Bồ công anh cho mùa xuân năm tới

Mùa xuân châu Âu

Đức là một đất nước thật xinh đẹp, có bốn mùa như thể một cô công chúa luôn có bốn chiếc váy, hay như một chàng hoàng tử luôn có bốn bộ vest, ăn mặc chỉnh tề mỗi khi đi dạ hội. Nói thật chưa bao giờ tôi thấy ở đâu mà hoa nhiều như vậy, chỉ qua một đêm mà từ dưới lòng đất xuất hiện bao nhiêu là hoa, nào bồ công anh, nào thủy tiên, nào tu-lip, nào hoa cải, rồi nhiều nhiều loại hoa nhỏ li ti,… Qua đây tôi mới biết những bài thơ, những bài thiền ca Thầy làm không phải là tưởng tượng. Những hình ảnh như “Bụt là lá chín, Pháp là mây bay”, “thở vào hoa nở, thở ra trúc lay”, “trời xanh mây trắng là đây”, hay “núi tuyết in nền trời và nắng reo phơi phới”, rồi “đất hồng như môi son bé thơ”, “qua ngõ vắng lá rụng đầy”,… đều là có thật hết. Khi mới qua đây, tôi nói đùa “mình không dám đi nhanh, vì đi nhanh quá thì hơi vô tình với những bông hoa đang nở dưới chân mình”.

Đi gặp Đôn Ki-hô-tê

Chưa hết kinh ngạc về mùa xuân nước Đức, chúng tôi lại có cơ hội được đi ngắm hoa ở Hà Lan bốn ngày. Qua đây chúng tôi được nghỉ tại trung tâm thực tập của một tăng thân địa phương. Trung tâm nằm ở ngoại ô, xung quanh là cánh đồng  lê, táo, mận đang nở hoa trắng xóa. Ấn tượng mà  tôi không bao giờ quên là ngủ trên một gác xép, phía trên nóc của ngôi nhà, giường tôi nằm cạnh cửa sổ, một cửa số toàn là kính. Cái cảm giác ngủ trong căn phòng đó làm tôi rất hạnh phúc. Hồi nhỏ tôi có xem những bộ phim về châu Âu, và luôn thích hình ảnh của những căn phòng như vậy. Nó có vẻ như một thiên đường riêng mà lũ trẻ con thường hay nghe kể chuyện phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad trước khi đi ngủ. Vào nửa đêm tôi có thể nhìn lên bầu trời và tha hồ thưởng thức theo cách mà tôi đã tưởng tượng khi còn bé.

Những ngày ở Hà Lan là những ngày rất lạnh, có những đêm có mưa đá. Lần đầu tiên trong đời nhìn thấy cảnh này, tôi bèn mở cửa sổ nhặt một ít đá ăn thử, mặc dù ngoài trời đang mưa rất lớn. Những ngày sau đó tôi được đi thăm cả một công viên toàn hoa tu-lip, tu-lip đủ màu, đủ kích thước, đủ chủng loại. Hôm sau đi thăm cối xay gió, xe tới nơi thì trời mưa lớn và không khí lạnh buốt, nên chỉ nhìn được qua cửa kính. Tôi hỏi thầy Pháp Xả – người Hà Lan, đang lái xe: “Thầy có biết ông Đôn Ki-hô-tê không, cái ông mà đánh nhau với cối xay gió ấy?”. Thầy cười và cũng không biết ông Đôn Ki-hô-tê theo cách phát âm tiếng Việt của tôi. Tôi nhìn xa xa và ước gì trời không mưa để tôi thử xuống làm Đôn Ki-hô-tê Việt Nam mà không được.

Mùa hè Học viện

Mỗi năm, vào mùa hè, ở Học viện (tên gọi đầy đủ là Viện Phật học Ứng dụng châu Âu) thường tổ chức hai khóa tu lớn: khóa tu dành cho người nói tiếng Đức và khóa tu cho người nói tiếng Hà Lan. Mặc dù không có Thầy, nhưng chúng xuất sĩ từ các xóm của Làng Mai vẫn qua để giúp Học viện tổ chức và hướng dẫn khóa tu. Với sự có mặt của các vị giáo thọ lớn và hơn 100 vị xuất sĩ nên năng lượng rất hùng hậu. Người Đức tới rất đông, họ dẫn theo cả gia đình đủ mọi thành viên, từ già cho đến em bé vài tháng tuổi. Những chiếc lều đủ màu dựng ngay trên bãi cỏ đồi táo. Ban tổ chức sắp xếp chỗ cắm lều dành cho người độc thân, dành cho gia đình, cho tình nguyện viên, mọi thứ đều ngăn nắp và sạch sẽ vô cùng. Có vài trăm người cùng cắm lều trên đồi táo nhưng tôi có cảm giác họ đang đi ngủ đông vậy, luôn luôn giữ im lặng và ý thức về sự có mặt của người bên cạnh.

Khóa tu này tôi có giúp làm DVD, thực tình đây không phải là lĩnh vực của tôi, nhưng vì thiếu người nên tôi phụ giúp. Một thầy quay phim, một thầy làm CD, và tôi làm DVD. Ban đầu hơi trục trặc kỹ thuật, bởi vì tôi nghĩ tôi chỉ phụ thôi, ai dè lại làm chính cho DVD. Một thời gian khá dài không làm nên tôi quên rất nhiều, thử đi thử lại mãi, có lúc mấy thầy trò mày mò tới khuya mà chưa được. Tôi định bỏ cuộc và chấp nhận những gì đang có, thôi chỉ có CD vậy, nhưng các thầy trong nhóm luôn kiên nhẫn mày mò làm tới cùng, cuối cùng khóa tu Hà Lan cũng có DVD. Tôi cảm thấy rất vui khi làm việc với hai thầy trong đội này, một vị thì luôn nhẹ nhàng từ tốn, nói tôi có thể làm những gì có thể, giúp cho tôi học được sự buông bỏ. Còn một thầy giúp tôi học được bài học của sự kiên nhẫn và không khuất phục trước những thử thách.

Trong khóa tu này, tôi còn được nuôi dưỡng bởi những em bé người Đức và Hà Lan. Các em người Đức thì lên đồi nhặt táo rụng, các em bé người Hà Lan thì nhặt sỏi về rồi vẽ lên và các em bày ra bán cho các vị thiền sinh trong khóa tu. Mỗi buổi bán hàng xong, các em ngồi vòng tròn đếm lại  số tiền mình đã thu được và sau đó các em mang số tiền đó đến sư cô Chân Không đóng góp cho chương trình Hiểu và Thương giúp trẻ em nghèo Việt Nam. Những hình ảnh này đã đi sâu vào tâm thức tôi. Tôi thấy hạt bồ đề đã gieo vào các em, chỉ qua những hành động rất đơn giản mà bố mẹ và môi trường đã cho các em có cơ hội đó.

Hình như thu đã về

Khi thấy táo và lê trên đồi chín là biết mùa thu đang tới. Trên đồi Học viện có cả trăm cây táo, lê, mận, sai trĩu quả. Ngày trước, khi ở Hà Nội nghe những bài hát về mùa thu làm tôi phải xao xuyến “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…” thì sang Đức tôi thấy một vùng trời chỉ toàn màu vàng. Vàng cả thành phố, lá vàng ngập cả đường đi, lá vàng bao trùm khắp mặt đất. Sắc thu làm cho hồn mình cũng lắng đọng và êm đềm đến kỳ lạ. Phải chăng khi tâm mình lắng đọng mình cũng có thể thấy rõ mình hơn như hồ nước mùa thu kia vậy.

Hồ thu làm cho tôi nhớ tới mấy câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo”.

Tôi cũng tranh thủ đi chụp lại những khoảnh khắc này. Những ngày này ban chăm sóc có tổ chức  đi bộ ngắm lá thu và vào rừng hái nấm. Nhưng thật tiếc, năm nay mưa ít nên không có nấm, anh chị em vào rừng chơi, ngắm lá thu, quả thật đó  là những kỷ niệm đẹp, nó đã đi vào thiên thu. Mùa này cũng là lúc tri cây cảnh của tôi chuyển từ chăm cây sang cào lá. Lá rụng nhiều quá, đến nỗi tôi nói đùa “làm sao mà cào cho hết được lá mùa thu”.

Đông sang hoa tuyết ngập lưng trời

Tôi nhận ra đông sang qua một đêm trời đất thay áo mới, tuyết trắng phủ kín. Mấy hôm trời lạnh tuyết cũng lất phất rơi như mưa phùn ở xứ ta vậy, 

nhưng nó cũng đủ cho mấy anh chị em mới qua thích thú. Nhưng chỉ sau một đêm là tuyết đã về ngập cả lối đi, chẳng ai ngờ tới. Nó làm cho chúng tôi vô cùng sửng sốt, kinh ngạc và hạnh phúc tột cùng.

Đêm đó tôi thức cũng khá muộn, khoảng 11 giờ thì đi ngủ, tôi cũng chưa vào giấc hẳn thì bất ngờ, khoảng 12 giờ, có người kéo chân tôi. Tôi mở mắt ra thấy bóng người lờ mờ, nhìn sang giường bên thấy sư anh cùng phòng vẫn đang ngủ, cửa phòng thì vẫn đóng. Đêm hôm ai vào phòng mình mà làm gì, ngay lúc đó tôi nghĩ tới ma. Như một phản xạ tự nhiên, tôi hét lên một tiếng cả tăng xá phải nghe thấy, vài giây sau tôi nhìn kỹ lại thì là người, cái bóng đen kia bắt đầu thều thào lên tiếng: “Dậy, dậy, tuyết rơi trắng xóa kìa”. Lúc đó tôi chẳng còn nhớ tới ma, hay người gì nữa, tôi vùng dậy, mặc áo đi ra ngoài ban công xem có gì hay ho mà đêm hôm khuya khoắt gọi nhau thế. Ra tới nơi thì gặp hai thầy phòng bên cũng đang ngắm tuyết, hai thầy nhìn tôi cười vì tiếng hét vừa rồi.

Nhìn ánh sáng của tuyết phản lại vào bóng đèn điện trong hành lang, tôi hết sức kinh ngạc vì chỉ vài giờ trước vẫn còn nghe thấy tiếng lá xào xạc của mùa thu rơi xuống bờ tường, thế mà giờ đây thay đổi tới chóng mặt. Trước mắt tôi chỉ một màu trắng, màu trắng của tuyết làm cho đêm đông dường như sáng hơn, và có thể nhìn thấy rõ mặt nhau khi đứng gần. Tôi mở cửa bước ra mà tuyết rơi đầy trên áo. Hành lang đi xuống tuyết đã phủ kín cả chục centimet. Tôi lấy chân giẫm lên, tuyết in hình dép, tay sờ vào lan can, tuyết lạnh buốt. Tôi ngắm nghía một lúc rồi về phòng ngủ để sáng mai dậy sớm đi chơi tuyết.

Sáng hôm sau, ai nấy đều diện giày tuyết để xuống ăn sáng, nhìn ai cũng khăn mũ kín mít, vừa ăn sáng xong là anh em tôi lấy tuyết ném nhau, đủ mọi tư thế để tận hưởng cái món quà có một không hai này, nằm, ngồi, lăn, trượt,… Lúc này chẳng ai sợ lạnh gì hết, chúng tôi không quên chụp ảnh để “khoe” mấy anh em trong gia đình xuất gia của tôi đang ở Thái. Nhóm các sư cô, cầm dù đủ màu sắc rồi đi thẳng lên đồi táo chụp hình, rồi bắt đầu hát, múa, quay phim, tôi nhìn mà không nhịn được cười. Có lẽ khi con người ta tiếp xúc được với cái đẹp chân thật, tâm hồn họ sẽ trong sáng và hồn nhiên hơn bao giờ hết.

Chuẩn bị tới Noel, không khí ở đây cũng rất rộn ràng, kết hoa, treo đèn, giống như mình đón Tết. Tôi tưởng tượng tới cảnh cả gia đình quây quần bên nhau ăn tối, một không khí gia đình thật ấm áp. Ngoài trời tuyết vẫn rơi, nhưng trong nhà có trà, có bánh, có lò sưởi đỏ, có mâm cơm nóng, có mặt cho nhau, như vậy đâu còn sợ gì mùa đông băng giá.

Mỗi lần nhìn lại, mỗi lần mới tinh

Ở đây có bốn mùa thay lá, bốn mùa của màu sắc, bốn mùa của giao cảm đất trời. Mùa nào cũng có nét riêng của nó, ví như mùa đông có tuyết thật đẹp, nhưng lại không có mặt trời, nhiều lúc người ta thèm vài tia nắng để sưởi cho ấm, người ta thèm cảm giác đi dạo, ngồi trên bãi cỏ ngoài trời. Nhưng nhìn cho sâu thì chúng lại có đặc trưng riêng của chúng. Nếu mình biết tận hưởng thì mùa đông tới mình sẽ không còn sợ lạnh lẽo, không còn muốn đông mau kết thúc để đón xuân sang, nhìn hoa nở, nghe chim ca, hay nghĩ tới mùa hè ngập tràn bởi nắng. Mỗi thứ đều có một dấu ấn riêng, mà nếu thưởng thức được thì chúng có mặt bên nhau thật gần.

Tu học cũng vậy, cũng giống như thưởng thức bốn mùa: “khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”, có khi nhặt chiếc lá thu đỏ ối, có lúc vốc một nắm tuyết trên tay. Tôi cảm nhận theo cách chúng đang biểu hiện và theo cách tôi đang quán chiếu. Nhiều khi khổ đau có mặt, cũng giống như nắm tuyết mùa đông, nhưng tôi có thể cầm nó trên tay, mang về nấu trà để làm ra đám mây mùa hạ, chén trà nóng trên tay như chiếc lá mùa thu, và bã trà tôi đổ xuống đất sẽ sinh ra những bông hoa bồ công anh cho mùa xuân năm tới.

Mùa xuân của sang năm tôi vẫn thấy nó đẹp, vẫn gốc anh đào đó, vẫn thảm bồ công anh đây, nhưng chúng lại đẹp theo một cách mới, chúng vẫn làm tôi tỉnh giấc mỗi khi đi thiền hành. Mùa hạ sang năm tôi vẫn thưởng thức được những trái lê giòn tan, từng quả anh đào (cherry) ngọt lịm. Hay mùa thu tới tôi vẫn đi dạo, ngắm lá thu bay, ngắm từng đàn vịt trời đang bơi lội trong hồ thu trong vắt. Mùa đông tôi vẫn thấy đông đẹp quá chừng, tôi vẫn vốc từng nắm tuyết trên tay mà xuýt xoa kêu lạnh. Sự tu học sợ nhất là mình luôn thấy nó cũ, luôn thấy nó cứ vậy mãi hoài hoài, đông năm trước chẳng khác gì đông năm nay. Chính vì thế mà mình làm mình khổ và người thương mình khổ. Sự thực tập “mỗi lần nhìn lại mỗi lần mới tinh” rất sâu, chỉ có năm tháng tu học mình mới cảm nhận được.

Nhà bếp cũng là thiền đường

Sư cô Diệu Nghiêm (thường được biết đến là sư cô Jina), người Ái Nhĩ Lan, quốc tịch Hà Lan, xuất gia trong truyền thống Thiền Tào Động ở Nhật Bản năm 1985. Sư cô được thọ giới lớn và được Sư Ông Làng Mai truyền đăng năm 1992. Là một sư chị lớn trong tăng thân, sư cô luôn nuôi dưỡng các sư em bằng sự tươi mát, vững chãi và tình thương đầy bao dung của mình. Sư cô hiện đang tu tập tại xóm Hạ, Làng Mai.

Tôi xin chia sẻ kỷ niệm về một mùa An cư kiết đông trong những năm đầu của Làng Mai. Một trải nghiệm đã tạo cho tôi nguồn cảm hứng cho tới ngày hôm nay. Tôi nhớ đó là mùa đông năm 1991. Năm đó, Thầy thường hay cho pháp thoại trong nhà ăn, cái nhà ăn cũ của xóm Hạ.

Chắc có vài vị cũng biết nhà ăn đó như thế nào. Nhà ăn có một lò củi lớn và Thầy thường ngồi sau bàn gần cái lò củi đó, còn chúng tôi thì ngồi trên những hàng ghế đối diện với Thầy.

Hồi đó, chúng tôi phải nấu ăn trong một góc của nhà ăn; cắt gọt trên một cái quầy có bồn rửa bát, còn bếp lò thì ở phía sau. Phòng ăn không rộng lắm, và điều đặc biệt là chúng tôi phải nấu ăn trong lúc Thầy đang cho pháp thoại.

Hồi đó, đội nấu ăn có rất ít người và đội của tôi thì gồm có hai người là tôi và… tôi. Hôm ấy, chúng tôi phải nấu ăn cho ngày quán niệm, có tất cả là 45 người. Đó thật là một thách thức cho một đội chưa bao giờ từng nấu ăn cho quá sáu người.

