Sức mạnh của lòng từ bi

          Đại-đế Nã-Phá-Luân của nước Pháp, người từng làm rung chuyển đất trời, sụp đổ lâu đài, thành quách mỗi khi đoàn chiến mã của ông băng qua, nhưng ở lúc cuối đời, đã để lại câu nói:

          “Có hai sức mạnh trên thế giới. Đó là sức mạnh của thanh gươm và sức mạnh của tấm lòng. Nhưng chung cuộc, bao giờ tấm lòng cũng đánh bại thanh gươm.”

          Hai hình ảnh tương phản đó, là sự hủy diệt và hàn gắn, sự tàn ác và lòng từ-bi.

          Sức mạnh của tấm lòng chính là lòng từ-bi. Với sức mạnh này, thanh gươm sẽ bị tấm lòng bẻ gẫy!

          Nhân gian đời-thường, sau bao kinh nghiệm chìm nổi, thịnh suy, cuối cùng cũng phải nhận rằng, những gì tưởng là tột đỉnh của lẽ sống, thực ra chỉ là vô thường mà những vết thương trầm thống đó, chỉ có lòng từ bi mới chuyển hóa và trị liệu được. 

          Lòng từ bi theo lời Phật dạy, chẳng phải chỉ đối với người sống mà còn với kẻ chết. Những oan hồn uổng tử vất vưởng ba nẻo sáu đường biết trông cậy vào đâu để mong giải thoát và tìm đường tái sinh kiếp khác! Nhờ lòng hiếu thảo của Đại hiếu Mục Kiền Liên muốn báo hiếu cứu mẹ thoát khỏi địa ngục mà Đức Phật đã dạy Kinh Vu Lan bồn, cách tứ sự cúng dường cùng việc thí thực cô hồn trong rằm tháng bẩy. Bao hồn oan lang thang đói khát đã nương sức từ bi, trông chờ ngày tháng đó mà có bát cháo no lòng; và quan trọng hơn cả là nhờ công đức hồi hướng chí thành của người cúng thí mà có cơ may gặp duyên lành được giải thoát. 

          Đây là hình thức chung cho đại chúng, mỗi năm mới cúng một lần. Nhưng vì biết được sự khát khao trông đợi của biết bao oan hồn uổng tử, tuy khuất mày khuất mặt nhưng đau đớn luôn phảng phất, mênh mang trời đất nên có nhiều tự viện vẫn thành tâm thí thực mỗi ngày, hoặc mỗi tuần. 

          Tôi thấy được điều này ở chùa Phật Tổ.

          Hàng tuần, chúng tôi có hai ngày tu niệm Phật thường xuyên là thứ bẩy và chủ nhật. Những Phật tử ở xa, đến từ chiều thứ sáu, nghỉ đêm tại chùa cho đến hoàn mãn lúc 5 giờ chiều chủ nhật. Sau khi hoàn mãn, quý thầy cô trong chùa thường sắp một bàn dài, trước cửa chánh điện, bầy trái cây, bánh kẹo, chè, cháo, để cúng cô hồn. Những Phật tử dự khóa tu đều hoan hỷ ở lại góp lời trì tụng. Mỗi chiều chủ nhật, cư dân địa phương quanh chùa lại nghe tiếng trống của thầy Thường Giới, quyện cùng tiếng khánh, tiếng mõ của các sư-cô, thiết tha mời gọi bao oan hồn gần xa hãy mau về thọ tài hưởng thực, thính pháp văn kinh:

          “Thần chú gia trì cam lồ thủy

          Phổ thí hà sa chúng cô hồn

          Nguyện giai bảo mãn xả xan tham

          Tốc thoát U Minh sanh Tịnh Độ

          Quy y Tam Bảo phát Bồ Đề

          Cứu cánh đắc thành Vô Thượng Đạo

          Công đức vô biên tận vị lai

          Nhứt thiết cô hồn đồng pháp thực”

          Mỗi lần tới đoạn này, chúng tôi đều vừa cất tiếng tụng, vừa nhìn nhau vì cùng nhận được như có sự giao cảm nhiệm mầu:

          “Oai linh thần chú phi thường, nước mát biến thành nước cam lộ, cúng thí vô số chúng cô hồn, cầu cho no ấm hết xan tham, thoát khỏi U minh về Cõi Tịnh, quy y Tam Bảo rõ Đạo Mầu, rốt ráo trọn nên bậc Vô Thượng, công đức không lường ở vị lai, tất cả cô hồn đồng Pháp-thực” 

          Những ai từng dự lễ cúng cô hồn, dù phẩm vật dâng cúng đơn sơ tới đâu nhưng với lời trì tụng chí thành giữa làn khói hương nghi ngút đều cảm thấy ít nhiều bâng khuâng của sự giao cảm âm dương cách biệt. 

          Tình cờ, tôi vừa đọc được một bài viết rõ nét về sự chiêu cảm nhiệm mầu này, cho chúng ta niềm tin mạnh mẽ hơn về một thế giới vô hình, tuy khoa học không chứng minh được nhưng cũng không thể phủ nhận được.

          Bài viết về dịp mới đây, tăng thân Làng Mai sang thăm viếng Viện Phật Học Ứng Dụng Âu Châu (VPHUDAU), danh xưng tiếng Anh là European Institude of Applied Buddism (EIAB), tại thành phố Waldbroel, Đức Quốc.

          Tòa nhà này đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thịnh suy của nước Đức. Theo bài viết, năm 1895, tòa nhà hoành tráng, mênh mông này từng là bệnh viện chính của thành phố, với nhiều phân khoa, trong đó có sản khoa mà nhiều nhân vật tiếng tăm đã từng chào đời tại đây. Nhưng sau đó, bệnh viện này lại trở thành bệnh viện tâm thần và trung tâm nuôi giữ trẻ khuyết tật. Đến năm 1938, chính phủ Đức đương thời muốn trưng dụng làm Hàn Lâm Viện Quân Sự cho quân đội Đức nên đã ra lệnh di chuyển toàn bộ hơn 700 trẻ khuyết tật và những người tâm thần đi đâu, biệt tích!

          Sau đó, tòa nhà được sửa sang nguy nga tráng lệ cho một Hàn Lâm Viện bề thế, nhưng quân đội chưa được xử dụng ngày nào thì Hitler thua trận! Ngôi nhà đương nhiên thuộc về Bộ Quốc Phòng, nhưng chỉ thỉnh thoảng dùng làm nơi tổ chức những khóa huấn luyện ngắn hạn cho các sỹ quan. Khi bức tường ngăn cách Đông và Tây Bá Linh sụp đổ thì một lần nữa, số mệnh tòa nhà nổi trôi theo lịch sử, bị bỏ trống lâu năm, rồi cuối cùng, được giao cho Phòng Bất Động Sản của quân đội để bán cho tư nhân. 

          Với sự nhiệm mầu gần như KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN, ngôi nhà đã được gợi ý thành Viện Phật Học Âu Châu dưới sự lãnh đạo tinh thần của Sư Ông Làng Mai, tức Thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh, thuộc thế hệ thứ 42 của Tông Lâm Tế và thế hệ thứ 8 của phái Liễu Quán.

          Những tiến trình sau sự gợi ý này đã tiến nhanh ngoài dự tưởng của những người trong cuộc trên cả hai phương diện, tinh thần và vật chất. Những thương lượng khởi đầu: “Thôi, chúng tôi làm gì có tiền như thế mà mua nổi!”, tòa nhà đã GẦN NHƯ TẶNG KHÔNG, để với thời gian kỷ lục, nay đã thoát xác, thành Viện Phật Học Ứng Dụng Âu Châu. 

          Mới đây, sáng ngày 14 tháng 11 năm 2008, khi thiền hành trong công viên, Sư Ông chợt thấy trên vườn hoa dẫn vào cổng trước, một phiến đá rất đẹp, trên đó có gắn một miếng đá nhỏ hơn, hình chữ nhật, ghi chi chít tiếng Đức. Sư Ông đã bảo sư-chú Pháp Chu người Đức, dịch cho Sư Ông nghe. Phiến đá ghi:

          “Để tưởng niệm những người trong bệnh viện cũ này tại Waldbroel, mà trong thời gian (Đức) Quốc Xã, bị xem như là không đáng sống và bị lấy mất nhân cách và mạng sống của họ qua cách ép buộc kết liễu đời mình và bị ép lấy mất khả năng sinh con.”   

          Bên dưới có một tấm bia khác, ghi thêm chi tiết về con số 700 bệnh nhân tâm thần và khuyết tật đã bị chở đi biệt tích, ngày 14 tháng 11 năm 1938.

          Với hai tấm bia ghi lại thảm kịch này, người sau hiểu rằng hơn 700 nạn nhân thời đó đã bị bức tử!            

          Sư Ông Làng Mai và tăng đoàn đều giật mình sửng sốt vì từ khi tiến hành thủ tục nhận tòa nhà này, dù đã đến đây mấy lần nhưng chưa hề nhìn thấy phiến đá, cũng chưa nghe ai nói về sự kiện này. Vậy mà, điều gì đã chờ đợi đến đúng ngày 14 tháng 11 năm 2008, để bước chân thiền hành của vị thiền-sư dừng lại trước phiến đá, ghi nhận được dấu mốc đúng 70 năm sau thảm kịch!

          Nhận ra sự trùng hợp kỳ diệu này, chính vị thiền-sư từng thản nhiên trước mọi sự, cũng phải rùng mình! 

          Thầy Pháp Ấn, vị đệ tử lớn của Sư Ông và cũng là người sẽ chịu trách nhiệm điều hành Phật Học Viện Âu Châu trong giai đoạn đầu đã từng kể rằng, tuần lễ mới về, thầy thường nằm mộng thấy nhiều trẻ em khuyết tật khóc than, cầu cứu. Sáng ra, thầy có kể cho mọi người nghe thì các sư cô đã lập đàn, cúng cháo, bánh kẹo; thì một vài đêm sau đó, có sư cô đã nằm mộng thấy nhiều em bé chạy nhảy, vui đùa, cùng nhau ăn bánh kẹo thỏa thích. Các Thầy Cô nghĩ rằng, có lẽ chỉ vì thành tâm mà có biểu hiện trong những giấc mơ thế thôi.

          Nhưng, sau sự khám phá bất ngờ về tấm bia đá ghi chứng tích thảm kịch này thì những dữ kiện đã kết hợp lại với nhau, không gì là tình cờ nữa! Những oan hồn từ thế giới vô hình đang cố gắng truyền đạt nỗi thống khổ của họ tới những ai mà họ tin là có thể bám víu, có thể tin tưởng sẽ cứu vớt họ được.

Thảm kịch xảy ra đã bẩy mươi năm. Suốt thời gian đằng đẵng đó, nỗi oan khổ của hơn bẩy trăm oan hồn, hẳn vẫn kêu khóc tức tưởi ngày đêm,  nhưng vô vàn bi phẫn đó vẫn còn nguyên vẹn! Bẩy mươi năm, bao nhiêu ngàn vạn bước chân đã đi ngang, nhưng có lẽ không một tấm lòng nào đủ từ bi khiến bước chân dừng lại! Hoặc có dừng lại, nhưng không đủ năng lượng mẫn ái để cứu giúp!            

Vậy thì, đây hẳn là thông điệp kỳ diệu của Chư Phật, Chư Bồ Tát, Chư Thiên, Chư Tiên đã sắp đặt để tòa nhà giam hãm bao oan khiên thống khổ này, nay được trở thành Linh Địa, nơi sẽ hướng dẫn và dìu dắt chúng sanh chuyển hóa và trị liệu thương tích cho nhau, để cùng lên đường giải thoát, giác ngộ.

          Sự khám phá trùng hợp, bất ngờ này không những làm sững sờ dân chúng nước Đức mà còn khiến nhiều kẻ vô thần phải hoảng sợ, nghĩ lại về nghiệp báo oan gia, khi vay trả chưa xong thì nợ nần vẫn còn đó. 

          Lời khấn nguyện với các hương linh tại Waldbroel mà Sư Ông Làng Mai đã soạn để các sư cô cúng tụng mỗi chiều, thể hiện lòng Đại Từ Đại Bi mà Đức Thế Tôn đã truyền dạy ngài Mục Kiền Liên khi xưa:

 Lời khấn nguyện  với Hương Linh  tại Waldbroel

(Trụ sở Viện Phật Học Ứng Dụng)

Xin hương linh quý vị và các cháu lắng nghe và chứng giám. Bảy mươi năm về trước, người ta đã đối xử rất tệ hại với liệt vị. Họ chích thuốc cho quý vị chết hoặc cho quý vị mất đi khả năng sinh sản con cái. Nỗi khổ niềm đau rất lớn ấy ít ai thấy được.

Ngày nay Tăng thân đã tới, Tăng thân đã nghe và đã hiểu tất cả những khổ đau tủi nhục và uất ức ấy. Tăng thân đã đi thiền hành, đã ngồi thiền, đã thở trong chánh niệm, đã trì chú, tụng kinh, thí thực, để cầu ơn trên chư Bụt, chư vị Bồ tát, chư vị Tổ sư để quý Ngài hồi hướng công đức vĩ đại của quý ngài cho liệt vị và các cháu, để quý vị và các cháu có cơ hội chuyển hóa, tái sinh ra dưới những hình thức mới. Những người đã làm khổ quý vị, họ cũng đã gánh chịu nghiệp quả khổ đau, xin quý vị mở lòng từ bi mà tha thứ cho họ để họ cũng có cơ hội giải thoát và chuyển hóa. Xin hộ trì cho Tăng thân và cho các thế hệ hành giả kế tiếp, để họ có thể biến nơi này thành một cơ sở thực tập chuyển hóa và trị liệu, không những cho thành phố Waldbroel mà cho cả nước Đức và cả toàn thế giới.

          Lương tâm nhân loại ơi!

          Với những huyền bí và mầu nhiệm của sự việc vừa bất ngờ chứng nghiệm và giao cảm, trước sự chứng kiến khách quan và đông đảo của mọi thành phần, chúng ta thử tưởng tượng xem, nếu tòa nhà này, qua sự mua bán bình thường, lại trở thành những địa điểm cung ứng thú vui dục lạc đời-thường, thì bao oan hồn uổng tử kia biết bám víu vào đâu mà mong ngày giải thoát!             

                   ÁN TAM ĐÀ RA DÀ ĐÀ TA BÀ HA

         (Độc-Cư-Am, chớm Đông 2008)                        

Vương Quốc Của Giây Phút Hiện Tại

vương quốc của giây phút hiện tại đón mừng bạn–  Chú ơi! Sao mỗi lần được ngồi chơi với chú là trong cháu luôn cảm thấy được sự bình an và hạnh phúc. Lần nào cháu cũng cảm nhận được như vậy hết dù có khi chúng ta không có nói chuyện với nhau nhiều.

Chú bé mở đôi mắt to tròn nhìn sư chú và hỏi.

Nghe chú bé hỏi sư chú nhớ lại cái ngày đầu tiên làm quen với chú bé. Ngày đó cũng cách đây nhiều năm rồi. Lúc đó chú bé còn nhỏ lắm. Chú bé khi đó khoảng ba hay bốn tuổi. Chú bé vừa đi vừa khóc. Tiếng khóc ấm ức, nức nở. Sư chú nghe tiếng chú bé khóc. Sư chú muốn an ủi chú bé. Sư chú muốn vỗ về chú bé. Sư chú tiến lại gần chú bé và ôm chú bé vào lòng. Sư chú chưa nói gì hết. Chú bé từ từ thôi không khóc.

