Khoá tu Wake Up 2024

Khoá tu Wake up đầu tiên được Sư Ông Làng Mai tổ chức vào mùa hè 2008 tại Làng Mai Pháp chỉ với 50 các bạn trẻ tham dự. Theo thời gian, càng ngày càng đông các bạn trẻ biết đến phong trào Wake up. Từ ngày 10/08 – 17/08/2024 khoá tu Wake up với chủ đề “Peace begins here – Bình an bắt đầu ở đây” được diễn ra với gần 700 các bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia. Đó là cơ hội cho các bạn trẻ cùng trở về tu học, thực tập trong môi trường tâm linh, lành mạnh. Từng bài pháp thoại, những buổi pháp đàm ngồi có mặt cho nhau chia sẻ, trao đổi giúp các bạn trẻ có thể vượt thoát những vấn đề khó khăn, bế tắc của người trẻ trong xã hội hiện đại. 

Trong khóa tu, các bạn được học những giáo lý thiết yếu của đạo Bụt, các pháp môn căn bản của Làng Mai và những phương pháp thực hành chánh niệm giúp các bạn trở nên chân thực, sáng tỏ trên con đường khám phá và phát triển bản thân. 

“Sự sống chung quanh ta tràn đầy những mầu nhiệm như ly nước trong, tia nắng ấm, con bươm bướm, chiếc lá, nụ hoa, tiếng cười hay giọt mưa… Nếu sống trong tỉnh thức, ta sẽ dễ dàng nhận ra được những mầu nhiệm ấy đang có mặt khắp nơi.” Bình an bắt đầu ngay bây giờ và ở đây…

 

 

Chùm ảnh khoá tu mùa Hè ở Sơn Hạ

Những bông sen búp, những cái ôm thân thương chào tạm biệt nhau đã khép lại ba tuần của khóa tu mùa hè diễn ra từ ngày 09/07 – 01/08/2024 ở Sơn Hạ. Những gia đình đã về xóm Trung trước đây đã bắt đầu thích Sơn Hạ hơn. Sơn Hạ rộng và có nhiều rừng, có hồ nước mát, gần Nông trại hạnh phúc có thể qua hái dâu tây, hái sen và nhiều trái cây khác. Sơn Hạ gần nhà thờ Puyguilhem – một nơi ngắm mặt trời lặn tuyệt đẹp. Và Sơn Hạ nằm dưới chân đồi xóm Thượng, mỗi sáng làm biếng mọi người lại rủ nhau lên thăm cốc Ngồi Yên, được uống trà và ngắm mặt trời lên. Quý thầy và các bạn tình nguyện viên ở trên xóm Thượng cũng dễ dàng đi xuống thăm và sinh hoạt với bà con. Có nhiều thiếu nhi đã “quyết định” kỳ nghỉ hè thay cho ba mẹ; sau khóa tu năm ngoái, các bé đã xin bố mẹ đăng ký cho khóa tu năm nay. Mỗi tuần đều có sinh hoạt cho người lớn, cho các cháu thiếu niên và cả trẻ em. Bên cạnh sự có mặt của 11 quý thầy và quý sư cô thì mỗi tuần đều có sự hỗ trợ của các tình nguyện viên. Các bố mẹ rất hạnh phúc với chương trình của thiếu nhi, dưới đây là một trích đoạn trong bức thư của một người mẹ có con gái về Sơn Hạ năm nay.

“Sư cô đã đem đến cho các bố mẹ cơ hội được chữa lành, làm mới với các con. Sư cô đã tạo ra những khoảnh khắc xúc động nhất trong tâm trí của bố mẹ với các con. Những tấm thiệp giản đơn nhưng lại quý giá vô cùng mà đã lâu bố mẹ quên mất do cuộc sống vội vã. Sự đáng yêu và cái mong muốn duy nhất của các con là được bên cạnh hay được ăn cơm chung cùng bố mẹ. Buổi âm nhạc, các con thật ngộ nghĩnh và dễ thương. Khoảnh khắc bố mẹ được lên sân khấu nhận những món quà do sư cô, các chị và các con chuẩn bị thật nhiệm mầu và xúc động. Khoảnh khắc ấy đã cho con thấy tình mẫu tử thật linh thiêng và không có gì khiến tình thương con mình chấm dứt.”

Khung cảnh Sơn Hạ như một xóm nhỏ chào đón những người con từ khắp mọi nơi trở về. Chỉ mới gặp ngày đầu mà nhìn ai cũng thương cũng quý, rồi chỉ hai ba ngày sau là trở nên thân quen và cuối khóa thì đã là người một nhà. Trong suốt một tuần không ai buồn ai, không ai giận, trách móc ai. Những cánh cửa lòng cứ tự nhiên mở ra qua những buổi pháp đàm, làm mới hay bên những chén trà chiều.

Những câu chuyện, những lời tâm tình thật ấm lòng qua những buổi làm mới giữa bố mẹ và các cháu thiếu nhi, thiếu niên hay giữa các phụ huynh với nhau. Có lẽ đó là những giây phút được mọi người chờ đợi nhất mỗi khi được về Làng. Chỉ trong khung cảnh ấy những lời nói đẹp nhất, như ngọc như vàng, mới được thốt ra, khi cả bố mẹ và con cái đều có thời gian trở về chăm sóc mình trong suốt một tuần.

Khóa tu mùa Hè đã khép lại với biết bao niềm biết ơn và hạnh phúc. Kính mời đại chúng cùng thở, cùng cười với niềm vui mà mọi người có được khi về Sơn Hạ qua một vài hình ảnh được ghi lại dưới đây:

 

Thư gửi ba mẹ mùa Vu lan

Ba mẹ kính thương!

Mùa Vu Lan con dành chút thời gian để viết thư gửi ba mẹ. Vu Lan năm ngoái, con vẫn còn ngại ngùng nên đã không viết, con mong rằng ba mẹ sẽ vui khi đọc những dòng thư này.

Ba thương! Con và các anh chị cùng mẹ rất hạnh phúc khi có một người ba tuyệt vời. Ba là một người khiêm cung, ít nói, nhã nhặn, hoà đồng, thương yêu người khác và rất được mọi người yêu mến. Con vẫn không thể quên được hình ảnh ba ướt đẫm mỗi lần trời sang Đông, Huế mưa dầm dề. Ba chở tụi con đi học. Ba mẹ đầu tư cho chúng con tốt nhất có thể, dù có khi nhà mình không có nhiều tiền. Hình ảnh đó vẫn khiến con rất xúc động mỗi khi nhớ về. Ba ơi, trong tăng thân, chúng con có những bữa ăn im lặng và con đã mời ba cùng ăn với con. Con biết có những trưa hè vì kiếm đồng tiền nuôi con nên ba đã ăn rất vội vã, có khi cũng không no. Con đưa từng muỗng cơm trong chánh niệm và con ý thức rằng ba cũng đang ăn trong chánh niệm. Ba và con đã có những bữa ăn rất hạnh phúc. Bỗng tự nhiên, sau những bữa ăn như rứa, giữa ba và con sợi dây truyền thông như gần hơn, dù ba con mình không gặp nhau. Đó là một cách thiết lập truyền thông mà con tự học được. Qua đó, con nhận ra được tình thương bao la giữa ba mẹ với chúng con. Dù bên ngoài con cũng biết nhưng vì chạy theo xã hội, theo mạng Internet, theo học hành nên con tự khiến mình quên lãng đi.

