Đến để tự thấy

Viết cho các anh chị em xa Làng

Nắng mới lên rồi. Ánh nắng từ phía đông hắt qua khu rừng hướng lâu đài rất đẹp. Ở phòng học Mây Tím nhìn ra, có những buổi sáng sương giăng, phủ khắp cả đồi mận, đẹp lắm. Lá thu vẫn còn đó, vàng đỏ, chập chùng, ẩn hiện. Cái lạnh của mùa đông cũng đang ngự trị, cho thu đông quyện vào nhau, cảnh vật trở nên huyền nhiệm. Con biết ơn nơi này, biết ơn Thầy đã cho mình đôi mắt biết nhìn, biết ngắm.

Trăng lặn, thật đẹp, thật thanh bình. Phòng học với cửa kính lớn rộng cho mình cảm giác như đang ở ngoài trời, đang tiếp xúc với trăng thật sự. Từ dưới đất, hơi lạnh bốc lên thành khói, thành sương, thành mây bảng lảng. Sao mà huyền hoặc và đẹp đến thế. Ngồi đây, con nhớ lại có lần đi Đức trong một khóa tu tổ chức ở Intersein, Thầy được ở trong một căn phòng có cửa kính lớn rộng từ đầu này đến đầu kia. Nhìn ra bên ngoài khung cảnh thật đẹp. Chẳng khác nào mình đang ngồi ngoài trời ngắm cảnh. Thầy thường hay mời các anh chị em lên uống trà ngắm cảnh với Thầy. Có phải cảnh đẹp cũng làm cho lòng mình hân hoan rộng mở? Con ngồi đây, không gian bên ngoài cũng giúp con tạo dựng không gian bên trong. Tương tức mà. Con ước mình có thể chụp được bức hình này gởi cho các anh chị em xem. Có lẽ tàng thức là một cái máy chụp hình chuyên nghiệp nhất. Rất sống động và thực, chỉ có điều khó để gởi cho các anh chị em.

Trăng vẫn chưa hề lặn”. Yên, yên lắm! Có những buổi sáng thức dậy, thấy các chị em, ai cũng an nơi chỗ ngồi của mình và ngắm trăng. Một cảnh tượng rất yên, lặng và đẹp. Đẹp từ bên ngoài lẫn bên trong. Ở chỗ ngồi của con nhìn ra, trăng lặn ngay bên cạnh lâu đài. Cảnh vật làm cho trăng nên thơ thêm. Mỗi loài hoa, mỗi con người, mỗi cảnh vật… có một vẻ đẹp riêng, và vẻ đẹp ấy được tô điểm bởi cái vị trí của nó, nơi nó được đặt lên. Một bình hoa đẹp không phải đặt ở đâu cũng đẹp. Nó phải phù hợp với không gian chung quanh nữa.

Xóm Hạ bây giờ thay đổi nhiều. Chỉ mới một năm thôi mà đã khác hẳn. Nhà ăn bây giờ khang trang hơn. Nhớ ngày khai trương nhà ăn, cũng là ngày xuất sĩ, anh chị em quây quần bên nhau ăn trưa thật ấm cúng và vui nhộn. Hơn hai năm xây dựng, xóm Hạ ở trong tình trạng bùn lầy nước đọng, đi ra ngoài là áo quần dính đầy bùn, không có ngày nào và không có ai là không dính bùn. Khất thực từ nhà Anh Đào đến thiền đường Cam Lộ (lúc này một nửa làm nhà ăn, một nửa làm nhà kho chứa đồ) những ngày mưa thật vất vả. Ăn xong lại lặn lội trở về nhà Anh Đào để rửa bát. Một số quý sư cô sử dụng bình bát của mình để đi thẳng về ni xá. Một số muốn thực tập như mọi người nên cũng dùng bát thủy tinh của nhà ăn, thấy mình đồng sự được với thiền sinh, cũng vui. Niềm vui tại tâm mà! Chính vì vậy mà thiền sinh cảm thấy hạnh phúc. Chẳng có ai phàn nàn, chẳng có chuyện gì xảy ra cho năm ấy cả. Ai cũng thực tập hết lòng và chấp nhận những thiếu hụt của xóm. Họ thương mình nhiều lắm nên mới chấp nhận được trong những điều kiện như thế. Bây giờ nghĩ lại giai đoạn đó thấy mấy chị em xóm Hạ cũng cừ thiệt. Các anh chị em từ xóm khác đến quán niệm một ngày là đã la làng chọc: “Sao giống về quê cày ruộng quá”. Có những chị em từ nơi khác về an cư thấy vậy, ngày nào cũng đẩy những chiếc xe rùa đầy đất đi đắp đường, thật là dễ thương.

Những ngày quán niệm cả ba xóm, những con đường vốn đã bị giới hạn lại giới hạn thêm bởi những chiếc xe cẩu, xe tải đào đất, ban đất và chở vật liệu. Thế mà nay mọi thứ đã khang trang (trừ nhà Anh Đào chưa sửa chữa), cư xá Hồng Giòn cũng đẹp và ấm cúng hẳn ra. Chung quanh, những con đường được trải sỏi, rất đẹp và sạch. Những ngày mưa, tuyết, vẫn khô ráo không bị bùn lầy.

Ấy! Xóm Hạ bây giờ sạch đẹp như thế đó. Kính mời các anh chị em về thăm Làng, thăm lại xóm Hạ một chuyến cho vui. Được gặp lại cố tri thì còn gì hạnh phúc bằng!

Tự do của một người tu

Bây giờ là mùa Giáng sinh. Các anh chị em biết rồi đó. Truyền thống của làng mình là bốc thăm để tặng quà cho nhau. Ai bốc trúng tên mình thì người đó sẽ làm ông già Noel của mình.

Mọi người háo hức vui khi chuẩn bị và làm những món quà, những tấm thiệp, đơn giản mà đẹp. Chưa tặng, không biết người kia nghĩ gì mà người chuẩn bị đã thấy hạnh phúc nuôi dưỡng rồi. Những ông già, bà già Noel làm việc rất hăng say, vui vẻ. Có khi đụng đầu nhau vì phải đi tặng quà trong những lúc tối trời, lúc mọi người đã lên giường ngủ hết.

Thế rồi ngày Noel đến. Sau một ngày chơi với bốn chúng, các anh chị em xuất sĩ có một ngày riêng ở Sơn Cốc. Quà chất đầy các cây Noel. Các xóm dâng quà lên Thầy, rồi tặng quà cho nhau. Thật là vui và sinh động! Sau đó đi thiền hành và ăn picnic. Mọi người ngồi rải rác khắp nơi. Có người ngồi dọc hai bên đường đi, có người ngồi quanh đống lửa, có người ngồi cạnh rặng tre, bờ suối, thành từng nhóm. Món quà tình huynh đệ dâng lên tặng Thầy.

Con cũng gói nhiều quà, và món quà làm con vui nhất, chắc cũng đứng hàng top ten, là món quà con gói cho sư út. Một đôi vớ rất dễ thương, có mấy em bé người tuyết, có những viền ngang xanh, trắng, cam, rất đẹp. Tất nhiên những đôi vớ như vậy thì không thể mang ra ngoài được rồi, nhưng mình có thể để dành cho những ngày bệnh, có thể mang ở trong phòng, trên giường bệnh, không cần phải đi ra ngoài nhiều. Mỗi lần bệnh con thường thích mang những đôi vớ như thế, nhìn thấy vui vui, ngồ ngộ, bớt ưu sầu vì sự đau nhức và mệt mỏi. Đôi vớ đó là từ một sư em giữ tủ chúng đưa cho con. Một ngày đó soạn đồ, thấy đôi vớ dễ thương quá, sư em bảo con gói lại tặng cho sư út. Con xuýt xoa: “Chu cha, đôi vớ này mình cũng thích nữa huống là sư út, chắc sư út hạnh phúc lắm đây”. Sư em bảo: “Hay là tặng cho sư cô đi”. Con nói: “Thôi, gói tặng sư út cho sư út vui”. Con gói lại mà lòng thấy vui chi lạ. Con để ý xem sư út hạnh phúc như thế nào khi nhận món quà này. Cũng tò mò, con hỏi:

– Con khui quà hết chưa?
– Dạ khui hết rồi.
– Vui không?
– Dạ vui lắm, con có rất nhiều quà, chất đầy giường luôn. Con để dồn lại rồi mở một lần.
– Con thích món quà nào nhất?

Em ậm ự… (Con biết, cũng khó để nói là món quà nào mình thích nhất, mỗi món mỗi vẻ, mười phân vẹn mười).

– Có món nào vui không?
– Dạ có.
– Món nào?
– Món đó đó.
– Món đó là món nào?
– Thì món có ghi chữ “thương tặng sư út” đó. (Rồi em mỉm cười như muốn nói là món sư cô tặng đó).
– Con nhận ra à? Có thích không?
– Trời, sư cô nghĩ răng rứa. Cái nớ con buông bỏ ra mà, để trong tủ chúng đó.

Đến lượt tôi… há miệng, trợn mắt… “Ủa, dzậy hả?”. Rồi cả hai cùng phá lên cười.

Món quà ấy làm con cứ cười hoài, và càng thấy rõ tự do của một người tu. Khi chưa đi tu, mỗi lần tặng quà mình cứ nghĩ tới những món quà nào có giá trị, hợp sở thích của người đó. Rồi người nhận quà cũng vậy, món quà đó có đẹp không? Có giá trị không? Nếu không thì cũng trách móc tại sao lại tặng quà cho mình như vậy, tặng mà không hiểu gì hết… Nếu mình lỡ tặng một món quà cho ai không có giá trị, không hợp sở thích của người đó… chắc mình cũng áy náy lắm. Còn bây giờ thì, những món quà như thế cho nhau những tràng cười. Bởi thế mới thấy người tu có nhiều tự do thật. Tràng cười tự do của người xuất sĩ.

Núi

Dù trời xanh mây trắng
Dù sóng gió bão giông
Dù mây sương mưa tuyết
Núi vẫn sừng sững bao dung
Mỉm một nụ cười trầm lặng.
 
Ngọn núi đã lên đèn
Ánh sáng trời thắp lên từng đỉnh núi
Nối dài một dải
Tràn xuống núi đồi
Êm ả, bình yên
An nhiên và chậm rãi
 
Chậm, chậm lắm!
Có thể mắt em không thấy được
Nhưng nhìn thật sâu, thật lâu, em sẽ thấy
Ánh sáng tràn.
Nhịp độ chậm làm cho lòng mình lắng lại
Để mở ra những ngõ ngách đã đóng kín từ lâu.
Em ôm Núi vào lòng
Và Núi cũng ôm em
Như thể em là con của Núi
(Đây là lần đầu tiên em nhận mình là con của Núi)
Núi cao và linh thiêng
Chắp tay em gởi lòng vào Núi
Nguyện cho hồn thiêng của núi sông che chở
Nguyện cho hồn thiêng của núi sông bảo hộ
Cho em vững chãi bền lâu.
 
Niềm vui của những người chinh phục đỉnh núi
Đã trở về ngự trị trong tất cả mọi tâm hồn
Tình yêu làm cho mọi sự trở nên có thể.
Núi đã thổi hồn mình vào từng viên đá, ngọn cỏ
 
Dù rất nhỏ mà cứu được những linh hồn
Cứu được những xác thân.
Núi không chỉ ngự trị trong những đỉnh cao đồ sộ
Núi có mặt trong từng viên đá, ngọn cỏ
Để từ những viên đá nhỏ, từ ngọn cỏ mong manh
Núi đã nâng mình lên cao, lên cao
Đến tận đỉnh trời.
 
Bài học mà Núi đã dạy cho những người con của Núi hôm nay:
“Không có gì quý hơn tình huynh đệ,
Những lúc hiểm nguy đừng hốt hoảng, giao động
Đừng lo lắng băn khoăn
Hãy giữ lòng yên bình
Núi sẽ ôm em vào lòng
Núi sẽ bảo hộ cho em”.
 
Nguyện cho núi sông muôn đời bao dung bình lặng
Và em, cũng bình lặng bao dung như Núi.
 

Những ngày làm biếng sau khóa tu mùa Hè, các chị em thường tổ chức đi núi Pyrénées, có khi là núi Alps ở Pháp. Lần này, các chị em xóm Hạ tổ chức đi núi Alps, Thụy Sĩ. Núi Thụy Sĩ đẹp và hùng vĩ. Con thích những chuyến đi. Những chuyến đi như thế mình hiểu thêm được các chị em của mình. Mọi người được chơi, được tự do, được là mình. Không cần phải gò bó, cố gắng hay gì cả. Lên tới nơi là mọi người đã hạnh phúc rồi. Có người thì thấy lên đến đó là đủ. Không cần phải đi đâu nữa. Ngồi ở nhà uống trà ngắm núi bên bếp sưởi củi thì còn gì thú vị bằng. Vừa đẹp, vừa ấm cúng, lại vừa khỏe. Và họ cũng không hiểu tại sao một số khác đã lên đến đây rồi, cảnh đẹp như thế này rồi mà còn đi đâu nữa? Có người thì trèo lên tận các đỉnh núi mới thấy thỏa thích. Lên đến đỉnh núi còn tuyết, vốc tuyết uống cà phê ở trên đó. Vừa lạnh run cầm cập, vừa thưởng thức hương vị cà phê với tuyết trên đỉnh núi cao ngất ấy mới thấy mãn nguyện.

Và họ cũng không hiểu tại sao lại có những người đi núi mà không leo núi, chỉ ngồi ở nhà uống trà… phí quá. Con thì có cảm giác mình hiểu được tất cả các tâm trạng ấy nên cứ để cho các chị em tận hưởng những sở thích của mình. Đi chơi mà! Ép uổng nhau làm gì? Thế nhưng cũng có một ngày, tất cả các chị em, đông đủ, một đoàn 35 người, nào giày, áo khoác, nào thức ăn, nước uống, nào gậy gộc, nào máy quay phim chụp hình… đi núi chung với nhau. Có người thích đi nhanh, có người thích đi tà tà, đi không cần đến, tới đâu thì tới. Chỗ nào thích thú thì ta dừng lại, uống trà, ngắm cảnh, chụp hình và lượm những viên đá đẹp. Khó để gom lại cho mọi người cùng đi chung một lần. Con thì thích đi nhóm giữa. Cứ đợi nhóm cuối đến gần mình, con lại phóng theo nhóm trước. Cứ thế mà làm thành một đoàn dài. Cảnh núi rừng hùng vĩ và đẹp quá. Đi đến đâu mọi người trầm trồ đến đó.

