Niềm tự hào của một bà Mẹ

 

dna

Trong khóa tu tổ chức tại trung tâm Kinasih gần thủ đô Jakarta, có nhiều thành viên người Hồi giáo. Con số không biết đích xác là bao nhiêu, nhưng có thể lên tới một phần mười của tổng số những thiền sinh tham dự khóa tu. Tổng số thiền sinh tham dự khóa tu là 900 người. Có hàng chục nhóm pháp đàm, và có một nhóm dành cho những thiền sinh gốc Hồi giáo. Nhòm này chỉ có 24 người, nhưng ban tổ chức biết rằng số người gốc Hồi giáo tham dự đông hơn thế, bởi vì nhiều vị tránh không muốn cho người khác biết mình là người Hồi giáo.

Ở Nam Dương, người Hồi giáo không bị cấm tham dự vào những sinh hoạt tông giáo khác như ở Malaysia, nhưng các bạn Hồi giáo vẫn dè dặt ít ai muốn chính thức cho biết mình là gốc Hồi giáo bởi vì họ ngại bị giới đồng đạo nhìn họ bằng con mắt nghi ngờ. Trong số những người trẻ tham dự chính thức trong nhóm pháp đàm dành cho người Hồi giáo cũng có vài vị cho đại chúng biết rằng các vị ấy đến tham dự khóa tu mà không dám cho bố mẹ biết, bởi vì bố mẹ nào cũng sợ con mình bỏ đạo mình mà theo đạo khác. Trước buổi pháp thoại cuối của khóa tu, các bạn Hồi giáo đã được mời lên phát biểu về cảm tưởng cũng như về thành quả tu học của mình cho đại chúng biết.  Sư cô Diệu Nghiêm và thầy Pháp Duệ là hai vị được đại chúng chỉ định hướng dẫn nhóm pháp đàm này.

dna7

Có một cô gái người Hồi giáo sau khi nghe bài pháp thoại sáng ngày 2.10.2010 đã viết thơ cho thầy kể về những nỗi khổ niềm đau của cô.  Chắc hẳn là cô đã có nhiều khó khăn với bố mẹ trong quá khứ và đã cảm thấy quá xa cách với bố mẹ, nhưng cuối khóa tu cô đã tiếp xúc được với bố mẹ trong cơ thể của chính mình và đã khôi phục lại được tình thương giữa mình và bố mẹ.  Cô nói rằng: nhờ thầy dạy mà cô hiểu ra rằng nếu trong mấy mươi năm qua cô mang nặng khổ đau vì cô đã không hiểu và không thấy được những khổ đau mà bố mẹ cô đã gánh chịu trong suốt đời của họ.  Cô rất muốn về nói với bố mẹ những lời mà lâu nay không nói được, đó là Bố mẹ ơi, con khổ và con muốn bố mẹ biết như thế, và xin bố mẹ giúp cho con. Cô nói nếu cô đã khổ đau trong ba mươi năm thì bố cô cũng khổ đau trong tám mươi năm. Cô biết bố cô bị kẹt trong những nỗi khổ niềm đau của ông ấy mà không có khả năng thoát ra được.  Nhưng  nhờ cô tiếp xúc được với chánh pháp nên cô có thể làm khác hơn bố.  Nhờ Thầy mà cô mở lòng ra được. Và cô có thể thương bố, thương mẹ và giúp cho bố mẹ bớt khổ.

Sáng hôm ấy, sau buổi thiền hành, cô đã tham dự thực tập những động tác chánh niệm ngoài trời với đại chúng.  Người hướng dẫn thực tập là một vị giáo thọ từ Hoa Kỳ tới.  Vào cuối giờ thực tập, cô gặp một người phụ nữ.  Bà ta chỉ vào vị thầy đang hướng dẫn đại chúng thực tập và nói với cô:  Cô biết không, thầy ấy là con trai của tôi đó. Câu nói biểu lộ sự tự hào của một bà mẹ. Cô thấy đây là một bà mẹ rất hạnh phúc, một bà mẹ có niềm tự hào đối với con trai của mình.  Và bỗng nhiên cô ao ước cũng có một bà mẹ như thế. Và cô tự hứa mình sẽ làm một cái gì đó để cho mẹ cô cũng sẽ tự hào về cô như bà mẹ kia đã tự hào về con trai của mình.

Tôi không biết cô đã quyết định sẽ làm gì để mẹ cô có thể sẽ tự hào về cô, nhưng tôi nghĩ có thể ý tưởng xuất gia đã chớm nở trong lòng cô.  Tới cuối khóa tu, cô tiếp xúc được với tăng thân Làng Mai, một tăng thân rất đẹp.  Các vị trong tăng thân cư xử với nhau như anh em trong một nhà, và cách thức họ làm việc và hành xử với nhau chứng tỏ là họ có nhiều hạnh phúc. Tình huynh đệ là cái hạnh phúc của họ và lần đầu tiên cô thấy được chân tướng và bóng dáng của hạnh phúc chân thật.  Và cô đã mở vòng tay ra để ôm lấy bố mẹ và thấy rõ ràng là hạnh phúc đang đứng trước mặt cô.

Tăng thân hạnh phúc vì mọi người trong tăng thân đứng bên nhau như một rừng cây, không ngọn gió nào có thể làm lay chuyển và bật gốc được.  Cô biết cô đã tìm ra con đường.  Cô kể với thầy là cô đi dự khóa tu này mà không dám cho mẹ cô biết.  “Mẹ con đã đi qua bao nhiêu khó khăn cực nhọc để nuôi con lớn lên trong truyền thống Hồi giáo,” và chắc chắn mẹ cô sẽ lo buồn nếu biết cô đi tham dự một khóa tu thiền.  Nhưng cô có niềm tin là nếu cô đạt tới hạnh phúc thì cô sẽ biết cách giúp cho mẹ cô có hạnh phúc, dù phía trước còn có bao nhiêu chướng ngại. Cô kết thúc lá thư viết cho thầy bằng câu: “Từ nay trở đi, con sẽ biết chọn lựa để hành động cho đúng, và con chắc chắn sẽ làm hay hơn.  Làm như thế cho bố, cho mẹ, cho các em và cho tương lai. Con xin cảm ơn thầy”.  Cô đã tìm ra được sự thật. Khi hạnh phúc đã là chân thật thì hạnh phúc của mình cũng là hạnh phúc của bố mẹ.

Nếu mẹ của cô biết được đường hướng của tăng thân Làng Mai thì chắc chắn bà sẽ không còn lo ngại cho cô.  Bởi vì chủ ý của Làng Mai không phải là khuyên người ta bỏ đạo gốc của mình để theo đạo Bụt. Làng Mai luôn luôn khuyên mọi người nên giữ đạo gốc, thực tập theo Pháp môn Làng Mai chỉ là để giúp cho mình vượt thắng và chuyển hóa khổ đau, và cũng là để giúp cho mình cắm rễ sâu hơn vào đạo gốc của chính mình.

