiện Xuống của đạo Cơ Đốc). Lễ này mọi người được nghỉ ngày thứ hai, thành ra khóa tu kéo dài được ba ngày: thứ bảy, chủ nhật và thứ hai. Từ chiều thứ sáu đã có nhiều bạn trẻ đến thiền đường Hơi Thở Nhẹ, tôi cũng đến chiều thứ sáu sau một ngày thực tập tại bệnh viện.
Khi vừa bước vào khuôn viên của Hơi Thở Nhẹ đã thấy một số bạn người Pháp có mặt trước đó. Các bạn đang thảnh thơi thưởng thức không gian của nơi đây. Một bụi hoa hồng nằm trên đồi vừa đúng dịp khoe đủ màu sắc: trắng, hồng và tím, chứng tỏ rằng đây đúng là mùa xuân. Chiều thứ sáu là ngày chuẩn bị (ngày đón khách), thời khóa không nhiều. Sau khi được ăn picnic dưới tán cây, mọi người đi chuẩn bị chỗ ngủ, các bạn nam ở lều và các bạn nữ nghỉ trong thiền đường. Khóa tu năm nay các sư cô ủy thác nhiều tin tưởng cho các bạn trẻ Việt Nam, sự chuẩn bị đã bắt đầu từ trước đó. Một số công việc như thiết kế poster, viết bài giới thiệu khóa tu, biên soạn sổ tay khóa tu, thông báo và gửi lời mời tới các bạn trẻ gần xa được giao cho các bạn trẻ thực hiện. Tối hôm đó, có một lớp thủ công của các bạn trẻ Việt làm việc hăng say tới tận đêm tại thiền đường. Sổ tay khóa tu đã kịp in ra nhưng chưa đóng thành cuốn, thế là các bạn hì hục, mỗi người một công đoạn hoàn thành rất nhanh những 100 cuốn sách. Có một vài chỗ in sai trong sách, nhưng không ai lấy làm phàn nàn khi ngồi sửa tay lại cho từng cuốn. Không có một lời phàn nàn nào hết.
Mỗi ngày đều bắt đầu bằng việc ngồi thiền từ sáng sớm, 6 giờ 15 (vậy là rất sớm ở Pháp, nhất là với các bạn trẻ). Buổi sáng mùa xuân, khí trời còn hơi lạnh nên ngồi thiền buổi sáng rất thanh tịnh. Sáng nào cũng vậy, vừa ngồi thiền xong là kịp nghe chim hót, những chú chim vừa thức giấc. Hầu như tất cả các bữa ăn đều được diễn ra trong vòng tròn, dưới một gốc cây lớn trên đồi của thiền đường Hơi Thở Nhẹ; một số buổi khác ăn cơm picnic theo gia đình làm việc hay pháp đàm. Buổi ăn sáng diễn ra trong im lặng vì còn là giờ im lặng hùng tráng. Nhiều lúc có tiếng xì xào nho nhỏ (các bạn người Pháp có vẻ thực tập tốt hơn các bạn người Việt). Trước mỗi buổi ăn trưa đều có đọc lời quán nguyện và ăn cơm im lặng, để thực tập lòng biết ơn tới muôn loài. Việc ăn cơm với lòng biết ơn đã gợi cảm hứng cho rất nhiều bạn, nhiều bạn sau đó đã chia sẻ về hình ảnh sư cô trụ trì ăn cơm chậm rãi, hạnh phúc, tràn ngập lòng biết ơn đã đem đến cho các bạn rất nhiều ấn tượng và ngưỡng mộ. Bạn Quỳnh đến từ Phần Lan còn chia sẻ rằng bữa ăn sáng đầu tiên với mứt và bánh mì tại đây, bạn thấy dở, không có vị gì. Vậy mà khi nhìn sư cô ăn chậm rãi, từ tốn, thành ra bạn cũng tập và ăn rất hạnh phúc.
Khóa tu năm nay có tên là Tuổi trẻ, tình yêu và lý tưởng, lấy cảm hứng từ một cuốn sách của Sư Ông. Thứ bảy, ngày đầu tiên của khóa tu có một buổi hướng dẫn tổng quát (do sư chú Trờ Đại Giác, sư cô Hạnh Nghĩa, sư cô Lực Nghiêm chia sẻ) nhằm giới thiệu các phương pháp thực tập tới các bạn. Chiều tối hôm đó, các thầy và các sư cô còn cho “ra lò” sự thực tập theo nhóm (workshop) để mọi người lựa chọn, như lớp Thiền trà, lớp Thương mà không bị thương, lớp Ôm ấp cảm xúc mãnh liệt v.v.. Con đã dự lớp sau cùng của sư cô Giác Nghiêm, rất sâu sắc, sư cô đã chia sẻ cuộc đời và sự thực tập của mình, chạm tới trái tim của các bạn trẻ tham dự.
Ngày hôm sau, thầy Pháp Tiến và sư cô Đào Nghiêm chia sẻ về Tuổi trẻ, tình yêu và lý tưởng. Các bài pháp thoại, nếu được cho bằng tiếng Việt thì có chị Tần, em Hà dịch sang tiếng Pháp rất trôi chảy, nếu bằng tiếng Pháp thì sẽ có thông dịch cho nhóm nhỏ sang tiếng Anh hay tiếng Việt. Chiều hôm đó có một buổi chia sẻ về 5 giới của các bạn trẻ: 2 bạn người Pháp, 2 bạn người Việt và một bạn người Thụy Sỹ. Sư chú Trời Đại Giác làm người dẫn chương trình. Con được mời chia sẻ về giới Bảo vệ sự sống. Vào buổi chiều mỗi ngày đều có pháp đàm theo gia đình và theo ngôn ngữ: Việt riêng, Pháp riêng. Ngày cuối cùng, có một buổi vấn đáp với không chỉ các thầy, các sư cô mà còn với các bạn thiền sinh nữa. Không khí đầm ấm của một đại gia đình tâm linh được duy trì suốt khóa tu.
Một trong những điểm rất tuyệt vời của khóa tu này mà tôi rất tự hào, đó chính là tinh thần đồng đội giữa các bạn Pháp và Việt. Mặc dù gia đình pháp đàm được chia ra theo ngôn ngữ nhưng khi chấp tác thì các bạn cùng nhau làm việc, không phân biệt màu da, ngôn ngữ. Có tất cả 4 gia đình chấp tác, luân phiên làm các công việc như rửa nồi, chuẩn bị đồ ăn, dọn thiền đường, quét dọn, cọ rửa nhà vệ sinh, cắt gọt. Mỗi gia đình có một sư cô phụ trách hướng dẫn công việc. Điểm sáng tạo năm nay là mỗi gia đình có anh hai, hoặc chị hai (hay còn gọi là staff – người điều động, hướng dẫn công việc) để phối hợp làm việc. Trước mỗi buổi làm việc đều có hát thiền ca. Trong khi làm việc thì luôn rộn tiếng cười và có cả chụp hình nữa. Làm xong công việc mà còn dư thời gian thì gia đình này còn qua phụ gia đình khác nữa. Đó đúng thật là: không đi đâu nữa, có chi để làm, … mà thấy chi cũng làm.
Các bạn trẻ có một ngày cùng nhau chơi trò chơi tập thể. Những trò chơi rất đơn giản như truyền nước cũng đủ làm mọi người hào hứng và hạnh phúc. Các sư cô và các bạn trẻ Việt Nam còn hướng dẫn nhảy sạp để mọi người cùng tham gia. Các bạn người Pháp đã sáng tạo không biết bao nhiêu là kiểu nhảy mới. Tối hôm đó mọi người được đi thiền hành theo kiểu “tin tưởng”, nghĩa là một người sẽ nhắm mắt và tin tưởng hoàn toàn vào người bạn đồng hành của mình. Ai ai cũng cảm nhận rằng đi thiền hành kiểu này hay quá, như mình trải nghiệm một thế giới khác vậy. Về tới thiền đường thì mọi người ngồi quây quần bên ngọn lửa hồng giữa trời đêm và nghe hô chuông đại hồng.
Phải công nhận là các sư cô đã tạo cho người trẻ rất nhiều hoạt động, và các hoạt động ấy đều nằm trong sự thực tập. Tất cả mọi người đều vui chung một niềm vui, chơi hết lòng nhưng không quên giữ gìn sự thực tập và trân quý giây phút hiện tại. Ngày cuối cùng, buổi chiều có Be in. Đại chúng ngồi thành vòng tròn để nhìn mặt nhau cho rõ. Đông lắm, chắc được cả tám, chín chục người. Nhìn mặt ai cũng thấy thân quen. Những lời biết ơn đã được nói ra thật nhiều. Gia đình làm việc này cám ơn gia đình còn lại, đã yểm trợ lẫn nhau, rồi cám ơn các sư cô, cám ơn gia đình bàn trà (tea team) cũng như các bạn thông dịch. Mọi người cũng chia sẻ nhiều bài hát với nhau, một trong những bài hát của khóa tu là: There is true love right here. Bài hát đó đã miêu tả đúng không gian lúc đó. Ai cũng cảm thấy tất cả đã hòa làm một, không còn sự phân biệt, không còn ranh giới Việt hay Pháp, da vàng hay da trắng, da đen, ngay cả tuổi trẻ và tuổi không còn trẻ nữa. Minh chứng là khi các bạn Việt mở màn thách đố các bạn Pháp và hát bài Em là bông hồng nhỏ, đáp lời các bạn Pháp hát tặng bài Au claire de la lune. Chưa hết, các bạn trẻ thách thức các sư cô hát đáp lời, sư cô Giác Nghiêm dẫn đầu đoàn hợp ca bài Le bonheur est maintenant bằng một phong cách… xìtin!
Đừng tưởng đó đã là chia tay. Khóa tu kết thúc mà không một ai muốn về, hầu hết mọi người đều ở lại góp một tay giúp các sư cô dọn dẹp thiền đường. Các bạn dọn dẹp và thu xếp hành lý xong thì được các thầy và sư cô mời trà thưởng công. Lại một vòng tròn xinh đẹp dưới gốc cây xanh, các bạn trẻ ngồi thành vòng tròn xen giữa các bóng áo nâu. Những gương mặt, những cái tên như: Pierre, Giang, Quỳnh, Lorraine, Monica, Cedric, Lenny, Valentina… và nhiều nhiều nữa mới đây còn xa lạ mà giờ đã thân quen. Dẫu vẫn chưa biết bạn ấy tên họ đầy đủ là gì, bao nhiêu tuổi, làm nghề gì v.v.. nhưng vẫn gợi lên trong nhau những tình cảm thân thương và tin tưởng. Giây phút ấy là một giây phút rất đẹp, và có phần thiêng liêng.