Thầy đang giảng trước phòng ăn, còn tôi thì đang ở trong góc, cắt gọt và nấu nướng trên bếp. Tôi phải làm việc thật yên lặng để không làm phiền Thầy. Và phải thật sự có mặt với công việc mình đang làm: cắt gọt, thở, rửa bát và… rửa nồi. Chuyện khó nhất là tôi phải đi từ cái góc bếp tới chỗ rửa nồi ở phòng kế bên, nghĩa là… phải đi ngang qua Thầy!

Tôi bê cái nồi, đi một cách thật chánh niệm, ý thức từng bước chân và hơi thở của mình để đi sang phòng kế bên rửa nồi. Phòng này không có cửa ngăn nên từ nhà ăn người ta có thể nghe được hết những gì đang xảy ra bên này. Rửa nồi xong tôi đi trở về và tiếp tục nấu ăn.

Bầu không khí thật nhẹ nhàng và tôi có mặt hoàn toàn với công việc mình đang làm. Sau buổi pháp thoại, Thầy đi thẳng tới cái quầy tôi đang nấu ăn và nói: “Sư cô Jina là một đầu bếp giỏi!”. Tôi nhìn Thầy ngạc nhiên. Thầy chưa từng thử món ăn tôi nấu bao giờ, làm sao Thầy biết tôi là đầu bếp giỏi hay không? Thầy cười thật tươi với tôi và tôi hiểu ngay. Tôi biết rồi! Thầy không ám chỉ mùi vị của những món ăn tôi nấu mà Thầy muốn nói tới cách thức tôi nấu ăn và đi đứng.

Tuy đó không phải là ngày duy nhất mà tôi nấu ăn nhưng là ngày nấu ăn duy nhất mà tôi còn nhớ. Nấu ăn với sự có mặt của Thầy, tôi cảm thấy mình không nấu ăn một mình. Tôi ý thức sự có mặt của Thầy và được lợi lạc từ năng lượng chánh niệm của Thầy. Đó là một trải nghiệm thật tuyệt vời!

Lúc tôi xao lãng, gây tiếng động trong khi đi đứng thì tôi nhớ lại buổi nấu ăn hôm ấy. Đó là một tiếng chuông chánh niệm, giúp tôi đem tâm trở về với thân để có thể ý thức hơn về từng cử động của mình.

Thầy có mặt nơi nào là nơi đó năng lượng chánh niệm có mặt. Tôi nhớ có lần vào khoảng năm 1996 hay năm 1997, tất cả các sư cô về sống chung với nhau ở xóm Mới. Và thỉnh thoảng Thầy có đến ăn cơm với chúng tôi. Một hôm, khi đi vào phòng ăn, bỗng nhiên tôi cảm nhận trong phòng ăn có một năng lượng rất đặc biệt. Khi các sư cô từ những hướng khác nhau đi đến phòng ăn, ai cũng mở cửa và đóng cửa trong chánh niệm. Mọi người đều ăn và đi đứng có chánh niệm, một cách đặc biệt. Tôi dừng lại, nhìn chung quanh và thấy Thầy đang dùng cơm trưa ở một góc phòng ăn. Buổi chiều, tôi chia sẻ điều đó với Thầy, Thầy hỏi: “Sư cô nghĩ gì về điều này?”. Tôi không trả lời Thầy nhưng để thì giờ quán chiếu về điều đó.

Sự có mặt của Thầy làm phẩm chất chánh niệm trong tôi tăng lên. Tôi nghiệm ra rằng: nếu sự hiện diện của Thầy giúp cho tôi có mặt nhiều hơn trong những công việc mình đang làm thì tại sao tôi không mời Thầy về trong khi mình đi tới thiền đường mỗi buổi sáng, trong khi mình ăn cơm trưa hay trong khi mình ngồi thiền? Như vậy thì bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, tôi cũng có thể thừa hưởng được năng lượng chánh niệm từ sự có mặt của Thầy.

 

 

Tết Thầy

Ngày về

Nếu cần lấy một sự kiện để ghi nhớ cho năm nay đó chính là sự kiện này: Sư Ông về Thái. Không năm nào là không đầy sự kiện, năm này cũng thế, cũng rất đầy và có vẻ như những năm càng về sau thì càng đầy. Nhưng sự kiện này là ngoại lệ, là nằm ngoài các tính toán sắp đặt và nằm ngoài mong ước của mọi người. Đó là một quyết định lớn, một quyết định đặt tất cả các quyết định trước đó của tất cả những ai liên quan vào chỗ bị động. Nhưng đó là một sự bị động tích cực.

Thế nào là một nhân cách lớn? Có phải đó chính là sự ảnh hưởng tích cực của nhân cách ấy lên những nhân cách khác một cách sâu rộng và lâu dài? Sư Ông là một người có nhân cách ấy.

Cái Tết chỉ đến một lần

Hàng mộc già ngoài hiên đồng loạt trổ hoa từ mấy hôm nay. Chưa bao giờ cây mộc trắng tinh ngập hoa như lần này. Trăng non mong manh qua lớp mây mỏng phủ lên không gian thơm tho kỳ diệu này thêm một tầng kỳ ảo thơm tho nữa. Cửa sổ rộng mở ngay sau lưng cho tôi cảm nhận được trọn vẹn sự ảo diệu tinh khôi ấy. Về đây, bạn sẽ được đón tiếp bởi ánh trăng ấy, bởi hương mộc ấy và đặc biệt hơn cả là bởi cái không khí đoàn viên như Tết này.

Một cái Tết sớm mà lại là một cái Tết được mong đợi hơn bất cứ một cái Tết nào. Bởi vì đơn giản rằng đây không phải là một cái Tết cứ mỗi năm lại đến mà là cái Tết chỉ đến một lần. Quyết định về Thái Lan của Sư Ông mang đến cái Tết chỉ đến một lần này.

Một cái Tết bình thường không thể nào có được không khí chuẩn bị rộn ràng và hết lòng như cái Tết đặc biệt này. Đại chúng làm việc hết công suất. Không phải là hai thời như khóa tu chấp tác, cũng không phải ba thời như lúc Bát Nhã đón Sư Ông năm 2007, chỉ một thời thôi: đã bắt đầu và hãy còn chưa kết thúc. Tất cả tài lực, nhân lực, năng lượng, thời gian và tình thương đều đang quay về biển lớn của niềm vui phụng sự. Đây thực sự là một món quà tuyệt diệu mà cái Tết đặc biệt này hiến tặng cho mọi người. Không có ai đứng ngoài cái Tết này. Nói cách khác, cái Tết này ôm được hết tất cả vào lòng. Do đó, mới gọi là Tết Thầy, vì trong lòng Thầy luôn có chỗ cho tất cả mọi người.

Thất Nhìn Xa đang được “lật tung” lên. Nói đúng nghĩa đen. Phòng ngủ, phòng ăn, phòng uống trà, phòng tập, phòng tắm, phòng bếp, phòng thị giả, cầu thang, tầng hầm, vườn cây, lối đi,… đều đang được xây dựng lại. Một thất Nhìn Xa mới đang chuyển mình để đón Sư Ông. Không phải chỉ  có thất Nhìn Xa, tất cả các con đường trong tu viện cũng đều đang bị “lật tung” lên. Từ xe ủi, xe múc, xe lu, xe tải, xe thùng, xe bê tông, xe phun nước, xe cẩu,… cho đến xe đạp, xe rùa đều đang hoạt động hết công suất.

Xóm Trời Quang, xóm Trăng Tỏ cũng đều được “xới tung” lên. Hơn 100 anh chị em xuất sĩ sẽ tới trong mấy ngày tới. Chưa hết, gần 200 cư sĩ cũng sẽ tới trong mấy ngày này. Cửa nhà phòng ốc đều phải được sắp xếp lại.

Lòng mỗi người cũng đang được “xới tung” lên. Thầy về đó, là thật, đúng là thật. Hầu hết đại chúng đều chưa được gặp Sư Ông từ mùa Xuân 2013, nghĩa là đã gần 4 năm, trong đó có hơn phân nửa là chưa từng được gặp Sư Ông lần nào. Ai mà không muốn được một lần thăm Sư Ông, đặc biệt là các em chưa từng được gặp Sư Ông, cái mong muốn ấy lại càng thiết tha bồng bột. Nhưng sức khoẻ của Sư Ông đã như thế, khoảng cách địa lý lại như thế, chúng lại đông như thế, thực sự là không có ai muốn nuôi nỗi hy vọng mong manh ấy. Thế nhưng nỗi vô vọng kia trong phút chốc bỗng trở nên vô nghĩa khi sự hiện diện của Sư Ông tại nơi này đang được đếm ngược bằng giờ và là một sự thật đã không thể không thành. Những mảnh đất tâm hồn vô vọng được phá toang, được xới cày tới tận gốc rễ và những mầm non của hội ngộ đoàn viên đang lớn dậy từng giờ. Lòng tôi cũng được xới tung. Lòng bạn cũng được xới tung. Đúng là một cái Tết lạ lùng.

“Với mảnh chân tâm đợi Người”

Những mảnh chân tâm chờ đợi ấy sáng nay lúc mười giờ đã hòa vào nhau trở thành một khối  yêu thương rộng lớn. Buổi sáng, nắng chia sân trước thất Nhìn Xa thành hai nửa đậm nhạt nhưng những mảnh lòng thành của mấy trăm con người đứng bên nhau giữa sân lại hòa quyện vào nhau thành một thể hùng vĩ uy nghiêm. Khi chiếc xe chở sự chờ đợi ấy tiến vào khoảng sân, sự chờ đợi ấy bỗng đồng loạt vụt tắt, nhưng thay vào đó, một biển sóng lặng thinh cuồn cuộn dâng lên trong từng ánh mắt rực sáng thương yêu. Tiếng hát “đã về đã tới” được ai đó khởi xướng đúng lúc và cũng được đại chúng hòa vào đúng lúc, hùng tráng và thân thương. “Chưa bao giờ hát bài ‘đã về đã tới’ mà cảm thấy đã như sáng nay” – một sư chú đã nói như thế khi trở về tăng xá.

Sư Ông được đưa xuống xe bằng cửa sau. Hai thị giả bồng Sư Ông từ trên xe xuống chiếc xe lăn nhỏ đã được chuẩn bị sẵn bên dưới. Đại chúng bao bọc một vòng chung quanh rất ấm cúng và đã có nhiều tiếng nấc xen trong những tiếng hát, đã có nhiều giọt ngọc tan vào những hạt nắng. Những bàn tay búp sen nơi trái tim và những dòng sáng tinh khôi từ đôi mắt đều đã hướng về người ngồi trên chiếc xe lăn đang được các vị thị giả đưa vào hiên thất Nhìn Xa.

Tôi đứng ngay cửa xe khi cửa mở, tôi đứng ngay lưng vị thị giả khi nâng chiếc xe lăn. Bỗng cánh tay trái của Sư Ông giơ cao, một ngón tay chỉ ngược lại hướng đi lên thất. Vị thị giả nào đó nhận ra rồi nhanh trí nói lớn lên rằng “Sư Ông muốn thăm đại chúng”. Vừa kịp thấy ngón tay, vừa kịp nghe tiếng nói là cùng lúc đó bàn tay của Sư Ông đã đưa lên cố lấy mũ ra khỏi đầu. Chiếc xe quay lại nhìn về phía đại chúng vẫn đang chắp tay quy hướng chân thành. Cái quay lại và đặc biệt là cái đưa tay lấy mũ ấy không hiểu sao lại làm tôi nghẹn cả cổ họng và nóng nhòe hai mắt. Nhưng tôi kịp an tịnh hơi thở và đã thưởng thức được trọn vẹn khoảnh khắc nghẹn ngào ngọt lịm ấy. Một khoảnh khắc nhiệm mầu của im lặng. Niềm vui đoàn tụ ngời sáng và sâu lắng trong một khoảng lặng vô tận vô cùng.

“Sư Ông bị trúng gió, xin Sư Ông lên nghỉ rồi sẽ thăm đại chúng sau”, tiếng một vị thị giả cất lên và chỉ một cái nhìn, các vị thị giả hiểu ngay là mình được phép. Chiếc xe được bốn vị nâng lên cầu thang rồi đưa vào phòng nghỉ trên thất. Biển người chầm chậm giãn ra trong không gian rộng lớn của thất Nhìn Xa rồi lặng lẽ tan vào buổi sáng đoàn viên uy nghiêm hùng tráng.

Tết rồi đó, Thầy về rồi đó.

Vừa được cạo gió xong là Sư Ông đã muốn đi thăm đại chúng! Sư Ông đã thăm rồi, vì đã luôn ngự trị nơi từng mảnh chân tâm ấy một cách vô cầu vô nguyện mà bất tận bất tuyệt.

“Thế nào Sư Ông cũng sẽ ở Thái Lan dài lâu”. Đó là mong muốn của tất cả mọi người ở đây nhưng khi được một sư chú nói ra với chữ “thế nào” hùng biện ấy thì ai cũng thấy vừa thỏa mãn vừa tò mò. “Vì sao lại ‘thế nào?”. Sư chú trả lời rằng vì thiên nhiên và con người ở Thái Lan sẽ làm cho Sư Ông khỏe hơn và bởi vì Thái Lan có thể làm cho Sư Ông trị liệu tốt nên Sư Ông sẽ ở lại Thái Lan lâu dài. “Nhưng nếu sức khoẻ của Sư Ông không tốt hơn khi ở Thái Lan thì sao?”. Câu hỏi rất khó. Tưởng rằng sư chú sẽ chịu thua nhưng không ngờ chữ “thì” của sư chú đáp lại chữ “nếu” khó khăn ấy là một chữ “thì” rất đặc biệt: “Thì Sư Ông sẽ không đủ sức để về Pháp và do đó Sư Ông thế nào cũng sẽ ở lại Thái Lan lâu dài”. Đúng là một chữ “thế nào” rất “hùng biện”, sự hùng biện của một tình yêu thương chân thành!

“Mặt tận mặt, lòng tận lòng”

Tiếng hát từ hiên trà tăng xá vẫn còn vang vang trong đêm trăng. Mấy phút nữa thôi chuông chỉ tịnh sẽ được thỉnh lên và niềm vui rộn ràng nhộn nhịp ấy sẽ được nhường chỗ cho niềm vui lặng lẽ, nhẹ nhàng.

Chiều nay tôi và thầy Pháp Niệm được lên thất Nhìn Xa thăm Sư Ông. Thị giả cho biết là Sư Ông không khỏe mấy và lại đang bị đau nhức. Vào phòng, thấy Sư Ông nằm bất động, tiếng thở tuy đều nhưng vẫn không giấu được sự đau nhức. Nhìn chân phải của Sư Ông co duỗi được, tôi thấy một niềm vui nhen nhóm trong lòng tuy biết rằng sự tiến triển đó được đo bằng những cơn đau của Sư Ông. Bỗng Sư Ông quay đầu, mở mắt nhìn. “Bạch Sư Ông, con là Pháp Niệm và Trung Hải”, thầy Pháp Niệm thưa khẽ. Sư Ông gật đầu hai  cái cũng rất khẽ nhưng mắt đã mở to hơn và nhìn thẳng với trọn vẹn sự tinh anh. Thầy Pháp Niệm quỳ phía cuối giường đưa tay bóp chân cho Sư Ông, tôi cũng tiến lại quỳ sát mép giường trong khi mắt vẫn không rời ánh nhìn từ ái, yêu thương, quyến luyến và thỏa mãn của Sư Ông. Bỗng Sư Ông đưa cánh tay trái ra một cách rất dứt khoát rồi ôm đầu từng đứa con vào lòng một cách nhẹ nhàng, âu yếm như những ngày xưa. Tôi đã rất cảm động và đã lưu giữ được cảm thọ đặc biệt ấy bằng những hơi thở trọn  vẹn ngon lành nhất. Sư Ông lại nhắm mắt nghỉ ngơi, hai anh em im lặng bóp chân cho Sư Ông một lúc rồi Sư Ông mở hẳn mắt ra nhìn và lần này Sư Ông đã cho người đối diện thấy rằng trong cái nhìn ấy vẫn còn đầy đủ sự tinh anh và uy nghiêm của một bậc tôn sư.

Sư Ông cười nhiều lần chiều nay và đã có lần cười ra tiếng. Thị giả rất vui và mấy em trong phiên trực ấy sau đó đã nói rằng niềm vui của Sư Ông chiều nay rất khác, bên cạnh nét tươi tắn còn có cả sự thỏa mãn của một nỗi mong chờ nào đó đã lâu không tìm thấy.

Được nhìn thẳng vào đôi mắt tinh anh từ ái mà uy nghiêm hùng vĩ của Thầy trong một khoảng cách gần bằng không như chiều nay là một niềm vui rất lớn, và lớn hơn cả khi  lòng mình được ánh mắt ấy đón nhận một cách trọn vẹn. Nhiều năm rồi không được trực tiếp hầu Sư Ông nhưng hai lòng vẫn như thể chưa từng xa cách.