(chuyển ngữ từ lá thư của Parakan)

Hình ảnh Sư Ông và phái đoàn tại Phi Trường Thái

 

Ngày 11.10.2010 Sư Ông và phái đoàn Làng Mai đã tới Thái Lan trong sự đón tiếp nồng hậu của chư tôn đức, quý vị xuất sĩ và cư sĩ bản địa.

su ong vua xuong may bay-small

Sư Ông vừa xuống máy bay

cac chau thieu nhi thai lan dung don phai doan va chuan bi dang hoa-small 1

Các cháu thiếu nhi Thái Lan đón phái đoàn

 

hop bao tai phi truong 2-small

họp báo tại phi trường

 

hop bao tai phi truong 5-small 8

họp báo tại phi trường

 

hop bao tai phi truong 3-small 4

trong buổi họp báo

 

pho vien truong vien dai hoc maha chualalongkorn thai lan trong buoi hop bao don su ong va phai doan tai phi truong-small 11

Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Maha Chualalongkorn, Thai Lan

trong buổi họp báo đón Sư Ông và phái đoàn tại phi trường

 

su ong roi khoi phi truong-small

Sư Ông rời khỏi phi trường

Nụ cười đoàn tụ

 

(Nhật Ký Của Sư Út Đôn Nghiêm)

Pak Chong, ngày 11 tháng 10 năm 2010, ngày Sư Ông tới Pak Chong và cũng là ngày sinh nhật thứ 85 của Sư Ông.

Ngày hôm nay, con được cùng các sư chị sư em Út đi phi trường Bangkok đón Sư Ông. Nhóm của con gồm có sư cô Linh Nghiêm, sư chị Cẩm Nghiêm, sư út cây Sen Vàng Thương Nghiêm, sư út cây Sen Hồng Sung Nghiêm, sư út cây Sen Xanh Trăng Mười Sáu, sư út cây Ngô Đồng Nhất Nghiêm và con, sư út cây Sen Trắng Đôn Nghiêm cùng với sư em Trăng Mười Lăm, sư em Thảo Nghiêm nữa. Và cũng có  quý Thầy quý sư chú và các sư út bên nam.

cac chau thieu nhi thai lan dung don phai doan va chuan bi dang hoa-small 1

Chúng con được đi xe VIP đến sân bay và xe vào thẳng phòng đợi máy bay. Trong phòng đợi, chúng con được uống sữa và ăn bánh miễn phí từ quầy phục vụ. Ngon lắm ạ. Thú vị nhất là các em thiếu nhi mặc những trang phục truyền thống Thái Lan, dễ thương kinh khủng luôn. Trên tay các em là những vòng hoa thơm ngát dành để tặng cho Sư Ông và quý thầy qúy sư cô trong phái đoàn.

1 giờ 20 chiều, khi đại chúng và các sư út còn đang đứng thành một hàng dài sau lưng các em bé và đang hồi hộp đợi Sư Ông thì bỗng nhiên sư cô Đẳng Nghiêm và sư cô Trân Nghiêm xuất hiện. Thì ra là quý sư cô bị lạc đường. Sư cô Đẳng Nghiêm thực tập thiền ôm với tất cả mọi người (cố nhiên là trừ quý thầy và các sư chú). Sư cô rất thân thiện và đáng yêu.

Các nhà báo tập trung rất đông, họ mặc đồ rất lịch sự và rất chi là quý kính quý thầy và quý sư cô. Một lúc sau thì Sư Ông đến. Con đứng ở đằng xa nhìn với tới. Ồ, Sư Ông kìa! Vậy là con đã được gặp Sư Ông bằng xương bằng thịt rồi! Con mừng quá. Con thở sâu và cười thật tươi cho giây phút hạnh phúc ấy. Không biết sao mà con thấy mắt mình nhòe đi và sống mũi cay cay. Nhìn ra sau, con thấy mắt chị Nhất Nghiêm cũng đỏ hoe rồi.

su ong roi khoi phi truong-small

Sư Ông bước từng bước nhẹ nhàng, thảnh thơi và phong độ còn hơn trong ảnh. Sư Ông nhận vòng hoa, đi ngang qua chúng con rồi mỉm cười làm con cảm thấy như tim mình rung rinh. Sau đó, cả đại chúng đi theo Sư Ông vào trong phòng họp báo của sân bay. Ngồi ở dưới nhìn lên, con thấy tự hào về Thầy của mình quá chừng. Sau khi sư Ông trả lời những câu hỏi của các nhà báo, chúng con được lên xướng tụng bài Ba Sự Quay Về bằng tiếng Anh và được họ chụp hình quá chừng luôn. Sau họp báo, cả đoàn ra xe để về Pak Chong. Khi xe dừng lại nghỉ chân, các sư út đi theo Sư Ông và Sư Ông hỏi nhỏ:

– Đây có phải là Thầy của các con không?

Rồi Sư Ông hỏi tên từng út một. Sau đó, Sư Ông hỏi:

– Đây là giây phút gì hả con?”

Chúng con đồng thanh thưa:

– Dạ bạch Sư Ông, đây là giây phút hạnh phúc!

Đúng thật là hạnh phúc! Sau khoảng thời gian xúc động, chúng con lại theo Sư Ông lên xe về thẳng Pak Chong. Trên xe, con cứ cười miết: “Sư Ông của con trên cả tuyệt vời”.

Trên đoạn đường còn lại, con và các sư út khác ăn trái cây, hát, ngủ rồi thức dậy lại ăn trái cây, hát rồi lại ngủ… cho tới khi về đến Pak Chong. Được gặp Sư Ông, con thấy mỗi giây phút đều là giây phút hạnh phúc.  Vừa về tới nơi là đã thấy có quý Ôn, quý Sư Bà và toàn thể đại chúng đang đứng đợi Sư Ông nơi sân cỏ rồi. Xe dừng rồi Sư Ông bước xuống xe, con thấy mắt ai cũng sáng, có người mắt đỏ rồi nhòe đi; con thấy trên những đôi mắt ấy nở những nụ cười thật tươi và hạnh phúc, nụ cười đoàn tụ.

Sự chuyển hóa mầu nhiệm

 

Ngày 27/09/2010 Tăng Đoàn Làng Mai bay tới Indonesia lúc 11 giờ sáng. Một cuộc đón rước long trọng do các chùa thuộc Giáo Hội Ekayana (nhất thừa) tổ chức. Sư Ông và 80 vị xuất sĩ đã bình an bước đi giữa  hai hàng Phật tử mặc áo tràng trắng và áo tràng xanh, rồi đến nhóm sinh viên học sinh khá đông. Ăn trưa xong đoàn về trung tâm Kinasih Resort o Bogor xa Jakarta cách đó vài giờ xe hơi. Trung tâm nằm ở thung lũng giữa núi cao, một khu đất chừng vài chục mẫu tây  có nhiều batiments với nhiều phòng, và các con đường đều tráng nhựa. Ở đây có những hàng cây cổ thụ được chăm sóc rất kỹ lưỡng. Ở đây có đủ phòng cho 900 thiền sinh, mỗi phòng hai người. Và có tới sáu cái nhà ăn.

dna7

Pháp thoại của Sư Ông được diễn ra tại một thiền đường hai tầng. Trong bài pháp thoại đầu tiên, với đề tài Thiết lập tịnh độ hiện tiền đã gây hứng khởi mạnh mẽ tới thiền sinh. Bởi vì từ lâu mọi người cứ ngỡ phải chết đi mới được lên cõi Tịnh Độ.

