Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới

Các bạn thân mến, các đồng nghiệp thân mến,

Chào mừng quí vị đến tham dự khóa tu tiếng Pháp dành cho các thầy cô giáo và các nhà giáo dục. Tôi cũng là một giáo viên và tôi rất yêu nghề. Quí vị cũng yêu nghề của mình, đó là một điều rất đáng quý! Quý vị có sứ mệnh ươm mầm, và nuôi dưỡng những người trẻ lành mạnh, có khả năng tạo dựng hạnh phúc cho mình và cho xã hội. Sứ mệnh của chúng ta không chỉ là trao truyền kiến thức mà còn là xây dựng con người, xây dựng một xã hội nhân bản để có thể chăm sóc và bảo hộ hành tinh xinh đẹp của chúng ta.

Tôi rất may mắn vì những người trẻ đến với tôi đều có chung một lý tưởng. Họ muốn học cách chuyển hóa tự thân, sống hạnh phúc và giúp cho những người khác cũng sống hạnh phúc như mình. Mỗi khi vào lớp, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì giữa thầy và trò có sự cảm thông, có tình huynh đệ. Điều này giúp cho việc trao truyền và tiếp nhận trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi hỏi thăm các đệ tử về hạnh phúc và khó khăn của họ, và tôi cũng kể cho đệ tử nghe những khó khăn cũng như những ước mong của tôi. Chúng tôi luôn luôn có liên hệ thầy trò rất sâu sắc.

Những khó khăn trong việc giáo dục

Những người trẻ, và các em học sinh trong thời đại của chúng ta có rất nhiều khổ đau trong lòng. Bởi vì cha mẹ các em có khó khăn, gia đình các em không hạnh phúc. Cha mẹ không truyền thông được với nhau, hay cha mẹ và con cái không thể nói chuyện được với nhau dễ dàng. Trong lòng các em có nhiều cô đơn, trống vắng. Không biết cách chăm sóc khổ đau của mình, các em tìm cách khỏa lấp nỗi cô đơn và trống vắng bằng những trò chơi điện tử hay những thú vui tiêu khiển độc hại khác. Người trẻ thời đại ngày nay có rất nhiều nỗi khổ niềm đau và điều này làm cho công việc giáo dục trở nên khó khăn hơn.

Chính chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng chúng tôi luôn cố gắng làm hết khả năng của mình. Thật khó khi môi trường xã hội, gia đình và những đồng nghiệp hợp tác với chúng tôi cũng đang có nhiều khổ đau trong chính bản thân họ. Nếu những người giáo viên không có hạnh phúc thì làm sao có thể mang lại hạnh phúc cho học sinh của mình? Đây là một vấn đề lớn!

Chúng ta không có đủ kiên nhẫn, hiểu biết, tươi mát và tình thương để giải quyết vấn đề đó. Chúng ta cần một chiều hướng tâm linh có thể giúp cho ta chuyển hóa tự thân. Sau đó giúp chuyển hóa những người xung quanh. Mà đầu tiên là người bạn đời của ta, hay những thành viên trong gia đình ta. Nếu thực tập thành công thì ta sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, dễ chịu hơn, tươi mát hơn, và có nhiều tình thương hơn. Ta sẽ giúp được cho những bạn đồng nghiệp cũng làm được như mình và ta có thể áp dụng sự thực tập vào lớp học.

Như vậy bước đầu tiên là thực hiện một cuộc trở về, trở về với chính mình. Tìm một lối ra, nhưng “lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm” (The way out is in).

Như vậy bước đầu tiên là thực hiện một cuộc trở về, trở về với chính mình. Tìm một lối ra, nhưng “lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm” (The way out is in).

Trở về chăm sóc tự thân

Trở về với tự thân để chăm sóc cho chính mình. Để ôm ấp và xử lý những nỗi khổ niềm đau trong mình. Có những phương pháp thực tập mà chúng ta có thể làm cùng nhau với niềm vui. Bằng hơi thở chánh niệm, ta đem tâm trở về với thân. Trước hết ta trở về chăm sóc hình hài của mình. Trong thân thể ta đã tích tụ nhiều căng thẳng và đau nhức. Trở về với thân giúp ta nhận diện rằng trong thân của ta đang có sự căng thẳng, đau nhức và ta thở như thế nào để làm lắng dịu sự đau nhức đó. Chỉ cần thực tập buông thư, và ý thức về hơi thở trong một giờ đồng hồ sẽ  giúp cho ta rất nhiều.

Bụt đã dạy cho ta một phương pháp:

“Thở vào, tôi ý thức rõ rệt về thân thể tôi.

Thở ra, tôi buông thư những căng thẳng trong thân thể tôi”.

Tôi trở về với hình hài của tôi, hình hài tôi là một mầu nhiệm nhưng nó không có đủ sự bình an trong giờ phút này.

Nếu không có sự bình an trong thân thì cũng không có sự bình an trong tâm. Thân và tâm nhất như. Chúng ta phải bắt đầu bằng sự thực tập trở về với thân. Ta có thể tập buông thư trong khi đi, đứng, nằm, ngồi. Đây là những thực tập căn bản và thiết yếu. Ta có thể tập buông thư khi ngồi trong xe bus hay trong xe hơi. Ta cũng có thể tập buông thư khi nấu bữa  sáng hay khi rửa bát. Trong ngày ta có rất nhiều cơ hội để thực tập buông thư. Điều này rất quan trọng!

Có những phương pháp thực tập giúp ta nhận diện được những mầu nhiệm của sự sống và vẻ đẹp của thiên nhiên ngay trong giây phút hiện tại. Nếu thở vào một hơi và đặt hết sự chú tâm vào hơi thở vào thì có thể ngưng lại tất cả sự suy tư. Chúng ta suy tư rất nhiều nhưng những suy tư của ta đều không mang đến cho ta nhiều lợi lạc. Càng suy tư thì ta càng trở nên lộn xộn hơn. “Tôi suy tư nên tôi không thật sự có mặt, tôi suy tư nên tôi đánh mất mình trong sự suy tư đó” (Je pense donc je ne suis pas vraiment là,  je pense donc je suis perdu dans ma pensée).

Nếu chỉ chú tâm vào hơi thở vào, dù hơi thở đó chỉ kéo dài trong hai hay ba giây thì ta cũng đã ngưng lại được sự suy tư của mình. Ta có tự do đối với quá khứ, đối với tương lai, đối với những dự án trong hiện tại.  Hơi thở vào đó có thể rất dễ chịu.

Thực tập thở một hơi thở vào có ý thức có thể giúp ta cảm thấy rất dễ chịu. Mình đang còn sống đây, mình đang thở vào. Đó là một mầu nhiệm! Những người đã mất không còn thở vào được nữa. Tôi đang thở vào, tôi đang còn sống. Và còn sống là một điều mầu nhiệm, mầu nhiệm lớn nhất trong tất cả những mầu nhiệm trên thế giới. Ta có niềm vui khi thở vào. Trong khi thở vào ta đem tâm trở về với thân. Trong đời sống hàng ngày, thường thì thân ta ở đây mà tâm ta thì ở chỗ khác. Tâm ta rong ruổi về quá khứ, hoặc tương lai, hay đắm chìm trong những lo âu và giận hờn. Tâm không ở cùng với thân và như vậy thì ta đang không thật sự sống.

Để thật sự có mặt và sống sâu sắc mỗi giây phút của đời sống thì tâm ta phải có mặt với thân ta. Khi thân và tâm là một thì ta hoàn toàn có mặt và nhận diện được những mầu nhiệm của sự sống xung quanh. Như mặt trời, cây xanh, tiếng chim hót,…Vương quốc của Thượng đế đang có mặt bây giờ và ở đây. Nhận diện đơn thuần những mầu nhiệm của sự sống. Nhận ra rằng mình đang có nhiều điều kiện hạnh phúc hơn rất nhiều người khác. Mình may mắn được sống hạnh phúc bây giờ và ở đây. Nếu có thời gian quí vị có thể lấy một tờ giấy rồi viết xuống những điều kiện hạnh phúc mà mình đang có trong hiện tại. Những hạnh phúc ấy mình không cần phải chạy đi tìm trong tương lai. Tôi tin chắc là một tờ giấy, hai tờ không đủ để viết hết. Mà ba hay bốn tờ cũng không đủ. Quí vị đang có rất nhiều may mắn và có rất nhiều điều kiện hạnh phúc. “Hạnh phúc có thể có được ngay bây giờ và ở đây”, đó là lời Bụt dạy. Người Pháp cũng có câu: Qu’est-ce qu’on attend pour être heureux? (Chúng ta còn chờ gì nữa để có hạnh phúc?)

Sự thực tập giúp cho ta nhận diện được những mầu nhiệm của sự sống, nhận diện được vương quốc của Thượng đế và những điều kiện hạnh phúc đang có mặt trong giây phút hiện tại. Ta có thể chế tác được niềm vui và hạnh phúc bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Một người thực tập chánh niệm giỏi là người có khá năng chế tác niềm vui và hạnh phúc bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Đó là nghệ thuật hạnh phúc. Rất dễ dàng và đơn giản, bất cứ ai cũng có thể làm được.

Nghệ thuật khổ đau

Làm thế nào để lắng dịu những khổ đau khi chúng phát sinh? Khi một cảm thọ khổ đau bắt đầu xuất hiện thì ta thở như thế nào để có thể chế tác được năng lượng của chánh niệm. Năng lượng chánh niệm này giúp cho ta có mặt, nhận diện, và ôm ấp cảm xúc đó một cách dịu dàng. Như một bà mẹ ôm lấy đứa con đang khóc vào lòng. Cảm nhận được sự săn sóc của bà mẹ, đứa bé nín khóc ngay. Chỉ cần vài phút thực tập là ta có thể làm lắng dịu được những cảm xúc của mình. Thực tập này rất  quan trọng!

Lắng nghe những nỗi khổ niềm đau trong hình hài, trong cảm thọ và trong tâm hành của mình. Người kia cũng vậy, người kia cũng có nỗi khổ niềm đau trong họ. Vì họ khổ đau, nên lời nói và hành động của người đó đã gây cho ta nhiều đau khổ. Chỉ vì người kia không biết cách xử lý nỗi khổ niềm đau của họ, chứ họ không cố ý làm cho ta đau khổ. Là một người có tu học, chúng ta phải biết  cách xử lý nỗi khổ niềm đau của mình.

Xử lý khổ đau là một nghệ thuật. Chúng ta nói tới nghệ thuật hạnh phúc nhưng cũng có thể nói tới nghệ thuật khổ đau. Chúng ta phải học cách khổ đau. Người biết cách khổ đau thì sẽ ít khổ hơn những người khác. Quí vị hãy tin tôi: “Ai biết cách khổ đau thì khổ ít hơn những người khác.” Đó là một sự thật! Nếu mình có khả năng thấy được nỗi khổ niềm đau trong người kia thì mình sẽ không còn khổ nữa: “Tội cho người ấy, tội cho bạn tôi, tội cho đồng nghiệp của tôi, họ có bao nhiêu là khổ đau trong lòng mà không biết cách để xử lý. Họ tự làm họ khổ và làm khổ luôn những người khác.” Nếu mình thấy được như vậy thì tự nhiên mình có khả năng nhìn người kia với đôi mắt từ bi. Khi trong lòng có từ bi, có hiểu, có thương thì mình sẽ không đau khổ nhiều nữa. Từ bi là liều thuốc chữa trị được giận hờn.