Mẹ thương! Con, anh chị và ba rất hạnh phúc khi có mẹ – người phụ nữ đảm đang, luôn hy sinh vì mái ấm nhỏ của mình. Khi con đọc tới đoạn hạ sinh Rahula, Sư Ông có viết “Cửa ải sinh đẻ là cửa ải nguy hiểm nhất mà người phụ nữ nào có chồng cũng phải vượt qua. Qua được thì sống, không qua được thì chết, có khi chết cả mẹ lẫn con”. Mẹ ơi, đọc tới đây con cảm thất mẹ thật dũng mãnh, đã mang nặng đẻ đau đến tận bốn lần. Cảm ơn mẹ đã mạnh mẽ vượt qua ải đó và còn có mặt với chúng con và ba trên cuộc đời này. Mẹ, con biết chúng con bước trên con đường này, có ba mẹ luôn sát cánh là một điều may mắn. Bên cạnh đó, mẹ còn phải lo lắng với những khó khăn mà chúng con phải trải qua. Vì thế trong mẹ có một cái khó, khiến mọi người hiểu lầm về mẹ. Nhưng mẹ ơi, con chưa từng bị tác động từ những lời nói đó làm hình ảnh mẹ trong con bị thay đổi. Sống trong tăng thân, con thấy tình thương mẹ trong con lớn lên mỗi ngày. Mẹ là mẹ của con, con là con của mẹ. Mẹ không cần phải lo lắng về những gì bên ngoài, chúng con luôn thương yêu ba mẹ với những gì đẹp nhất có thể.

Ba mẹ ơi! Nói về tuổi thơ không phải lúc nào cũng toàn kỷ niệm vui, có buồn; nhưng con đã học được rất nhiều bài học. Khi mới xây nhà xong, ba mẹ chẳng còn tiền trong khi còn năm con nhỏ ở nhà. Ba mẹ có tình thương rộng lớn, có ai tới xin, mẹ dạy chị em con lấy cho họ vài ba lon gạo, con thường lấy nhiều hơn. Ba chạy xe nhiều khi cũng không lấy đủ tiền vốn, ba nói “nhà họ nghèo lắm”. Chính tình người mà ba mẹ sống để lại cho chúng con nhiều vốn liếng sau này. Con học bài học tình thương giữa người với người, như ông bà ta có câu:

“Lá lành đùm lá rách
Lá rách ít đùm lá rách nhiều”
 

Ba mẹ luôn dạy chúng con từ những gì nhỏ nhất. Mà hồi trước, nhiều khi nhìn ba mẹ của bạn bè, con thấy ba mẹ thật khó. Để rồi đi tu con mới nhận ra, chính những điều đó khiến con vững vàng hơn và là cách mà ba mẹ bảo hộ cho chúng con, là sự quan tâm luôn có mặt bên con. Con cảm ơn ba mẹ nhiều.

 

Tranh vẽ của sư cô Trăng Sáng Tỏ

 

Ba mẹ thương! Mấy bữa ni các em nhỏ lên chùa ở lại sinh hoạt với quý sư cô. Con bắt gặp hình ảnh bé Sữa đen thui, nghịch nữa chơ, lên chùa ở lại. Được ba mẹ yểm trợ, đó là tuổi thơ với mấy tháng hè ở chùa không cần đi học thêm thật vui. Ở chùa từ nhỏ, con được học thuộc mấy bài kinh sau nhiều lần tụng. Tối hôm qua, chúng con tụng bài Tưới tẩm hạt giống tốt –  một trong những bài con thật thích. Năng lượng bình an sau khi ngồi thiền khiến con chú tâm hơn từng lời kinh. 

“Con có cha có mẹ
Cha mẹ có trong con
Nhìn mẹ cha con thấy
Có con trong cha mẹ…”
 

Từng chữ đi vào trong con làm toàn thân con rúng động, con xúc động trước sự hạnh phúc là còn ba mẹ trên đời. Ba mẹ ơi, con cảm nhận thật sự và chạm rõ về câu “con có trong cha mẹ, cha mẹ có trong con”. Dù đôi khi đọc tới đọc lui nhiều lần mà con chẳng nhận ra. Con thấy rõ những hạt giống đẹp mà con đang được nhận từ ba mẹ, gia đình huyết thống của mình. Hạt giống khéo léo, tinh tế, giỏi giang của ba; hạt giống dũng cảm, thương yêu,… của mẹ. Bên cạnh đó, con cũng nhận diện rõ hạt giống tự ti, mặc cảm trong con cũng được trao truyền. Đó là buổi tụng kinh mà con thấy hạnh phúc lắm. 

Ba mẹ thương! Con biết những điều đó không chỉ nơi chính con mà còn nơi ba mẹ, ông bà, tổ tiên huyết thống của con. Mỗi khi thực tập thiền lạy, con thường lạy xuống, con buông bỏ những đau khổ, hạt giống không tốt đó nơi đất Mẹ, để đất Mẹ ôm ấp cho con. Mỗi khi thực tập như rứa, con thấy lòng mình nhẹ hơn hẳn. Dạo gần đây, con chú tâm hơn về sự thực tập thiền hành. Con thích đi chân đất mỗi khi đi thiền hành. Con đưa sự chú tâm vào sự xúc chạm giữa mặt đất và bàn chân của con. Có những đoạn đường toàn sỏi đá, ba mẹ ạ. Nhưng có khi con được bước trên những thảm cỏ xanh mướt mà đất Mẹ hiến tặng. Con thấy đoạn đường mình đi cũng rứa, có đoạn chông chênh nhưng cũng có đoạn êm đềm. Chính sỏi đất giúp kích thích huyệt, giúp thông các mạch máu, tốt cho sức khoẻ thì chính những khổ đau đó giúp con nhận diện được những điều hạnh phúc mà con đang có. Điều đó giúp cho con có thêm năng lượng và chấp nhận những gì đang tới với mình. Con buông hết những mệt mỏi xuống theo từng bước chân chạm với đất Mẹ. Con nhận được tình thương bao la của đất, ôm hết mọi loài và bài học không kỳ thị nơi đất Mẹ.

Mỗi khi đi thiền hành, con thường kết hợp với câu thi kệ mà con tự nghĩ ra: 

 “Về với Mẹ, con về với chính mình”

 

Mẹ đây cũng là đất Mẹ, người Mẹ của muôn loài. Với mỗi bước chân, con đọc thầm một chữ “Về – với – Mẹ – con – về – với – chính – mình”. Mẹ ơi, về với Mẹ ở đây cũng là với Mẹ, người mẹ huyết thống của con. Về với Mẹ, con được đi chân đất, được trở lại là một em bé nhỏ được ba mẹ thương yêu. Về với Mẹ, con được là con mà không cần những áo giáp gai bảo vệ như lo lắng, sợ hãi,… bên ngoài con nữa, con được hồn nhiên, vô tư. Với những bước chân chánh niệm, con thấy Mẹ cũng đang bước cùng con. Những buổi thực tập như rứa, con thấy mình thật hạnh phúc và nuôi dưỡng. Hình như em bé trong con cũng được nuôi dưỡng theo, con nuôi lớn tình yêu thương với ba mẹ trong mình ngày một lớn hơn. 

Ba mẹ thương! Con được nhìn lại những điểm chưa đẹp, chưa hay, những khó khăn của mình khi được sống trong tăng thân. Con thấy mình thật may mắn hơn khi được cùng ba mẹ đi trên con đường đẹp, con đường chuyển hoá rác thành hoa. Ngồi viết những dòng này, con thấy vui quá, con cảm ơn ba mẹ đã đọc và hiểu con hơn. Mỗi khi viết thư như ri con cũng nuôi dưỡng chính mình nữa.

Con của ba mẹ, 

Chân Trăng Tâm Nguyên.