Đến một đoạn, nhìn lên, thấy các chị em ngồi trên một mỏm núi xanh, uống trà, nhìn xuống, khung cảnh thật là lãng mạn. Vừa hùng vĩ, vừa nên thơ, vừa vui, mà vừa có tình. Đỉnh núi này không phải là đỉnh cao nhất, nhưng lại là đỉnh khó trèo và mạo hiểm nhất khiến các chị em đầy phấn chấn với những khoảnh khắc lặng im hay những tiếng cười giòn. Các chị em, những người vượt lên được đoạn đường núi khó khăn này, đều học được bài học cho riêng mình, bài học “không có gì quý hơn Tình huynh đệ”, “yên mình lại để nương tựa Bụt nơi tự thân”. Có một khoảnh khắc mất thăng bằng, đối diện với hiểm nguy nơi vách núi cao, con đã gọi thầm: “Bụt ơi, cứu con”. Lạy Bụt, ngay tức thì con thấy yên lạ. Yên lắm. Yên nơi mỗi tế bào. Con đứng lặng như thế một lúc, và thở. Sau đó tiếp tục cuộc hành trình. Tự nhiên con thấy người mình nhẹ tênh và bình an lạ. Một tay con lấy viên đá đang cầm trong tay moi đất ra để có chỗ tựa chân, tay kia con níu từng bụi cỏ nhỏ để nâng người mình lên. Cứ thế mà vui với cuộc hành trình. Bụi cỏ chỉ là chỗ cho mình thêm điểm tựa thôi. Con không hiểu tại sao những bụi cỏ nhỏ như vậy, nhổ gốc như chơi, lại có thể nâng cả con người bốn mươi mấy ký này lên được. Đó là một kinh nghiệm mới mà con khó có thể lý giải. Kinh nghiệm này cứ ở trong con hoài. Một ngày, con nghiệm ra, khi mình yên lại thì cơ thể cũng nhẹ hơn. “Vật chất có thể biến thành năng lượng” mà! Có những người khi họ bước đi mình thấy nhẹ như mây bay. Kinh nghiệm đó cho con một cái thấy mới là khi biết nương tựa những điều nhỏ thì nó có thể đưa mình lên cao và đi xa. Ở trong chúng cũng vậy. Mình thường nghĩ là mình phải nương tựa Thầy, nương tựa các sư anh sư chị vững chãi, thực tập tốt. Điều đó là hẳn nhiên rồi, nhưng mình không biết là mình cũng nương tựa các sư em nhỏ nhiều lắm. Các em rất hồn nhiên, vô tư và trong sáng. Đôi khi đang buồn một chuyện gì đó chưa kịp chuyển hóa, các sư em nói một câu, kể một chuyện làm mình cười lăn, thế là nỗi buồn tự chuyển hóa lấy, không cần phải mất nhiều thời gian và năng lượng. Nếu biết nương tựa những điều nhỏ thì mình có thể đi rất xa.

Thầy hay nói: “Con nuôi Thầy nhiều lắm con biết không?” (Chắc ai cũng nghe Thầy nói câu này nhiều lần). Mình không thể tin được. Làm sao mình có thể nuôi Thầy được. Bây giờ thấy các sư em nuôi mình, mình mới hiểu Thầy, điều hồi xưa Thầy nói là có thật. Biết cách nương tựa tăng thân thì mình mới biết cách xây dựng tăng thân.

 

Ngày mới

Trần gian bỗng có tin vui
Ta đi quanh nghe tiếng nhắn gọi của đất trời
Chim chóc hát ca trên những vòm cây mùa thu vàng lá
Mây lên cao cho bầu trời thật nhẹ
Nghe thênh thang một cõi đi về
 
Tạ ơn đời
Hành trình sự sống có mặt tới hôm nay
Thế gian mở bừng từng con mắt sáng
Tôi nhìn em, nhìn tôi qua khung cửa đời mầu nhiệm
Muốn mở rộng vòng tay ôm cuộc sống chan hòa
 
Xin tạ ơn…
Tình người, tình đời vẫn bao la
Mỗi cái nhìn xin cho thêm một lần độ lượng
Mỗi hơi thở, mỗi bước chân xin một lần quay lại
Nơi cội nguồn sâu thẳm của tự tâm
Mỗi nụ cười hãy xóa dấu những niềm đau
Mỗi đôi tay là một cõi sẻ chia khi em lạc lối
Mỗi nhịp đập trái tim là một lần nghiêng xuống đời chớm mỏi
Để tin yêu nhiệt huyết lại đong đầy
 
Tạ ơn Mẹ Cha
Tạ ơn Thầy
Tạ ơn Sự Sống
vẫn còn đó hôm nay
có mặt cho con
cho hình hài vẹn nguyên
con mang thương yêu đi vào cuộc sống
Và chắp cánh con bay lên phương trời cao rộng
để giữa mênh mông, con nhận ra mình…
 

Tiếng Việt của con

Sư chú Trời Hiện Pháp là người Thái Lan. Năm 2010, sư chú đến nương tựa đại chúng Làng Mai Thái Lan và trở thành đứa con trong gia đình xuất gia Cây Hoa Gạo sau một thời gian tu học theo truyền thống Phật giáo tại đất nước của mình. Hiện sư chú đang thực tập tại Làng Mai, Pháp. Đây là những chia sẻ của sư chú, viết bằng tiếng Việt.

 

Toàn vũ trụ chứa trong hạt cải, ba thời gom lại một sát na”. Lúc trước, con cảm thấy câu kinh này quá sức thần thông hóa, nhưng từ từ, con nhận thấy nó chứa đựng sự thật. Sự thật mà không phải chỉ là lý trí huyền ảo. Nó là kinh nghiệm có được sau những thao thức quan sát thực tại, mà cũng là một cái gì đó vốn đã có sẵn trong mỗi người. Một lời mời khám phá.

Tiếng Việt của con lúc hai hay ba tuổi thấy chiếc nón lá, nghe bài dân ca hòa tiếng đàn trong vô tuyến truyền hình, dù chẳng hiểu gì mà thấy hay hay, thích thích.

Tiếng Việt của con là thứ sinh ngữ nước bạn hàng xóm không gần không xa, học rồi thấy giống tiếng mẹ đẻ ta. Cần thế vài ba chữ thì cũng thành câu. Tổ tiên hẳn đã sống cùng nhau, giao lưu gắn kết bền lâu trong dòng lịch sử suốt hai ngàn năm hơn.

Tiếng Việt của con, đọc sách Thầy thấy nhiều đánh động sâu thẳm trong tâm hồn, muốn tìm hiểu là hoàn cảnh nào, là nhân duyên nào đã tạo nên Thầy. Con cũng muốn biết huynh đệ đồng bào gắn bó cùng Thầy, vào năm 2010, anh em xuất sĩ áo nâu đông vui, ấm cúng, “pháp sống xum vầy” khiến con muốn học tiếng Việt từ đây.

Tiếng Việt của con bắt đầu từ câu: “Chào cô, chào chú, chào thầy, chào bác, cám ơn, không biết, không hiểu tiếng Việt, tạm biệt”, rồi thôi. Có ai ngạc nhiên nói thêm vài câu, con nghe, và cố nhiên, con nói được chừng đó thôi. Không qua ngôn ngữ, chỉ có cảm thông, tình thương thân mến, “tâm truyền tâm”.

Tiếng Việt của con ở dưới mái tranh, dưới bầu trời xanh, các em các anh “sống nghèo mà vui”. Rồi trong nhóm uống trà, con ngồi ở đó không biết nói gì, anh em cười ha ha, chắc nói xấu mình. “Phải vậy không hả?” (Are you sure?). Bắt đầu rồi đó, giờ phải tìm ra, con học tiếng Việt. Trong máu huyết đã có “nó” rồi, học thêm chắc là không khó. Kinh nghiệm học của con là “Không có cách học nào đưa tới cái hiểu tiếng Việt. Cái hiểu là con đường”.

Tiếng Việt của con không có lớp học đàng hoàng, không có giáo viên nhưng ai ai cũng là thầy, dù ít hay nhiều họ đã dạy cho. Tiếng Việt của con ở ngoài vườn rau, ở mái nhà bếp, ở đất Mami, đất bác Pu-lư. Gặp ai cứ hỏi: “Anh đang làm gì?”. Không phải hỏi thiền mà để học ngôn ngữ. Anh em từ bi chỉ bày hết lòng, với tâm thao thức vì cả hai bên đều muốn hiểu nhau.

Tiếng Việt của con tập đọc ghép chữ trong buổi tụng kinh sáng chiều công phu, vừa tưới tẩm hạt giống tốt, chỉ lối tu tập, vừa tăng thêm vốn ngôn ngữ.

Tiếng Việt của con là lúc Thầy nói pháp thoại video. Mọi người muốn con lắng nghe sâu sắc nên đã nhờ người khác thông dịch. Nhường qua nhường lại rốt cuộc không có ai dịch. Con ngồi yên, nghe không hiểu, một mình cô đơn mà vẫn ngồi đó, vừa thở vừa quên thở nhưng chẳng đòi hỏi ai. Thôi thì quyết chí về học tiếp.

Tiếng Việt của con không ép mình học mà vì sống vui quá, muốn thương, muốn hiểu nên từ từ thấm vô. Sau khi sống một tháng với tăng thân, một buổi pháp đàm chiều ngày quán niệm, thông dịch mất thời gian, vốn đã biết nhiều cụm từ căn bản rồi nên con xin chia sẻ bằng tiếng Việt, từ nào không hiểu thì mới hỏi bằng tiếng Anh. Ba tháng, trong pháp thoại, anh em ý thức đến giúp thông dịch nhưng con nghe hiểu nên bảo không cần, chỉ cần giúp con từ nào khó thôi. Bốn tháng nói chưa thuần như người Việt Nam lắm, nhưng khi thấy vài cách hành xử không dễ thương của anh em, con đã chia sẻ trong buổi pháp đàm, làm cho không khí trầm lặng, im ru. Con chưa hiểu tăng thân và từng anh em nhiều nên mới chia sẻ theo cái thấy cá nhân về cách tu, nhưng ai ngồi đó chắc cũng hiểu ý và hơi sợ cái ông sư mới đến này.

Tiếng Việt của con sau bảy tháng, có người cư sĩ Thái tới thăm, ở tại tu viện (đất cũ). Con bắt đầu hiểu tiếng Việt nên được mời thông dịch. Chúng lúc đầu khó khăn với chuyện ăn, chỗ ngủ, tổ chức đời sống tu tập, ngoại giao, mấy anh em trẻ mà ai cũng phải lo đảm trách việc chúng. Không ngần ngại, con phải dấn thân. Việc thông dịch lúc đầu rất rắc rối, nào là tai phải nghe, nào là đầu phải làm việc chuyển ngữ, nào là miệng phải nói ra, rồi tiếng mình đang nghe đánh lại với tiếng nói cộng thêm sự lo lắng, tìm chữ nào phù hợp trong hai tiếng khác nhau. Đó là sự tập luyện, trải qua một thời gian thì việc dịch đã trôi chảy như rót nước.

Tiếng Việt của con giờ đây đã thuận, không cần trong đầu dịch qua dịch lại Thái sang Việt như lúc đầu tập nói. Nghĩ gì nói nấy. Nói như cảm nhận tiếng mẹ đẻ, cũng như con đang từ từ cắm rễ vào tăng thân.Vì ý chí tu luyện bản thân, con đã từng muốn rút vào nơi thanh vắng, xa lánh cuộc đời, bởi vì con không thấy tính tình của con phù hợp hay gần gũi được với chính mình và cả với thế gian. Nhưng khi có bạn đồng tu, cảm thấy thân thương hơn huyết thống nên gọi nhau là “anh em”. Con biết rằng mình không cần làm gì nhiều. Hiểu nhau, nâng đỡ, khuyến khích nhau và để không gian cho mọi người trau dồi phẩm chất tu tập, mỗi chúng ta chỉ cần làm ít ít mà tác động cho đời thì có được rất nhiều rồi. Chúng ta là ai nếu không phải là anh em. Ai ơi, nếu còn nhớ chuyện trăm trứng trăm con của mẹ Âu Cơ và Lạc Long Quân, có biết trăm đứa con đó đang ở đâu chăng?

Tiếng Việt của con nói với anh em xuất gia thấy gần gũi làm sao, như ba mẹ sinh ra, có đủ niềm tin hơn cả người nhà. Thật ra đối với con đây chính là nhà. Trong khi đó, chưa ai nói tiếng Thái rành rọt mà lại ở đất Thái này. Vậy là con hoan hỷ dấn thân đi vào mỗi lĩnh vực: thông báo thời khóa, chào đón cư sĩ đến tu hoặc khách đến thăm, dịch pháp thoại, pháp đàm, thiền hướng dẫn, đi khóa tu, đi mua dụng cụ âm thanh, mua gỗ, mua vật liệu xây nhà, mua phân bón cây, đi bệnh viện, gặp nha sĩ, chú công an. Nhìn lại thấy vui, trong đời sống dưới mái tranh mong manh, vô thường bất trắc, lắm lúc không từng hẹn hò mà tới khiến cho con tỉnh thức, tinh cần, là cơ hội phát triển thêm tình huynh đệ. Đức Thế Tôn đã căn dặn: “Các thầy khất sĩ, quý vị không có cha, không có mẹ, nếu không chăm sóc cho nhau thì ai sẽ chăm sóc?”. Con thì muốn nói: “Quý vị đâu phải là bà con huyết thống, đâu phải là đồng bào đồng hương. Quý vị quốc tịch khác khi sống trong tổ quốc tôi, nhưng đã có điều gì làm cho tôi thương mến, trân quý và tôn trọng nơi quý vị, có điều gì trong lắng sâu làm cho tôi gần gũi với quý vị không khác người đồng bào tôi. Chính tôi đã chọn các anh em mà không phải các anh em chọn tôi”.

