Bài 14 – Quán buông bỏ

1.   
Thở vào, tôi thấy một thân hình phụ nữ xinh đẹp / Thân hình phụ nữ xinh đẹp
Thở ra, tôi thấy tính cách vô thường của thân hình ấy / Thân hình ấy vô thường

2.   
Thở vào, tôi thấy một thân hình nam tử xinh đẹp, khỏe mạnh / Thân hình nam tử xinh đẹp
Thở ra, tôi thấy tính cách vô thường của thân hình ấy / Thân hình ấy vô thường

3.   
Thở vào, tôi thấy được những hiểm nguy mà sắc dục đem tới / Hiểm nguy sắc dục
Thở ra, tôi quán chiếu buông bỏ / Buông bỏ

4.   
Thở vào, tôi thấy được những phiền lụy mà sắc dục đem tới  / Phiền lụy do sắc dục
Thở ra, tôi quán chiếu buông bỏ/ Buông bỏ

5.   
Thở vào, tôi thấy được những nhọc nhằn mà sắc dục đem tới / Nhọc nhằn do sắc dục
Thở ra, tôi quán chiếu buông bỏ/ Buông bỏ

6.   
Thở vào, tôi thấy sự chạy đua theo tài lợi / Chạy đua theo tài lợi
Thở ra, tôi thấy tính cách vô thường của sự giàu sang và tài lợi / Giàu sang tài lợi vô thường

7.   
Thở vào, tôi thấy sự chạy đua theo xe / Chạy đua theo xe
Thở ra, tôi thấy tính cách vô thường của xe / Xe tôi vô thường

8.   
Thở vào, tôi thấy sự chạy đua theo nhà / Chạy đua theo nhà
Thở ra, tôi thấy tính cách vô thường của nhà / Nhà tôi vô thường

9.   
Thở vào, tôi thấy sự chạy đua theo cách sống / Chạy đua theo cách sống
Thở ra, tôi thấy tính cách vô thường của cách sống / Cách sống vô thường

10.   
Thở vào, tôi thấy được những nguy hiểm mà nếp sống đua đòi tài lợi đem tới / Thấy nguy hiểm do tài lợi đem tới
Thở ra, tôi quán chiếu buông bỏ / Buông bỏ

11.   
Thở vào, tôi thấy được những phiền lụy mà nếp sống đua đòi tài lợi đem tới / Phiền lụy do tài lợi
Thở ra, tôi quán chiếu buông bỏ / Buông bỏ

12.   
Thở vào, tôi thấy được những nhọc nhằn mà nếp sống đua đòi tài lợi đem tới / Nhọc nhằn do tài lợi
Thở ra, tôi quán chiếu buông bỏ / Buông bỏ

13.   
Thở vào, tôi thấy sự đeo đuổi danh vọng / Danh vọng
Thở ra, tôi thấy tính cách mong manh vô thường của danh vọng, như trầm hương / Danh vọng vô thường

14.   
Thở vào, tôi thấy được những hiểm nguy mà sự chạy đua theo danh vọng mang tới / Hiểm nguy do danh vọng
Thở ra, tôi quán chiếu buông bỏ / Buông bỏ

15.   
Thở vào, tôi thấy được những phiền lụy mà sự chạy đua theo danh vọng mang tới / Phiền lụy do danh vọng
Thở ra, tôi quán chiếu buông bỏ / Buông bỏ

16.   
Thở vào, tôi thấy được những nhọc nhằn mà sự chạy đua theo danh vọng mang tới / Nhọc nhằn do danh vọng
Thở ra, tôi quán chiếu buông bỏ / Buông bỏ

17.   
Thở vào, tôi thấy sự ham muốn ăn ngon mặc đẹp / Ăn ngon mặc đẹp
Thở ra, tôi thấy tính cách phù phiếm vô thường của sự ăn ngon mặc đẹp / Ăn ngon mặc đẹp vô thường

18.   
Thở vào, tôi thấy được những hiểm nguy mà sự ăn ngon mặc đẹp mang tới / Thấy hiểm nguy do ăn ngon mặc đẹp
Thở ra, tôi quán chiếu buông bỏ / Buông bỏ

19.   
Thở vào, tôi thấy được những phiền lụy mà sự ăn ngon mặc đẹp mang tới / Phiền lụy do ăn ngon mặc đẹp
Thở ra, tôi quán chiếu buông bỏ / Buông bỏ

20.   
Thở vào, tôi thấy được những nhọc nhằn mà sự ăn ngon mặc đẹp mang tới / Nhọc nhằn do ăn ngon mặc đẹp
Thở ra, tôi quán chiếu buông bỏ / Buông bỏ

21.   
Thở vào, tôi thấy nếp sống  buông thả, biếng lười / Buông thả biếng lười
Thở ra, tôi thấy sự nguy hại của nếp sống buông thả biếng lười / Nguy hại của buông thả biếng lười

22.   
Thở vào, tôi quán chiếu buông bỏ /buông bỏ
Thở ra, tôi quán chiếu buông bỏ / Buông bỏ

 

Bài tập này có mục đích cho ta thấy tính cách vô thường của những nguy hại, phiền lụy và nhọc nhằn do sự chạy theo bóng sắc, tài lợi, danh vọng và dục lạc đem tới. Để đổi lấy dục lạc ấy, ta phải trải qua biết bao gian khổ, nhọc nhằn và hiểm nguy. Ta có thể tiêu phí cuộc đời ta trong việc theo đuổi dục lạc mà chưa chắc có thể đạt tới dục lạc. Dù có đạt tới dục lạc đi nữa thì dục lạc ấy cũng vừa ngắn ngủi, vừa hiểm nguy cho sức khỏe và sự an ổn của thân ta và tâm ta.

Hạnh phúc chân thật không thể có mặt khi ta thiếu sự thảnh thơi. Nếu ta đa mang quá nhiều tham vọng, ta sẽ không có được sự thảnh thơi ấy. Ta ôm đồm quá, ta có nhiều lo toan quá và vì vậy ta không có thì giờ để sống. Những gì ta đa mang, ta có cảm tưởng chúng là thiết yếu cho hạnh phúc ta, và ta đã quen nghĩ rằng nếu không có chúng, ta sẽ khổ. Nhưng nếu xét lại, ta sẽ thấy rằng những ôm đồm ấy, những đa mang ấy chính là những chướng ngại vật trên con đường tìm kiếm hạnh phúc. Bài tập này cần được tiếp tục bằng những bài tập nhằm mục đích buông bỏ như hai bài tập kế tiếp. Chúng ta biết rằng hạnh phúc chân thật chỉ có thể đạt tới bằng tự do, bằng nếp sống tỉnh thức và bằng sự thực tập từ bi.

Bài 11 – Quán tưởng về sự tàn hoại của sắc thân

Bài 11 – Quán tưởng về sự tàn hoại của sắc thân

1.
Thở vào, tôi thấy mình nằm chết trên giường / Nằm chết
Thở ra, tôi mỉm cười với xác mình trên giường / Cười xác chết

2.
Thở vào, tôi thấy xác mình tím bầm / Xác tím bầm
Thở ra, tôi mỉm cười với xác mình tím bầm / Cười xác tím bầm

3.
Thở vào, tôi thấy xác mình có ruồi nhặng và những con dòi lúc nhúc / Xác có ruồi nhặng và những con dòi lúc nhúc
Thở ra, tôi mỉm cười với xác mình đầy ruồi nhặng và những con dòi lúc nhúc / Cười xác đầy ruồi nhặng và những con dòi lúc nhúc

4.
Thở vào, tôi thấy tôi chỉ còn là bộ xương trắng hếu / Bộ xương trắng hếu
Thở ra, tôi mỉm cười với bộ xương trắng hếu / Cười bộ xương  trắng hếu

5.
Thở vào, tôi thấy xác tôi được quàng liệm / Xác được quàng liệm
Thở ra, tôi mỉm cười với xác được quàng liệm / Cười xác tôi được quàng liệm