“Trời cao, trăng vẫn thênh thanh như thuở trước,
Lòng sâu, người mãi tự tại tới ngàn sau
Tròn khuyết thăng trầm vẫn mãi còn nhau.
Mặt tận mặt, lòng tận lòng. Tri kỷ!”
Những trăn trở dịu dàng

Khi lòng rộng rãi và biết trân trọng sự có mặt của những người bạn tu chung quanh, đời tu bỗng nhiên trở thành một cuộc hẹn và dễ dàng thưởng thức. Sư Ông lại vào thăm tăng xá sau giờ ăn sáng. Hình ảnh Sư Ông là một chất xúc tác lớn cho ta tiếp xúc với biển lòng thênh thang nơi mà mỗi khi quay về mình liền có khả năng làm dịu dàng đi những trăn trở.

Tôi vẫn hay tự lừa dối mình bằng những trăn trở lớn lao, rằng có trăn trở những điều lớn lao ấy thì mình mới trở nên lớn lao! Gần đây, tôi bắt đầu biết làm dịu dàng đi những trăn trở ấy bằng hơi thở, bằng những tác ý như lý, bằng sự buông xả và bằng sự chấp nhận. Và tôi bỗng nhận ra rằng, thì ra người ta lớn là do người ta có khả năng làm dịu được những trăn trở lớn. Đó là đức hạnh, nếu chữ đức hạnh có thể được hiểu như thế, của kẻ bốn mươi tuổi: “Tứ thập bất hoặc”. Bất hoặc là gì nếu không phải là khả năng làm dịu dàng những trăn trở, là khả năng tháo tung những trăn trở và là khả năng mang những trăn trở về chan hòa trong biển lòng vô tận. Sự có mặt của Sư Ông lập tức mang lại sự dịu dàng ấy trong lòng người. Đó là Tết.

“Chén trà ấm trong hai tay
Bỗng dịu dàng bao trăn trở”.

Thắp lại lửa lòng

Tôi vừa pha một ấm phổ nhĩ, làm thong thả và thưởng thức từng động tác trong hương thơm cổ kính đang nhè nhẹ tỏa ra từ những thớ trà màu nâu đen. Tôi đã lại thấy lòng mình cháy bừng niềm vui học tập và phụng sự. Thì ra là lửa lòng vẫn có thể được thắp lên bằng những việc làm nho nhỏ như thế. Từ nay, tôi đã biết cách nhóm lòng bằng những việc nho nhỏ ấy. Không gian của lòng người là bất tuyệt, chỉ là tản mác và bị ngăn cách hay ràng buộc mà thôi. Tháo tung được thì ta trả lại được cho không gian tưởng nhỏ bé ấy sự bất cùng bất tuyệt vốn có của nó. Lòng nhóm được rồi thì ngọn lửa tự sẽ biết hân hoan.

“Lòng vừa nhóm, lửa cũng vừa hân hoan”

Gió đời bốn phương tám hướng dù có nghênh ngang đến mấy cũng chẳng thể nào làm tắt  được ngọn lửa đang cháy đều trong sự bảo hộ ấy của chánh định.

Lối về qua con đường vắng đã cho tôi một nụ cười vô hình vô dạng nhưng khoáng đạt thênh thang như thế.

Hương trời trong vạt áo
Thành mây che đường dài

Mây giăng kín, vầng trăng khuya nay thấp thoáng sau màn mây. Những tia nắng hiếm le lói xuyên qua màn mây tỏa xuống bãi cỏ trước thất Nhìn Xa một vùng sáng mờ ảo chỉ đủ làm hiện ra những dáng người đang ngồi bất động và tĩnh lặng. Tiếng gió nhẹ mời về tiếng gà rừng từng hồi thanh thoát. Và khi gió vén một khoảng mây xám khỏi nền trời, khi nắng mai đổ xuống thung lũng lốm đốm màu thu một vùng sáng tươi tinh khôi, thì cũng là khi chim rừng dâng thời kinh sáng, hùng tráng và hòa điệu.

Tiếng rên nhẹ của Sư Ông từ trên thất vọng xuống làm tê nghẹn từng hơi thở. Tôi ngồi đó, cố lấy  lại sự viên mãn của ý thức nơi hơi thở và tự nhủ rằng mình có thể thở cho Sư Ông. Hơi thở không còn tê nghẹn nữa nhưng trong nhập nhòe ánh sáng buổi sớm tôi bỗng nhận thấy nóng ấm nơi đôi mắt. May mà trời còn tối nên không ngại ai nhìn thấy. Tôi tiếp tục ngồi đó, an trú trong hơi thở và tình thương từ ánh sáng trên thất tỏa xuống làm ấm cả châu thân. Tôi ngước nhìn lên, thị giả đang đẩy xe Sư Ông lui tới trên thất. Xe lăn dừng lại sau khung cửa kính mở rộng tầm nhìn mênh mang xuống bãi cỏ và thung lũng đang được nắng mai thắp sáng dần. Tay Sư Ông đã cầm chén trà và thong thả đưa lên từng ngụm nhỏ. Bình an.

Xả thiền, đại chúng tập mười động tác chánh niệm ngay trước sân, tôi rời vòng tròn đi lên trên thất. Xá chào rồi quỳ xuống bên Sư Ông, nhìn Sư Ông uống từng ngụm trà thong thả và bình an. Nếu không có những cơn đau nhức thì đỡ cho Sư Ông biết mấy. Sư Ông nhìn tôi rồi tiếp tục một ngụm trà. Lặng yên. Rất lâu. Thị giả đổi chén trà mới. Sư Ông tiếp tục lặng yên thưởng thức. Lại thêm một chén trà nữa. Lại được thưởng thức một khoảng lặng bình an. Tôi ngồi đó tận hưởng từng hơi thở viên mãn.

Con đường phía trước còn dài, nhưng tách trà trên tay Sư Ông đã biến thành một đám mây thơm.

Không phải là Tết Tây đang kề, cũng không phải là Tết Ta đang tới, cũng không phải là Tết Thái sẽ tới mà là Tết Thầy. Là Thầy mang Tết đến hay Tết mang Thầy về? Thầy là Tết. Tết Thầy.

Tâm bình thế giới bình

Câu hỏi của trẻ em: Làm thế nào để con không đau khổ khi thấy những người không dễ thương đối với thế giới này?

Thầy trả lời: Trong cuộc sống, có những người tốt, nhưng cũng có những người chưa tốt. Có những người dễ thương và có những  người  chưa dễ thương. Có những cái tích cực và cũng có những cái tiêu cực. Đời sống là như vậy: có bùn và có sen. Không có bùn thì sen không mọc lên được. Vì vậy sự có mặt của khổ đau là một chuyện rất bình thường. Vấn đề không phải là khổ đau nên có mặt hay không nên có mặt, mà là làm thế nào để không bị đắm chìm trong khổ đau, biết khéo léo sử dụng khổ đau để làm nên hạnh phúc.

Nếu nhìn sâu vào những người đang tàn hại thế giới, đang giết chóc hay đang tàn phá thì mình thấy có thể là những người đó không muốn giết chóc hay tàn phá. Nhưng vì họ có quá nhiều đau khổ, quá nhiều giận dữ trong tâm mà không biết cách xử lý, nên họ bị thúc đẩy làm những chuyện mà có thể họ không muốn làm. Ai trong chúng ta cũng đều có lúc hành xử như vậy: mình biết đó  là chuyện xấu nhưng mình vẫn làm như thường để rồi sau đó cảm thấy ân hận. Chúng ta hiểu là những người kia cũng rơi vào trong hoàn cảnh đó. Họ không muốn làm như vậy, nhưng vì trong lòng họ có quá nhiều bạo động và hận thù nên họ không cưỡng lại được.

Vấn đề không phải là trừng phạt mà là làm thế nào để giúp cho người kia chuyển hóa khổ đau và sự giận dữ trong họ. Thế nào cũng có những phương thức khác nhau để giúp. Nếu dùng súng bắn hay bắt bỏ tù người kia thì mình không giúp gì được cho họ, tại vì đó là những cách thức để trừng phạt.

Nếu những người lãnh đạo trong các trại giam biết thực tập thì họ sẽ không sử dụng phương pháp giam cầm để trừng phạt, mà sẽ sử dụng những phương tiện của trại cải huấn để giúp cho tù nhân thực tập và chuyển hóa. Nếu những người cai tù biết tập thở có chánh niệm để chuyển hóa sự giận dữ trong lòng thì họ có thể giúp cho tù nhân cũng làm được như vậy. Nhiều lúc mình phải bắt giam người kia để họ không tiếp tục sát hại và tàn phá. Nhưng mình bắt giam vì từ bi, chứ không phải   vì giận dữ. Khi bắt giam người kia mình nói với họ là mình bị bắt buộc phải làm như vậy, nhưng mình muốn họ hợp tác với mình để thực tập thở có chánh niệm, làm êm dịu sự giận dữ, nhìn sự việc một cách bình tĩnh hơn và làm phát khởi lòng từ bi. Nếu làm được như vậy, họ có thể sớm được trả tự do. Nếu ban quản lý trại giam biết thực tập thì họ sẽ giúp cho tù nhân chuyển hóa và được trả tự do sớm hơn.

Có rất nhiều người đang làm những việc gây ra nhiều đau khổ cho thế giới. Nhưng thay vì giận ghét họ thì mình có thể phát khởi lòng từ bi, để cho tình thương lớn lên trong tâm mình, và mình lập lời nguyện là mình sẽ tìm ra con đường để giúp cho những người đó chuyển hóa được giận dữ và bạo động để họ đừng tiếp tục làm khổ những người khác nữa.

Nếu trong lòng mình có ước muốn giúp đỡ người khác thì mình đích thực là một vị Bồ tát, là một vị Bụt, dù là tuổi mình còn rất nhỏ. Chúng ta hiện có rất nhiều vị Bồ tát trẻ trên thế giới.

Câu hỏi: Chúng ta phải làm thế nào để giúp đem lại hòa bình cho thế giới?

Thầy trả lời: Chúng ta phải bắt đầu từ chính tự thân. Chúng ta phải học làm thế nào để chính ta là sự bình an. Ta phải làm cho thân, cảm thọ, tri giác và cách ta suy nghĩ, nói năng cũng có bình an. Nếu ta biết cách làm thì ta sẽ tạo cảm hứng cho người khác cũng làm được như vậy. Và thế giới sẽ được bình an.

Nếu có nhiều căng thẳng, đau nhức trong thân thì ta sẽ không có bình an. Vì vậy ta phải thực tập để làm thư giãn sự căng thẳng và làm dịu đi sự đau nhức trong thân thì ta sẽ có nhiều bình an hơn.

Nếu trong ta có những cảm thọ không bình an như giận dữ, sợ hãi hay bạo động mà ta biết cách thực tập như sử dụng hơi thở hay bước chân để làm lắng dịu những cảm xúc đó thì ta sẽ có bình an. Chúng ta phải ăn uống như thế nào để thân ta không bị xáo trộn. Chúng ta chỉ nên đọc sách, tạp chí hay xem những phim ảnh không tưới tẩm hạt giống của bạo động, sợ hãi, giận dữ và tuyệt vọng trong ta. Đó là sự thực tập hòa bình. Chúng ta phải rất cẩn thận trong khi tiêu thụ! Ta không nên tiêu thụ những gì có yếu tố bạo động; những trò chơi điện tử, sách báo hay phim ảnh có thể chứa nhiều bạo động, giận dữ, căm thù trong đó. Nếu mình tiêu thụ những cái đó mỗi ngày thì mình sẽ không có bình an trong lòng. Và như vậy thì thế giới sẽ không còn hy vọng. Trước tiên chúng ta phải thực tập có bình an để thế giới có được bình an. Vì vậy chúng ta có câu: “Tâm bình, thế giới bình”.

 

Câu hỏi: Thưa thầy, chúng ta có nên dùng thân mình làm lá chắn (human shield) để thức tỉnh, để ngăn chặn chiến tranh và bạo động trên thế giới?

Thầy trả lời: Tốt hơn cả là mình nên trở thành những tấm gương để người khác noi theo. Mình xây dựng một đoàn thể trong đó có bình an, có tình huynh đệ. Đoàn thể của mình thể hiện được hòa bình và tình huynh đệ thật sự. Mình tiêu thụ như thế nào để có thể bảo vệ được môi trường.

Mình nói và nghe như thế nào để không có sự chia rẽ và giận dữ trong đoàn thể. Mình sống một cách đơn giản mà hạnh phúc. Tôi nghĩ đó    là phương pháp xây dựng hòa bình có tác dụng nhất, tại vì mình cho người khác thấy rằng hạnh phúc có thể có được mà không cần phải có nhiều tiền hay nhiều vũ khí, những thứ mà người ta cho là cần thiết để sống còn. Đoàn thể của mình lành mạnh, lành mạnh cho mình và lành mạnh cho thế giới. Chúng ta sống như thế nào để có một tương lai.

Chúng ta tạo cảm hứng cho những người khác tới quan sát và học hỏi nơi đoàn thể của chúng ta. Họ đang chạy theo danh vọng, quyền hành, tiền bạc và sắc dục nhưng họ không có hạnh phúc. Những thứ đó tàn hại thân và tâm của họ, tàn hại môi trường, tạo nên nhiều giận dữ và bạo động trong xã hội. Khi thấy lối sống của chúng ta, họ sẽ thức tỉnh và thay đổi. Lối sống của mình, đoàn thể của mình là một bài pháp thoại cho họ. Với một đoàn thể như vậy chúng ta có thể thực tập giáo dục hòa bình. Chúng ta có thể tới nhiều nơi để chia sẻ với những người khác một cách cụ thể rằng: đây là lối sống để có được hạnh phúc mà không cần phải tạo ra bạo động, giận dữ và thèm khát trên thế giới. Mình có thể giúp để xây dựng nên những đoàn thể như thế.

Chúng ta phải xây dựng hàng chục đoàn thể như vậy. Thật ra ở Làng Mai chúng tôi  đang làm công việc đó. Bắt đầu từ một đoàn thể thực tập chánh niệm, chúng tôi thành lập thêm một cái, rồi một cái nữa… Chúng tôi tổ  chức những khóa tu ở những trung tâm tu tập. Người ta tới với chúng tôi để thực tập con đường hòa bình, thực tập sống đời sống giản dị và có chánh niệm. Sau đó họ trở về nhà và lập tăng thân. Hàng ngàn tăng thân đã được thành lập bởi những thiền sinh, và công việc đó đang tiếp tục lan rộng. Đó là con đường hoàn toàn bất bạo động. Chúng ta không cần dùng cái chết để có thể gởi thông điệp đến với mọi người. Trái lại chúng ta cần phải sống để tiếp tục công việc. Mình có thể vào tù và tiếp tục chống đối. Nhưng chống đối không phải là cách hay nhất. Dù có chống đối mạnh mẽ đi nữa thì mình cũng không giúp được cho người khác chuyển hóa được sự sợ hãi, sự giận dữ, sự thèm khát của họ. Chỉ cho họ một con đường bằng một cách thức thật dễ thương cùng với sử dụng ái ngữ và lắng nghe thì mình mới có thể giúp cho họ thức tỉnh để họ chọn con đường khác thay vì đi theo con đường cũ của bạo động, chia rẽ và kỳ thị. Đó là hành động thật sự chứ không hề thụ động như nhiều người nghĩ.

Vì vậy xây dựng tăng thân, sống theo Năm giới, thực tập tiêu thụ có ý thức, thành lập những gia đình, những đoàn thể có hạnh phúc và giúp cho những người khác cũng làm được như vậy là phương pháp đem lại hòa bình cho thế giới.

Mình tập viết một lá “thư tình” thay vì viết một lá thư chống đối. Ví dụ như mình muốn viết thư cho ông dân biểu hay cho ông Tổng thống của mình, nếu mình viết một lá thư chống đối thì ông ta sẽ không thay đổi gì đâu. Nhưng nếu mình viết một lá thư tình nói rằng: “Kính thưa Tổng thống, kính thưa ông dân biểu, chúng tôi biết ông có rất nhiều khó khăn và đau khổ. Ông muốn thực hiện giấc mơ của mình để giúp cho dân, cho nước. Nhưng ông không thể làm được, chúng tôi hiểu, nên chúng tôi xin đề nghị vài điều…”. Trong bức thư, mình giúp cho ông ta nhận diện được sự sợ hãi, sự giận dữ, sự thèm khát trong ông. Những cái đó đã ngăn không cho ông thực hiện được giấc mơ của ông. Khi đọc lá thư, ông ta có thể nhờ vào tuệ giác trong đó mà chuyển hóa. Nếu mình chỉ biết viết một lá thư chống đối thì nó sẽ không có được tác dụng như vậy. Mình phải học cách viết một lá thư tình để giúp cho người kia hiểu được chính họ và thay đổi. Đó là vận động hòa bình.

Câu hỏi: Bạch Thầy, có trường hợp ngoại lệ nào mà chúng ta có thể sử dụng bạo lực để đối phó lại bạo lực hay không? Chẳng hạn khi đứng trước bạo lực thái quá như là nạn diệt chủng?