Tiếng Việt của con là những bài thiền ca đặc sản Làng Mai rất thích thú. Những danh từ đơn giản mà ý nghĩa sâu sắc làm rung động tâm hồn người hành giả. Với âm điệu thanh thoát nhẹ nhàng hoặc hùng vĩ, hoặc pha lẫn thanh điệu chân chất quê làng, như đưa con trở về cây cầu cây dừa chốn quê xưa. Về bản (quê), con rất thích bản sắc quê hương, dù quê Thái, quê Việt hay quê Tây đều thích cả. Từ xưa con vốn không thấy thích thú bài hát ái tình chua cay, khi biết tiếng Việt có nhiều bài hát rất phong phú về quê hương, tình người, hay bài hát trẻ con đầy ý nghĩa thì con quý lắm. Nhất là thiền ca rất thiền vị nên con cũng thấy thú vị. Nghe rồi, con còn sáng chế thêm mắm thêm muối nữa chứ. Tiếng Việt của con là câu ngâm thơ, ngâm Kiều, nhạc lý, nhạc chèo, nhạc cải lương. Nghe thấy hay hay trong đáy sâu tâm thức, thấy quê Thái quê Việt vốn không xa, thấy âm hưởng hao hao như nhau. Tiếng Việt của con không phải giọng Bắc, không Trung, không Nam, vậy mà nghe người Nam giả giọng Bắc không chuẩn chỗ nào là con nhận ra đó nha. Một lần trong khóa tu người Việt tại Thái Lan, con thấy một bác trai hơi buồn buồn nên đến hỏi thăm. Thấy con mặc y phục lạ lạ mà nói tiếng Việt, bác giật mình hỏi: “Thầy quê ở đâu?” Con đáp: “Ở Thái Nguyên.” Bác giật mình lần nữa: “Tôi cũng ở Thái Nguyên” (ý con là: tôi, người Thái nguyên vẹn, chưa từng đi Việt Nam hay nước ngoài lần nào cả). Có lẽ bác vui mừng được gặp đồng hương, một lúc sau lại hỏi: “Thế thầy ở Thái Nguyên mà là người kinh hay người dân tộc?” “Tôi không phải người kinh, người dân tộc!” Con trả lời thật thà. “Dân tộc nào: Tày, Nùng, Mường, Thái?” “Dân tộc Thái.” “Đúng thế.” Bác gật đầu nói tiếp: “Ừ, tôi nghe giọng thầy nói, tôi cũng đoán được thầy là người dân tộc!” (may là bác không hỏi Thái Nguyên mà ở huyện nào, xã nào, biết cái cầu đó, đường kia không? Chớ nếu bác hỏi thiệt thì chắc con bảo: tôi chỉ ở trên núi rừng, biết gì mấy tên đó đâu.)

Tiếng Việt con bắt đầu nói thong thả. Khi đi khóa tu cho người Thái, con cũng giúp thông dịch tiếng Việt, ngay cả đồng bào cũng nhận không ra. Chắc là thấy nhiều thầy, sư cô trẻ người Việt đã bắt đầu nói tiếng Thái khá giỏi nên họ đến hỏi con: “Sư chú nói tiếng Thái rõ quá, học lâu chưa?” “Lâu rồi!” (từ lúc mẹ đẻ ra rồi, nhưng con chỉ trả lời đúng câu họ hỏi thôi). Họ gật gù: “Giỏi quá, công nhận.” Mới vừa rồi còn trường hợp vui hơn nữa. Trong khóa tu đó mẹ con cũng có tham dự. Một thiền sinh nữ bảo người bạn bên cạnh: “Sư chú bận đồ Nam tông đó nói tiếng Thái rất rõ nha.” Mẹ con trả lời: “Thì sư chú là người Thái mà.” “Đâu phải, sư chú là người Việt đó.” “Chắc chắn sư chú là người Thái, vì sư chú là… con của tôi đấy.”

Tiếng Việt của con trong năm thứ ba phải đem ra trao đổi để giải thích tiếng Thái, tiếng mẹ đẻ của con cho các anh chị em khi đã lên đất mới và có lớp ngôn ngữ đàng hoàng. Các sư chú, sư em trẻ mang nhiều sức sống, thường làm chuyện cười cho lớp học có sinh khí ấm cúng thêm.

Tiếng Việt của con, một số từ có gốc chữ Hán, gồm có danh từ Phật học phiên âm từ tiếng Phạn. Tiếng Thái cũng có nhiều từ lấy ra từ tiếng Pali và Sankrit, có khi thấy đồng âm giữa ngôn ngữ Thái Việt, con cũng trích dẫn ra nguồn gốc nhiều thứ ngôn ngữ như thế. Có một lần một sư em làm mặt giận nói với con: “Biết nhiều ngôn ngữ không đưa tới giác ngộ” rồi sư em mỉm cười kết luận: “Không biết ngôn ngữ, không biết đường về chùa!”. Hai anh em cười khì khì với nhau. Đúng là chúng ta cần tu thêm với nội dung này.

Tiếng Việt của con là ngôn ngữ của tình anh em tha thiết và vô tư, đã khiến con, lúc đầu là một người khách xa lạ, trở thành gần gũi, thân thiện và hòa nhập vào mạch sống chung của tăng thân.

Tiếng Việt của con đã mở cho con một thế giới để gặp lại huynh đệ rất mới của ngày xưa. Tiếng Việt đã là một yếu tố, không phải mục đích mà là con đường đưa chúng ta tới với nhau. Không phải vì tiếng Việt mà vì trong tận sâu tâm thức ta đã có sẵn “nó” rồi. Nó là gì, con không biết rõ, nhưng nó đã làm cho chúng ta trở thành người xuất gia từ thuở thơ ấu với tâm hồn trong sáng, cởi mở mà vững mạnh, quyết chí. Con không biết “nó” nằm ở đâu, và con không thể chỉ “nó” nơi một người nào khi con đang gọi bằng anh em. Con chỉ cảm nhận qua khi sống chung mà thôi. Anh em con là như thế nên con cảm thấy gần gũi không kém người đồng bào nào.

Con không phải là người Việt, nhưng ít nhiều con cũng mang trong người dòng máu tổ tiên huyết thống và tâm linh Việt Nam. Con giống hay khác với người Việt Nam?

Tiếng Việt của con chắc chắn là không giống với tiếng Việt của nhiều người khác. Tiếng Việt của con cũng như thế giới của con, chỉ có mái tranh, cây dừa, hồ nước, ngọn đồi, ly trà, sương mù và anh em ngồi quanh thầm cười hay lặng yên bước đi. Thế giới của con chỉ là thế giới nho nhỏ của một đứa con không hay đi đây đi đó kiếm xem cái gì ở ngoài kia. Một thế giới giản dị và bình thường, nhưng vì con thương nên con vẫn vừa lòng với cái thế giới đó. Vì nó còn nhỏ nên nó sẽ còn rộng lớn lắm. Con đang kể về tiếng Việt của con, nhưng thật sự ai ai cũng biết rằng con không phải nói về tiếng Việt. Tiếng Việt của con không phải chỉ về ngôn ngữ mà là ý nghĩa giữa những dòng chữ, là sức mạnh tuổi trẻ, là khao khát thâm sâu, là truyền thông của lòng người, và những ai đã sống trong dòng chảy những gì mà con vừa kể thì chắc là sẽ hiểu rõ nhất rằng con đang nói gì đây.

 

 

Hạt mầm chắp tay chào ánh sáng

Hình như trong nắng có mưa

Vẫn cái nắng gần bốn mươi độ của mùa hè Thái Lan. Nóng! Chắc là nóng rồi. Dễ làm cho con người ta thấy bứt rứt khó chịu chăng? Một phần. Cáu gắt, thiền định khó hơn vì trời như đổ lửa? Dĩ nhiên không rồi. Mà trái lại, nguồn năng lượng đầm ấm, tươi mát, hồn nhiên và những tiếng cười trong trẻo đã xóa tan đi cái nóng bức. Và long lanh đâu đó cố giấu những hạt mưa! Chắc mọi người nghĩ tới những cơn mưa mùa hè, nếu có thì tuyệt quá. Nhưng ở đây, con muốn nói tới những hạt mưa long lanh, chảy dài trên những khuôn mặt thân thương – các “Đức Bụt trẻ thơ” (baby Buddha) của đại chúng.

Hôm 19 tháng Tư, ngày các sư cô, sư chú sa di nhỏ về lại gia đình sau khóa xuất gia gieo duyên ba tuần lễ tại Làng Mai Thái Lan. Hình ảnh các sư cô, sư chú tí hon nước mắt ngắn, nước mắt dài, cánh tay bé nhỏ ôm chầm quý thầy rồi sang thiền ôm với quý sư cô như muốn đem cả tăng thân về nhà với mình. Thiền đường sau giờ cơm quá đường trưa nay bỗng mưa tầm, mưa tã trong khi ngoài trời vẫn nắng. Có một em trai nhỏ chắp tay lạy tạ từng thầy, từng sư cô dù không nói được lời chia tay nào vì tâm hồn em, trái tim em được lấp đầy bởi tình thương yêu, em không muốn xa một chút nào. Có em dõng dạc tuyên bố: năm sau chắc chắn con sẽ về lại, xin cho con được ở lâu hơn. Có em lại nói: mặc dù con không còn là sư cô, sư chú nữa nhưng chúng con cũng vẫn là con của đại chúng, chúng con xin được trở về như về lại ngôi nhà của mình mỗi lúc chúng con được nghỉ lễ. Con không muốn về đâu mà tại con phải đi học…

Các “baby Buddha” ra đời

Sau khi chương trình xuất gia Năm năm ra đời và được áp dụng khá thành công, vào khoảng đầu năm 2014, Sư Ông có ước muốn tổ chức các khóa xuất gia gieo duyên ngắn hạn cho các em thiếu nhi hoặc người trẻ. Theo Sư Ông, đây là cơ hội để các em có thể thực tập và trải nghiệm đời sống thực sự của người tu trong một khoảng thời gian ngắn. Ở lứa tuổi đó những hạt giống của giáo pháp, của hiểu biết và thương yêu được tưới tẩm sẽ rất dễ ươm mầm và lớn lên tươi tốt. Nơi thích hợp nhất để thực hiện chương trình này là trung tâm Làng Mai Thái Lan. Nơi đây, người Thái đã có sẵn truyền thống xuất gia gieo duyên trong một tuần, hai tuần… vào các dịp lễ Tết, mùa An cư kết Hạ, để được có thêm kinh nghiệm tu tập và là cơ hội cúng dường phước đức cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Ước mơ của Sư Ông đã thành hiện thực khi khóa tu gieo duyên đầu tiên được tổ chức tại Làng Mai Thái Lan trong ba tuần (30.03 – 19.04.2015), dành cho các em thiếu nhi từ tám đến mười hai tuổi. Tuần đầu tiên của khóa tu, các em được hướng dẫn và làm quen với nề nếp, cách sinh hoạt trong tu viện. Tuy cùng trang lứa nhưng trông các em gái lớn hơn và đã tự chăm sóc cho mình được tốt rồi, còn các em trai thì trông nhỏ hơn. Phần đông các em chưa từng xa nhà lâu, chưa rời mẹ bao giờ.

Ngày 28 tháng Ba phụ huynh đưa các em đến để dự ngày quán niệm cuối tuần và sau đó để các em ở lại tu viện. Ải thứ nhất phải trải qua là “tập xa mẹ”. Có em, khi mẹ về rồi, giờ cơm trưa bưng chén khóc tấm tức. Lại có em ngồi một mình ở bậc tam cấp dẫn lên thiền đường, đến khi có sư cô ra hỏi thăm: sao em ngồi đây một mình mà không vào thực tập thiền buông thư với các bạn? Em nói: con muốn chờ mẹ. Sư cô nghĩ thầm: lại một “ca” khó giải quyết đây. Rồi sư cô ngồi xuống làm bạn, lân la hỏi thăm và phát hiện ra là em không nhõng nhẽo đòi về với mẹ đâu mà chỉ muốn thấy mẹ, chào mẹ trước khi mẹ về. Muốn được ôm mẹ một cái thôi vì chưa xa mẹ lâu bao giờ. Vẫn còn có một “đấng anh hào” hai, ba ngày sau, chiều tối lại khóc thật nhiều. Nhớ mẹ lắm, xin phép sư cô cho con ở ngoài, không vào thời khóa. Muốn gọi điện cho ba mẹ nhưng nhất định không gọi vì sợ ở nhà mẹ lại lo lắng. Cậu bé đi dạo quanh tu viện ngắm trăng, trò chuyện với bác tình nguyện viên người Thái để phần nào đỡ nhớ mẹ. Rồi cậu bé cũng vượt qua được nỗi nhớ đó để tiếp tục ở lại tu viện.

Các em tới từ nhiều nơi, nhiều hoàn cảnh gia đình khác nhau, từ khá giả, điều kiện đầy đủ, được nâng niu nuông chiều hay tới từ các mái ấm tình thương, mồ côi, và có em đang ở với mẹ vì ba mẹ đã chia tay. Với truyền thống lâu đời tại Thái Lan, người nữ đi xuất gia rất hiếm, mà nếu có thì những vị ấy đã lớn tuổi, vô chùa cạo tóc và mặc đồ trắng, gọi là Maechi, các vị chỉ thọ Tám giới. Các câu hỏi gửi về rất nhiều từ các em gái là: con thích đến khóa tu này lắm nhưng con không cạo tóc được không? Con cạo đầu cũng được nhưng hết nghỉ hè con phải đi học lại, con sợ bạn bè trêu chọc. Tại sao lại phải cạo đầu? Và rất nhiều phân vân từ các em gái. Cuối cùng tổng cộng đơn ghi danh gồm hai mươi em trai và mười một em gái.

Thời gian đầu để các em có thể sống chung với nhau, chấp nhận và chăm sóc nhau thì thật quả là giai đoạn mà người ta gọi “vạn sự khởi đầu nan”. Vì điều kiện phòng ốc, tiện nghi không đầy đủ như ở nhà, các em phải ngủ giường tầng và một phòng gần mười người nên một số em cũng khó ngủ. Nhưng có em lại rất thích thú trèo lên, tuột xuống khi chọn ngủ giường tầng trên. Xa ba, xa mẹ tuy khó nhưng tới giai đoạn này các em đã làm được, còn xa gấu bông cưng lại là một vấn đề “nan giải”. Các thầy, các sư cô, sư chú trẻ (thường được gọi là “baby monks” và “baby nuns”) nay bất đắc dĩ trở thành Y chỉ sư hết, nhận trách nhiệm chăm em và nuôi em. Mỗi em đều có các Y chỉ sư đi theo chăm sóc, nhắc nhở và hướng dẫn trong mọi thời khóa.

Trong các buổi học Uy nghi mỗi ngày, quý thầy, quý sư cô giáo thọ hướng dẫn và dạy cho các em chi tiết các chương uy nghi căn bản của một vị sa di. Những buổi học của tuần đầu tiên thật là đau đầu. Các em vốn là con nít nên hiếu động, thích chạy nhảy, vui nhộn, nô đùa. Các khóa tu trước đây của tu viện dành cho con nít hoặc thanh thiếu niên chỉ kéo dài năm ngày là dài nhất. Lần này đến hai mươi mốt ngày mà nội dung là chuyển hóa, uốn nắn các cô bé, chú bé từ “nguyên chất” thành một vị “tu sĩ”, vì vậy mà quý thầy, quý sư cô phải vận dụng thêm nhiều “phương tiện quyền xảo” hơn.

Nuôi dưỡng sơ tâm

Những đôi mắt tròn to đen láy, nụ cười còn e dè, nhìn các em trong bộ đồ vạt hò nâu, không ai còn có thể phân biệt được đâu là trẻ em thành phố, đâu là trẻ em đến từ vùng quê. Các em đều giống nhau ở một điểm nữa là hồn nhiên và tinh nghịch. Chương trình cho các em được bắt đầu với những tiết học nhạc kinh, thiền ca và thực tập uy nghi.