6.
Thở vào, tôi thấy xác tôi được bỏ vào quan tài / Xác bỏ vào quan tài
Thở ra, tôi mỉm cười với xác tôi được bỏ vào quan tài / Cười xác được bỏ vào quan tài

7.
Thở vào, tôi thấy xác tôi được đốt cháy / Xác được đốt cháy
Thở ra, tôi mỉm cười với xác tôi được đốt cháy / Cười xác được đốt cháy

8.
Thở vào, tôi thấy xác tôi được trộn với đất, hòa với nước / Xác trộn với đất, hòa với nước
Thở ra, tôi mỉm cười với xác tôi được trộn với đất, hòa với nước / Cười xác trộn với đất, hòa với nước

9.
Thở vào, tôi thấy thân tôi chỉ còn là những khúc xương tươi rải rác / Xương rải rác
Thở ra, tôi mỉm cười với những khúc xương tươi rải rác / Cười xương rải rác

10.
Thở vào, tôi thấy thân tôi chỉ còn là những khúc xương khô cứng / Xương khô cứng
Thở ra, tôi mỉm cười với những khúc xương khô cứng / Cười với xương khô cứng

11.
Thở vào, tôi thấy thân tôi chỉ còn là những khúc xương mục đang trở thành cát bụi / Thấy xương mục
Thở ra, tôi mỉm cười với những khúc xương mục đang trở thành cát bụi / Cười với xương mục thành cát bụi

Bài tập này giúp ta làm quen với ý tưởng một ngày kia ta sẽ chết. Đây cũng là một bài tập quán chiếu về tính vô thường của hình hài. Bài tập này trong truyền thống gọi là cửu tưởng quán (navàsúbha samjnà). Nếu ta có thể làm quen và mỉm cười được với tâm niệm sợ chết của ta, ta sẽ bắt đầu chuyển hóa được tâm niệm ấy và ta cũng sẽ bắt đầu biết sống sâu sắc và tỉnh thức để đừng bỏ phí một đời.

Thấy được và chấp nhận được cái chết của chính ta, ta sẽ có thể buông bỏ được nhiều tham vọng, lo lắng, khổ đau và bận rộn thật sự vô ích. Ta sẽ sống có an lạc và lợi ích cho mọi loại.

Trong thời đại chúng ta, các hình ảnh trong cửu tưởng quán có thể được thay thế bằng hình ảnh đơn giản của sự quàng liệm, chiếc quan tài, lò thiêu, hũ tro, tro trộn với đất hoặc hòa trong nước sông hay nước biển.

Bài 10 – Quán vô thường


 
1.
Thở vào, tôi thấy tóc trên đầu / Thấy tóc
Thở ra, tôi thấy tóc vô thường / Tóc vô thường

2.
Thở vào, tôi thấy mắt / Thấy mắt
Thở ra, tôi thấy mắt vô thường / Mắt vô thường

3.
Thở vào, tôi thấy tai / Thấy tai
Thở ra, tôi thấy tai vô thường / Tai vô thường

4.
Thở vào, tôi thấy mũi / Thấy mũi
Thở ra, tôi thấy mũi vô thường / Mũi vô thường

5.
Thở vào, tôi thấy lưỡi / Thấy lưỡi
Thở ra, tôi thấy lưỡi vô thường / Lưỡi vô thường

6.
Thở vào, tôi thấy trái tim / Thấy trái tim
Thở ra, tôi thấy trái tim vô thường / Trái tim vô thường

7.
Thở vào, tôi thấy lá gan / Thấy lá gan
Thở ra, tôi thấy lá gan vô thường / Lá gan vô thường

8.
Thở vào, tôi thấy buồng phổi / Thấy buồng phổi
Thở ra, tôi thấy buồng phổi vô thường / Buồng phổi vô thường

9.
Thở vào, tôi thấy ruột / Thấy ruột
Thở ra, tôi thấy ruột vô thường / Ruột vô thường

10.
Thở vào, tôi thấy thận / Thấy thận
Thở ra, tôi thấy thận vô thường / Thận vô thường

11.
Thở vào, tôi thấy cơ thể / Thấy cơ thể
Thở ra, tôi thấy cơ thể vô thường / Cơ thể vô thường

12.
Thở vào, tôi thấy thế gian hưng phế  / Thấy thế gian hưng phế
Thở ra, tôi thấy thế gian hưng phế vô thường / Thế gian hưng phế vô thường

13.
Thở vào, tôi thấy quốc độ / Thấy quốc độ
Thở ra, tôi thấy quốc độ vô thường / Quốc độ vô thường

14.
Thở vào, tôi thấy triều đại / Thấy triều đại
Thở ra, tôi thấy triều đại vô thường / Triều đại vô thường

Bài tập này giúp ta thấy được tự tính vô thường của sự vật. Công trình nhận diện vạn vật bằng chánh niệm đưa dần đến cái thấy sâu sắc hơn về sự vật. Tuệ giác đầu tiên đạt được là vô thường. Vô thường không phải là một tính cách tiêu cực của sự sống. Vô thường có thể được xem như là bản chất của sự sống. Nếu sự vật không vô thường thì không có sự sống và cũng không có sự vật. Hạt bắp không vô thường thì không thể trở thành cây bắp. Em bé nếu không vô thường thì không thể trở nên người lớn.

Đời vô thường nhưng không phải vì vậy mà đời không đáng sống. Chính vì quán chiếu được tự tính vô thường của vạn vật mà ta biết trân quý sự sống trong giờ phút hiện tại. Nếu sống sâu sắc giờ phút hiện tại và biết xử lý một cách có trách nhiệm giờ phút hiện tại, ta sẽ không phải hối tiếc trong tương lai. Ta sẽ biết chăm sóc những người thân của ta, làm cho họ có hạnh phúc trong ngày hôm nay. Chứng thực tự tánh vô thường của sự vật, ta sẽ không bị khổ đau quật ngã khi sự vật tàn hoại. Ta có thể giữ được thái độ an nhiên tự tại trước mọi biến thiên, hưng phế, thịnh suy và thành bại.

Nhiều người sống hấp tấp, hối hả, không biết bảo trọng thân tâm mình, mỗi ngày đem bán từ từ sức khỏe thân tâm mình đi, mong mua được nhiều tiện nghi cho thân tâm mình. Rốt cuộc thân và tâm tàn hoại vì những thứ tiện nghi. Bài tập này cũng có thể giúp ta trở về bảo trọng lấy thân và tâm ta.

Bài 09 – Quán chiếu 6 đại

1.   
Thở vào, tôi thấy đất trong cơ thể / Thấy đất
Thở ra, tôi cười với đất trong cơ thể / Cười với đất

2.   
Thở vào, tôi thấy nước trong cơ thể / Thấy nước
Thở ra, tôi cười với nước trong cơ thể / Cười với nước

3.   
Thở vào, tôi thấy lửa trong cơ thể / Thấy lửa
Thở ra, tôi cười với lửa trong cơ thể / Cười với lửa

4.   
Thở vào, tôi thấy không khí trong cơ thể / Thấy không khí
Thở ra, tôi cười với không khí trong cơ thể / Cười với không khí

5.   
Thở vào, tôi thấy không gian trong cơ thể / Thấy không gian
Thở ra, tôi cười với không gian trong cơ thể / Cười với không gian

6.   
Thở vào, tôi thấy tâm thức trong cơ thể / Thấy tâm thức
Thở ra, tôi cười với tâm thức trong cơ thể / Cười với tâm thức trong cơ thể

7.  
Thở vào, tôi thấy đất khắp nơi / Đất khắp nơi
Thở ra, tôi cười với đất khắp nơi / Cười với đất khắp nơi

8.   
Thở vào, tôi thấy đất chứa đựng nước, lửa, không khí, không gian và tâm thức
/ Đất chứa đựng nước, lửa, không khí, không gian và tâm thức
Thở ra, tôi thấy đất là nước, lửa, không khí, không gian và tâm thức
/ Đất là nước, lửa không khí, không gian và tâm thức