Thầy trả lời: Bất bạo động không phải là một kỹ thuật mà là một con đường (Non-violence action is not a technique, it is a way). Nền tảng của bất bạo động là sự hiểu biết và lòng từ bi. Có hiểu biết và từ bi trong tâm thì tất cả những gì mình làm đều là bất bạo động.

Ví dụ như có một người đang có hành vi giết hại hay phạm tội, mình bắt giam người đó. Hành động bắt giam người đó được coi là hành động bạo lực hay không bạo lực, điều đó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu mình bắt giam người đó với sự hiểu biết và thương yêu thì đó là một hành động không có bạo lực. Nếu mình không làm gì cả nhưng lại để người khác giết hại và tàn phá thì đó cũng là bạo lực. Bạo lực có thể là khi mình hành động hoặc ngay cả khi mình không làm gì cả.

Có những hành động, nếu nhìn bên ngoài thì nó có vẻ là bạo lực, nhưng nếu mình làm với sự hiểu biết và từ bi thì nó không phải là bạo lực thật sự. Ví dụ như có một con ngựa đang rất đau đớn, nó sắp chết mà không chết được. Mình cho nó một phát ân huệ để nó được chết. Việc làm này có vẻ như là bạo lực, nhưng mình làm vì lòng từ bi, mình không muốn con ngựa tiếp tục chịu đau đớn lâu hơn nữa.

Một hành động có bạo lực hay không là tùy ở trái tim của mình. Nếu mình có ý muốn làm giảm bớt khổ đau, nếu mình hiểu tại sao người kia bạo động như vậy thì ngay cả khi mình bắt giam người kia hay mình không cho người đó thức ăn trong một vài ngày thì đó cũng chưa phải là bạo lực. Không cho người kia thức ăn trong vài ngày có thể giúp người kia nhận ra rằng có được thức ăn là một cái gì thật tuyệt vời. Mình không có ý muốn trừng phạt mà chỉ giúp người kia đi đến một cái thấy và trân quí những gì mình thọ nhận. Đó không phải là bạo lực.

Mình đừng chờ tới khi xảy ra tình huống rồi mới quyết định là nên sử dụng bạo lực hay không nên sử dụng bạo lực. Mình phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, và khi sự việc xảy ra thì mình có khả năng hành động với lòng từ bi, tức là hành động trong tinh thần bất bạo động.

Tinh thần bất bạo động phải được xây dựng một cách lâu dài. Các bậc phụ huynh khi giáo dục con cái, chỉ cho con cách thức suy nghĩ và hành động thì mình phải làm trong tinh thần bất bạo động. Mình không chờ tới khi đứa con lớn lên đi giết hại và tàn phá rồi mới bắt đầu dạy dỗ nó. Mình phải có những biện pháp ngăn ngừa trước. Mình có thể đưa lối suy nghĩ bất bạo động và cách hành xử bất bạo động vào trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa hay nghệ thuật. Chỉ cho người ta cách thức lấy đi sự kỳ thị là căn bản của bất bạo động, tại vì bạo lực bắt nguồn từ sự kỳ thị, chia rẽ, hận thù, giận dữ và sợ hãi. Mình giúp cho người ta chuyển hóa những thứ tiêu cực đó trước khi chúng được biến thành hành động, đó là bất bạo động thật sự. Mình phải bắt đầu ngay từ bây giờ mà không đợi đến khi sự việc xảy ra mới bắt đầu suy nghĩ là nên dùng bạo lực hay không nên dùng bạo lực.

Tôi nghĩ rằng chúng ta không thể nào có được bất bạo động tuyệt đối. Mình chỉ có thể nói là mình cố gắng để càng ít bạo động càng tốt. Ví dụ như trong quân đội, mình nghĩ quân đội chỉ toàn sử dụng bạo động, nhưng quân đội phải được điều động để bảo vệ thành trì hoặc để ngăn chặn sự xâm lấn của nước khác. Có nhiều cách để hành động, có cách dùng nhiều bạo lực và có cách dùng ít bạo lực hơn. Mình luôn luôn có sự chọn lựa. Có thể là mình không sử dụng được bất bạo động 100 %, nhưng làm được 80% vẫn là tốt hơn 10%. Mình đừng đòi hỏi cái tuyệt đối. Đó cũng là cách thức chúng ta thực tập Năm giới. Mình không thể nào thực tập một cách hoàn hảo. Đừng lo là mình không giữ được Mười bốn giới hay Năm giới một cách hoàn hảo. Điều quan trọng là mình quyết tâm đi theo con đường đó. Cái cần thiết là mình phải cố gắng hết sức. Cũng giống như khi đi lạc trong rừng ban đêm và không tìm được lối ra thì mình phải đi theo hướng sao Bắc Đẩu để tìm đường  ra. Đi theo hướng Bắc không có nghĩa là mình   đi tới sao Bắc Đẩu. Mình không cần tới đó, mình chỉ cần đi theo hướng Bắc. Thực tập Năm giới cũng vậy, mình chỉ cần đi theo hướng của hiểu và thương. Mình không cần phải trở nên hoàn hảo. Mình cố gắng hết sức mình, như vậy đã là đủ tốt cho tăng thân, đủ tốt cho Bụt rồi. Bất bạo động cũng vậy, mình phải cố gắng hết sức mình thôi.

 

Câu hỏi: Bạch Thầy, con rất muốn cập nhật những sự kiện xảy ra trên thế giới. Nhưng khi theo dõi tin tức hàng ngày, những hạt giống tuyệt vọng và bất lực trong con bị tưới tẩm rất mạnh. Con nên thực tập như thế nào để xem tin tức nhưng vẫn bảo hộ được mình?

Thầy trả lời: Đừng nghe tin tức nhiều quá! Tại sao phải nghe tin tức nhiều lần trong ngày? Khi có một tin gì thực sự quan trọng, chắc chắn sẽ có người báo cho mình biết.

Có thể vì trong tâm mình có sự cô đơn, trống trải nên mình cần biết những gì đang diễn ra trên thế giới với hy vọng là có một việc tốt xảy ra. Nhưng sự thật thì tin tức hầu hết đều nói về những điều không tốt. Hàng ngày chúng ta nghe tin tức nói về giết chóc, chiến tranh, bạo động. Không riêng những nhà báo thôi, mà có rất nhiều người chỉ toàn loan tin xấu. Vì vậy chúng ta đừng nên nghe tin tức nhiều quá mà nên dành nhiều thì giờ hơn để chế tác bình an và từ bi trong ta.

Sự sống trong tôi

Tôi nuôi mình bằng sông
                 bằng núi
bằng những cánh đồng
                           thẳng cánh cò bay
bằng biển cả bao la
              in dấu chân dài
                               trên bãi vắng
bằng những đêm thanh lắng
                          vằng vặc những
                                                sao trăng.
 
Tôi nuôi mình bằng những ngọn đồi
                         với mỗi sớm
                                      sương giăng
       bằng ánh lửa hồng mỗi sớm mai
                     xuất hiện
bằng những cánh đồng hoa đến mùa
                                       biểu hiện
                       bằng những con đường làng
                                                 in dấu ấn
                                                             tuổi thơ.
 
Tôi nuôi mình bằng những giấc mơ
Của ngàn đời giờ đây tiếp nối
Tiếng chim đầu ngày gọi nhau í ới
Truyền tin vui khắp các nẻo về.
 
    Lời thơ tiếng hát
    Nụ cười hồn nhiên
    Tấm lòng trung kiên
    Tình thương bè bạn.
 
Tôi nuôi mình bằng những điều
                       không giới hạn
Bằng bước chân của Thầy,
    Bằng hơi thở mẹ cha
        Bằng mạch sống của tổ tiên…
Có hiện hữu nào không làm nên   
            sự sống trong tôi?

Buổi sáng màu xanh

 
Màu xanh gõ cửa buổi sáng
Những cụm khói đã bay đi, các ngôi sao đã về trời,
để một mùa xuân hiển hiện rõ ràng, tinh sạch…
Tôi ngồi nghe im lặng gõ vào tim,
những ngày tháng trôi xa,
những tháng ngày chưa tới,
chỉ còn là phập phồng trong nhịp thở sáng nay
 
Một buổi sáng nhiều mây
Màu xanh là nắng,
để chim chóc vẫn lừng vang tiếng cười tiếng nói,
nghe một người ngồi yên…
 
Một buổi sáng thiên thu,
buổi sáng như thế, như thế đã ngàn lần.
Ta vẫn còn đi hoài, đi hoài trong chiều sâu hơi thở,
Ta vẫn còn nghe hoài, nghe hoài trong chiều sâu im lặng.
Đến tận ngọn nguồn nào…
Chợt nhớ mình là cây, là lá, là chim,…
 
Một buổi sáng bình yên
Một buổi sáng thật hiền
Buổi sáng ngồi một mình
Mà ngồi với nhau
Nghe nhau là tri kỷ
 
Ơi, buổi sáng màu xanh mở cửa khu rừng
Vẫn còn một góc trời để sóc nai hồn nhiên tung tăng, chạy nhảy,
để nghe suối nguồn vẫn ầm ào chảy về từ nguyên thủy,
từng tảng đá, cội cây… không nơi nào không là chốn linh thiêng.
 
Tạ ơn buổi sáng,
Xin về ngồi yên, ngồi yên trên đất Mẹ một miền,
tạ ơn màu xanh, những hồn cây, phách lá,…
đã nghiêng xuống đời, những buổi ngày cháy lòng cháy dạ,
tỏa mát cho đời, bầu không khí lành thơm.
Tạ ơn bao la, vẽ tiếp giấc thiên đường
Tạ ơn Người đã chảy dòng suối ngọt lành về,
cho muôn loài tắm mát
 
Để sớm mai trên suối đồi kia, Người có nghe,
rộn vang tiếng cười, tiếng hát.
Ấy là cuộc đời đã đáp lời, nguôi tiếng bi ai…      

Tái sinh

 Anh Chân Linh Từ, người Pháp, thọ giới Tiếp Hiện từ năm 1986 và được Sư Ông Làng Mai truyền đăng năm 2014. Dưới đây là bài chia sẻ của anh về con đường đến với Làng Mai và những chuyển hóa, trị liệu trên chặng đường tu tập hơn ba mươi năm qua.
 
Lúc đến Làng Mai lần đầu tiên, tôi chỉ mới 26 tuổi. Đó là vào tháng bảy năm 1983. Hồi đó Làng Mai có tên là Làng Hồng. Tôi còn nhớ tôi tới xóm Hạ ở Meyrac và người ra đón tôi sư cô Chân Không, hồi đó còn là cô Phượng. Sau khi tôi tự giới thiệu mình là ai, do đâu mà tôi biết được Làng để tới một cách bất ngờ như vậy thì cô Phượng kêu lên: “A, thì ra là anh, anh là Jean Pierre! Anh Jean Pierre đã từng giúp cho những người Việt đến tị nạn ở Pháp phải không?”. Tôi hơi ngạc nhiên không hiểu sao ở một nơi tôi chưa hề đặt chân tới mà người ta lại biết tôi.
 
Tôi đến Làng Hồng theo sự chỉ dẫn của một anh bạn người Việt tên là Bá Thư, người đã tặng tôi quyển sách của Thầy – cuốn “Phép lạ của sự tỉnh thức” do Nhà xuất bản Lá Bối ấn  hành. Và tôi đã bắt đầu thực tập thiền với cuốn sách quý báu đó trong thời gian sắp xếp để đến Làng, mà không cần phải hiểu gì nhiều. Tôi tập rửa bát, tập ngồi, tập đi. Tôi nhận ra rằng thời gian làm việc luôn luôn là “thời gian của tôi” mà không phải là thời gian “mất đi”, nhất là khi mình làm một việc không thú vị gì mấy.

Ngày thứ nhất của tôi ở Làng và cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với Thầy như thế này: chúng tôi (khoảng một chục người) tập họp trong một cái vựa cũ, bây giờ là nhà ăn của xóm Hạ, ngồi trên những chiếc băng dài sắp theo hình vòng cung trước một tấm bảng. Một người đang dùng hình vẽ để nói cái gì như một loại báo cáo vậy. Ông ta mặc một bộ đồ thật giản dị gồm có một cái áo gọi là áo vạt hò và một cái quần dài. Tuy tôi không hiểu những gì ông ta nói nhưng tôi cảm thấy rất thú vị. Tôi nghĩ ông ấy chắc là thiền sư của Làng. Nhưng bỗng nhiên có một người cũng ăn mặc giản dị, đứng lên ngắt lời ông kia và điều chỉnh lại những hình vẽ trên bảng một cách thẳng thắn. Thật rõ ràng đây là ông thiền sư mà Bá Thư đã nói với tôi. Đó là lần đầu tiên mà tôi gặp Thầy, một người tươi mát, dịu dàng đồng thời cũng thẳng thắn, với một uy lực thật tự nhiên và đầy từ bi.

Thiền đường Nến hồng tại xóm Hạ trong những năm đầu của Làng

 
Ngày thứ hai của tôi ở Làng cũng đầy ấn tượng: các trẻ em tụ họp lại dưới hai cây sồi lớn ở xóm Hạ để tập hát những bài hát tiếng Việt. Những chiếc băng ghế dài được sắp theo vòng tròn. Tôi giữ khoảng cách và hơi nhút nhát vì tôi không quen ai ở đó cả, không có một người nào của Hội Ái Hữu Sinh Viên có mặt. Trong khi các em đang hát thì bỗng nhiên tôi cảm thấy có hai bàn tay đặt lên vai tôi rồi đẩy nhẹ tôi về phía các em. Tôi nghe một giọng nói mời tôi tới cùng hát với các em: “Jean Pierre, anh ngồi xuống với các em và tập hát bằng tiếng Việt đi!”. Đó chính là Thầy, Thầy đã đến sau lưng tôi hồi nào mà tôi không hay.
 
Một lần khác, Thầy gọi tôi tới ngồi gần bên, nhìn ra vườn mận. Thầy giới thiệu Làng với tôi, nói cho tôi biết cách sống ở Làng, kể cho tôi nghe những ý tưởng Thầy có trong đầu về tương lai của Làng, làm sao để vừa trồng cây mận vừa bảo vệ được sự sống… Sau cùng Thầy hỏi tôi: “Anh nghĩ gì về Làng Hồng?”. Tôi trả lời Thầy một cách rất tự nhiên: “Tôi nghĩ là sẽ có rất nhiều người đến đây vì người ta rất cần một nơi như thế này!”. Tôi ngạc nhiên khi một người nhút nhát như tôi có thể nói được như thế, có thể vì tôi cảm thấy thoải mái an tâm khi ở bên Thầy.
 
Tôi tới Làng không có chủ đích thực tập chánh niệm nhưng rồi nó từ từ trở thành một nhu cầu quan trọng trong cuộc sống của tôi. Tôi thích đi dạo trên những cánh đồng, đi trong rừng hay qua những vườn nho. Một hôm thấy những giáo lý quá nặng nề đối với tôi, Thầy nói: “Jean Pierre, anh không cần phải biết kinh điển hay học thuộc những từ ngữ Phật giáo khó khăn. Anh chỉ cần sống trong Làng với chúng tôi là được rồi”. Những lời nói đó làm cho tôi rất xúc động.
 
Nhiều người hỏi tôi: “Tại sao lúc nào anh Jean Pierre cũng có mặt trong nhóm những người Việt vậy?”. Lúc đầu thì tôi cười, trả lời: “Tại sao không?”. Tôi tiếp xúc với người Việt Nam từ thời chiến tranh trước năm 1975 qua những tin tức trên truyền hình, lúc còn là một thiếu niên. Trong một bản tin thời sự buổi chiều, tôi thấy gương mặt của một phụ nữ Việt Nam khắc khoải bởi nỗi đau mất con trong bom đạn và một bé gái trần truồng, thân hình cháy xém, chạy trên con đường đất. Trái tim tôi vỡ vụn và nước mắt tôi trào ra. Tôi vừa hiểu ra rằng, dù thời thơ ấu của tôi có nhiều khó khăn, nhưng không chỉ riêng mình tôi có khổ đau mà bất kỳ ai trên đời này đều có niềm đau nỗi khổ. Tôi cảm thấy gần gũi với những người mà tôi chưa hề quen biết.
 
Sau này, nhờ Hoàng (một người anh em rất thân của tôi trong Hội Ái Hữu Sinh Viên), tôi biết đất nước tôi phải gánh chịu phần nào trách nhiệm trong việc tạo ra những bi kịch đó và tôi cảm thấy chính mình cũng có trách nhiệm một phần nào. Sâu trong lòng, tôi nghĩ tôi phải có mặt cho những người Việt, và cần phải làm điều gì đó để bù đắp lại lỗi lầm do đất nước mình gây ra.
 