Tâm tình con gửi mẹ

(Tâm Hiếu Thảo)

Sáng sớm, bình minh ló dạng, những vệt nắng trải dài trên mặt đất, thổi sức sống vào cảnh vật xung quanh. Một vẻ đẹp an tĩnh khiến lòng người yên bình. Nắng sớm không chói rọi, rực rỡ. Nắng sớm ấm áp và dịu hiền như nụ cười của mẹ. Kể từ sau chuyến thăm nhà năm ngoái, con chăm gọi về nhà hơn trước. Gặp mẹ, mẹ thường kể con nghe rất nhiều chuyện, về gia đình, hàng xóm, họ hàng,… Có lúc con cũng thoáng lo lắng, bâng khuâng, không biết những chuyện đó có làm mẹ thêm muộn phiền. Chưa bao giờ mẹ ngồi kể con nghe tường tận cuộc đời mình, những gì mẹ đã đi qua, những nhọc nhằn mẹ đã gánh vác. Tuy vậy, chắp vá lại những mảnh ghép vô tình mẹ hé lộ lúc buồn vui hay nhìn kĩ gương mặt mẹ trong các bức hình cũ, nét buồn u uất luôn phảng phất mông lung, con biết cuộc sống của mẹ không hề dễ dàng. Hiện tại, điều con mong ước nhất là mẹ sống thanh thản hơn. Như nghe được tiếng lòng của con, giờ đây, tuy vẫn than phiền với con về nhiều thứ nhưng mẹ đã nói với gương mặt hòa hoãn, giọng điệu nhẹ nhàng, thi thoảng còn mỉm cười. Nụ cười ấy khiến con an tâm.

 

 

Con nhớ trong chuyến về thăm nhà năm ngoái, con từng hỏi mẹ rằng mẹ có buồn hay thất vọng khi không phải ai trong số chúng con cũng sống được như mẹ kì vọng. Câu trả lời của mẹ đã khiến con bất ngờ: “Trong một bàn tay luôn có ngón dài, ngón ngắn, làm sao mình yêu cầu tất cả các ngón phải đều nhau được”. Không cần sống trong tu viện, không cần ngồi thiền một ngày hai thời, mẹ cũng có những tuệ giác của riêng mình. Tuệ giác ấy đến từ sự chấp nhận và thương yêu. Câu hát ngày nào vang lên trong con: “Không ai thương con bằng mẹ…”.

Khoảng thời gian trước ngày về, sợ hãi và bất an xâm chiếm lòng con. Con sợ chào đón con là cơn giận dữ của mẹ. Con không mạnh mẽ như vẻ bề ngoài, sợ rằng mình sẽ rơi nước mắt, sẽ tổn thương, đau lòng. Kí ức không mấy vui vẻ khi xưa được con cất giấu kĩ càng giờ phút ấy trào dâng khiến con do dự, ngại ngần. Con lấy hết can đảm gọi về, thăm dò tâm trạng của mẹ. Con chuẩn bị tinh thần đón nhận giông bão nhưng chờ đợi con là một mảnh trời xanh yên bình. Tắt điện thoại rồi, con chưa hết ngỡ ngàng. Dường như những đau buồn, giận hờn, xa cách trong quá khứ chưa từng xảy ra. Nếu không trực tiếp đi qua, chắc con sẽ hoài nghi liệu những kí ức kia có thật sự tồn tại? Hiểu được phần nào tính cách của mẹ, con chưa từng mong ước xa xôi ngày này sẽ tới. Vì vậy khi nó tới một cách bất ngờ như vậy, con cứ ngỡ mình đang mơ. Điều con cảm nhận rõ ràng nhất là sự nhẹ nhõm. Tảng đá bao lâu nay khiến lòng nặng trĩu đã được tháo gỡ rồi.

Có câu nói rằng chưa từng biết đói sẽ không cảm nhận được hạnh phúc lúc no, chưa từng trải qua chiến tranh sẽ không thấy được giá trị của hòa bình. Những kí ức ngày xưa giờ đây là những mảng màu tối làm nổi bật lên ánh sáng con đang có. Ngồi nghe mẹ trò chuyện, cười nói với các anh chị trong gia đình tâm linh của con, con thấy ấm áp và hạnh phúc biết mấy. Chào đón, chấp nhận huynh đệ con ghé thăm, mẹ gián tiếp gửi đến con thông điệp rằng từ giờ phút này trở đi, mẹ sẽ chấp nhận và yểm trợ con đường con chọn.

 

 

Hai tháng ở nhà, không phải lúc nào mẹ và con cũng hòa hợp bởi cách nhận thức, suy nghĩ của mẹ và con rất khác biệt. Những lúc như vậy, mẹ không tránh khỏi có chút gay gắt trong lời nói. Còn con, dù qua bao năm rèn luyện, tính tình chưa hoàn toàn điềm đạm. Sau khi phản ứng lại một hai câu, biết rằng sẽ chẳng đi đến đâu cả con mới dừng lại, im lặng. Khi nhận ra con im lặng, mẹ cũng chuyển đề tài, không còn một mực nói tới nói lui như trước. Bên cạnh sự thay đổi của mẹ, con cũng nhận ra mình thay đổi. Dẫu cho tập khí phản ứng còn sâu dày, con của hiện tại thấy rằng đôi co, tranh cãi là điều không cần thiết. Những việc vụn vặt kia không đáng để mẹ và con mất vui. Ai đúng, ai sai dường như không còn quá quan trọng nữa.

Về nhà, con đem theo nhiều nhất là thời gian. Con có giờ chở mẹ đi bất cứ nơi nào mẹ muốn: ghé thăm nhà họ hàng, về đám giỗ, đi chợ,… Con sẵn lòng đi tới đi lui, ngắm nhìn cảnh vật trong lúc chờ mẹ trò chuyện với bà con. Qua năm tháng thực tập, con rèn luyện được ít nhiều sự trú tâm. An trú trong giây phút hiện tại, không chạy tới tương lai, con hoàn toàn tự do, có dư dả thời gian để chờ đợi và cũng không hề thấy thời gian chờ đợi ấy là lãng phí. Nhìn mẹ nói cười, được lắng nghe, chia sẻ, con thật sự nghĩ rằng có chờ bao lâu cũng đáng giá. Sự kiên nhẫn của con cũng tăng lên nhiều. Ngồi bên mẹ, con sẵn lòng lắng nghe, con biết mẹ chỉ cần một người để sẻ chia thôi. Nói ra được mẹ sẽ nhẹ lòng hơn, những muộn phiền cũng theo gió trôi đi. Những năm tháng xưa kia, khi con còn chưa chào đời, làm dâu xa quê, xa vòng tay chở che của ông bà ngoại, xa láng giềng, bạn bè thân quen, bao buồn vui, tủi hờn, ngọt bùi đắng cay mẹ phải lặng lẽ ôm vào lòng? Nghĩ đến đây, nước mắt con cũng lặng lẽ rơi.

Có phút giây trong đời sống, khi bản thân đi qua khó khăn, thương mình, con thấy thương mẹ nhiều hơn. Có pháp môn thực tập, có hơi thở để nương tựa mà nhiều lúc, khi khổ thọ ghé thăm, con vẫn chật vật, trồi sụp giữa những cơn sóng cảm xúc, mỏi mệt với những suy nghĩ tiêu cực không ngừng tràn lên trên vùng đất ý thức. Con không biết trong quá khứ làm thế nào mẹ đi qua được những cơn bão giông trong lòng để tiếp tục dành tình thương, săn sóc và chăm lo cho chị em chúng con. Thi thoảng, nhìn sâu vào những khổ thọ, con cảm và hiểu được niềm đau, những thương tích đã hằn sâu trong lòng mẹ. Ngày hôm nay, con có tuổi trẻ, có lý tưởng, có con đường thực tập. Những gì mẹ chưa ôm ấp và chuyển hóa được, con sẽ làm giúp mẹ. Con sẽ tập mỉm cười với những khổ thọ biểu hiện lên trong con. Nhận diện, thở từng hơi thở thật sâu, có mặt và rồi buông xuống, để những cảm thọ ấy trôi đi. Không nắm giữ, chúng sẽ như mây trời theo gió, không lưu lại vết tích gì nơi bầu trời tâm thức con.