9.   
Thở vào, tôi thấy nước khắp nơi / Nước khắp nơi
Thở ra, tôi cười với nước khắp nơi / Cười với nước khắp nơi

10.   
Thở vào, tôi thấy nước chứa đựng đất, lửa, không khí, không gian và tâm thức
/ Nước chứa đựng đất, lửa, không khí, không gian và tâm thức
Thở ra, tôi thấy nước là đất, lửa, không khí, không gian và tâm thức
/ Nước là đất, lửa không khí, không gian và tâm thức

11.   
Thở vào, tôi thấy lửa khắp nơi / Lửa khắp nơi
Thở ra, tôi cười với lửa khắp nơi / Cười với lửa khắp nơi

12.   
Thở vào, tôi thấy lửa chứa đựng nước, đất, không khí, không gian và tâm thức
/ Lửa chứa đựng nước, đất, không khí, không gian và  tâm thức
Thở ra, tôi thấy lửa là nước, đất, không khí, không gian và tâm thức
/ Lửa là nước, đất, không khí, không gian và  tâm thức

13.   
Thở vào, tôi thấy không khí khắp nơi  / Không khí khắp nơi
Thở ra, tôi cười với  không khí khắp nơi / Cười với không khắp nơi

14.   
Thở vào, tôi thấy không khí chứa đựng nước, lửa, đất, không gian và tâm thức
/ Không khí chứađựng nước, lửa, đất, không gian và tâm thức
Thở ra, tôi thấy không khí là nước, lửa, đất, không gian và tâm thức
/ Không khí là nước, lửa, đất, không gian và tâm thức

15.   
Thở vào, tôi thấy không gian khắp nơi / Không gian khắp nơi
Thở ra, tôi cười với không gian khắp nơi / Cười với không gian khắp nơi

16.  
Thở vào, tôi thấy không gian chứa đựng nước, lửa, không khí, đất và tâm thức
/ Không gian chứa đựng nước, lửa, không khí, đất và tâm thức
Thở ra, tôi thấy không gian là nước, lửa, không khí, đất và tâm thức
/ Không gian là nước, lửa, không khí, đất và tâm thức

17.   
Thở vào, tôi thấy tâm thức khắp nơi / Tâm thức khắp nơi
Thở ra, tôi cười với tâm thức khắp nơi / Cười với tâm thức khắp nơi

18.   
Thở vào, tôi thấy tâm thức chứa đựng nước, lửa, không khí, không gian  và đất
/ Tâm thức chứa đựng nước, lửa, không khí, không gian và đất
Thở ra, tôi thấy tâm thức là nước, lửa, không khí, không gian và đất        
/ Tâm thức là nước, lửa, không khí, không gian và đất

 

Bài tập này đưa ta đi vào sự quán chiếu sáu yếu tố (gọi là sáu đại) trong cơ thể ta và trong vũ trụ. Sáu yếu tố là đất, nước, lửa, không khí, không gian và tâm thức. Đất đại diện cho tính cách rắn chắc của vật chất, nước đại diện cho sự lưu nhuận, lửa đại diện cho sức nóng, không khí đại diện cho sự vận chuyển, không gian và tâm thức là bản chất và khuôn khổ cho bốn yếu tố trên. Khi ta thở vào, ta thấy đất trong cơ thể ta. Khi ta thở ra, ta nhận diện và cười với đất ấy. Đất như là bà mẹ sinh ra ta, và bà mẹ ấy đang ở ngay trong ta, ta với mẹ là một, ta với đất là một. Đất tiếp tục đi vào ta trong mỗi phút giây. Rau trái ta ăn cũng là từ đất. Trong khi quán chiếu, ta phải thấy được đất như những hình ảnh cụ thể. Khi quán chiếu về nước trong ta, ta thấy nước trong máu, trong nước miếng, trong mật, trong mồ hôi…và ta cười để nhận diện nước. Cơ thể ta tới bảy mươi lăm phần trăm là nước. Rồi ta thấy nhiệt lượng, không khí, và không gian trong cơ thể. Quán chiếu sâu sắc, ta sẽ thấy những yếu tố đó nương vào nhau mà có mặt. Không khí chẳng hạn. Nhờ có cây rừng mà có chất dưỡng khí. Cây rừng nhờ không khí mà luyện được nhựa cây và làm được màu xanh. Cây cỏ cũng nhờ vào đất và nhiệt lượng của mặt trời để sinh trưởng. Rau trái ta ăn cũng thế. Không gian và vật thể cũng nương vào nhau mà có mặt. Kinh dạy sắc cũng là tâm, và vì vậy ta thấy tâm thức thấm nhuần trong mỗi tế bào của cơ thể. Tâm thức duy trì cơ thể va cơ thể duy trì tâm thức.

Rồi ta bắt đầu quán chiếu đất, nước, lửa, không khí, không gian và tâm thức ngoài cơ thể. Ta nhận diện sáu yếu tố ấy khắp nơi trong vũ trụ. Quán chiếu như thế, ta từ từ thấy được ta và vũ trụ là một, vũ trụ là nền tảng của ta và ta là nền tảng của vũ trụ, sự kết hợp và tan rã của một cơ thể không tạo nên thêm sự còn mất hoặc thêm bớt nào trong vũ trụ. Mặt trời cũng cần thiết cho cơ thể như trái tim ta. Cây rừng cũng cần thiết cho cơ thể ta như hai lá phổi ta. Dòng sông cũng cần thiết cho cơ thể ta như các mạch máu của ta. Quán chiếu liên tục ta sẽ thấy biên giới giữa ta và không ta được tháo tung và ta vượt thoát ý niệm về còn và mất và cuối cùng vượt thoát được sự sợ hãi. Theo nguyên tắc duyên sinh, cái một do cái tất cả tạo thành và cái tất cả có mặt trong cái một. Yếu tố đất vì vậy hàm chứa năm yếu tố nước, sức nóng, không khí, không gian và tâm thức. Yếu tố đất có thể được nhận thức như là bao gồm toàn thể vũ trụ. Vì vậy nên ta có danh từ biến xứ (Pali: Kasina, Phạn: Krtsna) và phép quán biến xứ nhập (Krtsnàyatanabhàvanà). Trong các phép quán biến xứ, ta còn quán chiếu các màu sắc như xanh, đỏ, trắng, vàng. Sáu đại và bốn màu trở nên mười phép quán biến xứ. Màu sắc cũng có mặt trong ta và trong vũ trụ, mỗi màu đều chứa đựng các màu khác và cũng chứa đựng sáu đại trong ta và trong toàn vũ trụ.

Bài 08 – Tiếp xúc

1.   
Thở vào, tôi có ý thức về mắt / Ý thức về mắt
Thở ra, tôi có ý thức về ánh sáng / Ánh sáng

2.   
Thở vào, tôi có ý thức về tai / Ý thức về tai
Thở ra, tôi có ý thức về âm thanh / Âm thanh

3.   
Thở vào, tôi có ý thức về tai / Ý thức về tai
Thở ra, tôi có ý thức về tiếng kêu thương / Tiếng kêu thương

4.   
Thở vào, tôi có ý thức về tai / Ý thức về tai
Thở ra, tôi có ý thức về tiếng ca hát / Tiếng ca hát

5.   
Thở vào, tôi có ý thức về tai / Ý thức về tai
Thở ra, tôi có ý thức về tiếng mưa rơi / Tiếng mưa rơi

6.