1983 – Thầy và Làng đi vào cuộc đời tôi
 
Trong mười hai năm đầu tiên sau khi biết Thầy, tôi vẫn tiếp tục sống một cách đơn độc, khép kín và tránh đối diện với những nỗi khổ niềm đau của chính mình. Tôi thường tìm cách lẩn tránh những người khác. Hồi đó cộng đồng tu học người Việt đã chăm sóc tôi. Mỗi cuối tuần, chúng tôi tổ chức một ngày quán niệm. Dù được đánh động bởi cuốn sách “Phép lạ của sự tỉnh thức” tôi vẫn không thoát ra khỏi sự cô đơn.
 
Tuy nhiên, đến Làng cùng với những người bạn Việt Nam, tôi có được những giờ phút vui vẻ, cởi mở, cùng hát, cùng đùa chơi hay cùng đi nhặt hạt dẻ trong rừng Fontainebleau, cùng rong chơi,… sống không lo nghĩ! Những giây phút đó giúp tôi quên đi nỗi lo sợ mà tôi không chia sẻ được với ai, kể cả Thầy, người mà tôi rất kính mến, người mà tôi biết là sẽ lắng nghe tôi. Tôi không muốn mình có vẻ đáng thương. Hơn nữa tôi nhút nhát, tôi nghĩ Thầy là một người “lớn”, còn tôi chỉ là một người “nhỏ bé”, tôi không thể làm phiền Thầy vì những vấn đề riêng tư của mình.
 
Những buổi chia sẻ, những buổi thực tập chánh niệm, những buổi sinh hoạt quanh cái bàn đầy thức ăn chay ngon lành, hay quanh một bình trà nóng làm cho tôi cảm thấy ấm áp trong không khí gia đình. Từ từ một gia đình được dựng lên chung quanh tôi. Gia đình đó nhận nuôi tôi như một người con. Điều này rất mới lạ đối với tôi, bởi vì lúc sáu tuổi tôi bị tách ra khỏi gia đình huyết thống và được một gia đình xa lạ nhận nuôi. Tôi đã biết được thế nào là bạo động, sợ hãi và lao nhọc của công việc trong một nông trại, chưa kể tới niềm đau của sự chia cắt.
 
Một sự thay đổi lớn đã ảnh hưởng tới cuộc đời tôi: tôi gia nhập vào một gia đình tâm linh đã nuôi dưỡng và chở che tôi bằng tình bạn và lòng ưu ái. Đồng thời tôi cũng được nhận vào một gia đình mới, gia đình Việt Nam. Tôi bị rúng động, tôi không biết phải làm gì và hành xử như thế nào. Tôi nói đùa rất nhiều và cười vui một cách dễ dàng để che giấu cảm xúc và nước mắt của mình. Trái tim đầy sẹo của tôi không cho phép tôi nói đến điều đó. Nhưng chắc chắn điều quan trọng nhất là tôi giữ liên lạc với hai gia đình mới đó, tôi biết như vậy.
 
Sự thực tập chánh niệm đi vào tôi thật nhẹ nhàng
 
Về phương diện tu tập, mặc dù đã trải qua vài năm, nhưng khoảng cách giữa đời sống cô độc và khoảng thời gian ở chung với cộng đồng của tôi tại Fontvannes (Phương Vân Am) hay Thiền đường Hoa Quỳnh vẫn còn rất lớn. Sau khi thọ 14 giới Tiếp Hiện vào năm 1986 thì sự thực tập chánh niệm và quán chiếu nhìn sâu mới từ từ đi vào đời sống hàng ngày của tôi, giúp cho tôi có được một vài chuyển hóa mà tôi cũng không nhận ra được. Sự chuyn hóa đó biểu hiện khi mẹ tôi mất vào tháng bảy năm 1990. Khi đó, tôi trông nom mấy đứa cháu trai và cháu gái giúp cho chị tôi vì chị hầu như hoàn toàn mất hết lý trí. Tôi đã hướng dẫn một buổi thiền hành và tôi đã làm một cách thật tự nhiên, không cố gắng. Buổi thiền hành diễn ra rất tốt đẹp. Trong lúc dừng lại, tôi có chia sẻ với mọi người rằng mẹ của chúng tôi thật sự không bao giờ mất đi đâu hết. Nếu nhớ mẹ thì chúng tôi có thể gặp lại mẹ một cách dễ dàng khi nhìn sâu vào bàn tay của mình, khi đi thật bình an, lắng nghe thiên nhiên, cây cỏ, chim chóc hay chỉ cần có mặt thật sự cho mình trong giây phút đó.
 
Nhiều lần tôi hướng dẫn những buổi thiền tập, những buổi lễ tụng 14 giới Tiếp Hiện, những lúc tụng Bát Nhã Tâm Kinh,… tất cả đều bằng tiếng Việt. Người ta có lòng tin ở tôi hơn cả chính tôi. Cũng có khi những người không hề thực tập thiền Phật giáo nhận xét về tôi như thế này: “Jean Pierre, cái nhìn của anh đã khác hơn trước, nó dịu dàng hơn”, hoặc lúc tôi làm việc ở nông trại trong mùa hè: “Anh đã thay đổi, anh làm việc chậm hơn, chăm chú hơn mà không bị mệt!(tôi nhớ lúc đó mình đã làm việc trong chánh niệm). Có một lần tôi đi theo lối thiền hành tới tiệm bán bánh mì trong làng – nơi tôi lớn lên – thì ông bán bánh mì nói với tôi: “Anh có vẻ thật bình an!”. Có những điều như vậy đã xảy ra, có những bất ngờ nho nhỏ thú vị, những bông hoa nở thật đẹp trên con đường đầy đá sỏi. Điều này không làm cho tôi hãnh diện, mà chỉ là động lực khuyến khích tôi thêm trong sự thực tập.
 
Tiếp xúc với em bé trong tôi
 
Lúc mới bắt đầu thực tập ở Xóm Hạ, tôi không biết là trong tôi có niềm đau nỗi khổ. Hơn nữa tôi không đến Làng vì có khổ đau. Tôi chưa biết nhận diện sự mặt của khổ đau trong tôi. Tôi không biết trong tôi có một em bé đang đau khổ, em bé còn mang tất cả những vết thương sâu của quá khứ.
 
Trong cuốn sách “Phép lạ là đi trên mặt đất” (Le miracle c'est de marcher sur terre) có một chương với tựa đề: Thiền đem lại sự sáng tỏ và trị liệu. Tôi đã để rất nhiều thì giờ để tìm hiểu tựa đề đó. Vì qua nhiều năm thực tập, khổ đau của tôi ngày càng hiện rõ nhưng nó vẫn không được chữa trị. Thầy của chúng tôi dạy rằng thiền tập không làm cho mình khổ, mà trái lại làm cho mình có bình an. Tôi còn nhớ một lần đến Làng tôi ho nhiều lắm. Lồng ngực của tôi đau nhức từ hơn một tháng. Qua hình chụp quang tuyến, tôi biết là mình không có bệnh gì cả nhưng tôi rất đau. Cô Phượng đưa Thầy đến gặp tôi. Thầy nói với tôi chỉ giản dị như thế này: Jean Pierre, thiền không làm mình đau, thở không làm mình đau. Anh đừng quá cứng ngắc trong sự thực tập…”. Sáng hôm sau, tôi hết ho và ngực tôi không còn đau nữa. Đây là nói về sự đau nhức của thân. Về phương diện tâm, thì khổ đau của tôi chỉ dường như có được một chút chuyển hóa mặc dù tôi đã biết học nhận diện và ôm ấp em bé năm tuổi của ngày xưa trong tôi.
 
 
Sau khi kết hôn thì tôi bắt đầu xa Làng trong một thời gian khá lâu ngoại trừ tôi có đến thăm Thiền đường Hoa Quỳnh vài lần và một lần tôi đưa gia đình nhỏ của mình về xóm Mới. Vợ tôi không có cùng ý muốn thực tập hay thích về Làng như tôi. Có lẽ vì tôi không biết cách làm cho vợ mình có ý thích đó, tại vì chính tôi cũng có nhiều do dự và không dứt khoát. Cách thức hành xử của một người chồng và một người cha không được dạy trong trường học và tôi đã phạm rất nhiều lầm lỗi. Từ từ tôi thấy sự giận dữ mà tôi đã tiếp nhận từ thời thơ ấu biểu hiện ra. Nó mạnh như núi lửa… chúng tôi đi tới tình trạng rất khó khăn và chia tay. Một lần nữa tôi lại trốn chạy trước thực tế của một đời sống gia đình. Tôi không thấy được là tôi đã có quá đủ những gì cần thiết để sống hạnh phúc.
 
Tôi bị kẹt vào nỗi khổ niềm đau của thời thơ ấu, của cái cảm giác mình là một nạn nhân… Nhiều lần tôi đã trở về miền quê nơi tôi đã lớn lên. Tôi cảm thấy mình thật vô phước, tôi muốn hiểu được và làm dịu đi niềm đau đó. Tôi đi bộ rất nhiều trong rừng, trên những cánh đồng, những bãi cỏ, những nơi mà tôi đã từng sống và làm việc. Tôi không ý thức là mình đang thực tập thiền hành. Vào một buổi sáng sớm, tôi nghe tiếng chuông nhà thờ văng vẳng trong sương mù. Tự nhiên tôi dừng lại, trở về với hơi thở, với hình hài của mình. Thật là một sự tái sinh. Sự thực tập của tôi không “mất” đi đâu hết. Tôi thấy được khổ đau tôi đã gây ra cho chính mình và cho gia đình. Tôi không thể nào làm như vậy được, đem bạo động trong mình đổ lên người khác. Tôi gánh phần lớn trách nhiệm tạo ra tình trạng đó cho gia đình mình, cho sự kiệt quệ và sự phóng thể của mình. Tôi đã đánh mất gia đình của tôi. Nhưng một mình cô đơn không có gia đình thì mình sẽ ra sao?
 
Chỉ cần đi, đi một cách bất bạo động thì sẽ có bình an! Đó là thiền! Chăm sóc hình hài của mình, hơi thở của mình. Chú ý, chỉ chú ý tới cái gì đang xảy ra…Ngày hôm đó tôi tìm lại được tăng thân, gia đình tâm linh của tôi trong cỏ cây, đất đá và những con thú nhỏ như là chú sóc thường hay đến cười với tôi quanh cây sồi lớn.
Tôi tiếp tục thực tập thiền hành trên những con đường trong rừng. Tôi hái nấm dại về tự nấu ăn lấy. Tôi lượm hạt dẻ và hạt hồ đào. Và chủ yếu là tôi được nuôi dưỡng bằng tất cả những gì đẹp đẽ và tươi mát. Tôi thấy rất rõ mình đã có hạnh phúc ngay cả trong khổ đau của thời thơ ấu. Tôi thấy rất rõ khổ đau và yếu kém của người đã gây ra khổ đau cho tôi. Và tôi bắt đầu thương người đó thật sự.
 
Tôi thấy tôi là đứa bé sáu tuổi của thời đó. Trên một con đường rừng đầy ánh sáng, nó đã đến nắm tay tôi, nét mặt tươi cười và bước đi cùng với tôi. Thân tôi trở nên nhẹ bỗng, chân tôi như đặt trên mây, tôi cảm thấy gương mặt mình hoàn toàn thư giãn và êm dịu, một cảm giác thật bình an. Và tôi thấy cây cỏ, đất đá, cầm thú, đất với trời trở thành một, trong một khoảnh khắc không còn sự cách biệt nào cả. Chỉ còn lại một làn gió nhẹ giống như cái cảm giác được giải thoát hoàn toàn khỏi sự khổ đau. Khổ đau chuyển hóa hoàn toàn, nhường chỗ cho tình thương vô tận. Vài bước chân, vài hơi thở và tôi trở về nhà, lòng đầy bình an. Tâm tôi trống rỗng và tôi gởi sự bình an tới cho người đó. Tôi không có lời nào để diễn tả được trạng thái đó, tôi chỉ có những bài thơ và đặc biệt là bài thơ tôi làm lúc nhận truyền đăng:
 
“Tôi đặt tay trên chiếc ngực trơ xương, người đó nằm trên giường hấp hối,
Tôi ôm người đó trong tay, rồi chúng tôi cùng khóc
Tôi thương người đó, người đã in dấu sắt nung đỏ trên thân tâm tôi
Tình thương bất tận thấm vào trái tim, tháo tung xiềng xích của vô minh
Những hạt giống tốt đẹp đã nẩy mầm trên tro tàn tham dục
Không có gì cần chuyển động, vài bước chân đã giẫm vào cửa Tự Do”.
 
Năm 1999, người mà tôi cùng sống chung lúc nhỏ qua đời. Tôi đã đến thăm lúc ông hấp hối. Ông chỉ còn da bọc xương và thở những hơi thở cuối cùng. Ông nhận ra tôi, không hận thù không giận dữ. Trong ba ngày, mỗi ngày hai lần tôi đến đặt tay lên ngực ông và cùng thở với ông. Sau đó tôi đi thiền hành ngoài đồng và khi trở về, tôi lặng lẽ đến bên ông và nói: “Tôi đã đi cho ông…”. Chiều chủ nhật tôi trở về Paris. Ông ra đi một cách bình an trong đêm ngày thứ ba. Ông đã chờ tôi.
 

 

Dẫn về kho Bảo Tích (*)

  
Được truyền đăng năm 1992, anh Chân Trí là một trong những vị giáo thọ cư sĩ có nhiều kinh nghiệm và nhiệt huyết xây dựng tăng thân. Anh cùng với chị Chân Ý (Anh Hương) hiện đang hướng dẫn tu học cho tăng thân Thuyền Từ tại Washington, Mỹ. Ngoài ra, hàng năm anh chị  còn hướng dẫn rất nhiều khóa tu học về nếp sống tỉnh thức cho cả người Việt lẫn người ngoại quốc. BBT đã có dịp ngồi chơi với anh Chân Trí nhân dịp anh về tham dự khóa tu 21 ngày tại Làng Mai  vào tháng 6 năm 2016.
 
BBT: Xin anh chia sẻ về những nhân duyên nào mà anh biết đến Làng Mai?
 
Chân Trí: Năm 1973, sau khi học xong trung học, Chân Trí được học bổng quốc gia đi Pháp du học tại trường đại học Lyon. Khoảng một năm rưỡi sau, vào cuối tháng 4 năm 1975 thì quân đội miền Bắc thắng trận và kiểm soát trọn đất nước Việt Nam. Các sinh viên du học lúc ấy rất hoang mang và lo lắng vì mất hết tin tức về gia đình ở Việt Nam, lo không biết gia đình mình có được bình an không, và nếu phải di tản thì có bị tai nạn gì không. Học bổng quốc gia của mình cũng bị mất sau biến cố đó, nên Chân Trí cũng như các sinh viên du học khác đều phải lo tự kiếm sống.
 
Khoảng một năm sau, Chân Trí may mắn được chính phủ Pháp cho học bổng để tiếp tục việc học. Đến giờ phút này, Chân Trí vẫn còn biết ơn chính phủ Pháp đã nâng đỡ cho mình trong hoàn cảnh khó khăn đó. Tuy không còn lo lắng v tài chánh, nhưng lòng vẫn không yên vì Chân Trí mất liên lạc với gia đình ở Việt Nam. Mình thấy tương lai mờ mịt, không biết có còn trở lại quê hương được không. Sau đó Chân Trí rơi vào tình trạng trầm cảm mà không hay. Bài vở ở trường cho về mình để một góc không muốn học. Ngày xưa, ở Việt Nam chưa có chữ trầm cảm. Khi thấy ai không muốn làm gì nữa thì mình bảo người đó chán đời. Chữ trầm cảm là chữ chuyên môn sau này. Mấy chục năm sau nhìn lại mới biết mình đã bị trầm cảm, nhưng may là không nặng đến nỗi phải bỏ học.
 
Sau khi xong đại học, Chân Trí đi thăm gia đình một người chú đã di tản sang Mỹ hồi năm 1975. Trước khi đi, Chân Trí lên Paris tìm mua sách Việt Nam để đọc trên máy bay, và không nhớ cơ duyên gì mà mình có địa chỉ của nhà xuất bản Lá Bối. Đến đó mua sách, Chân Trí thỉnh được cuốn Phép lạ của sự tỉnh thứcNẻo vào thiền học. Ngồi đọc các quyển sách trên máy bay mà thấy mình như bắt được vàng, được ngọc. Sách hay và quý quá, chưa bao giờ mình được đọc những quyển sách hay như vậy. Chân Trí nhận ra rằng hóa ra suốt cuộc đời đi học của mình, từ trung học cho đến đại học, mình chỉ học về văn chương và khoa học. Ngay cả khi còn bé, các môn Đức Dục và Công Dân Giáo Dục dạy mình ra đường phải kính già, nhường trẻ… chỉ nuôi dưỡng chất liệu đạo đức nhưng chưa khai mở được chiều sâu tâm linh trong con người. Những gì Chân Trí đọc được trong hai quyển sách ấy đã đánh động đến đời sống tâm linh ẩn sâu trong lòng mình. Đọc tới đâu, lòng mình ấm lại tới đó. Nhất là khi bắt đầu áp dụng các bài thực tập Sư Ông viết trong phần cuối của quyển Phép lạ của sự tỉnh thức.
 