Mỗi sáng các em có thời khóa ngồi thiền mười lăm phút thay vì ngồi ba mươi phút với đại chúng lớn, sáu giờ sáng đi thiền hành cùng các thầy, các sư cô. Giờ thiền hành vẫn còn trong giờ thực tập im lặng hùng tráng, nhưng các em thực tập rất tốt. Vốn dĩ con nít là phải ngọ nguậy không ít thì nhiều mà. Các em trông như những chú chim nhỏ hòa vào đường bay của cả đàn chim lớn. Từng bước chân thiền hành mỗi sáng quanh vườn chùa làm cho những mỏm đá to nhỏ cũng thấy vui.

Mặt trời vừa ló dạng là đã thấy các em thiền hành. Vừa thấp vừa bé bằng một nửa người lớn, nhưng chăm chỉ và hết lòng thực tập không thua gì đâu! Có em mải theo dõi bước chân và sự tiếp xúc của bàn chân với mặt đất hay sao ấy, bất thình lình khi người lớn phía trước đã dừng lại để thưởng thức ánh nắng, sương sớm mà em không nhận ra, vẫn bước tiếp và tông thụi vào cả người phía trước. Những buổi thiền hành có các em bỗng nhiên sinh động hẳn lên. Thỉnh thoảng có cả những tiếng cười khúc khích của ai đó khi thấy những chú bé đi trước cả người dẫn chúng. Đi một hồi rồi các em dừng lại chờ người hướng dẫn và đại chúng tới.

Các em biết tiếp xúc với thiên nhiên, cây cỏ và hoa lá. Ngắm núi, thiền trăng và đi picnic, leo núi, tha hồ chạy nhảy hít thở không khí trong lành miền núi Khao Yai. Buổi trưa hơi nóng, các em được thực tập thiền buông thư. Con nít mà, ai chịu ngủ trưa! Có buổi, các em chạy chơi quanh vườn, đuổi bắt. Mải nô đùa mà quên giữ im lặng, thế là quý thầy xuất hiện và gọi hết vào nhà. Hôm sau dù không ngủ cũng tập nằm yên, theo dõi hơi thở và nghe hướng dẫn thiền buông thư. Trò chơi heo mẹ chở heo con là trò các em thích nhất. Chùa có những chiếc xe kéo hai bánh dùng để chở đồ, di chuyển rau từ vườn lên nhà bếp hay đại loại như vậy. Còn các em thì người khỏe nhất kéo xe trong khi ba, bốn em khác ngồi trên xe. Hì hục mà cười vang trong nắng trưa, mồ hôi nhễ nhại. Các vị chăm sóc lúc nào cũng phải cố gắng có mặt để trông nom các em. Nếu cần qua phòng khác làm việc gì thì các giác quan vẫn phải để ý các em. Nếu bỗng nhiên không khí yên ắng lạ thường là biết trò gì đó đã được phát minh.

Ngủ dậy phải tập xếp mùng mền, phải treo hoặc xếp đồ lên móc là những việc mà ít em nào làm ở nhà. Lúc đến đây, các em cũng được tập làm, một hồi cũng thấy vui. Giờ chấp tác các em xuống vườn hoa nhổ cỏ, cuốc đất, phụ phân loại rác, giặt bao nylon tái chế. Sống chung, các em có cơ hội huân tập cho mình nếp sống biết thương yêu, chăm sóc và giúp đỡ nhau.

Hoa nở tự vườn tâm

Mỗi một nụ hoa tượng trưng cho những điều đẹp đẽ, tinh khôi và tươi sáng nhất mà các em dâng tặng Bụt, chư Tổ, Sư Ông và đại chúng. Trưa mồng 04 tháng Tư, sau buổi cơm quá đường, các em được hướng dẫn lên trước đại chúng để làm lễ dẫn thỉnh. Các em đi đứng oai nghiêm và trang trọng nhưng vẫn mang một sắc thái rất trẻ con. Buổi lễ làm cho Ôn Thủ tọa, quý thầy, quý sư cô và đại chúng ai cũng hoan hỷ vì mình sắp có thêm các sư em ngộ nghĩnh, dễ thương. Trước đó các em đã có thêm một cơ hội nữa để xác định lại tâm bồ đề của mình, dù xuất gia chỉ hai tuần thôi. Một tuần vừa qua là thời gian để các em thử xem mình có thể đi hết chặng đường hay không.

 

Hôm đó là một ngày cuối tuần đẹp trời, các phụ huynh, gia đình các em đến rất đông. Có em còn có cả dòng họ đến để được chứng kiến cảnh con em mình xuất gia. Từ thiền đường xuống nhà bếp đâu đâu cũng thấy niềm vui. Gia đình nào cũng đem đến cúng dường nào sữa, nào bánh, nào rau… Quý thầy, quý sư cô thay phiên nhau tiếp khách, hướng dẫn. Các thiền sinh được chăm sóc và tiếp đón rất chu đáo, mỗi lần đến chùa cũng là cơ hội được về nhà, được tu tập.

Buổi chiều ba giờ, lễ xuất gia được cử hành trong không khí nghiêm trang và ấm áp. Hôm ấy, khắp thiền đường rực rỡ và hùng hậu với bao nhiêu là hoa và khung cảnh đại chúng đắp y vàng. Các em được mặc đồ truyền thống của Thái Lan, hoặc đồ đẹp nhất của mình, có em đã chọn mặc đồ học sinh. Buổi lễ dài hơn một tiếng đồng hồ. Các em quỳ gối trang nghiêm, tắm mình trong năng lượng hào hùng, linh thiêng, như mưa pháp tưới mát tâm hồn. Đất tâm của các em vốn đang tươi tốt màu mỡ nay được tiếp nhận những hạt giống đẹp đẽ, chắc chắn hoa trái sẽ tươi tốt, làm hạnh phúc và lợi lạc cho rất nhiều người. Dòng nước cam lộ rưới lên những mái đầu xinh xắn.

Gia đình xuất gia cũng có thứ tự trên dưới, có sư anh, sư chị và sư em. Các em bắt đầu biết chăm sóc, thương yêu và giúp đỡ nhau. Biết đâu là anh chị, đâu là em rồi, các em cũng tự nhiên biết trách nhiệm và bổn phận của mình. Sau khi đã được cạo sạch mái tóc, mặc chiếc áo nhật bình vào, các em nữ thì chít khăn, tất cả trông thật sáng, thật tươi. Ai cũng chững chạc, tươi sáng và thánh thiện. Buổi tối thiền trà với đại chúng là một buổi tối đầy tiếng cười, ấm áp, hạnh phúc phản chiếu trong ánh mắt các bậc phụ huynh. Mẹ của sư em Núi Tỉnh Thức chia sẻ trong nỗi xúc động và niềm vui trào dâng khi thấy con mình nay là xuất sĩ. Vì mẹ em bị tai biến, em thật sự muốn xuất gia gieo duyên để cúng dường phước, để cầu nguyện cho mẹ sống lâu với em. Biết là khó khăn nhưng đó là điều duy nhất em làm được cho mẹ. Còn có rất nhiều chia sẻ cảm động từ các sư cô, sư chú sa di mới và gia đình, nhiều sự chuyển hóa đã xảy ra chỉ sau hơn một tuần.

Mầm non đạo pháp

Uốn nắn một cây tre còn non nớt là cả một nghệ thuật và bao nhiêu tình thương, bao nhiêu tâm huyết của đại chúng nơi đây. Mỗi em mỗi tính nết, mỗi tập khí, ngay cả khi nhõng nhẽo cũng không ai giống ai. Có em rất giỏi, ngoan và gương mẫu nhưng có em muốn được thương nhiều, được các thầy, các sư cô để ý tới mình nhiều nên làm đủ thứ “khác người”.

Mỗi ngày trôi qua là một tông màu tinh khôi, mới mẻ mà các em tô điểm cho đời sống trong tu viện. Những câu nói ngây ngô, những nụ cười lém lỉnh và tính cách của từng em âm thầm gắn kết các em thành những tế bào thực thụ trong đại chúng. Khi mọi thứ được sắp đặt và thích nghi đâu vào đấy thì bỗng chốc ai cũng thấy thời gian sao ngắn quá. Các em được tham dự khóa tu gia đình hằng năm tại một khu nghỉ dưỡng. Hớn hở với chuyến “phụng sự” đầu đời lắm nhưng các em bỗng chốc cũng chen lẫn chút se lạnh trong lòng, vì trở về sau khóa tu, là lúc khóa xuất gia gieo duyên kết thúc.

Hình ảnh các em xuất hiện trong khóa tu đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong lòng các bạn thiền sinh về một đạo Bụt mới, một ảnh hưởng mới, một cách tu tập mới. Vì các em không phải ai xa lạ, mà chính là con cháu của đất nước Thái Lan. Dù còn nhỏ nhưng các em là những “chiến sĩ” tí hon mang sứ mạng làm mới đạo Bụt. Có thể các em không ý thức về điều này nhưng các em đang góp phần vào công trình đó. Trong khóa tu, các em lon ton giúp các sư cô chăm sóc các bạn nhỏ. Buổi đi khất thực đầu năm, hàng áo nâu nón lá được nối dài ra thêm một đoạn bởi các sư cô, sư chú nhỏ. Các sư bé cũng nghiêm trang bình bát trong tay, bước đi thong thả và kính cẩn nghiêng mình mở nắp bình bát đón nhận phẩm vật từ các vị cư sĩ hai bên đường. Trước pháp thoại của một ngày trong khóa tu, đại chúng xuất sĩ tụng nhạc kinh với nhạc trưởng là sư cha Pháp Niệm. Sau đó, “sư cha tí hon” Trời Nắng Mai làm nhạc trưởng cho chúng xuất sĩ tí hon tụng bài Nguyện ngày an lành, đêm an lành bằng tiếng Thái. Hình ảnh những búp măng tươi xinh, được bao bọc và tận hưởng bóng mát của vườn tre tăng thân làm bao nhiêu người thấy hoan hỷ trong lòng.

Tăng thân về muôn lối, ngàn đời ta có nhau

Tiễn các em về rồi, hôm sau, ban chăm sóc các “baby Buddha” có buổi ngồi chơi “tổng kết” khóa xuất gia gieo duyên đầu tiên. Ai cũng có một tâm trạng như nhau, rằng các em về rồi mặc dù mình thở phào nhẹ nhõm thật, không khí yên ắng được trả lại thật, nhưng sao thấy là lạ. Công sức bỏ ra chăm cho mấy chục em một lần như vậy không quản ngày đêm, đủ chuyện phải lo, mệt thì có mệt thật nhưng rất hạnh phúc! Nghĩ lại giai đoạn đầu ai cũng ngán, không biết mình có đủ sức đi tiếp cho đến cuối khóa không. Đây cũng là một trải nghiệm đầu tiên cho các thầy, các sư cô.

Rồi mỗi em về lại nhà, về lại với nếp sống cũ, với những bộn bề của ba mẹ, những hối hả của xã hội và nhộn nhịp của trường lớp. Nghĩ cũng tiếc công mình uốn nắn các em, giờ trả lại với môi trường ngoài kia, dễ gì các em còn giữ được nếp sống mới được huân tập ở tu viện. Nhưng cái lớn hơn, cao đẹp hơn mà tăng thân đã gieo vào mảnh đất tươi non, chắc chắn không bao giờ mất, đó là tình thương. Dù các em có lớn bao nhiêu đi chăng nữa, có trôi theo dòng chảy của xã hội hiện đại nhưng những giây phút an bình của nếp sống tu tập sẽ đem các em về lại với tăng thân. Biết đâu lúc nào đó vấp ngã trên đường đời, tâm hồn mang nặng những vết thương, các em sẽ biết có một mái ấm cho mình trở về. Về bên đại chúng, bên tuổi thơ với những ngày mình là một “baby Buddha”.

 

Nhàn

Năm nay, mùa làm biếng đến với tôi thật bình an, nhẹ nhàng và sâu lắng. Thích cái thanh nhàn của tu viện, cái không khí trong lành và mát dịu của mùa thu, sự tỉnh táo của thân tâm khi bắt gặp một hình ảnh đẹp.

Mười ngày làm biếng bây giờ đối với tôi, nó không quá dài và không quá ngắn. Năm trước, tôi thấy thật chán khi chờ từng ngày làm biếng trôi qua, phải sống với cảm giác đi vòng quanh, ghé chỗ này chỗ nọ chơi cho hết ngày, hay thỉnh thoảng lại thở dài than: “Sao lâu hết ngày thế”. Dĩ nhiên là lúc đó tôi vẫn có tập khí “làm biếng”. Làm biếng thở, làm biếng đi hay làm biếng chấm dứt những suy nghĩ miên man. Nói như thế không có nghĩa là bây giờ tôi không “làm biếng”, vẫn còn như thường, nhưng ít hơn và biết cách thưởng thức hơn.

Mây trời cẩm tú

Buổi sáng được ngồi thở cho sâu, thở cho khỏe, thở cho an, giây phút đó thật tuyệt vời. Chỉ cần ngồi cho vững chãi thì hơi thở đến với tôi thật tự nhiên và thật bền. Có những sáng trời trở gió, trùm tấm chăn mỏng, đội cái mũ len, ngồi đón chào sự xoay vần của vũ trụ, sự chuyển biến của đất trời, bỗng thấy mình thật giàu có. Đất trời như nằm gọn trong lòng hạt sỏi sáng nay.

Mở mắt ra, nhìn sang phải, thấy sư anh đang ngồi bên cạnh, quay sang trái, thấy sư em đang “nhập định” với những cái gật gù. Hạnh phúc bây giờ chỉ bấy nhiêu thôi.

Hương thầm

Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận ra thu qua mùi hương ổi chín:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phảng vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.”

Tôi nhận ra thu không phải qua hương ổi chín, tôi thấy thu về qua hương thơm nhẹ nhàng của cây bạch hạc đầu ngõ, qua hương thơm nhẹ nhàng của hàng nguyệt quế hay cái nồng nàn thân quen của hoa sữa. Có nhiều buổi tối, hương hoa sữa chạy thẳng vào phòng, làm tôi phải ngập ngừng dừng lại như một thoáng làm quen. Mỗi lần bắt gặp hương hoa ấy, là như một lần gặp lại đứa em ruột thịt từ muôn kiếp, lạ lẫm mà mừng vui khi nhận ra tri kỷ ở xứ người. Giây phút ấy, dù đang mơ màng buồn ngủ, tôi cũng dành một chút thời gian đi tìm đứa em thương. Quàng một cái khăn, khoác thêm chiếc áo mỏng, thế là đủ cho một cuộc tương phùng.