Chúng ta có thể chế tác ra năng lượng từ bi một cách dễ dàng. Chỉ cần thấy và hiểu được nỗi khổ niềm đau của người kia thì tự nhiên chất liệu tình thương sẽ ứa ra trong trái tim ta. Và ta có thể mỉm cười với người kia một cách nhẹ nhàng. Người kia sẽ rất ngạc nhiên và tự hỏi: “Tại sao anh ta có thể làm được như thế? Nếu gặp trường hợp này thì những người khác sẽ phản ứng lại một cách giận dữ, nhưng sao anh lại có thể tươi cười và đầy tình thương như vậy?” Khi đó, chúng ta có cơ hội giúp được cho những người kia. Thực hiện một cuộc trở về  với chính mình là bước thứ nhất. Sau đó ta có thể giúp cho người bạn đời của mình hay những người thân trong gia đình. Thấy được sự chuyển hóa và thành công của ta họ sẽ có niềm tin vào những phương pháp mà ta đang thực tập.

Thực tập ái ngữ và lắng nghe để tái lập truyền thông và đem lại sự hòa giải

Tái lập truyền thông và đem lại sự hòa giải là chuyện ta có thể làm được. Sự thực tập nói lời ái ngữ và lắng nghe sâu giúp cho chúng ta thiết lập lại truyền thông và đưa tới sự hòa giải.

“Anh ơi, em biết là anh có rất nhiều khổ đau trong những năm vừa qua. Em đã không giúp gì được cho anh mà còn làm cho tình trạng trở nên tệ hại hơn. Em xin lỗi anh! Em không cố ý làm cho anh khổ. Nhưng em đã không thấy và không hiểu được nỗi khổ niềm đau trong anh, vì vậy anh phải giúp cho em. Anh phải nói cho em biết những gì trong lòng anh, những khó khăn và những khổ đau của anh. Em tin chắc rằng nếu hiểu được khổ đau trong anh thì em sẽ không hành xử như những gì em đã từng hành xử những năm qua. Anh phải giúp cho em. Anh phải nói cho em biết những khổ đau chất chứa trong lòng.” Đó là lời nói ái ngữ. Là chìa khóa để mở cửa trái tim của người kia. Sự thực tập này rất hiệu nghiệm, cho dù là giữa hai người đã có khó khăn trong hơn 5 năm rồi. Người kia sẽ mở lòng nói cho ta nghe những gì chất chứa, dồn nén trong trái tim họ. Lúc này ta thực tập lắng nghe với hạnh của Bồ tát Quán Thế Âm (Bồ tát Avalokiteshvara). Chỉ cần lắng nghe với tâm từ bi là ta cũng đã làm vơi nhẹ rất nhiều khổ đau trong người khác rồi. Lắng nghe với tâm từ bi có khả năng giúp cho người kia trải hết lòng ra để cho họ bớt khổ.

Nếu người kia có những cái thấy và tri giác sai lầm thì ta cũng không nên cắt ngang lời họ. Ta phải để cho người kia nói. Sau này, nếu có thì giờ thì ta sẽ cung cấp vài dữ kiện để người kia thấy được tri giác sai lầm đó, nhưng bây giờ thì chưa phải lúc. Lúc này là lúc ta cần thiết lập lại sự truyền thông và hòa giải với nhau.

Sau này, khi các giáo viên cùng thực tập với nhau và cùng thực tập với người thân trong gia đình thì chúng ta sẽ tiến thêm một bước nữa. Chúng ta có thể đến gần với môi trường của trường học, trong đó có những bạn đồng nghiệp và những học sinh của mình. Chúng ta biết rằng hầu hết những người bạn đồng nghiệp của ta cũng có nỗi khổ niềm đau trong lòng. Vì vậy nếu ta có hiểu và có thương thì khi người đó “bùng nổ” với ta, ta sẽ dễ dàng cảm thông và bớt khổ hơn nhiều.

Mỗi giáo viên phải là một người xây dựng Tăng thân

Chúng ta phải nghĩ tới việc xây dựng tăng thân. Tức là một đoàn thể trong đó có những bạn đồng nghiệp hay những người làm trong lĩnh vực giáo dục, có thể là 3 hay 4 người mà ta dễ dàng truyền thông được với. Chúng ta phải xây dựng một tăng thân. Cùng đến với nhau để có thể nuôi dưỡng và duy trì sự thực tập. Thực tập không phải với tư cách một cá nhân hay một gia đình mà là với tư cách một đoàn thể. Xây dựng tăng thân là công việc tối cần thiết. Chúng ta có thể đi thiền hành cùng nhau, uống trà cùng nhau hay tổ chức một buổi thiền buông thư chung.

Chúng ta xây dựng một đoàn thể nhỏ gồm những thầy cô giáo có hạnh phúc, “thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới”. Với tăng thân nhỏ bé đó ta có thể làm làm thay đổi cả tập thể trường học. Chúng ta có thể viết một lá thư: “Chúng tôi là một nhóm người, chúng tôi đã thực tập những phương pháp như vậy(…) và đã đạt được nhiều sự chuyển hóa trong đời sống, trong công việc cũng như trong lớp học. Chúng tôi nghĩ rất lợi lạc nếu quí vị cùng thực tập với chúng tôi”. Như vậy những đồng nghiệp khác cũng sẽ có cơ hội nếm được bình an, tình huynh đệ và sự buông thư ấy.

Chúng ta không thể tiếp tục như hiện nay, tại vì nếu chính các giáo viên không có hạnh phúc, không bình an và không hòa hợp với nhau thì làm sao mà có thể giúp được cho những người học sinh bớt khổ và thành công trong học tập. Xây dựng một tăng thân là công việc tối hậu. Mỗi giáo viên phải là một người dựng tăng. Sau khi giác ngộ, công việc đầu tiên mà Bụt làm là xây dựng một tăng thân. Ngài biết rõ là nếu không có tăng thân thì mình sẽ không thể nào hoàn thành được sự nghiệp của một vị Bụt.

Giáo viên là một nghề rất cao quí, rất đẹp, rất đáng kính. Nhưng nếu không có một tăng thân thì mình cũng không làm được gì nhiều. Vì vậy xây dựng tăng thân là một việc cấp thiết!

Các bạn thân mến, chúng ta có một khóa tu, điều này rất ý nghĩa. Chúng ta có cơ hội cùng nhau thực tập những điều này. Tôi chúc các bạn có một khóa tu hạnh phúc và đạt được nhiều chuyển hóa.

Xin cảm ơn các bạn.

Đem chánh niệm vào trường học

Các em nhỏ trong khóa tu tại tu viện Mộc Lan năm 2013

Khi nói về đời sống của giáo viên, chúng ta biết rằng trong thầy cô giáo cũng có những khổ đau và trong các học sinh cũng có nhiều khổ đau. Và đó là lý do vì sao một nhà giáo cần phải biết cách xử lý, chăm sóc khổ đau của chính mình và biết cách chế tác niềm vui, niềm hạnh phúc cho chính mình. Nếu các nhà giáo đều làm được như vậy thì họ sẽ trở thành những nhà giáo hạnh phúc, họ sẽ bớt khổ đau và khi đến lớp học, họ cũng sẽ giúp các học trò của mình làm được tương tự như vậy.

Nghệ thuật chế tác hạnh phúc và xử lý khổ đau

Trong kinh Quán niệm hơi thở, Bụt dạy cho chúng ta 16 bài tập về hơi thở ý thức. Đây là những bài tập rất thực tiễn, không phức tạp mà ai cũng có thể làm được. Chúng ta có thể nhận thấy ngay được hiệu quả chỉ sau một hoặc hai giờ thực tập.

Bài tập thứ nhất hết sức đơn giản, đó là: phát khởi ý thức về hơi thở vào và hơi thở ra. “Thở vào, tôi ý thức đây là hơi thở vào; thở ra, tôi ý thức đây là hơi thở ra”. Ta chỉ cần nhận diện hơi thở vào và hơi thở ra. Bài tập này rất đơn giản và dễ làm, nhưng hiệu quả thì rất lớn lao. Khi thở vào, ta đặt toàn bộ sự chú tâm vào hơi thở vào. Hơi thở vào trở thành đối tượng duy nhất của tâm và nếu ta thực sự chú tâm vào hơi thở vào thì ta có thể buông bỏ tất cả những cái khác. Ta buông bỏ quá khứ, buông bỏ tương lai, buông bỏ luôn những dự án, những sợ hãi, giận hờn, bởi vì tâm ta chỉ có một đối tượng duy nhất lúc đó là hơi thở vào. Những tiếc nuối, đau buồn của quá khứ, những sợ hãi và lo lắng về tương lai, tất cả những thứ đó ta đều buông bỏ hết chỉ trong một hoặc hai giây, bởi vì ta đang tập trung toàn bộ tâm ý vào hơi thở vào. Vì vậy, hơi thở ý thức giải phóng cho ta, giúp cho ta được tự do. Và khi ta phải làm một quyết định nào đó thì điều quan trọng là ta cần phải có đủ tự do khi làm việc đó. Ta không bị ảnh hưởng bởi giận hờn, sợ hãi, khi đó ta sẽ có thể đưa ra một quyết định sáng suốt. Chỉ cần một hơi thở vào thôi là ta được tự do rồi. Vì vậy có thể nói bài tập này rất đơn giản nhưng hiệu quả thì thật là lớn lao.

Bài tập thứ hai là theo dõi hơi thở vào từ đầu cho đến cuối và theo dõi hơi thở ra từ đầu cho đến cuối. Thở vào, ta theo sát hơi thở vào trong suốt chiều dài của hơi thở vào, không để bị gián đoạn dù chỉ là trong một mili giây. Và trong khi theo sát hơi thở vào, ta chế tác năng lượng định tâm. Ta không chỉ ý thức về hơi thở vào mà còn tập trung toàn bộ tâm ý vào hơi thở vào. Năng lượng chánh niệm mang theo trong nó năng lượng của định. Ý thức và tập trung tâm ý vào hơi thở vào có thể mang lại cho ta cảm giác rất dễ chịu. Ta không phải khổ nhọc gì khi thực tập, mà sự thực là chỉ cần một hơi thở vào thôi là ta đã cảm thấy dễ chịu rồi, đặc biệt là khi không khí mát mẽ, trong lành và mũi của ta không có vấn đề gì.  Vì vậy, bài tập thứ hai này là theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra trong suốt chiều dài của nó. Và ta có thể thực tập bài tập 1 và 2 này vào bất kỳ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu.

Bài tập thứ ba là ý thức về cơ thể. Thở vào, ta ý thức rõ rệt về toàn bộ thân thể ta. Ta đưa tâm trở về với thân, thiết lập trạng thái thân tâm nhất như. Khi đó ta thực sự có mặt trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Ta thực sự đang sống và ta có thể sống giây phút này một cách sâu sắc hơn. Bài tập thứ ba này giúp ta phục hồi được sự toàn vẹn của thân và tâm. Nhiều khi ta ngồi trước máy tính cả hai tiếng đồng hồ nhưng ta hoàn toàn quên mất về thân của mình. Ta không thực sự sống trong giây phút đó. Ta chỉ có thể thực sống sống khi tâm của ta có mặt với thân. Chỉ khi đó ta mới có thể có mặt trọn vẹn trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, và ta có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong ta và xung quanh ta. Ở Làng Mai, các thầy, các sư cô thường cài chương trình chuông chánh niệm vào máy tính của mình và mỗi 15 phút, các thầy các sư cô sẽ nghe một tiếng chuông từ máy tính, khi đó họ sẽ dừng lại những công việc đang làm để trở về với hơi thở, thưởng thức hơi thở vào, hơi thở ra, mỉm cười và buông thư những căng thẳng trong thân. Và đó là những gì mà Bụt đã dạy cho chúng ta cách đây 2600 năm.