Duyên may kế là khoảng một, hai năm sau, anh Chân Thuyên, một anh bạn thân của Chân Trí ở Lyon, rủ Chân Trí về Làng Mai vào dịp Làng mở cửa năm đầu tiên. Anh Chân Thuyên rất yêu đạo và quý Sư Ông. Sau khi sang Pháp, anh đã tìm cách liên lạc với nhà xuất bản Lá Bối và gia đình anh đã có dịp đến tu học với Sư Ông khi Sư Ông còn ở Phương Vân Am ở miền nam Paris. Mùa hè đầu tiên Chân Trí về Làng đánh dấu một khúc quanh lớn nhất của cuộc đời Chân Trí. Trong không gian khoảng khoát của đồng quê nước Pháp, Chân Trí đã được tắm mình vào dòng sông tâm linh của Làng. Sư Ông ở đâu là có hương vị tâm linh ở đó. Tất cả những gì Chân Trí tiếp xúc ở Làng: từ những cây mận mới trồng, những bông hoa cỏ đơn sơ, cho đến những bức tường đá cổ chấm phá bởi những lớp hồ nửa mới nửa cũ, đều đẹp một cách kỳ diệu, thoang thoảng hương thiền trong từng hơi thở của mình. Chân Trí lúc bấy giờ như người khát nước, tiếp nhận mọi thứ một cách dễ dàng. Cái gì cũng thích: thiền đi, thiền ngồi, thiền trà, quán cóc, chè xôi… Một hạnh phúc nữa là Chân Trí được chơi với các em bé Việt Nam. Các em hồn nhiên ca hát, rất dễ thương. Ở đây có hương vị thiền tập rất quê hương. Những năm đầu tiên Làng có rất ít người. Sau giờ pháp thoại Sư Ông ra ăn chè, ngồi chơi chung với mọi người, không khí thân mật như một gia đình.  Đó là nét đặc biệt của Làng, rất Việt Nam. Không gian với nét đẹp Việt Nam làm cho mình thêm hạnh phúc. Sinh khí trong lòng mình sống dậy, làm dịu đi những khổ đau trong lòng và mở ra một hướng đi mới cho mình về tương lai. Trở về nhà trọ của mình ở thành phố, Chân Trí đã trang trí một cái bàn thờ nhỏ, có hình Bụt, có hoa, có bát nhang và tập ngồi thiền mỗi ngày. Từ đó trở đi, mỗi mùa hè Chân Trí lại về Làng và rủ thêm một số bạn học cùng về tu để kết duyên với Làng.
 
BBT: Xin anh chia sẻ làm sao anh có thể duy trì được tâm bồ đề của mình khi sống giữa thế giới bên ngoài?
 
Chân Trí: Thế giới bên ngoài tu viện rất căng thẳng và có nhiều cám dỗ. Ít ai có thể cưỡng lại được áp lực và sự quyến rũ của đời sống mới bây giờ. Sự cạnh tranh thị trường làm cho các hãng xưởng phải thúc đẩy sau lưng các nhân viên và công việc ở sở ngày càng căng thẳng. Hình ảnh, âm thanh quảng cáo bủa vây mình. Sản phẩm điện tử đầy dẫy. Mạng lưới Internet tuy tiện dụng nhưng cũng trở thành một loại thức ăn có nhiều chất độc. Quý thầy cô không có điện thoại di động mà được thảnh thơi. Chỉ cần có một cái điện thoại thông minh là mình bị “kẹt” vào đó dễ như chơi. Mình sẽ bị “lạc” vào nhiều thế giới quyến rũ, say mê trong đó, đánh mất ý thức về khổ đau và hiểm họa của đời sống thiếu chánh niệm.
 
Nếu mình muốn “sống còn”, chứ chưa nói đến chyện duy trì tâm bồ đề, thì mình phải thường xuyên có ý thức về khổ đau, khổ đau trong chính bản thân, trong những người mình thương và những người xung quanh mình. Tiếp xúc với khổ đau làm nảy sinh lòng xót thương. Có lòng xót thương mới có khả năng buông bỏ những thứ không cần làm và chú tâm vào những sinh hoạt tu tập giúp vơi bớt khổ đau trong mình và quanh mình. Nhờ đó mà tâm bồ đề của mình được nuôi dưỡng.
 
Thường trực tiếp xúc với khổ đau là một nghệ thuật, và phương tiện là một tăng thân tu tập mà mình phải xây dựng. Mình phải xây dựng như thế nào để tăng thân trở thành một không gian an toàn cho các thành viên có thể chia sẻ những khổ đau của mình một cách dễ dàng. Lắng nghe khổ đau của người, mình cảm thấy nhỏ bé lại, khiêm tốn hơn. Cùng với các phép thực tập chánh niệm khác: thiền ngồi, thiền đi, ăn cơm im lặng, các buổi pháp đàm chia sẻ niềm vui nỗi khổ như vậy sẽ làm tăng trưởng năng lượng từ bi của cả tăng thân. Tất cả mọi người sẽ được hưởng chung năng lượng ấy, sẽ nhẹ nhõm và tươi mát ra. Mình bớt khổ thì mình sẽ có cơ hội giúp người khác bớt khổ. Đó là con đường để sống còn và nuôi dưỡng tâm bồ đề. Chạy trốn hoặc khỏa lấp khổ đau thì mình sẽ tán thân thất mạng trong cuộc sống ngoài đời. Chúng ta phải nương tựa tăng thân để gìn giữ tâm bồ đề. Sư Ông thường nói rằng tăng thân là một “community of resistance” – một đoàn thể có khả năng cưỡng lại dòng lôi cuốn của xã hội.
 
BBT: Với vai trò của những người “đầu tàu” trong việc hướng dẫn và xây dựng tăng thân, anh và chị Anh Hương đã thực tập rất vững chãi. Vậy xin anh chia sẻ kinh nghiệm của mình để cho những người đang thực tập xây dựng tăng thân được học hỏi.
 
Chân Trí: Tăng thân phải chuyên chở được Bụt, tức là năng lượng của chánh niệm, và Pháp, tức là những phép thực tập chánh niệm. Nếu không có những chất liệu này thì tất cả các thành viên của tăng thân, kể cả những người “đầu tàu” cũng sẽ héo mòn. Người hướng dẫn tăng thân mà chỉ có lòng phụng sự không thì không đủ, mà phải chân thành thực tập để có thể hiến tặng tăng thân niệm, định, tuệ với đúng nghĩa của nó, không chỉ soạn bài để giảng, hay dùng trí năng, biện tài của mình để trình bày pháp Bụt.
 
Các cư sĩ không được thực tập toàn thời như các thầy, các sư cô ở tu viện nên năng lượng chánh niệm thường yếu kém. Thời gian các cư sĩ gặp nhau tu tập rất ít ỏi, khá lắm là một tuần một lần và gặp nhau trong tình trạng mệt mỏi, thiếu tươi mát. Nếu mình thật sự muốn tu và nâng đỡ các bạn đồng tu thì mình phải phát nguyện thực tập chánh niệm tinh chuyên, để có sự vững chãi và thảnh thơi mà hiến tặng cho tăng thân khi họp mặt. Sự an lạc và vững chãi của mình là năng lượng đưa tăng thân đi tới. Con tàu đã đi đúng hướng rồi thì cứ thế mà lăn bánh. Người “đầu tàu” của tăng thân thấy mình là cánh tay của Bụt, của Sư Ông và nhất là cánh tay của tăng thân thì xây dựng tăng thân mới thành công. Danh xưng “giáo thọ”, “chủ trì” có thể là một chướng ngại lớn cho việc xây dựng tăng thân.
 
Tu tập trong một tăng thân là cùng nhau chuyển hóa khổ đau. Không có khổ đau nào lớn hơn khổ đau nào. Mình giúp bạn mình nhận diện những gốc rễ khổ đau trong lòng, và ngược lại, bạn mình giúp mình thấy những gốc rễ khổ đau trong lòng mình. Đây là sự thực tập đặc trưng của truyền thống Làng Mai: cùng nương vào sức mạnh của tăng thân để chế tác hạnh phúc và chuyển hóa khổ đau cho nhau. Vì vậy, Tăng chuyên chở được Bụt và Pháp.
 
Trong xã hội tây phương ngày nay, các phong trào tu học, tập thiền, tập chánh niệm phát triển rất mạnh, đi vào cả trường học và nhà thương. Số lượng các vị thầy dạy thiền, các vị dẫn đầu tăng thân tăng lên gấp bội so với 5, 10 năm trước. Chùa chiền, tu viện cũng vậy. Nhu yếu tập thiền là một nhu yếu có thật vì người ta rất khổ và đi tìm những phương pháp giảm thiểu khổ đau. Tuy nhiên rất nhiều người dạy thiền và đứng đầu các tăng thân chỉ giúp cho người đời bớt căng thẳng trong đời sống nhưng chưa giúp chuyển hóa được khổ đau trong chiều sâu tâm thức. Một tăng thân đúng nghĩa sẽ chế tác ra một sức mạnh tâm linh hùng hậu. Nếu chỉ đi dạy đạo mà không thực tập với tăng thân địa phương thì mình không có đủ sức mạnh để chuyển hóa khổ đau. Chỉ có một số người đặc biệt như Bụt và các bậc đạo sư lớn mới có thể tự tu tập một mình và thành công mà thôi.
 
BBT: Thưa anh, có khi nào anh cảm thấy mình bị nản chí không? Nếu có thì anh đã thực tập như thế nào để vượt qua?
 
Chân Trí: Mình có thể nản chí vì tự thân tu tập không tiến bộ hoặc vì trong tăng thân không có hòa khí và hạnh phúc, giậm chân tại chỗ hoặc thụt lùi trong sự tu tập. Trong tình trạng ấy, mình tập khiêm tốn về cái thấy của mình về chính mình và về các bạn đồng tu cũng như phương pháp tu của mình. Đây là lúc cần thực tập soi sáng – ngồi nghe huynh đệ chia sẻ những cái thấy của họ về mình. Khiêm tốn là điều kiện thiết yếu cho thực tập soi sáng thành công. Một khó khăn trong tự thân hoặc trong tăng thân là cơ hội quí báu giúp mình nhìn sâu để có thêm tuệ giác. Khó khăn càng lớn, tuệ giác sẽ càng sâu. Có tuệ giác là mình có giải thoát.
 
Nếu giải thoát là mục tiêu tối hậu của cuộc đời mình thì mình đâu ngại khó. Vì ngã ái, ngã mạn, mặc cảm nên chỉ cần một vài khó khăn với bạn đồng tu, mình có thể bỏ tăng thân ra đi. Rồi mình sẽ loay hoay tu tập một mình, hoặc mình sẽ lập một tăng thân mới, đóng vai chủ trì, giáo thọ, sẽ tha hồ tổ chức, dạy đạo mà không bị huynh đệ nào soi sáng cả. Mình có thể đi vào đường tà mà không hay, ngũ dục – tài, sắc, danh, thực, thụy – sẽ từ từ soi mòn tâm bồ đề của mình. Đồng lao cộng khổ với tăng thân, mình sẽ có hạnh phúc lớn khi mình cùng với tăng thân thoát ra khỏi những khó khăn. Nhờ đó mà tâm bồ đề mình càng ngày càng kiên cố.
 
BBT:Thưa anh, anh có điều gì muốn nhắn nhủ với những người trẻ đang trên đường thực tập và xây dựng tăng thân?
 
Chân Trí: Xã hội bây giờ rất mất quân bình. Đời sống vật chất thì quá cao mà đời sống tâm linh thì quá thấp. Ở ngoài đời, mình không may mắn được sống và tu tập như ở trong tu viện. Ngoài việc đi làm để kiếm sống, mình cần hết lòng nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Có quân bình giữa đời sống vật chất và đời sống tâm linh, mình sẽ có hạnh phúc. Nuôi dưỡng đời sống tâm linh đi đôi với việc xây dựng tăng thân. Mình luôn tâm niệm là không có tăng thân thì sự tu tập của mình sẽ không thành công.
Tăng thân là ngôi nhà tâm linh của mình nên mình cần để nhiều công sức và thời giờ để xây dựng. Là người trẻ mình có thể giúp những anh chị đi trước làm chuyện này. Làm sao cho sinh hoạt tăng thân được đều đặn và có sự đầm ấm của một gia đình. Mình chăm lo cho các thành viên trong tăng thân như ông, bà, cô, chú, bác, anh, chị, em trong một nhà. Làm sao để thực tập các pháp môn một cách linh động chứ không máy móc. Có càng nhiều buổi họp mặt, ngày quán niệm, khóa tu càng tốt. Mình phải dành ưu tiên cho các ngày quán niệm và các khóa tu, bỏ bớt những sinh hoạt có tính cách xã hội và giải trí. Nhờ vậy mà năng lượng chánh niệm trong mình mới có mặt thường xuyên, giúp mình cưỡng lại dòng lôi cuốn của xã hội.
 
Những phong trào mới phát khởi từ Làng Mai như Wake Up rất phù hợp cho tuổi trẻ. Phong trào này có những sinh hoạt rất vui, được lồng trong những thực tập chánh niệm như thiền thở, thiền đi, thiền ngồi, ăn cơm chánh niệm. Chánh niệm là cốt tủy của sự thực tập. Bất cứ một sinh hoạt nào, nếu không có chánh niệm và không có sự đều đặn thì bản chất của sự thực tập không thấm vào da thịt được.
 
Chân Trí thấy theo với thời gian mình càng có nhiều hạnh phúc trong việc tu học. Mỗi khi đi ngày quán niệm và khóa tu, lòng mình rất hân hoan, nhẹ nhõm vì bỏ lại hết tất cả sau lưng. Mình và các bạn đồng tu khỏe ra, vui ra rất nhanh. Tuy rằng khổ đau còn đó, nhưng hạnh phúc vẫn có thể nở hoa được. Đó là nghệ thuật tiếp xử khổ đau – The Art of Suffering – như Sư Ông thường dạy.
 
BBT: Xin cám ơn anh đã có mặt và chia sẻ. Kính chúc anh cùng gia đình thực tập vui, bình an và có nhiều hoa trái trong sự tu học.
 
(*) Trích từ bài thơ của Sư Ông:
Tìm ra được lối cũ,
Trong rừng thiêng vắng người
Dẫn về kho Bảo Tích
Thỏa tình ta rong chơi. 

Chiếc áo giáp chánh niệm

Chị Chân Bảo Niệm (Cheri Maples), người Mỹ, từng là một cảnh sát và có trên hai mươi năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tư pháp Mỹ. Chị được Sư Ông Làng Mai truyền đăng năm 2008. Dưới đây là chia sẻ của chị trong khóa tu 21 ngày “Đường về Núi Thứu” tại Làng Mai, ngày 15.06.2016; được chuyển ngữ từ tiếng Anh.

 

Tiếp xúc với Thầy và pháp môn

Vào năm thứ bảy trong nghề cảnh sát, lần đầu tiên tôi đã tham gia một khóa tu với Thầy. Bạn có thể cho đó là một sự ngẫu nhiên, mà cũng có thể là vì nhân duyên hội tụ đầy đủ.

Trước đó tôi nhận thấy có ba tác động nghề nghiệp xảy ra với nhiều nhân viên cảnh sát trong suốt thời gian làm việc của họ và điều đó cũng đã xảy ra cho chính tôi.

Về mặt sinh lý, có những ảnh hưởng rất phức tạp. Các nghiên cứu cho thấy trong chúng ta, những người bình thường, ai cũng có một lượng adrenaline vừa phải. Nhưng đối với nhân viên cảnh sát, lượng adrenaline thường tăng vọt lên khi họ ở trong trạng thái cảnh giác cao độ, lo lắng cho an ninh của chính mình và của mọi người – điều này cũng xảy ra với những người phải làm nhiều việc cùng một lúc (multitasking). Họ lúc nào cũng được huấn luyện phải cảnh giác về những tình huống xấu có thể xảy ra mà không được huấn luyện để nhận diện những điều tốt đẹp đang diễn ra. Trong khi đó trên thực tế, những tình huống tốt luôn chiếm đa số.

Khi adrenaline lên cao, phải cần hai mươi bốn tiếng đồng hồ mới trở lại bình thường, nhưng các nhân viên cảnh sát phải trở lại làm việc trước hai mươi bốn tiếng. Trong môi trường công việc, họ làm những quyết định quan trọng, luôn bận rộn và có vẻ vui tươi, hài hước. Adrenaline giúp họ năng động. Nhưng khi về với gia đình, họ không còn năng lượng, bơ phờ, trầm cảm. Tại Mỹ, số lượng nhân viên cảnh sát tự tử cao gấp bốn lần số lượng bị tử vong trong khi thi hành nhiệm vụ.