Ba ngàn thế giới không đầy tấc gang

Buổi sáng, con đường thiền hành thật dài và đẹp, mềm mại, yên bình và tinh khôi. Sương còn vương trên lá, hai bên xanh mướt màu cỏ non, từng bụi hoa dại li ti nở trắng cả vệ đường. Tôi được báo thức một ngày mới bởi tiếng gà rừng gáy le te từng hồi. Hình như nó phát ra phía sau cốc Thầy. Sáng sớm, tiếng gà gáy nghe thật thích, thanh bình quá trong khung cảnh đồng quê. Cốc Thầy đẹp lắm. Ngồi uống trà nơi này mỗi ban mai, ta sẽ thấy từng đàn sóc trắng chuyền cành, từng đàn chim cu gáy đậu trên mái tranh gọi nhau gù gù, hay từng đàn sáo kiếm ăn bên mé đồi, rồi lần lượt bay vút lên trời xanh.

Phía sau cốc là vườn Bụt. Ngày làm biếng, có nhiều thời gian đứng yên trước Bụt, nhìn thật sâu nụ cười hiền lành nơi khuôn mặt điềm nhiên, lòng người cũng lắng xuống. Ai đó đã đặt một bó hoa hồng dưới chân Bụt. Trong lòng thấy thương Bụt nhiều, tôi lại gần đặt bàn tay vào chân Bụt, bàn chân Bụt như mềm ra, thật mịn và thật ấm.

Mấy ngày làm biếng, trong vườn Bụt xuất hiện thêm một ông Bụt nữa, trước đó có bảy, giờ thêm một là tám. Bảy ông Bụt kia được đại chúng an vị cẩn thận, còn ông Bụt này là khách tự do đến đi. Ông Bụt này không thích bị dân chúng chú ý nên ngồi ẩn mình sau một phiến đá cao quá đầu người. Sở dĩ tôi phát hiện ra được vì trong khi tôi đang ngắm những ông Bụt tượng hình từ đá núi, thì ông Bụt này thỉnh thoảng quơ tay lên đuổi muỗi.

Lúc này câu thơ của Sư Ông xuất hiện trong đầu:

“Ngồi đây lắng tiếng chim bay
Ba ngàn thế giới không đầy tấc gang”

Ông Bụt bằng đá đang ngồi cạnh ông Bụt mềm mại, có mặt cho cả hiện tại và tương lai, khoảng cách chỉ vài tấc gang. Một cảnh tượng thật đẹp, nhiệm mầu và hy hữu. Không gian giờ đây hình như không còn cách biệt. Bụt dưới hình tướng nào, dường như chỉ còn là ý niệm. Tất cả là một, hòa quyện vào nhau, tôi chỉ có thể đo được bằng hơi thở mà thôi.

Tình bạn

Mùa làm biếng là thời gian chúng tôi đi tận hưởng vẻ đẹp và sự giàu có của đất trời nhiều nhất. Từng cuộc hẹn, lên lịch, thông báo cho nhau. Nào chơi theo cây xuất gia, chơi theo tri, theo nhóm, theo miền, theo lớp, theo tuổi, theo sở thích… đủ hết cả. Sáng sớm và chiều tối là nhộn nhịp nhất. Mới tờ mờ sáng, phòng nào phòng nấy bật đèn sáng choang. Chuẩn bị nào trà, nào bánh, nước sôi, mỳ gói, bánh mỳ, nấm kho, tương chao, đậu đỗ đủ hết, và hẳn nhiên là cả những câu chuyện tu học để chia sẻ cho nhau nghe. Đồ ăn thức uống đầy ắp cả ba lô để chuẩn bị cho một ngày chơi đầy tình huynh đệ, niềm vui và nuôi dưỡng nhau. Nơi chiếc ba lô đơn sơ ấy, có trái tim đầy lửa nguyện của những người tu trẻ.

Có những sáng thức dậy, tăng xá thật yên, nhìn quanh chỉ lác đác vài anh em ở nhà. Thấy vui trong lòng. Người đi chơi cũng vui mà người ở nhà cũng vui. Tu-chơi dung thông.

Chiều tối là lúc nhà bếp nhộn nhịp hơn ngày thường. Để chuẩn bị chiêu đãi cho ngày hôm sau, những anh chị em đi chơi tha hồ trổ tài nấu nướng. Tiếng cười nói rộn rã, người làm món này, người sửa soạn món kia, mùi xào nấu xèo xèo thơm phức. Bao nhiêu tình thương, đã để vào trong sự cẩn trọng từng công việc, từng động tác.

Về Làng

Mùa làm biếng năm nay, tôi thấy mình như được về Làng thật sự. Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi tiếp xúc được với linh hồn của Làng. Trước đó có khi tôi chỉ được nghe, được kể, được nhìn về làm biếng. Nhưng giờ đây tôi cảm thấy tôi đã chạm được phần nào vào linh hồn của Làng, linh hồn của sự thực tập làm biếng đích thực.

Chưa bao giờ tôi thấy chữ Làng lại gần gũi, thân quen và lắng dịu như vậy. Có phải tôi đã được về Làng rồi chăng!

Nhật ký mùa Làm biếng, 2015
 

Con đã về

Áo nâu đón áo nâu

Quả cầu lửa màu cam đang lơ lửng trên bầu trời trong vắt. Đó là cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp mà con chưa từng thấy ở Jakarta, thành phố nơi con được sinh ra. Sư cô Tân Nghiêm và con đang trên đường ra sân bay để đón gia đình Áo nâu tới Indonesia cho chuyến hoằng pháp 2015. Thật rủi ro vì đang giờ cao điểm. Có lẽ phân nửa dân số của Jakarta đang trên đường từ sở làm về. Rủi hơn nữa vì đó cũng là buổi tối trước kỳ nghỉ cuối tuần, rất nhiều người đang trên đường ra sân bay để kịp giờ bay. Tuy vậy trong cái rủi bao giờ cũng có cái may. Bác tài xế lái xe cho chúng con rất rành đường nên có thể tránh được dòng xe cộ đông đúc đó. Khi vào đến khu vực gần sân bay, chúng con có thể nhìn thấy một dòng xe cộ đủ màu, đủ loại đang nối đuôi nhau trên đường phố.

“Biết rõ đường đi lối về” là một kỹ năng quan trọng mà người ta cần phải có khi sống ở Jakarta nếu không muốn bị kẹt trong dòng xe cộ suốt 2-3 tiếng đồng hồ. Con nghĩ điều này cũng giống như trong sự tu tập. Chúng ta cũng phải “tỏ đường đi lối về” để không bị mắc kẹt trong khổ đau. Mà thôi, bây giờ mình quay về giây phút hiện tại. Chúng con cảm ơn người tài xế rất rành đường đã giúp chúng con tránh được nạn kẹt xe. Nhờ vậy mà chúng con đã đến sân bay đúng giờ để đón phái đoàn.

Máy bay đến trễ. Có vẻ như trên đó cũng có nạn kẹt… máy bay. Tính tiếu lâm của con lại nổi lên rồi. Con đang đứng chờ gần cửa ga, mặc chiếc áo nhật bình đẹp nhất, đầu chít khăn cẩn thận. Bất chợt con nhận ra đây là lần đầu tiên con được đón tăng đoàn trên quê hương mình trong chiếc áo người tu. Tâm trí con chợt đi về quá khứ. Từ năm 2008, con đã có cơ hội ít nhất là 5 lần ra sân bay để đón tăng đoàn Làng Mai đến Indonesia hướng dẫn khóa tu. Giờ đây, con cũng đang có mặt ở sân bay, nhưng là để đón… những huynh đệ xuất sĩ của mình. Trong con có một cảm giác thật khó tả, vừa hạnh phúc vừa thấy hơi là lạ, cứ như một giấc mơ. Trở về nước sau gần bốn năm xa cách, thăm viếng bạn bè, gia đình, đón tăng đoàn và gia nhập vào chuyến hoằng pháp tại Indonesia với tư cách một người xuất gia, mọi thứ quả thật mới mẻ đối với con. Chắc chắn những giây phút đầy ý nghĩa trong chuyến hoằng pháp này sẽ để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm thức con.

Thời gian đi tựa tên bay. Mũi tên thời gian bây giờ kéo con trở về với giây phút hiện tại, bởi vì ở cửa ga đã xuất hiện những bóng áo nâu. Sư cô Chân Không, sư cô Thoại Nghiêm và thầy Pháp Khâm là những người đi đầu, đang bước chậm rãi với nụ cười trên môi.

Đi như một dòng sông

Sau khi ăn chiều tại sân bay, mọi người lên xe về khách sạn Yasmin tại Puncak, nơi tổ chức khóa tu, cách sân bay ba giờ lái xe (nếu không đi trong giờ cao điểm). Ban tổ chức đã chu đáo thuê cảnh sát mở đường cho phái đoàn, bởi vì ngày hôm đó, bất cứ nơi đâu cũng bị kẹt xe. Nếu không có cảnh sát dẫn đường thì chẳng biết bao giờ chúng con mới đến nơi.

Đi như một dòng sông là chủ đề của khóa tu năm ngày, từ 14 đến 18 tháng 05 năm 2015. Có khoảng 600 người tham dự. Ban tổ chức ở Ekayana Buddhist Center đã làm việc cật lực cho khóa tu lần này. Chúng con đã lên chương trình cho chuyến hoằng pháp này một năm trước khi Thầy bị bệnh, nhưng sau đó mọi người không biết là có thể tiếp tục tổ chức chuyến hoằng pháp hay không. Vì vậy, khi được tin chuyến hoằng pháp vẫn diễn ra, thời gian dành cho chuẩn bị rất ngắn ngủi. Việc ghi danh chỉ bắt đầu khoảng hai tháng trước khi có khóa tu.Có rất nhiều điều mà con học hỏi được từ khóa tu. Có một lần con được nhờ thông dịch cho một phụ nữ đang cần tham vấn. Trong buổi tham vấn, con nhận ra rằng mình có thể tiếp xúc được với bộ mặt thật của thực tại, đó là khổ đau. Người ta có thể ăn mặc rất đẹp đẽ, nước hoa thơm ngát, nhìn bên ngoài có vẻ rất mãn nguyện và ổn định trong cuộc sống. Khó ai có thể biết được những khổ đau đằng sau bề ngoài sang trọng đó.

Cái đẹp của sự nhẫn nhục hay kham nhẫn là một trong những điều mà con học hỏi được từ khóa tu này và từ các buổi tham vấn. Một người mẹ có hai con đang phải nhẫn nhịn để giữ cho gia đình không bị đổ vỡ khi chồng không chung thủy; một người chị phải nhẫn nhịn để giữ gìn sự hòa hợp giữa các anh chị em trong gia đình khi có những tranh chấp xảy ra… Còn nhiều vấn đề muôn thuở khác nữa của cuộc sống gia đình, đồng thời cũng là những vấn đề lớn lao và phức tạp của cả nhân loại. Con thấy rất cảm động bởi vì con biết chỉ có tình thương mới có thể giúp cho người ta có thể nhẫn nhịn như vậy mà thôi.

Con quán chiếu về phẩm chất này trên con đường tu tập của mình. Nhẫn nhục hay kham nhẫn là một trong những hạnh quan trọng nhất, là một trong Sáu phép Ba la mật. Không có hạnh nhẫn nhục, chúng ta sẽ đi vòng quanh, không bao giờ có thể thoát ra khỏi khổ đau. Gần đây có một sư cô nói với con rằng nhẫn nhục là một nguồn phước đức. Con rất thích điều này dù con nghĩ thực hiện nó không dễ chút nào. Phải có nghị lực, sự hoan hỷ và tuệ giác thì mới mong làm được. Con nhớ lại câu thơ nổi tiếng của tổ Hoàng Bá ở Trung Hoa: “Chẳng phải một phen xương lạnh buốt, hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương!”.

Giờ đây con càng tâm đắc câu thơ ấy bởi con đang sống ở Làng Mai, đi qua mùa đông và thưởng thức hoa mai nở rộ trên đồi. Khi con thưởng thức hoa mai, con biết một trong những nhân duyên hội tụ để những đóa hoa được biểu hiện, đó là sự kham nhẫn.

Dòng sông vẫn đang tuôn chảy

Ngày 20 tháng 05, sau khi khóa tu chấm dứt, dòng sông tăng thân tiếp tục xuôi về Yogyakarta, cách Jakarta khoảng một giờ bay. Sáng hôm sau, tăng đoàn lên xe đi thăm khu đất được cúng dường bởi một thương nhân thành công ở Indonesia, một người rất thương kính Sư Ông và pháp môn Làng Mai. Ông cũng đồng thời là một người rất năng nổ trong giới Phật tử, đã áp dụng phương pháp thực tập của Làng Mai ở văn phòng làm việc. Ông cho đặt một cái chuông trong phòng họp tại nơi làm việc. Mỗi thứ Sáu, tất cả các nhân viên của ông mang theo thức ăn và cùng nhau thực tập ăn trong chánh niệm. Họ có rất nhiều cảm hứng khi nghe ông chia sẻ. Không phải tất cả nhân viên của ông đều là Phật tử, vậy mà họ đã mở lòng ra đón nhận sự thực tập này. Ông đã chia sẻ rằng một nhân viên của ông đã được khách hàng khen ngợi vì khả năng lắng nghe của người đó.

Khu đất được cúng dường cách sân bay khoảng 3-4 tiếng đồng hồ lái xe, nằm trong địa phận của đảo Java, nơi có khoảng 136 triệu dân – tức 60% dân số của Indonesia đang sinh sống. Rất nhiều sự kiện lịch sử đã diễn ra tại hòn đảo này. Vào thế kỷ thứ VII, đế chế thời bấy giờ đã cho phép đạo Hindu và đạo Bụt được du nhập và phát triển tại Java. Chỉ sau khi những người đạo Hồi chiếm đảo Java, các Phật tử đã chạy sang Bali hoặc lên vùng núi ở trung tâm đảo Java. Theo thống kê, hiện có khoảng 750 ngàn người theo đạo Bụt ở trung tâm Java. Đây là những người có gốc đạo Bụt, từ đời này sang đời khác.

Một nhóm quý thầy, quý sư cô đã có cơ hội đi thăm một số làng Phật tử ở những vùng sâu, vùng xa của đảo Java. Dân chúng các vùng này sống rất đơn sơ và thanh bạch. Phần lớn là nông dân. Sau một ngày làm việc đồng áng, họ về nhà dùng cơm chiều, sau đó đến chùa để tụng kinh. Đây là sinh hoạt thường nhật của họ mà không có sự hướng dẫn của người xuất gia. Các thầy thỉnh thoảng từ nơi khác đến cho pháp thoại mà thôi. Sự tinh tấn của người dân ở đây làm con rất cảm phục.