Bài tập thứ tư: ta đang thở vào và làm cho toàn thân an tịnh; ta đang thở ra và làm cho toàn thân an tịnh. Với hơi thở vào, ta trở về tiếp xúc với cơ thể và nhận diện trong thân có những chất liệu của sự bất an, căng thẳng. Tự nhiên ta muốn làm một điều gì đó để giúp cơ thể ta lắng dịu và bớt căng thẳng. Và với hơi thở ra, ta buông thư hết những căng thẳng và bất an trong thân. Đó là bài tập thứ tư về hơi thở ý thức mà Bụt muốn ta thực tập để chăm sóc cho thân thể của mình.

Bài tập thứ năm là chế tác niềm vui (hỷ). Với bài tập thứ 5, ta bước sang lĩnh vực cảm thọ. Ta đang thở vào và cảm thấy mừng vui, ta đang thở ra và cảm thấy mừng vui. Một hành giả giỏi là người biết cách làm phát khởi một niềm vui, bởi vì người đó biết rằng chánh niệm có thể giúp người đó nhận diện được tất cả những điều kiện hạnh phúc đang có sẵn trong giây phút hiện tại. Chúng ta có thể tự nhắc mình và những người thương của mình rằng chúng ta rất may mắn và chúng ta có thể hạnh phúc liền ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta không phải chạy về tương lai để tìm kiếm hạnh phúc. Bụt đã dạy cho chúng ta về giáo lý Hiện pháp lạc trú. Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại mà thôi. Và nếu ta biết trở về với giây phút hiện tại thì ta sẽ nhận ra rằng có vô số những điều kiện hạnh phúc đang có sẵn đó cho ta, và thế là niềm vui, niềm hạnh phúc sẽ phát khởi ngay lập tức. Cụm từ “Hiện pháp lạc trú” được nhắc lại năm lần trong kinh. Bụt giảng kinh này cho ngài Anathapindika (còn được gọi là Ngài Cấp Cô Độc) – một thương gia ở thành phố Savatthi. Ngày hôm đó, Anathapindika đến thăm Bụt cùng với hàng trăm vị thương gia khác và Bụt đã dạy cho họ rằng: “Này quý vị, quý vị có thể hạnh phúc liền ngay bây giờ và ở đây, quý vị không phải chờ đến tương lai. Quý vị không phải đợi đến khi có thành công trong tương lai mới có thể hạnh phúc.” Tôi nghĩ Bụt biết rất rõ là các nhà doanh thương thường hay lo nghĩ quá nhiều về tương lai, về những thành công trong tương lai. Vì vậy mà cụm từ Hiện pháp Lạc trú được Bụt sử dụng đến năm lần trong kinh. Hiện pháp Lạc trú trong tiếng Phạn là Drstadharmasukhavihara. Vihara nghĩa là an trú; sukha nghĩa là hạnh phúc; drstadharma là giây phút hiện tại. Một hành giả giỏi không bao giờ tìm kiếm hạnh phúc nơi tương lai. Người đó biết cách trở về trong giây phút hiện tại và nhận diện tất cả những điều kiện hạnh phúc đã sẵn đó cho mình, và tự nhiên người đó có hỷ, có lạc ngay tức thì. Người đó thực tập như vậy không chỉ cho chính mình mà còn cho những người khác. Chế tác hạnh phúc là một nghệ thuật, nghệ thuật sống hạnh phúc.

Bài tập thứ sáu là chế tác hạnh phúc.

Bài tập thứ bảy là ý thức về cảm thọ đau buồn trong ta. Ta đang thở vào và ý thức về sự có mặt của cảm thọ đau buồn trong ta. Một người biết thực tập không bao giờ cố gắng chống lại niềm đau, tìm cách khỏa lấp hoặc trốn chạy khỏi niềm đau trong lòng mình. Là một hành giả, người đó biết làm thế nào để chế tác năng lượng chánh niệm và sử dụng năng lượng chánh niệm để nhận diện và nhẹ nhàng ôm ấp niềm đau đó. “Niềm đau ơi, xin chào bạn! Mình biết bạn đang có mặt đó và mình sẽ chăm sóc bạn chu đáo”. Dù đó là cơn giận hay cảm giác sợ hãi, tỵ hiềm hoặc tuyệt vọng, chúng ta đều phải có mặt đó để nhận diện và ôm ấp. Chúng ta không vật lộn với những cảm thọ đó. Chúng ta không hành xử một cách bạo động với niềm đau, nỗi khổ trong lòng mình. Ngày hôm qua, chúng ta đã nói về cách một người mẹ ôm đứa con đang khóc; cũng như vậy, niềm đau, nỗi khổ trong ta cũng là một em bé cần được ôm ấp, vỗ về. Và năng lượng chánh niệm mà ta chế tác được chính là người mẹ. Người mẹ cần phải nhận ra rằng đứa con của mình đang khóc, và điều mà người mẹ cần làm là bế đứa con lên và ôm nó thật nhẹ nhàng trong vòng tay của mình. Đây chính là những gì mà một hành giả giỏi phải làm khi có một cảm thọ đau buồn phát khởi. Ta cần phải có mặt đó cho niềm đau, nỗi khổ trong lòng mình. Ta cần phải duy trì hơi thở ý thức và bước chân chánh niệm để cho năng lượng chánh niệm liên tục được chế tác. Và với năng lượng chánh niệm đó, ta nhận diện và ôm ấp niềm đau trong mình với tất cả sự dịu dàng và thương yêu.

Trong đạo Bụt, khi nói về thức, ta thường chia ra ít nhất là hai phần: tàng thứcý thức. Phần bên dưới của thức được gọi là tàng thức. Những sợ hãi, giận hờn, tuyệt vọng trong ta đều nằm sâu trong tàng thức dưới dạng các hạt giống. Chúng ta biết là hạt giống giận của ta đang nằm trong tàng thức và nếu nó chịu ngủ yên ở dưới đó thì ta sẽ được an ổn. Ta có thể vui cười. Nhưng nếu một ai đó đến và nói một điều gì hoặc làm một điều gì chạm đến hạt giống giận trong ta thì nó sẽ phát khởi thành một loại năng lượng. Khi ở dưới tàng thức, nó được gọi là một hạt giống, một chủng tử, nhưng khi nó biểu hiện lên trên bề mặt ý thức thì nó trở thành năng lượng, được gọi là tâm hành. Khi một hành giả nhận thấy tâm hành giận đang phát khởi thì ngay lập tức người đó phải trở về với hơi thở và mời hạt giống chánh niệm biểu hiện lên trên ý thức dưới dạng năng lượng chánh niệm.  Nếu chúng ta thực tập giỏi thì hạt giống chánh niệm trong ta mỗi ngày một lớn lên và trở thành một hạt giống rất quan trọng. Và khi cần, ta chỉ cần chạm nhẹ vào hạt giống đó là năng lượng chánh niệm phát khởi ngay tức thì. Còn nếu ta không thực tập thì hạt giống chánh niệm vẫn có đó nhưng nó chỉ bé xíu thôi. Mỗi ngày, nếu ta thực tập thở và đi trong chánh niệm thì hạt giống chánh niệm trong ta sẽ lớn lên mỗi ngày. Và bất cứ khi nào cần đến năng lượng chánh niệm, ta chỉ cần chạm nhẹ là có thể làm phát khởi nguồn năng lượng hùng hậu, có thể giúp ta xử lý với bất cứ điều gì đang xảy ra với ta trong giây phút đó. Chẳng hạn như trong trường hợp cơn giận phát khởi thì chính năng lượng chánh niệm mà ta chế tác được sẽ chăm sóc năng lượng giận trong ta. Ta không vật lộn, không bạo động với những cảm xúc mạnh trong ta. Chánh niệm ít nhất có hai tác dụng: trước hết là nhận diện đơn thuần sự có mặt của một niềm đau, nỗi khổ trong ta. Đó là nội dung của bài tập thứ 7. Ta đang thở vào và ý thức cơn giận (hay cảm xúc ganh ghét hoặc tuyệt vọng, v.v) đang có mặt trong ta. Ta chỉ đơn giản nhận diện sự có mặt của các cảm thọ đó mà thôi, không tìm cách đàn áp hay vật lộn với chúng. Và tác dụng thứ hai của chánh niệm là ôm ấp các cảm thọ đó. Đây là nội dung của bài tập thứ 8.

Bài tập thứ 8: làm lắng dịu niềm đau như một người mẹ ôm ấp đứa con của mình. Người mẹ chưa biết chuyện gì xảy ra với đứa bé nhưng chỉ cần bà dịu dàng ôm đứa bé trong vòng tay thôi cũng đủ làm cho đứa bé bớt khổ rồi. Điều này cũng tương tự đối với một hành giả. Mặc dù chưa biết nguyên nhân dẫn đến cơn giận hoặc nỗi sợ hãi đang phát khởi, nhưng chỉ cần người đó biết nhận diện và ôm ấp năng lượng đó thì chỉ trong một hoặc hai phút thôi là người đó đã bớt khổ nhiều lắm rồi.

Tám bài tập trên đây giúp cho chúng ta học được cách chế tác hỷ, lạc và cách chăm sóc một cảm thọ đau buồn và làm lắng dịu niềm đau. Đây chính là nghệ thuật chế tác hạnh phúc và xử lý khổ đau.

Với những bài tập tiếp theo, chúng ta có thể đi sâu hơn, chuyển hóa niềm đau, nỗi buồn, sự sợ hãi thành năng lượng tích cực hơn, cũng giống như sử dụng bùn để trồng nên sen. Vì vậy, một hành giả giỏi là người không sợ khổ đau, không tìm cách trốn chạy khổ đau, mà ngược lại, người đó biết cách có mặt cho niềm đau, nỗi khổ trong lòng mình. Người đó biết cách xử lý một niềm đau, một cảm xúc mạnh và biết cách sử dụng chất bùn đó để chế tác hiểu biết và thương yêu – hai yếu tố căn bản để làm nên hạnh phúc chân thực.

Có thể nói rằng với một nền đạo đức toàn cầu, với sự thực tập chánh niệm và với một hướng đi tâm linh áp dụng trong đời sống hằng ngày, chúng ta sẽ biết cách vượt qua những khó khăn của đời sống. Và đó là lý do vì sao mỗi người trong chúng ta nên có một hướng đi tâm linh như vậy trong cuộc đời mình. Nếu không có điều đó, chúng ta sẽ không biết xử lý như thế nào trước những khó khăn của đời sống.