Thở vào, tôi có ý thức về tai / Ý thức về tai
Thở ra, tôi có ý thức về tiếng cười đùa / Tiếng cười đùa

7.   
Thở vào, tôi có ý thức về tai / Ý thức về tai
Thở ra, tôi có ý thức về tiếng im lặng / Tiếng im lặng

8.   
Thở vào, tôi có ý thức về da / Ý thức về da
Thở ra, tôi có ý thức về sự xúc giác / Xúc chạm da

9.   
Thở vào, tôi có ý thức về da / Ý thức về da
Thở ra, tôi có ý thức về sự xúc chạm trên da của nắng ấm / Nắng ấm

10.   
Thở vào, tôi có ý thức về da / Ý thức về da
Thở ra, tôi có ý thức về sự xúc chạm trên da của một nước giếng mát / Nước giếng mát

11.   
Thở vào, tôi có ý thức về da / Ý thức về da
Thở ra, tôi có ý thức về sự xúc chạm trên da của một cục nước đá / Một cục nước đá

12.   
Thở vào, tôi có ý thức về da / Ý thức về da
Thở ra, tôi có ý thức về sự xúc chạm trên da của một thân cây xù xì / Một thân cây xù xì

13.   
Thở vào, tôi có ý thức về da / Ý thức về da
Thở ra, tôi có ý thức về sự xúc chạm trên da của mộtcon giun đất / Một con giun đất

14.   
Thở vào, tôi có ý thức về răng / Ý thức về răng
Thở ra, tôi có ý thức về một trái ổi / Một trái ổi

15.   
Thở vào, tôi có ý thức về răng / Ý thức về răng
Thở ra, tôi có ý thức về sự nhức răng / Nhức răng

16.   
Thở vào, tôi có ý thức về răng / Ý thức về răng
Thở ra, tôi có ý thức về một trái me chua / Một trái me chua

17.   
Thở vào, tôi có ý thức về răng / Ý thức về răng
Thở ra, tôi có ý thức về máy giũa của nha sỹ / Máy giũa của nha sỹ

18.   
Thở vào, tôi có ý thức về lưỡi / Ý thức về lưỡi
Thở ra, tôi có ý thức về nước cam  / Nước cam

19.   
Thở vào, tôi có ý thức về lưỡi / Ý thức về lưỡi
Thở ra, tôi có ý thức về một múi chanh / Một múi chanh

20.   
Thở vào, tôi có ý thức về lưỡi / Ý thức về lưỡi
Thở ra, tôi có ý thức về nước mặn / Nước mặn

21.   
Thở vào, tôi có ý thức về lưỡi / Ý thức về lưỡi
Thở ra, tôi có ý thức về ớt cay / Ớt cay

22.   
Thở vào, tôi có ý thức về buồng phổi / Ý thức buồng phổi
Thở ra, tôi có ý thức về mùi hương / Mùi hương

23.   
Thở vào, tôi có ý thức về buồng phổi / Ý thức buồng phổi
Thở ra, tôi có ý thức về mùi cỏ tươi / Mùi cỏ tươi

24.   
Thở vào, tôi có ý thức về buồng phổi / Ý thức buồng phổi
Thở ra, tôi có ý thức về hương sen / Hương sen

25.   
Thở vào, tôi có ý thức về buồng phổi / Ý thức buồng phổi
Thở ra, tôi có ý thức về mùi phân chuồng / Mùi phân chuồng

26.   
Thở vào, tôi có ý thức về buồng phổi / Ý thức buồng phổi
Thở ra, tôi có ý thức về mùi thuốc lá / Mùi thuốc lá

27.   
Thở vào, tôi có ý thức về buồng phổi / Ý thức buồng phổi
Thở ra, tôi có ý thức về mùi biển mặn / Mùi biển mặn

28.   
Thở vào, tôi có ý thức về lá gan / Ý thức gan
Thở ra, tôi có ý thức về mùi vị của rượu / Mùi vị của rượu

29.   
Thở vào, tôi có ý thức về lá gan / Ý thức gan
Thở ra, tôi có ý thức về sự thiếu ăn / Sự thiếu ăn

30.   
Thở vào, tôi có ý thức về lá gan / Ý thức gan
Thở ra, tôi có ý thức vềmàu da của người bệnh gan / Màu da người bệnh gan

31.   
Thở vào, tôi có ý thức về về bàn chân / Ý thức bàn chân
Thở ra, tôi có ý thức về giày guốc / Giày guốc

32.   
Thở vào, tôi có ý thức về bàn chân / Ý thức bàn chân
Thở ra, tôi có ý thức về bãi cỏ non / Bãi cỏ non

33.   
Thở vào, tôi có ý thức về bàn chân / Ý thức bàn chân
Thở ra, tôi có ý thức cát cát trên bãi biển / Cát trên bãi biển

34.   
Thở vào, tôi có ý thức về bàn chân / Ý thức bàn chân
Thở ra, tôi có ý thức về một đám gai góc / Một đám gai góc

35.   
Thở vào, tôi có ý thức về bàn chân / Ý thức bàn chân
Thở ra, tôi có ý thức về một đàn kiến lửa / Một đàn kiến lửa

 

Hai bài tập này giúp ta tiếp xúc lại được với những gì trong lành, tươi mát và có công năng trị liệu. Có thể là trong một thời gian lâu dài bị giam hãm trong một niềm lo ngại hay thương đau, ta đã không tiếp xúc được với những màu nhiệm ấy và ta có cảm tưởng có một bức tường ngăn cách ta với thế giới bên ngoài, hoặc cảm năng của ta không còn bén nhạy.

Trong khi thực tập các bài này, tuy ta không trực tiếp tiếp xúc bằng các giác quan những điều ta đang quán chiếu nhưng ta đang tiếp xúc hình ảnh của chúng mà ta có sẵn trong tâm thức ta. Những hình ảnh này được gọi là độc ảnh, nằm sẵn trong tâm thức ta như những hạt giống và sẵn sang phát hiện trở lại khi ta mời gọi. Nhờ hơi thở, nhờ định lực, sự tiếp xúc với những độc ảnh này là những tiếp xúc thực sự giúp ta khám phá rằng cảm năng của ta còn nguyên vẹn. Sau giờ thực tập ta có thể đi ra ngoài trời, và nói với sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, chứ không phải chỉ là với giác quan thứ sáu (ý) mà thôi như trong giờ thực tập thiền tọa), ta sẽ tiếp tục thực tập tiếp xúc và sẽ thấy thế giới bên ngoài sáng hơn và đẹp hơn, nhờ sự chấm dứt thất niệm và sự thắp sáng chánh niệm. Ta sẽ bắt đầu được nuôi dưỡng trở lại bằng những mầu nhiệm của sự sống.

Bài 07 – Tiếp xúc, trị liệu

1.   
Thở vào, tôi tiếp xúc với không khí trong lành / Không khí trong lành
Thở ra, tôi cười với không khí trong lành / Cười với không khí trong lành

2.   
Thở vào, tôi tiếp xúc với không khí trong lành miền núi / Không khí miền núi
Thở ra, tôi cười với không khí trong lành miền núi / Cười với không khí miền núi

3.   
Thở vào, tôi tiếp xúc với không khí trong lành miền quê / Không khí miền quê
Thở ra, tôi cười với không khí trong lành miền quê / Cười với không khí miền quê

4.   
Thở vào, tôi tiếp xúc với nước mát / Nước mát
Thở ra, tôi cười với nước mát / Cười với nước mát nước mát

5.   
Thở vào, tôi tiếp xúc với dòng sông trong / Dòng sông trong
Thở ra, tôi cười với  dòng sông trong / Cười với dòng sông trong

6.   
Thở vào, tôi tiếp xúc với tuyết đỉnh núi / Tuyết đỉnh núi
Thở ra, tôi cười với tuyết đỉnh núi / Cười với tuyết đỉnh núi

7.   
Thở vào, tôi tiếp xúc với đại dương mênh mông / Đại dương
Thở ra, tôi cười với đại Dương mênh mông / Cười với đại dương mênh mông

8.   
Thở vào, tôi tiếp xúc với tảng băng Bắc Cực / Những tảng băng Bắc Cực
Thở ra, tôi cười với những tảng băng Bắc Cực / Cười với những tảng băng Bắc Cực

9.   
Thở vào, tôi tiếp xúc với những đám mây trên trời xanh / Mây trên trời xanh
Thở ra, tôi cười với những đám mây trên trời xanh / Cười với mây trên trời xanh