Sau pháp thoại, Sư Ông dẫn đại chúng đi thiền hành giữa rừng cây nhiệt đới, Những gốc cây đại thụ được bao bọc bởi đủ các loại lan. Phong cảnh này đã giúp cho thiền giả cảm nhận được rõ nét “đây là Tịnh Độ. Tịnh Độ là đây”

_dsc2118

Buổi chiều, 29 nhóm pháp đàm được các thầy, các sư cô hướng dẫn rất chu đáo. Điều ngạc nhiên là ở đây người dân không biết nói tiếng Anh, dù là những nhà doanh nghiệp lớn hay nhỏ cũng đều phải nghe thông dịch trong khi ở Malaysia thì hầu hết người dân đều hiểu tiếng Anh. Họ nghe trực tiếp tiếng Anh từ Sư Ông mà không qua thông dịch. Cuối khóa tu, số lượng người thọ nhận Năm Giới Quý Báu chiếm tới 80 % số người tham dự khóa tu. Nhóm các bạn đạo Hồi (Islam) đều xin được lãnh thọ Năm Giới, bởi vì các bạn cảm nhận rất rõ rằng Năm Phép Thực Tập Chánh Niệm này là kim chỉ nam cho một đời sống an lành và hạnh phúc. Có một cô gái Hồi Giáo rất xinh đẹp chia sẻ rằng: “ Bố mẹ con hoàn toàn không biết chuyện con đi tham dự khóa tu. Nhưng chuyến này về con sẽ ngoan ngoãn, sẽ làm cho bố mẹ con vui và con sẽ nói rằng đó là nhờ con được đi tu học với một vị thầy Phật giáo.”

Trong nhóm thiền sinh Hồi Giáo có những bậc phụ huynh trẻ tới tham dự do đã từng đọc sách của Sư Ông. Còn lại đại đa số là các bạn trẻ tuổi từ 30 trở xuống đều dấu gia đình chuyện tới học Phật với một vị Thiền Sư Việt Nam. Môt cô gái Hồi giáo nói: “Me con rất sợ con bỏ đạo Hồi của ông bà tổ tiên”. Cô khác chia sẻ: “Từ nay trở đi con xin nguyện sẽ sống cho thật hạnh phúc. Dù cho có gặp khó khăn, đau khổ tới mấy thì con cũng sẽ tập trở về tiếp xúc với những điều kiện tích cực còn lại để giữ niềm vui cho bền vững. Con đã đau khổ 32 năm nay rồi. Và bố con cũng đã đau khổ suốt 85 năm nay rồi. Lúc nào ông ấy cũng trách móc, than thở trong khi còn có biết bao nhiêu điều kiện hạnh phúc có mặt trong ông. Bố con không bao giờ vừa ý với bất cứ chuyện gì.” Có một cô khác nói rằng: “Trong khóa tu này, con thấy có một bà mẹ ngập tràn hạnh phúc. Bà tự hào khoe rằng bà có một người con  là một vị xuất sĩ nam. Nghe vậy trong con cũng có khao khát làm cho mẹ con được hạnh phúc và tự hào về con như vậy.

Ngày thứ hai của khóa tu, Sư Ông đã dạy 8 bài tập trong Kinh An Ban thủ ý và đi vào thực tế rất rõ về phương pháp làm chủ cơn giận. Sư Ông sử dụng hình ảnh một cái cây
trong cơn bão tố. Khi cơn bão tới, ngọn cây là nơi dễ bị gẫy đổ, nhưng dười gốc cây thì thật an toàn và vững chãi. Cũng như vậy, nếu trong tâm mình đang có những cảm xúc mạnh, nếu mình để sự chú tâm lên đầu, nghĩa là mình tiếp tục miên man suy nghĩ thì mình có thể sẽ bị hoảng hốt hoặc tức điện lên. Nhưng nếu trở về theo dõi hơi thở và chú tâm tới vùng bụng, theo dõi sự phồng xẹp của hơi thở thì những cảm xúc mạnh sẽ từ từ đi qua. Hàng ngày sau giờ ăn trưa, Sư Cô Chân Không đều hiến tặng cho đại chúng một buổi thiền buông thư trước khi bước vào buổi pháp đàm.

Ba ngày đầu của khóa tu, Sư Ông dạy về tác hại của những tri giá sai lầm và cách quán chiếu thiền tập để thoát khỏi những tri giác sai lầm. Tiếp đó Sư Ông dạy mọi người về bốn câu thần chú:
Con đang có mặt cho mẹ đây.
Con biết mẹ đang có mặt đó và con rất hạnh phúc.
Con đang đau khổ và con muốn mẹ biết rằng con đang đau khổ.
Con đang đau khổ và con muốn mẹ giúp con.
Ngày thứ tư của khóa tu, bài pháp thoại “Tình thương chân thật” của Sư Ông đã khiến cho mọi người rất hoan hỉ.

dna

Các bạn trẻ rất khao khát được lắng nghe quý thầy, quý sư cô trẻ như thầy Pháp Dung, sư cô Đẳng Nghiêm chia sẻ. Buổi tối ngày thứ ba, sư cô Tùng Nghiêm hướng dẫn năm vị cư sĩ trình bày về kinh nghiệm quý báu mà họ có được khi họ thọ trì năm giới. Ngày cuối của khóa tu, có khoảng 700 vị thiền sinh đã quỳ xuống xin thọ trì Năm Giới.

Một số phóng viên của đại truyền hình Indonesia và phóng viên của các tờ báo trong đó có báo Kompas Minggu là một tờ báo lớn, đã xin tham dự trọn vẹn khóa tu, nên quý vị đã có cơ hội cảm nhận sâu sắc về khóa tu này. Giới báo chí đã rất thích thú phổ biến tin tức về một vị Thiền Sư Việt Nam thuyết giảng về những cái hay, cái đẹp trong truyền thống đạo Hồi và còn chỉ cho những người Hồi Giáo biết cách ứng dụng những tinh hoa trong truyền thống của họ vào đời sống hàng ngày.

(Ngọc Phương ghi lại)

Chúng tôi ở Indonesia

 

Được gặp lại các anh chị em mình từ khắp nơi tại khóa tu là một niềm hạnh phúc vô biên đối với chúng tôi, nhất là những người đã từ lâu nằm trong lòng mình. Tối nào, sau giờ ăn chiều, anh chị em chúng tôi cũng quây quần bên nhau mà hát lên những bài thiền ca của Làng bằng đủ thứ tiếng. Tình anh chị em sao mà thắm đẹp, chân tình.

Sing-20100807-04-SanghaAtMerlionPlaza

Người dân nơi đây rất hiếu khách và rộng rãi. Họ đãi chúng tôi đủ thứ đặc sản địa phương. Sau mỗi bữa ăn, chúng tôi thường có tới năm, sáu món bánh trái tráng miệng. Trong ngày làm biếng, chúng tôi chia làm ba nhóm đi chơi. Một nhóm đi lên núi lửa tắm suối nước nóng. Một nhóm đi thăm vườn bách thảo và một nhóm ở lại khu nghỉ mát cùng đi thăm vườn cây ăn trái với Sư Ông. Khi đi suối nước nóng, trên núi, thầy Pháp Lưu và sư chú Pháp Chu phát hiện ra một con thác cao 2,5 m và gặp một con nhện to bằng bàn tay, màu xanh lè. Lưới nhện dẻo như sợi dây thun. Nghe nói, trong những khu rừng rậm nhiệt đới có nhiều loài nhện độc có thể gây tổn hại tới sức khỏe nếu ai đó bị nó cắn.