Hình ảnh người mẹ ôm đứa con vào lòng là một hình ảnh rất hay. Nếu năng lượng chánh niệm trong ta đủ mạnh thì ta có thể ôm ấp niềm đau, nỗi khổ trong lòng mình. Trong khi ôm ấp cảm thọ, ta tiếp tục duy trì hơi thở hoặc bước chân chánh niệm trong vòng 3 hoặc 5 hoặc 10 phút, giống như ta mở ra một con đường chánh niệm cho năng lượng sợ hãi hoặc giận hờn trong ta. Sau khi đi theo con đường chánh niệm, năng lượng đau buồn, hờn giận hay sợ hãi trong ta sẽ trở về lại tàng thức dưới hình tướng hạt giống như xưa nhưng đã yếu đi ít nhiều.  Đó là sức mạnh của chánh niệm.

Trong truyền thống đạo Bụt, chúng ta thường nói về 51 tâm hành. Khi còn là một sa di, tôi phải học thuộc lòng tất cả 51 loại tâm hành này. Và mỗi khi một tâm hành phát khởi, tôi có thể gọi đúng tên của tâm hành đó. “Chào anh bạn sợ hãi, tôi biết tên anh rồi đó. Tôi sẽ chăm sóc cho anh thật chu đáo.” Nhận diện và ôm ấp tâm hành, đó là bước đầu tiên của sự thực tập.

Trong tàng thức của chúng ta có rất nhiều những hạt giống tích cực như hạt giống niệm, định, tuệ, từ, bi, hỷ, xả, v.v. Là một hành giả giỏi, chúng ta phải biết cách nhận diện những hạt giống tốt và giúp cho những hạt giống này phát khởi thường xuyên, bởi vì khi những hạt giống này biểu hiện sẽ làm cho quang cảnh của tâm ý ta đẹp hơn lên. Và chúng ta sẽ hạnh phúc nếu biết cách mời những hạt giống tốt biểu hiện lên trên ý thức dưới dạng các tâm hành tích cực.

Đối với các tâm hành tiêu cực như giận hờn, sợ hãi, tuyệt vọng thì chúng ta nên giữ cho chúng ở dưới tàng thức, đừng cho chúng cơ hội biểu hiện lên trên ý thức, và như vậy thì chúng sẽ yếu dần, yếu dần…Chúng ta làm điều đó cho chính chúng ta và chúng ta cũng đồng thời giúp cho những người thương của mình cũng làm được như vậy.

Áp dụng sự thực tập chánh niệm trong lớp học

Khoảng hai thập kỷ cuối của thế kỷ trước, có một giáo sư toán học ở Toronto, ông dạy tại trường Toronto French School. Sau khi tham dự một khóa tu được tổ chức tại Montreal, ông trở về trường và tìm cách áp dụng sự thực tập hơi thở ý thức và thiền hành vào lớp học. Tên của ông là Henri Kỷ Cương. Khi đó, Henri là Chủ nhiệm khoa Toán của trường Toronto French School.

Một hôm, có hai nhà báo của The Globe and Mail, một tờ báo lớn ở Toronto, tìm đến lớp học của Henri và phỏng vấn ông. Hai phóng viên muốn điều tra xem Henri có đem Phật giáo vào trường học không, vì đó là điều rất cấm kỵ ở Canada. Henri vui vẻ mời hai phóng viên vào một lớp học của mình để xem cách ông dạy học sinh của mình như thế nào. Cái ngày mà Henri trở về từ khóa tu tại Montreal, khi vào lớp học, ông đi rất chậm rãi và nhẹ nhàng, khi lên lau bảng ông cũng lau thật thong thả và chánh niệm. Học sinh của Henri lấy làm lạ, chúng bèn hỏi: Papa (cách gọi thân mật mà học trò gọi Henri), Papa đang bị ốm phải không? Henri mỉm cười trả lời: Không, thầy không ốm, thầy đang thực tập chánh niệm. Và rồi Henri kể cho học sinh của mình nghe về những điều mình đã học được tại khóa tu: cách thở, cách đi, cách làm lắng dịu thân tâm, v.v. Henri đề nghị kể từ nay, cứ mỗi 30 phút, một học sinh tình nguyện vỗ tay lên ba tiếng “bốp, bốp, bốp” (để thay thế cho tiếng chuông chánh niệm) và tất cả thầy trò đều dừng lại thở vào thở ra ba lần để lắng dịu thân tâm. Nhờ vậy mà học trò của Henri học tiếng bộ lên rất nhiều, có rất nhiều niềm vui và sự hứng khởi trong các giờ học. Henri đã áp dụng phương pháp này cho nhiều lớp học mà mình dạy. Vì vậy mà khi hai nhà báo vào lớp của Henri, họ được chứng kiến cảnh Henri cùng các học trò của mình cùng học và cười thật thoải mái với nhau. Mỗi khi có tiếng vỗ tay là cả thầy và trò đều dừng lại việc dạy và học để thưởng thức hơi thở vào và hơi thở ra. Điều này tạo ra ảnh hưởng rất tích cực đến việc dạy và học của trường. Khi Henri đến tuổi về hưu, Ban Giám hiệu của trường đã đề nghị ông tiếp tục dạy thêm ba năm nữa. Và nhiều lớp học khác trong trường cũng đã áp dụng cách dạy này của Henri.

Đối với một giáo viên, điều trước tiên cần phải làm là trở về và chăm sóc cho chính mình. Để có thể đi ra giúp mọi người thì trước tiên ta phải biết trở về chăm sóc cho chính mình. Người giáo viên cần phải học cách chế tác niềm vui, niềm hạnh phúc, học cách xử lý một cảm thọ đau buồn, học cách lắng nghe khổ đau và làm phát sinh năng lượng hiểu biết, thương yêu để ôm ấp khổ đau đó. Đây là bước đầu tiên mà một giáo viên cần phải thực tập. Mình phải bắt đầu với chính mình trước tiên.

Người giáo viên còn có gia đình, có vợ/chồng và các con của mình. Vì vậy, sau khi đã thực tập với chính mình, người đó có thể giúp những người thân trong gia đình mình thực tập theo. Điều này sẽ dễ dàng hơn. Nếu không thay đổi chính mình trước thì ta khó mà giúp được người khác thay đổi, khó mà giúp người khác chuyển hóa khổ đau. Vì vậy, với sự thực tập ái ngữ và lắng nghe, với sự bình an và nhẹ nhàng trong tự thân, ta sẽ trở nên dễ chịu hơn đối với người khác, vì vậy mà ta có thể giúp được cho người khác dễ dàng hơn.

Vợ hay chồng của ta cũng cần phải thực tập tương tự như vậy. Và cả hai sẽ trở thành đạo hữu của nhau. Cả hai vợ chồng cùng chia sẻ sự thực tập, và như vậy, không khí gia đình sẽ thay đổi, sẽ có nhiều bình an, nhiều niềm vui và những khổ đau cũng vơi đi rất nhiều. Và khi đã có một gia đình hòa thuận, êm ấm, ta có thể mang sự thực tập đến nơi làm việc của mình. Ta bắt đầu áp dụng sự thực tập với lớp học của mình, với các học trò của mình. Với sự thực tập, ta có thể làm cho lớp học trở thành một nơi hạnh phúc hơn.

Lớp học có thể trở thành gia đình thứ hai của các em học sinh. Bởi vì có nhiều trẻ em không được may mắn có một gia đình êm ấm, cha mẹ của các em thường xuyên bất hòa, họ đánh đập, cãi vã với nhau. Các em không có cơ hội để biết thế nào là tình thương yêu. Vì vậy, lớp học có thể đem lại cho các em cơ hội thứ hai và người giáo viên có thể đóng vai trò một người cha, người mẹ để dạy cho các em biết thế nào là thương yêu và mang lại cho các em niềm tin rằng tình thương là một điều có thật trong cuộc đời này.

Thầy nhớ trong khóa tu mùa hè vừa rồi ở Làng Mai, có một em nhỏ lên đặt câu hỏi trong buổi vấn đáp và em đã làm cho cả đại chúng rơi nước mắt. Em nói rằng cha mẹ của em đã ly dị nhau, họ đánh đập, cãi vả với nhau và làm cho nhau đau khổ. Nhiều khi họ còn đánh đập nhau trước mặt con cái. Và em đặt câu hỏi rằng: tình yêu là gì? con không biết thế nào là tình yêu. Tại sao cha mẹ của con lại đánh đập nhau ngay cả trước mặt chúng con? Nhiều người đã khóc khi nghe câu hỏi đó, rất là đau lòng. Vì vậy, Thầy nghĩ rằng chúng ta có thể mang lại cho những trẻ em như vậy một cơ hội thứ hai bằng cách biến lớp học thành một gia đình. Giáo sư Henri Kỷ Cương đã làm được như vậy. Sau khi thành công với lớp học của mình rồi, ta có thể áp dụng sự thực tập với các lớp khác trong trường, với Ban Giám hiệu, và như vậy chúng ta sẽ có thể nâng cao chất lượng dạy và học trong cả trường học.

 

Xem thêm:

– Nền tảng của một nền đạo đức toàn cầu (pháp thoại tại đại học Brock – phần I) >>

– Khóa tu dành cho giáo chức tại đại học Brock, Canada >>

– Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới >>

– Thiền trong lớp học >>

 

 

Nền tảng của một nền đạo đức toàn cầu

Kính thưa đại chúng,

Khi nghe một tiếng chuông, chúng ta hãy mời tất cả các tế bào trong cơ thể cùng lắng nghe với ta. Chúng ta biết rằng cha mẹ và ông bà tổ tiên của chúng ta cũng đang có mặt trong từng tế bào của cơ thể ta. Vì vậy khi nghe chuông, chúng ta nghe như thế nào để năng lượng của bình an, của chánh niệm có thể đi vào trong từng tế bào của cơ thể. Đó là sự thực tập lắng nghe sâu.

Nếu chúng ta đã quen với sự thực tập thì khi nghe chuông, chúng ta có thể dễ dàng dừng lại những nghĩ suy, nói năng của mình và để hết sự chú tâm vào hơi thở. Chúng ta thưởng thức hơi thở vào và tự nhủ: “lắng lòng nghe, lắng lòng nghe”, ý thức rằng mọi tế bào trong cơ thể đang lắng nghe tiếng chuông cùng với ta. Và ta để cho tiếng chuông cùng với năng lượng bình an thấm vào trong từng tế bào của cơ thể. Khi thở ra, chúng ta nhủ thầm “Tiếng chuông huyền diệu đưa về quê hương”. Quê hương đích thực của chúng ta là bây giờ và ở đây. Chỉ trong giây phút hiện tại này, sự sống mới có mặt. Và khi 1000 người cùng thở như vậy thì năng lượng bình an và chánh niệm sẽ hùng hậu vô cùng. Năng lượng đó rất nuôi dưỡng và trị liệu. Nếu có các em nhỏ ngồi cùng với ta thì các em sẽ cảm nhận ngay được năng lượng đó.

 

Thầy và trẻ em Hà Lan 2006

Sư Ông và trẻ em Hà Lan

Điều lợi lạc nhất mà chúng ta được hưởng từ một khóa tu chính là năng lượng chánh niệm tập thể này. Nguồn năng lượng chánh niệm, bình an và thương yêu đó có công năng trị liệu cho chúng ta. Khi chúng ta đi thiền hành cũng vậy. Nếu tất cả mọi người cùng chú tâm vào hơi thở và từng bước chân trong khi đi thiền hành thì chúng ta cũng sẽ chế tác được năng lượng tập thể rất hùng hậu, đó là năng lượng của bình an, chánh niệm và niềm vui.

