Có người đứng đó cho tình thương sâu

Thầy muôn vàn thương kính,

Mùa xuân đang dần dần biểu hiện. Mưa lất phất bay mỗi sớm, tiết lạnh giao mùa làm hơi trà nóng bay lên như làn khói mỏng. Cây hoa trà qua bao mùa mưa nắng vẫn thầm lặng trổ bông bên dưới thất Lắng Nghe. Thời gian vẫn đếm nhịp thoi đưa, và đây đã là mùa xuân thứ ba Thầy biểu hiện thành đám mây trắng thong dong, thành vòm lá xanh thăm thẳm trên nền trời, thành gốc cây thông sừng sững giữa núi đồi bát ngát. Lời tạm biệt với “người thương” dẫu có nghẹn ngào, khoảnh khắc chia tay với sắc thân Thầy dẫu có bao nhiêu bịn rịn nhưng đã nguyện làm học trò của Thầy ở đời này và nhiều đời sau nữa, con dặn mình tập nhìn cho sâu, tập một cái nhìn “vô tướng” để biết “nuôi” Thầy trong con.

Thầy ơi,

Chiều nay, thiền hành từ hồ Bán Nguyệt lên thất Lắng Nghe, con đã bước những bước chậm rãi, nhẹ nhàng in dấu trên những bước chân Thầy ngày xưa, và thấy Thầy bước cùng con trong mỗi bước chân – hơi thở. Con cũng  thấy được mùa mưa, mùa lũ nước dâng ở Huế và thấy cả những tia nắng ấm trong từng bông hoa chớm nở suốt con đường dẫn con đến thất của Thầy. Thầy ơi, con đã luôn nghĩ rằng có một con đường dẫn đến hạnh phúc và phải đi đến cuối đường mình mới hết khổ. Con đã luôn vội đi để mà đến, đã luôn mong cầu tìm thấy bình an ở nơi xa xăm nào đó. Thật may trong hành trình đi tìm “bản lai diện mục”, con có “tay Thầy trong tay con” để con biết được “an ở nơi này, an khắp mọi phương”. Lạy xuống, năm vóc sát đất, toàn thân nằm yên để thở như một em bé 5 tuổi, con thấy mình được tình thương và lòng từ của Thầy ôm ấp. Con biết “buông xuống được là hạnh phúc tức thì”, con lạy xuống và nằm yên, để “em bé” trong con được thưởng thức năng lượng thương yêu của Thầy.

Thưa Thầy,

Thầy có dạy “quyền lực đích thực” là một trái tim rộng mở biết thương yêu, mà học thương mình cho sâu sắc cũng khó thiệt là khó. Bao nhiêu tập khí nhiều đời quấn quanh con như dây leo mọc dại, đã có khi mắt con chỉ thấy được những điều mình dở. Thành ra chỉ tập thương mình cho thật hết lòng, tập cho thân tâm con hoà cùng một nhịp thở êm ái cũng cần biết bao nhiêu kiên nhẫn. Như người vụng về làm xiếc, con cheo leo đi cho trọn một hơi thở vào và một hơi thở ra mà chực muốn rơi xuống không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần mà ý nghĩ dẫn con đi xa, con lại thấy Thầy cười thật hiền ở đó, chờ con đếm lại từ đầu từng hơi thở chánh niệm. Dần dà, con đã biết “thở cho Bụt về”, thở cho thấy Thầy trong từng hơi thở nhẹ. Vậy là con không chỉ “ăn mừng” ngày tiếp nối của Thầy, không chỉ nhớ tới Thầy khi tới ngày kỵ giỗ, con sẽ tập sống sao cho ngày nào cũng “ăn mừng” sự sống và thấy Thầy thật rõ mỗi giây phút ở hiện tại nhiệm màu. Con sẽ tập thương mình, thương người dễ thương và tập thương cả những người khó thương để “đưa Thầy về tương lai”. Và con biết: “Có cây ngô đồng cho chim phượng đậu. Có người đứng đó cho tình thương sâu”.

Thầy kính yêu,

Thầy đang dạo chơi ở cõi nào thế? Thầy có đang viết cuốn sách nào mới không? Thầy có đang dịch bộ kinh nào không? Thầy đi thiền hành buổi sáng có mang đủ áo ấm không? Thầy có nhớ những bông hoa cải, nhớ mùi ngò gai không? Cái thấy của con hạn hẹp, mà con thì có muôn vàn câu hỏi như vậy, Thầy có buồn cười con không? 

Mỗi lần bên bếp cơm chiều, thái cây măng và mớ ngò gai, con đều ước ở lần biểu hiện mới, dù là làm một bông hoa nhỏ hay ngọn cỏ xanh mát, con sẽ gặp lại Thầy để được nương tựa vào trí tuệ, từ bi và tình thương thênh thang của Thầy, như lời Thầy dặn: “Nắm lấy tay tôi, em sẽ thấy chúng ta đã cùng có mặt tự ngàn xưa trong hiện hữu nhiệm mầu”. Thầy sẽ đồng ý với con, phải không Thầy?

Con của Thầy,

Huyền Dương