10.
Thở vào, tôi tiếp xúc với nắng ấm / Nắng ấm
Thở ra, tôi cười với nắng ấm / Cười với nắng ấm

11.   
Thở vào, tôi tiếp xúc với cây xanh / Cây xanh
Thở ra, tôi cười với cây xanh / Cười với cây xanh

12.   
Thở vào, tôi tiếp xúc với trẻ thơ / Trẻ thơ
Thở ra, tôi cười với trẻ thơ / Cười với trẻ thơ

13.   
Thở vào, tôi tiếp xúc với thiên hạ chung quanh / Tiếp xúc với thiên hạ
Thở ra, tôi cười với thiên hạ chung quanh / Cười với thiên hạ

14.   
Thở vào, tôi nghe tiếng chim / Nghe tiếng chim
Thở ra, tôi cười với tiếng chim / Cười với tiếng chim

15.   
Thở vào, tôi tiếp xúc với trời xanh / Tiếp xúc trời xanh
Thở ra, tôi cười với trời xanh / Cười với trời xanh

16.   
Thở vào, tôi tiếp xúc với cỏ hoa / Tiếp xúc với cỏ hoa
Thở ra, tôi cười với cỏ hoa / Cười với cỏ hoa

17.   
Thở vào, tôi tiếp xúc với mùa Xuân / Tiếp xúc mùa Xuân
Thở ra, tôi cười với mùa Xuân / Cười với mùa Xuân

18.   
Thở vào, tôi tiếp xúc với mùa Hạ / Tiếp xúc mùa Hạ
Thở ra, tôi cười với mùa Hạ / Cười với mùa Hạ

19.   
Thở vào, tôi tiếp xúc với mùa Thu / Tiếp xúc với mùa Thu
Thở ra, tôi cười với mùa Thu / Cười với mùa Thu

Bài 06 – Tiếp xúc cơ thể

Thở vào, tôi thấy tóc trên đầu / Thấy tóc
Thở ra, tôi cười với tóc trên đầu / Cười với tóc

Thở vào, tôi tiếp xúc hai mắt / Thấy mắt
Thở ra, tôi cười với hai mắt / Cười với mắt

Thở vào, tôi tiếp xúc hai tai  / Thấy tai
Thở ra, tôi cười với hai tai / Cười với hai tai

Thở vào, tôi tiếp xúc hàm răng / Thấy răng
Thở ra, tôi cười với hàm răng / Cười với răng

Thở vào, tôi tiếp xúc nụ cười / Thấy cười
Thở ra, tôi cười với nụ cười / Cười với nụ cười

Thở vào, tôi tiếp xúc hai vai / Thấy vai
Thở ra, tôi cười với hai vai / Cười với vai

Thở vào, tôi thấy hai tay / Thấy tay
Thở ra, tôi cười với hai tay / Cười với tay

Thở vào, tôi thấy buồng phổi  / Thấy phổi
Thở ra, tôi cười với buồng phổi / Cười với phổi

Thở vào, tôi thấy trái tim / Thấy tim
Thở ra, tôi cười với trái tim / Cười với tim

Thở vào, tôi thấy lá gan / Thấy gan
Thở ra, tôi cười với lá gan / Cười với gan

Thở vào, tôi thấy đại tiểu trường / Thấy ruột
Thở ra, tôi cười với đại tiểu trường  / Cười với ruột

Thở vào, tôi thấy trái thận / Thấy thận
Thở ra, tôi cười với trái thận / Cười với thận

Thở vào, tôi thấy hai chân / Thấy chân
Thở ra, tôi cười với hai chân / Cười với chân

Thở vào, tôi thấy ngón chân / Thấy ngón chân
Thở ra, tôi cười với ngón chân / Cười với ngón chân

 

Bài tập này có chủ đích giúp hành giả tiếp xúc sâu sắc hơn với cơ thể mình. Hơi thở vào là để tiếp xúc với một bộ phận của cơ thể, như mắt, tai, tim, phổi…Hơi thở ra là để cười với bộ phận ấy. Nụ cười có tác dụng làm êm dịu và trị liệu. Nụ cười biểu lộ sự săn sóc và niềm ưu ái của ta đối với bộ phận ấy của cơ thể. Phổi, tim, gan của chúng ta đã làm việc cần mẫn trong mấy chục năm qua mà ta chưa có thì giờ để thăm hỏi và lân mẫn đến. Ta đã không hiểu biết được các nỗi nhọc nhằn khó khăn của chúng mà nhiều khi lại còn đối xử với những bộ phận ấy một cách tàn bạo và làm cho chúng điêu đứng nữa. Uống rượu, ta có thể phá hoại lá gan của ta. Không biết thở, ta làm cho phổi yếu, dễ bị lao, và đồng thời làm yếu đi các bộ phận khác của cơ thể. Lo lắng nhiều, xúc động nhiều, ăn những chất dầu mỡ nhiều,…ta có thể làm cho tình trạng trái tim và của các mạch máu ta sa sút. Thở, tiếp xúc và cười với những bộ phận ấy của cơ thể, ta thấy được chính ta và ta biết cụ thể ta phải sống như thế nào để chúng được an lạc. Bài tập này đã có thể là bài tập từ bi quán hướng về chính bản thân ta. Nếu không thương được bản thân ta thì ta còn thương được ai?

Mới thực tập, ta có thể suy nghĩ rằng bài tập này quá đơn giản. Nhưng thực tập lâu ngày ta sẽ thấy đây là một bài thực tập quan trọng. Ban đầu ta chỉ nhận diện và cười với từng bộ phận của cơ thể. Nhưng từ từ ta sẽ thấy được trong chiều sâu của bộ phận ấy. Mỗi sợi tóc hay mỗi tế bào trong cơ thể ta đều chứa đựng đầy đủ những dữ kiện về tự tính của vạn hữu trong vũ trụ. Giáo lý duyên sinh dạy như thế, kinh Hoa Nghiêm dạy như thế. Mỗi sợi tóc trên đầu là một thông điệp của vũ trụ. Bạn có thể đạt tới giác ngộ nhờ quán chiếu về một sợi tóc. Bài tập này, nếu bạn tập một mình, có thể được thực tập trong tư thế nằm.

Bài 05 – Niệm Tam Bảo

 

Thở vào, quay về nương tựa / Quay về nương tựa
Thở ra, hải đảo tự thân / Hải đảo tự thân

Thở vào, chánh niệm là Bụt / Chánh niệm là Bụt
Thở ra, soi sáng xa gần / Soi sáng xa gần

Thở vào, hơi thở là Pháp / Hơi thở là Pháp
Thở ra, bảo hộ thân tâm / Bảo hộ thân tâm

Thở vào, năm uẩn là tăng / Năm uẩn là tăng
Thở ra, phối hợp tinh cần / Phối hợp tinh cần


Đây là một bài tập mà ta có thể sử dụng bất cứ ở đâu và lúc nào, nhất là khi ta lâm vào tình trạng lo ngại, bất an, không biết làm gì cho đúng. Đây là phương pháp quay về nương tựa nơi Bụt, nơi Pháp, và nơi Tăng. Thực tập bài này ta sẽ đạt ngay tới sự an ổn nhất mà ta có thể đi vào. Bụt dạy: hãy là hòn đảo của chính mình. Hãy nương tựa nơi ấy, đừng nương tựa nơi nào khác. Hòn đảo này tức là chánh niệm, là tính giác ngộ, là nền tảng của sự an ổn trong ta. Hòn đảo này cũng là chánh pháp soi sáng đường đi nước bước cho ta, chỉ cho ta thấy ta nên làm gì và không nên làm gì trong lúc ấy. Hòn đảo ấy cũng chính là Tăng thân: năm uẩn cần được điều hợp cho có hòa điệu thì tự ta sẽ tìm lại được sự êm dịu và an tĩnh. Chính hơi thở chánh niệm làm công việc điều hợp ấy. Nếu ta biết ta đang làm điều đáng làm nhất trong giây phút lo ngại bất an ấy thì ta sẽ thấy không còn lý do gì để mà lo ngại bất an nữa. Ta có thể làm hơn thế này hay không?