Ngày 5.10.2010, chúng tôi có dịp tới Yogakarta để ghé thăm chùa của sư phụ thầy Pháp Tử. Pháp Tử là một thầy người Indonesia xuất gia theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Năm 2008, trong chuyến hoằng pháp tại các nước Đông Nam Á, thầy Pháp Tử (khi ấy vẫn còn là một sư chú) đã di theo Sư Ông trong suốt lịch trình. Kết thúc khóa tu, được sự đồng ý của sư phụ mình, thầy Pháp Tử đã sang Làng Mai nhập chúng tu tập. Năm 2009, thầy mời được sư phụ mình cùng sang Làng Mai tham dự trọn vẹn khóa An Cư Kiết Đông. Cũng trong năm đó, thầy được thọ giới Tỳ Kheo với Sư Ông Làng Mai và sư phụ của thầy cũng xin lãnh thọ 14 Giới Tiếp Hiện. Đầu năm 2010, sau 2 năm tu tập tại Làng, được sự tin cậy của tăng thân, thầy Pháp Tử đã cùng một số các thầy, các sư cô khác trở về Indonesia để tổ chức khóa tu chánh niệm đầu tiên trên quê hương của mình. Khóa tu đã thu hút được hơn 300 thiền sinh tới tu tập trong suốt một tuần.

Khóa tu thành công tốt đẹp, thầy Pháp Tử rất vui mừng viết thư cho Sư Ông để bày tỏ lòng biết ơn của mình và thưa rằng: nhờ những năm tháng được sống tại Làng mà thầy đã học hỏi được những phương pháp tổ chức, phương pháp hướng dẫn khóa tu và đặc biệt là thầy thấy rõ được sức mạnh của tăng thân, sức mạnh của tình anh chị em. Trong chuyến hoằng pháp tại Indonesia năm nay, thầy là người tổ chức chính cho đoàn tại Indonesia.

Ngôi chùa của sư phụ thầy Pháp Tử nằm tại một ngôi làng nhỏ trên núi, được xây dựng theo kiến trúc của Trung Hoa, rất thanh lịch. Ngồi chơi với thầy Trụ Trì Ekayana, Sư Ông đã chia sẻ với thầy về vấn đề “Indonesia hóa đạo Phật”. Sư Ông có gợi ý là người dân Indonesia nên bớt tụng kinh bằng tiếng Pali, Sanskirt và tiếng Trung Quốc mà nên dịch kinh sang tiếng Indonesia để mọi người dân đều được đọc tụng và hiểu kinh Phật theo tiếng mẹ đẻ. Thầy trụ trì rất hoan hỉ về đề nghị đó.

Sáng ngày 7.10.2010, Sư Ông cùng sư thúc Chí Mãn, sư cô Chân Không, sư cô Thoại Nghiêm, và các vị trụ trì: sư cô Định Nghiêm, thầy Pháp Dung, thầy Pháp Khôi với thêm một số vị khác đi thăm thánh tích Borobodur. Tại đây có rất nhiều các bức tượng Bụt được điêu khắc bằng những khối đá đen lấy từ núi lửa vùng này. Sư Ông và các vị trụ trì các xóm đã nhờ thầy Pháp Tử đặt bẩy bức tượng Bụt to trong tư thế đứng cho mỗi chùa tại Làng Mai và tại các tu viện ở Mỹ.

3 giờ chiều, Sư Ông quyết định leo núi đi thăm thánh tích. Buổi trưa hôm ấy, ông trời tự dưng lại “đãi” đại chúng những cơn gió thật mát trong buổi trưa hè. Khung cảnh nơi đây thật hùng vĩ. Hàng ngàn tượng Bụt nằm trên 10 tầng tượng trưng cho “mười địa” trong kinh Hoa Nghiêm. Tượng Bụt ở đây tượng nào cũng đầy đặn, thanh tú chứ không quá gầy gò hay quá tròn trịa như một số tượng Bụt nơi khác. Trên tường đá được trạm trổ những đóa sen hay hình tàu lá dừa. Sư Ông chỉ lên những biểu tượng đó và đọc mấy câu thơ mà Người làm cách đây đã lâu:

“…Bồ tát cầm đóa sen,
Dáng nghiêng trời nghệ thuật
Trên cánh đồng sao mọc,
Nụ cười trăng mới lên.
Tàu lá dừa màu ngọc,
vắt ngang lưng trời khuya
Tâm đi trong tĩnh mặc
Bắt gặp chân như về”

Qua công trình vĩ đại này, mọi người trong đoàn cũng phần nào hình dung được cách đây mười thế kỷ, những vị xuất  sĩ của Indonesia phải hiền đức, phải tài ba, phải có hạnh nguyện lớn lắm thì mới xây dựng được một công trình có giá trị tâm linh và nghệ thuật lớn lao đến vậy. Chiêm ngưỡng công trình đồ sộ của chư tổ để lại, trong lòng mỗi người chúng tôi đều khởi lên niềm biết ơn sâu sắc và cái mong muốn tiếp nối được sự nghiệp tâm linh mà chư liệt vị đã nhắn gửi cứ lớn dần trong lòng mỗi người. Trên thánh tích Borododur, Sư Ông đã phát nguyện nhất định sẽ làm mới đạo Phật tại Indonesia.

(Ngọc Phương ghi lại)

Ngày đoàn tụ

13h 10 ngày 11.10, Sư Ông và tăng thân tới phi trường Bangkok. Tới nơi, Sư Ông được mời vào phòng VIP để gặp ngài Viện Trưởng Viện Đại Học Phật Giáo. Ở Thái Lan, đạo Bụt là quốc giáo nên ngài Viện Trưởng cũng có nhiều lính canh để giữ trật tự và không ai được vào nếu không có giấy mời.

Sau khi đàm đạo với ngài Viện Trưởng, Sư Ông có buổi họp báo với khoảng mười ký giả của các đại truyền hình. Những ký giả này được thông báo trước là chỉ được quay phim, chụp hình, nghe Sư Ông chia sẻ vài câu mà không được hỏi gì vì mới đi xa tới nên Sư Ông hơi mệt. Có nhiều thiếu nhi mặc quốc phục đến dâng hoa cho Sư Ông và tăng thân xuất sĩ của Làng Mai.

 

hop bao tai phi truong 5-small 8

 

Rời phi trường, đoàn lên xe về thẳng trung tâm tu học tại Thái Lan tại tỉnh Pak Chong. Đoạn đường từ sân bay tới trung tâm chừng 3 giờ ô tô chạy. Dọc đường, đoàn có dừng lại uống nước dừa và nghỉ ngơi đôi chút. Xe gần tới, Sư Ông nói : “Thầy đang hồi hộp vì sắp được gặp lại các con của thầy.” Câu nói ấy khiến cho vài người cảm thấy khá ngạc  nhiên, vì thương ngày dù khó khăn, gian nguy tới mấy Sư Ông vẫn giữ tâm luôn bình an. Vậy mà hôm nay Sư Ông nói Sư Ông cũng hồi hộp. Điều đó cho thấy Sư Ông đã dành rất nhiều tình thương cho các học trò thân yêu của mình, mà có lúc thầy trò đã tưởng chừng khó lòng gặp lại.