Xin kết thúc bằng hình ảnh buổi chiều chia tay, trong ánh hoàng hôn vàng rực rỡ, trên bãi cỏ xanh và dưới tán lá huyền diệu, có một nhóm bạn trẻ cùng các bóng áo nâu, nghe theo lời Sư Già (tên gọi thân mật của sư cô Gia Nghiêm) mà cúi đầu cám ơn bóng cây to đã che chở những ngày qua.
(Chia sẻ của bạn Quảng Đăng)
Người bạn trung thành
Mình vừa ở một chỗ cực kỳ tuyệt vời đi ra nên tự thấy cần phải ghi lại vài dòng. Văn mình viết bằng cảm xúc nên làm càng nhanh sẽ càng đỡ chán. Mình đã trải qua 3 ngày cực kỳ tuyệt vời cùng với những người cực kỳ dễ thương. Phải nói là có rất nhiều điều thú vị, kể ra thì chắc tốn nhiều giấy lắm.
Buổi sáng, được ngồi uống trà trong bầu không khí lành lạnh ở ngoài vườn, thưởng thức tiếng chim, tiếng gió. Đến buổi trưa, mọi người đi thiền hành dọc bờ sông Marne, mình quyết định đi chân đất, không mang giày dép. Đi lên trên cỏ dọc bờ sông mà cảm thấy mát lạnh. Rồi còn được bịt mắt, có một người cầm tay dắt đi. Bình thường người ta hay dùng mắt nhiều hơn các giác quan còn lại. Khi bịt mắt lại thì cảm nhận được nhiều thứ hơn. Tai nghe được rõ tiếng chân người đi bên cạnh.
Buổi tối tất cả mọi người ngồi bên bếp lửa, cùng nhau hát, nghe hô chuông Đại Hồng. 21h30 là giờ đi ngủ rồi mà mọi người vẫn còn ngồi đến tận 23 giờ mà chưa chịu chia tay cái bếp. Sáng hôm sau, 5h30 là giờ thức chúng rồi.
Thức ăn do các cô, các bác nấu thì cực kỳ ngon, tuyệt vời hơn là được ngồi trên triền cỏ cùng ăn với các bạn dễ thương của mình. Có bạn ngày đầu mình nhìn mặt chẳng thấy cười gì cả, nhưng đến ngày cuối mình để ý, trên mặt lúc nào cũng như đính một bông hoa tươi ơi là tươi. Rồi có bạn đi thiền hành mà như khiêu vũ, có bạn buổi tối nằm dài trên đất rồi làm những động tác buồn cười lắm. Có lẽ bên trong các bạn vẫn còn lại những đứa trẻ hồn nhiên của ngày xưa. Đã lâu rồi nó không được ra ngoài. Đến hôm nay thì nó được tự do, tha hồ bay nhảy.
19h là kết thúc thời khóa Be-in, thời khóa cuối cùng trong ngày, mọi người sẽ chia tay nhau và kết thúc khóa tu. Nhưng không hiểu sao đến 20h20, thầy Pháp Tiến đãi trà một số bạn ở lại dọn dẹp, mình đếm và thấy vẫn còn đến gần 40 người trong vòng tròn. Mọi người lại tiếp tục hát, thưởng thức trà và tận hưởng giây phút hiện tại. Chắc ai cũng muốn nó sẽ kéo dài mãi. Có bạn người Pháp khóc nức nở, là con trai, tưởng bạn ấy ít tuổi lắm, hóa ra là bằng tuổi mình. Mình nghĩ là bạn hạnh phúc quá ấy mà. Cuối cùng là thiền ôm. Lần đầu tiên mình được làm thiền ôm. Nhưng không phải ôm một người khác mà mình được ôm một lúc tất cả các bạn thiền sinh. Tất cả mọi người ôm thành nhiều vòng tròn bao bọc lấy nhau.
Cá nhân mình thì trong khóa tu này mình đã luôn có mặt, một lần nữa mình có thể sống sâu sắc trong giây phút hiện tại. Chẳng bận tâm đến quá khứ, chẳng lo nghĩ chuyện tương lai. Cảm giác đấy thật là tuyệt vời. Nhưng điều làm mình hạnh phúc nhất là khi nhìn khuôn mặt của các bạn khác. Có bạn thì mặt phiêu phiêu, có bạn thì toét miệng ra cười, có bạn thì lại khóc. Đúng là khi hạnh phúc thì có rất nhiều cách để biểu hiện ra ngoài.
Sau khóa tu, mỗi bạn đều nhận ra được một người bạn trung thành của riêng mình. Đó là hơi thở. Quay lại với đời sống hàng ngày, người bạn này sẽ giúp cho các bạn giảm được những căng thẳng, những cảm xúc tiêu cực. Các bạn sẽ trở thành những bông hoa tươi mát hơn trong cuộc sống. Hy vọng sau khóa tu các bạn sẽ sống sâu sắc được với cuộc đời của mình hơn. Tận hưởng được tuổi trẻ. Tuổi trẻ ngắn lắm, nó chỉ dài bằng một lần nhắm và mở mắt thôi.
Hẹn gặp lại mọi người sang năm!
(Chia sẻ của bạn Tâm Đức An Lưu)
Một số hình ảnh của khóa tu:
Để xem thêm hình ảnh của khóa tu, xin bấm vào đây: https://picasaweb.google.com/118108279222779384136/235A2552015RetraiteDesJeunesALaMaisonDeLInspir?authkey=Gv1sRgCM2J4ZbI-baHaA&feat=email
Phiên chợ ngày mưa
Theo thông lệ mỗi năm, cứ vào đầu mùa xuân, thiền đường Hơi Thở Nhẹ lại nao nức tổ chức Chợ phiên với nhộn nhịp hàng quán để giới thiệu các món ăn đặc sản của vùng miền cho bạn bè thân quen từ khắp nơi về thưởng thức.
Và đây là lần thứ năm các sư cô trẻ cùng tăng thân đã tạo nên một nét đặc thù độc đáo không thể thiếu trong sinh hoạt của Hơi Thở Nhẹ: một nét văn hóa ẩm thực được lồng vào với biết bao tình thương, bao hăng say nhiệt tình đóng góp công sức và sự đoàn kết một lòng của cả một tăng thân. Thật cảm động và ấm áp vô cùng! Nó làm cho con tim mọi người xao xuyến, bồi hồi!
Bốn lần chợ phiên trước trời nắng ráo và đẹp nên quang cảnh phiên chợ thật vui tươi, thơ mộng, có gió hiu hiu, nhè nhẹ, có quán ” trà thiền” cạnh vườn lá xanh um, có ông đồ ngồi cho con chữ, có gánh hát rong hát nghêu ngao đây đó ….Nhưng năm nay, trời đã mưa nặng hạt ngay từ sáng sớm! Lòng chúng tôi hơi “gợn buồn” cho một ngày Chợ phiên không may, song lại tự an ủi: không sao, trời mưa để thử thách lòng người. Những ai đến với phiên chợ Xuân trong mưa gió hôm nay thì đúng là với tất cả tấm lòng. Cả người mua lẫn người bán đều thật trân quý, thật đáng ngưỡng mộ!
Vừa bước chân đến cổng đã thấy lều được dựng lên để che mưa cho khắp một sân gạch lớn phía trước. Chúng tôi chợt hiểu đây là công sức của các sư cô, các cháu trẻ và một số bạn ở gần thiền đường Hơi Thở Nhẹ đã vào làm suốt ngày thứ bảy, lòng biết ơn dâng lên trong lòng!
Vào đến sân gạch thì đã thấy bày biện hàng quán dài theo hai bên. Các món ăn đã được đặt sẵn trên bàn. Ban tổ chức thật chu đáo, ghi sẵn bảng giới thiệu “thương hiệu” đặc sản của từng vùng miền như bánh cuốn Chợ Lớn, phở xào Thái, xôi Hương Việt, đũa thần kẹp sườn núi, cà ri Lào, bánh bao, bánh giò, bánh đúc, bánh canh, bánh khúc, xôi nếp than, bì cuốn, bánh crêpe, bánh khoai chiên lăn bột, mắm thái, tương hột … Chỉ nhìn cách trình bày đã thấy hấp dẫn, lôi cuốn thực khách rồi.
Mở nhẹ cửa để vào trong thiền đường, đại chúng sẽ cảm nhận ngay được một không gian trà thiền với trà chủ là sư cô Phùng Nghiêm đang ngồi thảnh thơi pha trà tiếp khách. Đã có khá đông trà giả ngồi yên để thưởng thức hương vị đặc biệt của chén trà nóng và nhất là để năng lượng bình an, nhẹ nhàng đi vào tận đáy lòng. Sư cô còn trang hoàng những bức thư pháp của Sư Ông thật trang nhã bên cạnh những chậu cây cảnh làm tăng vẻ thiền vị, thanh thoát. Văng vẳng có tiếng nhạc nhẹ nhàng, trầm bổng như đưa ta vào cảnh giới an lạc, giải thoát. Thật tuyệt vời!
Trong số các vị trà giả, chúng tôi chợt khám phá ra sự có mặt của một giáo sư đã dạy chúng tôi từ hơn 50 năm ở trường nữ trung học Gia Long ngày xưa: cô Trần thị Kỳ mà nhân cách và lòng tận tụy của cô đã khiến tất cả học trò đều rất thương kính. Cô giáo tôi đã 84 tuổi và cũng là đệ tử hết lòng kính trọng Sư Ông. Hôm nay trời mưa như vậy mà cô và cả gia đình (bốn người) đều lặn lội đến, lại còn rủ thêm hai vợ chồng một người học trò cũ đến tham dự ngày Chợ phiên làm chúng tôi vô cùng xúc động và bất ngờ.
Anh trưởng đoàn hát rong Ứng Long của chúng tôi rất nhiệt tình cho ngày chợ phiên. Cả hai anh chị đều hăng say đóng góp. Chúng tôi gọi đùa đây là một “cặp đôi hoàn chỉnh”. Anh đàn, chị hát, kẻ tung, người hứng thật nhịp nhàng và thường xuyên có mặt tu tập cũng như đóng góp công sức cho Hơi Thở Nhẹ.
Các anh chị không có mặt ở phiên chợ thì đóng góp tài chánh hoặc đặt mua thức ăn nhờ đem đến bán. Các anh chị em ở gần đây, và nhất là các cháu trẻ như Giang, Quốc, Kính, Mỹ Xuân, Khánh Tần và Liên cũng hết lòng, vào từ sáng thứ bảy để dựng lều. Công việc dựng lều thật khó khăn và phức tạp. Các cháu còn làm mọi việc khi các sư cô cần đến. Các anh chị em còn lại thì mỗi người phụ trách một món ăn để trổ tài nấu nướng. Ai nấy đều hoan hỉ, vui vẻ đảm nhận phần việc của mình.