Ngồi trên máy bay, nghe tin là máy bay đang bị cháy, và có thể rơi, đây là bài thực tập hay nhất mà ta có thể sử dụng. Đem Bụt, Pháp và Tăng về soi sáng, quay về nương tựa nơi Bụt, Pháp và Tăng, ta sẽ có an ổn. Nếu cần chết, ta sẽ chết thật đẹp, cũng như ta đã sống thật đẹp trong chánh niệm. Ta sẽ có đủ bình tĩnh, an lạc và sáng suốt trong giờ phút ấy cũng như ta biết rõ nên làm gì và không nên làm gì trong giờ phút ấy.

Trong Kinh A Hàm, Bụt dạy: “Nhữ đẳng tỳ khưu, đương tự châu” (Các vị khất sĩ, nên trở về hải đảo tự thân của mình). Tự châu là hải đảo tự thân vậy. Bài tập này được dựng lên từ lời dạy ấy của Bụt.

Bài 01 – Mỉm cười với hiện tại

Bài Tập Thứ Nhất – Mỉm cười với hiện tại

Thở vào, tâm tĩnh lặng / Tĩnh lặng
Thở ra, miệng mỉm cười / Mỉm cười

Thở vào, an trú trong hiện tại / Hiện tại
Thở ra, giây phút đẹp tuyệt vời / Tuyệt vời

Nhiều người bắt đầu thực tập thiền bằng bài tập này. Có nhiều người dù đã thực tập bài tập này nhiều năm vẫn còn tiếp tục thực tập, bởi vì nó tiếp tục đem tới nhiều lợi lạc cho hành giả. Thở vào, ta chú ý tới hơi thở: hơi thở vào tới đâu ta cảm thấy tĩnh lặng tới đó, giống như khi ta uống nước mát, nước tới đâu thì ruột gan ta mát tới đó. Trong thiền tập, hễ tâm tĩnh lặng thì thân cũng tĩnh lặng, bởi vì hơi thở có ý thức đem thân và tâm về một mối. Khi thở ra, ta mỉm cười, để thư giãn tất cả các bắp thịt trên mặt (có khoảng 300 bắp thịt trên mặt ta). Thần kinh ta cũng được thư giãn khi ta mỉm cười. Nụ cười là kết quả của sự tĩnh lặng do hơi thở đem lại, mà cũng vừa là nguyên nhân giúp ta trở nên thư thái và cảm thấy sự an lạc phát hiện rõ ràng thêm.

Hơi thở thứ hai đem ta về giây phút hiện tại, cắt đứt mọi ràng buộc với quá khứ và mọi lo lắng về tương lai, để ta có thể an trú trong giây phút hiện tại. Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại, vì vậy ta phải trở về sự sống chân thật. Biết mình đang sống và biết mình có thể tiếp xúc với tất cả mầu nhiệm của sự sống trong ta và xung quanh ta. Đó là một phép lạ. Chỉ cần mở mắt hoặc lắng nghe là ta tiếp nhận được những mầu nhiệm của sự sống. Vì vậy cho nên giây phút hiện tại có thể là giây phút đẹp nhất và tuyệt vời nhất, nếu ta biết thực tập hơi thở thứ nhất nhiều lần trước khi đi sang hơi thở thứ hai.

Bài này có thể thực tập bất cứ ở đâu: trong thiền đường, trên xe lửa, trong nhà bếp, ngoài bờ sông, trong công viên, trong các tư thế đi, đứng, nằm, ngồi và ngay cả đang lúc làm việc.

Thiền tập có hướng dẫn

Có nhiều hình thức thiền tập: thiền hành, thiền tọa, thiền trà, thiền chấp tác,…Sách này chỉ nói nhiều về thiền tọa, và thiền tọa có hướng dẫn. Trong hơn mười năm qua, hàng chục ngàn người đến Làng Hồng để thực tập thiền. Có nhiều người rất thành công trong thiền tọa, nhưng có những người khác chỉ thành công nhiều trong thiền hành, thiền trà, thiền chấp tác. Những bài thiền tập có hướng dẫn trong cuốn sách này đã được làm ra với mục đích là để giúp những người còn yếu về công phu thực tập thiền tọa, nhưng thực sự mọi người đều có được lợi lạc nhờ những bài thiền tập ấy. Có những người đã quen với cách thiền tập một mình, lúc đầu cảm thấy không thoải mái trong những buổi thiền tập có hướng dẫn, nhưng cuối cùng đã thấy được những lợi ích lớn lao trong cách thiền tập này và đã thực hiện được nhiều chuyển hóa trong bản thân. Các bạn thiền sinh khắp nơi vì vậy đã khuyến khích chúng tôi phổ biến những bài thiền tập có hướng dẫn ấy.

1. Về người hướng dẫn

Người hướng dẫn thiền tập được chọn trong số những người đã có kinh nghiệm già giặn về thiền tập và đã có thực tập được ít nhiều những chuyển hóa trong bản thân. Người này biết sử dụng chuông gia trì một cách vững chãi, và tiếng chuông của người này vừa vững chãi vừa khoan thai, có thể biểu lộ được một trạng thái tâm ý vững vàng và tĩnh lặng. Giọng nói của người này phải ôn hòa, vừa dịu dàng vừa có khí lực. Người này phải có khả năng thấu hiểu được nhu yếu và tình trạng sức khỏe của các bạn thiền sinh. Đề tài và thời gian dành cho mỗi lần thực tập phải được chọn lựa và quyết định trên nhận thức ấy. Nói tóm lại, nếu đại chúng tỏ vẻ hoan hỷ, thoải mái và cảm thấy có nhiều lợi lạc sau mỗi lần thiền tập, là người hướng dẫn thành công.

 

2. Về đề tài hướng dẫn

Những bài thiền tập trong sách này có khi có tác dụng thiền duyệt, có khi có tác dụng tiếp xúc, trị liệu, hoặc quán chiếu, có khi có tác dụng buông bỏ, có khi lại có hai ba tác dụng cùng một lúc. Thường thường hành giả được cho thực tập các bài có tác dụng nuôi dưỡng thân tâm trước hết. Những bài này được gọi là có tác dụng thiền duyệt. Duyệt là niềm vui, sự an lạc. Thiền duyệt là niềm vui của thiền tập được sử dụng như thức ăn để nuôi dưỡng hành giả. Nghi thức cúng ngọ có câu “nhược phạn thực thời, đương nguyện chúng sanh, thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn” (khi dùng cơm, nguyện cho mọi người biết lấy niềm vui của thiền tập làm thức ăn và niềm vui do chánh pháp đem lại được tròn đầy). Những bài thực tập số 1, 2, 3, 4,…là những bài tập thuộc loại này. Những bài tập này có tác dụng giúp ta tiếp xúc được với những yếu tố tươi mát và lành mạnh trong ta và chung quanh ta, để ta có thể tươi mát và nuôi dưỡng thân tâm nhờ những yếu tố ấy.Những bài tập này giúp ta chấm dứt vọng tưởng, trở về giây phút hiện tại, thực hiện tâm thân nhất như để tiếp xúc với sự sống, nhất là tiếp xúc với những yếu tố lành mạnh và tươi vui của sự sống. Tuy gọi là những bài tập có tính cách nuôi dưỡng, những bài tập này cũng có công dụng tạo lại sự thăng bằng trong con người ta và giúp cơ thể cũng như tâm hồn ta bắt đầu công tác trị liệu bên trong. Có những bài tập giúp ta tiếp xúc trở lại với chính thân thể ta, tâm tư ta và với thế giới bên ngoài cũng như với gia đình và xã hội. Những bài tập này có tác dụng giúp ta thoát khỏi tình trạng bế tắc, cô đơn, phóng thể và mở đường cho sự nuôi dưỡng và trị liệu. Thiền tập lại có tác dụng quán chiếu. Quán chiếu là dùng trí tuệ soi thấu những ngõ ngách của tâm tư mình hoặc vào lòng sự vật để thấy được bản chất của những hiện tượng tâm lý hoặc vật lý ấy. Quán chiếu như thế một cách thâm sâu thì hiểu được tự tính của sự vật và không còn bị sự vật (hoặc tâm lý hoặc hoàn cảnh) sai sử, kiềm chế nữa. Bằng phương pháp quán chiếu, hành giả đạt tới sự hiểu biết, gọi là cái thấy, hoặc bát nhã hay tuệ giác. Cái thấy này có tác dụng trị liệu và những bài có tác dụng buông bỏ . Có khi một bài thiền tập có hai, ba hay cả bốn tác dụng. Hành giả nên xét nghiệm xem những bài thực tập nào đáp lại nhu yếu và căn cơ của mình hơn hết rồi đem ra thực tập. Có những bài phải đợi đến khi hành giả vững vàng hơn nữa trước khi được đem ra thực tập.