Khi chúng con đến khu đất được cúng dường, trời hãy còn sớm lắm. Cần phải leo lên một con dốc cao và thẳng đứng mới đến được vùng đất bằng phẳng. Ở nơi đó, một cái bục và một bàn thờ đã được chuẩn bị sẵn. Con leo lên dốc với Sư cô Chân Không và thị giả. Ngoài ra còn có thầy Pháp Tử và Rini, cô bạn từng qua Làng tu học gần một năm. Dọc đường, mọi người dừng lại nghỉ khá nhiều lần. Không khí thật trong lành, đâu đâu cũng thấy một màu xanh. Khi lên đến nơi, mọi người có thể thưởng thức cảnh đẹp của núi đồi. Được biết là vào sáng sớm, ngồi ở đây có thể thấy được năm ngọn núi bao bọc xung quanh. Quý sư cô đùa với con rằng không ai muốn qua trung tâm ở Indonesia vì sợ núi lửa phun. Biết làm sao được, thật sự là có tất cả 38 ngọn núi lửa trên toàn đảo Java từ Đông sang Tây. Và tất cả đều đã từng hoạt động một lần. Không có bùn thì không có sen. Nơi nào núi lửa đã từng phun, nơi ấy đất đai rất màu mỡ. Đó là lý do tại sao những miền đất ấy đã từng bị người châu Âu chiếm làm thuộc địa một thời gian rất lâu trong quá khứ.

Sáng hôm ấy, tăng đoàn đã làm lễ tẩy tịnh cho khu đất bằng một nghi thức ngắn gọn và đơn giản. Sau đó sư cô Chân Không, thầy Pháp Đăng, thầy Kai Li và thầy Dharma Vimala đặt viên đá đầu tiên. Tiếp theo quý thầy, quý sư cô ngồi chơi với những người dân địa phương. Họ trang trọng trong y phục cổ truyền Batik và nói bằng ngôn ngữ Java mà con hoàn toàn không hiểu.

Cho đến tận lúc này, tăng thân vẫn chưa được chính quyền địa phương cấp giấy phép xây dựng trung tâm tu học ở đây. Tuy vậy, tăng thân vẫn quyết định làm lễ tẩy tịnh cho mảnh đất này cũng như tổ chức chuyến hoằng pháp tại Indonesia như đã dự định trước khi Thầy bị bệnh. Không có gì thay đổi. Ít nhất là hạt giống xây dựng trung tâm Làng Mai tại Indonesia vẫn đang tiếp tục được gìn giữ và tưới tẩm.

Ngoài lễ tẩy tịnh, tăng đoàn còn đến thăm và thiền hành ở thánh tích Borobudur. Nơi đây là chứng tích một thời hoàng kim của đạo Bụt trên mảnh đất Nam Dương. Thầy rất thích Borobudur khi đến viếng thăm nơi này vào năm 2010. Thầy muốn đem đạo Bụt về lại cho người dân bản địa Indonesia. Với tinh thần của đạo Bụt Dấn thân, Thầy cũng muốn xây trường học cho trẻ em nghèo, đồng thời giúp cho người dân ở đây có thêm phương tiện sinh sống khá hơn. Khi Thầy chia sẻ những ý này, con thấy đây cũng là tinh thần của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội mà Thầy đã sáng lập. Mỗi buổi sáng tăng đoàn đều leo lên núi ngồi thiền và ngắm mặt trời lên. Ai cũng ý thức từng bước chân, thưởng thức cái đẹp cho Thầy. Năng lượng của tăng thân làm cho sự có mặt của Thầy trở nên sống động, vượt cả ý niệm về không gian và thời gian. Tăng thân vẫn đang tiếp tục bước tới một cách hết lòng trên con đường thực hiện chí nguyện và công việc độ đời mà Thầy đã mở ra.

Ngày 22 tháng 05, tăng đoàn về lại Jakarta và ngày hôm sau, có một buổi pháp thoại công cộng. Ngày 24 tháng 05, các thầy, các sư cô chia thành nhiều nhóm để tổ chức một ngày quán niệm: nhóm thứ nhất dành cho các chuyên gia giáo dục, nhóm thứ hai dành cho các doanh nhân và nhóm thứ ba dành cho cộng đồng Phật tử tại chùa Boddhi Dharma, Kaloran.

Tăng thân là tấm gương soi

Vào tháng Hai, đoàn tiền trạm gồm các sư cô Tân Nghiêm, Doãn Nghiêm, Hoàn Nghiêm, Trăng Phương Nam và con đã đến Indonesia trước để chuẩn bị cho chuyến hoằng pháp của tăng đoàn. Năm chị em được sắp xếp ở tại trung tâm Bodhidharma. Sống, làm việc và thực tập chung với nhau trong ba tháng là một cơ hội để cho con học hỏi và khám phá nhiều điều về tự thân và về các huynh đệ của mình.

Khi chưa xuất gia, mỗi lần có khóa tu, con thường giúp lo về mặt tổ chức. Quý thầy, quý sư cô chỉ làm công việc giảng dạy, hướng dẫn và thưởng thức Indonesia mà thôi. Vì vậy, khi bắt đầu chuyến hoằng pháp này, con có khuynh hướng đóng vai trò một người tổ chức như trước đây. Rồi con nhận ra bây giờ con không phải là người đóng vai trò tổ chức nữa mà con là một giọt nước trong dòng sông tăng thân.

Một buổi tối, trong lúc đang làm việc, vì cần một số thông tin có liên quan nên con đã không ngần ngại gọi điện thoại để hỏi một anh bạn lâu năm trong tăng thân cư sĩ mà trước đây con thường sinh hoạt. Trong thời khóa sáng hôm sau, trong khi nghe đọc chương “Nói chuyện trên điện thoại” trong sách oai nghi cho người xuất gia, con mới nhận ra là mình đã không có chánh niệm, mình vẫn bị tập khí cũ lôi kéo.

Con bắt đầu thấy sự nguy hiểm khi mình không thực tập oai nghi, nó khiến mình không thể lớn lên và vững chãi trong Pháp và Luật Bụt dạy. Giờ đây con mới hiểu tại sao Thầy thường nhắc nhở chúng con là phải luôn nương tựa tăng thân. Nhìn lại những gì đã đi qua, con cảm thấy vô cùng tri ân sự có mặt của quý sư cô đi cùng con về Indonesia lần này, bởi đó cũng chính là sự có mặt của oai nghi và giới luật. Nhờ hành trì oai nghi giới luật rất miên mật mà sự hiện diện của quý sư cô đem lại rất nhiều lợi lạc cho những người sống thường trú ở trung tâm, kể cả ôn Trụ trì. Một người bạn của con chia sẻ là khi đến Bodhidharma, chị có thể cảm được nơi đây không khí của một tu viện thực sự.

Cho mẹ mượn cây lược chải tóc

Sau khi tăng đoàn rời khỏi Indonesia, con còn khoảng hai tuần để về thăm gia đình, bạn bè và chùa cũ. Đây là lần đầu tiên con về thăm gia đình trong hình tướng của người xuất gia. Trước khi về lại Indonesia, con khá lo lắng. Con không biết mẹ con sẽ phản ứng thế nào bởi vì mẹ đã rất thất vọng và giận dữ khi biết tin con đi xuất gia. Tuy nhiên, sâu thẳm trong lòng, con biết nếu mình có đủ bình an và niềm tin trên con đường mình đã chọn thì mọi việc sẽ ổn thôi.

Có những khoảnh khắc con hơi chạnh lòng khi tưởng tượng ra nhiều cách phản ứng của mẹ khi gặp lại con. Rồi con tự bảo mình đừng quá lo lắng. Con tin rằng dù giận dữ tới mức nào, mẹ cũng có đủ nghị lực để đối diện với thực tế. Và đó là sự thật. Sự lo lắng, sợ hãi của con chỉ là vô cớ.

 Khi con vừa bước chân vào nhà, mẹ con đã bỏ chạy lên lầu và khóc. Thế nhưng chỉ một hai phút sau, mẹ đã trở xuống và bắt đầu hỏi con tới tấp. Con rất cảm động, nhưng cố ghìm nước mắt và tỏ ra bình thường, cứ như con vừa mới trở về nhà sau một ngày làm việc để làm cho không khí nhẹ đi.

Một hôm nọ sau khi tắm xong, mẹ không tìm ra được chiếc lược chải tóc. Mẹ quay sang con: “Cho mẹ mượn cái lược chải tóc của con một chút!”. Đây là câu mà mẹ thường nói với con ngày con chưa xuất gia. Con nhìn mẹ rồi trả lời: “Mẹ, con làm gì còn tóc đâu mà có lược”. Mẹ giật mình nhìn lại con và nhận ra điều đó. Con chỉ dám thầm cười nhẹ, vì biết mẹ vẫn còn buồn, vẫn còn nhiều nỗi đau trong lòng.

Dù vậy, trong con có một niềm tri ân vô bờ bến đối với mẹ và cả gia đình huyết thống. Giờ đây gia đình đã có thể mở lòng để yểm trợ cho con đi trên con đường đẹp này. Sự yểm trợ này giúp con tu tập tinh tấn hơn để chuyển hóa khổ đau và chữa lành những thương tích trong con, để con có thể chia sẻ những hoa trái của sự thực tập này với gia đình. Con cũng vô cùng biết ơn gia đình tâm linh đã cho con sức mạnh và có mặt để yểm trợ bất cứ khi nào con cần đến.

Con như được tiếp thêm sức mạnh mỗi khi nhìn vào mắt của những người thân trong gia đình, thấy được nỗi đau, tình thương và niềm hy vọng của mọi người dành cho mình, cũng như khi tiếp xúc với hoài bão phụng sự cho quê hương, tiếp xúc với tình thương của Thầy. Tất cả những điều ấy đã trở thành một nguồn năng lượng giúp con vượt qua những khó khăn để đi tới và tiếp tục nuôi lớn tâm ban đầu của mình.

Đỉnh cao gió gọi

Thầy Pháp Biểu là người Ý, xuất gia năm 2008 trong gia đình Cây Sen Trắng lúc 19 tuổi. Ngoài tiếng mẹ đẻ, thầy còn sử dụng được tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt, và rất thích học hỏi chữ Hán để có thể hiểu được kinh điển từ Hán tạng. Dưới đây là bài viết thầy chia sẻ về một kỷ niệm học chữ Hán, BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.

 

Một trong những niềm vui lớn trong đời tu của tôi là được học chữ Hán. Lúc còn nhỏ, vẻ đẹp của những nét chữ ấy đã khiến tôi thích thú. Tôi muốn học, nhưng tôi nghĩ ước mơ ấy khá xa vời, khó mà thực hiện được. Sau khi xuất gia, suốt bảy năm qua, tôi đã có rất nhiều hứng khởi, nhiều cái thấy sâu sắc khi có cơ hội học thêm chữ Hán. Gần đây, tôi để nhiều thời gian cho việc học chữ Hán. Tôi làm mới lại cảm hứng này qua một vài cách học khác nhau, cho đến khi tình cờ bắt gặp được một bài thơ.

Mặc dầu không có kinh nghiệm gì về thi ca Trung Hoa, tôi thấy mình rất may mắn khi tìm thấy bài thơ ngắn này. Bài thơ thật sự đã chạm tới một cảm giác sâu kín trong tôi. Chắc hẳn bạn cũng sẽ tìm thấy một cảm giác tương tự như vậy.

Bài thơ của Khâu Vi (khoảng 709-804), một thi sĩ đời Đường, đã được chọn đăng trong tập Ba trăm bài thơ Đường, một trong những tập thơ rất nổi tiếng.

   

絕頂寧챕늙   

殮힛枷쟁   

森關無墓僕   

窺杆顆갭幾   

흼렷쏀뀜車   

應角釣헬彊   

뀌넥꼇宮見   

黽춤왕嵐岺   

꿇劤黛櫓   

漑聲功눗裡   

섟茲폡聃絕   

菱璃盪懃랐   

雖無賓寮雷   

頗돤헌淨잿   

興盡렘苟   

부극덤裂綾   

 

Ẩn sĩ tìm không gặp

Trèo non vài mươi dặm

Đỉnh cao một liếp tranh

Gõ cửa người đâu vắng

Chỉ thấy chiếc bàn không

Người mùa thu câu cá

Hoặc dạo chơi non bồng

Chậm chân không gặp mặt

Mà chẳng chút chờ mong

Mưa thu sắc cỏ đổi

Tùng reo vọng bên song

Một mình bóng đêm phủ

Tâm cảnh bỗng dung thông

Không ý khách ý chủ

Sạch trong vẹn một lòng

Thấu đỉnh non, xuống núi

Đợi gì, chủ nhân ông!

(Thầy Nguyên Tịnh dịch)

 

Chính kinh nghiệm được diễn tả trong bài thơ là một trong những điều mà tôi luôn thấy qua Thầy của mình. Tôi đã từng nghĩ rằng, kinh nghiệm giống như trong bài thơ này diễn đạt chỉ là kinh nghiệm của riêng Thầy. Cho đến khi tôi đọc được vài dòng trong bài thơ trên, tôi bất chợt nhận ra rằng, đã có vô số ẩn sĩ và vô số người lên núi tìm các vị như vậy.

Tám câu đầu của bài thơ miêu tả khung cảnh và mục đích của tác giả. Khâu Vi mong ước được gặp vị ẩn sĩ, đã leo mười dặm đường núi mà không dừng để nghỉ ngơi. Có thể ông đã mất khoảng nửa ngày đường mới lên đến ẩn am. Bạn có thể tưởng tượng ra sự thất vọng của ông khi gõ cửa chòi lá nhỏ nơi ẩn sĩ ở và không ai trả lời. Nhìn qua khung cửa sổ, ông chỉ thấy căn phòng trống với một chiếc bàn đơn sơ. Có thể ông đã đứng gần khung cửa rất lâu, hy vọng vị ẩn sĩ sẽ trở về.

Người mùa thu câu cá
Hoặc dạo chơi non bồng
 

Ông tự hỏi vị ẩn sĩ lúc đó đang làm gì? Câu hỏi này bất chợt mở rộng tầm nhìn của ông. Sự việc vị ẩn sĩ không có đó đã mở ra nhiều giả thuyết, rằng vị ấy hiện có thể có mặt ở bất cứ nơi nào: phía sau một cội cây già, bên một vách núi, đang trên một cỗ xe gỗ nhàn du, hoặc đang thả câu bên một bờ hồ lặng lẽ đâu đó. Mong cầu duy nhất của tác giả khi lên đến đỉnh núi là gặp được vị ẩn sĩ đang ở trong am tranh của mình. Đến nơi, căn phòng vắng, vị ẩn sĩ không có mặt ở đó cho nên cơ hội để gặp được người có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên đỉnh Tây Sơn.