 

 

Sáng nay, ngước nhìn lên tán lá dâu xanh mướt, con bất chợt nhận ra mùa thu đang dần biểu hiện qua sự có mặt của vài chiếc lá vàng ươm màu nắng. Dường như hàng ngàn tia nắng sớm đã được thu lại trong những chiếc lá ấy. Thì ra thu đến không phải là khi cả cánh rừng bạch dương chuyển màu, không phải đến khi hàng phong cạnh bờ mương hoàn toàn nhuộm sắc đỏ thắm, mà thu, đã chậm rãi báo hiệu sự hiện hữu của mình ngay giữa mùa hè còn xanh ngát cỏ hoa. Không nhận ra chỉ vì mình không đủ chú tâm mà thôi. Con nhớ đến mái tóc càng ngày càng điểm bạc của mẹ. Lúc mẹ cười, hàm răng cũng không còn đều tăm tắp và trắng sáng như xưa. Vô thường đã chậm rãi ghi dấu ấn ngay giữa dòng chảy sự sống. Con biết mình cần chuẩn bị tinh thần cho ngày hình hài của mẹ ẩn tàng. Sinh và diệt là quy luật tất yếu của vạn hữu. Điều duy nhất con có thể làm là trân quý sự có mặt của mẹ trong hiện tại. Thương mẹ, con sẽ sống đời sống con một cách yên ổn nhất để mẹ không phải khóc vì con thêm một lần nào nữa.

Con đường con chọn, hành trình con bước, ngọn lửa nhiệt huyết trong con không phải lúc nào cũng cháy bùng mạnh mẽ. Có lúc mỏi mệt, muốn dừng lại, trong một thoáng quay đầu, con thấy ân tình, niềm tin bao người gửi gắm, thấy chặng đường con đi qua thấm đẫm nước mắt của mẹ. Đời sống này là của con, con hoàn toàn tự do quyết định, không ai có thể bắt ép con làm điều con không muốn. Thế nhưng chung quy vẫn gói gọn trong hai chữ: không nỡ. Không nỡ cô phụ ân tình bao người đã gửi trao, không nỡ khiến những giọt nước mắt mẹ đã rơi vì con trở thành vô nghĩa. Những lúc mệt mỏi, con sẽ cho phép mình dừng lại nghỉ ngơi, ngắm cỏ cây, hoa lá, không phải để từ bỏ mà để hồi phục năng lượng, chuẩn bị cho chặng đường kế tiếp. Con sẽ luôn mang theo mẹ trong chuyến hành trình của mình. Mẹ là nguồn động lực để con vững bước tiến về phía trước….

Thích nữ ôm ấp dạ trượng phu

Chí nguyện dâng cao mấy tầng trời

Một tay cắt đứt ngàn phiền não

Đường về hoa nở rợp trời đông.

 

 

 

 

Mùa hè – Summer Opening 2024

Khoá tu mùa hè là khoá tu duy nhất trong năm ở Làng; ba mẹ, con cái cùng trở về thực tập chung với nhau. Khoá tu diễn ra liên tục trong 3 tuần từ ngày 09/07 đến 01/08 và chào đón rất đông các vị thiền sinh đến từ hơn 20 quốc gia trên thế giới. Mỗi tuần có gần 1000 thiền sinh đến thực tập cùng quý thầy, quý sư cô. Làng đã là nơi trở về, nghỉ ngơi của rất nhiều thiền sinh trong kỳ nghỉ hè. 

Ngoài các thời khoá pháp thoại, pháp đàm cho người lớn, các em nhỏ và các bạn thanh thiếu niên có những hoạt động riêng như thực tập nghe chuông và thỉnh chuông, học về cách ôm ấp những cảm xúc mạnh,… Trong mỗi bài pháp thoại, quý thầy quý sư cô luôn chia sẻ một câu chuyện cho các em nhỏ trước khi các em có sinh hoạt riêng theo từng nhóm. Các em như những mầm non, những tờ giấy trắng tinh khôi; các em càng hạnh phúc và rạng ngời hơn trong môi trường thương yêu, bình an mà ba mẹ, quý thầy, quý sư cô dành cho các em. Những buổi thực tập Làm mới là cơ hội cho ba mẹ và con cái thiết lập lại truyền thông, nuôi lớn thêm hạnh phúc, hiểu biết và thương yêu.  Ba mẹ và con cái, mỗi người đều đang đóng góp một bàn tay để xây dựng mái ấm gia đình.

Tiếng cười giòn tan của các em nhỏ trong tu viện là niềm vui của bao nhiêu người và cũng làm lắng dịu cái nắng oi bức của mùa hè. Xin mời đại chúng thưởng thức một vài hình ảnh trong khoá tu:

Chùm thơ

(Sư cô Chân Bảo Nghiêm)

Nắng Xuân

Thông reo gọi nắng xuống chơi
Bên vườn hoa cải vàng tươi đón mời
Quanh co suối nhỏ bên đồi
Nước trong nắng ấm trời xanh mây vàng
Ra vườn sống với muôn cây
Tía tô, húng quế, ngò xanh, cải vàng
Mỗi cây mỗi vẻ dịu dàng
Cười lên một tiếng thoát ngoài khổ đau.

Đến Mai Thôn

Tìm đến Mai thôn lánh nợ trần
Lợi danh xem thấy nhẹ như không
Thiền hành tinh tấn tìm chánh niệm
Tập tành từ bi sống nhẹ nhàng
Tỉnh ngộ đã nghe lời Thầy dạy
Bây giờ an trú ở ngay đây
Tinh cần tỉnh thức theo hơi thở
Chánh niệm tươi vui ta với mây.

 

Giọt nước trong dòng sông tăng thân

(Sư cô Chân Trăng Tâm Đức)

Niềm vui trong khóa tu xuất sĩ

Đây là dịp mà con được gặp rất nhiều quý thầy, quý sư cô từ các trung tâm ở châu Âu về Làng tề tựu. Chúng con được học, tu, chơi và làm việc trong nhiều nhóm khác nhau. Nào là đội luân phiên, đội trò chơi, đội đá banh, bạn “đồng liêu” và gia đình pháp đàm. Chưa bắt đầu khóa tu mà chúng con đã bắt đầu cảm nhận niềm hạnh phúc của sự sum vầy.

Nhóm luân phiên của con nấu ăn gần ngày cuối, nhưng từ lúc bắt đầu khóa tu là đã lên thực đơn rồi. Nhiều phương án được đưa ra phòng trường hợp các đội trước đã nấu món đội mình dự định. Cuối cùng, chúng con cũng thực hiện được phương án làm pizza cho buổi trưa. Sáng hôm đó, đội con hẹn nhau ở nhà ăn, đốt nến, uống trà rồi mới bắt đầu công việc. Đây là lần đầu tiên con trải nghiệm làm pizza từ lúc nhồi bột, làm đế, làm nhân, dùng lò nướng củi, lấy bánh cho đến khâu rửa cối. Lúc rửa, con thấy thương cái cối này ghê. Nó đủ nhân duyên để được đưa về đây và có mặt trong mỗi miếng bánh mì “made in Xóm Thượng”.

Nhờ khóa tu này mà lần đầu con được ngắm mặt trời mọc từ Cốc Ngồi Yên của Sư Ông. Con được sư chị cùng cây rủ đi uống trà và ngắm sao vào sáng sớm trước thời công phu. Nhìn bầu trời lấp lánh ánh sao, với ly trà thơm nóng trên tay và sư chị ở bên, con mỉm cười trong niềm hạnh phúc, gửi lòng biết ơn sâu sắc đến Sư Ông đã mang chị em con từ nhiều quốc gia đến với nhau. Một sáng nọ, con đi bộ với sư chị xuống thung lũng dưới đồi và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của “biển mây”. Sương mù dày đặc phủ kín thung lũng. Càng đi xuống thì cảnh trong sương dần hiện ra. Những mạng nhện mỏng manh thế kia nhưng sau một đêm được sương phủ đầy, trở thành những tràng ngọc đẹp lung linh dưới nắng mai. Con nghĩ chắc sẽ không có một kiến trúc sư tài ba nào có thể tạo ra công trình đẹp như thế.