Sư chú đứng lên nhẹ nhàng nắm đôi tay bé nhỏ của chú bé. Sư chú bước từng bước chậm rãi, khoan thai. Chú bé đi bên cạnh sư chú và im lặng. Chú bé không còn thút thít nữa. Chú bé đã ngưng khóc hoàn toàn. Đó là ngày đầu tiên chú bé quen sư chú. Sư chú là một người lạ nhưng với chú bé, sư chú là một người gần gũi. Chú bé không hiểu vì sao lại có cảm giác thân thương và gần gũi với sư chú như vậy. Chú bé thấy sự có mặt của sư chú dành cho chú bé thật tròn đầy. Chú bé thấy lòng mình ấm lại. Chú bé thấy ngay giây phút đó mình chẳng cần làm gì cả và cũng chẳng thấy nỗi buồn nào có thể xâm chiếm và chế ngự. Chú bé cũng cảm thấy mình bình an và tròn đầy.

Sau những giây phút ngắn ngủi nhớ lại lần gặp đầu tiên của sư chú với chú bé, sư chú nhìn chú bé với ánh mắt yêu thương và trìu mến rồi trả lời: Cháu có biết vì sao điều đó lại xảy ra không? Điều đó xảy ra vì chú là người đến từ một vương quốc khác.

Chú bé nghe sư chú nói sư chú là một người đến từ một vương quốc khác thì rất ngạc nhiên. Mắt chú bé vốn đã to và tròn rồi, bây giờ nghe sư chú nói như vậy đôi mắt ấy mở to hơn và tròn hơn.

Chú bé đã quen sư chú nhiều năm nhưng nó chưa hề biết đến bí mật này. Nó không hề biết sư chú là người đến từ một xứ sở khác. Rồi như nhận ra một điều gì đó chú bé hỏi sư chú: Chú ơi! Có phải những người ở vương quốc của chú ai cũng nhẹ nhàng, bình an và hạnh phúc như chú không? Có phải ở đó tất cả mọi người đều luôn có nụ cười trên môi như chú không? Và mỗi lần có ai đó khổ đau được ngồi gần bên người của vương quốc của chú thì cũng đều có được cảm giác như cháu đang ngồi cạnh chú, một cảm giác thật bình an, thật hạnh phúc?

Sư chú mỉm cười và khẽ gật đầu. Sư chú nói với chú bé: Giống như những lời cháu nói. Người nơi xứ sở của chú ai cũng có có năng lượng của sự bình an, hạnh phúc. Ai cũng mang trong mình năng lượng của sự có mặt, năng lượng của sự thương yêu. Thế cháu có muốn nghe chú kể về xứ sở của chú không? Sư chú hỏi chú bé.

– Dạ muốn. Chú bé trả lời sư chú.

Xứ sở của chú rất mầu nhiệm cháu à. Bất cứ nơi nào người của chú có mặt thì cả vương quốc đều đi theo người đó. Giống như bây giờ chú đang ở đây với cháu thì vương quốc ấy cũng đang có mặt ngay bây giờ và ở đây với chú.

Thật là lạ. Cháu không thấy vương quốc ấy nhưng cháu tin chú bởi vì ngay bây giờ và ở đây cháu thấy mình rất bình an và hạnh phúc. Cháu thấy mình bình an và hạnh phúc khi đang được ở cạnh chú.

Ở vương quốc của chú cũng giống nơi đây lắm. Vương quốc của chú cũng có những hàng cây xanh, cũng có những dòng suối róc rách, có mây trắng nhẹ bây trên bầu trời, có chim hót vào mỗi bình minh, và có cả những cậu bé, chú bé thơ ngây như cháu đây.

– Vương quốc của chú có tất cả những gì mà nơi đây có. Nhưng những người ở vương quốc của chú khác rất nhiều những người ở nơi đây. Những người ở vương quốc của chú ai cũng biết tận hưởng cuộc sống. Ai cũng biết trân quí những gì mình đang có.

Những người ở vương quốc của chú ai cũng biết cách đi thảnh thơi, ai cũng biết cách hiến tặng sự có mặt, sự thương yêu cho từng bông hoa, ngọn cỏ.

Vương quốc của chú đẹp quá! Người trong vương quốc của chú ai cũng dễ thương hết, dễ thương như chú vậy. Chú ơi! Chú có thể nói cho cháu biết tên của vương quốc đó được không?

Người trong vương quốc của chú ai cũng biết rằng mỗi giây phút là sự sống tròn đầy. Ai cũng thấy rằng ngay giây phút này, ở đây tất cả những gì mình cần tìm kiếm đã có sẵn hết rồi. Vì biết như vậy nên không có ai có nhu cầu rong ruổi, tìm cầu bất cứ một thứ gì cả. Vì không rong ruổi tìm cầu nên ai cũng thảnh thơi. Vì thảnh thơi nên cái mà mọi người hiến tặng cho nhau chính là hạnh phúc và yêu thương.

– Trong vương quốc của chú ai cũng có khả năng an trú được trong hiện tại, sống trọn vẹn với cái đang là, nên tên của…

– Chú khoan nói đã. Chú cho cháu đoán đi. Có phải tên vương quốc của chú là… là… là vương quốc của giây phút hiện tại không?

–  Đúng rồi! Cháu đã nói đúng, tên vương quốc ấy là vương quốc của giây phút hiện tại. Vương quốc của giây phút hiện tại không có thời gian và không gian. Vì vậy cháu có thể gặp chú bất cứ lúc nào mà cháu muốn.

Bất cứ giây phút nào mà cháu có thể an trú được trong giây phút hiện tại. Khám phá ra những điều mầu nhiệm trong cháu và xung quanh cháu. Bất cứ giây phút nào mà cháu cảm thấy tròn đầy, bình an, yêu thương và thảnh thơi thì cháu biết rằng cháu đã vào được vương quốc của giây phút hiện tại. Cháu biết rằng ngay giây phút ấy cháu đang gặp chú, và tất cả những người trong vương quốc của chú. Cánh cửa của vương quốc giây phút hiện tại luôn mở ra cho cháu, luôn chào đón cháu như là một người bạn cũ xa quê đang trở về.

Chú nói chào đón cháu như một người bạn cũ xa quê trở về?

– Đúng vậy, rồi từ từ cháu sẽ hiểu ra điều này.

Cháu cảm ơn chú đã kể cho cháu nghe nghe về vương quốc của chú. Vương quốc của giây phút hiện tại.

Sư chú nhìn chú bé mỉm cười thương yêu rồi sư chú nắm tay chú bé, cúi người xuống nói nhỏ vào tai chú bé: “Chú chim họa mi đang mời hai chú cháu mình vào vương quốc của giây phút hiện tại kìa. Cháu có nghe không?“

Chung một con đường

Chiếc xe van của xóm Mới đưa tôi cùng tám người bạn đồng tu tới EIAB lúc 11h10 khuya. Sau mười chín tiếng đồng hồ lái xe, ngồi xe, được tới nơi mình cần đến một cách an toàn thì thật là một niềm hạnh phúc lớn.

Mới lạ nhưng sao thật gần gũi

Chờ đón chúng tôi trước cửa Đại Bi Tự là rất đông quý sư cô, sư chị, sư em cùng hai người bạn thiền sinh người Hồng Kông. Trời đang mưa rất lớn nên hơi lạnh. Tôi đến EIAB lần đầu tiên nên còn nhiều bỡ ngỡ và đã được sư em chăm sóc. Sư em giúp tôi mang ba lô lên phòng và dẫn tôi xuống bếp.

Quý sư cô đã chuẩn bị sẵn một nồi nước lèo thơm phức và bún. Chỉ cần bật bếp lên một vài phút thôi là có ngay tô bún nóng. Chưa biết gia vị nấu ăn bên này như thế nào nhưng chỉ cần ngửi thấy mùi thôi là tôi đã muốn ăn rồi dù không đói. Trên xe chúng tôi đã ăn cơm lá sen với dưa cải, nấm kho nên ai cũng không thấy đói. Mọi người nhanh chóng đi ngủ cho khỏi mệt. Hình như đoán được suy nghĩ của tôi nên sư em TN đã nói với tôi: “sư chị đi ăn bún nóng đi sư chị, nước lèo ngon lắm, ăn cho ấm bụng. Sư em không đói nhưng sư em sẽ ăn cùng sư chị“. Chà, lâu lắm rồi, nay hai chị em mình mới lại gặp nhau.

Cũng đã gần 12h khuya nên không gian thật yên tĩnh. Chỉ có hai chị em ở dưới bếp nên tôi nghe thật rõ tiếng tích tắc của đồng hồ. Tất cả còn rất mới lạ với tôi nhưng sao tôi thấy thật gần gũi, thân quen. Đúng rồi, tăng thân mà! Tôi thầm nhủ.

Đúng như sư em nói, nước lèo ngon thật, vừa ngọt vừa thơm. Đậm đà tình chị em, tình huynh đệ. Tôi vừa ăn vừa hít hà, như thể cay lắm dù không có ớt. Đồng hồ điểm mười hai tiếng mà sao tôi không thấy buồn ngủ gì cả. Sư em nói với tôi: “bây giờ sư chị đi ngủ đi, ngày mai sư em sẽ dẫn sư chị đi một vòng quanh EIAB, có giờ rảnh nữa thì mình đi ăn kem. Kem ở đây vừa rẻ vừa ngon, lại gần nhà nữa“.

Rời nhà bếp, tôi theo sư em về phòng. Thì ra tôi ở thấu lầu ba của Đại Bi Tự. Thật là một cơ hội tốt để thực tập bước chân chánh niệm vì được đi cầu thang khá nhiều.

Đêm đầu tiên ở đây, tôi đã ngủ thật ngon.

Ngay hôm sau chúng tôi được nghỉ ngơi hoàn toàn nhưng chúng thường trú vẫn làm việc bình thường để chuẩn bị cho khóa tu. Tôi thấy mình rảnh rang quá nên muốn phụ giúp đội nấu ăn nhưng quý sư chị nói: “thôi em cứ nghỉ ngơi đi. Ngày mai, ngày mốt tha hồ mà làm việc, việc nhiều lắm”. Vậy nên tôi đi chơi.

Khi tiếng chuông báo giờ ăn cơm trưa, tôi nghe tiếng chị em gọi nhau sao mà thân thương quá. “Đi ăn cơm trưa sư em, trưa nay có rau muống xào, ngon lắm“- sư chị gọi tôi.

Rau muống xào, một món ăn bình dân mà sao hôm nay EIAB vui như mở hội. Đúng rồi, không vui sao được khi huynh đệ được gặp nhau. Chúng tôi đi xe van của Làng qua trước vì ở đây cần xe để đi chợ. Xóm Mới có rất nhiều rau nên tri vườn đã gởi qua cho đại chúng nào là tía tô, mồng tơi, tần ô, rau muống. Chúng tôi ăn cơm trưa picnic với nhau dưới gốc cây, trên những bãi cỏ trước Đại Bi Tự. Chị em gặp nhau, bao nhiêu chuyện cũ được ôn lại, giống như là ôn cố tri tân vậy.

Đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác

Khi đi thăm một vòng tôi mới thấy EIAB thật rộng, dù trước đó tôi đã có nghe kể qua. Cổng vào EIAB thật hiền, thật đẹp. Đứng trước cổng nhìn vào là đã thấy ngay vườn Bụt. Đi thêm chừng 20 mét nữa, tôi đọc được bốn câu thơ của Sư Ông khắc trên một tấm gỗ lớn:

Đường lên chùa cổ Đại Bi

Trong veo dòng suối xanh rì ngàn thông

Đến đây nước nhược non bồng

Bụi trần rũ sạch chân tâm rạng ngời

 

Sư Ông và đại chúng ở Làng cùng EIAB tổ chức một ngày quán niệm cho hơn 300 người Việt, một ngày quán niệm cho hơn 1000 người Đức, tiếp đến là khóa tu Đức với hơn 900 người, rồi khóa tu cho hơn 500 người nói tiếng Hòa Lan.

Phải nói rằng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi thật hạnh phúc khi được gặp lại rất nhiều người Việt trên nước Đức. Vì chỉ có một ngày quán niệm cho người Việt nên bài giảng của Sư ông đã bao trùm nhiều khía cạnh. Tôi thấy nét mặt ai cũng rạng ngời, hạnh phúc. Người con nước Việt dù xa quê hương nhiều năm nhưng vẫn giữ được nét đẹp của xứ sở từ tiếng nói cho đến đức tính cần cù, chịu khó. Có một ngày, khi tôi vừa ôm bình bát xuống nhà ăn khất thực thì đã gặp cô chú người Việt vừa lái xe đến. Cô chú mang theo nào là rau thơm, zucchini, chao, dưa món. Nhìn những hủ chao, hủ dưa món nho nhỏ, xinh xinh được làm cẩn thận là tôi đã hiểu rằng trong đó chứa đựng rất nhiều tình thương cô chú dành cho anh chị em chúng tôi.

Đến khóa tu Đức, tôi ngạc nhiên vì nói là khóa tu tiếng Đức nhưng tôi thấy có đủ thứ tiếng, lại còn có tiếng Việt nữa chứ. Tôi làm trong đội luân phiên nấu ăn trong khóa tu năm nay. Nói là nấu ăn nhưng tôi chỉ có rửa rau, rửa nồi. Một điều thật đặc biệt là tôi thấy các đội nấu ăn của các thầy các sư cô đa số là người Việt. Tôi thật khâm phục những người huynh đệ của mình vì ai cũng nấu ăn giỏi, nhất là các món Tây. Những người bạn thiền sinh trong gia đình chuyển thức ăn ra bàn cứ hỏi đội chúng tôi về tên tiếng Việt của những món ăn. Tôi chưa giỏi tiếng Anh, nên không biết giải thích như thế nào, nhưng tôi không cảm thấy mình bị làm phiền, tôi chỉ thấy rằng, chúng tôi, dù khác màu da, khác ngôn ngữ nhưng tình thương đã vượt thoát tất cả.

Có tới 14 bàn khất thực cho hơn 1000 người trong khóa tu tiếng Đức tại EIAB

Trời mưa suốt năm ngày trong khóa tu tiếng Đức. Thật khó cho những ai ở lều. Chỉ cần bước chân ra khỏi lều thôi là đã đã ướt chân rồi. Cũng có những bạn thiền sinh chỉ mang theo hai bộ đồ và bị ướt cả hai. Lúc đầu, họ rất buồn và định bỏ về nhưng bài pháp nào của Sư Ông cũng hay nên họ còn ở lại. Nhờ năng lượng chung của đại chúng, nhờ tình thương nên nhiều thiền sinh đã mở lòng chia sẻ. Họ đã khóc thật nhiều. Tôi cảm giác họ đã được chuyển hóa, được giải tỏa rất nhiều.

Có bạn thiền sinh trong gia đình pháp đàm của tôi đã chia sẻ là họ tới đây để nạp năng lượng. Nơi đây giống như một trạm xăng. Có rất nhiều người tới đây năm, sáu lần. Họ tới đây chỉ đơn giản là muốn tận hưởng không khí thanh tịnh của Tu viện. Cũng có người tới đây lần đầu chỉ để gặp Sư Ông nhưng sau đó họ đã thay đổi. Họ nói những khóa tu tới họ sẽ tiếp tục đến nữa, dù không có Sư Ông. Họ sẽ đến để được nhìn thấy quý thầy, quý sư cô đi lại nhẹ nhàng, nói năng nhỏ nhẹ và lúc nào cũng cười tươi. Tôi được học rất nhiều khi ngồi lắng nghe những chia sẻ từ các bạn thiền sinh.

Khóa tu tiếng Hòa Lan thì trời nắng nhiều hơn một chút. Dù trời nắng, mưa ít nhưng lại rất lạnh. Vì trời trở lạnh đột ngột nên nhiều người không mang theo áo ấm. Tri khách rất dễ thương, đã mở cửa cho chúng tôi mượn thêm mền, thêm áo ấm.