Khi nói đến một nền đạo đức toàn cầu, chúng ta nói đến một sự thực tập tâm linh mà bất kỳ ai cũng có thể thực tập, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, quốc gia, văn hóa. Chúng ta không cần phải là một Phật tử mới có thể thực tập hơi thở chánh niệm. Hay nói  cách khác, chỉ cần ta thở có chánh niệm thì lập tức ta có được niềm vui, hạnh phúc và trị liệu. Trong đạo Bụt, chúng ta biết rằng đạo Bụt được làm từ những yếu tố không phải là đạo Bụt. Cũng giống như một bông hoa. Khi nhìn vào một bông hoa, ta thấy bông hoa được làm từ những yếu tố không phải là hoa. Nhìn vào bông hoa, ta có thể thấy được ánh nắng mặt trời. Ánh nắng mặt trời không phải là bông hoa nhưng nếu không có ánh mặt trời thì bông hoa không thể nào có mặt. Trong bông hoa đó, ta còn có thể thấy mây, thấy mưa. Mây và mưa không phải là hoa, nhưng nếu không có những yếu tố không phải là hoa này thì bông hoa không thể nào biểu hiện được.

Thiền có nghĩa là nhìn sâu, và khi nhìn sâu vào một đối tượng nào đó, chẳng hạn như một bông hoa, ta sẽ có được một cái thấy (insight) là bông hoa đó được làm bằng những yếu tố không phải là hoa, và nếu ta lấy những yếu tố không phải là hoa đó ra khỏi bông hoa thì bông hoa không thể nào tiếp tục tồn tại. Đạo Bụt cũng tương tự như vậy. Đạo Bụt được làm từ những yếu tố không phải là đạo Bụt. Và nếu ta có được tuệ giác đó thì sẽ không còn bất kỳ một chủ nghĩa nào, một học thuyết nào hay một tôn giáo nào có thể tạo ra sự chia rẽ, sợ hãi và hận thù được nữa. Vì vậy, có thể nói rằng một người không phải là Phật tử vẫn hoàn toàn có thể thực tập chánh niệm.

Sự thực tập chánh niệm – sự thực tập của một nền đạo đức toàn cầu (global ethics) – đem lại cho chúng ra rất nhiều lợi lạc, thể hiện ở nhiều khía cạnh:

Sự thực tập chánh niệm có thể giúp ta buông bỏ những căng thẳng trong thân

Điều này không chỉ người lớn mới có thể làm được mà trẻ con cũng có thể làm được. Ở Làng Mai, chúng tôi đã tổ chức nhiều khóa tu cho trẻ em, và chúng tôi thấy rằng các em thực tập rất giỏi. Trẻ em có khả năng an trú trong hiện tại còn giỏi hơn cả người lớn. Trong thân của chúng ta có rất nhiều căng thẳng và chúng ta đã để cho những căng thẳng này tích tụ trong một thời gian dài, đây chính là yếu tố căn bản làm phát sinh các loại bệnh tật. Vì vậy, sự thực tập hơi thở chánh niệm có khả năng giúp chúng ta buông bỏ những căng thẳng trong thân, và chúng ta có thể thực tập khi đang ngồi trên xe bus hay trong lớp học hoặc ở sân bay.

Thực tập hơi thở chánh niệm có thể giúp ta buông bỏ căng thẳng và khi căng thẳng không còn thì những đau nhức trong cơ thể chúng ta cũng giảm bớt rất nhiều. Sở dĩ chúng ta hay đau nhức là vì có sự căng thẳng trong thân, vì vậy nếu buông bỏ được căng thẳng thì ta cũng đồng thời làm giảm những đau nhức trong thân. Dù trong bất kỳ tư thế nào, khi đứng, khi ngồi, khi nằm hay khi đi, ta vẫn có thể thực tập buông thư cơ thể.

Khi ngồi thiền, ta có thể thực tập buông hết những căng thẳng trên khuôn mặt, trên hai bờ vai và ta chỉ ngồi yên để thưởng thức hơi thở vào và hơi thở ra. Ta không vật lộn, đè nén  trong khi ngồi thiền, ta để cơ thể hoàn toàn buông thư, buông thả hết những căng thẳng trong thân. Có khoảng 300 cơ trên khuôn mặt của chúng ta, vì vậy mà khi ta căng thẳng thì khuôn mặt của ta sẽ không đẹp chút nào. Nhưng nếu ta biết thở, biết cười thì tất cả những căng thẳng trong 300 cơ  mặt sẽ tan biến rất nhanh. Ai trong chúng ta cũng có thể học được cách buông thư những căng thẳng trong thân dù là khi đang ngồi hay nằm hay đang đi. Chúng ta có thể thực tập bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.

Sự thực tập chánh niệm giúp ta chế tác niềm vui, niềm hạnh phúc

Một người thực tập giỏi là người có thể chế tác niềm vui (hỷ), niềm hạnh phúc (lạc) bất cứ khi nào người đó muốn. Đây là điều tương đối đơn giản mà ai cũng có thể làm được. Chúng ta biết rằng khi ta thở vào và đặt sự chú tâm vào hơi thở vào, ta sẽ đưa tâm trở về với thân, và khi thân tâm hợp nhất, ta mới có thể thực sự có mặt trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Chỉ trong trạng thái thân tâm nhất như ta mới thực sự sống, thực sự có mặt, và ta có cơ hội tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống trong ta và xung quanh ta. Khi đó, ta sẽ nhận ra những điều kiện hạnh phúc đang có sẵn đó cho ta, ta có biết bao nhiêu điều để hạnh phúc.

Chánh niệm cho ta thấy rằng ta đang rất may mắn, may mắn hơn rất nhiều người. Chẳng hạn như khi ta thở vào và chú tâm vào đôi mắt: “Thở vào, tôi ý thức về đôi mắt của tôi”, đó gọi là chánh niệm về mắt. Năng lượng chánh niệm mang lại cho ta một cái thấy ngay lập tức: “Ồ, hai mắt mình vẫn còn sáng”, và vì hai mắt ta vẫn còn sáng nên ta có thể tận hưởng một thiên đường của hình ảnh và màu sắc. Ta chỉ cần mở mắt ra thôi là có cả một thiên đường. Trong khi đó, đối với những người bị mất thị giác thì thiên đường đó không còn dành cho họ, vì vậy mơ ước lớn nhất của họ là có lại được một đôi mắt sáng như xưa. Vì vậy, khi tiếp xúc với hai mắt còn sáng, ta tiếp xúc được với một trong những điều kiện hạnh phúc mà chúng ta đang có trong giây phút hiện tại.

 

 

Còn có cả hàng ngàn những điều kiện tương tự như vậy trong cơ thể chúng ta. Khi ta thở vào và tiếp xúc với trái tim, “thở vào, tôi ý thức về trái tim tôi”, ta khám phá ra trái tim ta vẫn đang hoạt động một cách bình thường. Thật là hạnh phúc khi có một trái tim hoạt động bình thường, bởi vì có nhiều người bị đau tim, họ đêm ngày chỉ mong ước cho trái tim của họ hoạt động trở lại bình thường. Họ mơ ước có một trái tim khỏe mạnh như trái tim của chúng ta. Vì vậy, có một trái tim hoạt động bình thường là một điều kiện hạnh phúc nữa mà ta đang có.

Khi thực tập quán niệm thân thể, quán thân trong thân, ta trở về tiếp xúc với toàn bộ cơ thể, khi đó, ta khám phá ra rằng có quá nhiều những điều kiện hạnh phúc đang có mặt trong ta và xung quanh ta. Ta có bao nhiêu điều để mà vui mừng, để mà hạnh phúc liền ngay bây giờ và ở đây. Ta không cần phải chạy về tương lai để tìm kiếm thêm những điều kiện hạnh phúc, bởi vì ta đã có quá đủ, nếu không muốn nói là dư thừa, những điều kiện để có thể hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Do đó, với ý thức sáng tỏ đó, một người thực tập giỏi có thể  làm phát khởi một cảm thọ vui mừng (hỷ), một niềm hạnh phúc (lạc) bất cứ khi nào người đó muốn. Chỉ cần dùng chánh niệm để tiếp xúc với những điều kiện hạnh phúc đang có sẵn trong mình và xung quanh mình thì mình sẽ có hỷ, có lạc liền lập tức.

Khi thực tập chánh niệm – nền tảng của đạo đức toàn cầu (global ethics), chúng ta cần phải học cách buông bỏ những căng thẳng trong thân thể, làm lắng dịu những đau nhức trong thân và chế tác hỷ, lạc. Người Pháp có một bài hát khá nổi tiếng, đó là bài “Qu’est qu’on attend pour être heureux?”, nghĩa là: chúng ta còn cần thêm gì nữa, còn chờ đợi gì nữa mà không hạnh phúc liền giây phút này?

Sự thực tập chánh niệm còn giúp chúng ta chăm sóc một niềm đau, nỗi khổ

Khi một cảm thọ đau buồn phát khởi, một người thực tập chánh niệm sẽ biết phải làm gì để chăm sóc cảm thọ đó. Một người thực tập giỏi là người có khả năng xử lý, điều phục một cảm xúc mạnh hay một niềm đau khi chúng phát khởi. Chỉ cần thực tập trong vòng vài phút là người đó cảm thấy nhẹ nhàng liền. Nếu tiếp tục thực tập sâu hơn nữa, người đó sẽ có khả năng chuyển hóa cảm thọ đau buồn đó thành một niềm vui, niềm hạnh phúc. Vì vậy có thể nói, một hành giả giỏi là người biết xử lý khổ đau, người đó không sợ khổ đau. Với năng lượng chánh niệm, người đó biết nhận diện, ôm ấp và làm lắng dịu niềm đau, nỗi khổ trong lòng mình. Người đó còn có thể đi xa hơn nữa, đó là chuyển hóa khổ đau trở thành hỷ lạc.

Có một mối liên hệ mật thiết giữa khổ đau và hạnh phúc. Nhiều người trong chúng ta có thói quen trốn chạy khổ đau, chúng ta không hề biết rằng khổ đau cũng có thể rất hữu ích. Nó cũng tương tự như muốn trồng được sen thì cần phải có bùn vậy. Hoa sen không thể nào mọc lên từ cẩm thạch được. Không có bùn thì cũng không có sen. Tương tự như vậy, không có khổ đau thì cũng không có hạnh phúc. Một hành giả giỏi là người biết cách tận dụng khổ đau để làm nên hạnh phúc. Chúng ta có thể nói về lợi ích, về sự cần thiết của khổ đau. Nếu chúng ta biết cách ôm ấp khổ đau với tất cả sự dịu dàng và nhìn sâu vào khổ đau đó, chúng ta sẽ có khả năng chế tác được năng lượng hiểu biết và từ bi – nền tảng của hạnh phúc chân thực. Không thể nào có hạnh phúc thực sự nếu không có hiểu biết và thương yêu. Nếu không có hiểu biết và thương yêu, chúng ta sẽ cô độc, ta không thể nào liên hệ được với bất kỳ ai. Vì vậy chúng ta cần phải biết rằng nền tảng của hạnh phúc chân thực chính là hiểu biết và thương yêu.