Khi mới đến, nhìn hàng quán la liệt với bao nhiêu thức ăn, mọi người đều lo và thì thầm bảo nhau: sao có vẻ người bán nhiều hơn người mua, mưa như thế này chắc hàng quán ế ẩm, không người đến mua thì tăng thân mình phải ăn hết quá! Sư cô Tráng Nghiêm đã an ủi đại chúng: các cô chú đừng lo, mưa có nhiều nước tức là mình sẽ có nhiều tiền, vì “tiền vô như nước” mà. Bằng ngược lại không có nhiều khách thì tăng thân mình tự đãi nhau một bữa cho thịnh soạn, cũng chẳng sao, miễn vui là chính (hay chín), còn có thêm nhiều tiền mới là mười thôi! Sư cô luôn là một cây hài hước làm cho mọi người cười vui.
Đứng trong nhà bếp trên lầu nhìn xuống, chúng tôi thật vui khi thấy rằng mặc dù trời mưa nhưng dòng người đến tham dự chợ phiên ngày càng đông, đa số là người Pháp. Có một số các bạn từ Nantes cũng đã không quản ngại xa xôi lên tận Paris để chung vui với tăng thân Hơi Thở Nhẹ.
Năm nay sư cô trụ trì Giác Nghiêm và sư cô Đào Nghiêm phải đi tổ chức khóa tu ở xa nên vắng mặt. Do vậy sư cô Gia Nghiêm đã thay mặt sư cô trụ trì khai mạc Chợ Xuân.
Gần 12 giờ trưa, sư cô Gia Nghiêm thỉnh ba tiếng chuông để tập họp đại chúng . Tăng thân cùng nhau hợp ca bài Đón Xuân. Tiếp theo, sư cô Gia Nghiêm hát một bài tiếng Anh và Phiên chợ bắt đầu.
Gian hàng đầu tiên do em Minh Thúy phụ trách bán bánh pâté chaud và chả giò. Em Mỹ Vân nhanh nhẹn với những cuốn bò pía thật hấp dẫn. Ngọc Trinh với bánh bao, bánh giò. Mộc Duyên thật khéo với món xôi vò vừa tơi, vừa mềm dẻo và ngon, ngoài ra còn phụ trách thêm món bánh khúc, xôi nếp than do Ngọc Trinh làm.
Gia đình chúng tôi đóng góp món bún sườn núi (hay sườn non) ướp sả nướng và món bánh mì mà các sư cô đặt cho cái tên thật oách là ” đũa thần kẹp sườn núi “. Thật ra đây chỉ là “bánh mì kẹp chả, kẹp cả dưa leo” mà thôi!
Bên trái chúng tôi là chị Linh Thoại với món phở xào Thái. Kế đến là em Hoa xinh xắn trong chiếc áo tứ thân màu đỏ rực đang sốt sắng phục vụ khách hàng món bì cuốn và bánh đúc do chính tay em làm.
Cuối cùng của dãy bàn chúng tôi là Huỳnh Anh cùng cô em gái phụ trách món bánh cuốn Chợ Lớn thật khéo tay, nhìn rất hấp dẫn!
Bên phía đối diện có Mỹ Xuân phục vụ món cà ri Lào, bánh mì và món bánh canh do chị Ngọc Anh phụ trách. Kế đến là gian hàng bánh khoai và chuối tẩm bột chiên do các cháu: Thúy Nga, Ánh Ngọc, Quỳnh Hoa, Hạnh Trâm, Thảo và Liên v.v.. đảm nhận, vừa chiên tại chỗ vừa bán nên thật đắt hàng, không kịp phục vụ khách hàng. Mãi đến chiều vẫn còn khách đặt hàng. Sau hết là gian hàng bánh crêpe cũng làm tại chỗ, bánh nóng hổi vừa thổi vừa ăn do Alexandra làm chủ bếp.
Riêng món cà phê Việt Nam do anh Vũ phụ trách. Giờ phút chót, vì phải chở gia đình của một sư cô ra phi trường nên đành hủy bỏ. Anh trưởng lão Chân Linh Nhĩ của tăng thân vớt vát lại bằng cách quảng cáo chỉ bán cà phê mà không bán nước. Mỗi người, sau khi mua một gói cafê thì tìm đến sư cô Phùng Nghiêm thỉnh nước cam lồ rồi tự pha để uống. Đại chúng đều hoan hỷ thực hành. Không ai kêu ca, phiền trách.
Nét đặc trưng của phiên chợ xuân là du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tà áo dài thướt tha đầy màu sắc cũng như những tấm áo tứ thân đỏ thắm rực rỡ của các cô, các chị, các cháu gái bán hàng, làm tăng vẻ duyên dáng, đằm thắm cho phiên chợ.
Và đúng như lời tiên tri đoán quẻ buổi sáng của sư cô Tráng Nghiêm, chỉ trong vài giờ ngắn ngủi, bao nhiêu bánh trái, đồ ăn đều được khách du xuân trong ngày mưa tiêu thụ tại chỗ hoặc mua về nhà hết sạch.
Ai nấy mặt mày hớn hở, nụ cười “la vache qui rit” đang rộng mở trên mắt, trên môi mọi người. Có lẽ thấy tăng thân Hơi Thở Nhẹ thật dũng cảm và bình an trước mưa gió nên trời cũng cảm phục và không còn dầm dề như sáng nữa. Buổi chiều bỗng dưng trời đẹp lạ lùng, ánh nắng lung linh qua từng cành cây, ngọn cỏ.
Nhờ vậy các trò chơi nhân gian được khởi đầu thật vui nhộn và hào hứng với những phần quà của ban tổ chức. Các trò chơi bịt mắt đập bong bóng, nhảy sạp, tìm đoán người thân qua những nắm tay đã thu hút đại chúng nhiệt tình cổ vũ.
Những người thắng giải được quà cười sung sướng, nhất là các bạn người Pháp, thật vui và hạnh phúc với thành quả mình đạt được!
Đúng 15 giờ, đoàn hát rong cùng nhau trình diễn trong không khí thật ấm cúng, thân tình. Mọi người đều cảm nhận một niềm hân hoan, ấm áp lạ thường. Có lẽ cơn mưa ban sáng đã làm mọi người gắn kết và cảm thông nhiều hơn khi cùng tập trung vào căn lều tâm linh thắm đượm tình huynh đệ.
Cả hai tăng thân Pháp – Việt đều cùng chau chia sẻ những bài hợp ca, đơn ca hoặc ngâm thơ để nói lên niềm hạnh phúc đơn giản bây giờ và ở đây. Mọi người đang thật sự tận hưởng những niềm vui nhẹ nhàng, trong sáng và quý hiếm, vì mỗi năm chỉ có một ngày chợ phiên.
Giờ vui rồi cũng qua mau. Mọi người chuẩn bị chia tay sau màn văn nghệ, riêng các cháu trẻ vẫn còn ở lại để phụ các sư cô dọn dẹp, quét tước. Sự ngăn nắp, chỉn chu và thanh tịnh lại trở về nơi chốn thiền môn.
Qua năm lần chợ phiên, chúng tôi đã tìm ra được một điều tưởng như bình thường nhưng lại quá tuyệt vời của tăng thân. Các sư cô tuy còn rất trẻ nhưng lý tưởng phụng sự luôn đong đầy, nhiệt tình luôn cháy bỏng. Dù bất cứ khó khăn, trở ngại nào nhưng vẫn thấy nụ cười nở trên môi, vẫn thong dong, vững chãi, vẫn giản đơn với nếp sống thiểu dục tri túc chốn già lam. Điều này đã tạo niềm tin yêu và hạnh phúc cho thiền sinh tu tập biết bao nhiêu!
Một tăng thân với những bước đi tuy chậm nhưng vững chắc lại thêm được trẻ hóa bởi người trẻ càng ngày càng đến tu tập đông hơn, năng động hơn. Điểm son nổi bật là sự dấn thân, đóng góp âm thầm không mệt mỏi của các cô chú lớn tuổi cho những việc không tên của đại chúng ở đây và của Làng từ bao năm qua và bây giờ đã có sự tiếp nối xứng đáng.
Mọi người đã biết quên đi cái ta nhỏ bé để hòa vào việc chung của tăng thân, của thiền đường Hơi Thở Nhẹ. Dường như trong mỗi giọt nắng, giọt mưa hôm nay đều chứa chan tình người, tình bạn, tình anh em, tình thầy trò với sâu nặng nghĩa tình, ấm áp thân thương!
Và cứ thế mỗi năm, qua từng phiên chợ xuân, tình huynh đệ của tăng thân Hơi Thở Nhẹ chúng tôi lại thêm đậm đà, bền bỉ, gắn kết keo sơn.
Chợ phiên Xuân đã qua rồi
Mà bao kỷ niệm bồi hồi còn vương!
Ngày 5-5-2015
Viết để thương tặng tăng thân Hơi Thở Nhẹ yêu quý!
Xem thêm hình về Phiên chợ tại Thiền đường Hơi thở nhẹ: https://plus.google.com/photos/118108279222779384136/albums/6144945225712107425?banner=pwa&authkey=CNTFkqmrvoHj4QE
Tay Thầy trong tay con
Niềm vui khi thu đến:
Hằng năm, cứ tầm độ đầu thu là thiền đường Hơi Thở Nhẹ tổ chức những khóa tu ngắn ngày dành cho các bạn trẻ và các bạn “ít trẻ”. Vậy là tôi liên tục có cơ hội để thực tập cùng tất cả các bạn. Khóa tu ba ngày cho người trẻ (05- 07/09/2014) và tiếp theo là khóa tu hai ngày cho người “ít trẻ” (04-05/10/2014).
Chủ đề của khóa tu là: “Tay Thầy Trong Tay Con” khóa tu này đã đem đến nhiều sự ngọt ngào, thương yêu và chuyển hóa trong lòng mọi người. Những ngày tu học bên nhau thật vô cùng quí báu. Chúng tôi đã sống rất sâu sắc và tu tập hết lòng trong từng giây từng phút. Nhất là khi nghĩ đến Thầy Tôi, vậy sống làm sao cho xứng đáng với công ơn của Người.
Lần này, tôi thật sự nếm được pháp vị. Nó quá ư là thiêng liêng qua hai ngày tu Chánh Niệm. Thông điệp của khóa tu lúc nào cũng hiện rõ trước mặt: “Tay Thầy Trong Tay Con”. Thầy ơi! Có lời nào để bày tỏ được hết tấm lòng kính yêu của chúng con đến với Thầy. Thầy luôn bên cạnh chúng ta để dạy dỗ và thương yêu.
Tháng chín với ánh nắng nhè nhẹ, thơ mộng đã đem đến cho tăng thân Hơi Thở Nhẹ biết bao niềm vui: “Mừng sinh nhật chiếc sân gạch” xong là chúng con lại mua được thêm một chiếc lều thật to và đẹp. Từ nay, tăng thân của chúng con đã có chỗ che chắn trong những ngày tu tập cùng nhau. Đại chúng có được không gian rộng rãi ấm cúng, mà cũng vừa thoáng mát nữa.