Thời gian trôi qua nhanh quá! Ngồi trên xe về lại xóm Mới, chị em con chia sẻ niềm hạnh phúc sau một tuần có mặt trọn vẹn cho nhau. Suốt cả năm, Làng mở cửa để đón thiền sinh tới tu học, nên khóa tu xuất sĩ là dịp hiếm hoi cho anh chị em chúng con sum họp. Con được nuôi dưỡng nhiều từ những buổi công phu sáng tối với năng lượng trầm hùng. Những bài pháp thoại sách tấn sự tu học, cách nuôi dưỡng và xây dựng tình huynh đệ. Chúng con có cơ hội làm quen với những người mình chưa được quen, cùng chia sẻ cho nhau những niềm vui, những thao thức. Những buổi pháp đàm với sự mở lòng, những cảm xúc từ trái tim đã được vòng tròn ôm ấp. Những tiếng cười giòn tan xua đi cái lạnh của mùa đông trong những lần tham gia trò chơi. Những bữa ăn hết sức ngon lành dưới bàn tay của bao nhiêu là đầu bếp xuất gia tài ba. Con còn được trải nghiệm chuyến đi bộ thăm nhà thờ Monbos trong ngày làm biếng. Tăng thân mình đẹp quá và con ý thức rõ niềm hạnh phúc khi được là một giọt nước trong dòng sông tăng thân.

“Nói chuyện ăn thì nói bao giờ cho hết”

Sau khóa tu xuất sĩ, Làng mở cửa trở lại để chào đón thiền sinh về tham dự các khóa tu trong năm. Có hôm, sau buổi trưa, có một chú gặp con với điệu bộ rất sốt sắng và nói muốn gặp đội nấu ăn hôm nay. Chú đến xóm Mới cùng cô con gái mười bảy tuổi. Hạt giống lo trong con đi lên, không biết hai cha con chú có vấn đề chi với đồ ăn, vì bên này nhiều thiền sinh dị ứng thực phẩm. Con hỏi lý do thì mới hay chú muốn cám ơn quý sư cô vì đồ ăn ngon quá. Đội nấu ăn lúc đó đang bận nên con nói chú viết lên bảng để quý sư cô biết. Chú nói nếu vậy, chú muốn cám ơn không chỉ đội nấu ăn trong ngày hôm nay mà là tất cả các ngày khác nữa vì ngày nào cũng ngon hết.

 

 

Nhiều thiền sinh khác cũng gặp trực tiếp hoặc viết thiệp để cảm ơn các sư cô vì đã hiến tặng không những sự thực tập, niềm vui, nụ cười, sự thảnh thơi mà còn nấu cho họ những món ăn rất ngon và lành. Họ nói đã từng thưởng thức đồ ăn nhiều nơi nhưng không hiểu sao đồ ăn ở Làng luôn ngon hơn. Con nghĩ chính niềm vui, tình thương, sự hòa điệu khi quý sư cô làm việc được gửi vào từ khâu chuẩn bị đến khi thành món nên thiền sinh không những được thưởng thức hương vị món ăn mà còn nhận được năng lượng thương yêu của quý sư cô trong đó.

Khóa tu nấu ăn năm nay rất hạnh phúc khi xóm Mới đón nhiều thiền sinh về. Thiên nhiên cũng ưu đãi khi mỗi khuya đều có mưa nên hôm sau trời rất mát. Có cô thiền sinh khá lớn tuổi biết thông tin khóa tu muộn nên link đăng kí đã đóng. Cô thiết tha đòi gặp ban văn phòng để năn nỉ được ghi danh. Cô nói không cần ngủ trong phòng, cũng không cần cắm lều trong xóm, chỉ cần có một chỗ gần vườn rau để cắm lều là đủ, miễn sao cô được dự khóa tu. Con nghe mà thấy thương ghê. Cuối cùng, có thiền sinh hủy đăng kí vì bận việc đột xuất nên cô đã được ghi danh.

Trước khi bắt đầu khóa tu, quý sư cô đã dày công chuẩn bị, nấu thử các món ăn để sẵn sàng mời đại chúng vào bếp với khẩu hiệu “Happy cooking, happy moment”(Giây phút nấu ăn, giây phút hạnh phúc). Những tương tác giữa đầu bếp và khán giả nhờ tài khéo léo dẫn dắt của MC đã làm cho đại chúng có những tràng cười không ngậm được miệng. Dù món ăn không quá sức cầu kỳ nhưng niềm vui, sự hóm hỉnh, tự nhiên của các sư cô trên sân khấu đã để lại nhiều kỉ niệm khó quên trong lòng thiền sinh. Đại chúng rất hạnh phúc khi không những được hướng dẫn cách nấu, mà ngày hôm sau còn được thưởng thức liền các món ăn đó ngay trên bàn khất thực.

Trong suốt một tuần, bên cạnh những buổi thuyết trình món ăn, đại chúng có dịp được tiếp nhận thức ăn từ những bài pháp thoại, những buổi pháp đàm, thuyết trình Năm giới, Làm mới. Với năng lượng tập thể, con nghĩ mỗi thành phần của tăng thân đều có được những hoa trái của sự thực tập.

Mùa hè sống động

Khóa tu đông vui nhất trong năm chính là khóa tu mùa hè khi mà các gia đình dẫn con cái về Làng tu học. Nhìn lều to, lều nhỏ dựng khắp trong xóm, khiến con nhớ đến những đợt cắm trại trong thời đi học của mình. Có cô thiền sinh chia sẻ, từ lúc biết Làng, cô không còn phải nhọc công suy nghĩ sẽ đi đâu trong kì nghỉ hè vì Làng đã là điểm đến của gia đình trong nhiều năm qua.

Tuần đầu, con ở trong gia đình những người có con tuổi teen. Mới buổi pháp đàm đầu tiên, nhiều vị đã mở lòng và bật khóc khi có quá nhiều vấn đề với con cái trong độ tuổi mới lớn. Họ khổ vì các em sử dụng điện thoại suốt ngày và dường như sống trong thế giới ảo nhiều hơn. Truyền thông giữa ba mẹ và con cái vì vậy mà không có nhiều. Cả gia đình cũng không còn có những bữa ăn cùng nhau. Nghe những chia sẻ, con vừa thấy thương mà vừa thấy mình may mắn quá khi chọn con đường tu này. Đúng là không hề dễ khi cho ra đời một sinh mạng mới. Bao vất vả để nuôi nấng từ hồi bé thơ, đến khi cắp sách đến trường, rồi sang độ tuổi vị thành niên với những thay đổi tâm sinh lý, khiến bao bậc phụ huynh lao đao khốn khổ theo.

 

 

Buổi pháp đàm tiếp theo, một cô chia sẻ rằng mấy năm nay, cô không nói chuyện dễ dàng với cô con gái tuổi mới lớn. Thế mà sáng nay, cô bé gặp rồi ôm mẹ, và nói cám ơn mẹ đã đem em tới Làng. Nhìn giọt nước mắt xúc động lăn trên má cô mà con thấy thương và mừng cho cô.

Tới Làng, các em tuổi teen được quý sư cô giữ điện thoại trong suốt một tuần. Các em đã quá quen với chuyện dùng điện thoại nên ban đầu có cảm giác thiếu thốn. Sau vài hôm, tham gia thời khóa từ sáng đến tối, nhiều em không thấy có nhu cầu dùng nữa. Các em có thời gian để thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, được học cách trở về với chính mình nhiều hơn để nhận diện những cảm xúc mà mình đang có. Một vị phụ huynh chia sẻ rằng Làng là nơi hiếm hoi mà những người trẻ, trong suốt một tuần không dùng điện thoại. Họ biết ơn Làng đã tạo ra một môi trường quá thiện lành cho gia đình họ tới tu học cùng nhau.