Lại một sự thay đổi lớn đã xảy ra. Trong gia đình pháp đàm của tôi có nhiều người khóc. Mỗi buổi pháp đàm lại là một sự thay đổi lớn. Trái tim của các bạn thiền sinh dần dần mở ra. Tôi ngồi đó, lắng nghe họ chia sẻ mà trong lòng cảm thấy niềm vui rộn rã. Tôi tin là họ sẽ mang sự chuyển hóa đó về nhà.

Quý sư cô hướng dẫn thiền sinh tập khí công

Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa thôi là tôi tạm biệt EIAB để về lại Làng, tiếp tục cho khóa tu tiếng Ý, tiếp tục cho công trình chuyển khổ đau. Huynh đệ chúng tôi đã cùng nhau hiến tặng cho những người đến đây những hoa trái của thương yêu. Chỉ cần chúng tôi thương yêu, đùm bọc nhau thì dù có khó khăn mấy cũng vượt qua.

Tôi thấy mình đang được cùng tăng thân đi trên con đường thật đẹp, thật hiền.

Đây là giây phút hạnh phúc!

ĐÂY LÀ GIÂY PHÚT HẠNH PHÚC (chủ đề của khóa tu tháng 08 năm 2014 tại EIAB)

Thức dậy hôm nay em thấy trời xanh

Chắp tay em cám ơn đời mầu nhiệm

Cho em hai mươi bốn giờ tinh khôi

Cho em bầu trời xanh trong

Những dòng thơ đi lên một cách tự nhiên khi tôi với tay mở cửa sổ, mở ra một khung trời thật rộng rãi, thênh thang, vài cụm mây trắng thong dong trôi nhẹ qua như những tháng ngày cũng đang trôi. Tia nắng đầu nhấp nhô, tung tăng trên những sườn đồi ướt át sau nhiều đêm sương phủ và nhiều ngày mưa rả rích.

Đón nắng mai trong một không gian yên lắng cho tôi thấy rõ niềm biết ơn đang tràn ngập trong tim mình. Tôi biết ơn cho những ngày tháng qua, biết ơn cho những gì mình đang được trải nghiệm. Biết ơn những đôi bàn tay, những trái tim phụng sự của người huynh đệ, của tứ chúng đồng tu đã cùng nhau tổ chức một khóa tu ngoài sức tưởng tượng như khóa tu vừa rồi. Nói ngoài sức tưởng tượng vì số lượng thiền sinh tham dự tăng lên rất nhiều mà chúng xuất sĩ làm việc trong khóa tu lại ít hơn so với những năm trước.

Dòng chảy áo nâu đang đi qua những tháng ngày miệt mài với công trình chuyển hóa. Tuy năm nay Sư ông và tăng đoàn không có tour châu Á trước khi về lại EIAB nhưng trước đó đã có khóa tu mùa hè gần một tháng. Khóa tu mùa hè vừa xong thì đại chúng ở Làng khăn gói, túi đảy qua EIAB chuẩn bị cho ngày quán niệm người Việt, quán niệm người Đức, khóa tu Đức, khóa tu Hòa Lan và sau đó về lại Làng lo cho khóa tu tiếng Ý.

Nụ cười sẻ chia, nâng đỡ

Được biết năm nay trên toàn nước Đức sẽ có một kì nghỉ cùng lúc vào tháng tám. Đây cũng là một nhân duyên tạo điều kiện cho nhiều thiền sinh về EIAB dự khóa tu đông hơn mọi năm. Thông thường, việc nhận thiền sinh sẽ kết thúc hai tuần trước khi khóa tu bắt đầu, nhưng số lượng đăng ký bên khóa tu Đức tăng nhanh ồ ạt, còn những một tháng nữa mới đến khóa tu mà số lượng đăng ký đã lên đến hơn một ngàn. Vì vậy, bên văn phòng ghi danh phải đóng sớm hơn dự định.

Tuy rất muốn nhận thêm vì “biết đâu đây là cơ hội cuối cùng họ muốn thay đổi cuộc sống” hay “tội nghiệp người ta, họ chỉ muốn đến để tu” như lời chia sẻ của Thầy và sư cô Chân Không nhưng do sức chứa của EIAB hiện tại còn hạn chế về cơ sở vật chất nói chung và phòng ốc, nhà bếp nói riêng nên đành hẹn các bạn thiền sinh vào những khóa tu khác. Tuy vậy, một cơ hội khác được mở ra là thiền sinh Đức có thể đăng ký bên khóa tu tiếng Hòa Lan. Các thầy các sư cô sẽ tổ chức những gia đình pháp đàm cho thiền sinh người Đức ngay trong khóa tu tiếng Hòa Lan.

Biết lịch khóa tu liên tiếp, đại chúng bên Làng sẽ không qua sớm như mọi năm và số lượng thiền sinh về dự đông hơn nhiều nên đại chúng EIAB đã chuẩn bị khá sớm từ trong ra ngoài. Tất cả các ban, tri đều lo thu xếp công việc của mình: tri khách kiểm tra lại phòng ốc, ra mền, nệm, các khu vực ở của thiền sinh; tri bếp coi lại nồi niu, xoong chảo, dụng cụ nhà bếp; tri rác chuẩn bị các khu vực chuyển hóa rác; tri khố đặt trước những thức ăn khô; tri kho coi lại thực phẩm…

Khóa tu Sư Ông tại EIAB mỗi năm là cơ hội quý cho huynh đệ chúng tôi sum vầy “gió trăng mát mặt, muối dưa chay lòng“. EIAB thương cho Làng vừa xong khóa tu mùa hè đầy nắng, chưa kịp nghỉ ngơi lại lên xe tiếp tục qua Đức còn huynh đệ bên Làng thì tội nghiệp cho EIAB phải làm việc nhiều. Hoa trái thương yêu có mặt ngay từ bên trong nên huynh đệ gặp nhau tay bắt mặt mừng, nụ cười luôn có đó trong niềm cảm thông, nâng đỡ.

Ngày 01.08, khóa tu mùa hè kết thúc thì ngay hôm đó Làng bắt đầu qua EIAB. Huynh đệ EIAB mong ngóng, chờ Làng qua nhưng nghe tin báo từ Làng là quý sư cô xóm Hạ quá mệt không thể lái xe qua chuyến đầu tiên. Đến khuya ngày 03, một chiếc xe van xóm Mới qua trước. Ngày 04, xe xóm Hạ và tối ngày 05 là xe van xóm Thượng cùng hai xe bus đã có mặt tại EIAB.

Nhờ quý thầy quý sư cô bên Làng có mặt nên những công việc cuối cùng nhanh chóng được thu xếp.

Trước khi khóa tu bắt đầu, cả gia đình áo nâu đã vân tập tại tháp chuông Bao Dung cúng đại thí thực.

Hai trăm xuất sĩ đã ăn cơm trưa chung, có mặt cho nhau trước khi bắt tay vào công việc. Năm nay có nhiều huynh đệ mới tới EIAB lần đầu, đặc biệt là gia đình áo nâu đông hơn với chín sư em mới xuất gia trong cây Trắc Bá Diệp vào tháng rồi.

Sáng ngày 09 trời kéo mây u ám, khí trời ẩm ướt hứa hẹn cho những trận mưa dai dẳng. Tôi ngại là bà con người Việt ở xa sẽ khó lòng về được nhưng cơn mưa tháng tám không ngăn được bước chân của những người muốn đến EIAB. Đã có hơn 300 người Việt về dự ngày quán niệm tiếng Việt với chủ đề Đây Là Giây Phút Hạnh Phúc.

Bà con rất hoan hỷ khi được nghe pháp thoại của Sư ông. Nhiều cô bác tâm sự với tôi: “bên ngoài là mưa trời còn bên trong thiền đường thì Sư ông ban mưa pháp cho chúng con. Chúng con hạnh phúc lắm khi được nhìn thấy Sư Ông, được Sư Ông dạy dỗ“. Cũng có nhiều cô bác thu xếp đến EIAB trước đó hai ba ngày, nói là “để phụ giúp các thầy các sư cô vì nghe nói khóa tu năm nay đông lắm, tội nghiệp các thầy các sư cô”.

Người Việt gặp nhau không thể thiếu tiếng nói cười, tiếng gọi nhau í ới. Các cô chú rất thích xuống bếp phụ giúp nấu nướng. Và nhiều cô chú khác vì không có điều kiện đến dự ngày quán niệm cũng cố gắng tranh thủ mang thực phẩm đến cúng dường rồi lại tranh thủ ra về. Đó cũng là niềm vui chất phác, chân thành của người Phật tử Việt khi đến chùa là được vào bếp giúp cắt gọt, nấu nướng, được cúng dường.

Kết thúc ngày quán niệm người Việt là đến ngày quán niệm người Đức diễn ra vào ngày 10 với chủ đề Hạnh Phúc Là Con Đường (Glück ist der Weg). Có hơn 1000 người đăng ký tham dự ngày này. Cũng như khóa tu Đức, ngày quán niệm người Đức cũng đóng ghi danh sớm vì vé đã hết. Năng lượng hùng hậu, tu tập miên mật trong ngày quán niệm người Đức đã mở màng yểm trợ cho năng lượng chung của khóa tu rất nhiều.

Những bông hoa trong tim đã nở

Ngày 12, ngày khách đến cho khóa tu Đức. Hầu như toàn bộ chúng xuất sĩ, cư sĩ đều có mặt yểm trợ cho tri khách, giúp hướng dẫn bãi đậu xe. Mọi thứ diễn ra suông sẻ, nhanh gọn.

17h30, hơn 1000 thiền sinh và xuất sĩ, ai về gia đình nấy để “ra mắt“ gia đình pháp đàm của mình.

37 gia đình pháp đàm mang tên của 37 loài hoa.

Năm ngày khóa tu Đức là năm ngày mưa rả rích. Những tưởng trời mưa sẽ làm giảm đi hạnh phúc của các bạn thiền sinh nhưng ngược lại, ngày đầu thích nghi với điều kiện ẩm ướt đến ngày thứ hai tôi thấy nhiều người rất hạnh phúc. Tôi cảm nhận hạnh phúc đến từ bên trong của họ cũng như tinh thần của khóa tu này vậy- Nuôi Dưỡng Hạnh Phúc Trong Trái Tim (Glück in unserem Herzen nähren) .

Ngoài sân có nhiều chú nhóc (từ 6 đến 12 tuổi) chạy nhảy vui đùa. Các em được ba mẹ trang bị đầy đủ đồ ấm, áo mưa, giày ống cao. Nhiều bé có vẻ thích thú với trời mưa, tha hồ mà nghịch bùn đất, tắm mưa.

Thiền đường có sức chứa 900, không đủ chỗ ngồi, hầu như chúng xuất sĩ đều ngồi ở bên ngoài để nhường chỗ cho thiền sinh.

Những bài pháp thoại của Sư Ông tập trung vào những thực tập căn bản giúp nuôi dưỡng niềm hạnh phúc chính trong tự thân qua cái nhìn tương tức trong lý duyên sinh, tứ diệu đế, trong tinh thần bát chánh đạo. Những lời pháp nhủ như dòng cam lồ ngọt ngào đánh động nhiều trái tim, đã chạm vào được tận chiều sâu tâm hồn người Đức, mang lại rất nhiều trị liệu, niềm vui. Dù trời mưa lạnh nhưng giờ ngồi thiền, pháp thoại, pháp đàm đều đông đủ.

Nhìn dòng người đang thực tập thiền hành, đi từng bước tỉnh thức trên những con đường trong khuôn viên Học viện, tôi cảm được sự hùng lực trong dòng chảy kia. Êm đềm nhưng mạnh mẽ như dòng nước từ thượng nguồn dãy Hymalaya đổ về chín nhánh Cửu Long, thênh thang về biển lớn vậy.

Dù số lượng người mới thực tập là rất nhiều, hơn 50%, nhưng các bạn thiền sinh đến đây đã hết lòng chấp nhận, cảm thông, nâng đỡ cho các thầy, các sư cô. Vì các thầy các sư cô không đủ nên nhiều vị giáo thọ cư sĩ được mời giúp hướng dẫn gia đình pháp đàm. Có hơn 60 staff (cộng tác viên) giúp công việc trong khóa tu. Tuy trời có mưa, tuy thức ăn lạ miệng, có khi không đủ nhưng các bạn không than phiền mà ngược lại còn thực tập hết lòng, tinh chuyên, có nhiều hoa trái hạnh phúc. Những chia sẻ pháp đàm cởi mở, những buổi làm mới chân thành và rất nhiều giọt nước mắt đã rơi. Có cặp vợ chồng kia khi làm mới với nhau đã bế con đi chỗ khác vì không muốn những sẻ chia của người lớn vô tình làm con mình bị tổn thương. Họ đã can đảm nói thực những gì đã đè nén trong lòng từ rất lâu.

Đặc biệt năm nay có rất nhiều người Việt về tham dự khóa tu, nhất là người trẻ. Các em đến từ ngày quán niệm người Việt. Đây cũng là lần đầu các em đến EIAB. Ba mẹ các em chia sẻ với tôi: “nghe pháp thoại tiếng Việt mấy em không hiểu nhiều bằng tiếng Đức vì các em được sinh ra và lớn lên ở đây. Không có chương trình sinh hoạt riêng cho người Việt, các em hơi buồn nhưng bù lại, các thầy các sư cô trẻ tuyệt vời quá, chịu chơi quá đi! Khi nào có khóa tu, nếu được nghỉ học, mấy em sẽ về đây nữa”.

Sáng ngày 17 có buổi lễ truyền năm giới. Tôi ngồi yên trong niềm cảm kích khó tả. Gần 300 người có gốc rễ truyền thống Cơ Đốc Giáo đang thành kính, chấp tay tiếp thọ ba sự quay về và năm giới quý báu đưa tới hạnh phúc chân thực. Tôi thấy những người đến đây tu học họ không mất gì cả mà còn giàu có hơn rất nhiều, Chúa đã dẫn đường và Bụt đã trao truyền cho họ thêm những phương pháp chế tác hạnh phúc, chuyển hóa khổ đau.

Ngày ra về, rất nhiều người đã chia sẻ niềm hạnh phúc. Những bông hoa không chỉ là tên gọi cho mỗi gia đình pháp đàm mà nó đã thực sự hiện hữu chính trong trái tim của mỗi người. Đó là kết quả của công trình chuyển hóa, trị liệu chung.

Hiểu biết chính là thương yêu – Liefde is begrip

Khóa tu Đức kết thúc, đại chúng có một ngày nghỉ ngơi, làm việc chuẩn bị cho ngày 19 đón hơn 530 thiền sinh về cho khóa tu tiếng Hòa Lan từ ngày 19 đến ngày 24.

14h, hai chiếc xe bus Lia của tăng thân Hòa Lan đến trước đại sảnh tòa nhà Asoka. Những người con của xứ sở cối xay gió mang tặng cho cho mỗi gia đình pháp đàm rất nhiều hoa hướng dương cùng năng lượng an nhiên, nhẹ nhàng.

Trời vẫn mưa nhưng có phần ít hơn tuần trước. Người Hòa Lan rất thích tận hưởng thiên nhiên. Họ thích cắm lều hơn là đăng ký ở trong phòng. Những ngày nắng, họ thường ngồi uống trà ngoài trời. Những câu chuyện như dài mãi, một buổi pháp đàm không đủ giờ chia sẻ nên họ thường tranh thủ vào những giờ rãnh giữa các thời khóa, ngồi lại đàm đạo với nhau.