Năm nay, thiền đường Hơi Thở Nhẹ của chúng con có nhiều cơ hội được đón tiếp quý Sư Thầy, quý Sư Cô từ Làng lên. Cho nên, tăng thân chúng con vô cùng trân quý và thấy mình may mắn. Còn Các sư cô ở đây có khá nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các khóa tu. Do vậy mọi việc được sắp xếp chu đáo từ khâu ghi danh cho thiền sinh, đến việc sắp xếp chỗ ngủ, trang trí thiền đường… Đặc biệt là khâu ẩm thực, nấu nướng, quét dọn, lau chùi v.v… tất cả đều đi vào nền nếp, vẹn toàn, chu đáo, và ai cũng có cơ hội tu học như nhau.
Trong cái không khí se se lạnh, những ngọn nến lung linh chiếu sáng cả căn lều. Đại chúng ngồi thiền chung với nhau trong niềm an lạc hạnh phúc. Sự thanh tịnh, yên ắng buổi ban mai tại thiền đường Hơi Thở Nhẹ của Paris mà lại gợi cho tôi cảm giác ấm cúng thân thương của ngày xưa. Khi tôi sinh hoạt tại một ngôi chùa nhỏ ở miền quê Việt Nam vào thời công phu sáng.
Tiếng chuông đại hồng buổi sáng thong thả ngân nga, nhẹ nhàng, thanh thoát. Tôi không thể nào diễn tả bằng lời! Chỉ có sự trải nghiệm thì mới biết được mình hạnh phúc dường nào. Ý thức sáng tỏ được thắp lên là chúng tôi chỉ có hai ngày để tu tập chung với nhau thôi. Giây phút này thật ngắn ngủi cho nên tôi luôn trân quí, cẩn trọng sống và tận hưởng những điều kiện mà mình đang có.
Niềm vui tiếp nối niềm vui:
Đến giờ điểm tâm sáng hay giờ ăn trưa, đại chúng đứng sắp hàng trong im lặng trở về với hơi thở mà không cần phải nôn nóng lấy cho xong. Lần lượt từng người rồi cũng đến lượt tôi khất thực. Nhìn quanh các cô chú lớn tuổi các anh chị em cũng như các cháu trẻ, ai cũng đang rất chánh niệm và thực tập nghiêm chỉnh. Lòng tôi bỗng sung sướng lạ kỳ!
Đến giờ làm việc chúng tôi lại hưởng một niềm vui khác. Tuy tuổi đã lớn nhưng tôi vẫn còn khỏe mạnh để có thể làm việc. Tôi được lau quét nhà cửa hay chùi dọn nhà vệ sinh cũng là điều quá sung sướng. Vì tôi ý thức mình có nhà vệ sinh để chùi, còn đầy đủ sức khỏe để làm việc…
Niềm hạnh phúc có mặt khi tôi nhận thấy mình được tu chung với nhau. Từ các bác lớn tuổi, các vị trung niên cũng như là các bạn trẻ. Các bạn trẻ luôn là người tình nguyện gánh vác những công việc nặng nhọc thay cho các cô chú lớn tuổi. Tôi cảm nghe sự ấm áp như là một khóa tu cho gia đình vậy.
Năm nay chúng con mời được thầy Pháp Cầu và Giới Đạt về hướng dẫn. Buổi pháp thoại của quý Thầy thật là ấn tượng.. Đại chúng bị chấn động và khâm phục qua cách chia sẻ của hai Thầy. Chúng tôi ngồi nghe vừa sung sướng, vừa vui mừng vì Sư Ông đã có sự tiếp nối thật xứng đáng. Giờ thiền hành đã đến, đại chúng đi thiền hành dọc theo bờ sông Marne. Tôi luôn thích là người đi sau cùng, vì để ngắm nhìn và tận hưởng hình ảnh bình an toát ra từ tăng thân.
Tôi cũng chợt nhận ra: Thầy đang nắm tay chúng ta cùng bước đi về hướng lành đẹp. Trong suốt hành trình đi về hướng ấy, Thầy cũng đã ân cần khuyên dạy chúng tôi, sự nghiệp quan trọng nhất của người tu, dù xuất sĩ hay cư sĩ là sự nghiệp xây dựng Tăng thân, nuôi lớn tình huynh đệ. Anh em dù huyết thống hay tâm linh mà không thương yêu nhau thì không làm được việc gì cả.
Vì vậy cho nên muốn nuôi dưỡng tình huynh đệ, trước tiên chúng ta phải biết nuôi dưỡng chính mình, bằng bước chân Chánh Niệm và bằng hơi thở ý thức trong từng giây, từng phút của sự sống hằng ngày. Ta đang có rất nhiều điều kiện để sống hạnh phúc. Đừng sống trong quên lãng bạn nhé! Hãy nhận diện và ý thức về nó để được sống an vui, sống hạnh phúc.
Không biết do nhân duyên phước báu nào mà chúng con được làm con của Thầy. Được khóc cười theo những gian nan khốn khó, cũng như những thành quả đạt được trong suốt chặng đường hoằng pháp của Thầy. Con đường phụng sự Thầy đã dấn thân suốt cả cuộc đời. Bây giờ đã có nhiều thế hệ tiếp nối. Các con của Thầy đã thật sự lớn, quý Thầy quý sư cô đang hành đạo giúp đời, đem an vui, hạnh phúc cho thiên hạ khắp nơi nơi.
Tạ ơn Thầy ! Thầy kính yêu của chúng con.
Mừng ngày tiếp nối của Thầy (11-10-2014)
Tăng thân Hơi Thở Nhẹ
Mừng sinh nhật chiếc sân gạch
Không hiểu sao từ khi sân Thiền Đường Hơi Thở Nhẹ được lát gạch khang trang, đẹp đẽ thì vừa bước chân vào cổng, niềm hạnh phúc dạt dào như dâng trào trong lòng mọi người. Một niềm vui nhè nhẹ cứ lâng lâng xao xuyến làm sao ấy! Thật khó diễn tả!
Không vui sao được khi cách đây một tháng, phía sân đằng trước Thiền đường vẫn còn là những lớp sàn gỗ ọp ẹp, vài chỗ đã mục nát vì mưa nắng. Vào mùa đông, khi trời tối, chỉ sơ suất một tí là trượt chân vấp té. Nhất là đối với những người “ít trẻ ” như chúng tôi thì hạt giống lo sợ lúc nào cũng mang mang trong lòng. Thế rồi không ngờ một phép lạ hiển bày! Ngày chủ nhật 31-08-2014 vừa qua, khi chúng tôi vào Thiền đường để tham dự ngày Chánh Niệm thì bỗng thấy một sự thay đổi lớn: các lớp sàn gỗ cũ đã được khiêng đi, thay vào đó, một phần ba sân đã được lát gạch mới. Đây là thành quả đóng góp công sức thật tích cực của các thầy và sư cô trẻ từ Làng lên làm giấy tờ đi Canada, nhân tiện giúp Thiền đường thay đổi diện mạo, điều mà từ lâu mọi người đều ao ước.
Và nhẹ nhàng lòng bỗng dưng vui! Hôm ấy đại chúng được nghe bài pháp thoại thật tuyệt vời của sư cô Như Hiếu. Sư cô đã chia sẻ kinh nghiệm thực tập qua những năm tháng được may mắn tu tập ở Làng và những cái thấy khi quán chiếu về khổ đau trong tự thân. Đại chúng vô cùng thích thú vì qua thí dụ điển hình của sư cô, mọi người có thể quay về tự thân mình để nhìn rõ gốc rễ của những niềm đau, những khó khăn, buồn tủi đã âm thầm gặm nhấm, dày vò mình trong quá khứ.
Sau pháp thoại, một số thiền sinh tham dự thiền hành, số còn lại ra sân giúp quý thầy chuyền gạch để lát tiếp. Chỉ có hai thầy Pháp Duệ và Pháp Bối mà gần mười người chuyền gạch liên tục mới đáp ứng kịp công suất làm việc của hai thầy. Đến giờ ăn cơm thì hơn nửa sân đã được lát xong, nhìn thoáng qua thôi mà đã thấy đẹp quá rồi. Chưa bao giờ có một đội ngũ các thầy và sư cô từ Làng lên đông đảo và làm việc hết lòng như vậy. Hạnh phúc đến thật không ngờ! Cứ nhìn những tấm áo nâu của các thầy và sư cô là lòng chúng tôi vui mừng, sung sướng quá đỗi!
Hôm ấy nhìn vào bàn ăn thấy thức ăn hơi ít mà số thiền sinh tham dự khá đông. Chúng tôi tự nhủ: không sao, chỉ ngắm sân đẹp đã đủ no rồi, nhịn ăn một buổi cũng không sao cả. Chúng tôi chỉ múc một muỗng nhỏ thức ăn và nhai thật nhuyễn thành cháo mới nuốt. Do vậy dù ăn rất ít nhưng nhờ nhai lâu nên cũng đủ no. Buổi chiều, niềm vui cứ dâng trào bất tận. Cả một tăng thân cùng nhau làm việc như một đàn kiến tha mồi về tổ. Không ai bảo ai, mỗi người tự tìm việc để làm. Người mạnh làm việc nặng: đào đất, đẩy xe cút kít đất đem đổ ra vườn sau. Người yếu thì lượm những viên đất lớn, nhỏ vừa được đào, bỏ lên xe cút kít. Đằng kia các anh chị đang cùng nhau chuyền gạch từ một góc sân đến chỗ các thầy làm việc. Và đông nhất là nhóm chuyển đá sạn từ bốn bao to khổng lồ đem đến đổ bên hông phải của sân Thiền đường.
Hình ảnh của một Tăng thân cùng làm việc trong tình huynh đệ trong buổi chiều hôm ấy đẹp và thơ mộng quá! Hình ảnh đó vẫn lung linh trìu mến trong lòng mọi người như một kỷ vật cần nâng niu gìn giữ. Một buổi chiều “huyền thoại” không bao giờ quên! Cảm động và đáng yêu nhất là hình ảnh bé Tâm An, mới sáu tuổi cũng hăng say theo mẹ làm công quả.
Cho đến xế chiều thì tất cả mọi người đều đã chuyển hết bốn bao đá sạn khổng lồ. Cả một sân lớn được lát xong, chỉ còn làm thêm con đường nhỏ cong cong từ dưới đường đi lên sân gạch và viền lại chung quanh cho thật chỉn chu, đẹp đẽ. Con đường đá nhỏ bên hông phải cũng được các thầy dùng máy cán san bằng đâu đó phẳng phiu, không còn lởm chởm, gồ ghề nữa. Đại chúng ra về tuy khá mệt nhưng nụ cười luôn tràn đầy trên ánh mắt, bờ môi. Mai đây, mỗi khi vào Thiền đường nhìn ngắm khoảng sân rộng, khang trang, bằng phẳng, đại chúng hẳn sẽ hạnh phúc mỉm cười vì mình cũng đã đóng góp một phần công sức của mình trong đó.