Cái hiểu trước hết phải là cái hiểu về khổ đau, khổ đau của chính mình và khổ đau của những người khác. Đối với Thầy, nước Chúa (Kingdom of God) hay cõi Tịnh Độ không phải là một nơi hoàn toàn không có khổ đau. Nếu không có khổ đau thì cũng không có hạnh phúc. Trong đạo Bụt, chúng ta hay nói về tính tương tức của vạn vật. Anh không thể nào có thể tồn tại một cái biệt lập được, anh phải tương tức với mọi người và mọi loài. Chẳng hạn như tờ giấy này, ta thấy có bên phải, bên trái. Nhưng bên trái không thể nào có mặt nếu không có bên phải. Bên trái dựa vào bên phải để biểu hiện. Ta không thể nào lấy bên trái ra khỏi bên phải được. Điều này cũng tương tự như vậy đối với bên phải. Anh không thể nào cử một người đến lấy bên phải mang về Boston và một người khác mang bên trái đi về New York được. Bên phải và bên trái luôn đi đôi với nhau, chúng cần có nhau. Hạnh phúc và khổ đau cũng tương tự như vậy.

Nếu chúng ta gửi con cái của mình đến một nơi không hề có khổ đau thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chắc chắn là chúng sẽ không có cơ hội để hiểu thế nào là từ bi, là thương yêu. Chỉ khi nào tiếp xúc với khổ đau và hiểu về khổ đau thì chúng ta mới có thể làm phát khởi tình thương và lòng từ bi. Chỉ khi nào có bùn thì sen mới có thể mọc được. Vì vậy, ta cần phải thấy được mối liên hệ mật thiết giữa bên trái và bên phải, hạnh phúc và khổ đau, bên trong và bên ngoài, thân và tâm. Chúng ta cần phải học cách buông bỏ cái nhìn nhị nguyên, phân biệt. Một hành giả giỏi là người không chỉ biết cách xử lý khổ đau mà còn biết cách tận dụng khổ đau đó để chế tác chất liệu từ bi, hiểu biết và hạnh phúc.

Nhiều người trong chúng ta có thái độ trốn chạy khỏi khổ đau, đó là một thái độ không khôn ngoan. Sự thật là chúng ta cần phải trở về với chính mình để nhận diện khổ đau nơi mình, lắng nghe, ôm ấp niềm đau và chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều từ khổ đau đó. Nhìn sâu vào khổ đau của chính mình sẽ giúp chúng ta hiểu và thương được chính mình. Chất liệu hiểu biết và thương yêu đó sẽ giúp cho chúng ta chuyển hóa và giúp cho nhiều người khác cũng được chuyển hóa. Đó là lý do vì sao chúng ta nói về lợi ích của khổ đau.

Một hành giả giỏi là người biết lắng nghe. Vì biết lắng nghe chính mình, lắng nghe khổ đau của chính mình nên người đó có khả năng lắng nghe khổ đau của người khác. Có thể vợ hay chồng, hay con cái của mình có một nỗi khổ, niềm đau. Nếu mình hiểu được khổ đau của chính mình thì mình sẽ dễ dàng nhận diện và hiểu được khổ đau nơi những người thương của mình. Ta có thể nhận ra sự có mặt của khổ đau và thấy rằng người đó đang là nạn nhân của khổ đau trong tự thân. Và vì từ trước đến giờ, chưa từng có ai chỉ cho người đó phải làm gì với nỗi khổ, niềm đau trong lòng mình, cho nên người đó tự làm khổ chính mình và làm khổ luôn cả những người mình thương. Có thể ta là người đầu tiên có khả năng giúp cho người đó vơi bớt khổ đau. Với cái thấy đó, ta sẽ không còn giận người đó nữa, trái lại ta muốn làm hoặc nói một điều gì đó để giúp cho người đó bớt khổ. Vì đã biết lắng nghe và hiểu được khổ đau nơi chính mình nên ta có thể dễ dàng hiểu và cảm thông được cho người đó . Bây giờ chính là lúc chúng ta lắng nghe để hiểu khổ đau nơi người đó và giúp cho người đó bớt khổ.

Một hành giả giỏi còn có thể đi xa hơn. Người đó có khả năng lắng nghe với tâm từ bi và có thể sử dụng ngôn ngữ từ ái để giúp cho người đang có nhiều khổ đau có thể mở lòng ra để chia sẻ. Khi một người có quá nhiều khổ đau thì trái tim của họ cũng dường như đóng lại. Vì vậy nếu ta có đủ thương yêu và biết sử dụng ngôn ngữ từ ái thì ta có thể mở cửa được trái tim của người đó và giúp cho người đó trút hết nỗi lòng của mình, nhờ vậy mà họ bớt khổ. “Cha ơi, con biết là cha đã chịu rất nhiều khổ đau trong bao nhiêu năm qua. Con đã không giúp gì được cho cha, mà nhiều khi còn phản ứng lại và làm cho cha buồn khổ thêm. Con xin lỗi cha. Chỉ vì con không hiểu được những nỗi khổ, những khó khăn mà cha phải gánh chịu…Cha hãy giúp con, hãy nói cho con biết về những khó khăn, tuyệt vọng, những niềm đau trong lòng cha…con muốn hiểu cha hơn để con không lập lại những cách hành xử trước đây của mình. Nếu cha không giúp con thì còn ai có thể giúp con?”

Khi trong trái tim ta có đủ tình thương thì ta có thể nói bằng ngôn ngữ như vậy, một loại ngôn ngữ có khả năng mở cửa trái tim của người khác và giúp cho người đó trút hết nỗi lòng của mình. Và khi người đó đã mở lòng chia sẻ thì khi đó ta có cơ hội thực tập lắng nghe với tâm từ bi, hay còn gọi là bi thính. Bi thính là sự thực tập lắng nghe sâu, có khả năng làm cho người khác bớt khổ liền chỉ trong vòng một giờ lắng nghe hoặc có thể ngắn hơn. Trong mỗi người chúng ta đều có một vị Bồ tát Lắng nghe, chúng ta phải giúp cho vị Bồ tát đó sống dậy để chúng ta có thể lắng nghe sâu và làm vơi nhẹ khổ đau trong lòng người. Chỉ cần  lắng nghe với tâm từ bi thôi là ta đã giúp được rất nhiều rồi.

Lắng nghe với tâm từ bi có nghĩa là ta giữ cho chất liệu từ bi luôn có mặt trong trái tim ta trong suốt thời gian lắng nghe. Ta duy trì hơi thở chánh niệm và luôn tự nhắc nhở: mình lắng nghe đây là để cho người kia có dịp nói ra hết những khổ đau trong lòng, nhờ vậy mà họ bớt khổ. Chỉ cần nhớ như vậy thôi! Và nếu ta giữ được ý thức đó thì ta sẽ được bảo hộ bởi năng lượng từ bi, và những gì người kia nói ra sẽ không thể làm cho ta bực bội hay giận hờn vì ta đã được bảo hộ bởi năng lượng từ bi. Nếu ta không thực tập chánh niệm và không có từ bi trong trái tim thì chúng ta sẽ không được bảo vệ và những gì người đó nói ra có thể chứa đầy cay đắng, trách móc và buộc tội, những điều đó có thể làm phát khởi tâm hành buồn giận và bực bội trong ta, ta sẽ không còn có thể tiếp tục lắng nghe được nữa. Và đó là lý do vì sao sự thực tập hơi thở ý thức và duy trì năng lượng từ bi có thể giúp ta trở thành một người thực sự có khả năng lắng nghe.

Và nếu ta có thể lắng nghe với tâm từ bi trong một giờ đồng hồ thôi, ta cũng đã giúp làm vơi nhẹ rất nhiều khổ đau nơi người khác rồi. Ta có thể tự nhủ rằng: người đó đang là nạn nhân của những tri giác sai lầm, nhưng ta sẽ không ngắt lời người đó, không giải thích gì thêm vào lúc này. Nếu làm như vậy thì ta sẽ biến buổi lắng nghe này thành một cuộc tranh cãi và như vậy thì sẽ phá hỏng hết mọi chuyện. Vì vậy ta chỉ lắng nghe thôi và để cho người đó có dịp trút hết nỗi lòng của mình. Khoảng 3-5 ngày sau, ta sẽ tìm cách chia sẻ với người đó những thông tin có thể giúp người đó điều chỉnh lại những tri giác sai lầm của mình, nhưng không phải là bây giờ. Đó là chánh niệm về từ bi. Và nếu ta giữ được sự thực tập chánh niệm về từ bi trong suốt thời gian lắng nghe thì ta có thể giúp được cho người đó, ta sẽ làm cho người đó bớt khổ liền. Khi đó ta đóng vai trò của Bồ tát Lắng nghe Quan Thế Âm, ta chính là một vị Bồ tát. Chỉ cần thực tập trong vòng bốn hoặc năm ngày là đủ để cho ta có thể làm một vị Bồ tát Lắng nghe.

Phép lạ của sự hòa giải

Trong những năm qua, Tăng thân Làng Mai đã tổ chức rất nhiều khóa tu chánh niệm ở  châu Âu, châu Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới. Trong các khóa tu này luôn có những phép lạ xảy ra, phép lạ của sự hòa giải.

Trong bốn ngày đầu tiên của khóa tu, chúng ta để cho những hạt giống tốt trong ta được tưới tẩm, những hạt giống hiểu biết, thương yêu.v.v.. Chúng ta học cách lắng nghe những khổ đau trong lòng mình, học cách chăm sóc những khổ đau đó và sau bốn ngày thực tập, những khổ đau trong ta đã vơi bớt rất nhiều. Chúng ta còn được học cách nói lời ái ngữ và lắng nghe sâu với tâm từ bi.

Và đến ngày thứ năm, chúng ta được khuyến khích áp dụng pháp môn lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ để hòa giải với những người thương của mình. Có thể người mà mình muốn hòa giải cũng đang có mặt trong khóa tu và cũng đã biết về sự thực tập, vì vậy mà việc hòa giải sẽ dễ dàng hơn. Nhưng nếu người đó đang ở nhà thì ta có thể sử dụng điện thoại di động để thực tập hòa giải. Điều này thường xảy ra vào ngày thứ năm của khóa tu. Và rất nhiều người báo cáo lại với chúng tôi rằng họ đã thực tập thành công vào ngày thứ năm của khóa tu.

Chúng tôi thường thông báo với các bạn thiền sinh rằng: các bạn có thời gian từ bây giờ cho đến hết ngày hôm nay để thực tập pháp môn lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ để hòa giải và khôi phục truyền thông với những người thương của mình. Và rất nhiều người đã sử dụng điện thoại di động để hòa giải với cha, mẹ, con cái của mình bằng sự thực tập lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ. Đó là phép lạ của sự hòa giải luôn xảy ra trong các khóa tu.

Thầy chắc rằng nếu các bậc phụ huynh và các nhà giáo đều áp dụng sự thực tập này thì sẽ có thể biến gia đình và trường học trở thành những nơi rất dễ chịu, nơi nuôi lớn thương yêu và hạnh phúc. Có thể nói một nền đạo đức toàn cầu cần phải được xây dựng trên nền tảng các thực tập căn bản như: làm thế nào để lắng dịu những căng thẳng, đau nhức trong thân, giúp ngăn ngừa nhiều loại bệnh tật do stress gây ra; làm thế nào để chế tác niềm vui và hạnh phúc cho bản thân và cho những người thân yêu của mình; làm thế nào để xử lý một cảm xúc mạnh, một niềm đau; phải lắng nghe và nói năng như thế nào để có thể nối lại truyền thông và mang lại sự hòa giải. Và tất nhiên là các bạn không cần phải là một Phật tử mới có thể làm được những điều này. Các bạn hoàn toàn có thể mang những phương pháp thực tập này vào trường học và làm cho việc dạy và học trở nên dễ chịu và vui tươi.