Điều nuôi dưỡng con trong suốt ba tuần đó là sự có mặt của các thiên thần nhí. Tối đó ở nhà ăn, thấy một nhóm các em đang ngồi chơi và uống nước nên con mới lại hỏi chuyện.

  • Các em đang uống gì thế?
  • Tụi em uống trà Earl Grey (đứa lớn trong nhóm trả lời)
  • Buổi tối uống trà các em có ngủ được không?
  • Em chỉ để có một chút trà thôi.

Chưa kịp hỏi thêm thì đứa nhóc nhỏ nhất nhóm, chắc sáu tuổi, mới lém lỉnh:

  • Em uống trà nhiều lắm và không cần ngủ, em thức suốt đêm luôn.
  • Thiệt hả, em không cần ngủ hả, thế làm sao em lớn được?
  • Em không ngủ mà em cũng lớn được như này này.

Rồi chàng ta lém lỉnh lấy tay để đo từ đầu đến chân. Thế là anh chàng tí hon bị mấy người anh xúm lại, kêu xạo quá, ngủ say sưa để mẹ phải thức dậy mà bày đặt nói không cần ngủ.

Mấy đứa nhóc sao mà hồn nhiên, tinh nghịch và dễ thương quá. Con có cảm giác năm đứa cháu trai của con bên Huế đang có mặt trong những đứa nhỏ này. Làng đã mang các em đến với nhau, chơi với nhau như anh em trong nhà suốt một tuần. Con hi vọng những kỉ niệm tuổi thơ trong trẻo ở Làng sẽ giúp các em có một hành trang đẹp, để rồi khi lớn lên, mỗi khi nhớ về, các em sẽ mỉm cười và thấy ấm áp trong lòng.

Các sư cô có bị “quá tải” không?

Đây là câu mà nhiều thiền sinh hay hỏi khi thấy Làng mở cửa gần như quanh năm, quý sư cô lo hết khóa tu này đến khóa tu khác, gặp gỡ bao nhiêu con người với đủ các cung bậc cảm xúc. Con hay cười và trả lời với những trải nghiệm của mình rằng các khóa tu đem lại cho con nhiều niềm vui, con học hỏi thêm được nhiều điều mới và có nhiều động lực hơn để tu tập. Con xem các khóa tu như là cơ hội để con vừa được phụng sự mà vừa được tu học. Chính nhờ các bạn thiền sinh tới đây mà con biết hơn về những gì đang xảy ra ngoài kia với quá nhiều những bạo động, sợ hãi, hận thù, tham vọng. Con hiểu được hơn những khổ đau mà họ đang gặp phải trong cuộc sống thường ngày. Để rồi khi nhìn lại, con thấy được sống trong lòng tăng thân là một may mắn lớn.

Với thiền sinh đến dự khóa tu, chỉ cần con có mặt đó trong những buổi pháp đàm, những bữa ăn cùng gia đình, hết lòng lắng nghe và chia sẻ những kinh nghiệm từ sự thực tập hàng ngày của mình là con đã giúp được cho họ rồi. Khổ đau đang tràn ngập trên địa cầu này, có thể con không đưa trực tiếp cánh tay mình ra để làm vơi nhẹ được. Nhưng nếu ở trong tu viện, con học cách sống hòa hợp, có hạnh phúc với các chị em, chế tác niềm vui và bình an trong tự thân thì con đã có thể gửi năng lượng lành đó đến những người đang khổ. Tâm bình, thế giới bình — con lấy câu đó như lời nhắc nhở mỗi ngày để dù có làm chi đi nữa, sau một ngày nhìn lại, con thấy con có đủ sự bình an và niềm vui trong tự thân hay không. Và chỉ khi nào thật sự có được, con mới có thể hiến tặng cho người khác, mà gần gũi nhất là gia đình huyết thống và các chị em xung quanh con.

 

 

Đã bao lần, nhìn hàng trăm, hàng ngàn người tới Làng tu học, con thấy sự vĩ đại trong công trình dựng tăng và phụng sự cuộc đời của Sư Ông. Con nhớ trong một bài pháp thoại, Sư Ông nói rằng nếu mình có một ước mơ, tăng thân sẽ giúp mình biến ước mơ đó thành hiện thực. Với cá nhân nhỏ bé của con, dù có ao ước lớn giúp đời thế nào đi nữa, con cũng không làm được gì nhiều. Nay được sống cùng tăng thân, được tu học, được phụng sự, với con đó là phước đức rất lớn. Mỗi sáng thức dậy, ý thức mình đang là người tu, đang được ôm trong vòng tay tăng thân là niềm biết ơn liền đi lên trong con. Con biết ơn Sư Ông và Tăng thân đã cho con được làm một giọt nước trong dòng sông đa màu sắc, đa văn hóa này để mỗi ngày con đều có cơ hội được thở, được cười, được chế tác niềm vui, bình an cho con và hiến tặng cho những người xung quanh.

Con của Sư Ông và Tăng thân,
Chân Trăng Tâm Đức

 

Những người đóng góp cho bộ sách này

Dưới đây là tên của những vị mà chúng tôi có trích dẫn lời chia sẻ trong bộ sách này. Danh sách cũng bao gồm trách vụ giảng dạy, nơi làm việc, sự liên hệ với Làng Mai và đất nước mà các vị đang sinh sống. Thành viên Tiếp Hiện là những người đã tham gia vào dòng tu Tiếp Hiện do Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập, gồm các vị xuất sĩ và cư sĩ cam kết suốt đời sống chánh niệm theo nền tảng đạo đức chung là Mười Bốn Giới Tiếp Hiện.

Pilar Aguilera, giáo viên và nhà nghiên cứu, Đại học Barcelona, Instituto de Ciencias de la Educación, thành viên Tiếp Hiện, Tây Ban Nha.

Sally-Anne Airey, nguyên sĩ quan trong Hải quân Hoàng gia, cố vấn chuyên nghiệp, Pháp.

Betsy Blake Arizu, nguyên giáo viên hóa học và nhà tư vấn học đường, hiện là nhà tư vấn giáo dục và hướng dẫn chánh niệm, Viện nghiên cứu Chánh niệm, Tampa, Florida, thành viên Tiếp Hiện, Hoa Kỳ.

Norma Ines Barreiro, nhân viên xã hội, chuyên viên y tế, nhà hoạt động vì quyền lợi của trẻ em và thanh thiếu niên, Información y Disenos Educativos para Acciones Saludables AC, thành viên Tiếp Hiện, Mexico.

Mike Bell, nguyên giáo viên khoa học và các môn học tổng quát tại trường trung học bang gần Cambridge, hiện là nhà tư vấn giáo dục và hướng dẫn chánh niệm, thành viên của Mạng lưới các giáo viên theo phương pháp thực chứng (Evidence Based Teachers Network), thành viên Tiếp Hiện, Vương quốc Anh.

Ruth Bentley, nhạc sĩ và giảng dạy về chánh niệm, Pháp.

Julie Berentsen, giáo viên tiểu học, Vương quốc Anh.

Carmelo Blazquez Jimenez, nhà giáo, De Aldeas Infantiles SOS Cataluna, Tây Ban Nha.

Jenna Joya Blondel, giảng viên đại học, Hoa Kỳ.

Gordon “Boz” Bosworth, nhà giáo, cựu nhân viên kiểm lâm, Đại học bang Utah và Rừng quốc gia Uinta-Wasatch- Cache, thành viên Tiếp Hiện, hiện sống tại tu viện Lộc Uyển, Hoa Kỳ.

Lauri Bower, giáo viên dạy chánh niệm, trường tiểu học St. Mary’s Church of England tại Barnsley, thành viên Tiếp Hiện, Vương quốc Anh.