Ngày hôm sau, chúng tôi xin cúng dường món bún “sườn núi” (chay) ướp xả nướng để đãi các thầy và sư cô. Riêng “đệ nhị thân” của tôi thì tình nguyện làm món đồ kho truyền thống nổi tiếng cực ngon (nếu nói hơi cường điệu). Vì các hộp đựng thức ăn cồng kềnh và nặng nên chúng tôi nhờ hai bạn Tín, Thủy đến nhà chở đem vào Thiền đường. Nhờ vậy mà hai bạn có cơ hội cúng dường thêm phần ăn tráng miệng với chè đậu nước dừa và một thùng nhãn thật hấp dẫn. Vào đến Thiền đường đúng giờ ăn trưa, có Quỳnh Lan tháp tùng theo để thăm thầy Pháp Duệ (khi thầy chưa đi tu, hai anh em thường gặp nhau mỗi mùa hè ở Làng). Sư cô Phùng Nghiêm hoan hỉ báo tin có làm một cái bánh mừng sinh nhật cho Cái Sân Gạch vừa hoàn tất. Ôi! Sao dễ thương quá đi! Như vậy là từ nay ngày sinh nhật của cái sân gạch sẽ là 01-09-2014.
Tháng 9 thật đáng yêu vì ngày 03-09-1985, Làng đã ký tên mua được nhà và khu đất của Thiền đường Hơi Thở Nhẹ. Thoáng chốc đã 29 năm trôi qua! Bao nhiêu biến đổi, biết bao thăng trầm! Thầy Giác Thanh, vị trụ trì đầu tiên của Thiền đường cũng đã ra đi cách đây hơn mười năm! Bạn bè tăng thân của những ngày khởi đầu xa xưa ấy, kẻ còn, người mất, hay đã dời đổi đi xa, nay chỉ còn lại dăm ba gia đình kỳ cựu nhất: chị Bảy, anh chị Khanh, Vũ, J.Pierre và gia đình chúng tôi.
May mắn thay Thiền đường Hơi Thở Nhẹ dù đã trải qua những gian truân, khó khăn lúc ban đầu, nay vẫn còn tồn tại như một chứng tích của sự kiên nhẫn và bền bỉ vượt qua bao trở ngại. Với những người con Bụt kiên trì tu tập, lấy pháp môn chánh niệm soi sáng đời sống tâm linh của mình, luôn âm thầm khiêm cung làm việc, nguyện cùng Tăng thân xây dựng tình huynh đệ để làm đẹp mình và đẹp đời, tăng thân Hơi Thở Nhẹ đang từng bước khắc phục những khuyết điểm của mình để luôn xứng đáng với lòng tin yêu và mong đợi của Thầy và Tăng thân.
Xin cám ơn sự có mặt của ngôi Thiền đường yêu quí, cám ơn sự hình thành sân gạch khang trang, xinh đẹp, cám ơn tháng 9 nên thơ đầy nắng, và nhất là cám ơn những bạn bè thân thương mới, cũ, những tấm áo nâu giản dị, đơn sơ nhưng chứa chan nghĩa tình sâu nặng, đã giúp chúng tôi viết nên những dòng cảm xúc mộc mạc, chân tình này .
Lễ mừng sinh nhật chiếc sân gạch
Và hạnh phúc biết bao khi sáng mai thức dậy, tâm hồn nhẹ nhàng, khinh an, không phiền muộn, lòng lâng lâng thanh thản hòa cùng đất trời: cuộc sống thật đáng yêu và trân quí vô cùng! Trong tỉnh thức tuyệt vời ai biết được ta đang hạnh phúc?
Văng vẳng từ xa, dường như gió đang gửi về hai làn hương nhẹ thoảng :
Tháng 9/ 2014
Chân Bảo Nguyện
Tạ ơn Thầy trong mỗi bước chân đi
Tạ ơn Thầy chỉ dạy con tỉnh thức
Biết rong chơi theo từng bước thiền hành
Mỗi sớm mai nhẹ đi trong chánh niệm
Con nghe lòng thanh thản trọn niềm vui
Từ khi được Thầy chỉ dạy cặn kẽ về pháp môn thiền hành cùng những lợi ích thiết thực và nhất là từ lúc nghỉ hưu, con kênh đào ở gần nhà đã thật sự cám dỗ chúng tôi mỗi buổi ban mai!
Trời vừa tờ mờ sáng, chúng tôi đã ra khỏi nhà. Cùng song song sánh bước, im lặng hít thở để tận hưởng khí trời trong mát của buổi hừng đông. Suốt quãng đường dài từ nhà đến bờ kinh, cảnh vật thật yên bình, an tĩnh.
Một cơn gió mạnh thổi làm từng chiếc lá rơi rụng bên đường. Lá vàng khô đã rơi đầy đêm qua làm xào xạc khua vang trên mỗi bước chân. Bất giác chúng tôi nhớ đến bài “Nhặt lá bàng” trong tác phẩm Đôi Bạn của nhà văn Nhất Linh. Hình ảnh hai đứa bé nghèo nhặt lá bàng trong đêm khuya lạnh rét song vẫn lạy giời cho gió thổi lên để chúng nhặt được nhiều lá về sưởi ấm hoặc bán.
Lá rơi xào xạc cũng khiến ta nhớ đến bài “Tiếng thu” của thi sĩ Lưu Trọng Lư:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
Đẹp và thơ mộng! Dường như chúng tôi đang lãng mạn thì phải? Một chút thôi cho tâm hồn được bay bổng bâng khuâng!
Và cứ thế dòng nhạc trữ tình về thu lại tràn về:
Không còn mùa thu trăng rơi bên thềm
Không còn lời ru, mơ trên môi mềm
Em thơ, như mùa xuân đầu, nối dài đêm sâu …
Mở đầu một ngày mới bằng thi nhạc lãng mạn về thu kể cũng thật nên thơ, thi vị, nhưng chúng tôi chỉ cho phép mình được mơ mộng trong quãng đường từ nhà đến bờ kinh thôi.
Bởi vì chúng tôi đang nuôi dưỡng mình bằng những bước thiền hành buổi sáng. Thầy đã bao lần nhắc nhở chúng tôi phải biết nuôi dưỡng thân tâm bằng hơi thở ý thức, bằng bước chân chánh niệm và nụ cười bình an.
Đây chính là hành trang tâm linh Thầy đã ân cần dặn dò trao gửi. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ nuôi lớn thật vững chãi cuộc sống của chúng ta trên cõi nhân gian này rồi. Và như vậy chúng ta cũng đã nuôi lớn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, con cháu chúng ta sau này.
Ô kìa…! Đã đến bờ kinh! Canal de l’Ourcq yêu quí của chúng tôi đang hiện ra, đẹp lạ lùng sau gần hai tháng cách xa (chúng tôi vừa từ Việt Nam trở về)!
Vẫn hai hàng cây cao thẳng tắp chạy dọc theo hai bờ kinh, in hình dưới dòng nước trong xanh. Vẫn đó đây những đàn vịt trời bơi lội thong dong xuôi theo con nước đang chảy xiết. Và đằng xa kia, từng đàn hải âu trắng muốt đang bay liệng giữa thu không, thỉnh thoảng cất tiếng kêu vang làm xé tan bầu im lặng của buổi sớm mai. Và đẹp nao lòng những vạt nắng đan xen qua những cành lá lao xao nhè nhẹ.
Chúng tôi đứng yên khá lâu để thưởng thức bức tranh tuyệt đẹp mà thiên nhiên nơi đây ban tặng. Phải nói là chúng tôi sững sờ kinh ngạc vì bất ngờ tiếp xúc với cái diễm lệ của buổi bình minh! Hạnh phúc đến thật tình cờ khiến lòng lâng lâng như mơ màng trong mộng.
Trông từ xa, hai hàng cây cao trụi lá đang thấp thoáng ẩn hiện trong sương mù. Đẹp và hùng dũng quá! Bởi chúng đã chịu đựng suốt mùa đông giá rét với tuyết sương bao phủ, rồi phong ba, bão táp. Biết bao phen phải oằn mình với thiên tai của đất trời và vũ trụ.
Dường như trong cái đẹp để con người chiêm ngưỡng, ca ngợi luôn ẩn tàng một sự hy sinh và chịu đựng âm thầm:
Ai có thể diễn tả hết nỗi nhọc nhằn gian truân của người mẹ trong suốt cuộc đời chìm nổi của thân phận làm người?
Ai có thể đong đầy tình thương của Thầy cho quê hương, dân tộc, đạo pháp và nhất là những dấn thân không mệt mỏi của Người cho lý tưởng cao đẹp. Những gian nan, bất trắc chất chồng trong suốt cuộc đời của Người, có mấy ai thấu hiểu?
Đây chính là những đại thụ với cây cao, bóng cả luôn che mát, bao phủ nhân gian. Những cái đẹp thật vĩnh cửu để con người cúi đầu đảnh lễ!
Không ngờ những hàng cây trụi lá sừng sững giữa gió lạnh đã cho chúng tôi một bài học về sự hy sinh, nhẫn nhục thầm lặng của tình mẹ và tình Thầy!
Không gian nơi đây mênh mông quá, an tịnh quá! Chúng tôi muốn gửi không gian này về cho đồng bào ruột thịt. Đứng đây hít thở cái không khí trong lành tươi mát, chợt nhớ đến quê nhà lòng bỗng se thắt lại. Nơi xa xôi ấy, dân tộc tôi đang chen chúc trong một không gian chật hẹp, ô nhiễm, bụi bặm…
Lạy Bụt, xin cho một ngày nào đó không khí trong lành thơm tho thanh tịnh này được biểu hiện ở quê hương chúng con. Xin cho đồng bào con sớm tỉnh thức, sống nhẹ nhàng, thảnh thơi và biết bảo vệ thiên nhiên nhiều hơn để con cháu chúng con còn có cơ hội sống còn.
Chúng tôi bắt đầu từng bước chánh niệm, theo dõi thật sát hơi thở vào ra và đếm bước chân đi. Đường dài thênh thang, không gian mênh mông bát ngát mà chỉ có hai chúng tôi cùng đi, cùng thở.
Từ khi ở Việt Nam về, chúng tôi mới nhận biết rằng: chúng tôi đã quá may mắn có được một không gian trong lành tươi mát. Cẩn trọng đặt từng bước tỉnh thức trên mặt đất mà nghe hạnh phúc len dần vào cơ thể.