 

Xem thêm:

– Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới >>

– Khóa tu dành cho giáo chức tại đại học Brock, Canada >>

– Thiền trong lớp học >>

Pháp thoại của Sư Ông dành cho giáo chức

Nền tảng của một nền đạo đức toàn cầu
Pháp thoại ngày 12 tháng 8 năm 2013 trong khóa tu “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới” (“Happy teachers will change the world”) tại Đại học Brock (Toronto, Canada) – phần I.
Đem chánh niệm vào trường học
Pháp thoại ngày 12 tháng 8 năm 2013 trong khóa tu “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới” (“Happy teachers will change the world”) tại Đại học Brock (Toronto, Canada) – phần II.
Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới
Pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 27.10.2014 trong khóa tu chánh niệm dành cho thầy cô giáo và các nhà giáo dục được tổ chức tại Làng Mai từ ngày 25/10 – 1/11/2014 (được chuyển ngữ từ tiếng Pháp)

Tâm Bình An Trái Tim mở rộng

 

Singapore là chặng đầu trong chương trình hoằng pháp Mùa Thu Đông Nam Á 2010 của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tăng đoàn Quốc tế Làng Mai qua 5 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái lan, và Hongkong. Bắt đầu từ 5 tháng 9 đến 15 tháng 11 năm 2010.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (còn được thiền sinh gốc Việt thương gọi là “Sư ông Làng Mai”, hay đơn giản một tiếng “Thầy” theo cách gọi của thiền sinh có gốc khác) và Tăng đoàn Quốc tế Làng Mai tại các nước: Pháp, Đức, Hoa kỳ, và khoảng 20 vị xuất sĩ đang hoằng pháp trong vùng Đông Nam Á (Hongkong, Thái lan, và Việt Nam) đã cùng đáp tới Singapore ngày 5.9.2010.

dna1

Thượng tọa Trụ trì Kong Meng San Phor Kark See Monastery
tiếp đón Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tăng đoàn Làng Mai

“Tâm bình an, trái tim mở rộng”

Chuyến hoằng pháp tại Singapore được tổ chức bởi Kong Meng San Phor Kark See Monastery (Thiền viện Quang Minh Sơn Phổ Giác). Được thành lập từ năm 1921, Thiền viện là trung tâm Phật giáo chính và lớn nhất của Singapore, và là cơ sở Đại học Phật giáo của đảo quốc này (Buddhist College of Singapore). Tháng 3 năm 2009, các thầy Pháp Đăng, Pháp Khâm, và các sư cô Bối Nghiêm, Khôi Nghiêm (người Singapore) đã tổ chức một khoá tu 3 ngày và một buổi pháp thoại công cộng tại đây.
Sau hai ngày nghỉ ngơi thăm viếng, giao lưu cùng Phật tử địa phương v.v… Ngày 8.9.2010 Thượng tọa Trụ trì Kong Meng San Phor Kark See Monastery (Thiền viện Quang Minh Sơn Phổ Giác), Tăng chúng, và khoảng 700 thiền sinh Singapore đã đón tiếp Thiền Sư và Tăng Đoàn vào thiền đường No Form Hall (Vô Tướng) để khai mạc khóa tu 5 ngày “Open Mind, Peaceful Heart” (Tâm bình an, trái tim mở rộng), bắt đầu từ ngày 8 đến 12.9.2010.
Tuy không nhỏ, nhưng Kong Meng San Phor Kark See Monastery đã không đủ chỗ cho 700 thiền sinh nội trú toàn khóa tu, nên một nửa trong số đó phải chấp nhận tu học bán trú, sáng đi chiều về.
Singapore là một nước có đời sống vật chất và dân trí cao, có nhiều tiện nghi. Để có được cuộc sống đó, người dân Singapore phải làm việc nhiều, nhịp độ sống nhanh và khá căng thẳng. Nhiều người nói đi vào khoá tu chỉ để được nghỉ ngơi và sống chậm lại, để tạo lại cân bằng trong cuộc sống. Tiếp xúc với những pháp môn thiền hành, ăn cơm im lặng, thiền buông thư,  ái ngữ và lắng nghe, làm mới … Tăng đoàn Làng Mai đã cung cấp cho họ những phương pháp cụ thể để áp dụng vào đời sống hàng ngày với tốc độ quá nhanh tại đây.  Sự có mặt của tăng thân xuất sĩ giúp cho họ có niềm tin vào con đường tu học.

 

dna3

dna2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Singapore rất thiếu các vị xuất sĩ. Chỉ có một số ít là người Singapore, đa số các thầy sư cô ở đây đến từ Trung hoa, Mã Lai và Sri Lanka. Tăng thân Làng Mai có sư cô Chân Khôi Nghiêm là người Singapore. Sau khi tốt nghiệp trung học, sư cô đi du học tại Mỹ. Tốt nghiệp đại học, sư cô về Làng Mai tu học và xuất gia năm 2006, khi được 25 tuổi. Sư Cô đã cùng quý thầy Pháp Ấn, Pháp Khâm, và các sư cô Linh Nghiêm, Đàn Nghiêm tổ chức khóa tu 4 ngày và một buổi pháp thoại công cộng tại Poh Ern Shih Temple (Chùa Báo Ân) hồi tháng 5 năm nay.

Tăng thân Quốc tế Làng Mai Singapore chào đời

Ngày 11.9.2010, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có một thời pháp thoại công cộng cho khoảng 4000 người. Thiền đường Vô Tướng chỉ chứa được một nửa, 2000 người còn lại phải xem qua video tại các phòng lớn khác. Trong bài pháp thoại Thiền Sư đã nhấn mạnh  về Tịnh Độ hiện tiền, tiếp xúc với Bụt A Di Đà, Tây phương cực lạc ngay trong  giây phút hiện tại. Thiền Sư cũng chia sẻ về Tăng thân 4 chúng, trong đó chúng cư sĩ cùng tu tập và hoằng pháp với chúng xuất sĩ. Các câu thần chú để thiết lập thương yêu và hiểu biết như “Con ơi, ba mẹ đang có mặt cho con” cũng được Thiền Sư chia sẻ để nuôi dưỡng hạnh phúc trong gia đình.

dna4

Chỉ có một nửa trong số 4000 người được nghe nhìn Thiền Sư thuyết giảng trực tiếp trong thiền đường này,
số còn lại phải nghe qua âm thanh và màn hình ở những phòng lớn khác của thiền viện (LM).

Có khoảng 250 vị nhận 5 giới trong khoá tu. Khi đã nhận giới thì phải hành trì và ôn tập thường xuyên. Các thiền sinh thường hỏi phải làm gì để có thể duy trì năng lượng tu học sau khoá tu?  Các thầy sư cô đã hướng dẫn cách thành lập Tăng thân địa phương để cùng nhau tu học.

dna5

Giới điệp trên tay,… những tân Phật tử này có thể là những hạt giống tốt
để trở thành chúng Chủ trì tương lai của Tăng thân Quốc tế Làng Mai tại Singapore (LM).

Ngày thứ bảy 18.09, một nhóm thiền sinh hẹn gặp nhau tại vườn Bách thảo Singapore để đi thiền hành. Các chương trình xây dựng chúng chủ trì (core Sangha members) và sinh hoạt đều đặn hàng tháng cũng được bàn đến. Hạt giống tu học và xây dựng Tăng thân tại Singapore đã được gieo và điều kiện cho hạt giống được nẩy mầm và lớn mạnh cũng đã được khởi đầu, chúc cho người dân Singapore có nhiều lợi lạc từ những thực tập đó.

dna6

Không đến không đi… Vòng thân ái trước khi Tăng Đoàn rời Singapore lên đường đi Kuala Lumpur (LM)
7 ngày hoằng pháp với chủ đề “Tâm bình an, trái tim mở rộng” cho người dân Singapore kết thúc vào cuối ngày 12.9.2010, cũng là lúc Thiền Sư và Tăng đoàn Làng Mai lên đường tới Malaysia với 1 chương trình đan kín suốt 2 tuần lễ từ 13 đến 27 tháng 9 năm 2010. Tại Vương quốc Hồi giáo này Thiền Sư và Tăng Đoàn sẽ tham dự Hội nghị Phật giáo Thế giới (World  Buddhist Conference) tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur

 

Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Singapore thỉnh mời Sư Ông Làng Mai

 

dna1

 

Chuyến hoằng pháp của Sư Ông và tăng thân Làng Mai tại Singapore được thực hiện bởi lời thỉnh mời của Hòa Thượng chùa Quang Minh Sơn và ngài Bộ Trưởng Bộ Y Tế  Singapore, ông Khaw Boon Wan. Đoàn chỉ lưu lại ở Singapore có 7 ngày, trong đó 5 ngày dành cho khóa tu, nhưng đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân nơi đây.

Kết thúc khóa tu, Ngài Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Singapore, ông Ng Eng Hen, tới tìm gặp Hòa Thượng chùa Quang Minh Sơn và nhờ Hòa Thượng thỉnh ý Sư Ông rằng Bộ Giáo Dục muốn mời Sư Ông trở lại Singapore vào năm 2011 để hợp tác đưa chương trình tu tập chánh niệm vào học đường. Nhưng vì trong năm 2011, Sư Ông đã có lịch cho các chuyến hoằng pháp tại các nước khác nên khó có thể tới Singapore trong năm 2011 được. Nghe vậy, Ngài Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục ngỏ ý sẽ mời Sư Ông trở lại Singapore vào năm 2012, nếu sức khỏe và thời gian của Sư Ông cho phép.

(Mai Linh ghi lại)

Niềm tự hào của một bà Mẹ

 

dna

Trong khóa tu tổ chức tại trung tâm Kinasih gần thủ đô Jakarta, có nhiều thành viên người Hồi giáo. Con số không biết đích xác là bao nhiêu, nhưng có thể lên tới một phần mười của tổng số những thiền sinh tham dự khóa tu. Tổng số thiền sinh tham dự khóa tu là 900 người. Có hàng chục nhóm pháp đàm, và có một nhóm dành cho những thiền sinh gốc Hồi giáo. Nhòm này chỉ có 24 người, nhưng ban tổ chức biết rằng số người gốc Hồi giáo tham dự đông hơn thế, bởi vì nhiều vị tránh không muốn cho người khác biết mình là người Hồi giáo.