Người hướng dẫn thực tập nên quán chiếu căn cơ của đại chúng trước khi quyết định chọn đề tài thực tập, giống như thầy thuốc chọn dược phẩm thích hợp cho bệnh nhân.

 

3. Về cách thức thực tập

Trước khi thực tập một bài nào đó, ta cần phải hiểu qua nguyên tắc và chủ đích của bài ấy, vì vậy người hướng dẫn thực tập có thể để ra năm, bảy phút đầu để nói về bài thực tập. Trong tập sách này bạn có thể tìm thấy những chỉ dẫn cơ bản ấy. Một bài thực tập có thể được chia ra để thực tập trong nhiều buổi. Sau mỗi buổi thiền tập, người hướng dẫn nên nghe phản ứng một cách thích hợp hơn. Cần để cho đại chúng có đủ thời gian để thực tập vững chãi và sâu sắc mỗi đoạn thực tập. Hơi thở vào chuyên chở một hình ảnh, hơi thở ra chuyên chở một hình ảnh khác có liên hệ tới hình ảnh đầu. Quán chiếu với một hình ảnh thì dễ thành công hơn với một ý niệm trừu tượng. Sau mỗi đoạn thực tập (có thể kéo dài từ mười tới hai mươi hơi thở, có khi hơn thế nữa), không nên thỉnh chuông (sợ tiếng chuông sẽ đến đột ngột quá với hành giả) mà chỉ nên thức chuông trước khi hướng dẫn đoạn thực tập kế tiếp. Giọng nói phải truyền cảm, phải diễn tả được tinh thần và hình ảnh mà hành giả cần duy trì trong khi quán chiếu. Điều này đòi hỏi một ít luyện tập và ai cũng nên luyện tập để sau này có thể giúp được những người khác.

Như đã nói, mỗi bài thực tập nên được bắt đầu bằng mấy phút tiếp xúc tới hơi thở để tạo thiền duyệt và sự lắng đọng tâm tư.

 

4. Hơi thở và thiền quán

Hơi thở chánh niệm là một phép thực tập căn bản trong truyền thống thiền. Không mấy ai thành công trên con đường thiền tập mà không đi qua ngưỡng cửa này. Thực tập hơi thở có ý thức là mở các cửa chỉ và quán để đi vào thế giới của định và tuệ. Thiền sư Tăng Hội, sơ tổ của thiền tông Việt Nam đã nói: “An Ban (hơi thở ý thức) là cỗ xe lớn chở người của tất cả các đức Bụt”. Hơi thở ý thức đưa đến tứ thiền và bất cứ một loại tam muội nào. Hơi thở ý thức cũng đưa đến các tuệ giác căn bản như các tự tánh vô thường, không, nhân duyên, vô ngã và bất nhị của vạn pháp. Ta có thể thực tập chỉ và quán mà không sử dụng phép thực tập An Ban. Nhưng ta nên biết rằng An Ban là con đường vững chắc nhất. Vì vậy tất cả các bài thiền tập có hướng dẫn đều được chuyên chở bằng phép thực tập An Ban, nói đủ là An Ban Thủ Ý, tiếng Phạn là Anapanasmrti, có nghĩa là hơi thở vào và hơi thở ra có chánh niệm. Hơi thở ý thức chuyên chở hình ảnh, hình ảnh chọc thủng sương mù vọng tưởng và làm bật tung cánh cửa của những ngăn che và vọng tưởng.

 

5. Tập thiền một mình

Trong trường hợp không có thầy không có bạn, ta cũng có thể tập thiền quán một mình, căn cứ trên những bài tập và những chỉ dẫn đi sau các bài tập. Cố nhiên thực tập có thầy, có bạn thì hay hơn nhiều. Thực tập với một tăng thân (nghĩa là một đoàn thể tu học), ta tiếp nhận được năng lượng yểm trợ của tăng thân ấy và ta có thể học hỏi rất nhiều từ kinh nghiệm của các bạn cùng tu. Nếu ta không có nhiều cơ hội để tham vấn thầy, ta vẫn có được nhiều cơ hội để tham vấn bạn, nhất là những bạn tu nào chứng tỏ có nhiều an lạc và chuyển hóa. Những bài thiền tập có hướng dẫn trong sách này có thể được thực tập trong một tăng thân nhưng cũng có thể được thực tập một mình. Hai hình thức thực tập (với tăng thân và một mình) sẽ bổ túc và hỗ trợ cho nhau.

Trong trường hợp không có tăng thân, ta có thể yên trí rằng với những bài thực tập có hướng dẫn sau đây ta cũng có thể thành công và sẽ không rơi vào những trạng thái thiền bệnh như cuồng loạn, mất trí,…mà người ta thường sợ rơi vào khi tập những thứ thiền như thiền xuất hồn, thiền siêu việt,…

Thiền tập trong quyển sách này là thiền chánh thống của Bụt dạy, nương vào những phương pháp chánh thống ấy bạn sẽ có an ninh suốt trong thời gian thiền tập. Khi tập thiền thoại đầu hay thiền công án, nếu muốn có an ninh thật sự, bạn phải thực sự dưới sự hướng dẫn của một vị minh sư.

Với những bài thiền tập có hướng dẫn trong tay, bạn hãy yên tâm thực tập ngay từ bây giờ, nếu bạn chưa có duyên gặp thầy gặp bạn. Duyên ấy thế nào cũng đến. Có thể nằm trong năm ngày hay một tháng, bạn sẽ có cơ hội thực tập trong một tăng thân với sự hướng dẫn của một vị thầy.

Trong khi thực tập thiền tọa, ta nên ngồi cho thật thoải mái, buông thư tất cả các bắp thịt trong cơ thể và cả những bắp thịt trên mặt (phương pháp hay nhất để buông thư các bắp thịt trong cơ thể là mỉm cười rất nhẹ, và duy trì nụ cười trong khi thở). Ta giữ sống lưng thẳng như thế mà ta vẫn không ngồi cứng ngắt. Ta vẫn ngồi rất thoải mái và an hưởng thời gian thoải mái đó của buổi thiền tọa. Đừng dụng công, đừng vật lộn, đừng đấu tranh. Buông thả tất cả và ngồi trong tư thế thật thẳng. Như vậy ta sẽ không bị đau lưng, nhức vai và nhức đầu. Nếu biết chọn một chiếc gối ngồi thích hợp, ta có thể ngồi lâu không mỏi.

 

6. Chỉ cần ngồi

Có người không biết phải làm gì trong khi ngồi thiền. Họ chỉ được dạy cách ngồi, ngồi như thế nào cho mông chấm đất và đỉnh đầu chấm trời. Có khi họ ngồi cả tháng cả năm mà không biết cách điều hòa hơi thở và thực hiện phép thân tâm nhất như. Nhiều khi họ ngồi như ngồi trong hầm tối. Những bài tập trong đây sẽ giúp cho những người như thế. Ít nhất là họ sẽ biết họ có thể làm gì trong khi ngồi thiền.