Nương theo bài kệ mình đã làm để dâng lên Thầy và Chư Tổ, chúng tôi thực hành miên mật từng bước chân đi, phối hợp với hơi thở vào ra. Bài kệ này luôn theo chúng tôi suốt thời gian qua để nhắc nhở chúng tôi thực tập:
Từng bước chân chánh niệm
Từng hơi thở ý thức
Từng nụ cười bình an
Đây gia tài thiêng liêng
Thầy ân cần trao gửi
Đây hành trang mầu nhiệm
Cùng Tăng thân vun bồi
Vì mỗi hơi thở vào hoặc ra chỉ bước được ba bước, chúng tôi tự chế như sau để dễ thực tập :
Từng bước chân / Đi chánh niệm
Từng hơi thở/ Con ý thức
Từng nụ cười / Luôn bình an
Đây gia tài / Thật thiêng liêng
Thầy ân cần / Thương trao gửi
Đây hành trang / Thật mầu nhiệm
Cùng Tăng thân / Con vun bồi
Hạnh phúc càng tăng khi chúng tôi chợt nhận ra rằng chúng tôi đang thực tập cùng Thầy và Tăng thân trong mỗi bước đi. Nụ cười an lạc luôn sẵn trong lòng, chúng tôi tiếp tục thực tập tiếp bài kệ mà Thầy Tổ đã thương yêu trao gửi:
Nâng niu pháp bảo nguyện hành trì
Hoa lá bên đường mở lối đi
An trú thân tâm vào giới định
Quê hương trên mỗi bước chân về
Và chúng tôi cũng phải tự chế tác thêm cho dễ thực tập như sau :
Nâng niu pháp bảo / Con nguyện hành trì
Hoa lá bên đường / Đang mở lối đi
An trú thân tâm / Đi vào giới định
Con yêu quê hương / Trên bước chân về
Ý thức sáng ngời là mỗi bước chân mình đi đang được Thầy Tổ soi rọi, dẫn lối, lòng bỗng dạt dào hạnh phúc. Vâng, chúng tôi đang đi thật thảnh thơi, vững chãi cho dân tộc, cho tổ tiên, cha mẹ và con cháu của mình
Chúng tôi cẩn trọng hơn trong từng bước chân, nhẹ nhàng và tỉnh thức để cảm nhận mình quá may mắn được bơi lội trong không gian trong lành, tĩnh mặc nơi đây. Bỗng nhớ đến bài thơ “Qua ngõ vắng” mà Thầy đã làm cách đây hơn 30 năm, nay đã được phổ nhạc thành bài hát thật dễ thương:
Qua ngõ vắng
Lá rụng đầy
Tôi theo con đường nhỏ
Đất hồng như môi son bé thơ
Bỗng nhiên tôi cẩn trọng
Từng bước chân đi.
Hóa ra Thầy đã đi những bước cẩn trọng và tỉnh thức cho dân tộc, cho nhân loại từ lâu, lâu lắm ….và Người đã ân cần nhắc nhở chúng ta phải đi như thế để tự nuôi dưỡng mình và nuôi dưỡng gia đình, tổ tiên, đồng bào…Vậy mà mãi đến bây giờ mới chợt hiểu ra, chúng tôi chỉ biết sụp lạy cúi đầu.
Chúng tôi đang nghĩ về Thầy và thầm khẽ nói:
Thầy kính yêu, chúng con đang rất cẩn trọng từng bước chân đi và luôn ý thức sáng tỏ là chúng con quá may mắn được bước những bước chân thảnh thơi, thong dong trong một không gian tươi mát, an lành nơi đây.
Chúng con thật quá hạnh phúc khi được làm con của Thầy, biết sống đủ với những gì mình đang có, luôn sống chánh niệm, tỉnh thức trong giây phút hiện tại và trân quí những ngày tháng quí báu chúng con đang được hưởng!
Mỗi lần bước những bước chân nhẹ nhàng, khinh an, thở những hơi thở trong lành, sảng khoái, chúng con lại nhớ ơn Thầy đã rèn giũa cho chúng con biết cách sống hạnh phúc như hôm nay.
Chúng con thật sự không còn là những tên cùng tử nữa. Thầy đã chỉ dạy cho chúng con những châu báu mà chúng con đang có. Mỗi sớm mai thức dậy, được thiền hành bên dòng kênh an tịnh, chúng con đã cảm nhận được sự giàu có của chúng con.
Và bây giờ chúng con mới ngộ ra rằng: chúng con đang là những “đại gia” với châu báu chất đầy thế giới!
Tạ ơn Thầy, Thầy kính yêu của chúng con !
Một ngày cuối thu 2013
Chân Bảo Nguyện
Lịch sinh hoạt tại Thiền đường Hơi thở nhẹ trong 3 tháng mùa đông
Quý cô chú cùng các bạn trẻ thương kính!
Ngày quán niệm tháng 11 vừa qua, tăng thân có thảo luận về chương trình sinh hoạt cho ba tháng mùa đông. Mọi người đã thống nhất với nhau là: sẽ tạm ngừng chương trình công phu nở đóa sen ngàn cánh của ngày quán niệm và phần thuyết trình 16 phép quán niệm hơi thở của ngày tụng giới để nghe pháp thoại của Sư Ông trong mùa an cư này. Mùa an cư năm nay SƯ Ông sẽ dạy về Duy Biểu Học, tức là dạy về sự vận hành của tâm và bản chất của vạn hữu dưới cái nhìn của Pháp Tướng Tông (một tông phái trong rất nhiều tông phái của đạo Bụt). Đây là một đề tài rất hấp dẫn cho những người có thao thức muốn tìm hiểu sâu hơn về tâm.
Riêng giới xuất sĩ được trọn vẹn ba tháng an cư mùa đông theo truyền thống nhưng Sư Ông đã từ bi mở rộng cho người cư sĩ có thể cùng tham gia vào chương trình an cư. Gọi là Tùng Đông An Cư, nghĩa là các vị cư sĩ ở tại nhà nhưng cũng tự lập ra một thời khóa biểu tu học, trong đó có phần nghe pháp thoại, vài buổi ăn cơm im lặng trong một tuần, ngồi thiền sáng hoặc tối và đặc biệt là thực tập phương pháp thiền hành miên mật hơn.
Mùa đông năm nay, Sư Ông yêu cầu giới xuất sĩ thực tập không sử dụng facebook, email riêng và hạn chế dùng internet. Mình gọi đó là giới trường và giới trường này sẽ bảo vệ chúng ta không bị các thứ hỗn tạp hiện có trên các phương tiện truyền thông gây tổn hại cho sức khỏe thân thể cũng như sức khỏe tâm hồn. Tại thiền đường, chương trình Tùng Đông An Cư đã được triển khai rộng rãi trong giới cư sĩ người Pháp trong ba năm vừa qua, năm nay số lượng người đăng kí tham gia chương trình lên đến 15000 người. Đây là một tin mừng và cũng là nguồn động viên tinh thần cho giới cư sĩ người Việt. Các sư cô cũng hết lòng mong mỏi cho tăng thân mình cùng tham gia vào tinh thần an cư của đại tăng thân trên khắp nơi để được hưởng lợi lạc từ nguồn năng lượng tập thể hùng hậu.
Đây là lịch sinh hoạt trong ba tháng tới:
- Ngày 15.12.2013: Ngày tụng giới
10.00: Tụng giới
11.45: Thiền hành
01.00: Ăn cơm trưa quá đường
14.30: Thiền buông thư
15.15: Pháp thoại
Ngày 29.12.2013: Ngày Quán niệm ( nghe pháp thoại an cư)
Ngày 12.01.2014: Ngày tụng giới (sáng tụng giới,chiều nghe pháp thoại an cư)
Ngày 26.01.2014: Ngày Quán niệm (pháp thoại an cư)
Ngày 09.02.2014: Ngày tụng giới (sáng tụng giới,chiều nghe pháp thoại an cư)
Và Tết này quý sư cô sẽ cùng có mặt tại Làng đón năm mới cùng đại gia đình tâm linh từ 29.01.2014 đến 04.02.2014
Thương chúc mọi người một mùa đông nhiều an vui và thảnh thơi
Quý sư cô kính thư.
Địa chỉ liên hệ:
Thiền đường hơi thở nhẹ – La Maison de l’Inspir
Petit Monastère situé 7 allée des Belles Vues, 93160 Noisy le Grand, dans la tradition du Maitre Zen Thich Nhat Hanh, fondateur du Village des Pruniers
Téléphone : 09 51 35 46 34
Lời tâm tình từ Hơi Thở Nhẹ
Nguyên bản: Lời tâm tình thủ thỉ của các cô chú dành cho giới trẻ đã tham dự Trại Hè Hơi Thở Nhẹ
Khóa tu hai ngày của giới trẻ qua đi thật nhanh, để lại trong lòng mọi người bao nhiêu niềm vui và sự an lạc.Thiền Đường Hơi Thở Nhẹ đã ba lần tổ chức những trại hè ngắn ngày dành cho các cháu trẻ, vừa vui chơi thanh thản song cũng nhẹ nhàng thấm nhuần hương vị của an lạc, giải thoát. Những bài pháp sâu lắng, những thực tập chánh niệm trong đi, đứng, nằm, ngồi cũng như trong cách nói năng và suy nghĩ, những chăm sóc thương yêu của các cô, các bác đã tận tụy suốt ngày trong bếp để lo các bữa ăn cho gần 80 người, đã lắng đọng trong lòng các cháu bao nỗi niềm thương yêu và sự biết ơn. Riêng đối với các cháu lần đầu tiên bước chân đến Thiền đường và tiếp xúc với pháp môn Chánh Niệm, đây thật sự là một khám phá mới lạ giúp các cháu trải nghiệm về một cách sống mới có ý thức, có bình an, có tự do thật sự mà không bị những ràng buộc bên ngoài đang như cơn nước lũ cuốn trôi mãnh liệt!
Ở đây buổi sáng thật nhẹ nhàng, êm ả với tiếng chuông thong thả ngân nga. Trời xanh, mây trắng, tiếng chim hót, bãi cỏ xanh với những bông hoa vàng tím ẩn hiện thấp thoáng đó đây, con sông nhỏ với những hàng cây hai bên đường đã làm mát rượi tâm hồn mọi người. Trong mỗi bước thiền hành đã có sự bình an, trong lòng mỗi người đã có sự nhẹ nhàng, thanh thản.
Và mục đích của những người tổ chức khóa tu chỉ có thế!
Những hạt giống mới, thật đẹp và lành này sẽ là hành trang giúp người trẻ mang theo trong suốt cuộc đời, để tự giúp mình và độ đời sau này. Chỉ với hạt giống Chánh Niệm thôi, nếu kiên trì thực tập là chúng ta đã có thể làm thay đổi cuộc sống của chúng ta một cách tốt đẹp rồi!