Chậm chân không gặp mặt
Mà chẳng chút chờ mong
 

Ngay trong giây phút Khâu Vi chấm dứt sự tìm cầu, vị ẩn sĩ bắt đầu biểu hiện tất cả vẻ đẹp của mình. Và đây là nội dung tám câu cuối của bài thơ, miêu tả sự gặp gỡ trực tiếp giữa tác giả với đứa con của núi rừng.

Mưa thu sắc cỏ đổi
Tùng reo vọng bên song
Một mình bóng đêm phủ
Tâm cảnh bỗng dung thông
 

Khâu Vi không còn phải đợi chờ nữa. Ông đang có mặt một cách trọn vẹn và đang tiếp xúc sâu sắc với tất cả các giác quan của ông. Bóng đêm từ từ bao phủ, bao phủ ông và bao phủ khắp nơi. Đứng bên song cửa am lá, cảm nhận mỗi sự vật xung quanh, tác giả thấy tâm hồn mình cũng được bao phủ bởi vẻ đẹp và sự bình an toát ra từ núi rừng.

Không ý khách ý chủ
Sạch trong vẹn một lòng
Thấu đỉnh non, xuống núi
Đợi gì, chủ nhân ông!
 

Khi chủ nhà không có đó thì khái niệm khách thăm cũng biến mất. Hai ý niệm đã không tồn tại thì Khâu Vi cuối cùng, có cơ hội tiếp kiến với vị ẩn sĩ. Vì không còn kẹt vào các ý niệm hoặc kỳ vọng nào nữa, sự gặp gỡ đã xảy ra ngoài phạm vi thời gian và không gian. Khi tất cả ý niệm được buông bỏ, một cảm giác hạnh phúc, bình an và thỏa mãn được biểu hiện trong trái tim ông. Không còn sự ngăn cách giữa hai người, tác giả nói: Sạch trong vẹn một lòng.

Ông diễn tả tuệ giác này như là việc leo lên đỉnh núi. Khi không còn điểm nào cao hơn nữa thì việc còn lại phải làm là leo xuống mà không mong đợi, không hối hận bất cứ điều gì. Câu thơ cuối ướp đầy sức mạnh, năng lượng và sự quyết tâm của tuệ giác mới: Đợi gì, chủ nhân ông!

Câu thơ cuối cứ đọng lại mãi trong tôi từ lúc tôi đọc được bài thơ này. Một phần như gợi ý để tôi tự hỏi mình: “Tại sao tôi phải mong chờ để gặp vị ẩn sĩ của tôi?” Hoặc tôi có thể nói thẳng thắn hơn: “Tại sao tôi phải đợi Thầy trở về để tôi có cơ hội gặp mặt? Tại sao tôi phải mong chờ Thầy của tôi nói pháp thoại trở lại hoặc ngồi đó và đãi trà cho chúng tôi để tôi có dịp ngồi chơi với Thầy?”

Ở xóm Thượng, tôi đang có cơ hội sống trên đỉnh núi cao. Mỗi ngày, tôi được dạo chơi nơi con đường huyền thoại. Tiếng gió xuyên qua những hàng tùng xanh tạo nên một âm thanh khiến cho ta không thể không chú ý đến. Như thể có ai đó đang gọi tên tôi, tôi không thể nào cứ thản nhiên mà đi tiếp được. Tôi cần dừng lại một lát và lễ phép hỏi ai đó ít nhất một vài câu: “Xin chào, bạn là ai? Bạn từ đâu đến vậy?” Tôi đợi cho ai đó cười vang với những câu hỏi ngớ ngẩn của tôi rồi tôi lại tiếp tục bước đi. Một sự tiếp xúc thật đơn sơ, tuy thế đã làm cho trái tim tôi ngập tràn niềm vui và hạnh phúc. Những cuộc gặp gỡ như vậy có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tôi còn mong đợi gì hơn nữa?

Sau khi đọc xong bài thơ này, tôi thấy biết ơn tác giả rất nhiều vì bài thơ đã gieo một hạt giống thật sâu vào tâm thức tôi. Tôi ý thức rằng, hiện giờ hạt giống đang nằm đó thì tôi còn gì phải lo sợ? Tôi nghĩ mình nên tiếp tục sống đời sống của mình cho trọn vẹn. Có lẽ chỉ nên ý thức thêm một chút rằng, mỗi ngày tôi đều được hiến tặng cơ hội để có thể gặp vị thầy của mình và, gặp được hay không, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào tôi mà thôi.

Thiên thần quét lá

Thiên thần quét lá
Rừng vắng sáng nay
Tiếng cười trong vắt
Hòa với cỏ cây.
 
Chim rừng tỉnh giấc
Giọt nắng có hay
Nai vàng suối mát
Đùa với bóng mây.
 
Thiên thần ơi!
Có thấy chăng hoa cười?
Thiên thần ơi!
Kìa lá rơi ngập lối!
Xanh vàng nâu, đỏ thắm
Thu khoe màu
Tâm bình an,
Tay quét, em đưa đều.
 
Em ngồi bên đá
Làn gió thoáng qua
Ô kìa mưa lá
Lòng đất chớm hoa.
 
Em đùa trong nắng
Chờ bắt chiếc lá rơi
Rừng bao nhiêu lá
Em thương đời bấy nhiêu.

Ngày mới của năm mới

Cư xá Mây Tím, xóm Hạ,

Sáng nay trời mờ sương, đẹp và hiền quá. Trong căn phòng nhỏ, ngồi bên cửa sổ, con nhìn ra một không gian đầy yêu thương thanh khiết. Tất cả là sự biểu hiện đẹp của đất trời, trong nghĩa tình chan hòa của muôn loại.

Năm mới mọi thứ đều thay áo mới. Cái áo đầu ngày của trời Cha cũng đẹp hơn và dịu êm hơn. Cha mặc rất hiền. Có thể mọi thứ chung quanh cùng cảm nhận niềm vui nên đã may tấm áo của ngày hôm nay, để reo ca mừng sự sống. Không khí hân hoan này, như một dấu hiệu của điềm lành. Cảm ơn trời Cha đã thể hiện cái đẹp dịu hiền đầu năm để tiếp đón đất Mẹ và ôm ấp chúng con. Trời Cha và đất Mẹ, đã luôn sẵn sàng có mặt để chúng con nương tựa. Năm mới, chúng con nguyện chung tay bảo vệ hành tinh này, đem sự tươi mát rưới lên khắp toàn cầu, mang thông điệp đầy yêu thương đến cùng mọi loài trên trái đất.

Chúng con ý thức rằng, nhờ năng lượng che chở và nâng đỡ của trời Cha và đất Mẹ mà chúng con cùng nhau một lòng đầy nhiệt huyết tạo nên cõi Tịnh độ này. Chúng con biết tất cả những gì chúng con suy nghĩ, hành động, nói năng theo hướng tích cực, lành thiện, tươi mát, từ bi, hay theo hướng tiêu cực, sợ hãi, thèm khát, bạo động thì chính bản thân chúng con sẽ thừa tự trực tiếp kết quả. Chúng con xin nguyện hộ trì ba nghiệp hết lòng.

Tối nay, Cha đã rải xuống lòng đất những hạt minh châu, gọi mời nhiệm mầu hạt giống tốt cho đầu năm. Những hạt minh châu làm lòng con sung sướng trong thanh bình tuyệt đối. Một ngày đầu năm trọn vẹn như thế thì sự sống sẽ ý nghĩa biết bao!

Thưa Cha, đã có nhiều biến động, con biết, thân thể Mẹ càng ngày càng nóng lên do thiên nhiên đầy tật bệnh và tâm hồn con người nhiều hư hoại. Người đời càng ngày càng nóng vội, xử lý mọi tình trạng hấp tấp, vội vàng, không nắm vững nghệ thuật nhìn kỹ, nhìn sâu. May mắn được bảo vệ trong môi trường thánh thiện và luôn được nuôi dưỡng lòng biết ơn mọi loài chúng sanh, cây cỏ và đất đá, có cơ hội tưới tẩm hạt giống thương yêu, hiểu biết mỗi giây phút trong đời sống hàng ngày, chúng con, những người xuất sĩ, nguyện bảo vệ hành tinh xinh đẹp này. Tình thương được chăm chút mỗi ngày, nuôi dưỡng và nhắc nhở cho nhau mỗi ngày, việc giữ gìn và bảo vệ đất Mẹ là điều có thể thực hiện được.

Được ở trong cõi xanh này, ai ai cũng sung sướng. Tiếp xúc với đất Mẹ bằng những bước an lành vững chãi, thở trong không khí yên vui, cùng mọi loài dạo chơi, ngắm sự mầu nhiệm trăng sao, bầu trời xanh… chúng con thấy đời sống vẫn an toàn biết nhường nào. Sống đời sống như vậy trong sự luân chuyển bất tận là một công trình lớn. Nếu hôm nay chúng con thực tập có chánh niệm thì những trận địa chấn, lũ lụt, núi lửa, sóng thần… sẽ xảy ra ít hơn, mức độ tàn phá sẽ giảm thiểu tối đa. Mọi thứ được nâng lên nếp sống cao khiết, có thỉ có chung, muôn loài được tôn trọng và bảo vệ. Cõi tịnh không kiếm đâu xa. Cõi tịnh ở ngay nơi đây, trong giây phút ta đang thật sự sống.

Năm mới, trong hội chúng đông đảo, những lời khấn nguyện được viết xuống với một tâm niệm lành, và với tâm niệm như thế, có thể chấn động đến mọi loài hữu tình hay vô tình. Trong niềm giao cảm thâm sâu và tình thương thánh thiện, con biết đất Mẹ và trời Cha vui lòng biết bao.

Năng lượng yên bình và bảo vệ hành tinh này sẽ được tưới tẩm lớn mạnh hàng ngày nơi mỗi chúng con. Chúng con nguyện ý thức rõ sự an lạc của chính mình là sự an lạc của thế giới, sự hòa hợp và an ổn vững chãi trong tự thân là Tịnh độ hiện tiền.

Hôm nay, thưa Cha, thưa Mẹ, chúng con nguyện có mặt để làm đẹp cho cuộc đời.

Bích Nham và những hạnh phúc đơn sơ

Con đường nhựa từ tăng xá dẫn đến thiền đường sáng nay thật yên và trong lành. Trời đã vào thu, bắt đầu se lạnh. Những vì sao điểm tô cho dải ngân hà thêm diễm tuyệt. Thong thả an nhiên, tôi bước vào thiền đường, chắp tay xá Bụt, xá chiếc bồ đoàn và thầm đọc bài kệ: “Ngồi đây ngồi cội Bồ đề, vững thân chánh niệm không hề lãng xao”. Giọng hô canh của thầy Pháp Tịnh rất trong và ấm, năng lượng thiền đường thật trầm hùng. Sau khi xả thiền, tôi nhìn lên phía bàn thờ Bụt và thấy hai câu đối do chính Sư Ông viết: “Nước Bích lắng trong ngàn sông có nước ngàn sông trăng hiện. Non Nham tú lệ mỗi lần nhìn lại mỗi lần mới tinh”. Hai câu đối đã nói lên được những cảm nghĩ của tôi về tu viện Bích Nham và giúp tôi có nguồn cảm hứng viết xuống dòng sẻ chia như một lời tri ân.

Tu viện Bích Nham

Tu viện được thành lập vào năm 2007, tọa lạc trên triền núi Sam trong thung lũng Walker, New York. Tu viện rộng khoảng 90 mẫu đất (acres). Ở đây có nhiều vách núi màu xanh, nhân đó Sư Ông đặt tên là Bích Nham.

Tu viện có hai xóm: Tùng Xanh dành cho quý thầy và Hạc Trắng là chỗ quý sư cô. Tùng là một loại cây quý mọc trên núi cao hoặc đất đá khô cằn, chịu nhiều sương gió và bão tuyết, nhưng rất xanh tươi và vững chãi, tượng trưng cho khí tiết thanh cao, thịnh vượng và bền bỉ. Hạc là một loài chim quý, tượng trưng cho sự trường thọ, sắt son.

Xóm Tùng Xanh có rất nhiều cây tùng, có cốc Thạch Lang, tăng xá Tình Huynh Đệ, vườn Bụt, lều Mông Cổ và thiền đường Đại Đồng có khả năng chứa được 900 người, thiền đường được làm bằng gỗ thông nên rất thơm. Xóm Hạc Trắng được bao quanh bởi một khu rừng tự nhiên có nhiều cây thông, phong, sồi, bulô và nhiều động vật hoang dã. Những con suối chảy qua hiền hòa, có thể nghe âm thanh róc rách vọng đến từ cánh rừng phía sau vào những ngày mưa lớn. Con đường Pleasant Valley quanh co trên triền đồi là điểm chia ranh giới giữa hai xóm.

Uống trà, xây dựng tình huynh đệ

Ngày làm biếng, ngoài trời nắng đã lên cao, mọi thứ đều êm đềm vắng vẻ. Đây là mùa An cư đầu tiên của tôi tại tu viện Bích Nham. Không khí an cư rất nhẹ nhàng và trầm lặng. Bên xóm Tùng Xanh năm nay mỗi huynh đệ đều phát ba lời nguyện để thực tập. Phần tôi thì chọn ba nguồn cảm hứng để thực tập, đó là chăm sóc sức khỏe, ngồi thiền cho có phẩm chất và đi không nói chuyện. Tứ chúng tu học và làm việc với nhau rất hạnh phúc trong tinh thần lục hòa. Những buổi thực tập Làm mới giúp hai xóm có sự truyền thông và tình huynh đệ càng ngày càng gắn bó.

Hôm qua ngoài trời tuyết rơi trắng xóa. Huynh đệ ngồi quây quần bên lò sưởi, uống trà và đàm đạo, không khí rất ấm áp. Những giây phút như thế là cơ hội cho anh em chúng tôi xây đắp tình huynh đệ. Đây là kinh nghiệm sống, là pháp sống cần thiết cho cuộc đời. Chúng tôi thấy rất rõ, xây dựng tình huynh đệ là một sự thực tập căn bản về tình thương đích thực. Trên bàn học của tôi có treo một tấm thư pháp của Sư Ông: “Bài học quan trọng nhất trong cuộc đời là bài học thương yêu”.

Tính cao quý có được từ cách sống thanh cao

Sáng nay, một số quý thầy và quý sư cô trong nhóm tiền trạm vào thành phố New York để sắp xếp cho những buổi sinh hoạt vào cuối tuần. Số người còn lại ở nhà được nghỉ ngơi cho đến thứ Bảy sẽ vào thành phố yểm trợ cho những chương trình tu học.

Chuyến hoằng pháp ở Mỹ năm nay bắt đầu từ tu viện Bích Nham. Quý thầy, quý sư cô từ các trung tâm khắp nơi về đây sum họp một nhà, không khí rất vui tươi và đầm ấm. Nhìn những tà áo nâu nhẹ nhàng thoáng bước, tôi lại nhớ đến lời Sư Ông dạy ở Thái Lan vào năm 2013: “Quê hương là chốn tăng thân xum vầy, bàn chân địa xúc hãy về”.