“Chỉ cần ngồi” (chỉ quản đả tọa) là một hiệu lệnh của thiền Tào Động. Nó có nghĩa là ngồi mà đừng trông chờ phép lạ xảy tới, kể cả phép lạ giác ngộ. Ngồi trong sự trông chờ là không biết tiếp xúc và sử dụng giây phút hiện tại, vốn chứa đựng sự sống và tất cả. Ngồi ở đây có nghĩa là thực sự ngồi, ngồi trong tỉnh thức, ngồi trong thoải mái, ngồi trong tĩnh tâm, an lạc và sáng suốt. Ngồi như thế mới nên ngồi. Mà ngồi như thế cần phải có sự luyện tập. Đâu phải do “chỉ cần ngồi” mà mình ngồi được như thế? Nếu ngồi có nghĩa là thực tập chánh niệm và an lạc trong khi ngồi thì ba tiếng chỉ cần ngồi mới thật sự có ý nghĩa.

 

7. Về thái độ chống đối  thiền tập có hướng dẫn

Có những bạn có thói quen ngồi thiền im lặng, cho nên khi nghe chuông và tiếng nói trong giờ thiền tập họ lấy làm khó chịu và vì vậy có thái độ chống đối việc thiền tập có hướng dẫn. Họ cảm thấy họ mất bớt an lạc khi tham dự vào một buổi thiền tập có tiếng nói và có tiếng chuông. Điều này dễ hiểu. Trong khi ngồi thiền im lặng, hành giả đạt được sự lắng dịu của thân tâm và do đó cảm thấy nhẹ nhàng hơn, an lạc hơn, và trong trạng thái nhẹ nhàng và an lạc đó, họ không muốn bị khuấy động. Tuy nhiên, nếu chỉ bằng lòng với trạng thái lắng dịu đó của thân tâm, hành giả sẽ không đi xa được và sẽ không thể chuyển hóa được những nội kết còn nằm ngủ dưới đáy tâm thức. Có nhiều người ngồi thiền chỉ để lánh mặt những phiền toái và nhiêu khê của cuộc đời, như một con thỏ nằm trong hang để tránh những người thợ săn, hoặc những người ngồi trú ẩn trong một cái hầm để tránh bom đạn. Cố nhiên trong những lúc ngồi thiền như thế ta có cảm giác an ninh và được che chở, nhưng ta không thể trốn tránh như vậy mãi. Ta phải làm cho ta cứng cáp, và mạnh khỏe ra để trở lại với cuộc đời và như thế mới có thể giúp đỡ vào việc chuyển hóa cuộc đời. Trong thiền tập có hướng dẫn ta cũng có cơ hội tiếp xúc với những gì màu nhiệm trong ta và xung quanh ta để được nuôi dưỡng và để có thêm an lạc. Rồi ta được dịp quán chiếu tâm ý, gieo trồng những hạt giống tốt, làm lớn mạnh những hạt giống ấy để làm phương tiện chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau trong ta. Sau hết ta cũng được hướng dẫn để đối diện với những niềm đau nỗi khổ đó để chuyển hóa chúng.

Thiền hướng dẫn không phải là một cái gì mới có mà đã có ngay trong thời gian Bụt còn tại thế. Chúng ta đọc những kinh như Kinh Giáo Hóa Người Bệnh (Tăng Nhất A Hàm, phẩm 51, Kinh số 26 hoặc Majjhima Nikaya, Kinh số 143) thì rõ. Kinh này ghi lại bài thiền tập hướng dẫn mà thầy Xá Lợi Phất sử dụng để hướng dẫn ông Cấp Cô Độc thực tập trong khi ông còn nằm trên giường bệnh. Thầy Xá Lợi Phất đã hướng dẫn ông Cấp Cô Độc thực tập từ từ cho đến khi ông chuyển hóa được sự sợ hãi về cái chết. Kinh An Ban Thủ Ý cũng là một kinh dạy thực tập thiền theo phương pháp thiền hướng dẫn. Vì vậy không có lý do gì chúng ta lại có thái độ không thiện cảm với thiền hướng dẫn. Thiền hướng dẫn đã nằm ngay trong truyền thống đạo Bụt từ buổi đầu.

Chúng tôi tin chắc những bài thiền tập có hướng dẫn trong sách này sẽ giúp được rất nhiều hành giả. Đối với nhiều người, nhờ những bài thiền tập có hướng dẫn này, thiền đã trở nên một cái gì rất cụ thể, không còn mơ hồ nữa. Các đề tài thiền tập trong sách này được rút ra từ các thiền kinh căn bản trong đạo Bụt nguyên thủy cũng như đạo Bụt đại thừa, tất cả đã được thực tập và kiểm chứng trước khi đưa ra chia sẻ với đại chúng. Nhờ tính cách hệ thống hóa của chúng mà những bài thiền tập này sẽ có thể mở ra một kỷ nguyên mới cho sự thiền tập.

 

8. Hơi thở, tiếng chuông, câu hướng dẫn và lời thu gọn

Trước tiên, người hướng dẫn thiền tập thức chuông để làm đại chúng chú ý. Người ấy để cho năm hoặc sáu giây trôi qua trước khi đọc lên rành mạch hai câu hướng dẫn.

Ví dụ bài tập số bốn
Thở vào, tôi thấy tôi là bông hoa
Thở ra, tôi cảm thấy tôi tươi mát
Sau đó, người ấy đọc lên những lời thu gọn:
Là hoa/tươi mát
Rồi người ấy thỉnh một tiếng chuông, rõ ràng và rành mạch cho mọi người bắt đầu thực tập. Sau khi đã thực tập hoặc 5 lần, 10 lần, 15 lần (hoặc có khi nhiều hơn) thở vào và thở ra, người ấy lấy lại nhịp chuông (nhịp chứ không phải thỉnh, để tránh làm đại chúng giật mình), để cho 5 hoặc 6 giây trôi qua, rồi đọc lên hai câu kế tiếp của bài tập.
Có những bài tập trong đó hơi thở vào và hơi thở ra là đối tượng thuần túy của chánh niệm và chánh định.
Ví dụ từ bài tập số 2
Thở vào, tôi biết tôi thở vào
Thở ra, tôi biết tôi thở ra
Có những bài tập khác, hơi thở chuyên chở một hình ảnh, và hình ảnh này được quán tưởng và duy trì trong thời gian hơi thở ấy. Hình ảnh kia được phối hợp chặt chẽ với hơi thở ấy.
Ví dụ từ bài tập số 4
Thở vào, tôi thấy tôi là núi
Thở ra, tôi cảm thấy vững vàng

9. Thở theo tiếng hát và tiếng nhạc

Trong sinh hoạt tập thể, mỗi khi bắt đầu các buổi pháp thoại, pháp đàm hay hóa giải nội kết, mọi người có thể thực tập hơi thở theo tiếng hát hoặc tiếng nhạc. Có một số bài tập như bài “Quay về nương tựa” hay bài “Vào Ra Sâu Chậm” đã được làm thành bài hát, và chúng ta có thể cùng thở với nhau theo những bài hát đó. Chỉ cần một người hát thôi, và tất cả đều thở và quán chiếu theo bài hát ấy. Ví dụ khi bài “Quay về nương tựa” được hát thì đại chúng thở vào khi nghe câu đầu và thở ra khi nghe câu thứ hai:

Quay về nương tựa (thở vào)
Hải đảo tự thân (thở ra)
Bụt là chánh niệm (thở vào)
Soi sáng xa gần (thở ra)

Người hát có thể vừa hát vừa đưa tay phải lên làm dấu hiệu. Bàn tay đưa lên ngực là dấu hiệu thở vào, bàn tay từ ngực đưa ra là dấu hiệu thở ra. Mọi người theo bàn tay ấy để thở và quán chiếu. Hát xong bài hát, người hát có thể tiếp tục tập trở lại một lần thứ hai, lần này chỉ hát trong tâm và làm dấu hiệu “thở vào thở ra” bằng bàn tay mình. Đại chúng cũng thực tập như thế, theo dõi bài hát trong tâm và theo dõi dấu hiệu của bàn tay để thở và quán chiếu. Trong trường hợp có nhạc khí, đại chúng theo dõi bài hát bằng tiếng nhạc để thực tập và quán chiếu, tuy nhiên cũng cần có người làm dấu hiệu “thở vào thở ra” bằng bàn tay. Người này đứng ở vị trí mà tất cả đại chúng đều có thể trông thấy.