Cách đây hơn 40 năm, khi còn là một cô giáo trẻ dạy ở một làng quê Việt Nam, chúng tôi thường hay đến chùa lễ Bụt và ăn cơm chay. Vào những ngày lễ vía Bụt hoặc Bồ Tát, các cô, các bác đến chùa làm công quả thật vất vả. Vì phải nấu cơm cúng Bụt và đãi khách thập phương cho cả một quận, huyện nên nhiều cô, bác phải thức suốt đêm để nấu nướng.
Khi ấy, chúng tôi vừa tròn 20 tuổi, trạc tuổi của các cháu trẻ tham dự khóa tu bây giờ. Chúng tôi xin xuống bếp phụ xắt, gọt với mọi người và không ngớt lời cảm phục, biết ơn các dì, các cô bác đã thức trắng đêm để phuc vụ cho khâu ẩm thực của chùa. Ngày xưa ở quê mình, thầy cô giáo là «khuôn vàng thước ngọc» nên rất được yêu mến, kính trọng do đó các bác không dám giao việc và nói:
«Cô giáo ơi, cô lên nhà trù ngồi chơi nói chuyện với thầy Trụ trì đi, mấy cô, mấy bác đông lắm, làm hết việc rồi. Với lại mình làm công quả cho chùa mình vui lắm, cô giáo biết không?
Chúng tôi đáp lại: “Tụi con cũng thích làm công quả với các cô bác cho vui!”
“Các thầy cô giáo dạy cho các cháu chữ nghĩa, đạo đức, biết hiếu nghĩa với ông bà cha mẹ, lễ phép với người trên là làm công quả nhiều lắm đó! Cô Diệu Hòa ơi, được phụng sự cho nhiều người, được làm cho nhiều người vui là tâm nguyện của bác mà.”
Bác Tư còn nói thêm: “Bác không thích sống ích kỷ, bác luôn dạy cho con cháu bác phải biết trải lòng, phải biết hy sinh. Làm việc tuy cực mà vui, mình nấu ăn cho những người đến chùa biết làm điều lành, tránh điều xấu ác là có phước lắm, cô Diệu Hòa ơi.”
Chúng tôi lặng người đứng nghe những lời chia sẻ chân tình nhưng đầy hiểu biết và thương yêu của một bác Phật tử ở nông thôn. Mặc dù thức khuya làm việc song nụ cười vẫn luôn thể hiện trong ánh mắt và gương mặt phúc hậu của bác.
Và đúng như lời của bác Tư 40 năm trước, bây giờ chúng tôi đang theo gương bác, cặm cụi trong bếp suốt ba khóa tu. Chúng tôi may mắn có được sức khỏe tương đối khá tốt và ngọn lửa bền bỉ của lý tưởng mà Sư Ông truyền trao, nhờ vậy mà chúng tôi có thể âm thầm làm việc từ khóa tu đầu tiên cách đây ba năm cho đến nay.
“Có thực mới vực được đạo”, nhất là đối với các cháu lần đầu ăn chay và tiếp xúc với pháp môn Chánh Niệm, chúng ta phải cho các cháu một ấn tượng thật đẹp về cả hai món ăn: tinh thần và vật chất.
Mặc dù phải đứng suốt hai ngày trong bếp, có đôi lúc hơi kiệt sức, song chúng tôi đã được đền bù bằng những lời biết ơn của các cháu. Thật cảm động khi Tuấn Anh đến bên cạnh thầm thì: “Chúng con cám ơn các cô thật nhiều, chỉ âm thầm nấu nướng thôi để cho chúng con các bữa ăn tuyệt vời!” Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm ấm lòng các cô chú rồi!
Cuộc sống luôn được thể hiện qua lý Tương Tức, mọi sự vật nương nhau mà có: các cháu sung sướng vì hai ngày khỏi phải làm bếp mà luôn có thức ăn ngon, được thảnh thơi tu tập, nên rất biết ơn công khó nhọc của rất nhiều người. Ngược lại, các cô chú rất vui khi thấy các cháu trẻ biết sống đạo đức, cùng thực tập nếp sống chánh niệm, xây dựng tình huynh đệ và nhất là đã thể hiện được lòng biết ơn đối với những người mình đã thọ ơn là các thầy, các sư cô và các cô chú.
Đây là một yếu tố thật quan trọng giúp chúng ta có nếp sống hạnh phúc, lành, đẹp và có ý nghĩa. Khi chúng ta luôn biết ơn và trân quí từng ngọn rau, cây cỏ, thiên nhiên và bao nhiêu con người ở chung quanh, chúng ta sẽ biết sống thế nào để đền đáp trọn vẹn những ơn sâu nặng này.
Và rồi mười năm, hai mươi, ba mươi hoặc bốn mươi năm sau, sẽ có thật nhiều các cháu cũng âm thầm làm việc như các cô chú bây giờ, không phải để nấu nướng vặt vãnh như các cô cho những khóa tu, mà để làm chuyện đổi thay tốt đẹp cho xã hội. Cuộc sống sẽ an lành, thảnh thơi hơn khi mỗi người đều biết sống chánh niệm, biết trân quí những điều kiện hạnh phúc đang có mặt, biết xây dựng tình huynh đệ, biết hiểu và thương yêu nhau. Mọi người sẽ biết nhận diện được hạnh phúc chân thật đang có mặt quanh ta: một tia nắng đẹp ban mai, một nụ cười trẻ thơ, một tiếng chim ca hay thật đơn giản nhất “một ngón tay nhúc nhích, nhúc nhích cũng đủ làm ta vui rồi!” (vì như vậy là ta đang còn sống).
Vì yêu thiên nhiên, chúng ta sẽ cố tránh và không làm giàu trên sự tàn hoại môi sinh, phá hoại môi trường sống của con cháu chúng ta!
Vì yêu con người nên ta luôn ý thức để tránh gây khổ đau cho người.
Thông điệp sâu kín tận đáy lòng của các cô chú đã vừa được hé lộ. Hoài bão cao đẹp đã được san sẻ, cô chú cảm thấy thật nhẹ lòng.
Quê hương mình đang cần những đôi vai rắn chắc, bền bĩ để gánh vác và thực hiện những hoài bão cao đẹp đó!
“Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay“
Với thật nhiều yêu thương và tin cậy.
Chân Bảo Nguyện
Khóa tu cho người “Ít trẻ”
Thiền đuờng Hơi Thở Nhẹ đã ba lần mở khóa tu cho người trẻ, song lần đầu tiên, khóa tu cho người «Ít trẻ» mới được tổ chức trong hai ngày 22 và 23 tháng Sáu vừa qua.
Đã có hơn 60 người ghi danh cho hai ngày tu Chánh Niệm tuy ngắn ngủi nhưng đã đem lại nhiều lợi lạc trong việc thực tập các pháp môn của Làng Mai .
Tất cả những kinh nghiệm thực tập trong quá trình tu học của các Thầy và Sư Cô đã được chia sẻ qua hai buổi pháp thoại và pháp đàm đầy thú vị, bổ ích và thiết thực. Đây không phải là những bài học về giáo lý Phật giáo, chỉ có lý thuyết suông mà là những trải nghiệm về cách chuyển hóa những điều tiêu cực, những tâm hành không lành đẹp như sự giận dữ, đố kỵ, ganh ghét , tham lam, sân hận và si mê .
Thông qua những pháp môn về Chánh Niệm đã được Sư Ông truyền trao, hai thầy Giới Đạt và Pháp Tịnh đã kể cho mọi người nghe những kinh nghiệm của hành trình thực tập đầy gian nan thử thách, để cuối cùng các thầy đã nếm được một phần của hương vị giải thoát, an lạc.
Đại chúng đến tu học, tùy theo căn cơ và hoàn cảnh của riêng mình sẽ tích lũy và học hỏi những kinh nghiệm quí báu trên làm hành trang tâm linh trong cuộc sống, giúp mỗi người ngày càng hoàn thiện hơn, sống nhẹ nhàng thảnh thơi và có khả năng nhận diện những điều kiện của hạnh phúc đang có mặt trong giây phút hiện tại hơn.
Thông điệp của Khóa Tu được trình bày bằng một bức Thư pháp của Sư Ông được trang trọng đặt ở trung tâm của bàn thờ:
Và trong suốt hai ngày tu tập, mọi người đã cùng nhau xây dựng một cảnh giới thật an lạc, nhẹ nhàng ,thảnh thơi. Tất cả đều ung dung, thong dong, tự tại trong lúc chấp tác, ngồi thiền, ăn cơm, ngủ nghỉ.
Bao nhiêu những lo toan, tính toán, những âu lo, phiền muộn như đã được trút bỏ ngay từ ngoài cổng Thiền đường. Đại chúng đến đây chỉ với nụ cười và niềm hân hoan, tươi mát. Ai cũng cảm nhận đây là môi trường rất nuôi dưỡng và trị liệu . Cái không khí đầm ấm, chan hòa tình thương và cảm thông như lan tỏa, ôm ấp mọi người khiến ai cũng tươi vui, hạnh phúc!
Ngày tu được bắt đầu từ 6 giờ sáng với buổi ngồi thiền thật sảng khoái. Tiếng hô canh của thầy Giới Đạt đã đưa Đại chúng như lạc vào cõi tịnh, hòa với tiếng chuông thong thả ngân nga khiến tâm hồn mọi người được lắng trong, thanh thoát.
Một điều thật vô cùng thú vị là được ngồi thiền ngoài trời, có che chắn bởi một tấm bạt lớn kín gió, nên ngoài tiếng hô canh thật tuyệt vời, sâu lắng đi thấu vào lòng người, tiếng chuông đại hồng êm ả của buổi bình minh,đại chúng còn được nhìn mây trắng lửng lờ bay thấp thoáng sau những tàng cây xanh. Rồi tiếng hót ca líu lo, ríu rít của chim chóc trên cành nghe rất vui tai như tiếng chào hỏi nhau buổi sáng, lao xao, rộn ràng nhưng vẫn tràn đầy thanh tịnh, tươi mát.
Đại chúng cứ thả lòng cho bao nhiêu niềm vui và an lạc thấm vào từng tế bào …..
Một ngày tăng thân tu tập được nuôi dưỡng bởi hai buổi thiền tọa lúc hừng đông và buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống.
Sau buổi ngồi thiền sáng, đại chúng lại được hướng dẫn thực tập 5 cái lạy. Một số anh chị em lần đầu được tiếp xúc với pháp môn thiền lạy đã cảm động rưng rưng nước mắt. Thật tuyệt vời và mầu nhiệm khôn cùng, mọi người như đang được trị liệu những khổ đau, phiền muộn trong lòng.
Trải qua một ngày sinh hoạt có hướng dẫn, tất cả đều làm việc chậm lại và có ý thức, đại chúng lại được nuôi dưỡng nhiều hơn qua buổi tọa thiền và nghe chuông đại hồng vào buổi chiều. Giọng hô canh và xướng kệ của thầy Giới Đạt phải nói là một món quà vô giá ,quí báu đã dâng hiến cho tăng thân.