Về mặt tinh thần, sự ảnh hưởng được biểu hiện qua sự bực dọc, thiếu kiên nhẫn, giận dữ, hoặc trầm cảm. Nhiều người trở nên cay đắng, chua chát. Vì phải tiếp xúc với những điều tiêu cực lặp đi lặp lại của một thành phần nào đó, họ sẽ có thành kiến sâu sắc với thành phần đó. Và dần dần, trái tim của họ bị đóng băng, vô cảm với những gì đang diễn ra.

Còn một hiện tượng nữa mà tôi tạm gọi là hội chứng “Tôi đã từng…” (“I used to” syndrome). “Tôi đã từng biết tưới tẩm hạt giống của niềm vui. Tôi đã từng có thời gian đạp xe đạp, chơi  thể thao. Tôi đã từng có thời gian làm vườn, làm thơ, hoặc làm những việc tôi thích,…”. Tất cả những nguồn cảm hứng ấy giờ đây đều đã mất đi. Thế giới của bạn ngày càng bị thu nhỏ vì những giờ làm việc bất thường. Vì nghĩ rằng mọi người không thể hiểu mình, bạn chỉ giao tiếp với những đồng nghiệp của mình mà thôi. Cứ như thế các cảm xúc, các cách hành xử tiêu cực của chúng tôi càng được củng cố. Và đó là tất cả lý do vì sao tôi có mặt lần đầu tiên trong khóa tu với Thầy năm 1991.

Trước đó, tôi bị chấn thương trong khi làm việc và đã tìm tới bác sĩ nắn chỉnh thần kinh cột sống (chiropractor). Trong phòng đợi của bác sĩ có quyển sách ‘Being Peace’ của Thầy. Tôi cầm lên lật vài trang và thầm nghĩ: “À, những điều này thú vị quá!”. Một hôm, trong thời gian nghỉ bệnh, tôi thấy trên bản tin trong phòng đợi ở phòng bác sĩ tờ quảng cáo về khóa tu do Thầy hướng dẫn  tại thành phố Munda Line, tiểu bang Illinois, vào năm 1991. Tôi nghĩ mình sẽ tham dự cho biết. Tôi đến khóa tu với một tâm trạng tự vệ nặng nề như mang giáp sắt. Tôi sẵn sàng tiếp nhận sự căm ghét từ mọi người vì tôi là một cảnh sát. Điều này thường xảy ra đối với chúng tôi. Thấy bộ đồng phục cảnh sát thì người ta sẽ có một cái nhìn thiếu thiện cảm về chúng tôi ngay lập tức.

Sư Cô Chân Không và Cheri Maples chia sẻ trong khóa tu 21 ngày năm 2016

Tại khóa tu, tôi đã tiếp xúc được với sự bình an một cách thật mầu nhiệm. Nhiều việc bất thường đã xảy đến với tôi sau khóa tu ấy. Tôi trở lại với công việc trong vai trò một hạ sĩ quan và thường làm việc vào buổi tối. Tôi không hiểu sao mọi người xung quanh tôi thay đổi. Họ dường như trở nên hiền hậu hơn trong thời gian tôi nghỉ bệnh. Ngay cả những người bị tôi bắt. Phải một thời gian sau tôi mới nhận ra rằng chính năng lượng của tôi đã thay đổi và mọi người đã đáp ứng lại năng lượng đó. Điều này là một bài học không thể tưởng tượng nổi cho tôi. Trong khóa tu, tôi được dạy về Năm giới (Năm phép thực tập chánh niệm) và giới đầu tiên là Bảo vệ sự sống. Tôi nghĩ tôi không thể nào tiếp nhận được những thực tập này vì nghề của tôi là nghề cầm súng và tôi không bao giờ có thể biết trước cái gì có thể xảy ra. Cho đến bây giờ, tôi không nhớ rõ rằng Thầy hay sư cô Chân Không đã nói với tôi rằng: “Chúng tôi còn trông chờ vào ai khác để mang súng hơn là một người biết sử dụng nó trong chánh niệm?” (“Who else would we want to carry a gun except somebody who will do it mindfully?”)

Con đường chuyển hóa

Sự chuyển hóa đến với tôi như một sự chuyển tiếp chậm rãi, một sự thay đổi có tính cách từng bước. Tôi đã không còn làm việc một cách máy móc nữa. Nhờ vậy, tôi đã bắt đầu nhìn những gì xảy ra trước mắt mình bằng một con mắt mới: tôi thấy được người đang đứng trước mặt tôi đây là một con người đang đau khổ và đang cần sự giúp đỡ của tôi và thường là họ không còn nơi nào khác để tìm về.

Có một lần, tôi được gọi đến để giải quyết một vụ bạo hành trong gia đình. Vào thời đó, chính sách của chúng tôi là nếu một người hăm dọa một người khác, bằng hành động hoặc bằng bất cứ hình thức nào thì bạn phải bắt giam họ. Lúc đó tôi chỉ có một mình. Một người phụ nữ chạy về phía tôi kêu cứu: “Chồng tôi đang giữ đứa con gái của tôi. Tôi đang rất lo sợ. Hai chúng tôi đã chia tay và anh ấy không chịu để cháu ra về với tôi. Chúng tôi đã thỏa thuận về việc chia thời gian để giữ cháu và lần này là đến lượt tôi”. Tôi bảo cô ấy ra ngồi đợi ngoài xe ở phía cuối đường rồi đến gõ cửa. Một người đàn ông cao khoảng 1,9 mét (tôi cao chỉ 1,6 mét) ra mở cửa. Ông trông rất giận dữ. Nhìn vào ông, tôi có thể thấy được rõ nỗi khổ đau của ông ấy. Với một giọng bình tĩnh, tôi nói: “Tôi có thể vào nhà được không? Tôi đến đây chỉ để lắng nghe và giúp cho gia đình ông thôi”. Tôi bước vào. Thấy bé gái ở một góc phòng, tôi cất tiếng: “Ông biết không, tôi thấy cô con gái nhỏ của ông ở đằng kia. Tôi biết ông rất thương và lo cho cháu. Tôi thấy cháu đang sợ hãi và tôi biết ông không muốn tình trạng này xảy ra. Thôi ông hãy để cháu ra ngoài gặp mẹ cháu rồi ông và tôi sẽ nói chuyện một chút”. Và ông đã đồng ý.

Tôi nhận ra rằng thay vì phải làm cho tình thế trở nên nghiêm trọng hơn để rồi phải bắt người đó, bạn chỉ cần ứng xử với lòng từ bi và năng lượng chánh niệm. Dù trên người đang mang súng và áo chống đạn, tôi đã ngồi xuống bên cạnh người đàn ông ấy. Tôi đã vi phạm tất cả các qui định và luật lệ. Chúng tôi ngồi trên ghế sofa và ông ấy bắt đầu khóc trong vòng tay của tôi. Tôi không thể tưởng tượng được là một chút từ bi có thể thay đổi được hoàn cảnh như thế. Tôi thấy có nhiều cách mà tôi có thể dùng để ứng xử với mọi người. Đương nhiên nếu bạn đang trong tâm trạng giận dữ, bực bội hay cay đắng thì sẽ rất khó cho bạn nhận ra được những phương cách ấy. Ba ngày sau tôi gặp lại ông ấy. Tôi đang đi bộ trên con đường gần nhà thì ông ấy tiến đến sau lưng tôi. Tiếp cận một nhân viên cảnh sát từ phía sau là một điều tối kỵ! Ông ta nhấc tôi lên khỏi mặt đất và nói: “Cô, chính cô đã cứu cuộc đời tôi tối hôm ấy”.

Xây dựng cộng đồng và pháp môn dấn thân

Trong những lời Thầy dạy, tôi nhận thấy Thầy nhấn mạnh không chỉ về sự thực tập chánh niệm và sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại, mà còn về xây dựng tăng thân và sự thực tập dấn thân. Hai điều này ít được nhấn mạnh trong nhiều truyền thống khác của đạo Bụt. Tôi bắt đầu nghĩ đến một tăng thân, một cộng đồng. Tôi tham gia thực tập cùng một tăng thân ngay sau khi tham dự khóa tu về, nhưng đồng thời tôi cũng bắt đầu coi những đồng nghiệp và gia đình là tăng thân của mình.

Năm 2002, tôi tìm về Làng Mai để tham dự ba tháng an cư và cảm được một năng lượng vững chãi lạ kỳ. Thầy truyền 14 giới Tiếp Hiện cho tôi và 32 người khác. Tôi viết một lá thư cho Thầy và bỏ vào chuông. Trong thư tôi thưa rằng tôi vẫn còn có sự giằng co giữa hai cảm giác vừa là nạn nhân, vừa là kẻ đàn áp trong tâm mình khi làm nghề cảnh sát. Ngày hôm sau, trong bài pháp thoại, Thầy đã dạy về sự biểu hiện của tình thương với nhiều hình thức, nhiều khuôn mặt khác nhau. Tôi ngồi ở cuối thiền đường và khi nghe Thầy đề cập đến các nhân viên cảnh sát, nước mắt tôi đã tuôn trào. Một sự chuyển hóa lớn lao đã đến với tôi, tôi thấy mình mềm ra. Thầy giúp cho tôi hiểu ra rằng “trong tất cả chúng ta, ai cũng có thể vừa là một nạn nhân vừa là một kẻ áp bức”. (“we’re all victims and oppressors.”)

Cũng trong mùa An cư đó, trong một buổi chấp tác cắt gọt rau củ, tôi nói với các bạn trong nhóm: “Tôi có một hình ảnh điên rồ trong đầu, hình ảnh một nhóm nhân viên cảnh sát cùng nắm tay nhau đi thiền hành, chế tác ra những bước chân an lành trên mặt đất”. Một cô thiền sinh nhìn tôi nói: “Cheri, chị có thể thực hiện được điều đó, chị có thể làm được mà”. Tôi không còn nhớ người bạn đó là ai và cô ấy có thể sẽ không bao giờ biết được những tác động của lời khuyên lúc ấy.

Trong thời vấn đáp vào ngày thứ Năm tuần đó, tôi hỏi Thầy có thể sang Mỹ hướng dẫn một khóa tu cho các nhân viên cảnh sát hay không. Tôi lo là Thầy sẽ từ chối, nhưng tôi đã rất hạnh phúc khi Thầy nói: “Được, thầy nghĩ là sang năm chúng ta sẽ làm”. Điều này có nghĩa là tôi sẽ có một năm để chuẩn bị và kêu gọi các nhân viên cảnh sát tham dự một khóa tu chánh niệm với một vị thầy Phật giáo.

Công việc tổ chức không tránh khỏi sự phản ứng và nhiều trở ngại. Nhưng cuối cùng, Thầy đã đến Mỹ và khóa tu đã diễn ra. Trong số thiền sinh tham dự khóa tu năm đó, có khoảng 16 cảnh sát đến từ sở cảnh sát nơi tôi làm việc. Sau buổi pháp thoại đầu với chủ đề “Violence begets violence” (Bạo động chỉ làm phát sinh thêm bạo động mà thôi), họ đã đến gặp tôi và hỏi: “Cheri, vậy thì chúng ta phải làm như thế nào? Thầy ấy nói bạo động chỉ làm phát sinh thêm bạo động là như thế nào? Chúng tôi muốn nói chuyện với Thầy”. Sau đó Thầy đã gặp riêng và nói chuyện với họ. Rất là tuyệt vời, bởi vì từ đó cho đến cuối tuần không có ai có vấn đề hay phản đối gì nữa cả. Vào cuối khóa, Thầy hỏi tôi: “Chúng ta có được nghe các vị cảnh sát chia sẻ không?”. Vì vậy vào đêm cuối của khóa tu, các nhân viên cảnh sát đã lên chia sẻ. Tôi chưa bao giờ được nghe họ chia sẻ như thế về cuộc sống của họ khi làm một nhân viên cảnh sát. Và cũng chưa bao giờ tôi được chứng kiến một cộng đồng sẵn sàng lắng nghe họ như vậy. Cuối khóa tu, 16 nhân viên cảnh sát và tôi đã nắm tay nhau thực tập thiền đi.

Năm 2007, tôi được tham gia chuyến về Việt Nam của Thầy. Năm 2008, tôi được nhận truyền đăng từ Thầy với bài kệ kiến giải:

Thở vào, tôi biết chánh niệm là con đường đưa đến bình an

Thở ra, tôi biết bình an là con đường đưa đến chánh niệm

Thở vào, tôi biết bình an là con đường đưa đến sự công bằng

Thở ra, tôi biết sự công bằng là con đường đưa đến bình an

Thở vào, tôi biết trách nhiệm của tôi là đem đến sự an toàn và phòng hộ cho tất cả mọi loài

Thở ra, tôi cảm thấy khiêm cung và trân quý trách nhiệm của mình – một nhân viên hoạt động cho hòa bình.

Thở vào, tôi chọn chánh niệm làm áo giáp và từ bi làm vũ khí

Thở ra, tôi nguyện đem tình thương và sự hiểu biết đến với tất cả những ai tôi phục vụ.

Ba khía cạnh tương tức

Nội lực

Đã có rất nhiều người đến nói với tôi rằng: “Cheri, chị đã mềm ra rất nhiều”. Tôi nghĩ đó là sự thật. Những lớp áo giáp bảo vệ của tôi đã từng lớp, từng lớp được tháo ra. Tôi ý thức được hai tâm hành tham đắm, ghét bỏ và học cách chuyển hóa chúng. Tôi cũng nhận diện và làm lắng dịu được cả những tâm thật vi tế như tâm tham. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng khi có được sự trị liệu và sự bình an thì mình lại bị kẹt vào đó để tạo nên một cái ngã. Tôi học cách để nhận diện và chuyển hóa ngã chấp đó. Trong xã hội của chúng ta, mọi người được đánh giá qua việc người ấy làm. Trong khi đó, Thầy dạy rằng phẩm chất của việc làm luôn tùy thuộc vào phẩm chất của chính người làm việc đó. Tôi được học cách sống hạnh phúc ngay bây giờ, mà không bị cuốn vào công việc và bắt hạnh phúc phải chờ đến tương lai.

Một điều rất quan trọng là chúng ta cần phải biết cách phân biệt giữa lòng tự trọng (self-esteem) và lòng từ bi cho chính bản thân (self-compassion). Vấn đề của sự tự tôn (high self-esteem) là chúng ta vẫn còn so sánh giữa mình và người khác và đôi lúc còn tranh hơn thua với họ và âm thầm mong rằng người khác sẽ thua kém mình. Có từ bi với chính mình thì chúng ta sẽ biết thông cảm và có thiện chí với bản thân. Tôi nhận thấy khi có thể áp dụng các pháp môn thực tập để làm được như thế thì cái ngã của tôi thu nhỏ lại. Hạnh phúc lớn nhất là khi cái ngã của mình nhỏ nhất. Còn khi cái ngã to lên thì đó cũng là lúc tất cả những tập khí của tôi biểu hiện.

Công việc dấn thân

Chúng tôi có một số chương trình tu học trong các nhà giam ở tiểu bang Wisconsin. Chương trình đã bắt đầu từ một nhà giam và sau đó nhân rộng ra cho cả một hệ thống. Chúng tôi sẽ bắt đầu dạy phương pháp tu tập chánh niệm cho những người quản lý trại giam.

Nhờ tính thuyết phục của những nghiên cứu khoa học về phương pháp chánh niệm, chúng tôi cũng được mời hướng dẫn sự thực tập này không những cho nhân viên trong các trại cải huấn mà còn cho các nhân viên giáo dục phạm nhân và nhân viên quản lý những người được tạm tha.

Trong sự dấn thân, tôi nhận thấy điều quan trọng nhất là chúng ta phải giữ cho năng lượng thực tập của mình vững vàng và sống động, nếu không thì chúng ta sẽ lâm vào tình trạng “hết xí quách” trong khi phụng sự (compassion fatigue). Tình trạng “hết xí quách” (tình trạng kiệt sức và không còn năng lượng để làm gì nữa hết) xảy ra là vì chúng ta cho ra quá nhiều trong khi nội lực chúng ta lại không có đủ. Khi sự hiến tặng đến từ chính năng lượng thực tập căn bản của chúng ta thì năng lượng ấy sẽ được làm mới lại và trở nên vô lượng, không giới hạn. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải duy trì sự thực tập cho vững vàng và sống động. Vì lý do này mà những thành viên của dòng tu Tiếp Hiện phải có 60 ngày tu chánh niệm mỗi năm.

Sự liên hệ giữa mình và người

Đối với tôi, sự liên hệ giữa mình và người khác là một sự thử thách cao nhất trong đời sống tâm linh. Nếu sự thực tập không có mặt trong những mối liên hệ như vậy thì quả là có điều gì đó không ổn. Là một nhân viên cảnh sát, tôi đã bắt đầu kinh nghiệm được năng lực trị liệu của sự không gây hấn (non-aggression).