Xe vào cổng đã thấy xa xa đầy nghẹt những dáng áo nâu, ôi những chiếc áo màu nâu thân thương. Các con của thầy. Những người học trò đã kiên cường đứng vững trước những thử thách khốc liệt trong đời tu,  đã trung kiên với lý tưởng làm đẹp cuộc đời với nếp sống đạm bạc và  tình thương không thối chuyển trước bạo lực. Thầy trò cùng nhau vào “thiền đường” ngồi thật yên không nói năng chi để tận hưởng trọn vẹn sự có mặt của nhau. “Thiền đường” có tên là Trời Phương Ngoại, có sức chứa 500 người. “Thiền đường” được quý thầy, quý sư cô làm bằng những cây cột gỗ và lợp lá. Đây là những chất liệu tự nhiên lấy ở quanh nhà chứ không phải mua. Tuy rằng thiền đường không đẹp nhưng rất ấm áp tình anh chị em.

Sau gần 30 phút ngồi yên lặng, Sư Ông mời dân “xứ Cam” nói trước (các sư cô tá túc ở Campuchia). Các sư cô khoe rằng ở đó rất hạnh phúc vì không có các ông áo xanh (công an) chạy quanh chụp hình và hỏi giấy tờ. Kế đến là quý vị tôn đức như Ôn Minh Nghĩa, quý Sư Bà Bồ Đề, Sư Bà Phổ Đà mừng vui chia sẻ niềm hạnh phúc. Sư bà chùa Kiều Đàm nói sau cùng mà rưng rưng nước mắt tủi thân vì thấy đất nước của mình, chùa tổ mình, đồng bào của mình mà mình lại không được trở về. Sư Ông cười và nói rằng : Trong đầu Sư Ông vừa hiện lên câu thơ của cụ Nguyễn Du : “Trời còn để có hôm nay”. Sư Ông rất vui và vô cùng tri ơn chư tổ đã che chở để chúng ta vẫn còn có nhau trong không khí tự do, thân thương hôm nay. Và Người dạy : “nơi nào cũng là nhà, nơi nào cũng là quê hương của mình”.

 

tl1

Cách đây mấy tháng trước khi Sư Ông sang Thái Lan, quý thầy nơi đây đã làm cho Sư Ông một chiếc cốc rất xinh xắn.  Cốc được làm bằng gỗ và lợp lá, có cửa sổ bằng kính. Khi vẫn còn ở Làng Mai, hay tin các thầy làm cốc cho mình, Sư Ông vui lắm. Mỗi lần có các học trò tới Sư Ông thường kể một cách hào hứng : “Ở bên Thái Lan các thầy đang dựng cốc cho thầy đấy con”.

Tại xóm của quý sư cô, Sư Ông cũng có thêm một cái cốc nữa. Chiếc cốc này vốn là một căn nhà ngói cũ của ông Buong Lư cho mượn. Trong này có hai phòng, một phòng dành cho Sư Ông, một phòng dùng để tiếp khách. Dĩ nhiên là chiếc cốc này “sang” hơn chiếc cốc mà mấy thầy làm. Ở đây lại có thêm một chiếc võng được ni sư Đàm Nguyện mua từ Việt Nam qua cúng dường.

Xóm của quý thầy và xóm của quý sư cô cách nhau khoảng 2km. Xóm quý sư cô nằm giữa vườn me và xoài, có một con suối nhỏ rất dễ thương. Bắc qua suối là chiếc cầu sắt sơn màu gỗ. Đại chúng xuất sĩ không đủ chỗ ở trong phòng nên một số đông phải ngủ trong mấy chục chiếc lều vải ngoài trời. Ban đầu “dân cư ” hai xóm là 180 vị, càng ngày, chúng xuất sĩ từ Việt Nam qua càng đông, 200 rồi 250 quý thầy, quý sư cô. Điều kiện vật chất ở đây tuy hơi khiêm tốn nhưng niềm vui và hạnh phúc thì luôn tràn đầy.

(Thanh Bình ghi lại)

Đã có đường đi rồi

Bản tin khóa tu người trẻ hằng năm tại Làng Mai.

Khóa tu dành cho các bạn trẻ với chủ đề “Đã có đường đi rồi” (There is a way) diễn ra từ ngày 21.08 đến 28.08.2009, tại Xóm Hạ – Làng Mai vừa kết thúc. Khóa tu đã thu hút 120 bạn trẻ tới tham dự trong suốt một tuần lễ, trong đó chủ yếu là người Pháp. Tới với khóa tu lần này, các bạn không chỉ đơn thuần tới với tính chất là một thiền sinh mà các bạn còn được các thầy, các sư cô mời vào ban tổ chức, các bạn cùng với các thầy các sư cô đề ra thời khóa sinh hoạt, hướng dẫn trò chơi, chung tay làm việc. Sự gần gũi thân mật giữa các vị xuất sĩ và các bạn cư sĩ đã biến tu viện thành một ngôi nhà chung ấm cúng.


Trong ngày đầu của khóa tu, sư cô Linh Nghiêm, trụ trì chùa Từ Nghiêm – Xóm Mới và thầy Pháp Hữu phó trụ trì chùa Pháp Vân – Xóm Thượng đã chia sẻ bài pháp thoại đầu tiên. Với phong cách điềm tĩnh, sâu lắng, sư cô Linh Nghiêm hướng dẫn cho các bạn trẻ những phương pháp thiền tập căn bản như: thiền thở, thiền hành, thiền tập áp dụng trong đời sống hằng ngày. Bên cạnh đó, thầy Pháp Hữu làm cho không khí trở nên vui tươi hơn bằng cách nói chuyện rất hóm hỉnh và có duyên. Thầy chia sẻ về một vài kinh nghiệm thực tập của bản thân và nhắc nhở những nội quy cần thiết chốn thiền môn để mong nhận được sự yểm trợ từ phía các bạn trẻ. Thầy Pháp Hữu là một giáo thọ rất trẻ, năm nay thầy mới 23 tuổi, nhưng thầy được đại chúng tin cậy bổ nhiệm giữ chức phó trụ trì chùa Pháp Vân. Khi nói tới đoạn trang phục, thầy rất bối rối, thầy nói: “Trong những ngày diễn ra khóa tu, xin các bạn đừng ăn mặc…” rồi thầy im lặng suy nghĩ, suy nghĩ một hồi, thầy thú thật: “Xin lỗi các bạn, chúng tôi sống ở trong chùa lâu quá nên không biết cái từ đó gọi là gì, nhưng xin các bạn đừng mặc những chiếc áo rộng cổ quá, hay những chiếc quần, chiếc váy ngắn quá để giữ trang nghiêm trong tu viện” Lời chia sẻ thật thà này làm mọi người bật cười và nhờ vậy mà các bạn trẻ, nhất là các bạn gái đã quan tâm nhiều hơn đến trang phục của mình.

Ngày thứ hai của khóa tu, trong bài pháp thoại của mình, sư cô Diệu Nghiêm – trụ trì chùa Cam Lộ, Xóm Hạ đã chia sẻ về những phương pháp đối trị với những buồn giận, làm sao để thiết lập truyền thông với những người xung quanh, những phương pháp thiền tập trong cuộc sống bận rộn. Tại buổi pháp đàm diễn ra cùng ngày, các bạn trẻ nói rằng đề tài thiết thực này rất bổ ích.