Như chủ đề của khóa tu này “Hiểu Biết Chính Là Thương Yêu“ (Liefde is Begrip), Sư Ông đã chia sẻ nhiều phương pháp thực tập căn bản trong đời sống gia đình, vợ chồng con cái; trong mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp. Tình yêu thương cần được nuôi dưỡng mỗi ngày bằng lòng từ, bi, hỷ, xả, bằng chánh niệm, sự lân mẫn, chăm sóc, biết ơn những điều kiện hạnh phúc giản đơn, nhận diện sự có mặt của những người thương.

Trước khi bắt đầu buổi vấn đáp, tất cả các em nhỏ lên sân khấu hát tặng đại chúng bài thực tập Thở Vào Thở Ra bằng tiếng Hòa Lan rất sinh động, vui tươi. Nhiều em nhỏ nói lên những thắc mắc rất ngây thơ nhưng không kém phần thú vị. Các em hỏi Thầy: vì sao Thầy là người tu? Trong đạo Bụt, Thầy thích nhất điều gì? Con không hiểu câu thư pháp trong bảng tên của những đứa con nít tụi con?

Sư Ông khéo léo trả lời rất đơn giản những thắc mắc này: Thầy muốn mình sống từ bi như lời Bụt dạy; Thầy thích nhất tinh thần bao dung, không kỳ thị trong giáo lý đạo Bụt; Câu thư pháp trong bảng tên của con là chủ đề của khóa tu này đó!

Xong phần vấn đáp cho các em nhỏ là đến người lớn. Nhiều người đã mạnh dạn chia sẻ khó khăn thực sự trong mối quan hệ bạn bè, người thân, làm sao để được tự do, không hệ lụy trong tình thương, làm sao đi qua khổ đau khi thấy ba mẹ không hạnh phúc, cãi nhau…

Được biết những ngày đầu, thiền sinh khóc rất nhiều trong các gia đình pháp đàm bởi những những khó khăn, hạt giống khổ đau được nhận diện. Dần dần qua mấy ngày sau, mọi người mở lòng chia sẻ nhiều hơn.  Có gia đình khóc nhiều quá nên các thầy, các sư cô hướng dẫn gia đình đã linh hoạt bày những trò chơi thư giãn hay tập hát những bài hát vui tươi, nuôi dưỡng trước khi bắt đầu chia sẻ. Nhờ vậy mà không khí cũng được cân bằng, nụ cười bình an trở lại.

Sáng ngày 24, buổi lễ truyền năm giới đã diễn ra rất hùng hậu với sự có mặt của quý thầy quý cô giáo thọ lớn như thầy Pháp Ấn làm chủ lễ cùng thầy Pháp Ứng, thầy Pháp Thạnh, thầy Pháp Xả, sư cô Chân Đức, sư cô Diệu Nghiêm… Dòng chảy vẫn tiếp tục. Tôi thấy rõ sự tiếp nối nơi các sư anh sư chị lớn của tôi.

Nhờ sự yểm trợ hết lòng của tăng thân Hòa Lan mà các thầy các sư cô đỡ phần vất vả trong khóa tu. Sự kết hợp nhịp nhàng, hòa hợp của bốn chúng cùng sự trãi lòng, thực tập hết mình của thiền sinh đã góp phần tạo nên kết quả tươi đẹp như những đóa hoa hướng dương mà các bạn đã mang đến đây.

Những bước chân không mỏi

Một số các thầy trong ban tổ chức khóa tu Ý đã về vào sáng sớm ngày 23. Sáng ngày hôm sau, tức là ngày cuối của khóa tu, một số sư cô xóm Mới cũng về trước. Buổi trưa, đại chúng tập trung mỗi người một tay giúp dọn dẹp một ít trước khi lên xe về lại Làng Mai vào chiều cùng ngày.

Ngay khi tôi đang viết lại những dòng này thì ngoài kia nắng đã lên cao, nhớ ra khóa tu tiếng Ý đã bắt đầu được hai ngày tại Làng rồi. Những giọt mồ hôi, những nụ cười của sư anh, sư chị, sư em như đang hiện rõ trong tôi…

Đông Nguyên

Đọc thêm những bài viết cùng chủ đề:

EIAB – Công trình chuyển hóa của Tăng thân

Chung một con đường

EIAB – Công trình chuyển hóa của Tăng thân

Tôi về Viện Phật Học Ứng dụng Châu Âu (EIAB) lần này như về nhà vậy đó. Sau 5 năm, Học viện đã có nhiều chuyển hóa. Ngôi nhà – chứng tích của một thời khổ đau – đã dần trở nên ấm áp bởi năng lượng tu học hằng ngày và những bàn tay chăm sóc, hiến tặng thương yêu cho cuộc đời.

Nuôi dưỡng hạnh phúc trong trái tim mình

Mọi người về tham dự khóa tu năm nay đông hơn mọi năm. 900 thiền sinh trong đó có 60 trẻ em (6-12 tuổi), 20 thanh thiếu niên (13-17 tuổi) đã về tham dự khóa tu dành cho người nói tiếng Đức (từ ngày 12 – 17/8). Chủ đề của khóa tu năm nay là “Nuôi dưỡng hạnh phúc trong trái tim mình”. Dù thời tiết năm nay không được thuận lợi lắm, trời mưa gần như suốt cả khóa tu, nhưng điều đó vẫn không làm cho năng lượng tu học của thiền sinh giảm sút chút nào. Dù ngoài kia trời mưa gió, nhưng bước chân vẫn tinh chuyên đều đặn đặt lên mặt đất ẩm ướt dấu ấn của tình thương.

Từ 6h sáng, mọi người đã thức dậy, đánh răng rửa mặt và bước những bước chân cẩn trọng đầu ngày đến thiền đường để ngồi thiền. Chẳng ai bảo ai, mọi người đều đi trong yên lặng, tận hưởng không khí trong lành của buổi sớm ai trên đường đến thiền đường. Chẳng mấy chốc, chiếc lều lớn có sức chứa cả ngàn người không còn một chỗ trống. Có bạn ngồi bệt xuống sàn, lót sơ tấm mền hay chiếc áo để ngồi. Cái khí lạnh đầu ngày từ từ nhường chỗ cho hơi ấm của mỗi người. Hơi thở đều đặn, lắng dịu của một tập thể làm cho không khí trong thiền đường trở nên ấm cúng và linh thiêng. Đời sống như nhuốm lên một gam màu mới, một ngôn ngữ mới, một quang cảnh mới mà thế giới ồn ào phố thị như tạm lùi xa.

Tôi ngồi trong lòng Tăng thân mà cảm nhận như đang nằm trong lòng mẹ, an toàn và ấm áp. Tôi không ngủ mà thả lỏng mình để cảm nhận giây phút linh thiêng của sự sống mầu nhiệm đang có thật trong cuộc đời này. Nụ cười đến bất ngờ làm cho tôi ý thức niềm vui khi được “là như thế đó”! Tôi để cho nụ cười thấm sâu vào cơ thể như nguồn nước mát thấm vào lòng đất. Phút chốc, chuông xả thiền điểm báo thời công phu sáng đã xong. Tôi duỗi người xoa bóp chân tay và ý thức sự sống của cơ thể đang có mặt “ngay bây giờ và ở đây”. Ngước lên, bắt gặp Thầy đang làm vài động tác thư giãn và hàng loạt cánh tay nhịp nhàng làm theo…Rồi đại chúng cùng ngồi xuống nghe đọc một bài kinh. Từng chữ, từng câu rót xuống đất tâm từng người như những giọt nước mưa đang tí tách rơi trên mái lều. “Đây là giây phút hạnh phúc” – câu thư pháp của Thầy và cũng là chủ đề của khóa tu – trở nên sống động trên bức màn lớn màu xanh lá cây, như khắc lên nền trời cái thực tại mầu nhiệm.

Mưa vẫn không ngừng, đường xá ướt nhem. Mọi người thấy cái lạnh và sự ướt át lấy đi một chút niềm vui, nhưng vẫn không ngăn được từng bước chân đều đặn tụ về chiếc lều lớn để ngồi thiền, nghe pháp thoại, thuyết trình…Dường như ai cũng muốn học cách thắp sáng mặt trời trong trái tim mình khi mặt trời ngoài kia đang bị che khuất sau những đám mây xám xịt. Tôi chợt nhớ lời Thầy dạy trong một bài pháp thoại: Là một hành giả, chúng ta phải biết cách làm cho mỗi giây phút của đời sống trở thành giây phút hạnh phúc. Giây phút đó có là giây phút hạnh phúc hay không, điều đó phụ thuộc vào chính chúng ta!

Tu học và làm việc như một dòng sông

Trong khóa tu dành cho người nói tiếng Đức, 900 thiền sinh được chia ra làm 37 gia đình pháp đàm. Mỗi gia đình phụ trách một công việc trong khóa tu như: cắt gọt, rửa dọn, chùi nhà vệ sinh, xử lý rác, v.v. Các thiền sinh được ăn cơm và pháp đàm chung theo gia đình, với sự có mặt và hướng dẫn của các thầy, các sư cô.

Dù thời tiết không thuận lợi, các gia đình làm việc vẫn âm thầm di chuyển thức ăn, nước uống, rửa dọn…Có một cái gì mới lạ trong cái thời tiết ảm đạm này! Sau mấy ngày nghe pháp, những lời pháp bình dị mà sâu lắng như quyện mọi người lại với nhau trong 8 cách hành trì chân chánh (Bát chánh đạo). Thầy dừng lại, mỉm một nụ cười và hẹn ngày mai Thầy sẽ nói về Chánh tinh tấn. Tôi vỡ òa ra cái niềm vui được tận hưởng và chứng kiến sự tinh chuyên thực tập của từng người.

Không cần đợi đến ngay mai, tôi có thể cảm nhận sự tinh chuyên đang diễn ra từng ngày trong từng bước chân cẩn trọng, lời nói cẩn trọng, và cả trong ánh mặt, nụ cười của các thiền sinh…Ui chao, từ ngôn ngữ đến thực tại đã rút đi cái khoảng cách bao la tự hồi nào? Niềm vui ập đến bất ngờ làm tôi choáng ngợp! Tôi ý thức rõ hơn công trình chuyển hóa của tăng thân tại EIAB. Niềm vui ấy tiếp nối sau bao ngày sống, làm việc, thực tập và chia sẻ cùng nhau. 37 gia đình ngồi co cụm lại dưới mưa mà vẫn thấy hơi ấm tình người có đó.

Hơn 150 xuất sĩ từ Làng sang để yểm trợ khóa tu, cùng với 50 xuất sĩ thường trú của EIAB vẫn không thấy thấm vào đâu so với số lượng 900 thiền sinh đến tu học. Tôi chợt nghe rõ lời Thầy: “mình đi xuất gia mấy cho đủ?”

Thật vui biết bao khi thấy có những thiền sinh đã hơn 80 tuổi rồi vẫn tự mình về dự khóa tu. Nhiều người còn đưa cả vợ, chồng, con cái cùng về tu học. Có cặp vợ chồng người vừa mới cưới ngày hôm trước thì ngày hôm sau đã về EIAB để tham dự khóa tu, thưởng thức “tuần trăng mật” của mình cùng với Tăng thân.

Giây phút huyền thoại

Ngày cuối cùng của khóa tu là ngày truyền 5 giới. Tôi không khỏi ngỡ ngàng và xúc động khi thấy gần 300 thiền sinh Tây phương cùng quỳ xuống tiếp nhận 5 giới quý báu – con đường của tình thương và hạnh phúc chân thực. Đúng là một giây phút huyền thoại! Sau buổi lễ, tôi có cơ hội nói chuyện với một cặp vợ chồng lớn tuổi. Họ tâm sự rằng trong giây phút quỳ xuống để tiếp nhận 5 giới, cả hai người cùng cảm nhận một niềm vui tràn ngập như cái cảm giác của ngày đầu mới cưới.

Khóa tu kết thúc với những vòng tay ôm đầy lưu luyến. Mọi người trao nhau địa chỉ email để giữ liên lạc và cùng tiếp tục chia sẻ sự tu học sau khóa tu. Ai cũng hẹn sẽ trở lại Học viện trong khóa tu sang năm. Buổi cơm trưa cuối cùng của từng gia đình pháp đàm trở nên thân mật và gần gũi với lời chào tạm biệt. Một thiền sinh nói rằng anh sẽ thay đổi cách sống, không để phí cuộc đời mình như những năm trước nữa. Lời nói đó đi vào trong tôi và làm tôi thấy trân quý hơn bao giờ hết đời sống xuất gia của mình. Tôi xá chào mọi người và thầm cảm ơn sự thực tập tinh chuyên của từng thiền sinh đến đây.

Sen búp xin tặng người

Những vị Bụt tương lai.

Cổng vào Học viện với dòng chữ “Thở đi con” (bằng tiếng Đức)

Đôi nét về khóa tu Sư Ông năm nay tại EIAB

Khóa tu nối tiếp khóa tu! Sau khóa tu này (khóa tu dành cho người nói tiếng Đức), các sư anh, sư chị và sư em của tôi về lại Làng nghỉ ngơi vài ngày rồi chuẩn bị cho những sự kiện liên tiếp như open house và khóa tu mùa hè. Còn tôi đang ngồi đây, nơi khung cửa sổ tràn ngập nắng xuân ấm áp để ghi lại đôi dòng và cũng để cảm nhận dòng sống đang chảy trôi.

 

Understanding our emotions (Khóa tu tiếng Hòa Lan, 04-09.06.2013)

Khởi động

Từ sáng ngày 4.6.2013 gần 500 thiền sinh đã về Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu để bắt đầu cho khóa tu tiếng Hòa Lan. Ngoài trời nắng vàng tươi, giòn tan. Chúng tôi nói với nhau “không chỉ thiền sinh mà nắng xuân cũng arrive (tới) với mình nữa”.

Hai bên đường vào chùa Đại Bi là hai dãy bàn information (thông tin hướng dẫn) của ban ghi danh. Đón khách không chỉ có ban ghi danh, ban tri khách mà còn có rất nhiều các thầy, sư cô khác sau khi xong việc ban- tri của mình cũng có mặt dể yểm trợ, hướng dẫn và cung cấp những thông tin cần thiết cho thiền sinh như phòng ở, đường đi, thời khóa, các địa điểm pháp đàm, pháp thoại, nhà ăn, bàn trà… Rất nhiều thiền sinh cảm nhận một tình thương ấm áp khi được các thầy, các sư cô tiếp đón ân cần, chu đáo như vậy.

Sau vài năm tăng thân có mặt và tu học tại Đức, đến nay quý thầy và quý sư cô thường trú tại Học viện đã có thể nói chuyện bằng tiếng Đức với các bạn thiền sinh một cách lưu loát. Điều này khiến không khí khóa tu càng thêm thân mật.

Mặc dù khóa tu tiếng Hà Lan nhưng rất đông người Đức tham dự, mặt khác rất nhiều người Hòa Lan cũng nói và hiểu được tiếng Đức. Vì vậy trong khóa tu chúng ta có thể lắng nghe được nhiều cuộc trao đổi bằng tiếng Đức, tiếng Hòa Lan, tiếng Anh và không ít quý cô chú người Việt rất thích nói tiếng Việt với quý thầy, quý sư cô.

Bữa cơm trưa Việt Nam đầu tiên dành cho các bạn thiền sinh khá thú vị. Đại chúng được ngồi dưới bãi cỏ với ánh nắng vàng trong không khí se se mát dịu của mùa xuân và thưởng thức đĩa cơm Việt. Có những bạn thiền sinh quá thích đã khất thực một đĩa thật đầy để tận hưởng trong chánh niệm. Sau đó mọi người còn được đội nấu ăn hôm đó đãi món chè đậu đỏ thật là ngon để tráng miệng.