Trong khóa tu này, chúng tôi có tổ chức một cuộc triển lãm thư pháp của Sư Ông ở cốc Thạch Lang. Những tấm thư pháp là di sản quý báu của Sư Ông mà chúng tôi đã sưu tầm và lưu trữ được hơn mười năm qua. Ngoài những tấm thư pháp, chúng tôi còn trình bày tiểu sử sơ lược về cuộc đời Sư Ông. Bài tiểu sử được đặt ngay trung tâm của phòng triển lãm. Bên trên, chúng tôi có treo một tấm thư pháp bằng tiếng Anh: “Nobility comes from noble living” (Tính cao quý có được từ nếp sống thanh cao). Thiền sinh rất xúc động, có người quỳ xuống lạy, có người ngồi tịnh tâm và có rất nhiều người không cầm được nước mắt.

Thiền hành trong mưa

Một trong những điều tôi thích nhất ở Bích Nham là được đi thiền hành vào rừng. Trời cuối thu thường có mưa rơi lác đác, con đường thiền hành xuyên qua khu rừng càng trở nên huyền thoại. Có một hôm trời mưa, đại chúng đã đổi buổi thiền hành ngoài trời thành buổi kinh hành trong thiền đường Đại Đồng. Thầy Pháp Khôi và tôi xin phép được đi thiền hành ngoài trời, mỗi người che một cây dù và chầm chậm thiền hành vào rừng. Đi đến nơi nào cảm thấy hứng thú thì anh em chúng tôi dừng lại ngắm nhìn, đặc biệt là bên dòng suối. Trời mưa nhỏ hạt dần và sương mù trở nên rõ rệt trong khu rừng. Đi một hồi tôi cảm thấy lạnh và ý thức rất rõ cái lạnh đang từ từ thấm vào thân thể. Thiền sư Quy Sơn có dạy: “Sống gần gũi với các bậc thiện tri thức thì cũng như đi trong sương, tuy áo không ướt nhưng cũng có nhuần thấm”. Tôi thấy thực tập chánh niệm cũng thế. Thực tập lâu ngày dần dần sẽ trở thành thói quen và giúp ta ý thức rõ ràng những gì đang xảy ra bên trong cũng như bên ngoài ta. Ví dụ, khi mới thực tập đi thiền hành thì mình cảm thấy không thoải mái cho lắm, bước chân của mình trở nên nặng nề, vì tập khí đi nhanh đã quen rồi. Thực tập lâu ngày mình sẽ cảm thấy dễ chịu, tự nhiên và hạnh phúc, mình sống được với những bước chân nhẹ nhàng và thảnh thơi.

Dọc theo con đường thiền hành có nhiều thảm rêu xanh, êm và đẹp. Tôi ý thức bàn chân tôi đang chạm vào thảm rêu và cảm thấy rất hạnh phúc. Từng bước chân bình an đưa anh em chúng tôi ra khỏi khu rừng đến bên bờ hồ. Trời vẫn còn mưa lất phất. Chúng tôi đến bên cây cầu và đứng nhìn mặt hồ tĩnh lặng. Trước mắt tôi là tượng Bụt được tạc bằng nham thạch núi lửa Indonesia, hình ảnh được phản chiếu trên mặt hồ cùng với những chiếc bong bóng đang phập phồng. Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhớ lại những ngày còn thơ đi lùa vịt dưới trời mưa. Lúc đó tôi khoảng mười tuổi. Không hiểu vì sao tôi rất thích những chú vịt con. Mỗi lần đi chợ thấy người ta bán vịt con thì liền năn nỉ mẹ mua cho vài chú. Lúc đầu mẹ tôi không chịu, nhưng tôi năn nỉ riết rồi mẹ tôi cũng xiêu lòng. Cuối cùng mẹ đã mua cho tôi mười chú vịt con. Đó là một món quà lớn mà mẹ đã cho tôi. Sau nhà có một cái ao to, mỗi ngày tôi ra đó vớt bèo và vớt tép đem về cho các chú ăn. Cứ mỗi lần các chú đói bụng thì cả nhà đều biết, các chú kêu rất to. Hồi còn nhỏ, các chú suốt ngày cứ quấn quýt bên tôi. Đặc biệt có một chú vịt con, tôi đi đâu thì chú cũng chạy theo sau. Từ khi được thả xuống ao, các chú rất hạnh phúc được bơi lội đi chơi suốt ngày. Chiều nào tôi cũng phải đi kêu các chú về. Từ khi có mấy chú vịt con để chơi, tôi ít tới lui chơi với bọn trẻ trong xóm. Các chú là những người bạn và cũng là niềm vui của tôi mỗi ngày. Đó là thiên đường tuổi thơ chăn vịt của tôi. Tôi thấy khi mình có một tuổi thơ đẹp thì tuổi thơ đó sẽ tiếp tục nuôi dưỡng mình mãi mãi. Cảm ơn buổi thiền hành trong mưa trưa nay đã cho tôi sống lại những giây phút của tuổi thơ!

Mùa thu Bích Nham

Sau khóa tu ở Bích Nham, một số đông xuất sĩ đã lên đường qua tu viện Mộc Lan để tiếp tục chuyến hoằng pháp. Tôi cùng một số vị ở nhà để dọn dẹp tu viện và nghỉ ngơi. Mỗi ngày chúng tôi có thời khóa nhẹ, như ngồi thiền và làm việc. Tu viện Bích Nham mùa này thật tuyệt vời. Chúng tôi thường lên núi Sam ngồi uống trà và ngắm nhìn chiếc áo lụa mây trời diễm lệ. Từ đỉnh núi nhìn xuống có thể thấy được một biển sắc mênh mông. Những giây phút như thế đúng thật là thiên thu trong khoảnh khắc, cho ta một trạng thái vô sự, không cần đi đâu và cũng không cần làm gì.

Trong tăng xá của xóm Tùng Xanh có treo vài tấm thư pháp của Sư Ông. Tấm mà tôi thường lưu ý đến là “Chẳng biết rong chơi miền Tịnh độ, làm người một kiếp cũng như không”, như một thông điệp. Câu thư pháp đã nuôi dưỡng tôi rất nhiều. Tôi nhớ, lần đầu tiên tôi thấy bức thư pháp này là tại thiền đường Nến Ngọc. Mùa thu năm 2009, lúc đó tôi đang làm thị giả cho Sư Ông. Thầy trò dạo chơi trong khuôn viên của tu viện và Sư Ông dẫn tôi vào viếng thăm thiền đường Nến Ngọc. Đi một vòng, tôi chợt thấy tấm thư pháp, từng chữ từng chữ đánh động tâm trí tôi suốt ngày hôm ấy. Thầy trò tiếp tục dạo chơi trong khu rừng xóm Hạc Trắng, có một vài sư cô cũng xin được tháp tùng để đi thiền hành với Sư Ông vào rừng. Bước vào cửa rừng, cả khu rừng lấp lánh đủ màu thu. Dưới mặt đất lá vàng phủ kín. Thầy trò dừng lại. Một sư cô bước tới thưa: “Bạch Thầy, ngày xưa ông Cấp Cô Độc đã từng lót vàng lá cho Bụt trong tu viện Kỳ Viên. Ngày nay ông Cấp Cô Độc vẫn còn đó lót đường cho Thầy trò mình đi. Lần này không phải là vàng lá mà là lá vàng”. Thầy trò cùng cười.

Chiều ngày 11 tháng 10, anh em chúng tôi tranh thủ đi lên đỉnh núi Sam để tận hưởng một lần chót trước khi rời khỏi Bích Nham để qua Lộc Uyển vào hôm sau. Chúng tôi biết khi trở lại vào cuối tháng Mười một thì phong cảnh sẽ không còn tráng lệ như vậy nữa. Anh em tôi đùa: “Đẹp thế này, đành lòng nào mà bỏ đi!”.

Lộc Uyển hào hùng

Ngày 12 tháng 10, máy bay đưa anh chị em chúng tôi về Lộc Uyển đã đáp xuống phi trường San Diego vào lúc 5 giờ chiều. Đi máy bay cả ngày nên về tới Lộc Uyển thật hạnh phúc. Một hạnh phúc lớn nữa là gặp lại các huynh đệ từ những trung tâm khác. Sáng hôm sau tôi thức dậy sớm và đi vòng quanh ngắm phong cảnh Lộc Uyển. Lâu ngày trở lại Lộc Uyển, tôi thấy nơi đây đẹp hơn xưa. Sư Ông thường dạy về giáo lý Ly sinh hỷ lạc, nếu buông bỏ được thì niềm an lạc sẽ đến. Tuy phong cảnh ở Bích Nham mùa này rất tráng lệ, nhưng núi rừng của Lộc Uyển cũng rất hào hùng. Mỗi nơi có mỗi vẻ đẹp khác nhau. Đồi núi của Lộc Uyển hùng vĩ và tĩnh lặng, rất thích hợp cho người tu. Trong tác phẩm Làng Mai nhìn núi Thứu, Sư Ông có dạy: “Sống hạnh phúc quả thật là một nghệ thuật và nghệ thuật đó ta phải đào luyện mới có. Nó tùy thuộc ở tâm ta cho đến độ nếu ta đánh mất khung cảnh và phải đi sang một khung cảnh khác thì ta vẫn còn có thể giữ được hạnh phúc.”

Mỗi lần về lại Lộc Uyển tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Đi tới đâu tôi cũng thấy dấu chân và hình bóng Sư Ông, đặc biệt là ni xá mới. Cốc Tùng Bút của Sư Ông đã từng tọa lạc tại nơi này, mỗi lần Thầy trò chúng tôi về Lộc Uyển đều ở cốc Tùng Bút. Vì cần không gian để xây ni xá nên cốc Tùng Bút đã được tháo dỡ đi. Quý sư cô rất dễ thương, đã xây cho Sư Ông một cái cốc mới đối diện với ni xá. Ngày tôi xuống thăm ni xá mới, bao nhiêu ký ức đã trở về trong tôi. Tôi ý thức rất rõ là tôi đang đi và đang ngắm nhìn cho Sư Ông.

Trong thời gian ở Lộc Uyển, chúng tôi có một khóa tu xuất sĩ, một khóa tu cho người Mỹ, một khóa tu cho người Việt, hai ngày quán niệm và một buổi pháp thoại công cộng tại thành phố Los Angeles. Tuy chuyến hoằng pháp kỳ này không có sự hiện diện của Sư Ông, nhưng số thiền sinh tham dự rất đông, ai cũng có mặt hết lòng. Ngoài những ngày có thời khóa, anh em chúng tôi thường đi leo núi. Có những ngọn núi như núi Voi, núi Lắc, cho đến bây giờ tôi mới có cơ hội để leo. Thật thú vị! Lên đến đỉnh núi, đứng trên một tảng đá lớn, bao nhiêu mệt mỏi và những suy tư đều tan biến. Nhìn lên, chiếc thảm da trời xanh biếc bao trùm cả không gian. Chúng tôi mỗi người chọn cho mình một tảng đá và nằm xuống để tận hưởng khí thiêng đất trời, nghe gió hú trong những khe đá khổng lồ, thật mầu nhiệm.

Hạnh phúc đơn sơ

Có những đêm trăng sáng, anh chị em chúng tôi kéo nhau lên Yên Tử uống trà, ngắm trăng và đàm đạo. Ngồi trên một phiến đá lớn, chúng tôi có thể thấy được vầng trăng treo lơ lửng trên ngọn đồi phía đông, trước mặt là một biển đèn muôn màu của đô thị. Tôi pha một bình trà nóng và mời các huynh đệ cùng nhau thưởng thức. Núi rừng Lộc Uyển thật yên bình, tâm tư chúng tôi thêm an tịnh.

Bên kia dãy núi, phía những ánh đèn đô thị, hiện giờ có bao nhiêu con người đang chạy tìm những thú vui dục lạc. Tôi nói chuyện với huynh đệ: “Tối nay là thứ Bảy. Giờ này ở ngoài phố có những người trẻ đang đi tìm những thú vui, như là đi liên hoan, câu lạc bộ khiêu vũ, quán rượu, sòng bạc hoặc khu vui chơi giải trí. Còn anh chị em mình thì ngồi đây uống trà, ngắm trăng và thưởng thức sự tĩnh lặng của núi rừng”. Tôi đùa: “Có những con tim tối nay sẽ không ngủ yên”. Mọi người nghe thế đều cười. Có một huynh đệ hỏi: “Làm sao thầy biết rõ như vậy?”. Tôi đáp: “Đó là kinh nghiệm cá nhân, là con đường mà tôi đã đi qua và tôi cũng biết đó là con đường mà rất nhiều người trẻ đã và đang đi qua”. Nói đến đây, tôi nhớ đến ngày xưa trước khi đi tu, tôi đã lầm lẫn giữa dục lạc và an lạc. Tôi nghĩ rằng, hạnh phúc tức là thỏa mãn những ham muốn. Nhưng làm sao mà thỏa mãn được? Vì lòng tham vốn không có đáy. Ham muốn này được thỏa mãn thì lại phát sinh những ham muốn khác to lớn hơn. Và chúng ta rốt cuộc chỉ là nô lệ cho những ham muốn của chính mình. Nếu quan sát cho kỹ ta sẽ thấy, từ khi theo đuổi một ham muốn cho tới khi đạt được ham muốn ấy, niềm vui ta nhận về thì ít mà phiền não phải mang thì nhiều biết bao. Và niềm vui lớn nhất mà ta có chính là giây phút không mong cầu, là niềm vui của sự tĩnh lặng nội tâm, là niềm vui từ trong phát khởi ra, niềm vui do chính mình tự tạo.

Được làm một người tu thật là hạnh phúc. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở trong giây phút thực tập là cơ hội cho mình tỉnh thức và tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống. Hạnh phúc của người tu rất bình dị và đơn sơ, nhìn những chiếc lá vàng đang rơi, ngắm những giọt mưa lác đác nghiêng nghiêng trên đường, xem những chiếc bong bóng đang phập phồng trên mặt nước hoặc ngắm nhìn vầng trăng đang treo lơ lửng trên không gian cũng đủ làm cho chúng tôi hạnh phúc. Khoảnh khắc đơn sơ chứa đựng cả thiên thu mầu nhiệm khi ta có sự yên tĩnh trong tâm hồn.

Tôi đã về tu viện Bích Nham và tu viện Lộc Uyển rất nhiều lần, nhưng hạnh phúc của tôi là cứ mỗi lần về là mỗi lần tôi cảm thấy mới, thấy đẹp. Tôi thường nhắc tôi: “Lúc nào vẫn còn thấy đẹp, vẫn còn thấy mới thì lúc đó mình vẫn còn biết ơn và vẫn còn hạnh phúc”.