Trong giờ sinh hoạt cộng đồng, quý thầy và quý sư cô đã hướng dẫn các bạn trẻ chơi các trò chơi dân gian Việt Nam như: nhảy sạp, cướp cờ, nhảy dây. Những trò chơi này, thật bất ngờ và được các bạn ngoại quốc đón nhận rất hồ hởi. Ngoài ra còn có các môn thể thao khác như: bóng bàn, đá cầu, bóng rổ, bóng chuyền và bóng đá. Những tiếng cười giòn giã cất lên không ngớt. Các bạn trẻ cảm được phong cách chơi ở trong chùa rất khác với bên ngoài, đó là chơi để mà vui chứ không phải chơi để mà thắng. Có một cô thiền sinh nói rằng, cô rất thích nhìn các sư cô chơi bóng bàn. Các sư cô chơi rất nhẹ nhàng, thanh thoát, nét mặt ai cũng tươi và buông thư, ai cũng chơi hết lòng nhưng không hề mang tâm hiếu thắng khi chơi, thật là đẹp.

Thiền buông thư và thiền lạy luôn được nhiều người ưa thích. Khi sư cô Tôn Nghiêm hướng dẫn thiền lạy bằng tiếng Pháp nhiều bạn trẻ đã bật khóc, những lời hướng dẫn tiếp xúc với tổ tiên tâm linh và tổ tiên huyết thống đã chạm sâu sắc vào trái tim của những người bạn trẻ tuổi.
Ngày thứ ba của khóa tu, đại chúng có một buổi đi bộ thật xa và ăn trưa picnic tại một sườn đồi

Tình yêu đích thực

Ngày thứ tư của khóa tu, các bạn trẻ ai cũng háo hức chờ đợi bài pháp thoại với chủ đề “True love” của sư cô Diệu Nghiêm. Sau khi kết thúc bài pháp thoại của mình, sư cô Diệu Nghiêm mời sư cô Mai Nghiêm – một sư cô người Pháp – lên chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của mình về tình yêu. Sư cô Mai Nghiêm đã làm đại chúng rất ấn tượng khi sư cô nói hết sức thật lòng về kinh nghiệm tình yêu của mình khi chưa đi xuất gia. Và sư cô cũng kể về một thoáng vấn vấn vương vương của sư cô với sư anh của mình. Sư cô nói: “Một sư cô không khác với một cô gái ngoài đời quá nhiều đâu. Chúng tôi cũng có đầy đủ những cung bậc tình cảm, nhưng chúng tôi có lý tưởng và những phương pháp thực tập nên chúng tôi hướng năng lượng của mình về hướng giải thoát độ đời. Có đôi lúc chúng tôi cũng phát sinh tình cảm với một người hợp với mình nhưng chúng tôi không làm cho người ấy khổ và không tự làm khổ mình. Mọi cảm xúc đến rồi đi, chúng tôi theo dõi hơi thở, quan sát những cảm xúc đang diễn ra trong mình và biết rằng cảm xúc này vốn vô thường, hôm nay nó thế này nhưng ngày mai nó sẽ thay đổi. Thực tập như vậy thì chúng tôi vượt thoát được chướng ngại ấy để vững bước trên con đường tu.”

Lại thêm một điều thú vị nữa, buổi thuyết trình Năm Giới trong ngày tu kế tiếp cũng rất mới lạ. Thay vì các thầy, các sư cô lên thuyết trình, thì lại chính là các bạn thiền sinh lên chia sẻ về những lợi ích khi thọ nhận Năm Giới, cách họ thực hành giới thành công trong đời sống xã hội như thế nào. Những kinh nghiệm thực tế từ những người trực tiếp hành trì đã đánh thức được mong muốn đi theo một lối sống đẹp của những người xung quanh. Vì vậy mà ngày cuối của khóa tu, số lượng bạn trẻ Tây phương lên quỳ trước Tam Bảo xin thọ nhận Năm Giới quý báu rất đông. Đây là một tin mừng cho Phật Giáo đã và đang cắm những chiếc rễ thật vững chắc lên mảnh trời Tây.

Ngày thứ sáu của khóa tu, các thầy, các sư cô và sư chú trẻ cùng vài bạn trẻ được mời lên để trả lời vấn đáp. Các bạn cảm thấy đây quả thật là khóa tu dành riêng cho mình, là một sân chơi thiết thực và bổ ích. Đêm văn nghệ trong ngày cuối đã khép lại một tuần khóa tu. Ngày chia tay ai cũng bịn rịn, các bạn xin số điện thoại, địa chỉ e-mail của nhau và hẹn gặp nhau trong khóa tu kế tiếp.

Niềm vui tu tập trong khóa tu mùa hè

 

securedownload2Một tháng khóa tu mùa hè đã nhanh chóng trôi qua. Khóa tu mùa hè luôn thu hút một lượng thiền sinh rất lớn từ nhiều nước tới tham dự. Khóa tu giống như những ngày hội của tình anh chị em khắp năm châu. Đến với khóa tu có đủ mọi màu da, mọi lứa tuổi. Người già có, người trẻ có, thanh thiếu niên có, nhi đồng có và cả những em bé còn ẵm ngửa cũng được cha mẹ bồng tới pháp tòa.

Vào mỗi ngày thứ năm hàng tuần, ngày đón những thiền sinh mới, quý thầy, quý sư cô thường niệm danh hiệu đức bồ tát đại bi Quan Thế Âm. Năm nay, trước khi quý thầy, quý sư cô lên niệm danh hiệu của Ngài thì Sư Ông bước tới ngồi ở giữa quý thầy, quý sư cô và chia sẻ về công hạnh của đức Bồ Tát để những người lần đầu tiên tiếp xúc với đạo Bụt có chút ít khái niệm về một vị bồ tát đại từ đại bi trong đạo Bụt

 

Mỗi người là một bông hoa

Thay vì đặt lọ hoa trên pháp tòa, trong buổi giảng, Sư Ông mời một em bé lên ngồi thay thế vào vị trí của bình hoa. Người rất vui vì điều này. Người thường mỉm cười ngắm nhìn em bé rồi ngắm nhìn đại chúng và giới thiệu: “Đây là một bông hoa”. Rồi Người nhìn về phía thính chúng nói: “Mỗi người trong đây cũng là một bông hoa”. Những em thiếu nhi, thường ngày vốn hiếu động là vậy, thế nhưng thật lạ, khi ngồi trên pháp toàn bên cạnh Sư Ông các em ngồi rất yên, rất vững, rất trang nghiêm. Chúng ta thường nghĩ rằng trẻ em khó thực tập thiền, trẻ em khó có thể ngồi yên hàng giờ đồng hồ mà không táy máy, nghịch ngợm. Nhưng sự thật là các bé có thể thực tập được, có thể ngồi yên không thua gì người lớn. Phần đầu của bài pháp thoại Sư Ông luôn giành khoảng mười lăm phút để giảng cho trẻ em. Người kể câu chuyện về hạt bắp và cây bắp; chuyện chiếc búa và đôi bàn tay; chuyện năm câu thần chú; về tình thương lớn lao của cha mẹ dành cho con cái v.v… Những em bé ngồi lắng nghe rất chăm chú, tỏ ra hiểu được những điều mà Sư Ông dạy.