Bầu không khí thật trang nghiêm, lắng đọng… . Mọi người ngồi yên thả lòng theo tiếng kệ ngâm trầm bổng, khoan thai hòa với tiếng chuông ngân nga,thanh thoát.
Giọt nước cam lồ như đã được thẩm thấu vào từng ngõ ngách sâu thẳm của tâm hồn nên sau mỗi lần thực tập một pháp môn, đại chúng cảm nhận mình trở nên lành đẹp hơn, trong sáng hơn, dễ thương hơn. Gương mặt mọi người tươi trẻ hơn, hạnh phúc và hân hoan hơn như chưa từng được như thế bao giờ!
Và chung quanh nhìn đâu cũng thấy tình huynh đệ, ấm áp thương yêu một cách lạ thường!
Mặc dù đây là khóa tu đầu tiên cho người lớn tuổi, và cũng có khá đông các anh chị em mới tiếp xúc lần đầu với pháp môn Chánh niệm, song mọi người như đã nhuần nhuyễn với sự dừng lại, yên lặng để tiếp xúc với hơi thở mầu nhiệm.
Trong bất cứ mọi sinh hoạt từ khâu xắt gọt, nấu ăn, rửa bát, sắp dọn Thiền đường… cho đến thiền hành, thiền tọa, ăn cơm, nghe pháp thoại, pháp đàm … đều được đại chúng làm trong chánh niệm, rất nhẹ nhàng.
Những người “ít trẻ” đang thiền chấp tác
Thỉnh thoảng có ai quên, nói hơi lớn tiếng thì bên cạnh đã có bạn dịu dàng nhắc nhở nên mọi người như được tắm gội trong không gian thân thương đầm ấm.
Và thật là thiếu sót nếu không nhắc đến không khí và nội dung của hai buổi pháp thoại. Buổi đầu ngày thứ bảy do thầy Giới Đạt chia sẻ. Thầy đã tốt nghiệp các phân khoa Phật học ở Việt Nam nên về lý thuyết thì Thầy đã nhuần nhuyễn nằm lòng. Thầy chia sẻ là được qua Làng học về cách ứng dụng các kinh điển Bụt dạy vào cuộc sống hằng ngày, Thầy mới thấy từ lý thuyết đến thực hành cách xa một trời một vực.
Thầy bảo công trình học hỏi suốt hơn 10 năm về lý thuyết nhưng vì không bao giờ thực tập nên chẳng giúp ích gì cho học giả ngoài cái ngã mạn vì mình được mọi người vị nể bởi có được nhiều bằng cấp. Còn cách làm thế nào để chuyển hóa khổ đau, làm chủ được cái tâm xao động thì vẫn gian nan, khó khăn, trở ngại!
Thầy cho đại chúng đặt 10 câu hỏi và dựa vào đó, Thầy trả lời tất cả mọi thắc mắcvà nghi vấn. Không khi học hỏi thật sôi nổi hào hứng; Thầy Giới Đạt với kiến thức Phật học rất uyên bác và hùng biện nên đã giải đáp thật thỏa mãn mọi chất vấn. Thầy đã giải thích thế nào là tục đế, chân đế, vô thường, vô ngã. Thế nào là Bát chánh đạo, Tứ diệu đế, tương tức và đi đến cuối cùng là Không.
Và Thầy kết luận: vì tất cả mọi sự vật trên đời đều không có tự ngã riêng biệt, không có chủ thể nên vô thường, mong manh, nay còn, mai mất. Tất cả đều là Không, không vững bền, không trường tồn, vĩnh cửu, do đó chúng ta phải biết sống nhẹ nhàng, thanh thản mà không nên bám víu, nắm bắt quá nhiều để phải hệ lụy, não phiền suốt cuộc đời.
Chúng tôi chợt nghĩ đến một vị Thiền sư đã nói, chúng ta nên thực tập Chơi trong cõi đời này: ăn chơi, làm chơi, sống chơi, khổ chơi, bệnh chơi, già chơi, và cuối cùng «chết chơi ». Có lẽ đây là cách chúng ta rong chơi miền Tịnh độ, nhẹ nhàng, thong dong, tự tại đó chăng?
Buổi pháp thoại thứ hai do thầy Pháp Tịnh chia sẻ cũng thật súc tích và sâu sắc. Mỗi thầy đều có cái duyên, cái sức hút, lôi cuốn mọi người chăm chú lắng nghe vì đây là những bài học sống, nói lên những dụng công của các thầy trong việc thực tập để chuyển hóa những tâm hành tiêu cực, vượt qua những khổ đau, phiền muộn.
Thầy Pháp Tịnh lưu ý mọi người nên quyết tâm thực tập Chánh niệm trong đời sống hằng ngày để luôn được nuôi dưỡng và trị liệu.
Phải có ý chí trong tâm thức, biết chọn cho mình một pháp môn thực tập thích hợp để tự cứu mình, và phải biết nương tựa vào Tăng thân tu tập giải thoát để luôn được tự do, không bị năm món dục lạc là tài, sắc, danh, thực (ăn), thùy (ngủ) sai sử, khống chế.
Mỗi người đều có hoàn cảnh riêng, hoàn toàn khác biệt, nhưng có một điểm chung là sự thực tập chánh niệm nên sẽ cùng giúp nhau làm rơi rụng dần dần những căng thẳng, khổ đau, khó khăn, những điều bất như ý trong cuộc sống.
Thầy trình bày thật sâu và rõ hơn cho đại chúng biết về bốn loại thưc ăn là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Trong bốn loại thức ăn kể trên, tư niệm thực là lọai thức ăn thật quan trọng và có ảnh hưởng đến suốt cuộc đời của chúng ta. Đây là cái ước muốn sâu sắc nhất của mỗi con người để từ đó chúng ta sẽ vạch cho mình một hướng đi trong tương lai.
Thầy cho thí dụ: nếu trong ta luôn có một ước muốn cháy bỏng là giúp đời, giúp đạo thì ta sẽ luôn trăn trở tự hỏi: Ta sẽ làm gì để giúp cho xã hội được sống lành, đẹp, biết bảo vệ thiên nhiên, biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau?
Nếu trong tâm thức luôn ấp ủ những hoài bão cao đẹp thì trước hết chúng ta sẽ tìm cách thực tập chuyển hóa những khổ đau của chinh mình và sau đó sẽ độ đời.
Nhờ nương tựa vào tăng thân, chúng ta luôn được nuôi dưỡng và tưới tẩm những hạt giống lành đẹp, giải thoát để có một cuộc sống hạnh phúc, an lành. Và chính Tăng thân là nguồn cung cấp cho chúng ta loại thức ăn thứ tư là Thức thực.
Được sống và ngâm mình trong tăng thân, chúng ta sẽ luôn được an lạc, nhẹ nhàng, trong sáng. Chỉ với những bước chân thiền hành thôi cũng đã làm rơi rụng những căng thẳng, phiền muộn và khổ đau rồi.
Thầy còn kể cho đại chúng nghe về những khó khăn cũa thầy với một sư anh và thầy phải mất ba năm cố gắng thực tập các pháp môn của Sư Ông dạy với sự trợ giúp của Tăng thân. Sau nhiều lần thất bại, nhưng với quyết tâm xây dựng tình huynh đệ, cuối cùng hai anh em đã thật sự làm hòa với nhau.
Đây là một bài học thiết thực giúp đại chúng vững tin nơi sự thực tập và nếu quyết tâm kết quả sẽ thành tựu, chỉ có sớm hay muộn mà thôi !
Ngoài các thức ăn nuôi dưỡng về tâm, đại chúng còn được các sư cô thương yêu hết lòng lo cho những buổi ăn thật tuyệt vời nuôi dưỡng về thân. Nhờ ăn cơm trong chánh niệm, đại chúng có cơ hội thưởng thức các thức ăn thật trọn vẹn và với lòng biết ơn sâu sắc đối với thiên nhiên và muôn loài.
Chúng ta hãy hình dung ra trước mặt cảnh mọi người ngồi quây quần bên nhau ăn cơm. Được nhìn rõ mặt nhau, khoan thai nhai từng cọng rau, từng miếng đậu hũ, tô canh ngọt. Hạnh phúc biết là dường nào!
Chúng tôi chợt nhớ đến bài hát đã học được trong chuyến hành hương Ấn Độ vừa qua, mỗi lần hát lên là nước mắt lại rưng rưng vì tình người quá đẹp: “Bên trái tôi, đây là bạn tôi, anh em tôi. Bên phải tôi, đây là bạn tôi, anh em tôi. Trước mặt tôi, đây là bạn tôi, anh em tôi. Chung quanh tôi, đây là bạn tôi, anh em tôi. Bên trái tôi, đây là người tôi thương, tôi yêu. Bên phải tôi, đây là người tôi thương, tôi yêu. Trước mặt tôi, đây là người yêu tôi, thương tôi. Chung quanh tôi, đây là người yêu tôi, thương tôi.”
Kết thúc hai ngày tu là buổi ngồi chơi, uống trà và thưởng thức văn nghệ. Trong không khí đầm ấm, chan hòa tình huynh đệ, mọi người như được mở lòng. Chị Minh Thúy xin hát bài Quê hương để tặng đại chúng và đã nghẹn ngào cảm động khi hát đến đoạn cuối. Ca sĩ nghiệp dư của Hơi Thở Nhẹ thật phong phú nên chương trình văn nghệ kéo dài đến chiều tối…
Các bạn có bao giờ nghĩ rằng: rất khó để tìm được những người bạn luôn biết hy sinh vì người khác, biết dâng tặng cho người nhiều hơn đòi hỏi cho riêng mình. Những người mà hoài bão cháy bỏng là luôn được phụng sự và đem niềm vui đến cho tha nhân. Mục đich việc làm của họ không phải để được danh tiếng hoặc lời khen hay để nâng cao cái bản ngã của mình mà chỉ vì lý tưởng phụng sự và tình thương yêu đến mọi người .
Chúng ta lại được may mắn sống chung với những người bạn đáng yêu và dễ thương như thế! Các thầ , các sư cô, các bạn bè, các cháu trẻ trong Tăng thân, tất cả đều là những thành viên thật trân quí. Chúng ta còn hạnh phúc nào hơn nữa, phải không các bạn?
Một Khóa Tu chỉ hai ngày ngắn ngủi nhưng đã là công sức đóng góp âm thầm của bao nhiêu bàn tay và bao tấm lòng thương yêu.
Hãy biết rong chơi và hạnh phúc trong giây phút hiện tại vì chúng ta đang được bao bọc và nuôi dưỡng bởi một tăng thân quá đẹp!
Và đó cũng chinh là thông điệp thương yêu của những người tổ chức Khóa tu muốn trao lại cho tất cả chúng ta .
Mùa hè, tháng Sáu 2013
Chân Bảo Nguyện
Xem thêm: Hình ảnh của khóa tu