Thời khóa chung đầu tiên dành cho các gia đình pháp đàm là buổi cơm chiều sau khi đã đón đông đủ thiền sinh. Pháp môn đầu tiên các bạn thiền sinh được thực tập chung với nhau là thiền ăn. Sau ba tiếng chuông và Năm lời quán nguyện trước khi ăn, chủ tọa gia đình pháp đàm mời đại chúng ăn cơm trong im lặng 20 phút đầu tiên.

Sau đó thì mọi hoạt động làm quen trong mỗi gia đình đều được khởi động, những trò chơi nhằm giới thiệu và lưu nhớ tên của nhau rất sinh động. Có vài thành viên trong một số gia đình được hát chúc mừng nhân dịp trùng ngày sinh nhật.

Trong khóa tu, mỗi gia đình đều nhận một trách nhiệm, có gia đình tham gia rửa dọn, có gia đình tham gia chăm sóc thiền đường, có gia đình chăm sóc phần chuyển hóa rác, khử trùng, làm vệ sinh…Các bạn cộng tác viên (staff) của mỗi gia đình cùng quý thầy, quý sư cô tri sự trong gia đình hướng dẫn thiền sinh đóng góp sự thực tập làm việc chánh niệm của mình cho tăng thân từ 15g đến 16g mỗi ngày trước khi thời khóa pháp đàm bắt đầu lúc 16g30.

Buổi tối, 19g30 có hướng dẫn tổng quát cho thiền sinh tại thiền đường chính. Như tiếng vang lên cộng hưởng với tiếng chuông gia trì trầm hùng. Thầy Pháp Ứng cùng Pháp Xả, sư cô Sáng Nghiêm hướng dẫn bằng tiếng Hà Lan. Đại chúng rất hạnh phúc khi nhận được sự trao truyền từ Sư Ông qua quý sư cha lớn trong tăng thân trong phần việc thiêng liêng này. Qua các vị, đại chúng nhìn thấy sự trao truyền rất rõ từ sư ông nên rất là hạnh phúc.

Tâm Yên

Mưa pháp thấm nhuần

Thời tiết ưu đãi là một trong những nhân tố góp phần cho hạnh phúc chung của cả khóa tu này. Năm nào cũng vậy, các bạn thiền sinh Hòa Lan mang đến cho Học viện không khí hiền hòa, chân quê, một cái gì đó rất nhẹ nhàng với những bó hoa cẩm chướng vượt qua gần mười tiếng đồng hồ để có mặt trong mỗi gia đình pháp đàm.

Buổi sáng Waldbröl đẹp như tranh vẽ với những gương mặt rạng rỡ, những bước chân tỉnh thức của các bạn thiền sinh và của hàng trăm vị xuất sĩ. Mỗi ngày qua đi như dòng chảy êm nhẹ với ngồi thiền, đọc kinh, ăn sáng, pháp thoại, thiền hành, thiền buông thư, pháp đàm (hoặc thiền trà). Buổi tối có ngồi thiền, tụng kinh hoặc chia sẻ, thuyết trình về pháp môn làm mới hoặc về năm giới.

Trước mỗi buổi pháp thoại đều có tụng kinh tiếng Anh hoặc tiếng Hòa Lan. Những bài pháp thoại của Sư Ông chia sẻ về chủ đề hiểu biết những cảm thọ của chúng ta. Sư Ông đã chia sẻ rất sâu về tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả), những tình huống thực tế trong đời sống gia đình, trong quan hệ bạn bè, công việc, vì sao có những đổ vỡ không đáng từ những việc nhỏ nhặt.

Trong một bài pháp thoại, Sư Ông truyền cảm hứng cho thính chúng về tình thương yêu đích thực (true love) để buổi vấn đáp hôm sau trở nên rất sinh động, những khúc mắc được sẻ chia và tháo gỡ. Nhìn lên tôi thấy có tới gần 20 bạn thiền sinh lên ngồi để đặt câu hỏi.

Sau buổi đó rất nhiều thiền sinh được thấm nhuần và mong muốn tìm hiểu, thực tập cái gọi là tình yêu thương đích thực. Nhiều vị vào thư quán tìm quyển Teaching On Love. Có vị rất dễ thương, biết cả tiếng Anh và tiếng Đức, khi sách tiếng Anh hết thì cũng chịu khó mua sách tiếng Đức về. Họ chia sẻ với một sư cô trong thư quán rằng “bài pháp thoại sáng nay của Thầy đánh động mình rất nhiều, mình đang có một khó khăn nhỏ với người bạn của mình. Mình đang muốn học cách làm sao để làm hòa với bạn ấy.”

Tham vấn với Sư Ông

Sẻ chia như trong một gia đình

Nếu bạn tham dự vào những gia đình gia đình pháp đàm, bạn sẽ thấy rõ năng lượng chuyển hóa của các bạn thiền sinh sau mấy ngày tu tập cùng tăng thân. Ngày đầu, các bạn chia sẻ còn có phần ngại ngùng, đến ngày thứ hai rất nhiều cảm xúc vỡ òa.

Không khí qua mỗi ngày trở nên gần gũi thâm tình hơn, có sư cô người Myanma (đến từ truyền thống Tây Tạng) cũng nói thật những khổ đau trước khi cô đến với khóa tu này, rằng tuy cô đi tu đã lâu nhưng bố của cô vẫn chưa đồng ý, bố rất muốn cô theo đuổi con đường sự nghiệp, học hành thế tục.

Có lần từ chùa về thăm nhà, cô đã bị bố la mắng rất nặng. Cô không biết làm gì hơn ngoài việc im lặng và khóc. Đây là lần thứ hai cô tới với Học viện dự khóa tu, cô rất muốn bố cùng đi với cô để thực sự cảm nhận đời sống tu tập. Thuyết phục mãi nhưng bố vẫn không chịu đi. Cô rất biết ơn tăng thân đã cho cô cơ hội thực tập, trở về với chính mình, lắng nghe thật sự những khó khăn trong mình để từ từ chuyển hóa.

Trong một tiếng rưỡi pháp đàm, hầu hết các bạn thiền sinh chia sẻ không ít hơn hai lần. Sự thấu hiểu không chỉ qua ngôn ngữ mà còn bằng sự lắng nghe không điều kiện nhất là vơi sự có mặt của các thầy các sư cô trong mỗi gia đình.

Một thầy trẻ trong gia đình pháp đàm của tôi chia sẻ là thật sự khi mới thực tập thầy“chưa cảm thấy dễ dàng lắm khi lắng nghe khó khăn từ người khác nhưng từ từ sau này thầy hiểu ra có thể mình chưa giỏi tiếng Anh nhưng mình chịu có mặt, chịu lắng nghe người khác chia sẻ thì cũng giúp mình hiểu hơn và thông cảm với những khổ đau của họ.”

Chủ tọa của gia đình thường góp một phần khá quan trọng trong việc đem năng lượng tới cho buổi pháp đàm. Một vị chủ tọa khéo có thể làm cho không khí trở nên tự nhiên, cởi mở như trong một gia đình thật sự. Thí dụ như sư cô Định Nghiêm. Sư cô đã mời quý thầy, quý sư cô khác thỉnh chuông, gợi ý cho các bạn thiền sinh chia sẻ bằng những câu hỏi cụ thể như: “Hôm nay bạn cảm thấy như thế nào?” hay “Mời bạn chia sẻ một chút về hạnh phúc hiện tại của bạn.” Sư cô còn gây cảm hứng bằng cách mời mọi người tham gia trò chơi thỉnh chuông và lắng nghe hơi thở của chính mình.

Buổi sáng ngày cuối khóa tu có buổi lễ thọ năm giới. Có khoảng hai phần ba số thiền sinh tham dự khóa tu đăng ký tiếp nhận năm sự hành trì căn bản của người thực tập.

Khóa tu kết thúc với những vòng tay ôm hạnh phúc, ước muốn mang những gì đã học hỏi, trải nghiệm và thực tập trong khóa tu về lại nhà cùng với mong muốn sang năm được trở về Học viện.

Kết thúc khóa tu – Cùng nhau hát “Không đi đâu cũng không cần đến”

Are you sure? (Khóa tu tiếng Đức, 11-16.06.2013)

Nghe dự báo thời tiết là tuần này sẽ mưa nên quý thầy quý sư cô dành thời gian chăm sóc lại địa điểm của những gia đình pháp đàm ngoài trời. Và đa phần ai cũng chuẩn bị tâm lý đón một tuần mưa. Dường như Chư tổ thương nên trời vẫn ấm, không mưa nhiều. Tôi nghĩ thầm “chắc mình cũng phải hỏi lại “bist du sicher?” (are you sure?) về những gì mình nghe, mình thấy, mình cảm như qua chuyện dự báo thời tiết cho tuần này vậy”.

Những khâu chuẩn bị đón khách, sắp xếp những việc cần thiết cho khóa tu lần này diễn ra nhịp nhàng như khóa tu tuần trước. Nhiều thiền sinh hạnh phúc khi thấy trời ấm và quý thầy quý sư cô luôn tươi mát, chu đáo.

Được biết đến thời điểm sắp đóng sổ ghi danh thì chỉ có khoảng hơn 500 thiền sinh đăng ký. Tuy nhiên, qua trao đổi với những người bạn đã từng dự khóa tu cũng như theo dõi thông tin trên mạng, rất nhiều người khác sau đó đã ghi danh, nâng số người tham dự lên đến 700, tương đương với năm ngoái.

Năm nay các em nhỏ về dự khóa tu rất ít nên không có chương trình dành cho trẻ em, có lẽ do thời điểm này các em chưa nghỉ hè. Người trẻ thì có mặt khá đông với nhóm Wake-up từ khóa tu Hòa Lan. Các bạn trẻ này cũng dự phần tích cực vào việc làm cộng tác viên, giúp hướng dẫn công việc cho thiền sinh.

Cũng nói thêm, đến với khóa tu tiếng Đức năm nay có rất nhiều thiền sinh đã tới dự nhiều khóa nên các bạn có thể tự mình xách hành lý về phòng ở không cần nhọc công quý thầy quý sư cô tri khách hướng dẫn.

Ấn tượng đầu tiên của các vị là tháp chuông cao vút, hùng tráng với giọng hô chuông đại hồng thuần túy Việt Nam. Nhiều vị vừa đến Học viện chưa vội vào bàn ghi danh lấy bảng tên và thông tin ngay mà để dành thời gian dạo quanh vườn Bụt, ngắm Bụt, ngắm tháp chuông trước.

Tất cả mọi thời khóa sinh hoạt trong khóa tu này cũng tương tự như khóa tu trước. Trong khóa tu Hòa Lan Sư Ông chia sẻ về những cảm thọ có trong mỗi người và cách áp dụng giáo lý, những thực tập đạo Bụt để nhận diện, chuyển hóa, học cách chăm sóc cảm thọ bằng năng lượng chánh niệm và thực tập con đường hiểu thương. Trong khóa tu tiếng Đức này Sư Ông lại tập trung vào đề tài tiếp xúc với tri giác của mỗi người trong suốt quãng đời từ thời thơ ấu, gia đình, môi trường và xã hội.

Thiền sinh được học cách sử dụng năng lượng chánh niệm như công cụ để nhận diện những tri giác ấy, rằng nó là gì. Họ còn được học cách nhận diện những tri giác sai lầm để thoát khỏi tình trạng hiểu lầm, khổ đau. Sư Ông cũng nhấn mạnh về tính chất không có không không, bất sinh bất diệt, không đi không đến của những sự vật hiện tượng thông qua những suy tưởng của con người qua ví dụ đám mây. Thính đường càng sinh động hơn khi Sư Ông thắp lên que diêm để nó cháy tự nhiên và tự tắt đi, cũng một cách tự nhiên.

Thiền sinh Đức đã mang đến khóa tu năng lượng thân mật, cởi mở qua những buổi làm việc, chia sẻ pháp đàm. Hầu hết trong mỗi gia đình pháp đàm đều có ít nhất hai vị xuất sĩ nói và hiểu được tiếng Đức. Thiền sinh cũng chia sẻ có nhiều hạnh phúc hơn năm ngoái, một phần cũng vì được tiếp xúc nhiều với các thầy các sư cô trẻ nói thông thạo tiếng Đức. Những thiền sinh mới tới lần đầu cũng được sự nâng đỡ của các cô các chú trong nhóm tăng thân Waldbröl đã thực tập lâu với tăng thân.

Năng lượng tu tập tinh chuyên của các bạn thiền sinh nuôi dưỡng cho các vị xuất sĩ rất nhiều. Quý vị luôn dự mọi sinh hoạt đúng giờ, miên mật, những buổi pháp thoại luôn đầy chỗ, nhiều thầy, sư cô phải ngồi ở dãy ghế bên ngoài thiền đường. Thiền sinh rất thích đọc sách của Sư Ông, nhất là những sách nói về những pháp môn căn bản, những thực tập cần thiết áp dụng vào đời sống hàng ngày như Achtsamkeit mit Kindern (Chánh niệm cho trẻ em), Nimm Das Leben Ganz In Deine Arme (Cho cuộc sống bạn có nhiều tình thương), Fünf Weg Zum Glück (Năm con đường đưa tới hạnh phúc), Geh Meditation (Thực tập thiền hành), Ich Pflanze Ein Lächeln (Tôi trồng một nụ cười), Und Ich Bluhe Wie Die Blume (Và tôi nở ra như một đóa hoa – sách hướng dẫn những bài tập trong lúc ngồi thiền)…

Khóa tu kết thúc vào ngày 16.6 với lễ truyền năm giới và pháp thoại. Chiều cùng ngày Sư Ông và một số thầy, sư cô rời Học viện, về lại Làng.

Togetherness one – Cúp bóng đá của tình anh chị em

Cũng như khi đến, lúc về lại Làng quý thầy quý sư cô cũng chia ra ba đợt. Đợt đầu về cùng Sư Ông chiều ngày 16, đợt hai về ngày 18 để chuẩn bị cho khóa tu ở Paris và đợt ba về ngày 20.6. Những thầy những sư cô về đợt ba thì có thêm thời gian cùng chơi, cùng phụ giúp quý thầy, sư cô Học việc chấp tác, dọn dẹp sau khóa tu.

Theo chương trình thì ngày 18, 19.6 là hai ngày chơi trong nội chúng xuất sĩ. Chiều ngày 18, cúp bóng đá Togetherness One được các thầy các sư cô hết lòng tham dự. Quy mô giải khá chuyên nghiệp với ban tổ chức đã nhiều lần tổ chức giải bóng trong chùa Làng. Có cúp luân lưu hẳn hoi. Có các đội bóng, bình luận viên, nhóm cổ động viên và nhóm hậu cần chăm sóc sức khỏe. Những chân sút điêu luyện lại có cơ hội lướt trên sân cỏ như thầy Pháp Ứng, thầy Kai-li, thầy Pháp Đại…

Vì là Togetherness One nên tất cả đều là một. Tất cả đều chiến thắng, đều có giải thưởng bởi cơ cấu giải thưởng khá phong phú dành cho cầu thủ và cổ động viên như giải chơi hòa hợp, chơi thiền, fair play, cầu thủ xuất sắc nhất, cổ động viên nhiệt tình, dễ thương… Có lẽ giải thưởng lớn nhất đó là phẩm chất hạnh phúc, là tình huynh đệ của chúng xuất sĩ qua một khóa tu lớn cùng chung vai, chung sức luôn có mặt yểm trợ hết lòng cho nhau, không phân biệt sư anh là từ Làng qua, sư em là người tại Học viện.

Tất cả đều hiến dâng tâm sức cho ngôi nhà chung.