Điều mà tôi học được khi tiếp xử với mọi người là tránh gây thêm tác hại. Ngay cả khi phải dùng vũ lực, tinh thần bất hại vẫn phải luôn có mặt. Một trong những điều quý giá mà Thầy đã dạy tôi là lòng từ bi có khi biểu hiện một cách nhẹ nhàng và có khi biểu hiện một cách mạnh mẽ. Tuệ giác là biết khi nào cần áp dụng lòng từ bi một cách nhẹ nhàng để hiểu thêm về đối tượng và khi nào cần áp dụng lòng từ bi một cách mạnh mẽ để duy trì luật lệ và khuôn phép. Điều này rất quan trọng. Và tôi nghĩ rằng cách chúng ta giao tiếp và liên hệ với người khác hàng ngày chính là công tác hòa bình quan trọng nhất mà chúng ta dấn thân vào.

Tôi nhớ khi tôi còn làm đội trưởng trong phân ngành huấn luyện nhân viên, một hôm ngồi ở bàn làm việc, một cảnh sát trẻ bước vào và nói: “Thưa Đại úy,  tôi xin được thưa chuyện với bà”. Lúc ấy tôi thật sự không muốn bỏ dở công việc đang làm. Tôi nhận diện được ngay tâm hành này và quyết định thay đổi cách hành xử của mình. Sự liên hệ với người phải quan trọng hơn công việc. Có thể một số người khác sẽ không bằng lòng vì như thế công việc sẽ bị đình trệ, có thể tôi sẽ không làm được nhiều việc như ý muốn. Nhưng có điều gì quan trọng hơn việc hiến tặng sự có mặt của tôi cho một con người khác? Bởi vì hiệu ứng gợn sóng của sự có mặt ấy, bạn sẽ không bao giờ, không bao giờ lường trước được.

Thong dong nẻo về

Thầy Pháp Đệ xuất gia tại Làng Mai năm 2003. Trước đó, thầy đã từng là một linh mục Công giáo. Mười ba năm gắn bó với tăng thân, thầy đã sống thật trọn vẹn, thật đẹp, luôn hiến tặng sự có mặt tươi mát và nụ cười hồn hậu của mình. Sau một thời gian lâm trọng bệnh, thầy đã ra đi trong vòng tay thương yêu của huynh đệ và người thân vào ngày mùng 4 tháng 8 năm 2016, ở tuổi 81.

 

Nhớ về thầy Pháp Đệ – Adrian Aloysius Stier

(Ngày 25 tháng 9 năm 2016, đại chúng tại tu viện Lộc Uyển, California, đã tổ chức lễ tưởng niệm thầy Pháp Đệ. BBT xin trích đăng lời tưởng niệm mà đại chúng Lộc Uyển đã dành cho thầy)

Thầy Pháp Đệ sinh ra trong một gia đình nông dân đông con ở Minnesota. Thầy được đặt tên là Adrian, gọi theo tên em ruột của mẹ, là một vị nữ tu Công giáo. Từ hồi nhỏ thầy đã là một đứa trẻ lanh lợi thông minh và hiếu động, đồng thời cũng rất tự tin và độc lập. Từ lúc còn trẻ tuổi, thầy đã quan tâm đến đời sống tâm linh. Năm 16 tuổi, thầy gia nhập chủng viện và mười năm sau thụ phong linh mục.

Năm 35 tuổi, vì những bất đồng ý kiến với giáo hội Công giáo, thầy đã trở về đời sống thế tục   và lập gia đình. Thầy có một người con gái tên  là Jessica. Thầy đã từng lập nên một “half-way house” – nơi tạm trú, và trợ giúp những người đang trong giai đoạn tái hòa nhập cộng đồng (như người mãn hạn tù hoặc sau cai nghiện…).   Thầy cũng từng làm việc trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và chứng khoán.

Thầy Pháp Đệ là một người có nghị lực rất lớn. Năm 1993, thầy bị ung thư hạch bạch huyết (lymphoma) đến giai đoạn bốn nhưng thầy đã hồi phục. Thiền tập chính là một trong những yếu tố góp phần trị liệu cho thầy.

Ngày 7 tháng 7 năm 2003, thầy xuất gia tại Làng Mai trong gia đình cây Vô Ưu và trở thành sư chú Chân Pháp Đệ. Đôi khi thầy tự xưng là “Happy Đệ” (Sư em Hạnh phúc).

Thầy thọ giới lớn vào tháng 12 năm 2006 và được Sư Ông Làng Mai truyền đăng phú pháp năm 2011 với bài kệ:

Pháp thiêng nuôi dưỡng tình huynh đệ

Kết hợp Đông Tây một giải đồng

Thế giới đi về phương hướng ấy

Suối nguồn tuệ giác đã khai thông.

Thầy là một người vui vẻ, bình dị. Năm 2016, quý thầy quý sư cô chuẩn bị trà, bánh mừng sinh nhật thầy ở nhà trà của     tu viện Lộc Uyển. Khi được yêu cầu chia sẻ về lễ sinh nhật hạnh phúc nhất trong đời, thầy yên lặng một lát, rồi nói: “Đây là sinh nhật hạnh phúc nhất mà con từng có!”. Tuổi càng cao, thầy càng đằm lại và càng có nhiều niềm vui.

Nếu đi dạo vòng quanh tu viện Lộc Uyển, ta vẫn thấy như thầy Pháp Đệ đang trượt patin xung quanh thiền đường lớn, hoặc đang cho tham vấn hết người này đến người kia, hay đang pha cà phê và làm sinh tố cho đại chúng, tưới cây, nấu món khoai tây nổi tiếng của thầy hoặc đang thỉnh chuông đại hồng.

Thầy Pháp Đệ đã sống một cuộc đời thật ý nghĩa, trọn vẹn và nhiều màu sắc. Gốc rễ tâm linh Công giáo có một ý nghĩa rất quan trọng đối với thầy và luôn nuôi dưỡng thầy. Có vẻ như không có một kỹ thuật hay triết lý nào mà thầy không quan tâm tới. Bên giường thầy bao giờ cũng có một bài thơ của Rumi hay Hafiz. Tuy nhiên càng lớn tuổi, thầy lại càng quay về với gốc rễ tâm linh Công giáo và sự thực tập chánh niệm.

Thầy đã để lại rất nhiều kỷ niệm đẹp và thân thương trong lòng đại chúng. Vào ngày tiễn thiền sinh hàng tuần, thầy luôn yêu cầu đại chúng hát bài Chúc lành của người Ái Nhĩ Lan (Ireland):

Mong sao con đường nâng bước chân bạn

Mong sao cho gió luôn thuận chiều

Mong sao cho ánh nắng mặt trời luôn sưởi ấm sau lưng bạn

Mong sao cho mưa rơi nhẹ hạt thấm ướt cánh đồng của bạn

Và cho đến khi chúng ta gặp lại,

Mong rằng bạn luôn được ôm ấp trong tình thương.

Tiếng cười của thầy vẫn còn  vang vọng khắp núi rừng Lộc Uyển. Lời khích lệ nồng nhiệt của thầy với câu “go get ‘em” (“Cố lên, bạn có thể làm được mà!”) vẫn còn rất sống động trong đại chúng. Thầy luôn nhắc nhở mọi người có mặt đầy đủ trong các thời khóa và đề cao tinh thần đồng đội. Đó là một trong những món quà mà thầy đã hiến tặng cho đại chúng. Cảm ơn thầy đã chọn tăng thân này để cùng chung sống và tu tập.

Sau đây là một đoạn trích từ bài phỏng vấn thầy Pháp Đệ (năm 2015):

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Đức, gốc Ái Nhĩ Lan có truyền thống Cơ đốc giáo. Khi lên 13 tuổi, tôi trở thành một cậu bé phụ lễ (altar boy) trong nhà thờ, và “cha xứ” trở thành một người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Thường thường, mỗi ngày tôi giúp cha làm thánh lễ và đến thăm những người bệnh tại nhà của họ. Tôi đã là một con chiên ngoan đạo nhiệt thành đến nỗi vào năm 16 tuổi, tôi vào học trường dòng, và trở thành linh mục vào năm 26 tuổi.

Trong những năm làm linh mục, tôi bắt đầu đối diện với những khó khăn: bất đồng ý kiến với tòa thánh tại Rome và Vatican, không trải nghiệm được tình huynh đệ mà tôi đang tìm kiếm. Năm 1970, tôi trở về đời sống thế tục. Một trong những lý do khiến tôi hoàn tục là cuộc gặp gỡ với cha Dan Berrigan. Cha đã giúp tôi nhận ra bản chất của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tôi từ bỏ đời sống của một linh mục để ra đời giúp những tội phạm hình sự, tiếp tục công trình mà tôi tin là Chúa đang làm.

Năm 1993, tôi phát hiện ra mình bị ung thư hạch bạch huyết giai đoạn bốn và phải chịu hóa trị. Khi đó, tôi đang làm việc trong thị trường mua bán chứng khoán. Tình cờ, tôi thấy trên đầu giường của cô bạn sống chung có quyển “Phép lạ của  sự tỉnh thức”. Đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với giáo pháp của Thầy và việc đó đã ảnh hưởng  một cách đáng kể đến tôi. Cụ thể là tôi đã không còn vừa xem ti-vi vừa ăn tối hoặc vừa lái xe vừa nghe đài. Tôi không còn đem theo máy nghe nhạc Walkman trong những lần chạy thể dục dọc bờ sông Mississippi, mà chỉ lắng nghe thiên nhiên. Đó là những ảnh hưởng đầu tiên của Thầy đối với cuộc đời tôi. Rồi vào năm 1997, tôi cùng cô bạn gái mà sau này trở thành hôn thê của tôi sang Làng Mai. Chúng tôi đã thật sự bị đánh động. Trở về lại Minnesota, chúng tôi bắt đầu xây dựng tăng thân. Năm 2000, chúng tôi chuyển về Santa Barbara và góp phần tạo dựng một trung tâm thực tập cho thiền sinh thường trú ở đó.

Trong thời gian này, có lần tôi may mắn được ngồi cùng Thầy trong vườn cây ăn trái tại Thanh Sơn (Vermont) và thưa chuyện với Thầy về nhiều vấn đề, thí dụ như về cha Dan Berrigan và trải nghiệm của tôi về phong trào tranh đấu cho hòa bình. Tôi cũng đã có cơ hội được đi Trung Quốc với Thầy năm 1999. Trong chuyến đi đó, tôi vừa mới đọc xong quyển “Going Home: Jesus and Buddha as Brothers” (Chúng ta hãy về nhà đi: Bụt và Chúa là hai anh em). Tôi thưa với Thầy: “Bạch Thầy, con nghĩ là Thầy còn hiểu  Chúa hơn tất cả những nhà thần học tên tuổi mà con từng biết đến trong những năm 1950 – 1960 nữa”. Thầy nói một cách giản dị: “Tại vì thầy có Chúa ở trong tim”. Từ đó đến nay, đối với tôi, Thầy là một tấm gương tuyệt vời nhất của một đức Ki-tô bằng xương bằng thịt và Thầy chính là lý do vì sao tôi có mặt nơi đây trong chiếc áo người tu.

Tháng 10 năm 2002, vừa mới bắt đầu hồi phục lại sau khi chia tay với vị hôn thê, khi đọc quyển sách nói về cuộc đời của Thánh Francis tại Assisi, tôi nghĩ: “Ngài thật giống Thầy”. Khi ấy tôi cảm thấy mình không muốn có thêm một mối quan hệ tình cảm nào nữa, cũng không cần có thêm   tiền

bạc (tôi vừa mới về hưu). Tôi tự nhủ: “Có những cái có ý nghĩa hơn, và Thầy chính là người đang có những cái đó”. Rồi tôi nghĩ: “Tại sao mình không là một người như thế được?”. Mong muốn đó của tôi có thể gọi là sự tham lam tâm linh.

Vào ngày 3 tháng 7 năm 2003, tôi xuất gia và Thầy cho tôi pháp danh là Chân Pháp Đệ. Nghe đọc tên tôi, mọi người cười rộ lên. Sau đó tôi được biết tên tôi có nghĩa là “Sư em”. Khi ấy tôi đã 68 tuổi. Nhiều năm về sau, Thầy bảo tôi: “Thầy đặt tên con là Pháp Đệ bởi vì trước đây ai cũng gọi con là Cha”. Thầy thật là một người hóm hỉnh. Tôi cảm thấy mình được Thầy hiểu và thương hết lòng. Tôi thật may mắn.

Tăng thân là một môi trường rèn luyện rất cần thiết đối với tôi. Khi sống ở ngoài đời tôi có khuynh hướng làm gì cũng làm cho xong và làm theo ý của mình. Nếu người khác không hợp tác hoặc làm theo ý tôi, tôi phớt lờ họ đi, tiếp tục làm và hoàn thành công việc theo ý mình. Ở trong tăng thân, tôi thực tập nhận diện tập khí lúc nào cũng thích bận rộn và muốn đạt kết quả theo ý mình. Là người xuất gia, tôi học hạnh buông bỏ cái thấy riêng của mình. Tôi có nhiều bình an, nhiều niềm vui hơn và sức khoẻ cũng tăng tiến. Tuy vậy, đối với tôi, thật sự sống trong tinh thần tương tức, thật sự có mặt cho các huynh đệ đồng tu mà không phán xét vẫn còn là một thử thách.

Ba hoặc bốn năm gần đây, tôi đối diện với một thử thách lớn nhất trong đời: Thầy khuyên tôi tìm cách giúp người Tây phương tiếp xúc với gốc rễ tâm linh của chính họ. Tôi nói: “Bạch Thầy, tất cả những người mà con quen biết, ai cũng đều rất hạnh phúc khi tu tập pháp môn chánh niệm. Không ai vương vấn với gốc rễ tâm linh của họ hết”. Thầy nói: “Thầy không nghĩ vậy, bởi vì nó đã nằm sâu trong huyết quản của họ rồi”. Càng lúc tôi càng nhận ra là phần lớn chúng ta không ai thật sự ý thức về điều đó.

Vì Thầy nhất định muốn tôi phải thực hiện điều đó, tôi buộc phải quay về tiếp xúc với gốc rễ Công giáo của mình. Nhờ đó tôi nhận diện được nguyên nhân nào đã làm tuổi trẻ của tôi tàn hoại và làm cho tôi cởi áo linh mục trở ra đời. Đó chính là lối tư duy lưỡng nguyên. Tôi đã là một người bán chứng khoán giỏi, là một thầy giáo rất nổi tiếng trong những thập niên 60. Thế nhưng tôi đã bị kẹt vào danh từ, khái niệm hơn là tuệ giác chân thực. Tôi đã bị kẹt vào những lý luận thần học hay ho và những tư duy hiện đại nhất, trong khi đó tôi đã không có một sự liên hệ mật thiết đích thực với Chúa, với Thượng Đế.

Nhờ thực tập và nhờ giáo pháp của Thầy, tôi đã khám phá ra được cái gì đã thực sự xảy ra cho mình trong quá khứ, bởi vì khi ấy tôi hoàn toàn không có chút hiểu biết nào. Bây giờ, nhờ đào sâu vào những thử thách ấy mà tôi có thể giúp người khác quay trở lại để nhìn sâu vào vấn đề và thiết lập lại mối quan hệ với gốc rễ tâm linh của mình.

Có lần ở Hồng Kông, tôi thưa với Thầy: “Bạch Thầy, con không nghĩ là con đã sẵn sàng để giúp người Tây phương trở về thiết lập lại quan hệ với nhà thờ”. Thầy chỉ nhìn tôi, rồi nói: “Con cần phải là một nhà cách mạng. Chúng ta cần một đạo Ki- tô hiện đại”. Tôi vẫn đang còn trong quá trình đi tới sự sẵn sàng cho việc đó.

Một giáo pháp quan trọng khác mà tôi học được ở Thầy có liên quan đến việc bảo hộ cho đất Mẹ. Thầy dạy chúng ta làm thế nào để hiểu và thương yêu đất Mẹ. Đối với một tín đồ Công giáo thế   hệ cũ, tôi được dạy rằng trái đất chính là nơi lưu đày bởi vì tổ tiên chúng ta đã gây nên tội lỗi. Trái đất chính là nơi mà chúng ta đang bị thử thách.

Quả thật đó là một lý thuyết rất tiêu cực bởi vì nó không làm người ta thấy rằng sự có mặt của mình trên trái đất chính là một hồng ân. Và Thượng Đế không chỉ là một đấng nào đó đang nhìn xuống chúng ta và nói rằng tốt nhất là chúng ta nên rửa tội, nếu không … – rằng Ngài đang không bằng lòng với chúng ta vì một lý do nào đó. Trái đất chính là Mẹ của chúng ta, Thầy đã có một cách nói thật hay như vậy. Chính đất Mẹ đã cho ra đời Chúa, Bụt và tất cả chúng ta. Sự thực tập của chúng ta là thật sự học hỏi để làm sao trong cuộc sống hằng ngày chúng ta biết cách để thưởng thức đất Mẹ nhiệm mầu trong từng bông hoa và trong tự thân mỗi chúng ta.