Các em thiếu nhi tới khóa tu cùng với cha mẹ luôn được các thầy, các sư cô chăm sóc, hướng dẫn tu tập, hướng dẫn những trò chơi trong lúc cha mẹ các em tham gia vào các thời khóa tu tập. Các em cũng có thời khóa tu tập riêng của mình. Các em cũng được dạy về làm mới, dạy thực tập theo dõi hơi thở, cách điều phục cơn giận, thiền hành, thiền buông thư, những pháp môn căn bản này đã được đơn giản hóa và để cho các em có thể tiếp nhận và thực tập. Ngoài ra các em còn được được chơi những trò chơi sáng tạo, như nặn tượng, vẽ tranh, tham gia các trò chơi thể thao và đá bóng với…  các sư cô. Dễ thương nhất là các em được các sư cô hướng dẫn đi hái mận, hái dâu và đem đi cúng dường mọi người. Nhìn các em nhỏ tay bưng rổ mận chia cho mọi người, ai cũng thấy vui và hết lòng đón nhận. Các em cảm thấy rất vui khi trở thành người đi ban tặng. Cái cảm giác hạnh phúc, hân hoan khi được chia sẻ ấy sẽ còn mãi trong trái tim thơ ngây của các em và nó sẽ trở thành một kinh nghiệm quý giá, để rồi sau này khi lớn lên có những va vấp trong cuộc sống thì kinh nghiệm về lòng từ bi, về hạnh sẻ chia sẽ trở về lại với các em hướng các em đi về nẻo thiện.

 

bé là một bông hoa

Quay về nương tựa

nhận giới trong tuần đầu của xóm ThượngTrong bốn tuần của khóa tu có khoảng sáu trăm người quỳ xuống xin tiếp nhận và nguyện hành trì Năm Giới Quý Báu. Trong đó có khoảng một trăm hai mươi bé thiếu nhi xin thọ nhận hai lời hứa. Lễ truyền giới được tổ chức tại mỗi xóm vào tối thứ ba hàng tuần. Trước khi thọ nhận giới, những vị thiền sinh có cơ hội được nghe chính những người bạn cư sĩ của mình, những người đã thọ nhận Năm Giới lên chia sẻ về những kinh nghiệm thực tế, những lợi lạc từ khi họ hành trì Năm Giới quý báu. Sau đó các bạn thiền sinh được pháp đàm về đề tài này. Có rất nhiều người lần đầu tiên tới tham dự khóa tu, lần đầu tiên được tiếp xúc với đạo Bụt khi được nghe về Năm Giới đã cúi đầu xin thọ nhận và nguyện hành trì giới pháp. Hầu hết những người bạn thiền sinh tới với khóa tu đều là những người theo các truyền thống Công giáo, Tin Lành, Đạo Hồi,… Điều này cho thấy Năm Giới Tân Tu đã thích ứng được với xã hội hiện đại. Giới bản Năm Giới mới không chỉ bó hẹp trong phạm vi đạo Bụt mà nó đã thể hiện được tính toàn cầu của mình.

Có những vị thiền sinh khi nghe trình bày về Năm Giới họ đã suy nghĩ, đắn đo rất nhiều và xin chỉ thọ nhận những giới mà họ có khẳ năng hành trì. Ví dụ như họ khó có thể bỏ được rượu hoàn toàn, vì vậy họ xin chỉ nhận bốn giới và từ chối giới thứ năm. Qua đây, chúng ta thấy rằng tinh thần tu tập và ý thức trách nhiệm của những người bạn này rất cao. Họ cảm thấy mình chưa thực tập được thì không nhận chứ không nhận đại rồi bỏ bê, hoặc làm cho có lệ.

Các bé thiếu nhi cũng được nhận giới của mình, đó là hai lời  hứa: “Con xin hứa mở rộng lòng thương và tìm cách bảo vệ sự sống của mọi người, mọi loài, cỏ cây cầm thú và đất đá. Con xin hứa mở rộng tâm hiểu biết để có thể thương yêu và chung sống với mọi người, mọi loài, cỏ cây, cầm thú và đất đá”. Các bé rất hớn hở và vui sướng khi được quỳ trước Tam Bảo xin nhận hai lời hứa và pháp danh của mình.

 

tình cha conSự chuyển hóa thần tốc:

Thường thì những ngày đầu khi bước vào khóa tu, các bạn thiền sinh ai cũng mang theo mình ít nhiều căng thẳng kết quả của lối sống bộn bề, vất vả bên ngoài. Nhưng khi bước tới tu viện thì mọi lo toan, căng thẳng của mọi người đều lập tức rơi xuống. Và  chỉ sau vài ngày tu tập, được sống điều độ, thảnh thời nhất là được hấp thụ nguồn pháp thực quý báu mỗi ngày, trong mỗi người đều thấy rõ sự chuyển hóa lớn lao. Có những cặp vợ chồng, cha con, mẹ con không nói chuyện được với nhau, nhưng chỉ sau năm ngày thực tập, được hướng dẫn cách tái lập truyền thông họ đã có thể tới với nhau để hòa giải hoặc gọi điện về nhà nói được những lời thương yêu, nói lời biết ơn, tha thứ với người mà họ đang giận hờn. Sự chuyển hóa nhanh chóng ấy diễn ra ở mọi khóa tu. Sau mỗi khóa tu luôn có những người tới báo cáo rằng họ đã hòa giải được với người thân của mình và bày tỏ lòng biết ơn đối Sư Ông và pháp môn mà họ đang hành trì

 

Tưng bừng lễ hội

Mỗi tuần của khóa tu đều có một ngày lễ. Tuần đầu tiên của khóa tu có Lễ Tổ Tiên. Đây là một buổi lễ bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên tâm linh và  huyết thống. Tổ tiên của chúng ta trước hết là cha mẹ, ông bà, rồi đến các bậc tiền nhân đi trước. Buổi lễ rất trang nghiêm, cảm động. Ngay trong buổi lễ, năng lượng chuyển hóa đã bắt đầu tuôn chảy. Trong xã hội Tây Phương, cấu trúc gia đình thường lỏng lẻo hơn tại các nước châu Á. Tính dân chủ và lối sống hối hả đã khiến cho khoảng cách giữa ông bà, cha mẹ và con cái thường không khăng khít, gắn bó như các gia đình Á Châu. Khi các bạn thiền sinh được khai thị bằng Năm Cái Lạy do sư cô Chân Không hướng dẫn và được nghe lời khấn nguyện tổ tiên bằng ba thứ tiếng thì lòng biết ơn và tình thương yêu đối với các đấng sinh thành và các thế hệ tổ tiên đi trước chợt bừng bừng sống dậy trong trái tim mỗi người.

huongdan3lay.JPG

Tuần thứ hai của khóa tu có lễ Bông Hồng Cài Áo. Lễ Bông Hồng Cài Áo tương tự như lễ Vu Lan tại Việt Nam. Tuy rằng ngày Vu Lan chưa đến, nhưng khóa tu mùa hè có rất đông các bạn thiền sinh, vì vậy đây là một cơ hội rất quý báu để truyền thống hiếu đễ trong văn hóa Việt Nam được cống hiến tới cộng đồng quốc tế. Tính nhân văn trong đoản khúc Bông Hồng Cài Áo đã chạm được vào trong chiều sâu tâm linh của những người tham dự. Trong buổi lễ, các em thanh thiếu niên đã lên đọc nhưng bức thư tình mà các em viết cho bố mẹ để bày tỏ lòng biết ơn. Còn niềm hạnh phúc nào bằng khi được nghe những lời thương yêu từ những đứa con của mình. Những người cha, người mẹ khi lắng nghe con mình đọc thư không ai cầm được những giọt nước mắt sung sướng. Sau buổi lễ, cha mẹ và con cái thiền ôm với nhau trong thiền đường. Những ngăn cách, những giận hờn giữa phụ huynh và con cái chợt tan biến. Những giọt nước mắt hạnh phúc lại một lần nữa ào ạt tuôn rơi. Đây quả là một ngày lễ mà thiền sinh phương Đông cũng như phương Tây tới Làng Mai đều chờ đợi

 

Tuần thứ ba, vào ngày trăng tròn, các bạn thiền sinh đã được cùng các thầy, các sư cô đón một lễ trung thu rất vui tươi, rất hạnh phúc với những chiếc đèn lồng do các thầy, các sư cô và các em thiếu nhi làm. Trong buổi văn nghệ, các bạn thiền sinh Tây Phương đã có một màn trình diễn hết sức ấn tượng, đó là mặc áo tràng lam và múa nón Việt Nam. Các bạn tỏ ra rất hạnh phúc trong trang phục áo tràng lam giản dị và chiếc nón lá đơn sơ cùng với những điệu múa cũng rất Việt Nam.