Richard Brady, giáo viên toán đã về hưu, trường trung học Sidwell Friends School, cố vấn giáo dục và là người sáng lập tổ chức Minding Your Life, thành viên Tiếp Hiện, giáo thọ cư sĩ của Làng Mai, Hoa Kỳ.

Michael Bready, nhà đào tạo và cố vấn, giám đốc phụ trách đào tạo của tổ chức Youth Mindfulness, Vương quốc Anh.

Paul Bready, sinh viên bộ môn giáo dục và giáo viên tập sự, Vương quốc Anh, từng làm việc trong chương trình Wake Up Schools tại Làng Mai Pháp.

Alan Brown, trưởng khoa và đồng thời cũng là giáo viên tại một trường trung học tư thục, thành phố New York, Hoa Kỳ.

Valerie Brown, nhà tổ chức các khóa tu quốc tế, nhà tư vấn giáo dục, huấn luyện kỹ năng lãnh đạo, người sáng lập tổ chức Lead Smart Coaching, đồng tác giả của cuốn sách The Mindful School Leader, thành viên Tiếp Hiện, Hoa Kỳ.

Grace Bruneel, tình nguyện viên, Trường Rosaryhill, Hồng Kông.

Barbara Calgaro, giáo viên và nhà tư vấn cho trại hè, Centro Estivo di Sandrigo, Vicenza, Ý.

Carme Calvo Berbel, chuyên gia về lĩnh vực đào tạo và phát triển, thành viên Tiếp Hiện, Tây Ban Nha.

Denys Candy, giám đốc Trung tâm hòa nhập cộng đồng Jandon, Đại học Smith, Massachusetts. Nhà tư vấn, thành viên Tiếp Hiện, Hoa Kỳ, châu Âu và Singapore.

Gloria Castella, giáo viên tiếng Anh, Escuela Can Manent tại Cardedeu, Tây Ban Nha.

Michele Chaban, giáo sư kiêm nhiệm, người sáng lập và cựu giám đốc chương trình Thiền Chánh niệm ứng dụng, Đại học Toronto, Trường công tác xã hội Factor-Inwentash, Trường y tế cộng đồng Dala Lana, Trung tâm Bio- Ethics, Canada.

Sư cô Chân Đức, cựu giáo viên dạy tiếng Latin, tiếng Hy Lạp và tiếng Sanskrit tại trường trung học và đại học của nước Anh và Hy Lạp. Hiện sư cô là một vị giáo thọ phụ trách về sự thực tập (Dean of practice) tại Viện Phật học Ứng dụng châu Âu, Đức.

Thầy Chân Pháp Khâm, giáo thọ, Viện Phật học Ứng dụng châu Á, Hồng Kông.

Maggie Chau, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Phật giáo, Đại học Hồng Kông.

Fiona Cheong, tiểu thuyết gia và phó giáo sư về viết sáng tạo, Đại học Pittsburght, Hoa Kỳ, châu Âu và Singapore.

Marianne Claveau, nguyên giáo viên trung học và hiện là giáo viên đại học, chuyên viên xã hội và hướng dẫn chánh niệm trong các chương trình cộng đồng và tại Đại học Clermont-Ferrand, Pháp.

Bobbie Cleave, nhà giáo dục, nguyên viên chức kiểm lâm Hoa Kỳ, làm việc tại Đại học bang Utah và Rừng quốc gia Uinta-Wasatch-Cache, thành viên Tiếp Hiện, hiện sống tại tu viện Lộc Uyển, Hoa Kỳ.

Anita Constantini, chuyên hướng dẫn các khóa tu chánh niệm: Campo di Felicità và Tuscan Wise Mindfulness Hiking Retreats, thành viên Tiếp Hiện, Ý.

Rosa Marina De Vecchi, nhà giáo dục và nhân viên xã hội, làm việc tại Cooperativa sociale l’Albero và các cơ quan địa phương tại Verona, thành viên Tiếp Hiện, Ý.

Murielle Dionnet, giáo viên mẫu giáo, tiểu học và giáo viên chuyên dạy cho các trẻ khuyết tật tại các trường tiểu học công lập, giáo thọ cư sĩ và thành viên Tiếp Hiện, Pháp.

Pascale Dumont, giáo viên tiểu học tại Nanterre, Pháp.

Miles Dunmore, giáo viên dạy văn học Anh tại trường American School, Luân Đôn, Vương quốc Anh. Thành viên của tăng thân The Heart of London và người hướng dẫn khóa tu.

Elia Ferrer Garcia, giáo viên tiểu học, làm việc tại Trung tâm Giáo dục Centre D’educacio Infantil I Primaria Antaviana, Tây Ban Nha.

Didde Flor Rotne, giáo viên dạy thiền tập và hướng dẫn thực tập chánh niệm, làm việc tại tổ chức tư vấn giáo dục Stillness revolution, Đan Mạch. Đồng tác giả của cuốn sách Everybody Present.

Nikolaj Flor Rotne, giáo viên thiền tập, diễn giả, làm việc tại tổ chức tư vấn giáo dục Stillness revolution, Đan Mạch. Đồng tác giả của cuốn sách Everybody Present.

Marcela Giordano, nhạc sĩ và tình nguyện viên trong Chương trình trẻ em tại Làng Mai, Uruguay.

Julian Goetz, nhà giáo dục và quản lý, Winterline Global Education, Hoa Kỳ.

Sư cô Hài Nghiêm, giáo thọ, Thiền đường Hơi thở nhẹ, Pháp.

Bea Harley, giáo viên hội họa đã về hưu, nguyên phó hiệu trưởng của trường Dharma Primary School, Vương quốc Anh, Cara Harzheim, nguyên giáo viên ngôn ngữ và triết học, Ludwig-Meyn- Gymnasium tại Uetersen, thành viên Tiếp Hiện, Đức và Pháp.

Derek Heffernan, giáo viên, trường trung học Sir Guy Carleton, Nepean, Ontario, Canada.

Goyo Hidalgo Ruiz, giáo viên trung học, Instituto de Ensenanza Secundaria San Isidoro tại Seville, thành viên Tiếp Hiện, Tây Ban Nha.

Angelika “Anka” Hoberg, giáo viên tiểu học đã về hưu, Worpswede, Đức.

Tăng thân gồm các giáo chức tại Institut J.M.Zafra: Dunia Aparicio, Karina Grau, Carme Morist, Toni Pujades, Montserrat “Montse” Ramírez Sáez và Rosa Rodrigo, các giáo viên trung học tại Barcelona, Tây Ban Nha.

Olga Julián Segura, chuyên gia về lĩnh vực đào tạo và phát triển, Tây Ban Nha.

Neha Kaul, Giáo sư phụ tá, viện Y Dược, Đại học Y khoa New York, Hoa Kỳ.

Sara J. Kein (hay Sara Unsworth), chuyên gia tâm lý và chủ nhiệm khoa Khoa học hành vi và xã hội, Đại học Diné, Hoa Kỳ.

Elizabeth Kriynovich, giáo viên, trường Delaware Valley Friends tại Paoli, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Chau Li Huay, phụ trách lĩnh vực đào tạo tại các trường công lập, Singapore.

Kaira Jewel Lingo, nhà giáo dục về chánh niệm và hướng dẫn các khóa tu, giáo thọ cư sĩ và thành viên Tiếp Hiện, Hoa Kỳ và châu Âu; là người biên soạn cuốn sách Planting Seeds.

Lyndsay Lunan, giảng viên văn chương và tâm lý, Đại học City of Glasgow và tổ chức Youth Mindfulness, Vương quốc Anh.

Annie Mahon, nhà văn, blogger, giáo viên chánh niệm, nhà vật lý trị liệu, đồng sáng lập Cộng đồng chánh niệm Opening Heart, và DC Yoga Week, thành viên Tiếp Hiện, Hoa Kỳ.