Khóa tu nối tiếp khóa tu, sau khóa tu này các sư anh sư chị sư em của tôi về lại Làng nghỉ ngơi vài ngày rồi chuẩn bị cho những sự kiện liên tiếp như open house, khóa tu mùa hè. Và tôi đang ngồi đây, nơi khung cửa sổ tràn ngập nắng xuân ấm áp để note lại đôi dòng và cũng để cảm nhận dòng sống đang chảy trôi.

Chuyên Nghiêm

Cũng gay cấn lắm đấy chứ!!!

Cúp Togetherness

Lửa trại

EIAB, mùa dựng xây

Viết thư…

Tôi có thói quen viết thư bằng giấy, bằng mực, bằng nét chữ của chính mình. Đối với tôi những bức thư tay như thế chuyển tải nhiều nội dung và tâm tư của người viết. Và người nhận thư cũng dễ dàng cảm nhận được tấm lòng của người viết. Tuy nhiên, dù sao đi nữa mọi thứ cũng chỉ là phương tiện để mọi người đến được với nhau, hiểu và nuôi dưỡng lẫn nhau bằng những tư tưởng đẹp.

Tối nay, tôi ngồi đây viết một lá thư cho bạn, một lá thư đặc biệt, một lá thư chung ai cũng đọc được. Viết một lá thư như vậy tôi thấy tấm lòng mình cởi mở và có rất nhiều niềm vui. Thầy tôi có một bài thơ mà tôi rất thích, bài Tin Vui:

“ …Những tin vui

Báo người ta không chịu in, chịu nói

Nhưng trong báo chúng tôi

Mỗi ngày chúng tôi vẫn thường chuyên môn đưa tin vui…

…Tin vui là bạn còn sống

Và cây xoan đầu ngõ đã ra hoa….

Bạn và tôi, chúng ta cùng đóng góp vào ấn bản này để đời sống được nở những bông hoa của tình thương và hiểu biết.

Về thăm đất Bụt

Tôi vừa trở về sau chuyến hành hương đất Bụt. Chuyến đi là một món quà lớn cho tôi. Mỗi chặng đường hành hương trên vùng đất thánh đọng lại trong lòng tôi rất nhiều những thương yêu. Nơi này là Lumbini hân hoan ngày Bụt đản sanh. Đây Bodgaya hào hùng ngày Bụt thành đạo dưới cội Bồ Đề. Thành Varanasi, nơi chuyển bánh xe pháp làm vạn lòng hân hoan. Kushinaga cô tịch ngày Bụt nhập Niết Bàn.

Hơn thế nữa, những chặng đường Ấn Độ còn ghi lại rất nhiều những nét văn hóa đặc thù, những cánh đồng hoa vàng ngút ngàn, những sáng mù sương mặt trời lên sau những rặng cây, những buổi chiều mặt trời huy hoàng lặn bên những dãy núi. Để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi là những đôi mắt sáng long lanh, nụ cười hồn nhiên của các em bé nghèo, nước da mặn mà sương nắng. Xúc động nhất là những đôi mắt lam lũ, nhọc nhằn của những bác kéo xe dưới cái nóng và nắng của xứ sở này. Đất nước Ấn Độ có những nơi còn rất nghèo, và khắp nơi bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh của các em bé đi xin ăn ngoài phố. Có lần bế một em bé trong tay tôi xúc động thật nhiều vì em bé trong tay tôi nhỏ xíu, gầy gò, thiếu sự chăm sóc. Nghĩ tới tương lai của các em mà thấy mênh mông là cơ cực. Mong sao cuộc đời có nhiều bàn tay nhân ái để giúp đỡ, mở trường học cho các em để tương lai các em tươi sáng hơn, những vị Bồ Tát như ni sư Khiết Minh, ni sư Trí Thuận,…

Trong suốt chuyến đi, nơi nào cũng để lại trong tôi nhiều hình ảnh đẹp và nhiều cảm xúc khác nhau. Tôi nhớ nhất là ngày đoàn chúng tôi đi thăm núi Linh Thứu. Chúng tôi rời khách sạn rất sớm, khi ngoài trời chưa sáng hẳn, phải dùng đèn pin để nhìn cho rõ những bậc tam cấp dẫn lên đỉnh núi. Tất cả chúng tôi ai cũng muốn thưởng thức cảnh mặt trời lên trên núi nên mọi người thức dậy rất sớm và im lặng leo núi với nhau, không ai muốn phá vỡ không khí yên tĩnh, thiêng liêng của buổi sáng sớm.

Linh Thứu Sơn

Núi Linh Thứu thật đẹp, thật trong lành. Đến đỉnh núi, tôi tìm cho mình một chỗ ngồi thật yên, xoay mặt về phía những dãy núi xa, cảm nhận một ngày mới đang đến trong sự tĩnh lặng. Phía chân trời đã bắt đầu ửng hồng. Chúng tôi ngồi yên lặng bên nhau, thưởng thức một buổi sáng đặc biệt và tưởng nhớ đến đức Thế Tôn, Ngài đã ngồi nơi đây ngắm mặt trời lên bao lần. Hơn 2600 năm đã qua, thời gian như cô đọng, mọi việc như vừa xảy ra hôm qua. Trong tôi đi lên bài thơ của Sư Ông:

Người hành khất năm xưa

Vẫn còn trên Linh Thứu sơn

Thản nhiên ngồi nhìn mặt trời huy hoàng đang lặn

Gotama, ô hay, ai bảo rằng Ưu Bát Đa La triệu năm mới có một lần nở

Tiếng hải triều kia có chiếc tai nào chịu lắng mà lại không nghe.

Còn rất nhiều vùng đất ngày xưa Bụt đã đi qua mà tôi hôm nay có cơ hội đặt chân đến. Khắp tiểu bang Bihar và Uttar Pradesh, nơi nào cũng có bước chân của Ngài. Trên xe chúng tôi được nghe “Đường xưa mây trắng”, được nghe quý thầy kể những câu chuyện về Bụt. Tôi thấy Bụt gần gũi và rất thực trong tôi. Suốt chuyến đi, câu kinh “con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời” mãi còn vang vọng trong lòng và tôi thấy lòng biết ơn trong tôi được nuôi dưỡng và mạnh hơn rất nhiều.

Về lại Đức rồi mà ngày đầu tiên tâm hồn tôi còn treo trên những nẻo đường nắng gió của Ấn Độ nên tôi chưa thực sự “đã về – đã tới”. Chuyến đi đã cho tôi nhiều hạnh phúc và nhiều trải nghiệm quý giá khó quên!

Phòng thở

Phòng thở của tôi là một góc làm việc nhỏ nơi văn phòng. Văn phòng số 6 là nơi tôi đi về mỗi ngày, là thiền đường thứ hai của tôi. Hơn hai năm sống ở đây, ngoài phòng ngủ thì văn phòng là nơi tôi gắn bó nhiều nhất. Nơi đây cùng tôi bao vui buồn, nuôi dưỡng tình thương và làm mạnh hơn trong tôi niềm tin vào sự thực tập hơi thở. Có những khi nhiều việc đến cùng một lúc, vượt ngoài khả năng của tôi, những khi đó tôi thấy mình đang bị đặt trong một áp lực, tôi bối rối không biết bắt đầu như thế nào hay phải tiếp tục ra sao. Tôi thường dừng công việc lại, xoay lưng ra ngoài để nhìn bãi cỏ xanh phía sau hay nhắm mắt lại và lắng nghe hơi thở của tôi. Theo dõi hơi thở vào ra, để ý đến sự phồng xẹp của bụng và tự nói với mình “mọi việc sẽ ổn!” Sau mười hơi thở như vậy tôi thấy mình bình an, nhẹ nhàng hơn và có cảm hứng để tiếp tục làm việc. Công việc không bao giờ kết thúc. Làm sao để công việc trở thành thú vị hơn, trở thành một cơ hội quý giá để thực tập và là cơ hội giúp cho mình khám phá, rèn luyện tự thân? Đó luôn là câu hỏi giúp cho tôi có nhiều cảm hứng trong sự thực tập làm việc.

Chiều nay khi rời phòng làm việc, tôi xin mời bạn dọn dẹp lại bàn làm việc của mình cho thật gọn gàng, đặt lên chiếc bàn trống một bình hoa nhỏ hay đơn giản chỉ là một chiếc lá để sáng mai khi bước vào góc nhỏ thân quen đó bạn sẽ nhìn thấy một chiếc bàn làm việc trống. Bình hoa nhỏ hay chiếc lá xinh xắn kia sẽ là tiếng chuông cho bạn trở về theo dõi hơi thở và cảm nhận không gian thênh thang, rỗng rang trong lòng. Bắt đầu một ngày làm việc với ý thức về lòng biết ơn và nhìn mọi thứ bằng một đôi mắt mới lúc nào cũng cho chúng ta nhiều năng lượng để đi tới.

Những bàn tay…

Trong năm qua, có nhiều lần tôi đi ngang qua cảm giác căng thẳng vì công việc vượt quá khả năng mà anh chị em chúng tôi có được. Trở ngại lớn nhất cho chúng tôi là ngôn ngữ. Tôi không ngại mình thức khuya, không ngại khó khăn, chỉ lo rằng ngôn ngữ giới hạn của mình có thể làm trở ngại cho công việc và có thể xử lý thông tin không chính xác. Tôi bắt đầu công việc với những dè dặt đó, nhưng rồi tự nói với mình mọi việc sẽ ổn thôi, chỉ cần mình làm hết lòng với tình thương và sự thực tập của mình.

Có nhiều lần tôi nghĩ anh chị em chúng tôi cần học để nâng cao vấn đề tổ chức, để tổ chức chuyên nghiệp hơn. Tôi nghĩ mình cần học website, cần học ngoại ngữ, cần khắc phục vấn đề ghi danh, cần sắp xếp lại mọi thứ,… nhưng rồi tôi thấy rằng: công việc chính của chúng tôi, tăng thân xuất sĩ là tu học cho có hạnh phúc. Chúng tôi đến từ nhiều nơi khác nhau, tiếp nhận sự giáo dục khác nhau và trong chúng tôi cũng có những người rất trẻ, chưa qua trường lớp đào tạo chuyên môn nhưng anh chị em nào cũng cố gắng học hỏi để làm tốt công việc của mình. Tôi thấy rồi: chỉ cần mình thực tập có hạnh phúc và nghiêm túc thì sẽ có bao nhiêu bàn tay giúp mình dựng xây. Tôi tập nhìn sâu vào nhu yếu của những người thiền sinh đến đây. Tôi thấy nơi tất cả một tấm lòng, một ước muốn chung là mong muốn có một môi trường lành, đẹp, có tăng thân để thực tập, chỉ cần như vậy thôi. Cho nên hơn hai năm nay học viện vẫn còn lạnh vì sưởi không đủ để làm ấm hành lang. Phòng ốc cho khóa tu của Thầy chúng tôi mỗi năm vẫn còn chật, không đủ chỗ cho mọi người, nhiều phòng phải sử dụng giường tầng, rồi có nhiều phòng không có đủ tủ để đựng đồ. Khu vực phòng ốc dưới tầng hầm vẫn còn chưa được sửa sang nhiều. Vậy mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy hay nghe một phản hồi nào than phiền về phòng ốc. Tôi thấy thương và biết ơn lắm những người thiền sinh tới đây, họ chấp nhận những điều kiện sống đơn giản, thiếu tiện nghi chỉ để được sống trong môi trường có tăng thân cùng nhau thực tập và được nghe giáo pháp của Thầy.

thở vào là hoa, thở ra tươi mát

Tôi cũng muốn viết xuống đây lòng biết ơn của tôi với những người bạn đã cùng chúng tôi làm việc trong ban ghi danh cho khóa tu của Thầy mỗi năm. Chúng tôi hay nói đùa chúng tôi là “good team”. Mà quả thực là như vậy. Nếu không có các cô chú với tấm lòng rộng mở, với tâm phụng sự, bỏ thời gian riêng của mình ra để làm việc thì tăng thân xuất sĩ chúng tôi chắc sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc ghi danh và tổ chức khóa tu. Các cô chú là những người có tấm lòng rất dễ thương, không đòi hỏi gì nhiều, không cần nhận lương, nhưng làm việc với rất nhiều tình thương và tận tụy. Mặc dù bận rộn với gia đình, với công việc nhưng từ mấy năm nay các cô chú luôn cùng các thầy các sư cô sắp xếp, tổ chức cho khóa tu mỗi năm.

Ronnie: Tôi hay gọi chú Ronnie là bác sĩ, vì mỗi lần gặp khó khăn gì về kỹ thuật hay bất cứ vấn đề gì chú Ronnie luôn có giải pháp giải quyết rất nhanh, rất thông minh. Ngoài ra chú còn là bác sĩ có thể giúp người khác giảm stress vì chú lúc nào cũng lạc quan và hài hước. Chú biết tôi căng thẳng cho nên lúc nào cũng tạo cảm giác vui vẻ và nhẹ nhàng. Khóa tu năm ngoái, tôi chỉ giúp sư em một phần công việc chứ không làm việc nhiều với chú. Tôi có chút ngại, nhất là do ngôn ngữ giới hạn, tôi không nói chuyện nhiều được. Cho nên khi nào trong văn phòng có sư em thì tôi mới mạnh dạn để ngồi đó, ngồi đó và chỉ cười thôi. Có khi đột nhiên sư em bận việc phải đi ra ngoài, và trong phòng làm việc chỉ có chú với tôi, những lúc đó tôi thấy mình thiếu tự tin, không biết nói gì, ui chao là căng thẳng, muốn chạy ra ngoài theo sư em; nhưng cũng rất vui vì chú hay tìm ra rất nhiều cách làm cho người đối diện thư giãn. Đó là cái tài của chú Ronnie! Khóa tu năm nay, được làm việc chung với chú tôi thấy mình được nuôi dưỡng rất nhiều. Chú là người trầm tĩnh và là người làm việc có trách nhiệm. Cảm ơn Ronnie rất nhiều, cảm ơn chú tưới tẩm trong tôi hạt giống của sự tự tin và lạc quan.

Jodi: Năm nay Jodi tình nguyện giúp ghi danh cho khóa tu Hà Lan. Jodi là một người trầm tĩnh, lúc nào cũng nhẹ nhàng, chánh niệm và đặc biệt là người rất biết thưởng thức đời sống. Tôi học được rất nhiều từ tính kiên nhẫn, điềm đạm và bền bỉ của Jodi. Jodi là một người bạn tốt và có khả năng có mặt cho người đối diện. Trước mỗi lần có họp với Jodi, tôi thường ngồi lại với mình và tập viết xuống trước những câu tiếng Anh mà mình muốn nói để Jodi có thể hiểu được tôi nhiều hơn, chính xác hơn. Nhưng dường như vấn đề ngôn ngữ không thành vấn đề vì Jodi luôn cho tôi cảm giác là Jodi hiểu được “tiếng Anh đặc biệt” của tôi. Cảm ơn Jodi rất nhiều vì đã tưới tẩm trong tôi lòng cảm thông.

Cilia: Chưa lần nào tôi nói chuyện trực tiếp với Cilia, chúng tôi chỉ nói với nhau qua email. Cilia là người làm việc rất nghiêm túc và chính xác về mặt thời gian. Cilia giúp chúng tôi thông dịch các trang thông tin từ tiếng Anh qua tiếng Hà Lan một cách rất thông minh và chuyên nghiệp. Cilia làm việc rất nhanh và gọn gàng. Những ngày đầu tiên làm việc tôi có chút ngại ngùng vì vốn tiếng Anh ít ỏi của mình. Nhưng rồi mọi chuyện cũng diễn ra tốt đẹp. Chúng tôi cũng tìm ra được cách hiểu nhau và cùng nhau hoàn thành công việc đúng thời gian. Tôi rất biết ơn Cilia vì đã tưới tẩm trong tôi hạt giống của sự hài hòa, nghiêm túc và cảm thông.