 

mua lan trung thu

mua hoa dang

 

 

 

 

 

 

 

 

Tuần cuối cùng của khóa tu các bạn thiền sinh được tham dự lễ Hòa Bình. Lễ Hòa Bình được Sư Ông khởi xướng dựa trên sự kiện Mỹ bỏ hai trái bom nguyên tử xuống hai thành phố lớn của Nhật Bản là Hiroshima (ngày 06.08.1945) và thành phố Nagasaki (ngày 09.08.1945). Đồng thời cũng để cầu nguyện cho những nạn nhân chiến tranh, đã bỏ mình oan uống trên xa trường, trên biển khơi, trong rừng vắng; những nạn nhân trong những trận đói và những cơn dịch bệnh.

Khóa tu mùa hè tại Làng Mai đã khép lại nhưng dư âm của niềm vui và sự bình an vẫn còn đọng mãi trên môi và trên mắt mọi người. Các bạn thiền sinh sau những ngày tu tập ai cũng tươi mát, nhẹ nhàng hơn, nụ cười của ai cũng rạng rỡ hân hoan. Nhưng niềm vui lớn nhất lại nghiêng về phía các thầy, các sư cô. Bởi vì không ai khác, người nào hiến tặng niềm vui người ấy sẽ được an vui.

Khóa tu mùa hè, một điểm đến

 

Khóa tu mùa hè tại Làng Mai đã được bắt đầu vào ngày 7.7.2010 và sẽ kết thúc vào ngày 4.8.2010. Đây được coi là một khóa tu lớn trong năm, thu hút lượng thiền sinh tới tu học đông đảo nhất. Khóa tu, từ lâu đã được coi như là một điểm hẹn đối với những vị thiền sinh trong kỳ nghỉ hè. Thay vì tới những khu du lịch đắt tiền, họ đã chọn Làng Mai để tới an dưỡng thân và tâm.

velang.JPG

Các em về Làng

Tới với khóa tu, trước hết mọi người có cơ hội buông xuống những bận rộn, hối hả để trở về sống gần gũi với thiên nhiên. Những buổi pháp thoại, ngồi thiền, thiền hành, pháp đàm rất có công năng nuôi dưỡng và trị liệu. Trong những bữa ăn cơm chung theo gia đình, hay những giây phút cùng nhau làm việc đã kéo mọi người xích lại gần nhau hơn. Ai cũng dễ dàng trao tặng và đón nhận những nụ cười thân thiện. Mùa hè tuy nóng bức, nhưng những rừng mận, những tán cây và nhất là tình người đã làm cho không khí và lòng người nơi đây trở nên dịu mát.

 

loinguyen.JPG

Viết lời nguyện


Trong tuần đầu của khóa tu, chủ nhật ngày 11.7.2010 có Lễ Tổ Tiên. Đây là cơ hội cho mọi người tưởng nhớ và gửi lòng biết ơn tới những vị tiền nhân đi trước.  Uống nước nhớ nguồn là một truyền thống quý báu của người Việt Nam. Giờ đây, truyền thống ấy lại được nối mạch, khơi nguồn ở phương trời Tây. Những người bạn ngoại quốc đã đón nhận truyền thống văn hóa đẹp đẽ ấy của người Việt Nam một cách rất trân trọng. Lời khấn nguyện dâng lên tổ tiên được đọc lên bằng ba thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp). Lời khấn nguyện đã đánh động mạnh mẽ tới chiều sâu tâm linh của mọi người. Những người bạn thiền sinh ngoại quốc đã rất cảm động khi lắng nghe:

dangphamvat.JPG

Dâng phẩm vật

Lời Khấn Tổ Tiên

Hôm nay, ngày 11 tháng 7 năm 2010, chúng con cư trú tại Làng Mai, miền Nam nước Pháp, vào dịp lễ Tổ Tiên, kính cẩn tới trước bàn thờ chư vị với tất cả lòng dạ chí thành, hướng về cội nguồn, nguyện xin liệt vị tiền nhân chứng giám.

Chúng con ý thức được cây có cội, nước có nguồn; chúng con biết liệt vị tiền nhân là cội nguồn của chúng con và chúng con là sự tiếp nối của liệt vị. Chúng con nguyện tiếp nhận gia tài văn hóa và tâm linh mà liệt vị đã trao truyền, nguyện nắm giữ và phát triển không ngừng gia tài ấy. Chúng con cũng nguyện thực hiện được những công trình mà liệt vị đã phó thác cho chúng con thực hiện, nhất là chuyển hóa những nội kết khổ đau và mở ra cho các thế hệ tương lai cánh cửa của một đời sống thoải mái, nhẹ nhàng, ý vị, một xã hội trong đó con người không quá bận rộn, tiêu thụ ít, có nhiều thì giờ để sống với thiên nhiên, chăm sóc cho thiên nhiên, chăm sóc cho nhau, xây dựng tình huynh đệ và đem lại cho nhau nụ cười và hạnh phúc.

Giờ phút này là giờ phút tưởng niệm- nhớ lại công ơn giáo dưỡng sâu dầy mà các bậc tiền bối, cha mẹ, tổ tiên, thầy tổ, bạn bè và mọi loài chúng sanh đã trao tặng cho chúng con. Chúng con ý thức rằng chúng con là anh chị em trong một đại gia đình. Chúng con nguyện bỏ hết mọi giận hờn, buồn tủi và hiềm khích, tha thứ cho nhau, chấp nhận và thương yêu nhau như con một nhà. Chúng con biết có làm như thế chúng con mới thật sự tỏ bày được niềm hiếu thảo và biết ơn của chúng con lên liệt vị.

Xin liệt vị tổ tiên chứng minh cho lòng thành của chúng con, chấp nhận hương hoa trà quả và bánh trái, tất cả đều được dâng lên từ lòng hiếu thảo và dạ chí thành. Xin bảo hộ và che chở cho các con và các cháu có đầy đủ sức khỏe, niềm tin và nguồn vui để tiếp tục công trình của liệt vị.”Trở về với cội nguồn tâm linh và huyết thống.

Được thực tập những pháp môn căn bản để điều phục những cảm xúc mạnh; học cách nuôi lớn sự bình an và mở rộng tâm thương yêu là món quà mà tuần đầu của khóa tu đã cống hiến đến cho các bạn thiền sinh.

dangloikhannguyen.JPG
Dâng lời khấn nguyện Tổ tiên