Ở Nam Dương, người Hồi giáo không bị cấm tham dự vào những sinh hoạt tông giáo khác như ở Malaysia, nhưng các bạn Hồi giáo vẫn dè dặt ít ai muốn chính thức cho biết mình là gốc Hồi giáo bởi vì họ ngại bị giới đồng đạo nhìn họ bằng con mắt nghi ngờ. Trong số những người trẻ tham dự chính thức trong nhóm pháp đàm dành cho người Hồi giáo cũng có vài vị cho đại chúng biết rằng các vị ấy đến tham dự khóa tu mà không dám cho bố mẹ biết, bởi vì bố mẹ nào cũng sợ con mình bỏ đạo mình mà theo đạo khác. Trước buổi pháp thoại cuối của khóa tu, các bạn Hồi giáo đã được mời lên phát biểu về cảm tưởng cũng như về thành quả tu học của mình cho đại chúng biết.  Sư cô Diệu Nghiêm và thầy Pháp Duệ là hai vị được đại chúng chỉ định hướng dẫn nhóm pháp đàm này.

dna7

Có một cô gái người Hồi giáo sau khi nghe bài pháp thoại sáng ngày 2.10.2010 đã viết thơ cho thầy kể về những nỗi khổ niềm đau của cô.  Chắc hẳn là cô đã có nhiều khó khăn với bố mẹ trong quá khứ và đã cảm thấy quá xa cách với bố mẹ, nhưng cuối khóa tu cô đã tiếp xúc được với bố mẹ trong cơ thể của chính mình và đã khôi phục lại được tình thương giữa mình và bố mẹ.  Cô nói rằng: nhờ thầy dạy mà cô hiểu ra rằng nếu trong mấy mươi năm qua cô mang nặng khổ đau vì cô đã không hiểu và không thấy được những khổ đau mà bố mẹ cô đã gánh chịu trong suốt đời của họ.  Cô rất muốn về nói với bố mẹ những lời mà lâu nay không nói được, đó là Bố mẹ ơi, con khổ và con muốn bố mẹ biết như thế, và xin bố mẹ giúp cho con. Cô nói nếu cô đã khổ đau trong ba mươi năm thì bố cô cũng khổ đau trong tám mươi năm. Cô biết bố cô bị kẹt trong những nỗi khổ niềm đau của ông ấy mà không có khả năng thoát ra được.  Nhưng  nhờ cô tiếp xúc được với chánh pháp nên cô có thể làm khác hơn bố.  Nhờ Thầy mà cô mở lòng ra được. Và cô có thể thương bố, thương mẹ và giúp cho bố mẹ bớt khổ.

Sáng hôm ấy, sau buổi thiền hành, cô đã tham dự thực tập những động tác chánh niệm ngoài trời với đại chúng.  Người hướng dẫn thực tập là một vị giáo thọ từ Hoa Kỳ tới.  Vào cuối giờ thực tập, cô gặp một người phụ nữ.  Bà ta chỉ vào vị thầy đang hướng dẫn đại chúng thực tập và nói với cô:  Cô biết không, thầy ấy là con trai của tôi đó. Câu nói biểu lộ sự tự hào của một bà mẹ. Cô thấy đây là một bà mẹ rất hạnh phúc, một bà mẹ có niềm tự hào đối với con trai của mình.  Và bỗng nhiên cô ao ước cũng có một bà mẹ như thế. Và cô tự hứa mình sẽ làm một cái gì đó để cho mẹ cô cũng sẽ tự hào về cô như bà mẹ kia đã tự hào về con trai của mình.

Tôi không biết cô đã quyết định sẽ làm gì để mẹ cô có thể sẽ tự hào về cô, nhưng tôi nghĩ có thể ý tưởng xuất gia đã chớm nở trong lòng cô.  Tới cuối khóa tu, cô tiếp xúc được với tăng thân Làng Mai, một tăng thân rất đẹp.  Các vị trong tăng thân cư xử với nhau như anh em trong một nhà, và cách thức họ làm việc và hành xử với nhau chứng tỏ là họ có nhiều hạnh phúc. Tình huynh đệ là cái hạnh phúc của họ và lần đầu tiên cô thấy được chân tướng và bóng dáng của hạnh phúc chân thật.  Và cô đã mở vòng tay ra để ôm lấy bố mẹ và thấy rõ ràng là hạnh phúc đang đứng trước mặt cô.

Tăng thân hạnh phúc vì mọi người trong tăng thân đứng bên nhau như một rừng cây, không ngọn gió nào có thể làm lay chuyển và bật gốc được.  Cô biết cô đã tìm ra con đường.  Cô kể với thầy là cô đi dự khóa tu này mà không dám cho mẹ cô biết.  “Mẹ con đã đi qua bao nhiêu khó khăn cực nhọc để nuôi con lớn lên trong truyền thống Hồi giáo,” và chắc chắn mẹ cô sẽ lo buồn nếu biết cô đi tham dự một khóa tu thiền.  Nhưng cô có niềm tin là nếu cô đạt tới hạnh phúc thì cô sẽ biết cách giúp cho mẹ cô có hạnh phúc, dù phía trước còn có bao nhiêu chướng ngại. Cô kết thúc lá thư viết cho thầy bằng câu: “Từ nay trở đi, con sẽ biết chọn lựa để hành động cho đúng, và con chắc chắn sẽ làm hay hơn.  Làm như thế cho bố, cho mẹ, cho các em và cho tương lai. Con xin cảm ơn thầy”.  Cô đã tìm ra được sự thật. Khi hạnh phúc đã là chân thật thì hạnh phúc của mình cũng là hạnh phúc của bố mẹ.

Nếu mẹ của cô biết được đường hướng của tăng thân Làng Mai thì chắc chắn bà sẽ không còn lo ngại cho cô.  Bởi vì chủ ý của Làng Mai không phải là khuyên người ta bỏ đạo gốc của mình để theo đạo Bụt. Làng Mai luôn luôn khuyên mọi người nên giữ đạo gốc, thực tập theo Pháp môn Làng Mai chỉ là để giúp cho mình vượt thắng và chuyển hóa khổ đau, và cũng là để giúp cho mình cắm rễ sâu hơn vào đạo gốc của chính mình.

(chuyển ngữ từ lá thư của Parakan)

Hình ảnh Sư Ông và phái đoàn tại Phi Trường Thái

 

Ngày 11.10.2010 Sư Ông và phái đoàn Làng Mai đã tới Thái Lan trong sự đón tiếp nồng hậu của chư tôn đức, quý vị xuất sĩ và cư sĩ bản địa.

su ong vua xuong may bay-small

Sư Ông vừa xuống máy bay

cac chau thieu nhi thai lan dung don phai doan va chuan bi dang hoa-small 1

Các cháu thiếu nhi Thái Lan đón phái đoàn

 

hop bao tai phi truong 2-small

họp báo tại phi trường

 

hop bao tai phi truong 5-small 8

họp báo tại phi trường

 

hop bao tai phi truong 3-small 4

trong buổi họp báo

 

pho vien truong vien dai hoc maha chualalongkorn thai lan trong buoi hop bao don su ong va phai doan tai phi truong-small 11

Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Maha Chualalongkorn, Thai Lan

trong buổi họp báo đón Sư Ông và phái đoàn tại phi trường

 

su ong roi khoi phi truong-small

Sư Ông rời khỏi phi trường

Nụ cười đoàn tụ

 

(Nhật Ký Của Sư Út Đôn Nghiêm)

Pak Chong, ngày 11 tháng 10 năm 2010, ngày Sư Ông tới Pak Chong và cũng là ngày sinh nhật thứ 85 của Sư Ông.

Ngày hôm nay, con được cùng các sư chị sư em Út đi phi trường Bangkok đón Sư Ông. Nhóm của con gồm có sư cô Linh Nghiêm, sư chị Cẩm Nghiêm, sư út cây Sen Vàng Thương Nghiêm, sư út cây Sen Hồng Sung Nghiêm, sư út cây Sen Xanh Trăng Mười Sáu, sư út cây Ngô Đồng Nhất Nghiêm và con, sư út cây Sen Trắng Đôn Nghiêm cùng với sư em Trăng Mười Lăm, sư em Thảo Nghiêm nữa. Và cũng có  quý Thầy quý sư chú và các sư út bên nam.

cac chau thieu nhi thai lan dung don phai doan va chuan bi dang hoa-small 1

Chúng con được đi xe VIP đến sân bay và xe vào thẳng phòng đợi máy bay. Trong phòng đợi, chúng con được uống sữa và ăn bánh miễn phí từ quầy phục vụ. Ngon lắm ạ. Thú vị nhất là các em thiếu nhi mặc những trang phục truyền thống Thái Lan, dễ thương kinh khủng luôn. Trên tay các em là những vòng hoa thơm ngát dành để tặng cho Sư Ông và quý thầy qúy sư cô trong phái đoàn.

1 giờ 20 chiều, khi đại chúng và các sư út còn đang đứng thành một hàng dài sau lưng các em bé và đang hồi hộp đợi Sư Ông thì bỗng nhiên sư cô Đẳng Nghiêm và sư cô Trân Nghiêm xuất hiện. Thì ra là quý sư cô bị lạc đường. Sư cô Đẳng Nghiêm thực tập thiền ôm với tất cả mọi người (cố nhiên là trừ quý thầy và các sư chú). Sư cô rất thân thiện và đáng yêu.

Các nhà báo tập trung rất đông, họ mặc đồ rất lịch sự và rất chi là quý kính quý thầy và quý sư cô. Một lúc sau thì Sư Ông đến. Con đứng ở đằng xa nhìn với tới. Ồ, Sư Ông kìa! Vậy là con đã được gặp Sư Ông bằng xương bằng thịt rồi! Con mừng quá. Con thở sâu và cười thật tươi cho giây phút hạnh phúc ấy. Không biết sao mà con thấy mắt mình nhòe đi và sống mũi cay cay. Nhìn ra sau, con thấy mắt chị Nhất Nghiêm cũng đỏ hoe rồi.

su ong roi khoi phi truong-small

Sư Ông bước từng bước nhẹ nhàng, thảnh thơi và phong độ còn hơn trong ảnh. Sư Ông nhận vòng hoa, đi ngang qua chúng con rồi mỉm cười làm con cảm thấy như tim mình rung rinh. Sau đó, cả đại chúng đi theo Sư Ông vào trong phòng họp báo của sân bay. Ngồi ở dưới nhìn lên, con thấy tự hào về Thầy của mình quá chừng. Sau khi sư Ông trả lời những câu hỏi của các nhà báo, chúng con được lên xướng tụng bài Ba Sự Quay Về bằng tiếng Anh và được họ chụp hình quá chừng luôn. Sau họp báo, cả đoàn ra xe để về Pak Chong. Khi xe dừng lại nghỉ chân, các sư út đi theo Sư Ông và Sư Ông hỏi nhỏ:

– Đây có phải là Thầy của các con không?

Rồi Sư Ông hỏi tên từng út một. Sau đó, Sư Ông hỏi:

– Đây là giây phút gì hả con?”

Chúng con đồng thanh thưa:

– Dạ bạch Sư Ông, đây là giây phút hạnh phúc!

Đúng thật là hạnh phúc! Sau khoảng thời gian xúc động, chúng con lại theo Sư Ông lên xe về thẳng Pak Chong. Trên xe, con cứ cười miết: “Sư Ông của con trên cả tuyệt vời”.

Trên đoạn đường còn lại, con và các sư út khác ăn trái cây, hát, ngủ rồi thức dậy lại ăn trái cây, hát rồi lại ngủ… cho tới khi về đến Pak Chong. Được gặp Sư Ông, con thấy mỗi giây phút đều là giây phút hạnh phúc.  Vừa về tới nơi là đã thấy có quý Ôn, quý Sư Bà và toàn thể đại chúng đang đứng đợi Sư Ông nơi sân cỏ rồi. Xe dừng rồi Sư Ông bước xuống xe, con thấy mắt ai cũng sáng, có người mắt đỏ rồi nhòe đi; con thấy trên những đôi mắt ấy nở những nụ cười thật tươi và hạnh phúc, nụ cười đoàn tụ.