Victoria Mausisa, giám đốc kinh doanh đã về hưu, chuyên hướng dẫn các khóa tu, diễn giả, Hoa Kỳ.

Alison Mayo, từng là lãnh đạo trường Dharma Primary School trong những năm đầu, Vương quốc Anh.

Yvonne Mazurek, giáo viên lịch sử nghệ thuật, School Year Abroad và USAC tại Viterbo, Ý; điều phối viên (phụ trách về tình nguyện viên) cho Chương trình Wake Up Schools tại Làng Mai, Pháp.

Sara Messire, giáo viên tiểu học, Pháp.

Constance Chua Mey-Ing, giáo viên, trưởng bộ môn Giáo dục công dân và phát triển nhân cách, trường Maha Bodhi, Singapore.

Coreen Morsink, giáo viên, nhà tư vấn, trường St. Catherine’s British, Athens, Hy Lạp.

Kenley Neufeld, trưởng khoa, Đại học Santa Barbara City, giáo thọ cư sĩ và thành viên Tiếp Hiện, California, Hoa Kỳ.

Nguyễn Như Mai, ca sĩ kiêm sáng tác, đại diện nhóm Wake Up Bắc Mỹ, Hoa Kỳ.

Gail Williams O’Brien, cựu giáo sư, nguyên phó khoa, Đại học North Carolina State, giáo viên yoga, Hoa Kỳ.

Jade Ong, giáo viên trung học tại một ngôi trường được sự bảo trợ của Cao Uỷ Liên Hợp quốc về người tỵ nạn, Mã Lai.

Mack Paul, giáo viên chuyên về lĩnh vực giáo dục đặc biệt, trường trung học Irving, Norman, Oklahoma, Hoa Kỳ.

Christine Petaccia, nhà trị liệu chức năng trong trường học và chuyên gia về liệu pháp KonaJoy, Hoa Kỳ.

Thầy Pháp Dung, giáo thọ, Làng Mai, Pháp.

Thầy Pháp Lai, giáo thọ, Làng Mai, Pháp. Thầy Pháp Lưu, giáo thọ, Làng Mai, Pháp.

Jess Plews, nguyên giáo viên tiểu học, người hướng dẫn chính của dự án Outdoors Project, Vương quốc Anh.

Mary Lee Prescott-Griffin, giáo sư về giáo dục, Đại học Wheaton, Hoa Kỳ.

Morrakot “Chompoo” Raweewan, giáo sư phụ tá về kỹ thuật, Viện công nghệ quốc tế Sirindhorn, Đại học Thammasat, thành viên Tiếp Hiện, Thái Lan.

Joe Reilly, ca sĩ kiêm sáng tác, nhà giáo dục về môi trường, thành viên Tiếp Hiện, Hoa Kỳ.

Susannah Robson, giáo viên tiểu học, Vương quốc Anh.

Adriana Rocco, người hướng dẫn thực tập chánh niệm, giáo thọ cư sĩ, thành viên Tiếp Hiện, Ý.

Betsy Rose, ca sĩ kiêm sáng tác, nhà giáo dục về chánh niệm, đào tạo giáo viên tại các trường học, hội thảo, khóa tu, Hoa Kỳ.

Giorgia Rossato, nhà giáo dục, nhà trị liệu shiatsu, tổ chức các chương trình ngoại khóa, Pháp và Ý.

Michael Schwammberger, giáo thọ cư sĩ, hướng dẫn thực tập chánh niệm, tổ chức khóa tu, thành viên Tiếp Hiện, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh.

Jasna K. Schwind, phó giáo sư điều dưỡng, Đại học Ryerson, Canada.

Sara Martine Serrano, trợ lý về lĩnh vực giáo dục đặc biệt, trường Waldorf và Camphill Community, giáo thọ cư sĩ, thành viên Tiếp Hiện, Thuỵ sĩ.

Shantum Seth, cố vấn cao cấp của Ngân hàng Thế giới, Ahimsa Trust, giáo thọ cư sĩ, thành viên Tiếp Hiện, Ấn Độ.

Ranjani Shankar, giáo viên tiếng Anh tại trường trung học Công giáo, Ấn Độ.

Gloria Shepard, giáo viên chánh niệm, Hoa Kỳ.

Tony Silvestre, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm và vi sinh học, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chánh niệm và ý thức, Đại học Pittsburgh, giáo thọ cư sĩ, thành viên Tiếp Hiện, Hoa Kỳ.

Niki Smith, trợ giảng, trường Dharma School, Vương quốc Anh.

Matt Spence, giáo viên trung học và huấn luyện viên, trường Providence Day tại Charlotte, North Carolina, Hoa Kỳ.

Tineke Spruytenburg, giáo viên về lĩnh vực giáo dục đặc biệt, hiện là nhà quản trị, đồng sáng lập tổ chức Happy Teachers, thành viên Tiếp Hiện, Hà Lan.

Meena Srinivasan, trước đây là giáo viên, hiện nay là quản lý chương trình Office of Social and Emotional Learning, Oakland Unifed School

District, thành viên Tiếp Hiện, Hoa Kỳ. Tác giả cuốn Teach, Breathe, Learn.

Sư cô Tại Nghiêm, xuất sĩ, Làng Mai, Pháp.

Mariann Taigman, chuyên gia về liệu pháp chức năng, Hoa Kỳ.

Nisanart “Gift ” Tavedikul, trợ lý giám đốc, American School of Bangkok, Thái Lan.

Christiane Terrier, giáo viên bộ môn lý-hoá đã về hưu, Lycée Edmond Michelet, Arpajon, thành viên Tiếp Hiện, người hướng dẫn thực tập chánh niệm, Pháp.

Judith Toy, người có kinh nghiệm hướng dẫn thiền tập, thành viên Tiếp Hiện, nguyên phó tổng biên tập tạp chí Mindfulness Bell, Hoa Kỳ.

Sư chú Trời Minh Tâm, xuất sĩ, tu viện Lộc Uyển, Hoa Kỳ.

Chelsea True, giám đốc điều hành và hướng dẫn thực tập chánh niệm, dự án Joyful Mind, Hoa Kỳ.

Katrina Tsang, giảng viên đại học, Hồng Kông.

Mark Vette, giảng viên, chuyên gia về hành vi động vật, nhà động vật học, người sáng lập Dog Zen, thành viên Tiếp Hiện, New Zealand.

David Viafora, giáo viên chánh niệm và nhà hoạt động xã hội, Hoa Kỳ.

Dzung X. Vo, bác sĩ Nhi khoa và chuyên gia sức khỏe vị thành niên, bệnh viện nhi British Columbia Children’s Hospital và Đại học British Columbia, thành viên Tiếp Hiện, Canada. Tác giả của sách cuốn sách Yêu sự căng thẳng, thương nỗi muộn phiền .

Peggy Rowe Ward, giảng dạy về chánh niệm và hướng dẫn các khóa tu, giáo thọ cư sĩ và thành viên Tiếp Hiện, Lotus Institute, Hoa Kỳ và Thái Lan.

Elli Weisbaum, hướng dẫn thực tập chánh niệm, nghiên cứu sinh, Viện nghiên cứu Y học, Đại học Toronto, thành viên Tiếp Hiện, Canada.

Chris Willard, nhà tâm lý học, giảng viên trường Harvard Medical School, Hoa Kỳ. Đồng tác giả cuốn Teaching Mindfulness to Kids and Teens.

Jennifer Wood, giáo viên trung học và chuyên gia tư vấn, Hoa Kỳ.

Caroline Woods, giáo viên, trường Dharma Primary School, Vương quốc Anh.

Sarah Woolman, giáo viên trung học và tiểu học, trường Waldorf School, Vương quốc Anh.

Ross Young, giáo viên tiểu học, Vương quốc Anh.