Anna: Một người rất thân của Học viện. Anna là người thông dịch các trang thông tin từ tiếng Đức ra tiếng Anh. Trong suốt thời gian đó Anna bị đau lưng, ngồi lâu không được. Tôi nhiều lần đề nghị  là nếu Anna cần có thời gian chăm sóc sức khỏe của mình thì chúng ta sẽ tìm thêm một người giúp cô trong việc thông dịch. Tuy nhiên Anna rất thương các thầy, các sư cô, thương học viện nên luôn muốn giúp vào một tay. Cuối cùng thì các trang thông tin cũng được thông dịch đầy đủ. Tôi rất biết ơn Anna đã tưới tẩm trong tôi hạt giống của tình thương và sự tận tụy.

Còn rất nhiều những tấm lòng tôi muốn viết xuống đây lòng biết ơn của anh chị em chúng tôi như Thomas: người luôn có mặt để giúp đỡ cho công việc ghi danh của khóa tu Đức trong nhiều năm nay. Như Sabine: nhiệt tình học hỏi và làm việc bằng hết trái tim, giúp mọi người ghi danh cho khóa tu Đức được dễ dàng. Như Katrin: hết lòng với việc ghi danh cho Staff và can đảm học những điều mới trong công việc. Như Garile, Sarawasti, Stephan có mặt kịp thời để chăm sóc, sửa chữa và nâng cấp phòng ốc chuẩn bị cho khóa tu…

Học viện là một cơ sở còn rất trẻ, còn nhiều khó khăn phía trước nhưng tôi thấy yên tâm vì biết rằng xung quanh mình còn rất nhiều tấm lòng, còn rất nhiều bàn tay.

Ngoài kia trời đất đã vào xuân. Mùa xuân đang đến trên từng nụ hoa, ngọn cỏ. Cuộc sống mầu nhiệm luân chuyển bốn mùa. Tôi ngồi đây thấy lòng khỏe và nhẹ nhàng, mùa xuân cũng đang về ấm áp trong tôi.

Nắng mới

Viện Phật Học ứng Dụng Châu Âu

Hiện nay có rất nhiều chương trình giảng dạy Phật pháp xuất sắc trong các viện đại học khắp thế giới. Tuy nhiên người ta nhận thấy rằng, hầu hết các chương trình này đều nhắm vào mục đích trao truyền cho học viên một số kiến thức về Đạo Bụt hơn là dạy cho họ những phương pháp cụ thể rút từ kho tàng giáo huấn của Bụt giúp xoa dịu những khổ đau, đem lại an lạc, hạnh phúc cho bản thân, gia đình, cộng đồng và cho toàn thế giới. Tại các nước Á châu, nơi mà đạo Bụt được truyền bá sâu rộng như Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn… việc học Phật càng lúc càng đi về hướng lý thuyết, xa rời sự thực tập.  Ở Việt Nam cũng vậy, các Phật học viện được mở ra khá nhiều nhưng cũng chỉ nhằm trao truyền một số kiến thức. Các học viên đến Viện học xong thì về lại trú xứ của mình. Đôi khi những điều học được ở trường không phù hợp với cách sinh hoạt tại chùa mình ở nên cảm thấy rất lúng túng.

Từ những dữ kiện trên và từ kinh nghiệm giảng dạy trong gần 30 năm qua cho các thiền sinh về Làng Mai tu tập, cũng như cho các thiền sinh đến tham dự những khóa tu được tổ chức khắp nơi trên thế giới, Thầy Thích Nhất Hạnh và hội đồng Giáo thọ Làng Mai nhận thấy cần phải hệ thống hóa cơ sở dạy dỗ, mới giải quyết được nhu cầu càng ngày càng tăng hiện nay cho những người có những khó khăn trong đời sống hiện đại. Nhất là có thể tạo được cơ hội cho những người muốn tiến xa hơn nữa trong vấn đề tu tập, không những để chuyển hóa các tập khí xấu cho chính mình mà còn có thể giúp được người khác chuyển hóa khổ đau.

Để chính thức hóa cũng như hệ thống hóa công việc của mình, tăng thân Làng Mai đã thành lập một học viện với tên gọi: Viện Phật Học Ứng Dụng Âu Châu (VPHUDAC).

Về nội dung, VPHUDAC sẽ cống hiến một học trình kết hợp trọn vẹn và đầy đủ những giáo điển Phật giáo với những áp dụng cụ thể trên tất cả các bình diện trong đời sống và ngoài xã hội. Về hình thức cơ sở vật chất, Viện sẽ hội đủ các yếu tố như phòng học, phòng ngồi thiền cùng những tiện nghi để tu tập khác và nhất là đầy đủ chỗ ở cho học viên.

VPHUDAC không phải là nơi để các học viên đến để mỗi ngày học một vài tiếng, thu thập một ít lý thuyết về đạo Bụt rồi ra về như tại các khóa học của các phân khoa Phật học trên thế giới, hay tại các Phật học viện ở Việt Nam. Tại các nơi ấy, liên hệ giữa giảng viên và học viên chỉ là thuần túy trao truyền kiến thức. Học viên đến học để có thể làm được bài thi hầu có được một tín chỉ và mục đích xa hơn nữa là mảnh bằng cử nhân hoặc tiến sĩ Phật học. Có những vị đã trở thành những nhà Phật học nổi tiếng, có thể giảng dạy các kinh điển làu làu nhưng lại không thực hành được điều căn bản mà Đức Thế Tôn thường căn dặn “Đừng đánh mất sự sống trong giây phút hiện tại”. Vì thế khi gặp chuyện khó khăn xảy ra cho chính mình, cho gia đình mình thì vẫn lúng túng không biết giải quyết ra sao, mặc dù vẫn ôm một bụng kinh điển với những lời dạy cao siêu của Đức Thế Tôn.  Họ đã quên, hay chưa từng được thực tập và áp dụng những lời Bụt dạy vào đời sống hằng ngày. Trong đời sống văn minh vật chất hiện nay, con người phải đối đầu với bao áp lực từ bên ngoài cũng như áp lực do mình tự tạo ra. Nếu không ý thức thì con người rất dễ bị cuốn hút vào đời sống vật chất, vào các nhu cầu giả tạo. Phải có cái này, phải có cái kia, hoặc vùi đầu vào các trò chơi điện tử. Thanh thiếu niên và ngay cả người lớn ngày nay hầu như không có thì giờ hoặc không có khả năng đứng nhìn ngắm một bông hoa, một con bướm hay nghe tiếng chim hót, thưởng thức được cảnh bình minh rạng rỡ, cảnh hoàng hôn trầm hùng.

Để bổ túc cho những thiếu sót này, tại Làng Mai cũng như tại các chùa, viện liên hệ và trong các khóa tu khắp nơi do tăng thân Làng Mai tổ chức, thiền sinh luôn luôn được nhắc nhở duy trì chánh niệm, ý thức đến những gì đang xảy ra quanh ta và nhất là những gì đang xảy ra trong ta. Được học các phương pháp thực tiễn để duy trì chánh niệm, thiền sinh có thể “sống” được với sự sống mầu nhiệm trong giây phút hiện tại. Họ có khả năng thấy được những khó khăn, dằn vặt, những niềm đau, nỗi khổ của mình. Để rồi từ đó, qua những sự thực tập, họ có thể chuyển hóa dần những niềm đau nỗi khổ kia và lấy lại được sự quân bình trong đời sống. Họ có một đời sống an lạc và hạnh phúc hơn, không những cho chính mình mà còn cho gia đình, bạn bè và xã hội.

Sau đây là những điểm chính yếu của VPHUDAC:

VPHUDAC giảng dạy những phương pháp thực tập do chính Đức Thế Tôn và những đệ tử lớn của Ngài triển khai không ngoài mục đích làm vơi nỗi khổ, đem niềm vui cho mình và cho thế giới. Giáo lý đạo Bụt được diễn giảng không có tính cách tín điều, tôn giáo cục bộ và không nhằm mục đích khuyến khích các học viên theo hay từ bỏ một tôn giáo nào.

Dưới sự giảng dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một vị Thầy dạy Thiền lừng danh, đồng thời là một học giả, tác giả nhiều tác phẩm quan trọng về Đạo Bụt dấn thân, cùng với với các vị giáo thọ lớn của Làng Mai, các học viên của VPHUDAC sẽ không những chỉ tiếp nhận được một căn bản vững chắc về tinh hoa của đạo Bụt mà còn có cơ hội học được cách làm chủ thân, khẩu, ý và hành nghiệp của mình qua sự trau dồi nghệ thuật sống trong chánh niệm. Họ sẽ học được cách lắng nghe với tình thương và dùng lời ái ngữ để tạo nhịp cầu cảm thông giữa các cá nhân và các nhóm trong trường hợp có sự đối chọi.

Đặc biệt VPHUDAC đào tạo học viên biết áp dụng thực tiễn giáo lý Bụt dạy để:

Buông thư những căng thẳng trong thân, làm dịu những đau nhức và trong nhiều trường hợp không chỉ làm giảm bớt những triệu chứng mà còn chấm dứt được nguyên nhân của căn bệnh.

Nhìn sâu để thấu hiểu được những niềm đau nỗi khổ trong tự thân cũng như chung quanh.

Nhận diện và chuyển hóa những cảm thọ, cảm xúc khổ đau bằng tuệ giác đích thực Các khóa học được mở ra cho tất cả những người muốn cải thiện cuộc sống cho bản thân, gia đình và cộng đồng qua những bài học thiết thực và hiệu quả nhằm chế tác hạnh phúc và bình an trong mọi mặt của cuộc sống hằng ngày.

Giáo lý đạo Bụt giảng dạy ở VPHUDAC có tính cách thực tiễn, không mang màu sắc tôn giáo và tất cả mọi người, bất luận theo tôn giáo nào hay không theo tôn giáo nào, đều có thể hưởng được nhiều lợi lạc khi áp dụng nó vào đời sống.

Học viên không bắt buộc phải có những tín chỉ học trình nào trước để được nhận vào học ở VPHUDAC. Các lớp học sẽ được tổ chức tại nhiều chi nhánh của Viện trên khắp Âu châu, Bắc Mỹ và Á châu.

Học viên sẽ được cấp tín chỉ khi hoàn tất mỹ mãn một khóa học. Và nếu hội đủ các tín chỉ cho một học trình được qui định, học viên sẽ được cấp bằng Giáo thọ Phật học Ứng dụng (MAD, Master of Applied Buddhism) và Tiến sĩ Phật học Ứng dụng (DAB, Doctor of Applied Buddhism).

Những học viện, trung tâm khác có chương trình giảng dạy Phật học, giảng dạy về tôn giáo tương đương, hay dạy về những bộ môn khác có thể gửi học viên đến học tại VPHUDAC khoảng 10 đến 20 giờ để cho bộ môn họ đang học được sâu rộng thêm. VPHUDAC sẽ hợp tác với các học viện giảng dạy khác để xúc tiến việc công nhận tối đa các tín chỉ do VPHUDAC cấp. Được như thế, các học viên có thể dùng các tín chỉ của VPHUDAC để theo học tiếp tại các học viện này.

VPHUDAC cũng sẽ cống hiến những chương trình đào tạo đặc biệt cho những tu sĩ và cư sĩ đã có nhiều năm tu tập, thấy rõ lợi ích của việc học và thực hành những điều Bụt dạy, có ước muốn trở thành một giáo thọ để có thể chia sẻ các lời giảng dạy và sự thực tập của đạo Bụt cho những người khác bằng những phương pháp thích hợp và hiệu quả cho thời đại chúng ta.

Hội đồng giáo thọ của VPHUDAC sẽ quyết định cho học viên được nhận đèn giáo thọ khi xét thấy người này đã có đủ điều kiện để được chính thức làm giáo thọ theo truyền thống giảng dạy của Thiền sư Nhất Hạnh và Làng Mai. Sự thừa nhận chính thức này có thể được thực hiện trong buổi lễ Truyền đăng với Thiền sư Nhất Hạnh.

Sau đây là một mẫu giáo trình trong các giáo trình sẽ được giảng dạy:

Thực tập chánh niệm để duy trì hạnh phúc vững bền trong đời sống lứa đôi. Đây là khóa học dành cho những đôi lứa sắp sửa chung sống và xây dựng gia đình. Cả hai bạn nên cùng tham dự chung khóa học này. Mặc dù khóa học chỉ kéo dài ba tuần nhưng các học viên có thể xin ở lại học viện lâu hơn để đào sâu sự thực tập dưới sự hướng dẫn của các giảng viên và với sự yểm trợ của các bạn đồng học khác.

Khóa học sẽ dạy cho học viên:

Nhận diện những cảm thọ hạnh phúc hay đau khổ nơi tự thân hay nơi người kia.

Biết cách chấp nhận và xử lý những cảm thọ bằng cách quán chiếu bản chất, nền tảng và nguồn gốc của chúng.

Chế tác hạnh phúc từ những chất liệu nuôi dưỡng có mặt trong tự thân cũng như chung quanh trong từng giây phút.

Nhìn sâu vào gốc rễ của mình và của người kia để hiểu được nguồn gốc của cách hành xử của mình và của người kia.

Nhận ra được những hạt giống thiện và bất thiện trong tâm thức mình và trong tâm thức người kia. Và quyết tâm thực tập pháp môn tưới hoa cho những cách suy tư, nói năng và tiêu thụ tốt của người kia.

Lắng nghe với lòng từ bi để nhận diện và thấu hiểu những đau khổ cũng như hạnh phúc nơi chính mình và nơi người kia.

Thực tập pháp môn Làm Mới để tái lập và gia tăng phẩm chất truyền thông.

Nhận diện và thường xuyên xét lại những tâm nguyện và lý tưởng riêng cũng như chung của mỗi người.

Thực tập pháp môn Tứ vô lượng tâm.

Để đào sâu tuệ giác và kỹ năng đạt được trong khóa học này, sau khi có chứng chỉ học viên có thể xin học tiếp các môn học sau:

Tứ Vô Lượng Tâm – Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy.

Phương pháp đối trị với tâm hành “giận” và với những cảm xúc đau đớn và mãnh liệt khác.

Phương thức giải quyết “xung đột” và thiết lập “truyền thông”.

Kinh An ban thủ ý – Hơi thở của Bụt.

Kinh Người áo trắng – Quay về nương tựa Tam bảo; Thực tập Ngũ giới; Bốn phép Tùy niệm.

Tìm hiểu về Dòng tu Tiếp hiện: Lịch sử; Hiến chương; 14 giới; Đạo Bụt dấn thân Tương tự như khóa tu dành cho người trẻ sắp sửa xây dựng gia đình như vừa được trình bày rõ ràng ở trên, VPHUDAC còn có khoảng 60 khóa học khác mà trong đó có những khóa khác như:

Khóa tu 21 ngày dành cho những người vừa mới biết mình mắc phải một chứng bệnh nan y như ung thư (cancer), liệt kháng (aids)…

Khóa tu dành cho các bệnh nhân đến thời kỳ cuối, cận kề cái chết.

Khóa tu dành cho những người mới có người thân qua đời.

Khóa tu hướng dẫn cách đối trị với sự căng thẳng, với cơn giận.

Khóa tu dành cho các nhà tâm lý trị liệu, bác sĩ, y tá.

Khóa tu dành cho các cựu chiến binh.

Khóa tu cho các tác viên hoạt động cho hòa bình và xã hội.

Khóa tu dành cho giới doanh và thương.

Khóa tu dành cho các trường học, giáo chức và ban giám hiệu.

Khóa tu dành cho các viên chức ngành luật pháp và trật tự xã hội.

Khóa tu dành cho những nhà chính trị.

Khóa tu dành cho các thanh thiếu niên.

Khóa tu dành cho những nhà nghệ thuật, điện ảnh.

Khóa tu nhằm giúp giải quyết xung đột và tái lập truyền thông.

Khóa tu nhằm giúp đối trị với cơn giận kèm theo những xúc động đau khổ.

Khóa tu nhằm giúp chuyển hóa những lo lắng sợ hãi.

Khóa tu nhằm giúp chữa lành quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Tuy cơ sở gốc của Viện đặt tại Đức nhưng các đạo tràng như Mai Thôn, Bích Nham, Lộc Uyển, Maitreya, Suối Thương, Từ Hiếu, v.v… cũng sẽ trở thành những khuôn viên (campus) của Viện và sẽ mở những lớp của Viện. Từ mùa Xuân năm nay, Viện đã có thể bắt đầu cấp phát chứng chỉ cho các khóa học.

http://eiab.eu

Học viện Phật học Ứng dụng Châu Âu (EIAB)

Vài nét về Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu EIAB

Đầu tháng 9 năm 2008, trên hai mươi vị xuất gia nam và xuất gia nữ đã được Sư Ông Làng Mai gửi đến thành phố Waldbröl thuộc miền Trung nước Đức để góp phần xây dựng Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (European Institute of Applied Buddhism EIAB).

Từ khi còn là một vị xuất gia trẻ, Sư Ông đã mang trong lòng tâm nguyện thiết tha đem Đạo Bụt đi vào cuộc đời; để Đạo Bụt không phải chỉ là những triết lý cao siêu ngoài tầm tay mà còn có thể ứng dụng được vào trong mọi lãnh vực của đời sống, giúp chuyển hóa những khổ đau của cá nhân, gia đình và xã hội. Đây cũng là ước mơ chung của cả tăng thân Làng Mai trên khắp thế giới, của những vị xuất sĩ cũng như những vị cư sĩ. Chương trình tu học tại Viện Phật Học EIAB bao gồm những khóa học dành cho các thanh niên và thiếu nữ có ý định thành lập gia đình, những khóa học giúp hàn gắn sự truyền thông giữa cha mẹ và con cái, những khóa học cho các nhân viên cảnh sát, chính trị gia, hay cho những nhà tâm lý trị liệu, những nhà giáo dục, những thương nhân v.v…. (Xin quý vị vào thăm trang nhà www.eiab.eu của Viện Phật Học EIAB để có thêm chi tiết về các khóa học và các chương trình tu học khác.)

Viện Phật Học EIAB là một tặng phẩm của đạo Bụt Việt Nam không những chỉ cho Châu Âu, mà còn cho cả thế giới. Sư Ông thường nhắc nhở chúng ta rằng do nhân duyên của đất nước, chúng ta có mặt tại Tây phương; tuy nhiên chúng ta không phải chỉ là những người tị nạn mà chúng ta còn mang một sứ mạng của chư Tổ Sư tâm linh Việt Nam giao phó để trao truyền lại những hạt giống đẹp đẽ của đạo Bụt cho những ai có duyên tại các đất nước này trong thiên niên kỷ mới. Các chương trình tu học tại Viện Phật Học EIAB có thể giúp cho tất cả mọi người tìm thấy niềm hứng khởi và thực hiện một nếp sống an vui và hòa ái trên toàn thế giới. Với những thực tập cụ thể, đơn giản nhưng sâu sắc của đạo Bụt, chúng ta vững tin rằng thể nào đóa hoa tuệ giác và từ bi chắc chắn cũng sẽ được nở tròn vẹn và viên mãn hơn nữa tại Tây phương. Giáo lý hiến tặng tại EIAB không mang tính chất bộ phái và sẽ đóng góp vào sự hòa hợp, hiểu biết và chấp nhận nhau giữa những truyền thống tôn giáo và tâm linh dị biệt.

Để có một cơ sở tương xứng với viễn kiến xây dựng một Viện Phật Học cho cả Châu Âu, Sư Ông và các vị phụ tá đã để ra nhiều năm để tìm ra một cơ sở có tầm vóc quốc tế và hình thức của một Học Viện. Vào ngày 10 tháng 09 năm 2008, quý Thầy quý Sư Cô chánh thức tiếp nhận cơ sở đầu tiên, mà Sư Ông đặt tên là Viện Vô Ưu, của Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu. Một năm sau, Viện Phật Học may mắn có thêm cơ sở thứ hai, ngay bên cạnh Viện Vô Ưu. Để kỷ niệm ngôi chùa đầu tiên Sư Ông đã đến sinh hoạt và phát tâm xuất gia, cơ sở thứ hai được đặt tên là Chùa Đại Bi. Với tên thành phố là Waldbröl, có nghĩa là rừng và suối, tên đầy đủ của chùa là Lâm Tuyền Địa Đại Bi Tự.

Tòa nhà hiện nay là Viện Vô Ưu, khởi đầu là một bệnh viện được xây dựng từ năm 1895 đến năm 1897 1 để chăm sóc các bệnh nhân tâm thần và khuyết tật dưới sự quản lý của giáo hội Tin Lành. Bệnh viện này được khánh thành vào ngày 9 tháng 6 năm 1897 2. Đến năm 1933, do ý thức hệ thuần chủng và chính sách thanh lọc giống nòi, phần lớn những người bị bệnh tâm thần, khuyết tật về tâm lý hay cơ thể, những người ở ngoài vòng xã hội (psychisch Kranke, geistig Behinderte und gesellschaftliche Randgruppen), hay các thai nhi, trẻ em có khả năng bị khuyết tật đều bị đối xử bằng những phương pháp bạo động như bị triệt sản 4 (Zwangssterilisation von Geisteskranken), bị phá thai hoặc giết chết bằng thuốc mê 5 (gewaltsamer Geburtenverhütung bis zu “Euthanasie”-Aktionen). Từ giữa tháng 11 năm 1938 đến tháng 1 năm 1939, gần 700 bệnh nhân tâm thần, khuyết tật 6 (xin xem thêm ghi chú số 7) và trên 100 nhân viên của bệnh viện bị ép ra khỏi tòa nhà để đi đến làng Hausen ở Westerwald. Không ai biết rõ số phận của những bệnh nhân này. Nhưng chúng ta biết họ đã phải chịu đựng những khổ đau rất lớn từ thể xác đến tinh thần. Từ đó trở đi, tòa nhà hoàn toàn thuộc về sự kiểm soát của những người theo chủ nghĩa phát-xít Đức. Những khổ đau to lớn đó, chúng ta không hề biết cho đến khi chúng ta dọn vào tòa nhà và với thời gian, qua sự chia sẻ của những người địa phương, chúng ta từ từ hiểu ra mọi chuyện.

Tuy vậy đã có những sự việc xảy ra, báo cho chúng ta biết sự có mặt của những năng lượng này vào những ngày cuối tháng 1 năm 2008, trước khi các nhà bán bất động sản giới thiệu tòa nhà này cho Sư Ông và tăng thân Làng Mai. Chúng ta cũng được báo ngay vào buổi chiều của ngày đầu tiên tiếp nhận tòa nhà, sau khi chư tăng ni làm lễ đại thí thực trước mặt tiền của Viện Vô Ưu; và hai ngày sau đó trong buổi ăn trưa sau khi Sư Ông có cuộc họp báo để tuyên bố về sự thành lập Viện Phật Học. Và những năng lượng này tiếp tục kêu gọi sự chú ý của chúng ta trong những năm tháng sau đó. Khi được hỏi vì sao Sư Ông chọn thành phố Waldbröl để xây dựng Viện Phật Học. Sư Ông thường trả lời thành phố Waldbröl chọn Sư Ông và tăng thân Làng Mai. Quả thật những năng lượng khổ đau do chiến tranh và hận thù tại nơi đây đã nương vào sức mạnh tâm linh của Sư Ông và đại chúng Làng Mai để được chuyển hóa và hòa giải. Đó là cũng do nơi đại nguyện Bồ Tát cứu khổ của Sư Ông suốt một đời xây dựng hòa bình, chấm dứt chiến tranh và chuyển hóa khổ đau không những cho đất nước Việt Nam mà còn cho cả thế giới.

Sau thế chiến thứ 2 tòa nhà lại trở thành bệnh viện đa khoa. Kể từ năm 1969 sau khi bệnh viện được dời đi nơi khác, tòa nhà này trở nên một trung tâm cho các sinh hoạt quân sự về biên phòng và từ năm 1975 cho đến năm 2006 chánh thức thuộc về quân đội liên bang Đức (Deutsch Bundeswehr). Tòa nhà có chiều dài 150 m, chiều ngang từ 12 đến 16 m, với sáu tầng (kể cả tầng hầm) và có tổng số diện tích mặt bằng khoảng 12.000 m2. Tòa nhà có thể cung cấp chỗ ở cho khoảng 500 người cư ngụ và các phòng ốc khác dùng để tu học. Đại chúng biết rằng mình sẽ phải đầu tư rất nhiều tài chánh và năng lực để thực hiện công trình xây dựng Viện Phật Học. Tuy nhiên, những dự tính về thời gian cũng như ngân quỹ sửa chữa đã phải bị thay đổi rất nhiều vì trong quá trình sửa chữa và xây cất lại có phát sinh thêm những đòi hỏi quan trọng và thiết yếu khác của cơ quan xây cất chính quyền.

Vì trước đây, tòa nhà là một trung tâm sinh hoạt của quân đội liên bang Đức, do đó những yêu cầu về tiêu chuẩn phòng hỏa của tòa nhà được xác định dựa trên những qui chế đặc biệt dành riêng cho quân đội. Giờ đây, tòa nhà được sử dụng như một cơ sở dân sự, nên những đòi hỏi về xây cất trên khía cạnh phòng hỏa, các hệ thống điện và cầu thang thoát hiểm cần phải thay đổi rất nhiều và dĩ nhiên khe khắc hơn để thỏa mãn những yêu cầu theo qui chế dân dụng. Ngoài ra, phần lớn hệ thống ống nước đã được ráp đặt vào những thập niên 30, nay đã bị rỉ nặng và hư hỏng rất nhiều. Thêm vào đó, toàn bộ thiết kế của nhà bếp đã quá lỗi thời và không còn đáp ứng được những tiêu chuẩn đặt ra hiện nay về phương diện vệ sinh và y tế công cộng. Hệ thống lò sưởi cần phải được sửa chữa lại rất nhiều vì đã bị rỉ chảy và quan trọng hơn cả là hệ thống lò sưởi cần phải được thiết kế lại theo tiêu chuẩn mới để có thể tiết kiệm được năng lượng và giúp bảo vệ cho sinh môi. Các nhà vệ sinh và phòng tắm công cộng cũng cần phải được xây cất thêm để đáp ứng cho nhu cầu mới. Tình trạng của tòa nhà hiện nay không hội đủ tiêu chuẩn phòng hỏa cần thiết để được phép nhận khách thăm viếng, mở các khóa tu, cũng như được phép tổ chức những hoạt động công cộng khác.

Trong mười năm qua, nhờ sự thương yêu và yểm trợ của quý vị đạo hữu và thân hữu khắp nơi trên thế giới, tăng thân chúng ta đã trùng tu được tầng trệt (2012) và 1/5 (một phần năm) (2010) tòa nhà của Viện Vô Ưu. Những phần này quý Thầy và quý Sư Cô hiện nay chỉ được giấy phép sử dụng tạm thời với sự gia hạn 2 năm một lần cho đến khi toàn thể tòa nhà được sửa chữa xong. Để quân bình năng lượng cho toàn bộ khu đất của Viện Vô Ưu và Chùa Đại Bi, chúng ta đã xây dựng một tháp chuông đại hồng với chiều cao 21m với những biểu tượng hàm chứa giáo lý và con đường thực tập của đạo Bụt (2013). Năm vừa qua (2017), sau 4 năm xây dựng, nhà bếp và phòng ăn cũng đã được hoàn tất và theo yêu cầu của chính quyền địa phương, hệ thống phòng hỏa trung ương cho Chùa Đại Bi cũng đã được thực hiện.

Trên phương diện tu học và hành trì, trong mười năm qua, các khóa tu học, các chương trình sinh hoạt cho các em học sinh, sinh viên cũng như giao lưu tôn giáo, những buổi pháp thoại công cộng, sinh hoạt cộng đồng, hòa tấu gây quỹ, v.v… được tổ chức ngay tại Viện Phật Học, hay tại các địa điểm khác trong cũng như ngoài Châu Âu do Sư Ông, quý Thầy, quý Sư Cô của Phật Học Viện và tăng thân Làng Mai đảm trách đã giúp cho hàng vạn lượt người khắp nơi trên thế giới biết đến pháp môn, tu tập và chuyển hóa những khổ đau của tự thân và hòa giải được với những người thân trong gia đình. Số lượng thiền sinh đến tu học mỗi ngày một đông hơn và có những khóa học đông, thiền sinh phải mướn phòng ở trọ bên ngoài. Có những cuối tuần, quý Thầy và quý Sư Cô gặp khó khăn để sắp xếp phòng sinh hoạt và thuyết giảng cho tất cả các khóa học và các sinh hoạt khác của tăng thân.

Từ khi biết đến những khổ đau của những bệnh nhân đã từng sống tại đây, trong suốt 7 năm sau khi dọn vào tòa nhà của Viện Vô Ưu, quý Thầy quý Sư Cô đã gởi năng lượng từ bi, cúng cháo mỗi ngày cho các hương linh và mỗi tuần toàn thể đại chúng cùng nhau tổ chức cúng thí thực cho các vị khuất mặt, cầu nguyện năng lượng từ bi và hồng ân của chư Bụt, chư vị Bồ Tát và chư vị Tổ Sư gia hộ cho quý vị đó được vãng sanh Tịnh Độ. Hằng năm trước các khóa tu mùa hè, Sư Ông và đại chúng cũng tổ chức trai đàn chẩn tế cho tất cả các nạn nhân đã chết oan ức trong mọi hoàn cảnh khổ đau của cuộc sống, đặc biệt là cho các nạn nhân tại Waldbröl và trong các cuộc chiến tranh. Trong những lần chẩn tế đầu, có lúc gió bão nổi lên cuồng cuộng rất là mạnh mẽ. Chư vị Tôn Đức đến thăm viếng Viện Phật Học cũng đã tổ chức những buổi lễ cầu siêu và chú nguyện rất nhiều cho các hương linh.

Nhờ công phu tu tập tinh chuyên và sự tùy hỷ hồi hướng công đức của toàn thể tứ chúng cho tất cả mọi người và mọi loài, năng lượng thương yêu, hiểu biết và bao dung càng ngày càng được bồi đắp tại vùng đất mới này. Nhờ vậy mà sự hòa giải, tha thứ và chấp nhận cũng từ từ được biểu hiện, giúp cho năng lượng khổ đau của những nạn nhân trong quá khứ tại nơi đây cũng nhẹ đi được một phần nào. Những vị khách đã từng đến Viện Phật Học từ những ngày đầu, giờ đây chia sẻ là họ đã nhận thấy rõ rệt sự chuyển hóa lớn trong năng lượng tại nơi đây. Năng lượng của Viện Phật Học giờ đây nhẹ nhàng, tươi vui và sáng đẹp hơn xưa rất nhiều.

Chúng tôi ý thức rất rõ những chuyển hóa nêu trên vẫn còn rất nhỏ bé so với tâm nguyện độ sanh bao la rộng lớn, Đại Từ, Đại Bi của Sư Ông, của Chư Vị Bồ Tát và Chư Vị Tổ Sư.